Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Tình Huynh Đệ trong một Thời Binh Lửa - Phạm Tín An Ninh

Posted by September 21, 2018 4977

(Đặc biệt tặng các bạn Thiết Đoàn 3 KB và Tưởng niệm Trung Tá Trần Lý Hưng)

Đúng vào sáng ngày 30 Tết Nhâm Tý (1972) khi chuẩn bị cho buổi tiệc khao quân tất niên tại bản doanh Sông Mao, đơn vị tôi nhận lệnh phải di chuyển gấp lên An Khê để cùng Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh tăng phái, thành lập một Chiến Đoàn Đặc Nhiệm, thay thế vị trí của một Lữ Đoàn thuộc Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ vừa rút quân về nước và làm lực lượng trừ bị ứng chiến cho Quân Đoàn. Thời điểm này, chúng tôi đã có một tiểu đoàn (1/44) ở An Khê, tăng phái cho Thiết Đoàn 3/KB từ hơn hai tháng trước.


Theo khẩu lệnh của Tướng Ngô Dzu, Tư Lệnh QĐ II, giai đoạn đầu, Chiến Đoàn phối họp với Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn, hành quân tảo thanh tiêu diệt các lực lượng địch nằm sâu dọc theo hai bên QL-19 và đảm trách giữ an ninh lộ trình con đường huyết mạch này từ chân Đèo An Khê đến Pleiku, để kịp thời cho các nhu cầu chuyển quân, tiếp tế lên chiến trường Pleiku và Kontum. Thời gian này Sư Đoàn 22/BB tại Bình Định đang bổ sung quân số quân dụng, chuẩn bị di chuyển lên Tân Cảnh để đối phó với tình hình đột biến. Một lực lượng lớn cộng quân từ miền Bắc và Lào ào ạt xâm nhập qua biên giới, tăng cường cho Mặt Trận B-3 của Tướng CS Hoàng Minh Thảo, trong ý đồ đánh chiếm Tây Nguyên.

Ông còn nhắc nhở chúng tôi, những khúc quanh từ An Khê đến Đèo Mang-Yang là đoạn đường đầy hiểm nguy, tử địa, mà trước kia, tháng 6 năm 1954, Lữ Đoàn 100 Cơ Động, gồm nhiều đơn vị thiện chiến của quân đội Pháp đã phải thảm bại gần như tan rã, khi bị một lực lượng Việt Minh phục kích. Vị Đại tá Lữ Đoàn Trưởng và rất nhiều Sĩ quan đã bị bắt sống, gây chấn động cả Đông Dương và nước Pháp.

Buổi tiệc khao quân tất niên bị hủy bỏ, thực phẩm được nhanh chóng phân phát cho binh sĩ và trại gia binh. Chúng tôi rời bản doanh Sông Mao lúc 12 giờ trưa. Chi Đoàn 2/8 TK tăng phái hộ tống lực lượng bộ binh đến Đèo Cả, ranh giới tỉnh Phú Yên. Sau đó được lực lượng Thiết Kỵ của Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn mở đường và đón đơn vị chúng tôi từ Đèo Cả đến Đèo Cù Mông, Bình Định. Nghỉ đêm và đón giao thừa tại Vạn Giả, sáng hôm sau tiếp tục di chuyển. Chúng tôi đến căn cứ An Khê lúc 4 giờ chiều ngày mồng một Tết.

Bộ Chỉ Huy “Chiến Đoàn Đặc Nhiệm 44” được nhanh chóng thành hình. Trung tá Trần Quang Tiến, Trung Đoàn Trưởng 44/BB là Chiến Đoàn Trưởng, Trung tá Trần Lý Hưng, Thiết Đoàn Trưởng TĐ3/KB là Chiến Đoàn Phó. Cá nhân tôi đảm trách Trưởng Ban 3 Chiến Đoàn. Một toán liên lạc của Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn, do một vị đại tá chỉ huy, được đặt bên cạnh BCH Chiến Đoàn. Ngoài Thiết Đoàn 3/KB, Chi Khu An Túc và hai tiểu đoàn Địa Phương Quân của TK Bình Định cũng được đặt dưới quyền chỉ huy, điều động của Chiến Đoàn.

