Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Đường Quang Trung Nắng Đổ - Chu Kim Long

Posted by February 12, 2020 3674

Đường Quang Trung Nắng Đổ

Chu Kim Long

---oo0oo---

 

Cuối tuần vừa qua, anh chàng cựu sinh viên sĩ quan phi hành tại Fort Rucker, thuộc tiểu bang Alabama, cựu học sinh trường trung học Lý Thường Kiệt - Quang Trung, nơi gia đình bố mẹ anh cư ngụ từ thuở đầu tóc anh còn mang“ trái đào “, và nay đang định cư cùng thành phố với tôi, đến chơi, mời tôi đọc một hai bài liên quan đến quê nhà, nơi anh đã sống thời niên thiếu cũng như những ngày ở tuổi thanh xuân trước khi gia nhập binh chủng Không quân. Một nơi chốn có những ngày cuối tuần dành cho những người thân, người yêu gặp nhau, cùng với những chương trình ca nhạc đặc sắc ở Vườn Tao Ngộ để chào mừng các thân nhân cùng các tân binh đang thụ huấn tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung.

- Anh đã biết đến trường Lý Thường Kiệt khi bước lên bậc Trung học, anh đã một thời trải qua những ngày tháng nơi quân trường Quang Trung. Đã ba mươi mấy năm anh chưa về thăm chốn cũ làng xưa. Sao anh không viết một vài mẩu chuyện về Trung tâm huấn luyện Quang Trung? Viết đi, viết để đừng quên ngày tháng năm xưa, viết cho những kỷ niệm đừng xóa mờ và còn nhớ tới nhau. Anh không về thì anh nên viết – người con rễ ông chú ruột tôi nói, rồi đề nghị.
- Ờ, khi nao rảnh tôi sẽ viết, có thể qua năm mới, rảnh rang đôi chút không chừng. Tôi trả lời.


Sáng nay,“ Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt – Xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung.....” của những ngày tháng năm xưa, lại gọi điện thọai thăm hỏi đã viết bài chưa. Tôi lại hứa ờ ờ, sẽ viết một vài mẩu chuyện nho nhỏ, còn bây giờ đang mắc tập thể dục, nhặt lá, quyét sân.......... Vì vậy, sau khi ăn sáng xong, tôi đã ngồi xuống ghế, với con chuột và cái bàn phím của chiếc máy điện toán trước mặt – ký ức xa xưa về khu vực có đường Quang Trung nắng đổ hiện về, và ngón tay tôi gõ như đánh nhịp theo những chuyện ngày xưa khó quên....


Khi tiếng súng AK, CKC của Việt Cộng Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 vẫn còn nổ lác đác trên Đồng ông Cộ. Theo lệnh tổng động viên, bốn anh em tôi phải lần lượt nhập ngũ. Ngày 16 tháng 5, vào khoảng 11 giờ, cô em gái chở tôi lên Phòng Quân Vụ tiểu khu Gia Định trình diện nhập ngũ khóa 3/68. Sau những thủ tục thường lệ của phòng Quân vụ, tôi được mời ăn bữa cơm trưa dã chiến đầu tiên trong đời quân ngũ cùng với những anh em khác. Sau đó, chiếc GMC chở chúng tôi trực chỉ và bàn giao chúng tôi cho Quân vụ thị trấn trên đường Lê Văn Duyệt lúc 2 giờ chiều. Từ đây, hai chiếc GMC đã đưa tất cả chúng tôi và các anh từ các phòng quân vụ khác tiến tới Trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ. Thay vì chạy theo hướng Lăng cha Cả, hai chiếc GMC đã chạy theo đường Võ Di Nguy nối dài, gặp ngã năm Gò Vấp. Đây là giao điểm của năm trục lộ: Võ di Nguy Phú Nhuận nối dài gặp đường Quang Trung, đường Phạm Ngũ Lão nơi có cục địa chính, đường Gia Long Gò Vấp, và đường Cổ Loa với các doanh trại Thiết giáp, Pháo binh chạy tới các xứ đạo Xóm Mới. Trước khi quẹo trái vào đầu đường Quang Trung, ngay góc đường Võ di Nguy nối dài và đường Quang Trung có trại quân khuyển, và tiếp nối là cơ xưởng cắt may quân nhu.....khu dân cư và xứ đạo Xóm Thuốc.... Bên phải đầu đường Quang Trung có các trường Hành chánh Tài chánh, các đơn vị sửa chữa Truyền tin, sở Nông mục của cục Quân Nhu.....xứ đạo Hạnh Thông Tây.....Và từ con đường Quang Trung nắng đổ này, hai chiếc GMC đưa chúng tôi tới Trung tâm tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ lúc gần ba giờ chiều.


