Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Đà-Nẵng 1966 - Hồi ký -Vương Mộng Long - k20

Posted by February 19, 2020 6122

Đà-Nẵng 1966


(Hồi ký -Vương Mộng Long-k20)


--o—

 


Bao năm đã trôi qua, nhiều người Việt-Nam vẫn còn cho rằng Tăng Ni Phật Giáo Miền Trung phát động vụ “Bàn thờ Phật xuống đường năm 1966” là Cộng-Sản.


Những quân nhân Phật Tử và dân chúng đã vào chùa ủng hộ cuộc chính biến đó cũng bị kết tội là mắc mưu Cộng-Sản xúi giục, phá rối trị an.


Thực tế không phải như vậy đâu!


Bất cứ chuyện gì xảy ra trên thế gian này, đều có nguyên ủy của nó. Nếu không phải là một người đã từng tham gia, dính líu tới cuộc chính biến năm 1966 đó, thì sẽ không thể có một kết luận chính xác cho những gì đã xảy ra.


Nhớ lại thời 1963, Việt-Nam Cộng-Hòa có lãnh tụ là Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Vụ đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 dưới sự dàn dựng của Hoa-Kỳ, cùng sự tham gia của Phật Giáo và quân đội chỉ nhằm mục tiêu là lật đổ một lãnh tụ.


Sau khi Tổng Thống Diệm bị giết thì đất nước ta lâm vào tình trạng lạm phát lãnh tụ. Đất nước có quá nhiều lãnh tụ xuất hiện, cũng có nghĩa là đất nước không có ai đủ tài, đủ đức cho dân chúng tôn thờ.


Một phe phái chính trị vừa giành được quyền bính thì không lâu sau đã bị phe khác lật đổ, Miền Nam bước sang thời kỳ vô cùng nhiễu nhương, tạo cơ hội cho quân đội đứng lên, nắm giữ chính quyền.


Quân đội một mặt bảo vệ biên cương, đồng thời quân đội cũng cầm đầu chính phủ, nắm vận mệnh quốc gia. Có điều những tướng lãnh cầm quyền không do dân bầu, mà là do phe phái đặt để, sau những lần đảo chánh, chỉnh lý, hay biểu dương lực lượng. Thêm vào đó, quân đội cũng không còn là một khối thuần nhất nữa, tướng lãnh tranh giành quyền hành, đấu đá nhau liên miên. Không có lãnh tụ chân chính, nên thầy trò, dù là trong quân đội, cũng bỏ nhau, phản nhau là chuyện bình thường.


Năm 1966 Tướng Thiệu, Tướng Kỳ ngự trị ở trung ương. Miền Trung thì Tướng Thi hùng cứ một phương. Thời gian này đất nước ta nằm trong tay các “Sứ quân” tướng lãnh của quân đội.


Nhưng Việt-Nam Cộng-Hòa lại là đất nước của dân chủ và tự do, nên dân chúng Việt-Nam Cộng-Hòa luôn luôn khát khao, đòi hỏi phải có một chính quyền dân cử.


Nhân cơ hội này, người Mỹ đã đứng sau lưng, dàn dựng và sắp xếp cho các “Sứ Quân” loại bỏ lẫn nhau từ từ. Để rồi vụ binh biến Miền Trung xảy ra. Trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết! Chỉ có lính tráng và dân chúng Miền Trung như chúng tôi là gánh lấy cái khổ. Quân nhân thuộc Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân cũng chỉ là những nạn nhân của cuộc binh biến năm 1966 này.


--o--


Thời hậu đảo chánh, Giáo Hội Phật Giáo Việt-Nam lâm vào tình trạng chia rẽ trầm trọng, Ấn-Quang đi theo một đường, Việt-Nam Quốc Tự đi theo một nẻo. Phật Giáo Miền Trung hầu như hoàn toàn chịu sự chi phối và chỉ đạo của phe Ấn-Quang.


Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I và Vùng 1 Chiến Thuật là một con cờ của Ấn-Quang.


Tháng 2 năm 1966 Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I và Vùng 1 Chiến Thuật công khai ủng hộ “Phong Trào Nhân Dân Tranh Thủ Cách Mạng” của Phật Giáo, chủ trương ly khai và đòi tách Miền Trung ra khỏi Việt-Nam Cộng-Hòa để thành lập Miền Trung Tự Trị.


Dân chúng từ nông thôn, nghe lời kêu gọi của Giáo Hội Phật Giáo Miền Trung theo chân nhau, ào ào tuôn vào thành phố ủng hộ và tham gia phong trào tranh đấu. Huế, Đà-Nẵng, chùa chiền nào cũng đầy người và người.


Vào Hè, Đà-Nẵng hừng hực nắng. Thành phố chói lòa vì mái nhà nào cũng lợp tôn. Nắng nung mặt lộ, đường phố bốc hơi. Trong lòng người dân Đà Nẵng “lửa cách mạng” cũng bừng bừng cháy. Biểu ngữ giăng khắp nơi: “Hoan hô hội đồng nhân dân tranh thủ cách mạng!” – “Một quốc hội dân cử...”- “Đả đảo chế độ độc tài quân phiệt!”


Đầu tháng 3 năm 1966, Trung tướng Nguyễn Chánh Thi bị giải nhiệm, thay thế bằng Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuân. Từ đó dấy lên phong trào tranh đấu đòi phục quyền cho Tướng Thi.


Giữa tháng 3, Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân bị điều động từ Hội-An ra Đà-Nẵng cũng nhằm mục đích hỗ trợ cho phong trào này.


Đại úy Nguyễn Thừa Dzu, Tiểu Đoàn Trưởng 11 Biệt Động Quân vốn là đàn em thân tín của Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, nên ông dẫn tiểu đoàn về Đà-Nẵng để ủng hộ Tướng Thi cũng là lẽ đương nhiên.


Thời gian này, tôi, Thiếu úy Vương Mộng Long là đại đội trưởng Đại Đội 3 của Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân.

 

Dưới cái nắng như thiêu, ba quân trong hàng, im phăng phắc nghe Đại úy tiểu đoàn trưởng ban lệnh: “Dân chúng muốn Miền Trung tự trị, và sẽ tiếp tục tranh đấu để Việt-Nam có một chính quyền do dân bầu lên, làm việc cho dân, làm việc vì dân. Ý dân là ý trời! Dân chúng đòi ly khai, chúng ta ly khai. Từ giờ phút này, chúng ta đứng về phía nhân dân, chống lại chính quyền Thiệu, Kỳ.”


Trong tiểu đoàn này, Đại úy tiểu đoàn trưởng là cấp chỉ huy tối cao. Cấp chỉ huy nói gì, chúng tôi tin nấy, cấp chỉ huy muốn sao, chúng tôi làm vậy, vì kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Vả lại, chúng tôi là con dân Miền Trung, dân chúng Miền Trung đòi ly khai, chúng tôi ly khai theo dân là đúng với ý trời rồi còn gì?


Tiểu đoàn chỉ có ba đại đội 1, 3, và 4 kéo về đây, vì Đại Đội 2/11 của Đại úy Tôn Thất Trực còn nằm trong Hội-An. Tôi nghe nói anh Trực đang chỉ huy Đại Đội 2/11 cùng một nửa Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân giữ nhiệm vụ phòng thủ Chùa Tỉnh Hội Quảng-Nam nhận lệnh trực tiếp từ Đại tá Đàm Quang Yêu, Tư Lệnh Biệt-Khu Quảng-Đà.


Chúng tôi đóng quân trong sân vận động Chi-Lăng. Cứ cách vài hôm, đại đội tôi lại tới phiên trực, phải leo lên lưng thiết vận xa M113, hành quân tùng thiết, đi, về, trong ngày, để tảo thanh du kích Việt-Cộng lẩn quất quanh vùng Non Nước, Cầu Đỏ, Lăng-Cô ngoại ô Đà-Nẵng…


Đóng quân ở sân vận động cùng hai đại đội bạn (1 và 4) được ít lâu, Đại Đội 3/11 nhận được lệnh di chuyển về chốt giữ nhà máy đèn Đà-Nẵng để kiểm soát con đường dẫn vào Quân Y Viện Duy Tân và phi trường Đà-Nẵng.


Cuối tháng 3 năm 1966, đại đội tôi được tăng cường một khẩu đội SKZ 57 ly và một khẩu đội cối 81 ly. Thời gian này, tôi phải trực máy truyền tin 24/24, để sẵn sàng thi hành một nhiệm vụ đặc biệt do Đại úy tiểu đoàn trưởng giao phó.


Một đêm, trong giờ giới nghiêm, Đại úy tiểu đoàn trưởng với một xe Dodge có sáu Biệt Động Quân vũ trang hộ tống tới gặp tôi. Ông chỉ thị cho tôi, ngày hôm sau phải chận đoàn xe từ phi trường ra, và bắt cho được vị tướng ngồi trong chiếc xe Falcon đen.


Chẳng hiểu ất giáp gì cả, nhưng tôi cứ im lặng thi hành lệnh này. Tôi cho căng một cuộn thép gai vòng chận ngang con đường từ phi trường về bộ tư lệnh quân đoàn rồi cho quân bố phòng chờ đợi. Suốt hai ngày không có chuyện gì xảy ra. Tới ngày thứ ba thì Đại úy ghé thăm và cho phép đại đội tôi sinh hoạt bình thường trở lại.


Nhà tôi ở trong Hội-An, cả tháng rồi tôi chưa ghé thăm nhà. Được dịp ông tiểu đoàn trưởng giải tỏa lệnh trực 24/24, thì ngay trưa hôm đó, như sáo xổ lồng, tôi giao đại đội cho Thiếu úy Đạt rồi cùng Hạ sĩ Nguyễn Hồng Phong leo lên chiếc Dodge 4 phóng đi ngay.
Ngày đầu đáo nhậm đơn vị (10 tháng 2 năm 1966) tôi đã được cấp chiếc Dodge 4 này nên lái nó cũng quen rồi.


Đúng ra thì đại đội trưởng Biệt Động Quân phải có một xe Jeep, nhưng tôi lại chưa từng được "sờ" tới cái xe Jeep lần nào. Chiếc xe này đã theo ông cựu đại đội trưởng từ lúc ông ta bị thương, rồi tiếp tục bị biệt phái theo ông ta khi ông ta xuất viện về làm sĩ quan Ban 3.
Thực tình thì tôi cũng chẳng màng tới chuyện xe cộ. Miễn là được làm đại đội trưởng, có quân, có quyền, hành quân thì đi riêng một cánh, chẳng dưới quyền ai là thích lắm rồi.


Tôi về nhà thăm mẹ tôi một buổi. Tới chiều, tôi sang nhà anh bạn Trần Ngọc Lợi bên bờ sông Thu Bồn ngồi nhâm nhi mấy chai bia cổ cao. Tôi ngủ qua đêm ở nhà thằng bạn, dự trù sáng hôm sau sẽ trở về đơn vị.


Sáng hôm sau, “đề” hoài, mà chiếc Dodge thổ tả cứ ì ra không chịu nổ máy. Tôi phải mượn cái Honda hai bánh của anh bạn, chạy vào tiểu khu nhờ ông trưởng ban quân xa của đại đội yểm trợ tiếp vận tiểu khu giúp đỡ. Quân xa của tiểu khu kéo được chiếc Dodge của tôi về tới công xưởng thì xế chiều rồi. Hai ông thợ máy phải làm việc hì hục tới mười giờ đêm mới sửa xong xe cho tôi.


Mười giờ sáng ngày sau nữa tôi mới về tới đại đội. Hạ sĩ Phụng, người mang máy truyền tin đại đội hớt hải chạy ra nắm áo tôi,


- Nguy rồi thẩm quyền! Đại bàng tìm thẩm quyền hai ngày nay. Không gặp thẩm quyền, ổng nổi tam bành! Chửi thề luôn miệng!


Tôi chột dạ,


- Ủa! Chứ Thiếu úy Đạt đâu?


- Thẩm quyền vừa đi khỏi thì Thiếu úy Đạt cũng đi mất. Chắc ổng "dù" về Huế thăm nhà rồi!


Tới trưa hôm đó thì xe của Đại úy xuất hiện. Mặt ông lầm lì, ông không hé môi. Ông ngoắc tay cho tôi lên ghế sau rồi ra dấu cho tài xế chạy thẳng về sân vận động.


Ông nhảy xuống xe, liếc mắt ra dấu cho tôi đi theo. Vào phòng, đóng cửa lại xong xuôi, ông mới trợn mắt,


- Mấy ngày nay ông bỏ đơn vị đi đâu?


- Tôi ghé thăm nhà trong Hội-An.


- "Đ! Má!" Ông có biết ông đã làm hỏng hết kế hoạch hành quân của người ta rồi không?


Tôi ngớ người, ú ớ,


- Có chuyện gì vậy đại bàng?


- "Đ! Má!" Hôm qua phái đoàn của thằng cha Có (Trung Tướng Nguyễn Hữu Có) từ Sài-Gòn ra, tôi gọi ông để thi hành mật lệnh, ông không có nhà, thằng phụ tá của ông cũng vắng mặt. Không túm được cha Có thì làm sao gây áp lực với tụi trung ương để phục hồi chức vụ cho "Ông Thầy" đây? Ông làm hỏng hết kế hoạch của "Mặt Trận" rồi, ông có biết không?


Vì thường nghe Đại úy Nguyễn Thừa Dzu gọi Trung tướng Nguyễn Chánh Thi là "Ông Thầy" nên tôi hiểu ra liền: Kế hoạch của phe ly khai là bắt sứ giả của chính phủ trung ương (Trung tướng Nguyễn Hữu Có) để mặc cả chuyện phục hồi chức vụ cho Trung tướng Nguyễn Chánh Thi!


Tôi đành lí nhí,


- Tôi nhận lỗi! Tùy Đại úy xử phạt.Tôi sẽ không khiếu nại.


Mặc tôi đứng trơ giữa phòng, Đại úy chắp tay sau đít, hậm hực đi đi, lại lại loanh quanh cả chục vòng rồi tiến ra mở cửa,


- Đi đi!


Tôi bước ra khỏi phòng, sau lưng tôi Đại úy ra lệnh cho anh tài xế,


- Đưa anh ta về đại đội!


Từ hôm xảy ra vụ bắt hụt sứ giả của chính phủ trung ương, tôi bị ông tiểu đoàn trưởng liệt vào loại “lừng khừng chống cách mạng.” Tuần lễ sau tôi được lệnh đem Đại Đội 3/11 về đường Bạch-Đằng, canh gác tư dinh của Tướng tân Tư Lệnh Vùng. Tư Lệnh Vùng 1 bây giờ đã là Trung tướng Tôn Thất Đính. Tôi chỉ giáp mặt Tướng Đính có một lần. Hầu như mọi việc trong nhà đều do ông Thiếu tá Tôn Thất Trai, Chánh Văn Phòng của Tướng Đính quán xuyến.


Cũng từ đó, đại đội tôi được miễn hành quân. Tôi và Thiếu úy Đạt, đại đội phó cứ luân phiên lang thang trên phố.


Vào một buổi chiều, Đại úy tiểu đoàn trưởng gọi tôi về trình diện. Ông đưa cho tôi một danh sách thăng thưởng những quân nhân hữu công của đại đội tôi rồi nói,


- Ngày mai có xe đón các anh về Hội-An dự lễ gắn huy chương trận Tháp Bằng-An.


Trận Tháp Bằng-An xảy ra ngày 22 tháng 2 năm 1966, khi đó tôi chỉ là một thiếu úy trung đội trưởng với thâm niên mười hai ngày công vụ. Nhưng vài phút trước trận đánh, tôi đã được đảm nhiệm chức vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội 3/11 thay thế Trung úy Lê Bá Ngọ bị thương.


Trong trận đánh này, đại đội tôi lập công đầu, hạ sát trên một trăm địch quân, tịch thu được 105 vũ khí cá nhân và cộng đồng. Đại úy tiểu đoàn trưởng nói rằng Trung tướng Nguyễn Chánh Thi đã đề nghị thăng cấp trung úy đặc cách mặt trận cho tôi rồi, rán chờ ít lâu nữa, có nghị định của Bộ Tổng Tham Mưu, ông sẽ gắn lon mới cho tôi.


