Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm & Ca Khúc Gọi Người Yêu Dấu - Vương Trùng Dương

Về tiểu sử nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã được đề cập qua nhiều bài viết, nay chỉ tóm lược quãng thời gian liên quan ngắn gọn. Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh năm 1930 tại làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, trong gia đình theo đạo Tin Lành. Nhập học lớp Đệ Thất vào năm 1944 lúc 14 tuổi tại trường Bưởi (Trường Bưởi - trường Bảo Hộ (Lycée du Protectorat), được thành lập vào năm 1908. Tới ngày 9/3/1945, trường bị giải thể sau khi Nhật đảo chánh Pháp. Trường Bảo Hộ đổi tên thành trường Chu Văn An).

Năm 1951, sau khi đậu Tú Tài I và đang học lớp Đệ Nhất C, động viên vào Khóa 1 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định. Tháng 6/1952, ra trường, cấp bậc Thiếu Úy, phục vụ tại đồn Trung Lăng, thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Kiến An. Tháng 7/1954, lập gia đình với bà Dương Thị Năng, con gái út của Mục Sư Dương Tự Ấp. Ông bà có 7 người con.

Sau khi đất nước bị chia đôi năm 1954, gia đình di cư vào Nam, ông phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ban đầu được bổ nhiệm đồn trú tại đơn vị thuộc đảo Phú Quốc. Tháng 3/1956, Vũ Đức Nghiêm được thuyên chuyển về Trung Đoàn 7, thuộc Sư Đoàn 3 Dã Chiến đóng tại Sông Mao, Bình Thuận. Ông sáng tác Sư Đoàn 3 Dã Chiến Hành Khúc (sau nầy là Sư Đoàn 5 Hành Khúc).

Năm 1957, Trường Sinh Ngữ Quân Đội thành lập, ông là một trong những giảng viên Anh Ngữ đầu tiên tại trường này. Năm 1958, ông sang Hoa Kỳ, phục vụ tại trung tâm huấn luyện Fort Benning, tiểu bang Georgia. Nghiên cứu trước các tài liệu giảng dạy cho huấn luyện viên Hoa Kỳ cho các khóa tu nghiệp sĩ quan Quân Đội VNCH.

Sau khi về nước, ông tiếp tục công việc giảng dạy tại Trường Sinh Ngữ Quân Đội. Tháng 1/1963, thăng cấp Đại Úy, phục vụ tại Sư Đoàn 22 Bộ Binh, ông viết Sư Đoàn 22 Hành Khúc, rồi Tòa Đại Biểu Chính Phủ tại Ban Mê Thuột, ở đây gần Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 BB, ông viết Sư Đoàn 23 Hành Khúc.  

Giữa năm 1966, Đại Úy Vũ Đức Nghiêm được giao chức vụ Tỉnh Đoàn Trưởng Xây Dựng Nông Thôn, tỉnh Tuyên Đức, và sau đó giữ nhiệm vụ Trưởng Phòng Hành Quân, tiểu khu Tuyên Đức.

Năm 1969, Thiếu Tá Vũ Đức Nghiêm làm phụ tá Quân Trấn Trưởng, thị xã Đà Lạt.

Trong thời gian phục vụ quân ngũ, ông tiếp tục học, tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa, Viện Đại Học Đà Lạt.

Cấp bậc cuối cùng của ông là Trung Tá, Huấn Luyện Viên Tiếp Vận, Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Đà Lạt, năm 1971 chuyển về Long Bình, Biên Hòa.

Sau tháng Tư năm 1975, ông bị tù tại Long Giao, Long Khánh, Suối Máu, Tân Hiệp, tháng 6/1976 bị đưa ra trại tù ở Hoàng Liên Sơn rồi Yên Bái, Lào Cai… Tháng 10/1978, chuyển về trại giam Nghệ Tĩnh (lúc nầy vợ ông mới nhận được tin để đi thăm nuôi). Tháng 1/1981 chuyển về trại tù Hàm Tân. Tháng 4/1982 chuyển về trại tù Xuân Phước (Phú Khánh - Phú Yên & Khánh Hòa) cho đến tháng 9/1988, được trả tự do.

