Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

40 năm nhìn lại Chiến Tranh Biên Giới tháng Hai: Đâu là bài học?

Posted by February 26, 2019 4385
 



(Nguồn: Báo Tiếng Dân)
FB Trương Nhân Tuấn


Cuộc chiến Việt-Trung 1979, mở đầu từ ngày 17 tháng 2 năm 1979 và chấm dứt ngày 5 tháng 3 năm 1979, giới hạn trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc của VN. Học giả nước ngoài gọi cuộc chiến này qua nhiều tên khác nhau. Một số gọi là “chiến tranh biên giới – la guerre des frontières”. Điều này không sai vì địa bàn cuộc chiến chỉ giới hạn ở các vùng biên giới. Tên này cũng được đặt cho cuộc chiến Campuchia tháng 12 năm 1978. Nguyên nhân cuộc chiến VN-Campuchia bắt nguồn từ các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ. Một cuộc chiến tranh vì vậy cũng có thể mang tên “mục tiêu” của các bên tham gia cuộc chiến.

Phía CSVN gọi đó là cuộc chiến “xâm lược”: “Chiến tranh xâm lược ngày 17-2-1979 là đỉnh cao của những hành động thù địch của lãnh đạo TQ”.


Ý nghĩa của từ “xâm lược” rất nặng nề: xâm là tiến vào, lược là cướp.

Một số tài liệu cho biết chỉ trong vòng 20 ngày thiệt hại về nhân mạng hai bên từ 60 ngàn đến 100 ngàn người bị loại khỏi vòng chiến. Con số phía bên TQ hy sinh vào khoảng 30 đến 50 ngàn.

Sau hai tuần giao tranh TQ tuyên bố đã đạt được mục tiêu và đơn phương rút quân về. Các tỉnh phía VN tiếp giáp với TQ đều bị lính TQ cướp sạch, phá sạch, giết sạch. Thật đúng nghĩa với từ “xâm lược”!

Một số đất đai của VN trên vùng biên giới đã bị TQ chiếm đóng sau cuộc chiến. Hiệp ước Phân định Biên giới trên đất liền 25 tháng 12 năm 1999 khẳng định chủ quyền của TQ trên những vùng đất này (không đáng kể về diện tích).

Phía TQ gọi cuộc chiến “hoàn kích tự vệ – đánh để tự vệ”, mục tiêu là “dạy cho VN một bài học”.


Hình ảnh thị xã Cao Bằng tan hoang sau khi bị quân Trung Quốc bắn phá. Ảnh: NAG Trần Mạnh Thường


Trên lý thuyết chiến tranh chấm dứt sau khi TQ tuyên bố rút quân về ngày 5 tháng 3 năm 1979. Nhưng trên thực tế cuộc chiến kéo dài cho tới các năm 1988, 1989.

Cuộc chiến “phản kích tự vệ kéo dài” của TQ được thực hiện trên những chiến trường không kém phần “khốc liệt”. Mục tiêu của TQ một mặt nhằm yễm trợ kháng chiến quân Khmer đỏ trên chiến trường Campuchia, mặt khác xâm chiếm một số “cao điểm” chiến lược (thuộc lãnh thổ VN) tọa lạc trên đường biên giới. Đặc biệt thuộc lưu vực suối Thanh Thủy (Hà Giang). Các chi tiết này sẽ nói lại phần dưới.

Sau khi hai bên VN-TQ bình thường hóa ngoại giao, sau Hội nghị Thành Đô 1990. Báo chí VN “im lặng”, tránh nói về cuộc chiến này. Các cuốn “hồi ký” của các cựu chiến binh không thấy xuất bản. Ngay cả sử sách, phía VN cũng không nhiều lời về cuộc chiến 1979. Trong một thời gian dài các nghĩa trang liệt sĩ của VN, những người hy sinh cho cuộc chiến, trên các tỉnh biên giới, bị bỏ hoang không được trùng tu. Các bia đá ghi “tội ác chiến tranh” lập lên sau chiến tranh cũng bị đập phá, xóa bỏ.

Về phía VN, ký ức về cuộc chiến 1979 bị xóa mờ đối với những người “trong cuộc”. Huống chi các thế hệ sinh sau!

Ngược lại phía TQ, nhiều tập hồi ký đã được xuất bản. Các nghĩa trang “liệt sĩ” phía TQ được chôn cất trên lãnh thổ VN, nay trở thành đất của TQ, luôn được trùng tu, đông đảo người thăm viếng, nhang khói thường xuyên. Một số nghĩa trang “liệt sĩ TQ” không hiểu lý do ở sâu trong lãnh thổ VN. Các nghĩa trang này được nhà cầm quyền VN chăm sóc tận tình.

40 năm sau báo chí VN được “mở miệng” (?). Nhiều bài báo về chủ đề chiến tranh biên giới 1979 mấy ngày nay thấy được đăng tải. 

Vấn đề là phần lớn các bài viết này “ít” nói về lịch sử. Cũng không thấy bài báo nào nói về các bài học hai bên cần rút ra sau chiến tranh.

Lãnh đạo CSVN, trong một thời gian (tương đối ngắn so với thời gian lập quốc của Việt Nam), đã liên tục mở ra bốn cuộc chiến tranh: “9 năm kháng chiến” đánh Pháp (1945-1954); hai mươi năm “đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào” (1954-1975); mười năm đánh Khmer đỏ và chiếm đóng Campuchia (1978-1988); cuối cùng là đánh Trung Quốc, tháng 2-1979. (Trên lý thuyết quân TQ rút về vào tháng 3 năm 1979 nhưng trên vùng biên giới chiến cuộc vẫn tiếp tục cho đến cuối thập niên 80). Tức là trong 10 năm, 1978-1988, VN phải đương đầu cùng lúc hai cuộc chiến tranh: biên giới phía Bắc với TQ và phía Tây Nam với Khmer đỏ.

