Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 16) - NGUYỄN HỮU THIỆN

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 16)


Hồi ký
NGUYỄN HỮU THIỆN

PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA



CHƯƠNG 1 – “Người công dân mất quyền”

(tiếp theo kỳ 15)

Thất bại trong việc làm xà bông bột, tôi quyết định về Hố Nai làm ruộng, hay viết chính xác hơn là thay vì ăn bám vợ ở thành Hồ thì về quê ăn bám mẹ.


Lúc này gia đình tôi đã bị chia đôi, một nửa theo bố về Cái Sắn làm ruộng (ké ruộng của các bác), một nửa ở lại Hố Nai với mẹ.

Tới đây xin có đôi dòng về bước đường lưu lạc của gia đình tôi từ khi di cư vào Nam năm 1954, cách riêng mẹ tôi, một phụ nữ quê mùa nhưng bất khuất.

Dưới chân núi Bà Rá

Trước hết, sau một thời gian ngắn tạm trú tại nhà người chị của ông ngoại ở Thị Nghè, tới cuối năm 1954, gia đình tôi cùng bà ngoại, các cậu dì được “cha già cố Trực”, một vị linh mục thân thiết của gia đình, vận động lên định cư tại Tha La, Trảng Bàng, Tây Ninh.

Hơn một năm sau, khi đa số dân Bắc kỳ di cư ở Tha La đã bỏ đi vì không tìm được kế sinh nhai thì gia đình tôi lại an cư lạc nghiệp tại xứ đạo nổi tiếng này. Bố tôi làm Thư ký ở Hội đồng xã An Hòa, mẹ tôi nuôi mấy con heo, bầy gà, mấy con vịt xiêm, trồng hoa mầu..., cuộc sống tương đối đầy đủ, thoải mái.

Nhưng hai năm sau, khi gia đình tôi đã hòa nhập một cách tốt đẹp vào cuộc sống của người dân Tha La xóm đạo, bố tôi đột ngột bỏ về Sài Gòn (tức là “đào nhiệm”), mà sau này tôi mới biết nguyên do là việc các viên chức xã bị Việt Cộng hăm dọa cắt cổ sau khi lính quốc gia vây bắt được mấy tên du kích lén về thăm nhà!

Sau đó mẹ tôi, đang mang bầu đứa con thứ ba, mới dắt tôi và thằng em trai rời Tha La, nhà cửa đồ đạc bỏ lại hết.

Tại Sài Gòn, gia đình tôi tạm trú nhà bà ngoại ở hẻm 6 Trương Minh Giảng nối dài (về sau là đường Trương Minh Ký). Ít lâu sau, bố tôi được hãng Ba Son thu nhận với tư cách nhân viên phù động (casual); bà ngoại khuyên mẹ tôi ở lại Sài Gòn tìm cách buôn bán nhưng mẹ tôi lại nghe lời rủ rê của người chị và người em gái vốn đã lập nghiệp tại Hố Nai từ năm 1954, đưa các con về đây để gầy dựng lại từ đầu.

Nhưng chưa đầy hai năm sau (1958), khi tôi đang học lớp Nhất (lớp 6 ngày nay) bố tôi được một người anh họ của mẹ tôi thuyết phục theo ông tình nguyện đưa gia đình lên tỉnh Phước Long mới được thành lập, phục vụ tại Ty Công Chánh với tư cách công chức chính ngạch (permanent). Tôi là con trai lớn được cho ở lại Sài Gòn với bà ngoại để tiện việc học hành.

Nguyên sau khi nền đệ nhất cộng hòa thành được thành lập, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cắt đất của hai tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương sau này) và Biên Hòa để thành lập hai tỉnh mới là Bình Long, và Phước Long.

[Tới năm 1959 lại cắt đất của Phước Long và Bình Dương để lập thêm tỉnh Phước Thành, trở thành “Đặc khu Phước - Bình – Thành”. Tuy nhiên sau cuộc đảo chánh năm 1963 của các tướng lãnh, trước các cuộc tấn công liên tục của cộng quân, tới năm 1965 tỉnh Phước Thành đã bị xóa tên trên bản đồ, trở thành quận Phú Giáo thuộc tỉnh Bình Dương].

Phước Long là một vùng đất đỏ màu mỡ, nguyên là quận Bà Rá thuộc tỉnh Biên Hòa; gọi như thế vì ở đó có núi Bà Rá, ngọn núi cao thứ ba ở Vùng 3 chiến thuật, sau núi Bà Đen (Tây Ninh) và núi Chứa Chan (Xuân Lộc).


Phước Long: núi Bà Rá nhìn từ Tòa Hành Chánh tỉnh. Phía trước là con đường chính
song song với phi trường “bỏ túi” (dành cho L-19 và Caribou)
 

Vùng đất này xưa kia chỉ có người Thượng thuộc sắc tộc S'tiêng sinh sống, tới thời Pháp thuộc mới trở thành nơi đày tù khổ sai. Sau này, trong những lần về thăm nhà, được các em dẫn vào rừng thám hiểm, tôi từng thấy những cây cam, cây bưởi, cây điều lộn hột thuộc hàng cổ thụ còn sót lại chen chúc với cây rừng, do tù khổ sai trồng từ mấy chục năm về trước.

Những cư dân người Kinh đầu tiên của Phước Long là di dân miền Trung được chính phủ đưa tới các khu dinh điền, được cấp đất đã ủi sẵn để làm rẫy.

Nguyên nhân chính khiến ông bác (anh họ của mẹ tôi) rủ bố tôi tình nguyện lên xây dựng tỉnh mới là các công chức sẽ được chính phủ ưu tiên cấp đất để tùy nghi khai thác. Vùng đất dành cho Ty Công Chánh thuộc xã Sơn Giang, nằm dọc theo con đường từ quận lỵ Phước Bình vào tỉnh lỵ Phước Long, khoảng giữa phi trường dã chiến và chân núi Bà Rá.

Đất đỏ ở đây tốt hơn đất ở Long Khánh nhiều, lý tưởng để trồng cao-su, cà-phê, cây ăn trái và hoa mầu, đặc biệt là hạt tiêu. Điểm thuận lợi nhất cho các công chức được cấp đất làm rẫy, viết ra thì có vẻ “người bóc lột người” nhưng trên thực tế lại là “đôi bên cùng có lợi”, đó là gần như toàn bộ nhân công được mướn để làm rẫy đều là đồng bào Thượng.

Theo suy đoán của tôi, trước khi chính phủ VNCH thành lập tỉnh Phước Long, đưa di dân miền Trung tới lập nghiệp và đưa viên chức chính phủ lên xây dựng tỉnh, người Thượng ở đây chưa từng tiếp xúc với người Kinh cho nên họ không hề có một chút ý niệm về giá trị của tiền bạc, trả công bao nhiêu họ cũng nhận không một chút thắc mắc!

Mẹ tôi kể lại mặc dù luôn luôn trả tiền công cho họ cao hơn những chủ rẫy người Kinh khác, bà vẫn cảm thấy áy náy vì cho rằng trả như là thấp, là “lỗi phép công bằng” (theo giáo lý Công giáo) cho nên thường trữ sẵn muối, đường, thuốc rê để lâu lâu cho họ, và bánh kẹo cho con cái họ. Lúc đầu, thấy đàn bà con gái để ngực trần, mẹ tôi cho họ mấy cái áo bà ba cũ nhưng đa số từ chối vì họ để ngực trần quen rồi!

* * *

Khoảng 4, 5 năm sau ngày lên Phước Long, bố mẹ tôi đã an cư lạc nghiệp.

Cùng với hoa màu, mấy mẫu tây trồng cây ăn trái đã bắt đầu thu hoạch. Chỉ nội hàng điều lộn hột trồng làm ranh giới giữa rẫy của nhà tôi và ông bác họ đã đem lại một món lợi tức đáng kể mà chẳng phải tốn công sức gì cả.