Sau thủ tục bàn giao, bên cạnh những cán bộ của trung tâm, ông Thượng sĩ già - cán bộ trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ hướng dẫn chúng tôi xếp hàng điểm danh: “ bốn hàng dọc, mỗi hàng cách nhau ba bước – cao đứng trước, anh đứng đầu làm chuẩn, thấp đứng sau - trước thẳng. So hàng – người này đặt tay phải lên vai người kia, thôi, nghiêm, nghỉ, tan hàng, cố gắng. Từ đời sống dân sự chuyển qua đời sống nhà binh, nên chúng tôi chưa quen với các động tác thao diễn nghiêm nghỉ, lạ lẫm như người từ quê lên tỉnh, khiến ông Thượng sĩ già phải hướng dẫn và lập đi lập lại nhiều lần các động tác căn bản khi tập họp. Có lẽ, với tuổi đời trong lãnh vực quân huấn lâu năm, nên ông kiên nhẫn, nhắc nhở chúng tôi và tỏ vẻ thông cảm với những người trai trẻ đến đây từ bốn phương tám hướng, ngày đầu tiên xa nhà – những tân khóa sinh sống trong doanh trại quân đội mà tâm tư đang vấn vương nhớ thương người thân, người yêu nơi quê nhà: “ Dấu chàng theo lớp mây đưa – Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà “.


Sau khi điểm danh, làm thủ tục, căn dặn đôi điều qui định, chúng tôi lần lượt được lãnh quân trang. Nhìn nhau lụng thụng trong cái áo, cái quần không đúng tấc thuớc, không đúng khổ dạng mỗi người, nhìn nhau thấy tức cười. Mấy anh cán bộ trung tâm nói: “Không sao, anh nào muốn đổi hay muốn sửa thì mai mốt tính, chuyện nhỏ. Bây giờ về phòng nghỉ rồi khi nghe tiếng kẻng thì đem theo cà mèn xuống nhà bàn ăn chiều”. Tất cả tân khoá sinh lại được tập họp, xếp hàng và theo cán bộ hướng dẫn đi về các dãy phòng ngủ với những chiếc giường tầng. Thân thể rã rời, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Khi anh bạn nằm giường kế cận đánh thức tôi dậy, chúng tôi nối đuôi nhau, tay cầm cái cà mèn đi dọc hành lang xuống nhà bàn. Ngày đầu tiên, nhìn những con cá mối trên các khay, nhìn những xô canh bí lõng bõng nước, tôi hơi ngần ngại, lưỡng lự cầm cái muôi xúc chút ít cơm, gắp con cá mối – thấy vậy, hai anh bạn Hinh và Châu mà tôi vừa quen ở phòng quân vụ Gia Định cười, Châu vỗ vai tôi, nói: “Ăn đại đi ông, ăn cho quen, ông anh họ tôi làm cán bộ bên trại Ngô Tùng Châu đã bảo tôi: “ Vào Quang Trung, chú mày phải ăn cho quen, vì nhà bàn nào thuộc trung tâm cũng đều có món cá mối làm chuẩn ”.


Tiếng còi như tiếng dế kêu tập họp mỗi buổi sáng, sau khi tập thể dục và ăn sáng với khúc bánh mì, chúng tôi lần lượt được các vị quân y khám tổng quát mắt, mũi, miệng, tim phổi qua y cụ. Điểm độc đáo làm bọn lính mới tò te chúng tôi ngạc nhiên, khi nghe ông y sĩ bảo kéo quần xuống và tay ông nâng nhẹ hai hòn bi lên, rồi ông nói tốt – tôi ngạc nhiên hỏi, và ông mỉm cười nói: “ xem anh có đúng là nam nhi chi chí để nhập ngũ hay không ”. Vừa qua khỏi tay ông quân y là các ông thợ húi cua nói ngồi xuống. Bàn tay của những anh lính thợ hớt tóc không phải là những bàn tay năm ngón kiêu sa, tay anh lính thợ đẩy chiếc tông đơ như đẩy chiếc bàn ủi, càng nhanh, càng sát, càng tốt. Chỉ vài ba phút sau, bọn tân khóa sinh chúng tôi nhìn nhau như tiếc nuối mái tóc thư sinh ngày nào, và thấy mặt mũi bạn mình không giống ai, mỗi người mỗi khác, trông không giống một con giáp nào.


