Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 20) - NGUYỄN HỮU THIỆN

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 20)
 
Hồi ký
NGUYỄN HỮU THIỆN

PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA



(tiếp theo kỳ 19)

CHƯƠNG 2 – “Hoa tiêu” bất đắc dĩ

Cái cầu tàu này sử dụng cho các tàu chuyên chở máy móc, vật liệu, tiếp tế cho giàn khoan, từ mặt biển đi lên khá cao, vì thế có một cái thang sắt đi xuống gần mặt nước để sử dụng khi cần thiết.

Đến gần, thấy ở phía bên kia cầu tàu có đậu sẵn một chiếc tàu dài khoảng 30, 40 mét, đoán là tàu tiếp tế cho giàn khoan, tôi mừng thầm trong bụng: thật đúng lúc, chiếc tàu này sẽ chở chúng tôi tới đất liền!

Tôi cho ghe tiến tới cái thang sắt, ông anh cột chèo vội lấy một sợi dây thừng cột ghe vào chân cầu tàu để khỏi bị trôi. Mấy người Nhật đứng trên cầu tàu mặc đồ công nhân (overalls) vẫn im lặng quan sát, nhưng tới khi tôi nắm lấy cái thang và đặt chân lên thì một người la lớn “No no...” và ra hiệu cho tôi không được bước lên cầu tàu.

Tôi liền sử dụng tiếng Anh giải thích ngắn gọn cho họ biết chúng tôi là người Việt Nam chạy trốn chế độ cộng sản, xin được cứu vớt, nhưng họ vẫn tiếp tục xua tay từ chối cho tôi bước lên cái thang.

Tôi hơi ngạc nhiên và khá thất vọng. Cứ tạm thời cho rằng những công nhân này không hiểu một chút tiếng Anh nào thì khi thấy một chiếc ghe lênh đênh ngoài biển khơi trên có cả đàn bà con nít, họ cũng phải hiểu rằng chúng tôi là người tỵ nạn chứ!

Khoảng một hai phút sau, một người từ trên giàn khoan đi xuống cầu tàu. Ông ta khoảng trên dưới 40, cao ráo trắng trẻo, ăn mặc sạch sẽ, mang kiếng cận, nói tiếng Anh khá lưu loát, tự giới thiệu là kỹ sư trưởng trên giàn khoan này.

Tôi liền trình bày những gì đã nói với đám công nhân, không quên kể thêm việc chúng tôi bị mất phương hướng sau hai ngày gặp bão, và xin được cứu giúp. Nhưng viên kỹ sư giải thích giàn khoan này thuộc một công ty tư nhân của Nhật, và theo luật lệ của công ty, chỉ có nhân viên của công ty mới được phép bước lên giàn khoan, vì thế ông ta có trách nhiệm không cho tôi hay bất cứ ai bước lên cầu tàu này vì nó thuộc giàn khoan của một công ty tư nhân.

* * *


Trước khi vượt biên, qua thư từ của những người đã tới các trại tỵ nạn, chúng tôi được biết cùng với việc nhiều thuyền nhân được tàu buôn vớt còn có một số ghe cặp vào giàn khoan ngoài khơi, được họ vớt lên và sau đó được tàu đưa tới đất liền. Giờ đây bị viên kỹ sư Nhật từ chối, tôi vô cùng thất vọng và hoang mang. Chẳng lẽ thế giới tự do đã quay lưng lại với người tỵ nạn; hay đây chỉ là một trường hợp riêng lẻ?!

Sau này có cơ hội tìm hiểu, tôi mới biết đó là chủ trương của chính phủ Nhật Bản, một quốc gia có tiếng văn minh, giàu mạnh, tinh thần dân tộc cao nhưng luôn luôn thiếu lòng nhân đạo – ít nhất cũng là theo nhận xét của cá nhân tôi.

Thành thật mà nói, trước đó tôi đã không ưa người Nhật. Cho dù những nguyên nhân khiến tôi ghét người Nhật có thể bị một số người cho là do tinh thần dân tộc cực đoan, quá khích, hoặc mang nặng thành kiến với quân phiệt Nhật trong thời gian Đệ nhị Thế chiến, hay bất mãn trước đường lối thiên tả của họ trước 1975, tôi vẫn nhất quyết... không ưa người Nhật!

Nhưng kể cả những người xưa nay không hề ghét Nhật cũng không thể biện hộ cho con cháu Thái dương Thần nữ trước việc họ quay lại với người tỵ nạn Việt Nam!

Thời gian từ giữa tới cuối thập niên 1970, nhiều quốc gia thuộc thế giới tự do đã mở rộng vòng tay đón nhận thuyền nhân Việt Nam, nhưng trong số đó không có Nhật Bản.

Theo tôi, có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, xưa nay người Nhật luôn luôn chủ trương một nước Nhật thuần chủng, không có một giống dân nào khác ngoài con cháu Thái dương Thần nữ; và thứ hai, không biết có phải vì cái hận phải đầu hàng Mỹ trong Đệ nhị Thế chiến hay không mà đa số người Nhật - dân chúng, chính giới cũng như giới truyền thông - đều có lập trường chống Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Vì thế, mặc dù từ ngày 12/05/1975, tức là chưa đầy hai tuần lễ sau khi miền Nam VN lọt vào tay cộng sản, 9 người tỵ nạn Việt Nam được một tàu Mỹ vớt trên biển, đưa vào hải cảng Chiba gần Tokyo, tới giữa năm 1979, khi tổng số thuyền nhân Việt Nam đến Nhật đã lên tới trên 3,000 người, chính phủ Nhật Bản vẫn chưa có một chính sách nào về việc thu nhận người tỵ nạn cộng sản; việc giúp đỡ những con người khốn khổ này đều do các tổ chức thiện nguyện, tôn giáo, xã hội như Caritas Japan, Hội Hồng Thập Tự Nhật Bản, Cứu Thế Quân (Salvation Army)... đảm nhận.

Mọi thủ tục giấy tờ từ khi đặt chân lên bờ đều do Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đảm trách. Chính phủ Nhật chỉ miễn cưỡng cho phép thuyền nhân lên bờ, tạm trú sau khi đã có cam kết bằng văn bản của Cao Ủy Tị Nạn rằng sẽ đưa các thuyền nhân này đi định cư ở một nước thứ ba!

