Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Khoá 17 và Không Quân - Bắc Đẩu Võ Ý - K17

Posted by September 13, 2018 4336

Vào trung tuần tháng 11 năm 1960, hơn hai trăm thanh niên khắp các tỉnh thành miền Nam đã hội tụ về thành phố sương mù Đà Lạt để tình nguyện gia nhập Khóa 17 (K17) Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (VBQGVN).


Ngày 30 tháng 3 năm 1963, 180 tân sĩ quan của K17 tốt nghiệp Thiếu Úy Hiện Dịch, trong đó có 30 sĩ quan đã được tuyển qua Không Quân (KQ) từ năm học thứ 2, vào năm 1962.

Mùa xuân năm 1962, Bộ Tư Lệnh KQ (BTLKQ), đề cử một số sĩ quan Không Quân lên Trường Võ Bị Đà Lạt thuyết trình về tổ chức, hoạt động của KQ Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến tự vệ, để chiêu mộ một số Sinh Viên Sĩ Quan K17 (SVSQ) chọn quân chủng nầy.

Hơn một trăm SVSQ K17 ghi danh chọn KQ. Thời gian ngắn sau, BTLKQ đưa máy móc, thiết bị lên Quân trường để kiểm tra (TEST) về khả năng phản ứng tay chân của 100 SVSQ đã ghi danh.

Hình như khoảng 70 SVSQ qua (pass) được TEST nầy. Không lâu sau, 70 vị được mời về Trung Tâm Giám Định Y Khoa trong căn cứ KQ Tân Sơn Nhứt để khám nghiệm sức khỏe tổng quát, tai mắt mũi họng, và tim gan phèo phổi. Mọi cơ phận phải tuyệt hảo để trở thành một phi công!

Cuối cùng chỉ còn 30 SVSQ qua được cửa ải khe khắt nầy. Ngay sau khi mãn khóa, 30 tân sĩ quan K17 được tuyển, về trình diện Bộ Tư lệnh KQ để nhận giấy nghỉ phép hai tuần, sau đó tất cả trình diện Đại Úy Truyền, Liên Đoàn SVSQ tại Trung Tâm Huấn Luyện KQ Nha Trang (TTHLKQ).

Tại TTHKKQ, 30 tân sĩ quan được cải danh thành Sĩ quan Khóa sinh (SQKS) để theo học ESL (English as Second Language) tại Trường Anh ngữ thuộc Trung Tâm nầy. Để được tuyển chọn du học Hoa kỳ, mọi khóa sinh phải đạt điểm 70 ESL qua một cuộc trắc nghiệm sau 3 tháng học tập.

30 SQKS đều “pass test ESL” nầy, nhưng thay vì học bay tại Mỹ, họ được (hay bị) học bay tại Nha Trang. Về điểm nầy, có bạn cho rằng, cánh cửa du học Mỹ ngày càng hẹp lại. Có bạn lại nghĩ, cấp trên muốn huấn luyện 30 sĩ quan Đà Lạt thành hoa tiêu sao cho nhanh!

Số là, vào năm 1963, Không Quân Mỹ áp dung thử kế hoach huấn luyện cho các Không Quân Đồng Minh tại quốc gia sở tại thay vì tại Hoa Kỳ. (Cho đỡ tốn kém chăng?) Một toán huấn luyện lưu động (trainning mobile team) gồm các huấn luyện viên địa huấn & phi huấn (ground school & fly school), chuyên viên cơ khí ,và máy bay Cessna U17 (máy bay huấn luyện, một động cơ, 6 chỗ ngồi) được gởi qua Nha Trang để huấn luyện phi công quan sát tại đây cho các khóa sinh Việt Nam.

Tất cả 30 tân sĩ quan Khóa 17 (và một số SVSQ KQ khác) được theo học Khóa L1 Cessna U17, khai giảng vào khoảng tháng 7 (hay 8) năm 1963, là khóa thí nghiệm đầu tiên, do KQ Mỹ huấn luyện phi công Việt Nam tại bản địa. Vì các huấn luyện viên địa huấn và phi huấn đều là KQ Mỹ, nên khóa sinh Việt Nam bắt buộc phải học, phải hiểu và phải nói tiếng... Mỹ!

