Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Trái Bom CBU Được Dùng Tại Mặt Trận Xuân Lộc - KHIẾT NGUYỄN

Trái Bom CBU Được Dùng Tại Mặt Trận Xuân Lộc
 
KHIẾT NGUYỄN
---oo0oo---




LỜI GIỚI THIỆU:

Cách đây hơn 3 năm, vào cuối tháng 3/2020, Hội Quán Phi Dũng đã đăng bài “Về Trái bom CBU Được Dùng Tại Mặt Trận Xuân Lộc” của tác giả TRẦN LÝ, một bài viết rất chi tiết về các loại bom CBU, và các thông lin liên quan tới việc sử dụng loại bom này tại VN nói chung, tại mặt trận Xuân Lộc (Long Khánh) trong những ngày cuối của miền Nam VN nói riêng. Đồng thời bài viết cũng trình bày một số mâu thuẫn và nghi vấn liên quan tới quyết định sử dụng và số lượng bom đã được thả.

Những nghi vấn ấy đã được làm sáng tỏ qua bài viết sau đây của tác giả KHIẾT NGUYỄN, một cựu quân nhân QLVNCH và cũng là một tác giả chuyên viết về những diễn tiến (cùng những bí ẩn) trong cuộc chiến Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả HQPD.



NHỮNG GÌ TÔI BIẾT VỀ TRÁI BOM CBU ĐƯỢC DÙNG TẠI MẶT TRẬN XUÂN LỘC, THÁNG TƯ 1975

Khiết Nguyễn

Trong suốt 48 năm qua, mỗi lần nói về cái hận mất nước, về trận Xuân Lộc trong Tháng Tư Đen 1975, chúng tôi thấy rất nhiều người thắc mắc về trái bom CBU được dùng trong trận này. Nói một cách tổng quát thì những bàn tán và thắc mắc xoay quanh những điểm sau đây:

Thứ nhất, loại CBU nào đã được dùng?
Thứ hai, có mấy trái CBU được dùng?
Thứ ba, tại sao không thả thêm vài trái nữa cho chúng chết thêm?
Thứ tư, trong kho của chúng ta lúc đó, còn bao nhiêu trái CBU nữa?

Tôi xin thưa với các bạn như sau, theo sự tìm hiểu của riêng cá nhân.

Thứ nhất là tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi hầu hết trong chúng ta đều tin rằng trái bom được thả xuống Xuân Lộc vào ngày 12 tháng Tư 1975 là loại BLU-82. Loại bom này nặng 7 tấn, đã được dùng trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào để dọn bãi đáp cho trực thăng. Tôi có tìm hiểu thì thấy rằng hầu hết các bài viết trên báo của Việt Cộng đều nói rằng, hoặc quả quyết rằng, loại BLU-82 đã được dùng tại Xuân Lộc. Tại sao họ phải nói như thế?

Bom CBU BLU-82

Xin thưa, rất đơn giản. Họ nói như thế là để cho 90 triệu dân Việt Nam tưởng rằng trong trận này, các lực lượng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà chẳng chiến đấu anh dũng hay xuất sắc gì cả, chẳng qua là "Mỹ" dùng bom CBU nên đà tiến quân của quân Bắc Việt bị khựng lại vì thiệt hại quá nặng và cũng vì hoang mang tinh thần, tưởng rằng Mỹ tham chiến trở lại.

Phe ta không biết gì về mưu mô của giặc cộng, nên tiếp tay loan truyền giùm chúng, rằng bom CBU BLU-82 với sức tàn phá kinh hồn đã được dùng tại Xuân Lộc, cho bọn Bắc Việt một phen thất kinh. Khi loan truyền như thế, mặc dù với mục đích tốt, chúng ta đã vô tình tiếp tay cho âm mưu của địch mà phủ nhận gương chiến đấu anh dũng của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, của Chiến Đoàn 1 Nhảy Dù, của Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân, của Lữ Đoàn 3 Xung Kích, của các lực lượng Địa Phương Quân, Nghĩa Quân và Nhân Dân Tự Vệ tỉnh Long Khánh.

Trái bom được thả xuống Xuân Lộc vào ngày hôm đó thuộc loại CBU-55, lần đầu tiên được xử dụng nên rất ít người biết. Chúng ta cần đi ngược thời gian để tìm hiểu thêm về loại bom mới mẻ này.

Bom CBU-55


Vào cuối năm 1968, Hoa Kỳ ngưng sản xuất các loại bom napalm và lân tinh và thay vào đó, họ nghiên cứu một loại bom khác và cuối cùng CBU-55 xuất xưởng. Loại bom này có chất propane là chính.

