Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Tìm về tuổi thơ...qua thơ, văn! - Trần Ngọc Nguyên Vũ

Posted by December 10, 2019 2917


---oo0oo---

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn.

Chế Lan Viên.

Thưở nhỏ hồi còn ở bậc tiểu học, tôi thường hay thả hồn lang thang theo các nhân vật trong các bài "tập đọc và học thuộc lòng" được trích ra từ những tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới. Từ hình ảnh một cậu bé lưng đeo cặp vở, chân bước tung tăng như con chim sẻ, đạp trên những chiếc lá vàng khô khi băng ngang qua vườn "Lục Xâm Bảo" vào những ngày đầu Thu để đến trường, trong "Le Livre De Mon Amie" của Anatole France. Đến một cậu bé nhà quê rụt rè nắm tay mẹ dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp vào một buổi sáng đầy sương Thu và gió lạnh, trong buổi tựu trường đầu đời của tuổi học trò trong "Tôi đi học" của Thanh Tịnh...Rồi vào những ngày Hè tôi được mẹ tôi dẫn về thăm miền quê ngoại để theo các anh chị đi mót lúa, trèo cây bắt chim sáo non về nuôi, rồi nằm trên chiếc võng đưa kẽo kẹt bên côi tre già để nghe tiếng bà ru cháu và tiếng gà trưa eo óc gáy...Tôi đã được thấm nhuần cái hồn quê hồn đất, để sau này dù có trôi dạt đến tận phương trời xa lạ nào đi chăng nữa thì cái hồn đất hồn quê đó cũng kéo tôi trở về một vùng kỷ niệm nhạt nhòa những âm thanh và hình ảnh của buổi thiếu thời...như những vần thơ của Lưu Trọng Lư:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song.
Xao xác gà trưa gáy não nùng;
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.


...Tôi sinh ra ở Nam Định, nhưng sống cùng gia đình và lớn lên ở "Hà Nội băm sáu phố phường". Quê nội tôi ở làng Phù Long, tổng Đông Mạc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Một vùng đất được gắn liền với dấu tích lịch sử qua những cuộc chống xâm lăng của quân Mông Cổ đời nhà Trần. Quê ngoại tôi ở làng Tranh (Gianh) thuộc Huyện Ninh Giang Tỉnh Thái Bình, nơi có những khung cảnh kỳ tú với những con sông đào quanh co uốn khúc, những khóm tre bao bọc và những cánh đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay...với chiếc cổng làng xây bằng gạch cạnh cội xi gìa cả trăm năm, gốc rễ xum xuê hai ba người ôm không xuể, và quãng đường làng lót gạch cùng nhửng bãi phân trâu tạo nên một khung cảnh và mùi vị rất đặc biệt của vùng quê...

Trong vùng ký ức tuổi thơ của tôi chứa đầy hình ảnh của những dòng sông lững lờ xuôi chảy, những bến đò với chuyến đò ngang đưa khách lữ qua sông. Những bữa cơm chiều cả nhà quây quần bên mâm cơm cạnh nồi canh cua đồng nấu với rau đay và muớp bốc khói thơm ngọt, những qủa cà pháo muối xổi trắng tinh và ròn tan chấm vơí mắm tôm, loại mắm tôm xanh mà khi vắt chút chanh vào rồi đánh nhẹ một chút là đã nổi bọt trắng xóa cùng những miếng chả rươi trộn với lá mơ xanh, chiên lên ngả mầu vàng ngậy bốc mùi thơm nhức mũi, và những miếng thịt ba dọi luộc chấm với mắm rươi mẩu đỏ tươi rói ngon tuyệt vời.

