Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Nỗi Đau Rìu Rịt Quắt Bùng Vỡ - Tình Hoài Hương

 Nỗi Đau Rìu Rịt Quắt Bùng Vỡ
Tình Hoài Hương
---oo0oo---
 
 
 

Núi đồi trùng trùng điệp điệp trên vòm trời Đà Lạt có nhiều con đường mòn uốn khúc dọc hai hàng hoa xá lị, hàng hoa mimosa, cùng hàng hoa anh đào vẫn e lệ phơi mình trong nắng sớm. Những thác nước muôn trùng sóng dội ầm vang chảy xuôi xuống cuối chân núi rừng hoang dại. Khi nhìn lại trên triền đồi cỏ nâu vàng mịn mượt như nhung, dường như Hạnh vẫn thấy một bóng dáng thân yêu xưa cũ, mờ nhạt âm thầm lang thang trôi theo mình, qua từng bước chân mệt mỏi, rã rời, bơ vơ… Lâu lâu có những cơn buồn mơ hồ ngấm ngầm trổi dậy không sao dằn nén nỗi, lòng cô bừng bừng nỗi khát khao luyến nhớ và xúc động quắt quay, tiếc nhớ cuộc tình đầu tiên (vì đôi mắt ấy, nụ cười ấy, dù hôm nay tình nhẹ như bóng mây bay biệt dạng trên đồi Cù, thế nhưng nó còn thu hút mình cách kỳ lạ).


Tuy cô không cuồng si rạt rào yêu thương Nam nồng say đắm đuối như thuở nào nữa, vì mối tình xa cũ đã rơi rụng, không còn ấm áp hạnh phúc chan hoà trên từng sóng mắt làn môi. Cô không tự dày vò với nỗi hận đau cồn cào xé ruột như năm xưa. Bây giờ chỉ sót lại trong cuộc sống mình ít cay đắng muộn phiền, chút khắc khoải dịu dàng, bâng khuâng và xao xuyến tiếc nhớ một điều gì quá mơ hồ ngấm ngầm vu vơ, bâng quơ. Pha trộn với ít kiêu hãnh của tuổi trẻ bừng bừng sức sống ở trong tim cô; kèm theo điệp khúc dập dồn như hồi chuông ngân vọng.


Thời gian lướt nhẹ đôi môi duyên dáng trên đầu cây ngọn cỏ, trong bối cảnh không gian và thời gian hữu tình nầy, Hạnh đã bỏ lỡ dịp may trong từng khoảnh khắc ngắn ngủi, tha thiết muốn tìm quên hẳn con người kia. Cuộc tình mà cô nghĩ đã tàn – thật sự tàn phai. Dù thế nào rồi... cũng phải dứt khoát sau bao rìu rịt rung cảm, đắm say, đau khổ, hoài nghi, chán chường, băn khoăn, bâng khuâng và do dự. Hạnh hiểu có cái gì đó mới mẻ đang nẩy sinh trong trí óc, còn mảnh tình cũ thì hấp hối, ngất ngư dẫy chết. Tuy nhiên cô cũng có chút tiếc nuối, xót xa, bùi ngùi quá đỗi nhiều thứ trong sự giẫy giụa đó. Muốn xem “anh ta”, chỉ là chàng trai giang hồ rong chơi qua bốn bể, như thiên tình ca dệt trong thơ, trong tiểu thuyết hấp dẫn; chẳng còn liên can thân thiết gì đến mình.


Nếu mỹ cảm hơn, “chàng + nàng”: sẽ là hai nghệ sĩ tài hoa từng diễn đạt vai tuồng đã đóng trên sân khấu đời. Tấm màn nhung hạ xuống, ánh đèn màu vừa tắt. Bạn bè, người thân là khán giả, nếu có tiếc nuối một vỡ bi hài kịch, một chuyện tình bong bóng phiêu bồng bay như một ảo ảnh phù du. Thích thì họ vổ tay hoan hô, không ưa lại chê bai: xin tuỳ ý. Vì rằng: Khắp nơi chốn Hạnh đã đi qua đều cảm thấy trống vắng, đơn điệu, lẻ loi ghê gớm. Từ chiều đoạn tuyệt cuối cùng dưới thác Datanlania với Hoàng Nam, cô đã thay đổi hẳn; không còn là một hoa hậu vui tươi, hồn nhiên nữa, cô không nhìn đời bằng đôi mắt nhung láy đen say đắm, tin yêu, ngời sáng niềm hy vọng. Thắng cảnh Đà Lạt hữu tình, thiên nhiên cẩm tú nên thơ không quyến rũ nỗi mình. Một bóng vô hình phủ chụp lên cuộc sống cô (nhưng, Hạnh quên điều quan trọng nhất vì sự thủy chung một mối tình), để quyết định tương lai, điều bí mật đó canh cánh bên lòng rên rĩ, nhớ nhung buồn bã, âm thầm khóc than trong đáy tim: ấy là tình say đắm, rất chân thật vẫn đong đầy trong lòng nhau.


