Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 25) - NGUYỄN HỮU THIỆN

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 25)



Hồi ký

NGUYỄN HỮU THIỆN

PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA


CHƯƠNG 3 – Cửa ngõ Tự Do và Tình Người

(tiếp theo kỳ 24)

Ít lâu sau giải thể thao mừng Ngày Quân Lực VNCH, vào khoảng đầu tháng 7/1982, có đợt đi định cư ở Úc trong danh sách có tên Hóa, Zone trưởng Zone IV, khiến tôi lại chạnh nhớ tới thân phận “Zone trưởng muôn năm” của mình.

“Zone trưởng muôn năm” là hỗn danh anh em trên Ban đại diện Trại đặt cho tôi sau khi tất cả các zone trưởng khác (có người “thâm niên” thua tôi) đã lần lượt đi định cư từ đời nào mà tôi cứ tiếp tục ở lì. Thậm chí trong thời gian đó có zone đã thay zone trưởng tới hai lần.

Về phía bạn bè, người quen, có nhiều anh em Không Quân mới tới Galang hồi tháng 3, tháng 4/1982 nay đã đi Úc rồi.

Trước kia tôi mong được đi định cư sớm một thì nay mong mười. Nguyên nhân: vợ tôi có bầu!

Vẫn biết có không ít em bé ra chào đời tại Galang, ngay trong Barrack 73 của tôi thôi đã có hai em (bố mẹ đi cùng ghe với chúng tôi), nhưng chẳng đặng đừng mới phải nhận hòn đảo này làm nơi chôn nhau cắt rốn.

Ghe TV-191026 của chúng tôi với hai em bé mới ra chào đời tại Galang. Hình chụp tại sân nhà thờ Công giáo


Lúc này, anh Q, thông dịch viên chính của phái đoàn Mỹ mà tôi quen biết vẫn chưa đi định cư, tôi làm một lá đơn nhờ anh trao cho trưởng phái đoàn, trong đó tôi ra sức tả oán về sức khỏe của vợ tôi cũng như cuộc sống thiếu thốn của vợ chồng con cái ở trại tỵ nạn.

Thực ra chỉ có sức khỏe của vợ tôi đáng quan ngại (nàng chỉ còn 39 kg), còn thiếu thốn thì chúng tôi đã quen. Tính tôi không thích nhờ vả, mang ơn ai cho nên trong suốt thời gian sống ở Galang, trong số thân nhân bên Mỹ tôi chỉ liên lạc với người dượng (Trung tá “khu áo cá”) vì trong đơn xin đi Mỹ tôi khai địa chỉ của ông, và được ông gửi cho 100 đô-la Mỹ; tự ý ông gửi chứ tôi không xin.

Đây là viện trợ duy nhất gia đình tôi nhận được trong thời gian ở Galang. Chúng tôi chỉ dám xài phân nửa, một nửa giữ lại để tới khi đi định cư còn có tiền sắm quần áo giày dép trông cho đỡ thê thảm.

Thực phẩm Cao ủy phát, trừ rong biển đóng hộp tôi không thể “nhá”, thứ gì chúng tôi cũng ráng ăn. Nhưng sau khi có bầu thì vợ tôi đâm ra sợ pa-tê (ham), vốn là món “có chất đạm” chính yếu trong “thực phẩm Cao ủy”; sợ tới mức ngửi thấy mùi đã muốn ói!

Trong đơn gửi phái đoàn Mỹ, tôi không quên nhắc lại lời hứa của họ trước đây: nếu vì một nguyên nhân nào đó gia đình tôi không được phái đoàn Úc nhận, thì đơn xin đi Mỹ của tôi sẽ được chấp thuận ngay, không phải trải qua giai đoạn “under consideration” (được quan tâm).

Mấy ngày sau khi tôi trao lá đơn cho anh Q, loa phóng thanh của Phòng Thông tin gọi tên tôi “lên gặp phái đoàn Mỹ có việc cần”. Trên đường đi lên Phòng Định cư, tôi vô cùng hồi hộp, không biết phái đoàn sẽ YES hay NO?!

Tới nơi tôi mới biết vị trưởng phái đoàn đang nghỉ phép và được gặp người xử lý thường vụ (acting). Ông này ra vẻ có nhiều thiện cảm với tôi; ông lắng nghe và tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của gia đình tôi, tuy nhiên ông cho biết ông chỉ có thẩm quyền nhận gia đình tôi đi Mỹ định cư theo diện bình thường, tức là phải vào Galang 2 học về văn hóa nước Mỹ trong lúc chờ đợi được đi, chứ ông không có quyền đưa chúng tôi vào danh sách đi thẳng sang miền đất hứa.

Vì thế ông cho tôi hai sự lựa chọn: (1) vào Galang 2 chờ đi Mỹ, (2) tiếp tục chờ đi Úc, khi ông nào trưởng phái đoàn Mỹ trở lại Galang, nếu muốn tôi có thể làm một lá đơn khác.

Ông cho tôi hai ngày để suy nghĩ, bàn thảo với gia đình trước khi quyết định.

Khi tôi trở về barrack, cả hai gia đình bà chị vợ và ông anh họ vợ (đã được Mỹ nhận) xúm lại vây lấy tôi, mỗi người một ý. Cuối cùng vợ chồng tôi nghe lời bà chị vợ, quyết định tiếp tục chờ đi Úc; nếu chuyến đi Úc sắp tới vẫn không có tên lúc đó tính sau.

Thực ra tôi đã để vợ tôi toàn quyền quyết định, bởi trong vụ này “bà bầu” là nhân vật chính. Nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm, bởi trong thâm tâm tôi không muốn vào Galang 2 một chút nào.

Sau hơn nửa năm giữ chức zone trưởng, tôi và anh chị em trên văn phòng zone cũng như các barrack trưởng coi nhau như anh em; đồng bào trong zone, nhất là giới trẻ, rất quý mến tôi.

Tôi và một số bạn trẻ Barrack 73 đón giao thừa dương lịch 1982 trong nhà bếp


Tôi không bao giờ quên được những bó rau muống còn tươi nguyên do anh em trồng bên hông các Barrack 64, 67 thỉnh thoảng đem biếu, hoặc những bữa tiệc thịt rừng (do anh em bẫy được) mà tôi luôn luôn từ chối, trừ bữa thịt trăn tôi sẽ kể ở một đoạn sau.

Nguyên trại tỵ nạn Galang được vây quanh bởi rừng thưa nên có nhiều loại rau mọc hoang và thú rừng, như thỏ, chồn, mễn, trăn rắn... Sau lưng Zone III về hướng bắc có rất nhiều rắn và thỏ. Mỗi khi “trúng mối” anh em thường tổ chức nhậu và mời tôi.

Tôi từ chối nhậu không phải tôi không thích uống rượu, không biết ăn thịt rừng mà chỉ vì dân tỵ nạn mấy người có tiền mua bia Tiger (của Singapore) để uống, đa số chỉ đủ khả năng uống rượu mạnh do người Nam Dương bán lậu, không bảo đảm, từng gây chết người.

Những ai có mặt tại Galang 1 vào cuối năm 1981 đầu năm 1982 hẳn phải biết, hoặc nghe kể vụ một nhóm bạn trẻ tổ chức tiệc nhậu mừng lễ Giáng Sinh, mua phải rượu pha cồn độc, uống xong bốn người chết tại chỗ, một người chết sau đó tại bệnh viện. Tất cả được chôn tại Nghĩa trang Galang, năm nấm mồ nằm cạnh nhau.

[Trên FB Trại Tỵ Nạn Galang, những người tới sau kể lại: không tính những trường hợp lẻ tẻ, đúng 10 năm sau (1991) lại xảy ra một vụ năm người cùng chết thảm vì uống rượu “Number One” của người Nam Dương bán lậu]

Còn bữa nhậu thịt trăn, nguyên nhân cũng khá ly kỳ rùng rợn: cháy rừng!

