Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

ĐẶNG ĐÌNH LINH – Một vì sao vừa tắt - Nguyễn Hữu Thiện

Posted by December 22, 2020 3077
ĐẶNG ĐÌNH LINH – Một vì sao vừa tắt

Nguyễn Hữu Thiện



“Bộ bài tứ sắc có 16 ông tướng thì Không Quân VNCH cũng có 16 ông”.

Tôi không bao giờ quên câu so sánh dí dỏm trên của cố NT Trần Phước Hội (Nguyễn Phước Bửu Hội) khi ông cố vấn cho anh em KQ ở Úc trong việc biên soạn cuốn Quân Sử Không Quân VNCH, phát hành năm 2005.

Nay, một trong hai vị còn lại trong số 16 ông tướng ấy - cựu Chuẩn tướng Đặng Đình Linh, nguyên Tham mưu phó Tiếp Vận BTL/KQ - vừa qua đời, tôi xin viết đôi dòng về binh nghiệp của ông thay lời tiễn biệt, nhân tiện điểm lại danh sách “thập lục tướng quân” của Không Quân VNCH.


[Theo đúng nguyên tắc ghi chép quân sử, trong bài viết này, danh sách tướng lãnh Không Quân VNCH chỉ tính những vị được vinh thăng khi còn sống, tức là không có cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương, nguyên Đại tá Tư lệnh Không Đoàn 33 Chiến Thuật, tử thương trong trận Mậu Thân 1968 và được truy phong Chuẩn tướng]

NT Đặng Đình Linh sinh ngày 29 tháng 4 năm 1929 (Kỷ Tỵ) trong một gia đình khá giả tại Hà Nội. Ông theo học bậc trung học chương trình Pháp ở trường Lycée Albert Sarraut Hà Nội, tốt nghiệp với bằng Tú tài toàn phần ban Toán năm 1950.

Năm 1951, ông theo học Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định.

Nguyên theo sắc lệnh tổng động viên do Quốc Trưởng Bảo Đại ký ngày 15 tháng 7 năm 1951, thanh niên tuổi từ 18 đến 28 đều phải gia nhập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (năm 1955 cải danh thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa), những người đủ điều kiện bằng cấp sẽ theo học Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định (khóa Lê Lợi) hoặc Thủ Đức (khóa Lê Văn Duyệt).

Hai khóa này khai giảng vào đầu tháng 10/1951 và mãn khóa vào đầu tháng 6/1952, với 580 sĩ quan tốt nghiệp, gồm 495 Thiếu úy (điểm từ 12/20 trở lên) và 85 Chuẩn úy (điểm dưới 12/20).

Trong số 15 sĩ quan tốt nghiệp Khóa 1 Nam Định sau này về Không Quân, có hai vị trở thành Tư lệnh Không Quân là Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Cao Kỳ, và sáu vị lên tới cấp tướng, gồm:

- Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (Tư lệnh KQ)
- Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan (Tư lệnh phó KQ)
- Chuẩn tướng Đặng Đình Linh (TMP/Tiếp Vận BTL/KQ)
- Chuẩn tướng Phan Phụng Tiên (Sư đoàn trưởng SĐ5KQ)
- Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng (Sư đoàn trưởng SĐ2KQ)
- Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Tần (Sư đoàn trưởng SĐ4KQ)

* * *


Viết một cách chi tiết, tất cả các vị NT xuất thân Khóa 1 Nam Định (cũng như Khóa 1 Thủ Đức trong Nam) không về Không Quân ngay sau khi tốt nghiệp, mà đều phục vụ tại các đơn vị tác chiến hoặc binh chủng chuyên môn ít nhất 6 tháng, trước khi tình nguyện và được tuyển về Không Quân, để rồi lần lượt xuất ngoại thụ huấn tại Salon-de-Provence (Pháp) hay Marrakech (Maroc), hoặc theo học các khóa Hoa Tiêu Quan Sát tại TTHLKQ Nha Trang.

Trong số này, về Không Quân muộn nhất là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Tần, Sư đoàn trưởng SĐ4KQ.

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Tần


Nguyên sau khi tốt nghiệp Khóa 1 Nam Định, ông được trao chức vụ Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 717 Khinh quân Việt Nam; đầu năm 1953, thăng cấp Trung úy giữ chức Đại đội trưởng; năm 1954 được cử làm Tiểu đoàn phó, và tới đầu năm 1955, thăng cấp Đại úy, giữ chức Tiểu đoàn trưởng.

