Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Nhận Định Thời Cuộc - Phạm Văn Bản

Mặt Trời 14 Tia của Trống Đồng Ngọc Lữ diễn tả Đạo Đức Tiên Rồng Mặt Trời 14 Tia của Trống Đồng Ngọc Lữ diễn tả Đạo Đức Tiên Rồng

Nhận Định Thời Cuộc

Phạm Văn Bản

---oo0oo---

 

Từ ngàn xưa sách sử Trung Quốc đã ghi nhận rằng các chiến công ở Giao Chỉ (Việt Nam) là của lão tướng thời danh Mã Viện, được Hòang Đế Quang Vũ triều đại Đông Hán tấn phong Phục Ba Tướng Quân, và đem quân xâm chiếm nước ta. Theo Mã Viện Truyện thì Đại Lão Tướng Phục Ba dẫn hơn hai vạn kỵ binh và hai ngàn chiến thuyền tiến đánh Việt Nam.



Sau chiến thắng Mã Viện cho dựng một cột đồng với lời thề độc “Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt” – (cột đồng này mà đổ thì dân Việt Nam bị diệt vong). Bởi thế có truyền khẩu trong đại chúng là ai đi ngang qua cũng phải cầm đá mà ném vào trụ đồng, vì sợ cột đổ thì lương dân bị tiêu diệt.

Nhưng đã hơn hai ngàn năm qua, câu chuyện Đồng Trụ Chiết và lời thề Mã Viện có giá trị gì? Công dụng gì? Hệ quả ra sao?

Chắc chắn phải có nguyên nhân gì quan trọng để khiến cho đại lão tướng thời danh Trung Quốc phải thốt ra lời trù yểm tới sinh tồn của cả một dân tộc giống dòng. Chắc chắn chính ông đã phát giác ra cái tinh thần chiến đấu vì Đồng Trụ Đồng Bào của Chính Thuyết Tiên Rồng, cái tinh hoa giúp dân cứu nước của Tổ Tiên, cái tinh túy đạo sống trong xã hội Việt Nam hùng mạnh bền vững đoàn kết tợ đồng trụ, cho nên ông mới nói ra lời nguyền ấy.

Việt Nam trong suốt hai ngàn năm đã trải qua bao triều đại, trải qua bao thế hệ, trải qua bao biến cố thăng trầm khiến cho bao sử gia Đại Hán, cũng như văn nhân thi sĩ Giao Chỉ, dù vô tình hay cố ý dùng tài chép sử bất lương, thực hành Lời Thề Mã Viện bằng những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu khống nhằm đánh phá Chính Thuyết Tiên Rồng hầu mong đạp đổ Đồng Trụ Đồng Bào.

Nhìn thẳng vào lịch sử qua bao ngàn năm xưa nay, chúng ta thấy bao lớp cha anh, hình như đã không biết chính mình, không hiểu chính mình, không nhận thực chính mình là Con Cháu của Tổ Tiên dòng giống Tiên Rồng siêu việt để truyền thụ hay giúp cho những lớp thế hệ trẻ suy niệm, soạn thảo, đúc kết những câu truyện truyền khẩu trong lòng dân tộc qua bao ngàn năm lịch sử. Tất cả đã chỉ khoa trương những nhận thức học hỏi từ Hán học của ngoại nhân hay ngoại bang mà truyền tụng lại cho con cháu nhằm thực hành lời thề thiên triều Mã Viện của Trung Nam Hải.

Bởi thế ngày nay chúng ta cần tìm hiểu và xác tín Chính Thuyết Tiên Rồng của Tổ Tiên là thành đồng vách sắt nâng đỡ bảo bọc và che chở Quê Hương và Đồng Bào Việt Nam. Người viết tạm thời đề nghị và trình bày 9 bài Huấn Ca gồm có Tiên Rồng, Chử Đồng, Trầu Cau, Tiết Liêu, An Tiêm, Vọng Phu, Trương Chi, Mỵ Châu và Phù Đổng, các bài thơ này được trích dẫn từ những câu truyện truyền khẩu trong lòng dân tộc trải qua bao ngàn năm lịch sử.

Ngay tự ngàn xưa Dân Tộc Việt Nam được gọi là dòng giống Tiên Rồng, để căn cứ vào nguồn gốc mà chúng ta cảm nhận rằng mình khác biệt hay trổi vượt hơn các sắc dân khác. Trong suốt lịch sử dòng giống Con Cháu Tiên Rồng đã thành nền tảng tâm linh sâu vững nhất trong tư tưởng, trong huyết quản, và thể hiện ra trong đời sống của mọi người dân Việt, qua danh xưng “Đồng Bào” là anh em ruột thịt từ Một Bọc Trăm Con của Mẹ Tiên Cha Rồng.

