Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Từ SƯ ĐOÀN TRƯỞNG tới TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN - Nguyễn Hữu Thiện

Ăn cơm mới nói chuyện cũ
Từ SƯ ĐOÀN TRƯỞNG tới TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN
 
Nguyễn Hữu Thiện
 
---oo0oo---
 
 

(nguồn: LÝ TƯỞNG Úc Châu, số kỷ niệm Ngày Không Lực 2023)


TIỀN PHI:

Từ ngày các Sư Đoàn Không Quân của quân chủng Không Quân VNCH được thành lập bắt đầu vào năm 1970, đã có có hai cách gọi ông sếp lớn của một sư đoàn không quân: “Sư Đoàn Trưởng” và “Tư Lệnh Sư Đoàn”.

Nhiều người (trong đó có chúng tôi) suy luận như sau: Sư Đoàn Trưởng là danh xưng chức vụ chính thức do Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH quy định, nhưng “phe ta” chỉ sử dụng trên giấy tờ, còn khi nói chuyện, hầu hết thường gọi là Tư Lệnh, cũng giống như các ông Tư Lệnh của Sư Đoàn Nhảy Dù, Sư Đoàn TQLC, các Sư Đoàn Bộ Binh.

Như vậy, xét về lý, gọi như thế (Tư Lệnh) là SAI. Nhưng tới cuối năm 1972 đầu năm 1973, lại trở thành... ĐÚNG.

Được sự khuyến khích của một vị Niên trưởng, chúng tôi viết bài dưới đây, vừa mang tính cách trà dư tửu hậu vừa có mục đích giải tỏa những thắc thắc mắc liên quan tới hai danh xưng chức vụ nói trên.

Từ “Lữ Đoàn Không Quân” tới “Sư Đoàn Trưởng”

Sau cuộc tổng tấn công của Việt Cộng vào Tết Mậu Thân 1968, phía Hoa Kỳ bắt đầu chương trình hiện đại hóa và bành trướng QLVNCH, do MACV, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, và các đại diện quân binh chủng phối hợp soạn thảo kế hoạch.


Phái đoàn đại diện Không Quân do Đại tá Võ Dinh, Tham Mưu Trưởng BTL/KQ cầm đầu, Đại tá Vũ Thượng Văn (VTV) làm phó. Vì Đại tá Võ Dinh bận trăm công nghìn việc, Đại tá VTV tuy chỉ là phó nhưng “lãnh đủ”, phải thường xuyên đi họp (và đấu lý) với Bộ TTM, MACV và các phái đoàn đại diện quân binh chủng bạn.

Phải đấu lý bởi vì, theo lời kể lại của Đại tá VTV, trong các buổi họp nói trên, quân binh chủng nào cũng tìm cách giành ưu tiên, về ngân khoản viện trợ, về mức độ bành trướng, về cấp số đơn vị... cho quân binh chủng của mình.

Chẳng hạn Lục Quân đã nhất quyết đòi làm chủ gần 800 chiếc trực thăng phản lực UH-1 do Lục Quân Hoa Kỳ bàn giao để thành lập những Lữ Đoàn Không Kỵ (Air Cavalry Brigade) trực thuộc Lục Quân. Các vị đại diện Lục Quân lập luận một cách rất đơn giản: trực thăng của Lục Quân Hoa Kỳ thì phải bàn giao cho Lục Quân Việt Nam!

Nhưng đòi hỏi này đã bị MACV bác bỏ ngay; lý do người Mỹ đưa ra cũng rất đơn giản: không có đủ thì giờ, tiền bạc để huấn luyện, tổ chức những Lữ Đoàn Không Kỵ - một cấp đơn vị chưa từng có trong QLVNCH.

Đó là phần hiện đại hóa, sang tới phần bành trướng, khi đại diện KQ trình bày kế hoạch các Không Đoàn Chiến Thuật (Tactical Wing) hiện hữu cùng với các Không Đoàn tân lập sẽ kết hợp thành những Sư Đoàn Không Quân (Air Division), thì các vị bên Bộ TTM phản đối, cho rằng “Sư Đoàn” nghe lớn quá, gọi là “Lữ Đoàn” (Brigade) đủ rồi!

Đại diện của KQ liền phản bác như sau: việc tổ chức các cấp đơn vị trong Không Quân VNCH rập khuôn theo tổ chức trong KL Hoa Kỳ, mà KL Hoa Kỳ thì không hề có cấp đơn vị “Lữ Đoàn Không Quân” (Air Brigade), chỉ có cấp “Sư Đoàn Không Quân” (Air Division), chẳng hạn Sư Đoàn 2 KQ trực thuộc Đệ Thất Không Lực (7th Air Force) đang hoạt động tại Việt Nam.