Nhớ lại hồi còn bé ở Tha La xóm đạo, lâu lâu mới thấy một cây điều mọc lang thang, có trái lời dạy của cha xứ (không được leo lên cây hái trái) mà leo lên hái thì cũng chỉ được vài trái chưa kịp chín, bởi vì có nhiều thằng nhỏ khác (cũng không nghe lời cha dạy) nhanh tay lẹ mắt hơn!

Còn ở Phước Long, điều lộn hột ra trái đầy cây mà không ai thèm ăn, đợi tới cuối mùa rụng xuống, mướn người Thượng thu lượm hột dồn vào bao bố đem ra chợ tỉnh bán cho người thu mua (ngày đó hạt điều còn tương đối hiếm, rất có giá).

Tuy nhiên niềm vui, và hãnh diện, lớn nhất của bố tôi chính là ngôi nhà gỗ khang trang có gác lửng với những cây cột bằng gỗ giáng hương, loại gỗ quý nhất của rừng già Phước Long!

Nhưng niềm vui ấy không kéo dài được lâu. Khoảng đầu tháng 5/1965, để mở đầu cho “chiến dịch Đồng Xoài”, Việt Cộng tấn công quận lỵ Phước Bình và tỉnh lỵ Phước Long.

Tại tỉnh lỵ Phước Long, ngay từ thời đệ nhất cộng hòa, toàn bộ công chức được xem là lực lượng bán quân sự đặt dưới quyền điều động của Bộ chỉ huy Tiểu khu; công chức các cấp đều được học cách sử dụng vũ khí.

Ít lâu trước khi Việt Cộng phát động chiến dịch Đồng Xoài, được tin tình báo, Bộ chỉ huy Tiểu khu ra lệnh cho toàn thể công chức tới tối phải trở vào nhiệm sở ngủ để tham gia phòng thủ khi hữu sự.

Hiện nay vào trang mạng Wikipedia tiếng Việt với từ khóa “chiến dịch Đồng Xoài”, độc giả sẽ thấy phía cộng sản đã phải thừa nhận ngày ấy Việt Cộng bị thiệt hại nặng nề khi lực lượng hơn một trung đoàn của họ tấn công quận lỵ Phước Bình.

Riêng tỉnh lỵ Phước Long, tôi được nghe kể lại đêm hôm ấy Việt Cộng đã chiếm được gần hết tỉnh, chỉ còn lại Bộ chỉ huy Tiểu khu, Tòa hành chánh và Ty Công Chánh, nhưng không thể tiến xa hơn trước sức kháng cự mãnh liệt của lực lượng phòng thủ.

Tới gần sáng, lực lượng địch đã phải rút lui khi các phi cơ khu trục của Không Quân VNCH tới can thiệp. Sáng ra, người ta thấy xác Việt Cộng nằm la liệt mà nhiều nhất là ở trước Ty Công Chánh, nơi các công chức chỉ được trang bị súng Carbine M1, một loại súng trường bán tự động hạng nhẹ!

* * *

Từ năm 1965 cho tới năm 1972, Phước Long bị tấn công thêm nhiều lần nữa, tuy không có giao tranh trong tỉnh lỵ nhưng khu vực gia đình tôi sinh sống lại trở nên nguy hiểm hơn vì nằm giữa phi trường Phước Long và chân núi Bà Rá, nơi thường xuyên xảy ra các cuộc giao tranh trong đêm tối giữa Việt Cộng với các lực lượng VNCH và biệt kích Mỹ.

Theo lời các em tôi kể lại, có lần đám Việt Cộng tấn công phi trường bị đẩy lui, rút ra ẩn núp dưới con suối phía sau khu rẫy nhà tôi, bị trực thăng võ trang của Mỹ quần tới sáng!

Năm 1970, sau khi đã nhập ngũ và phục vụ tại Căn Cứ Không Quân Pleiku, trong lần duy nhất về thăm nhà, tôi thấy những lỗ đạn đại liên 12 ly 7 trên vách ván do trận đánh trước đó để lại, cũng may cả nhà không ai bị hề hấn gì. Trong lần về thăm nhà ấy, ban đêm, tôi được bố đưa vào trong tỉnh ngủ nhờ nhà người quen chứ không dám ngủ ở nhà.
Qua năm 1971, tình hình chiến sự càng thêm ác liệt, bố mẹ tôi quyết định bỏ của chạy lấy người lần thứ hai kể từ ngày di cư vào Nam năm 1954.
Thực ra lần này cũng không đến nỗi ra đi tay không như lần rời bỏ Tha La xóm đạo năm 1956, mà nhà cửa, đất đai được bán lại cho một người anh họ khác của mẹ tôi, nhưng với một cái giá rất tượng trưng!

Sau đó mẹ tôi đưa các con về Hố Nai trong khi bố tôi tiếp tục ở lại Phước Long chờ ngày đơn xin thuyên chuyển về Ty Công Chánh Biên Hòa được chấp thuận.

Thế là sau hơn 12 năm bỏ Hố Nai lên Phước Long lập nghiệp, gia đình tôi lại quay về chốn cũ, nơi hai gia đình người chị và người em gái của mẹ tôi đã lập nghiệp từ những ngày đầu di cư.

Mẹ tôi
Phải rời bỏ Phước Long, có lẽ chỉ một mình mẹ tôi buồn. Bố tôi tuy có tiếc ngôi nhà bằng gỗ quý nhưng cũng được an ủi vì đổi về Ty Công Chánh Biên Hòa xa vùng lửa đạn, các em tôi vui vì Hố Nai gần thành thị, đứa thì lên Sài Gòn ở với dì, đứa nội trú ở Thủ Đức, muốn đi đâu chơi cũng tiện...

Nhưng mẹ tôi thì rất buồn, bởi vì bà đã gắn bó với Phước Long, cũng như trước đây bà đã gắn bó với Tha La xóm đạo. Có thể nói cuộc đời của mẹ tôi một nửa dành cho gia đình, một nửa dành cho xã hội và giáo hội.

Mẹ tôi là một người thông minh, lanh lợi, xông xáo và khá cứng đầu!

Bà ngoại tôi nhận xét “Cứ nhìn cái trán nó thì biết!”

Nhưng cũng chính bà thường nói “Mẹ Thuyết (tên bố tôi) mà được học hành tới nơi tới chốn thì cả nhà này không ai bằng nó!”. Ý bà muốn nói là hơn cả các cậu các dì được ăn học trên tỉnh!

Riêng với tôi, tạm thời gác quan hệ mẹ con sang một bên, mẹ tôi cũng vẫn là người phụ nữ tôi kính phục nhất trong đời, với ba đức tính nổi bật: đảm đang, nhân hậu, và bất khuất.

Mẹ tôi ra chào đời vào ngày đầu năm dương lịch 1929, gần cuối năm Mậu Thìn. Sau này mẹ tôi thường hãnh diện về cái tuổi Thìn của mình nhưng riêng tôi thì thấy “quý” đâu không thấy chỉ thấy lận đận long đong một đời!

Dù chỉ là người con thứ hai, ngay từ nhỏ mẹ tôi đã phải gánh vác mọi việc trong nhà ngoài đồng.
Nguyên ông ngoại tôi, Vũ Ngọc San, vốn thuộc chi tộc Vũ Ngọc của họ Vũ - họ lớn nhất ở tỉnh Nam Định - ngày ấy làm lý trưởng làng Du Hiếu, một làng nông nghiệp ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy.

