Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Con Trăn Rừng Kè - Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Posted by October 24, 2023 624

Mùa Xuân năm đó, tôi ăn Tết trên đồn điền với Hùng. Anh lập đồn điền trà ở đây đã tám năm nay; cơ sở làm ăn rõ ra vẻ phát đạt. Mấy dãy nhà dài, kiến trúc đơn giản nhưng gọn, chắc; vài nếp nhà sàn vươn cao đỏm dáng như những bông hoa rừng với hàng cột, kèo và sàn cây bóng lộn, trông thực đẹp mắt. Tất cả đều cất bằng gỗ kè, thứ lâm sản đặc biệt của vùng này.

Ðó là một loại cọ, thân tròn, nhẵn như đá mài, thẳng vút lên cao tới mười, mười lăm thước mới xòe tán lá xanh mềm mại như nhành liễu, đu đưa trước gió… Chỉ việc hạ xuống, bổ đôi là có hai tấm ván hẹp, thật là dài, không cứng lắm nhưng bền vô cùng. Hàm răng tàn phá của đàn mối trước lớp gỗ dắn như sắt này, cũng phải chịu hàng!

Hùng gõ tay vào thân cột, bảo tôi:
– Sức chịu đựng mưa nắng của gỗ kè thực kỳ dị: Hình như trời sinh ra giống kè để thi gan với thời tiết hay sao đó, có cây gỗ tôi vứt ngoài sương nắng cả năm không hề hấn gì!… Ðinh, lim, sến, táu của mình thua xa!

Tôi nhìn quanh rồi hỏi anh:
– Phải hàng ngàn cây gỗ mới đủ cất trại… Anh kiếm đâu ra sẵn vậy?

Hùng cười vui vẻ:
– Ðó là cả một công trình của tôi… Không, của thổ dân mới đúng… Nhưng cũng nhờ tôi một phần…

Tôi đoán chừng có gì lạ đây: anh vốn ít lời nhưng khi nhắc tới những kỷ niệm thú vị, anh trở nên rất vui chuyện.

Tôi nghĩ bụng chẳng cần gặng hỏi làm gì, nếu là chuyện đặc biệt, tự nhiên anh sẽ nói. Ðiều này tôi không lầm, vì ngay chiều hôm đó, Hùng thuật chuyện “con trăn rừng kè” cho tôi nghe.

Sau đây là lời Hùng.

–oOo–

“… Thoạt đầu tôi giận lão tù trưởng lắm: ai đời cần có hơn trăm cây kè mà lão cũng chối đây đẩy. Lão nhìn đống quà tặng bày trước mặt: nào búa sắt, nào đinh, nào dao săn, không kể vòng đồng và cả chục thước vải đủ màu… tỏ ý thèm thuồng lắm, nhưng vẫn không nhận lời kiếm gỗ cho tôi làm nhà. Thế mới kỳ!… Chẳng riêng gì lão, nhóm thổ dân đứng tuổi có mặt tại đó cũng nín thinh… Phải một lúc lâu, mới có một người gãi đầu gãi tai chán chê rồi nói:

– Thầy kiếm gỗ khác đi… Vùng này không có kè!

Tôi đã quen với dân Thượng nên không lạ lối nói của họ: không phải họ nói dối, họ chỉ không nói ra sự thực thôi! Kể cũng khá tế nhị!

Nhưng dù sao tôi cũng nóng mắt: cả một rừng kè ngay trên đồi, cách bản khoảng hơn cây số mà chối là không có, thì bậy thực!

Tôi nắm tay gã lôi ra ngoài, trỏ về phía đó:
– Không có kè!… Vậy dễ rừng cau đó chắc!

Tất cả đều phì cười… Ðến lúc ấy lão tù trưởng mới thú thực:
– Thầy Hai à!… Kè thì có, nhưng cũng như không. Vì ai dám vào rừng mà chặt… Cha của cha tôi có dặn lại rồi: Thần Kè thiêng lắm… Ðặt chân vào rừng là chết ngay. Rừng kè là nhà của thần mà… Tôi không nói sai đâu.