Buổi lễ tuyên dương công trạng đã diễn ra trong sân cờ của Tiểu Khu Quảng Nam. Đại úy Nguyễn Thừa Dzu Tiểu Đoàn Trưởng 11 Biệt Động Quân được Trung tướng Tôn Thất Đính gắn cho một Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương; Đại úy Nguyễn Văn Của, Chi Đoàn Trưởng 3/4 Thiết Vận Xa được vinh thăng thiếu tá.


Tôi được ông Đại tá tên là Mô gắn cho một Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu. Ngoài ra, tôi còn được một ông tướng Mỹ gắn cho một huy chương Silver Star của Hoa-Kỳ. Gần hai chục quân nhân hữu công khác thuộc Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân và Chi Đoàn 3/4 Thiết Quân Vận cũng được ban thưởng huy chương và thăng cấp.


Dịp này tôi mới biết Trung tướng Nguyễn Chánh Thi đã lên đường xuất ngoại để chữa bệnh hay giữ chức đại sứ ở nước nào đó bên trời Tây. Trung tá Trần Văn Hai đã về giữ chức Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân/ Quân-Lực Việt -Nam Cộng-Hòa thay thế Chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận. Tướng Nhuận được điều động ra Huế đảm trách chức Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh thay Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuân. Tướng Chuân vào Đà-Nẵng làm Tư Lệnh Quân Đoàn I và Vùng 1 Chiến Thuật chưa đầy một tháng thì từ chức, trao quyền cho Trung tướng Tôn Thất Đính.


Tôi cũng nghe rằng, Tướng Đính tuy là người của trung ương phái ra, nhưng lại công khai ngả theo phe ly khai của Phật Giáo (?)


Trong tư dinh của Tướng Vùng không có chỗ cho binh lính nấu cơm, nấu nước, vì thế, trong thời gian này thầy trò tôi cứ cơm đường cháo chợ qua ngày.


Một đêm trong khi ngủ say, võng đứt, Thiếu úy Đạt bị một cái tủ đè vỡ đầu, gãy tay, phải đi nằm nhà thương. Đại Đội 3/11 chỉ còn mình tôi là sĩ quan, nên tôi hết dịp lang thang trên phố.


Rồi sáng sớm 15 tháng 5 Thiếu tá Trai báo cho tôi biết rằng, Thủy Quân Lục Chiến từ sân bay tiến ra, đã đánh chiếm Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I. Trung tướng Tôn Thất Đính phải bỏ chạy sang Sơn-Trà tá túc trong Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Thiếu tá Trai cũng chuyển lời nhắn của Trung tướng Tư lệnh cho tôi là:


"Nếu Thủy Quân Lục Chiến đến chiếm tư dinh của ông, thì tôi cứ giao cơ ngơi này cho họ. Nếu họ muốn tôi giải giới, thì tôi giao nạp vũ khí cho họ để tránh đổ máu."


Một đoàn xe chở Thủy Quân Lục Chiến chạy ngang qua dinh Tướng Đính, nhưng không dừng lại. Họ hướng về phía Đài Phát Thanh Đà-Nẵng. Sau đó thì súng nổ đùng đùng kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ rồi im. Tới trưa thì quân chính phủ chiếm được Đài Phát Thanh. Tôi nhặt chiếc xe đạp của ai đó vứt bên lề đường, đạp về sân vận động xem tiểu đoàn ra sao.


Giờ này, dân chúng đang tụ tập đông như kiến quanh cổng sân Chi-Lăng. Dân chúng khóc lóc thật thảm thiết. Nhiều bà con ai oán gào lên:


"Các con ơi! Sao các con dửng dưng đứng nhìn quân Thiệu, Kỳ chiếm Đà-Nẵng mà không dám làm gì sao? Các con ơi!"


Xen kẽ là những tiếng hô: "Dân quân Đà-Nẵng thà chết không đầu hàng bọn Thiệu, Kỳ, Có!"-"Đả đảo quân phiệt!"-"Miền Trung Tự Trị!"


Nhìn cảnh tượng bừng bừng khí thế này, tôi thấy lời Đại úy tiểu đoàn trưởng thật là chí lý:


“Ý dân là ý trời! Dân chúng đòi ly khai, chúng ta ly khai.”


Tôi nghĩ bụng, dân chúng thà chết không đầu hàng. Là con dân Đà-Nẵng, chúng tôi sẽ theo ý dân, quyết không đầu hàng! Đại úy quả là người chỉ huy sáng suốt, quyết tâm trung thành với lãnh tụ của ông, trung thành với dân chúng Miền Trung. Chúng tôi may mắn lắm mới có Đại úy là con chim đầu đàn dẫn dắt.


Bước vào sân vận động, tôi phát giác ra rằng, ông tiểu đoàn trưởng cùng hai ông đại đội trưởng 1/11 và 4/11 đã đi đâu mất. Lúc đó sĩ quan của tiểu đoàn, ngoài tôi ra, chỉ còn hai ông chuẩn úy mới ra trường, hai ngày sau mới có thêm sự góp mặt của ông Thiếu úy Lê Trực, khóa 20 Võ-Bị vừa mãn khóa Rừng, Núi, Sình Lầy, Dục-Mỹ.


Vì tôi là đại đội trưởng duy nhất còn hiện diện lúc này, nên tôi đành phải đứng ra chỉ huy tiểu đoàn. Tôi ra lệnh cấm quân, án binh tại chỗ để chờ ông tiểu đoàn trưởng trở về.


Xế trưa, bỗng có một đoàn xe vận tải của Quân Vận chạy tới. Ông Đại úy trưởng đoàn chìa cái sự vụ lệnh cho tôi xem, (tôi không nhớ ai đã ký) ghi rằng, đoàn xe sẽ chở Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân về phòng thủ Chùa Tỉnh Hội Đà-Nẵng.


Tưởng Đại úy tiểu đoàn trưởng đang ở Chùa Tỉnh Hội, tôi cho ba chiếc GMC về dinh của Tướng Đính để bốc Đại Đội 3/11, rồi ra lệnh cho tất cả quân nhân hiện có mặt trong sân leo lên những chiếc GMC còn lại.


Đoàn xe chạy qua Chợ Cồn rồi quẹo sang đường Ông Ích Khiêm hướng về Chùa Tỉnh Hội. Hai bên đường dân chúng đứng chật như nêm. Người người hoan hỉ, nói cười, vẫy tay, hoan hô ầm ĩ.


Xuống xe, tôi cho quân bố trí phòng thủ quanh vòng rào của Chùa Tỉnh Hội.


Tôi bước vào chính điện để hỏi xem ông tiểu đoàn trưởng của tôi có mặt nơi đây không. Nào ngờ, người tôi chạm mặt đầu tiên lại là Thiếu tá Tôn Thất Trai. Thấy mặt tôi, ông Trai la oang oang,


- Thằng Dzu phản rồi! Nó chạy vào phi trường đầu hàng và đi theo cha Loan rồi!


Tin này làm cho tôi tá hỏa. Mới vài hôm trước, trong phòng họp các sĩ quan, Đại úy tiểu đoàn trưởng dọa sẽ nghiêm trị những ai có tư tưởng hay hành động chống đối phong trào ly khai của Quân Dân Miền Trung.


Cái điệp khúc: "Ý dân là ý trời! Chống lại ý dân tức là chống lại ý trời!" hầu như trong cuộc họp nào, chúng tôi cũng phải nghe. Vậy mà hôm nay trắng đen lộn mặt, không ai ngờ được.


Ông Trai móc túi áo lấy ra cái lon đại úy ba mai vàng sáng chói rồi nắm ngực áo tôi định gắn cái lon ấy vào.


- “Toa” đeo cái lon này lên ngực để mà chỉ huy. Giấy tờ sẽ điều chỉnh sau. Bây giờ nhiệm vụ đầu tiên của "toa" là đem tiểu đoàn về phòng thủ Chùa Phổ Đà.


Tôi bất bình, gạt tay ông ta ra,


- Không được! Thứ nhất là, không ai ở đây có quyền gắn lon thăng cấp cho tôi. Thứ hai là Đại úy Dzu đi rồi, bây giờ tôi chỉ nghe lệnh của Tướng Vùng mà thôi! Tôi muốn biết Tư Lệnh Vùng bây giờ ở đâu?


Thiếu tá Trai dơ tay vỗ vỗ vài cái vào hông tôi rồi ôn tồn,


- Chờ chút! Chờ chút nhé!


Ông Trai lanh lẹ quay người đi vào chánh điện. Chừng một phút sau ông ta quay ra,


- Thủ tướng ra lệnh cho Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân về án ngữ tại Chùa Phổ Đà để ngăn chặn quân chính phủ từ phi trường tiến ra.


Tôi thắc mắc,

- Thủ tướng nào? Ai là Thủ tướng ở đây?


- Thì Bác sĩ Mẫn, Thị trưởng Đà-Nẵng chứ ai?


- Tôi không dưới quyền Thị trưởng hay Thủ tướng nào cả, tôi cần gặp Trung tướng Tư Lệnh ngay bây giờ!


Ông Trai kèo nài,


- Thì "toa" cứ làm theo sự phân công của Thủ tướng đi. Chiều nay Trung tướng Đính sẽ nói chuyện với "toa" sau.


Không biết làm gì hơn, tôi đành miễn cưỡng chấp thuận,


- Vậy cũng tạm được!


Bỗng nhiên đạn đại liên từ hướng Đông "Toác!toác!...!Chíu!chíu!" bay sang như mưa.


Quay qua, quay lại, không thấy bóng ông Thiếu tá Trai đâu cả, tôi vội phóng mình ra ngoài sân. Mái chùa bể, vụn ngói bay tung tóe, bụi khói mịt mù. Con rồng bằng sứ nằm trên nóc chùa bị bắn vỡ đầu. Chiếc xe bồn đựng nước đậu trước cổng chùa cũng trúng đạn, nước phun có vòi. Có tiếng la thất thanh:


"Chết! Có người chết!" -"Cứu thương! Cứu thương đâu! Có người đổ ruột đây nè!"


Sân chùa trở thành một nơi hỗn loạn cùng cực, với đủ mọi thứ âm thanh. Tiếng đạn bay, tiếng người kêu gọi tên nhau, tiếng la hét đau đớn của người bị trúng đạn cùng với tiếng khóc ré từng chặp của con nít tạo thành một không khí hỗn độn chưa từng thấy.


Tôi leo lên bờ tường, đứng dựa hàng rào sắt, mặt quay về sân chùa. Mặc cho đạn đại liên đang như mưa rào trên mái ngói, tôi hét to,


- Đồng bào đừng sợ! Đồng bào đừng sợ! Biệt Động Quân sẽ bảo vệ đồng bào! Đồng bào đừng sợ!


Nghe tiếng tôi oang oang trấn an, bà con bớt sợ, bớt ồn ào ngay. Đồng bào tôi nằm rạp đất, nằm đè lên nhau, ngổn ngang trong sân. Họ đang nhìn tôi, ánh mắt đầy tin tưởng lẫn lo âu. Ngay sát chân tường, dưới chân tôi, nhiều đồng bào tôi đang khóc.


Đứng trên cao, tôi thấy được vị trí khẩu đại liên trên một sân thượng hướng Đông. Khẩu súng sát nhân ấy đang khạc đạn vào đồng bào tôi một cách không thương tiếc.


- Tính đâu! Tính đâu!


- Em đây Thẩm Quyền!


Khẩu 57 ly được vác tới. Tôi đỡ vai cho Hạ sĩ Tính. Hai người leo lên tháp chuông trước cổng. Tính kê súng lên vai.


Tôi nạp một viên đạn, khóa nòng, rồi vỗ tay lên nón sắt của Tính. Tính bóp cò.


"Oành!" Đạn bay đi.


"Ùm!" Đạn nổ! Lửa chói lóa trên mục tiêu. Khói và bụi bay lên cuồn cuộn.


Tôi nạp một viên đạn nữa, rồi lại khóa nòng, vỗ tay lên nón sắt của Tính. Tính bóp cò.


"Oành!" Đạn bay đi. "Ùm!" Khẩu đại liên hết hoạt động.


Dẹp xong ổ đại liên, tôi nhảy xuống sân kiểm tra tình hình. Sân chùa đang trong tình trạng vô cùng lộn xộn. Có hai người chết, một bà già và một thanh niên Phật Tử. Còn cả chục người khác bị vỡ đầu, đổ ruột, đang nằm kêu khóc rên la. Những thanh niên Phật Tử trong đội cứu thương chỉ biết băng bó cứu cấp những vết thương xoàng xĩnh, gặp trường hợp vỡ đầu phọt óc, ruột đổ lòng thòng, họ luống cuống, không biết xử trí ra sao.


Tôi gọi to,


- Quân Y đâu! Quân Y đâu!


Chỉ có hai anh y tá của tiểu đoàn chạy lại nhận lệnh băng bó cho người trúng đạn.


Tôi hỏi anh y tá,


- Thiếu úy Lẹ đâu?


- Dạ em không thấy ông ấy đâu cả!


Sau này tôi được biết ông Thiếu úy Lẹ, Trưởng ban Quân Y của tiểu đoàn đã đi theo ông tiểu đoàn trưởng vào phi trường đầu hàng Đại tá Nguyễn Ngọc Loan từ những ngày trước.


Một chiếc xe GMC được điều động để chuyển những người bị thương về Bệnh Viện Dân Y bên đường Hùng Vương.


Từ hướng cuối đường Nguyễn Duy Dương, nơi hai chiếc xe Jeep đậu sát bên hàng phi lao có tiếng loa oang oang:


“Yêu cầu toàn thể quân nhân các cấp thuộc Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân buông vũ khí và ra trình diện gấp!”


Tôi nghĩ cái loa tay này cũng cùng phe nhóm với khẩu đại liên 30 trên căn gác kia, nên sẵn súng đạn, tôi ra lệnh cho Hạ sĩ Tính nhắm gốc cây keo giữa hai chiếc xe, bắn thị uy một quả 57 ly. Đạn rơi hơi ngắn, chạm mặt đường, nổ tung, và hất một chiếc Jeep lộn mèo xuống mương thoát nước bên hàng phi lao.


Tôi không cố ý giết những người ngồi trên hai chiếc Jeep đó, mà chỉ muốn bắn dọa để đuổi họ đi thôi. Không rõ có ai bị thương vong không, nhưng sau đó thì cái loa tay đã im tiếng.


Sau này tôi được biết, chiếc Jeep bị bắn lộn cổ xuống mương là xe của Trung tá Trần Văn Hai, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân/ Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa! Cũng may, lúc đó không có ai ngồi trên xe cả!


Trong khi tôi chuẩn bị dẫn quân đi thì có bàn tay ai nắm áo tôi giựt lại,


- Ê! Long! Bây giờ mày định đem lính đi đâu vậy?


Quay lại, tôi nhận ra đó là Thiếu úy Nguyễn Xuân Hồng Chân của Trung Đoàn 51 Biệt Lập. Thiếu úy Chân là bạn cùng Khóa 20 Võ-Bị của tôi. Tôi không rõ bạn tôi tự ý tham gia phong trào ly khai hay đã tham gia cùng với đơn vị của anh.


- Tao đem quân về giữ Chùa Phổ Đà. Thôi! Tao phải đi ngay. Hẹn ngày gặp lại!


Bắt tay bạn xong, tôi khoát tay cho lệnh tiểu đoàn di chuyển.


Chúng tôi không đi trong phố, mà len lỏi trong đường làng. Qua một vạt ruộng thì tới đường Hoàng Diệu. Tôi xua quân lên chiếm giữ hai đầu đường Chu Văn An để giữ an ninh cho toàn bộ tiểu đoàn tiến vào khu nhà dân xung quanh Chùa Phổ Đà.


Bộ chỉ huy tiểu đoàn đóng trước sân chùa hướng Phan Châu Trinh. Các đại đội thì ém quân trong nhà dân. Những nhà dân bên đường đều bị đục tường làm lỗ châu mai, sẵn sàng cho một cuộc tác chiến trong đường phố. Nếu có giao tranh, trăm phần lợi thế sẽ nằm trong tay chúng tôi vì quân chính phủ sẽ nằm khơi khơi trên phố không có gì che dấu.


Tối hôm đó Tướng Tôn Thất Đính vào máy truyền tin gọi tôi và ra lệnh cho tôi từ nay phải nghe lệnh ông Bác sĩ Mẫn và ông Thiếu tá Trai. Ông Thiếu tá Trai sẽ liên lạc trực tiếp với tôi.


Sáng hôm sau có tin đánh nhau vùng Ngã Ba Cây Lan. Trên trời, hai chiếc máy bay AD 6 bay lượn và bắn xuống khu tranh chấp để yểm trợ cho quân chính phủ.


