Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Người Bạn Tù - Chu Kim Long

Posted by March 26, 2020 2840

* Như một nén hương nhớ về người cựu tù Bùi Xuân Tưởng và các bạn tù đã khuất
Chu Kim Long

Sau cơn bão lốc mùa Xuân năm 1975. Từ thành phố đến thôn làng – hàng triệu người yêu nước, yêu tự do, sống như những người bị lưu đầy ngay trên quê hương mình, bơ vơ, lạc lõng như người Do Thái đã bị phân tán trên khắp thế giới. Và như những người lữ hành đã mất sinh lộ, đang đi vào một khu rừng rậm không một lối thoát - trong số đó, có nhóm năm người là anh và cháu của Hoàng - người anh ruột, hai người anh họ và một người cháu họ. Giống như bao nhiêu người đồng cảnh ngộ, là những người tận cùng bằng số, không còn cách nào để lựa để chọn. Nên cả nhóm phải đến trường Don Bosco, Gò Vấp theo lệnh của đảng Cộng sản Việt Nam, dù biết rằng, khi bước chân qua cánh cổng là đi vào vùng tử địa, là giao trứng cho ác, và bị bủa vây trong vòng kim cô của một tập đoàn chủ trương lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện.

Sau khi cánh cổng các nhà tù đã đóng kín, gác trong chốt ngoài, những hàng rào kẽm gai dầy đặc mìn bẫy, với những khuôn mặt hằn lên vết căm thù và những lời nói ngạo mạn, thì những tờ khai lý lịch trích ngang trích dọc của ba đời đã bị bắt buộc khai đi khai lại nhiều lần: Từ năm 1945 là năm Việt Minh cướp chính quyền, rồi mạo danh là cuộc Cách mạng mùa Thu tới năm 1975 là năm đảng Cộng sản Việt Nam với những thỏa hiệp quyền lợi của các thế lực cường quyền Tư bản và Cộng sản, đã công khai xé nát các bản Hiệp định Genève 1954 và Paris 1973, ào ạt xua quân từ miền Bắc và mật khu nuốt trọn ba miền Bắc Trung Nam, mệnh danh là mùa Xuân đại thắng 1975, hoàn thành nghiã vụ giành độc lập và thống nhất đất nước!

Khi những trao đổi mua bán đã hoàn tất, cùng với sự cấu kết của đảng Cộng sản Việt Nam với các thế lực ngoại bang đầu đỏ, mắt xanh. Các thế lực quốc tế hào sảng tuyên bố “Hòa bình ở Việt Nam đã vãn hồi, cuộc chiến ở vùng Á châu Thái bình dương đã chấm dứt”, trao giải “Nobel Hòa bình” cho những người đánh tráo sự thật một cách chuyên nghiệp Lê Đức Thọ, Kissinger. Trung Cộng cùng Liên xô vỗ tay, nâng ly chúc mừng - không có kẻ thắng người bại! Thế giới ngoảnh mặt làm ngơ, chỉ có người dân Việt xót thương cho thân phận nhược tiểu của mình. Hậu qủa để được thống trị và mang danh Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là các vùng đất biên giới và các hải đảo đã thống thuộc Trung Cộng vào một vài năm sau. Và cũng từ đó, một thực tế phũ phàng khiến mọi người kinh hoàng là những trại tù mọc lên như nấm, dưới quyền sinh sát của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên dưới nửa người nửa ngợm
Đó đây ngơ ngác phận mình biết sao.

Cùng một chính sách, một chủ trương, một đường lối. Giống như các trại giam các quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa khác – sau vài tháng nhập trại, những người tù ở trại Trảng Lớn, Tây Ninh lần lượt bị liệt kê và phân tán đi các trại tù khắp ba miền đất nước. Người anh họ của Hoàng bị chuyển ra miền Bắc, còn lại bốn người thì theo đoàn tù lên Kà Tum Đồng Pan. Và từ đây, khoảng sáu tháng sau, người anh ruột Hoàng bị chuyển về Suối Máu, ông anh họ theo nhóm tù chuyển về Long Giao, còn lại Hoàng và người cháu vẫn bám sát bên nhau, hết ở Kà Tum Đồng Pan lại về Cây Cày A, Bàu Cỏ. Sau đó, Hoàng bị “biên chế” vào đội Cơ Động – đi và về như con thoi giữa hai trại tù Bàu Cỏ và Cây Cày B trong các thời vụ gieo trồng, khai quang, đốt rẫy, gặt hái, vác gỗ, đốn cây.