Phía CSVN hãnh diện tuyên bố đã “chiến thắng vẻ vang” ở 4 cuộc chiến đó.

Câu hỏi đặt ra là các “chiến thắng vẻ vang” đã đem lại điều gì cho người dân và đất nước?

40 năm sau (cuộc chiến biên giới 1979) người dân vẫn nghèo, đất nước bị tàn phá. “Rừng đã hết và biển đã chết”. Sông ngòi, ruộng đồng, đất đai… ô nhiễm, tài nguyên quốc gia bị hủy hoại. Đất nước không đơn thuần đứng trước “nguy cơ chưa giàu đã già” mà thực tế đã lâm vào vòng lệ thuộc.

Huyết mạch kinh tế phần lớn do tài phiệt nước ngoài nắm giữ (qua các hình thức đầu tư). Đại đa số dân chúng sống về lao động tay chân, làm công trong các xí nghiệp của tài phiệt nước ngoài. Nếu không thì sống nhờ vào “xuất khẩu lao động”, “làm dâu xứ người”, một hình thức “lao nô quốc tế”.

Những quốc gia “chiến bại” trước VN, Pháp và Mỹ không nói, vẫn luôn là các đại cường hàng đầu thế giới.

Còn Trung quốc?

Học giả VN thường khoe khoang TQ “học VN một bài học”. Nhưng đàng sau “bài học” mà TQ học của VN, nếu không nói là nhờ “thua” VN, TQ từ một quốc gia nghèo đói lạc hậu “vươn vai” trong bốn thập niên trở thành một đại cường, chỉ đứng sau Mỹ, về kinh tế, khoa học kỹ thuật, quốc phòng…

Ngay cả Campuchia, phía thiệt thòi nhứt trong chiến tranh, bây giờ cũng “qua mặt” VN trên nhiều phương diện.

Viết lại lịch sử không phải để “say sưa” với “hào quang” chiến thắng, hay để “tự hào” ta là “anh hùng”. Viết lại lịch sử cũng không phải để khơi dậy lòng “căm thù” giữa hai dân tộc VN-Mỹ, VN-TQ, VN-Campuchia… (thậm chí khơi dậy hận thù dân tộc hai miền Nam Bắc). Lợi ích của “lịch sử” là để “không lập lại những sai lầm của lịch sử”.

TQ chắc chắn đã “học” được nhiều kinh nghiệm ở cuộc chiến 1979. Không phải nhờ cuộc chiến này mà TQ “lấy niềm tin” với Mỹ, từ đó nhờ vào tư bản cùng khoa học kỹ thuật của Mỹ để phát triển hay sao?

Còn VN đã học được cái gì (ở 4 cuộc chiến)?

Nguyên nhân chiến tranh 


Phía TQ đưa nhiều lý do để biện hộ cho cuộc chiến biên giới tháng Hai năm 1979.

Trang BBC ngày 17 tháng Hai 2006 dẫn hồi ký của Zhou Deli (Châu Đức Lễ), vốn tham mưu trưởng của Quân khu Quảng Châu. Ông này cho biết từ tháng Chín năm 1978 văn phòng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Trung Quốc đã có những cuộc họp mục đích tìm phương pháp “giải quyết vấn đề lãnh thổ bị quân Việt Nam chiếm đóng”:

Tác giả viết:

“Sự tập trung ban đầu là nhắm vào cuộc xung đột biên giới, và đề xuất đầu tiên muốn có một cuộc tấn công nhỏ vào một trung đoàn Việt Nam ở Trùng Khánh, giáp ranh Quảng Tây.

Sau khi nhận được tin tình báo cho biết Việt Nam sẽ tấn công Campuchia, đa số người dự họp cho rằng một cuộc tấn công cần có tác động lớn đến Hà Nội và tình hình Đông Nam Á.


Họ đề nghị tấn công vào một đơn vị quân chính quy Việt Nam ở một khu vực địa lý rộng hơn. Cuộc họp kết thúc mà không đưa ra quyết định nào, nhưng nó tạo tiền đề cho kế hoạch chiến tranh sau đó”.

Nếu dựa trên ý kiến này, vấn đề Campuchia không phải là nguyên nhân “cốt lõi” khiến TQ lấy quyết định đánh VN. Không có vụ Campuchia thì TQ cũng đánh VN, mục đích “giải quyết vấn đề lãnh thổ bị VN chiếm đóng”. Mục tiêu tấn công là một “trung đoàn VN” trong khu vực Trùng Khánh (Cao Bằng, VN).

Tác giả King C. Chen trong “China’s War Against Vietnam” kể lại buổi họp ngày 16 tháng hai 1979 tại Bắc Kinh do Hoa Quốc Phong chủ trì. 17 tiếng đồng hồ trước khi lệnh nổ súng ban ra, Đặng Tiểu Bình có bài thuyết trình cho các lãnh đạo CSTQ về bản chất và mục tiêu cuộc chiến.

Theo họ Đặng bản chất cuộc chiến là “hoàn kích tự vệ”. Cuộc chiến được “giới hạn” về thời gian, không gian cũng như về qui mô. Mục tiêu là dạy cho Việt Nam một “bài học”.