Chúng tôi rất vui khi được hành quân phối họp với Thiết Đoàn 3/KB, khi biết đơn vị Thiết Kỵ này được mang biệt danh “Thiên Mã”, là một trong bốn Trung Đoàn Thiết Giáp đầu tiên của Quân Lực, hậu thân của Trung Đoàn 3 Thám Thính, thành lập từ năm 1954 tại Bắc Việt, là một đơn vị Thiết Kỵ quá dạn dày trong chiến trận, và từng tạo nhiều chiến công hiển hách tại các chiến trường vang tiếng một thời: Pleime, Đức Cơ (1965), An Lão (1965), Bồng Sơn (1966), Trà Bá, Tết Mậu Thân tại Pleiku (1968), Dakto, Ben Het (1971). Khi ấy, Thiết Đoàn đã sáu lần được tuyên dương công trạng trước Quân Đội, nên tất cả các kỵ binh đều mang giây biểu chương màu Bảo Quốc Huân Chương (*). Đặc biệt năm 1970 được Tổng Thống Hoa Kỳ trao tặng Huy chương President Unit Citation.

Ba hôm sau, Chiến Đoàn được lệnh tổ chức một cuộc hành quân khẩn cấp, giải tỏa hai căn cứ cấp đại đội của Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn trú đóng, nằm trên Đèo An Khê, vừa bị một lực lượng cộng quân khá hùng hậu bất ngờ tấn công và đang vây hãm. Nhờ công sự rất kiên cố, nên bọn chúng không thể chiếm được mà chỉ bao vây, gây thiệt hại cho quân sĩ trú phòng và tạo gián đoạn cho việc lưu thông trên QL 19. Hai căn cứ này nằm trong khu vực trách nhiệm của Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn. Sư Đoàn này đã phái một lực lượng tiếp ứng, nhưng bị phục kích, thiệt hại khá nặng. Lực lượng địch được uớc tính gồm hai tiểu đoàn và một đại đội đặc công của Sư Đoàn 2 Sao Vàng.

Nhờ hỏa lực hùng hậu và những kỵ binh dũng cảm trên các chiến xa M-113 của Thiết Đoàn 3/KB, cùng các phi công tài ba gan dạ thuộc Phi Đoàn Mãnh Sư 243 (Phù Cát), sau những kế hoạch nghi binh, tạo các bãi đáp giả, lừa địch rất hiệu quả, từng đại đội bộ binh được tuyển lựa ra các binh sĩ trẻ, trang bị nhẹ, đổ xuống, vừa khép vòng vây vừa ngăn chặn lực lượng tăng viện của địch. Đại Đội 44 Trinh Sát nổi danh thiện chiến, với hai toán Viễn Thám được trang bị mặt nạ chống hơi ngạt, chia làm hai cánh bất ngờ nhảy xuống ngay sau lưng địch, từng toán nhỏ lao vào tấn công bằng hơi cay, lựu đạn, và cả M-72, dưới sự yểm trợ chính xác hữu hiệu của các trực thăng võ trang, nhanh chóng tiêu diệt hai cái chốt chặn của địch ở hai bên dốc đèo, làm đầu cầu cho lực lượng Thiết Giáp có bộ binh tùng thiết, đồng loạt tấn công, nhanh chóng làm chủ chiến trường. Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai căn cứ đã được giải tỏa, địch quân tháo chạy, bị các đơn vị bao vây tiêu diệt, có mấy tên bị ta bắt sống. Chiến Đoàn đã ghi một chiến tích vẻ vang cho đầu năm mới.

Sáng hôm sau Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, và Tướng Tư Lệnh Lực Lượng Đại Hàn tại Việt Nam từ Sài Gòn bất ngờ bay ra An Khê quan sát chiến trường và ngợi khen các đơn vị tham chiến. Vì lý do an ninh, không được báo trước, nên chỉ có vị Chiến Đoàn Trưởng, Chiến Đoàn Phó, Trung tá Cố Vấn Mỹ, vị Đại tá Đại Hàn, đại diện Sư Đoàn Mãnh Hổ và cá nhân tôi (tháp tùng) ra đón hai ông tướng tại sân bay. Sau đó dùng hai trực thăng, cùng bay xuống viếng thăm BTL/Sư Đoàn Mãnh Hổ, tại Bình Định.