Chỉ tới sau khi hội nghị quốc tế về người tỵ nạn Đông Dương diễn ra tại Geneva vào tháng 7 năm 1979, với kết quả trên 20 quốc gia Âu châu và Bắc Mỹ đồng ý gia tăng gấp đôi số người tị nạn được nhận định cư mỗi năm, đồng thời gia tăng đóng góp vào ngân sách của Cao ủy Tỵ nạn LHQ, trước áp lực của dư luận quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, quốc gia đã nhận cho định cư khoảng 90% số thuyền nhân tới Nhật, chính phủ Nhật mới bắt đầu cứu xét cho người tỵ nạn cộng sản từ Việt Nam được định cư tại quần đảo Phù Tang - với số lượng nhỏ giọt!

Cũng trong hội nghị nói trên, Cao ủy Tỵ nạn LHQ còn kêu gọi các tàu buôn quốc tế tích cực tham gia công việc cứu vớt những người tỵ nạn mà họ gặp ngoài biển khơi, và đưa ra quy định người tỵ nạn được tàu của quốc gia nào vớt thì sẽ được định cư tại quốc gia đó.

Sau này khi đã tới trại tỵ nạn và có dịp làm việc với văn phòng Cao ủy, tôi được biết chính quy định này đã khiến một số quốc gia, đứng đầu là Nhật Bản, né tránh việc cứu vớt thuyền nhân để khỏi phải mang gánh nặng!

Tới lúc đó tôi mới hiểu tại sao gần 30 con tàu chúng tôi gặp trên biển Đông đã ngoảnh mặt làm ngơ, và cái giàn khoan Nhật mà chúng tôi cứ ngỡ là cứu tinh ấy đã tàn nhẫn xua đuổi đoàn người trên con thuyền mong manh chỉ dài hơn 7 mét!

* * *


Trở lại với ngày 19/10/1981 trên biển Đông, mặc dù viên kỹ sư Nhật dứt khoát không cho tôi hay bất cứ ai bước lên cầu tàu của giàn khoan, ông anh cột chèo của tôi vẫn nhất quyết cho ghe nằm “ăn vạ” dưới chân cầu tàu vì tin rằng sớm muộn người ta cũng phải giải quyết.

Bên cạnh đó là những cặp mắt lo âu xen lẫn hy vọng của mọi người trên ghe, nên cho dù không có một chút thiện cảm nào với viên kỹ sư Nhật, tôi cũng phải ra sức ca bài con cá nó sống vì nước, cam kết với ông ta tôi sẽ không để ai bước lên cầu tầu, chỉ xin giàn khoan giúp đỡ bằng cách liên lạc với tàu bè qua lại, báo cho họ biết có người tỵ nạn đang ở giàn khoan chờ được cứu vớt.

Nhưng viên kỹ sư Nhật lạnh lùng lắc đầu, trả lời rằng giàn khoan không có phương tiện liên lạc với tàu bè của các quốc gia khác, đồng thời nhấn mạnh công ty của ông ta là một công ty tư nhân, không phải của chính phủ Nhật!

Rồi ông ta khuyên chúng tôi nên tiếp tục cuộc hành trình khi thời tiết còn tốt. Trước đó, khi tôi nói chúng tôi bị mất phương hướng sau khi gặp bão, ông ta đã trấn an tôi rằng chúng tôi vẫn đang đi đúng hướng, và chỉ cần đi thêm hơn một tiếng đồng hồ nữa là tới đảo Laut.

Viên kỹ sư còn ra vẻ tử tế, nói rằng nếu chúng tôi cần dầu mỡ, lương thực, nước uống... giàn khoan sẵn sàng cung cấp. Dĩ nhiên, chúng tôi không cần tới những thứ đó, bởi khi ra đi trên chiếc ghe 7 mét rưỡi vào giữa mùa bão, chúng tôi chấp nhận chết vì ghe bị bể, bị chìm nhưng dứt khoát sẽ không chết vì đói khát hoặc hết nhiên liệu, cho nên thứ gì chúng tôi mang theo cũng dư thừa cho một cuộc hành trình có thể kéo dài tới hai, ba tuần lễ!

Mặc dù chúng tôi nói không cần gì cả, viên kỹ sư cũng cho người đem ra mấy hộp sữa tươi, khoảng một chục quả cam, và cả mấy cục xà bông thơm, mấy chai shampoo có lẽ vì thấy đám đàn bà con nít trên ghe dơ bẩn, đen đủi phát khiếp (vì khói máy tàu)!

Trước thái độ dứt khoát và hành động đuổi khéo của viên kỹ sư, ông anh cột chèo của tôi đành phải chấp nhận rời giàn khoan!

* * *


Từ giàn khoan, chúng tôi tiếp tục đi theo hướng nam (180 độ), nhưng sau gần hai tiếng đồng hồ vẫn không thấy đảo Laut như viên kỹ sư Nhật đã nói!

Lúc này, sau khi bị giàn khoan từ chối cứu vớt, mọi người đều xuống tinh thần, nhất là đám phụ nữ, chỉ sợ gặp hải tặc Thái Lan!

Mặc dù không biết đích xác lúc này ghe đang ở đâu, tôi cũng cố làm ra vẻ bình tĩnh, trấn an mọi người rằng chúng ta đang trên đường đi tới Nam Dương, cách xa vịnh Thái Lan cả mấy trăm cây số, không việc gì phải lo sợ hải tặc!

Nhưng trong khi trấn an mọi người, chính tôi cũng cảm thấy không hoàn toàn yên tâm. Làm sao tôi biết bọn hải tặc Thái Lan chỉ hoạt động trong vịnh Thái Lan? Làm sao tôi biết trong đám ngư dân Nam Dương không có hải tặc?

Nghĩ tới hải tặc, tôi lại thầm trách ông anh cột chèo đã không chịu cho tôi mang theo vũ khí để tự vệ!

Ngày ấy, những năm cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, một số nghe vượt biên, thường là ghe có đông thanh niên hoặc cựu quân nhân VNCH, đã lén mang theo súng ống, lựu đạn để đề phòng trường hợp gặp hải tặc Thái Lan.