Đang khi Đại Chúng Việt hãnh diện và phát huy Sinh Thức Hệ Tiên Rồng của Tổ Tiên thành Đạo Sống Việt qua quan niệm sống Phúc Đức làm nền tảng tâm linh sâu thẳm. Ngược lại lớp người được cho là có ăn có học, có địa vị danh vọng, có nghiên cứu sách vở thường là của Hán học – chớ không phải Việt học, nhằm soạn thảo tài liệu truyền thông sách báo hầu nối giáo cho giặc, phỉ báng Tổ Tiên, đánh phá truyền thuyết dân tộc Việt Nam.

Những lớp người trí thức này lại tỏ ra lúng túng trong việc giải thích về nguồn gốc, về văn hóa, về truyện tích Chánh Thuyết Tiên Rồng. Và họ thường dùng những điển tích, những câu văn, những lời sáo ngữ trong Hán học mà làm khuôn vàng thước ngọc áp dụng vào Xã Hội Việt Nam.

Đồng thời Văn Sĩ Việt còn lấy những tệ đoan xã hội Trung Quốc mà mà gán ghép và phê phán vào cộng đồng xã hội chúng ta, và viết thành những bài phiếm luận nhằm chê bai văn hóa Việt. Quả là những kẻ “phận mỏng cánh chuồn” hoặc cái nhìn “duy vật biện chứng” mà bàn chuyện dân tộc ngàn năm, xin hỏi việc làm phản dân hại nước như trên, có xứng danh con cháu Tiên Rồng chăng?

Một ví dụ điển hình là Nhà Văn Trần Thế Pháp viết Truyện Hồng Bàng in trong sách Lĩnh Nam Chích Quái vào năm 1370 – 1400. Tác giả này giải thích nguồn gốc dân tộc, nhưng lại nhằm làm lung lạc tinh thần dân tộc, bôi nhọ Chính Thuyết Tiên Rồng của Tổ Tiên tiền nhân Việt Nam.

Truyện Hồng Bàng đã để lộ âm mưu đồng hóa dân tộc nhằm “phò Trung.” Tác giả cố ý gán ghép truyền thuyết Con Cháu Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam – Tiên và Rồng là hai biểu tượng linh thiêng về vật chất và tinh thần của Tộc Việt. Tiên Rồng còn là tượng trưng cho Ông Bà Khởi Tổ/ Tộc Tổ.

Tác giả kể thêm lai lịch gốc gác và làm sai lạc truyền thuyết của dân tộc theo kiểu nói thêm một hoặc bớt một của ngành tình báo/ phản gián Hoa Nam. Với mưu đồ của ông là đem nguồn gốc Tộc Việt gắn vào Tộc Hoa mà đánh đổ tinh thần đồng bào và thi hành Lời Thề Mã Viện!

Truyện Hồng Bàng đề cao người đẹp họ Âu (Âu Cơ) thành tên bà tổ Tộc Việt. Theo khảo cổ học, vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên, khoảng 2300 năm thì sắc dân Âu Việt tràn vào vùng đất Lạc Việt mà thành lập ra nước Âu Lạc.

Bởi thế câu truyện này ghép chữ bằng cách cho hai họ Lạc Việt và Âu Việt thành ra tên của hai vợ chồng Lạc Long Quân và Âu Cơ, đặt làm tộc tổ của Trăm Việt.

Từ câu truyện Tiên Rồng truyền miệng của dân tộc theo cha truyền con nối, thì Truyện Hồng Bàng của Trần Thế Pháp cũng ghi lại địa giới rộng lớn của Tộc Việt, nhưng lại cho đó là thuộc quyền cai trị của Vua Hán đã có từ bao ngàn năm trước. Truyện gán ghép nguồn gốc người Hoa cho thành ra tổ của người Việt, tác giả còn đánh lận vùng đất ngàn năm mà người Việt sinh trưởng thành đất của người Hoa.

Tác giả này hành nghề “cò đất” theo hạng tư bản đỏ nhằm buôn bán đất nước cho ngoại bang Trung Quốc chăng?
Tác giả mô tả rằng Sùng Lãm gốc Hoa, nhưng là người gian manh háo sắc vô lương tâm, dùng thủ đoạn chiếm đoạt vợ của người anh chú bác ruột của mình, rồi khi hắn có gia đình lại bỏ bê trách nhiệm nuôi nấng chăm sóc vợ con. Mặt khác, Âu Cơ cũng thế, tuy là dân Hoa, nhưng lăng loàn mất nết và trốn chồng theo trai.

Trần Thế Pháp dùng hình ảnh hai vị khởi tổ của Tộc Việt nhằm bài bác để trở thành người khiếm khuyết đạo đức. Ông tạo ra thế hệ tiếp nối chỉ biết sống vô ơn bạc nghĩa họ lấy vật chất để đo lường giá trị con người mà quên tình đồng bào ruột thịt, quên quê hương dân tộc, quên Chánh Thuyết Tiên Rồng, quên luôn điều phải nhận diện con người và lấy con người làm tiêu chuẩn căn bản để nhận diện, để định nghĩa hay để đo lường về con người.