Nếu nói về sức công phá thì trừ bom nguyên tử ra, CBU-55 là loại mạnh nhất so với trọng lượng. Nói cách khác, nếu trái bom CBU-55 nặng 4 tấn thì nó có sức công phá mạnh hơn trái bom CBU-82 nặng 7 tấn. Đến năm 1971, nó được đem sang Việt Nam và Thái Lan để thử nghiệm.

Tại Việt Nam vào lúc đó, theo chương trình Việt Nam Hoá Chiến Tranh của Hoa Kỳ, Không Quân Việt Nam Cộng Hoà đã có vận tải cơ C-130. Vì Hoa Kỳ sẽ không chuyển giao các loại trực thăng khổng lồ Sky Crane và Jolly Green cho Việt Nam Cộng Hoà nên chúng ta sẽ phải dùng C-130 để thả loại bom CBU-55. Người Mỹ đã rất tận tâm trong việc hướng dẫn chúng ta dùng C-130 để thả loại bom này.


Trong các phi vụ thực tập, bom CBU-55 được lấy bớt chất propane ra và thay thế bằng các chất khác để giữ nguyên trọng lượng. Những phi công Việt Nam Cộng Hoà được tuyển chọn để thực tập thả loại bom này là những người xuất sắc, có nhiều giờ bay. Cho đến khi xảy trận Xuân Lộc 1975, chúng ta đã có ít nhất 12 phi công cấp tá đủ khả năng thả loại bom này một cách chính xác.

Chúng tôi được biết rằng loại bom CBU-55 đã được dùng tại Xuân Lộc là vì như sau.

Tuỳ Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Việt Nam, Thiếu Tướng Homer Smith, một người bạn hết sức tốt lành của Việt Nam Cộng Hoà, đã trả lời trong các cuộc phỏng vấn như sau:

Giữa lúc tình thế cấp bách, mà vũ khí và đạn dược thì thiếu thốn, ông không biết giải quyết ra sao để cứu vãn tình hình. Lúc đó, Hoa Kỳ còn có rất nhiều bom hạng nặng tại Thái Lan cùng với các loại phi cơ tối tân được dùng để thả các loại bom này. Thế nhưng đem sang Việt Nam sử dụng thì vi phạm Hiệp Định Ba Lê 1973 nên ông chỉ còn cách là cho sử dụng loại CBU-55 đã có sẵn ở Việt Nam.

Kế đến, Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, cho biết rằng ông được báo cáo trực tiếp như sau:

Hôm nay, 12 tháng Tư 1975, một phi tuần C-130 do Trung Tá Mạc Hữu Lộc chỉ huy, đã thả xuống mặt trận Xuân Lộc 1 (một) trái bom CBU-55 từ cao độ 2 ngàn thước. Trái bom được thả với độ chính xác cao, rớt đúng vào bộ tư lệnh tiền phương của Sư Đoàn 341 Bắc Việt. Thiệt hại về nhân mạng của địch quân được ước lượng từ gần đến hơn một ngàn.

Sau cuộc chiến, Bắc Việt có kiện Hoa Kỳ đòi bồi thường về việc thả trái bom này. Theo như hồ sơ kiện tụng, trái bom loại CBU-55 đã được Mỹ thả xuống gần Kiệm Tân khiến một số thường dân thiệt mạng. Cá nhân tôi tin rằng một khi Bắc Việt đã nói rằng CBU-55 được dùng trong hồ sơ kiện của họ thì họ không dám nói sai vì sẽ mang tội vu khống. Đến khi biết rằng trái bom CBU-55 do Không Quân Việt Nam Cộng Hoà thả xuống chứ không phải Mỹ, Bắc Việt đã rút lại đơn kiện.

Bây giờ thì chúng ta sang câu hỏi thứ hai và câu hỏi thứ ba: Có mấy trái CBU được dùng và tại sao không thả thêm vài trái nữa cho chúng chết thêm?

Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn III và Quân Khu 3 nói rằng chính ông đã quyết định dùng bom CBU cho mặt trận Xuân Lộc, và ra lệnh thả hai trái.

Hồ sơ kiện tụng nói trên của Bắc Việt nói rằng chỉ có một trái được thả.

Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng Ba Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, cho biết rằng theo báo cáo mà ông nhận được, chỉ có một trái CBU được dùng trong trận Xuân Lộc.

Thiếu Tướng Smith nói rằng mặc dù chúng ta đã chuẩn bị tốt hơn, nhưng chỉ có một trái CBU-55 được thả xuống vị trí quân Bắc Việt.

