Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Tình Chiến Hữu - Yên Sơn

Tình Chiến Hữu

Yên Sơn

---oo0oo---

 

“Old soldiers never die, they just fade away.”
General Douglas MacArthur

Ở một ngày chớm thu Houston, “Khiêm nháy” ở Ohio email cho anh em cựu phi công C.130A Houston biết là “Tư người ở” từ bên Đức sang; nhưng nghe nói bạn bè chỉ mua vé cho hắn đến California mà thôi. Hơn nữa, khi đặt vé hắn cũng không hề biết ở Houston cũng có anh em xưa, bè bạn cũ. “Khiêm nháy” và “Thuận thợ mộc” ngỏ ý muốn nhân cơ hội một số anh em Phi đoàn C.130 họp nhau ở Houston.

Trong Không Quân dường như ai cũng có “nick name”. Nick name hình thành do bạn bè “cố tình” đặt cho từ những đầu óc tếu táo, nghịch ngợm, căn cứ vào vùng miền, thói tật, chuyên môn… Thường là những cái tên nghe rất dị hợm, mà lúc bị gắn tên, chủ nhân hay nổi quạu nhưng cũng phải cười trừ. Riết rồi chết tên gọi tới… mãn đời!

“Tư người ở”? Tên nghe rất quen mà không thể hình dung ra khuôn mặt. Hơn 44 năm rồi không liên lạc, không thấy nhau, huống chi thời gian tôi ở C.130 không lâu lắm; chưa nói tới hắn là khoá đàn anh của tôi. Ngày còn trong quân chủng, mặc dù thân thiết nhau, cùng sinh tử với nhau nhưng “đàn anh”, “đàn em” đều có vai có vế. Dù vậy, với cái tên đặc biệt này. Tôi hoàn toàn không hình dung ra hắn nhưng biết chắc khi gặp sẽ nhận biết ra thôi.

Theo hắn kể. Tên của hắn hình thành kể từ khi ở trường bay bên Mỹ. Anh em ở chung nhau trong cư xá, chia nhiệm vụ nấu ăn, rửa chén. Hắn bị anh em đùn việc hơi nhiều nên giận nói, “Tao không phải là người ở đợ cho tụi bây đâu nghen.” Kể từ đó, bạn bè đồn nhau, ưu ái tặng cho hắn cái tên “Tư người ở” hay “Tư ở đợ” là vậy.

Được biết sau ngày 30 tháng 4, 1975, hắn bị kẹt lại, đi tù một thời gian cũng đủ mùi tân khổ; ra tù, tổ chức vượt biên, may mắn được tàu Đức cứu rồi định cư ở Đức từ ấy đến nay. Qua trễ, ngôn ngữ không có mà phải vật vã trong xã hội mới để tồn tại nên cơ khổ có thừa. Cuối cùng, tiếng Đức cũng nghe hiểu, nói được nhưng, theo hắn, “Mình nói tiếng Đức, mình hiểu nhiều hơn người khác;” và đời sống cũng tạm ổn trong lúc tuổi già bóng xế, cho dù mặt tài chánh không được may mắn cho lắm.

“Khiêm nháy” phổ biến đề nghị của “Thuận thợ mộc” riêng với anh em Houston, hùn tiền mua cho hắn một chiếc vé phi cơ để bắt buộc hắn nhín ra mấy ngày qua đây chơi với anh em, vì nghĩ rằng đã hơn 44 năm qua không gặp và với số tuổi đời của “anh em mình”, biết đâu có người sẽ không còn cơ hội. Lại nhân dịp anh em thăm được “Bé đen” – bạn chung phi đoàn (Pilot của C.130A chỉ vỏn vẹn có hai phi đoàn nên dễ quen biết thân thiết nhau.) – đang nằm trong bệnh viện đã khá lâu.

 

 

Đề nghị của “Thuận thợ mộc” được anh em vui vẻ hưởng ứng. “Tư người ở” sẽ về ở nhà “Thuận thợ mộc” và cũng là địa điểm tập hợp. Thế rồi, vợ chồng “Nhu ròm” ở Florida, “Đại ông địa” ở Arizona bay về Houston họp đoàn cùng “Khiêm nháy” Ohio, “Phát volley”, “Tông xẹp”, NT “Thuyết khỉ”, và “Thuận nẫu” là tôi cùng trình diện cựu Phi đoàn trưởng Phi đoàn 421 (C.123K) và cũng là Phi đoàn phó 435 (C.130) Nguyễn Quế Sơn. Ở Houston có 3 Pilot C.130 khác đã bái bai anh em lâu rồi, đó là NT Lê Đình Lây, NT “Luân nav” và “Hoàng mun”. Riêng NT Đặng Văn Âu đã dọn tiệm về Cali lâu rồi. Ngoài ra còn có NT “Nhựt lùn” bận công việc cấp bách không thể tới được và “Út bả đậu” bận đi Học Viện Không Quân Hoa Kỳ ở Colorado để dự 20 Năm Hội Ngộ của thằng con lớn, cựu Đại Uý KQ USA. Rất tiếc!