Trong thời gian chuẩn bị chuyến vượt thoát, mặc dù đã nhất quyết đi về hướng Nam Dương chứ không vào vịnh Thái Lan, tôi cũng đã nghĩ tới việc mua vũ khí và nhờ Khiêm (tay bạn trung úy hải quân mua hải bàn, hải đồ cho tôi) dò hỏi đám anh chị chợ trời, được biết hai “mặt hàng” phổ biến nhất cho dân vượt biên là súng lục K54 của Trung Cộng và lựu đạn M26 của Mỹ cung cấp cho quân đội VNCH trước năm 1975.

Súng K54 tôi không dám nghĩ tới vì không đủ khả năng tài chánh nhưng lựu đạn thì có thể xoay tiền để mua; tôi dự trù ít ra cũng phải có hai trái để chống lại hai chiếc ghe hải tặc đầu tiên (trường hợp gặp hải tặc tới ba bốn lần thì đành phó thác cho trời!). Nhưng khi tôi bàn với ông anh cột chèo thì bị ông phản đối kịch liệt; ông nói nếu bị bắt lại mà công an xét ghe thấy có vũ khí coi như đời tàn, chúng muốn buộc mình vào tội gì cũng được!

* * *


Trước sự xuống tinh thần của mọi người và lo âu của chính mình, tôi chỉ còn biết ngước mắt lên trời, phó thác mọi việc cho Thiên Chúa, Đức Mẹ Maria và Thánh Mác-tin.

Vào khoảng 3 chiều, bỗng có một bầy cá lớn bơi sát bên cạnh ghe, có con còn nhào lộn trước mũi. Lúc đầu mọi người hốt hoảng vì tưởng cá mập, sau đó mới biết là cá heo.

Theo sự tin tưởng của ngư dân xưa nay, ra biển gặp cá heo là điềm may. Tôi không biết sự tin tưởng ấy có đúng hay không, chỉ biết trông rất vui mắt. Sau đó, ghe cứ đi được một khoảng thì cá heo lại xuất hiện cả bầy, bơi dọc hông nghe rồi qua mặt, làm như muốn chê ghe của chúng tôi chạy chậm vậy!

Cảnh tượng (và ý nghĩ khôi hài) ấy đã khiến tôi tạm quên đi những nỗi lo của mình!

Chưa hết, một lúc sau còn có những con hải âu xuất hiện, bay lượn khá thấp trên mặt biển. Trước đây qua đọc sách vở, tôi được biết đại khái ở ngoài biển khơi mà thấy hải âu bay lượn là biết gần tới bờ, tuy nhiên “gần” ở đây là mấy chục hay mấy trăm km còn tùy thuộc loài hải âu và dòng nước ấm...

Nhưng ít ra chúng tôi cũng cảm thấy an tâm phần nào, để rồi vài phút sau đó, những gì chúng tôi mong đợi đã tới, một ngọn núi nho nhỏ nhô lên ở cuối chân trời: đảo Laut!

Pulau Laut


Thực ra nếu không gặp giàn khoan và được viên kỹ sư Nhật cho biết chúng tôi đang đi đúng hướng, tôi không dám quả quyết hòn núi trước mặt chính là hòn núi trên đảo Laut, nhưng giờ đây tôi có thể tin tưởng tới 90% đó là Laut. Có nghĩa viên kỹ sư Nhật đã không xí gạt chúng tôi mà chỉ... rút ngắn khoảng cách còn chưa tới một nửa!

Nhưng cho dù trường hợp 10% tệ hại xảy ra: đây không phải đảo Laut mà là một hòn đảo khác, thậm chí một hoang đảo, chúng tôi cũng tạm xem như đã sống sót, đã tới bờ bến chứ không vùi thây trên biển cả!

Khoảng bốn giờ chiều, chúng tôi có thể thấy màu xanh lam mờ mờ của ngọn núi, và một tiếng đồng hồ sau, đã thấy toàn bộ hòn đảo xanh rì trước mặt.

Mọi người - trừ vợ tôi - từ trong khoang kéo ra chen chúc nhau ngắm nhìn hòn đảo, ai nấy lộ vẻ vui mừng.

Khi còn cách bờ khoảng 2, 3 km, chúng tôi thấy một chiếc tàu vận tải khá lớn ở gần bờ phía bên tay trái. Tới gần hơn, tôi thấy con tàu nằm bất động, có lẽ đang thả neo, nhưng khi lấy ống nhòm quan sát, tôi thấy con tàu rất cũ kỹ, toàn thân bị rỉ sét, nằm nghiêng về một phía và không có bóng một người trên tàu.

Tới gần hơn nữa, tôi mới biết đây là một chiếc tàu bị mắc cạn, và thắc mắc tại sao người ta không tìm cách kéo nó ra mà lại bỏ hoang?

Bỗng ông anh cột chèo báo cho tôi biết hình như có một chiếc ghe ở xa xa phía bên tay mặt; tôi đưa ống nhòm lên thì thấy đó là một chiếc ghe nhỏ đang hướng về phía chúng tôi, trên có mấy bóng đàn ông.

Vừa nghe tôi mô tả những gì mình thấy, ông anh cột chèo chỉ tay vào bờ và lớn tiếng ra lệnh cho tài công Lý:

- Chạy thẳng vào bờ!

Giọng của ông lạc đi, tôi đoán biết chính ông cũng lo sợ chiếc ghe kia có thể là ghe... hải tặc!

Tiếp tục quan sát qua ống nhòm, tôi thấy chiếc ghe vẫn tiến về phía ghe chúng tôi, càng lúc càng gần, và cuối cùng tôi có thể thấy rõ người đàn ông đứng ở mũi ghe đang đưa tay vẫy lia lịa.

Chiếc ghe có tốc độ khá nhanh cho nên chẳng mấy chốc đã tới gần ghe chúng tôi trong khi chúng tôi còn cách xa bờ cả cây số. Nếu là ghe hải tặc chúng tôi phải chấp nhận đối phó chứ không thể nào chạy thoát được!

Khi hai ghe đã gần sát nhau, tôi thấy đây là một chiếc ghe đánh cá thuộc cỡ nhỏ nhất nhưng tiếng máy nổ khá mạnh; trên ghe có bốn người đàn ông, người đứng ở mũi ra hiệu cho chúng tôi dừng ghe lại.

Trước năm 1975 tôi chưa có cơ hội để phân biệt nét mặt giữa người Nam Dương, người Mã Lai, người Thái Lan cũng như ngôn ngữ của ba dân tộc này, tuy nhiên giờ này khi tôi đã tin rằng hòn đảo trước mặt chính là đảo Laut trên hải đồ thì tôi cũng có quyền tin chiếc ghe này của người Nam Dương; mà từ trước tới nay người ta chỉ nói tới “hải tặc Thái Lan” chứ không ai nói tới “hải tặc Nam Dương” cả!