Theo tác giả, toàn thể dân Việt lại chỉ nhận biết mình thuộc dòng giõi người Hoa, muốn theo mẹ Âu Cơ đi về Bắc quốc. Nhưng về không được nên mới ở lại nước Nam.

Đang khi vua nước Nam lại đã nhẫm tâm mà bỏ nước về thủy phủ, phó mặc cho mẹ con nàng Âu chia nhau cai trị dân Nam. Đọc Truyện Hồng Bàng chúng ta thấy ẩn chứa mưu đồ xâm lược và đồng hóa nguồn gốc của dân tộc Việt Nam, nhằm thực hiện câu thần chú “Giao Chỉ Diệt” của Mã Viện.

Tác giả đã xuyên tạc Thuyết Tộc Việt, đã đánh cướp Đất Nước Việt, và nặng lời nhục mạ Dân Tộc Việt.

Đây chính là nhát búa tạ bổ vào đầu chúng ta, mỗi khi đọc Truyện Hồng Bàng, thế mà sách sử Hà Nội tới ngày nay vẫn chưa nhận ra những điều sai trái này, mà vẫn tán tụng “kỳ tài Trần Thế Pháp” và thực thi lời thề Đồng Trụ Chiết của Mã Viện?
Bao trăm năm qua, đã biết bao nhiêu khoa bảng anh tài nhưng chưa thấy ai biết suy nghĩ, tổng hợp cho chúng ta bài học sống động hiện thực của Chánh Thuyết Tiên Rồng, và chưa ai đặt vấn đề sai trái của nhà văn Trần Thế Pháp, non kém lắm chăng?

Bởi thế, chúng ta cần tìm hiểu tường tận, đích xác, đúng thực về nguồn gốc dân tộc của mình, và những sự kiện liên quan giữa dân Việt với sắc dân khác, đặc biệt với người Tộc Hoa, nhằm loại bỏ âm mưu “đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt” đã có từ ngày Mã Viện tới nay.

Nhất là chúng ta lại bị người Việt Nam như Trần Thế Pháp đã dùng bút chép sử nối giáo cho giặc đâm trúng tim Đồng Bào của chúng ta, vậy có nỗi đau thương khốn khổ nào hơn chăng?

Khởi Truyện Hồng Bàng là Vua Đế Minh, cháu ba đời của Viêm Đế, đi thăm dân vùng Ngũ Lĩnh, lấy Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục được Đế Minh cho làm vua. Vùng đất nước này là phía hướng đông giáp Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến Hồ Động Đình, nam đến nước Hồ Tôn Tinh.

Lộc Tục lấy con vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm thay cha làm vua, lấy hiệu là Lạc Long Quân. Sùng Lãm cướp vợ yêu của Đế Lai tên là Âu Cơ, nhưng tác gỉa thời sau, như Học Giả Trần Trọng Kim vì xấu hổ nên đã sửa đổi lại Âu Cơ con Đế Lai, thay vì là vợ của Đế Lai.

Âu Cơ sinh cái bọc chứa 100 trứng, nở ra trăm con trai. Sùng Lãm đi vắng, Âu Cơ dẫn bầy con về Bắc quốc, nhưng về không được, đành trở lại. Sùng Lãm liền chia con làm hai, 50 đứa theo Sùng Lãm xuống thủy phủ, 50 đứa theo Âu Cơ ở lại trên đất để cai trị dân… Một trăm đứa con trai đó là những vị tổ đầu tiên của Trăm Việt (Bách Việt).

Cũng theo Truyện Hồng Bàng thì Sùng Lãm và Âu Cơ sinh ra 100 đứa con trai trở thành thủy tổ của sắc dân Trăm Việt trong đó có dân tộc Việt Nam. Bà nội của Sùng Lãm có tên là Vụ Tiên sinh sống ở vùng núi Ngũ Lĩnh.

Mẹ của Sùng Lãm tên là Long Nữ (nàng họ Long) là con của vua Động Đình dưới thủy phủ. Ông tổ, ông nội, ông cha của Sùng Lãm đều là người thuộc giống dòng Tộc Hoa, và Sùng Lãm lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân.

Âu Cơ (nàng họ Âu) cũng là người Tộc Hán, vợ của Đế Lai, cho nên Âu Cơ muốn dẫn trăm con về Bắc Quốc mà không thành. Trong số 100 con trai lại được chia đôi: 50 theo Sùng Lãm về ở thủy phủ, 50 theo Âu Cơ ở lại nước Nam và chia nước mà cai trị.
Dưới sự cai trị của người thuộc dòng dõi Tộc Hoa đó, đại chúng Việt chỉ là đám dân đen nghèo khổ, ngoan ngoãn phục vụ thiên triều Trung Quốc và bị vua quan hành hạ, áp bức, bóc lột.

Địa phận vùng đất của Tộc Việt là vùng phía nam sông Dương Tử và nam Ngũ Lĩnh. Vùng đất này thuộc quyền của vua Tộc Hoa, nhưng sau chia lại cho Lộc Tục nên mới trở thành miền đất của Tộc Việt.