Tuổi thơ của tôi cũng được gắn liền với những chuyển mình quằn quai của đất nước...Còn nhớ khi tôi lên ba tuổi, cả miền Bắc rơi vào trận đói khủng khiếp nhất của lịch sử. Đó là trận đói năm Ât Dậu. Một buổi sáng tôi theo bà vú bồng đứa em gái tôi mới được một tuổi ra ngoài chơi. Cánh cổng vừa mở thì tôi thấy một người đàn ông gầy như chiếc que củi, cúi gập mình kéo chiếc xe bò rắc vôi bột trắng xóa chất đầy nhửng xác người chết chỉ còn da bọc xương lầm lũi đi ngang. Tôi trố mắt đứng nhìn. Bà vú vội nắm tay tôi kéo vào sân nhà rồi đóng cổng lại... Nhưng hình ảnh của người đàn ông và chiếc xe bò chất đầy xác chết vào buổi sáng hôm ấy đã in sâu vào tâm trí tôi cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được...

...Rồi kháng chiến bùng nổ. Gia đình tôi cùng những người dân khác đã phải rời thành phố tản cư về các vùng quê trong chiến dịch "tiêu thổ kháng chiến" chống Pháp. Từ Hà Nội bố tôi dẫn gia đình về Nam Định để đón ông Nội và cậu Tường em của mẹ tôi, rồi tất cả cùng gồng gánh, tay xách nách mang dắt dìu nhau ra bến đò Tân Đệ xuống thuyền về Ninh Giang, rồi từ Ninh Giang đáp chuyến đò ngang về làng Tranh...Hồi đó tôi không hiểu những nỗi lo âu của mọi người mà chỉ thấy rạo rực như một đứa trẻ được cậu dẫn đi chơi...Tôi còn nhớ Cậu Tường làm một chiếc quang gánh, cậu đặt hai đứa em gái của tôi vào hai cái thúng có lót rơm và mấy mảnh vải làm nệm rồi một vai gánh hai cái thúng, một vai đeo cây đàn, một tay giắt tôi...Tôi đi theo cậu, lưng đeo cái bị nhỏ, nhảy nhót lăng săng...Ở với Ông Bà Ngoại tôi một thời gian, gia đình tôi lại giắt nhau về Cổ Rồng ở với Bác Hòe, Bác Hòe là chồng của Chị Mai, Chị ruột của Bố tôi ...Ở Cổ Rồng được ít lâu thì một sự kiện khủng khiếp đến với gia đình tôi. Một buổi tối tôi thấy bố tôi và cậu ngồi nói chuyện tới khuya mới đi ngủ, sáng hôm sau khi thức dậy thì tôi không thấy cậu tôi, tôi hỏi bố thì bố tôi nói cậu có việc quan trọng phải ra đi...Một thời gian sau thì có một người bạn thân của cậu đến báo tin cho gia đình tôi biết là cậu đã bị Việt Minh thủ tiêu vì là "thành phần trí thức tiểu tư sản". Trước khi biết mình sắp chết cậu đã nhờ người bạn thân dẫn gia đình tôi hồi cư về thành...Mẹ tôi được tin dữ khóc vật vã đến ngất xỉu, còn tôi thì chỉ biết ngẩn ngơ nhớ cậu...Tôi nhớ giọng hát ngọt ngào, nhớ tiếng đàn của cậu, và nhớ đến những buổi trưa Hè theo cậu đi tắm sông...Từ Cổ Rồng gia đình tôi lại gom góp hành trang gồng gánh giắt nhau theo anh giao liên bạn của cậu băng đồng vượt cạn, ngày đi đêm nghỉ tìm đường về Hải Phòng rồi từ Hải Phòng lên Hà Nội...Khi tới đường số 5 chúng tôi phải đi qua một cái đồn canh của quân đội Pháp cạnh chợ Cồn. Đồn canh này do một viên Đại Uý người Pháp có vợ Việt Nam chỉ huy. Các gia đình hồi cư đều phải đi qua sự kiểm soát của cô vợ người Việt này. Gia đình nào được cô gật đầu thì được đi qua cổng để vào chợ, còn nếu cô lắc đầu thì người đàn ông trong gia đình bị bọn lính Tây lôi đi bắn chết tại chỗ...Mẹ tôi mặt xanh như tầu lá, ôm chặt đứa em tôi mới sanh trên đường tản cư trong vòng tay, miệng cầu Đức Quan Thế Âm Bồ Tát phù hộ...Khi thấy cô chủ đồn gật đầu mẹ tôi mừng như người chết đi sống lại, cả nhà tôi chạy ùa vào chợ...Tôi không thể nào quên được bữa ăn ngày hôm đó, vừa mệt vừa lo lại vừa đói tôi đã ăn một bát canh bánh đa nấu với cua đồng, cộng thêm những ngọn rau rút ròn tan và mát rượi...Một bát canh bánh đa để đời...