“Bé đen” cùng “Phát volley” là hai tay cự phách của đội tuyển Bóng Chuyền thuộc KĐ53CT ngày trước ngoài nghề “lái máy bay” dĩ nhiên. Đội tuyển đã giành bao nhiêu vinh quang cho KĐ53CT nói riêng và SĐ5KQ nói chung. Một thời vang bóng. Nhưng kể từ khi chạy mất dép tới Mỹ, hắn bỗng nhiên trở thành một nông dân chuyên chính. Trước đây không lâu, hắn có hàng trăm mẫu đất trồng rau quả và nông phẩm nổi tiếng ở vùng Phơi-Lòi-Da (Florida). Quanh năm dầm mưa dải nắng, trông coi cả chục thằng Mễ Cuba, nói tiếng Mễ như gió, da hắn vốn đen trở thành nâu sẫm… Nếu đứng xa xa chắc chắn ai cũng tưởng hắn là thằng Fidel Castro chính hiệu con nai dzàng. Có một lần tôi tới thăm hắn một tuần, hắn cũng lôi tôi ra đồng nắng cháy cày sâu cuốc bẫm với hắn để rồi mỗi chiều về anh em say quắt cần câu. Gia đình nông dân này sinh ra ngũ phượng – nothing but girls. Cho tới bây giờ, ngũ phượng thừa lông, sải cánh bay tản mác: 1 ở Austin, 1 Houston, 3 Atlanta; 2 phượng đã lập gia đình; và cả 5 phượng đều ở trong ngành Y. 4 đứa lớn đã là những Bác Sĩ chuyên khoa và con bé nhất đang ở năm thứ ba. Gia đình nông dân này đáng ngưỡng phục.

“Bé đen” giờ đã sức cùng lực kiệt, ra vô nhà thương hàng ngày thay vì đi ra ruộng rẫy như ngày xưa. Hắn giã từ Florida và những hệ luỵ đời sống về Houston nắng ấm để… dưỡng già. Chưa nhàn hạ được bao lâu thì phát bệnh. Đủ thứ bệnh, từ gout qua thận tới tiểu đường. Đám phượng bác sĩ cũng đành bó tay. Hắn cò nhắc ra vô nhà thương lọc máu vài ba lần một tuần; rồi bệnh tiểu đường biến chứng, hắn vào luôn nhà thương nằm vạ cả tháng qua. Ngoài gia đình, bạn bè ở xa gọi điện thoại, email thăm hỏi, ở gần thay nhau vào tận nơi để giữ tinh thần hắn khỏi bị suy sụp.

Trưa Chủ Nhật, có một số anh em ở xa đã về tới Houston nhưng “Bé đen” đã phải chuyển lên nhà thương trên Austin hai tuần (gần nhà thương của Bác Sĩ phượng đầu đàn) để được chăm sóc đặc biệt. Chiều Chủ Nhật, trong khi chờ đợi những anh em khác tới, một nhóm nóng lòng lên đường đi trước gồm vợ chồng “Phát volley”, “Đại mập”, và vợ chồng “Nhu ròm”. Xế Thứ Hai, Đức quốc xã và Ohio tới. Anh em họp mặt đông đủ, mừng mừng tủi tủi, bù khú với nhau tới rạng sáng Thứ Ba mới vãn tuồng. Tôi bận việc nhà nên tới trễ, mất nghe được những mẩu chuyện mà “Thuận thợ mộc” cho là rất ly kỳ, hấp dẫn như phim của “Tư người ở” và niên trưởng đại cồ. Vợ chồng Phát volley có mời cặp vợ chồng ca nhạc sĩ cổ nhạc tới giúp vui xen lẫn với những câu chuyện đặc biệt của mỗi người được kể lại. Chính vì thế thời gian len lén qua mau mà không ai buồn để ý.

Quả thật, khi tôi bước vào căn phòng đang rộn ràng tiếng cười vui chuyện vãn, thấy “Tư người ở” đứng bật dậy, bước ra khỏi bàn, “À ‘Thuận nẫu’ đây rồi!” Tôi nhìn mặt hắn, quả nhiên cái mặt “người ở” vẫn còn nhiều nét của một thời thanh xuân. Chúng tôi bắt tay nhau thắm thiết rồi cùng chào hỏi mọi người. Trên bàn thức ăn, thức uống la liệt, dưới chân bàn đã thấy vài ba vỏ chai lăn lóc. Tôi mỉm cười thầm nghĩ, “Già mà còn gân thiệt,” rồi cùng nhập cuộc ăn uống nói cười cho tới hơn 1g sáng mới “tan hàng cố gắng”. Một số người nhà gần thì lục tục ra về, số còn lại – kể cả vợ chồng chúng tôi – được chủ nhân dắt từng người phân chia phòng ốc. Vâng, chủ nhân “phải dắt” vì nhà cửa thênh thang, là một biệt thự to lớn (nhà của Thuận thợ mộc, một ‘nhà thầu khoán nổi danh’ mà), nằm trong khuôn viên 10 mẫu đất, xưa đáp ứng nhu cầu cho 3 công tử và 2 tiểu thơ; nay tất cả đã xây tổ ấm riêng tư nên nhà trống trơn từ sau tới trước. Là một cặp thần tiên nhưng rất ngoan đạo, những năm sau này, vợ chồng hắn thường dùng khuôn viên này để tổ chức những buổi tĩnh tâm, cầu nguyện cho các Cha hoặc các bà Xơ. A-lê-lu-da!