Mãi tới cuối năm 1955, Đại úy Nguyễn Hữu Tần mới tình nguyện về Không Quân, theo học Khóa 5 HTQS tại TTHLKQ Nha Trang, và đậu Thủ khoa.


* * *


Trở lại với Thiếu úy Đặng Đình Linh, sau khi tốt nghiệp, ông phục vụ tại một đơn vị bộ binh ở miền Bắc trong thời gian 6 tháng, trước khi được tuyển về Không Quân, và được cử đi theo học ngành Sĩ quan Cơ khí Hàng không tại Trường Võ Bị Không Quân Pháp, Salon-de-Provence, Khóa 1953.

Trường này có tên gọi tiếng Pháp là Ecole de l’Air, ở Salon-de-Provence, một thành phố nhỏ cách Marseille khoảng 50km về hướng bắc, là một trong bốn quân trường lớn nhất của Pháp (Grandes Ecoles Militaires), được vinh dự hầu quan tài cho các vị Tổng thống Pháp, và luôn luôn có mặt trong các buổi diễn hành ngày Quốc Khánh (14 Juilet) hàng năm.

Cùng học Khóa 1953 ngành cơ khí hàng không tại Salon-de-Provence với Thiếu úy Đặng Đình Linh có hai Thiếu úy Trần Đỗ CungCao Thông Minh; về phía các khóa sinh dân sự có ông Từ Văn Bê, sau này mang cấp bậc Chuẩn tướng, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật &Tiếp Vận Không Quân.

Ngày 1/6/1955, Phi Đoàn 1 Vận Tải của KQVN – còn được gọi là Đệ Nhất Phi Đoàn Vận Tải - chính thức thành lập tại Tân Sơn Nhất, do Đại úy Nguyễn Cao Kỳ làm Chỉ huy trưởng; qua tháng 7, các sĩ quan Salon-de-Provence tốt nghiệp Kỹ sư Hàng không trở về nước, Thiếu úy Đặng Đình Linh được cử giữ chức vụ Sĩ Quan Kỹ Thuật của Phi Đoàn.

Một năm sau, tháng 6/1956, Phi Đoàn 2 Vận Tải thành lập, hai phi đoàn kết hợp thành Liên Phi Đoàn 1 Vận Tải, đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ; Đại úy Trịnh Hảo Tâm làm Chỉ huy phó, Đại úy Lý Tri Tình làm Chỉ huy trưởng Phi Đoàn 1, Đại úy Đinh Văn Chung làm Chỉ huy trưởng Phi Đoàn 2.

Liên Đoàn có một Trung tâm Huấn luyện Phi hành đoàn Vận tải do Đại úy Huỳnh Minh Bon làm Chỉ huy trưởng, và một Trung tâm Kỹ thuật Vận tải do Trung úy Đặng Đình Linh làm Chỉ huy trưởng.

Đầu năm 1958, cùng với Trung úy Từ Văn Bê, Trung úy Dương Xuân Nhơn, ông được cử đi tu nghiệp tại căn cứ không quân Clark của Hoa Kỳ ở Phi-luật-tân.

Năm 1962, với cấp bậc Thiếu tá, ông giữ chức vụ Phụ tá Kỹ thụât tại Căn Cứ 3 Trợ Lực Không Quân (Tân Sơn Nhất).

[LƯU Ý: Theo NT Phạm Ngọc Sang, cấp bậc của các vị niên trưởng vào thời điểm giữ những chức vụ chỉ huy trong giai đoạn đầu của KQVN (trước khi thành lập các Không Đoàn Chiến Thuật) được ghi lại chỉ chính xác tương đối, vì nhiều khi các vị NT “nhớ” khác nhau]

Tới thời kỳ phát triển của Không Quân Việt Nam theo tổ chức của Không Quân Hoa Kỳ, trong năm 1964, các Không Đoàn Chiến Thuật 41, 62, 23, 33, 74 và Không Đoàn Kỹ Thuật & Tiếp Vận được thành lập, tổ chức của Bộ Tư Lệnh Không Quân tại Tân Sơn Nhất cũng được kiện toàn với các Khối chuyên ngành, Trung tá Đặng Đình Linh được đề cử giữ chức vụ Trưởng Khối Không Cụ.

