Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Chuyện Tình Của Người Lính - Lê văn Nguyên

Posted by August 23, 2022 1914

Chuyện Tình Của Người Lính

Lê văn Nguyên

---oo0oo---

 

Rời khỏi kênh 10 mênh mông sông nước, đơn vị trực chỉ về Kiến Hòa,vùng đất nổi tiếng nguy hiểm với mìn bẩy và bắn sẻ, không những vậy người dân thiên về cộng sản. Kiến Hòa, Kiến Tường và Kiến Phong là 3 địa danh mà bất kỳ người lính nào cũng đều biết bởi có câu: Nhất Kiến nhì Chương, tam Kiến bất hảo.

Người dân ở Kiến Hòa có khuynh hướng thân cộng, họ chứa chấp, giúp đở hoặc thông tin cho cho những kẽ trong bưng, vì vậy các cuộc hành quân bình định, truy lùng đều gặp khó khăn và đơn vị tổng trừ bị được tung vào vùng đất nhiễu nhương này nhằm giải tỏa áp lực địch đang đè nặng, đồng thời làm câm họng các thỏa tiển 122 ly luôn pháo vào tiểu khu. Trong 2 tuần lễ đầu tiên tình hình yên tỉnh chỉ có vài vụ chạm súng lẻ tẻ, đa phần là với bọn du kích. Tuy nhiên con số thương vong gia tăng vì đạp phải mìn hoặc bị bắn sẻ, để tránh bớt thiệt hại về nhân mạng, đơn vị ra lệnh cho các trung đội trưởng phải lập các tổ phục kích đêm, lập các tiền đồn ở các điểm trọng yếu cũng như trải mỏng đội hình khi hành quân. Trung đội 3 của tôi hiện tại nằm ở tọa độ XYZ, trung đội tiền đồn cách bộ chỉ huy đaị đôị khoảng 2 cây số về hướng nam, đó là xã Sơn Phú, quận Trúc Giang, dân cư thưa thớt, xa xa mới có một nóc nhà và kênh rạch chằng chịch, chính vì vậy mà địch quân lợi dụng các kênh rạch để xâm nhập hoặc tiếp tế lương thực, thuốc men. Từ Sơn phú phóng tầm mắt về hướng tây là Cồn Ốc, xa hơn nữa là quận Mõ Cày với hàng dừa thấp thoáng xanh um chen chúc.

Đêm nay tôi ngồi nhâm nhi bên ly cà phê nóng chờ đợi kết quả từ những điểm phục kích, ngoài trời mưa rả rích, tiếng cóc nhái hòa lẫn với tiếng chó sủa tạo thành âm thanh kỳ quặc lạ lùng, đâu đó có tiếng súng rời rạc vang lên trong đêm mưa. Gần sáng trưởng toán phục kích mới về, trung sĩ Hòa lắc lắc mái tóc còn đẫm nước mưa và mệt mỏi báo cáo:

- Thiếu úy, tụi em bắn hạ 2 thằng và bắt sống một con nhỏ tình nghi tiếp tế cho bọn du kích.

Tôi gật đầu với vẽ hài lòng và nhẹ nhàng nói với Hòa:
- Anh cho mang cô ta vào đây cho tôi, chắc chắn sẽ có nhiều tin tức tốt về bọn du kích cũng như nằm vùng.

Hòa nhanh nhẹn bước ra ngoài sau đó có tiếng lên đạn cùng tiếng quát lớn:
- Đ..mẹ... Bắt tại trận mà còn chối cãi. Đ mẹ. Đá thấy mẹ mày bây giờ. vào trong này cho tao.

Một cô gái loạng choạng bước vào và sau cú đạp tiếp của Hòa cô té nhào trên nền đất đầy bùn đất.

- Trời ơi! Tội cho em mà mấy ông..Em đâu có làm gì nên tội.
- Thiếu úy, Con nhỏ này ngồi trên xuồng, tụi em kêu nó dừng lại nhưng vẫn lì lợm chèo miết.

Cô gái ngồi trên đất chắp tay lạy như tế sao mếu máo nói:
- Em bị oan mà mấy ông, mưa lớn quá đâu có nghe ai kêu gì đâu.
- Im nghe mày, đi tiếp tế cho mấy thằng du kích mà nói là không có tội, tao bắn bỏ mày như 2 thằng vừa rồi… Hòa gằn giọng dọa nạt.

Cô gái lết lại gần tôi khóc nức không thành tiếng:
- Em..Em không làm gì nên tội mà. Mấy ông tha cho em đi mà.

Từ nãy giờ tôi im lặng quan sát cô, trạc độ 17, 18 tuổi gì đó khuôn mặt có duyên với đồng tiền bên đôi má, bộ bà ba đen đẫm nước mưa bó sát thân người, thon thả nhưng chắc nịch với làn da rám nắng, dáng dấp của bất kỳ cô thôn nữ nào cũng có.
- Cô tên gì? Ở đâu?
- Dạ.. Dạ.. Tên Quý..Ở ấp 1.
- Cô còn người thân? Nếu có tên là gì?
- Còn..Tía em là tư Quang.
- Cô có biết là khu vực này từ 8 giờ tối không một ai được ra khỏi nhà?
- Dạ em không có biết.

Hòa xen vào hằn học nói
- Ngon nghe mày..Xạo hết chỗ nói, sống ở đây mà không biết giờ giới nghiêm. Tao trấn nước mầy như hồi nãy để xem lá gan lớn cỡ nào.