Khi chưa nhập ngũ, tôi thường đi tắm mỗi khi trời oi bức. Nhưng từ ngày vào trung tâm 3 nhập ngũ, để tâm trí khuây khỏa, bọn chúng tôi thường chơi thẩy móng ngựa, nên mồ hôi cũng như bụi đất làm cả bọn phải đi tắm sau cuộc chơi. Bốn bể nước hình chữ nhật lớn được xây sát cạnh nhau trên một nền ciment cao, được bao quanh bởi những tấm tôn che ngang ngực. Ngày đầu tiên, mấy đứa lính mới to te chúng tôi vừa bỡ ngỡ, vừa ngại ngùng mắc cở, khi bước vào khu vực tắm công cộng thấy mọi người đều tồng ngồng, cười cười, nói nói, kỵ cọ như cùng ca múa vũ khúc không màn che trên sân khấu lộ thiên. Nhưng đến những ngày kế tiếp thì ai cũng hiểu rằng: đời quân ngũ thế thời phải thế - một vài anh có tính lạc quan tếu còn thi vị hóa: Có gì mà ngại, có em nào đâu mà sợ, mà không công khai, không minh bạch hả bạn – vườn Địa đàng có Adam nhưng thiếu bóng dáng Eva! Cả bọn cùng cười.


Trung tâm huấn luyện Quang Trung là trung tâm huấn luyện tân binh lớn nhất của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng để đáp ứng chiến thuật chiến lược và hiện đại hóa quân lực, từ khóa 1/68 các dự bị sinh viên sĩ quan trừ bị đã được huấn luyện giai đoạn một tại đây – đây là giai đoạn sống và sinh hoạt huấn luyện như một người tân binh. Trung tâm huấn luyện rộng hàng trăm mẫu tây, lớn nhất vùng Đông Nam Á, với những địa danh quen thuộc như Trung tâm phát tuyến Quán Tre, vườn Tao Ngộ, ngã tư An Sương...... thành ông Năm, khu thoát hiểm mưu sinh, đoạn đường chiến binh, các bãi tập tác xạ, và bãi Bà đầm với những phi cơ vận tải bay lượn thả những anh chiến sĩ nhảy dù tập luyện ngày đêm. Khi còn là một học sinh bậc tiểu học, tôi thường đứng ở sân bóng đá trước cổng trường trung tiểu học Dũng Lạc, Xóm Mới, coi các phi cơ thả dù như một thú vui. Ngoài các doanh trại dành cho các tiểu đoàn tân binh quân dịch và trại Võ Tánh dành cho các tân khóa sinh chúng tôi, còn có doanh trại Vương Mộng Hồng của sư đoàn Nhảy dù - nơi đây, các tân binh tình nguyện của binh chủng Nhảy dù được huấn luyện căn bản tác chiến. Trong vòng đai Trung tâm huấn luyện Quang Trung cũng có những trại gia binh, nơi cư trú của những gia đình cán bộ đang phục vụ tại trung tâm, cũng như các xứ đạo Công Giáo di cư trốn lánh Cộng sản từ miền Bắc vào miền Nam năm 1954, tiêu biểu là xứ Trung Chánh với những sinh hoạt đức tin sống động, nhiệt thành của các giáo dân, chợ búa và các cửa tiệm tạp hóa với đầy đủ các mặt hàng gia dụng.


