Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Khi Vợ Bị Ốm - Thiên Lý

Khi Vợ Bị Ốm

Thiên Lý

---oo0oo---

 

Như nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi sống trong khu phố, gia đình nhỏ của bà cũng chỉ có hai người vào ra lặng lẽ. Có điều họ khác với ông bà ở chỗ là những ngày lễ lớn, gia đình họ lúc nào cũng vang tiếng nói cười vui vẻ trong ngày tiệc tùng, đoàn tụ hay rộn ràng khách khứa. Riêng ông bà thì ngày nào cũng như ngày nấy, bình thường theo một công thức toán khô khan. Ông đã vào tuổi hưu nhưng vẫn còn đi làm thợ sửa chữa vặt cho một phòng tập thể dục gần nhà, sáng bảy giờ rưỡi xách ô đi, chiều bốn giờ lại cắp ô về, đều đặn mỗi ngày không thay đổi. Còn bà thì làm việc trong nhà bếp của bệnh viện. Họ có hai đứa con, một trai, một gái, chúng ở rất xa ông bà. Cậu con trai lớn có một đứa con gái lên năm, do thích làm ăn buôn bán đồ biển nên gia đình nó dọn lên tận Alaska. Còn đứa con gái một nách ba con nhỏ, bận rộn thế mà cả vợ lẫn chồng lại đèo bồng công việc “Travel Nursing”, chúng mới chuyển đến Hawaii làm việc mấy năm nay, nghe nói lương hậu lắm. Ông bà có nhớ con thương cháu mấy cũng chẳng thể nào đi thăm chúng được, chỉ nhìn thấy chúng qua “face time” hàng tuần.


Cuộc sống buồn lặng trong căn nhà có hai người lắm khi cũng có những cơn gió bão thổi qua làm nước thủy triều dâng cơn giận dữ, ngập lụt nước mắt. Phần lớn là gió bão từ ông mà đến và thủy triều cũng tự ông làm ra để người chịu đựng cơn lụt ướt át nhầy nhụa là bà. Thú vui của ông là thích đi “yard sale shopping” hàng tuần, và thích bày bừa các thứ mua được ra nhà ngồi mân mê sửa chữa, lắp ráp. Những thứ ông mua thường là đồ điện, đồ nghề thợ máy, các loại máy in, máy computer, máy chụp ảnh, loa... Bà thì hay dọn dẹp nhà cửa vào ngày cuối tuần, nhìn cái garage một xe hơi nhỏ hẹp ngày càng chật thêm những đồ đạc ông tha về, bà than phiền về sự bừa bãi và yêu cầu ông chấm dứt “yard sale shopping.” Bà thích sự ngăn nắp, sạch sẽ bao nhiêu thì ông lại chuộng bày biện bấy nhiêu, chỉ có vậy thôi mà sóng gió cứ nổi lên hoài. Có những lúc không kềm được tức giận vì sự lải nhải của bà, ông quát lên: “Được, tôi sẽ trả lại sự ngăn nắp cho nhà bà” rồi xách hết đồ đạc bỏ đi mấy đêm liền. Thấy ông bỏ đi thì bà sợ, liền xuống nước gọi phone năn nỉ nhưng ông không bao giờ trả lời, nhiều khi bà phải kêu cứu con gái giúp bà trong việc năn nỉ ông về. Lần nào cô con gái cũng bảo: “Sao mẹ cứ chọc tức bố làm chi, tính bố bừa bãi bao nhiêu năm nay rồi, mẹ chịu được mà, bây giờ mẹ lại đổi ra cằn nhằn, con chẳng biết làm sao.” Có được vài lần nó an ủi bà: “ Mẹ cứ để cho bố đi xem được bao lâu, càng năn nỉ bố càng được thể. Mẹ lo cho bản thân mẹ thôi ”. Nhưng tính bà không cứng rắn được như con gái, nên dù con có dặn bà thế nào bà vẫn tìm mọi cách kêu ông về.