Ngày 24-4-72, Tân Cảnh thất thủ, khi BTL/SĐ22BB bị địch quân tràn ngập, Đại tá Lê Đức Đạt, vị Tư Lệnh liêm sĩ và khí phách đã cùng đồng đội chiến đấu tới giây phút cuối cùng, và chấp nhận vùi thây nơi chiến địa, Trung Đoàn 44 chúng tôi có lệnh di chuyển khẩn cấp lên phi trường Cù Hanh, Pleiku để được không vận lên Kontum.

Chúng tôi ở An Khê chỉ gần ba tháng. Ba tháng cùng sinh hoạt và hành quân chung với Thiết Đoàn 3/KB. Nhưng từ vị Thiết Đoàn Trưởng đến tất cả các sĩ quan tham mưu và ở các Chi Đoàn đã để lại trong lòng chúng tôi sự kính mến vô bờ. Tôi nghĩ, có lẽ nhờ những đức tính của Trung tá Trần Lý Hưng, một vị sĩ quan thâm niên, vốn xuất thân từ Trường Thiếu Sinh Quân với truyền thống “Nhân Trí Dũng”, nên đã tạo được một không khí thắm đẫm tình huynh đệ. Những kỵ binh ở Thiết Đoàn 3/KB đã rất may mắn, dù gian khổ hiểm nguy, nhưng được sống trong không khí thân tình, dễ thương đáng quý ấy, và đặc biệt có một cấp chỉ huy bình dị, hiền lành đức độ.

Cá nhân tôi chỉ là một Sĩ quan của một đơn vị bạn, cùng hành quân hỗn hợp, nhưng ông luôn dành cho những tình cảm gần gũi, thân tình, quý mến tôi như người anh đối với một đứa em trong gia đình. Mỗi đêm, ông đều rủ tôi cùng đi một vòng với ông, kiểm tra các vọng gác trong căn cứ khá rộng lớn này. Ông rất quan tâm việc phòng thủ, bởi hai tuần trước khi chúng tôi đến, một toán đặc công Việt Cộng hóa trang nấp dưới những cánh lục bình trôi theo con sông bên cạnh căn cứ, bất ngờ xâm nhập, tấn công chiếm một phần vị trí của Pháo Đội A/233 Pháo Binh, phá hoại một khẩu 105 ly và làm thiệt mạng Đại úy Lê Hữu Chí, Pháo Đội Trưởng. Nhưng ngay tức khắc, bọn chúng đã bị lực lượng Thiết Giáp của Thiết Đoàn và Tiểu Đoàn 4/44 (đã được tăng phái từ trước cho Thiết Đoàn) kịp thời phản công, bao vây tiêu diệt gần như toàn bộ, những tên còn sống đều bị bắt. Ông tỏ ra rất buồn về sự kiện này.

Là một Sĩ quan có thâm niên quân vụ từ khi mới mười lăm tuổi đời ở Trường Thiếu Sinh Quân Đông Dương Vũng Tàu, rồi sau đó tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy từ Trường Võ bị Địa phương Nam Việt Vũng Tàu, (Nhạc sĩ Đại tá Nguyễn Văn Đông thủ khoa khóa này), từng làm huấn luyện viên cho Trường Võ Khoa Thủ Đức và được tôi luyện trong Binh chủng Thiết Giáp hào hùng, Trung tá Hưng là một cấp chỉ huy thao lược, tài đức vẹn toàn.

Ngay từ buổi gặp gỡ ban đầu, hình ảnh của ông đã in đậm nét trong lòng tôi, khi thấy ông đứng nghiêm đưa tay lên chào ông Trung Đoàn Trưởng của tôi theo đúng lễ nghi quân cách. Mặc dù cả hai đều mang cấp bậc trung tá, không biết vị nào thâm niên hơn, nhưng ông chào với danh nghĩa là một Chiến Đoàn Phó trình diện ông Chiến Đoàn Trưởng. Cử chỉ ấy đã làm cá nhân tôi và chắc chắn hầu hết các sĩ quan của đơn vị tôi thán phục.