Như vậy tôi có thể yên tâm!

Khi hai chiếc ghe đã cặp sát nhau, người đứng ở mũi ghe nhảy sang ghe chúng tôi. Phản ứng đầu tiên của tôi là xem tay ông ta có cầm vũ khí gì không?

Không có gì cả!

Rồi thêm một người nữa nhảy sang. Đó là một thanh niên đeo kính cận, ăn mặc khá văn minh lịch sự (quần jeans, áo polo...), khác với ba người kia. Hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng bản xứ rồi anh thanh niên chỉ vào người tôi, hỏi bằng tiếng Anh:

- You Vietnam?

Tôi không kịp ngạc nhiên, trả lời ngay “Yes, Vietnam” rồi vội vã chỉ tay vào bờ, hỏi lại anh ta:

- Laut Island, Indonesia?

Anh đáp:

- Yes, Pulau Laut! (“pulau” tiếng Nam Dương, tiếng Mã Lai có nghĩa là “đảo”)

Rồi anh thông dịch lời của người đàn ông kia (người đã nhảy sang ghe trước tiên) hỏi chúng tôi có vũ khí trên ghe không; sau khi tôi trả lời không, anh nói chúng tôi cho ghe chạy theo chiếc ghe của họ.

Dĩ nhiên chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Rồi với thứ tiếng Anh “cao-bồi Texas”, người thanh niên giải thích với tôi rằng anh là sinh viên y khoa đang thực tập trên “city”, nhân kỳ nghỉ hè về Pulau Laut thăm họ hàng, hôm nay theo mấy ngư dân đi chơi biển và trên đường trở về đảo đã vô tình nhìn thấy ghe chúng tôi, bằng không, chắc chắn chúng tôi sẽ gặp nạn!

Những gì anh sinh viên kể tiếp theo đó cho thấy chúng tôi cực kỳ may mắn!

Nguyên vùng biển chung quanh đảo Pulau Laut toàn là san hô ngầm. Nhiều tàu thuyền lạ đã gặp nạn, bị chìm hoặc bị hư hại phải bỏ lại như chiếc tàu vận tải mà chúng tôi đã nhìn thấy hồi chiều.

Sau này được đưa sang những hòn đảo khác, tôi mới biết cả vùng biển phía bắc của Nam Dương, trong đó có quần đảo Natuna, là vùng biển có nhiều san hô và đá ngầm vây quanh các đảo; và vì biển ở vùng này rất cạn, tàu thuyền không thể vào sát bờ, người ta phải làm những cầu tàu ra tận ngoài biển, có khi dài tới mấy trăm mét.

Vì thế, nếu chiếc ghe của mấy người Nam Dương không nhìn thấy ghe chúng tôi và tới chặn lại, chúng tôi sẽ tiếp tục chạy thẳng vào bờ biển trước mặt để rồi cùng số phận với những tàu thuyền bị chìm trước đó!

* * *


Chiếc ghe đánh cá dẫn đường chạy khá chậm. Tuy lúc này đã khoảng 6 giờ tối, nhìn xuống mặt nước theo tay anh sinh viên chỉ, chúng tôi vẫn có thể thấy san hô dầy đặc dưới mặt nước biển trong vắt.

Trong lúc tôi và anh sinh viên nói chuyện, người đàn ông Nam Dương kia lấy gói thuốc lá trong túi ra mời mọi người; tôi, tài công Lý, và Tiến đang đứng gần đó mỗi người lấy một điếu. Vừa đưa điếu thuốc lên môi chưa kịp đốt, tôi đã ngửi thấy mùi thơm nhưng không phải mùi thơm của thuốc lá mà là mùi thơm của... gia vị: đinh hương (clove), một vị trong “ngũ vị hương” của người Tàu!

Những ai từng sống ở trại tỵ nạn Pulau Galang, dù hút thuốc hay không hút thuốc cũng không thể quên được cái mùi thơm nồng nặc của loại thuốc lá tẩm đinh hương này (clove cigarettes, tiếng Nam Dương gọi là “kretek”).


Gudang Garam, hiệu “clove cigarettes” cao cấp nhất


Có khác chăng trong khi những người không hút thuốc trước sau chỉ thấy nồng nặc, khó chịu thì những người hút thuốc sau một thời gian hút lại đâm ra nghiền (tuy nhiên đa số không có khả năng mua vì giá mắc hơn nhiều so với thuốc lá bình thường).

Mặc dù đang phải hút Hoa Mai, loại thuốc lá quốc doanh được xem là tồi tệ nhất, lúc đó tôi, Lý, và Tiến cũng không thể nào thưởng thức nổi hương vị của mấy điếu thuốc tẩm đinh hương. Tuy nhiên, trong khi Lý và Tiến lén quăng điếu thuốc xuống nước thì tôi, đang đứng đối diện với hai người đàn ông Nam Dương, phải cố gắng chịu đựng, lâu lâu đưa lên miệng bập một cái thật nhẹ cốt để tránh làm mất lòng họ.

* * *


Sau khoảng nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi thấy có ánh đèn điện từ trong bờ rồi chiếc ghe đánh cá hướng dẫn chúng tôi đi vào một cái cầu tàu bằng gỗ. Tới nơi, anh sinh viên nói chúng tôi chờ dưới ghe để người đàn ông Nam Dương kia đi thông báo cho “cáp-ten” (captain), người mà anh giải thích là “chúa đảo” ở Pulau Laut.

Trong lúc chờ đợi ông “cáp-ten”, tôi vào trong khoang và qua ánh sáng lờ mờ từ trên cầu tàu, chứng kiến một cảnh tượng bi hài không thể tưởng tượng: trừ bà chị vợ của tôi và Tốt (vợ Trung, đang mang bầu), tất cả đàn bà con gái còn lại đều sợ hãi ôm chặt lấy nhau vì cho rằng ghe của mình đã lọt vào tay hải tặc, bất chấp những lời giải thích của đám đàn ông đây là những người đánh cá của Nam Dương!... Riêng cô vợ yêu quý của tôi thường nhật cũng không lấy gì làm sùng đạo cho lắm, giờ này đang ôm chặt pho tượng Thánh Mác-tin vào lòng!