[Sau năm 1954, hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy bị sát nhập thành huyện Xuân Thủy. Mãi tới năm 1996, khi tỉnh Hà Nam Ninh tách rời thành ba tỉnh như cũ (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) Xuân Thủy mới trở thành hai huyện riêng biệt Xuân Trường và Giao Thủy như trước đây]

Họ Vũ Ngọc không nổi tiếng vì giàu có mà nhờ truyền thống hiếu học. Người con gái lớn, tức chị của mẹ tôi, vốn có bản chất thông minh (lại ốm yếu quanh năm, không thể làm lụng) nên được ông bà gửi ra Hà Nội nội trú ở trường các bà Xơ áo trắng.

Mẹ tôi ở nhà thọ giáo ông bạ Phác, một người trong thân tộc và cũng là người uyên bác nhất trong số 5 ông “bạ” (chưởng bạ) của làng; ông thường đi đó đây nên không mở trường dạy học, chỉ nhận làm gia sư cho một mình mẹ tôi. Kết quả, “cô Kính con ông bà Lý San” đã trở thành cô gái đầu tiên và duy nhất trong làng, tính tới lúc đó, lên Nam Định thi tiểu học, và thi đậu.

Trước đó, vào tuổi 11, mẹ tôi còn đoạt danh hiệu “tông đồ nghĩa binh bé nhất” của Địa phận Bùi Chu.

Cũng nên biết về hành chánh, làng Du Hiếu thuộc tỉnh Nam Định, còn về mặt tôn giáo, giáo xứ Du Hiếu thuộc Địa phận (Diocese) Bùi Chu. Du Hiếu trước kia chỉ là một họ đạo thuộc Giáo xứ Quất Lâm, tới năm 1940 mới được nâng lên hàng giáo xứ. (1)

Nhà thờ Du Hiếu
 
Năm ấy, nhân dịp trọng đại này, Đức cha Hồ Ngọc Cẩn, giám mục địa phận Bùi Chu về thăm Du Hiếu, mẹ tôi được giới thiệu là “tông đồ nghĩa binh bé nhất” trong địa phận, được Đức cha gọi lên ban khen và cho hôn nhẫn. (“Tông đồ nghĩa binh” cũng giống Đội trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể ngày nay).

[Đức cha Hồ Ngọc Cẩn (18761948) là vị giám mục người Việt thứ nhì sau Đức cha Nguyễn Bá Tòng (1868-1949), giám mục địa phận Phát Diệm]
 
* * *

Với tài chỉ huy (tạm gọi như thế) và sự tháo vát, khi bắt đầu khôn lớn, mẹ tôi đã dần dần thay thế ông bà ngoại quán xuyến mọi việc trong nhà ngoài đồng.

Tiếng lành đồn xa, “cô Kính con ông bà Lý San” nổi tiếng xinh xắn, đảm đang đã được mấy đám gia thế ở các huyện lân cận và trên thành phố Nam Định nhờ người mai mối, nhưng tất cả đã bị ông bà ngoại tôi từ chối.

Nguyên nhân: khi gả chồng cho ba cô con gái đầu, ông bà tôi đã đưa ra hai điều kiện tiên quyết, một là con nhà hiền lành đạo đức, hai là phải là người cùng làng. Sở dĩ ông bà không muốn con gái làm dâu phương xa là vì sợ con mình bị nhà chồng ăn hiếp!

Với hai điều kiện ấy, ông bà tôi đã chấp nhận những cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối. Bởi vì xét về giàu nghèo, tuy ông ngoại tôi không giàu nứt khố đổ vách cũng đứng thứ nhì trong làng, chỉ sau ông bố vợ - một ông bá hộ giàu nức tiếng! Còn xét về chữ nghĩa, năm ông “bạ” trong làng thì có tới bốn ông là người thân ruột thịt của ông ngoại hoặc bà ngoại tôi.

Kết quả, cả ba người con rể đều là con của các ông Trùm họ đạo, đều là con trai út, đều là học trò của ông giáo Cư, người anh trai duy nhất của ông ngoại tôi và cũng là ông “bạ” duy nhất trong làng mở trường dạy học, nên còn được gọi là ông “giáo”.

Riêng mẹ tôi còn không phải làm dâu, vì ít lâu sau ngày cưới, bố mẹ chồng lần lượt qua đời. Nhờ đó, mẹ tôi có thì giờ thường xuyên trở về nhà cha mẹ ruột để phụ giúp trông coi mọi việc.

Mặc dù lúc ấy mới 4, 5 tuổi, những gì xảy ra vào năm 1953, 1954 đến nay tôi còn nhớ khá rõ.

Mỗi tuần vài lần, mẹ tôi lại bế con (em trai 2 tuổi của tôi) về nhà ông bà, tôi lẽo đẽo theo sau. Thường thì mẹ tôi chỉ làm những công việc trong nhà, như giã gạo, chăm sóc bầy lợn, đàn gà, chỉ bảo dì út cơm nước, giặt giũ..., nhưng tới ngày mùa thì mẹ tôi vô cùng bận rộn, nhiều khi ăn cơm chiều xong, phải ở lại tới tối.

* * *

Sau này nghe người lớn kể lại, tôi được biết tới năm 1953, tình hình an ninh ở làng Du Hiếu bắt đầu xấu đi. Một làng Công giáo toàn tòng giờ đây đã có những phần tử đi theo Việt Minh, tức là chống lại phe thân quốc gia trong làng mà ông ngoại tôi là người đứng đầu.

Thực ra, nếu chỉ giữ chức Lý trưởng - một chức vụ về hành chánh - ông ngoại tôi không dính dáng gì tới cuộc xung đột quốc cộng, mà phe nào kiểm soát làng thì chấp nhận ngả theo phe đó. Nhưng ở đây ông ngoại tôi lại có nhiều liên hệ với phe quốc gia và tội chống việt Minh.

Trước hết nói về liên hệ gia đình thì một người em trai của bà ngoại tôi là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, bị cộng sản (Việt Minh) bắt năm 1946, về sau có người cho biết họ chứng kiến ông bị bắn chết trong trại Đầm Đùn. Tiếp theo, ông bạ Phác, gia sư của mẹ tôi và cũng là một người trong thân tộc, bị cộng sản bắt đem đi biệt tích, sau này không ai được biết số phận.

Nhưng “tội” nặng nhất là việc ông ngoại tôi tham gia lực lượng Tự vệ Bùi Chu - Phát Diệm.

Nguyên vào năm 1945, Đức cha Lê Hữu Từ, giám mục Địa phận Phát Diệm (sau này kiêm nhiệm giám mục Địa phận Bùi Chu sau khi Đức cha Hồ Ngọc Cẩn qua đời năm 1948), là một người chống Pháp triệt để, đã nhận lời làm Cố vấn Chính phủ do Hồ Chí Minh cầm đầu. Nhưng sau khi họ Hồ ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 hòa hoãn với Pháp, cho Pháp đem quân trở lại Bắc Việt với mục đích được rảnh tay tiêu diệt các đảng phái quốc gia (sách lược “liên kết với ngoại xâm để tiêu diệt nội thù”), Đức cha Lê Hữu Từ thấy được dã tâm của họ Hồ nên từ chức Cố vấn Chính phủ, tuyên bố thành lập Khu tự trị Bùi Chu Phát Diệm, không theo Pháp cũng không theo Việt Minh. Khi ấy, hai địa phận này có khoảng 400,000 giáo dân.

Cuối năm 1946, Việt Minh và Pháp quay ra đánh nhau, Khu tự trị Bùi Chu Phát Diệm đứng giữa phải thành lập lực lượng Tự vệ Công giáo, ông ngoại tôi được trao quyền chỉ huy Tự vệ của một tổng, gọi là “Tổng binh”, của tỉnh Bùi Chu mới được thành lập. (2)

Mặc dù lực lượng Tự vệ Công giáo ở vùng Giao Thủy - Xuân Trường không tồn tại được lâu trước sức áp đảo của cả Việt Minh lẫn Pháp, nhiều người vẫn tiếp tục gọi ông ngoại tôi là ông Tổng San thay vì Lý San; chính vì cái danh gọi “Tổng San” ấy mà ông tôi bị xem là có nợ máu với Việt Minh.