Tiếng còi lại vang lên như tiếng dế kêu mỗi buổi sáng, sau khi chúng tôi vừa ăn sáng ngày cuối tuần. Tập họp, điểm danh xong, các cán bộ ra lệnh thu xếp quân trang để di chuyển qua trại chuyển tiếp Nguyễn Tri Phương. Balô đeo trên hai vai, cộng với cái túi quân trang dài vác trên vai, chúng tôi đi bộ từ Trung tâm 3 qua trại chuyển tiếp Nguyễn Tri Phương theo sự hướng dẫn của các cán bộ – dưới ánh nắng gay gắt tháng sáu của buổi sáng, nhễ nhại mồ hôi trán, thấm ướt áo mồ hôi lưng, vai ê ẩm, chân mỏi dã rời, làm chúng tôi mệt nhoài. Khi chân bước tới cổng trại chuyển tiếp thì mặt trời đã lên gần đỉnh đầu. Khẩu khí của những ông hạ sĩ quan cán bộ trại Nguyễn Tri Phương khi tập họp điểm danh khác hẳn thời gian ngắn ngủi sống bên Trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ. Những làn da đen sạm, khắc khổ của cán bộ, và những răn đe hít đất, nhảy xổm, quay nón sắt đã được nói lớn tiếng một cách lạnh lùng, khi một hai con nhạn là đà, lè phè chậm chạp, không ngay hàng thẳng lối trong hàng quân. Và việc phải đến đã đến, vài ba chục cái hít đất, năm bảy chục cái nhảy xổm đã làm cho bọn tân khóa sinh chúng tôi thấy ớn lạnh trong tuần lễ đầu tiên. Nhưng sau một tuần quen hơi quen sức, chúng trở thành những động tác tập thể dục, thi hành phạt mà miệng cười tươi, làm quê cơ các hạ sĩ quan cán bộ khó tính. Tuy nhiên, một hình phạt gây cho nhiều anh yếu tim xanh máu mặt, lảo đảo, té ra giữa sân, và khiến cho cán bộ trại cũng e ngại ít áp dụng. Đó là trò quay nón sắt mà các tân binh thường gọi là trò quay dế mèng.


Như để các tân binh hay tân khóa sinh làm quen với các sinh họat đời lính, nhận bổ túc quân trang, chích ngừa, uống thuốc. Nên kỷ luật và sinh hoạt trại chuyển tiếp cũng không qúa gắt gao, gò bó. Nhiều anh trói gà không chặt trong đời sống thư sinh, nhưng sau khi vào trại chuyển tiếp với những mũi thuốc TAB làm da người bắt nắng, đen sạm, ăn ngủ khò khò, uống nước phông ten ( Fountain ), ăn cơm nhà bàn mà không thấy bịnh tật chi cả – chỉ thấy đôi khi gảy đờn sột soạt trong đêm vì ăn cá mối mà thôi. Các cán bộ thường nói: “chích TAB thì bắt nắng, nhà binh mà, sợ gì đen với đỏ, nhưng tránh được sốt rét ngã nước, trong nước uống cũng như cơm nhà bàn đều có thuốc khử trùng và vitamin. Không có cá mối không phải là Quang Trung, gảy đàn cho đã ngứa, không chết đâu mà sợ “.
Lớn lên khi trận chiến Quốc Cộng ngày càng khốc liệt. Ngay trước mặt nhà thày mẹ tôi là lối đi vào xóm đài Đức Mẹ, mấy năm trước khi tôi nhập ngũ, trong khu xóm đã có vài ba anh lớn hơn tôi năm bảy tuổi, người thì về trên chiếc nạng gỗ, người thì nằm trên Tổng Y viện Cộng Hoà gần cả năm, còn hai anh Hồng và Xuân ở cách nhà tôi khoảng bẩy tám căn nhà - một anh ở bên phải, một anh ở trong ngõ đối diện thì ra đi vĩnh viễn, anh Hồng để lại người vợ trẻ và hai cháu bé chưa đủ tuổi học lớp mẫu giáo, còn anh Xuân ra đi khi vừa đáo nhậm đơn vị sau mười ngày nghỉ phép mãn khóa, để lại cô bạn gái đang cắp sách đến trường, cách nhà tôi cũng không bao xa. Trong các xứ đạo, nơi gia đình thày mẹ tôi sinh sống, không tháng nào mà không có chia ly, báo tử, thất tung. Những vành khăn tang trên vầng trán những thiếu phụ đang tuổi thanh xuân, những nữ sinh duyên dáng ngây thơ ngày nào đã đánh mất nụ cười khi người yêu vừa ra đi không trở lại. Hệ lụy tang thương của cuộc chiến do Việt Cộng phát động và nuôi dưỡng đã hủy hoại hạnh phúc của mọi tầng lớp, khiến những trai tráng ở tuổi vừa vào đời đã nhận ra cuộc đời mỏng manh của mình, nên ngoài việc đèn sách, không mấy ai dám nặng nợ thê nhi hay có những mối tình vắt vai khi đi trình diện nhập ngũ.