Từ trại tù Cây Cày B theo đội Cơ Động trở lại trại tù Bàu Cỏ sau những ngày tháng nắng cháy da người, bán mặt cho đất bán lưng cho trời để “tăng cường lao động” cho mùa thu hoạch ở trại tù Cây Cày B. Hoàng mới về lại tổ cũ sinh hoạt cũng như lao động được hơn một tuần, thì cuối tuần lại là ngày thăm nuôi của các tù nhân trại Bàu Cỏ. Thấy anh Tưởng ở tổ 3, cùng lán, cùng đội, đang mặc hai quần, ba áo sửa soạn đi ra khu thăm nuôi gặp bà xã, Hoàng ngạc nhiên đến gần anh Tưởng, nói nhỏ:

- Anh Tưởng, trời đất Tây Ninh này nắng cháy da người, mà anh mặc nhiều quần áo thế, nóng chết anh Tưởng à.

- Tôi mặc vậy để nhà tôi không thấy tôi gầy ốm qúa, để nhà tôi an tâm. Tội nghiệp qúa, hôm nay nhà tôi lại lên, bao lâu nay tôi vẫn bảo nhà tôi đừng lo lắng vất vả đi thăm nuôi, hay tiếp tế cho tôi, hãy để lo cho mẹ và hai con, ở đây tôi không thiếu gì đâu – anh Tưởng nói thật nhỏ nhẹ cho Hoàng vừa đủ nghe.

- Tội nghiệp nhà tôi lắm, cô ấy khổ vì tôi – anh Tưởng nói mà giọng nói lúc nhỏ, lúc muốn đứt quãng.

- Anh ra khu thăm nuôi, chị ngồi cạnh anh, chị ấy cũng biết anh mặc hai ba quần áo chứ ! Hoàng cũng nói giọng thật nhỏ.

- Không anh ạ, bao nhiêu năm nay, tôi và nhà tôi vẫn ngồi cách nhau cái bàn, tôi bảo nhà tôi đó là nội qui qui định, mình giữ kỹ may ra được tha về sớm. Nên nhà tôi không biết anh ạ – anh Tưởng trả lời Hoàng và nói tiếp với giọng nhỏ nhẹ để đủ cho hai người nói và nghe nhau thôi.

- Tội nghiệp nhà tôi lắm, anh Hoàng. Trước đây, mọi việc đều do tay tôi lo liệu hết, cô ấy chỉ biết đi dạy và săn sóc con cái thôi. Bây giờ một nách hai đứa con dại và mẹ già, lại còn đi và về giữa Xóm Mới và Bảo Lộc buôn bán trà Blao, xưa nay nhà tôi có biết buôn bán gì đâu. Tội nghiệp qúa. Anh chép miệng, thở dài, đầu cúi xuống, hai vai so lại và đi ra khu thăm nuôi ở ngoài cổng trại, ngay khu vực Ban chỉ huy trại tù.