Trong thời gian ở trong lao tù, ông ở chung với nhiều nhạc sĩ, nhà thơ, ông đã sáng tác các rất nhiều ca khúc, điển hình như Tâm Tư Chiều, Muôn Trùng Xa Em Về, Như Mây Bay Về, Tâm Khúc Đêm Sao, Cờ Vàng Tung Bay, Giả Sử Mai Ta Về (thơ Nguyễn Xuân Thiệp), Xin Cho Tôi Hy Vọng (lời Thục Vũ), Mưa Buồn Long Giao (thơ Hà Thượng Nhân)… và Đoá Hồng Cho Ngươì Yêu Dấu (ca khúc nầy để tôn vinh người bạn đời của ông, sau nầy thực hiện thành CD cùng tên).

Riêng ca khúc Trong Ngục Tù Bao La của ông khi đó có người bạn tù được thả ra, ông gởi về gia đình, để tránh rắc rối khi kiểm soát nên ông để là nhạc Liên Xô. Thế rồi ca khúc nầy được thu âm và phát hành vào năm 1977 vì họ đã hiểu lầm rằng Trong Ngục Tù Bao La là một ca khúc của Liên Xô.

Trong đợt H.O 4, gia đình ông định cư tại Hoa Kỳ diện H.O 4, tại San Jose, tháng 11/1990. Ông tiếp tục sinh hoạt trong cộng đồng người Việt, nhiều Hội Thánh Việt Nam đã tổ chức các chương trình ca nhạc Vũ Đức Nghiêm để giới thiệu những Tôn Vinh Ca của ông. Năm 2015, Liên Hữu Tin Lành Việt Nam Thế Giới đã tổ chức chương trình nhạc Vũ Đức Nghiêm và trao bằng ghi nhận cống hiến của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cho nền thánh nhạc Việt Nam.

Bà Dương Thị Năng là mẫu người vợ, người mẹ hiền thục, bao dung, cao đẹp  như bao người phụ nữ Việt Nam thời xa xưa. Với tấm lòng độ lượng bao dung của bà đã giữ được tình yêu thủy chung trọn đời, và sự hy sinh, lo cho con cái khi người chồng trong lao tù Cộng Sản. Chuyện Người Vợ Tù Cải Tạo của bà:

“Ngày chồng tôi đi tù, anh đang ở Sài Gòn, gia đình ở Đà Lạt nhận tin anh sẽ đi trình diện ngày 15 tháng 6 và nhắn tôi về Sài Gòn, nhưng thư đi chậm, tôi về tới nơi thi đã quá muộn, anh đã đi trước một ngày… Cuối năm 1978, tôi được thư anh cho biết đã chuyển về trại tù Nghệ Tĩnh số 6 và trại cho tù được thăm gặp gia đình

… Tôi nhận ra chồng tôi, xưa anh uy nghi mạnh mẽ bao nhiêu thì giờ đây xơ xác, tiều tụy bấy nhiêu. Ý nghĩ đó làm lòng tôi quặn thắt; anh đội chiếc nón lá rách rưới, chỉ còn chiếc chóp nhỏ như nón người lính thú đời xưa; đôi chân mốc meo khẳng khiu lê trên đôi dép râu buộc chằng chịt bằng giây thép. Nước da anh nhợt nhạt như người sốt rét kinh niên, đôi mắt lờ đờ, tròng trắng đã ngả vàng, không còn vẻ tinh anh như trước. Anh bước đi, lao đao như muốn ngã, tôi muốn chạy lại đỡ anh, nhưng tên V.C đã ngăn tôi lại. Tên cán bộ phụ trách thăm nuôi gọi từng tên người tù và thân nhân ngồi ở hai bên một chiếc bàn lớn, và hắn ngồi chính giữa. Tôi cho chồng tôi biết tin tức gia đình, anh lắng nghe, giọng xúc động, hỏi thăm tin tức cha mẹ, anh vui mừng khi biết cha mẹ ở California vẫn bình yên và hằng cầu nguyện cho anh sớm được trở về đoàn tụ.

Nhìn mắt anh hướng về phiá tên V.C với cái nhìn căm hờn, tôi sợ hãi, xin anh nhịn nhục “nín thở qua sông’’ để còn có ngày về gặp lại vợ con…

Hồi đó, phong trào vượt biên làm xôn xao Sài Gòn. Tôi suy nghĩ về tương lai các con. Phải đi tìm đường song cho các con vì nếu ở lại thì sợ có ngày con trai tôi đến tuổi phải đi nghĩa vụ rồi sẽ phải làm bia đỡ đạn cho giặc Cộng ở Campuchia thì khi gặp lại chồng tôi, tôi biết ăn nói làm sao?... Cho nên, tôi đã bán tất cả nữ trang và các đồ vàng bạc, đá quý, đã dành dụm được cho các con vượt biên… Lần thú nhất, con gái thứ tư, Giao Duyên, tới Malaysia bình yên, được ông bà nội bảo lãnh về Pasadena, California.