Đó là khu rừng nằm phía sau Zone II và Zone III. Tôi không biết nguyên nhân gây ra vụ cháy rừng này, chỉ biết Nam Dương nằm ngay đường xích đạo, nắng cháy da người, bước ra khỏi barrack là phải có cái dù che trên đầu, vì thế đám cháy lan thật nhanh, Galang lại không có bất cứ phương tiện cứu hỏa nào, nhà cầm quyền trại phải xin Ban Đại diện cho đọc thông báo trên loa phóng thanh kêu gọi đồng bào trong trại cùng tham gia chữa cháy bằng... tay.

Cũng may, rừng ở đảo Galang là rừng thưa cho nên mọi người sử dụng cuốc xẻng, chặt cây lấy cành dập ngọn lửa, cuối cùng cũng chế ngự được đám cháy.

Nhưng trong khi kêu gọi đồng bào vào rừng tham gia chữa cháy, cảnh sát Nam Dương cũng phải đề phòng việc có người lợi dụng cơ hội để trốn, vì thế họ phải cho nhân viên canh chừng.

Khoảng 2, 3 giờ chiều, các ngọn lửa đã được dập tắt, chỉ còn khói bốc lên ở một vài nơi. Khi cảnh sát ra lệnh cho mọi người trở về trại, một barrack trưởng thuộc Zone III chạy tới “mật báo” cho tôi biết một số anh em đã khám phá ra một con trăn lớn bị chết cháy và tạm thời ngụy trang bằng cách lấy cành lá phủ lên; anh em hỏi ý kiến tôi có cách nào để đưa “chiến lợi phẩm” về barrack mà không bị cảnh sát phát giác, tịch thu.

Tôi biết chắc chắn cảnh sát sẽ ở đây cho tới khi mọi người trở về trại, vì thế chỉ còn cách để con trăn ở chỗ cũ, sau khi cảnh sát đã rút đi hết mới lén trở lại, chặt con trăn ra làm mấy khúc bỏ vào bao bố đem về barrack, trông giống như vào rừng hái rau dại trở về vậy. Trường hợp cảnh sát khám phá ra con trăn trước khi rút lui thì coi như mình mất ăn!

Mọi người đành nghe theo lời tôi; và may mắn khi trở lai thì con trăn vẫn còn ở nguyên ở chỗ cũ!

Con trăn dài 3, 4 mét, thịt cũng phải trên chục ký, sau khi làm sạch sẽ anh em đã mang tới biếu tôi một khúc. Nhưng tôi vừa khoe với vợ thì đã bị nàng phản đối kịch liệt, chẳng những nàng nhất định không ăn, không cho hai con ăn, mà còn không cho tôi sử dụng bất cứ nồi niêu xoong chảo nào của nhà để nấu thịt trăn!

Vì thế, nể lời “bà bầu”, tôi đã phải trả lại khúc thịt trăn, và nhận lời tới tham dự bữa nhậu thịt trăn chung với anh em. Sau này tôi mới biết họ cố mời tôi cho bằng được là vì có một “mạnh thường quân” vừa lãnh được cái cheque thân nhân bên Mỹ gửi sang, chơi bảnh mua một thùng bia Tiger. Đây là lần đầu tiên, và duy nhất, ở Galang tôi được uống bia Tiger!

Tôi kể chuyện ăn nhậu ra đây không phải để khoe mà chỉ muốn nói lên phần nào tình cảm anh em trẻ dành cho ông “zone trưởng muôn năm”!

* * *
 

Những gì xảy ra hai, ba tuần sau khi tôi trả lời phái đoàn Mỹ (tiếp tục chờ đi Úc) cho thấy gia đình tôi có “số” định cư tại Úc: chúng tôi và gia đình bà chị vợ có tên trong danh sách đi Úc vào đầu tháng 8/1982. Chưa bao giờ có hai đợt đi Úc gần sát nhau như thế!

Tuy không vui mừng như lúc được cộng sản thả một cách bất ngờ từ trại tù Tống Lê Chân vào đầu năm 1981, khi mà một chú em Thiếu úy cùng ngành (Chiến Tranh Chính Trị) vẫn tiếp tục bị “học tập cải tạo”, tôi cũng có những bâng khuâng, bịn rịn khi phải rời xa Galang, nơi chốn đã ghi biết bao kỷ niệm của một đoạn đường đời chỉ hơn tám tháng!

Trong số những kỷ niệm ấy, đáng nhớ nhất phải là giao tình giữa tôi và nhạc sĩ Văn Giảng, người sau này cùng định cư tại thành phố Melbourne, Úc-đại-lợi, cùng với những dấu ấn mà cha Dominici để lại nơi “con chiên lạc bầy” này.

Văn Giảng – Ai về sông Hương

Nhạc sĩ Văn Giảng, tên họ đầy đủ là Ngô Văn Giảng, đã được tôi nhắc tới trong một kỳ trước, khi ông tình nguyện làm thông dịch cho Cao ủy từ đảo Kuku tới đảo Galang trên tàu Seasweep.

Ông và người con trai lớn vượt biên trước chúng tôi khoảng một tháng, tới thẳng đảo Natuna, là hòn đảo chính của hạt Natuna, cũng là tên quần đảo nơi có hai đảo nhỏ Pulau Laut và Sedanau mà chúng tôi đã lần lượt ở qua.

Tôi không biết ghe của ông Văn Giảng lớn nhỏ, chỉ biết có khoảng 20 người, đi từ Cần Thơ. Chủ ghe kiêm hoa tiêu là anh NVT, một người trung niên lạnh lẹ hoạt bát, xuất thân hướng đạo, “khách” phần lớn là sinh viên học sinh con nhà khá giả, trừ hai anh em tài công là cựu quân nhân. Tất cả là người miền Nam trừ cha con ông Văn Giảng gốc Huế.

Mọi người trên ghe của ông cũng được tàu Flora đưa tới đảo Kuku cùng chuyến với chúng tôi, và cũng ở trong những căn lều gần bãi biển. Tuy nhiên vì thời gian ở Kuku không lâu, tôi lại bị sốt rét hành gần chết nên không có dịp làm quen với bất cứ ai.

Chỉ sau khi tới Galang và cả hai ghe được ở cùng Barrack 73, tôi và ông Văn Giảng mới bắt đầu thân nhau.

Từ đoạn này, tôi sử dụng hai chữ “bác Giảng”. Thứ nhất, trong Barrack 73 của tôi, ngoài anh NVT và một ông cựu Thiếu tá “nửa chừng xuân”, ông anh cột chèo của tôi cũng “nửa chừng xuân” và một ông anh họ vợ đã quá “nửa chừng xuân”, tất cả còn lại đều còn trẻ, hoặc rất trẻ, nên họ gọi nhạc sĩ là “bác” và xưng “cháu”.

Riêng tôi còn hay ngồi đàn địch ca hát với cậu trưởng nam của bác, anh anh em em với nhau thì gọi “bác” xưng “cháu” cũng đúng thôi. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sau này khi bác giữ chức Trại phó, hầu như tất cả mọi người trong Ban đại diện Trại (trừ bác Trinh, Trại trưởng), trong đó có cả ông cựu Thiếu tá Trưởng phòng Trật tự, cũng đều gọi bác xưng cháu.

Lúc đó là cuối năm 1981, Bác Giảng mới hơn 57 tuổi, thì chúng ta phải hiểu rằng nhiều người gọi bằng “bác” vì lòng quý mến, kính trọng tư cách chứ không hẳn vì tuổi tác.

Tới đây, xin kể về đường “công danh sự nghiệp” của bác Giảng ở Trại Tỵ nạn Galang.

