Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

BIẾT NÓI GÌ ĐÂY? (Cung Trầm Tưởng - Một Hành Trình thơ)

Posted by October 29, 2019 2444
Mấy hôm nay tôi mất ăn mất ngủ vì một cái "Hoạ”.
"Hoạ...Thơ" bắt nguồn từ bài "Thơ Hoạ”.

Bài thơ gốc chính là bài "Râu Xanh" gồm 17 câu thơ lục bát của thi sĩ Cung Trầm Tưởng được viết vào năm 1965. Khi ấy tôi chưa chào đời, còn thi nhân Cung Trầm Tưởng thì có lẽ đang vào độ tuổi "chín đỏ trái sầu" đến nỗi ông đã mượn hình ảnh "Râu Xanh" như một ẩn dụ để bày tỏ sự mãnh liệt của mình trong tình yêu.

Râu Xanh, trong tiếng Pháp là Barbe-bleue,tiếng Anh là Bluebeard, là một nhân vật rất đỗi “yêu mến những người đẹp” trong tập truyện cổ tích 'Những Câu Chuyện Của Mẹ Ngỗng' (Tales of Mother Goose/Les Contes De Ma Mère l'Oye) của tác giả người Pháp Charles Perrault, xuất bản vào giữa thế kỷ 17.

Hãy nghe nỗi lòng của “Râu Xanh Cung Trầm Tưởng”:

Đến anh thì đến hôm nay
Lỡ mai gió lật chở đầy mưa qua
Đến anh thân thể lụa là
Dài đuôi con mắt, ngắn tà váy kiêu
Đến anh lưng thắt chiết yêu
Sểnh tâm phá giới con diều ái ân
Gót ngờ rớt chín phân vân
Để sau một hóa mười lần đến anh
Chờ em anh để râu xanh
Lòng xây bốn bức tường thành giam em
Hồn anh em thắp lên xem
Ác như một chiếc lồng đèn kéo quân
Tình anh sương giá đầy sân
Cần em mái phủ cho thân ấm nhờ
Chuyện mình mói nửa trang thơ
Phải hai cùng viết trang thơ vẹn tình
Chờ em anh để râu xanh.


Tôi đọc từng câu và cảm thấy vô cùng thú vị với ý tưởng ví von vừa táo bạo, vừa dí dỏm của thi sĩ và thế là trong một phút "rảnh rỗi sinh nông nổi" tôi đã viết 17 câu thơ vừa hoạ, vừa trêu...hi hi...ai lỡ để râu thì ráng chịu!

Chờ em anh để râu xanh
Giam em bốn bức tường thành đắm say
Râu xanh nay nhuốm màu mây
Phôi pha lãng đãng cuối ngày lãng du
Yêu tinh ngày cũ bây chừ
Dễ thương như một ông từ trong lăng
Hồn anh em hãy ghé thăm
Như đèn cù sáng dưới trăng hiền lành
Mong em nếu có đến anh
Ngắn đuôi mắt liếc, dài manh áo chùng
Cũng đừng thắt chiếc lưng ong
Khổ thân anh lại bềnh bồng phiêu diêu
Lòng anh xây một chữ “Yêu”
Oan khiên kể cũng ít nhiều vì ...râu
Chuyện mình trước vẫn như sau
Trang thơ viết tiếp dạt dào cùng nhau
Yêu em râu cũng ngả màu...


Viết xong tôi mới chợt giật mình. Ôi ôi! dường như mình vừa lỡ vuốt "Râu Hùm".
Thế mà chỉ đúng một tháng nữa thôi là "Hùm Thiêng" từ Xứ Vạn Hồ Minnesota sẽ về thăm Miền Cali Nắng Ấm để ra mắt “CUNG TRẦM TƯỞNG - MỘT HÀNH TRÌNH THƠ". Kẻ dám “vuốt râu hùm" chợt thấy vô cùng hối lỗi và muốn có đôi lời tạ tội cùng Cung Tiên Sinh.

Chợt, cậu Võ Ý gọi phone phán một câu gọn bâng: "Cháu lên nói 8 phút đó nha!"

Ôi Trời!
Thật sự thì đây là “Phước” chứ không phải “Họa”, chỉ có điều một đứa “trẻ người non dạ” như tôi thì biết gì mà thưa thốt? Biết nói gì đây?
Lần giở từng bài trong tập thơ gần 700 trang đóng bìa cứng dày, đẹp và quý của Tiên Sinh, tôi thấy mình như một con dế mèn vừa vào cuộc phiêu lưu liều lĩnh trong cõi thơ Cung Trầm Tưởng.