Nhớ lại cảnh tượng xảy ra ngày hôm trước, chỉ có một khẩu đại liên 30 bắn vãi một dây đạn vào sân chùa Tỉnh Hội mà đã có cả chục nhân mạng thương vong; nay hai chiếc oanh tạc cơ trang bị đầy bom, đầy đạn dưới cánh kia sẽ giết chết bao nhiêu người dân vô tội đây? Tôi nghĩ rằng, muốn chận đứng cảnh chết chóc, chỉ có cách bắn vào phi trường, không cho máy bay cất cánh. Nghĩ là làm ngay. Tôi cho khẩu đội cối 81 ly "phang" 6 quả đạn nổ vào phi trường.


Rồi sau một cái phất tay của tôi, súng lớn, súng nhỏ, trung liên, đại liên, garand, carbine, đua nhau khạc đạn lên trời, nhắm hướng hai chiếc AD6. Chúng tôi nghiến răng siết cò súng, hi vọng ngăn chặn được những quả bom, làn đạn, đang tưới xuống đầu người dân Đà-Nẵng, trong đó có thân nhân của chúng tôi, và có thể, có cả thân nhân của những vị phi công đang lái hai chiếc AD6 kia. Lúc này tôi chỉ hành động theo phản xạ, không suy tính thiệt hơn, không nghĩ tới hậu quả của việc mình làm.


Chỉ vài phút sau trên trời đã thấy xuất hiện hai chiếc chiến đấu cơ khác. Hai chiếc phản lực này bay kè hai chiếc AD 6 không cho bắn phá nữa. Một lúc sau thì cả bốn chiếc máy bay biến mất.


Tôi kiểm điểm lại thì thấy chỉ còn 14 trái đạn cối 81 ly nữa là hết số đạn mang theo. Tôi cho lột vỏ hết 14 viên đạn còn lại này, sẵn sàng phóng đi. Chỉ cần thấy bóng dáng những chiếc oanh tạc cơ tái xuất hiện trên bầu trời thì 14 viên 81 ly đó sẽ theo nhau bay vào phi trường ngay.


Rồi thì, thật bất ngờ, đại liên 12, 7 ly trên đường Phan Châu Trinh từ phía Bắc, bắn như mưa về hướng Phổ Đà. Một đoàn chiến xa M41 vừa tác xạ vừa ào ào chạy tới. Khẩu 57 ly của Hạ sĩ Tính đặt trên tháp chuông mới bắn được một viên thì cái nóc tháp chuông đã bị đại bác trên xe tank bắn bay mất. Hạ sĩ Tính sợ quá, nhảy vội xuống đất núp sau bệ đá. Đoàn chiến xa này là một đơn vị thiết kỵ Hoa-Kỳ. Tôi chẳng hiểu tại sao Tướng Tư Lệnh Vùng của tôi đang tỵ nạn trong Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến Mỹ mà chiến xa Mỹ lại tấn công chúng tôi?


Có điều là quân Mỹ không có ý giết chúng tôi, đạn của họ dù bắn như mưa, nhưng bắn rất cao. Khi những chiến xa Hoa-Kỳ đã bao vây sát bờ tường Chùa Phổ Đà, tôi liều mạng bước ra cổng xem người Mỹ muốn gì.


Một Đại úy Hoa-Kỳ nhảy xuống đất, ngỏ ý muốn gặp cấp chỉ huy của Biệt Động Quân. Tôi nói với ông ta rằng, tôi là người chỉ huy ở đây. Ông Đại úy Mỹ nói, người Mỹ đã đứng ngoài vụ tranh chấp này. Nhưng 6 viên cối 81 ly của tôi đã không rơi trên khu Không Quân Việt-Nam mà rơi trên khu đậu máy bay của Mỹ nên quân đội Mỹ phải can thiệp.


Tôi phân bua với người sĩ quan Mỹ rằng, trong một nước dân chủ, việc dùng vũ lực để đàn áp lực lượng chính trị đối lập là một hành động man rợ, thô bạo và vô nhân đạo, không chấp nhận được. Chính quyền trung ương đã dùng tới không quân để tiêu diệt chúng tôi thì, để tự vệ, tôi sẽ làm tất cả những điều có thể làm, xử dụng bất cứ phương tiện gì mà tôi có trong tay để đánh trả. Nếu người Mỹ thấy cần giết chúng tôi thì cứ ra tay, chúng tôi không hề sợ chết. Tôi chỉ cho ông Đại úy Hoa-Kỳ nhìn thấy đống đạn 81 ly đã lột vỏ, rồi nói với ông ta,


- Nếu máy bay tiếp tục bắn phá, tôi sẽ gửi số đạn kia vào phi trường ngay lập tức.


Tôi vừa dứt tiếng thì vị sĩ quan Hoa-Kỳ tiến lên ôm ngang hông tôi tỏ vẻ thân thiện, rồi thông báo cho tôi biết rằng, giờ này Không Quân Mỹ đã kiểm soát toàn bộ phi trường và tạm thời không cho máy bay Việt-Nam cất cánh nữa. Để đổi lại, ông ta đề nghị tôi phải ngưng ngay hành động pháo kích. Nếu tôi không làm theo lời yêu cầu của ông ta, ông ta đành phải san bằng chùa Phổ Đà.


Sau khi nghe tôi hứa sẽ không nã pháo vào phi trường nữa thì đoàn chiến xa Mỹ mới chịu kéo nhau đi.


Đêm hôm đó chiếc Jeep của Đại úy tiểu đoàn trưởng trở về đậu trước cổng chùa trên đường Chu Văn An. Ông Đại úy đi cùng anh Chuẩn úy Hồ Văn Hữu, Sĩ quan ban 5 Tiểu đoàn và người tài xế. Dưới ánh điện đường, tôi thấy dáng dấp của ông thật là tiều tuỵ. Râu tóc bờm xờm, áo quần xốc xếch, ông ngồi xẹp trên mặt đất trước đầu xe. Tôi tới đứng nghiêm trước mặt ông, rồi dơ tay chào ông theo đúng quân cách.


- Đại úy trở về rồi ư? Anh em đang chờ Đại úy.


Đại úy Dzu không bắt tay tôi. Ông cúi mặt nhìn xuống mặt đường. Những ngón tay ông cào cào vô thức trên mặt lộ. Rồi mặt vẫn không ngẩng lên, ông nói nhỏ,


- Long bỏ tiểu đoàn rồi theo “moa” vào phi trường theo ông Kỳ có được không?


- Còn anh em?


- Bỏ tụi nó đó! Không có người chỉ huy, tụi nó sẽ tự giải tán thôi!


Tôi bất mãn, lớn tiếng,


- Đại úy đem con bỏ chợ. Nay còn vác mặt về rủ rê tôi làm điều tồi tệ này nữa sao?


- Long à! Mình có còn con đường nào khác nữa đâu?


Đại úy thều thào phân bua.


Từ lúc chiếc xe ngừng trước cổng, đã có nhiều binh sĩ chạy ra vây quanh ông tiểu đoàn trưởng. Họ đã nghe rõ những lời ông nói. Vài người tỏ vẻ bất mãn quay lưng bỏ đi; vài người tức giận buột miệng chửi thề. Bốn năm khẩu súng lên cò chĩa vào đầu ông Đại úy và ông Chuẩn úy làm cho hai vị này hoảng hồn nhìn tôi cầu cứu. Hạ sĩ Trần Quy vừa khóc vừa gào lên:


"Đại úy là đồ tồi! Đại úy là thằng phản bội! Đại úy là thằng hèn!... Hu! Hu! Hu!..."


Tôi sợ tình trạng này kéo dài, sẽ khích động anh em khiến tính mạng của ông Đại úy khó được bảo toàn, nên vội dơ tay ngăn cản anh em lại,


- Anh em bình tĩnh! Việc gì cũng có thể giải quyết ổn thỏa.


Sau đó tôi cúi xuống nói nhỏ vào tai ông Dzu,


- Đại úy nhồi nhét cái tư tưởng “ý dân là ý trời” vào đầu óc anh em. Anh em đã răm rắp tuân theo lời Đại úy. Nay Đại úy bỏ dân chúng, bỏ anh em, thì Đại úy cũng đừng trách anh em nặng lời với Đại úy. Tôi nghĩ rằng, giờ này Đại úy nên đi khỏi nơi đây là tốt nhất!
Tôi hất hàm ra dấu cho Chuẩn úy Hồ Văn Hữu; anh Hữu lật đật xốc nách ông Dzu dìu ông lên xe. Chiếc Jeep Willy rồ ga, nhắm hướng phi trường.


Thì ra 6 viên đạn súng cối 81 ly rơi trên khu đậu máy bay của Mỹ cùng những tràng súng nổ rền trời, rền đất một góc thành phố buổi sáng ngày hôm đó đã khiến những người chỉ huy mới của ông Dzu lo ngại, rồi ra lệnh cho ông ta phải quay về chiêu dụ tôi theo họ.
Trưa 18 tháng 5 một đơn vị Dù tiến chiếm đoạn đường từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn tới ngã ba Chu Văn An, Hoàng Diệu. Binh lính Dù bố trí sau những gốc cây keo hai bên đường. Từ lỗ châu mai, chúng tôi nhìn thấy họ rất rõ. Quân Dù bắc loa yêu cầu cấp chỉ huy Biệt Động Quân ra tiếp xúc với cấp chỉ huy của họ. Thiếu úy Lê Trực được chỉ định làm đại diện Biệt Động Quân.


Với khẩu P.38 giắt bên hông, Thiếu úy Trực cùng một cận vệ tiến ra giữa ngã ba để tiếp chuyện cùng một Đại úy Nhảy Dù. Dù và Biệt Động Quân thỏa thuận với nhau rằng sẽ giữ nguyên tình trạng án binh bất động như hiện thời.


Chiều 19 tháng 5 tôi nhận lệnh phải về dự một phiên họp khẩn cấp. Tôi đem theo Hạ sĩ Nguyễn Hồng Phong cùng Hạ sĩ Trần Quy và một máy PRC 10 rồi men theo đường làng về Chùa Tỉnh Hội.


“Hội Đồng Chính Phủ Cách Mạng” gồm năm, sáu vị, đang đứng vây quanh một cái kệ thờ lập lòe hương khói. Dưới ánh nến chập chờn, tôi chỉ nhận ra ông Bác sĩ Tâm, Tổng trưởng Xã Hội và ông Phụ tá Tổng trưởng Quốc Phòng là Thiếu tá Tôn Thất Trai. Ông Thủ tướng không đứng như những vị bộ trưởng, mà nằm bò dưới kệ thờ. Ông gọi,


- Anh Long tới rồi hả? Lại đây! Lại đây!


Tiến tới sát kệ thờ, tôi lên tiếng,


- Chào Bác sĩ, tôi có mặt.


Ông Mẫn nhoài người nắm ống quần tôi giựt vài cái,


- Cúi xuống đây, tôi có ý kiến này với anh.


Tôi khom mình cúi xuống.


Ông Thủ tướng nghiêm nghị nói,


- Với tình hình khẩn trương như hiện nay…


Vừa nghe được nửa chừng câu nói của Thủ tướng, tôi phải đứng bật dậy. Có lẽ từ hôm có tiếng súng đầu tiên nổ trên thành phố này, Thủ tướng đã chui vào núp dưới gầm kệ thờ, không rửa mặt, đánh răng, súc miệng cũng nên?


Thủ tướng hình như biết lý do tại sao tôi không chịu cúi người nghe ông nói nữa, nên ông đưa tay che miệng rồi nói tiếp,


- Tôi đề nghị Biệt Động Quân hộ tống “Hội Đồng Chính Phủ” di chuyển ra Huế, ngoài đó mình còn Sư Đoàn 1.


Vài vị bộ trưởng cũng phụ họa theo,


- Có Biệt Động Quân hộ tống thì chúng ta yên tâm rồi!


Tôi thở dài ngán ngẫm. Đường từ Đà-Nẵng ra Huế dài cả trăm cây số, bình thường đi bằng xe cũng mất cả nửa ngày. Một đơn vị quân đội tinh nhuệ muốn hoàn thành công tác di chuyển bằng chân cũng mất vài ngày. Nếu đi một mình, chắc tiểu đoàn tôi cũng rơi rớt dọc đường ít nhứt là một phần ba quân số. Những ông chính trị gia trói gà không chặt này theo chúng tôi giỏi lắm cũng chỉ được dăm cây số là cùng. Sau đó các ông phồng chân, lọi cẳng, bong gân, ai khiêng, ai vác các ông đi cho hết đoạn đường còn lại đây? Đó là chưa kể tới vấn đề liên lạc, có đụng độ giao tranh, tản thương, tiếp tế lương thực, hay những rủi ro khác xảy ra dọc đường.


Tuy nghĩ thế nhưng tôi vẫn bình tĩnh,


- Xin quý vị cho tôi biết, hiện giờ quý vị có cách nào liên lạc với Sư Đoàn 1 không? Trước khi quyết định có nhận lời hộ tống quý vị ra Huế hay không, tôi yêu cầu quý vị phải để tôi đích thân nói chuyện với giới chức có thẩm quyền của Sư Đoàn 1 cái đã.


Ông Thủ tướng liếc qua ông Thiếu tá Trai, ông Trai ấp úng,


- Trong chùa này chúng ta chỉ có một cái máy PRC 10 để liên lạc với Trung tướng Đính. Hai ngày nay tôi gọi hoài mà không có ai bắt máy.


Tôi hiểu ra ngay rằng, Tướng Tôn Thất Đính đã bị người Mỹ bỏ rơi, ông ta đã trở thành một con cờ bị loại rồi.


Trong vụ chính biến này, rõ ràng người Mỹ chơi trò hai mặt, mặt này đỡ lưng Tướng Thi, Tướng Chuân, rồi Tướng Đính, mặt kia phù trợ Tướng Thiệu, Tướng Kỳ.


Tôi chỉ là một sĩ quan thừa hành, lúc nào cũng làm việc theo lệnh người chỉ huy trực tiếp của mình. Trong thời gian vừa rồi, tôi đã bị chuyền tay, dưới quyền ông Dzu, ông Đính rồi sang tay ông Mẫn, ông Trai. Giờ đây chính ông Mẫn ông Trai còn không biết làm gì để tự cứu mình; nếu tôi cứ tiếp tục đi theo các ông ấy thì không chết sớm cũng chết muộn.


Tôi là một quân nhân luôn luôn coi trọng kỷ luật, nhưng trong tình cảnh này, cứ khư khư ôm trách nhiệm một cách mù quáng thì tôi đúng là một thằng ngu. Tôi ngu, tôi chết đã đành, tôi còn làm cho cả trăm người phải chết theo.


Chỉ một phút sau, tôi đã có quyết định là, bằng mọi cách, tôi phải đưa đơn vị mình thoát ra khỏi cuộc đấu đá chính trị này càng nhanh càng tốt.


Tôi lùi lại hai bước, dơ tay quơ một vòng, điểm mặt từng chính khách,


- Thôi! Quý vị hãy tự lo liệu! Từ giờ này, Biệt Động Quân không hợp tác với quý vị nữa!


Không đợi xem hội đồng chính phủ phản ứng ra sao, tôi khoát tay cho lệnh Hạ sĩ Phong và Hạ sĩ Quy quay lưng.


Ra tới sân, tôi khó khăn lắm mới thoát khỏi đám đông đồng bào Phật Tử bao vây, níu kéo, xúm xít hỏi han. Tội nghiệp cho đồng bào tôi và tội nghiệp cho tôi! Tôi đau buồn cúi đầu bước đi.


Về tới ngã ba Hoàng Diệu, Chu Văn An tôi bị một nhóm quân Dù chận lại, không cho tiến vào khu vực Biệt Động Quân chiếm cứ.


Ngay lúc đó, từ những lỗ châu mai trong nhà bên đường, nhiều họng súng của Biệt Động Quân đồng loạt chĩa ra, cùng với tiếng lên cò “lách! cách!”.


Tôi nói với anh sĩ quan Dù,


- Tôi là người chỉ huy Biệt Động Quân. Tôi hứa với các anh rằng, ngày mai Biệt Động Quân sẽ không còn hiện diện ở đây nữa.


Nghe tôi nói thế, lính Dù bèn kéo kẽm gai sang lề đường để cho tôi đi qua.