Năm 1970, thời kỳ bành trướng của KQVN, các Sư Đoàn Không Quân được thành lập, các Khối chuyên ngành tại BTL/KQ trở thành các Văn phòng Tham mưu phó, chức vụ Trưởng Khối Không Cụ của Đại tá Đặng Đình Linh trở thành Tham mưu phó Tiếp Vận. Ông giữ chức vụ này cho tới tháng 4/1975.

Đại tá Đặng Đình Linh được vinh thăng Chuẩn tướng nhân dịp Quốc Khánh Đệ Nhị Cộng Hòa 1/11/1972, cùng với sáu vị NT Không Quân sau đây:

- Đại tá Võ Dinh (Tham mưu trưởng BTL/KQ)
- Đại tá Nguyễn Ngọc Oánh (Chỉ huy trưởng TTHLKQ)
- Đại tá Phan Phụng Tiên (Sư đoàn trưởng SĐ5KQ)
- Đại tá Huỳnh Bá Tính (Sư đoàn trưởng SĐ3KQ)
- Đại tá Nguyễn Văn Lượng (Sư đoàn trưởng SĐ2KQ)
- Đại tá Lê Trung Trực (Phủ Tống Thống).

Về trình độ học vấn của NT Đặng Đình Linh, tiểu sử của ông trên trang mạng Wikipedia ghi:

“Sau này khi đã ở trong quân ngũ, ông ghi danh vào Đại học Luật và tốt nghiệp với văn bằng Cử nhân Luật.”

 

* * *


Cá nhân tôi chỉ được biết NT Đặng Đình Linh sau khi thuyên chuyển từ Pleiku về Biên Hòa giữa năm 1972, phục vụ tại Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân (BCH/KT&TV/KQ), trở thành người thân cận và đôi khi “sĩ quan tùy viên bất đắc dĩ” của ông Từ Văn Bê.

Theo hệ thống chỉ huy hàng ngang, vị chỉ huy trưởng BCH/KT&TV/KQ không nằm dưới quyền vị Tham mưu phó Tiếp Vận BTL/KQ, tuy nhiên trong hoạt động, vị Tham mưu phó Tiếp Vận có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc công việc không chỉ ở BCH/KT&TV/KQ mà còn ở các Không Đoàn Bảo Trì & Tiếp Liệu của các Sư Đoàn Không Quân.

Rất có thể vì phông-sông cao hơn, trong đợt lên tướng cuối năm 1972, tên của Đại tá Đặng Đình Linh đã được xếp ưu tiên cao hơn Đại tá Từ Văn Bê.

[Kết quả, ông Từ Văn Bê bị rớt đài, một năm sau mới được mang sao cùng đợt với các Đại tá KQ Nguyễn Đức Khánh, Phạm Ngọc Sang, và Nguyễn Hữu Tần]

Chuẩn tướng Từ Văn Bê


Tới đây, rất có thể sẽ có độc giả thắc mắc trước việc sĩ quan Không Quân ngành tiếp vận mà lên tới cấp tướng, tôi xin được viết thêm như sau:

Không Quân Mỹ có câu “No one flies without supplies”, hoặc “No supply, no air force”. Có nghĩa ngành tiếp vận của một không lực mang tính cách sinh tử!

Thời gian làm việc dưới trướng ông Từ Băn Bê, tôi được biết vị tư lệnh của Bộ Tư Lệnh Tiếp Vận trong Không Lực Hoa Kỳ (Air Force Logistics Command: AFLC) là một vị Đại tướng.

Năm 1973, khi ông Từ Văn Bê còn mang cấp bậc Đại tá, BCH/KT&TV/KQ được hân hạnh đón tiếp vị tướng 3 sao đứng đầu ngành tiếp vận trong Không Lực Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), mà chức vụ phiên âm sang Hán Việt là “Tư lệnh Không Quân Cung Ứng Tư Lệnh Bộ”.

Tôi còn nhớ ngày ấy ông sếp lớn của tôi vừa “tủi thân” vì cái lon Đại tá của mình, vừa thích cách người Tàu dịch mấy chữ “Air Force Logistics Command” của Mỹ thành “Không Quân Cung Ứng Tư Lệnh Bộ”. Ông nói với tôi:

“Anh có thấy nghe hay hơn mấy chữ Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân của mình không?”