Tuần lễ đầu tại trại chuyển tiếp Nguyễn Tri Phương, các cán bộ không bắt buộc tất cả các tân khóa sinh phải ra khu tiếp tân trong khuôn viên trại vào sáng thứ bảy, ai biết mình có người nhà đến thăm thì ra, còn không thì tùy ý. Để gia đình đỡ vất vả, lo lắng, tôi đã dặn mẹ tôi và các em không cần đi thăm hay tiếp tế gì cả, nên tôi ung dung ngủ nghỉ thoải mái. Nhưng đến tuần kế tiếp, các cán bộ bắt mọi người phải ra khu thăm tiếp tân cho thư thái tinh thần, dù có thân nhân đến thăm hay không. Nên tôi đi tới đi lui khu tiếp tân nhìn bà con thiên hạ như anh chàng mồ côi, bị vợ bỏ, người yêu chê. Còn khu Vườn Tao Ngộ còn gọi là Vườn Cộng Hòa, là khu vực dành riêng để đón tiếp thân nhân các anh em tân binh quân dịch vào mỗi cuối tuần, với những chương trình văn nghệ sống động.


Vài tuần lễ ở trại chuyển tiếp qua mau với những lần lãnh quân trang bổ túc, chích và uống thuốc, tập thể dục buổi sáng. Tiếng dế kêu bất thường liên tục hai ba hồi dài buổi sáng, các cán bộ thông báo tập họp và di chuyển với tất cả quân trang cá nhân. Một lần nữa, chúng tôi được lệnh đi theo các cán bộ hướng dẫn, di hành dọc theo đường lộ từ trại Nguyễn Tri Phương qua trại Võ Tánh. Là ngày cuối tuần, nên không có những đơn vị tân binh di chuyển đến các bãi tập trên đường. Từ trại chuyển tiếp qua trại Võ Tánh cũng không xa, và chúng tôi cũng đã phần nào quen hơi với cá mối nhà bàn. Nên khi đến trại Võ Tánh và tập trung ở sân cờ liên đoàn, ai nấy cũng đã nghiêm nghỉ và so hàng tương đối gần đúng quân cách. Liên đoàn gồm hai tiểu đoàn Nguyễn Huệ và Đinh Tiên Hoàng. Tôi được gọi tên về đại đội 36, thuộc tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng, và sau đó, cùng đội đi theo các sĩ quan cán bộ về đại đội. Trên đường từ sân cờ liên đoàn về đại đội, dọc hai bên đường đi của trại là các hàng cây Bã Đậu với thân cây tua tủa đầy gai, và những đường mương rộng đã được chà láng nhẵn như mặt xi măng, mà một tuần sau ngày về đại đội, chúng tôi mới biết đó là một hai món “ ăn chơi “ dành cho các khóa sinh – chà láng bằng Cà mèn mỗi buổi sáng như một hình thức thể dục trong huấn nhục, và chống tay hít cây Bã Đậu khi bị cán bộ phạt dã chiến. Ít lâu sau, hình phạt chống tay hít Bã Đậu đã bị cấm áp dụng khi Liên đoàn nhận thấy gây nguy hiểm cho sức khoẻ và tinh thần của các khóa sinh. Vì sau khi chống tay hít cây Bã Đậu, lòng bàn tay người khóa sinh đã bị rướm máu.