Một lúc sau, ông “chúa đảo” - một người trạc tuổi trung niên - cùng với mấy người đàn ông nữa tới nơi. Ông ta chỉ vào ngực và nói một cách hãnh diện “cáp-ten..., cáp-ten”.

Rồi một người, sau này tôi được biết là một thư ký hành chánh, phụ tá của ông cáp-ten, cũng nói được chút ít tiếng Anh, hỏi tôi về tổng số người trên ghe, sau đó nói tôi cho mọi người mang theo tất cả hành lý rời ghe để lên bờ.

Nhưng đám đàn bà con gái ngồi trong khoang nhất định không chịu rời ghe, riêng vợ tôi thì khóc rống lên, nói chết thì chết chứ không lên bờ. Tôi nổi sùng, lớn tiếng quát đã liều chết vượt biển, nay tới bờ lại không chịu lên là làm sao!

Cuối cùng thì mọi người cũng phải lên cầu tàu, riêng vợ tôi và Lệ, cô gái trẻ khách của bà chị vợ, yếu quá đi không nổi phải dìu. Ông “cáp-ten” cùng người thư ký hướng dẫn chúng tôi đi khoảng vài chục mét thì tới một cái nhà sàn khá lớn, đèn điện sáng trưng, sau này mới biết đó là “tư thất” của ông cáp-ten kiêm văn phòng của đảo Pulau Laut.

Chúng tôi được đưa vào một căn phòng lớn, có lẽ là nơi sinh hoạt của dân chúng trên đảo nhưng bàn ghế đã được dọn dẹp; một số đàn bà con nít đang ngồi dưới sàn nhà xem truyền hình. Người thư ký nói chúng tôi ngồi chờ ở đây để bà vợ cáp-ten nấu cơm tối, không quên hướng dẫn lối đi nhà vệ sinh.

Tới lúc này đám đàn bà con gái trên ghe chúng tôi mới hoàn toàn yên tâm. Riêng tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm kích trước cách đối xử của những người Nam Dương đầu tiên mình được gặp. Chỉ có điều là đám đông đang ngồi xem truyền hình hầu hết không theo dõi những gì đang diễn ra trên màn ảnh nữa mà quay sang quan sát chúng tôi, chỉ trỏ, bàn tán...; rồi càng lúc càng có nhiều người kéo tới, đại đa số là phụ nữ và trẻ con.

Lúc đầu chúng tôi cũng cảm thấy khó chịu, nhưng sau một hồi nhìn những khuôn mặt hiền lành chất phác, những nụ cười vô tư của họ, chúng tôi hiểu đây chỉ là sự tò mò vô hại của những người dân đảo hồn nhiên...

Khoảng hơn nửa giờ sau, bữa cơm tối do bà vợ cáp-ten cùng một số phụ nữ nấu đã sẵn sàng. Nhìn cái nồi cơm khổng lồ và chén bát, muỗng nĩa (không có đũa) đầy đủ cho mấy chục người, tôi đoán có lẽ đây cũng là nơi tụ tập tiệc tùng ăn uống của người dân trên đảo.

Bữa tối chỉ có cơm, cá khô và một món canh rau nhưng trừ vợ tôi và cô Lệ quá yếu mệt, tất cả chúng tôi ăn rất ngon miệng sau bốn ngày sống nhờ lương khô!

Ăn cơm tối xong, nghỉ ngơi một lát, chúng tôi được người thư ký cho biết anh sẽ đưa chúng tới nơi tạm trú. Tôi đại diện đoàn người cám ơn ông “cáp-ten” và bà vợ đã cho ăn cơm tối bằng tiếng Anh và được người thư ký thông dịch sang tiếng Nam Dương; trong khi ông “cáp-ten” chỉ gật gật cái đầu thì bà vợ đáp lại bằng nụ cười thật tươi.

Người thư ký đưa chúng tôi tra ra cầu tàu, từ đây đi vào bờ hai bên cầu tàu đều có nhà sàn của người dân, có một hai nhà có truyền hình.

Tới bờ, chúng tôi được dẫn đi thêm vài trăm mét, tới một ngôi nhà lớn nằm giữa một khoảng đất trống tối thui chẳng có đèn đuốc gì cả. Người thư ký đưa cho chúng tôi một mớ đèn cầy, nói vào bên trong ngủ đỡ qua đêm, sáng hôm sau anh ta sẽ trở lại.

Đó là một ngôi nhà lợp tôn vách ván, nền xi-măng, có hai dãy sạp gỗ, mà tôi đoán là được dựng lên cho những thuyền nhân đã tạt vào hòn đảo này, trong số đó có năm anh em con bà chị vợ tôi đi năm 1979.

Sáng ra, người thư ký trở lại cùng với ông cáp-ten. Lúc này tôi mới có thì giờ quan sát kỹ ông “chúa đảo”. Điểm đầu tiên đập vào mắt người đối diện là ông cao hơn mọi người gần một cái đầu, điểm kế tiếp là bộ đồ thể thao (tracksuit) Adidas với đôi giày cùng hiệu của ông. Sau này tới các đảo lớn, tôi mới biết Adidas là “hàng hiệu” được ưa chuộng nhất ở Nam Dương thời bấy giờ.

Không biết ông cáp-ten có mấy bộ tracksuit, chỉ biết trong thời gian ở Pulau Laut, chúng tôi thấy ông chỉ mặc một kiểu quần áo duy nhất là bộ tracksuit Adidas màu xanh đậm. Còn những người đàn ông khác trên đảo không hiểu vì không có cơ hội tiếp xúc với xã hội “văn minh” hay vì thời tiết nóng quanh năm mà tất cả đều mặc áo thun (T-shirt), quần đùi, sau khi đi đánh cá về mới quấn cái xà-rông (sarong).

Cũng giống như đại đa số dân ở các đảo nhỏ của Nam Dương, ông cáp-ten có nước da nâu sậm, khuôn mặt mang những nét thuần chủng của người bản xứ (native Indonesians) chứ không có những nét lai Ấn-độ, Ả-rập, Âu châu, Trung Hoa... như nhiều người Nam Dương ở các đảo lớn.

Viết một cách ngắn gọn là không được thanh tú. Bù lại, họ (dân đảo) có những nét đơn sơ, ngây ngô chất phác dễ gây thiện cảm nơi người lạ.