Mấy năm sau này, sức khoẻ bà trên đà sa sút thấy rõ. Mỗi khi trời sang thu bà hay bị bịnh cúm ho, có khi bị sưng phổi mặc dù năm nào bà cũng lo đi chích ngừa cúm rất sớm. Năm nay bà bị đau nguyên cánh tay trái vì phải khiêng vác nhiều bao thức ăn nặng mỗi khi xe thực phẩm đến giao hàng cho nhà bếp. Tay chưa kịp chữa lành thì một ngày cuối tuần ở nhà trong lúc lui hui quét dọn, bà bị vấp đồ nghề của ông bày trên sàn nhà làm bà té lăn quay. Cái vai đau va mạnh vào góc cạnh bàn thêm đau buốt khiến bà không thể đứng lên được. Giữa lúc bà quằn quại trong cơn đau thì ông lại gắt gỏng: “ Bà đi đứng sao không nhìn trước nhìn sau gì hết vậy, đồ đạc người ta bày giữa nhà mà vẫn đạp lên cho té.” Nghe tiếng ông gắt, bà cảm thấy càng đau hơn và tức tối rên la. Ông vẫn vô tình tưởng bà nằm ăn vạ, nên càng gay gắt: “Thôi chứ bà, ngồi dậy đi, già rồi đừng có giở trò trẻ con ra hờn dỗi ”. Bà ngừng rên, bặm môi cố nén đau ngồi dậy, chợt bà thấy đầu nhức, tim đập nhanh và hơi thở đứt quãng. Thân bà như trôi bồng bềnh trong cơn đau, bà mơ màng nghe tiếng ông gắt gỏng nhỏ dần và mọi thứ trước mắt bà cứ mờ mờ ảo ảo...Rồi bà không còn biết gì nữa.

***


Bà giật mình tỉnh dậy khi cảm nhận sức nóng đang lan trong cơ thể với cái đầu đau buốt lại thêm chóng mặt. Bà nghiêng mình qua bên trái, cơn nhức nhối từ bả vai chạy dài xuống tận những ngón tay như muốn co quắp lại. Bà quay sang bên phải, cánh tay vướng víu những sợi dây truyền nước biển và ống thở oxy, nhướng mắt nhìn quanh, chợt thấy ông đang ngồi ngủ gà, ngủ gật trên cái ghế ở góc phòng. Một nỗi thương cảm dậy lên trong lòng bà. Bà mấp máy môi gọi ông: “ Ông xã..” Tiếng gọi của bà tan loãng trong tiếng máy đo “heart rate”, bà gọi thêm lần nữa, chỉ mỗi mình bà nghe. Nước mắt bà chợt ứa ra thất vọng, mình yếu đến thế này sao, gọi chồng còn không được thì làm gì bây giờ. Một cô y tá xuất hiện đúng lúc, cô nói như reo:
- A, bà tỉnh rồi, bà thấy trong người ra sao?
Bà gật đầu thều thào:
- Tôi đau đầu quá cô à.
Cô y tá nhìn máy đo tim nói:
- Nhịp tim bà còn nhanh quá, bà có vẻ sốt nữa, để tôi đo nhiệt độ cho bà.
Nói rồi, cô y tá lấy ống đo nhiệt độ đặt vào miệng bà. Vừa lúc ông đứng dậy, bước đến bên bà hỏi giọng lo lắng:
- Bà sao rồi, có đỡ tí nào không? Tôi hối hận quá, không biết bà đau đến độ ngất đi...May mà còn đến bệnh viện kịp...
Tiếng cô y tá ngắt lời ông:
- Bà đang bị sốt cao 100.8, áp huyết máu cũng cao, để tôi báo cáo với bác sĩ sẽ cho bà thuốc nhé!
Rồi cô quay đi, ông tiến đến gần giường bệnh hơn, đặt tay lên trán bà:
- Trời ơi bà nóng quá, trong người đau lắm không?
Bà gật đầu nói nhỏ:
- Mấy giờ rồi, ông xã về nhà nghỉ đi mai còn phải đi làm nữa.
- Để chờ xem bác sĩ bảo sao đã, còn sớm mà.
Vừa nói ông vừa lật cái mền trên người bà sang một bên, rồi tiếp:
- Bà đang sốt thế này thì bỏ bớt mền ra, đừng đắp nhiều quá.
Bà đưa tay giữ lấy cái mền ấp úng:
- Em...thấy lạnh.
Ông cằn nhằn:
- Lạnh gì lúc này bà chỉ tưởng tượng, nào đắp một cái mền mỏng thôi.
Cô y tá trở lại đem cho bà hai viên Tylenol uống, sau đó cô rút ba ống máu từ tay bà đem đi thử. Cô nói vì bà đang sốt, nhịp tim lại cao, oxygen thấp nên họ sẽ giữ bà lại để theo dõi. Bà sẽ được chuyển lên lầu, rồi cô đưa cho bà bộ đồ của bệnh viện bảo bà thay trước khi có người xuống giúp bà chuyển phòng. Ông đỡ bà dậy đi thay đồ, bà nói bà tự làm được, bà giục ông về nhà nghỉ sớm để mai đi làm. Ông vẫn không chịu về, loanh quanh trong phòng chờ bà... Một lát sau, một anh chàng y tá trẻ đẩy xe lăn đến, anh chàng thu dọn áo quần của bà bỏ vô trong cái bao nylon có đề sẵn tên bệnh nhân, anh ta bảo ông đỡ bà ngồi lên xe để anh ta đẩy bà lên lầu. Ông nhanh nhẹn làm theo lời anh y tá và đi theo xe.
Phòng của bà nằm ở tầng bốn cuối hành lang. Phòng sạch sẽ chỉ có một giường, một TV gắn trên cao. Có hai cái ghế dựa và một cái ghế bành to. Có phòng vệ sinh riêng ngay cửa ra vào bên tay trái. Khi bà đã nằm yên trên chiếc giường, ông mới nắm tay bà xoa nhè nhẹ bảo:
- Thôi, biết phòng bà nằm ở đây rồi tôi về nhé, sáng mai tôi ghé qua sớm thăm bà.
Bà mệt mỏi gật đầu nhìn theo cái dáng gầy guộc của ông đi khập khiễng theo mỗi bước chân. Bà chợt nhớ ra là chân ông cũng đang bị đau. Ông có khoẻ gì hơn bà đâu.