Gia đình anh Tưởng và gia đình Hoàng cùng ở quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Tuy nhiên, hai người ở hai xứ đạo cách nhau khoảng một cây số, không quen biết nhau trước đây. Nhưng trong thời gian bị tù ở trại tù Cây Cày A, hai người lại ở cùng một đội, cùng tổ, nên mới quen biết nhau vài năm nay qua những câu chuyện buồn vui về gia đình trước và sau tháng tư năm bảy mươi lăm. Từ đó, Hoàng mới hay là chị Xứng - bà xã anh Thịnh ở cách nhà cha mẹ Hoàng khoảng mười căn là em gái anh Tưởng, và anh Tưởng tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, là giáo sư biệt phái trước năm 1975, dạy môn Anh Văn. Giống như những anh em tù khác, trại tù phát gì anh Tưởng ăn như vậy. Dù khoai mì chạy chỉ, Bo bo cứng như đá, gạo mốc, gạo sạn anh không bao giờ phàn nàn, anh rất hiền và ăn nói nhỏ nhẹ, anh tuân giữ nội qui, qui định của trại một cách nghiêm chỉnh, và không bao giờ có ý kiến khác ý với tổ trưởng, đội trưởng đội phó, anh sống như một người tu sĩ khiêm nhường và nhẫn nhục. Dưới sức ép của trại tù, của đội trưởng, đội phó, anh luôn luôn hoàn tất chỉ tiêu lao động mà tổ trưởng đã thông báo. Khi đi lao động ngoài rừng, ngoài rẫy, anh làm thật cần cù sốc vác, mồ hôi thấm loang lổ trên lưng cái áo lính cũ, đã vá trước vá sau bằng những miếng vải bao cát, cùng những giọt mồ hôi rỏ từ trán xuống mặt, người anh ngày một hốc hác, xanh xao. Nhưng không bao giờ anh hé môi than thở với bất cứ ai. Sau ngày thăm nuôi, gặp anh ở nhà bếp, thấy anh khuấy bột Bích Chi trong lon sữa bò lỏng như lon nước màu nâu nhạt, nên trên đường đi từ bếp về lại lán ngủ, Hoàng bước song song và ngang hàng với anh, rồi nói nhỏ:

- Anh Tưởng, anh làm vừa thôi, đâu biết ngày nào về, trước mặt nó anh làm, khi vắng nó anh tà tà thôi. Ăn uống như vậy mà anh làm qúa sức, làm sao chịu nổi.

-Không sao đâu anh Hoàng, tôi làm cũng đã quen rồi - anh Tưởng trả lời.

Cách xa hai người chừng vài ba chục bước chân, người thủ phó đang đi xuống hướng nhà bếp cùng với anh đội phó tù cải tạo. Thấy vậy, anh Tưởng đi về lán ngủ, còn Hoàng đi thẳng ra sân bóng chuyền chơi cho đến giờ họp tổ - với quan niệm bóng chuyền là một trong các môn thể thao vừa giải trí vừa giúp cơ thể người tù được khoẻ mạnh, có sức khoẻ dẻo dai để chịu đựng lâu dài, quên được những điều không đáng nhớ trong những ngày tháng tù đày vô định. Nên Hoàng tạo cho mình một thói quen - mỗi buổi chiều, sau khi đi lao động về, dù ngày đó ăn cơm, bobo hay củ mì Hoàng vẫn ra sân, Hoàng thường nói đùa với mấy bạn tù cùng ra sân: chơi hay không bằng hay chơi.

Mỗi buổi sáng, tổ trực thường chỉ định một người đi lãnh trước những cái cuốc, con dao, cái liềm – tùy theo ngày đó đi phát quang hay làm cỏ, trồng mì hoặc gặt lúa, để các anh em tù có sẵn dụng cụ đi lao động. Những buổi sáng tinh sương như vậy, bọn cán bộ hay vệ binh hoặc công an ngủ ở những lán kế cận nhà kho thường dậy sớm, mở kho chứa dụng cụ cho anh em tù lãnh để đi lao động. Sau đó trở về lán mở đài VOA hay BBC nghe trong lúc uống trà, hút thuốc lào và nói chuyện trên trời dưới đất với nhau. Do đó, lợi dụng thời gian chọn cuốc xẻng, dao hay liềm, anh em tù thường nghe lén được những tin tức quốc tế quốc nội, và biết được nền kinh tế bao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam đang suy thoái trầm trọng vào cuối thập niên bẩy chín, tám mươi, cũng như những tin liên quan đến nhân quyền và áp lực của các quốc gia mà đảng Cộng Sản Việt Nam đang muốn trao đổi, hợp tác, để cứu vãn nền kinh tế. Do đó, anh em tù đã ước đoán có thể sẽ có những đợt thả tù để trao đổi quyền lợi.