Truyện Hồng Bàng ghi lại nhiều chi tiết của truyền thuyết Con Cháu Tiên Rồng đang lưu truyền phổ quát trong toàn thể người dân Việt từ bao ngàn năm trước, nhưng mô tả thêm lai lịch của các nhân vật theo óc suy luận thuần túy “duy vật biện chứng” để trở thành phiếm luận!

Từ ngàn xưa, dân tộc ta xưng mình là Con Cháu Tiên Rồng, thì Truyện Hồng Bàng cũng phải xác nhận điều này, nhưng tác giả chế tạo thêm ra bà nội và mẹ của Sùng Lãm. Bà nội của Sùng Lãm cũng có tên với chữ tiên, là Vụ Tiên, và mẹ của Sùng Lãm có họ là Long – Long Nữ (rồng theo giọng Tộc Hoa phát âm ra long).

Từ ngàn xưa, dân tộc ta tin rằng mình phát xuất ở vùng Ngũ Lĩnh thuộc Hồ Động Đình. Truyện Hồng Bàng cũng đã xác nhận là quê hương của Vụ Tiên và của Long Nữ. Và từ ngàn xưa, dân tộc ta tuyên xưng là họ Lạc (Mẹ Tiên) thì Truyện Hồng Bàng giải thích là phát xuất do tên hiệu của Lạc Long Quân (Cha Rồng), để đem chế độ mẫu hệ của Tộc Việt gán ghép trở lại thành phụ hệ của Tộc Hoa.

Cũng theo Truyện Hồng Bàng thì chồng của Âu Cơ là Đế Lai, “Nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp tiên nữ,” nên Đế Lai cũng đi theo và như vậy Âu Cơ đã không thể là tiên.

Từ ngàn xưa, dân ta quan niệm biểu tượng Rồng là Cha, ở dưới nước, thiên biến vạn hóa, và Tiên là Mẹ, ở trên đất dưỡng nuôi bảo bọc. Truyện Hồng Bàng cũng làm nổi bật những đặc tính này nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Biểu tượng 50 con theo Mẹ, 50 con theo Cha là truyền thuyết Việt. Tuy nhiên, Truyện Hồng Bàng lại cho rằng 50 đứa theo cha về luôn thủy phủ, giao quyền cai trị dân Việt trong tay 50 đứa theo bà mẹ người Hoa. Như vậy thì làm sao vẫn còn đủ 100 để làm tổ cho Trăm Việt (Bách Việt).

Câu Cha Rồng dặn: “Khi cần thì gọi, ta về ngay” cũng là xác định nền tảng của truyền thuyết Việt. Truyện Hồng Bàng lặp lại ba lần trong ba trường hợp khác nhau.

Truyện Hồng Bàng xác định địa vực của Bách Việt là toàn thể vùng Nam Dương Tử và Nam Ngũ Lĩnh. Dầu trái với tham vọng quyền lực của người Hoa, Truyện Hồng Bàng cũng phải ghi lại tỉ mỉ biên cương của Tộc Việt, và như thế, chắc chắn, đây là sự kiện hiển nhiên đương thời.

Truyền thuyết mọi người dân đều có cùng nguồn gốc Tiên Rồng, đều từ Một Bọc Trăm Con, là của dân ta. Dầu trong suốt bài, Truyện Hồng Bàng chỉ quanh quẩn với dòng họ một triều vua, thì câu cuối lại phải liên kết Bọc Mẹ Trăm Con với Bách Việt: “Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt vậy.”

Như thế Truyện Hồng Bàng mặc nhiên xác nhận là đã có hai tộc dân Việt và Hoa khác nhau, với hai nền văn hóa khác nhau, và đã sinh sống trên hai vùng đất khác nhau.

Xét về phương diện lãnh thổ, Truyện Hồng Bàng xác nhận truyền thuyết Tộc Việt phát xuất từ vùng Hồ Động Đình, sau đó phát triển trên một vùng rộng lớn, bao gồm từ Nam Dương Tử xuống tới Bắc Trung Phần Việt Nam ngày nay. Với việc đồng hóa nguồn gốc Bách Việt thành con cháu của Lạc Long Quân, Truyện Hồng Bàng đã phải xác nhận ảnh hưởng lớn mạnh của Lạc Việt thời ấy.

Tham khảo sách sử trong Thư Viện Hoa Kỳ ngày nay, chúng ta nhận ra rằng mấy ngàn năm trước khi tiếp xúc với Tộc Hoa, chẳng những xã hội Tộc Việt đã phát triển ổn định và thịnh vượng về dân số, mà còn mở rộng vùng địa bàn sinh sống, đặc biệt dân ta đã có nếp sống xã hội nông nghiệp và ngư nghiệp hiện đại.

