Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Không Quân “Miệt Dưới” và cháy rừng ở Úc - Nguyễn Hữu Thiện


Thời gian mấy tuần qua, trước những trận cháy rừng khốc liệt chưa từng thấy tại Úc, cá nhân tôi nói riêng, anh em Không Quân ở Úc nói chung, đã nhận được những lời thăm hỏi của một số niên trưởng, chiến hữu KQ từ khắp nơi. Nay sau khi tham dự Đại Hội Liên Bang lần thứ 14 của Liên Hội Ái Hữu Không Quân Úc Châu, tổ chức tại thành phố Sydney trong ba ngày 3, 4, 5 tháng 1 năm 2020, có cơ hội gặp gỡ anh em KQ về từ các tiểu bang để tìm hiểu, tôi có thể trả lời quý niên trưởng và các chiến hữu: gần như chắc chắn 100% đã không có thành viên nào trong các Hội Ái Hữu KQ ở Úc là nạn nhân - về "người" cũng như về "của" - của các trận cháy rừng vừa xảy ra.

Nguyên nhân của sự may mắn ấy là đại đa số anh em KQ định cư tại các thành phố lớn, nằm xa các khu rừng bị cháy.

Trước khi tường thuật về mùa cháy rừng 2019/2020, tôi xin ghi lại những hồi ức về hai trận cháy rừng khủng khiếp nhất đã xảy ra từ ngày định cư tại Úc, cũng là hai trận cháy rừng gây thiệt hại nhân mạng lớn nhất kể từ ngày lập quốc.




Cũng bên biết, do địa thế 1/3 là sa mạc (màu vàng trong bản đồ), với khí hậu nóng và khô trong mùa hè (nam bán cầu), và gió mạnh trên 100 km/h, mỗi năm vào khoảng các tháng 12, 1 và 2 dương lịch, ở Úc đều xảy ra cháy rừng, khi gió nóng và khô từ sa mạc thổi về các tiểu bang miền nam và miền đông.

Có nhiều nguyên trực tiếp khởi phát các vụ cháy rừng, trong đó thường thấy nhất là sét đánh mà không có mưa.

Đầu năm 1983, khi tôi vừa từ trại tỵ nạn Galang đặt chân tới thành phố Melbourne, thủ phủ tiểu bang Victoria, được vài tháng thì xảy ra vụ cháy rừng lớn nhất, với nhiều người chết nhất, tính tới lúc đó.

Vụ hỏa hoạn này được sử sách gọi là “cháy rừng Thứ Tư Lễ Tro” (Ash Wednesday bushfires) vì nó xảy ra đúng vào Thứ Tư Lễ Tro, 16 tháng 2 năm 1983, trong Mùa Chay (Lent) của người Công Giáo.

Chỉ trong vòng 12 tiếng đồng hồ, hơn 180 đám cháy được sức gió 110 km/h tiếp sức, đã thiêu thủy một vùng rộng lớn ở biên giới hai tiểu bang Victoria và Nam Úc. Trong số 75 người bị thiệt mạng – 47 ở Victoria, 28 ở Nam Úc – có 17 nhân viên cứu hỏa bị lửa bao vây không có đường thoát thân.





Ash Wednesday 1983: một xe cứu hỏa bị thiêu rụi


Hai mươi sáu năm sau, “kỷ lục bi thảm” nói trên đã bị phá bởi một vụ cháy rừng với quy mô nhỏ hơn nhưng hậu quả khủng khiếp hơn nhiều, đó là “Black Saturday bushfires”, cũng ở tiểu bang Victoria.

Ngày Thứ Bảy, 7 tháng 2 năm 2009, tiểu bang Victoria vừa trải qua một trận hạn hán kéo dài, nhiệt độ lên tới 46.4 độ C (115.2 F) tại Melbourne. Tới trưa, các đám cháy nhỏ riêng rẽ tại hai vùng Kilmore East và Murrindindi Mill, cách Melbourne khoảng 50 cây số về hướng bắc đông bắc, bị gió mạnh đổi chiều đã biến thành một đám cháy lớn, tiến về lâm viên quốc gia Kinglake.

Cùng khoảng thời gian, sức gió 125km/h đã thổi ngã các cột điện ở Kinglake tạo thêm các đám cháy khác, nhập vào đám cháy từ Kilmore East và Murrindindi Mill, thiêu hủy toàn bộ các khu rừng thông thuộc lâm viên quốc gia Kinglake và vùng phụ cận. Lửa cháy lan rộng một cách mau chóng tới mức chẳng những lực lượng cứu hỏa không kịp trở tay mà cả đến dân chúng địa phương cũng không được thông báo kịp thời để có thể chạy thoát.