Mỗi buổi chiều, khi không bận hành quân, ông đều gọi tôi đến nhà ông dùng cơm. Gia đình ông ở một căn nhà gỗ trong căn cứ, do đơn vị Hoa Kỳ giao lại. Trên sân thượng có mấy chậu hoa quỳnh. Ông có thú trồng hoa, nhưng chỉ duy nhất có hoa quỳnh, nên rất am tường về loại hoa nở về đêm, và sớm nở tối tàn này. Nhìn nụ hoa, ông biết khi nào, chính xác hơn là giờ khắc nào, hoa sẽ nở. Mỗi kỳ hoa nở, sau khi cùng đi kiểm soát việc phòng thủ trong căn cứ, ông rủ tôi ghé lại nhà ông uống rượu (thuốc) và chờ đến nửa khuya để xem hoa quỳnh nở. Ông rất thích thú và trân quý những giờ khắc khi nhìn một cánh hoa quỳnh bắt đầu nở và từ từ bung ra. Đời lính, với ông, ngoài đánh đấm, có lẽ đây là cái thú tiêu khiển duy nhất. Ông thường đem binh pháp trong Tam Quốc Chí phân tích cho tôi nghe, và bảo đó là những bài học rất hay để dụng binh. Một lần vợ tôi dẫn theo hai đứa con ra thăm, ông nhất quyết đón về ở chung nhà với ông và bảo vợ ông lo cơm nước. Tôi đi với vợ, tay xách theo hành lý, còn ông hai tay dắt hai đứa nhỏ, con tôi. Sau đó bọn nó cứ chạy theo đùa giỡn với ông. Hình ảnh đẹp đẽ ấy mãi in đậm trong lòng, tôi không thể nào quên được.

Vợ ông, chị Nguyễn Thị Công Nữ, rất bình dị hiền lành, không bao giờ xen vào công việc của chồng mình, và là một người nội trợ đảm đang. Tôi thích nhất là món cá kho tộ của chị làm. Chị vốn là một nữ sinh rất nhu mì ở Chợ Nhỏ, Vùng Tăng Nhơn Phú, Thủ Đức, nơi một thời chàng Sĩ quan trẻ Trần Lý Hưng làm huấn luyện viên cho Trường Võ Khoa Thủ Đức và sau đó là Trường Thiết Giáp. Một mối tình đẹp xảy ra ở vùng đất hiền hòa nhưng rất nổi danh này, bởi có rất nhiều chàng trai trẻ, bỏ sách đèn hội tụ về đây để theo việc kiếm cung, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương, đất nước.

Ngày chia tay để cùng đơn vị di chuyển lên chiến trường Kontum, ông Trung đoàn trưởng và tôi được Trung tá Hưng mời đến ăn bữa cơm cuối cùng với ông. Lòng tôi thật buồn như sắp phải chia tay một người anh thân quý nhất. Trước giờ đơn vị tôi chuyển quân, ông đã đến tiễn đưa, bắt tay ôm lấy từng người trong anh em chúng tôi. Ai nấy đều lưu luyến cảm động. Tôi ôm ông mà giấu đi những giọt nước mắt. Nếu ai không từng là lính chiến, có thể không hiểu được những tình cảm đệ huynh của chúng tôi dạt dào như thế.