Quý hốt hoảng run rẩy lắp bắp nói:
- Thiệt tình là không biết, mấy ông đừng làm như vậy. Tội nghiệp em mà!
- Vậy cô đi đâu vào giờ này? Nhất là đêm hôm khuya, nếu không tiếp tế thì báo tin cho đồng bọn trong bưng.
- Dạ Má bị bệnh 2 tuần nay và còn ở bệnh viện. em phải nuôi bả mấy ngày qua mãi hôm nay mới rảnh một chút nên vội về nhà thăm tía để xem ổng ra sao.
-Tại sao không đi ban ngày mà lại vào đêm? Cô nói thật đi nếu vẫn lỳ lợm như vậy thì lính của tôi sẽ mạnh tay hơn hồi nãy lúc đó cô không trách ai được hết... Tôi nghiêm giọng đe dọa.

Quý thất sắc cúi đầu ấp úng nói:
- Tại…vì…Tại…vì..
- Nếu cô khó trình bày thì tôi chỉ còn có cách giải giao cho cảnh sát, mà cô cũng biết là một khi cảnh sát điều tra thì không có gì mà họ không biết.
- Dạ..Dạ.. Để em nói..Thằng Tư nhờ mua dùm mấy vỉ ký ninh, nó đang bị sốt rét hành.
- Tư là ai hở cô Quý?
- Là bạn hồi nhỏ khi còn chăn trâu cho ông Cả, ảnh trong bưng.

Hòa cười hăng hắc chế nhạo:
- Là bạn từ hồi nhỏ? Tình thiệt nha! Lũ con gái vùng này không chồng mà lủ khủ một đống con nít, rồi mày cũng giống họ thôi, từ bạn đến chồng hờ mấy hồi.
- Ông không được nhục mạ tôi nghe, họ khác, tôi khác.
- Đàng hoàng dữ há? Khuya khắc mà đi gặp đàn ông,con trai mà nói mình đàng hoàng. Xin lỗi nghe mậy, hết thằng Tư, thằng Năm, Sáu cứ thế mà lòi ra hàng tá con nít một bà mẹ mà chục thằng đàn ông không khác gì máy con đĩ thổ tả... Hòa cay độc mai mỉa

Trước những lời xỏ xiên của Hòa. cô gái chỉ có nước bụm mặt khóc tức tưởi, người run rẩy không ngừng, tôi nhìn cô mà chỉ biết ái ngại.
- Quý đã gặp ông Tư chưa?
- Dạ chưa. Thuốc còn ở đây thưa ông.

Vừa nói cô nhanh nhẹn móc từ cạp quần mấy vỉ thuốc, nó bèo nhèo nhăn nhúm vì nước mưa.
- Chắc ông Tư thích Quý lắm phải không?
- Không có đâu, em với ổng chỉ là bạn bè cùng chơi thân hồi còn nhỏ.
- Từ bạn bè đến nhân tình thì mấy hồi và cuối cùng lòi ra thằng con nít
- Tôi không phải là hạng người như vậy, ông không được mạt sát như thế.

Tôi lừ mắt với Hòa với vẻ không hài lòng nhưng thông cảm với hắn bởi toàn bộ người thân đã bị cộng sản hạ sát một cách dã man chính vì vậy mà Hòa tình nguyện vào lính với cái tuổi chưa đầy 17, cùng với hận thù đầy ấp trong lòng cho nên Hòa chưa bao giờ buông tha kẻ địch,dưới tay hắn chưa một ai sống sót cho có biệt danh là Hòa sát thủ, là cấp chỉ huy, tôi đã khuyên nhủ nhiều lần, chỉ ra những cái đúng cái sai cùng lòng khoan dung nhân ái với kẻ thù chính vì vậy mà Hòa giảm bớt tính hiếu sát của mình nhưng vẫn thích hành hạ tù binh cho bằng thích, may mắn là có tôi ở đây nếu không thì Quý sẽ ốm đòn với hắn.

- Tội của cô rành rành như thế này chỉ còn giải giao cho bên thẩm vấn làm việc.

Nghe tôi quyết định như vậy Quý mếu máo năn nỉ:
- Lỡ dại lần này xin ông bỏ qua cho, hơn nữa má còn nằm ở bệnh viện không ai chăm sóc.
- Liên hệ với mấy người trong đó mà bảo tôi bao che cho cô ư?
- Trời đất! Em mà liên hệ với họ thì cho ông trời tru diệt cả gia đình
- Không liên hệ thì tại sao lại mua thuốc ký ninh cho họ?
- Tại... Tại..Tội nghiệp. Nghe bệnh mà không có thuốc men gì hết không đành lòng.

Tôi thấy bắt tức cười vì sự khờ khạo của cô cũng như tấm lòng bác ái vị tha cho nên quyết định ngay.
- Thôi thế này nghe, cô mới phạm lần đầu cho nên bỏ qua, nếu lần sau tái phạm thì tôi sẽ giao cho ban an ninh hoặc cảnh sát. Cô nghe rõ rồi chứ?
- Dạ.. Ông muốn thế nào cũng được. Mô Phật! Tạ ơn trời đất..
- Gần sáng rồi cô về nhà đi kẻo tía trông.

Tiện tay tôi với tay lấy cái áo mưa khoác lên người của cô rồi đưa ra ngoài đồng thời nói nhỏ vào tai Quý:
- Những gì cô đã làm thì làm cho trót, trao cho ông Tư đi nhưng kín đáo một chút, rủi ro xảy ra lần nữa thì tôi không giúp cho cô được đâu. Nhớ nghe chưa?
- Dạ.. Em nhớ lời ông dặn dò sẽ không có nữa đâu.