Gọi “hoàn kích tự vệ chiến”, tức đánh trả để tự vệ, bởi vì VN đã “trục xuất kiều dân người Hoa” cũng như bộ đội VN nhiều lần mở các cuộc tấn công vào lãnh thổ TQ, chiếm đất của TQ cũng như gây nhiều thiệt hại về nhân mạng.

Mục tiêu “cho VN một bài học”, bởi vì “VN cực kỳ ngạo mạn”, xâm lược Campuchia, khoa trương thế lực là “cường quốc thứ ba trên thế giới”.

Học giả TQ, Xiaoming Zhang, trong “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment” viết rằng các cấp lãnh đạo Trung Quốc, trong một cuộc họp Bộ Chính Trị hàng tuần vào đầu tháng Bảy năm 1978, đã ra quyết định “dạy cho Việt Nam bài học” vì thái độ “vô ơn và ngạo mạn”.

Theo tác giả, trong 20 năm Trung Quốc đã viện trợ cho Hà Nội trên 20 tỷ đô la Mỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng sau 1975 VN buộc người Hoa hồi cư đồng thời gia tăng chiến sự trên biên giới. Rõ ràng đây là thái độ phủi ơn và hống hách. Ngoài ra còn có vấn đề can thiệp quân sự vào Campuchia.

 Các “chuyên gia quân sự” của CSVN giả trang lính Campuchia


Tác giả cũng dẫn (lại) ý kiến của Châu Đức Lễ (Zhou Deli), tham mưu trưởng quân khu Quảng Châu, trong một cuộc họp được tổ chức trong bộ tổng tham mưu QGPND tháng 9 năm 1978. Nội dung nói về “làm sao đối phó với nạn xâm chiếm lãnh thổ của quân đội Việt Nam”.

Cuộc chiến đã xảy ra đúng như họ Đặng đã nói. Thời gian xung đột chỉ trong một tháng (quân TQ hoàn tất việc rút quân vào ngày 17 tháng 3 năm 1979). Địa bàn chiến tranh chỉ ở các tỉnh biên giới. Về “qui mô”, TQ cũng giới hạn không sử dụng hải quân và không quân.

Nguyên nhân cuộc chiến, từ phía TQ:

Thứ nhứt là vấn đề “lãnh thổ”. VN đã “chiếm đóng” lãnh thổ của TQ (?)

Thứ hai “thái độ vô ơn và ngạo mạn”, bao gồm việc VN “phủi ơn” và “nạn kiều”.

Thứ ba, vấn đề Campuchia.

1/ Vấn đề “VN chiếm đóng lãnh thổ của TQ”.


Xét tài liệu “mật” của CIA Mỹ về cuộc chiến 1979 đã được bạch hóa. Theo tài liệu này VN chiếm khoảng 60km² đất của TQ.

Nếu “vùng lãnh thổ” có diện tích khoảng 60Km² là (một trong những) nguyên nhân đưa tới TQ quyết định mở cuộc “phản công tự vệ chiến”, thì đây là cuộc chiến “sai lầm”. Chưa thấy một học giả bất kỳ trưng bằng chứng cho thấy VN “chiếm 60km² đất” của TQ hết cả.

Vậy 60km² đất (mà tài liệu CIA nói tới) từ đâu mà có?

Theo nghiên cứu của cá nhân, bằng những tài liệu CAOM (Trung tâm văn khố hải ngoại Pháp tại Aix-En-Provence), hoặc lãnh đạo TQ đã “ngộ nhận”, hiểu sai về nội dung Công ước Phân định biên giới 1887 (giữa Pháp và nhà Thanh). Hoặc là lãnh đạo TQ “bịa đặt” để “lấy cớ” đánh VN.

Về Công ước 1887, công tác phân giới, cắm mốc kéo dài 10 năm (kết thúc năm 1897, đồng thời với việc phân định biên giới đến sông Mékong). Nội dung Công ước 1887 có nhiều thay đổi, như được bổ túc thêm qua Công ước 1895 và các biên bản cắm mốc. Một số vùng lãnh thổ dịp này thay đổi chủ quyền.

Nguyên tắc “lãnh thổ đổi quyền lợi kinh tế” của viên Đặc sứ người Pháp phụ trách phân định biên giới năm 1887 tại Bắc Kinh, Thanh triều đồng ý “mở cửa” cho Pháp vào “làm ăn” ở các tình Hoa Nam, đổi lại Pháp nhượng một số lãnh thổ để “đền bù”. Kết quả hai bên phân định “trên những bản đồ” (rất sai) do người Hoa cung cấp, một số địa danh của VN phải mất cho TQ. Quan trọng là tổng Tụ Long (vùng trũng trên bản đồ phía bắc Hà Giang, 700km²), tổng Đèo lương (Cao Bằng, 300km²), các xã thuộc các tổng Kiến Duyên và Bắc Tràng (có thể lên tới vài ngàn km²), vùng đất thuộc mũi Bạch Long với huyện Giang Bình…

Ngoài ra để thuận tiện việc cắm mốc cũng như về an ninh phòng vệ hay để bảo toàn các đơn vị hành chánh địa phương, các nhân viên phụ trách việc phân giới sử dụng nguyên tắc “trao đổi”, lãnh thổ lấy lãnh thổ. Công ước bổ túc 1895 ra đời trong dịp này. Một số thí dụ tiêu biểu, Pháp đổi một phần đất thuộc xã Phấn Vũ (thuộc tổng Phương Độ, tỉnh Hà Giang) để lấy vùng đất hữu ngạn sông Đà. Đất này vốn do các thổ ti thuộc giòng họ Đèo (người Nùng) cai trị từ lâu đời mà hậu duệ Đèo Văn Trị thần phục Pháp (thay vì nhà Thanh). VN được lợi về diện tích nhưng ít quan trọng về kinh tế.