Khoảng giữa năm 1953, Việt Minh bắt đầu hoạt động công khai tại Du Hiếu vào ban đêm; ông tôi phải bỏ nhà lên Thức Hóa, một làng lớn ở kế cận nơi có lực lượng của quốc gia trấn giữ gọi là bốt Thức Hóa.

Tại đây ông tôi trú ngụ ở nhà ông chánh L, người đứng đầu làng, và đứng ra thành lập một lực lượng tình nguyện gọi là Trung đội Hương chức để cùng với lực lượng quốc gia trấn giữ làng.

Tôi vẫn còn nhớ trong một lần lén về thăm nhà, ông đã cho gọi tôi và người cậu út vào phòng riêng của ông bà cho chúng tôi ngắm nghía khẩu súng lục của ông!

Một ngày nọ, có người từ Du Hiếu lên Thức Hóa mật báo về một buổi họp quan trọng của Việt Minh sẽ được tổ chức vào đêm hôm đó tại một căn nhà trong làng. Phe quốc gia âm thầm đưa người về bao vây, bắn chết ba tay cán bộ.

Mặc dù ông tôi chẳng dính dáng gì tới vụ này, đám Việt Minh cũng lấy một phần ba mẫu đất trồng hoa màu của nhà tôi gần nghĩa trang của làng để chôn ba tay cán bộ và đắp ba cái mộ thật lớn, như để dằn mặt “bố con Lý San”!

Từ đó, ông tôi không bao giờ về thăm nhà nữa, nhưng lâu lâu không hiểu do nguồn tin “tình báo” từ đâu, Việt Minh lại bất thần tới bao vây xét nhà, cầu may bắt được ông. Mỗi lần như thế, mẹ tôi lại phải đối phó với họ...

Đầu năm 1954, vào dịp tết Giáp Ngọ, tôi và người cậu út được bà ngoại lén dắt lên Thức Hóa thăm ông. Đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông vì mấy tháng sau, ông hy sinh trong trận đánh đồn Thức Hóa, Việt Minh với lực lượng áp đảo, có cả súng cối, đã chiếm được làng.

* * *

Sau khi ông ngoại tôi mất, bố tôi phải âm thầm bỏ nhà lên Phú Nhai, thuộc huyện Xuân Trường, nơi lực lượng quốc gia còn nắm quyền kiểm soát, lánh nạn ở nhà xứ. Trước đó mấy tháng, khi Việt Minh bắt “dân công” để phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, bố tôi cũng đã phải bỏ trốn lên Phú Nhai; lần đó có dắt tôi đi theo, và cũng ở trong nhà xứ; tôi không bao giờ quên cảm giác lạ lùng pha lẫn sợ hãi khi đứng dưới sân nhìn lên hai ngọn tháp cao chót vót của ngôi thánh đường lớn nhất Đông Nam Á. (3)

Ở lại Du Hiếu, mẹ tôi đưa hai con – tôi và thằng em sơ sinh (người em kế tôi đã mất sớm) – về ở luôn trong nhà ông bà để trông coi mọi việc, bởi lúc ấy ngoài bà ngoại ra, nhà không có người lớn: người con nuôi (do Việt Minh xúi dục) đã bỏ đi, người dì thứ tư và người cậu lớn từ lâu đã được gửi trọ học ở Trung Linh (huyện Xuân Trường), còn lại chỉ có người dì út mới 13, 14 tuổi và ba cậu còn nhỏ.

Chẳng bao lâu sau, Việt Minh từng bước tiến hành chiếm nhà.

Đầu tiên, họ lấy cái sân gạch trước nhà làm nơi sinh hoạt cho cán bộ và thiếu nhi (cháu ngoan bác Hồ).

Nếu không kể ruộng nương chỉ tính nhà cửa thì cơ ngơi của ông ngoại tôi lớn nhất làng Du Hiếu, nằm trên một thửa đất hình chữ nhật, gồm một ngôi nhà chính, một cái nhà ngang, một cái ao thật lớn, một sân gạch cũng tương đương với cái ao, một cái bể (bồn bằng xi-măng) chứa nước mưa, và vườn tược chung quanh...

Sinh hoạt của đám cán bộ gồm những tiết mục gì, tôi không để ý tới, chỉ biết trong đó có màn trai gái nắm tay nhau nhảy “son đố mì”. (4)

Riêng với những đứa trẻ mới lớn như tôi và cậu út thì sinh hoạt thiếu nhi rất có sức thu hút. Giờ này tôi không còn nhớ ngày ấy đám cán bộ Việt Minh bày những trò chơi gì cho trẻ con, chỉ biết trong mấy ngày đầu, tôi và cậu út từ trong nhà ngang hí hởn chạy ra sân tham gia, và lần nào cũng bị mẹ tôi ra nắm cổ lôi vào.

Sau này hồi tưởng lại, tôi thấy không khí ở nhà bà ngoại lúc đó rất ngột ngạt, người lớn ai cũng trở nên nghiêm trang, ít nói chuyện với nhau, và khi cần phải nói thì chỉ nói nhỏ vừa đủ nghe.

Chẳng bao lâu sau, Việt Minh tiến thêm một bước: sử dụng nhà ngang làm nơi họp hành.

Gọi là “nhà ngang” bởi vì nó nằm ngang, tạo thành một góc vuông với ngôi nhà chính, mà chúng tôi gọi là “nhà trên”. Nhà ngang được sử dụng làm chỗ ăn uống cho con cháu (và người làm công khi tới mùa gặt), cũng là nơi đặt cối xay lúa và cối giã gạo. Còn ông bà thì ăn riêng ở nhà trên; chỉ những khi ông vắng nhà, bà mới ăn chung với con cháu ở nhà ngang.

Mỗi khi Việt Minh kéo tới, bà, mẹ tôi và mọi người lại phải kéo nhau lên nhà trên, nhường nhà ngang cho họ. Nhà trên bằng gỗ quý, lợp ngói, rất cao ráo, rộng rãi, thoáng mát nhưng từ khi Việt Minh kéo tới, các cửa và cửa sổ ở mặt tiền (nhìn ra sân gạch) được đóng kín, mọi người ra vào bằng cái cửa hông, lối đi xuống nhà ngang, cho nên ai cũng cảm thấy bị tù túng, không khí càng trở nên khó thở.

Cho tới một ngày nọ, sau khi Pháp đầu hàng Việt Minh tại Điện Biên Phủ đưa tới nhiều tin đồn, dự đoán bi quan về số phận người dân miền Bắc, bà ngoại tôi đưa dì út và ba cậu lên Hà Nội.

Lúc này, ở những vùng do Việt Minh kiểm soát, người nào có việc muốn rời khỏi làng phải xin giấy phép do “ủy ban hành chính” (của kháng chiến) cấp. Bà tôi và các con có được tờ giấy phép này là nhờ mẹ tôi mua chuộc một người họ hàng xa đang làm việc trong ủy ban nói trên.

Cũng giống như đám “30 tháng Tư” ở miền Nam sau này, ngày ấy ở miền Bắc cũng không thiếu những tay trở cờ hoặc hợp tác với Việt Minh để thủ lợi. Nhờ đó mẹ tôi mới “mua” được tờ giấy phép đi đường cho bà ngoại, từ Du Hiếu lên Nam Định “để thăm người nhà đau ốm”!

Dĩ nhiên, đám Việt Minh thừa biết bà tôi một đi không trở lại. Mấy ngày sau, ủy ban kháng chiến tới niêm phong toàn bộ nhà cửa, kiểm kê và tịch thu vườn tược, gia súc...