Nhìn mặt những người ngồi đó, tôi biết lão không nói dối. Gã thầy mo cũng lắc lư cái đầu đội chiếc mũ da rắn, phụ họa với lão:
– Không sai đâu… Cha tôi đã trông thấy thần mà…

Tôi phát cáu:
– Vậy hình thù thần thế nào, nói coi!

Gã dang hai tay ra:
– Cha tôi nói đầu thần to như trái đồi, còn mình dài bằng con sông, kia!…

Tôi đứng lên:
– Ðược, không ai dám vào rừng, để tôi vào xem sao!

Lão tù trưởng nắm lấy áo tôi:
– Ðừng đi, thầy Hai… Thần vật chết thầy mất!

Lão chẳng tử tế gì với tôi, nhưng tôi có hứa chữa bệnh sốt rét cho lão… Vừa uống mấy viên ký ninh, lão đã bớt sốt, lão lo tôi chết vì thần kè, thì lão cũng chẳng sống được với thần sốt rét!… Có vậy thôi!

Tôi bảo mọi người:
– Bây giờ thế này: để tôi đi một mình trước đã… Tôi hạ thủ một cây kè. Nếu thần vật chết tôi, dân làng cứ việc thờ thần như cũ. Nhưng nếu tôi không hề hấn gì, dân làng sẽ đốn kè bán cho tôi… Ðược không?

Tôi nhặt hai chiếc búa thép tốt nhất, giơ lên:
– Ai đi theo, tôi tặng chiếc búa sắt này… Không phải vào rừng đâu… Ðứng ngoài, xem tôi chặt cây thôi!

Chẳng ai nhúc nhích. Lão thầy mo lắc đầu:
– Thầy là người Kinh… May ra thần tha cho, nhưng người Thượng chúng tôi thì khác… Chắc chết quá!

Tôi nhìn đám trai tráng đứng đó:
– Tôi tưởng bộ lạc cũng có vài người gan dạ chớ!… Ai ngờ nhát như đàn bà cả… Chỉ đứng tận đàng xa, mà cũng sợ… Thôi, để tôi kiếm bộ lạc khác bạo dạn hơn, nhờ họ vậy!

Lần này tôi thành công; hai gã Thượng, trần trùng trục, vạm vỡ như hai tượng đồng hun, đứng phắt dậy:
– Tôi bằng lòng theo thầy… Tôi đứng ngoài cửa rừng thôi!

Lão tù trưởng cũng đứng lên theo:
– Thầy là khách của tôi mà… Tôi đâu bỏ được. Tôi với thằng con lớn theo thầy; chừng nào thầy đẵn xong kè mà không việc gì thì con tôi bắt chước… Hễ thần không vật chết nó, lúc ấy tới lượt tôi.

Thế là tôi thắng keo đầu tiên: tôi vui vẻ tặng bốn người bốn cây búa thực sắc. Chúng tôi quyết định sáng hôm sau lên rừng.

–oOo–

Dân trong bản yên trí chúng tôi đi vào chỗ chết: họ kéo nhau ra tiễn đông lắm. Bọn đàn bà khóc thút thít, thảm não như đưa đám.

Lòng hăng hái của bọn người theo tôi cũng giảm dần. Tới gần cánh rừng, chỉ còn tôi với cha con lão tù trưởng. Hai gã Thượng lẩn đâu mất.

Trước mặt tôi là giang sơn của loài kè; cây lớn cây con mọc từng bụi chi chít. Những thân dài óng ả như đèn cầy màu xanh vươn thực là cao… Tít trên ngọn, chòm lá mềm như vải lụa, tươi mát lạ lùng… Trông thì vậy, nhưng men được tới gốc cây là cả một gian nan: dưới gốc kè dày đặc cây rừng, cỏ dại, với những bụi gai cao khoảng đôi ba thước. Tôi vừa đi vừa dùng dao quắm mở đường…định bụng hạ một cây thực lớn cho họ biết tay!