Lần sau, ba đứa lớn, Quỳnh, Giao, Đức Dũng bị bắt giam mấy tháng, riêng Dũng bị giam hơn 2 năm. Trong thời gian ấy, tôi phải chuẩn bị nhiều bao bị khác nhau để đi thăm chồng và ba con. Tôi như lên cơn sốt vượt biên, có chút tiền để dành nào cũng gom góp cho con đi tìm tự do; sau hàng chục lần thất bại, nhưng không nản lòng. Rút cục, Dũng cũng đã ra tù, vượt biên qua ngả đường bộ đến Thái Lan và tới Mỹ năm 1983, riêng vợ chồng Quỳnh Giao và Dũng Tuấn, con trai út mãi tháng 9/88 mới đến Mỹ, đúng vào thời gian chồng tôi được trả tự do!”.

(Trong bài viết, bà cho biết có 7 người con, đứa con lớn nhất 19 tuổi và con út mới 8 tuổi. Trong Cáo Phó có 6 người con: Vũ Ngọc Quỳnh, Vũ Ngọc Giao, Vũ Đức Dũng, Vũ Giao Duyên, Vũ Duyên Thơ, Vũ Thư Trinh, Vũ Đức Dũng Tuấn để biết rõ những người con khi ông ở trong lao tù, bà hy sinh tất cả để lo cho con vượt biên, ở lại đợi chồng).

Năm 2003, nhật báo Viễn Đông tổ chức cuộc thi Chuyện Người Vợ Tù Cải Tạo, với 150 tác giả dự thi gởi bài viết. Tôi ở trong Ban Giám Khảo, vợ tôi cũng ở trong hoàn cảnh đó, thế mà khi đọc mỗi bài viết, mỗi câu chuyện qua bi thương, nghiệt ngã, có khi mắt nhòa đi trên từng trang giấy. Sau đó thực hiện 3 tuyển tập, tôi có viết giới thiệu còn lưu trên trang web Việt Báo.

Ca khúc Muôn Trùng Xa Em Về nói lên nỗi đau khi người vợ lặn lội thăm nuôi chồng trong trại tù, chỉ trong phút giây ngắn ngủi rồi thẩn thờ chia tay trong với chiếc bóng lẽ loi trên đường về, với tôi là ngục tù ca hay nhất trong của các nhạc sĩ khi sáng tác ở trong lao tù. Với những người tù cùng rơi vào hoàn cảnh bi thương như ông, cảm ơn tác giả thay cho “bạn tù” vì âm nhạc dễ truyền đạt cho các thế hệ con cháu.

Trải qua bao nhiêu sóng gió, nghịch cảnh trong cuộc biến thiên của thời thế. Gia đình nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sống hạnh phúc bên nhau nơi xứ người cho đến khi ông ra người thiên cổ.

*

Trong dòng nhạc trữ tình, lãng mạn từ thập niên 1950s ở miền Nam VN đến nay đã bảy thập niên, nhiều ca khúc vẻ lên hình ảnh người tình còn in sâu trong lòng mọi người thưởng ngoạn. Những ca khúc đó, với nam giới, nhất là sinh viên, học sinh… với thuở ban đầu còn ngại ngùng không nói lên lời nên mượn lời ca để chia sẻ.