Cuối cùng, với sự hậu thuẫn của AFAG (Air Force Advisory Group) trong MACV, phe ta đã thắng: Không Quân VN sẽ thành lập các Sư Đoàn Không Quân.

Nhưng không “thắng 100%”. Bởi vì sau đó, Bộ TTM đã “chế” ra một danh xưng chức vụ mới là “Sư Đoàn Trưởng” để gọi vị chỉ huy của các Sư Đoàn Không Quân.

Nói là “chế’ bởi vì trước đó trong ngôn ngữ của người Việt quốc gia không hề có từ “Sư Đoàn Trưởng”, chỉ có Quân Đội Nhân Dân của cộng sản Bắc Việt sử dụng mà thôi (khi nói chuyện họ thường gọi tắt là “Sư Trưởng”).

Dĩ nhiên, đại diện KQ lại phản đối, nhưng vô ích, Bộ TTM là “cha mẹ”!

Thế là khi các Sư Đoàn KQ được thành lập, các ông Tư Lệnh Không Đoàn Chiến Thuật 41, 62, 23, 74, 33 trở thành các ông Sư Đoàn Trưởng của các Sư Đoàn 1, 2, 3, 4, 5 Không Quân (cuối năm 1972 có thêm Sư Đoàn 6 ở Pleiku).

Nghĩa là đơn vị thì lớn hơn nhưng danh xưng chức vụ thì (nghe) yếu hơn!




Giữa năm 1972, tôi được thuyên chuyển từ Pleiku về Biên Hòa, phục vụ tại Khối Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân (BCH/KT&TV/KQ), nơi mà vào năm 1970, ông sếp lớn là Đại tá Từ Văn Bê cũng bị “mất chức” Tư Lệnh (Không Đoàn Kỹ Thuật & Tiếp Vận) để trở thành Chỉ Huy Trưởng (BCH/KT&TV/KQ), một danh xưng mà ông cho là nghe "yếu xìu", cho dù BCH/KT&TV/KQ là một đại đơn vị có cấp số tương đương với Sư Đoàn Không Quân.

Bộ Tư Lệnh Không Đoàn Kỹ Thuật & Tiếp Vận, 1967


Qua năm 1973, tôi thấy anh em bên SĐ3KQ thay phù hiệu Sư Đoàn trên vai áo trái; phù hiệu mới chỉ khác phù hiệu cũ ở con số: số 3 (Ả-rập) được thay bằng số III (La-mã).


“Tư Lệnh” và “Tư Lệnh Bộ”

Cùng với việc con số Ả-rập trên phù hiệu Sư Đoàn được thay bằng số La-mã, còn có một thay đổi quan trọng hơn, đó là danh xưng chức vụ Sư Đoàn Trưởng được Bộ TTM đổi thành Tư Lệnh Sư Đoàn. Có nghĩa là từ nay, việc gọi ông sếp lớn của Sư Đoàn là Tư Lệnh đã trở thành danh chánh ngôn thuận.

Tuy nhiên, vì BCH/KT&TV/KQ của tôi là một đại đơn vị trực thuộc BTL/KQ ở Tân Sơn Nhất, không dính dáng gì tới SĐ3KQ cho nên tôi cũng không biết việc danh xưng chức vụ Sư Đoàn Trưởng đã được chính thức đổi thành Tư Lệnh, hoặc có thể đã nghe bạn bè bên SĐ3KQ kể nhưng không để tâm.

Cách đây ít lâu, tức là gần 50 năm sau, tôi lên một Facebook của QLVNCH, vô tình đọc được “comment” của cựu Đại tá Nguyễn Văn Chín, nguyên Tham Mưu Phó Hành Quân, SĐ4KQ, về hai danh xưng chức vụ Sư Đoàn Trưởng và Tư Lệnh Sư Đoàn, nguyên văn như sau:

“Vị chỉ huy Sư Đoàn KQ ban đầu được mang danh xưng là Sư Đoàn Trưởng và Sư Đoàn Phó, sau được đổi thành Tư Lệnh và Tư Lệnh Phó Sư Đoàn KQ.”