Cùng thời gian với việc tôi được bầu làm Zone trưởng Zone III, bác Giảng cũng được vị tân Trại trưởng là bác Trinh mời làm Trại phó. Tôi không hiểu cô Mely (Cao ủy trưởng) có giới thiệu bác Giảng với bác Trinh hay không; nếu không, bác Trinh quả có con mắt tinh đời.

Là người thông thạo Anh ngữ từng hai lần du học Hoa Kỳ, bác Giảng thường thay mặt ông Trại trưởng tham dự các buổi họp với Cao ủy Tỵ nạn, Nhà cầm quyền Nam Dương, Hội Hồng Thập Tự Nam Dương (PMI), cũng như các tổ chức thiện nguyện quốc tế.

Trong cương vị Trại phó, với uy tín, đạo đức, khả năng, và tính tình vui vẻ, bác Giảng đã trở thành một nhân vật được rất nhiều người kính mến, và trở thành niềm hãnh diện chung cho người Việt tỵ nạn ở Galang.

Là một nhạc sĩ nổi tiếng, trước kia từng làm Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, nay giữ chức Trại phó, nhưng bác Giảng sống khiêm tốn, giản dị, luôn làm gương cho mọi người, nhất là trong việc làm vệ sinh, quét dọn barrack mỗi sáng Thứ Bảy.

Một số thành viên Barrack 73: bác Giảng áo sơ-mi trắng ngồi giữa, hai bên là
ông anh họ của vợ tôi (áo xanh) và ông anh cột chèo, tôi ngồi ở mép trái
 

Các barrack ở Galang 1 là một căn nhà tôn vách ván, chỗ ngủ là hai dãy sạp gỗ dài, được phân chia bởi một lối đi hình chữ thập ở giữa nhà; như vậy, làm vệ sinh barrack chỉ là quét dọn một vài mét ở dưới gầm sạp gỗ và trên lối đi thuộc khu vực của mình, mấy phút đồng hồ là xong. Thế nhưng, như tôi đã viết trong một kỳ trước, không ít đồng bào, nhất là đám trai trẻ, đã không chịu thi hành “bổn phận công dân” trước khi rời barrack.

Nhưng riêng tại Barrack 73 của chúng tôi, cứ đúng 8 giờ sáng Thứ Bảy, bác Giảng luôn luôn là người đầu tiên cầm cây chổi, thử hỏi còn ai dám trốn tránh!

Bác Giảng luôn vui vẻ, hòa đồng với mọi người, đặc biệt là yêu trẻ em. Tôi vẫn còn nhớ đứa cháu gái 3, 4 tuổi con của bà chị vợ, những lúc bác có mặt ở barrack thường chạy tới nhõng nhẽo, ngồi trên lòng bác đùa giỡn.

Đáng phục không kém là con người phật tử thuần thành nơi bác Giảng. Ngày ấy tôi chưa được biết ngoài hai bút hiệu Văn Giảng, Thông Đạt, bác còn có bút hiệu Nguyên Thông (cũng là pháp danh của Bác), đã cùng với Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba khởi xướng nền Phật nhạc ở miền Trung vào thập niên 1940, và sau đó đã sáng tác nhiều bài Phật ca, cho nên tôi khá ngạc nhiên trước lòng sùng mộ của vị nhạc sĩ tác giả tình khúc nổi tiếng Ai về sông Tương!

(Sau này quen biết bác gái, tôi mới biết bút hiệu “Thông Đạt” của bác trai là ghép từ pháp danh của hai ông bà: Nguyên Thông – Tâm Đạt)

Tuần nào cũng vậy, sáng Chủ Nhật, khi vợ chồng con cái chúng tôi và các con chiên Chúa rời barrack đi dự lễ ở nhà thờ, thì bác Giảng và các đệ tử Phật lại leo đồi lên chùa Quan Âm, nơi bác thường ở lại tới chiều để tham gia Phật sự.

 

* * *
 

Khi bác Trinh đi định cư, ai cũng tin rằng ông Trại phó Ngô Văn Giảng sẽ lên làm Trại trưởng. Rất tiếc khi bác Trinh rời Galang thì hai cha con bác Giảng cũng vừa được Phái đoàn Úc nhận theo diện nhân đạo, không biết sẽ lên đường vào lúc nào, vì thế bác dứt khoát từ chối, đưa tới việc chúng tôi phải bầu một vị tân Trại trưởng là Đại úy Thể bên Đoàn Thanh niên Công giáo.

Vào giữa tháng 5 năm 1982, buổi tối trước ngày bác Giảng và người con trai lên đường sang Singapore để chờ phi cơ đi Úc, Ban đại diện Trại đã tổ chức một buổi tiệc trà... chay (kẹo, hạt dưa, trà, cà-phê) tại Hội quán Hải quân & Hàng hải Galang để từ giã. Không khí thật thân mật và cảm động, chỉ tiếc một điều là anh chàng ca sĩ chính của Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên lại chuyên hát nhạc ngoại quốc nên không thuộc lời bản Ai về sông Tương để hát cho buổi chia tay nhạc sĩ Thông Đạt thêm phần ý nghĩa.

Hơn ba tháng sau ngày bác Giảng đi Úc theo diện nhân đạo, gia đình tôi cũng được đi theo diện thân nhân bảo lãnh.

Khi chúng tôi tới hostel Eastbridge, vùng Nunawading, thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria vào giữa tháng 8/1982, thì bác Giảng và con trai vẫn còn tạm trú tại đó. Việc đầu tiên của tôi là chuyển cho bác tấm Bằng Tưởng lệ (Certificate of Merit) do cô Mely, Trung tá Siregar, và Bác sĩ Iwan Yussuf, người đứng đầu Hội Hồng thập tự Nam Dương (PMI), cùng ký tên đóng mộc. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là vì khi bác rời Galang, cô Mely không có mặt ở đảo.

* * *
 

Mấy năm sau, bác Giảng được đoàn tụ với bác gái và mấy người con nhỏ từ Việt Nam sang. Gặp lại bác sau thời gian này, tôi nhận ra rằng có lẽ tới lúc đó bác mới thật sự “thân tâm an lạc”, mà chỉ cần nhìn diện mạo hồng hào, đôi mắt tinh anh, nghe tiếng cười sang sảng của bác là đủ biết.

Vợ tôi có thói quen hay “phong” nhất cái này, nhất cái kia cho những người quen biết, và trong số đó bác Giảng là “người đẹp lão nhất”, còn bác gái là “bà vợ hiền nhất”. Tôi hoàn toàn đồng ý và thầm nghĩ: cũng may mà bác gái lấy được một ông chồng nghệ sĩ tài hoa hết mực nhưng lại có… tâm Phật!

Từ giữa thập niên 1990, vì ở hai vùng cách xa nhau, chúng tôi ít có dịp gặp lại bác Giảng, nhưng qua người con trai áp út của bác, một chuyên viên computer làm việc cho tờ tuần báo mà tôi cộng tác, chúng tôi vẫn luôn biết tin tức về bác và gia đình.

Chỉ khi nào cần tham khảo ý kiến, nhờ chỉ giáo trong lĩnh vực âm nhạc hoặc hỏi về sinh hoạt trong làng nhạc trước 1975, tôi mới dám làm phiền bác qua điện thoại. Cũng trong khoảng thời gian này, qua giao kết với những đồng hương gốc Huế của bác và qua sinh hoạt văn nghệ, chúng tôi còn được hân hạnh quen biết người em trai của bác, một nhạc sĩ kiêm nhiếp ảnh gia tài tử (nhưng rất tài ba), và một người cháu của bác cũng là một nhạc sĩ ở Melbourne.