Tôi đã thức trắng đêm 19 tháng 5 để suy tính sẽ phải làm gì trong những ngày sắp tới. Với tình thế hiện thời, tôi chỉ còn ba con đường để chọn.


-Thứ nhất là, đem quân ra Huế bắt tay với Sư Đoàn 1: Đường ra vào Đà-Nẵng đều bị quân chính phủ chốt giữ, muốn vượt qua, khó tránh đụng độ. Nếu phải đánh nhau, quân lính đôi bên sẽ chết không biết bao nhiêu mà lường. Vả lại, không biết Sư Đoàn 1 tọa lạc ở nơi đâu thì làm sao mà tìm?


- Thứ hai là, đầu hàng quân chính phủ: Nếu làm điều này thì, vừa mở miệng ra lệnh, chắc chắn tôi sẽ bị giết chết ngay bởi những thuộc hạ thân thiết nhất của mình. Mà cho dù binh sĩ trong tiểu đoàn không nỡ giết tôi, chắc chắn tôi cũng sẽ bị ông Dzu làm nhục để trả thù.


- Thứ ba là, vứt bỏ vũ khí, giải tán tiểu đoàn: Cách này giữ được an toàn sinh mạng cho anh em, giữ được sĩ diện cho đơn vị, thuộc cấp sẽ không oán trách tôi là người đã bỏ rơi anh em.


Cuối cùng, tôi chọn con đường thứ ba.


Mờ sáng ngày 20 tháng 5 tôi đi vào từng nhà báo cho anh em biết rằng cấp chỉ huy đã bỏ chúng ta rồi. Nếu chúng ta tiếp tục ở đây, chúng ta không biết sẽ theo lệnh ai. Lính Dù không phải là kẻ thù. Nếu có nổ súng, chúng ta và lính Dù đều chết; chết như thế thì thực là vô ích. Vì thế, tôi cho lệnh giải tán tiểu đoàn, anh em nên trở về với gia đình là tốt hơn cả.


Anh em nghe lệnh này buồn bã lắm, nhưng biết làm sao bây giờ?


Lúc này trong vườn nhà số 5 Chu Văn An chợt có tiếng người bàn tán, ồn ào. Thấy lạ, tôi lách qua hàng rào, bước sang xem có gì xảy ra không?


Nhà số 5 rất rộng, có sân vườn, giếng nước, củi đóm dồi dào. Chủ nhà cũng rất hiếu khách. Hình như chủ nhà có bà con với ông Nguyễn Tấn Đời, chủ nhân của Tín-Nghĩa Ngân-Hàng (?) Vài gia đình binh sĩ đi theo đơn vị đã được tôi gửi gắm trong nhà này. Tôi lên tiếng,


- Có chuyện gì vậy?


Một người lính nói,


- Dạ trình thẩm quyền, vợ anh Sửu chuyển bụng đẻ. Anh em không biết tìm đâu ra Bà Mụ cho chị ấy.


Trong lúc túng thế, tôi đành nói với mấy chị vợ lính,


- Các chị đỡ bà đẻ này ra ngã ba Chu Văn An, Hoàng Diệu, nhờ Nhảy Dù cho xe cứu thương chở đi bệnh viện, chắc họ sẽ không từ chối đâu.


Quả đúng như tôi nghĩ, Quân Y Nhảy Dù đã sốt sắng thi hành công tác nhân đạo này ngay.


Giải quyết xong vụ sinh đẻ của bà vợ lính, tôi chỉ chỗ cho anh em xếp súng ống, đạn dược thành một đống trước sân chùa.


Sau đó, anh em chia tay nhau, túa ra đường Phan Châu Trinh, hướng này không có quân của chính phủ trung ương.


Hạ sĩ Phong tìm được hai bộ quần áo dân sự cho thầy trò tôi. Tôi xin được cái mũ phớt đội lên đầu để tránh người quen nhận diện. Hai người theo con đường vòng đai hướng Đông của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I hướng về Cầu Đỏ.


Tới Cầu Đỏ chúng tôi chạm phải một trạm kiểm soát an ninh do Biệt Động Quân phụ trách. Đơn vị Biệt Động Quân này mới được điều động từ trong Nam ra.


Hai bên cầu dành cho bộ hành có hai người kiểm soát. Bên trái là một sĩ quan dáng cao cao, giọng nói Miền Nam. Tôi kéo vành nón quan sát, thì nhận ra anh ta là Thiếu úy Châu Văn Út, bạn cùng Khóa 20, cùng Đại Đội B Sinh Viên Sĩ Quan Võ-Bị của tôi. Anh là bạn rất thân của tôi, nhưng để anh nhận ra tôi trong tình thế này thì kẹt quá! Nhân lúc anh Út đang bận hỏi han người thanh niên đi trước, tôi lanh tay đẩy chú Phong về phía anh ta. Tôi lẻn sang bên phải đứng nối đuôi một người đi trước; một thượng sĩ kiểm tra phía bên này.

Tôi nghe Út hỏi Phong,


- Anh là lính phải không?


- Dạ phải! Trình Thiếu úy em là lính của tiểu khu, đi phép về thăm nhà nên bị kẹt, hôm nay mới ra khỏi nhà tìm về đơn vị.


- Được rồi! Anh đi đi!


Bên này, ông thượng sĩ cũng hỏi câu như trên, tôi cũng trả lời như chú Phong.


Qua khỏi Cầu Đỏ thì không còn trạm gác nào nữa.


Tới Thanh Quýt, thầy trò tôi ghé quán bên đường ăn mỗi người một tô mì Quảng, rồi lại tiếp tục đi.


Nơi đầu bến xe Hội-An cũng có một trạm kiểm soát hỗn hợp của Quân-Cảnh và Cảnh-Sát. Quân-Cảnh và Cảnh-Sát ở đây thì chẳng lạ mặt tôi tí nào, đành phải tránh thôi.


Vùng đất này của Hội-An thì tôi thuộc từng li, từng tấc. Tôi dự trù cứ ra chùa Long Tuyền xin tá túc ít lâu rồi sẽ tính.


Sau một hồi đi vòng vo, tôi dẫn Phong băng qua vạt ruộng sát vòng rào sân bay Hội-An để leo lên con lộ đất dẫn về Long Tuyền Tự.


Cổng chùa mở rộng. Một chú tiểu đang ngồi chẻ củi trước sân, thấy chúng tôi, chú ngừng tay, ngẩng mặt lên quan sát.Tôi đến bên chú tiểu nói nhỏ,


- Hai đứa tôi là lính của Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân. Đà-Nẵng bị quân Thiệu Kỳ chiếm rồi, chúng tôi chạy về đây. Nhờ chú trình với thầy trụ trì cho chúng tôi tá túc ít lâu.


Chú tiểu đảo mắt, nhìn trước, nhìn sau, rồi kéo tay tôi dẫn vào trai phòng. Nơi đây đã có một nhà sư lớn tuổi với đôi mắt kiếng cận dày cộm đang ngồi đọc sách trên một cái ghế dựa. Chú tiểu chỉ tay về phía chúng tôi rồi ghé tai vị sư già nói nhỏ một câu. Vị sư già nhỏm khỏi ghế rồi tiến lại phía tôi vồn vã,


- Lính của Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân hả? Đà-Nẵng ra sao rồi? Sao lại phải chạy về đây?


Tôi tóm lược chuyện xảy ra tại Đà-Nẵng cho vị sư già nghe. Nghe xong, vị sư già từ tốn,


- Cửa từ bi lúc nào cũng rộng mở. Hai anh có thể nương nhờ ở đây không có gì trở ngại cả. Nhưng từ xưa tới nay chùa không có lệ chứa đệ tử tục gia. Muốn cho người ngoài không nghi ngờ chắc hai anh phải xuống tóc đóng vai tăng, hai anh nghĩ thế nào?


Tôi gật đầu. Thầy chỉ cho tôi bể nước mưa ở giữa sân. Hai chúng tôi ra đó gội đầu.Thầy ra lệnh cho anh sa di đang đứng hầu bên cạnh,


- Chú Quý xuống tóc cho hai anh này đi!


Chú tiểu có tên là Quý vội tất tả đi vào phòng trong, lúc trở ra, trên tay chú có con dao cạo râu của thợ hớt tóc.


Lưỡi dao cạo sắc như nước, rà sát da đầu, từ từ đi từ trán tới đỉnh đầu. Nhìn những chùm tóc lả tả rơi trên nền gạch sân chùa, lòng tôi chợt lâng lâng một cảm giác buồn buồn khôn tả. Ngày đầu bước chân vào Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam tôi đã được ông thợ hớt tóc của trường húi cho một cái đầu "cua" tóc ngắn, để biến tôi từ một thư sinh dân chính với mái tóc bồng bềnh, thành một người lính nhà nghề. Vậy mà chưa tới ba năm sau, sóng đời xô đẩy, tôi đành ngậm ngùi giã từ mái tóc nhà binh để trở thành một nam tăng.


Vài phút sau, khi hai Biệt Động Quân đã trở thành hai ông sư, đầu trọc lóc, thầy trụ trì mới bắt đầu hỏi tên tôi và tên chú Phong. Thầy ngồi ngẫm nghĩ một hồi, rồi chậm rãi,


- Con tên là Long, vậy ta cho con chữ Tùng: Pháp danh của con sẽ là Thích Như Tùng. Cây tùng hay cây thông là biểu tượng của người quân tử.


Quay sang chú Phong thầy tiếp,


- Còn con tên là Phong, ta cho con chữ Sơn: Pháp danh của con sẽ là Thích Như Sơn; con sẽ mãi mãi vững vàng như núi.


Thế là từ chiều 20 tháng 5 năm 1966, Thiếu úy Biệt Động Quân Vương Mộng Long biến thành tỳ kheo Thích Như Tùng, ngày ngày chay tịnh, tu tâm dưới chân Phật Tổ.


Mấy ngày đầu, cứ mặt trời lên tới đọt cau, tôi và Như Sơn lại rủ nhau ra vườn sau phơi nắng bên chân cái tháp cổ. Chúng tôi phơi cho da đầu sạm đi, tránh người lạ tò mò phát giác ra cái đầu vừa xuống tóc.


Thời gian này Chùa Tỉnh Hội Quảng-Nam đang bị Thủy Quân Lục Chiến cô lập. Sa di Thích Như Hạnh giữ vai trò liên lạc viên giữa chùa Tỉnh Hội và chùa Long Tuyền.


Một hôm chú Hạnh từ chùa Tỉnh Hội trở về, mặt rầu rầu,


- Năm nay gặp pháp nạn, Phật Đản không có lễ cung nghinh đức Phật như mọi năm, buồn quá!


Nghe nói vậy tôi pha trò,


- Phật Đản mà Hội-An không có rước đèn thì người người được nghỉ, nhà nhà được nghỉ. Phật Thích Ca cũng được nghỉ, khỏi phải đứng trên tòa sen đặt trong lòng những chiếc ô tô treo cờ kết hoa chạy rong trong phố. Đứng lâu trên xe, xe chạy rề rề, Phật bị chóng mặt và mỏi chân lắm.


Mọi người cùng cười, nhưng lòng không vui.


Như Hạnh trao cho tôi một cái thư tay của Đại úy Tôn Thất Trực nhắn rằng anh ta đang trong tình trạng nguy ngập, chưa biết làm cách nào để thoát ra ngoài. Cùng chung cảnh ngộ với Tôn Thất Trực còn có Đại đức Thích Như Huệ, Trung úy Tuyên Úy Phật Giáo của Trung Đoàn 51 Biệt Lập cũng đang bị kẹt ở đây.


---0---



Đầu tháng 6, Quân Trấn Hội-An mở một đợt hành quân hỗn hợp, bao vây và lục soát Long Tuyền Tự. Tôi tránh mặt bằng cách chui vào nằm trong cái rương dùng làm giường trong liêu tỳ kheo.


Buổi lục soát chấm dứt bằng vụ bắt bớ những người tình nghi phá rối trị an. Ba sư tăng lớn tuổi là Thích Như Sơn, Thích Như Quý và Thích Như Luận đã bị Cảnh Sát bắt về Quân Trấn để thanh lọc.


Lúc này trong chùa chỉ còn lại tôi, thầy Thích Chơn Phát, chú Thích Như Hạnh cùng hai chú tiểu bé con, đầu còn mang miếng vá, tôi không biết pháp danh, đó là chú Quýt và chú Chín.


Thấy tình hình không yên, sợ những người bị bắt sẽ khai tên tôi ra, nên mờ sáng hôm sau, tôi và sa di Như Hạnh ra đầu tỉnh đón xe đi Đà-Nẵng lánh nạn.


Ít ngày sau, núp bên cửa sổ nhà người bạn, tôi xót xa chứng kiến hình ảnh anh Tôn Thất Trực, dưới bộ dạng của một nhà sư, áo lam, đầu trọc, bị trói ngoặt cánh khuỷu, đứng gục đầu trên xe Jeep mui trần, chạy chầm chậm trên đường Phan Chu Trinh Đà-Nẵng. Người ta chở Tôn Thất Trực diễu quanh thành phố nhiều vòng để làm nhục anh. Tôi không rõ số phận Thích Như Huệ ra sao.


Như vậy, Thủy Quân Lục Chiến đã chiếm xong chùa Tỉnh Hội, Hội–An. Nếu tôi không thoát khỏi vụ lục soát ngày hôm trước, chắc số phận cũng không hơn gì anh Tôn Thất Trực.


Tuần sau, thấy tình hình đã tạm yên, tôi bèn rời Đà-Nẵng, trở lại Hội-An. Về tới chùa tôi mới hay, ngay chiều ngày tôi và chú Hạnh đi Đà-Nẵng, những chư tăng bị bắt ngày hôm trước đã được tha. Chú Phong về chùa không gặp tôi nên đã bỏ chùa đi mất rồi.
Tôi nghĩ bụng, gia đình chú Phong ở ngoài Quảng-Trị, nếu Phong về được với gia đình thì không còn điều gì phải lo lắng cả.


Thời gian dài sau đó, tôi quen với nếp sống tu hành đạm bạc. Tôi ngủ trong liêu tỳ kheo cùng thầy Thích Như Luận. Như Luận lớn hơn tôi vài tuổi và là đệ tử lớn nhất của Đại đức Thích Chơn Phát.


Ngày qua ngày, tôi chuyên tâm đọc những sách nghiên cứu về triết lý Phật Giáo. Rồi tôi say mê cái triết lý thoát tục này lúc nào không hay. Tôi đã có ý định rũ bỏ nợ đời, theo đuổi đường tu cứu vớt chúng sinh. Thầy Chơn Phát đặc biệt theo dõi chuyện học tập của tôi. Qua nhiều lần đàm đạo, thầy nhận xét rằng,


- Chú Tùng có thiên tư hơn người. Nếu chuyên tâm, chỉ một thời gian rất ngắn, chú có thể trở thành một thiền sư đi thuyết giảng được rồi.


Vậy là, như người "thi băng, nhảy lớp" tôi mặc nhiên trở thành đệ tử thứ nhì của thầy trụ trì, chỉ đứng sau tỳ kheo Thích Như Luận.


Tôi vốn là người quen nhẫn nhục, siêng năng từ nhỏ, không từ nan bất cứ công việc nặng nhọc nào. Từ cuốc đất, tưới rau, bổ củi, tới quét sơn, quét vôi, rào vườn, đào mương...việc gì tôi cũng làm được cả. Tôi làm việc tất bật suốt ngày, nên quên cả thời gian, quên hết muộn phiền. Gặp lúc rảnh rỗi thì tôi và các chú sa di lại quây quần bên nhau xung quanh bàn cờ tướng hay cùng nhau ngâm nga những câu thơ Tản Đà.


Từ ngày quân chính phủ trung ương chiếm cứ chùa Tỉnh Hội thì người đi lễ Phật dồn về Long Tuyền Tự ngày càng đông. Các chú sa di cứ phải luân phiên leo lên cây chay sau cổng chính hái những chùm chay chín đỏ xuống cho các cô nữ sinh thăm viếng chùa.


Trong số bốn, năm chú tiểu thường leo cây hái chay tặng khách có một anh chàng leo nhanh như khỉ, lúc nào cũng nhe răng cười, nhưng không hề mở miệng nói chuyện với ai. Các cô tưởng nhà sư trẻ tuổi, mặt mày sáng rỡ này bị câm, nên ánh mắt nhìn chàng ta có chứa chất chút gì áy náy xót thương. Các cô đâu có biết chàng ta không mở miệng được chỉ vì chàng không "thông thạo" tiếng Quảng (Nam), chàng là người Hải-Dương. Các cô cũng chẳng ngờ được rằng dưới bộ quần áo tu hành màu lam, cái cốt dấu bên trong của chàng lại là cốt lính.