Bảy mươi năm hành trình làm thơ của ông được đúc kết bằng bảy tập thơ. Trong khoảng chiều dài thời gian và chiều sâu tư tưởng ấy, có rất nhiều vị tiền bối tên tuổi, những ngòi bút đáng kính trọng đã viết biết bao điều cảm nhận tinh tế và sâu sắc như sau:

- Nhà phê bình văn Thuỵ Khuê viết về đề tài "Cổ Dao Trong Thơ Cung Trầm Tưởng".
- Nhà thơ Viên Linh bàn về "Lục Kinh Bát Quái" trong thơ Cung Trầm Tưởng biến dịch như sáu mươi tư quẻ càn khôn, dùng khoá tám để giữ.
- Nhà văn Bắc Đẩu Võ Ý mà tôi vẫn gọi “Cậu Ý" vốn là bạn tù của thi sĩ Cung Trầm Tưởng trong những trại tù Cộng Sản thì viết "Đôi Dòng Cảm Nghĩ về Lời Viết Hai Tay" - những câu thơ viết khi hai tay của thi sĩ bị khoá trong chiếc còng số 8.
- Giáo sư Nguyễn Ngọc Diễm nhận xét về mạch "Nộ Thi" trong thơ Cung Trầm Tưởng.
- Nhà văn Lê Hữu Cương luận về "Tự Do Tư Tưởng, Nơi Trú Đậu của Ngôn Ngữ Văn Chương"
- Nguyễn Thanh Nhã bình về "Ngữ Giới Trong Thơ Cung Trầm Tưởng"
- Trần Văn Nam xoay quanh chủ đề "Thơ Lục Bát Mới của Cung Trầm Tưởng"
- Giang Hữu Tuyên phân tích "Giữa Trước Và Sau" để so sánh giữa một Cung Trầm Tưởng thanh xuân và tuổi tác.
- Hoàng Yên Lưu ôn lại "Một Hành Trình Thơ" của Cung Trầm Tưởng

Sở dĩ tôi kể ra như vậy là để bạn đọc thấy được tầm cỡ của tác phẩm và vì sao tôi lại băn khoăn “biết nói gì đây?”

Cậu Võ Ý thương tình bèn… gợi ý:
- Hay cháu nói về tín ngưỡng trong thơ Cung Trầm Tưởng đi.
- Cậu ơi, cháu không dám đâu! Phải chăng Cung Thi Sĩ là một tín đồ thuần thành của giáo phái " Thần Vệ Nữ "?

Từ ấy tôn vinh thần Vệ nữ
Tóc vàng màu rạ, dáng mình dây.
Xin quỳ bốn vái và ba lạy
Trả trọn mây mưa xuống vẹn đầy.

Mai sau ngủ gốc cây sồi
Làm thiên thu chiếc miếu ngồi thờ em.


Cậu cười vang rồi bèn quay ngoắt 180 độ... hình học:
- Cháu có biết thi sĩ Cung Trầm Tưởng giỏi Toán lắm không? Hay cháu nói về những tư tưởng Toán Học đã góp mặt trong thơ Cung Trầm Tưởng?
Hi hi...đúng là Cung Tiên Sinh giỏi Toán thật, vì có một số bài thơ của ông đọc cái tựa thôi là đủ thấy "nhức đầu": nào là "Cấp Số Nhân", một bài thơ khác lại mang tên "Đáp Số", rồi còn có cả “lũy thừa” nữa chứ.

Mai sau thịt thắm da liền
Cái yêu khác trước, cái nhìn khác xưa,
Cái tin vô cớ xin chừa
Sống sao cho xứng lũy thừa thương đau.


Còn nhớ có một lần khi tôi đọc bài thơ "Trên Một Triền Tĩnh Động" có hai câu sau:

Ngủ chim sâu, ngủ n chiều,
Hình con én bốc mỹ miều mộng du.


Tôi cứ tưởng "ngủ n chiều" là lỗi typo, hỏi cậu Ý, cậu cũng không sao đoán ra. Đến khi cậu hỏi thi sĩ Cung Trầm Tưởng thì Nhà Thơ Toán Học cười tủm tỉm trả lời "n" có nghĩa là "n lần" trong Toán Học. Trời! Ha ha… Một người dốt Toán như tôi thì làm sao dám rớ đến cái phạm trù này.

Vì vậy, đến bây giờ tôi vẫn loanh quanh "biết nói gì đây?" Đành phải hẹn lại bằng một câu rất đỗi "cải lương": Xin đợi hồi sau sẽ rõ!

Nguyễn Diễm Nga - 10/17/2019

---------------------------------------------------------

* Nếu quý vị thích thú và muốn gặp gỡ Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng vào trưa Chủ Nhật 17 tháng 11, 2019 (11:am - 3pm) xin liên lạc ở những số phone sau:

Trần Phong Vũ : (949) 232-8660
Nguyễn Văn Liêm: (714) 331-7279
KQ Võ Ý: (714) 262-6272


Xin trân trọng cảm ơn.

 
 
Rate this item
(0 votes)