Ông bà Ngô Văn Giảng (bên trái) và vợ chồng tôi (bên mặt) trong buổi hội ngộ
tại Melbourne với người cùng nghe từ Hoa Kỳ sang thăm (2001)
 

Kỷ niệm cuối cùng của tôi với bác Giảng là vào cuối năm 2012, một bà bạn già ở Brisbane, tiểu bang Queensland, xin tôi địa chỉ của bác, vì khi bà sang Hoa Kỳ, có mấy người học trò cũ của bác nhờ xin địa chỉ để viết thư thăm hỏi. Dĩ nhiên, sống ở một xứ tây phương, tôi phải điện thoại xin phép bác trước, và bác đã vui vẻ đồng ý.

Mấy ngày sau, tôi nhận được qua đường bưu điện CD “Let’s Love Together – 9 Rock Songs for the Poor Countries”, là tuyển tập thứ nhất gồm các ca khúc viết bằng tiếng Anh của bác, mà bác quên rằng trước đó mấy năm bác đã tặng chúng tôi ngay sau khi hoàn tất. Lần này, trong tờ giấy nhỏ kèm theo, bác viết mấy hàng đề tặng và thăm hỏi gia đình tôi. Nét chữ của bác vẫn đẹp – hình như cái gì nơi con người bác cũng đều đẹp – nhưng đã khá run rẩy.

Chi tiết ấy khiến tôi phải ưu tư, và cuối cùng việc gì phải đến đã đến. Ngày 9 tháng 5, 2013, bác Giảng mất, hưởng thọ 89 tuổi.

Trong đêm tang lễ tại chùa Quang Minh, lúc nghe trưởng nam của bác đọc lời tiếc thương và tạ lỗi trước linh cữu thân phụ, vợ tôi đã khóc, rồi tới phiên tôi cũng rơi lệ theo.

Một chi tiết khiến tôi càng thêm kính phục bác Giảng là chỉ tới khi bác nằm xuống, nghe các bài điếu văn, vợ chồng tôi mới biết trưởng nữ của bác là một vị ni sư thuộc hàng trưởng thượng ở VN, và một thứ nữ mà cả hai vợ chồng đều là bác sĩ. Vậy mà trong bao năm quen biết nhau, bác không hề “khoe” với chúng tôi!

Trong đời mình, tôi từng quen thân nhiều Phật tử, trong đó có cả các vị tu hành, nhưng có thể nói người con Phật đã để lại nhiều dấu ấn nhất nơi tôi chính là Nhạc sĩ Ngô Văn Giảng!

* * *
 

Theo di chúc, sau thất thứ nhất, tro cốt của bác Giảng đã được rải xuống biển.

Tới 5 giờ 50 phút chiều hôm ấy, 17 tháng 5, 2013, bác gái - cụ bà quả phụ Ngô Văn Giảng, nhũ danh Ngô Thị Bạch Đẩu - đã đi theo chồng.

Nguyên sau khi bác Giảng mất, bác gái vì quá xúc động, sức khỏe suy yếu dần, đã không thể tham dự tang lễ bác trai. Tới sáng sớm ngày rải tro bác trai xuống biển, bác gái lên cơn đau tim, được đưa vào bệnh viện, và trút hơi thở sau cùng vào buổi chiều cùng ngày.

Sau khi bác Giảng mất, tôi viết một bài tưởng nhớ tựa đề “VĂN GIẢNG - Ai về sông Hương”.

Nguyên khi bác còn sống, một bạn già của tôi và cũng là đồng nghiệp của bác là nhạc trưởng Vũ Văn Tuynh (bút hiệu Vũ Tuynh) sống ở thành phố Sydney, tuy là một con chiên Chúa, đã để di chúc thiêu xác ông và rải tro xuống biển.

“Bố Tuynh” - chúng tôi gọi như thế vì trước 1975 một già một trẻ cùng phục vụ trong Không Quân - nói đùa: cứ rải tro xuống biển Thái Bình, biết đâu lại trôi giạt về Việt Nam theo sông Hồng tới quê xưa Nam Định (ông và tôi cùng quê Xuân Thủy, Nam Định).

Vì thế, tới khi gia đình rải tro bác Giảng xuống biển, tôi cũng nghĩ thầm: biết đâu tro của bác cũng trôi về Việt Nam, theo cửa Thuận An ngược dòng Hương giang về cố đô Huế để bác được ngậm cười nơi chín suối!

Những ai thân quen bác Giảng đều biết bác yêu quê hương Việt Nam, Huế cách riêng, vô ngần. Sau khi tốt nghiệp âm nhạc tại Hoa Kỳ, với tư cách là một nhạc sĩ có trình độ nhạc lý cao nhất nhì Việt Nam, bác Giảng đã được chính phủ VNCH đề nghị giữ những chức vụ quan trọng trong ngành truyền thông và giáo dục ở thủ đô Sài Gòn, nhưng bác đã từ chối để được về sống tại cố đô; người ta đành trao cho bác chức vụ Giám đốc Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế.

Chỉ sau khi ông Tăng Duyệt, nguyên giám đốc sáng lập nhà xuất bản nhạc Tinh Hoa và cũng là một bạn thân của bác, bị chết thảm trong Tết Mậu Thân 1968, bác mới giật mình, qua năm 1969 đưa toàn bộ gia đình vào Sài Gòn.

Định cư tại Úc, dù bác Giảng đã mau chóng được đoàn tụ với gia đình, tôi biết chắc chắn hạnh phúc trong lòng bác không bao giờ trọn vẹn, bởi bác nhớ Huế, nhớ Việt Nam và biết chắc chắn mình không bao giờ có thể trở lại, ít nhất cũng là trong kiếp này!

Vì thế, tôi mới nguyện chúc tro của bác sẽ trôi về tới cố đô qua tựa đề “VĂN GIẢNG - Ai về sông Hương”.

Rất tiếc, nơi phổ biến bài viết lại cho rằng tôi đã vô tình viết sai tựa đề ca khúc nổi tiếng “Ai về sông Tương” của bác thành “Ai về sông Hương” cho nên đã... có nhã ý sửa giúp thành “VĂN GIẢNG - Ai về sông Tương”!

Nhưng xét cho cùng, cho dù tựa bài viết là gì, bác Giảng cũng dư biết tôi muốn tiễn bác về “sông Hương”!

Cha Dominici: người Việt gốc Ý

Viết về cuộc sống ở trại tỵ nạn Galang những năm từ 1979 tới 1985 mà không nhắc tới Cha Dominici là một thiếu sót không thể chấp nhận, nhưng hơn 40 năm sau, viết khi đã có hàng chục bài viết về cha trên Internet lại có thể bị xem là một sự lập lại thừa thãi. Vì thế, tôi sẽ rất ngắn gọn về tiểu sử cũng như công việc của cha ở các trại tỵ nạn trước khi kể về những gì có liên quan tới cá nhân tôi.

Cha Dominici, tên đầy đủ là Gildo Dominici, sinh năm 1935 tại Assisi, miền Trung nước Ý, quê hương của Thánh Phan-xi-cô thành Assisi (tác giả Kinh Hòa Bình). Cha thụ phong linh mục năm 1960, tới năm 1964 xin gia nhập Dòng Tên (Jesuits) vì muốn đi truyền giáo ở ngoại quốc.

Cha Dominici “Đỗ Minh Trí” (ảnh dongten.net)
 

Năm 1967 cha sang Việt Nam, học tiếng Việt tại trung tâm Đắc Lộ, Sài Gòn, lấy tên Việt là Đỗ Minh Trí (phiên âm từ “Dominici”), rồi lên tiểu chủng viện Simon-Hòa ở Đà Lạt vừa dạy tiếng La-tinh cho chủng sinh vừa tiếp tục học tiếng Việt.

Năm 1970, cha Dominici sang Rome trình luận án Tiến sĩ Giáo luật rồi trở lại Việt Nam dạy tại Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt cho tới khi cộng sản chiếm miền Nam, cha trở về Ý...