Từ đó, tôi không bao giờ còn được trở lại cái cơ ngơi đẹp đẽ, thân yêu, nơi tôi đã sống một phần tuổi ấu thơ của mình!

* * *


Ít lâu sau, tôi theo mẹ vào nhà bác C, chị gái của mẹ tôi, người trước kia được gửi học nội trú ở Hà Nội. Tôi không được biết hai chị em nói chuyện gì với nhau, chỉ nhớ trước khi ra về tôi được bác trai cho một tờ giấy bạc 10 đồng màu đỏ (tiền Đông Dương). Lúc ấy, tôi chưa đủ trí khôn để thắc mắc tại sao bỗng dưng bác trai lại cho tiền mình, nhưng vì đã được mẹ dạy đánh vần và đếm số, tôi biết đây là một số tiền lớn gấp đôi số tiền 5 đồng ông ngoại mừng tuổi hôm Tết khi lên Thức Hóa thăm ông. Vì thế, tôi thích vô cùng, về nhà nhất định không chịu đưa cho mẹ giữ mà cẩn thận cất trong túi quần soọc (short), cái quần duy nhất của tôi có túi.

Sau này, tôi mới biết mẹ tôi vào để từ giã hai bác trước khi di cư vào Nam. Nếu không kể gia đình bà ngoại đã ra Hà Nội từ trước, gia đình tôi là gia đình đầu tiên trong làng Du Hiếu quyết định di cư.

Nguyên vào thời gian này mặc dù Hiệp Định Genève 1954 chấm dứt Chiến tranh Đông Dương đã được ký kết ngày 20 tháng 7, trong đó có điều khoản người dân hai miền nam bắc vĩ tuyến 17 có 300 ngày để lựa chọn hoặc sống dưới chế độ cộng sản ở miền bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) hoặc chế độ quốc gia ở miền nam (Quốc Gia Việt Nam, năm 1955 đổi danh xưng thành Việt Nam Cộng Hòa), nhưng đa số dân chúng ở các vùng quê ngoài bắc không, hoặc chưa biết việc này.

Thực ra, sau khi Pháp đầu hàng Việt Minh tại Điện Biên Phủ (tháng 5/1954), nhiều người dân Hà Nội, Hải Phòng đã bắt đầu tìm đường vào Nam, và sau khi quân đội Pháp bất ngờ rút khỏi thành phố Nam Định, dân chúng cũng hốt hoảng chạy theo, nhưng tại các xứ đạo miền quê, giáo dân chỉ được biết tin tức qua các vị linh mục, mà chính các vị này cũng đang hoang mang, chờ đợi chỉ thị, hướng dẫn của giáo quyền.

Gia đình tôi may mắn được người quen từ Nam Định về cho biết tình hình bi đát trên tỉnh, vì thế bố tôi đang ở Phú Nhai quyết định đi lên Hải Dương tạm trú tại nhà họ hàng, chờ mẹ tôi đưa hai con lên rồi tìm đường vào Nam.

Mẹ tôi thuyết phục được dì T, em kế mẹ tôi, để chú cùng đi, sau khi tới Hà Nội, nếu không muốn đi vào Nam chú có thể trở về làng.

Cuộc hành trình 200 km

Như đã viết ở trên, số của mẹ tôi lận đận, chính vì biết rõ tình hình và bỏ đi sớm mà mẹ tôi phải trải qua cuộc hành trình gian khổ gần 200 km trong đó 1/3 quãng đường này phải đi bộ!

Nếu mẹ tôi đợi hai, ba tháng để rồi cùng đi với đoàn người trong làng, khi việc tự do di cư đã được phổ biến rộng rãi, Việt Minh không thể ngăn cấm (ít nhất cũng ở các làng Công giáo) thì đâu đến nỗi!

Buổi tối trước khi chúng tôi đi, mẹ tôi mời ba bà bác dâu bên họ nội, tức ba người chị dâu của bố tôi, tới nhà. Cùng với việc từ giã, mẹ tôi đã phân chia ấm tách, chén sứ, muỗng nĩa, mâm đồng, nồi đồng, xoong chảo cho các bác. Những thứ này ở miền Bắc ngày đó rất quý, bố tôi là con trai út, vì phải nuôi hai em gái nên được hưởng tài sản của ông bà nội.

Sáng sớm hôm, khi nhà thờ Du Hiếu chưa đổ chuông nhất (khoảng 4 rưỡi sáng), tôi đã bị mẹ đánh thức dậy để đi. Khi chúng tôi tới nhà dì T, chú đã chuẩn bị sẵn sàng; chú không chỉ có nhiệm vụ “hộ tống” chúng tôi mà quan trọng không kém là phải đeo cái tay nải của mẹ tôi trên lưng, vì mẹ tôi phải bế em trai tôi, lúc đó mới được mấy tháng.

[“Tay nải” là một loại túi vải hình ống, hai đầu nhỏ dần thành cái quai đeo xéo ngang lưng, để đựng quần áo, đồ dùng khi đi đường xa]

Vừa ra khỏi đầu làng chúng tôi rời đường cái để sử dụng những con đường nhỏ ở dưới đồng ruộng, bởi nếu đi trên đường cái có thể bị cán bộ Việt Minh bắt giữ, hoặc đuổi trở về làng.

Rất tiếc, khi ấy còn nhỏ dại, tôi không nhớ được mọi diễn tiến trong cuộc hành trình gian khổ của bốn người chúng tôi từ làng Du Hiếu tới thị trấn Phủ Lý, thủ phủ tỉnh Hà Nam, là tỉnh nằm giữa Nam Định và Hà Nội. Sau này di cư vào Nam, vì sống với bà ngoại và các dì các cậu nhiều hơn sống với gia đình, tôi cũng không có cơ hội hỏi mẹ tôi một cách chi tiết.

Tôi chỉ nhớ đại khái lộ trình của chúng tôi như sau: từ Du Hiếu đi Phủ Lý, từ Phủ Lý đi Hà Nội, từ Hà Nội đi Hải Dương, và sau cùng từ Hải Dương đi ra Hải Phòng để lên tàu vào Nam.

* * *

Làng Du Hiếu nằm ở vùng đông nam tỉnh Nam Định, gần biển, cách thành phố Nam Định khoảng 45 km.

Từ Nam Định muốn lên Hà Nội phải đi qua tỉnh Hà Nam ở hướng tây bắc; khoảng cách từ thành phố Nam Định tới thị trấn Phủ Lý, thủ phủ tỉnh Hà Nam, vào khoảng 35 km, vị chi từ Du Hiếu tới Phủ Lý vào khoảng 90 km, tuy nhiên vì chúng tôi không đi lên thành phố Nam Định mà đi đường tắt, cho nên lộ trình chỉ vào khoảng 70 km.

Cho tới lúc ấy, thị trấn Phủ Lý và thành phố Nam Định vẫn còn nằm trong tay phe quốc gia, tại sao gia đình tôi không lên Nam Định để từ đó đi xe tới Phủ Lý, rồi từ đây đi xe lên Hà Nội?

Sau này nghe người lớn kể lại, tôi mới biết nguyên nhân là vì đường từ Nam Định đi các tỉnh lân cận (Hà Nam, Thái Bình...) thường bị Việt Minh đặt mìn, đã có nhiều xe - xe dân sự cũng như xe quân đội - bị mìn khiến nhiều người chết hoặc bị thương. Trong số người chết có cả người em gái của bà ngoại tôi và cô con dâu.

Vì thế, chúng tôi đã phải đi bộ theo đường tắt, khoảng 70 km từ làng Du Hiếu tới thị trấn Phủ Lý trong thời gian 14 ngày. Thời gian “14 ngày” là do mẹ tôi nhớ lại, còn khoảng cách 70 km từ làng Du Hiếu tới Phủ Lý là do sau này tôi tìm hiểu qua bản đồ.