Quay lại thì thấy nét bất mãn của Hòa hiện rõ trên mặt cũng như không hài lòng trong lời nói:
- Thiếu úy.. Khó khăn lắm mới tóm được con nhỏ, thả nó như thả hổ về rừng, bát được con Quý mình sẽ có đầu mối lần ra thằng Tư.
- Anh nghĩ thằng Tư sẽ vì con nhỏ mà hiện thân cho mình tóm cổ, không dễ dàng như vậy đâu. Bên bạn, bên đảng thì tên kia sẽ chọn cái sau huống hồ tên Tư chỉ lợi dụng con bé để phục vụ quyền lợi cho bản thân.

Tôi nhẹ nhàng phân tích cho Hòa hiểu và kèm theo thắc mắc trong lòng.
- Tại sao anh có thể bắn hạ 2 tên kia mà lại bắt sống con nhỏ, đây đâu phải là phong cách của Hòa sát thủ, là anh nhân từ hay là con bé kia số mạng lớn. Nói đúng một chút là sau khi anh kêu nó ngừng lại, thế mà nó vẫn ngoan cố thì.. Phằng Phằng... mấy phát là xong bởi anh có nguyên nhân nổ súng hợp pháp mà. Đằng này!

Hòa ngẩn người như pho tượng sau sự phân tích của tôi, hắn cau mày như suy nghĩ điều gì đó đồng thời lẩm bẩm lại câu nói của tôi:
…Là anh nhân từ hay con bé kia số mạng lớn…

Trời vừa tang tảng sớm, tôi vội vàng tìm đến sáu Quới, Xã trưởng xã Sơn Phú để dò la về Quý
… Tư Quang đứng chàng hảng hai bên không theo bên nào hết, nghèo nhưng thanh bạch, năm tháng chỉ cặm cụi làm ăn, tư Quang chỉ có đứa con duy nhất là Quý, con nhỏ hiếu thảo với cha mẹ và hiền lành
- Thế thì thằng Tư với Quý như thế nào?

Tôi lạnh lùng cắt ngang lời sáu Quới khiến ông ta ngạc nhiên lẫn nghi ngại;
- Như thế nào thiếu úy biết về thằng Tư? Sao biết mối liên quan giữa 2 đứa?
- Tình báo cho biết và tôi không ngờ Quý là giao liên và người yêu của thằng Tư.

Sáu Quới nhăn mặt lại với vẻ khó chịu, ông im lặng thật lâu rồi nhìn tôi như cố gắng tìm thấy điều gì trên mặt rồi thủng thỉnh trả lời:
- Sống từ nhỏ đến lớn ở khu vực này, tôi biết rõ ràng từng gia đình một, nhất là gia đình của tư Quang. Hồ sơ của cảnh sát, của Phượng Hoàng đều không có lượng giá xấu về ông ta, còn mối liên quan của con nhỏ và thằng Tư theo tình báo của thiếu úy là sai hoàn toàn. Con Quý Không bao giờ là giao liên và cũng không là bồ bịch với Tư, tụi nó là bạn thân chơi với nhau từ thời nhỏ khi chăn trâu cho ông Cả, thằng Tư chỉ xem nhỏ Quý như là em út mà thôi, nếu con Quý có một chút liên quan với bọn trong bưng thì nó đã bị cảnh sát tóm cổ từ lâu chứ đâu để yên cho nó nhởn nhơ như vậy, tin tôi đi thiếu úy, con Quý không có như tình báo cho biết như vậy.
- Má cô Quý vì sao phải vào bệnh viện điều trị?
- Ông nghĩ coi, chiến tranh liên miên người dân đứng giữa 2 làn đạn mà không biết phải như thế nào, ngày thì bên quốc gia, đêm thì của cộng sản ấy chưa kể bọn trong bưng đòi đóng thuế, giúp đở này nọ, ăn không đủ lấy đâu ra mà tiền của để ủng hộ bọn chó chết ấy, điển hình là má con Quý bị lao lực cùng suy nghĩ quá nhiều mà bị bệnh.

Sáu Quới chặt lưỡi thở dài một cách chua xót bởi trên cương vị một xã trưởng mà không làm một cái gì để giúp người dân trong xã, hơn nữa bản thân của ông cũng không an toàn khi xung quanh toàn là kẻ thù, bởi những kẻ có khuynh hướng thần về cộng sản.Tôi nghe mà lòng cảm thấy bùi ngùi trong dạ, nông thôn là nơi hứng chịu nhiều thiệt thòi, ruộng vườn bị tàn phá vì đạn bom, người dân vô tình bị lôi kéo vào chiến tranh ý thức hệ, họ phải chọn 1 trong 2 con đường để đi: Quốc Gia hoặc Cộng Sản, những người lớn tuổi như tư Quang chẳng hạn chỉ có thể bấm bụng chịu đựng, chọn lựa con đường trung lập để an thân, họ làm lụng cực khổ để có thể cống hiến tiền bạc, vật lực cho bọn công sản mỗi khi họ yêu cầu và cuối cùng phó mặc số phận an bày khi lâm bệnh vì kiệt sức, trai tráng cũng vậy những người trẻ tuổi cũng phải chọn lựa lý tưởng để phục vụ: Vào trong bưng làm du kích, giao liên hoặc tham gia quân ngũ cầm súng để bảo vệ sự tự do dân chủ như các người lính của tôi hiện tại.
- Ngày mai nếu chú Quới lên tỉnh họp thì cho tôi gửi ít tiền cho vợ tư Quang, không nhiều nhưng chút lòng thành và mong bà ấy mau chóng lành bệnh.