 

 

Sáng Thứ Ba, mọi người thức dậy lo cà phê, điểm tâm do vợ chồng “Phát volley” cùng với chủ nhà khoản đãi. Cuối bữa ăn, “Khiêm nháy” trịnh trọng dò số lô-tô do cả nhóm hùn tiền mua từ tối qua. Rất tiếc! Giấc mơ triệu phú không thèm gõ cửa! Chả con nào giống con nào, đành cười lấy hên. Xong điểm tâm, nhóm thứ hai gồm vợ chồng “Khiêm nháy” và “Tư người ở” hẹn với niên trưởng Nguyễn Quế Sơn trên đường cùng đi Austin.

Thấy hình ảnh “Bé đen” anh em chụp gửi trong hai ngày thăm viếng, hắn cười nói tỉnh táo chứ không “ù lì” không chịu nói như mấy tuần qua nên ai cũng mừng. Nẫu tôi, vợ chồng “Thuận thợ mộc”, vợ chồng anh “Thuyết khỉ” và “Tông xẹp” đã thăm “Bé đen” tuần qua, hẹn tuần tới hắn về lại Houston sẽ thăm tiếp.

Thêm một chi tiết vui. Thiệt là quả đất quá tròn!” Đêm qua, khi nói chuyện, lại biết thêm “Tư người ở” là bạn học Vũng Tàu xưa kia của hai ông nhà văn Phạm Ngũ Yên và Tuý Hà của Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ. Hai người này lại là bạn thân của “Tông xẹp” và thằng tui. Tôi làm nhịp cầu để hai ông “Phạm ngủ quên” và “Tư người ở” gặp thăm nhau tại thủ phủ Austin sau hơn 50 năm chưa một lần gặp mặt. Rất tiếc Tuý Hà lỡ dịp vì không liên lạc được.

Sau khi tiễn một xe lên đường, tôi còn nán lại với vợ chồng “Nhu ròm” và cặp chủ nhà. Buổi sáng khí hậu quá tuyệt vời, bình minh ló dạng soi rọi cảnh trí quanh hồ sau nhà rất ư thơ mộng. “Thuận thợ mộc” chèo xuồng đưa cặp “Nhu ròm dạo quanh hồ. Hắn xúi tôi ngồi lên chiếc xuồng đạp vịt bơi theo quay video và chụp cho cặp thần tiên mấy tấm làm kỷ niệm. Tôi vừa loay hoay bước lên xuồng liền bị té nhào xuống nước ngập đầu, trên tay và trong túi quần có 3 chiếc điện thoại cầm tay của 3 người. Tôi vội vàng phóng ngay lên bờ, may mà cả 3 chiếc điện thoại không hề hấn gì sau khi lau khô. Người tôi dĩ nhiên ướt nhẹp, nhờ chủ nhà cho mượn tạm bộ quần áo thay ra, đem giặt sấy bộ đồ và đôi giày ướt để chiều còn đi làm.

 

 

Cuối cùng gia đình “Thuận thợ mộc” được trả lại sự bình yên từ chiều Thứ Ba, vì cuộc vui đã tàn, chuyện kể đã hết, dân tứ xứ cũng đã lưu luyến chia tay. Nghe “Tư người ở” ra tới phi trường, khi trình giấy lên phi cơ mới khám phá có chiếc phong bì do “Thuận thợ mộc” hay “Khiêm nháy” đã kín đáo nhét vào túi lúc nào mà hắn không hay. Hắn gọi về từ phi trường cho “Thuận thợ mộc”, tỏ vẻ cảm động trước sự chí tình của anh chị em mấy hôm nay và nói lời áy náy.

Ba ngày hội ngộ bất ngờ với niềm vui đong đầy, tình chiến hữu năm xưa càng khắng khít, ấm nồng với mầy mầy tao tao như thuở nào còn đi ngang về dọc, quên mất là cả lũ đã bạc đầu hoặc tóc tai đã càng lúc càng đi vắng. Ai cũng biết ở tuổi ngoài 70 thì ai cũng như ngọn đèn trước gió, khó có ai khoẻ mạnh toàn vẹn; nếu không quen biết anh em nhà họ cao thì lân la bệnh này hay bệnh khác. Thôi thì anh em còn được ngày nào cố sống trọn tình với nhau ngày đó. Cầu ơn trên cho “Bé đen” mạnh khoẻ thêm một thời gian và nếu đến lúc phải dứt áo ra đi, cũng xin được thênh thang đi về cõi sống khác mà xác thân không bị giày vò đau đớn. Xin cho anh em bình an và vui vẻ trong quãng đời còn lại.

Rừng Vua Tháng 9/2019

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Tình Chiếu Hữu)

Rate this item
(3 votes)