Trên quãng đường 70 km ấy, khi đi qua những làng Công giáo, ban đêm chúng tôi thường ngủ ở sân nhà thờ, sáng ra dự thánh lễ rồi đi tiếp, cũng có khi tạt vào chợ mua thức ăn, bánh trái...

* * *

Nhưng trước khi tới được khu vực do quân đội quốc gia kiểm soát, có sự hiện diện của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến ở Phủ Lý, chúng tôi đã gặp cản trở sau cùng, và cũng là cản trở lớn nhất trong cuộc hành trình: tại bến đò Phủ Lý, chúng tôi cùng với đoàn người di cư bị Việt Minh ngăn chặn, tuyên truyền xuyên tạc gây hoang mang, trà trộn vào để gây hỗn loạn.

Mặc dù không nhớ được mọi diễn tiến của cuộc hành trình gian khổ từ làng Du Hiếu lên thị trấn Phủ Lý, những gì xảy ra tại bến đò tôi lại nhớ từng chi tiết nhỏ. Rất có thể vì lúc đó mẹ tôi bỗng dưng trở thành một “người hùng bất đắc dĩ”!

Đầu đuôi sự việc như sau:

Con đường đi Phủ Lý mà chúng tôi sử dụng, tới bờ sông Đáy là đường cùng, tại đây có một bến đò dọc đi Phủ Lý. Bến đò này nằm trong khu vực có sự hiện diện của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến nhưng họ chỉ có mặt vào ban ngày, khi có những chuyến đò của phe quốc gia chở người di cư từ đây đi Phủ Lý.

Hôm ấy, khi chúng tôi tới bến đò thì trời đã về chiều, không còn đò và các nhân viên trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến cũng đã rút đi. Đoàn người di cư tụ tập tại bến đò càng lúc càng đông; sau này nghe mẹ tôi kể lại có đến cả ngàn người. Vậy mà trong đám đông ấy chúng tôi đã gặp được người trong thân tộc: gia đình bà bạ Phác (nhắc lại: ông bạ Phác là thầy dạy học của mẹ tôi, đã bị Việt Minh bắt đem đi mất tích).

Khi trời đã tối, mọi người đang chuẩn bị chỗ đặt lưng qua đêm thì bỗng có một toán nam nữ cán bộ Việt Minh tới nơi cùng với mấy chiếc xe cam-nhông (vận tải); họ ăn mặc như thường dân chứ không mặc quần áo bộ đội, và cũng không mang súng ống vì ở vùng này cả hai phe đều bị cấm mang vũ khí. Họ tới chỉ để tuyên truyền và gây rối loạn.

Trước hết, một tay cán bộ đứng trên phía sau một chiếc xe, dùng loa (loa bằng thiếc, ngày đó chưa có loa chạy bằng pin) kêu gọi mọi người đừng dại dột nghe theo lời xúi giục di cư vào Nam mà hãy trở về làng quê của mình sống trong hòa bình, bởi vì trong Nam vẫn còn chiến tranh, chết chóc, vào Nam sẽ bị bắt đi lính cho Pháp, v.v... Rồi hắn ta hứa hẹn “Ai trở về thì sẽ được phát một nón (nón lá) bánh kẹo và được ô-tô chở về tận làng!”

Tay cán bộ nói xong, đám nữ cán bộ đồng loạt xông vào đoàn người di cư, gây rối loạn trong màn đêm bằng cách lôi trẻ con ra khỏi tay người lớn khiến nhiều gia đình bị thất tán, tiếng trẻ con khóc, tiếng cha mẹ gọi con inh ỏi!

Trong lúc hỗn loạn đó, chúng tôi lạc mất chú T, mẹ tôi phải nhờ cậu P và cậu N con bà bạ Phác nắm chặt hai tay tôi. Bỗng một ả cán bộ xông tới, vừa đưa tay như muốn giật lấy em tôi trong tay mẹ tôi vừa nói:

“Chị muốn đi thì để cháu lại chúng em nuôi cho, khi nào chị về chúng em giao lại!”

Xui cho ả cán bộ đụng phải mẹ tôi, tức “cô Kính con gái ông bà Lý San” nổi tiếng đáo để nhất làng Du Hiếu. Mẹ tôi tay giữ chặt em tôi, miệng quát:

“Con tôi, tôi đẻ ra thì tôi nuôi, tôi giữ, không khiến chó các chị!”

Ả cán bộ câm họng. Được đà, mẹ tôi lớn tiếng hô hào mọi người chung quanh hãy nắm chặt tay nhau để khỏi bị lạc, và vạch mặt những ả cán bộ Việt Minh trà trộn phá rối “lôi chúng nó ra dần một cho trận”!

Cùng lúc đó, một số đàn ông trong đoàn người di cư khám phá ra một số cán bộ Việt Minh kéo cái cầu tàu nổi ở bến đò lên bờ và tính khiêng đi đâu đó, liền tri hô lên cho mọi người biết.

Cầu tàu nổi (floating pier) này làm bằng tre nứa, gồm mấy đoạn nối lại với nhau, để hành khách từ bờ đi lên đò vì đò ở đây là đò dọc, khá lớn không thể vào sát bờ (ngoài Bắc người ta thường gọi là “tàu”).

Nếu để Việt Minh lấy mất cái cầu tàu thì ngày mai làm sao lên đò, người lớn có thể lội ra nhưng còn con nít thì sao? Thế là đám đàn ông kéo nhau tới vây quanh mấy tay cán bộ đang khuân mấy đoạn cầu tàu (chắc tính đem lên xe?), đòi một mất một còn khiến họ phải bỏ chạy...

Nhưng dù sao, việc đám cán bộ Việt Minh tới để tuyên truyền và gây rối loạn trong đoàn người di cư cũng thành công phần nào.

Thứ nhất, trong khi đại đa số nhất quyết đi di cư, một số nhỏ đã bị lung lạc trước những lời tuyên truyền xuyên tạc của cán bộ Việt Minh và lên xe quay về.

Thứ hai, thủ đoạn cho đám nữ cán bộ xâm nhập vào đoàn người để gây rối loạn đã gây tác hại không nhỏ; chẳng cần nói đâu xa, ngay gia đình tôi và chú T cũng bị lạc nhau. Nếu đêm hôm đó chúng tôi không may mắn gặp được gia đình bà bạ Phác, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra: rất có thể tôi đã bị đám cán bộ Việt Minh bắt cóc đem về cho làm “cháu ngoan bác Hồ”, lớn lên trở thành bộ đội “sinh Bắc tử Nam” không chừng!

Sáng ra, vẫn không tìm thấy chú T, mẹ tôi quyết định tiếp tục cuộc hành trình với gia đình bà bạ Phác.

Sau này, khi gặp lại nhau trong Nam, mọi người mới biết ngày ấy sau khi bị lạc nhau, chú T tin rằng mẹ tôi sẽ phải quay về, bởi vì tất cả quần áo, vật dụng cá nhân của chúng tôi đều nằm trong cái tay nải trên vai chú, chúng tôi không thể nào tiếp tục cuộc hành trình với bộ quần áo duy nhất trên người! Vì thế chú đã gia nhập đoàn người quay trở về làng, hy vọng sẽ gặp lại chúng tôi..., chứ chú đâu có ngờ mẹ tôi nhất quyết tiếp tục cuộc hành trình! Hơn nữa, đi một mình chú biết đi đâu?!

Riêng tôi, với đầu óc của một đứa trẻ mới hơn 5 tuổi, khi biết mình đã lạc mất chú T, tôi không hề nghĩ tới những khó khăn của mẹ tôi trong những ngày trước mắt mà chỉ buồn bực tức tối vì bị mất 10 đồng của bác C trai cho: cái quần soọc mà tôi cất kỹ tờ giấy bạc màu đỏ trong túi quần, giờ đây đang nằm trong cái tay nải trên vai chú T!