Chương trình địa huấn khoảng 3 tuần, gồm cấu tạo phi cơ,tác động của gió (khí động học), sức nâng, sức cản, công dụng của bình ổn ngang, bình ổn đứng, cánh cản, cánh phụ, v.v...

Mỗi khóa sinh phải học bay với huấn luyện viên (instructor pilot) trung bình từ 10 đến 15 giờ bay. Các cựu HLV hoa tiêu phi cơ T41, Nguyễn Duy, K17 (Houston) và Nguyễn Văn Phúc, (Quận Cam) cho rằng, phải mất từ 25 giờ đến 30 giờ mới được thả bay một mình, còn gọi là bay solo. Khi thả học trò solo, coi như thầy tin tưởng vào khả năng bay bổng an toàn (safety first) của học trò của mình. (3)

Ngày thả bay solo là một ngày khởi đầu vô cùng trọng đại của một phi công. Ngày đó, học trò (một mình một tàu) cất cánh và đáp liên tục 3 lần. Sau lần đáp thứ 3 (full stop) coi như xong và học trò taxi phi cơ (di chuyển) về bến đậu. Nếu phi vụ solo diễn ra tốt đẹp, nghĩa là safety, học trò sẽ nhận nghi lễ truyền thống là được thầy của mình dội một xô nước lạnh lên đầu!

Những tháng sau, khóa sinh học bay hoàn bị như điều khiển phi cơ quẹo gắt bên trái bên phải, bay lượn thành hình số 8 (lazy eight), lấy lại thăng bằng khi phi cơ bị triệt nâng (stallrecovery)....

Thêm vào đó là học kỹ thuật đáp sân ngắn gió ngang, cất cánh trên sân ngắn, tập bay đêm, bay phi cụ (instrument flight) để có thể bay trong mây, trong mưa, ban đêm hay khi trời mù. Bài học quan trọng nhất vẫn là thực tập đáp khẩn cấp (emergency landing) trong trường hợp phi cơ gặp trục trặc kỹ thuật. Sau cùng học cách lập một phi trình để bay du hành (cross country) từ điểm A đến điểm B, điểm C...

Sau 5 tháng học bay (từ tháng 8 đến tháng 01/1964), 30 Thiếu úy Khóa 17 Lê Lai Trường Võ Bị Quốc Gia tốt nghiệp thành 30 hoa tiêu quan sát trên phi cơ U17 hay còn gọi là Cessna 185. Sau ngày tốt nghiệp, 30 tân phi công được chuyển về căn cứ Không Quân Biên Hòa để tiếp tục học bay hành quân trên phi cơ bird dog Mỹ (phi cơ O1- hay còn gọi phi cơ L19 hay máy bay bà già) trong vòng 1 tuần với các hoa tiêu của Lục Quân Mỹ (Army Aviation).

Sau một tuần học bay hành quân trên O1 (L19), 30 phi công Khóa L1 KQ Nha Trang sẵn sàng tung cánh. Họ được phân phối về 03 Phi Đoàn Quan Sát bấy giờ (1964), là:

Phi Đoàn 110 (Đà Nẵng): Lê Hoành Anh, Nguyễn Duy Diệm, Lê Sĩ Thắng, Hoàng Đức Thịnh, Bùi Văn Lợi, Trần Minh Vũ, Võ Ý.
Phi Đoàn 112 (Biên Hòa): Nguyễn Hữu Xuân, Lê Hữu Trí, Cao Ngọc Quang, Nguyễn Văn Hoàng, Võ Phi Hổ, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Quang Kim, Huỳnh Văn Tòng, Trần Bạch Thanh.

Phi Đoàn 114 (Pleiku): Nguyễn Duy, Nguyễn Xuân Tám, Nguyễn Văn Xuân, Hà Thuyên, Vũ Khắc Huy, Dương Thanh Long, Nguyễn Phụng.

Khoảng đầu năm 1965, Phi Đoàn 114 chuyển về Nha Trang, đồng thời Phi Đoàn 116 được thành lập và đặt tại căn cứ KQ Trà Nóc, Cần Thơ.

Phi Đoàn 116 (Cần Thơ): Nguyễn Đức Gia, Ngô Nhơn, Huỳnh Cao Khải, Huỳnh Công Đặng, Hoàng Thiên Hựu, Nguyễn Minh Nhựt, Nguyễn Văn Thình.