Cơn đau hành hạ bà suốt cả đêm, bà thấy chóng mặt buồn nôn, người nóng sốt. Trong trạng thái nửa mơ nửa tỉnh, bà thấy mình đang đi vào một vùng tối sâu thẳm, văng vẳng chung quanh là những tiếng khóc, tiếng rên. Sau đó bà lạc vào nơi chan hoà ánh sáng, có đèn hoa rực rỡ, người qua lại đông vui. Ở nơi này, bà tình cờ gặp lại cha mẹ mình. Một cuộc gặp gỡ đầy nước mắt, bà ôm chầm lấy cha mẹ chẳng nói được lời nào, một lúc sau mẹ bà mới hỏi: “Mấy chục năm nay con sống hạnh phúc không? Chồng con tốt với con chứ ?” Bà ngạc nhiên trước câu hỏi của mẹ. Ôi, bao nhiêu năm rồi từ ngày bà lấy chồng, bây giờ mới được nghe mẹ mình hỏi về hạnh phúc. Hạnh phúc ư, bà cười mếu máo, con chỉ thấy hạnh phúc với những đứa con thôi. Nay các cháu đã lớn, mỗi đứa một cuộc sống riêng, hạnh phúc còn lại của con là vui với những gì mình đang có. Mẹ bà cười hiền từ: “Ừ thế cũng được con nhỉ, thôi con về nhé, bố mẹ phải đi đây.” Bà nắm tay mẹ: “Cho con theo bố mẹ với. ” Mẹ bà ngoắc tay: “ Con chưa đi theo bố mẹ được, ở lại lo cho chồng, nương nhau mà sống đến già.” Bà nức nở: “ Không mẹ ơi con sống như vậy đủ rồi... đủ rồi... đủ rồi..” Tiếng đủ rồi lẩm bẩm trên môi khiến bà tỉnh giấc, cơn đau thể xác như càng gia tăng với cơn sốt. Nhắm mắt, bặm chặt môi cố dằn cơn đau xuống, bà bỗng thấy thương mẹ mình trong những năm đau ốm sau năm 1975 khi còn ở quê nhà. Với nền y tế lạc hậu thời đó làm gì có thuốc giảm đau trợ giúp, mẹ bà đã can đảm nhắm mắt chịu đau cho đến ngày cuối cùng. Bây giờ bà nằm đây, trong phòng bệnh đầy đủ tiện nghi này có thuốc giảm đau liều cao bà vẫn không chịu nổi cái đau như đang rứt từng thớ thịt trên người. Bà lại miên man nghĩ đến cuộc sống cô đơn hiện tại không người thân, không bè bạn, không người đồng hương, không đền chùa chung quanh làm bà ngày càng buồn chán. Đôi khi bà muốn tận dụng thời giờ nhàn rỗi đi theo mấy bà bạn về Việt Nam làm từ thiện cho vui nhưng ông không muốn bà đi Việt Nam và bà thì không thể tự ý làm một việc gì nếu ông không đồng ý. Nỗi buồn bị “phong toả” đã cho bà thêm mặc cảm về cuộc sống không hữu ích của mình. Nghĩ đến đây, bà chợt ao ước nếu được ra đi lúc này thì bà cũng vui lòng vì đã chu toàn bổn phận làm vợ, làm mẹ suốt hai mươi bảy năm giữ cho một gia đình ấm êm hạnh phúc. Chết là hết, bao nhiêu cảm giác đau đớn rồi sẽ chấm dứt, bao nhiêu phiền não trong đời sẽ tiêu tan...Ông nhà bà sẽ tha hồ bày bừa cái nhà, không lo ai cằn nhằn gì ông nữa. Biết đâu chừng vài tháng sau khi bà mất, ông lại tìm được một bà bạn mới lo cho ông nhỉ. Số ông còn đào hoa lắm, lần nào đi hội ngộ khoá cũng có mấy bà độc thân đến bắt chuyện. Những lúc ấy ông thường quên đi sự hiện diện của bà và hào hứng tham gia tán gẫu với các người đẹp. Bà chẳng quan tâm gì mấy đến chuyện ông đi lang thang xã giao. Trong thâm tâm, bà thường nghĩ ông và bà là một sự ráp nối rất gượng gạo từ mối duyên nợ tiền kiếp nào đó.