Sau đó đơn vị hoán chuyển sang khu vực khác, vị trí gần cầu Cái Cối nhằm vào các vị trí hỏa tiễn 107, 122 ly luôn pháo kích vào tiểu khu nhất là vào thành phố Trúc Giang. Phục kích đêm, lập các chốt tiền đồn, hành quân truy lùng các tên du kích, giao liên chuyên lén lúc mò về nhà dân thu thuế hoặc kêu gọi đóng góp. Một biện pháp tốt nhất và hữu hiệu nhất là khi đi vào vùng đất lạ với mìn bẫy đầy dẫy như rươi là cứ dí súng vào lưng những gia đình thân cộng, những tên nằm vùng cho đi mở đường bởi chúng biết rõ mọi vũ khí nguy hiểm chôn hoặc gài trên bờ ruộng nhằm vào chúng tôi, người lính đang bảo vệ tự nền do dân chủ, tuy tàn nhẫn nhưng lại là biện pháp cực kỳ hữu hiệu và cái kết quả vô cùng khả quan, hầu như không có tổn thất về sinh mạng cho người lính trong trung đội, mặc cho những lời ca thán hoặc hăm dọa của họ nhưng không chút sờn lòng, bởi tôi và họ đã ở vào vị trí đối đầu: Sống hay bị chết khi đang ở trong vùng xôi đậu.

Trong thời gian này vì bận bịu trong công tác cho nên hầu như quên đi cô thôn nữ với cái tên dân dã kia, một phần là tin tưởng vào hành động của cô đêm hôm đó, vào những xác nhận khách quan của sáu Quới, là cấp chỉ huy tôi giải quyết công việc trên tình người, làm sao cho hợp lý mà lương tâm không bị cắn rứt. Có thể phần lớn từ nhận định bản thân không muốn tâm tình của mình bị lôi cuốn vào chuyện vẩn vơ dù cô gái có nét thu hút lẫn duyên dáng.

Sau 3 tháng trấn thủ lưu đày đơn vị trở lại Sơn Phú, mọi thứ vẫn như cũ không có gì thay đổi, tôi ngồi trên bờ mương nhỏ phóng mắt nhìn cảnh vật xung quanh, đìu hiu vắng vẻ trong buổi trưa hè, vài con cò trắng thấp thoáng trong màu xanh thẩm của đám lúa, xa xa khói bếp nhà ai lượn lờ trong nền trời xanh ngắt, một khoảnh khắc yên bình và thanh thản khiến tâm hồn của tôi trở nên nhẹ nhàng không chút lo lắng.
- Thiếu úy..có con nhỏ muốn tìm ông ngoài kia.
- Vậy à, chỉ đường người ta xuống đây. Thế cô ta tìm tôi có việc gì không?
- Nó nói là trả cho ông cái áo mưa.

Tiếng chân người lính xa dần, tôi nhìn xuống dòng nước trong veo róc rách chảy, vài con cá tung tăng bơi lội, cái đầu nhỏ xíu với chấm tròn bàng bạc rực rỡ dưới ánh nắng ban trưa nom thật đẹp.
- Em xin chào ông.

Âm thanh nhẹ quen thuộc như hôm nào.
- Quý tìm tôi có việc gì không?
- Dạ,trả lại cái áo mưa hôm nọ cho ông.
- Trả cái gì mà trả, tặng cho cô đó. Tôi tên Lam, cô xưng hô là ông nom già quá chẳng lẻ lại giống mấy ông cụ 60 sao? Tôi trêu cô.
- Em không dám trừ khi ông cho phép.

Quý cuối đầu ra dáng thẹn thùng, tay mân mê chiếc áo mưa. Hôm nay nhìn cô khác hôm nọ, xinh xắn trong chiếc áo bà ba xanh, mái tóc dài đen nhánh gọn gàng với cái kẹp, thân mình chắc nịch cùng màu da khỏe mạnh của người làm nông. Quý liếc mắt nhìn tôi rồi khẽ giọng nói:
- Em tìm anh miết nhưng không biết ở đâu, những ông lính mặc đồ giống anh nhưng lại khác.
- Khác chỗ nào? Cũng rằn ri như bộ đồ trận này thôi.
- Khác mà, họ có số 4 ở chỗ này, còn anh là số 3.

Vừa nói cô vừa diễn tả trên ngực nơi bảng tên cùng con số đi cùng, tôi kinh ngạc vì cái nhận xét chính xác của cô.
- Hay dữ nha, còn biết người ta có con số 3 trên ngực. Dòm lén phải không?

Quý đỏ mặt ngượng nghịu, cúi đầu nhìn xuống, tay vò vò cọng cỏ liên tục.
- Dạ, hôm đó anh đưa ra ngoài, em lén nhìn tên anh là Lam và con số 3 ở cuối. Thiệt tình mà nói không có anh hôm đấy thì cái ông dữ dằn kia đánh em chết thôi nếu còn sống thì cũng giao cho cảnh sát. May mắn quá! À.. má tía cho em gửi lời cảm ơn đến với anh, ân tình này biết bao giờ em mới trả nổi..
- Bỏ đi! Ân với nghĩa gì em. Mà này Quý, tại sao em không lên tỉnh tìm việc gì đó mà làm? Ở đây không tốt lắm đâu! Cứ liên quan với những người ấy rồi có ngày em sẽ bị bắt hay bị bắn chết bởi các toán kích đêm thôi.
- Em biết! Nhưng không bằng cấp, nghề nghiệp hơn nữa không có ai thân quen trên tỉnh rồi tiền bạc dự phòng trong bước ban đầu.

Quý lắc đầu buồn bã nói với vẻ chán chường rồi sau đó bụm mặt nghẹn ngào.
- Anh biết không, cứ đêm đến là không ngủ được nghe tiếng chó sủa, nghe tiếng chân người là em lo âu hốt hoảng, sợ những ánh mắt nghi kỵ dò xét của đôi bên, ngày nào đó chắc hẳn bản thân rồi sẽ bị hoen ố bởi sự háo sắc của họ..Em muốn rời đi nơi này nhưng hoàn toàn bất lực!

