Không Quân Việt Nam Cộng Hòa
Từ căn nhà nằm gần cuối đường, bên kia dãy phố, khu vực có đa số người Á châu sinh sống - lời ca của những bản nhạc chuyên chở tình hoài hương theo làn gió nhẹ như những lời tâm sự mỗi buổi chiều, làm khắc khoải lòng người. Có lẽ, sau tám tiếng làm việc trong hãng xưởng nào đó - người công nhân Mỹ gốc Việt chiều nay đã về tới nhà của ông – chắc hẳn ông đang ngồi nghỉ mệt và nghe nhạc để thư giãn tâm trí hay đang mang những nỗi niềm riêng tư của một người viễn xứ?
Lời ca của một liên khúc chiều nay như những lời oán than, thương tiếc cho số phận nghiệt ngã của dân tộc trước nạn ngoại xâm, khiến tâm tư tôi xao xuyến, làm tôi liên tưởng tới những khổ đau, tù tội và những cái chết tức tưởi không phải của chỉ xảy ra bởi nạn ngoại xâm, mà do chính những người mang cùng một giòng máu, cùng một cội nguồn.
“....người lầm than đói khổ nghèo nàn, kẻ quyền uy giàu sang dối gian - giờ đây Việt Nam còn hay mất, mà giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta - Hoàng Trường Sa, bao người dân vô tội, chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu....”
“.....Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này.....rồi nằm xuống không có ai, không có ai từng ngày, không có ai đời đời....tiễn đưa nhau trong một ngày buồn, đất ôm anh đưa vào cội nguồn.....ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi...”
Đồng Ban, Cà Tum, Cây Cày - vùng đất khô cằn với những căn cứ địa nằm sâu trong những khu rừng già giữa hai miền biên giới Việt Nam và Cămpuchia, tỉnh Tây Ninh, nơi ẩn náu của những cán binh Việt Cộng trước khi công đồn đả viện, và là hành lang tháo chạy qua Cămpuchia với những tàn quân - trước năm 1975. Những trại tù nằm cạnh những trảng tranh bao la, xen kẽ những cánh rừng rậm với muỗi và vắt, cùng những bụi tre già chạy dọc theo các con suối nhỏ với những hố bom của phi cơ B52, lớn như những cái ao ở các làng quê miền Bắc, trong đó có làng Phượng giáo thuộc tỉnh Bắc Ninh, nguyên quán của tôi trước năm 1954.
Dọc theo biên giới là những khu rừng thiêng nước độc, nơi giam giữ những cựu sĩ quan thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Khu vực này đã thắm đẵm mồ hôi và có những nấm mộ được chôn cất sơ sài của những tù nhân một cách vội vã, nằm cạnh bìa rừng hoang vu trong những đêm khuya. Năm 1989 khu rừng già thưa dân này được sát nhập vào huyện Tân Châu. Cũng như huyện Tân Biên, cả hai huyện cùng tiếp giáp với biên giới Campuchia, vùng đất khô cằn với những trảng Tranh, hố bom, rừng rậm, nắng cháy da người. Đây là vùng xôi đậu trước năm 1975, dân cư đa số sống nghèo khổ bằng cách phát quang những bìa rừng, đốt rẫy trồng lúa, trồng khoai mì cũng như đậu phụng, đậu xanh. Những con đường đất gồ ghề bụi mù khi trời nắng, lầy lội khi trời mưa – những tỉnh lộ nối liền huyện với tỉnh lỵ và chạy tới biên giới, quanh co, khúc khủy với những ổ gà và phân trâu bò vương vãi. Người dân nghèo khổ, an phận sống qua ngày dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam. Trên những con đường mòn từ các cánh rừng già dẫn về các khu dân cư, có những bé trai chừng tám chín tuổi, da đen sạm, đi chân đất đang vác một cây tre dài, hai đầu cây tre gần chạm mặt đất bước theo sau người cha đang vác hai ba cây được bó chặt bằng những sợi mây rừng và con dao quắm được nhét giữa thân các cây tre. Vì phải lao động cực nhọc từ thuở nhỏ, ăn uống kham khổ nên thân thể em còm cõi, đen đúa nhưng hằn lên một sức lực dẻo dai với nét mặt đăm chiêu, khắc khổ, nhìn già hơn tuổi đời của em. Đời sống của những người sống giáp biên giới, cạnh các khu rừng già lâu năm đã một phần nào giống các sắc dân thiểu số trên miền cao nguyên, đa số đi chân đất, da đen sạm với nét mặt già nua và tay chân thô nhám, nổi lên những đường gân xanh. Tất cả như những người bạn thân của rừng, đời sống như bám chặt vào các khu rừng. Dường như tỷ lệ tử xuất cao hơn sinh xuất. Nên những người trải qua những năm tháng gian khổ sống còn, hầu như quen thuộc với nắng gió và khí hậu, họ trở thành những người miễn nhiễm với những bịnh tật do thời tiết bất thường của các khu rừng già và những khắc nghiệt của thiên nhiên.