Hồi ấy, khi ông vừa mới ra tù trong hoàn cảnh hết sức bi đát thì chương trình H.O cũng đang bắt đầu xúc tiến cho những người tù cải tạo trên ba năm được đi Mỹ. Nhờ thông tin đó, ông liên lạc được với anh Huân, một chiến hữu cũ cùng tiểu đoàn Biệt Động Quân với ông khi trước và là người anh họ của bà. Xót thương cho bạn ở cảnh cô độc cũng như cảm thông với mối lo âu của người dì cho đứa con gái út (là bà) đã gần ba mươi mà hãy còn độc thân. Anh Huân hứa giúp ông tìm một người bạn đời trước khi đi Mỹ và anh đem chuyện này bàn bạc với cha mẹ bà. Thế là một cuộc mai mối diễn ra nhanh chóng. Có lẽ một phần do ông tin tưởng anh Huân về tài “quảng cáo” cô em họ và một phần nhìn thấy bà là người “dễ ăn hiếp” nên dẫu lớn hơn bà đến một giáp, ông vẫn không chê bà là con nít. Ông còn tuyên bố rất tự tin rằng; với người con gái như bà, ông có thể “điều khiển” được. Trời ạ, thật vô duyên hết biết...Rồi, chuyện hôn nhân sắp xếp theo ý cha mẹ và anh Huân, một đám cưới đơn sơ vội vàng để ông kịp làm giấy tờ hôn thú và bổ túc hồ sơ...Cha mẹ bà là người vui mừng hơn hết vì đã cho đi một “ trái bom nổ chậm” rất an toàn. Cả họ ai cũng nói bà là: “ Người ngớ ngẩn như con Tâm vậy mà có số đi Mỹ, đúng là thánh nhân đãi kẻ khù khờ.” Dạo đó, bà đâu có thiết tha gì đến đi Mỹ, bởi bà còn bận rộn lo chuyện cơm áo giúp cha mẹ hơn là thấu đáo chuyện đi tìm tự do theo lý tưởng của ông. Vả lại bà còn đang nuôi nhiều mơ ước về một người bạn đời tương lai, dĩ nhiên là người mơ đó không giống như ông rồi.
Ngày theo ông về căn chòi nhỏ, bà thấy lo lắng và sợ sợ làm sao, chỉ nhìn khuôn mặt nghiêm nghị và nghe giọng nói cứng rắn khô khan như ra lệnh là bà mất cảm tình với ông. Bà thấy tủi cho phận mình, chưa đến ba mươi mà đã mang tiếng ế, cha mẹ phải vội vàng gả cho một người chưa qua một lần quen biết, trong khi ông đã bốn mươi, lại nghèo, chỉ có cái “mác” sắp đi Mỹ thôi mà vẫn còn lấy được vợ. Ông trời thật ưu đãi cho nam giới, bất công nằm trong cả chuyện hôn nhân.