* * *


Qua phần “thông dịch” của người thư ký, chúng tôi được biết ông cáp-ten là đại diện chính quyền Nam Dương ở Pulau Laut, có trách nhiệm canh giữ và giúp đỡ chúng tôi cho tới ngày được đưa tới “city”. Trong thời gian ở Pulau Laut, chúng tôi không được vào rừng sâu, không được đi ra cầu tàu hoặc bờ biển.

Sau đó, người thư ký nói chúng tôi cử mấy người lên văn phòng của đảo để lãnh gạo và chiếu nằm về cho mọi người, cùng với nồi niêu chén đĩa, còn thực phẩm thì khi nào ghe đánh cá về thì sẽ cho người gọi chúng tôi tới nhận cá.

Khoảng gần trưa, một phụ nữ tới ra hiệu cho chúng tôi theo bà ta ra bãi. Tới nơi thì thấy ngư dân đã đem cá lên bờ, bày la liệt trên bãi cát, có những con chắc phải tới 4, 5kg, một số người dân đảo đứng chung quanh. Người phụ nữ chỉ tay ra hiệu cho tôi chọn một con trong số những con lớn nhất; tôi bối rối chưa biết phản ứng ra sao, một phần vì ngại ngùng, một phần vì không rành về cá biển, thì bà ta đã lấy con cá lớn nhất trao cho chúng tôi. Sau đó số cá còn lại mới phân phối cho người dân đảo.

Việc “tặng cá” này diễn ra mỗi ngày. Còn gạo thì mỗi lần họ phát cho khoảng 20kg, nói khi nào hết lên lãnh tiếp.

* * *


Tới đây cũng xin có đôi dòng về đảo Pulau Laut và cuộc sống của người dân trên đảo.

Pulau Laut là hòn đảo gần Việt Nam nhất, thuộc hạt (regency) Natuna, tỉnh (province) Riau của Nam Dương.

Về mặt lãnh thổ, Cộng Hòa Nam Dương gồm trên 17,000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó vùng đảo Riau, gồm 1,796 đảo, có vị trí quan trọng nhất, vì nằm giữa bán đảo Mã Lai vào đảo Borneo, phía nam là eo biển Malacca (Malacca Strait), huyết mạch giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (biển Đông), phía bắc là lộ trình hàng hải quốc tế.

Vùng đảo phía bắc của Riau là quần đảo Natuna gồm 272 hòn đảo lớn nhỏ, với những biển san hô tuyệt đẹp, với trữ lượng dầu hỏa lớn nhất biển Đông, hiện nay đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng đồng thời cũng trở thành mục tiêu xâm lấn của Trung Cộng (bản đồ “lưỡi bò” mới nhất của Bắc Kinh bao gồm một phần vùng biển phía đông bắc Natuna).

Nhưng vào đầu thập niên 1980, Natuna còn tương đối thưa vắng, nhất là vùng đảo phía bắc, gồm Pulau Laut và hai đảo nhỏ hơn, cùng nhiều đảo tí hon (islets).

Bản đồ lãnh thổ Nam Dương (màu trắng). Vùng biển Riau nằm ở phía bắc,
đảo Natuna có mũi tên đỏ; chấm nhỏ phía bên trên là Pulau Laut


Pulau Laut nằm cách đảo chính (Natuna) khoảng 50 km, có chiều dài 11 km theo hướng nam-bắc, chỗ rộng nhất khoảng 5 km. Vào thời gian này, theo lời người thư ký của ông cáp-ten, chỉ có hơn một trăm người dân đảo, sống quây quần ở một bờ biển ở phía nam, nhìn ra hướng tây.

Gần như toàn bộ diện tích của Pulau Laut là rừng núi, mà đỉnh cao nhất (273m) nằm ở phía bắc – mà chúng tôi đã nhìn thấy vào chiều 19/10/1981 sau khi rời giàn khoan Nhật.

Tất cả dân đảo chỉ làm một nghề là thu hoạch cùi dừa. Dừa ở Pulau Laut, cũng như ở đa số đảo khác của Nam Dương, Mã Lai, nguyên là dừa mọc hoang ở bờ biển không biết từ đời nào, sau đó được người dân trồng thêm.

Dừa khi đã già được lấy cùi, bỏ vào bao bố đưa lên Natuna bán cho các nhà thu mua.

Dừa ở vùng đảo này là dừa vỏ xanh, thân cây cao tới trên 20 mét. Vì thế người ta phải nuôi khỉ để leo lên hái dừa. Hiện nay, những người từng đi du lịch Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương... tới các vùng khai thác dừa có thể đã được “thưởng lãm” cảnh khỉ hái dừa, hoặc qua đọc tài liệu, xem video của các tổ chức bảo vệ thú vật, nhưng ngày ấy chúng tôi chưa một ai được chứng kiến hoặc nghe nói tới việc nuôi khỉ để hái dừa.

Thành thử chứng kiến cảnh hậu duệ Tề thiên Đại thánh bị loài người bắt leo lên cây hái dừa, chúng tôi vừa ngạc nhiên thích thú vừa thương tội!

Thương tội bởi vì để khỉ không thể chạy trốn, người ta xiềng vào cổ nó một sợi xích sắt, dài ngắn tùy theo con khỉ lớn hay nhỏ nhưng tối thiểu cũng khoảng 3, 4 mét; với sức nặng của sợi xích, con khỉ chỉ đi chứ không thể chạy!

Không biết những con khỉ này được huấn luyện ra sao, chỉ biết khi một con được dắt tới gốc dừa, nó leo thoăn thoắt lên ngọn để bẻ dừa, bắt đầu từ những trái lớn nhất quăng xuống gốc cây; trường hợp cuống trái dừa không đứt, nó dùng răng để cắn... Cho tới khi ông chủ ra lệnh thì mới được leo xuống.

Dừa ở vùng đảo Nam Dương
Hậu duệ Tề thiên Đại thánh hái dừa


Trong một lần cùng vài người trong ghe đi vào ven vào rừng để thám hiểm, vừa ra khỏi khoảng đất trống nơi có ngôi nhà tạm trú, tôi thấy một ngôi nhà bỏ hoang.

Điểm đầu tiên đập vào mắt tôi là tấm bảng gỗ ở phía trước có huy hiệu Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) và hai hàng chữ bắng tiếng Anh và tiếng Nam Dương (Nam Dương, nguyên là thuộc địa của Hòa Lan trong gần bốn thế kỷ, sử dụng mẫu tự La-tinh).