Những tháng ngày đi lao động trong những khu rừng tiếp giáp trại tù, đôi khi người tù đi ngang qua khu cư dân sinh sống trong các làng xóm nhỏ. Những người tù thường gặp người dân đi đốt rẫy, đi phát quang, hoặc từng nhóm các người lớn tuổi, đàn bà và các cô thôn nữ đi mót lúa, mót đậu. Thỉnh thoảng có những đội tù đi ngang qua các khu dân cư cạnh bìa rừng để phát quang, dọn rãy, chặt tre, làm cỏ hay gieo trồng, gặt hái trong các khu rừng bạt ngàn. Do đó, người dân quê sinh sống gần trại tù biên giới đã qúa quen thuộc với các người tù. Những người dân quê này thường nói chuyện qua lại với anh em tù, nhất là lúc các vệ binh canh gác tù gặt lúa, thu hoạch các loại đậu đang trốn nắng, ôm cây súng ngủ gật bên gốc cây. Ngày tháng qua lại, người dân vùng xôi đậu trước đây, nay đã hiểu người lính và thương người lính Cộng Hòa ngày xưa - người tù hôm nay. Có những ngày đi lao động hoặc đi vác gỗ, vác củi cuối tuần trên con đường đi ngang qua khu cư dân, người dân trong xóm biết những người tù đi vào rẫy, khi trở về sẽ lại đi ngang qua nhà, nên bà con lối xóm đã để những lu nước, những rổ khoai lang, khoai mì, những buồng chuối chín trước lề đường, trước cửa nhà, để anh em tù tự động lấy ăn và uống khi ngồi nghỉ bên con đường mòn dẫn về trại tù. Những người tù cảm động trước tình cảm đơn sơ được người dân quê dành cho, dù ngày tháng tù cứ tiếp tục trôi qua, không hẹn ngày về. Nhưng không bao giờ những người tù quên những lời cám ơn trước khi mấy anh cai tù ra lệnh lên đường.
Trên vùng đất rộng cạnh rừng già bao quanh trại tù Cây Cày A, cách trại tù vài ba cây số, các tổ tù đang cắt, đập lúa xạ giữa trưa hè nắng gắt. Lợi dụng lúc anh vệ binh đang ngủ gật dưới tàn cây, một vài người dân đi mót lúa đã bước vào khu vực những người tù đang cắt lúa, họ len lỏi và đi sát cạnh người tù hơn qui định mà vệ binh đã căn dặn những người mót lúa.
- Ủa, sao trên đài, họ nói thả hết rồi, chắc các ông cấp bậc lớn lắm ? Người đàn bà mót lúa hỏi
- Không, thiếu úy, trung úy thôi – một anh tù đáp lại.
- Mấy người bộ đội lâu nay vẫn nói các ông ác lắm.......mà bây giờ bọn tui thấy các ông đâu phải “như dậy”. Tội nghiệp, ngày xưa..... tiếng một thiếu phụ nói nửa chừng, thở dài, rồi lặng thinh.