Dù Đại tá Nguyễn Văn Chín không cho biết thời điểm diễn ra việc thay đổi danh xưng chức vụ này, tôi cũng có thể khẳng định chỉ diễn ra SAU KHI cố Thiếu tướng Nguyễn Huy Ánh tử nạn vào tháng 4/1972, bởi vì Phân Ưu của BTL/KQ trên đặc san Lý Tưởng và các bài viết trên Bản Tin của SĐ4KQ khi ấy vẫn còn viết chức vụ của cố Thiếu tướng Nguyễn Huy Ánh và người kế nhiệm, Đại tá Nguyễn Hữu Tần, là “Sư Đoàn Trưởng SĐ4KQ”.



Vì không có cơ hội tìm hiểu nơi các niên trưởng, chiến hữu KQ từng phục vụ trong ngành Tổng Quản Trị (Phòng Nhân Viên, Ban Văn Thư) là những người biết rõ nhất, tôi đã liên lạc với một số nhà sưu tầm về QLVNCH cũng như “len lỏi” vào các website với hy vọng có được câu trả lời chính xác về thời điểm thay đổi danh xưng nói trên.

Qua đó tôi được một nhà sưu tầm cho biết (rất có thể) việc đổi danh xưng chức vụ này diễn ra vào cuối năm 1972 hoặc đầu năm 1973, SAU KHI sau khi Sư Đoàn 6 KQ được thành lập; và việc này (đổi danh xưng chức vụ) diễn ra cùng lúc với việc các con số Ả-rập (1, 2, 3, 4, 5, 6) trên phù hiệu các SĐKQ được đổi thành số La-mã (I, II, III, IV, V, VI).


Cùng với thông tin trên, tôi còn tìm được ba bản photocopy giấy chứng nhận và giấy tờ tùy thân của quân nhân thụ huấn hoặc phục vụ tại SĐ3KQ có ghi chức vụ “Sư Đoàn Trưởng” và “Tư Lệnh” của NT Huỳnh Bá Tính:

1- Giấy Chứng Nhận tốt nghiệp Khóa 3/71 Hạ Sĩ Quan, tổ chức tại SĐ3KQ, của khóa sinh Lê Tấn Sĩ, mở đầu bằng hàng chữ:

ĐẠI TÁ HUỲNH BÁ TÍNH, Sư Đoàn Trưởng SĐ3KQ chứng nhận...

2- Thẻ Sử Dụng Vũ Khí Cá Nhân của Đại úy Nguyễn Ngọc Bình, cấp ngày 11/12/1972, cũng mở đầu bằng hàng chữ:

CHUẨN TƯỚNG HUỲNH BÁ TÍNH, Sư Đoàn Trưởng SĐ3KQ chứng nhận...

3- Chứng Chỉ Tại Ngũ, cũng của Đại úy Nguyễn Ngọc Bình, cấp ngày 1/10/1974, do Đại tá Phùng Văn Chiêu “Thừa ủy nhiệm TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN”  ấn ký.

Sau đó, để “double-check” tôi đã liên lạc với cựu Đại tá Nguyễn Văn Chín để hỏi về việc này, và được Niên trưởng trả lời như sau:

“Anh nghĩ là khoảng cuối năm 1972 và chính thức là từ đầu năm 1973... Anh nhớ Bộ TTM có ra văn thư chính thức thay đổi danh xưng của cấp chỉ huy các sư đoàn không quân, anh có nhận được bản sao để tùy nghi sử dụng (văn thư có nêu rõ danh xưng, quyền hạn, trách nhiệm của các Tư Lệnh Sư Đoàn Không Quân tương đương với các Sư Đoàn Bộ Binh)”

Kèm theo phần trả lời, NT Nguyễn Văn Chín còn gửi photocopy bản sao Nghị định thăng cấp sĩ quan do Đại tá Bùi Quan Khương, Không đoàn trưởng Không Đoàn Yểm Cứ Bình Thủy ký ngày 13/2/1973, phía trên tên của ông có hàng chữ: Thừa ủy nhiệm Sư Đoàn Trưởng.

* * *


Đọc phần trả lời của NT Nguyễn Văn Chín, tôi chợt nhớ lại cũng vào khoảng tháng 2/1973 ở CCKQ Biên Hòa, khi Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính tới chủ tọa buổi tất niên của Bộ Chỉ Huy KT&TV/KQ, ban tổ chức cũng xướng danh là “Chuẩn tướng Sư Đoàn Trưởng SĐ3KQ”.

Sở dĩ tôi không bao giờ quên được buổi liên hoan này vì hôm đó là “một ngày buồn” trong binh nghiệp của ông sếp lớn của tôi: Đại tá Từ Văn Bê. Xin phép được kể lại đầu đuôi như sau.