Năm 1977 cha trở lại vùng Đông Nam Á, làm việc cho nhà dòng ở thủ đô Jakarta của Nam Dương. Sau khi Trại tỵ nạn Galang được thiết lập, tháng 8 năm 1979 cha được cử đến trại để đảm trách đời sống tinh thần cho người tỵ nạn Công giáo.

Tuy nhiên trước những thiếu thốn, khó khăn, đau khổ của thuyền nhân nói chung, cha đã dấn thân vận động, tranh đấu với Cao ủy Tỵ nạn và nhà cầm quyền Nam Dương cho nhu cầu, quyền lợi của người tỵ nạn tại Galang.

Ngoài những cơ sở vật chất như trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên, các barrack “nhà trẻ”, Phòng Xã hội... mà cha đã góp phần vận động xây dựng, cha còn sáng lập bán nguyệt san Tự Do, món ăn tinh thần cung cấp cho người ty nạn những hiểu biết về sinh hoạt trong trại, về thế giới bên ngoài, về đời sống tại những quốc gia mà họ sẽ đến định cư.

Thời gian ở Galang, cha Dominici viết hai cuốn sách (tiếng Việt) Việt Nam Quê Hương Tôi  Đi Tìm Anh Em.

Năm 1985, cha được nhà dòng thuyên chuyển qua trại Bataan, Phi Luật Tân rồi sang Thái Lan, cũng làm công việc giúp đỡ người tỵ nạn cho đến năm 1990.

Từ năm 1991, cha giữ vai trò Linh mục Tuyên úy cho phong trào Linh Thao tại Bắc Mỹ.

Năm 1996 cha trở về Ý nhưng hằng năm vẫn qua lại những nơi có cộng đoàn Công giáo Việt Nam để thăm nom và tiếp tục hướng dẫn các Thầy theo ơn gọi của Dòng Tên.

Năm 1998, các bác sĩ cho biết cha bị ung thư gan, được giải phẫu và hóa trị. Một năm sau, cha gần như khỏe hẳn nhưng thực ra vi khuẩn ung thư vẫn tiếp tục hoạt động trong cơ thể.

Đầu tháng 2/2003, bệnh ung thư tái phát triển mạnh, gan của cha ngưng hoạt động. Đêm Chủ Nhật rạng Thứ Hai 3/3/2003, vào khoảng 0 giờ 30, cha trút hơi thở sau cùng – hai ngày trước sinh nhật thứ 68.

* * *
 

Khi gia đình tôi tới Galang vào tháng 11/1981, nhân vật được mọi người nhắc tới nhiều nhất không phải cô Mely, Cao ủy trưởng, mà là cha Dominici. Tuy nhiên riêng cá nhân tôi, ngoài lời chào hỏi giữa vị lãnh đạo tinh thần và “con chiên” mới tới đảo sau thánh lễ Chủ Nhật đầu tiên, tôi không có quan hệ đặc biệt nào với cha cho tới khi nhận chức Zone trưởng Zone III.

Nguyên vào thời gian tôi lên làm zone trưởng thay Thiếu úy Tài, Zone III có rất nhiều “vấn đề”, như nạn phá hoại các cơ sở nằm trong trung tâm sinh hoạt của trại, nạn phe đảng, “vô chính phủ”, tình trạng thiếu vệ sinh ở các barrack, v.v...

Trong số các barrack của Zone III có Barrack 68, một barrack "tư trị" dành riêng cho các em vị thành niên không có thân nhân đi theo (Unaccompanied Minors Barrack), thường được mọi người gọi là “barrack nhà trẻ”.

Một số trẻ em không thân nhân và giáo viên trước Barrack Nhà Trẻ 68 (ảnh Gaylord Barr)


Ngoài khẩu phần của Cao ủy Tỵ nạn, Barrack Nhà Trẻ còn được cha Dominici và Phòng Xã Hội Nam Dương trợ cấp hiện kim để mua thêm thực phẩm tươi cũng như sử dụng trong các sinh hoạt.

Theo tôi được biết ở Galang 1 lúc đó có ít nhất ba barrack nhà trẻ ở các Zone I, III và IV, nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì, barrack nhà trẻ của Zone III, tức Barrack 68, lại được xem là chính yếu, được Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên (Youth Center), Phòng Xã Hội Nam Dương, và cha Dominici quan tâm nhiều nhất. Rất có thể vì Barrack 68 nằm ở trung tâm trại, gần các cơ sở giải trí, giáo dục cho nên thu hút nhiều em tới sống hơn các barrack nhà trẻ khác chăng?

Barrack 68 nằm đối diện với Barrack 73 của tôi, nhưng thời gian mới lên làm Zone trưởng không mấy khi tôi ghé sang. Nguyên nhân: từ trật tự, vệ sinh cho tới sinh hoạt rất hỗn loạn, bê bối trong khi tôi lại không có tư cách để xen vào!

Người phụ trách Barrack Nhà Trẻ 68 lúc đó là T, một “trưởng” trong Hướng đạo Việt Nam ở Galang. Tôi không hiểu tổ chức và sinh hoạt của Hướng đạo Việt Nam ở Galang ra sao chỉ biết họ được cấp một nửa căn nhà trên khu sinh hoạt trại, tức là nằm trong lãnh thổ Zone III.

Trước khi viết về “trưởng” T, tôi cũng cần nhấn mạnh tôi chỉ viết về những gì xảy ra ở Barrack Nhà Trẻ 68 liên quan tới một thành phần cá biệt trong một tập thể mà thôi, chứ không đánh giá tập thể; đồng thời những lời cáo buộc về bê bối tình cảm của T, tôi cũng xin miễn đề cập tới.

Theo kết quả điều tra và báo cáo của Phòng Xã hội Công giáo (thuộc văn phòng của cha Dominici), T đã bớt xén tiền trợ cấp của cha Dominici và Phòng Xã Hội Nam Dương để tiêu xài cho cá nhân; về việc điều hành mọi sinh hoạt trong Barrack Nhà Trẻ, T hầu như không ngó ngàng tới mà giao hết cho các tay “anh chị” trong đám vị thành niên, mỗi “anh chị” này có một số “đàn em” để sai khiến, phục dịch, chẳng khác nào trong cuốn tiểu thuyết Luật Hè Phố của Duyên Anh.

Trước cảnh cá lớn nuốt cá bé này, một số em đã phải bỏ về barrack cũ của mình sống cho yên thân!

Một đôi lần trong giờ làm vệ sinh sáng Thứ Bảy, tôi tới Bararck 68 kiểm soát thì thấy không có em nào quét tước, dọn dẹp cả. Thậm chí tới khi cô Mely yêu cầu Ban đại diện Trại huy động đồng bào làm tổng vệ sinh, các em trong Bararck 68 cũng chỉ qua loa chiếu lệ.

Cuối cùng, sau khi có bằng chứng chắc chắn về việc T bớt xén tiền trợ cấp cho Barrack Nhà Trẻ để tiêu xài cho cá nhân và tình trạng chèn ép, áp bức trong barrack, cha Dominici đã làm áp lực để Ban đại diện Trại và Youth Center (Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên) ngưng nhiệm vụ của T và tìm một người khác thay thế.

Khi cha nói tôi tìm người có khả năng, thiện chí trong Zone III để đưa vào danh sách đề nghị, tôi đã khéo léo từ chối và “bán cái” cho Đoàn Thanh niên Công giáo.

Nhưng cuối cùng, người được đề cử và nhận lời lại không phải thành viên Đoàn Thanh niên Công giáo mà là một cựu sĩ quan: anh H, một Đại úy Địa phương quân.