- Thôi ráng nghe mấy anh, mấy ông. Nó đứng dậy rồi kìa – tiếng người thiếu nữ nói và nhìn về hướng anh vệ binh đang đứng và ngáp vặt.
- “Đội trưởng đội phó đâu? Xong chưa? Sửa soạn tập họp dìa. Hai giờ rưỡi rồi. Kêu mấy người mót lúa lui lại, cách xa ra” – tiếng anh đội (công an) nói lớn tiếng, giọng miệt vườn và còn ngái ngủ - rồi anh lại ngồi xuống gốc cây, gục đầu bên cây súng AK ngủ tiếp.
Đội Phó NKÁ đi tới các tổ, nói các tổ trưởng và tổ phó thúc giục anh em làm lẹ tay lên, xong sớm về sớm. Một số anh em trẻ, đập từng bó lúa nhanh và mạnh tay hơn, một số cắt vội những bông lúa trước mặt, đạp dưới chân và bỏ sót lại cho bà con mót lúa. Nhìn chung, tất cả mọi người tù như hăng say, im lặng cắt lúa, đập lúa nhanh nhẹn hơn, tay quơ cái liềm như người tích cực trong lao động, nhưng chân lại đạp lên lúa, và bỏ sót nhiều cây lúa. Bỏ sót và đạp lúa nằm rạp xuống cho bà con dân quê mót lúa đang đi phía sau - một trong các hình thức phản ứng tiêu cực của những người tù lao động khổ sai, và cũng để phụ giúp bà con nghèo vùng biên giới đi mót lúa, đáp trả tình thân thương đã dành cho người tù về tinh thần cũng như vật chất qua những rổ khoai, nải chuối, lu nước bên lề đường, khi thấy bóng dáng người tù đi trên con đường ngang qua nhà mình.
Từ năm 1978, bất đồng giữa Cộng Sản Việt Nam và Khờme đỏ – đàn em thân tín của Bắc Kinh đã lan rộng, ngày càng trầm trọng. Đội trưởng VHH đã lãnh những bộ quần áo tù xám và nón cối về phát lại cho anh em, tập họp phân công cho các tổ đào hố cá nhân chung quanh lán ngủ, và phổ biến lệnh khẩn cấp của Ban Chỉ Huy Trại : “ nếu có báo động, tất cả phải xuống hố cá nhân ngay “. Anh em tù đào hố cá nhân trong băn khoăn, lo ngại, và cầu mong cho trận chiến đừng xảy ra. Vì nếu xảy ra, không nhảy xuống hố cá nhân thì quân Khờme đỏ thấy nón cối chúng sẽ không tha, mà xuống hố cá nhân thì bọn Việt Cộng sẽ ném lựu đạn xuống và vu cáo cho Khờme đỏ giết tù cải tạo. Rất may, và có lẽ nội bộ quân Khờme đỏ cũng đang yếu thế và xâu xé lẫn nhau, nên những âm mưu, toan tính sắt máu đã không xảy ra.
Lao động khổ sai kéo dài theo năm tháng làm sức người tù ngày một cạn kiệt, chương trình thăm nuôi đã hủy bỏ từ ngày các trận chiến với Khờme đỏ lan rộng tới biên giới. Tháng ba năm 1978, lệnh từ quản giáo qua đội trưởng: Thứ Hai, lao động nửa ngày, tất cả các đội tập họp lên hội trường lớn cạnh Ban Chỉ Huy trại vào buổi chiều. Đây là một căn nhà năm gian gần Ban Chỉ Huy trại, mặt trước của hội trường treo tấm hình Hồ Chí Minh lớn, cao cỡ hai thước, mặt mũi hồng hào, khoác áo măngtô, đứng, một tay chỉ lên trời, một tay cầm quyển sách kinh điển Mác Lê – được thần tượng hóa, trông giống như một ông thánh.