Chợt tôi tìm ra một lối mòn khá rộng rãi, sâu hút như con đường hầm giữa đám gai. Có lẽ được sử dụng thường xuyên, nên lớp cây dưới đất chết gí, khô queo, cành lá hai bên cũng úa vàng, như bị cọ xát nhiều… Tôi hơi băn khoăn:

– Nếu vậy chắc có con gì trong này không chừng!

Tôi khom mình, bước vào, trên đầu tôi cành cây đan nhau, che ánh mặt trời, thành thử con đường tối mò. Ðôi chỗ tôi phải bò, lưỡi dao quắm với chiếc búa sau lưng chốc chốc lại vướng vào gai, không sao đi nhanh được. Tiến thêm khoảng non trăm thước, tôi vội khựng lại, bủn rủn cả chân tay… Chắc lúc đó mặt tôi tái ngắt…

Tôi thấy lạnh phía sống lưng, mồ hôi nhớp nháp trong đám tóc gáy dựng đứng… Trước mặt tôi chừng sáu thước trên thân gỗ mục, một chiếc đầu to ghê gớm tròn như vành trăng, nằm đó từ bao giờ. Dưới ánh sáng xanh mờ ảo chiếc đầu khủng khiếp làm thành một vệt vàng với hai chấm mắt long lanh chiếu thẳng vào tôi. Tôi có cảm tưởng như tia chớp nháng ra từ đôi mắt ghê rợn ấy…

Tôi xoay mình, nhào vội về phía sau, cắm đầu bò thực nhanh, hai gối và bàn tay xây xát, quần áo rách bươm… Ra khỏi đường hầm, tôi mới bình tĩnh được: thì ra thần rừng kè của thổ dân là con vật tôi vừa gặp đó!… Kể ra họ sợ cũng phải; Tôi đã đi nhiều nơi, băng qua cả trăm cánh rừng nhiệt đới mà chưa gặp con trăn nào to kinh khủng như vậy!… Tôi phân vân chưa biết tính sao: quay vào đó chắc không được rồi… Trở về tay không cũng hỏng… Tôi đành làm như không có chuyện gì xảy ra, lẳng lặng xắn tay áo, giơ búa hạ cây kè gần nhất. Phía xa xa, bốn người Thượng chăm chú theo dõi từng cử chỉ của tôi. Họ đứng sát vào nhau, lấm lét, sợ sệt, như chờ đợi một phép lạ xảy ra.

Thân kè rung lên, nghiêng đi rồi đổ ngang, bụi cát bay mù… Tôi vẫy họ lại gần, tươi cười chỉ vào gốc kè vừa chặt:
– Có việc gì đâu nào!… Mỗi người hạ một cây coi!

Con trai lão tù trưởng bắt tay vào việc trước tiên: Xưa nay gã vẫn nổi tiếng là liều lĩnh mà!

Cây kè thứ hai ngã xuống… Thấy gã vẫn sống nhăn, họ mới thực yên tâm. Thế là tiếng búa chặt vào thân cây vang lên; khoảng tiếng đồng hồ sau, tôi đã có được vài chục cây gỗ nằm ngổn ngang.

Tôi không dám ép họ làm nhiều, sợ bất thần con trăn bò ra thì nguy… Tôi đoán chừng con vật vừa ăn no nên chưa buồn nhúc nhích; đó là điều may mắn cho tôi.

–oOo–

Ðêm ấy tôi nói thẳng với lão tù trưởng và thầy mo Kham về chuyện gặp con trăn. Tôi bàn:
– Phải giết con trăn mới được… Thế nào cũng có lúc đói mồi, nó mò tới bản bắt trâu bò, cả người nữa không chừng!

Tôi đã sợ hai lão ngần ngại, nhưng không, họ hăng hái mới lạ!… Thì ra tính ham mê săn bắn ăn sâu trong cơ thể họ, gần như một thứ bản năng. Vả lại chẳng thú rừng nào nhiều thịt bằng con trăn, điều này họ biết lắm. Hạ được trăn, cả bản no say… Tiếp theo là hội hè, nhảy múa… Tóm lại, viễn ảnh tươi vui đó là động lực thúc đẩy họ.