Chớ nào cần phải có Truyện Hồng Bàng dẫn giải nguồn gốc, hay quan lại Trung Quốc trong Truyện Sĩ Nhiếp sang đô hộ và dạy dỗ dân ta cách thức làm nông nghiệp hay bắt ốc mò cua?

Xã hội Việt đã tiến triển và trổi vượt về Nếp Sống Việt và Văn Hóa Việt, được ghi nhận và lưu truyền qua kỹ thuật tinh xảo về đồ đồng. Cả đến thời nay thạp đồng Đào Thịnh hay trống đồng Ngọc Lữ của Việt Nam vẫn là những tuyệt tác vô song!

Bởi thế giờ chúng ta có dịp bình tâm ngồi ôn lại dĩ vãng của dân tộc mình, mở tâm thưa chuyện với các Đức Thánh Vương Quốc Tổ, Thần Linh Sông Núi và Hồn Thiêng Dân Tộc đã trải qua bao ngàn năm văn hiến kể từ ngày dựng nước, thành tâm lấy những câu truyện truyền khẩu của dân tộc hình thành (1) Bộ Ba Nền Tảng: Tiên Rồng, Chử Đồng, Trầu Cau (2) Bộ Bốn Sống Thực: Tiết Liêu, An Tiêm, Vọng Phu, Trương Chi (3) Bộ Hai Phục Hưng: Mỵ Châu, Phù Đổng.

Và nhìn lại từ Chính Thuyết Tiên Rồng của Tộc Việt, Truyện Hồng Bàng đã có nhiều điểm thêu dệt khác biệt, nhằm xuyên tạc truyền thuyết và lịch sử của dân tộc ta. Theo truyền khẩu phổ quát trong toàn dân, thì Tộc Việt do Bọc Mẹ Trăm Con, có Mẹ là Tiên có Cha là Rồng.

Truyện Hồng Bàng lại chép rằng, cha là Sùng Lãm mẹ là Âu Cơ. Bên dòng họ nội của nhân vật Sùng Lãm là người Hoa, và phía Âu Cơ cũng thuộc Tộc Hoa. Và 100 đứa con trai, chỉ có bà nội mang họ Long – Long Nữ – đang khi bà bà cố nội có tên Tiên (Vụ Tiên). Như vậy thì không đúng với truyền thuyết Mẹ Tiên Cha Rồng.

Bởi vì biết dân Việt chú trọng phía họ mẹ (mẫu hệ), thì Truyện Hồng Bàng thêu dệt rằng, bà nội và bà cố nội có tên Tiên, rồi để tạo ra chính mẹ Âu Cơ lại là người Hoa. Truyện Hồng Bàng lại chú trọng phía họ cha (phụ hệ), gom cả Tiên lẫn Rồng vào một dòng máu, vào một biệt hiệu là Lạc Long Quân; đang khi mẹ Âu Cơ lại không dính dáng gì với truyền thuyết Tiên Rồng.

Theo truyền thuyết của dân tộc ta, thì toàn thể mọi người trong nước là Đồng Bào, là anh em ruột thịt với nhau – đồng là cùng, bào là bọc – cùng do Một Bọc Trăm Con, Cha Rồng Mẹ Tiên sinh ra. Truyện Hồng Bàng lại có một trăm đứa con của Sùng Lãm đã thuộc về dòng dõi mấy đời cha ông người Hoa tiếp nối nhau làm vua, và chia nước mà cai trị.

Đây chính là biểu trưng của nhóm đặc quyền như trong chế độ tư bản hay tư bản đỏ thời nay, chớ đâu phải là “tinh thần đồng bào” ghi trong Chính Thuyết của dân tộc Việt Nam?

Truyện Hồng Bàng cho dù có kết thúc bằng câu “Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt,” thì câu truyện này ghi nhận rằng quanh Sùng Lãm đã có dân chúng của Tộc Việt sống đông đúc và xây dựng thành một quốc gia độc lập và rộng lớn.

Như thế, thì làm sao 100 đứa con của Sùng Lãm, lại có thể là thủy tổ của những người đang sống trước họ, hoặc đang sống dưới quyền cai trị của họ.

Cũng theo chính tác giả thì đã có 50 con theo Sùng Lãm về ở dưới thủy phủ, và chỉ còn 50 đứa ở lại trên mặt đất. Vậy làm sao còn đủ 100 con để gọi là tổ cho Bách Việt hay Trăm Việt?

Từ khởi thủy cho tới thời điểm hai ngàn năm cách nay, xã hội Việt thiên về mẫu hệ, con cháu dòng họ đều lấy bên họ mẹ làm chính. Không ai có thể chối cãi sự kiện dân Việt Thời Hùng sống trong chế độ mẫu hệ, cũng như cuộc sống xã hội nằm trong ảnh hưởng của mẫu quyền.

Trong sách “Hậu Hán Thư” của Trung Quốc cũng ghi lại nhiều đặc điểm mẫu hệ sâu đậm trong xã hội Việt vào thời đầu dương lịch. Gần 250 năm sau Thời Hùng, năm 39 sau Công Nguyên, trong số các vị anh hùng lật đổ ách đô hộ, có nhiều Nữ Tướng và đội nữ binh.