“ Năm trăm thằng tù lười “ – là câu nói miệt thị của Năm Quân, thủ trưởng trại tù Cây Cày A, thuộc tỉnh đội Tây Ninh năm 1978, khi tập trung anh em tù lên hội trường nghe Ban chỉ huy trại nói chuyện. Câu nói với giọng đểu cáng, nhưng tất cả anh em tù lại hãnh diện khi bị dán cho cái nhãn hiệu thằng tù lười. Là một trong “Năm trăm thằng tù lười”, nhưng Hoàng và một số anh em khác lại có tên trong sổ đen của các đội trưởng, đội phó. Nên sau ngày Tỉnh đội Tây Ninh bàn giao năm trăm người tù cho Công an Tây Ninh quản lý, thì ngoài công việc lao động và sinh hoạt ở tổ 2 đội 4 của đội trưởng VHH, Hoàng còn là một tổ viên trong đội Cơ Động – một đội đặc biệt, gồm những “thằng lười lại hay phát ngôn bừa bãi“ của các đội ở trại Bàu Cỏ. Đây là đội lao động khổ sai chạy đi chạy về, lao động giữa hai trại tù Bàu Cỏ và Cây Cày B - cả hai trại đều do công an Tây Ninh quản lý. Những ngày tháng đội Cơ Động không tăng cường cho trại Cây Cày B thì Hoàng và tất cả các tổ viên của đội Cơ Động lại trở về sinh hoạt và lao động với các tổ, các đội của trại tù Bàu Cỏ như một tổ viên bình thường.

Có lẽ vì tham công tiếc việc, với các cánh rừng mênh mông vùng biên giới là những mỏ vàng, núi tiền, càng khai phá càng mang về lợi lộc cho bản thân và phe nhóm, lại có quyền xử dụng công sức người tù vô hạn định. Nên ngoài công sức lao động của những anh em tù “phản động” và tù hình sự – những anh em tù thuộc diện quân dân cán chính là một kho tàng nhân lực mà các phe nhóm cường quyền ở trại Cây Cày B thi nhau khai thác. Do đó, từ đầu năm 1980, đội Cơ Động Bàu Cỏ được lệnh lên đường “tăng cường lao động” cho trại tù Cây Cày B, và đã hơn sáu tháng mà không thấy trả về trại tù Bàu Cỏ như các lần trước. Anh đội trưởng Bùi Đạt Vĩnh đã cười cười nói diễu “Chắc bọn mình ở đây muôn đời lục quân Việt Nam rồi”. Anh Bùi Đạt Vĩnh thường hay kể chuyện cho những anh em gốc Bộ binh nghe về các kỷ niệm trong các chuyến bay, cũng như cái tên Vĩnh méo, Vĩnh râu đã được anh em trong phi đoàn đặt cho anh sau khi phi cơ của anh bị rớt, anh bị thương nên miệng và cằm hơi bị méo. Cùng có tên trong sổ đen, nên từ anh đội trưởng Bùi Đạt Vĩnh, và đội phó Hoàng Gia Bảy mà anh em tù thường gọi là Cà rắc Bảy đến các tổ viên – tất cả đều thông cảm với nhau trong lao động cũng như sinh hoạt. Vì vậy, đi Cây Cày B, về lại Bàu Cỏ, hay ở lại “mút chỉ cà tha” không còn là vấn đề phải lưu tâm hay lo lắng đối với các anh em trong đội Cơ Động. Hoàng thường tâm niệm: Cứ coi như mình đang sống trong chế độ nội trú bắt buộc, trước mặt thì làm, sau lưng thì tà tà, không phàn nàn hay chống đối công khai, giữ sức cho những ngày tháng mai sau... Hoàng theo đội Cơ Động tăng cường cho trại Cây Cày B đã sáu bảy tháng, và cũng là thời gian Hoàng sống xa người cháu gọi Hoàng bằng cậu ở trại Bàu Cỏ, từ ngày đi tù. Đầu tuần, một vài anh em bên tù hình sự đi lãnh dụng cụ, khoe có người nhà đến thăm nuôi và được mấy bác tài xế cho biết mới có đợt thả tù ở Bàu Cỏ, nhưng không rõ là tù hình sự, phản động hay tù cải tạo. Nên không mấy ai quan tâm đến chuyện thả tù hay không.