Tôi vừa chợp mắt đã nghe tiếng trống bập bùng báo hiệu cho dân bản biết tin chuyến săn đặc biệt này. Tôi mặc họ tổ chức, chỉ nhận đem súng theo, đề phòng bất trắc thôi.

Mới tảng sáng cả bản nhộn lên như ngày hội. Lần này cả trăm người theo tôi lên rừng kè, trong đám có cả đàn bà trẻ con.

Cách phân công của họ thực thần tình: chẳng ai hò hét hay to tiếng: họ sợ con vật thấy động, lẩn mất!

Trước hết, lão Kham tìm một cây kè mọc gần lối trăn đi, cắt người buộc dây gò xuống, làm thành thứ bẫy cần, phía trên có nút thòng lọng tết bằng cả chục dây leo, dây nào cũng chắc như thừng gai.

Một toán khác mở lối cho trăn tới gần bẫy; họ đốn kè, xếp hai bên chừa một đường duy nhất để con vật hễ ra khỏi rừng là đâm thẳng vào nút thòng lọng… Ngay phía ngoài là chỗ cột con heo sữa làm mồi.

Khoảng quá trưa, mọi việc xong xuôi. Viên tù trưởng giải tán dân chúng, chỉ để lại ba người coi bẫy. Lão bảo tôi:
– Phải vài bữa nữa cái trăn mới đi kiếm mồi… Nếu đúng nó nằm đó, thế nào cũng sa bẫy… Thầy khỏi lo!

Lão nói có lý, vì con trăn chẳng còn lối nào khác để bắt heo; mà hễ động vào mồi là cây kè bật lên, kéo nút thòng lọng chẹn lấy cổ nó… Chết là cái chắc!

Nhưng một, rồi hai ngày trôi qua… Chẳng có tin tức gì về… Tôi đã lo trăn thấy động rời đi nơi khác, hay bẫy không bật đúng lúc.

Mãi sáng ngày thứ ba mới nghe tiếng hò reo: trăn sa bẫy! Trong chớp mắt cả bản vắng teo: họ ùa lên rừng như trẩy hội. Tôi tất tả chạy theo, khẩu súng săn khoác trên vai, tay lăm lăm con dao săn.

Con trăn to thực! Nút thòng lọng chẹn khoảng sau gáy nó chừng hơn thước… Con vật chưa kịp táp mồi, Con heo thoát miệng trăn, nhưng lại sa vào dạ dày nhóm người canh bẫy: họ được thưởng miếng mồi ngon lành đó!… Tôi ước chừng cây kè cao khoảng mười lăm thước, vậy mà đuôi trăn vùng vẫy đôi khi còn chấm đất: như vậy thân nó phải suýt soát dài bằng thân kè!…

Ðối với giống trăn, như vậy là dài ghê gớm.

Sa bẫy hàng bốn năm giờ đồng hồ rồi mà con vật còn khỏe ghê gớm: đôi lúc nó cuộn vào thân cây, toan bẻ gãy cây; đôi lúc nó táp sợi dây thòng lọng đang siết nghẹt cổ nó… Cây cối xung quanh gãy nát, từng khóm gai bị đuôi trăn quật tung… Thân kè bị vật lung lay tới tận gốc. Nhưng tôi biết giống kè rễ ăn sâu, dù hai con trăn cũng chẳng nhổ lên được.

Nhưng con vật càng giãy giụa, sợi thòng lọng càng thắt chặt thêm… Nó nằm đờ ra, thở dốc… Chờ cho sợi dây nới lỏng đôi chút lại vùng vẫy… Cứ thế hàng giờ. Mỗi lần chiếc đuôi lớn như cây cột lim văng ra tứ phía, mọi người chạy dạt như đàn chim… Nhưng khi con vật nằm im, họ bu lại lấy cây chọc hay liệng đất cho bõ ghét!

Tôi hỏi lão Kham:
– Thần rừng kè lớn quá, há?

Lão bĩu môi:

– Lớn xác thôi… Không thiêng đâu… Thần thiêng chẳng bao giờ mắc bẫy mà!
– Chừng nào trăn mới chết đây?