Tính ra, kể từ ngày Hạnh biết yêu tha thiết, đến ngày chia ly vĩnh biệt, thời gian trôi chảy mãi, đời mỗi người trong “chúng ta”, đã rẻ về hai nhánh sông tách bạch ngút ngàn xa. Thấm thoát “chúng mình” xa nhau đã hơn ba năm rồi. Cô chưa quen thân một anh con trai nào khác, cho dù giao tế. Mặc dù chung quanh mình không nhiều thì ít đang có mấy anh bạn, (bạn đúng nghĩa) vẫn rộn ràng theo đuỗi cô khá kỹ. Nào Quốc biên tập viên, Dương thông tin, nào Quan, Thứ, Cảnh. Ấy thế mà cô chẳng biết chọn ai? Hạnh giống con chim đã bị trọng thương, nay đậu cành mềm sợ gãy cánh. Âu cũng dễ hiểu thôi.

Cô về làm tại Ty Thông Tin và ghi tên học ở đại học Văn Khoa. Một hôm Ty tổ chức khoá hội thảo gồm một trăm người trên Lữ Quán Thanh Niên, mọi chi phí ăn ở, trong thời gian một tháng, đều do Ty đài thọ. Buổi trưa, không như những buổi trưa khác, chả hiểu tại sao cô ngủ chẳng được! Nhỏ Nuôi nằm kế giường bên cũng không ngủ. Hai chị em rủ nhau ra đứng trên balcon Lữ Quán, nhìn vu vơ xuống chân đồi, nói chuyện phiếm vui vẻ:

- Để chị kể chuyện tiếu lâm cho em nghe, chuyện nầy chị viết đã lâu, nghe nè:

- Thời xa xưa… khi còn nhỏ xíu, tôi được ba mẹ cho đi “ăn học” tử tế, đàng hoàng như ai. Nếu tôi “ăn không nói có” biếng nhác, "ăn không ngồi rồi", tôi liền bị ba mẹ cho "ăn đòn", "ăn bạt tai". Thế là tôi khóc ré lên như con heo bị chọc tiết, lăn ra nhà "ăn vạ". Anh chị có "ăn ngay nói thẳng" la rầy mắng nhiếc, thì em bảo anh chị ỉ làm lớn đã "ăn hiếp" em út.


Nếu tôi có "ăn vóc học hay", là được ba mẹ cưng chìu hết biết. Lớn lên học đòi người ta, tôi bắt đầu "ăn diện" , cái đời tôi ở nhà phá gạo mẹ cha chuyên "ăn hại" , "ăn nói bậy bạ" , “ăn ốc nói mò” , có khi “ăn không nhai nói không nghĩ”, mà lẽo đẽo đi theo sau lưng nàng, liếc mắt đưa tình, tôi cho hai ngón tay vô miệng huýt gió, hoặc xíp xì… xíp xì… tán gái “ăn thề” , thì tôi thuộc vào hạng số dzách! Lớn thêm chút nữa dù tôi chả học hành là bao, mà tôi nèo nẹo bám váy xin tiền mẹ. Mẹ thương con dấu cha dúi cho tí đỉnh. Thế là tôi hí hửng lo đàn đúm “ăn chơi” , "ăn chặn" , "ăn to xài lớn". Hết sạch tiền chả biết làm gì tôi đi "ăn trộm" , "ăn cắp" , "ăn cướp". Chơi với bạn lại chuyên môn "ăn bòn" , "ăn quỵt", "ăn bẻo" , "ăn hối lộ". Ai nhờ vã cái gì cũng đòi “ăn hoa hồng”. Ân nhân giúp cho không mang ơn thì chớ, đã "ăn cháo đá bát".