Tôi cũng còn nhớ mỗi lần Tết đến, tôi lại chạy hụt hơi theo với nhũng vần thơ của Đoàn Văn Cừ:

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ,
Để lắng nghe người khách nói bô bô.
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán.
Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
Áo cụ lý bị người chen sấn kéo,
Khăn trên đầu đang chít cũng bung ra.
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà,
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi,
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha.
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,
Con gà trống mào thâm như cục tiết,
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.

Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm,
Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh,
Trên con đường đi các làng hẻo lánh,
Những người quê lũ lượt trở ra về.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.


Rồi khi hồi cư về Hà Nội, mỗi lần theo ông tôi ra phố Tràng Thi bên hông Quốc Tử Giám mua giấy bút mực tầu để ông viết câu đối Tết, tôi lại được nhìn ngắm "Ông Đồ" của Vũ Đình Liên mặc áo the thâm, đầu đội khăn đóng, mắt đeo mục kính, ngồi cong lưng nắn nót từng nét chữ thánh hiền trên trang giấy đỏ:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bầy mực tầu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như Phượng múa Rồng bay.


Ngày Tết qua tuổi thơ của tôi thật là tuyệt vời. Tôi mong đợi Tết đến với một tâm trạng háo hức của một đứa trẻ được mặc quần áo mới, được tiền mừng tuổi, được theo bố mẹ đi chơi thăm viếng họ hàng, được theo mẹ và bà ngoại đi lễ chùa, và nhất là được ăn cỗ Tết...Mỗi khi nhớ đến mâm cỗ Tết tôi lại chẩy nước miếng...Thôi thì đủ các món...Nào là thịt gà giò chả, xôi vò chè đường, chè kho, xôi gấc, thịt mỡ dưa hành bánh trưng xanh, canh măng canh miến, đĩa xào bát nấu chả thiếu một món gì. Tuy ngày thường thỉnh thoảng tôi cũng được ăn những món này, nhưng vào những ngày Tết nó được quyện vào với mùi nhang, trầm, mùi pháo Tết lan tỏa khắp không gian tạo thành một hương vị đặc biệt...mà chỉ những ngày Tết nới có...

Không biết tôi được ăn tô phở đầu đời vào lúc nào, nhưng tôi còn nhớ hồi tôi học lớp ba trường tiểu học Lý Thường Kiệt ở đường Sinh Từ...Mỗi sáng đi học mẹ tôi cho 1 đồng để ăn qùa. Tôi mua một gói xôi năm hào (năm cắc) còn năm hào để dành hôm sau mua một bát phở một đồng không thịt, của ông gìa người Tầu, bát phở tuy không có thịt nhưng vẫn đủ cả các gia vị như hành, ngò và đặc biệt là lạp chíu chương (tương ớt) cho vào bát phở bốc mùi thơm nhức mũi...Cuối năm lớp nhất thi tiểu học, tôi được bố tôi dẫn đi ăn phở gánh tại một góc đường ở cửa Nam. Gánh phở này rất đặc biệt là không có thìa (muỗng) mà chỉ có đũa. Khách ăn đến tự động lấy bát đũa rồi đứng xếp hàng chờ vợ chồng ông bán phở cho bánh, thịt cùng các thứ gia vị và chan nước dùng (nước lèo)...Ai đến muộn, nhìn chồng bát vơi dần thì biết là sắp hết phở. Gánh phở đặc biệt này theo như bố tôi nói thì là gánh phở ngon nhất Hà Nội thời bấy giờ. Sau này khi di cư vào Nam năm 1954, tôi bắt đầu mê phở khi đọc bài thơ "Phở đức tụng" của Tú Mỡ:

Trong các món ăn "quân tử vị",
Phở là quà đáng quý trên đời.
Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi,
Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ.
Náy bánh cuốn, này thịt bò, này nước dùng sao nhánh mỡ,
Ngọn rau thơm, hành củ thái trên.
Nước mắm, hồ tiêu, cùng dấm, ớt điểm thêm,
Khói nghi ngút đưa lên thơm ngát mủi.
Như xúc động tới ruột gan bàn phổi,
Như giục khơi cái đói của con tì.
Dẫu sơn hào, hải vị khôn bì,
Xới một bát nhiều khi chưa thích miệng.
Kẻ phú quý cho chí người bần tiện,
Hỏi ai là đã nếm không ưa,
Thầy thông, thấy phán đi sớm về trưa,
Điểm tâm phở, ngon ơ và chắc dạ.
Cánh thuyền thợ làm ăn vất vả,
Phở xơi no cũng đỡ nhọc nhằn.
Khách làng thơ đêm thức viết văn,
Được bát phở cũng đỡ băn khoăn óc bí…
Bọn đào kép, con nhà ca kỹ,
Lấy phở làm đầu vị giải lao.
Chúng chị em sớm mận tối đào,
Nhờ có phở cũng đỡ hao nhan sắc.
Phở là đại bổ, tốt bằng mười thang thuốc bắc,
Quế, phụ sâm, nhung chưa chắc đã hơn gì.
Phở bổ âm, dương, phế, thận, can, tì,
Bổ cả ngũ tạng, tứ chi, bát mạch.
Anh em lao động đồng tiền không rúc rích,
Coi phở là môn thuốc ích vô song.
Các bậc vương tôn thường chả phượng, nem công,
Chưa chén phở, vẫn còn chưa đủ món.
Chớ chê phở là đồ ăn hèn mọn,
Dẫu sao thành Ba-Lê còn phải đón phở sang.
Cùng các cao lương vạn quốc phô trương,
Ngon lại rẻ, thường hay quán giải.
Sống trên đời, phở không ăn cũng dại,
Lúc buông tay ắt phải cúng kem.
Ai ơi, nếm thử kẻo thèm.


Các tiệm phở lừng danh Sài Gòn như Phở "Tầu Bay", phở "Gà Trương Tấn Bửu", phở "Quyền", phở "Tầu Thủy, phở "Công Lý", phở "79", và phở "Pasteur"...Đặc biệt phở "Pasteur" chỉ bán vào lúc nửa đêm, khi các vũ trường, phòng trà đóng cửa, khách làng chơi mới kéo đến gánh phở này để giải tỏa nhu cầu của "con tì con vị".

Cuối năm 1954 tôi theo gia đình vào Miền Nam, bỏ lại tuổi thơ ở Miền Bắc, nhưng như một nhà thơ đã nói: "Khi ta ở chỉ là nơi Đất ở - Khi ta đi Đất bỗng hóa tâm hồn"...Và Hồn Miền Bắc, Miến Nam đã theo tôi, dù ở chân trời góc bể nào cho đến suốt cuộc đời...để mỗi lần có dịp đọc một câu thơ, nghe một khúc nhạc hay đọc một đoạn văn thì những hình ảnh của thưở thiếu thời trong lònng tôi lại trào dâng như con nước vỡ bờ cuốn tôi vào tận cùng sâu thẳm của tâm hồn, đầy dẫy những hình ảnh thân thương của một thời thơ ấu...

Trần Ngọc Nguyên Vũ.
(Vùng trời kỷ niệm!)
 
Rate this item
(0 votes)