Đại đội 36 có ba sĩ quan cán bộ, tiêu biểu cho ba cung cách sinh hoạt khác nhau. Đại đội trưởng là Đại úy Nguyễn Hổ, nước da bánh mật, tuổi trung niên, cư xử và ăn nói rất điềm đạm với các tân khóa sinh. Ông đặc trách những giờ huấn luyện cơ bản thao diễn, ông chỉ họp đại đội khi cần và ra lệnh như một người anh dặn đò khuyên bảo, chỉ dẫn và giúp đỡ các em trong nhà. Trong các lần tập họp đại đội hay trong các buổi học tập cơ bản thao diễn, ông thường nhắc nhở anh em đừng vi phạm quân kỷ trong doanh trại nhất là trên các bãi tập tác xạ, an toàn tuyệt đối trên thềm bắn, ông nói: “ các anh quay bia tác xạ thì quay từ từ, còn anh em bắn thì hãy bình tĩnh, hít, nín thở, nhắm từ lỗ chiếu môn đến đỉnh đầu đầu ruồi rồi mới bóp cò. Cán bộ sân tập cũng như cán bộ đại đội không muốn các anh bị rớt vì tác xạ”... Hai cán bộ còn lại thì trẻ hơn, Thiếu úy Nguyễn Ẩn với đôi kiếng cận thị, dáng người tầm thước, nét mặt nghiêm và buồn, đi đứng chậm rãi, nói ngắn gọn, trên túi ngực ông có huy hiệu của bằng dù và rừng núi sình lầy. Thiếu úy Ẩn xuống đại đội bất thường, ông thường lấy một vài khẩu từ “ Giá súng “ của tân khóa sinh để kiểm soát súng đã lau chùi cũng như nòng súng sạch hay dơ. Vừa đi bãi tập được hai tuần, chiều tối thứ ba, Thiếu úy Ẩn xuống đại đội sau khi anh em vừa từ nhà bàn về. Ông tới giá súng nhấc một cây lên, kéo cơ bẩm, bóp cò và lập lại ba lần, rồi để miếng giấy trắng nhỏ vào buồng đạn, mắt nhắm thẳng vào đầu nòng súng và lắc đầu. Nhìn danh số trên báng súng, đeo cây súng trên vai rồi ông kêu đại đội tập họp. Với giọng nói đanh thép, ngắn gọn, Thiếu úy Ẩn cảnh cáo toàn đại đội về tính lười biếng khi không bảo toàn quân trang quân dụng đúng mức, nòng súng dơ làm kẹt đạn, trở ngại tác xạ và có thể làm bể nòng súng. Ông nhắc lại nhiều lần về quân phong quân kỷ rồi ra lệnh tan hàng, và không quên phạt hai đêm dã chiến anh Việt – người bạn cùng đại đội và thuộc trung đội 2. Vài anh đã nghe chuyện về Thiếu úy Ẩn ở đâu đó, nói: “ Ổng là dân tác chiến, bị thương, mới về trung tâm, khó tính, hay phạt dã chiến lắm”.


Sau buổi chiều ngày Thiếu úy Ẩn khám súng, Đại úy Hổ biết tin anh Việt bị hai đêm dã chiến, đã xuống tập họp đại đội và ra lệnh cho đại đội phải thực hành tốt những điều các cán bộ đã truyền đạt trong các sinh hoạt. Trước khi ra lệnh tan hàng, ông cũng ra lệnh cho trung đội 2 phải cắt cử vài ba anh trợ giúp anh Việt thay đổi các trang bị cho nhanh và cho đúng qui định khi thi hành lệnh phạt của Thiếu úy Ẩn.


Từ văn phòng đại đội trở về sau khi trình diện để thi hành hai đêm dã chiến. Việt nói cho mấy anh em biết hình phạt để tiếp tay với Việt: “Năm phút, một tai ướt một tai khô, giày vải, balô đeo vai với quân trang cá nhân, nón sắt hai lớp có lưới ngụy trang và súng cầm tay ”. Rồi, từ dãy nhà năm gian, phòng ngủ, cả đội nghe được tiếng chân Việt chạy trên con đường vòng quanh tiểu đoàn, vừa chạy vừa la như hét to và lập đi lập lại một điệp khúc:“ Từ nay tôi không bê bối nữa, từ nay tôi không bê bối nữa...”. Có những lúc hình như Việt mệt qúa qụy xuống nên tiếng la đứt quãng, có những lúc nghe không rõ âm thanh của tiếng hô, tiếng la của câu: Từ nay tôi không bê bối nữa, từ nay tôi không bê bối nữa – anh em trong đội kháo nhau “ nó đang la từ nay không ăn cá mối nữa, từ nay không ân cá mối nữa... “. Hai đêm dã chiến với đủ hình thức phạt: lúc thì mắt ướt mắt khô, chân trái giày bốt, chân phải giày vải không vớ, áo thung quần dài...Có chứng kiến hình phạt dã chiến mới biết các món “ ăn chơi “ khó tiêu này được thay đổi như thực đơn nhà hàng mỗi khi cần, làm bọn khoá sinh chúng tôi e ngại mỗi khi Thiếu úy Ẩn ra lệnh tập họp bất thường. Khác với các quân trường huấn luyện sĩ quan, Trung tâm huấn luyện Quang Trung không có chế độ huynh trưởng, niên trưởng, khóa đàn anh, đàn em. Nên chỉ có những hình phạt từ các cán bộ đối với khóa sinh hay tân binh mà thôi.