Khi tôi có bạn gái “ăn ý”, “ăn nhịp”, “ăn khớp” với nhau, thì trong lòng tôi nẩy sinh ra cái chuyện ấy… luôn rạo rực, nhúc nhích. Tôi chằm chằm tìm cách “ăn thịt”, "ăn non" cô bồ nhí xinh đẹp ra phết. Lúc tỉnh người, hỏi ra, thì “ẻm” còn ở trong tuổi vị thành niên. Ba tôi nghiến răng trèo trẹo:

- “Thôi chết, “cá không ăn muối cá ươn”, hỏng cả đời trai mới nhớn rồi con ạ”!

Dù tôi chỉ là đứa học trò học bè non choẹt, nhưng không dám “ăn mặn khát nước”, đành phải vác trầu cau cùng cha mẹ, họ hàng, thân hữu lò mò đến nhà nàng, ba bên bốn bề xúm nhau “ăn hỏi”. Rồi lật đật lo chuyện “ăn cưới”. Cưới nhau về là a lê hấp xáp lại “ăn nằm”, tự do “ăn dầm nằm dề”.

Ba mẹ tôi rất phiền bực về cái chuyện tôi chỉ là đứa “con nít ranh” cà chớn cà cháo “ăn dưng ngồi rồi”, mà bày đặt “ăn mảnh” dang díu tình cảm lăng nhăng. Thiệt xấu hổ! Tuy thế hai cụ cũng thương con đứt ruột, con dại cái mang mà! Các cụ chuyển cho chúng tôi một phần tài sản kha khá, dặn con liệu đó lo mà siêng năng cần cù “làm ăn”.

Dịp may đưa tới như cờ gặp gió, như cá gặp nước, như rồng gặp mây, vợ chồng son mở một tiệm tạp hoá, chủ tiệm và khách hàng hai bên “ăn giá” với nhau. Thuận buồm xuôi gió, đúng là có một thời huy hoàng! nên vợ chồng tôi đình huỳnh "ăn trên ngồi trốc", "ăn nên làm ra". Chúng tôi nay có một mụn con kháu khỉnh, cả nhà ta “ăn trắng mặc trơn” luôn luôn “ăn gỏi” , "ăn tôm hùm, ăn thịt quay" cùng sơn hào hải vị . Thiệt là "ăn sung mặc sướng".


À… Vợ sanh con, tôi phải “ăn kiêng”, hoặc đôi khi tôi len lén "ăn vụng phở”. Tôi chả thể nhịn thèm, bèn nói láo vợ đi "ăn cơm khách" mai về! Nhưng thực ra là tôi đi "ăn vụng". Nhiều lần thành "ăn đàng sóng, nói đàng gió". Gọi là trai hào hoa "ăn bánh trả tiền" hậu hỉ cho gái "ăn sương". Chứ mình keo kiệt không chịu chi địa ra, tôi sẽ bị bọn ma cô đầu nậu cho "ăn đấm", "ăn đá", “ăn đòn” , rụng răng phải “ăn cháo” làm sao!? Hoặc có khi “ăn xôi nghe kèn”… ra nhị tì mà “ăn đất” là nguy to! Hạnh phúc chẳng được bao lâu, thì gia đình tôi "làm ăn thất bại" , chủ và khách đều “ăn chẹt” , “ăn gian” , “ăn bớt” , “ăn chịu” , "ăn thừa nói thiếu" hai bên “tận tình” lừa dối nhau. Cộng thêm cái tội có tiền là sinh tật nầy nọ! Ông “ăn chả bà ăn nem”. Thành ra vỡ nợ!


Bấy giờ vợ đi chợ phải “ăn đong”, cả nhà buồn rầu bắt đầu cúi gầm mặt, chả ai thèm nói với ai câu nào mà "ăn mắm mút dòi"; "ăn bờ ở bụi". Chồng “ăn gió nằm sương”, vợ “ăn đường”, con "ăn bám" ông bà nội! Nằm vắt tay lên trán, bắt chân chữ ngũ, nhớ lại thuở xưa khi chúng tôi còn ngồi trên đỉnh vinh sang giàu có, sao mà sung sướng hạnh phúc thế! Chả bù cho bây giờ! Thiệt khổ hết biết vì “cái ăn”. Vợ con trốn chui trốn nhủi “ăn hại đái nát”, chẳng còn giữ thể diện hai mẹ con nó lò mò đến nhà bạn giàu có, bởi vì bạn ấy “ăn tiêu”, “ăn bận” hoặc “ăn xài” đều có căn bản, đúng mức “ăn chắc mặc bền” . Mỗi bữa cơm bạn tôi chỉ “ăn hương ăn hoa”, Mồng một ngày rằm bạn “ăn chay” một tháng hai ngày. Nhưng bạn ấy thích nhất là “ăn xổi” dưa cải dưa cà, “ăn vã” thức ăn với thịt heo luộc chắm nước mắm ớt.