Thời gian như thoi đưa. Ngày nào cũng thế, buổi sáng, mặt trời dịu dàng, e dè, khép nép, chầm chậm ngoi lên từ cồn cát hướng Đông; buổi chiều, mặt trời sưng vù, đỏ lừ lừ như mặt anh chàng say rượu, vội vàng lủi xuống núp sau lưng hàng phi lao nơi cồn cát hướng Tây. Hàng sầu đông vườn sau vẫn còn tiếng chim cu xanh gáy "gù! gù! gù!" để dụ dỗ nhau, nhưng tiếng ve sầu thì mỗi ngày một thưa đi, nhỏ dần... chắc tụi ve sầu mải mê ca hát quên ăn quên uống, nên bị cái nắng cháy da của mùa Hè thiêu chết dần mòn hết rồi! Chồng sách nghiên cứu và chỉ dẫn con đường về xứ Phật trên đầu giường của tôi mỗi ngày mỗi cao hơn.


Một hôm có hai người khách lạ tới vãn cảnh chùa. Họ đi loanh quanh dò xét khắp nơi, dáng điệu thật đáng nghi. Khuya hôm đó có tiếng chó sủa vang từ ngoài cồn cát về tới xóm lá bên đường sát Long Tuyền Tự. Rồi có tiếng người đập cửa ầm ầm,


- Mở cổng! Mở cổng ra mau!


Thì ra đó là một toán du kích Việt-Cộng địa phương.Trước đây họ vẫn lâu lâu ghé về thu thuế một lần. Nhưng từ thời có sự hiện diện của Quân-Đội Đồng-Minh thì họ không dám bén mảng gần vùng này nữa.


Thầy Như Luận khuyên tôi ẩn mình trong rương để đề phòng bất trắc.


Cái rương đa năng này tháng trước là nơi tôi ẩn núp trốn lánh một cú bố ráp của người Quốc-Gia, hôm nay tôi lại chui vào rương để trốn tránh người Cộng-Sản.


Tôi nghe tiếng cánh cổng chùa kêu ken két, rồi có tiếng người ra lệnh,


- Mời tất cả sư sãi trong chùa này ra tập trung trước sân cho tôi kiểm tra. Mau lên!


Sau đó là tiếng lên cò súng “lách! cách!” cùng tiếng dép guốc “lộc cộc!” rộn rịp của chư tăng.


Tên chỉ huy Việt-Cộng ra lệnh,


- Tất cả ngồi xuống đây! Không ai được đi đứng lộn xộn! Sư trụ trì nghe tôi hỏi đây: Chùa đang chứa chấp một tên chỉ huy Biệt Động Ngụy có đánh trận Kỳ-Lam hồi tháng 2, mau giao nó ra đây!


Thầy Chơn Phát trả lời,


- Tất cả mọi người trong chùa này đều có mặt ở đây. Toàn là sư sãi cả, làm gì có lính Ngụy mà giao? Các ông muốn bắt ai thì bắt đi!


Bọn du kích chia nhau đi lùng sục khắp nơi. Từ điện thờ tới nhà bếp, gác chuông, bể nước, nơi nào cũng bị ánh đèn pin rà xét kỹ càng. Chúng không ngờ hai cái giường trong liêu tỳ kheo, có chiếu trải ở trên, bên dưới lại là hai cái rương có thể chứa người nằm duỗi chân thoải mái.


Chừng nửa giờ sau bọn du kích rút đi.


Chờ cho tiếng chó sủa xa dần rồi im bặt, thầy Như Luận mới về phòng kêu tôi chui ra khỏi chỗ trú ẩn. Tình trạng an ninh của tôi thời gian này đúng là đang nằm trong thế trên đe, dưới búa. Ban ngày thì sợ quân Quốc-Gia, ban đêm lại sợ quân Cộng-Sản, lúc nào cũng nơm nớp, bồn chồn.


Không rõ ai đã tiết lộ tin Việt-Cộng nửa đêm đột nhập Long Tuyền Tự tìm bắt một sĩ quan Biệt Động Quân, mà hai ngày sau ông Đại úy trưởng đồn Quân-Cảnh đã đích thân lái xe ra hạch hỏi thầy trụ trì rằng có sĩ quan “phản loạn” nào còn đang trốn trong chùa không?


Thấy tình hình có vẻ không yên, thầy Chơn Phát tính chuyện cho tôi rời chùa đi tá túc nhà bạn bè một thời gian, sau đó tìm đường vào Sài-Gòn đổi tên họ rồi vào chùa tu luôn.


Hai ngày sau tôi từ giã thầy tôi rồi khăn gói lên đường.


Lựa lúc mặt trời đứng bóng, trạm gác Cảnh-Sát trước quán tạp hóa của nhà cô Hòa không có ai, tôi vội băng qua bãi cát nóng cháy lẩn vào khu xóm nhà bên Bến Xe Hội-An, Đà-Nẵng.


Còn cách bến xe chừng vài nhà, tôi đụng đầu Đỗ Khế, một anh bạn bảy năm cùng lớp Trung Học Trần Quý Cáp. Khế đang nghỉ Hè. Nó không đi lính như tôi mà thi vào Sư Phạm Toán. Nó dúi cho tôi ít tiền và khuyên tôi xuống nhà thằng bạn Huỳnh Ngọc Thành ở ngoại ô mà trốn.


Tôi nghĩ, nhà thằng Thành nằm trên đường đi Cửa Đại, xa trung tâm Hội-An, nhưng lại sát rào nhà thằng bạn Ngô Rân, mà bố thằng Ngô Rân lại làm Cảnh-Sát. Trốn trong nhà thằng Thành chắc cũng không ổn.


Cuối cùng, tôi tính chuyện đi bộ ra Lai Nghi, rồi quá giang xe lên Vĩnh-Điện vào nhà thằng bạn Đặng Xuân Nghĩa tá túc ít lâu. Nhà thằng Nghĩa nằm trên Quốc lộ 1, ngày nào cũng có xe tốc hành Sài-Gòn chạy qua.


Ra khỏi thành phố, tôi thủng thỉnh theo lề quốc lộ mà đi. Bất chợt, một chiếc xe tuần cảnh từ trong khu đóng quân của Thiết Giáp chạy ra quẹo về thành phố. Tôi đi bên lề trái đường nên tôi và chiếc xe chỉ cách nhau chừng hai thước khi gặp mặt. Xe tuần cảnh chạy được vài chục thước đột nhiên quay ngược lại dừng sau lưng tôi. Một người ngồi trên xe lên tiếng gọi,


- Cậu Long! Cậu Long ơi!


Thế là tôi bị bắt!


Trung sĩ Quân Cảnh Lê Danh Ba nhảy xuống xe cười hì hì,


- Đã có kế hoạch sáng sớm mai đột nhập chùa Long Tuyền để bắt cậu rồi, không ngờ lại gặp mặt cậu ở đây! Thôi! Cậu lên xe về Quân Trấn đi!


Trung sĩ Lê Danh Ba gốc Bảo An Đoàn là dân Bắc-Kỳ Di Cư. Những gia đình Bắc-Kỳ Di Cư ở Hội-An đều quen biết nhau hết. Với một số gia đình, tôi được coi là cái gương tốt cho lớp đàn em, con cái của họ noi theo.


Trung sĩ Lê Danh Ba là người bạn lâu đời của gia đình tôi. Ông chứng kiến tôi lớn lên từ tuổi mười bốn cho tới khi tôi trưởng thành. Năm mười tám tuổi, trong một lần tập quay xà ngang, tôi bị ngã dập ngực, ông đã bỏ ra nửa tháng trời vất vả, ngày ngày tới nhà tôi đắp thuốc cho tôi lành bệnh. Cuối năm 1963, ông cũng ra tận sân ga Đà-Nẵng để tiễn tôi lên đường tòng quân.


Trung sĩ Ba nhường ghế trưởng xa cho tôi rồi nhảy sang thay chỗ cho tài xế. Ông nói,


- Hồi tháng trước, chúng tôi vây chùa, bắt được thằng cận vệ của cậu, nhưng tôi đã lén thả nó ra. Những tưởng cậu đã đi đâu mất rồi, không ngờ cậu vẫn còn loanh quanh ở Hội-An.


Tôi chán nản,


- Quốc, Cộng đều truy nã tôi, tôi biết đi đâu bây giờ?


- Cậu có còn nhớ chuyện Việt-Cộng nó treo giá cái đầu của cậu một vạn đồng sau trận Tháp Bằng-An, Kỳ-Lam không? Nay cậu bị Quốc-Gia bắt còn may mắn trăm lần hơn là bị Cộng-Sản bắt.


Xe chạy tới ngã ba, một đường về Chùa Cầu, một đường về tiểu khu. Thời gian này, nhà tôi ở cách Chùa Cầu hơn trăm thước. Trung sĩ Ba dừng xe, rồi nói,


- Hay tôi thả cậu về nhà, tắm rửa, nghỉ ngơi, mai tôi tới đón cậu vào tiểu khu trình diện. Tôi tin chắc rằng cậu sẽ không trốn đi, làm cho tôi bị liên lụy.


Tôi cảm động,


- Chắc chắn tôi không làm bác bị vạ lây đâu! Cám ơn bác nhiều.


Trung sĩ Ba thả tôi xuống trước cửa nhà rồi lái xe đi.


Mẹ tôi thấy con mình bình an trở về, mừng quá khóc òa.


Tám giờ sáng hôm sau xe tuần cảnh tới đón tôi vào tiểu khu. Trung sĩ Ba giao tôi cho Ban Thẩm Vấn của Ty An-Ninh Quân-Đội Quảng-Nam. Ông Thiếu úy Cao Xuân Hương, dân Quảng-Bình, là trưởng ban thẩm vấn, phụ tá cho ông là hai hạ sĩ quan và một đảng viên Đại-Việt tên là Công người Quảng-Nam.


Trong thời gian bị giam giữ trong Ty An-Ninh Quân-Đội Quảng-Nam tôi chỉ giáp mặt Thiếu úy Cao Xuân Hương ba lần. Lần đầu là ngày Trung sĩ Lê Danh Ba giao tôi cho ông ta. Lần thứ nhì là ngày hồ sơ của tôi hoàn tất. Lần thứ ba là ngày tôi từ giã ông ta để lên đường trình diện Sở 1 An-Ninh Quân-Đội ngoài Đà-Nẵng. Hai lần đầu ông Hương còn đeo lon thiếu úy, lần thứ ba, cuối tháng 8 năm 1966, tôi gặp ông để chào từ giã thì ông đã lên trung úy. Mãi mười sáu năm sau (1982) tôi mới gặp lại ông ở Trại Cải Tạo Z30C Hàm -Tân. Tôi và ông Hương bị giam trong cùng một nhà, nhưng khác đội sản xuất. Tôi làm công việc cuốc đất trồng rau. Còn ông Hương làm công tác đổ thùng. Ông Hương được Việt-Cộng tha ra khỏi trại cải tạo trước tôi năm năm.


Ban thẩm vấn chiếm hai dãy nhà trong tiểu khu để giam giữ những quân nhân phạm tội tham gia lực lượng ly khai. Tôi bị đưa vào căn nhà chứa sĩ quan và hạ sĩ quan. Căn nhà này có nhiều phòng, cứ hai người ở một phòng. Có khoảng mười sĩ quan và hạ sĩ quan đang bị giam. Tôi ở chung phòng với ông Trung úy Cư, Sĩ quan Hành Chánh Quân Y của tiểu khu. Trừ Trung sĩ 1 Lê Văn Ru ra, tôi chỉ biết mặt anh Thiếu úy Nồng của Chi Khu Hiếu-Nhơn; anh này học ngang lớp với tôi và đi lính trước tôi vài năm.


Bên nhà giam thứ hai thì nhốt những quân nhân ly khai hàng binh sĩ. Anh lính được phân công đi nhặt rác trong sân ngày hôm đó là một Binh nhì Biệt Động Quân. Vừa thấy mặt tôi, anh ta đã nhào tới, ôm tôi, rồi khóc rưng rức,


- Trời ơi! Thẩm quyền cũng bị bắt vào đây ư? Đại úy Trực đã bị họ còng tay dẫn đi mất tiêu từ lâu rồi! Còn em và anh Pha nằm ấp ở đây mấy tháng nay, ngày nào cũng bị đánh. Khổ lắm! Thẩm quyền ơi!


Tôi chẳng biết nói gì để an ủi người đàn em này. Nó chỉ là một binh nhì nấu cơm cho Đại úy Tôn Thất Trực; thày nó hết thời, nó cũng bị vạ lây. Tôi bèn an ủi thằng em,


- Chú đừng lo! Chú là binh nhì, quá lắm người ta nhốt chú ít lâu, rồi cho chú giải ngũ, càng sướng.


Nghe tôi nói có lý, thằng em cũng bớt buồn phiền. Nó chỉ cho tôi một người đang bị quỳ gối trước sân, hai tay cố giữ một tảng đá khá nặng đặt trên đầu, rồi nói,


- Hạ sĩ Pha đó thẩm quyền! Ngày nào anh Pha cũng bị phạt đội đá hai tiếng đồng hồ, tội nghiệp lắm thẩm quyền ơi!


Người đang quỳ gối, đầu đội đá đã nhìn thấy tôi, anh ta hơi nghiêng đầu, chớp chớp hai mắt để chào tôi.


Tôi gật đầu chào lại và dơ tay vẫy vẫy vài cái an ủi anh ta. Hạ sĩ Pha là tài xế của Đại úy Tôn Thất Trực. Pha ra dấu cho tôi tới gần, nó thì thào,


- Thầy ơi! Thầy có biết số phận thầy Trực của em bây giờ ra sao không? Em lo lắng quá! Em sợ người ta xử tử thầy em! Tội nghiệp thầy em!


Nghe chú Pha hỏi, tôi chợt nhìn ra cái giá trị cao vời trong con người của một anh tài xế đang quỳ gối giữa sân kia! Trong hoàn cảnh khốn cùng như hiện nay mà người lính ấy còn lo lắng tới sự an nguy của thầy mình; đây quả là một tấm gương hiếm thấy, đáng cho tôi cảm phục.


Tôi trấn an Pha,


- Em yên tâm, anh Trực không sao cả, anh Trực còn sống.


Tôi thấy mắt Hạ sĩ Pha chợt đỏ, hai hàng lệ từ từ lăn trên má nó.


Đầu tháng 8 tôi bị gọi lên văn phòng gặp ông đảng viên Đại-Việt tên Công để thụ lý tội trạng.


Ngay phút đầu tiên ông tra tấn viên lành nghề này đã áp đảo tinh thần đối phương bằng cách la lối ồn ào, đập bàn, quát tháo, hăm he,


- Anh phải khai thật rõ ràng, thật chi tiết tội trạng của anh, nếu không, đừng trách tôi nặng tay!


Chờ ông ta dứt lời, tôi tỉnh bơ,


- Chắc chắn anh đã biết, tôi lớn lên ở thành phố này, là một sĩ quan Võ-Bị, một đại đội trưởng Biệt Động Quân. Chỉ cần anh không kết tội tôi là Việt-Cộng, còn bất cứ tội gì, tôi cũng nhận hết, khỏi dài dòng mất công.


Miệng nói, mắt tôi nhìn chằm chặp vào mặt ông ta. Ông ta quay mặt sang hướng khác.


Kể ra thì cái ông Công này cũng biết điều, hay là ông ta thuộc loại cáo già, nên nghe tôi thẳng thừng ra điều kiện, ông ta không thèm lớn tiếng dọa nạt nữa, mà chỉ đưa ra một đống câu hỏi trên giấy, bắt tôi đọc, rồi viết trả lời. Trả lời xong, phải ký tên. Đúng là "giấy trắng mực đen", sau này tôi hết đường phản cung.


Một tuần lễ trôi qua, tội trạng của tôi được đúc kết và ghi chép lại thành một tập dày trên hai chục tờ giấy đánh máy. Thẩm vấn viên Công đọc lại cho tôi nghe một lần, rồi yêu cầu tôi ký tên cạnh tên ông ta nơi trang cuối cùng. Tôi nhanh nhẹn ký liền. Thế là xong việc!
Cũng từ hôm kết thúc hồ sơ, tôi không còn dịp gặp riêng ông Công lần nào nữa. Năm sau tôi được tin ông Công ra ứng cử chức dân biểu quốc hội, đại diện cho khu vực Hội-An nhưng không được dân tín nhiệm.