Điển hình như vài tình khúc của các nhạc sĩ: Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước “Ngọc Lan giòng suối tơ vương mắt thu hồ dịu ánh vàng. Ngọc Lan nhành liễu nghiêng nghiêng tà mấy cánh phong nắng thơm ngoài song… Bông hoa đời ngàn xưa tới nay. Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây”. Người Em Sầu Mộng của Y Vân, thơ Lưu Trọng Lư “Ai bảo em là giai nhân. Cho đời anh đau buồn… Cho tình giăng đầy trước ngõ. Cho mộng tràn gối chăn”. Mộng Dưới Hoa của Phạm Đình Chương, lời Đinh Hùng “Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng. Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại… Bóng hoa ngã xuống bàn tay mộng. Và mộng em cười như giấc mê”. Chiều Tím của Đan Thọ, lời Đinh Hùng “Chiều tím chiều nhớ thương ai. Người em tóc dài sầu trên phím đàn. Tình vương không gian. Mây bay quan san có hay?”. Tà Áo Tím của Hoàng Nguyên “Một chiều lang thang trên dòng sông Hương. Tôi gặp một tà áo tím. Nhẹ thấp thoáng trong nắng vương. Màu áo tím ôi luyến thương. Màu áo tím ôi vấn vương… Mơ một tà áo, một tà áo qua đường. Như mong một lời nói, một lời nói yêu thương”.

Và, với tình si đó, trong ca khúc Phượng Yêu của Phạm Duy chấp nhận “Yêu người xong, chết được ngày mai” tương tự như câu thơ của Xuân Diệu “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt. Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Hay trong Gợi Giấc Mơ Xưa của Lê Hoàng Long “Thương em thì thương rất nhiều mà duyên kiếp lỡ làng rồi… Kiếp sau xin chắp lời thề cùng sống bước lang thang… Đêm đêm đèn le lói một mình ngồi ôm giấc mộng tình. Kiếp sau đôi tim hòa chào đón ánh bình minh”. Ngàn Thu Áo Tím  của Hoàng Trọng & Vĩnh Phúc “Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím. Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím. Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau. Tháng năm càng lướt mau. Biết bao giờ thấy nhau”.

Trường nữ trung học Đồng Khánh ở Huế, trong những thập niên đầu, nữ sinh mặc đồng phục màu tím, sau nầy mặc áo dài trắng. Trường nữ trung học Gia Long ở Sài Gòn mặc áo dài tím nên gọi là Trường Áo Tím.

Bài thơ Cần Thiết của Nguyên Sa “Không có anh lấy ai đưa em đi học về. Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học. Ai lau mắt cho em ngồi khóc. Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa… Không có anh nhỡ một mai em khóc. Ánh thu buồn trong mắt sẽ hao đi”. Ca khúc Nếu Vắng Anh của Anh Bằng đựa vào ý thơ “Nếu vắng anh ai dìu em đi chơi trong chiều lộng gió. Nếu vắng anh ai đợi chờ em khi sương mờ nẻo phố. Nếu vắng anh ai đón em khi tan trường về. Kề bóng em ven sông chiều chiều, gọi tên người yêu… Nếu vắng anh ai ngắm môi em tươi nụ cười. Làn tóc xanh buông lơi tuyệt vời, chan chứa mộng đời”.

Màu tím (purple, violet) được kết hợp hài hoà từ màu đỏ và màu xanh dương đậm, nhạt tùy theo các sắc độ màu pha chế. Màu tím tượng trưng cho những ý nghĩa khác nhau cho sự sang trọng, quyền quý, lãng mạn, quyến rũ, bí ẩn. Trong tình yêu mang ý nghĩa bi thương, chia lìa. Trong thi ca và âm nhạc… gợi nguồn cảm hứng sáng tác trong tâm hồn nghệ sỹ.

Không chỉ ở Huế, Sài Gòn với tà áo tím được đi vào thơ nhạc, ở Cần Thơ với tà áo tím trong bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của Kiên Giang, Huỳnh Anh phổ nhạc.

“Mười năm trước em còn đi học

Áo tím điểm tô đời nữ sinh

Hoa trắng cài duyên trên áo tím

Em còn nguyên vẹn tuổi băng trinh.

... Hoa trắng thôi cài trên áo tím

Mà cài trên nếp áo quan tài”

Đây là thiên tình sử của cậu học trò mới 16 tuổi rời quê Kiên Giang lên Cần Thơ học ở trường tư thục Nam Hưng. Trong lớp có cô nữ sinh mặc áo tím cài hoa trắng khi đến giáo đường. Mối tình trong trắng thơ ngây đó chớm nở rồi bị chia xa theo thời cuộc. Mười năm sau trở lại, người tình đã ra người thiên cổ.

Bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan được phổ thành 5 ca khúc với Pham Duy, Song Ngọc, Duy Khánh, Anh Bằng, trong đó ca khúc Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh được thịnh hành nhất và số phận của người nhạc sĩ nầy hẫm hiu khi phục vụ ở Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 23 BB ở Sông Mao bị “hứng trọn một tràng đạn AK của địch trong đêm” khi mới 28 tuổi.