Thí dụ khác, các nhân viên phân giới Pháp trao đổi đất đai để có đường biên giới “an ninh”. Họ lấy một phần đất còn lại thuộc xã Phấn Vũ (tổng Phương Độ) đổi lấy dãi núi phía bắc suối Thanh Thủy. Đường biên giới khu vực này thay đổi, không theo nội dung các công ước (1887 hay 1895), mà theo nội dung các biên bản phân giới. Đường biên giới thay vì đi theo con suối Thanh Thủy (như xác định theo các công ước 1887 và 1895) lại được dời về phía bắc, theo đường nối các đỉnh cao (đường phân thủy – ligne partage des eaux). VN được lợi về “an ninh”, do kiểm soát được các cao điểm chế ngự Hà Giang, sông Lô (rivière Claire) và các của ải thông thương đồng thời với dãi đất diện tích khoảng 50 km² (ước tính theo chiều dài con suối Thanh Thủy với bề rộng giữa con suối này với đường nối các đỉnh cao). Nhưng VN mất phần đất tương đương diện tích, có giá trị kinh tế vì có nhiều quặng mỏ kim loại quí.

Một doanh trại Quân đội Nhân dân Việt Nam bị lính Trung quốc tấn công


Cuộc chiến “phản công tự vệ kéo dài”, từ 1984 cho đến những năm 1988, 1989, nếu ta xét trên toàn cục, chiến trường chỉ tập trung trong khu vực suối Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà giang). Các “trận địa” đẫm máu được nghe nói tới như Giả Sơn, Lão Sơn… đều là những cao điểm (thuộc về VN) nằm trên đoạn biên giới này.

Bài viết trên BBC hay bài viết trên trang Facebook cá nhân có ghi lại dữ kiện này.

Theo tôi, có thể vì các lý do vô ý hay hữu ý, hay vì sự phức tạp của lịch sử phân định biên giới Pháp Thanh 1887-1897, đã gây ra sự “ngộ nhận” về việc VN “chiếm 60km²” đất của TQ.

Nếu phía TQ quyết định chiến tranh chỉ vì việc này, rõ ràng là điều đáng tiếc.

Nhưng vấn đề “lãnh thổ của TQ do VN chiếm đóng” mà học giả TQ đã nói ở trên, có thể là quần đảo Trường Sa.

Vấn đề là đến nay chưa thấy tài liệu nào cho thấy có sự liên quan giữa cuộc chiến Biên giới tháng Hai 1979 với tranh chấp Trường Sa (nói riêng) và Biển Đông, nói chung.

Ngoài ra cũng có dư luận cho rằng nguyên nhân cuộc chiến đến từ việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa.

BBC đăng bài viết của tác giả người Hung, Tiến sĩ Balazs Szalontai, tựa đề “Đàm phán biên giới Việt Trung 1974-1978”. Tác giả cho biết nguyên nhân chính đưa đến xung đột giữa VN và TQ là vấn đề “tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa”: “tài liệu từ văn khố Hungary đã hé lộ cho thấy nguyên nhân chính gây ra cuộc xung đột Việt Trung là một vấn đề mà Liên Bang Xô Viết chẳng có dính dáng gì tới: đó là cuộc tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.”

Hoàng Sa đã bị TQ cưỡng chiếm bằng vũ lực trên tay hải quân VNCH từ 17 đến 19 tháng Giêng năm 1974. Người ta không tìm thấy một tài liệu nào của VNDCCH mang nội dung chống, hay chỉ trích thái độ vi phạm Hiến chương LHQ (dùng vũ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ) trong vấn đề hoàng Sa. Mặc dầu Hoàng Sa là một lãnh thổ của VN. Mọi “bên” VN, phía nào cũng có trách nhiệm như nhau trong vấn đề bảo vệ lãnh thổ. Tức là, trên quan điểm Công pháp quốc tế, thái độ “im lặng” của VNDCCH là thái độ “đồng thuận ám thị” việc TQ sử dụng vũ lực chiếm Hoàng Sa.

Đến năm 1979, lúc khai chiến, TQ đã nắm vững trong tay quần đảo Hoàng Sa.

Cho rằng TQ khai chiến vì Hoàng Sa là không có cơ sở, logic lẫn lịch sử và pháp lý. “Cái đó” đã nằm trong tay tôi rồi, lý do gì tôi “gây chiến” với người khác vì “cái đó” nữa?

Còn nói về “đàm phán biên giới Việt-Trung 1974-1978”. Với tư cách một người nghiên cứu về biên giới VN và TQ từ nhiều năm, tôi chưa hề thấy có mối tương quan nào giữa quần đảo Hoàng Sa và hai đường biên giới phải phân định lại giữa VN và TQ: Biên giới trên đất liền và Biên giới trong vịnh Bắc Việt.

VN có đặt vấn đề về quần đảo Hoàng Sa trong quá trình đàm phán hay không? Theo nghiên cứu của tôi, nếu có đặt ra thì việc này không đem lại lợi ích nào cho VN. Trên đất liền VN mất một số đất dọc trên biên giới (diện tích giới hạn vài trăm cây số vuông). Trong vịnh Bắc việt VN bị thiệt hại khoảng 11.000 cây số vuông. Trong khi đó VN có thể đòi lại những vùng lãnh thổ đã bị mất cho TQ năm 1887. Đơn thuần vì Công ước này mất hiệu lực do hệ quả “Dol”, tức “bội ước”. Các quan chức Pháp vi phạm các hiệp ước 1874, 1884… cam kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ VN.