Trong hội trường, bên phải, bên trái là những thân cây gỗ dài làm thành hàng ghế ngồi với lối đi rộng ở giữa. Từ cuối hội trường lên giáp với gian trên cùng có một cái bục dành cho thuyết trình viên, cách sắp xếp tương tự như các nguyện đường. Trên vách ván nhìn xuống hội trường, tấm hình bán thân Hồ Chí Minh màu hồng nhạt treo trên lá cờ đỏ sao vàng với vài ba mạng nhện phủ bên trên khung ảnh. Lá cờ đã bám bụi sau nhiều ngày không ai để ý chăm sóc, vì tất cả đều bận rộn với các chương trình thu họach nông sản phẩm đã và đang đem đến từ tay các người tù – cờ quạt, hình ảnh được treo như một hình thức trong các sinh hoạt của đảng, tựa như tấm bùa hô mệnh. Dọc hai bên tường, hai khẩu hiệu với hàng chữ thật lớn : Lấy bạo lực trấn áp bọn phản cách mạng - Hồ Chủ Tịch sống mãi trong sự nghiệp chúng ta. Những khẩu hiệu là những lời tuyên truyền bao hàm sự răn đe người tù.
Cũng như thường lệ, giống như những lần “ lên lớp “ trước đây của viên thủ trưởng, cán bộ quản giáo trực phiên báo cáo tập họp xong thì thủ trưởng Năm Quân bước ra giữa hội trường, và các cán bộ quản giáo trở về băng ghế dài, co chân lên, ngồi kiểu nước lụt, đầu gối qúa tai, có anh trên miệng còn ngậm cây tăm sỉa răng, có anh ngồi ngước đầu lên trời hai tay cầm cái điếu cày làm bằng ống tre, rít bi thuốc lào như đang ngồi chơi ở ngoài đầu đường xó chợ.
Viên thủ trưởng có nước da đen sạm, lùn, giọng nói không hẳn giọng miền Nam, miền Trung hay rặt miền Bắc, ngay cả lời nói cũng vậy – có lúc là những câu nói của thổ dân miền Bắc Trung Phần, có lúc là những câu nói của bà con miền Nam. Có lẽ ông đã đi theo các bộ đội tập kết ra miền Bắc năm 1954, lúc còn là giao liên ở lứa tuổi thiếu niên qua những làng thôn tiếp giáp giữa những miền núi rừng Bắc Trung Nam, rồi xâm nhập lại vào miền Nam sau này. Qua phong cách đối xử và ăn nói, có lẽ trình độ văn hóa của ông chưa qua hết bậc tiểu học. Và cũng giống như các lần trước, khi đứng nói chuyện trước các người tù, nét mặt ông thường tỏ vẻ khó chịu, với những lời nói châm biếm mỉa mai, giọng nói đôi khi gằn hắt, đe dọa, điệu bộ giống hệt như của các cán bộ khác mỗi khi đứng nói trước đám đông, khiến người nghe có cảm tưởng như tất cả đều được huấn luyện và thuộc lòng các bài bản đã được nghiên cứu từ Ban tuyên huấn của đảng Cộng Sản Việt Nam. Viên thủ trưởng đôi khi ngưng lại và đứng yên trong giây lát như cố nhớ đến những gì quên chưa nói, đưa mắt nhìn qua lại, hắng giọng với vẻ mặt làm nghiêm và lạnh lùng, nét mặt 500 người tù ngồi im lặng, thoáng trầm tư, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cả hội trường như bất động, viên thủ trưởng hắng giọng trước khi nói tiếp một cách bất cần về đạo đức và luân lý căn bản của một người có văn hóa. Sự tức giận làm cho ông nổi nóng, nói thao thao bất tận:
“ ........Các anh về trại cũng đã lâu, chính sách khoan hồng của cách mạng đã được các cán bộ quản giáo hướng dẫn qua học tập lên lớp và lao động. Nhưng các anh không tiếp thu những nhận thức mới, không bỏ những nhận thức cũ, không học tập lao động tốt, tụ năm tụ ba, ca cóng linh tinh, phát ngôn bừa bãi. Các anh có biết con ếch nó chết bởi cái miệng nó không? Nghe đài, đọc báo cách mạng, các anh cũng biết bọn Miên đang khuấy phá biên giới, nên lâu nay ngưng thăm nuôi. Lười lao động, nhưng các anh muốn được thăm nuôi. Các anh thắc mắc bao giờ cho thăm nuôi lại, các anh bảo các anh nhớ gia đình, cha mẹ, vợ con, cần thăm nuôi, trong khi lao động lại lười biếng, phá hoại sản xuất, chống phá cách mạng. Thế chúng tôi, bao nhiêu năm sống trong rừng, đi làm cách mạng, cũng có gia đình, có cần thăm nuôi không ? Có hiếu với cha mẹ à ? Các anh phải biết rằng : có hiếu là hiếu với đảng, ai nuôi ta, ai dạy ta khôn lớn – đảng – ai cho ta hạnh phúc ấm no – đảng, ai thống nhất đất nước – đảng. Chỉ có đảng, còn đảng mới còn cha mẹ, còn gia đình. Tôi nói thật với các anh, vì vấn đề luyến ái, ông bà ấy ăn ở với nhau sinh ra tôi, nhưng đảng, nhân dân nuôi và dạy tôi lên người. Nên tôi phải có hiếu với dân với đảng trước. Vậy, các anh phải nhớ là: phải nhớ ơn đảng. Tình cảm cá nhân, gia đình, cha mẹ, vợ con hãy cho nó vào tủ khóa chặt lại. Đó là những điều mà người làm cách mạng như chúng tôi đã làm. Các anh đang học tập cải tạo phải biết và phải nhớ như vậy, hiếu với nghĩa cái gì, hiếu à, nghĩa à. Các anh theo Mỹ Ngụy, đầy tội ác và nợ máu với nhân dân, đã được cách mạng khoan hồng lại không chịu học tập, không lao động tốt, lại phá họai sản xuất. Các anh là những thằng lười – 500 thằng lười. Ai bảo các anh xén những hoa chuối non vừa nhú ra, mất cả buồng chuối, con gái người ta mới mười sáu là các anh dớt rồi. Các anh ăn và sống theo kiểu đế quốc Mỹ, vô nhân đạo. Ai cho phép các anh tự chặt hoa chuối, chặt các buồng chuối, tại sao không để cho nó chín, ai cho các anh nhổ các gốc mì non....... Các anh là những thằng lười, năm trăm thằng tù lười.........”.
Những người tù ngồi im nghe như vịt nghe sấm, nét thản nhiên trên mỗi khuôn mặt. Trong đời người, ai cũng biết con ếch chết vì cái miệng, con ếch kêu nên người câu ếch mới biết vị trí con ếch để thả lưỡi câu mồi bắt ếch. Nhưng vì bị áp chế về mọi lãnh vực. Nên, đôi khi đầu óc người tù có những phản ứng bất thường như của một nồi áp suất, tự động xả bớt để trở về trạng thái bão hòa – những câu nói hai ba nghĩa trong lúc ăn trưa ngoài rừng, những câu chuyện tiếu lâm Đỏ khi người tù ngồi bên nhau, có thể sẽ trở thành những lời “ phát ngôn bừa bãi, chống phá cách mạng “ một cách vô tình. Và đôi khi những tên ăng ten, đội trưởng, tổ trưởng cũng thêm mắm thêm muối vào để báo cáo - hy vọng lập công để được thả về sớm. Nhưng những anh em này đã lầm lẫn lớn, vì trại tù chỉ là nơi giam giữ, còn thả sớm hay muộn là tùy theo chính sách của đảng và nó liên quan tới tình hình chính trị, kinh tế trong nước cũng như áp lực của thế giới về nhân quyền.