Hai ba tuần sau ngày anh em nghe tin đồn trại Bàu Cỏ có đợt thả tù – cuối tuần, Hoàng được gọi tên, có người nhà thăm nuôi. Tới khu nhà thăm nuôi, gặp người em gái lên thăm nuôi bất thường, Hoàng mới biết là cha mẹ Hoàng đang lo lắng khi người cháu Bùi Quang Hùng và anh Bùi Xuân Tưởng ở trại tù Bàu Cỏ vừa được thả về. Gia đình Hoàng lo lắng vì người cháu và anh Tưởng đã đến nhà thăm hỏi sức khỏe cha mẹ Hoàng, nên gia đình biết tình trạng và đời sống lao tù nói chung và trường hợp cá biệt của Hoàng cũng như các anh em trong đội cơ động. Cô em gái đến thăm anh mà nét mặt buồn như nhà có tang, nước mắt đoanh tròng khi cô nói với Hoàng: “Mọi người đều nói, anh không có hy vọng được thả như mọi người. Thày mẹ bảo hỏi anh xem anh có muốn nhà mình kiếm cách nào không?". Nghe em gái nói, Hoàng cau mày, nói nhỏ cho em gái nghe: "Không, không làm gì cả".

- Thế anh định ở đây mãi sao? – cô em gái hỏi Hoàng.

- Không, rồi anh sẽ về. Thỉnh thoảng anh vẫn nghe các tin trên đài, anh biết chúng sẽ phải thả các anh, kẻ trước người sau thôi. Em về nói với thày mẹ và cả nhà mình cứ an tâm, anh không sao đâu. Đã gần sáu năm, anh đã quen đời sống tù rồi. Bây giờ, anh đang như người bị ở nội trú, có mặt nó anh làm, còn không thì anh dưỡng sức, anh không chống đối ra mặt, nó không thế đánh hay giết anh được. Trước sau anh cũng sẽ về. Em cũng đừng qúa lo, rồi làm cả nhà buồn phiền lo sợ – Hoàng nói một hơi dài để an ủi, trấn an cô em gái, và giọng nói của hai anh em chỉ đủ cho hai người nghe, dưới một gốc cây trong khu nhà thăm nuôi.

Cô em gái và gia đình cũng biết tâm tính Hoàng rất bộc trực. Nên trước khi hết giờ thăm nuôi, cô em chỉ khuyên anh trai đừng qúa chủ quan, khinh suất. Và hứa sẽ an ủi cũng như sẽ kể lại chi tiết, đầu đuôi, để thày mẹ Hoàng không qúa lo lắng cũng như không cần tìm manh mối gì cả.

Đã hơn ba tháng từ ngày cô em gái lên thăm, Hoàng và các bạn tù trong đội cơ động vẫn an nhiên tự tại, sáng vác cuốc đi, chiều vác về, ngày tháng lao tù như khóm lục bình trôi – nước trôi đến đâu, lục bình trôi đến đó. Mấy tuần qua, đã có những tiếng hát vang vọng từ khu hình sự qua khu cải tạo. Trên đường dẫn tù ra khu vực trồng bắp, trồng mì, mấy anh công an canh gác tù đã nói chuyện qua lại về các đội hình sự tập văn nghệ mừng ngày quốc khánh. Còn bên khu tù cải tạo có thể chỉ “lên lớp” để học tập về ý nghĩa của ngày 2 tháng 9 mà thôi.

Tiếng kẻng vang lên trên tháp canh gác, báo giờ lãnh dụng cụ và tập họp của mỗi đội ở khu vực hội trường, trước khi đi lao động buổi sáng. Cả đoàn người túa ra từ các dãy nhà đến cửa hội trường như ong vỡ tổ, người nào ở đội nào thì đến chỗ anh tổ trực của đội lãnh dụng cụ. Hoàng và các bạn tù cùng đội đã vác cây cuốc trên vai, đợi đội trưởng Vĩnh méo và đội phó Carắc Bảy cùng anh đội (công an gác tù) để lên đường. Mấy đội tù hình sự và tù “phản động” đang bắt đầu đi ra cổng trước khuôn viên hội trường, để đến các nông trường. Bỗng nhiên có tiếng loa cầm tay vang lên từ tay một cán bộ: “Tất cả im lặng, nghe đây, nghe đây. Các đội tù cải tạo bỏ dụng cụ ở sân, vào hội trường chờ lệnh. Còn các đội khác theo các anh đội của đội mình tiếp tục đi lao động”.