Cấp bậc nhỏ nhất trong ba sĩ quan cán bộ đại đội 36 là chuẩn úy Lê Văn Túc, anh em nghe đồn ông là cháu Thống tướng Lê Văn Tỵ. Mỗi khi xuống đội, ông đi tới đi lui hỏi đôi ba điều, rồi đi. Người sĩ quan áng chừng tuổi đời ngoài hai mươi, điển trai, quân phục láng cóng, có anh hỏi ông sao hôm nay diện đẹp thế, ông nói nói cười cười với các khóa sinh như đã biết nhau từ lâu: “ đi le ghế “. Có lẽ ông còn qúa trẻ, lại vui tính, nên không để ý nhiều đến những khuyết điểm của bọn khóa sinh chúng tôi như Thiếu úy Ẩn.


Vào thập niên sáu tám, sau Tổng công kich tết Mậu Thân, an ninh sân bắn đã được tăng cường và những buổi huấn luyện trong đêm tối giảm bớt. Nhiều lớp huấn luyện đêm tối được tổ chức trong vòng đai trung tâm. Các tân khóa sinh chúng tôi không phải tham gia phòng thủ vòng đai như khi thụ huấn ở trường Bộ Binh Thủ Đức sau này. Từ ngày có các tân khoá sinh thụ huấn, với tài năng văn nghệ của nhiều khóa sinh, các Văn Khang đã được hình thành ở hai tiểu đoàn khóa sinh Đinh Tiên Hoàng và Nguyễn Huệ, với cảnh trí thiết kế thật mỹ thuật như các phòng trà ca nhạc, cùng với tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng kèn, hòa với lời ca những bản tình ca lính chiến của các tân khóa sinh.


Thời gian qua mau khi ngày ngày thao trường đổ mồ hôi, tối về sinh hoạt rồi chìm vào giấc ngủ say. Đời sống quân trường đã thấm nhập vào mỗi người, quen thuộc với nắng gió, gian lao, dù lời ca bản nhạc chính thức của đại đội khi di hành là bài Ra Biên Cương có những đoạn làm nhiều anh một đôi khi lo ra và nghĩ ngợi:


Ra biên cương ra biên cương
Khói hôn hoàng xuống men rừng
Qua con sông khuất nẻo ngàn thương
......
Đời gai chông, xin thề lưu luyến
Biên ải xin hiến thân
Thấm thoắt đã bao lần
Bao người đi đền nợ máu xương....
Người đi không về
Chắc rằng có người nhớ
Hương khói chiêu hồn
Hiu hắt những chiều trận vong....Người đi không về, chắc rằng có người nhớ......chắc rằng có người nhớ
........


Sau tuần lễ thi tác xạ trên thềm bắn, Đại úy đại đội trưởng Nguyễn Hổ đã nói chuyện bên lề với anh em trước khi tập họp đội để lên sân cờ liên đoàn nghe Chuẩn Tướng Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm nói chuyện - ông mừng cho anh em khi biết tin trong đại đội không có ai rớt tác xạ. Nghe Đại úy đại đội trưởng nói như vậy, chúng tôi đã nghĩ đến đến tin đồn mấy ngày trước đây là sắp mãn khóa rồi. Đúng bảy giờ tối, trên sân cờ liên đoàn, đơn vị chào kính và các đơn vị thuộc liên đoàn khoá sinh đã vào vị trí. Tiếng hô Nghiêm, bắt súng chào vang lên trên sân cờ, và tiếng vị chỉ huy liên đoàn chào mừng Chuẩn Tướng Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm cũng như trình diện các đơn vị tân khóa sinh mãn khóa. Chuẩn Tướng Chỉ Huy Trưởng Lê Ngọc Triển ra lệnh Liên đoàn cho các đơn vị ngồi xuống. Tiếng vị chỉ huy trưởng vang lên trong bầu không khí trang nghiêm, tĩnh mịch – Ông nói về tình hình đất nước, về ý chí, trách nhiệm của người thanh niên trước vận mệnh đất nước với những lời nhắn nhủ trước khi giao quyền chỉ huy lại cho liên đoàn và ra về. Vị chỉ huy liên đoàn khóa sinh ra lệnh cho đơn vị chào kính và toán quân quốc kỳ trở về đơn vị, trước khi nói chuyện với các khóa sinh về kỷ luật là sức mạnh của quân đội và khuyên các khóa sinh dù ở cương vị nào cũng cần “văn ôn võ luyện” để “bảo quốc an dân”. Tiếp theo là vị Trưởng khối quân huấn của Trung tâm bước lên diễn đàn – ông nói: “ Những anh em được gọi tên sẽ bước qua cánh trái của sân cờ “...... Một số anh đã lần lượt đứng lên và bước qua cánh trái, những anh em chưa được gọi tên, trong đó có tôi vừa lo ngại lẫn ngạc nhiên, vì không biết diễn tiến của lễ mãn khóa, sao lại ở tại hàng và sao lại đi qua cánh trái? Nhưng sau khi các chiếc GMC chở các anh có tên đã di chuyển. Những anh em còn tại hàng theo cán bộ đội trở về đại đội. Lúc đó, chúng tôi mới được thông báo là các anh em rớt tác xạ hay hạnh kiểm, sẽ tham dự khóa huấn luyện dành cho hạ sĩ quan và sau khi ra đơn vị được hai năm sẽ trở lại tham dự những khóa huấn luyện Sĩ quan Đặc biệt. Có lẽ Trung tâm Huấn luyện Quang Trung chỉ là nơi huấn luyện giai đoàn một của chương trình huấn luyện Sĩ quan trừ bị, nên không có những nghi lễ long trọng như các trường sĩ quan dành cho ngày ra trường. Ngày hôm sau, chúng tôi được các xe GMC chở đến trường Bộ binh Thủ Đức. Trên đường chuyển trại, anh em vẫn còn bàn tán, cảm thấy buồn khi nghĩ đến những anh em đã rơi rụng trong khóa.