Ông là người chồng có máu chỉ huy (đã từng là tiểu đoàn trưởng mà) thích điều binh khiển tướng mọi việc trong nhà theo ý ông. Cuộc sống quân đội cho ông tính kỷ luật cao trong cung cách làm việc ngoài xã hội cũng như giữ vững tư cách đạo đức trong đời sống lương thiện. Song, ông lại rất cẩu thả việc nhà, thờ ơ với vợ con. Thời gian đầu về làm vợ ông, bà rất buồn vì tính độc tài, khô khan, nói chuyện cộc lốc, khi bực mình thì hay lớn tiếng la lối làm bà tủi thân khóc hoài. Ông lạnh lùng, chẳng bao giờ biết dỗ dành, bà khóc chán thì thôi. Nhiều khi bà phải tự dỗ mình để vui sống, vốn là người thụ động, an phận, ông bảo sao thì nghe vậy, không bao giờ muốn tranh cãi. Nếu có cãi cũng không thể nào thắng được ông, một người ăn to nói lớn và lý luận đầy mình ...Nhưng rồi, mọi việc đều thay đổi khi thằng con trai ra đời, nó là một niềm vui lớn và là nguồn an ủi vô biên cho bà, là sợi dây siết chặt tình nghĩa vợ chồng vào bổn phận, trách nhiệm. Giòng nước tình cảm giữa hai người nhân đó cũng lan rộng ra. Nhất là hằng đêm, bà được nghe ông kể lại những kỷ niệm gian truân về đời lính, những năm tháng tù đày, những lần vượt trại bị bắt, bị cùm, bị đánh đập. Bà buồn theo câu chuyện, bà đau với nỗi đau của ông và cả cho biết bao chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà đã hy sinh tuổi trẻ để bảo vệ miền nam đến giờ phút cuối cùng. Khi súng đã hạ, quân đã tan, miền nam đã rơi vào tay cộng sản. Chồng bà, anh Huân và bao nhiêu người chiến sĩ ấy đã phải trả giá cho sự hy sinh vì chính nghĩa trong cảnh tù đày. Qua câu chuyện, bà cảm phục ông như một người hùng với sự chịu đựng bền gan không cùn lý trí dưới một chính thể bạo tàn...Càng nghe bà càng thấy thương ông nhiều hơn...
Tiếng cell phone reo nho nhỏ kéo bà về thực tại, bà trườn người lên với cái phone, ông gọi đây mà, bà mệt mỏi trả lời:
- Ông xã hả, có gì không anh?
- Bà thấy sao rồi?
- Em vẫn còn đau hết cả người đây.
- Có đói không? Muốn ăn gì không, sáng tôi nấu đem vô cho bà.
Bà cảm động giọng run run:
- Nấu... cho em bát cháo hành, bỏ tí gừng vô cho thơm nhé.
- Ừ, có muốn gì nữa không?
- Dạ ..thôi.
- Bà ngủ được không?
- Em đau quá, ngủ cứ chập chờn. Còn ông xã, khuya rồi sao chưa ngủ đi?
Giọng ông ngập ngừng :
- Tôi ngủ không được, mới có... hai tối mà... nhớ bà quá!
- Thôi đừng giỡn nữa, nói làm em thêm đau quá đây nè.
- Tôi nói thật mà giỡn cái gì.
- ....
- Hello, bà ơi.
- ...
- Hello, bà còn đó không?
- Em ngủ rồi... Giọng bà đứt quãng
- Bà khóc hả?
- Dạ....Y tá ...đến lấy máu.
- Ừ vậy thôi nhé, nghỉ ngơi đi, mai tôi đem cháo cho bà.