Với ca khúc trữ tình với các nhạc sĩ nổi danh một thời Sài Gòn như Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím của Hoàng Trọng, Áo Tím Ngày Xưa của Mạnh Phát & Lan Đài, Màu Tím Pensée của Ngọc Sơn & Đài Phương Trang, Căn Nhà Màu Tím của Hoài Linh, Tango Tím của Anh Bằng, Hoa Tím Người Xưa của Thanh Sơn, Màu Tím Tình Yêu, Chân Trời Tím của Trần Thiện Thanh (cũng là truyện dài của Văn Quang năm 1964 và phim cùng tên của đạo diễn Lê Hoàng Hoa năm 1971, nhạc phim là Nửa Hồn Thương Đau & Người Đi Qua đời Tôi của Phạm Đình Chương). Đây là cuốn phim lãnh mạn trong thời chiến, nổi tiếng nhất ở miền Nam VN, kinh phí sản xuất bộ phim này là 14 triệu đồng, thu về 94 triệu đồng (Theo tỉ giá năm 1971 thì 1 USD khoảng 280 đồng VNCH, vàng lúc đó là 35 USD/Oz). Cuốn phim được giải thưởng Văn Học nghệ Thuật và “đem chuông đi đấm nước ngoài”… Thuở còn đi học, tôi có chút kỷ niệm với tà áo tím rồi chia xa trước khi bước chân vào quân ngũ để rồi màu tím ngày nào xa xôi! Nơi cố hương, vào mỗi dịp nghỉ Hè, lên vùng quê ở Quế Sơn, Duy Xuyên có rừng sim thật đẹp, nhà thơ Bùi Giáng mang nỗi đau khi người vợ vĩnh biệt cõi trần nơi đó “Anh lùa bò vào đồi sim trái chín. Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim”

Trở lại với dòng nhạc trữ tình, lãng mạn ở trên với nỗi nhớ nhung khi chia xa, mang theo nỗi sầu đau, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sáng tác các thể loại trải qua bốn giai đoạn khác nhau: Quân hành ca, ngục tù ca, tôn vinh ca, trong đó với tình ca của ông có nhiều ca khúc, đặc biệt với Gọi Người Yêu Dấu.

 

 

“PK: Gọi người yêu dấu bao lần

Nhẹ nhàng như gió thì thầm

Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi

Thương người xa xôi

Gọi người yêu dấu trong hồn

Ngập ngừng, tha thiết, bồn chồn

Kỷ niệm xưa mờ thoáng trong sương

Cho lòng nhớ thương

ĐK: Người yêu dấu ơi

Sao lòng se sắt đầy vơi?

Người yêu dấu ơi

Thu về, tim vẫn đơn côi

Người yêu dấu ơi

Khi ngàn sao đêm lấp lánh

Tâm hồn bâng khuâng

Nhớ ngày vui đã qua nhanh

Thương đôi mắt sao trời lung linh

Thương yêu ngón tay ngà xinh xinh

Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh

Thương yêu vòng tay ghì siết ân tình

Thương yêu dáng em buồn bơ vơ

Thương yêu nét môi cười ngây thơ

Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng

Thương em mong manh như một cành lan

ĐK: Gọi người yêu dấu xa vời

Mà lòng lưu luyến, bồi hồi

Ngày biệt ly đành nhớ nhau thôi

Khi chiều nhẹ rơi

Gọi người yêu dấu muôn đời

Nghẹn ngào không nói thành lời

Tình yêu xưa ngày tháng pha phôi

Biết bao giờ nguôi!”.

Về âm nhạc, ông cho biết: “Tôi không hề được đặt chân đến một trường âm nhạc nào, và cũng như chưa đựợc theo học một nhạc sĩ nào cả. Tôi tự học, và học hỏi qua bạn bè. Tôi có những người bạn thân rất giỏi về âm nhạc như Phạm Đình Chương, Nhật Bằng đã chỉ vẽ cho tôi”. Bài hát đầu tiên là tình ca Bến May (1947), và từ đó theo thời gian, ông vừa học hỏi thêm về lý thuyết và sáng tác, trở thành nhạc sĩ từ giữa thập niên 1950s. Ông tham dự cuộc thi sáng tác ca khúc do đài phát thanh quân đội tổ chức, trúng tuyển một số bài: Đoàn Quân Bắc Tiến 1956, Chào Mừng Quốc Khánh 26 tháng 10 1960, Chúng Ta Đi Xây Nền Cộng Hoà… Và từ đó, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm được thành danh.

