Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

NHỚ HAY QUÊN KỶ NIỆM THỜI CHINH CHIẾN - DD-2ndG

Ghi lại chuyện người cựu phi công khu trục qua nhận định khách quan và tôn trọng ý kiến cá nhân. Vinh danh các Hoa Tiêu KLVNCH đã vĩnh viễn ra đi trong thương tiếc…


Hễ mỗi lần đi làm trễ vào lúc 7:42 A.M. sáng, thì y như rằng lại gặp người đàn ông lớn tuổi Á Đông ấy. Đó là giờ ông ta tan sở sau một shift (Graveyard) đêm làm mệt mỏi. Ông ta lừ thừ đi bộ chậm rãi băng qua một đại lộ Boulevard rộng dài sang bên kia lề đường đứng đón xe bus đi về hướng Nam thành phố định cư. Khu vực đó là nơi nhà trọ của ông về để ngủ nghê và dưỡng sức. Để rồi chiều tối lại khăn gói quả mướp lên đường đi “Cày”, trả nợ cơm áo. Ông chỉ di chuyển bằng xe bus hay subway vì không lái được xe hơi. Cũng chẳng thấy thân nhân hay bạn bè của ông đưa đón bao giờ cả. Vài lần thấy ông trò chuyện đôi lời với các bạn đồng nghiệp người Mỹ Đen. Họ cũng đi xe bus như ông thôi. Hầu như chẳng mấy người da màu này có xe riêng, vì lần nào cũng thấy họ lũ lượt đi xe bus chung với nhau.

Hắn biết ông ta đã gần 10 năm, qua nhiều lần đón xe bus chung như vậy. Chặng đường ông đi về nhà vào ban sáng là lúc hắn đi làm. Và chặng đường ông đi làm sớm vào ban tối là lúc hắn đi về nhà. Nó trái ngược thời giờ với nhau, giống như mặt trời và mặt trăng vậy. Vài năm trước có lần chào hỏi xã giao nên được biết tên ông là L. Ông là cựu phi công phản lực cơ F-5 hay khu trục cơ A-1 Skyraider thuộc phi đoàn 518/Phi Long của Sư Đoàn 3 KQ Biên Hòa. Phi Đoàn này có khá nhiều anh hùng nổi tiếng như: Cố Đại Tá Phạm Phú Quốc, Đại Úy Trần Thế Vinh, Thiếu Tá Nguyễn Gia Tập và Thiếu Tá Trương Phùng đã vị quốc vong thân.

 


Một group phi công thuộc phi đoàn 518/Phi Long chụp trước năm 1975
(Người thứ hai ngồi hàng đầu từ trái sang phải, hao giống nhân vật trong chuyện?)

 

Ông L. là người ít nói và giới hạn giao thiệp xã giao. Có lẽ chẳng bao giờ ông tham dự bất cứ hội đoàn cựu quân nhân VNCH hay không quân VN ở địa phương? Ông cũng không biết KQVNCH có website riêng mà chỉ nghe nói đến? Hay ông muốn quên đi cái quá khứ một thời vang bóng? Không bao giờ ông tiết lộ cấp bậc lúc còn là Pilot cả. Một lần vui miệng ông bật mí biệt hiệu trong phi đoàn gọi thân thương là: “L. Râu”. Nhưng bây giờ chẳng còn thấy Râu đâu nữa, vì thời oanh liệt đời phi công bay bướm, nay còn đâu…

Lần khác hỏi ông có giao thiệp với các phi đoàn bạn cùng đóng ở căn cứ Biên Hòa không? Ông trả lời hơi hách một chút:

- Không, phi đoàn nào chơi với phi đoàn đó!

- Thậm chí Pilot không bao giờ trò chuyện với lính KQ thường nếu không có chuyện.

Ông L. ở lại quê hương sau ngày 30 tháng 4, năm 1975 và đi học tập cải tạo. Đôi lúc hiếu kỳ hỏi ông:

Trong tù bọn cán bộ có hành hạ đánh đập mấy chú không?

- Ít thấy bao giờ nếu không phạm lỗi.

Hắn tự nhủ làm gì có loại người CS tốt như thế trên cõi đời này?

Trong thời gian ông đi “cải tạo” thì vợ ông và 3 con nhỏ đi vượt biên trót lọt với người đàn ông khác. Họ đến định cư ở East Los Angeles. Các con của ông nay đã công thành danh toại và tất cả đều lập gia đình. Người con gái lớn là một luật sư. Còn hai cậu con trai cao ráo có lẽ là kỹ sư hay Computer Software Programmer gì đó?