Những người tù nghe viên thủ trưởng nói vậy, biết vậy. Vì qua những năm tháng tù đày, mỗi người tù đều tự rèn luyện cho mình một độc chiêu: Mộc Nhĩ Công – lỗ tai cây. Nên không ai cảm thấy lo âu hay buồn phiền khi nghe những lời nói mạt sát, và lý luận tương tự như một loài cầm thú sống theo bản năng, mạnh được yếu thua.
Viên thủ trưởng nổi nóng vì một vài cái hoa chuối, buồng chuối đã bị cắt mất, và vài gốc mì non bị trổ gốc. Vì chung quanh lán ngủ của những người tù có trồng hàng trăm khóm chuối và do anh em tù vun trồng. Nhưng khi chuối vừa chín, các đội phải thu hoạch, giao lại cho cán bộ trại đem bán, và nếu người tù muốn ăn phải mua lại. Do đó, một số anh em tù yếu đau thường nhân dịp khai bịnh, chặt những hoa chuối hay buồng chuối để ăn thêm cho có chút rau trái, nhổ vài gốc mì non ăn thêm. Và đây cũng là một hình thức đối phó tiêu cực của người tù đang bị khống chế bởi bạo lực và súng đạn của trại tù.
Như một con Cắc Kè đổi màu, sau những lời dọa nạt đao to búa lớn, viên thủ trưởng đổi giọng, nói lời từ bi nhân nghĩa, khuyên các anh em tù chịu khó học tập tốt, chấp hành nội qui, qui định, để mau về với gia đình, sau đó ông ra lệnh cho các quản giáo hướng dẫn các đội tù ra về. Những người tù im lặng rời hội trường sau khi nghe những lý luận duy vật và những lời mạt sát rồi khuyên nhủ của viên thủ trưởng. Với những kinh nghiệm đắng cay đã trải qua trong các trại tù, năm trăm người tù trầm tĩnh, bước đi trở về lán ngủ với vẻ bình thản.
Đi hết đoạn đường từ hội trường trở về lán ngủ, và sau khi đoàn tù đã đi vào trong khu vực ngăn cách giữa tù nhân và vệ binh bởi chiếc cổng có hàng kẽm gai sắt, các vệ binh và quản giáo để đoàn tù tự động đi về lán ngủ.
Trên đường đi về lán ngủ, Long - tổ phó bước song đôi với tôi, hỏi nhỏ:
- Chú nghe thấm chưa?
- Thấm gì mà thấm. Có Mộc nhĩ công mà.
- Tình hình Việt Miên căng thẳng lắm. Có thể nó đục nước thả câu - đêm hôm, nào ai phân biệt được bộ đội Việt hay Miên ra tay sát thủ – Long nói nhỏ.
- Không sao đâu, đừng lo xa qúa – tôi nói thật nhỏ, trấn an Long. Nhưng thực ra tôi cũng không biết gì hơn Long, tôi nói cho qua chuyện mà thôi.
- Ngày mai tổ đi chặt trúc, chắc mình sẽ kiếm được ít măng trúc, măng trúc đỡ đắng hơn măng tre nhiều nghe chú – Long nói.
Tôi buột miệng ví von:
Từ ngày vật đổi sao dời.
Lên non ăn búp măng rừng thay cơm .
- Ừ, thay đổi cho dễ ăn – tôi nói.
- Ăn măng riết, chân tay, lưng ngực ê ẩm qúa. Cứ thế này sức đâu chịu nổi mãi đây hả chú – Long Đỏ nói.
- Trời sinh voi trời sinh cỏ. Lo gì mà lo. Đau nhức qúa thì khai bịnh. Một vài nải chuối hay hoa chuối đôi khi còn dễ kiếm hơn măng – Tôi làm tài khôn, nói với Long, rồi cả hai sánh bước cùng về lán ngủ.