Lệnh tập họp bất thường vào buổi sáng, trước giờ đi lao động, khiến nhiều người hoang mang. Trong đoàn tù, có tiếng người xì sầm nói có thể chuyển trại, có người hy vọng sẽ thả tù nhân ngày 02 tháng 09, có người bi quan lại nghĩ bị “lên lớp vì tiêu cực trong lao động”. Tiếng loa yêu cầu tất cả im lặng khi vài ba viên quản giáo và viên cán bộ trại bước vào hội trường. Cũng giống như các cán bộ khác, viên cán bộ thuộc Ban Chỉ Huy trại Cây Cày B nói vài ba câu về chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước, rồi thông báo lệnh trả tự do và đọc tên các người được thả nhân dịp lễ quốc khánh... Cuối cùng ông nói : “Hôm nay, trại sẽ mời các anh bữa cơm trưa với cá kho, và sau đó có xe chở các anh về bến xe thị xã, còn anh nào muốn đi xe hàng thì tùy ý... Những anh chưa được gọi tên kỳ này tiếp tục đi lao động, hy vọng sẽ có tên vào kỳ tới”.

Những người tù vỗ tay sau những tiếng ồ, tỏ vẻ vui mừng. Những tiếng reo vui khi nghe đến tên và bước lên nhận tờ giấy ra trại từ tay viên cán bộ. Khi nghe đọc đến tên mình, Hoàng như còn bán tín bán nghi, quay qua hỏi người bạn tù bên cạnh: Có tên tôi hả – ừ, lên lấy đi....

Người vui, người buồn nói lời chia tay. Hoàng chạy vội về lán, bỏ lại tất cả đồ cá nhân cho các anh em còn ở lại, mặc nguyên bộ đồ lao động loang lổ vết mồ hôi muối, cầm cái đàn guitar số tám mà Hoàng bắt chước anh em làm khi còn ở trại tù Cây Cày A, đem về làm kỷ niệm, rồi theo anh em rảo bước thật nhanh đi ra khỏi cổng trại, ngay khi nghe anh em nói “đi lẹ lên, ăn với uống làm gì, lỡ nó đổi ý thì đời tàn không trăng sao”.

Rời trại tù miền biên giới lúc 7 giờ sáng, sau nhiều lần đổi từ xe Honda ôm sang xe Lam ba bánh và xe đò mà đôi lần các bác tài không lấy tiền xe. Hoàng về đến ngã tư Bảy Hiền, Phú Nhuận lúc 8 giờ tối.

Hơn một tuần sau ngày Hoàng về tới nhà, anh Tưởng đạp xe tới thăm, tay bắt mặt mừng – anh Tưởng vừa nói vừa cười mỉm: Tôi vẫn nghĩ, chắc họ không cho anh về. Tạ ơn Chúa, thật mừng cho anh. Anh về cũng chỉ sau bọn tôi hơn ba tháng. Thôi, thế là may rồi.

- Trước sau nó cũng thả hết, họ đang trao đổi mà. Chứ nó có thương hại gì bọn mình. Bây giờ đời sống anh ra sao? Chị vẫn đi buôn trà à? – Hoàng nói, rồi hỏi thăm anh Tưởng.