Sau một năm phục vụ, nếu các hoa tiêu đạt trên 500 giờ bay hành quân trên các loại phi cơ quan sát (L19, L20, và U17), có thể làm đơn xin xuyên huấn qua các loại phi cơ khu trục hay vận tải.

Các KQ K17 xuyên huấn qua khu trục là: Lê Hoành Anh, Nguyễn Hữu Xuân, Dương Thanh Long, Cao Ngọc Quang, Nguyễn Quang Kim, Nguyễn Văn Hùng, Võ Phi Hổ, Lê Hữu Trí, Bùi Văn Lợi, Huỳnh Cao Khải và Huỳnh Công Đặng.

Các KQ K17 xuyên huấn qua vận tải là: Ngô Nhơn, Nguyễn Minh Nhựt, Trần Bạch Thanh, Huỳnh Văn Tòng.

Một vài ghi nhận không chính thức, là: 

Khi các sĩ quan Võ Bị Đà Lạt về TTHLKQ Nha Trang để học Anh Văn, một số SVSQ cán bộ Không Quân tại đây rất muốn “lên mặt” ta đây là niên trưởng, là cán bộ, ra oai kiểm soát giày dép giường chiếu của các tân Thiếu Úy, nhưng không được!Khi các KQ gốc Đà Lạt được bổ nhiệm về đơn vị, các staff (tham mưu) của phi đoàn (phi đoàn trưởng, phi đoàn phó, trưởng phòng hành quân, sĩ quan an phi, sĩ quan huấn luyện) không mấy chiếu cố. Bởi vì, trên thực tế, các vị staff đó có khi mang cấp chuẩn úy, hoặc thiếu úy giả định, trong khi các KQ gốc Đà Lạt mang thiếu úy thực thụ, hai năm sau tự động thăng cấp trung úy!

Trên lãnh vực chuyên môn (bay bổng) và kinh nghiệm chiến trường thì các vị staff coi như dày dạn hơn các ông thiếu úy Đà Lạt, nhưng trên lãnh vực lãnh đạo chỉ huy thì mấy KQ gốc Đà Lạt được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp hơn.

TTHLKQ Nha Trang tuyển mộ hằng năm để đào tạo thành hoa tiêu, quan sát viên hay chuyên viên kỹ thuật... Khi các SVSQ/KQ nầy tốt nghiệp dù ở Mỹ hay tại Nha Trang, họ tự cho mình là “Không Quân truyền thống”, nghĩa là từ dân sự vào không quân, được không quân đào tạo thành... Không Quân truyền thống!

Như vậy có nghĩa là, khi các sĩ quan tốt nghiệp tại các trường bộ binh (như Võ Bị Đà Lạt hay Bộ Binh Thủ Đức) mà chuyển qua Không Quân, được Không Quân đào tạo thành hoa tiêu hoặc quan sát viên, họ được xem là “Không Quân lai giống”!

Chắc hẳn thượng cấp đã có kế hoạch trẻ trung hóa các Quân Binh chủng của Quân Lực VNCH nên mới tuyển các SVSQ Trường Võ Bị Đà Lạt qua Hải Quân và Không Quân sau khi tốt nghiệp, kể từ Khóa 16. Một điều khẳng định là, khi một thanh niên dân sự được đào tạo 4 năm để trở thành cấp chỉ huy trung đội trưởng bộ binh trên cả hai lãnh vực về quân sự lẫn lãnh đạo chỉ huy, vẫn tốn kém hơn đào tạo một phi công.

Rất tiếc, kế hoạch chưa thành vì vận nước suy vong. Tự hào về màu cờ sắc áo của quân binh chủng mình là điều đáng trân trọng. Nhưng nếu tự hào thái quá sẽ thành tự kiêu. Giữa tự kiêu và kiêu binh nhiều khi không có ranh giới.

Người xưa bảo, ăn cây nào rào cây ấy. Những K17, gốc Đà Lạt được tuyển qua Không Quân, phục vụ quân chủng thân yêu với tất cả nhiệt tình và trách nhiệm của một Sĩ Quan Không Quân gốc Võ Bị Quốc Gia.