Cấu trúc và màu sắc của ngôi nhà này khác hẳn với nhà cửa của dân chúng trên đảo. Đó là một căn nhà sàn bằng gỗ lợp tôn, vách ván, sơn màu xanh blue nhạt, gồm hai căn phòng trống trải.

Sau đó, qua đọc những chữ được khắc trên các cột nhà tạm trú và nghe những người đi trước kể lại, tôi được biết trong các năm 1978, 1979, 1980 đã có một số ghe vượt biên từ Việt Nam, hoặc vì không biết có trại tạm trú ở đảo Kuku hoặc vì không biết đường đi tới Kuku, khi thấy đảo Pulau Laut liền tấp vào. Số thuyền nhân tạm trú tại Pulau Laut có lúc lên tới cả trăm, vì thế lâu lâu Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ lại đưa nhân viên tới đảo thiết lập danh sách, phỏng vấn sơ khởi, rồi từng đợt được đưa sang các đảo lớn.

Ngôi nhà gỗ sơn xanh nói trên được dựng lên làm văn phòng cho nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn làm việc, cùng với ngôi nhà dành cho thuyền nhân tạm trú mà tôi đã viết ở đoạn trên.

Sau này vì đa số ghe đi Nam Dương đã tới thẳng đảo Kuku, thậm chí tới thẳng đảo Galang, đồng thời để tiết kiệm nhân lực vốn luôn thiếu hụt, văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn ở Pulau Laut đã bị dẹp bỏ. Căn nhà tuy bị bỏ hoang nhưng không có người dân nào tới phá phách, tháo gỡ tôn ván vì cho rằng nó vẫn là tài sản của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ.

* * *


Qua ngày thứ hai sau khi chúng tôi đặt chân lên Pulau Laut, người thư ký của ông cáp-ten đem xuống một cái máy đánh chữ nhỏ thuộc loại cổ lỗ sĩ và mấy tờ giấy có in tiếng Anh do Cao Ủy Tỵ Nạn để lại, để tôi đánh danh sách người đi trên ghe.

Phía trên tờ giấy là số hiệu của ghe, ngày tới đảo và tổng số người đi trên ghe. Ngày tới đảo thì tôi ghi 19/10/1981, số người trên ghe là 26, nhưng số ghe thì không có, bởi như đã viết trong một kỳ trước, chiếc ghe của chúng tôi không đăng ký để tránh sự kiểm soát và đòi tiền mãi lộ của công an cho nên không có số hiệu gì cả.

Thông thường, các ghe khi đăng ký sẽ được cấp số hiệu gồm hai mẫu tự viết tắt của tên địa phương, chẳng hạn VT (Vũng Tàu), KG (Kiên Giang), (TG Tiền Giang), PT (Phan Thiết), và ba, bốn con số phía sau.

Vì ghe của chúng tôi không có số cho nên tôi để trống. Tuy nhiên sau khi tôi đánh máy xong danh sách, ông anh cột chèo của tôi lại chế ra một cái tên ghe để tôi điền vào.

Tuy gọi là “chế” nhưng cũng có cơ sở. Nguyên hai năm trước đó, ghe của mấy đứa con bà chị vợ tôi cũng không có số, sau khi tới đảo Pulau Laut bị bỏ lại ở đó, còn người thì được đưa tới đảo Kuku, nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn ở Kuku khi làm hồ sơ đã đặt cho chiếc ghe (bị bỏ lại ở Pulau Laut) số hiệu gồm hai mẫu tự PL và tiếp theo là sáu con số.

Trong thư viết từ trại tỵ nạn Galang về Việt Nam, đứa con trai lớn của bà chị vợ tôi giải thích hai con số đầu là tháng tới Nam Dương, hai con số tiếp theo là ngày tới, và hai con số cuối cùng là tổng số người trên ghe.

Còn hai mẫu tự PL, cháu không biết do đâu mà có, và đã viết đùa rằng rất có thể người tây phương vốn có truyền thống lấy tên đàn bà con gái đặt cho các du thuyền cho nên văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn ở Kuku đã lấy tên “Phương Loan” của đứa em gái lớn nhất viết tắt thành PL.

Nhưng ông anh cột chèo của tôi lại... tin lời cậu trưởng nam, cho nên đã lấy hai mẫu tự TV – viết tắt tên con trai út “Thiên Vĩ” – để có một cái tên ghe đầy đủ là TV-101926, nghĩa là ghe tới đảo ngày 19 tháng 10, gồm 26 người.

Ông rất thích thú với cái tên ghe độc đáo, đầy ý nghĩa này, chứ đâu có ngờ chính vì việc “chế” tên ghe không giống ai mà sau này ông và tôi đã bị Cao Ủy Tỵ Nạn quay tới quay lui!

* * *


Sau gần một tuần ở Pulau Laut, chúng tôi được người thư ký của ông cáp-ten báo cho biết ngày mai chúng tôi sẽ được tàu chở lên “city”.

Mặc dù không thể hình dung cái “city” chúng tôi sắp được đưa tới nó lớn nhỏ ra sao, văn minh như thế nào, ai cũng vui mừng. Riêng tôi, xem lẫn nỗi vui ấy có kèm chút bâng khuâng khi từ giã hòn đảo mà mọi người cùng ghe gọi đùa là “hoang đảo” này. Cho dù tới lúc ấy vẫn chưa học được một tiếng Nam Dương nào, tất cả mọi sự “giao dịch” với dân đảo đều qua trung gian thông dịch của anh sinh viên mà đôi khi tôi được gặp lại, tôi cũng rất mến những người dân đảo hiền lành, chất phác, tốt bụng mà sau này không bao giờ còn tìm thấy trên cõi đời này!

Ngày hôm sau, vào khoảng 9 giờ sáng, chúng tôi được người thư ký dẫn ra cầu tàu. Trên đường đi, những người dân đảo thấy chúng tôi khăn gói ra đi đều đưa tay vẫy chào.

Qua khỏi văn phòng của đảo mấy chục mét, chúng tôi thấy cái nghe của mình vẫn còn nằm y chỗ cũ phía bên tay trái cầu tàu; nước đã ngập gần phân nửa (vì đáy nghe bị nứt khi bị bão).