Phần mẹ con tôi dù “ăn gởi nằm nhờ” mà “ăn như mỏ khoét”, lì lợm cúi đầu “ăn như hạm”, “ăn hớt” cuả người ta hoài. Chúng tôi “ăn ở” nhà người ta “ăn chực nằm chờ”, lỏ hai con mắt nhìn bạn “ăn no vác nặng”. Còn chúng tôi thì “ăn thật làm giả”. Thiệt là chẳng “ăn rơ” tí nào! Bạn thấy chúng tôi “ăn đứt” bạn về việc “ăn tạp” quá sá, chịu không thấu, bạn khúc khích cười, nửa đùa nửa thật bảo:


- Bà chị định ở đây “ăn vạ”, “ăn trả bữa” đấy phỏng!?
- . . .


Rồi bạn bồi thêm một câu:


- Khiếp! Tôi “ăn uống” dường như cũng “ăn phải đũa” bà chị rồi! Nghĩ cho cùng thì mẹ con tôi trước kia cũng “đài các” như ai, mà bi chừ chả khác nào “ăn mày đòi xôi gấc”, nên không dám “ăn nói” trả treo “ăn miếng trả miếng” đanh đá cho “ăn người”. Nếu mà rơi vào trường hợp khác á hả, thì tôi quyết “ăn thua” đủ! Bất quá thì vô tù, chứ nhằm nhò “ăn nhập” gì cái chuyện ruồi bu. Thời buổi nầy mình như kẻ “ăn mày” chuyên “ăn lông ở lỗ” ở đầu đường xó chợ! Cùi rồi không sợ lở! Sau một thời gian "ăn năn đã muộn" vì mình với bạn chả phải "ăn đời ở kiếp" với nhau, thôi "ăn khế trả vàng" ; nghiã là ta phải làm việc cho bạn, tận lực vắt óc ra để làm “kế toán”, tức là tôi phải có… kế... "ăn theo", mà tính toán chi ly thiệt hơn trong việc “ăn ở” sao cho vừa lòng người! Cho có… tí đỉnh… tương chao chắm mút... (lợi thì có lợi. Nhưng… răng không còn)!

Hai chị em sảng khoái cười ngất. Bỗng Hạnh lặng người im bặt, mặt mày tái xanh. Khiến nhỏ Nuôi lo sợ, rối rít hỏi:

- Chị Hồng Hạnh! Sao vậy?

- Ôi, anh ấy kia kìa. Người mặc áo xanh, quần jean đó.

Cô dán mắt nhìn “chàng” đăm đăm, trông Nam khá gầy, khuôn mặt xanh xao, phiền phiền, tiều tụy. Có lẽ anh ta vừa bị ốm đau gì, nặng lắm chăng? Ồ, đã mấy năm qua, “em” lẫn trốn “anh”, không bao giờ cô dám chường mặt ra. Nên cả em lẫn anh đều “né tránh nhau”, thì phải. Làm sao cô biết Nam đã gầy đến độ thảm thương. Anh đi bộ vừa đi vừa nói chuyện với Xì Rô từ phía góc Võ Tánh đi tắt qua sân Lữ Quán. Họ đang lúi húi chia nhau một điếu thuốc lá, nên không trông thấy hai cô.

Nam chỉ thoáng qua khu đồi cỏ Lữ Quán Thanh Niên nầy không đầy bốn phút, nhưng trong lòng cô dường như bừng sống lại cả một bầu trời thanh bình vui tươi thuở nhỏ, khi tuổi xanh vô tư lự rong chơi trên vạn nẽo đường. Rồi, lòng cô dâng nỗi đau cùng khắp, trái tim lại quắt quay nhói lên từng hồi, từng chặp, từng đoạn đau buốt, như có thanh sắt nóng thọc qua lồng ngực, khiến mình đau điếng lạ thường.

Nuôi ngạc nhiên nhìn cô:

- Để em chạy xuống kêu anh ấy lên gặp chị. Nghen!