Chỉ một ngày sau khi rời An Khê đến Kontum, đơn vị chúng tôi đã tạo một chiến thắng lẫy lừng khi đánh tan một lực lượng chiến xa và bộ binh địch thuộc Sư Đoàn Thép 320 CS từ Tân Cảnh tràn xuống với ý đồ chiếm lấy Kontum. Lần đầu tiên tại chiến trường Quân Khu 2, chúng tôi bắn cháy sáu chiếc, và bắt sống ba chiến xa T-54 của địch. Tướng Nguyễn Văn Toàn, vừa nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn II, cũng đã rất xứng đáng là một vị tướng Kỵ Binh, khi đứng trên một M-113, đầu đội bê-rê đen, đến thăm chúng tôi, quan sát chiến trường đang còn đầy khói lửa, và gắn cấp bậc đại tá vinh thăng cho vị Trung Đoàn Trưởng ngay tại mặt trận. Và chúng tôi rất bất ngờ khi nghe tiếng Trung tá Trần Lý Hưng tìm vào tần số đặc biệt của đơn vị gởi lời chúc mừng và khích lệ anh em. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, nghĩa cử ấy đã làm chúng tôi cảm động. Nhưng chỉ sau đó vài tuần, chúng tôi lại được tin ông bị thương khi chỉ huy Thiết Đoàn bất ngờ đánh vào Tây Chu Pao. Để hoàn thành nhiệm vụ then chốt này, Thiết Đoàn 3/KB đã cùng BĐQ xuyên rừng dọc theo con đường bỏ hoang 14 bis, đánh vào sau lưng đơn vị cộng quân đang chế ngự đèo Chu Pao, bắt tay được với Đại đội 44 Trinh Sát của chúng tôi, và thành công phá vỡ tuyến bao vây phía Nam Kontum, giải tỏa Quốc Lộ 14, con đường huyết mạch từ Pleilu đến Kontum để cho các đoàn xe lên tiếp tế đạn dược và thực phẩm cho đơn vị chúng tôi.

Sáu tháng sau, tình hình Kontum tạm yên, khi các đơn vị địch bị thiệt hại nặng nề, cần phải có thời gian ẩn quân để tái bổ sung, Trung Đoàn chúng tôi đặc biệt được Tướng Tư lệnh Quân Đoàn cho về nghỉ dưỡng quân một tháng tại Đồi Đức Mẹ Pleiku, như là phần thưởng dành cho một đơn vị góp nhiều chiến công và xương máu nhất để tạo nên một “Kontum Kiêu Hùng”. Chúng tôi đã tìm đến thăm ông. Lúc này ông không còn ở Thiết Đoàn 3/KB mà vừa được chuyển về làm Chỉ Huy Trưởng Trường Thiếu Sinh Quân Pleiku (Cao Nguyên), nơi những em TSQ Kinh Thượng nối nghiệp ông để trở thành những cấp chỉ huy lỗi lạc sau này. Và với cương vị mới, ông càng xứng đáng là một vị “sư huynh” hết lòng dìu dắt, yêu thương em út, đem bao nhiêu kinh nghiệm chiến trường và cả tình “huynh đệ chi binh” tô đậm thêm nét son truyền thống “Nhân Trí Dũng” của Thiếu Sinh Quân.

Gặp lại chúng tôi ông mừng rỡ, ôm lấy từng người. Nhưng mắt ông bỗng nhòa lệ, khi nhắc tên hai người bạn thân của chúng tôi đã hy sinh trên chiến trường Kontum. Thiếu tá Võ Anh Tài và Thiếu tá Đặng Trung Đức, hai anh tiểu đoàn trưởng mà ông hằng quý mến khi hành quân chung với Thiết Đoàn 3/KB ở An Khê. Điều làm chúng tôi bất ngờ và cảm động hơn, khi ông lấy từ trên bàn thờ Phật, đưa cho chúng tôi xem tờ giấy có ghi ngày tử trận của hai anh cùng với một số bạn bè và thuộc cấp của ông, và bảo là ông sẽ thắp hương cầu nguyện cho hai anh mỗi năm khi đến ngày này. Một nghĩa cử thật hiếm hoi của một cấp chỉ huy từ một đơn vị bạn mà chúng tôi may mắn được hành quân chung chỉ trong vòng ba tháng.

Trong thời gian chúng tôi ở An Khê, Thiết Đoàn 3/KB chỉ có 2 chi đoàn. Lúc ấy Chi Đoàn 1/3 CX biệt phái cho Quân Đoàn I, kể từ khi tham gia cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào.