Tóm lại, cho rằng nguyên nhân cuộc chiến đến từ việc VN chiếm 60km² đất của TQ là không có căn cứ.

TQ “trừng phạt” VN vì các lý do “bội ước”, “phản phúc”, “ngạo mạn”… hay vì cuộc chiến Campuchia. Các việc này sẽ bàn lại phần duới.

2/ Vấn đề “nạn kiều”: Bài học về sự “bội ước” và hệ quả việc giết chết “con gà đẻ trứng vàng”

Theo tác giả François Joyaux, trong tập “La Tentation Impériale – politique extérieure de la Chine depuis 1949” (Paris 1994), đến năm 1975 người Hoa ở miền Nam Việt Nam khoảng 1.200.000 người, phần lớn ở Chợ Lớn (800.000). Những người này kiểm soát huyết mạch kinh tế miền Nam. Thời tổng thống Ngô Đình Diệm đã có những chính sách hạn chế sinh hoạt kinh tế của ngoại kiều, như người nước ngoài không được làm một số ngành nghề, việc cấp Visa hạn chế. Điều này cũng áp dụng cho Hoa Kiều, khiến lớp người này hầu hết nhập tịch Việt Nam. Qua nhiều thế hệ lớp người “gốc Hoa” này không bị xã hội phân biệt hay kỳ thị. Họ trở thành người Việt, có đủ quyền lợi và nghĩa vụ không khác những người dân khác.



Chợ Lớn trước 1975: một thời phồn thịnh


Số người Việt gốc Hoa ở miền Nam sau đó tăng thêm 200.000, là số Hoa kiều sống tại Kampuchia, sau 1975 chạy sang VN tị nạn.

Số người Hoa ở miền Bắc, khoảng 300 ngàn người. Vấn đề quốc tịch được Bắc Kinh và chính phủ VNDCCH đặt ra sau khi hiệp định Genève 1954 được ký kết. Việc thương thuyết gặp khó khăn, nhưng cuối cùng người Hoa tại VN (miền Bắc) được có những quyền lợi tương tự như người bản xứ với điều kiện những người này phải lần hồi lấy quốc tịch Việt.

Năm 1976, nhân việc tổ chức bầu cử toàn quốc, những người Việt gốc Hoa ở miền Nam bị bắt buộc khai quốc tịch. Việc này quan hệ đến đại đa số dân Hoa sống tại miền Nam. Từ thập niên 50 họ đã có quốc tịch Việt Nam, một phần do chính sách của ông Diệm, người Hoa muốn làm ăn ở VN phải vô quốc tịch.

Vấn đề là chính phủ MTGPMN đã có cam kết với Bắc Kinh về tình trạng của người Hoa sau chiến tranh. Ngày 24 tháng 5 năm 1965, lúc chiến tranh gia tăng cường độ, chính phủ lâm thời MTGPMN công bố một lá thư nhằm gởi đến Hoa kiều đang ở miền Nam, dĩ nhiên để lôi kéo khối dân chúng này vốn bất mãn các chính sách về quốc tịch của ông Diệm. Nội dung lá thư cho biết những người này có quyền tự do lựa chọn quốc tịch của mình sau khi chiến tranh kết thức.

Năm 1968 việc này được CP LTMTGPMN nhắc lại và Bắc Kinh tiếp nhận sự việc này. Như thế đây là một lời cam kết giữa hai chính phủ. MTGPMN đã “hưởng lợi” qua những viện trợ của Bắc Kinh về kinh tài lẫn vũ khí.

Sau khi “thống nhứt đất nước”, quốc gia VN lẽ ra phải có nhiệm vụ “kế thừa” các di sản của VNDCCH và CPLT MTGPMN, như về lãnh thổ, dân chúng, quan hệ ngoại giao với nước thứ ba…

Hai điều cam kết, một của nhà nước VNDCCH đối với khối dân người Hoa miền Bắc, một của CP LTMTGPMN đối với khối dân Hoa ở miền Nam. Các lời hứa nói trên đơn thuần bị “xóa bỏ”.

Dĩ nhiên, trước nhà cầm quyền Bắc Kinh, thái độ của VN buộc dân chúng gốc Hoa hồi tịch thể hiện sự “bội ước”, một điều cấm kỵ trong quan hệ ngoại giao.

Nhà nước CSVN không thể đơn phương “hồi tịch” toàn bộ người Việt gốc Hoa mà không có “thương thuyết” lại trước với Bắc Kinh. Thái độ này cũng là một sự xúc phạm ghê gớm đến danh dự của TQ, bởi vì VNDCCH khai sinh ra là nhờ vào vũ khí, quân trang quân dụng, lương thực lẫn tiền bạc của TQ giúp đỡ và viện trợ trong cuộc trường chinh “9 năm kháng chiến”. TQ là bên đã viện trợ cho VNDCCH đến 20 tỉ đô la, nhiều hơn bất kỳ viện trợ của quốc gia nào khác. Tài liệu bạch hóa gần đây cho biết số quân TQ hiện diện thường trực ở miền Bắc là 200.000 người, gồm cán bộ, bộ đội phòng không và nhân công các loại.

Vô hình trung lãnh đạo CSVN đã đem lại tính “chính đáng” cho cuộc chiến tranh “phản công tự vệ chiến” của TQ.