Mất tiền, tôi quay ra oán trách mẹ tôi: phải chi mẹ tôi cứ để cho tôi mặc cái quần soọc đó, đừng cất trong tay nải thì đâu đến nỗi!

Nguyên cái quần soọc bằng vải ka-ki (khaki) màu vàng này nằm trong bộ đồ “công tử nhất bộ” của tôi, gồm: quần soọc, áo sơ-mi trắng ngắn tay, cái mũ nồi (beret) bẳng nỉ màu xanh blue, và đôi xăng-đan bằng da.

Cái mũ nồi thì hễ ra khỏi nhà, chẳng hạn đi vào nhà ông bà, thì được đội, nhưng quần soọc và áo sơ-mi thì chỉ được mặc vào những dịp đặc biệt, trịnh trọng, chẳng hạn hôm tết theo bà lên Thức Hóa thăm Ông, hoặc mỗi khi đi lễ nhà thờ Quất Lâm.

* * *

Qua ngày hôm sau, vì số người di cư tụ tập tại bến đò Phủ Lý quá đông, phải đợi tới trưa, chúng tôi và gia đình bà bạ Phác mới được lên tàu – một chiếc tàu gỗ để chở khách khá dài, có mui để che mưa nắng. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được đi tàu, thuyền. Rất tiếc, vừa lên tàu xong thì trời mưa lớn, để tránh nước mưa hắt vào, các cửa sổ được che kín bằng những chiếc chiếu nên tôi không thể quan sát khung cảnh trên bờ.

Từ thị trấn Phủ Lý, đoàn người di cư được xe cam-nhông nhà binh chở ra Hà Nội. Tới Hà Nội thì trời đã tối. Tôi không nhớ gia đình bà bạ Phác và chúng tôi chia tay nhau từ lúc nào, chỉ biết sau đó mẹ tôi một tay bế em tôi một tay nắm tay tôi đi tới cuối Nhà Thờ Lớn, tức nhà thờ chánh tòa Hà Nội, để nghỉ qua đêm trên thềm.

Nhà thờ chánh tòa Hà Nội
 

Sau này khi đã trưởng thành, mỗi lần nhớ lại cái cảnh màn trời chiếu trên thềm Nhà Thờ Lớn Hà Nội, tôi lại tủi thân muốn khóc và thương mẹ tôi vô cùng.

Sau 14 ngày lội ruộng băng đồng dưới trời nắng chang chang, tay lúc nào cũng ôm đứa con mấy tháng, vượt 70 km đường bộ, “cô Kính con ông bà Lý San” nổi tiếng xinh xắn, học giỏi, tháo vát, đảm đang, từng thay bố mẹ cai quản cơ ngơi, đôn đốc bao con ăn người làm... giờ đây đang ngồi bệt dưới đất, rũ rượi, bẩn thỉu, rách nát như một mụ ăn mày!

Tôi không tả oán quá lời, mà chắc hẳn sáng hôm sau những giáo dân đi lễ sớm đã tưởng mẹ con chúng tôi là những kẻ ăn mày thật sự!

Thành thử sau này nhớ lại, tôi vẫn thắc mắc không hiểu sao cái quán phở đối diện sân nhà thờ lại để cho chúng tôi bước vào?... Tôi vẫn còn nhớ được mẹ gọi cho một tô phở có thịt giá 2 đồng, còn mẹ tôi ăn tô không thịt giá 1 đồng.

Rời quán phở, mẹ tôi dò hỏi đường đi tới bến xe đi Hải Dương, nơi bố tôi đang tạm trú ở nhà họ hàng bên nội.

Khoảng cách từ Hà Nội tới Hải Dương chỉ vào khoảng 60 km nhưng xe chạy ì à ì ạch xế chiều mới tới; chưa kịp vào bến thì xe bị tắt máy vì đường bị ngập lụt, nằm ăn vạ ngay phía trước chợ (thành phố Hải Dương nằm cạnh bờ sông Thái Bình, thường hay bị ngập lụt).

Mọi người phải xuống xe, lội tới thềm chợ để đứng tránh lụt. Mẹ tôi lo lắng ra mặt: cứ cái đà này thì còn lâu nước mới rút để mẹ tôi có thể hỏi thăm đường đi tới nhà bà M, nơi bố tôi đang chờ; có nghĩa là đêm nay lại màn trời chiếu đất!

Đang lúc mẹ tôi lo âu, tuyệt vọng, bỗng từ phía bên kia đường có tiếng người réo gọi. Thì ra một người con gái của bà M trên đường về nhà ở gần bờ sông, trong lúc chờ cho nước rút bớt, đã vô tình nhìn thấy mẹ tôi trên thềm chợ!

Tạ ơn Chúa. Tới đây kết thúc cuộc hành trình dài gần 200 km của mẹ con tôi, trong đó có 70 km phải đi bộ băng đồng!

* * *

Tôi không nhớ thời gian ở nhà bà M kéo dài bao lâu, chỉ biết chúng tôi đã mất một tuần lễ để hồi phục sức khỏe, nhất là hai bàn chân bị sưng tấy. Riêng tôi còn bị phỏng phía trong hai đùi vì khi đi bộ, da cọ sát vào nhau ngày này qua ngày khác, lại thiếu vệ sinh (không tắm rửa) nên làm độc, giống như bị phỏng nặng. Hậu quả là hai mảng da đen xì phía bên trong đùi mà tôi phải mang suốt đời. Vì thế, lớn lên tôi không bao giờ ôm mộng đi thi “lực sĩ đẹp”!

Sau khi bình phục, tôi được theo bố ra phố Hải Dương chơi mấy lần. Với tôi, một thằng bé nhà quê mà trước đây đi chỉ được lên tới Phú Nhai là xa nhất, cái gì ở Hải Dương cũng to đẹp, lạ mắt; và cũng chính tại Hải Dương, tôi đã được thưởng thức hai thứ đầu tiên trong đời là cà-rem (kem cây) và lạc rang (đậu phộng còn nguyên vỏ) nóng hổi, bùi không thể tưởng tượng!


* * *

Rồi tới một ngày nọ, gia đình tôi cùng một số người bên họ nội lên đường ra Hải Phòng, chỉ cách Hải Dương mấy chục cây số. Tại bờ biển, chúng tôi lên “tàu há mồm” (tàu đổ bộ - landing ship) để được đưa ra tàu lớn, một chiếc vận tải hạm của Hải Quân Hoa Kỳ.

Không hiểu vì phải đi theo lộ trình ấn định chung cho tất cả các tàu, hay vì vị hạm trưởng tốt bụng muốn cho đoàn người di cư có cơ hội nhìn lại vịnh Hạ Long – một kỳ quan thiên nhiên của thế giới – lần cuối cùng, chiếc vận tải hạm thay vì lấy hướng nam ngay sau khi ra khơi, lại giữ hướng đông, đi ra quần đảo Cát Bà trong Vịnh Hạ Long rồi mới từ từ xuôi nam, hướng về miền đất tự do.

Với cả bốn thành viên trong gia đình tôi - bố mẹ, tôi và em trai - đây là chuyến tàu biệt xứ, ra đi không hẹn ngày về.

Quần đảo Cát Bà
 

Trở lại với nỗi buồn của mẹ tôi khi phải rời bỏ Phước Long vào năm 1971. Trước kia chỉ ở Tha La chưa tới 2 năm, mẹ tôi đã gắn bó với họ đạo Nam kỳ nổi tiếng ấy, huống hồ ở Phước Long hơn 12 năm.