Hậu quả, tới chiều tối ngày hôm đó, toàn bộ thị trấn du lịch Marysville thơ mộng và những khu dân cư lân cận đã bị thần hỏa thiêu rụi, 173 người bị chết cháy, trong số đó có ký giả truyền hình nổi tiếng Brian Naylor.





Black Saturday 2009: thị trấn Marysville trước và sau trận cháy rừng



Cũng nên biết, lâm viên Kinglake là lâm viên quốc gia (national park) gần thành phố Melbourne nhất, chỉ cách khoảng 45 cây số về hướng bắc đông bắc, cho nên vào mỗi cuối tuần trong mùa hè có rất nhiều gia đình đưa nhau lên đó cắm trại. “Căn nhà ngoại ô” của tôi và một số anh em KQ khác lại nằm giữa Melbourne và Kinglake cho nên chúng tôi thường rủ nhau lên đó cắm trại, hái dâu, câu cá.

Nếu ngày Thứ Bảy đó, 7 tháng 2 năm 2009, không phải đi dự tiệc cưới con trai của một KQ trong Ban chấp hành Hội, rất có thể chúng tôi đã rủ nhau lên Kinglake National Park để trốn cái nóng, và biết đâu... không có đường về!

Mùa cháy rừng 2019/2020

Mùa cháy rừng ở Úc năm nay thay vì bắt đầu vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 như thường lệ, đã bắt đầu từ tháng 9 (tại tiểu bang New South Wales), được ghi nhận là quy mô nhất kể từ ngày lập quốc, với diện tích rừng bị thiêu hủy lên tới 12 triệu hectares (tính tới ngày hôm nay, 11 tháng 1, 2020) nhưng vì phần lớn là đất nông nghiệp ở xa thành phố, là các lâm viên quốc gia cho nên chỉ có 28 người bị thiệt mạng (tính tới ngày hôm nay), con số quá nhỏ so với 480 triệu gia súc và thú hoang bị tiêu diệt (theo ước đoán của cơ quan hữu trách).

Dựa theo tấm bản đồ “cháy rừng” đính kèm, tôi xin được trình bày chi tiết về mùa cháy rừng năm nay, từ trái sang phải.




Tiểu bang Tây Úc (Western Australia) nhìn ra Ấn-độ dương, năm nay cháy sớm vì bị các luồng không khí nóng từ phía tây (Ấn-độ dương) thổi sang, trong khi nguồn mưa mùa từ hướng bắc (quần đảo Indonesia ) chưa kịp tới nơi.

Mặc dù các trận cháy rừng diễn ra và lan rộng một cách mau chóng, thiêu hủy 1.7 triệu hectares, đã chỉ có bốn nông dân bị thiệt mạng. Người Việt tại Tây Úc đa số sống ở thành phố Perth, thủ phủ của tiểu bang, nếu có nông trại, hoặc làm việc trong các nông trại, thì cũng quanh quẩn thành phố, cho nên không có anh em KQ nào ở Tây Úc bị ảnh hưởng.

Lãnh thổ Bắc Úc (Nothern Territory) tuy nóng nhất, khô nhất nhưng ít bị cháy rừng nhất, vì phần lớn diện tích là sa mạc. Darwin, thủ phủ Lãnh thổ Bắc Úc, cũng là thành phố có ít người Việt sinh sống nhất.

Tiểu bang Nam Úc (South Australia) là nơi có đông người Việt đứng hàng thứ ba tại Úc, sau hai tiểu bang New South Wales và Victoria. Nam Úc là tiểu bang của cây trái và vườn nho. Không ít người Việt, trong đó có một số anh em KQ, đã trở thành “đại gia” qua việc mua (hoặc mướn) nông trại để trồng rau trái. Những nông trại này đều nằm ở ngoại ô Adelaide, thủ phủ Nam Úc, còn các vườn nho thì nằm ở xa, đa số nằm trong tay người Úc và di dân gốc Ý.

Nam Úc có ba vùng trồng nho để làm rượu nổi tiếng thế giới là: Barossa Valley lớn nhất (thường được so sánh với Napa Valley của California), Adelaide Hills, nơi sản xuất những chai vang trắng tuyệt vời, và Coonawarra, nơi sản xuất những chai vang đỏ ngon nhất thế giới.

Trong trận cháy rừng vừa qua, vùng Adelaide Hills, nơi có những gốc nho trên 100 tuổi, đã bị thiêu rụi tới ¾; giá vang trắng ở Úc chắc chắn rồi đây sẽ tăng vọt!