Tôi và Hồ Thanh Long chỉ mới biết nhau khi sống chung trong tổ 4 đội 5 mà cán binh Cộng Sản gọi là A4C5 trong trại tù Cây Cày A. Hai chúng tôi mến và hiểu nhau có lẽ qua những buổi chiều đánh bóng chuyền với nhau, với những câu nói đùa vui trời phú cho hai đứa chúng tôi, những câu nói qua lại đôi khi trở thành những lời nói: “ phát ngôn bừa bãi, chống phá cách mạng “ lúc nào không hay. Long người Đà Lạt, nước da trắng, bảnh trai, dáng thư sinh, có lẽ lớn hơn tôi một hai tuổi, nên Long thường gọi tôi là chú - với nghĩa là chú em. Mỗi khi ra sân, Long cởi trần, vừa chuyền bóng qua lại được vài phút, mặt và người Long đỏ lên như màu hoa Đào Đà lạt. Nên anh em đặt cho Long cái tên cúng cơm Long Đỏ để đùa vui, và cũng để phân biệt với hai anh Long khác trong cùng đội. Anh chỉ cười mỗi khi anh em gọi anh là Long Đỏ thay vì gọi là Long.
Lợi và Long được quản giáo chỉ định làm tổ trưởng, tổ phó - cả hai tính nết hiền hòa, không ám hại ai. Những tháng vừa chuyển từ trại tù Đồng Ban về trại Cây Cày A, Long thường nằm một mình trên cái võng làm bằng vải bao bố, mắc ở đầu nhà, vẻ mặt buồn phiền, hay thở dài và kéo hết điếu thuốc vấn tay này qua điếu khác sau những giờ đi lao động cực nhọc về. Một vài anh em nghĩ rằng Long nhớ thương mẹ già và người yêu. Tôi mến tính của Lợi và Long, nên thường rủ hai người ra sân chơi bóng chuyền. Những ngày đầu ra sân, Long và Lợi chưa quen thuộc với kỹ thuật của bộ môn bóng chuyền. Nhưng qua những buổi chiều mỗi ngày, hai anh chơi khá hơn và ngày một say mê, nên chiều nào cũng ra sân và thách tôi đấu riêng với hai anh. Tôi thầm hy vọng sẽ giúp Long thay đổi được phần nào những buổi chiều trầm tư mặc tưởng bên các điếu thuốc. Vì tôi quan niệm suy nghĩ vẩn vơ sẽ biến thành trầm cảm, rồi sẽ chán đời. Tôi cảm thấy mừng vì những ngày tháng sau đó, tôi thấy Long vui sống hơn xưa và ít khi vắng mặt trong sân bóng chuyền sau những giờ lao động nhọc nhằn trong ngày. Có lẽ vì thế mà Long thường giãi bày tâm tư, nói đùa một cách kín đáo với tôi mỗi khi bị giao động nhất thời.
“Năm trăm thằng tù lười” sống với nhau, ngày qua ngày đi lao động và tìm búp măng rừng ăn thay cơm tại trại tù Cây Cày A. Nhưng năm 1978 chưa qua hết thì Long Đỏ đã bỏ lại các bạn tù, giã từ những ngày tháng tìm kiếm măng rừng, ăn đến nỗi tay chân lưng ngực ê ẩm, bỏ lại những lời mang nặng thú tính của các cán binh, điêu ngoa như tiếng Vượn hú trong các khu rừng già – Long Đỏ ra đi trong một buổi trưa hè nắng cháy da người bên bìa rừng trại tù Cây Cày A, anh bị rớt xuống cái giếng hoang khi anh dẫn bán tổ 4 đi phát quang - cái giếng oan nghiệt nằm sâu trong mật khu, do Việt Cộng đào trước đây, và cỏ dại đã phủ kín mặt giếng khi những người tù được lệnh phải vào phát quang khu vực này để trồng mì. Người tù Long Đỏ đã vô tình sập bẫy của bọn người vô tâm. Anh em tù hơ lửa trên miệng giếng cho bớt thán khí, nhưng khi đưa được Long Đỏ lên khỏi miệng giếng thì anh đã ra đi từ lâu, không một lời trăn trối.