Sau này khi đã lên làm Trưởng ban đại diện Trại, anh Thể mới cho tôi biết chính anh là người đã đề nghị cha Dominici tìm một cựu sĩ quan “độc thân tại chỗ”, và cũng chính anh đã thuyết phục được anh H, một bạn tù cũ ở Suối Máu, nhận lời làm Bararck trưởng Bararck 68.

Sở dĩ anh Thể đề nghị tìm một cựu sĩ quan vì anh tin rằng chỉ có áp dụng “kỷ luật thép” của quân đội mới có thể đưa đám thiếu niên bất trị này vào khuôn khổ.

Đại úy H chỉ hơn tôi mấy tuổi nhưng chững chạc hơn nhiều. Anh nhỏ con, rất hiền và ít nói, nhưng đó chỉ là những gì thể hiện ra bên ngoài của một người có bản lĩnh.

Trước hết anh dùng tình thương để cải hóa các em, nhưng chỉ có giới hạn, tới khi nhận thấy không có kết quả, anh thẳng thừng loại bỏ, tức là trả về barrack.

Một số em thuộc thành phần sừng sỏ sau khi bị trả về barrack, bị mọi người lạnh nhạt, ăn uống thiếu thốn, hối tiếc thì đã muộn, bởi trước đó, khi cảnh cáo các em, anh H đã tuyên bố một khi bị trả về anh sẽ không bao giờ chấp nhận cho trở lại.

Anh H kể cho tôi nghe có mấy em tới khóc lóc xin cải tà quy chánh nhưng anh không để mình bị yếu lòng. Anh sẵn sàng cho các em trở lại Bararck 68 tham gia mọi sinh hoạt, nhưng dứt khoát đây không còn là nơi ăn chốn ở của các em nữa!

Biện pháp mạnh này của anh H tỏ ra vô cùng hiệu quả; chỉ trong vòng một, hai tháng trời, Bararck 68 đã từ một nơi chốn không ai muốn bước chân vào trở thành một barrack gương mẫu, kỷ luật với những em nhỏ thật dễ thương, đáng mến, trong đó có em sau này trở thành bác sĩ, có em làm Thượng tọa...

Cha Dominici vô cùng hài lòng. Ngoài việc gia tăng yểm trợ vật chất, cha còn cử các thầy (tu sĩ) tới dạy dỗ, hướng dẫn các em về mặt văn hóa, cử người tình nguyện tới phụ trách bếp núc, và bản thân cha cũng thường xuyên xuống barrack thăm nom.

Mặc dù bản thân chẳng giúp được gì cho các em (ngoài việc khuyến khích các em tham gia đội bóng tròn và chơi bóng bàn) tôi cũng được các em nể nang, quý mến, có lẽ vì thấy tôi thường đi với cha Dominici và thân thiết với anh H.

Bên cạnh đó, nhiệt huyết và thành công của anh H còn khiến cha Dominici nhận ra khả năng và tinh thần trách nhiệm của anh em cựu quân nhân tham gia công việc thiện nguyện trong trại; nhờ đó sau này cha đã ủng hộ việc cựu Đại úy Thể của Đoàn Thanh niên Công giáo tình nguyện ứng cử Trưởng ban đại diện Trại, và tỏ ra “thông cảm” với tôi khi xảy ra một vụ “xô xát” giữa chàng Trưởng ban Trật tự của Zone III với một thành phần vô kỷ luật khét tiếng.

* * *
 

Một nhận xét nữa của tôi về những điều tốt đẹp nơi cha Dominici là tinh thần hòa đồng tôn giáo. Còn nhớ vừa chân ướt chân ráo tới Galang và nhận chức Zone phó Zone III, tôi đã bị Ban đại diện Trại “bán cái” việc tham dự buổi trình diễn ca khúc Giáng Sinh ngoài trời theo lời mời của nhà thờ Tin Lành Galang 1 nhân dịp lễ Giáng sinh 1981.

Viết là “bán cái” bởi vì vào khoảng thời gian này người Việt tỵ nạn dù lương hay giáo cũng chưa mấy người biết tới và yêu thích các ca khúc Giáng Sinh (Christmas carols) phổ biến ở các nước tây phương cũng như truyền thống trình diễn các ca khúc này trong mùa Giáng Sinh, cho nên chẳng ai muốn ai đi nghe... thánh ca cả.

Không ngờ khi vợ chồng tôi tới nơi, đã thấy cha Dominici và nhiều “chức sắc” của nhà thờ Công giáo Galang có mặt ở đó, và trong chương trình trình diễn còn có sự đóng góp của ca đoàn Công giáo Galang.

Một tháng sau, nhân dịp chùa Quan Âm tổ chức hội tết Nhâm Tuất (1982), cha Dominici đã hướng dẫn một phái đoàn hùng hậu gồm nhà thờ Công giáo, đại diện Cao ủy và các cơ sở thiện nguyện trong trại, có cả Phòng Xã Hội Nam Dương, lên chùa chúc tết Đại đức trụ trì (tôi không nhớ pháp danh) và được thầy mời ăn trưa.

Tham dự các sinh hoạt tại hội tết ở chùa Quan Âm còn có Đoàn Thiếu nhi Thánh thể của nhà thờ Công giáo Galang.

Cha Dominici (áo T-shirt vàng) và các nhân viên thiện nguyện được mời
dùng bữa trưa tại chùa Quan Âm
 (ảnh Gaylord Barr)
 

Tuy nhiên bên cạnh những việc tốt đẹp cha Dominici làm được cho đồng bào tỵ nạn VN nói chung, cho giáo dân nói riêng cha cũng gây ra một vài “rắc rối” nho nhỏ, hay viết chính xác hơn là một vài bất hòa nho nhỏ giữa cha và các con chiên có tự ái dân tộc cao.

Nguyên nhân là các bài giảng trong thánh lễ.

Vì gia đình tôi chỉ đi lễ Chủ Nhật chứ không đi lễ các ngày thường trong tuần cho nên tôi chỉ được biết sự việc này qua nghe ông anh họ vợ kể lại.

Theo lời ông anh, các bài giảng ngắn trong các thánh lễ ngày thường trong tuần của cha Dominici thường mang tính cách giáo dục, hướng dẫn, đề cập tới những cái tốt cái xấu trong cuộc sống của người tỵ nạn ở Galang, nhiều khi đem lại sự bực bội, khó chịu nơi con chiên dự lễ.

Thí dụ điển hình nhất là việc cha chê trách các cô gái “thiếu nết na”. Hôm đó, trong bài giảng cha đề cập tới việc một số cô gái tỵ nạn sống buông thả và kết luận một cách gay gắt:

“Liều chết vượt biên tìm tự do để xây dựng một cuộc đời mới chứ không phải để làm điếm!”

(Ông anh họ vợ tôi thề sống thề chết cha Dominici sử dụng hai chữ “làm điếm”)

Theo suy nghĩ của tôi, đây chỉ là một “tai nạn ngôn ngữ”. Đồng ý rằng cha Dominici đã bỏ ra bao năm để học tiếng Việt, thậm chí lấy tên Việt là “Đỗ Minh Trí”, nhưng điều đó không có nghĩa là cha thông hiểu, lĩnh hội được 100% phong hóa Việt Nam, trong đó có việc phải tránh đề cập công khai tới những điều không hay, những việc không tốt!

Vì thế tôi hoàn toàn thông cảm với cách phát biểu thiếu tế nhị của một vị tu hành đã dành trọn cuộc đời mình để phục vụ tha nhân, cách riêng người Việt tỵ nạn cộng sản.

Nhưng nhiều người trong đó có ông anh họ vợ tôi đã không có được sự thông cảm đó. Ông là một người rất sùng đạo, có em trai là linh mục mà nghe cha Dominici nói câu đó cũng phải nóng mặt! Sau khi tan lễ, ông và một số người lớn tuổi xôn xao bán tán, ai cũng bất bình trước lời giảng của cha. Có người còn đòi gặp cha để phản đối, báo hại ông “Trùm” (Trưởng ban đại diện giáo dân) đã phải hết lời khuyên can.