Tôi ngồi đó mà lòng buồn vô cùng, thân phận người con gái trong thời chiến giống như đám lục bình trôi nổi giữa dòng nước nhưng biết đâu rồi có dòng xoáy nào đó xuất hiện và nó sẽ bị cuốn hút nhấn chìm xuống tận đáy bùn, Quý sẽ như vậy ở vào tương lai khi có người nào đó có ý định xấu với cô. Không..Không thể bỏ mặc cô như thế!

Tôi đưa tay ôm cô vào trong lòng nhẹ nhàng khẽ nói:
-Thật ra anh có ý định như thế này, trên tỉnh có bà chị đang là chủ tiệm may lớn, nhà may Tuyền, nếu em muốn thì anh sẽ viết thư cho bà chị giới thiệu em vào đó, trước tiên là học nghề sau đó làm ra tiền giúp đỡ tía má. Em nghĩ như thế nào hở Quý?
- Anh tốt với em quá! Đã giúp đỡ quá nhiều rồi thì em làm sao dám nhận, ân tình cũ rồi lại ân tình mới thì cả đời em cũng không sao trả nổi.
- Em nghĩ nhiều quá rồi, giúp được cái gì cho em trong phạm vi của mình thì anh sẽ tận sức, huống hồ chuyện em đi học nghề may là chuyện nhỏ, chị Tuyền sẽ nhận em mà không có bất kỳ điều kiện nào hết bởi trong nhà chỉ có 2 chị em ruột mà chị ấy rất thương anh.
- Nhỡ chị ấy hỏi chuyện 2 đứa mình thì em biết trả lời ra sao hả anh?
- Thì cứ nói em là người yêu của anh.

Cô đỏ mặt xấu hổ gằm mặt mà không dám ngước lên, tay vò vò gấu áo liên hồi.
- Em không xứng đáng với anh, nghèo nàn, vô học lại xấu làm sao dám nghĩ cao xa là kết bạn cùng anh.
- Theo tin tức cho biết trong những ngày sắp tình hình sẽ trở nên phức tạp và rối ren, em phải rời khỏi nơi này càng sớm càng tốt nhất là nói với tía má một tiếng. Yên tâm đi Quý!

Cô muốn nói điều gì đó với tôi nhưng nghẹn ngào không thốt ra lời, nước mắt ràn rụa trên đôi má và chỉ biết nắm chặt tay tôi như sợ mất đi cái gì quý giá nhất mà cô vừa mới có.

Tôi tiễn Quý ra tận bờ sông, nơi sẽ có chiếc đò lớn từ Cồn Ốc mang khách lên Trúc Giang, cô như người mất hồn đứng dựa sát vào người tôi mà không một lời nói, mắt nhìn xuống dòng sông đục ngầu với những đám lục bình nhấp nhô theo sóng nước, thật xa đám dừa xanh bên Cồn thấp thoáng sương mù buổi sáng.
- Em đi đi, ráng giữ gìn sức khỏe, nhớ mang lá thư này đưa tận tay chị Tuyền và đây là chút tiên làm lộ phí. Hy vọng là em chóng thành tài để có
tiền giúp gia đình.

Tôi nhẹ nhàng gỡ tay Quý và đẩy cô xuống chiếc đò ngang vừa cập bến, đồng thời nhét vào túi áo bà ba xấp bạc vừa lãnh hôm qua rồi quay lưng bước nhanh để tránh nhìn sự giả biệt đầy nước mắt, mường tượng còn nghe âm thanh cùng tiếng khóc nức nở của Quý.
- Em chờ anh… Quý chờ anh trở lại… Mãi mãi em là của anh..Anh Lam.

Trung đội hoán chuyển vị trí cho đơn vị bạn, sư đoàn 7 bộ binh rồi trở ra Quảng trị, nơi chiến trận vừa bùng nổ với những trận đánh lớn cấp tiểu, trung đoàn.. Lui binh..Đoạn chiếm rồi tái chiếm với nhiều thương vong lớn cho cả hai bên, tranh nhau từng thước đất để rồi đánh đổi bằng máu xương của những người lính. Tôi bị cuốn hút vào chiến tranh mà không thể nào thoát ra được chỉ có thể duy nhất là cầu nguyện cho mình đừng suy suyển vì bom đạn, mong cho bản thân được tai qua nạn khỏi trong cuộc chiến tàn khốc mà mạng sống con người cực kỳ rẻ mạt, trong thời gian này lá thư từ Quý gửi ra vùng hành quân, em khoe là mình đã thành thạo trong việc may vá và kiếm được nhiều tiền cho gia đình, chị Tuyền xem cô như em ruột và tận tình chỉ dẫn lẫn giúp đỡ, cô nói là hàng đêm cầu nguyện cho tôi được bình an và hy vọng được gặp tôi sớm để hàn huyên tâm sự.

Thế nhưng mọi chuyện không như cô mong muốn, chiến trận đang đi vào giai đoạn cuối bởi sự phản bội của đồng minh và cái giá phải trả là toàn bộ 3 tiểu đoàn bị bắt sống ở bãi biển Thuận An. Một cuộc lui binh không tính toán và thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị bạn và cuối cùng tôi trở thành tù binh, nạn nhân trong cuộc chiến tranh tương tàn Nam Bắc, chấm dứt đời binh nghiệp với lon thiếu úy bị vứt trên nền đất. Đời tù binh bắt đầu trong các trại giam ngoài Bắc.