Ông đã sáng tác nhiều thể loại: tình ca, quân hành ca, ngục tù ca, tôn vinh ca theo quãng đời trong suốt những thập niên.

Với ca khúc Gọi Người Yêu Dấu, ca khúc nầy được đề cập với vài giai thoại như thiên tình sử, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cho biết: “Tôi viết Gọi Người Yêu Dấu vào năm 1969 trong một cuộc phiêu lưu tình cảm. Khi viết xong, ca sĩ Thanh Lan ghé nhà chơi. Tôi đưa cho cô và may mắn Thanh Lan đã đem về hát ở Đài Truyền Hình và các Đài Phát Thanh Sài Gòn. Từ đó nhạc phẩm đuợc giới trẻ biết đến”.

Đây là một ca khúc theo vài giai thoại được khởi đầu bằng một chuyện tình lâm ly của chính nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm ở Đà Lạt. Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Quản Đốc đài phát thanh Đà Lạt năm 1965 vì vậy thời gian ông phục vụ ở Đà Lạt trở thành đôi bạn tri kỷ.

Theo nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, “Ca khúc Gọi Người Yêu Dấu, lời 1 của ông viết năm 1969. Sau đó thi sĩ Hoàng Anh Tuấn có viết lời (*). Khi ở tù, ông cũng viết thêm lời 2. Ra tù, ông kết hợp lời của tôi và của Hoàng Anh Tuấn. Tóm lại, lời 2 gồm 3 phần, phần A và C là của ông, phần B là của Hoàng Anh Tuấn”

Ca khúc ra đời tháng 11 năm 1969, lúc vừa chia tay; nhạc sĩ ngồi bên bờ hồ Xuân Hương viết và ca sĩ Thanh Lan lên Đà Lạt chơi gặp Vũ Đức Nghiêm hỏi có viết ca khúc nào mới và ông đưa bản này. Tháng 1 năm 1970, tiếng hát Thanh Lan lần đầu tiên giới thiệu bài tình ca ướt át này trên đài phát thanh và truyền hình Sài Gòn, được thính giả ưa thích.

Cùng thời gian này, một người quen của Vũ Đức Nghiêm ở Sài Gòn đã gửi gắm cho ông một cô “bồ nhí” 21 tuổi, đang có mang được vài tháng. Người đẹp này phải đi “lánh nạn” một thời gian để chờ ngày sinh nở. Thông cảm cho hoàn cảnh oái oăm này, Vũ Đức Nghiêm đã đón cô gái về ở tại một ngôi biệt thự mà ông quản lý, nằm trên ngọn đồi nơi có ít người qua lại. Người đẹp kia đi lánh nạn chỉ mang theo một vali nhỏ, và Vũ Đức Nghiêm phải đích thân đi mua những vật dụng cần thiết cho chuyến “vượt cạn” của cô, và mang thức ăn đến cho cô hằng ngày.

Ban đầu chỉ là muốn giúp bạn, cảm thương cảnh ngộ giai nhân phải đi trốn tránh thế gian. Nhưng với sự gặp gỡ, tiếp xúc hàng ngày, và hình dáng “mong manh như một cành lan” của người đẹp đã khiến nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm không cầm lòng được, dù cho lúc đó ông đã có vợ, con.

Khung cảnh thơ mộng xinh đẹp của Đà Lạt hẳn là cũng góp phần vun vào cho cuộc tình ngang trái này. Hoàn cảnh này được anh Vũ Trung Hiền, em trai của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm nói lại như sau: “… Từ biết ơn, dẫn đến cảm phục con người hào hiệp chăm lo cho nàng, một người chưa hề quen biết, còn hơn cha của đứa bé đang nằm trong bụng nàng! Và một ngày nọ, người phụ nữ trẻ tuổi đã gục đầu lên ngực gã đàn ông 39 tuổi, vợ và 7 con, khóc như mưa như gió!