Thế nhưng theo tôi, cho dù cha Dominici thiếu tế nhị, ngài đã không “quá lời”!

Ở đây tôi không nói tới những quan hệ giữa nam nữ tỵ nạn với nhau (bởi đó là quyền tự do cá nhân) mà chỉ nói tới những sự việc mắt thấy tai nghe diễn ra giữa một số cô gái Việt Nam và cảnh sát Nam Dương trong Zone III (các zone khác có hay không, tôi không thể khẳng định).

Đó là mấy cô gái lẳng lơ thường tụ tập với đám cảnh sát Nam Dương dưới bóng cây bên hông một barrack gần kho lương thực.

Cảnh sát Nam Dương ở Galang thường chạy xe gắn máy phân khối lớn kiểu đường rừng (trail, off-road) màu sắc rực rỡ cho nên càng dễ gây sự chú ý của mọi người.

Các cô thường leo lên xe ngồi cười đùa, cợt nhả với với đám cảnh sát, thỉnh thoảng lại có cô được họ chở đi. Đi đâu, chỉ có trời biết!

Nhưng cho dù các cô không “làm điếm”, những cảnh khó coi nói trên cũng khiến nhiều người bực mình khó chịu, coi đó là một sự ô nhục cho cả tập thể người tỵ nạn ở Galang.

Ngay từ khi nhận chức Zone phó Zone III, tôi đã bị một số đồng bào lớn tuổi sống trong những barrack gần đó thẳng thắn đặt vấn đề, yêu cầu phải có biện pháp đối phó. Tuy nhiên cũng phải đợi tới khi Ban Trật tự của Zone III được thành lập, tôi mới lợi dụng sự quen biết Đại úy Marjuno chấm dứt được việc các cô và đám cảnh sát tụ tập sau 11 giờ đêm (giờ giới nghiêm), còn ban ngày thì vô phương...

Tôi thật sự không thoải mái chút nào khi nhắc tới việc làm của một vài cá nhân thiếu ý thức trong tập thể hàng ngàn người tỵ nạn, nhưng cũng phải đề cập tới để mọi người thấy được sự quan tâm của cha Dominici tới mọi mặt trong cuộc sống của người tỵ nạn ở Galang.

Nhân tiện cũng xin nhắc lại một tin ngày ấy được nhiều người loan truyền nhưng tôi không thể kiểm chứng, đó là việc cha Dominici đã yêu cầu bệnh viện Galang (của PMI, tức Hồng Thập Tự Nam Dương) từ chối phá thai cho những phụ nữ là tín đồ Công giáo...

Thêm một công việc thiện nguyện của cha Dominici không thể không nhắc tới là cha đã sử dụng một địa chỉ ở Singapore để thân nhân từ các quốc gia đệ tam gửi ngân phiếu cho cha, cha sẽ chuyển tiền cho người ở Galang.

Sở dĩ cha Dominici tự nguyện nhận lãnh công việc “không tên” này là vì có không ít người gửi tiền mặt trong thư cho thân nhân ở Galang và thư không bao giờ tới, còn gửi ngân phiếu kèm theo thư cũng có khi không nhận được.

Trong suốt thời gian ở Galang tôi chỉ được ông dượng ở Mỹ chi viện một lần duy nhất (và nhận được), cho nên tôi cũng không quan tâm tìm hiểu việc bị mất tiền mặt gửi theo thư hoặc ngân phiếu không tới tay người nhận. Nhưng chắc hẳn tỷ lệ bị mất phải cao cho nên cha Dominici mới nghĩ ra cách giúp đỡ những người tỵ nạn khốn khổ không biết cầu cứu, nhờ vả ai!


* * *
 

Sau khi tôi đi định cư, tới năm 1985 cha Dominici từ giã Galang để sang trại tỵ nạn Bataan, Phi-luật-tân phục vụ đồng bào tại đây, rồi sang Thái Lan...

Ngày ấy một số người cho biết cha rời Galang vì số người tỵ nạn ở đây đã giảm bớt nhiều, sau này khi cha mất, đọc bài Nhớ Cha Đỗ Minh Trí của Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ (dongten.net) tôi mới biết cha ra đi theo lệnh của Bề Trên. Xin trích dẫn một đoạn:

Một hôm, cha bị cảnh sát Indonesia chất vấn: “Tại sao khi có bất đồng giữa chính quyền và người tỵ nạn, ông luôn đứng về phía họ?” Cha trả lời: “Vì quý vị có quyền, có tiền, có súng, còn họ chẳng có chi hết.”

Sau đó ít lâu, cha nhận một bưu kiện, nhưng khi mở ra, cha thấy vỏn vẹn một viên đạn cùng với mấy chữ: “Xin mời ông đi nơi khác. Thế là Bề Trên bảo cha đi. (ngưng trích)

Lần cuối tôi gặp cha Dominici tại Galang là trong buổi tiệc trà tổ chức tại Bararck Nhà Trẻ 68 để tiễn anh H, Bararck trưởng, lên đường đi định cư tại Úc, khoảng giữa năm 1982.

Còn lần cuối cùng tôi gặp cha trên cõi thế là khi cha sang thăm Úc khoảng giữa thập niên 1990. Trong buổi tiếp xúc với cựu tỵ nạn Galang và những người ái mộ cha tại Trung Tâm Công Giáo Vinh-sơn Liêm, cha vui vẻ hỏi chuyện tôi và anh H về cuộc sống ở Úc. Trông cha có vẻ khỏe mạnh, có da có thịt, hồng hào hơn ngày còn ở Galang.

Nhưng chỉ vài năm sau, biết tin cha bị ung thư gan, và tới tháng 3/2003, được tin cha mất.

* * *
 

Người thứ ba trong số những nhân vật tôi không bao giờ quên sau khi rời Galang là Amelia (Mely) Bonifacio, đại diện Cao ủy Tỵ nạn LHQ tại Galang mà đồng bào thường gọi là “cô Cao ủy trưởng” hoặc bằng cái tên đã được Việt hóa hơi khôi hài pha lẫn thân thương: cô Mê-ly!

Bản thân tôi có cái tật (tạm gọi như thế) chỉ thích đàn bà con gái đẹp, cho dù họ dứt khoát không phải đối tượng chinh phục của mình. Nhưng riêng với cô Mely, tôi đã quý phục cô ngay từ đầu, và sau đó chẳng bao giờ quan tâm tới nhan sắc của cô!

Amelia “Mely” Bonifacio, 1981 (ảnh Gaylord Barr)
 

Khi gặp lại cha Dominici ở Úc, tôi được cha cho biết cô vẫn thường xuyên liên lạc với cha, và hiện giữ một chức vụ khá quan trọng. Khoảng năm 2000, khi Internet đã khá phổ biến, tôi tìm hiểu qua trang mạng của Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR), mới biết cô đang làm Giám đốc Khối Hỗ trợ Hoạt động trong Chương trình Thực phẩm Thế giới của Cao ủy Tỵ nạn LHQ (Director, Division of Operational Support, World Food Programme, United Nations High Commissioner for Refugees).

Nhân vật thứ tư trong số những người tôi mến phục và không bao giờ quên là Gaylord Barr (1947-2015) - một thành viên của tổ chức thiện nguyện Peace Corps (Hoa Kỳ), đảm trách việc đào tạo những giáo viên người Việt (đa số là các bạn trẻ) để họ dạy Anh ngữ cho đồng hương của mình - mà tôi đã trân trọng nhắc tới trong một kỳ trước.