Vào mỗi dịp tết nguyên đán, BCH/KT&TV/KQ (trước kia là Không Đoàn Kỹ Thuật & Tiếp Vận) đều tổ chức buổi tất niên tập thể cho hàng ngàn quân nhân trong đơn vị, gồm ẩm thực và văn nghệ do các nghệ sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn đảm trách, có năm đích thân “ông bầu” Hoàng Thi Thơ về Biên Hòa điều khiển chương trình.

Trong dịp này, BCH/KT&TV/KQ luôn luôn mời ông Tư Lệnh Không Quân về Biên Hòa chủ tọa, nhưng theo tôi được biết thì chưa bao giờ ông Minh “đù” về mà thường giao cho ông Tư Lệnh Phó Võ Xuân Lành, hoặc ông Tham Mưu Trưởng Võ Dinh đại diện.

Nhưng tới năm 1973, thấy ông sếp của SĐ3KQ là Đại tá Huỳnh Bá Tính đã lên Chuẩn tướng, BTL/KQ liền “bán cái”, cử ông Tính đại diện BTL/KQ tới... chủ tọa!

Trung tá Từ Văn Bê ngày còn mang danh xưng chức vụ “Tư Lệnh KĐKTTV” trong buổi lễ bàn giao F-5 cho KQVN
tại Biên Hòa năm 1967. Phía bên mặt Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ là Trung tá Dương Thiệu Hùng, Tư Lệnh KĐ23CT


Ông Từ Văn Bê vốn nổi tiếng réc-lô và trọng nguyên tắc, cho rằng ông Huỳnh Bá Tính không phải là người của BTL/KQ mà chỉ là một đơn vị trưởng ở Biên Hòa, ngang cơ với mình, thì dù lên Chuẩn tướng cũng vẫn là “hàng xóm” chứ không phải thượng cấp của ông, cho nên ông vừa giận vừa buồn. Giận trước việc làm sai nguyên tắc, và buồn trước sự thiếu tế nhị của BTL/KQ. Càng giận càng buồn thì lại càng... tủi thân trước việc mình vừa bị hụt lên tướng!

[Ông Từ Văn Bê và ông Huỳnh Bá Tính cùng được đề nghị lên Chuẩn tướng nhân dịp Quốc Khánh 1/11/1972, nhưng ông Bê bị rớt đài, phải đợi tới năm sau (1/11/1973) mới được gắn sao]

Thành thử khi vị sĩ quan điều khiển chương trình yêu cầu mọi người (trong đó có ông Từ Văn Bê) đứng nghiêm để chào đón “Chuẩn tướng Sư Đoàn Trưởng SĐ3KQ, đại diện Trung tướng Tư lệnh KQ”, tôi cảm thấy thương tội ông sếp lớn của mình vô cùng!



* * *


Xin trở lại với hiện tại.

Dù không được nhìn thấy văn thư của Bộ TTM mà NT Nguyễn Văn Chín đã nhắc tới, nhưng căn cứ vào những gì Niên trưởng còn nhớ trùng hợp với sự suy đoán của nhà sưu tầm đã nhắc tới ở trên, tôi tạm thời kết luận như sau:

Cuối năm 1972, sau khi SĐ6KQ được thành lập, Bộ TTM đã cho đổi danh xưng chức vụ Sư Đoàn Trưởng trong quân chủng Không Quân thành Tư Lệnh Sư Đoàn; tuy nhiên do các thủ tục hành chánh theo hệ thống quân giai, mấy tháng sau danh xưng Tư Lệnh Sư Đoàn mới bắt đầu được sử dụng trên các văn kiện, văn thư, đơn từ...

Tới đây viết về mấy con số và ba chữ “Tư Lệnh Bộ”.

Như đã viết ở trên, cùng với việc danh xưng Sư Đoàn Trưởng đổi thành Tư Lệnh Sư Đoàn, các con số Ả-rập 1, 2, 3, 4, 5, 6 trên phù hiệu các sư đoàn cũng được đổi thành số La-mã I, II, III, IV, V, VI, nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì, với mục đích gì, trên các văn thư, đơn từ..., danh xưng của các sư đoàn vẫn tiếp tục sử dụng số Ả-rập: SĐ1KQ, SĐ2KQ, SĐ3KQ... cho tới ngày tan hàng!

Trong khi con số trên lá cờ (hiệu kỳ) của các sư đoàn lại là... số La-mã! Thật muốn điên cái đầu với các quan ở Bộ TTM (hoặc ở BTL/KQ)!