- Được thả trước các anh mấy tháng, ra khỏi cổng trại tù thì cũng mừng. Nhưng về đến nhà thì buồn qúa, nhà tôi chẳng còn gì anh ạ. Chỉ còn cái xác nhà thôi, nhà tôi bị thiên hạ lường gạt, buôn bán lại thua lỗ. Nên khi về, thấy vậy tôi đã bảo nhà tôi nghỉ buôn bán, để thời giờ lo cho con cái, mọi việc để tôi lo liệu. Tôi cũng đã xin lỗi mẹ tôi, vì tôi phải đi tù nên cụ và gia đình tôi phải ra nông nỗi này. Nhà tôi thì xưa nay đâu biết làm ăn gì, tôi đã khuyên nhủ và bảo nhà tôi hãy quên đi những bất hạnh đã gặp. Tôi tha thứ hết, vì tôi phải đi tù nên gia đình tôi phải khổ... lỗi tại tôi cả anh ạ – anh Tưởng nói thật nhỏ, giọng thật trầm buồn với nét mặt đăm chiêu, khắc khổ.

- Lỗi cái quái gì mà anh lại bảo tại anh. Thế mấy tháng nay, anh làm gì để sống? – Hoàng hỏi.

- Anh còn độc thân, nên có gì chăng nữa cũng đỡ lo. Còn tôi... anh Tưởng nói rồi ngưng vì xúc động, rồi lại nói tiếp: Tôi đang làm ba bốn công việc mỗi ngày.

- Một việc không đủ sống à? – Hoàng hỏi.

- Tôi dạy kèm Anh Văn cho một vài gia đình tương đối sung túc đang chờ ngày đi đoàn tụ, sửa đồng hồ, vá vỏ, sửa xe đạp và hớt tóc – anh Tưởng trả lời.

- Bận rộn như vậy mà anh còn tới thăm Hoàng. Cám ơn anh – Hoàng nói.

- Ơn nghĩa gì, anh được về ai cũng mừng. Mà tôi cũng chẳng bận gì đâu. Dạy kèm Anh văn thì chỉ có mấy gia đình và cũng chỉ có mười mấy giờ một tuần, sửa xe, vá vỏ thì khi có khi không, sửa đồng thì đôi khi chỉ có mấy người bộ đội thôi, kèo cừ bớt tới bớt lui, coi như sửa dùm vậy. Còn hớt tóc cũng thưa thớt lắm. Đầu bù tóc rối, sống lam lũ kiếm miếng ăn, thời buổi này đâu ai còn nghĩ đến tóc tai ngắn dài, đẹp xấu. Có những ngày vắng khách, thấy mấy em lối xóm tóc dài qúa tai, tôi hớt giúp cho, không lấy tiền thì đông khách lắm. Tội nghiệp! Nhưng thôi, mình làm được việc gì giúp ai thì cũng tốt thôi. Tôi chi cầu xin cho đủ miếng ăn để nuôi mẹ già và vợ con là tốt rồi. Đời mình đâu còn gì nữa, mà mơ ước – anh Tưởng nói với giọng trầm buồn, đôi mắt sâu trên khuôn mặt hốc hác, như muốn gởi trao tâm tư u uẩn của anh cho Hoàng.

Nâng tách trà lên, nhấp một ngụm như để làm trôi đi những buồn phiền. Anh để nhẹ tách nước vào khay, rồi đứng lên bắt tay Hoàng.

- Gần đến giờ tôi phải đến mấy nhà để dạy kèm Anh văn. Nghe tin anh về, tôi đến thăm hai bác và anh. Anh còn khoẻ là mừng. Thôi tôi về, mai mốt rảnh rỗi tôi sẽ đến thăm anh – anh Tưởng nói trong lúc còn đang nắm tay Hoàng.

Từ khi được tha về, tương kế tựu kế để công an khu vực không để ý, khi thấy Hoàng hăng say lao động, mải mê ngày đêm dán keo, quay chỉ gai bố làm vỏ xe. Để vài ba tháng sau, qua trung gian của bà bạn mẹ, Hoàng xuống Rạch Giá vượt biên, và đến lần thứ ba thì Hoàng đã vượt thoát được qua Thái Lan. Từ đó, Hoàng mất liên lạc với người bạn tù Bùi Xuân Tưởng.