Sau cùng là một nữ đồng nghiệp của Gaylord Barr mà tôi không thể không nhắc tới: Debbie Dodd. Với không ít bạn trẻ được đào tạo trở thành giáo viên Anh ngữ ở Galang vào thời điểm ấy, ngoài sự tận tâm, gần gũi, cô giáo Debbie còn được nhớ mãi với nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi.

Gaylord Barr và Debbie Dodd trao phần thưởng cho một học viên (ảnh Gaylord Barr)
 

Lúc đó (năm 1981, 1982) Debbie còn rất trẻ, tôi đoán chỉ chừng 24, 25 tuổi. Thoạt nhìn cô, tôi liên tưởng ngay tới một thần tượng ca nhạc của tôi là nữ ca nhạc sĩ Mỹ Carol King lúc còn trẻ cũng cắt tóc ngắn như cô. (Chú thích 1)

Cũng giống Gaylord Barr, Debbie Dodd không chỉ dạy Anh ngữ mà còn tham gia vào nhiều lĩnh vực khác ở trại tỵ nạn Galang. Có thể viết nơi nào có mặt Gaylord nơi đó có Debbie, kể cả trong chuyến đi Kuku năm 1981 trên tàu Seasweep để đón nhóm 200 người chúng tôi về Galang.

Chỉ có điều đáng tiếc là sau này vào website Galang Refugee Camp, tôi thấy tên tuổi của Debbie Dodd luôn được nhắc nhớ với lòng thương mến nhưng không ai được biết được biết đường đời của cô sau này ra sao?!

* * *
 

Công việc cuối cùng của tôi trong chức vụ Zone trưởng Zone III là tìm người “kế vị”.

Thông thường, khi một ông zone trưởng đi định cư (hoặc vào Galang 2) anh em văn phòng zone và các barrack trưởng sẽ bầu một trong hai ông zone phó lên làm zone trưởng, nhưng hai ông zone phó của tôi dứt khoát từ chối. Anh bạn tù Sơn “lồ”, Zone phó Hành chánh, thì viện lý do mình lè phè, không có uy; Hiền, Zone phó Trật tự, thì lấy lý do mình có nhiều “ân oán”, sợ không được cảm tình của một số người.

Cuối cùng, tôi phải năn nỉ ông N, vị Thiếu tá ở cùng Barrack 73 với tôi, xưa nay chưa từng tham gia bất cứ công việc gì trong trại, nhận lời giữ chức zone trưởng tạm thời cho tới khi anh em barrack trưởng tìm được người có khả năng tình nguyện làm zone trưởng...

Sau khi bàn giao chức vụ cho Thiếu tá N, tôi dành ngày cuối ở đảo để sang Galang 2 từ giã những người thân quen hoặc cùng làm việc thiện nguyện tại Galang 1 trước đây, trong đó có Thảo, nguyên Barrack trưởng 73 của tôi.

Sở dĩ tôi phải vào Galang 2 để từ giã vì biết ngày mai sẽ không có ai đi ra bến tàu để “tiễn người đi”. Vừa vì đường xa vừa vì yếu tố tâm lý.

Như tôi đã viết trước đây, thời gian này Galang 2 là nơi tạm trú của người tỵ nạn Căm-bốt và những người tỵ nạn Việt Nam đã được Mỹ nhận chờ ngày đi định cư. Thời gian chờ đợi có thể chỉ mấy tháng nhưng cũng có thể 2, 3 năm! Vì thế cuốc bộ mấy cây số ra bến tàu nhìn người khác lên đường đi định cư là một việc không ai cảm thấy phấn khởi cả.

Sau bữa ăn trưa với chị em Thảo, chúng tôi bịn rịn chia tay nhau.

Trên đường trở về Galang 1, tôi đề nghị dừng chân tại “Galang 3” – tức nghĩa trang Galang – vừa để nghỉ vừa để vĩnh biệt những đồng bào kém may mắn đã nằm lại đây, trong số đó có năm thanh niên chết oan vì uống phải rượu có chất độc mua của Nam Dương.

Thời gian này nghĩa trang Galang còn khá hoang sơ với trên dưới 200 nấm mồ đắp đất với những bia mộ hoặc thánh giá bằng gỗ nên trông rất thê lương, ảm đạm. (Chú thích 2)

(Còn tiếp)


CHÚ THÍCH:

(1) Carol King, sinh năm 1942, được ghi nhận là nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác ca khúc thành công nhất của Hoa Kỳ trong hậu bán thế kỷ 20.

Khởi đầu sự nghiệp vào năm 17 tuổi với việc viết ca khúc cho các ca sĩ khác, Carol King đã đạt thành công rực rỡ với những ca khúc bất hủ như You've Got a Friend, It's Too Late, Will You Love Me Tomorrow...

Mười năm sau, được sự khuyến khích của nhiều người, Carol King bắt đầu thu đĩa và trình diễn trên sân khấu. Những buổi trình diễn “live” của Carol King đã thu hút đông đảo khán giả có trình độ thưởng thức cao vì ngoài sáng tác và hát, cô còn là một nhạc sĩ dương cầm, luôn tự đệm đàn cho mình trong các buổi trình diễn.

Carol King trên bìa album Tapestry
 

Năm 1971, album thứ hai của Carol King, tựa đề Tapestry, đã làm mưa gió với bốn giải thưởng âm nhạc Grammy Awards, 14 lần đoạt “đĩa Platinum”, trở thành một trong những album bán chạy nhất trong lịch sử âm nhạc Hoa Kỳ. Năm 1998, Tapestry được đưa vào Danh dự sảnh giải Grammy (Grammy Hall of Fame).

Carol King cũng là người đỡ đầu, hướng dẫn nữ ca nhạc sĩ nổi tiếng Mayumi Itsuwa của Nhật khi cô sang Mỹ học hỏi.

Người yêu nhạc nếu không biết tới tên tuổi Mayumi Itsuwa ít ra cũng từng thưởng thức những ca khúc bất hủ của cô được đặt lời Việt, như Kobito Yo (Hận tình trong mưa, Phạm Duy; Tình là giấc mơ, Khúc Lan), Ribaibaru (Trời còn làm mưa mãi, Nhật Ngân), v.v...

(2) Tổng cộng đã có khoảng 500 thuyền nhân Việt Nam nằm lại Galang 3, tức Nghĩa trang Galang. Sau này, tất cả những nấm mồ đất đã được đồng bào trong trại hoặc thân nhân xây xi-măng với tên tuổi trên mộ bia.

Ở lối vào có một trụ xi-măng màu cờ vàng với ba sọc đỏ. Rất tiếc, tới đầu thế kỷ 21, cùng với việc cho tay sai phá hủy một số bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam ở các trại tỵ nạn cũ ở Đông Nam Á, cộng sản Hà Nội còn gây áp lực ngoại giao với nhà cầm quyền Nam Dương, buộc họ phải sơn cờ vàng ba sọc đỏ thành hai màu trắng đen!

Nghĩa trang Galang hiện nay: màu cờ vàng ba sọc đỏ đã bị sơn trắng đen (ảnh FB Galang Refugee Camp)
 

Nghe kể lại, trong số những thuyền nhân xấu số được chôn tại Nghĩa trang Galang có hai cô gái bị hải tặc hãm hiếp, tới Galang đã tự tử vì nỗi ô nhục. Hai cô rất thiêng nên được đồng bào ở Galang 2 lập miếu thờ gọi là Miếu Hai Cô dưới một tàng cây cổ thụ ven rừng, to cao như cây đa ở Việt Nam. Nhiều người trong trại thường đến miếu thắp nhang khấn vái.

Về sau có thêm một thiếu nữ tự tử vì nguyên nhân tương tự, Miếu Hai Cô trở thành Miếu Ba Cô.

Miếu Hai Cô (ảnh FB Galang Refugee Camp)
 
Rate this item
(0 votes)