Tôi cảm thấy bùi ngùi khi nghĩ tới tương lai không mấy sáng sủa của chiếc ghe mục nát đã giúp chúng tôi vượt thoát khỏi Việt Nam: vì đã quá cũ, chắc chắc nó sẽ được dân đảo rã ra để làm củi hay sử dụng vào công việc nào đó. Chấm dứt một kiếp ghe!

* * *


Ra tới nơi, tôi thấy một cái tàu gỗ khá lớn, dài khoảng 15-20 mét, trên đó có ông cáp-ten và mấy người đàn ông, có cả anh sinh viên.

Sau khi đếm đầu người, hướng dẫn chúng tôi lên ghe chỉ chỗ ngồi trên sàn ghe chất đày bao bố đựng cùi dừa, người thư ký cho tôi biết đích ông cáp-ten sẽ đưa chúng tôi ra “city” giao cho nhà chức trách, rồi bắt tay tôi từ giã, rời tàu.

Sau khi tàu ra khơi, thấy anh sinh viên một mình đứng ngắm trời biển, tôi lân la tiến tới hỏi chuyện, được anh cho biết ông cáp-ten không chỉ là người đại diện chính quyền ở Pulau Laut mà còn đảm trách mọi phương diện liên quan tới đời sống của người dân đảo.

Chẳng hạn cứ mỗi tháng một lần, ông cùng với mấy người đi theo lại mang cùi dừa, sản phẩm độc nhất của người dân đảo ra “city” bán cho trung tâm thu mua, rồi mua nhu yếu phẩm cho từng gia đình theo danh sách đã ghi, ngoài ra ông còn mua cả những loại thuốc men căn bản cho dân đảo, cất giữ ở trụ sở kiêm tư thất của “chúa đảo”, nơi mà bà vợ của ông kiêm cả vai trò “y tá”!...

* * *


Sau khoảng một tiếng đồng hồ, chúng tôi thấy vô số đảo ở phía chân trời, anh sinh viên nói với tôi đó là quần đảo Natuna, nơi có “city” mà anh và người thư ký của ông cáp-ten đã nhắc tới.

Đi thêm một tiếng nữa, tàu tới gần quần đảo. Hầu như đảo nào cũng có núi, mà ngọn cao nhất sau này tôi được biết vào khoảng 1000 mét, tức là tương đương với núi Bà Đen ở Tây Ninh.

Con tàu tiếp tục đi về phương nam thêm khoảng nửa tiếng rồi tiến vào một hòn đảo xanh tốt với nhiều nhà sàn nhô ra bờ biển. Cuối cùng, tàu cặp vào một cái bến tàu lót gỗ nằm cách bờ biển cả trăm mét. Cũng giống như ở Pulau Laut và hầu hết các đảo trong vùng biển Natuna, mực nước gần bờ ở đây rất cạn, có nhiều đá ngầm và san hô cho nên người ta phải làm một cái cầu tàu chạy dài ra biển.

Chúng tôi được ông cáp-ten đưa tới văn phòng của bến tàu, ngồi chờ ngoài cửa vì cái phòng quá chật. Trong lúc chờ nhân viên hành chính tới làm thủ tục nhận người tỵ nạn, chúng tôi được một “người hùng” vồn vã săn đón.

“Người hùng” khoảng 35, 40 tuổi, hơi thiếu chiều cao nhưng thân hình vạm vỡ, tuy mặt mũi đen đủi nhưng khá đẹp trai với hàng ria mép cắt tỉa gọn ghẽ; chỉ có điều là kể cả những lúc ra vẻ nghiêm trang, đứng đắn nhất, trông anh vẫn có nét khôi hài, khiến tôi liên tưởng tới danh hài Thanh Việt của Sài Gòn trước 1975.

Với vốn liếng tiếng Anh không nhiều nhặn gì, “người hùng” cho chúng tôi biết anh là một cựu Trung sĩ (Sergeant) trong quân đội Nam Dương, không phải là trung sĩ bình thường mà một trung sĩ trong lực lượng người nhái của hải quân, chuyên đi tầu ngầm. Vừa khoe anh vừa vỗ vào con dao đeo ở thắt lưng, nói đó là loại dao găm đặc biệt của người nhái mà anh được giữ làm kỷ niệm.

Vị cựu trung sĩ người nhái cũng cho biết hiện nay anh là người đặc trách an ninh trên hòn đảo Sedanau này. Lúc đó tôi mới biết chữ Sedanau trên hàng chữ Nam Dương trước văn phòng bến tàu là tên của hòn đảo này.

Chờ khoảng 15 phút, các viên chức Nam Dương tới bến tàu để nhận người. Trước khi chia tay, tôi đại diện ghe cám ơn ông cáp-ten và từ giã anh sinh viên; anh nói rồi đây nếu chúng tôi ra “city” chơi, rất có thể sẽ gặp lại anh.

* * *


Rời bến tàu, chúng tôi theo các viên chức Nam Dương đi ra đường phố. Lần đầu tiên kể từ khi bước xuống ghe, chúng tôi mới nhìn thấy một đường phố đúng nghĩa, với các hàng quán và sinh hoạt thường nhật của người dân. Con đường trải nhựa rất sạch sẽ, nhà cửa và hàng quán hai bên tuy đều bằng gỗ nhưng khá tươm tất.

Đi bộ khoảng vài trăm mét, chúng tôi được đưa vào một cái ngõ khá rộng ở phía bên mặt, dẫn tới một dẫy nhà sàn nhô ra bờ biển, trong đó có một ngôi nhà rộng thênh thang, nơi tạm trú của hơn một trăm thuyền nhân đã tới đây trước chúng tôi.

Một người “thâm niên” nhất, được xem là đại diện tỵ nạn Việt Nam trên đảo Sedanau, hướng dẫn chúng tôi vào tìm chỗ.


Nhà sàn ở vùng đảo Natuna

Một khu nhà sàn ở Sedanau tương tự nơi tạm trú của người tỵ nạn cách đây hơn 40 năm


Về sau tôi được biết căn nhà này nguyên là một cái chợ cá cũ, được nhà cầm quyền địa phương sử dụng làm nơi tạm trú cho người tỵ nạn Việt Nam trong thời gian chờ tàu lớn tới đón.

(Còn tiếp)

Reader Response: (CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ - kỳ 20)

Rate this item
(0 votes)