Ví dụ điển hình Hai Bà Trưng rồi tới năm 544 thời Triệu Nữ Vương, và sau 300 năm dân ta mới ghi nhận có nam nhân làm thủ lãnh là Lý Nam Đế.

Trái lại, Truyện Hồng Bàng kể dòng họ của cha là chính. Tất cả dòng bên nội được ghi chép tỉ mỉ, với cả tên riêng, tên hiệu từng người.

Đang khi đó, Truyện Hồng Bàng không hề đề cập đến ông bà ngoại, dòng họ bên ngoại, cũng không có tên riêng của mẹ.

Theo mẫu hệ thì gái là chính, nhưng Truyện Hồng Bàng chú trọng phía con trai, từ Đế Minh tới Lộc Tục, rồi Sùng Lãm, và 100 con trai. Vậy Truyện Hồng Bàng thuộc ảnh hưởng của văn hóa “phụ hệ” của Trung Quốc, và đi ngược với truyền thống ‘mẫu hệ” của dân tộc Việt Nam.

Về phần quốc hiệu, dân ta xưng là Lạc Việt. Ví du: vua, quan, dân, ruộng đều ghi là Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân, Lạc điền.

Vì vậy, theo quan niệm mẫu hệ thì Lạc phải là biểu hiệu của Bà Tổ. Họ Lạc nhắc nhớ hình ảnh của Tiên, của chim Lạc trên Trống Đồng Ngọc Lũ.

Bởi thế, đúng đắn nhất chúng ta có thể gọi Hai Vị Khởi Tổ với danh xưng Lạc Cơ và Long Quân – cơ là văn, quân là võ, hay đơn giản hơn là Mẹ Tiên Cha Rồng.

Nhưng trong Truyện Hồng Bàng lại ghi họ Lạc thành một phần trong biệt hiệu của người cha Sùng Lãm là Lạc Long Quân. Sau khi đã lấy chữ Lạc gắn thành hiệu của cha, tác giả lại cho dân Lạc Việt một họ mẹ mới, họ Âu, nhằm thuộc về họ người Hoa thuần chủng, Âu Cơ!

Chẳng những đã xuyên tạc nguồn gốc, Truyện Hồng Bàng lại còn xuyên tạc về vùng Đất Tổ, dân Lạc Việt xác quyết mình là tộc dân của miền Hồ Động Đình và Ngũ Lĩnh, thì tác giả cho đó là quê hương của Vụ Tiên và Long Nữ.

Nhưng ngoài bà cố nội Vụ Tiên, và bà nội Long Nữ có liên hệ tới truyền thuyết, thì tất cả dòng họ nội ngoại của 100 đứa con trai đều là người Hoa.

Vậy mà theo chủ trương phụ hệ của người Hoa, thì thân thế và xuất xứ của người nữ đã chẳng những không còn quan trọng, mà cũng chẳng còn có giá trị xác định nào. Bởi vì, Truyện Hồng Bàng đã chỉ chú trọng tới nguồn gốc Hoa, và chủ trương phụ hệ của người Hoa.

Sự hoán chuyển của Trần Thế Pháp rất thâm độc, vì không chấp nhận mang họ mẹ thì dân Việt sẽ lần lượt bớt chú tâm tới “yếu tố mẹ” mà xa lìa nguồn mất gốc.

Thứ đến, vì chữ Lạc đã mang âm hưởng thiêng liêng ngàn năm, cho nên, dầu nay thành hiệu của cha, thì dân Việt cũng thấy còn quen thuộc, và từ đó, dần dà là chấp nhận phụ hệ. Truyện Hồng Bàng đã thực hành lời thề Mã Viện một cách thành công êm ái phi thường: “Đồng bào mất – Giao Chỉ diệt.”

Đất Tổ của Tộc Việt là vùng phát xuất ra dân Việt, và cũng là vùng dân Việt sinh sống trong suốt mấy ngàn năm. Do đó, chính Vùng Đất Tổ là một cái nôi góp phần quan trọng trong việc xuất hiện và phát triển một hệ thống tư tưởng chỉ đạo sống động và hiện thực được gọi là Chính Thuyết Tiên Rồng, một sinh thức, một đồng thuận, một tổ chức chính trị đồng bào và là đồng trụ của dân tộc Việt Nam, mà thời nay chúng ta gọi là Hoa Tiên Rồng Mở Hội!

Theo khảo cổ học, Tộc Việt phát khởi từ vùng Hồ Động Đình ở trung lưu sông Dương Tử. Ngày nay vùng đất này thuộc tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc.

Địa bàn khởi thủy của Tộc Hoa là vùng Hoàng Hà. Khi người Tộc Hoa lan dần xuống miền Nam, gặp Tộc Việt, thì Tộc Việt đã phát triển mạnh và đã có một nền văn hóa cao.