Và đây là bài học thứ nhứt: sự “bội ước”. Học giả, sử gia VN có “nhìn nhận” sự việc này hay chưa và có quan điểm gì về sự kiện lịch sử này?

* * *

Ý kiến từ các học giả nước ngoài, nguyên nhân vấn đề “nạn kiều” xuất phát từ việc Việt Nam lo ngại TQ sẽ sử dụng người Hoa tại VN như một “đội quân thứ năm”. (Robert S. Ross, The Indochina Triangle: Vietnam Policy, 1975-1979 – David Elliot, The Third Indochina Conflict).

Dưới thời VNCH người ta cũng thường nghe lập luận như vậy đối với những Hoa kiều đang sống ở Chợ Lớn. Ý kiến cho rằng “đạo quân thứ năm” sẽ hành động như những “du kích nằm vùng”, mục đích phá hoại nền kinh tế cũng như gây xáo trộn về các phương diện chính trị, xã hội.

Điều lo ngại này đến nay cho thấy là vô căn cứ. Nhân số người Hoa sống ở VN so sánh còn ít hơn số người Hoa sống tại Mã Lai, Thái Lan, Singapore… Không thể phản biện rằng tất cả những quốc gia thịnh vượng vùng Đông Nam Á, nền kinh tế phồn thịnh hôm nay là nhờ vào sự đóng góp tích cực của khối dân Hoa kiều. Cũng không thể phản biện rằng TQ phục hưng kinh tế sau này là nhờ sự đầu tư của khối Hoa kiều hải ngoại, đứng đầu là Hồng Kông và Đài loan. Chưa thấy bằng chứng nào cho thấy những người này làm việc như một nhân tố của “đạo quân thứ năm”.

Điều quan trọng khác, sau khi bị buộc “hồi hương”, số Hoa kiều rời khỏi VN lên đến hàng triệu người. Nhưng chỉ có 40.000 người trong số đó nhận sự trợ giúp của Bắc Kinh. Con số chấp nhận sống ở lại TQ không thấy thống kê, nhưng có lẽ không có bao nhiêu người. Những người Hoa sau khi được trợ giúp đến được lục địa cũng tìm cách rời bỏ nơi này để tìm đến quốc gia thứ ba. Điều này khẳng định khuynh hướng chính trị “ưa chuộng tự do” của đại đa số Hoa kiều hải ngoại.

Vấn đề “nạn kiều”. Thử tưởng tượng, một đứa trẻ sinh ra, lớn lên tại VN, không biết nói tiếng Hoa, không biết tổ tiên là ai, nguồn gốc đến từ đâu. Những người là chủ tập đoàn xí nghiệp, làm chủ ngân hàng, nhà thương, trường học… Những người chỉ biết nói tiếng Việt, có bằng cấp VN, đi làm phục vụ cho lợi ích của đất nước VN. Chỉ trong một giây đồng hồ, họ có lệnh phải từ bỏ quốc tịch Việt, từ bỏ mọi của cải, vàng bạc, nhà cửa ruộng đất…. Sau đó họ phải rời khỏi đất nước VN, tay không, bằng phương tiện tự túc!

“Nạn kiều” ở miền Bắc vượt biên bằng đường bộ


Hãy xem câu chuyện thương tâm của một cô bé người Hoa nhưng sinh ra và lớn lên tại VN đăng trên BBC hôm qua!

Thảm cảnh “thuyền nhân” làm chấn động lương tâm nhân loại các năm 1978-1990. Những người này vừa là nguyên nhân khiến cả thế giới tự do (và LHQ) quay lưng với VN. Vừa là động lực để TQ quyết định chiến tranh “phản công tự vệ chính đáng”.

Nhưng thực tế họ vừa là nạn nhân của tinh thần kỳ thị chủng tộc quốc gia chủ nghĩa cực đoan mù quáng cùng với các chính sách kinh tế “phi nhân” mang tên “xã hội chủ nghĩa” của đảng và nhà nước CSVN.

Bằng cái nhìn “kinh tế” và “xã hội” hôm nay, đảng và nhà nước CSVN đã “thắt cổ” con gà đẻ trứng vàng của đất nước mình. Con gà đẻ trứng vàng, không chỉ là các nhà tư bản gốc Hoa hay thuần Việt. Mà còn là tài sản văn hóa, vật chất, khoa học kỹ thuật, đạo đức, luân thường xã hội… đã cấu thành xã hội VNCH, nền tảng để xây dựng một quốc gia VN tương lai phú cường. Nền tảng xã hội này không khác gì với các xã hội tiên tiến “cường quốc bậc trung” Nam Hàn, Đài loan, Singapore, Mã Lai, Thái Lan…

Con gà đẻ trứng vàng chết uất ức không nhắm mắt…

Đây là bài học cay đắng đầu tiên. Học giả và sử gia VN đã học gì từ bài học này?

Đất nước bây giờ có hàng trăm “đạo quân thứ năm” chi phối đất nước, như sự “tưởng tượng” của CSVN thế kỷ trước. Tất cả huyết mạch kinh tế VN đều nằm trong tay tài phiệt nước ngoài. Nhật, TQ, Mỹ, Pháp, Nam Hàn, Đài loan, Singapore, Thái lan…

Ngày xưa đổ máu đánh “tư sản mại bản”. Bây giờ dân cả nước tròng đầu vào ách “thực dân kiểu mới”.

VN, quốc gia chiến thắng, trở thành kẻ làm công cho những “kẻ thù” đã từng thua thảm hại ngày xưa.

Học giả và sử gia VN đã ý thức được việc này hay chưa?