Ông L. qua Mỹ một mình theo diện HO vào năm 1990 lúc 47 tuổi. Ban đầu ông cũng định cư ở East Los Angeles. Nhưng có lẽ người vợ cũ đã xa mặt cách lòng quá lâu. Hay người mới đối xử với bà tốt hơn bao năm qua nên bà không trở lại với ông nữa? Khoảng một năm sau thấy vô vọng ông bèn “move” sang một thành phố miền Đông và ở vậy mình ên tới giờ? Hàng ngày ông ăn chay niệm Phật và đi làm bình thường. Nay đã đến tuổi về hưu nhưng vẫn còn hăng hái đi cày.

Vào khoảng 62 hay 63 tuổi ông cho biết là sẽ về hưu non và dọn về lại California nắng ấm để xum họp với con cháu. Nhưng mãi vẫn không thấy ông “quit job” gì cả. Vì lâu lâu vẫn thấy ông đứng đón xe bus như thường lệ.

Một lần hỏi ông có biết Anh Hùng Không Quân Trần Thế Vinh cùng chung phi đoàn 518/SĐ 3 KQ đã gãy cánh trên vòm trời Trị Thiên vào Mùa Hè Đỏ Lửa ngày 9 tháng 4, 1972? Ông trả lời là không biết về huyền thoại của người Hùng này gì cả? Xoay qua đề tài máy bay có lúc ông nói là hoa tiêu của phản lực cơ F-5. Lúc thì khu trục cơ Skyraider. Rồi ông cho rằng phản lực cơ F-5 chính là khu trục cơ Skyraider? Hay ông chẳng còn phân biệt được hai loại chiến đấu cơ khác nhau nữa. Thôi thì cứ cho ông đúng. Cho nó dzui dzẻ vậy.

 

 F-5A của KLVNCH 

A-1H Skyraiders thuộc phi đoàn 518/Phi Long

          
Độ sau này lâu lâu tình cờ mới gặp ông đứng đợi xe bus đôi lần. Ông không còn thiện cảm nữa. Đôi khi như muốn tránh mặt là đàng khác. Ông biết hắn viết được văn vụng vì có lần gởi cho ông sáng tác nói về người lính VNCH. Không biết lúc đó ông nghĩ gì về một người đáng tuổi con cháu mà cũng bày đặt viết về lính tráng và chiến trận? Hay ông cho rằng một thằng con nít trước năm 75, mà nay cũng muốn viết về Lính ư? Ông hỏi lại đôi lần có hàm ý mỉa mai:

- Còn trẻ mà sao biết nhiều chuyện về lính tráng quá vậy?

Hắn im lìm không trả lời nhưng tự nhủ rằng:

- Đây mê trở thành phi công thời chiến lúc còn niên thiếu.

Có lẽ từ khi nhìn được poster to lớn của Anh Hùng Trần Thế Vinh treo trước cổng trường La San Hiền Vương ở ngã Sáu Công Trường Dân Chủ, Sài Gòn vào gần cuối tháng 4 năm 1972. Năm đó mới hơn 11 tuổi. Và còn collect nhiều hình máy bay F-4 Phantom của không lực Israel nghinh chiến với Egypt và Syria (Yom Kippur War) vào ngày 6 tháng 10 năm 1973 nữa. Mấy hình này cắt ra từ các báo Chính Luận hay Tin Sáng thì phải?

Mới đây lại gặp ông vào một buổi sáng mùa hè đẹp trời. Thấy ông vừa ngưng trò chuyện với một người Mỹ Đen cùng chung sở, thì hắn liền bước tới:

- Chào chú!

Chú có khỏe không?

Ông L. trả lời ngắn gọn:

- Khỏe.

Hắn vào đề ngay lập tức kẻo xe bus đến mau.

Chú còn nhớ Th/Tá Trương Phùng không?

Ngay lúc đó, ông L. hơi gằn giọng:

- Quên quá khứ đi.

Hắn nói rõ về mục đích để ông ta hiểu:

- Cháu có ý định sáng tác một bài …

Ông ta lập lại:

- Quá khứ đã qua rồi. Mình đang sống ở hiện tại mà.

Hắn ngạc nhiên trước cử chỉ và lời nói của một cựu phi công không màng đến dĩ vãng nữa. Ngay cả các bạn đồng đội đã hy sinh?

Hắn hỏi lại:

- Tại sao vậy?

Ông ta trả lời không một giải thích:

- Đã trở thành quá khứ rồi vả lại chú đã đến tuổi về hưu. Không còn muốn nhắc đến chuyện xưa nữa.