Về mặt đạo, mẹ tôi quen thân và rất có uy tín với cả hai đời cha xứ ở nhà thờ tỉnh lỵ; về mặt đời, mẹ tôi kết giao với đủ mọi thành phần, từ mấy ông sĩ quan trong tiểu khu tới các cô giáo xa nhà, các bà buôn bán ngoài chợ; thậm chí sau khi nghe tin thằng trưởng nam ở Sài Gòn thi đậu Tú Tài 2, mẹ tôi đã tự tiện chấm cho tôi cô con gái của bà chủ tiệm bách hóa duy nhất trong tỉnh.

Tôi chỉ được biết việc này khi về thăm nhà và bị mẹ đưa đi xem mặt cô vợ tương lai. Cô khá xinh chỉ phải tội người hơi đẫy đà, nhưng dù thế nào đi chăng nữa một thằng con trai Sài Gòn mới 18 tuổi ranh làm gì đã nghĩ tới chuyện lấy vợ. Về nhà, tôi tìm cách thoái thác; bà ngoại tôi còn đổ thêm dầu vào lửa, nói ở Sài Gòn bà quen thiếu gì, có đám còn có cả nhà thuốc tây. Khi bị mẹ tôi cự nự, bà tức mình bảo:

- Tôi nuôi nó (ý nói việc tôi sống với bà) thì để tôi hỏi vợ cho nó!

Thế là hai mẹ con giận nhau, cho tới trước ngày bà và tôi về lại Sài Gòn hai bên mới làm hòa.

Kể những chuyện này ra không phải để khoe khoang mà chỉ để cho thấy mẹ tôi là người đảm đang, xông xáo như thế nào, gắn bó Phước Long tới mức nào!


* * *

Về giáo xứ Bùi Chu, Hố Nai năm 1971, mua đất xây nhà xong, qua năm 1972, mẹ tôi lại bắt đầu... xông xáo!

Vào thời gian này, có một đoàn giáo dân miền Trung tỵ nạn cộng sản được đưa vào vùng Hố Nai lập nghiệp, một giáo xứ mới (Tân Thành, nếu tôi nhớ không lầm) được thành lập, nằm giữa giáo xứ Bùi Chu và giáo xứ Bắc Ninh. Mẹ tôi tình nguyện giúp cha xứ mới mở trường học, vừa dạy vỡ lòng vừa dạy giáo lý cho trẻ em.

Sau 30/4/1975, trường học (của giáo xứ mới) bị cộng sản tịch thu. Nhưng bù lại, mẹ tôi lại “chiếm” được một ngôi trường lớn hơn, đó là trường của giáo xứ Bùi Chu!

Nguyên sau khi thấy cộng sản tịch thu trường học của giáo xứ mới, biết thế nào họ cũng chiếm trường của giáo xứ Bùi Chu, mẹ tôi đã xúi các cụ già neo đơn tới “chiếm” trường làm nhà dưỡng lão, đặt tên là “Nhà Tình Thương”, giúp các cụ thiết lập cơ sở chăn nuôi, trồng trọt để tự lực cánh sinh.

Trước việc đã rồi (và đầy chính nghĩa ấy), cộng sản đành chịu thua. Nhưng chỉ thua tạm thời, vì như mọi người thường nói với nhau “bà giáo Thuyết mà chết là họ tịch thu Nhà Tình Thương ngay!”

Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh mẹ tôi không thua! Về sau, khi công việc ở Nhà Tình Thương ngày càng phát triển và mẹ tôi đã già yếu, chính quyền địa phương đã ép bụng “tỏ thiện chí” bằng cách công nhận đây là một cơ sở xã hội và đứng ra nhận trách nhiệm điều hành.

Nhưng đó chuyện sau này, còn vào năm 1981, khi tôi về Hố Nai ăn bám mẹ thì bà đang là cái gai trước mắt đám cán bộ địa phương, một “bà già giết giặc” có tới ba thằng con trai đi “lính ngụy”.

(Còn tiếp)


CHÚ THÍCH:

(1) Quất Lâm. Về hành chánh, Quất Lâm là một làng lớn thuộc xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, Nam Định, có bãi biển rất đẹp. Trước khi quân Nhật chiếm Đông Dương (1941), cứ lâu lâu đám quan lại Pháp trên Nam Định trong đó có cả quan công sứ (người đứng đầu tỉnh) lại đưa vợ con về Quất Lâm nghỉ mát, tắm biển.

Nhà thờ Quất Lâm

Sau năm 1975, tới thời kỳ “mở cửa, đổi mới”, Quất Lâm được nâng lên thành Thị trấn Quất Lâm, được ghi nhận là trung tâm mãi dâm lớn thứ nhì ở miền Bắc sau Đồ Sơn (Hải Phòng).

(2) Tỉnh Bùi Chu. Trong khoảng thời gian hai năm 1946, 1947, khi cuộc xung đột giữa Pháp - Việt Minh lan rộng và Pháp đã chiếm đóng thành phố Nam Định, phía Công giáo đã tự động thành lập “tỉnh Bùi Chu” gồm các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, tỉnh lỵ đặt tại Hành Thiện, một làng nổi tiếng xưa nay có nhiều người đỗ đạt nhất ở miền Bắc được nhắc tới trong ca dao: gái Cổ Am - trai Hành Thiện.

Tuy nhiên, ngay trong nội bộ Công giáo cũng có nhiều người không chấp nhận Bùi Chu là một “tỉnh”; sau di cư vào Nam và làm giấy “Thế vì khai sanh” cho những đứa trẻ ra đời trong giai đoạn này, họ đã đổi Bùi Chu thành Nam Định. Chính bà ngoại tôi tuy thân với các “đấng bậc” cũng phải nói “Làm gì có cái tỉnh Bùi Chu!”

(3) Nhà thờ Phú Nhai. Mặc dù Phú Nhai chỉ là một làng thuộc xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, nhưng có ngôi nhà thờ lớn nhất Đông Nam Á, vì nơi đây được ghi nhận là điểm truyền giáo đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam.

Nhà thờ Phú Nhai, còn gọi là Đền Thánh Phú Nhai, cũng là nhà thờ đầu tiên được xây dựng công khai tại VN, ngay sau khi vua Tự Đức ký sắc lệnh bãi bỏ cấm đạo vào năm 1866, chấm dứt gần 3 thế kỷ bách hại đạo Công giáo.

Với kiến trúc “gothic” kiểu Pháp độc đáo, nhà thờ Phú Nhai còn được xem là một trong những nhà thờ cổ kính đẹp nhất VN. Sau năm 1954, nhà thờ bị xuống cấp trầm trọng; bước sang đầu thế kỷ 21, nhờ sự đóng góp của “cựu giáo dân” Phú Nhai trong Nam và hải ngoại cùng các nhà hảo tâm, nhà thờ được trùng tu.

Năm 2008, nhà thờ Phú Nhai được Giáo hội La-mã sắc phong nâng lên hàng Vương cung Thánh đường (Basilica).

Đây là một trong bốn Vương cung Thánh đường tại VN, gồm (theo thứ tự sắc phong):

- Nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn)
- Nhà thờ La Vang (Quảng Trị)
- Nhà thờ Phú Nhai (Nam Định)
- Nhà thờ Sở Kiện (Hà Nam)


Nhà thờ Phú Nhai sau khi được trùng tu
 
 
(4) Son Đố Mì.Thực ra “son đố mì” chỉ là ba nốt nhạc Sol (G), Do (C) và Mi (E) trong ký âm pháp, nhưng ở đây đã được Việt Minh sử dụng để gọi một ca khúc và điệu nhảy giữa nam nữ cán bộ phát xuất từ Hoa Lục (Trung Cộng). Ngày ấy, ở vùng quốc gia, người ta thường hát nhái như sau:

“Son mì son là son đố mì, son mì son là ôm nhau đi, nhờ có bác Hồ mà ta mê ly...”

Hồ Chí Minh nhảy son đố mì với thiếu nhi Hà Nội
 
Rate this item
(0 votes)