Hạnh gạt phăng, sừng sộ la Nuôi sao xí xọn xía vô chuyện người lớn. Cô để mặc Nuôi chưng hửng đứng trông theo bóng anh khuất vào khúc quanh. Hạnh vô trong Lữ Quán, đi ra cửa sau chạy như bay lên ngọn đồi cao, ngồi phịch xuống nệm cỏ xanh tươi, hai tay cô bưng mặt, vật vã than khóc tức tưởi, khóc sưng húp hai mắt. Nam như chiếc bóng bên Hạnh, mỗi ngày khi trời rực nắng nó luôn bám sát theo mình, khi trời vần vũ cơn mưa chiếc bóng biến mất tăm, lúc xế chiều thì chiếc bóng đối diện với chính mình, buổi hoàng hôn lặn xuống thì chiếc bóng chìm khuất theo. Lúc thắp đèn đốt nến thì hình bóng Nam lại thân thiện ấm áp hiện về… Suốt đời mãi như thế nầy sao, hở anh?

Quá khứ để lại dư vị đắng cay, chua xót, đầy đau thương đã một thời là cuộc sống của Hạnh đó. Ôi! Cuộc sống không phẳng lặng, dễ dàng, yên vui gì, chẳng nương nhẹ trên đôi cánh thời gian. Ngày, tháng, năm… đến, ra đi, rồi tàn, mang theo bình minh ngời sáng, hy vọng hơn. Cô kinh ngạc thấy mình háo hức tìm quên, đi tìm quên. Thay vì ngày xưa cô chạy như bay ra bưu điện Đà Nẵng, cuống quít gọi anh về với mình: “Phải gặp Nam”, “Phải gặp anh”. Thì ngày nay điệp khúc cuối cùng trên từng nốt nhạc sầu lắng trầm buồn vang lên: “Phải quên Nam. “Phải quên Nam”. Muốn quên anh, em cần có thời gian và một bóng hình tuyệt vời khác. Thời gian bây giờ lại quá dài, quá tẻ nhạt, trống vắng, đơn điệu vô cùng, chán ngắt trong việc làm, chứ không như Shakespeare nói: “Thời gian là khách thập phương, nó lạnh lùng bắt tay người bạn ra đi, mở tay ra ôm người mới đến”.

Tất cả! Như tiếng từng giọt nhạc mưa thánh thót rơi… chỉ còn lại điệu ngân dài rền vang tiếng ai rền rĩ “forget me not”, khi ta trôi về miền quá khứ nóng bỏng nhức nhối buồn đau. Như mới xảy ra ngày hôm trước, khi lớp sương mù tan đi, lộ ra hình ảnh dĩ vãng rõ nét, rồi tan loãng về chân trời vô định. Như con tàu chạy trên sóng nước, bị sóng cả lấp đi bọt bèo, rong rêu, cùng nỗi đớn đau dập xuống lòng hồ, để làm đầy thêm hương vị cho đời. Suy cho cùng, Hạnh không muốn phí phạm thời gian, và sức lực đấu tranh với muôn vàn cay đắng, tủi hờn nữa! cô phải dứt khoát tìm ra một lối đi riêng biệt –phải dứt khooát quên Nam và tự đi tìm kiếm hạnh phúc đích thực rất mực chân thành, trân qúy, trọn vẹn tin yêu, tha thiết và mê đắm; để mỉm nụ cười xinh xinh, âu yếm nói với người rất yêu dấu: “Em yêu anh vô cùng”. Mặc dù, cô chưa biết hạnh phúc đó… đang đứng ở phương nào!? và “Ai sẽ là hồng nhan tri kỷ”, khi:


Đường vào văn thơ muôn vàn thi vị
Không tỵ hiềm, chẳng phân biệt thân quen
Không phân chia cao thấp lẫn sang hèn
Mặc khách tao nhân dập dìu tình ý.
Thơ, nhạc, họa… với muôn màu ý nhị
Khúc hàn huyên đầy hương vị thanh tân
Khi trăng lên lúc gió núi mây ngàn
Tiếng ca hát quyện cung đàn nốt nhạc.
Ta hò hẹn tình nồng hoa thơm ngát
Gió chiều xuân bát ngát én bay sang
Mong ước sao tình tri kỷ vẹn toàn
Khói trầm nghi ngút "cầu Hoàng" khúc nhạc. (**)
Đến bên nhau buổi hoàng hôn nắng nhạt
Cảnh an bình như lạc động hoa đào
Mặc biển khơi triều vỗ sóng lao xao
Ta chung lối dắt nhau vào tình sử.
Anh thần tượng, em một thời kiều nữ
Bên sân trường đại học nón bài thơ
Xin một lần hội ngộ dẫu giấc mơ
Hỡi tri kỷ là ai, cho em biết? 
(*)