Thời gian rất dài mà tôi không nhớ là bao nhiêu năm trong các trại giam, từ nơi này chuyển sang nơi khác và cuối cùng được xét tha ra về và địa chỉ của chị Tuyền được tôi ghi trên tờ giấy ra trại, bởi ngoài bà chị thân yêu ra tôi không còn ai là thân nhân để trú ngụ.

Đứng ở phà Rạch Miễu tôi đứng ngó quanh quẩn để tìm phương tiện chuyên chở về nhà chị Tuyền thì một chiếc xe ôm từ xa trờ đến
- Đi không thầy? Tính về đâu ông?
- Trúc Giang, nhà may Tuyền. Bao nhiêu vậy anh?
- 500 đồng.

Nhẩm tính trong túi chỉ vừa vặn 100 đồng, số tiền còn lại mà trại giam phát cho sau khi rời trại, tôi lắc đầu từ chối.
- Nhiều quá! Tôi không đủ tiền đâu, chắc phải lội bộ thôi.
- Trời ơi! Gần chục cây số mà ông lội bộ? Mà 500 đâu có mắc.

Tôi nhấc cái giỏ đệm với vài vật dụng bên trong rồi thở dài ngao ngán.
- Với người khác thì số tiền ấy không bao nhưng với tôi thì lại là gia tài lớn nhất với cải tạo viên.
- Ủa? Ông ở trại cải tạo ra? Cấp bậc gì vậy?
- Thiếu úy mèn thôi.
- Thôi ông leo lên đi, tui chở ông đến nơi đó, không lấy tiền đâu.
- Đâu có được, anh sắm xe để kiếm tiền sao mà chở khơi khơi như vậy.
- Nói thiệt với ông, tôi là lính sư đoàn 7 ngày trước, còn ông đơn vị nào?
- Thủy quân lục chiến, tiểu đoàn 4 ngày trước đã từng đóng quân ở xã Sơn Phú.
- Nhớ rồi, khi mấy ông rút ra thì tụi tui đi vào chỗ đó để trám chỗ. Không ngờ bao nhiêu năm tụi mình gặp lại!

Chiếc xe Honda vòng vèo tránh né các ổ gà và nhiều chỗ bị sạt lở, người lính chửi thề ỏm tỏi vừa lái vừa ca cẩm về sự lơ là của chính quyền.
- Mẹ họ! Ngày xưa con đường này láng cóng không có chút ổ gà thế mà bây giờ nó bầy nhầy đầy hang ổ. Đúng là lũ chó chết, chỉ giỏi nói dóc.

Tôi ngồi phía sau nghe những lời cằn nhằn của anh mà thấy tức cười, ngày trước người dân nơi đây thiên về cộng sản và mong chế độ này mang cơm no áo ấm đến cho mọi người cũng như xóa bỏ bất công trong xã hội nhưng hiện tại thì sao? Tệ hơn ngày xưa và đầy dẫy tham nhũng cùng phân chia giai cấp, kỳ thị.

Còn đang suy nghĩ với những tệ hại của chính quyền mới thì người lính lái xe ôm chợt lên tiếng:
- Ông có chắc là đến nhà may Tuyền không? Bởi bây giờ tiệm không còn nữa mà là chủ mới rồi.

Tôi nghe mà lùng bùng lỗ tai, choáng váng đầu óc vì cái tin sét đánh này. Không còn tiệm may đồng nghĩa là chị Tuyền làm ăn thất bại phải sang cho người khác và bản thân tôi trong đêm nay, ngày mai biết nơi nào trú ngụ.
- Thú thật với anh, chủ tiệm là bà chị ruột của tôi, ra khỏi tù tính về nơi này tá túc thời gian không ngờ lại đổi chủ.
- Trời! Không ngờ hoàn cảnh của ông thảm như vậy? Nếu tìm không được bả thì tối nay ông về nhà tôi tạm ở đi, một vài ngày cũng không sao hết... Kìa tiệm may Tuyền phía đằng trước, ông nhìn xem đúng không?

Theo hướng chỉ dẫn của người lính, tôi nhìn thấy căn nhà 3 tầng lầu như cũ không có gì thay đổi chỉ duy nhất là cái bảng tiệm là khác, nó không còn là nhà may Tuyền thành nhà may Quý cùng cái bảng màu vàng nhạt mới lạ. Bất giác cái cảm giác êm đềm ngày xưa hiện về khi liên tưởng đến Quý ngồi dựa vào ngực tôi khi cả hai ngồi trên bờ mương nhỏ ngày mà cô đến trả lại cái áo mưa.
- Ông thầy, tiệm may này hình như có cớm lớn che chở bởi lâu lâu có chiếc xe của bọn công an ghé vào.

Người lính đưa ra lời cảnh cáo bởi vì anh không muốn có chuyện xảy ra cho tôi, người mới ra khỏi trại tù, một ngụy quân ác ôn ngoan cố chống phá cách mạng.
- Yên chí đi! Tôi không ngu dại mà làm chuyện điên rồ chỉ hỏi thăm tin tức bà chị rồi đi ngay thôi.

Nói xong tôi băng qua đường rồi đứng quan sát bên trong qua cửa kiếng, có khoảng chục cô gái đang cắm cúi bên bàn máy may, họ vừa làm việc vừa trò chuyện vui vẻ, tôi còn đang băn khoăn là nên đi vào hay là không bởi chắc chắn chị Tuyền đã không còn lưu ngụ ở nơi này rôi, cái chính là muốn biết chị đang ở đâu và tình trạng gia đình ra sao.
- Ông tìm ai?