Trong một tiệc cưới tại thành phố San Jose, vô tình Hoàng gặp vợ chồng người cháu gái gọi anh Tưởng là cậu ruột – người cháu gái mà anh thường nói đùa với tổ trưởng Trần Văn Lợi khi còn ở trại tù Cây Cày A: “Cháu gái tôi xinh lắm, khi nào được về, tôi sẽ giới thiệu và gả cháu gái tôi cho Lợi...”. Nhưng một thời gian sau, trong đợt chuyển trại, Lợi bị chuyển từ trại tù Cây Cày A về trại tù Cây Cày B, còn anh Tưởng về trại tù Bàu Cỏ, nên hai người không còn sống và tìm quên ngày tháng qua những mẩu chuyện buồn vui bên nhau nữa, Hoàng không còn nghe được tiếng cười dòn của Trần Văn Lợi lẫn trong tiếng gọi “Cậu Tưởng... cậu Tưởng...”. Gặp vợ chồng cô cháu gái anh Tưởng tham dự tiệc cưới, Hoàng mới biết anh đã đem được vợ con qua Hoa Kỳ theo diện HO, định cư tại miền Nam California, qua sự giúp đỡ tiền bạc của người em ruột ở Hoa Kỳ. Nhưng, không bao lâu sau, khi anh vừa ổn định được nơi ăn chốn ở cho gia đình, thì anh đã vĩnh viễn giã biệt vợ con sau một cơn bạo bệnh.

Các bản tình ca hòa với nhạc điệu ca ngợi và chúc mừng tình yêu từ trên sân khấu, dìu dặt, trầm bổng qua hệ thống âm thanh và ánh sáng huyền ảo, đang đưa khách tham dự tiệc cưới ra sàn nhảy qua các nhịp điệu luân vũ. Mọi người như đắm chìm trong hạnh phúc lứa đôi, riêng bàn tiệc góc cuối của nhà hàng chỉ còn vợ chồng người cháu gái anh Tưởng và Hoàng, họ đang kể cho nhau nghe và nhớ về người tù hiền lương, một trong những người tù luôn luôn mang nặng tình yêu thương dành cho mẹ già, vợ và con thơ – một người tù đã hy sinh những nhu cầu thăm nuôi cá nhân trong những tháng năm đang sống đói khổ, bên những cái chết cận kề của cuộc đời khổ sai trong lao tù, để người vợ có thể sống còn nuôi nấng mẹ già, và hai đứa con thơ. Một người tù hiếu nghĩa vẹn toàn và tràn đầy lòng khoan dung, độ lượng.

Tiệc cưới được diễn tiến thật vui tươi, hiện rõ nét trên khuôn mặt và trang phục mỗi khách mời tham dự. Nhưng trong câu chuyện hàn huyên, Hoàng và vợ chồng người cháu gái anh Tưởng lại cảm thấy chạnh lòng xót xa, khi nhắc nhớ đến những người tù thân quen năm xưa. Và cả hai gia đình đã rời tiệc cưới ra về sớm hơn thường lệ.

Rời nhà hàng cùng với gia đình người cháu gái anh Tưởng khi tiệc cưới còn đang vui nhộn trong tiết mục dạ vũ. Hoàng im lặng bước đi và hình dung ra nét mặt đăm chiêu, khắc khổ nhưng đầy nghị lực của người bạn tù năm xưa. Hoàng và vợ chồng người cháu gái anh Tưởng bước đi bên nhau ra bãi đậu xe, khi bắt tay vợ chồng người cháu gái của người bạn tù để ra về, Hoàng nói với vợ chồng người cháu gái anh Tưởng: Các em hãy hãnh diện đã có một người cậu có tâm hồn cao thượng, một người đã vượt lên bản ngã vị kỷ để hy sinh, sống và chết cho người mình yêu. Thôi chúng ta về, có dịp gặp lại sau, chúc tất cả một đêm an lành.

Hai chiếc xe từ từ rời bãi đậu xe rồi khuất dạng trong xa lộ 880, bỏ lại những bản luân cũ và khách mộ điệu đang dìu nhau trên sàn nhảy trong đêm mừng hạnh phúc tân hôn. Nhưng trong tâm trí Hoàng vẫn đang phảng phất một câu chuyện buồn, và xót xa về một người bạn tù năm xưa đã vĩnh viễn ra đi.
 
Rate this item
(0 votes)