Nói chung, trong mùa cháy rừng năm nay, Nam Úc bị cháy ít nhất so với các tiểu bang khác, nhưng thiệt hại rất đáng kể. Ngoài vùng đất trồng nho Adelaide Hills, còn có đảo du lịch Kangaroo Island ngoài khơi thành phố Adelaide bị thần hỏa thiêu rụi tới ¾ diện tích, trong đó có trung tâm nghỉ mát Great Southern Ocean hiện đại mới được khai trương.

Còn nhớ trong một kỳ đại hội liên bang của Không Quân Úc Châu cách đây hơn 10 năm, chương trình du ngoạn Kangaroo Island của các phái đoàn tiểu bang về phó hội đã bị hủy bỏ vào giờ phút chót vì cháy rừng!

Tiểu bang Victoria là tiểu bang nhỏ nhất trong số năm tiểu bang nằm trên lục địa Úc, nhưng lại có mật độ dân số cao nhất, là nơi có đông người Việt thứ nhì sau New South Wales. Từ ngày lập quốc tới nay, Victoria là tiểu bang xảy ra cháy rừng nhiều nhất, với những mất mát sinh mạng bi thảm nhất (có tới 3 vụ dẫn đầu Top 5).

Tới mùa cháy rừng năm nay, khoảng giữa tháng 12-2019, trong lúc hỏa hoạn đã hoành hành ở các tiểu bang khác thì tại Victoria vẫn chưa có một đám cháy rừng nào đáng kể; nguyên nhân chính là vì do ảnh hưởng gió từ nam cực thổi lên, mùa đông năm nay kéo dài, nhiệt độ không đủ nóng, cây rừng không đủ khô để bốc cháy khi bị sét đánh.

Nhưng chỉ bốn ngày trước lễ Giáng Sinh, cùng với nhiệt độ gia tăng đột ngột và gió mạnh, những đám cháy rừng nho nhỏ do sét đánh ở East Gippsland, một vùng ven biển thơ mộng ở đông nam tiểu bang cách Melbourne khoảng 200 km, đã biến thành những đám cháy quy mô, bao vây hơn 30,000 khách nghỉ hè tại vùng này. Không còn lối thoát, du khách và dân chúng địa phương phải chạy ra bờ biển lánh nạn.




2019: cháy rừng ở East Gippsland


Tới những ngày cuối năm 2019, chiến hạm của Hải Quân và trực thăng Blackhawk của Không Quân đã được điều động để di tản dân chúng ở những vùng bờ biển cháy dữ dội nhất.

Trong khi đó ở phía bắc tiểu bang, đã xảy ra cháy rừng quy mô ở Alpine National Park, là lâm viên quốc gia lớn nhất ở tiểu bang Victoria với diện tích 646,000 hectares. Dĩ nhiên, các đám cháy rừng ở lâm viên quốc gia thì vô phương dập tắt.

Tiểu bang New South Wales (NSW) là tiểu bang chịu thiệt hại nhiều nhất, về tài sản cũng như sinh mạng trong mùa cháy rừng năm nay. Trong tổng số 28 người bị thiệt mạng trên toàn quốc, có tới 24 người ở NSW.

Năm nay, mùa cháy rừng ở NSW đã bắt đầu vào một ngày... đầu xuân (6-9-2019), tức là ba tháng sớm hơn thường lệ, do hạn hán kéo dài và nhiệt độ gia tăng quá mức bình thường.

Từ vùng North Coast, cháy rừng lan xuống Mid North Coast, thiêu hủy các trang trại, gia súc, hoa màu, đe dọa hải cảng Port Macquarie.

Tới ngày 26-10-2019, cháy rừng bộc phát tại vùng núi Gospers Mountain trong lâm viên quốc gia Wollemi National Park; và tới ngày 27-12 đã thiêu rụi trên 500,000 hectares.

Về phần thủ phủ Sydney, sau khi các đám cháy rừng bộc phát tại lâm viên quốc gia Lane Cove National Park ở Turramurra, South West Sydney vào ngày 12-11-2019, lần đầu tiên trong lịch sử, vùng nội ô Sydney đã được đặt trong tình trạng “báo động hỏa hoạn với khả năng hủy diệt”.

Do hậu quả của cháy rừng ở các vùng ngoại ô, mức độ ô nhiễm trong không khí ở Sydney đã lên gấp 11 lần mức độ cho phép, tức là còn tệ hại hơn thủ đô Tân Đề-li của Ấn-độ.