Sở dĩ ngày nay có nhiều lầm lẫn về liên hệ giữa Việt và Hoa, vì chẳng những có sự pha trộn giữa hai tộc dân, mà còn vì phần lớn vùng đất trước kia thuộc Tộc Việt, nay là lãnh thổ của Trung Quốc.

Lưu vực sông Dương Tử là đất khai nguyên của Tộc Việt, và sau đó dân Lạc Việt phát triển rộng ra Lĩnh Nam, và dân Việt đã sinh sống tại đây suốt mấy ngàn năm trước khi người Hoa được biết tới.

Vậy mà Truyện Hồng Bàng lại cho rằng, đó là lãnh thổ của Tộc Hoa; rồi vì Đế Minh trao tặng nên mới trở thành nơi cư ngụ của Bách Việt.

Từ ngàn xưa, đối với người Hoa, dân Việt đã là một tộc dân hoàn toàn khác biệt, và có hai nền văn hóa cũng hoàn toàn khác biệt nhau. Để phản kháng sự xâm lấn của người Hoa, thì dân Việt tất nhiên đã biết cách tổ chức vững mạnh về mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, giáo dục, tín ngưỡng.

Vì sống dọc theo bờ Biển Nam nên dân Việt chủ tể về ngành hàng hải và ngư nghiệp. Với ưu thế địa dư và sự trổi vượt của dân Việt trên vùng nước ven biển, với kết hợp núi non hiểm trở bao quanh đã tăng phần bảo vệ cho tiểu quốc Việt sống tự cường tự lập và thoát khỏi sự thống trị cường quyền của Trung Quốc.

Ngay tự ngàn xưa, đối với người Hoa, luôn luôn gọi dân Việt là “Nam man,” trong nhóm người man, ri, mọi, rợ. Tiếng “Nam man” là chỉ sắc dân không thuộc Tộc Hoa ở phía Nam, đặc biệt từ Nam sông Dương Tử, vùng được gọi là Giang Nam, Lĩnh Nam (Việt Nam).

Sử Trung Quốc cũng luôn coi đó là sự kiện hiển nhiên. Các thái thú và thứ sử người Hoa thống trị, bao giờ cũng coi dân “Nam man” là ngoại tộc, không phải người Hoa.

Trong suốt mấy ngàn năm qua, đối với người Hoa, đất Giang Nam và Lĩnh Nam đều là đất của Việt. Và ngay cả thời nay, vùng Nam Trung Quốc vẫn còn được gọi là vùng Bách Việt. Hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây cũng vẫn còn được gọi là Việt Đông và Việt Tây, gọi chung là Lưỡng Việt.

Các sắc dân ở vùng phía nam sông Dương Tử, vẫn còn có tên chỉ nguồn gốc là nhánh Tộc Việt. Người dân tỉnh Giang Tây hiện nay là dân Đông Việt. Người tỉnh Chiết Giang là dân U Việt.

Người tỉnh Phúc Kiến là dân Mân Việt. Người vùng Lưỡng Việt được gọi là dân Nam Việt… Ngay cả thời nay, người dân trong vùng Bách Việt vẫn tự xưng là Việt Nhân, chớ không phải Hoa nhân.

Trăm Việt dùng chỉ tập hợp các sắc dân Việt (Bách Việt) phần lớn cư ngụ tại miền nam sông Dương Tử, mà người Hoa gặp gỡ trên đường bành trướng từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam. Lãnh thổ của Trăm Việt, bắc giáp Hồ Nam, nam giáp Chiêm Thành, tây giáp Tứ Xuyên, đông giáp Biển Nam (tức là Biển Đông của Trung Quốc).

Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, khoảng thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, ghi nhận có các nước Hồ Việt ở Hồ Nam, U Việt ở Chiết Giang, Mân Việt ở Phúc Kiến, Đông Việt ở Giang Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Âu Việt ở Quý Châu và Quảng Tây, Điền Việt ở Vân Nam, Chiêm Việt ở đảo Hải Nam, và Lạc Việt ở bắc Việt Nam.

Các quốc gia này nằm kế tiếp nhau, từ miền nam sông Dương Tử qua lưu vực sông Hồng, rồi xuống tận bình nguyên sông Mã.

Đó là chưa kể những nhóm người Việt sống rải rác miền tây nam Trung Quốc, và chưa tổ chức thành quốc gia mà người Hoa gọi là dân Bách Bộc.

Khi nhà Tần thống nhất miền bắc Trung Quốc và những lãnh thổ của miền nam sông Dương Tử, các tiểu quốc Trăm Việt lần lượt bị xâm chiếm, và chỉ có Mân Việt, Đông Việt, Nam Việt bao gồm Nam Việt, Âu Việt, và Lạc Việt còn là những quốc gia tự trị.

Tới thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, các nước Việt này cũng bị nhà Hán thôn tính, mặc dầu các nhóm Bách Việt vẫn còn sống rải rác ở khắp miền nam Trung Quốc.