Tại sao chỉ có một trái? Câu trả lời sẽ làm nhiều bạn đau lòng.

Theo như thoả thuận giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt vào đầu tháng 12 năm 1974 thì vào giữa tháng Năm 1975, quân Bắc Việt sẽ chiếm Sài Gòn. Như vậy, người Mỹ có nửa năm để chạy khỏi Việt Nam. Sau khi hai bên đã thoả thuận như thế, Bắc Việt tức tốc đem thêm người và chiến cụ vào miền Nam.

Gần Giáng Sinh 1974, quân Bắc Việt di chuyển gần như công khai trên các trục lộ. Người Mỹ biết từng chi tiết nhưng giấu nhẹm chúng ta. Đến khi các sĩ quan không thám của Phòng Nhì Quân Đoàn II phát giác thì Mỹ miễn cưỡng cho chúng ta biết thêm một số chi tiết về địch quân.

Tháng Ba 1975, khi chúng tôi di tản từ Pleiku thì Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, mật báo cho Mỹ biết lộ trình và phân chia nhiệm vụ. Mỹ liền báo cho Bắc Việt và chúng tức tốc chuyển quân xuống chận đánh đoàn quân dân dọc theo Liên Tỉnh Lộ 7-B. Sau đó, sự việc bại lộ, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú rút súng định bắn chết Lý thì Lý kịp thời nhảy lên xe tẩu thoát. Chuyện này xảy ra ở Nha Trang, nhiều chiến hữu Biệt Động Quân chứng kiến và còn nhớ, vì khi lái xe tẩu thoát, Lý hốt hoảng suýt tông chết mấy chiến hữu.

Tuy nhiên, có một điều mà người Mỹ không ngờ là quân đội chúng ta bỏ Quân Khu 1 quá nhanh chóng nên quân Bắc Việt tiến nhanh hơn là người Mỹ đã định. Nếu cứ theo đà đó, quân Bắc Việt sẽ vào Sài Gòn vào tháng Tư, lúc mà người Mỹ chưa sẵn sàng để chạy khỏi Việt Nam. Chính vì thế mà người Mỹ tìm cách cầm chân quân Bắc Việt và khi thấy Tướng Smith xin ý kiến thì họ nhân ngay cơ hội mà bật đèn xanh cho Smith dùng bom CBU-55.

Lúc đó, có hai phi công Mỹ đem hai ngòi nổ từ Thái Lan sang Việt Nam và họ trao cho phía Việt Nam Cộng Hoà một. Sau khi trái CBU-55 được thả, thấy quân Bắc Việt bị cầm chân vừa đủ, người Mỹ từ chối đưa ngòi nổ thứ hai cho chúng ta. Về việc này, Tướng Toàn có nói rằng sau khi Bắc Việt khiếu nại, người Mỹ từ chối cung cấp thêm ngòi nổ bom CBU cho Việt Nam Cộng Hoà.

Như vậy, phía Hoa Kỳ đã chẳng tốt lành gì trong việc cho chúng ta một ngòi nổ. Mục đích của họ chỉ là câu giờ cho chính họ mà thôi.

Phía Bắc Việt thì đương nhiên là không nói gì về thoả thuận ngầm giữa họ và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, họ có nói rằng theo như kế hoạch thì quân Bắc Việt sẽ tiến chiếm Sài Gòn trước sinh nhật Hồ Chí Minh (19/5) một vài ngày. Tuy nhiên, vì tình hình khả quan hơn dự kiến nên đoàn quân tiến nhanh hơn và các đơn vị tiếp vận và tiếp liệu chạy theo không kịp.

Cuối cùng, về câu hỏi thứ tư, trong kho của chúng ta lúc đó, còn bao nhiêu trái CBU nữa thì có lẽ không một ai trong chúng ta tìm ra câu trả lời chính xác. Chúng ta biết rằng sau khi chiến tranh kết thúc, Bắc Việt đã tìm mọi cách mà không vào được tất cả các kho vũ khí trong tổng kho Long Bình.

* * *


Hình đính kèm là bản đồ quân sự do Phân Cục Địa Dư thuộc Cục Công Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà ấn hành.


Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì trái bom CBU-55 đã được thả xuống nơi tập trung quân của Bắc Việt ở khu rừng cao su có đánh dấu số 1, chứ không phải ở Kiệm Tân gần đó làm một số thường dân thiệt mạng như Việt Cộng vu cáo.

Khiết Nguyễn

Reader Response: (Trái Bom CBU Được Dùng Tại Mặt Trận Xuân Lộc)

Rate this item
(0 votes)