Rất có thể nàng khóc để trút hết nỗi đắng cay, tủi nhục vì bị tình nhân lừa dối. Có thể đó cũng là những giọt lệ vui mừng, cảm động vì nàng mơ hồ thấy dường như thuyền mình đã tìm được một bến đậu. Bến đậu, dù tạm bợ, vẫn còn hơn lênh đênh giữa dòng, trong cơn bão tố… Cuộc tình đã cuốn Vũ Đức Nghiêm vào trong, như một cơn lốc dữ dội…”.

Bà Dương Thị Năng, hiền thê của ông, một hôm, bà nhẹ nhàng bước vào phòng “cô gái lầm lỡ” kia ngay lúc chồng đang ngồi xỏ vớ vào chân cho người yêu để giữ ấm, vì trời Đà Lạt rất lạnh. Không ồn ào to tiếng, bà chỉ nhỏ nhẹ với chồng: “Anh ơi, sếp gọi anh…”. Chàng nhạc sĩ đa tình luống cuống đứng dậy đi ra khỏi phòng, và hình như đó cũng là lần cuối họ gặp nhau. Sau đó thì cô gái mẹ tròn con vuông đã được cha mẹ đón về.

Một thời gian sau, trong lần đi ngang ngôi biệt thự có nhiều kỷ niệm đó, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm thấy mủi lòng nhớ người xưa và sáng tác Gọi Người Yêu Dấu, trở thành ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp âm nhạc của ông…

Năm 2005, trong đêm nhạc “Vũ Đức Nghiêm - Nửa Thế Kỷ Viết Ca Khúc”, nhà báo Bùi Bảo Trúc đã bày tỏ: “Người ta nói đằng sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng một người phụ nữ. Còn ở đây chúng tôi xin sửa lại chút xíu, đằng sau mỗi ca khúc thành công là… sự bao dung của người phụ nữ. Thưa chị Vũ Đức Nghiêm, chúng tôi xin cảm ơn sự bao dung của chị vì nếu không có sự bao dung độ lượng ấy thì ca khúc Gọi Người Yêu Dấu đã không được chào đời và chúng tôi đã thiệt thòi biết bao vì không được nghe, được hát một nhạc phẩm dễ thương như thế”.

Năm 2015, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cũng thừa nhận những lời mà nhà báo Bùi Bảo Trúc nói: “Phải nói bà xã tôi là người rất độ lượng. Tôi bay bướm nhưng vợ vẫn chung thủy. Bao năm tù cải tạo, vợ ở nhà nuôi con thay chồng và vẫn chờ đợi. Trong cơn lốc cuồng bạo của thời cuộc, khi người lính trở về, không gì quý báu bằng hình ảnh người vợ tựa cửa chờ mong”.

Hoàn cảnh này được Vũ Trung Hiền, em trai của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm nói lại như sau: “… Từ biết ơn, dẫn đến cảm phục con người hào hiệp chăm lo cho nàng, một người chưa hề quen biết, còn hơn cha của đứa bé đang nằm trong bụng nàng! Và một ngày nọ, người phụ nữ trẻ tuổi đã gục đầu lên ngực gã đàn ông 39 tuổi đã có vợ con, khóc như mưa như gió! Rất có thể nàng khóc để trút hết nỗi đắng cay, tủi nhục vì bị tình nhân lừa dối. Có thể đó cũng là những giọt lệ vui mừng, cảm động vì nàng mơ hồ thấy dường như thuyền mình đã tìm được một bến đậu. Bến đậu, dù tạm bợ, vẫn còn hơn lênh đênh giữa dòng, trong cơn bão tố… Cuộc tình đã cuốn Vũ Đức Nghiêm vào trong, như một cơn lốc dữ dội…”.

Ngày xưa mỗi khi có cô gái trẻ nào bị lâm nạn kiểu như vậy thì thường phải đi thật xa, sau khi xong xuôi thì lại trở về để che giấu chuyện động trời kia, giữ lại chút thanh danh cho gia đình. Một thời gian sau, trong lần đi ngang ngôi biệt thự có nhiều kỷ niệm đó, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm thấy mủi lòng nhớ người xưa và sáng tác Gọi Người Yêu Dấu, trở thành ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông.