“Học giả” VN hôm nay vẫn cho rằng vấn đề “nạn kiều” là do phía TQ “xúi giục”.

Nhưng đâu phải chuyện gì được thực hiện bởi “lệnh miệng” thì việc đó không có bằng chứng, “học giả” muốn nói sao thì nói!

Nếu là do TQ “xúi giục”, vậy ai giải thích được việc vì sao người Việt gốc Hoa phải “hồi tịch”? Rồi ai “xúi giục” khiến tư sản Việt gốc Hoa “bưng” tài sản “hiến” cho “cách mạng”? Không lẽ vì “xúi giục” mà hàng triệu “đỉ điếm, cặn bã xã hội” phải hiến nhà, hiến tài sản cho nhà nước, bỏ nước ra đi ?

 

2700 người vượt biển tìm tự do trên chiếc tàu chở hàng Skyluck (Panama) tại Hong Kong, 08/02/1979. Muốn xuống tàu vượt biển “bán chính thức” người lớn phải trả từ 10 đến 12 lượng vàng, trẻ em 5-6 lượng vàng – chủ tàu phải trả 70% tiền “vé” cho cán bộ cộng sản Việt Nam. Nguồn: library.ubc.ca/© Kiu Chan

3/ Cuộc chiến 1979: làm cho VN “chảy máu đến chết”

Theo cái nhìn của cá nhân tôi, nguyên nhân chiến tranh, thuyết phục hơn hết là “nguyên nhân chiến lược”, dẫn từ tham luận “Security Issues in Southeast Asia: The Third Indochina War” của học giả Carlyle Thayer, đọc tại Hội Nghị “An Ninh và Kiểm Soát Vũ Khí tại Bắc Thái Bình Dương”, Đại học Quốc gia Úc (Canberra) tháng tám 1987.

Theo học giả Carlyle Thayer, TQ (và cả khối ASEAN) lo ngại sự thành hình của “liên minh chiến lược Đông dương” mà liên minh này thân Liên Xô. Quan niệm của VN “Đông dương là một đơn vị chiến lược duy nhứt, một chiến trường duy nhứt”. Quan niệm này đã thể hiện qua hai cuộc “chiến tranh Đông dương”, lần thứ nhứt giữa Bắc Việt với “thực dân Pháp” và lần hai giữa Bắc Việt với “đế quốc Mỹ”. Cuộc chiến 1979 được gọi là “cuộc chiến Đông dương lần thứ ba”.

Nếu khảo sát sơ lược các diễn tiến lịch sử đã qua, ta thấy lý thuyết của học giả Carlyle Thayer được chứng minh. Điều này cũng “ăn khớp” với quan điểm chiến lược của TQ.

Khúc quanh làm sụp đổ quan hệ giữa VN và TQ bắt đầu từ năm 1976, khi LX hứa hẹn viện trợ cho VN 3 tỉ đô la. Số tiền này bằng số tiền mà Mỹ hứa sẽ viện trợ, (nếu VN tôn trọng hiệp định Paris). VN trở thành “vệ tinh” của Liên Xô từ lúc này.

Từ năm 1965 đến 1975, LX đã trở thành nhà cung cấp các nhu cầu kinh tế và quốc phòng để VN tiếp tục chiến tranh với Mỹ. Mỹ và TQ đã có những thỏa thuận quan trọng từ năm 1972. Năm 1973 Mỹ rút quân khỏi VN. Tất cả những nổ lực của TQ giúp cho VN, trong 20 năm (từ 1950 đến 1970) là 20 tỉ đô la, nhằm mục đích phòng thủ về phía nam. Sau khi đạt thỏa thuận với Mỹ, nghĩ rằng phía Nam đã được “bình định”, TQ hạn chế mọi viện trợ kinh tế và quốc phòng cho VN.

Nhưng sau đó ảnh hưởng Liên Xô bao trùm lên VN, đồng thời với Afghanistan, Mông cổ và Bắc Hàn. Rốt cục TQ bị bao vây chặt chẽ từ bốn hướng bởi một kẻ thù chiến lược khác, nguy hiểm hơn cả Mỹ, vì LX có tham vọng về lãnh thổ còn Hoa Kỳ thì không.

Cùng năm 1976, những nhân vật thân TQ, như Hoàng Văn Hoan, bị loại khỏi Bộ Chính trị và mất hết các chức vụ trong đảng.

Dầu vậy tháng Tư 1977, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng của CHXHCNVN đến thăm Bắc Kinh để yêu cầu viện trợ từ giới lãnh đạo Trung Quốc. Một phiên họp được tổ chức, có mặt Hoa Quốc Phong (Hua Guofeng, Trần Sĩ Liên [?] (Chen Xilian), và Lý Tiên Niệm (Li Xiannian). Một văn thư ghi nhớ cuộc họp được thảo bởi Lý Tiên Niệm và gửi đến Phạm Văn Đồng hôm 10 tháng Sáu, 1977. Hai điều cần nhấn mạnh, thứ nhứt, Trung Quốc bực bội về sự sáp gần lại nhau giữa Việt Nam và Xô Viết mà việc này làm giảm bớt ảnh hưởng của TQ trong khu vực Đông Nam Á. Thứ hai, TQ tố cáo Việt Nam sử dụng các vấn đề lịch sử để khích động một chiến dịch chống Trung Quốc.

VN dẹp bỏ ý kiến của TQ ngoài tai. Tháng bảy năm 1977 VN ký kết “Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác” với Lào có nội dung hỗ tương “tăng cường năng lực phòng thủ… chống lại mọi ý đồ và các hành vi phá hoại của đế quốc chủ nghĩa và các lược lượng phản động ngoại lai…”.