Một cô gái ló đầu qua cánh cửa, ánh mắt đầy vẻ nghi ngại khi nhìn người khách lạ ăn mặc tồi tàn với chiếc giỏ đệm củ xì trong tay.
- Xin lỗi cô, cho tôi hỏi thăm một chút chủ tiệm có phải tên Quý nhà ở Sơn Phú, con của tư Quang.
- Đúng rồi. Sao ông biết cô chủ? Ông là ai?
- Bạn ngày xưa, lâu quá không gặp nên ghé hỏi thăm, nói với cô chủ là có người tên Lam muốn gặp.
- Tên Lam thì thiếu gì người trùng tên, nhưng ông phải nói rõ là mình đang làm gì? Gặp vì lý do gì?

Cô gái ra vẻ không hài lòng tìm cách vặn vẹo với những nghi vấn trong lòng.
- Vậy thì cô cứ nói là có người lính TQLC ngày xưa là Quý sẽ biết tôi là ai thôi?

Cô lùi lại với vẻ sợ hãi, ánh mắt hoảng loạn khi nghe đến tên đơn vị mũ xanh, áo rằn ri sóng biển đã một thời tạo kinh hoàng cho bọn du kích, giao liên hoặc các đơn vị chủ lực miền mà người nào đó kể lại cho cô nghe và kế tiếp khiến tôi muốn phì cười là cô gái hấp tấp chạy nhanh vào bên trong sau khi đóng mạnh cánh cửa lại như đang có kẻ cướp đang xông vào.

Người lính TQLC ngày xưa tệ hại lắm sao! Tôi lắc đầu ngao ngán vì sự tuyên truyền thái quá của bọn cộng sản về tính chân thật của người lính VNCH, họ nói rằng lính ngụy khi bắt sống tù binh sẽ moi tim, mật, uống máu hoặc kinh khủng hơn là cắt lỗ tai để nhắm rượu. Chính vì sự bịa đặt vô cùng bịp bợm này khiến người dân khờ khạo nảy sinh ác cảm với người lính QLVNCH, họ tin vào những lời tuyên truyên kia và vô hình chung trở thành những kẻ cuồng tín làm tay sai cho cộng sản hoặc tiếp tay cho họ gây trở ngại cho công cuộc bảo vệ nền tự do, dân chú của miền Nam mà
chính tôi và bạn bè phải đánh đổi bằng máu xương của mình.

Cánh cửa mở toang ra lần nữa, cô gái hồi nãy xuất hiện theo sau là Quý.
- Cô Quý, ông này muốn gặp cô, ổng nói mình là lính gì gì đó. Loại lính ác ôn côn đồ chuyên hại người.
- Im! Cấm em không được nói như vậy, nếu còn hổ đồ như vậy thì chị sẽ đuổi em ra khỏi tiệm may ngay tức khắc. Nghe không Lượm.

Quý nhíu mày lớn tiếng nạt cô gái làm công, ngay sau đó chạy nhanh đến rồi ôm chầm lấy tôi đoạn khóc không thành tiếng.
- Anh..Anh..Làm..Sao đến bây giờ mới tìm em. Tại sao vậy? Anh không còn nghĩ về em nữa phải không!

Tôi vổ vổ lưng Quý nhẹ nhàng an ủi:
- Không phải như em nghĩ, anh sẽ kể mọi thứ cho nghe, mình vào bên trong hàn huyên một chút đi em, nơi đây nhiều người quá không tiện lắm cho việc trò chuyện.
- Dạ..Quý nghe lời anh

Cô ngoan như chú mèo nhỏ, dựa vào người của tôi, ôm chặt lấy như sợ biến mất lần nữa, Quý cũng không màng đến những ánh mắt tò mò, kinh ngạc của các cô học may nhất là với Lượm, cô thợ may phụ giúp đắc lực trong tiêm bởi cô không bao giờ rằng cô chủ hiền hòa, dễ mến lại xinh đẹp như Quý lại có thể tình tứ với kẻ nghèo nàn hơn nữa lại là thứ lính ác ôn kia và cũng không nghĩ ra vì kẻ ấy mà cô nặng lời trách móc với mình. Quý dẫn tôi vào căn phòng nhỏ, căn phòng ngày xưa mà chị Tuyền dành cho đứa em của mình mỗi khi nghỉ phép thăm nhà, nó vẫn như xưa không có gì thay đổi ngoại trừ chiếc bàn trang điểm kê sát vách, thấy tôi có chút thất thần ngây người giữa phòng cô khẻ đụng vào tay tôi:
- Ngồi xuống đi anh, em sẽ nói mọi sự về chị Tuyền cũng như chuyện của em sau này.
- Chị Tuyền có nhắn gì cho anh không Quý?
- Có anh, chút nữa em mang ra cho anh xem, bức thư mà em còn cất giữ trong suốt 6 năm qua.

Sau khi nghe tin về cuộc lui binh của các đơn vị ở Quảng Trị, chị Tuyền vội lên hậu cứ của tiểu đoàn hỏi thăm về anh, người sĩ quan hậu cứ chỉ khuyên chị về nhà chờ đợi bởi chưa có cái gì chính xác nhưng khẳng định là tiểu đoàn đã tan hàng ở Thuận An, có thể là bị bắt , bị chết hoặc trên đường xuôi Nam theo các cánh quân còn lại. Lúc đó em như người mất hồn tưởng chừng không thể nào sống được bởi hình ảnh anh luôn hiện diện trong tâm khảm, em bỏ ăn, bỏ ngủ liên tục cả tuần lễ, muốn chết theo anh cho trọn nghĩa, trọn tình, may có chị Tuyền bên cạnh an ủi khuyên lơn….
- Số mạng thằng Lam lớn lắm em, trải qua biết bao lần sinh tử nhưng chưa bao giờ bị hề hấn gì trong các trận chiến, căn cứ tin tức từ hậu cứ tiểu đoàn thì chị nghĩ là nó bị bắt làm tù binh chứ không chết hoặc theo chân đoàn quân xuôi Nam. Chắc chắn là vậy!
- Thế nhưng đất nước thanh bình, tiếng súng lặng im mà người xưa vẫn biền biệt không có bất kỳ tin tức hoặc thư từ liên lạc, em nghĩ rằng thật sự mình đã mất vĩnh viễn người yêu dấu, một vành khăn tang mà em sẽ mang mãi mãi, nó không trên đầu mà là trong lòng. Em sống và chờ đợi ngày nào đó sẽ tương hội cùng anh ở suối vàng...