Năm trăm người tù trong trại nghe tin - nhìn nhau bàng hoàng trong đớn đau, như trong đơn vị ngày xa xưa có người vừa đi không trở lại.
Bỏ lại bạn tù, Hồ Thanh Long lặng lẽ ra đi. Rồi vài ba tuần sau, anh Mai Duy Hạnh thuộc đội 1 lại bị Hai Tý, đội trưởng đội Khung (đội Cơ hữu của đơn vị) bắn chết khi đi lao động cho đại đội Khung – cả trại giao động, quản giáo tập họp trấn an như thông lệ.....
Cuộc chiến giữa Cộng sản Miên ( Khờme đỏ ) và Cộng sản Việt Nam ngày một lan rộng qua lại miền biên giới giữa hai phe. Những người tù còn lại trong nhóm năm trăm người tù lần lượt chuyển trại, từ trại này qua trại khác. Và từ tháng này qua năm khác, với áp lực quốc tế về nhân quyền và cũng để trao đổi hầu cứu vãn nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đang bi khủng hoảng – những người tù được thả: Người về quê, người vượt biên bằng đường bộ, người vượt biên bằng ghe thuyền hay qua chương trình HO. Còn lại - trên dải đất hình chữ S, rải rác khắp các miền núi rừng, còn biết bao những mộ phần vô danh của những người Việt Nam vô tội không hương khói, không bia mộ. Trải qua những ngày tháng mưa bão soi mòn không còn dấu tích, thật khổ công và cũng không dễ gì khi thân nhân muốn tìm bia mộ để an vị và hương khói.
Người công nhân người Mỹ gốc Việt, người hàng xóm trong khu vực tôi đang sinh sống có lẽ đã thiếp đi trong giấc ngủ sau một ngày làm việc chuyên cần. Và các liên khúc vẫn tiếp tục theo làn gió vọng đi khắp lối xóm.
“.....Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này.....rồi nằm xuống không có ai, không có ai từng ngày, không có ai đời đời....ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới .............”. Giọng hát trầm buồn mang âm hưởng xót xa, nuối tiếc. Tôi thầm nghĩ – không, chắc hẳn không một ai có thể quên được.
Sống trong những năm tháng đau thương, giữa một thời điểm thăng trầm của dân tộc, nên người nghệ sĩ đã có những xúc động khi chứng kiến những thảm cảnh của chiến cuộc. Nhưng lịch sử dân tộc thì vượt trên mọi chính kiến, đảng phái, sẽ ghi chép và mãi mãi tưởng nhớ đến hàngg triệu người đã vị quốc vong thân bởi một Chủ Nghĩa Duy Vật, ngoại lai, không tưởng trong những năm tháng đen tối nhất của đất nước. Và, đó là một sự thật bất biến mà lịch sử thế giới đã ghi nhận trong các chương viết về sự sụp đổ của đảng Cộng Sản Liên bang Sô Viết cũng như các nước Cộng Sản chư hầu tại Âu Châu của nhiều sử gia. Và qua nhiều trạng thái khác nhau, một thiểu số quốc gia bị Chủ nghĩa Cộng Sản tha hóa còn lại, cũng đang thoái trào một cách tiệm tiến, trong đó có đảng Cộng Sản Việt Nam.
Những dải nắng hanh vàng sau vườn nhà tôi đã nhạt màu, chiều về tối sớm hơn. Những gốc Mai tứ quý và cội Đào già đã được tỉa lá từ hai tháng nay đang trổ những nụ nhỏ ly ti, báo hiệu Đông dần tàn và Xuân sắp sang. Những liên khúc vọng cố hương xen lẫn với những khúc hát về những mùa Xuân ly hương từ căn nhà ông hàng xóm vẫn vang vọng mỗi buổi chiều như nhắc nhở bà con đồng hương trong khu xóm về mùa Xuân đang về.
Trong đời viễn xứ - mỗi người một hoàn cảnh - có ai không hoài cố hương !
(Forumpost: Nhớ đến năm xưa