Trong Thiết Đoàn, chúng tôi có dịp gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Đêm, Thiết Đoàn Phó. Anh là người ít nói, nhưng nổi tiếng về sự can đảm và tài điều quân từ khi còn là một Chi Đội Trưởng. Sau này anh về chỉ huy Thiết Đoàn 8/KB, trực thuộc Sư Đoàn 23 BB của chúng tôi. Sau các cuộc hành quân, chúng tôi cũng thường đi chơi chung hay ngồi tán gẫu với bạn Trương Gia Lương, một sĩ quan trẻ giữ chức vụ Trưởng Ban 3 Thiết Đoàn kiêm Chi Đoàn Trưởng 3/3, anh có nhiều khả năng và trình độ Anh ngữ, được Trung tá Hưng tin cẩn, cùng các bạn Huỳnh Văn Mỹ, Nguyễn Văn Hội, Bùi Cán, anh Khôn, anh Phong và một vài bạn nữa mà vì thời gian quá lâu, tôi không còn nhớ tên. Người nào cũng gan dạ trên chiến trường và rất vui vẻ thân thiện trong tình anh em chiến hữu.

Từ ngày rời khỏi An Khê, chúng tôi không có dịp gặp lại những người bạn Kỵ Binh quý mến này. Nhưng sau đó, vào tháng 4/74, chúng tôi rất vui mừng biết được anh Huỳnh Văn Mỹ, khi ấy còn mang cấp bậc trung úy, đã chỉ huy Chi Đoàn 2/3 TK, làm nỗ lực chính trong một trận chiến nổi danh, đánh tan hơn một Trung đoàn của Sư Đoàn 2 Sao Vàng CS, khi bọn chúng chuẩn bị tấn công với ý đồ chiếm lấy Căn cứ Không Quân Phù Cát, nhằm uy hiếp tỉnh Bình Định, lợi dụng lúc Sư Đoàn 22 BB, vừa mới hồi sinh sau trận Tân Cảnh, đang phải đối mặt với một lực lượng lớn cộng quân tại chiến trường cam go Bắc Bình Định. Cuộc phản công đánh phủ đầu tuyệt vời này theo kế hoạch và dưới sự chỉ huy tài tình thao lược của “Mãnh Sư” Trung tá Nguyễn Mạnh Tường. TK Phó/TK Bình Định, tạo một chiến tích lẫy lừng ghi đậm nét son trong Quân sử VNCH.

Tháng 3/1975, trong cuộc di tản đẫm máu của Quân Đoàn II theo TL 7B, đã kéo theo sự sụp đổ miền Nam, khi Lữ Đoàn II/KB bị cộng quân bao vây, phục kích, gây thiệt hại nặng nề, Đại tá Nguyễn Văn Đồng, Lữ Đoàn Trưởng bị bắt(?). Chỉ duy nhất Chi Đoàn 3/3 do Đại úy Nguyễn Văn Hội chỉ huy đã anh dũng chiến đấu và đưa toàn bộ chiến xa về tới Nha Trang, nơi tạm thời đặt BTL/QĐ II (di tản). Anh Hội đã rất xứng đáng khi được Tướng Tư lệnh Phạm Văn Phú tiếp đón và gắn cấp bậc thiếu tá, tưởng thưởng công trạng thật xuất sắc của anh. Và có lẽ đó là người sĩ quan cuối cùng được thăng cấp Thiếu tá vào giờ thứ 25 của cuộc chiến.

Riêng Trung tá Trần Lý Hưng, khi bất ngờ nhận lệnh di tản, ông đã can thiệp xin cho các em Thiếu Sinh Quân được ưu tiên đi bằng máy bay, nhưng đến khi phi trường Cù Hanh gần như bị rối loạn, ông vẫn chưa nhận được một quyết định cụ thể nào. Ông tập trung tất cả các em lại và đau buồn báo tin “Pleiku di tản”, khuyên các em nên trở về với gia đình. Một số TSQ không có gia đình ở Pleiku, ông đã trực tiếp hướng dẫn, dìu dắt các em, vượt qua bao hiểm nguy chết chóc, nên có vài nhóm nhỏ bị thất lạc, nhưng cuối cùng đã về đến Trường TSQ/Vũng Tàu.