Quý đưa khăn lên chậm nước mắt, những giọt nước mắt bi thương u uất cho mối tình vô vọng.
- Bạn bè em kẻ khuyên, người phân tích mọi thứ, ngay cả anh Tư cũng thắc mắc về sự độc thân của em, anh ta mong muốn em có gia đình hạnh phúc nhưng không một ai biết em đã dành tất cả tình cảm của mình cho người lính năm xưa, không một ai biết trái tim của em rạo rực về người ta từ hôm bị bắt bởi toàn phục kích và nó hình thành khi ngồi cùng anh ở bờ mương nhỏ vào buổi trưa hè. Em yêu anh từ dạo đó, yêu thắm thiết và cuồng nhiệt mà không hề suy nghĩ hoặc đắn đo, mối tình đầu của cô thôn nữ nghèo nàn và ít học.

Tôi mân mê bức thư của chị Tuyền trong tay, bì thư ố vàng theo thời gian và thẳng thớm không một vết nhăn nheo chứng tỏ Quý rất trân trọng nó.

Tuồng chữ quen thuộc mềm mại của người chị khiến tôi cay cay mắt vì sự xúc động dâng trào "Khi đọc thư này thì chị em mình đã xa cách ngàn dặm Hãy tha thứ cho chị nghe em, ra đi mà không có bất cứ tin tức nào về người em của mình khiến lòng chị xốn xang vô cùng, nếu đã mất lại không có ngày giỗ, không có nấm mồ và cũng không có ai đọc bài kinh ngắn để cầu cho linh hồn người chết sớm siêu thoát, còn nếu may mắn trở về thì lại bơ vơ không ai chăm sóc và tương lai như thế nào khi sống trong chế độ đầy nghi kỵ và phân chia giai cấp trong khi em lại là sĩ quan chế độ cũ! Chị cũng chỉ có thể cầu nguyện hàng đêm như Quý vẫn thường làm, con bé lúc nào cũng khấn nguyện cho em được bình an trong chiến trận đầy máu lửa. Quý là cô gái tốt và yêu thương em với tất cả tấm lòng của mình, nếu em may mắn lành lặn trở về thì đừng phụ tấm lòng của cô bé, hãy cùng người ta kết tóc xe duyên sống những ngày còn lại. Nhận thư này nghĩa là em đã tai qua nạn khỏi thì lập tức liên lạc với chị theo địa chỉ dưới đây. Chị sẽ giúp em bằng mọi cách trong khả năng của mình. Phần tái bút thì chị Tuyền cho biết là trước khi ra đi đã ký tên trao toàn bộ chủ quyền căn nhà cho Quý, người có đủ tư cách pháp nhân để hưởng, chẳng thà tặng cho Quý còn hơn là bị nhà nước tịch thu khi chủ vượt biên."

Tôi thở một hơi dài như trút bỏ mọi nghi vấn trong lòng, mọi thứ được chị Tuyền tính toán chu đáo chỉ còn duy nhất người trong cuộc.
- Em đọc đi và cho anh biết ý kiến của mình.

Quý cúi đầu lẩm nhẩm từng câu trong thư bởi trình độ học vấn không là bao, người thôn nữ trong vùng quê xa xôi hẻo lánh chỉ biết cặm cụi trong ruộng vườn và không thể có điều kiện vào trường lớp, cô giống như mọi cô gái quê mùa trong thời chiến tranh ly loạn.
- Chị Tuyền dặn như thế nào thì em nghe vậy, chỉ sợ người ta chê em quê mùa, ít học thôi.
- Em không nghĩ lập gia đình với anh?
- Em sẽ lập gia đình với người lính năm xưa, ông ta không chê bỏ em khi lon lá còn trên vai, người có trái tim nhân hậu đầy lòng bác ái, không có anh ấy thì sẽ không có em ở ngày hôm nay, người con gái trong thời loạn sẽ chết hoặc thân xác bị vùi dập bởi những kẻ hiếu sắc tham lam đầy dục vọng. Em không bao giờ chê bai hay hắt hủi người ta cho dù hiện tại đã là kẻ sa cơ thất thế, em sẽ cùng anh ấy đi suốt con đường còn lại, chia sẻ ngọt bùi với nhau cho trọn nghĩa cùng tình. Anh Tư luôn miệng nói về anh, người lính rằn ri sóng biển không hung ác như thiên hạ đòn đãi mà ngược lại, người xử lý công việc trên tình người, những viên ký ninh bé nhỏ nhưng thấm đượm lòng vị tha khi đôi bên là kẻ thù đối mặt.

Chiến tranh đã tàn, tiếng súng lặng im không còn người chết kẻ bị thương nhưng nơi nào đó trên đất nước này vẫn còn có người ray rứt vì những viên ký ninh nhỏ bé, viên thuốc đã giúp anh vượt qua cơn sốt đến hồi nguy kịch. Là kẻ thù hay là người ơn?

Lê văn Nguyên

Reader Response: (Chuyện Tình Của Người Lính)

Rate this item
(2 votes)