Và trải qua hai ngàn năm lịch sử, phần lớn vùng Đất Tổ của Trăm Việt đã bị sát nhập vào bản đồ Trung Quốc ngày nay, nền văn hóa văn minh Trăm Việt và Chính Thuyết Tiên Rồng của Trăm Việt đã bị đồng hóa thành Tộc Hoa, đồng trụ chiết và bị diệt vong là vậy.

Theo công trình nghiên cứu khảo cổ và nhân chủng học cho thấy người Trăm Việt đã vượt sông Dương Tử rất lâu, trước khi có nền văn minh Trung Hoa thành hình. Cận kề hơn nữa là thời Xuân Thu Chiến Quốc, người Trăm Việt đã sống rải rác trong các vùng Hoa Bắc là nước Sở tức Hồ Bắc ngày nay, nước Tề ở Sơn Đông, nước Tấn ở Sơn Tây, Hà Bắc.

Vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, vùng Chiết Giang là Giang Tô có nước Việt, có Việt Vương Câu Tiễn, có người đẹp Tây Thi cười khuynh nước nghiêng thành mà thời trung học chúng ta mộng tưởng và đem ép vào trong tim… Vào năm 917 sau Công Nguyên, quốc gia ở vùng Phúc Kiến, tự xưng là Đại Việt rồi sau này đổi tên là Nam Hán.

Nhìn chung, Hai Vị Khởi Tổ của Tộc Việt, chính là hai người mà con cháu của các Ngài, theo thời gian và phát triển thành giống dân Việt ngày nay. Các Ngài đã sống vào thời khuyết sử, không ai có thể xác định Hai Ngài mang tên họ gì, hoặc sinh hoạt đời sống ra sao.

Tuy nhiên, với thời gian theo dòng đời Văn Hóa Việt được thành hình, rồi với sự trổi vượt các nền văn hóa khác qua những nhận định xác đáng, đúng thực về Con Người và diễn đạt qua biểu tượng Tiên Rồng song hiệp.

Với đà phát triển, với tình kính quý, với lòng biết ơn sâu xa về Hai Vị Khởi Tổ từ mấy ngàn năm trước, Tổ Tiên chúng ta đã tôn Hai Ngài thành biểu tượng linh thiêng, Tiên và Rồng. Dân Việt từ đó, đã âu yếm gọi Hai Ngài là Mẹ Tiên Cha Rồng, và hãnh diện tự xưng mình là con cháu Việt hoặc là Con Cháu Tiên Rồng.

Giờ đây Hồn Thiêng của Hai Ngài vẫn linh hiển, và với sứ mạng Trời cho, đã sinh ra cả một giống dân đông đúc siêu việt, là Tổ trên hết các Tổ của Tộc Việt, là Nguồn sinh mọi Thần Thánh Anh Linh Việt, địa vị Hai Ngài thật là cao trọng và uy thế khôn tả, đáng để mọi người chúng ta tôn vinh và khẩn cầu.

Tóm lại, Lời Thề Mã Viện đã được tác giả dùng ngòi bút chép sử thêu dệt và làm lung lạc tinh thần, trách nhiệm Giúp Dân Cứu Nước của bao lớp thanh niên thời đại, nhằm thực hiện âm mưu đồng hóa, hợp thức hóa cho các đặc khu kinh tế hóa Trung Quốc, thực thi chính sách mượn đất đã có từ thời Hán Vũ Đế.

Ngày nay Lời Thề Mã Viện cũng được những chính quyền Trung Quốc khai triển và thực hành tiếp nối “chính sách mượn đất” bằng phương châm “Nhất đái nhất lộ” (Sáng kiến một vành đai một con đường, Belt and Road Initiative).

Bởi thế, chúng ta cần tìm hiểu, học hỏi về Chính Thuyết Tiên Rồng trong tinh thần của người con cháu Việt hiếu thảo, biết ơn và khâm phục Tổ Tiên, mà còn đặt trọn niềm tin tự hào về quá khứ, hăng say xây dựng trong hiện tại, và hiên ngang bước vào đại cuộc Giúp Dân Cứu Nước để tổ chức, để thực thi sứ mạng và để mở ra một trang sử huy hoàng cho Dân Nước Việt Nam phú cường thịnh vượng.

“Con không chê cha mẹ khó"… chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng và kiến thiết một đất nước Việt Nam tuyệt đẹp, tuyệt trần và siêu việt, vì chúng ta có đủ điều kiện hoàn cảnh phương tiện mới, ý thức trách nhiệm của những con người mới, thời đại mới được gọi là Thời Đại Tín Liệu (Information Age) chớ không còn Thời Đại Kỹ Nghệ (Industrial Age).

Ngày nay mà không cứu được nước, thề không xứng làm người. Đó là Lời Thề Việt Nam để đáp lại Lời Thề Mã Viện.


Phạm Văn Bản

Reader response: (Nhận Định Thời Cuộc)

Rate this item
(0 votes)