Sau ngày tan đàn xẻ nghé, mỗi người trôi dạt một phương, nhưng đều mang theo cùng một nỗi lòng và thân phận. Riêng tôi thì lưu lạc tận vùng Bắc Âu xa xôi lạnh giá nên lại càng khó có cơ hội để được gặp lại những anh em đồng đôi cũ ở Thiết Đoàn 3/KB ngày nào, nhưng rồi tôi đã may mắn liên lạc được với Trung tá Trần Lý Hưng, và các anh Trương Gia Lương, Huỳnh Văn Mỹ. Tôi rất cảm động, vì dù mỗi người vẫn phải còn mang những vết thương không lành được trong lòng, nhưng tất cả vẫn còn giữ đầy hào khí của những người lính chiến, và nặng tình huynh đệ.

Trung tá Hưng, sau hơn 9 năm 6 tháng bị đày đọa trong các nhà tù CS, ông trở về sum họp gia đình vào khoảng gần cuối năm 1984. Ngày 22-10-1996 đến Mỹ theo chương trình HO-44 và định cư tại Houston, Texas cùng vợ và năm đứa con. Bảy cháu lớn có gia đình còn ở lại Việt Nam.

Được nói chuyện vài lần. Mặc dù sau này sức khỏe ông kém đi nhiều lắm, nhưng ông vẫn tâm tình khá lâu, có lúc ngậm ngùi, nhưng cũng có lúc tôi nghe được tiếng ông cười, dễ thương độ lượng như ngày nào. Ông nhắc lại thời trận mạc, nhắc tới đơn vị chúng tôi, ông vẫn còn nhớ tên từng người trong anh em chúng tôi, và dừng lại xót xa khi chúng tôi nhắc đến một người nào đã không còn trên cõi đời này nữa. Ông còn cười đùa, mỗi lần tôi gọi ông là trung tá. Ông bảo, “bộ bạn không cho tôi được làm anh của bạn nữa hay sao ?” Từ hôm ấy, tôi gọi ông bằng anh Hưng.

Đầu năm 2012, khi biết mình bị ung thư yết hầu trong thời kỳ không mấy hy vọng vào việc chữa trị, ông đã cùng bà về lại Việt Nam và ở lại đây gần một năm để vui cùng con cháu, mà ông nghĩ đó sẽ là cơ hội cuối cùng. Ông đã giấu tôi về căn bệnh hiểm nghèo. Tâm tình nhiều lần nhưng ông chỉ bảo là tuổi già nên hơi mệt. Tôi hẹn sẽ sang thăm ông vào mùa đông 2013, nhân một dịp đến Mỹ. Nhưng cuộc hẹn đó đã không thành. Ngày 2 tháng 7 năm ấy ông đã ra đi, để lại cho gia đình, bè bạn và tất cả những anh em đồng đội cũ lòng thương tiếc khôn nguôi.

Vẫn biết thế hệ những người lính ngày nào, giờ cũng đã đến lúc xếp hàng để chờ đến lượt mình trút bỏ, trả lại cho thế gian này một cuộc đời tạm bợ với đầy những vui buồn đắng cay, hào hùng vinh nhục; nhưng sự ra đi của những người như Trung tá Trần Lý Hưng đã thêm một lần nữa xác tín lời một bài hát rất xưa mà Tướng Douglas MacArthur đã dùng trong bài diễn văn đọc trước Lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày ông rời quân ngũ: “Những người lính già sẽ không bao giờ chết mà chỉ mờ đi theo năm tháng - Old soldiers never die, they just fade aways.”

Xin tạm biệt Anh Trần Lý Hưng, một Kỵ Binh khả kính, mà em vẫn còn nợ Anh món nợ nghĩa tình. Hẹn gặp lại Anh ở một nơi không có bom đạn, chết chóc, hận thù, và cũng không còn nghe thấy tiếng xích sắt của những chiến xa M-113, M-41, M-48 và của cả những T-54, T-59 !

Phạm Tín An Ninh
(Một người lính Bộ-Binh)

Rate this item
(0 votes)