***


Âm thanh lao xao từ thác nước chảy ầm ầm hoan ca đổ triền miên đó đây trong thắng cảnh Đà Lạt, sương nhạt nhoà lướt thướt bay bay trên những đỉnh cây thông nhọn hoắt rũ rượi kéo theo tiếng gió xôn xao rì rào văng vẵng bên tai. Rồi tiếng mưa chầm chậm lác đác tí tách rơi lộp độp từng giọt trên chiếc dù đen, mà em Liên đang che cho hai chị em đi tà tà. Bụi phấn thông vàng bay nghiêng trong không gian chưa hẳn tạnh, gợi lên trong lòng cô biết bao chuyện vui buồn xếp lớp lăn tăn. Hạnh chợt nhớ những ngày mưa năm cũ, nhớ tiếng chuông giáo đường ngân nga ở mấy mùa Thu xa xưa. Cô đã đi trên quê hương binh lửa trong mùa thương khó ấy, đã trải qua những giờ phút hãnh diện, đắt thắng vẻ vang huy hoàng khi trở thành một hoa hậu ở tại Sơn Trà, Đà Nẵng, cũng là bước đầu tiên hình thành một nhân cách sống khá lẫy lừng vẻ vang. Hạnh nhớ về thời tóc thề chấm ngang lưng, mắt chưa vướng bụi mờ. Thuở ấy đẹp biết bao! Nay lòng cô chùng hẳn lại, cảm thấy thật thấm thía xót xa buồn.


***


Hai chị em đi tắm nước nóng ở tiệm Vinh Quang. Lúc ra về vừa đi một đoạn ở khu Hòa Bình, bất chợt cô gặp Thiết, bạn cũ từ hồi ngồi ở trường Trung-học. Mới bốn năm mà bây giờ Thiết đã học Y-khoa, năm thứ hai. Anh cao lớn trổ mã nên đẹp trai ra phết. Thiết ở Phan Rang lên Đà Lạt nghỉ mát. Anh vui mừng đứng lại bên lề phố nói năm ba câu, rồi thân hữu mời hai chị em cô đi ăn cơm tối dưới tiệm Như Ý. Chúng tôi đi ngược xuống con dốc nhà làng, em Liên lanh lẹ, vui vẻ liếng thoắng đi phía trước Hạnh và Thiết. Bỗng cô muốn nghẹt thở khi thấy “cố nhân” cặp cổ một con ca va tô trét phấn son lòe loẹt, trời Đà Lạt rất lạnh, nhưng ả mặc hở hang diêm dúa để lộ bộ ngực thỗn thện lòi vú mướp, cốt ý khêu gợi đàn ông; đúng là hạng gái thứ thiệt rùi. Họ cười cợt ôm hót, thọc lét, tốc váy lên, rờ rẫm nhau, coi mất tư cách rất trơ trẽn, chớt nhả ở ngoài đường ngoài lộ không hề xấu hổ, rồi họ cúi đầu ôm nhau xà nẹo hun hít, nghiêng ngã cất bước như kẻ say.

Chắc chắn một điều là cố nhân không thể thấy cô, vì dưới ánh sáng của ngọn đèn đường vàng vọt mờ tối hắt lại, rọi phía sau lưng Hạnh từ trên cao, nên đã úp bóng cô, từ ngọn đèn mờ Hạnh có thể trông thấy rõ Hoàng Nam, mà anh ta thì chưa thể nhìn ngược lên vùng ánh sáng mờ chói, nơi cô đang đứng. Do con đường đất quá chật hẹp, lầy lội, trơn ướt, chỉ vừa đủ cho một người bước qua, còn người đi ngược chiều thì phải lại đứng chờ lối đi. Thiết đã nhảy qua lề trái đứng né ở vũng lầy, anh thấy Hạnh đờ đẫn, băn khoăn, lúng túng, Thiết tưởng cô sợ trơn trợt, sợ bẩn áo quần, sợ té, không thể bước đi, nên anh hồn nhiên chìa tay ra nắm tay Hạnh, để dìu cô nhảy qua vũng sình lầy.