Trái tim của họ là Tổ Quốc Không Gian. Khối óc của họ là Tự Thắng Để Chi Huy! Họ tự hào là Không Quân của đất nước. Họ hãnh diện là phi công từ nguồn gốc Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Cho đến cuối cuộc chiến, các KQ K17 đảm nhiệm những chức vụ sau:

- Nguyễn Duy Diệm: Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Không Quân Phú Bài, Huế.
- Hà Thuyên: Liên Đoàn Trưởng/ Liên Đoàn Trợ Lực/ Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku.
- Huỳnh Cao Khải: Liên Đoàn phó/ Liên Đoàn Phòng Thủ/ Không Đoàn Yểm Cứ Cần Thơ.
- Dương Thanh Long: Trưởng Phòng Hành Quân Chiến Cuộc/ Sư Đoàn 6 Không Quân, Pleiku.
- Huỳnh Công Đặng: Trưởng Phòng Hành Quân Chiến Cuộc/ Sư Đoàn 4 Không Quân, Cần Thơ.
- Huỳnh Văn Tòng và Trần Bạch Thanh: Phi Đoàn Trưởng và Phi Đoàn Phó Phi Đoàn Hỏa Long 817, Tân Sơn Nhứt.
- Lê Sĩ Thắng: Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 110 Thiên Phong, Đà Nẵng.
- Nguyễn Xuân Tám: Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 114 Sơn Ca, Nha Trang
- Nguyễn Đức Gia: Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 116 Thần Ưng, Cần Thơ.
- Võ Ý: Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu, Pleiku. 

Trong biến cố đau thương ngày 30 tháng 4/1975, có vị bay thoát Việt Nam, có vị bị kẹt lại và phải chịu cảnh tù đày như bao Quân Cán Chính VNCH khác. Hiện nay, hầu hết các KQ gốc K17 đều định cư tại Hoa kỳ. Tuổi trung bình là 77 tuổi đời. Một cụ còn đi cày (Cụ Trần Bạch Thanh, khỏe thật!), còn hầu hết đã ăn tiền hưu, có người ăn tiền già, sống trong nỗi hoài niệm về khung trời cũ núi sông xưa!

Những cánh chim K17 sau đây đã bay vào hư vô, trước và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975: Nguyễn Văn Xuân, Lê Hoành Anh, Hoàng Đức Thịnh, Bùi Văn Lợi, Lê Hữu Trí, Cao Ngọc Quang, Huỳnh Văn Tòng, Hà Thuyên, Trần Minh Vũ, Huỳnh Cao Khải.

Phi công Nguyễn Văn Xuân, tự là Xuân Mẫm, người hy sinh đầu tiên trên L19 (cuối năm 64 hoặc đầu năm 65) tại vùng biển Vũng Rô, Nha Trang.

Phi công Hoàng Đức Thịnh, trên đường bay chiếc Cessna U17 6 chỗ ngồi từ Saigon về lại Đà Nẵng, gặp thời tiết xấu nên bị crash gần Quảng Ngãi, bị Việt Cộng bắt làm tù binh và tử vong sau đó.

Phi công Trung tá Hà Thuyên, sau khi ra tù (vào khoảng năm 1985), tổ chức vượt biển, gặp trời gió bão, vỡ thuyền đành vùi thân biển cả.
v.v... 

Hiện nay, duy nhất Khóa 17 trong 31 khóa, đã thiết lập được Bia Tưởng Niệm K17 đã nằm xuống tại Victor Memorial Veterans Park, thành phố Greer thuộc Tiểu bang South Carolina, USA.

Mời vào link để xem: (http://nguoivietquocgia.blogspot.com/2008/07/bia-tng- nim-79-svsq-k17-lt-south.html)

Xin cầu nguyện cho hương linh của quý đồng môn hòa nhập vào hồn thiêng sông núi, phù hộ cho đồng bào, đồng đội và đàn chim tiếp nối, nuôi chí quật cường, để có một ngày mai, đàn chim Việt Tự Do tung cánh, bay rợp trời quê hương,từ ải Nam Quan đến mủi Cà Mâu và các hải đảo xa xôi...

Mong thay!

Ngày Father Day 2017.

http://tvbqgvn.org/dahieu/noidungdah...eu%2011107.pdf

 

https://hoiquanphidung.com/showthread.php?25634-Kho%C3%A1-17-v%C3%A0-Kh%C3%B4ng-Qu%C3%A2n-B%E1%BA%AFc-%C4%90%E1%BA%A9u-V%C3%B5-%C3%9D-K17 )

Rate this item
(0 votes)