Ít bữa sau, hồ sơ của tôi được chuyển ra Sở 1 An-Ninh Quân-Đội ngoài Đà-Nẵng.


Tôi thấy các ông Trung úy Cư, Thiếu úy Nồng, Trung sĩ 1 Ru cùng nhiều vị khác bị giam ở đây đã lâu, vậy mà hồ sơ của họ vẫn chưa thụ lý xong mới lạ!


Nghe tôi nói hồ sơ của tôi đã hoàn tất, ông Cư tò mò hỏi,


- Có chạy chọt hay sao mà lẹ vậy?


- Chạy chọt là sao?


- Thì dấm dúi tiền cho họ, họ bớt tội cho, đề nghị giảm khinh rồi gửi hồ sơ đi chứ gì nữa! Giả bộ ngây thơ hả?


Tôi nổi tam bành,


- Này! Đừng có nói bá láp! Ông đánh bể mỏ bây giờ! Cái gì mà dúi tiền? Cái gì mà giảm khinh?


Thấy tôi sửng cồ, ông trung úy già vội làm hòa,


- Thì thấy cậu kết thúc hồ sơ nhanh quá, anh nghi, nên nói vậy. Thôi! Không phải thì bỏ qua nghe!


Sau đó chúng tôi hòa. Ông Cư cho tôi biết không phải ai cũng được đối xử nhân đạo như tôi đã được đối xử đâu. Ông Thiếu úy Cao Xuân Hương, hai ông hạ sĩ quan và ông đảng viên Đại-Việt không phải là những người tiếc những cú đấm ngàn cân giáng vào hàm, vào mặt quân ly khai, mà còn tận lực sử dụng nó một cách hăng say nữa! Quân ly khai nào ngoan cố, cứ chối tội hoài, thì biết tay các vị đó ngay.


Qua những lần tiếp xúc với các vị "đồng phạm" khác, tôi phát giác ra một điều: Khi bị hỏi cung, mọi người sợ bị phạt, cố tìm cách chối tội, đổ lỗi cho cấp chỉ huy đã ra lệnh cho họ tham gia lực lượng ly khai, chứ cá nhân họ không muốn như vậy.


Khổ một điều là cấp chỉ huy của họ giờ chót đã trở cờ, nên họ càng chối càng bị đánh; có người còn bị trấn nước, đội đá, quay điện, cho tới khi chịu nhận tội, ký vào bản tự tường trình họ mới được yên.


Hóa ra tội gì cũng nhận như tôi mà lại hay; vừa được an thân vừa giúp đỡ các thẩm vấn viên khỏi vận công vận sức.


Anh Thiếu úy Nồng và một thiếu úy khác, bạn cùng đơn vị với anh ta cứ luôn mồm oán thán cấp chỉ huy trực tiếp của hai anh là ông Đại úy Kỳ, chi khu trưởng hay chi khu phó gì đó.


Sĩ quan và hạ sĩ quan tuy bị nhốt trong nhà giam của An-Ninh Quân-Đội nhưng ẩm thực lại do gia đình lo liệu. Ngày ngày cứ vào giờ quân nhân của tiểu khu nghỉ trưa, nghỉ chiều, chúng tôi lại ai về nhà nấy ăn cơm, hai giờ sau quay lại, cứ như là công chức!


Ông Trung úy Cư có cô con gái lớn tên là Mai mười sáu tuổi. Sau giờ học, cô Mai làm việc thêu thùa để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ngày ngày cô Mai đều ghé nhà giam đưa cơm cho bố một lần vào buổi trưa. Cô cũng đem cho bố những mẩu vải cắt sẵn để ông giúp cô, thêu phù hiệu, huy hiệu, hay lon đen, lon trắng của quân đội Hoa-Kỳ. Đêm đêm, dưới ánh điện mờ, ông Cư cặm cụi kim chỉ cho tới khuya mới đi ngủ. Những lúc ngồi buồn, ông Cư hỏi tôi đủ điều, về gia thế, tuổi tác, vợ con. Tôi tình thực kể chuyện đời mình cho ông bạn già đồng cảnh này nghe. Biết tôi chưa có gia đình, ông Cư nói đùa,


- Ngày mai con Mai tới đưa cơm, cậu thích nó thì gắng làm quen với nó. Nó cũng dễ coi, nhưng hiền lắm, chưa có bồ.


Tôi đã nhiều lần nhìn tận mặt cô gái Huế này rồi. Ngày nào cô ấy chẳng ghé đây? Cô ấy có thể gọi là đẹp, vừa ngây thơ, vừa dịu dàng.


Hôm sau tôi được một cô bạn gái vào thăm. Ông Cư lịch sự tránh mặt bằng cách ra sân tản bộ.


Cô Hối, bạn tôi, vốn là người tôi quen từ trước ngày đi lính; Hối là học trò Trường Trung Học Tư Thục Diên-Hồng, nhà cô ấy ở trước trại Tây Hồ. Mẹ tôi không có cảm tình với cô này, chỉ vì Hối không phải là con nhà dòng dõi Bắc-Kỳ Di Cư.


Hối mang cho tôi một giỏ quà gồm bánh tét, giò, chả, bánh ngọt và thuốc lá. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau gần một tiếng đồng hồ thì ông trung sĩ trực văn phòng tới gõ cửa, báo cho biết đã hết giờ.


Cô Hối vừa khuất dạng, hậu quả của vụ thăm nuôi đã ập tới ngay: Ông Trung úy Cư không còn nhắc tới tên cô Mai nữa; ông cũng quên luôn chuyện khuyên tôi tìm cách làm quen với ái nữ của ông.


Cũng nhân vụ chính biến 1966 này mẹ tôi mới nhìn ra, gần chục gia đình Bắc-Kỳ Di Cư mà mẹ tôi nhắm hỏi con gái nhà họ về làm dâu, gặp cơn hoạn nạn, chẳng có ma nào đoái hoài tới gia đình tôi cả. Thậm chí có nhà còn vội vàng gả chồng cho con gái, đám cưới xảy ra nhanh như đám cưới chạy tang. Chỉ có một “con bé Quảng-Nam” mà mẹ tôi không ưa nhất lại liều mạng vào nơi tù tội thăm hỏi con bà. Sau này vì tôi ở Pleiku, Vùng 2, xa xôi cách trở, nên tôi và Hối không còn liên lạc với nhau.


Cuối tháng 8 năm 1966 tôi ra Đà-Nẵng trình diện Sở 1 An–Ninh Quân Đội. Trung tá Chánh sở 1 dẫn tôi lên trình diện Thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm tân Tư Lệnh Quân Đoàn I và Vùng 1 Chiến Thuật. Thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm, là nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh. Ông này đã đứng trung lập trong thời gian đầu của cuộc chính biến Miền Trung. Sau đó ông Lãm chỉ xác định lập trường ủng hộ Tướng Kỳ vài ngày trước khi Không Quân Mỹ đổ quân của chính phủ trung ương xuống phi trường Đà-Nẵng. Người mà Thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm đã thay thế là Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao. Thiếu tướng Cao nhậm chức thay Tướng Đính sau khi tôi giải tán tiểu đoàn vài ngày. Vì lập trường của Tướng Cao cũng chao đảo, không dứt khoát, nên ông ta bị bốc chức ngay.


Tôi đứng nghiêm giữa phòng. Sau bàn giấy, ông Tướng Thiết Giáp ngồi dựa lưng trên ghế, trước mặt ông là chồng hồ sơ ghi tội trạng của tôi. Ông từ tốn nói,


- Mi anh hùng dữ hí! Tau cũng nể mi luôn! Tau phạt cho mi nhớ hí! Sau này có làm việc gì cũng phải suy tính thiệt hơn, đừng hồ đồ mà mang họa vào thân!


Đầu tháng 9 năm 1966 tôi ra trình diện Quân Lao Mang-Cá, Huế, sau khi lãnh cái giấy phạt 30 ngày trọng cấm với tội danh "Sĩ quan vô kỷ luật. Tự ý dẫn đơn vị tham gia Phong Trào Phản Loạn Miền Trung"


May mắn là, lúc nhận sự vụ lệnh của tôi, Trung úy Ưng Dung, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm 1 Quản Trị Địa Phương đã kịp nhận ra tôi là đứa bạn thân của thằng cháu ông, nên ông không tống tôi vào giam trong quân lao. Ông cho phép tôi được về ở trong nhà trọ sát chùa Báo Quốc, cấm lang thang trong thành phố. Mỗi ngày tôi phải vào văn phòng trình diện ký tên trong sổ điểm danh một lần.


Thời gian này tôi thấy người bạn cùng bị giam ở Hội-An là anh Thiếu úy Nồng, mặt mày xanh xao, thất thểu trong đoàn lao công có lính canh dẫn đi làm tạp dịch. Tôi không rõ tương lai đời anh thiếu úy kém may mắn đó đi về đâu.


Ngày 1 tháng 10 năm 1966 tôi được tự do lang thang bên bờ Hương Giang để chuẩn bị hôm sau sẽ từ giã Huế.


Thời gian này Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân đã bị đưa vào Pleiku thay cho Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân di chuyển ra Đà-Nẵng. Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân đã có người chỉ huy mới là Đại úy Nguyễn Kim Biên.


Đại úy Nguyễn Thừa Dzu đã đi luôn, theo nghề Cảnh-Sát, không một lần quay lại thăm đơn vị cũ. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 ông Dzu đã trở thành một trong số những người Việt-Nam tị nạn đầu tiên có mặt trên xứ Hoa-Kỳ.


Tôi được trả về đơn vị gốc là Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân, nên phải trình diện Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 2 Biệt Động Quân ở Biển Hồ. Vì tôi không mang theo hồ sơ quân bạ, nên Trung tá Nguyễn Đức Ninh, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 2, cho tôi làm một công việc làng nhàng là chức vụ phụ tá hành quân cho Đại úy Nguyễn Văn Huân.


Nghe tin tôi trở về, anh em binh sĩ của Đại Đội 3/11 ùn ùn kéo nhau tới tụ hội trong căn gia binh của Trung sĩ Cẩn, mở tiệc nhậu mừng tái ngộ. Thầy trò chúng tôi ngồi bên nhau truyện trò om sòm cho tới khuya.


Trưa hôm sau thì Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân có lệnh lên đường vào vùng. Trước giờ vào sân tập họp, đàn em để lại cho tôi một bao cát gạo trắng, một chai tàu vị yểu con mèo, một cái nồi nấu cơm cá nhân, và một bó củi. Binh 1 Trần Được trao cho tôi một túi chứa bạc cắc và dặn tôi nếu đi Pleiku thì dùng nó để trả tiền xe Lamb.


Thời gian này đang là giữa mùa Đông, mà ban đêm thì Pleiku lạnh lắm. Mấy chú đàn em lại quên không kiếm cho tôi một cái mền hay poncho để đắp khi đi ngủ, nên tôi phải đốt một bếp lửa giữa nhà, rồi ngồi bó gối hong cho đỡ rét. Tới khi mệt quá, tôi lăn quay ra chiếu, ngủ chưa được hai tiếng đồng hồ thì trời đã sáng rồi. Hôm sau tôi vào bộ chỉ huy kể chuyện này cho Đại úy Kính nghe. Ông Kính vội ra lệnh cho anh thủ kho phát cho tôi một cái mền nhà binh và một cái poncho.


Trong hai ngày kế tiếp tôi chỉ loanh quanh trong hậu cứ của Tiểu Đoàn 11 và Chiến Đoàn 2 rồi về căn cuối cùng của trại gia binh, nằm bên lề đường vào sở trà Biển Hồ, nấu cơm rồi ngồi ăn với xì dầu.


Trưa ngày thứ tư thì tôi lên xe Lamb ra phố tìm đường tới chùa Tỉnh Hội Pleiku.


Tôi vào chùa xin gặp mặt thầy trụ trì để trao một cái thư tay của Đại đức Thích Chơn Phát. Người tiếp tôi trước khi được giáp mặt thầy trụ trì là ông trung úy đặc trách Phật Vụ của Quân Đoàn II. Ông trung úy này tên là Nghiêm, tốt nghiệp khóa 14 Võ-Bị. Trung úy Nghiêm bảo tôi ngồi chờ trong văn phòng ông rồi nhanh nhảu mang cái thư tay đi tìm thầy trụ trì. Chừng năm phút sau tôi được đưa lên phòng khách của chùa. Thầy trụ trì đã đọc những lời gửi gấm nhờ vả của thầy tôi, ông nhìn tôi rồi nói thật nhỏ,


- Con đừng tới đây thường xuyên. Chùa đang bị theo dõi. Tới đây thường sẽ bất lợi cho con.


Nói xong thầy trao cho tôi một cái bì thư khá dày. Tôi được Trung úy Nghiêm dẫn ra cổng rồi bắt tay từ biệt. Năm 1979 tôi gặp lại ông Nghiêm trong trại tù Nam-Hà A. Tôi nhắc lại chuyện xưa, thì ông đã quên.


Về tới Biển Hồ, tôi bóc cái bì thư, thấy năm ngàn đồng nằm trong đó. Mấy tháng rồi tôi không có lương, nên nhận được sự giúp đỡ này, tôi cảm động vô cùng.


Cũng nhân cái cớ tôi không có hồ sơ quân bạ, nên Trung tá Ninh dễ dãi cho tôi miễn hành quân, cứ nhởn nhơ, lang thang trong phố, đôi khi cả tuần lễ tôi không ghé về Biển Hồ.


Các ông Trung sĩ Hai, Trung sĩ Nghiễm trong ban Biệt Cảnh, tuần tra của Biệt Động Quân trong thành phố Pleiku đều biết tôi là sĩ quan phụ tá của ông Đại úy Huân, nên chẳng làm khó dễ gì nếu gặp tôi nửa đêm, nửa hôm còn lang thang trong phố. Ngày qua ngày, tôi sống như một lãng tử bất cần đời.


Có một thời gian tôi tá túc trong nhà vợ chồng Trung úy Trọng, Trưởng ban 1 Chiến Đoàn. Nhà này nằm trên đường Phan Đình Phùng, Pleiku. Bên kia đường là một dinh cơ ba tầng lầu mới xây. Dinh cơ này có một cô tóc thề ngang vai, ngày ngày cắp cặp đi về. Tôi đã đôi lần cố tình đi ngược chiều gật đầu chào cô với tư cách là người hàng xóm lịch sự, nhưng cô ta làm lơ không thèm để ý.


Không ngờ, giữa trưa một hôm, chắc là ngày lành, tháng tốt (!) tôi nghe trên sân thượng nhà cô có tiếng gọi,


- Ông thầy ơi! Ông thầy ơi!


Ngẩng mặt lên, tôi nhận ra người đứng trên gác là Binh 1 Lê Hữu Hường, thuộc cấp cũ của tôi ở Đại Đội 3/11. Hường là một trong những người chứng kiến hình ảnh một thiếu úy Võ-Bị mới ra trường, chiều ngày 10 tháng 2 năm 1966 đáo nhậm đơn vị bằng cách đeo bám cửa sau một chiếc xe đò đầy khách chạy đường Hội-An, Đà-Nẵng; Hường cũng là một trong hai mươi ba người của Trung Đội 1, Đại Đội 3 đã tập họp trên Gò Phật, Thanh-Quýt, Điện-Bàn, Quảng-Nam để chào đón tôi về làm người chỉ huy. Từ sau trận Tháp Bằng An, Điện Bàn, Quảng-Nam, ngày 22 tháng 2 năm 1966, tôi trở thành sĩ quan đại đội trưởng của Hường cho tới sáng 20 tháng 5 năm 1966 là ngày thầy trò chia tay nhau nơi sân sau chùa Phổ- Đà, Đà-Nẵng.


Hường vui mừng, rối rít mời,


- Ông thầy qua đây chơi!


Tôi qua đường, Hường cũng vừa mở cửa. Quay vào trong nhà, anh ra lệnh,


- Con Lê đâu? Pha trà! Pha trà mau! Nhà có khách!


Cô hàng xóm của tôi ló đầu sau cầu thang,


- Thưa cậu, con đây, có trà ngay!


Tôi ngồi chơi với Hường chừng nửa giờ sau thì cáo thoái.