Nhưng không có nghĩa là quên luôn đồng đội mình đã khuất?

Ông L. thấy hai xe bus từ đằng xa chạy tới cùng một lúc và có ý thoái lui nên không muốn đối thoại nữa.

Hắn nói nhanh:

- Cháu respect ý chú. Nhưng chú quả thực hơi lạ so với những người cựu sĩ quan QLVNCH khác.

Ông ta vội vàng bước về hướng xe bus số 2 đang dừng lẹ ở bên ngã tư lề đường.

Lịch sử đã sang trang, thời gian trôi mau và con người chóng quên…

Nhớ hay quên kỷ niệm thời chinh chiến là tự do của mỗi người. Quá khứ thật sự không thể trở lại được. Nhưng sống cho cá nhân mình thì có gì để nói? Ai cũng một lần chết trong đời. Cái hay của con người là có thể làm được những điều ích lợi cho xã hội mới thực là tốt đẹp và có ý nghĩa. Đồng đội của anh đã hy sinh hôm qua để cho anh sống đến hôm nay. Các bạn thương phế binh của anh đó vẫn còn lê kiếp sống đọa đày và nhọc nhằn trôi theo dòng thời gian…không mảy may một ai thương xót. Vậy anh đã làm gì cho họ từ khi đặt chân lên mảnh đất tự do, để đáp lại nghĩa ân tình “Chiến Hữu” của họ? Xin hãy nhớ đến họ, dù một năm chỉ có một lần...

Những kỷ niệm khó quên thời chinh chiến được tường thuật lại qua các ngòi bút và hình ảnh của KQVNCH tựa như khúc phim chiến tranh khói lửa, hồi hộp pha lẫn nghẹt thở. Quý vị đã viết lên lịch sử về những phi vụ đánh bom, diệt tăng, yểm trợ chiến trường và tiếp vận căn cứ cho QLVNCH. Đó là tài liệu vô giá để đời cho thế hệ trẻ mãi sau. Nhờ có nhiều bút ký và tùy bút chiến tranh mà thế hệ trẻ đã học hỏi và biết thêm nhiều tên tuổi của các Anh Hùng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa như chưa lần nghe qua… Hình ảnh của các anh oai hùng và dũng cảm quá. Nói đến pilot KQVNCH là nói đến đẹp trai, hào hoa và bay bướm. Có lúc vào sinh ra tử trên chiến trường thì cũng có lúc giải trí, văn nghệ và nhảy đầm xả láng. Vui chơi đêm nay cho quên đi phiền muộn ngày mai. Vì có người chinh nhân ra đi và sẽ không quay về… Binh chủng Không Quân VNCH được mệnh danh là lãng mạng, đa tình và đa cảm làm cho nhiều “em” đẹp tuyệt vời mê mệt các đấng hoa tiêu không quân thời chiến. Nên mấy chàng sinh viên cao ráo có diện mạo bảnh trai thích đăng lính làm phi công?
.
KLVNCH đã mất biết bao phi công tài hoa trong cuộc chiến Việt Nam. Tên tuổi của các anh Phạm Phú Quốc, Trần Thế Vinh, Lưu Kim Cương, Phạm Văn Thặng, Trương Phùng. Và phi hành đoàn gunship AC-119K đã gẫy cánh trong phi vụ cuối cùng bảo vệ thủ đô Sài Gòn vào ngày 29 tháng 4, năm 1975 v.v., sẽ được lưu danh muôn thuở. Ngoài ra còn có biết bao anh tài khác đã không được ai nhắc nhở đến… Xin vinh danh và tri ân các Hiệp Sĩ Không Gian đã vị quốc vong thân. Hãy nhớ và viết tiếp về những kỷ niệm vui, đẹp và oai hùng của đời phi công thời chiến cho thật hay và hấp dẫn. Bravo Cánh Thép với dàn pháo bông nổ vang trời ngợi ca trang sử Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đã và đang sống lại một thời kiêu hãnh.

Chỉ lãng quên của người còn sống
Mới làm mờ hình bóng kẻ ra đi...


  


Đại Úy: Trần Thế Vinh
Gẫy cánh: ngày 9 tháng 4 năm 1972
Vòm trời: Trị Thiên

  

Đại Tá: Lưu Kim Cương
Hy sinh: Biến cố Mậu Thân 1968 ?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thiếu Tá: Trương Phùng (*)
Gẫy cánh: ngày 29 tháng 4, 1975
Vòm trời: Sài Gòn 

 

Rate this item
(8 votes)