***


Bà bị đánh thức dậy sớm bởi người y tá xét nghiệm vào lấy hai ống máu từ trên mu bàn tay bà đi thử. Bà nhìn đồng hồ, năm giờ sáng. Bình thường ở nhà giờ này bà đã dậy chuẩn bị đi làm rồi. Bà vịn thành giường cố ngồi dậy, cơn choáng váng bắt bà phải nằm xuống lại, bà thấy tay chân mình run rẩy và cái lạnh thấm vào cơ thể. Cô y tá xuất hiện thay bình nước biển khác, bà xin cô cho bà thuốc giảm đau. Cô bảo sẽ đem Motrin cho bà nhưng bà phải ăn chút gì trước khi uống thuốc, cô hỏi bà có muốn ăn đỡ mấy cái bánh lạt không để cô đem vào luôn. Bà nói:
- Cám ơn cô, tôi không quen ăn bánh lạt, cô cứ đem thuốc cho tôi, khi nào chồng tôi đem thức ăn đến tôi ăn rồi sẽ uống sau.
Cô y tá vừa quay đi thì ông đã xách giỏ đồ ăn vào. Ông tươi cười chào bà:
- Good morning bà. Có cháo nóng cho bà đây.
Thấy ông, bà như tỉnh hẳn, cơn đau tự nhiên cũng dịu xuống. Bà cố ngồi dậy nói giọng vui vui :
- Ồ, may quá em đang cần ăn để uống thuốc.
- Thế à, thì cháo đây. Vừa nói, ông vừa mở giỏ đồ ăn lấy tô cháo bự để lên bàn, ông đưa bà cái muỗng và khăn giấy rồi giục:
- Đây, bà ăn đi cho nóng.
Bà nhìn tô cháo bự chợt cảm giác ngan ngán, liền hỏi:
- Sao ông xã nấu nhiều quá vậy, em ăn đâu có hết nổi.
- Gì mà không hết, cháo lỏng bà húp vô rồi đi thải ra chứ có no nê gì mà sợ không hết. Ăn đi!
Ông mở nắp tô cháo, mùi củ cải dậy lên làm bà hơi thất vọng, bà đang mong đợi một bát cháo thơm hành và gừng. Ông lại bỏ củ cải khô vào nấu, không có tí hành nào, cháo có màu đỏ, bà hỏi, ông xã bỏ gì vào cháo mà đỏ vậy? Ông bảo ông nấu với nước củ dền trong hộp cho ngọt. Bà thở dài ngao ngán, cố nuốt muỗng cháo đầu tiên, bà biết bao giờ ông cũng làm theo ý ông. Bà nhớ lại những lúc ông dùng củ cải phơi khô nấu canh súp hoặc nấu phở, bà có nhắc nhở ông đem rửa trước khi bỏ vào nồi thì ông gắt gỏng bà, việc gì phải rửa, bỏ vào nồi nấu là nó chết vi trùng rồi. Củ cải phơi khô mấy ngày xong ông cất ngay vào lọ nhựa, chẳng rửa, chẳng sấy như mẹ bà ngày xưa vẫn thường làm. Vì thế, bà không thích ăn những món ông nấu với củ cải nhưng bây giờ bà đâu có sự lựa chọn nào khác, bà phải cố ăn cho ông vui. Tô cháo tình nghĩa, mặn muối nhiều hơn là ngọt củ dền và củ cải như ông nghĩ. Bà không dám nói gì chờ đến khi ông hỏi:
- Bà ăn được không?
Bà ngập ngừng:
- Dạ ... cháo ... mặn ông xã à.
- Thôi chết, tôi lỡ tay nêm nhiều muối quá.
Chắc thấy bà có vẻ ngán món cháo, ông lấy ra hộp bánh Pecan pie nhỏ bảo bà ăn, ông biết bà thích ăn ngọt, bà lắc đầu. Ông lôi thêm ra hai gói “corn chip” sea salt nói dỗ dành:
- Thôi, bà ăn chip này đi vậy, chiều tôi nấu món khác.
Bà cầm bịch chip lên ngó, rồi lại để xuống:
- Em đang đau đâu có ăn được chip này, cứng quá. Hay chiều nay ông xã nấu cho em chén canh súp khoai tây cà rốt nhé, bỏ hành ngò vào cho thơm.
- Ừ, chiều tôi về sớm nấu. Bà thấy trong người thế nào rồi? Còn đau không?
Bà gật đầu, cô y tá bước vào đưa thuốc cho bà, ông nhanh nhẩu chào cô và xã giao vài câu thăm hỏi, ông ngồi chơi với bà một lát rồi đi làm.
Buổi chiều, bà cảm thấy khoẻ ra một chút sau khi đi tắm và bao tử tự dưng đói cồn cào. Nhân viên nhà bếp vừa gọi bà khi nãy hỏi bà có muốn order bữa chiều không. Bà bảo rằng chồng bà sẽ đem thức ăn tới cho bà. Bên ngoài trời đã chạng vạng tối, bụng bà càng lúc càng bị cào xót thêm vì chất acid tiết ra. Ở nhà bà vẫn phải uống thuốc acid reducer mỗi ngày, bà nhìn ra cửa mong cho ông mau tới. Giữa lúc sự mong ngóng cùng với cảm giác thèm ăn hành hạ bà tới cao điểm thì ông vừa tới. Bà không chờ ông mở giỏ mà tự bà đón lấy nó rồi vội vàng lấy thức ăn ra. Bà đang chờ tô súp ngon do ông nấu, nhưng rồi như lúc sáng bà lại thất vọng ngay. Tô súp giống như tô cà rốt luộc với khoai tây không gọt vỏ, cũng chẳng có hành ngò, tiêu gì hết. Ông đơm theo cho bà một chén cơm khô khốc. Bà đang đói, phải ăn trệu trạo vài miếng để trám cái bao tử đang kêu gào. Nhìn bà ăn ông hỏi:
- Bà ăn được rồi đấy, canh đâu có mặn phải không?
Bà cố nuốt muỗng cơm canh nhạt nhẽo trả lời:
- Chắc ông xã quên nêm canh rồi, cơm thì hơi khô.. Sợ ông buồn, bà tiếp- nhưng không sao em ăn được mà.
Bà vừa ăn chầm chậm, vừa tưởng tượng ra bát súp ngọt khoai và thơm hành ngò để cố gắng ăn hết chén cơm canh, vậy mà cũng không hết nổi đành bỏ dở. Bà nói với ông:
- Miệng em sao đắng quá, ăn gì cũng không thấy ngon, muốn ói ra.
- Bà hãy còn đau mà, thôi ăn được bao nhiêu thì ăn.
Rồi ông lấy trong giỏ ra một túi nho và trái chuối đưa cho bà:
- Này, hay ăn nho, chuối đi cho nó ngọt miệng.
Bà vặt nhẹ mấy trái nho ăn, ông bảo bà ráng khoẻ về nhà sớm với ông. Ông kể chuyện con mèo ở nhà, mấy hôm nay dường như nhớ bà hay sao mà nó cứ vào ra kêu meo meo. Sáng hay tối cũng nằm trước cửa phòng đợi bà. Nhắc đến con mèo, bà mới nhớ ra là bà chưa thay tro mèo một tuần rồi, chắc chắn là ông không để ý việc này giúp bà. Bà nhắc ông thay tro mèo, ông chặc lưỡi bảo:
- Bà cứ lo chuyện vớ vẩn, lo tịnh dưỡng cho khoẻ đi.
Bà biết thế nào ông cũng gạt đi, một tuần không thay tro mèo thì cái garage hôi ghê lắm. Nhắc ông không được, bà đành im lặng nằm xuống. Ông kể chuyện chỗ làm, chuyện ông tẩy hồ bơi, chuyện sửa chữa, chuyện tranh cãi về phân chia ca tối, ca sáng giữa sếp và nhân viên .. Những câu chuyện của ông đưa bà vào giấc ngủ dễ hơn uống thuốc.