Nhưng vẫn chưa hết chuyện, trước năm 1970 khi KQVN chỉ có các Không Đoàn Chiến Thuật 23, 33, 41, 62, 74 và Không Đoàn Kỹ Thuật & Tiếp Vận, thì nơi đặt bộ chỉ huy được gọi là “Bộ Tư Lệnh”, tới khi các Sư Đoàn KQ được thành lập thì các “Bộ Tư Lệnh” ấy trở thành “Sư Đoàn Bộ”, và xuống tới cấp không đoàn thì gọi là “Không Đoàn Bộ”, thậm chí còn có cả “Phi Đoàn Bộ”, nghe cũng hơi... kỳ kỳ!

Cuối cùng, “hơi kỳ kỳ” trở thành “kỳ cục”! Đó là việc sau khi danh xưng Sư Đoàn Trưởng được Bộ TTM cho đổi lại thành Tư Lệnh, lẽ ra “Sư Đoàn Bộ” phải trở thành “Bộ Tư Lệnh” như các Bộ Tư Lệnh SĐ Nhảy Dù, TQLC, Bộ Binh, nhưng không, người ra lại gọi là “Tư Lệnh Bộ”.

Nói có sách mách có chứng, tôi đã cố gắng và tìm được trên Internet tấm hình chụp tòa nhà nơi Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính, Tư Lệnh SĐ3KQ đặt bản doanh có ba chữ “Tư Lệnh Bộ” chần dần!

Hành dinh SĐ3KQ với hàng chữ “Tư Lệnh Bộ” trước ban-công, hình chụp năm 1973


Tuy nhiên trên thực tế, như mọi người có thể còn nhớ, ngày ấy khi nói chuyện với nhau, hầu như mọi người đều gọi là Bộ Tư Lệnh chứ chẳng mấy ai gọi là Tư Lệnh Bộ, vốn là chữ của... người Tàu!


Tới đây, để chứng minh “Tư Lệnh Bộ” là chữ của người Tàu, và cũng để kết thúc bài viết “trà dư tửu hậu” đã khá dài, tôi xin kể chuyện BCH/KT&TV/KQ chúng tôi đón tiếp một ông... tướng Tàu.

Đó là một vị tướng ba sao đứng đầu ngành tiếp vận của Không Lực Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), tức là đối tác của ông Từ Văn Bê.

Trên giấy tờ bằng tiếng Anh trao đổi giữa đôi bên, danh xưng chức vụ của vị khách được ghi giống hệt của ông Từ Văn Bê: “Commander, Air Logistics Command”.

Nhưng, như nhiều người trong KQ đã biết, ông Từ Văn Bê gốc gác là người Tàu ở Long Xuyên (người Minh hương?), dĩ nhiên ông biết chữ Hán, lại là người trọng nguyên tắc nên đã căn dặn chúng tôi khi tường thuật trên Bản Tin đơn vị, phải viết danh xưng chức vụ của vị khách bằng Hán-Việt theo cách gọi của phía đối tác:

Commander, Air Logistics Command: Tư Lệnh Không Quân Cung Ứng Tư Lệnh Bộ.

Ông nói với tôi:

- Anh có thấy người Tàu họ dịch “Command” là “Tư Lệnh Bộ” nghe hay hơn “Bộ Chỉ Huy” của người Việt mình không!

Khỏi nói tôi cũng biết trong bụng ông sếp lớn của mình đang tiếc nhớ danh xưng “Tư Lệnh” của ông ngày trước, khi BCH/KT&TV/KQ còn là Không Đoàn Kỹ Thuật & Tiếp Vận! (1)

Nguyễn Hữu Thiện
Melbourne, Úc-đại-lợi, tháng 6/2023


CHÚ THÍCH:


(1) Trong khi tiếc nhớ danh xưng “Tư Lệnh Không Đoàn Kỹ Thuật & Tiếp Vận”, ông Từ Văn Bê lại rất bực mình trước việc lính của ông diễn nghĩa những chữ viết tắt KĐKTTV như sau:

Đọc xuôi: Khổ Đau Khi Tình Tan Vỡ
Đọc ngược: Viết Thư Tình Không Đoạn Kết

Còn phù hiệu đơn vị (ngày còn là Không Đoàn) được diễn nghĩa:

Ba nấm mồ hoang, một vòng hoa tang, hai nén hương tàn, ba linh hồn siêu thoát

 
Rate this item
(0 votes)