Hường tiễn tôi ra cửa, vừa cười, vừa nói oang oang,


- Nhà này là nhà chị tôi. Lâu lâu tôi ghé thăm. Còn con Lê là cháu gọi tôi bằng cậu. Nó tuy ngổ ngáo nhưng dễ thương lắm. Để hôm nào tôi giới thiệu Thiếu úy cho nó nhe!


Về tới cửa nhà mình, tôi lần túi lấy bao thuốc lá. Chợt nhớ ra mình vừa bỏ quên chiếc bật lửa Zippo trên bàn nhà chú Hường đành quay lại tìm.


Tới cửa, tôi nghe hai cậu cháu anh Hường đang trò chuyện với nhau.


Tiếng cô cháu trách móc ông cậu,


- Cậu quen cái ông lính kiểng này hả? Cháu thấy ông ấy chẳng làm ăn gì cả. Chắc ổng là dân chuyên môn trốn hành quân, suốt ngày lang thang đi đếm cột đèn. Cậu lánh xa ông ta đi! Cậu ơi!


Tiếng ông cậu nạt cô cháu,


- Mi đừng có nói bá xàm, bá láp! Im cái mồm đi! Không biết cái gì mà cũng léo nhéo, tầm bậy, tầm bạ!


Nghe thấy thế, tôi quay lưng biến nhanh.


Lúc sau Hường qua gõ cửa,


- Ông thầy bỏ quên cái bật lửa.


- Ừ! Tôi cũng mới biết, nhưng chưa kịp chạy qua thì chú đã đem nó sang đây.


Hường chào tôi rồi hẹn,


- Lần tới, về nghỉ dưỡng quân, tôi sẽ dẫn ông thầy và con Lê vào rạp Thanh Bình coi ciné. Đi chơi chung vài lần là ông thầy và nó sẽ quen nhau.


Ngờ đâu, chỉ ít lâu sau, tôi biết tin Hường tử trận khi xác nó đã được đưa về tới quê nhà Hội-An rồi. Nó đền nợ nước trong lúc xung phong chiếm một mục tiêu trong vùng Tây Bắc quận Dak-Tô.


Một hôm đang lang thang trong sân nhà thờ Pleiku, tôi tình cờ gặp lại anh cựu Trưởng ban 5 Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân là Hồ Văn Hữu. Anh Hữu đã lên thiếu úy, và đang mang trên người bộ quần áo của Cảnh-Sát Dã-Chiến. Hữu ngỏ ý xin tôi một bộ đồ hoa. Tôi ngạc nhiên,


- Anh đã sang Cảnh-Sát rồi còn xin đồ rằn ri Biệt Động làm gì?


- Mình xin ra khỏi Cảnh-Sát rồi.


- Lý do gì vậy?


- Không hợp với mình, nếu ở vào trường hợp mình, Long cũng làm như mình mà thôi.


Tôi về Biển-Hồ lấy một bộ đồ hoa, đem ra cho Hữu. Hữu đang tá túc trong nhà cô bạn gái tên là Trang. Cô Trang là ca ve của Hội Quán Phượng-Hoàng. Vài ngày sau, Hữu lên đường đáo nhậm đơn vị mới. Đơn vị mới của anh là Biệt Khu 24 trú đóng trên Kontum. Năm 1974 anh Hữu đã thành một Thiếu tá tiểu đoàn trưởng của Trung Đoàn 41 Sư Đoàn 22 Bộ Binh.


Trước lúc ra đi, Hữu tâm sự với tôi,


- Ở Cảnh-Sát người ta nhìn mình với con mắt khinh khi. Thấy mình, họ cứ xầm xì với nhau rằng, tụi Biệt Động Quân Tiểu Đoàn 11 là bọn lừa thầy phản bạn, sớm đầu, tối đánh. Mình định xin về lại Tiểu Đoàn 11, nhưng ngại anh em binh sĩ còn oán hận mình, vì ngày đó mình đi theo ông Dzu. Cuối cùng, mình đành chọn Biệt Khu 24.


Thời gian ở Pleiku tôi cũng phát hiện ra, ngoài những quân nhân của Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân, còn nhiều người trực thuộc những đơn vị khác của Vùng 1 cũng bị đổi lên Cao Nguyên như chúng tôi, với cùng tội trạng là đã tham gia phong trào ly khai chống chính phủ.


Trong khi hồ sơ quân bạ của tôi còn bay lang thang đâu đó thì cái giấy phạt thứ nhì đã tới Ban 1 của Chiến Đoàn. Giấy phạt lần này là 60 ngày trọng cấm do Tướng Cao Văn Viên ký, tội trạng được sao lại nguyên văn từ giấy phạt của Tướng Hoàng Xuân Lãm: "Sĩ quan vô kỷ luật. Tự ý dẫn đơn vị tham gia Phong Trào Phản Loạn Miền Trung"


Như vậy là cùng một tội trạng, tôi đã lãnh 90 ngày trọng cấm. Nhận cái giấy phạt dưới hình thức "gia tăng tối đa" của Trung tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa, lòng tôi không chút mảy may lo sợ hay buồn phiền gì cả; tôi như đứa bé chịu nhiều roi vọt quá, đã trở thành chai đá, lì đòn mất rồi!


Trung tá Ninh, trong các buổi họp tham mưu, đã nhiều lần áy náy cho tình trạng của tôi:


"Tội nghiệp thằng bé! Cấp chỉ huy đều trở giáo hết, nên tội lớn, tội nhỏ đều đổ lên đầu nó cả!"


Trước Noẽl 1966 Chiến Đoàn 2 phải đi hành quân vùng Đức-Cơ. Thiếu tá Phạm Văn Toán, Chiến Đoàn Phó chỉ huy cuộc hành quân này. Tôi ở lại hậu cứ với Trung tá Nguyễn Đức Ninh Chiến Đoàn Trưởng.


Ở nhà, bất ngờ tôi nhận được một trát đòi của Tòa Án Quân Sự Nha-Trang do Thượng sĩ Linh, Tiểu Đội Trưởng Quân Cảnh Tư Pháp Pleiku chuyển tiếp. Lý do ra tòa của tôi là can tội:"Dùng vũ khí tấn công, gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và nhân mạng cho lực lượng Đồng Minh trú đóng trong phi trường Đà-Nẵng".


Trung tá Ninh thương tình, du di cho tôi thoải mái vài ngày, sau Tết Dương Lịch, ông mới cấp sự vụ lệnh cho tôi ra đi.


Tới Nha-Trang tôi được Quân-Cảnh Tư Pháp gửi tạm trú trong Đơn Vị 2 Quản Trị Địa Phương chờ ngày ra tòa.


Cuối cùng, vì không nhận được đơn khởi tố của Không Quân Hoa-Kỳ ở Đà-Nẵng, tòa không đủ yếu tố buộc tội, đành chuyển tôi sang cho Hội Đồng Kỷ Luật xét xử. Chỉ sau vài chục phút hội họp, Hội Đồng Kỷ Luật Nha-Trang do ông Đại tá Cách chủ tọa đã ra quyết định:
“Nay giáng cấp Thiếu úy hiện dịch Vương Mộng Long xuống thành Trung sĩ hiện dịch Vương Mộng Long.”


Nhớ lại, đầu năm 1966 mới ra đơn vị được mười hai ngày, tôi đã lên chức đại đội trưởng, được đề nghị đặc cách trung úy. Tôi khấp khởi mừng vì thấy con đường binh nghiệp của mình thật quá sán lạn, quá hanh thông.


Không ngờ chỉ một năm sau, cũng đúng dịp Tết Âm Lịch (1967) tôi bị sao quả tạ chiếu tướng, từ thiếu úy thực thụ , bỗng chốc bị đặc cách lên... trung sĩ thực thụ! Đời tôi xuống dốc không phanh.


Xuống trung sĩ rồi, tôi còn bị nhốt thêm 60 ngày trong Quân Lao Nha-Trang để trả nợ cái án phạt của Trung tướng Cao Văn Viên.


Hết hạn phạt giam, tôi về trình diện Khối Thặng Số của Đơn Vị 2 Quản-Trị Địa Phương chờ ra đơn vị mới. Trong gần bốn tháng đầu năm 1967, tôi làm việc dưới quyền ông Chuẩn úy Thành, một sĩ quan mới ra trường. Ông Thành này là cựu trung sĩ Biệt Động Quân, thuộc cấp cũ của tôi. Tháng 2 năm 1966, tôi đã ký giấy cho phép Trung sĩ Thành theo học khóa Sĩ-Quan Đặc-Biệt Thủ-Đức.


Mỗi đêm, sau giờ giới nghiêm, tôi chỉ có việc leo lên xe ngồi bên Chuẩn úy Thành, đi một vòng, quanh Quân-Trấn Nha-Trang, kiểm tra một số yếu điểm rồi trở về doanh trại.


Ban ngày được nghỉ, tôi lang thang trong phố, mặt trời đứng bóng thì quay về Ga ăn cơm trưa. Cơm trưa xong, tôi leo lên lưng chừng ngọn núi đằng sau Trường Bồ-Đề, chui vào cái cốc (chùa nhỏ) của một cư sĩ Phật Giáo để nghỉ trưa và đọc sách. Tới chiều, tôi tụt xuống phố, thả bộ tàng tàng trên bãi biển, hôm nào siêng thì nhào xuống nước, bơi lội một hồi rồi trở về Ga Nha Trang, ăn cơm chiều xong là trở về đồn, làm công tác tuần tra đêm.


Một buổi trưa có hai thanh niên leo lên núi gõ cửa hỏi ông cư sĩ rằng:


“Có ai là Thiếu úy Vương Mộng Long đang ở đây không?”


Tôi ra mặt, xưng tên, thì hai anh này đưa tay ra dấu cho tôi theo họ ra vườn sau. Họ vắn tắt cho tôi biết họ là Mật Vụ của Đại tá Nguyễn Ngọc Loan. Đại tá Loan phái họ ra để thâu nạp tôi về Cảnh-Sát. Họ nói Đại tá hứa sẽ cho tôi lên trung úy do công lao thắng trận Kỳ-Lam, rồi cho tôi chỉ huy một đơn vị Cảnh-Sát Dã-Chiến dưới quyền trực tiếp của Đại tá. Hai anh này cũng nói rằng sĩ quan của Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân có dính dáng tới vụ lộn xộn năm 1966 đều được ân xá. Ông Nguyễn Thừa Dzu được lên thiếu tá, các anh khác như Tôn Thất Trực, Nguyễn Văn Lẹ, Nguyễn Văn Vinh, Thái Văn Nghiệp, Lê Bá Ngọ, đều được Đại tá trọng dụng, trao cho những chức vụ có quyền hành trong các cơ quan Bài Trừ Du Đãng hay Cảnh-Sát Dã-Chiến.


Tôi chưa biết quyết định ra sao thì hai anh Mật Vụ móc túi chìa cho tôi xem Thẻ Hành Sự của họ để chứng minh họ không là thứ giả. Tôi trì hoãn bằng cách nói, để suy nghĩ lại, sau ba ngày tôi sẽ trả lời.


Hai ngày kế tiếp tôi không lên núi ngủ trưa. Tôi cứ ngồi ở đầu giường, suy nghĩ đắn đo, quên cả cơm trưa, cơm chiều. Nếu về với ông Loan, tôi sẽ bị đánh giá cá mè một lứa với bọn sớm đầu tối đánh, phản bạn phản thầy; mà không về với ông Loan thì đành ôm cái lon trung sĩ biết lúc nào mới ngóc đầu lên được?


Nhớ ngày lên đường vào Trường Võ-Bị, bạn tôi, ai ai cũng mang theo va li hoặc xách tay, tôi là người độc nhất không có hành lý. Trên tay tôi là hai quyển sách, quyển thứ nhất là "Tôn Ngô Binh Pháp" in từ năm 1952 bằng chữ Việt, quyển sách thứ hai có tên "L'Art de Commander" của Tướng De Lattre De Tassigny xuất bản năm 1960 bằng chữ Pháp.


Bây giờ muối mặt về với ông Loan, tôi sẽ thành một tên "hàng thần lơ láo" chịu ơn người ta, quỵ lụy người ta suốt đời. Với tình hình chính trị loạn xà ngầu như những năm qua, biết đâu về đầu quân cho ông Loan rồi, lại xảy ra chính biến, chỉnh lý, nhỡ ông Loan thua, chẳng lẽ tôi bỏ ông ấy hay sao?


Mặt khác, nếu không theo ông Loan thì với cái lon trung sĩ, tôi sẽ làm gì ích quốc lợi dân với cái bụng chứa đầy "Nghệ Thuật Chỉ Huy" của Tướng De Lattre De Tassigny cùng những"Binh Pháp" thần sầu, quỷ khốc của Tôn Tướng Quân và Ngô Tướng Quân?


Từ ngày còn rất nhỏ tôi đã đọc những truyện dã sử Tàu; lớn lên tôi cũng nghiền ngẫm những quyển sách chứa các giai thoại về sự nghiệp, công danh của các danh tướng cổ kim như: Tôn Võ Tử, Ngô Khởi, Gia Cát, Từ Thứ, Alexander Đại Đế, Napoleon Đại Đế, Quang Trung Đại Đế, Rommel, Patton...


Tôi mê cách hành binh xuất quỷ nhập thần của Rommel, tôi thích những lá thư tình của Napoleon gửi cho Joséphine.


Với tôi, không phải gương xưa nào cũng đáng noi theo đâu! Đi lính rồi, tôi học và làm theo gương sống hòa đồng cùng thuộc cấp của Ngô Khởi, nhưng tôi chê cái cách tiến thân của vị danh tướng này; giết vợ cầu vinh, thay thầy, đổi chúa là điều đại kỵ đối với một đệ tử của Khổng, Mạnh. Cũng như truyện Câu Tiễn nếm phân mưu đồ phục quốc, truyện Hàn Tín luồn trôn để sau này thành đại tướng, chỉ là những cái gương xú uế lưu truyền trăm nghìn năm về sau mà thôi!


Tôi ngồi ở đầu giường, bộ quần áo hoa của tôi treo trên cọc mùng nơi cuối giường. Nhìn bộ rằn ri, tôi chợt nhớ lại lời tâm sự của anh Hồ Văn Hữu lúc chia tay, rồi tôi quyết định sẽ chọn câu trả lời "Không".


Đúng ngày hẹn, hai ông Mật Vụ quay trở lại, tôi nói:


"Không!"


Hai vị này trợn mắt, ngạc nhiên rồi bùi ngùi,


- Thật đáng tiếc! Một ngày nào đó anh sẽ hối hận!


Tôi chưa kịp hối hận thì thêm hai vị khác từ Phủ Thủ Tướng tới tìm gặp. Hai vị này ngỏ ý muốn chiêu dụ tôi về phục vụ dưới trướng Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Lần này thì không cần suy nghĩ lâu la, tôi dứt khoát:


"Không!"


Thời gian chính biến Miền Trung 1966 xảy ra, Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tướng Nguyễn Văn Thiệu, chỉ là những “Sứ Quân”, còn Tướng Nguyễn Chánh Thi, cũng chỉ là một “Sứ Quân”. Kẻ thắng làm vua, người thua là “Phản loạn”


Trong một đất nước có quá nhiều “Sứ Quân”, biết ai sẽ là người chiến thắng sau cùng? Biết ai sẽ làm vua? Biết ai sẽ là “Minh Chúa” mà theo?


Thật tình mà nói, tôi chưa hề phù trợ cá nhân Tướng Nguyễn Chánh Thi. Tôi chỉ giáp mặt ông Tướng này chưa đầy năm phút trên chiến địa, khi ông ta đáp xuống thăm đại đội tôi sau khi trận Tháp Bằng An vừa kết thúc, làm sao tôi có dịp ở bên ông ta, biết ông ta là con người như thế nào mà phải sống chết theo ông ta?


Giả sử ngày đó ông ta được người Mỹ giúp đỡ, loại hết địch thủ, trở thành lãnh tụ, thì chắc gì ông ta còn nhớ tới tôi?


Tôi đã suy tính rất đắn đo khi quyết định không phò tá bất cứ ai, không suy tôn bất cứ ai, không nợ nần ai. Cho dù có bị giáng cấp như hiện thời, tôi vẫn thấy không mảy may xấu hổ hay hối hận vì những gì mình đã làm. Tôi làm, tôi chịu, tôi không than van, tôi không đổ lỗi cho ai. Việc tôi làm, dù đúng, dù sai, đã có trời cao chứng giám.