Khi ca khúc được mọi người ái mộ, nếu có bí ẩn của thiên tình sử thì càng gây nên sự tò mò. Và, chỉ có người trong cuộc “sống để đời, chết mang theo” với thiên tình sử. Trong vài lần phỏng vấn với nhạc sĩ, ông cũng không tiết lộ người quen gửi gắm là ai? Và tại sao ông viết “trong một cuộc phiêu lưu tình cảm”?. Thi hào Nguyễn Du trong hai câu “Nợ tình chưa trả cho ai. Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” (Kiều, câu 709 và 710) nên chỉ cảm nhận giai điệu và lời ca với hình bóng cũ.

Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm qua đời ngày 24/7/2017 tại tư gia ở San Jose, hưởng đại thọ 87 tuổi. Sinh thời, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm tính tình hoà nhã, khiêm nhượng, thân thiện với mọi người nên được sự cảm mến, quý trọng nên khi ông lìa cõi đời, nhiều người bày tỏ sự cảm mến. Chủ Nhiệm tạp chí Cỏ Thơm (Phan Anh Dũng) đã dành số Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm với 86 trang với hình ảnh và bài viết còn lưu trữ.

*

Khi ca khúc Gọi Người Yêu Dấu phổ biến, tôi đã rời quân trường Đà Lạt về phục vụ ở Tiểu Đoàn 20 CTCT Pleiku, rất thích nghe ca khúc nầy để nhớ lại khung trời cũ. Cuối tháng 8/1990 tôi đến phi trường Utapao, Thái Lan (đợt đầu tiên của H.O 4), thời gian ở đó khoảng 10 ngày (tùy theo chuyến bay đến các nơi ở Mỹ), trước khi rời Thái Lan, có nhiều đợt H.O 4 tiếp theo nhưng rất tiếc không được gặp ông để biết thêm “tình sử” của ca khúc nầy. Khi đến phi trường Stockholm-Arlanda, Thụy Điển như từ địa ngục đến thiên đường, xuyên đại tây dương, tỵ nạn ở quê hương nhạc đồng quê nhưng tránh “vỏ dưa gặp vỏ dừa” tá túc trong khu da màu châu Phi, sợ quá nên đáp chuyến xe Bus Greyhound, từ Đông sang Tây đến Little Saigon cũng là lúc gia đình nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đến San Jose.

Với bảy thập niên sáng tác từ tình ca… đến tôn giáo ca, ông đã ra đi vĩnh viễn để lại cho đời nhiều nhạc phẩm, mỗi khi nghe, tưởng nhớ đến nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm.

Gọi Người Yêu Dấu

(*) Lời Hoàng Anh Tuấn, 1969

PK: Gọi người yêu lúc thu về.

Giận người quên lãng lời thề.

Chiều năm nao nguyện sống bên nhau, nay đành quên sao?

Gọi người yêu dưới trăng vàng.

Gọi tình xưa cũ muộn màng.

Từ ly tan, ngày tháng hoang mang, mây trời tóc tang.

ĐK: Người yêu dấu ơi, sương chiều dâng xóa ngàn thông.

Mình ta đứng đây nghe hồn thu lắng mênh mông.

Hồ xưa vẫn xanh trong ngàn sao đêm thương nhớ.

Nhưng còn tìm đâu dáng hình yêu dấu xa xưa.

Thương em ngón tay dài mơn man.

Dư âm tiếng dương cầm đi hoang.

Thương em đắm linh hồn mong manh.

Thương em nụ hôn nồng cháy ân tình.

Đôi tay xiết thêm vòng đam mê.

Thương em phút trao hồn qua đi.

Buông lơi chút hương yêu dịu dàng.

Như sương pha lê trên một cành lan.

PK: Gọi tình xa vắng đôi bờ.

Gọi thầm giây phút hẹn hò.

Chiều thu mưa, đồi núi bơ vơ, mây trời ngẩn ngơ.

Gọi người, nước mắt chan hòa.

Gọi ngày vui cũ ngọc ngà.

Tình dù xa, dù tháng năm qua, xót xa lòng ta”.

Hình ảnh “Như sương pha lê trên một cành lan” quá tuyệt, tình yêu, người tình như viên ngọc quý trên cành lan (loài hoa được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa) biểu tượng sự cao quý, cho tình cảm sâu sắc, tình yêu son sắt, chân thành, thủy chung, viên mãn nhưng rất mong manh, hiện hữu trong thời gian ngắn ngủi!

Little Saigon, 10, 2023

Vương Trùng Dương

Rate this item
(0 votes)