– Một hai ngày không chừng… Ðợi nó yếu đi, trai làng xúm lại lôi về bản… Bây giờ còn khỏe quá, nó quật ngã ngay!…

–oOo–

Ðúng như lão tính, hai ngày sau trăn mới hấp hối. Trai tráng hạ cây kè, trói con vật vào đó, rồi làm thêm vài chục đòn ngang, khiêng về.

Tôi đã thấy con trăn nước non tám thước mà nặng trên nửa tấn; con trăn đất này dài gần gấp đôi, phải suýt soát ngàn cân thịt!

Con vật hấp hối được đặt nằm dài dưới đất. Ðôi lúc nó còn rùng mình, uốn lượn lớp da màu vàng, sáng như đồng, có điểm hình quả tràm, vằn hoa, chỗ đen, chỗ xanh, trông thực đẹp mắt. Tôi nhìn cái đầu nó mà phát khiếp: đầu hình tam giác dài, rộng, đặc biệt đôi cánh mũi phập phồng, kéo dài ra phía trước, trông như mõm chó săn… Thỉnh thoảng nó há miệng, phơi hàm răng nhọn, trắng bóng, mọc quặp vào trong như hàng móc. Tôi tò mò cúi xuống xem cho rõ…và chính lúc đó tôi mới chú ý tới đôi mắt… Ðôi mắt trừng trừng như mắt người chết, vàng khè nhưng sáng quắc… Chính giữa, đồng tử tròn, xanh sẫm màu mực, ánh lên một cách ghê rợn… Tôi nhận ra trong đó có cái gì độc ác, tàn nhẫn, lẫn với niềm thù hận dữ dằn không thể tả được… Tôi nghĩ chừng cặp mắt của quỷ sứ dưới địa ngục cũng khủng khiếp đến vậy là cùng!

Chợt tôi thấy mình cứng đơ người, chân tay gần như tê liệt… Tôi muốn nhích một ngón tay cũng không được. Thực lạ lùng!… Tôi không mê chút nào, đầu óc vẫn tỉnh táo, nhưng không điều khiển nổi cơ thể… Tôi bị cặp mắt trăn thôi miên!

Trước đây có người nói loài rắn có cái nhìn sắc bén làm tê dại con mồi, tôi không tin. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy thấm thía là họ nói đúng. Không phải cái sợ làm tôi cứng người ra: con vật gần chết có gì đáng sợ!… Tôi chỉ bị ánh mắt nó huyền hoặc. Tôi tự mắng mình:

– Ðồ ngu! Có gì đâu nào… Thử cử động coi… Quay đầu lại xem… Hèn quá!

Con trăn không chớp mắt, nó làm gì có mí mắt để chớp, tôi biết vậy. Nhưng tôi cũng trơ ra đó, trao tráo nhìn nó, đôi mi căng thẳng như có người giữ lại, không cho hạ xuống… Tất cả ý chí của tôi tập trung vào công việc nhỏ nhoi ấy: làm sao chớp mắt được!

Phải mất nhiều phút, hay nhiều giây, không rõ nữa…tôi mới đem hết sức bình sinh hạ nhanh được mi mắt xuống!… Thực là một cơn ác mộng!

Tôi quay vội đầu đi, và tỉnh hẳn, nghĩa là cử động được như thường… Không may cho con trăn, vật đầu tiên tôi thấy trước mắt là lưỡi búa thép: tôi nhặt vội lấy, tay chém liền mấy nhát; chặt phăng chiếc đầu trăn quái ác đứt rời ra!

Hành động của tôi gần như một hiệu lệnh: dân bản ào ra, xả thịt trăn… Chỉ một lát sau, mùi xào nấu thơm phức tỏa theo gió… Lần ấy tôi mới nếm món chả trăn bọc kín bằng lá xương sông, nướng giữa hai viên đá nóng bỏng. Hương vị đậm đà đó, tôi còn nhớ tới bây giờ…

… Và sau đó chừng mươi bữa, tôi có cả ngàn cây kè để làm nhà như anh thấy đó!…”

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác
(Theo A. Michel)

 

(Forumpost:Con Trăn Rừng Kè )

Rate this item
(0 votes)