“Đông dương là đơn vị chiến lược duy nhứt” theo quan điểm của VN đang được thành hình. Vấn đề là “đơn vị chiến lược” này thân LX.

Phản ứng của TQ qua Ngoại trưởng Hoàng Hoa là lên án “chủ nghĩa xét lại Xô Viết” đồng thời công khai cảnh cáo trước VN về hậu quả của một cuộc xâm lấn Campuchia.

Hội nghị đảng tháng hai năm 1978, Hà Nội quyết định phát động chiến dịch “đánh tư sản mại bản” cùng lúc với việc thanh lọc chủng tộc mà TQ gọi là “nạn kiều”. Hàng trăm ngàn người Việt gốc Hoa, phần lớn đã sinh ra và lớn lên ở VN, không biết tiếng Hoa, bị “trục xuất”. Việc này tạo thành một cuộc “vượt biên” vĩ đại, bán chính thức, vì do chính công an VN đứng ra tổ chức. Hàng triệu người VN nhân dịp này dùng vàng mua “vé” (trung bình 7 lượng vàng một đầu người) để lên những chiếc tàu đánh cá mong manh với hy vọng thoát thân. Trong khi hàng chục ngàn người Hoa sống ở miền Bắc thì theo đường bộ “vượt biên” trở về lục địa.

Dầu vậy “học giả” VN hôm nay vẫn cho rằng vấn đề “nạn kiều” là do phía TQ “xúi giục”.

Nhưng đâu phải chuyện gì được thực hiện bởi “lệnh miệng” thì việc đó không có bằng chứng, “học giả” muốn nói sao thì nói! Nếu là do TQ “xúi giục”, vậy ai giải thích được việc vì sao người Việt gốc Hoa phải “hồi tịch”? Không lẽ vì bị TQ “xúi giục” mà tư sản Việt gốc Hoa “bưng” tài sản “hiến” cho “cách mạng”? Không lẽ vì “xúi giục” mà hàng triệu “đỉ điếm, cặn bã xã hội” phải hiến nhà, hiến tài sản cho nhà nước, bỏ nước ra đi? 

Tiếp tục theo đuổi sách lược (bài Hoa thân LX) của mình, VN làm đơn xin gia nhập khối COMECON, là khối tương trợ về kinh tế do LX đứng đầu.

Đối với LX, từ năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình trở lại chính trường, việc hòa hoãn có khuynh hướng tích cực. Dầu vậy LX do lo ngại trục Bắc Kinh – Tokyo – Washington.

Tháng sáu 1978, TQ cho đóng cửa hàng loạt tòa lãnh sự ở VN. Cùng lúc VN chính thức gia nhập khối COMECON. Tháng 11 hai bên VN và LX ký kết hiệp ước an ninh hỗ tương. Việc VN ký kết với LX hiệp ước hợp tác và hữu nghị đối với TQ có ý nghĩa chấm dứt mọi quan hệ gữa VN và TQ.

Để đối phó, TQ thiết lập những quan hệ chặt chẽ với Mỹ, Nhật cũng như các nước ASEAN. Hiệp ước “Hòa bình và hữu nghị” giữa TQ và Nhật cũng được ký kết (tháng tám 1978).

Hai bên Nhật và TQ (lục địa cộng sản) không hề tuyên bố chiến tranh trong Thế chiến Thứ II. Không có chiến tranh sao lại ký hiệp định “hòa bình”? Lợi ích chiến lược có đủ lý lẽ để giải thích.

TQ cũng thành công ký kết ngoại giao với các nước có truyền thống chống TQ tại Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương v.v…

Tháng 11 họ Đặng đi các nước Thái Lan, Mã Lai, Singapore… thông báo TQ sẽ dùng vũ lực nếu VN tấn công Campuchia. Những răn đe của TQ không làm lãnh đạo VN chùn chân. Ngày 25 tháng 12 năm 1978 quân VN tiến vào Campuchia, đến ngày 11 tháng 1 năm 1979 đánh quân Pol Pot ra khỏi Nam Vang và các tỉnh lớn, Heng Samring tuyên bố nền cộng hòa nhân dân Kampuchia được thiết lập.

Việc quân VN nhanh chóng quét sạch quân Pol Pot ra khỏi Nam Vang và các tỉnh lớn ở Campuchia đã làm cho phía TQ bị bất ngờ.

Việc này thúc đẩy quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Tháng giêng 1979 họ Đặng thăm viếng HK, ký kết một số thỏa hiệp với HK về văn hóa, kinh tế và kỹ thuật đồng thời trình bày một kịch bản chung với HK để chống LX, nhưng thực chất bề trong là thông báo cho HK kế hoạch “dạy cho VN một bài học”.

Đặng Tiểu Bình & Jimmy Carter


Cuộc chiến đánh bọn đồ tể diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary của VN (lý ra) là một cuộc chiến có chính nghĩa. Nhưng vì tham vọng quá lớn của lãnh đạo CSVN, muốn biến Campuchia thành một chư hầu, dự định đóng quân lâu dài, khiến thế giới lên án buộc VN phải rút quân về.

Nhưng đó cũng là kế hoạch của TQ, làm cho VN sa lầy tại Campuchia, làm VN chẩy máu đến chết.

 

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)
FB Trương Nhân Tuấn

 

Ý kiến bạn đọc xin nhấn vào đây => (40 năm nhìn lại Chiến Tranh Biên Giới tháng Hai: Đâu là bài học?)

Rate this item
(0 votes)