Kỳ thực thì Nam cũng vừa bước đến gần sát bên Hạnh, để chờ lối đi rất chật hẹp nầy mà thôi. Hoàng Nam ngẩng lên nhìn, mặt đối mặt mắt nhìn mắt rất sát, để có thể nghe thấy hơi thở, hoặc mùi hương cuả nhau. Nam sững sờ hoảng hốt vụt buông cổ con ca-va ỏng ẹo đang sỗ sàng cười hô hố kia ra. Chỉ có “riêng hai chúng tôi nhận biết nhau” trong số năm người cùng đứng bên vũng lầy! Bỗng Nam nhếch mép mỉm miệng cười. coi thật lạ, thật đểu. Cô hiểu nụ cười đó đầy mỉa mai và bội tình chua xót. Thà Hạnh chịu nhìn sâu vô mắt Nam, biết chút tự trọng, hổ thẹn trĩu nặng u hoài, còn hơn anh ta hiểu lầm “tay nắm bàn tay” khi Thiết ân cần dìu cô đi qua vũng bùn thế nầy. Thật vô duyên dị hợm... oan hơn oan Thị… Kính! Tự dưng cô cảm thấy bực bội, tức tối, giận hờn vu vơ sao đâu! Thì đó, chàng bá vai kẹp cổ “cợt nhả, thô tục, sờ mó” với con ca va kia ngay ngoài lộ, cô chưa khinh-khi anh thì thôi, thì sao Nam nhếch mép cười ruồi hỉ!?

Trọn bữa cơm, đứa em họ vui vẻ ăn uống no nê. Thiết vô-tư-lự kể lại đủ thứ chuyện học trong ngành Y, chuyện tiếu lâm Thiết sưu tầm vui hết biết, vui lắm như sau:


* Giáo sư hỏi cả lớp:

- Ai có thể nêu ra hai sự kiện lớn trong cuộc đời của nhà thơ Anh Milton?

Một nam sinh viên nhanh nhẩu phát biểu:

- Sau khi kết hôn nhà thơ viết tác phẩm: "Thiên đường đã mất". Đến khi vợ chết, ông viết tác phẩm: "Thiên đường trở lại"...

* Hai người bạn nói chuyện với nhau:

- Có lẽ mình phải xin ly dị.

- Sao vậy?

- Vợ mình như câm, nửa năm nay không thèm nói với mình một câu nào.

- Cậu điên à! Biết tìm đâu ra một người vợ tuyệt vời như thế.
* Bia độc hơn rượu, bằng chứng trên thế giới chỉ có “mộ bia” mà không có “mộ rượu”.
Thiết vui vẻ xoa hai tay, cười:

- Chữ nầy từ biệt cũng kêu. Ngủ, đi, say, xỉn: người đều xài chung: “Cỏng chăng” nói lái là “chẳng cong”, mà chẳng cong thì là “thẳng”. Bỏ dấu hỏi là “thăng”, thêm huyền là “thằng”, thêm nặng là “thặng”, và “thăng” là tiếng lóng của phe ta dùng đủ nghĩa: bái bai, ngủ, xỉn... (1)

- Trong các vật hiện hữu, cái gì xưa nhất? = Thượng Đế, vì ở thời đại nào, Ngài cũng hiện hữu.

Nói với nhau vui vẻ hồn nhiên vô tư lự đến thế, ấy vậy mà Hạnh mơ hồ ngơ ngẩn không biết Thiết nói gì, và anh đãi mình ăn những món gì. Tâm trí cô rối bời suy nghĩ, miệng ăn (cô vẫn hậm hực vì cái nhếch mép méo xẹo mó xọ của Nam lắm), mắt cô thẩn thờ nhìn Thiết, nghe tai nầy lọt qua tai kia. Có một điều Hạnh ghi nhận tình bạn thật đúng nghĩa, có nhân cách sống, hoà ái, hồn nhiên, tận tình an ủi, lắng nghe và đồng cảm sẻ chia. Tình bạn quả thực đơn sơ, khá dễ chịu, không đòi buộc ta điều gì sang trọng cao siêu. Không cần xây trên cung bậc vinh hoa hay yếu hèn, sang giàu hoặc học vấn thấp cao. Thiết tận tình chỉ bày những kinh nghiệm sống, nhiều điều về y khoa mà anh đã học hỏi am tường khá bổ ích. Thiết và cô là đôi bạn chân tình tốt, rất đáng quý trọng vậy. Sau vài giờ hàn huyên tâm sự. Ba người chia tay nhau.