Cho tới ngày tan đàn xẻ nghé, không mấy ai để ý đã có bao nhiêu khóa học giai đoạn một ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, trước khi trở thành những Sinh viên Sĩ quan tốt nghiệp tại Thủ Đức hay Đồng Đế. Nhưng, những kỷ niệm trong đời sống quân ngũ, hẳn nhiên như một dấu ấn khó phai mờ trong mỗi người thanh niên sống trong thời chiến – một thời quốc phá gia vong bởi tham vọng quyền lực và chủ thuyết ngoại lai không tưởng của đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ con đường Quang Trung nắng đổ dẫn đến các doanh trại của Trung Tâm, và từ các doanh trại đã có biết bao nhiêu những người trai nước Việt hy sinh hạnh phúc cá nhân, ngày đêm đổ mồ hôi trên thao trường, trau dồi và học hỏi chiến thuật chiến lược, để từ đây bước đi khắp bốn vùng chiến thuật, ngày đêm bảo vệ tự do hạnh phúc cho đồng bào, rồi đành thúc thủ trước các thế lực siêu cường trao đổi quyền lợi với nhau. Sau ngày nước mất nhà tan, lao động khổ sai trong các trại tù khắp ba miền đất nước – trong các trại tù trên núi rừng biên giới, biết bao nhiêu anh em đã bỏ mình trong các trại tù, trong đó có những bạn đồng tù với tôi – những anh em một thời đã đi qua con đường Quang Trung nắng đổ trước khi trở thành người Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa: Ngô Nghĩa ở Trảng Lớn, Nguyễn Hiểu, Trần Duy Hóa ở Đồng Pan Kà Tum, và Hồ Thanh Long, Mai Duy Hạnh ở trại Cây Cày A. Trong những lần ngồi một mình bên cạnh nồi khoai mì và búp măng luộc, có những lúc sực nhớ đến những cái chết oan khiên, tức tưởi cuả các bạn trên núi rừng biên giới, tôi chợt nhớ tới bài Ra biên cương và hát nho nhỏ như ru đời mình - bài hát đã thuộc nằm lòng trong những tháng ngày sống ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, trại Võ Tánh, đại đội 36, tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng – nơi có con đường Quang Trung nắng đổ năm nào.........


Ra biên cương ra biên cương
Khói hôn hoàng xuống men rừng
Qua con sông khuất nẻo ngàn thương
........

Đời gai chông, xin thề lưu luyến
Biên ải xin hiến thân
Thấm thoắt đã bao lần
Bao người đi đền nợ máu xương....
Người đi không về
Chắc rằng có người nhớ
Hương khói chiêu hồn
Hiu hắt những chiều trận vong....Người đi không về, chắc rằng có người nhớ........chắc rằng có người nhớ

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Đường Quang Trung Nắng Đổ)

Rate this item
(1 Vote)