Thời gian sống ở Nha-Trang thật là quá an nhàn và vô vị. Thong dong suốt ngày mà tôi vẫn thấy như lúc nào cũng chồn cẳng, chồn chân.


Cũng may, nửa năm sau tôi có dịp gửi thư cho Đại tá Trần Văn Hai, Chỉ Huy Trưởng Binh Chủng Biệt Động Quân để xin về phục vụ đơn vị cũ.


Ngay sau khi nhận thư của tôi, Đại tá Chỉ Huy Trưởng đã đích thân đọc hết bản cung từ mà tôi đã khai khi bị giam giữ ở Ty An –Ninh Quân- Đội Quảng-Nam.


Bản cung từ này chỉ cần đọc qua một lần là đã thấy bao chuyện vô lý và khôi hài: tỷ như tôi đã bị kết tội, cùng một ngày, cùng một giờ, vừa chận đánh một đoàn xe chở quân của Sư Đoàn 2 Bộ Binh ở Tam-Kỳ, vừa đặt súng ở chùa Phổ- Đà, pháo kích vào phi trường Đà-Nẵng, lại vừa bắn nhau với Thủy Quân Lục Chiến ở Ngã Ba Cây Lan! Cứ như thể là, tôi có phép phân thân, đằng vân, giá võ, thần thông quảng đại, giống con khỉ Tôn Ngộ Không!


Đại tá Chỉ Huy Trưởng cho rằng tôi vì bị khảo đả đau quá, không chịu nổi, nên đã nhận bừa những tội danh mà mình không hề gây nên, do đó, ông đã đề nghị Nha Quân Pháp cho tôi phục hồi cấp bậc thiếu úy, chỉ bị phạt treo lon trung úy trong thời hạn hai năm mà thôi.


Sau này, lâu lâu nhớ lại chuyện xuống cấp, lên lon, tôi lại thầm cám ơn ông Công Đại Việt. Chính nhờ ông gán ghép cho tôi toàn những tội danh tày đình trên bản cung từ mà tôi và ông ký tên bên nhau, nên tôi mới được Nha Quân Pháp bóc đi cái lon trung sĩ đã mang trên cánh tay áo gần nửa năm trời.


Tuổi hai mươi vào đời, tâm hồn tôi như tờ giấy trắng tinh. Vậy mà chỉ qua một năm thăng trầm, tôi đã nhận ra rằng, biển đời rộng mênh mông, không thiếu những gương sáng tiết liệt, trung kiên, nhưng cũng ngập tràn phản phúc, lọc lừa.


Giữa tháng 6 năm 1967 tôi trở về đơn vị cũ, cần cù bám đất Pleiku, làm lại từ đầu. Vàng ròng đâu sợ lửa? Rồi cũng có ngày đất nước cần tới bàn tay đóng góp của tôi.


Tôi đã ngoi lên từ từ, nhưng thật là vất vả. Nhiều chiến công của tôi đã bị người ta cướp đi mất. Nhiều công lao, thành tích của tôi đã bị thượng cấp cố tình quên. Mãi bốn mươi năm sau, thượng cấp của tôi mới nói được lời hối lỗi, thì đã quá muộn màng!
Nhưng tôi vẫn là tôi, vẫn là một cây tùng lúc nào cũng đứng thẳng.


Tất cả những tấm huy chương trên ngực tôi đều đẫm máu, tất cả những bông mai vàng, mai bạc trên cổ áo tôi đều đẫm máu, máu của chính tôi và máu của những người lính dưới quyền tôi.


Giữa năm 1967 Tướng Nguyễn Hữu Có bị Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Nguyễn Cao Kỳ thẳng tay loại ra khỏi chính trường. Tướng Có trở thành một người vô gia cư, vô nghề nghiệp sống lưu vong.


Cuối năm 1967 Miền Nam đã có tuyển cử.


Ông Kỳ đắng cay thoái lui, làm nhân vật số 2, đứng sau lưng ông Thiệu.


Lúc ấy chỉ còn có một mình “Sứ Quân” Nguyễn Văn Thiệu tồn tại; ông Thiệu trở thành lãnh tụ, lên ngôi, lãnh đạo nền Đệ Nhị Cộng-Hòa.


Nhìn lại thì, trong cuộc “Chính biến Miền Trung năm 1966” những người cầm đầu quân đội như Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tướng Nguyễn Văn Chuân, Tướng Tôn Thất Đính, Tướng Huỳnh Văn Cao, Tướng Phan Xuân Nhuận, Đại tá Đàm Quang Yêu, cùng các vị cầm đầu Phật Giáo Đà-Nẵng như Đại Đức Thích Minh Chiếu, Chánh Sở Tuyên úy Phật Giáo Vùng 1 Chiến Thuật, Đại Đức Thích Như Huệ, Tuyên úy Phật Giáo của Trung đoàn 51 Bộ Binh chỉ bị giải ngũ, chẳng có vị nào bị bắt bớ, giam hãm tù đày cả.


Hiến pháp của Việt-Nam Cộng-Hòa có quy định rõ ràng rằng: Đặt Cộng- Sản ra ngoài vòng pháp luật! Nếu những người cầm đầu này là Việt-Cộng, thì họ đã bị bỏ tù rồi!


Trong khi đó thì những người đi theo họ, nghe lệnh họ, lại bị tù, bị theo dõi, bị trù ếm, bị coi là theo chân Cộng-Sản!


--o--


Sau Tết Mậu-Thân 1968, da non còn chưa che kín vết thương trên ngực, tôi về Hội-An thăm thầy Chơn Phát lần đầu.


Thầy mừng vui, không ngăn được dòng lệ tuôn rơi. Thầy trao cho tôi tờ giấy bạc 20 đồng “Cá Chép Hóa Long” màu xanh lá cây của Ngân Hàng Quốc-Gia Việt-Nam,


- Đây là tiền thầy trích từ quỹ bán rau cỏ và hoa quả trong vườn. Thầy mừng tuổi cho con. Thầy chúc con mau vượt qua tai ách!


Tới nay thằng con trai út của tôi còn cất giữ tờ giấy 20 đồng ấy trong bộ sưu tập tiền của nó.


Tôi về thăm Hội-An lần cuối cùng, vào mùa Hè năm 1973, nhân kỳ nghỉ phép thường niên. Dịp ấy tôi dự trù sẽ dành ra tròn một ngày thăm thầy Chơn Phát, lúc này thầy tôi đã lên chức Thượng tọa.


Vì tình hình an ninh quanh thị xã thời gian đó không sáng sủa lắm, nên tôi chọn giờ đi vào buổi giữa trưa, và trở về thành phố trước lúc mặt trời xế bóng.


Để dấu đi cái lý lịch quân nhân của mình, tôi đã phải mặc áo quần dân sự và dùng xe đạp làm phương tiện tới chùa. Gặp lại tôi, thầy tôi mừng vui ra mặt.


Thầy trò tôi ngồi đối diện nhau nơi đầu bàn ăn, nói hết chuyện này sang chuyện khác.


Vẫn tấm áo nâu sòng, vẫn đôi guốc mộc, vẫn cặp kính cận dày cộm, thầy tôi lúc nào cũng là một người giản dị, chân thật, và hi vọng.


Mắt thầy trìu mến, miệng thầy tíu tít hỏi thăm tôi binh nghiệp thế nào? Đã bảy năm, sau vụ “Phật Giáo Miền Trung 1966” tôi có còn bị treo lon, trù ếm nữa không?


Giọng nói Quảng-Nam quê mùa của thầy, tôi đã nghe quen, tôi đã yêu thương. Tôi ngồi yên, lắng nghe từng lời từ miệng một vị chân tu, mà cảm thấy mình như đứa bé đang được vuốt ve, an ủi. Thầy nhắc lại cái "điệp khúc" ngày xưa tôi thường nghe, khi còn tá túc trong chùa:


“Chú Tùng phải nhớ lời thầy, ở hiền thì gặp lành, nhân tốt thì quả tốt.”


Cũng như dịp về thăm gặp thầy trước đây, tôi ngồi ngây, nghe thầy thao thao không dứt:


“Dù bất cứ hoàn cảnh nào, người quân nhân Phật Tử cũng phải lấy từ bi làm trọng. Đành rằng, nơi chiến trường, mình không giết người, thì người sẽ giết mình. Nhưng người chiến sĩ chiến đấu hăng say không bắt buộc phải là một người hiếu sát. Vào lúc nào đó, nếu con có thể tha mạng cho kẻ địch mà thấy không hại gì tới mình, hay đơn vị mình, thì hãy gắng mà làm.”


Im lặng ngồi nghe, tôi thấm nhuần từng lời khuyên, câu răn của thầy tôi. Rồi tôi tự yên trí rằng, suốt bao năm chinh chiến, tôi chưa bao giờ phải áy náy về những việc mình đã làm.


Thầy cười giòn tan, khi nghe tôi khoe đã lập gia đình, có vợ và hai con. Thầy nói đùa:


“Nếu ngày đó chú Tùng mà đi tu luôn, thì nay đã thành một tỳ kheo có vai, có vế rồi!”


Có tiếng chim cu gáy trên ngọn cau. Tôi đảo mắt nhìn ra cửa, sân chùa vắng ngắt nhưng chan hòa nắng ấm. Cổng trước, vườn sau, rộn rã tiếng ve sầu. Hôm ấy nhằm ngày đầu tuần, các sa di đi học, thầy Như Luận vắng nhà, thiện nam tín nữ không có ai vãng lai vì bận công việc làm ăn.


Trưa Hè, giữa cồn cát nóng cháy, Long Tuyền Tự ẩn mình sau hàng rào cây xanh, nhìn xa như một ốc đảo bình yên.


Giờ chia tay, thầy tôi lại dặn với:


“Chú Tùng phải nhớ lời thầy, ở hiền thì gặp lành, nhân tốt thì quả tốt.”


Cuối năm 1973 tôi lên Thiếu tá, vào trấn giữ tiền đồn Plei Me và chỉ huy Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân/ Biên Phòng. Tháng 9 năm 1974, sau khi thắng trận Plei Me, tôi đem quân đi Quảng-Đức.


Đầu tháng 4 năm 1975 Vùng 2 mất, tôi rút về Vùng 3, tiếp tay với Sư Đoàn 18 Bộ Binh phòng thủ Xuân-Lộc, Long-Khánh. Chiến thắng Xuân-Lộc là chiến thắng sau cùng của Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.


Ngày 20 tháng 4 năm 1975 quân ta bỏ Long-Khánh, tôi đem quân về bảo vệ Thủ Đô Sài-Gòn.


Ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi thua trận. Mười một ngày sau (11 tháng 5 năm 1975) tôi bắt đầu cuộc sống tù đày từ trại này sang trại khác, và từ Nam ra Bắc.


Ngày đó, trong trại tù cải tạo, người chiến thắng đã hỏi tôi, vì sao vào những giờ phút Miền Nam đang quằn quại giãy chết, trong tuyệt vọng, mà chúng tôi vẫn còn chiến đấu?


Tôi đã thay mặt đồng ngũ của tôi mà trả lời họ rằng:


“Chúng tôi đã chiến đấu tới giờ phút cuối cùng, cũng chỉ vì chúng tôi muốn bảo vệ cái danh dự của một người lính Việt-Nam Cộng-Hòa! Chúng tôi đã thua trận, nhưng chúng tôi không xấu hổ!”


---o—


Năm 1988 ra khỏi trại tù cải tạo, tôi trở thành người không tôn giáo, không đi chùa, mà cũng chẳng thiết tới nhà thờ. Tôi vật lộn với cuộc sống mới bằng đủ thứ nghề lương thiện, nhưng thật là lầm than. Niềm vui của tôi thời gian đó thật nhỏ, thật đơn giản: manh áo lành, bát cơm đầy hàng ngày cho vợ cho con.


Tháng 4 năm 1993 tôi đem gia đình đi Mỹ định cư theo chương trình H.O, làm lại cuộc đời. Tôi cất kỹ dĩ vãng để lần mò bước vào tương lai, và chưa hề nghĩ tới chuyện quay về.


Ngay từ những ngày đầu đặt chân lên đất Mỹ, nhiều tổ chức, hội đoàn, ngỏ ý muốn tôi tham gia. Tôi tìm cách chối từ, nại cớ phải đi làm kiếm sống, nuôi vợ, nuôi con.


Nhưng thật ra thì, không phải tôi đã quên Việt-Nam, không phải tôi đã quên đồng đội, không phải vì thời gian này lương tâm tôi chỉ chứa toàn thực phẩm; mà chính vì, với tuổi năm mươi, đã là quá muộn để đi tìm lãnh tụ.


Cuối tháng 5 năm 2016, vợ chồng tôi có dịp bay sang Texas thăm bạn bè vài ngày. Tôi đã gặp lại một người bạn thân là thầy Lê Thái Bình, cựu Tuyên-úy Phật-Giáo Tiểu-Khu Phú-Bổn. Trong lúc truyện trò, thầy Bình cho tôi hay, hằng ngày ông đều lên làm công quả vài ba tiếng đồng hồ cho một ngôi chùa của người Việt trong vùng ngoại ô Arlington,Texas.


Nhân cơ hội này, vợ chồng tôi cũng theo chân thầy Bình lên thăm chùa cho biết cảnh trí và sinh hoạt của một ngôi chùa Việt-Nam ở xứ Mỹ này ra sao?


Trưa hôm đó, khi thầy Bình phụ giúp những người khác làm Phật sự, vợ tôi lên điện thắp nhang, thì tôi lang thang trong vườn sau. Ngôi chùa này khá khang trang, có cả tượng Phật Bà đứng trên vách đá, bên chân Phật Bà là dòng suối nhỏ, nước trong veo và chảy không ngừng.


Trong cái tĩnh lặng của không gian, chợt tiếng chuông báo Ngọ ngân vang. Tiếng chuông len lách trên lối mòn vườn sau. Tiếng chuông khuấy động những kỷ niệm xa xưa trong tâm hồn tôi. Tôi chợt nhớ ra, đã lâu lắm rồi, tôi từng có một lần vào chùa, xuống tóc, thọ tỳ kheo…


Trở về Seattle, tôi nhờ anh đại diện Cựu Học Sinh Trần Quý Cáp ở Việt-Nam liên lạc với chùa Long Tuyền để chuyển lời thăm hỏi của tôi tới thầy Chơn Phát cùng chư tăng mà tôi đã quen biết ngày xưa.


Không lâu sau, tôi nhận được tin thầy Chơn Phát, thầy Như Luận cùng chú Quý, chú Hạnh đều đã qua đời, riêng chú Quýt thì hoàn tục sau năm 1975. Người trụ trì hiện nay là Hòa thượng Thích Như Phẩm, tức là chú Chín ngày xưa.


Anh đại diện cũng gửi cho tôi xem cái ảnh của Hòa thượng Thích Như Phẩm đứng trước bàn thờ thầy Chơn Phát.


Như vậy là thầy Chơn Phát đã ra đi. Thầy đã vượt qua một kiếp nhân sinh trần ai đầy khổ ải. Giờ đây, chắc linh hồn thầy tôi đang thênh thang phiêu du nơi xứ Phật. Và chú sa di đầu còn miếng vá chưa được cạo hẳn, khép nép đứng hầu sau lưng thầy ngày nào, nay đã thành một hòa thượng, tân trụ trì Long Tuyền Tự.


Qua bao nhiêu đổi thay, giờ này chỉ còn một mình chú Chín là có Phật duyên. Chú Chín xứng đáng là truyền nhân đệ tử của thầy tôi.


Thầy tôi đã khuất núi, nhưng lời thầy khuyên răn tôi vẫn còn đây:


“Cây tùng hay cây thông là biểu tượng của người quân tử.”


Mới đó mà nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ biến cố Miền Trung.


Nay hình ảnh chú Chín đứng hầu bên bàn thờ thầy Chơn Phát đã khơi dậy trong tôi những kỷ niệm đắng cay của một đoạn đường đời đầy sóng gió của chính mình.


Tôi chợt như vừa sống lại cái tuổi hai mươi chập chững bước vào đời.


Tôi vào đời với hoài bão dời non lấp biển.


Nhưng tôi có biết đâu? Đời chỉ là cơn mộng mà thôi!


Vương Mộng Long-k20
Seattle, U.S.A tháng 11 năm 2018

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Đà-Nẵng 1966)

Rate this item
(4 votes)