 
* * *


Một hôm, Hạnh đi làm về sớm, vừa đến cổng nhà, cô thấy người phát thư đã gài lên cổng mấy tấm post card, trong đó Nam ghi địa danh Manila, Kuala Lumpur, Úc Châu. Tim cô như ngừng đập. Ngày tháng qua đi, nhịp cầu nối kết yêu thương còn ấp ủ trong hai tập thư tình dày cui (từ những năm cũ). Thì ra, mình cứ giận Nam kinh khủng. Và than ôi! vẫn yêu anh say đắm mà không ngờ. Khi hai mu bàn tay quệt hàng nước mắt, cô thút thít khóc dựa lưng vô cánh cổng lớn, thì thầm lẩm bẩm đọc:


Sauffley Field NAAS, tháng 12 năm 19…

Hồng Hạnh qúy mến,


Anh qua đây đã mấy tuần. Nay có ít hàng gởi về thăm em, cùng gia đình anh chị Tuế. Dạo nầy em có khỏe không? Hẳn là vui và lạ nhiều nhỉ? Bởi vì, nhiều lần em gặp anh ngoài phố, mà em lơ đi. Thôi. Cũng không thể trách được, vì có nhiều lý do rất dễ hiểu. Chúc em vui vẻ, hạnh phúc.


Anh Hoàng Phương Nam

Đọc những hàng chữ hỏi thăm khác, suốt mấy tuần đôi mắt cô còn mờ lệ. Ôi! Nam vẫn nở làm cho mình đau đớn, đắng cay, lo âu, phiền muộn ray rứt đến thế sao? Không. Lần nầy thì không, cô đã quyết chí, nhất định dứt khoát rồi, dù lòng đau như dao cắt, dù tấm Post Card vô tri vô giác quyến rũ vô vàn dường như sẽ làm nhịp cầu nối kết yêu thương, còn ấp ủ trong hai tập thư tình năm cũ kia. Thì ra, “em” cứ giận “anh” kinh khủng mà không ngờ. Tại sao mình không nghĩ đến chuyện hồi âm đáp lễ, thẳng thừng dứt khoát một lần cuối cùng, cho xong; chớ còn dùng dằng niú kéo làm gì nữa, cho thêm phiền? Ừ nhỉ! Hạnh tần ngần đặt bút viết:


Đà Lạt, mùa mưa lạnh năm 19 …

Chào anh Nam,


Khi vui - anh hãy cứ cười, Khi buồn anh cứ khóc. Khi chán - anh hãy tìm một lối thoát, và sẽ yêu đời, yêu người, bao giờ anh cảm thấy tâm hồn mình lặng yên. Kìa! Anh hãy nhìn xem trên dòng sông vào một chiều mưa bão, có chiếc thuyền nan đang ra sức chống chèo để vượt qua sóng gió. Nó đã chìm. Chìm mất. - Không. Nó lại nổi lên rồi. Đường đời với cảnh ngộ cũng giống như con thuyền và dòng sông. Khi êm đềm lặng lẽ, khi giận dữ, kiêu hùng.

Sách có câu: “Bách niên thương hải biến vi tang điền”, thì tình yêu giữa anh và em thật trong sáng, nồng nàn, say đắm, nên thơ và phũ phàng, tàn nhẫn đến thế thôi. Đời là một cuộc bể dâu. Tình chúng mình đã… ./. thật rồi, thưa anh Nam. Mong anh đừng niú kéo làm gì nữa, không còn gì vui vẻ và hạnh phúc đâu. Bởi vì không biết anh hay là em đã luôn luôn cầm một cây dù suốt bao năm trời trong tay, ấy thế mà ta không hề giương lên che mái đầu cho chính ta, mặc trời nắng chang chang, oi bức đến ngạt thở, hoặc trời mưa gió lạnh lẽo… Bây giờ thì cây dù đã rĩ sét và mục nát, không thể giương lên thân ái hân hoan cùng nhau che chung một cái dù như thuở nào… mất rồi!

Em thân chúc anh thành công trên bước đường đi tìm tương lai và kiếm hạnh phúc mới.

Chào vĩnh biệt.

Hạnh


*


(**) Thơ Tình Hoài Hương
Tình Hoài Hương

 
 
 _______________________________________________________________
 
 

 Bút trần nào tả được lưu luyến!

Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
Tình Hoài Hương 
 
 
Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Nỗi Đau Rìu Rịt Quắt Bùng Vỡ)
Rate this item
(0 votes)