***


Tối qua, bác sĩ cho biết kết quả MRI bờ vai trái của bà không bị gãy xương hay rách bắp thịt mà chỉ bị xưng gân thôi, do bị xưng nên mỗi cử động cánh tay đã làm cho bà rất đau. Bà không bị nhiễm trùng máu, không còn sốt cao, nhịp tim, áp huyết và oxygen đã trở lại bình thường. Bác sĩ cho bà giấy giới thiệu đi tập therapy ba lần một tuần và khuyên bà không nên khiêng vác nặng. Sau đó ông bảo bà sẽ được xuất viện trưa nay, bà vui mừng thấy mình khoẻ hẳn ra. Buổi sáng bà dậy sớm gọi cô y tá hỏi rằng, bà có thể thay đồ bệnh nhân ra được chưa? Cô y tá nói bà vẫn phải mặc đồ bệnh viện cho đến khi nhân viên hành chính hoàn tất thủ tục xuất viện và bà nhận giấy tờ thì mới được thay đồ. Bà xin cô mang cho bà một bộ đồ khác để bà đi tắm. Vào lúc nửa đêm, bà bị chảy máu cam nhiều, không kịp lấy hộp khăn giấy, bà hốt hoảng quệt lung tung nên dính ra ngực áo, còn thấm vào cả áo ngực bên trong một vệt dài. Bà định tắm xong sẽ gọi báo cho ông đến đón bà vào khoảng trưa. Bà vội vã vào phòng tắm rửa, xong xuôi, bà giặt luôn cái áo ngực dính máu rồi máng trên cái móc, bà lẩm bẩm với chính mình không được quên cái áo nhỏ này. Bà tỉnh táo, lòng vui vui kỳ lạ, bước ra ngoài giường bệnh tìm cái phone, bấm số gọi cho ông:
- Ông xã ơi, trưa nay em được về rồi, tới đón em nhé.
- Mấy giờ?
Bà ngập ngừng:
- Ô, em cũng không biết, họ chưa nói.
- Vậy mà gọi, tôi tưởng bà về liền. Thôi chừng nào bà sắp ra khỏi phòng thì gọi cho tôi.
- Dạ, à mà ông xã ơi, chút nữa anh có vào nhớ ghé về nhà mang cho em bộ quần áo sạch em mặc nha.
- Bộ quần áo hôm bà mặc vô cấp cứu đâu?
- Dơ rồi, hôi ình à...
- Có sao đâu, mặc đỡ đi, ngồi trong xe chút xíu là về tới nhà rồi thay. Hôi bao nhiêu tôi cũng chịu được.
Bà thở dài, nói nữa thì ông sẽ đổ quạu, thôi thì mặc lại bộ đồ đó cũng được. Bà định cúp phone, nhưng chợt nhớ ra cái áo ngực ướt. Bà giật mình, chết phải có cái áo trong. Bà liền nói:
- A, ông xã phải mang dùm cho em cái “bra” vào em mặc, cái kia em giặt ướt rồi.
- Ôi giời ôi, thôi đi, tôi không có về lấy đâu, bà đâu cần mặc đâu.
- Sao không cần, cái áo pull mỏng dính à, không mặc “bra” coi sao được. Người ta dòm kỳ lắm, làm ơn dùm em đi.
- Ai mà ngó bà, già rồi.
- Sao không ai ngó, đi bộ từ lầu bốn xuống cửa chính của bệnh viện xa lắm, phải mặc cho đàng hoàng. Ông xã không nhớ có một cô y tá lúc vô chích cho em nói sao với anh hả?
- Nói sao?
Bà nhấn mạnh:
- Cô ta nói vầy nè: “Chúng tôi nói với nhau là chúng ta có một bệnh nhân năm mươi lăm tuổi mà trông bà nhỏ bé và rất trẻ .” Ông xã nhớ chưa, chứng tỏ là họ cũng có chú ý tới bà lão năm mươi lăm này lắm đó.
- Thì so với mấy bà Mỹ mập bự họ nói bà nhỏ là đúng rồi, còn cãi vào đâu nữa. Bà sợ họ dòm thì lúc đi xuống khoác cái áo len vào.
- Trời ơi, bên ngoài chín mươi mấy độ mà ông xã biểu mặc áo len cho người ta tưởng mình điên.
- Thôi, bà cứ lằng nhằng mãi, tôi không đem cái “của nợ” ấy vào đâu.
Bà nói giọng giận dỗi:
- Không mang thì thôi, em biết không bao giờ em nhờ ông xã việc gì mà anh làm hết.
Nói rồi bà cúp phone. Bà trở vào phòng tắm xăm xoi cái áo nhỏ, ráng vắt kiệt nước để cho nó mau khô. May sao, thủ tục xuất viện làm cũng khá lâu, nên khi bà vừa nhận giấy thì cái áo ngực chỉ còn ẩm một chút. Bà lẩm bẩm, phải mặc đại thôi, rồi hấp tấp thay đồ và gọi cho ông.
Ông vừa đậu xe trước nhà là bà vào ngay garage xem cái thau tro mèo, đúng như dự đoán của bà, mùi hôi thối xông ra, bà vội vàng kiếm cái bao bự để đổ thau tro mèo vào.Vừa mở nắp thau thì một bầy muỗi đen bay ra cùng mùi hôi. Bà nhăn mặt, bịt mũi:
- Khiếp quá ông xã, anh ở nhà mấy ngày nay không chịu thay...
Không để bà nói tiếp, ông giằng lấy thau tro mèo:
- Đưa đây.
Rồi ông bưng ra đổ hết vào thùng rác, bà nói vói theo:
- Ông xã đổ như vậy còn hôi thùng rác thêm nữa .
- Thùng rác nào mà không hôi, bà ngớ ngẩn quá, thôi vào nghỉ đi.
Bà bước vào nhà, cảm giác thư thái nhìn lại căn bếp nhỏ. Song, bà chợt khựng lại khi nhìn thấy cái bồn đầy những chén và chảo dơ. Quay sang cái bếp lò thì thấy nhiều vệt vàng dính đầy hai bên, dưới sàn nhà quanh chỗ ông hay ngồi xem laptop, bừa bãi những đồ điện, đinh, ốc, dây cắm lòng thòng. Trên đầu cái võng, một cái quần của ông máng vất vưởng với một ống trái ra ngoài và một ống phải bên trong. Tiếng ông phía sau bà:
- Bà vào phòng nằm nghỉ cho khoẻ đi.
Bà lắc đầu :
- Em bịnh có năm ngày mà nhà mình sắp thành nhà rác rồi, nhìn nhà mình như vầy em không khoẻ nổi.
Ông buông một câu cộc lốc:
- I know !
Bà thở dài, rón rén men theo những chỗ trống để bước đi, bà sợ bị vấp lần nữa. Vào phòng ngủ, bà nhìn chiếc giường nhàu nát, gối, mền xô lệch rồi nói một mình: Dơ quá, phải thay khăn giường với bao gối. Bên ngoài phòng khách bà nghe ông mở speaker phone nói chuyện với thằng con trai mới gọi lại. Tiếng ông oang oang :
- Mẹ mày mới về tức thì... khoẻ rồi.
- Mẹ nói chuyện được không bố?
- Được, nhưng bố vừa bảo mẹ mày đi nằm nghỉ rồi, mới về là đã muốn bịnh lại.
- Mẹ yếu thế sao bố? Bịnh gì ạ?
- Thì bịnh dọn dẹp chứ bịnh gì ...
Tiếng thằng con trai cười trong máy khiến bà cũng cười theo, nụ cười héo hon lẫn những giọt nước mắt tự nhiên ứa ra.

Thiên Lý
26/7/2015

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Khi Vợ Bị Ốm - Thiên Lý)

Rate this item
(0 votes)