2019: Opera House và thành phố Sydney chìm trong màn khói đỏ cam (nhìn từ cầu Harbor Bridge)


Qua những ngày đầu năm 2020, khi các phái đoàn Không Quân từ các tiểu bang về Sydney tham dự Đại Hội liên bang lần thứ 14 vào ba ngày 3, 4, 5 tháng 1, 2020, bầu không khí đã bớt màu đỏ cam để chuyển sang xám đục, nhưng vào đúng ngày họp Đại Hội và dạ tiệc Đêm Không Gian Hội Ngộ (4 tháng 1), nhiệt độ ở Sydney đã nhảy vọt lên tới 46 độ C (114.8 F), và 49 độ (120.2 F) ở các vùng quê, lệnh báo động được ban hành trên toàn lãnh thổ tiểu bang trong bảy ngày liên tục.

Ở phía nam tiểu bang, cháy rừng đã không tha khu nghỉ mát nổi tiếng Snowy Mountains với trên 130,000 hectares bị thiêu rụi.

Xa hơn nữa về phương nam, các đám cháy rừng tại Kosciuszko National Park, lâm viên quốc gia lớn nhất của nước Úc, đã “bắt tay” được với thần hỏa ở Alpine National Park ở phía bắc tiểu bang Victoria, tạo ra trận "siêu cháy rừng liên tiểu bang" có diện tích lớn nhất, sức tàn phá khủng khiếp nhất từ xưa tới nay.



Cháy rừng liên tiểu bang (Kosciuszko National Park & Alpine National Park)


Tính tới ngày 11-1-2020, tổng số diện tích rừng bị cháy ở tiểu bang New South Wales đã lên tới gần sáu triệu hectares, tức là một nửa trong tổng số diện tích 12 triệu hectares bị cháy trên toàn quốc.

Tiểu bang Queensland có một nửa lãnh thổ ở phía bắc có khí hậu bán nhiệt đới, là một tiểu bang nông nghiệp nên không có nhiều rừng, cho nên thường không bị cháy nhiều như ở các tiểu bang ở miền nam và miền tây. Thế nhưng năm nay do hạn hán, các trận cháy đồng cỏ và trang trại đã bắt đầu từ tháng 9-2019, tới nay đã thiêu hủy 2.5 triệu hectares, tức là gần bằng phân nửa New South Wales, và hơn gấp đôi Victoria.

Trong khi không bị thiệt hại về nhân mạng và rừng, Queensland bị thiệt hại nhiều nhất về hoa màu và gia súc.

Theo ước tính sơ khởi, không kể tài nguyên thiên nhiên mà chỉ tính thiệt hại vật chất, con số thiệt hại của nước Úc tính cho tới nay là vào khoảng 20 tỷ Úc kim.

* * *


Cuối cùng cũng xin có đôi dòng về cái “tôi” - một cách chính xác là “cái nhà của tôi” - trong trận cháy rừng đã và đang diễn ra ở Úc.

Từ hơn 30 năm nay, tôi sống ở Mill Park, một vùng ngoại ô tuy chỉ cách trung tâm thành phố Melbourne 20 cây số nhưng khung cảnh tương đối hoang dã, có nhiều cây cối vì nằm gần con sông Plenty, vốn là thiên đường bất khả xâm phạm của các loài chim quý của nước Úc, trong đó có thiên nga đen mỏ đỏ, và dĩ nhiên của hàng ngàn hàng vạn con kangaroo!

Bỗng vào một ngày sau lễ Giáng Sinh, nghe tiếng trực thăng cứu hỏa bay sát trên mái nhà, tôi vội chạy ra sân tìm hiểu, nhìn xuống bờ sông mới biết đang cháy cỏ và rừng thưa dọc theo bờ. Vì không có đường cho xe cứu hỏa chạy xuống dập tắt, người ta phải sử dụng trực thăng.









2019: cháy cỏ và rừng thưa ở Mill Park (hình của người viết)


Qua ngày hôm sau, đám cháy hoàn toàn bị dập tắt nhưng cũng đã đủ để tôi và những anh em KQ sống ở Mill Park trở nên... nổi tiếng, chỉ vì đây là đám cháy duy nhất xảy ra ở gần thành phố Melbourne cho nên đã được các đài phát thanh, truyền hình loan tin rất chi tiết (không quên kêu gọi dân chúng địa phương sẵn sàng di tản) khiến bạn bè, người thân của chúng tôi ai nấy đều lên ruột, điện thoại hỏi thăm tới tấp, trong khi chúng tôi thì tìm cách xuống gần đám cháy để... quay phim, chụp hình!

Rate this item
(1 Vote)