* * *


Tôi chưa bao giờ được nói chuyện trực tiếp với NT Đặng Đình Linh, cũng chưa bao giờ được vào phòng họp các đại đơn vị trưởng tại BTL/KQ. Tôi chỉ được nghe ông nói trong các buổi giải trình mỗi khi phái đoàn thanh tra của BTL/KQ về Biên Hòa; và hiếm họa mới được nghe ông và các vị tướng lãnh khác trò chuyện, đùa vui, thăm hỏi nhau trong giờ giải lao của các buổi họp BTL/KQ và đại đơn vị trưởng ở Tân Sơn Nhất.

Nhưng bằng đó cũng đủ để tôi nhận xét NT Đặng Đình Linh là một người điềm đạm, ăn nói đâu ra đó, mặc dù đôi lúc cũng khôi hài nhưng luôn luôn xem công việc là trên hết!

Vì thế trong ba vị đại đơn vị trưởng KQ gốc Bắc kỳ mà tôi được biết - Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Oánh (Chỉ huy trưởng TTHLKQ), Đại tá Vũ Văn Ước (Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Hành Quân Không Quân), và NT Đặng Đình Linh, cá nhân tôi - một tay “gốc rau muống” thứ thiệt - có cảm tình nhiều nhất với NT Đặng Đình Linh. Đặc biệt tôi rất thích “giọng Hà Nội ngày cũ” của ông.

Việc sau khi ra hải ngoại, NT Đặng Đình Linh tích cực tham gia sinh hoạt, trong nội bộ cựu quân nhân Không Quân cũng như với cộng đồng người Việt tỵ nạn, càng khiến tôi thêm quý phục, và hãnh diện về vị tướng không quân “không phi hành” này.


“Thập Lục Tướng Quân”

NT Đặng Đình Linh qua đời ngày 9 tháng 12 năm 2020 tại Garland, Texas, Hoa Kỳ. Đọc Cáo Phó, thấy tuổi thượng thọ 92 của ông, tôi bỗng bồi hồi, chạnh nhớ lại số tuổi 38 của cố Thiếu tướng Nguyễn Huy Ánh khi ông gẫy cánh vào một buổi chiều định mệnh trong năm 1972.

Bản tin SĐ4KQ


Ngoại trừ cố Thiếu tướng Nguyễn Huy Ánh đã sớm ra đi và cựu Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng hiện đang sống tại California, 14 vị còn lại đều đã lần lượt qua đời tại hải ngoại:

1- Thiếu tướng Võ Xuân Lành, năm 1982, hưởng dương 51 tuổi
2- Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính, 1990, thọ 63 tuổi
3- Chuẩn tướng Phan Phụng Tiên, 1995, thọ 65 tuổi
4- Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, 1996, thọ 64 tuổi
5- Trung tướng Trần Văn Minh, 1997, thọ 65 tuổi
6- Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, 1998, thọ 68 tuổi
7- Chuẩn tướng Lê Trung Trực, 2002, thọ 75 tuổi
8- Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, 2002, thọ 72 tuổi
9- Chuẩn tướng Từ Văn Bê, 2008, thọ 77 tuổi
10- Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Tần, 2008, thọ 78 tuổi
11- Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Oánh, 2010, thọ 85 tuổi
12- Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, 2011, thọ 81 tuổi
13- Chuẩn tướng Võ Dinh, 2017, thọ 88 tuổi
14- Chuẩn tướng Đặng Đình Linh, 2020, thọ 92 tuổi.

Về phần Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng, Sư đoàn trưởng SĐ2KQ, vào thời gian anh em KQ ở Úc thực hiện cuốn Quân Sử Không Quân VNCH những năm đầu thế kỷ 21, ông vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, và... yêu đời.

Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng


Khi được NT Phùng Văn Chiêu (“người đỡ đầu” chúng tôi) yêu cầu viết tiểu sử để “nộp” cho Ban Thực Hiện QSKQ, NT Nguyễn Văn Lượng đã viết (viết tay) gửi cho chúng tôi những dòng vui vui, rất ư là... “không quân” như sau:

“Tốt nghiệp Khóa 1 Nam Định 1951. Gia nhập KQ 1952.

Kỷ niệm đẹp nhất trong đời quân ngũ là thời gian làm bạn với em Morane 500. Em thuộc loại gái quê cổ lỗ sĩ, thân hình thô kệch, chân cẳng dài thoòng nhưng luôn luôn gắn bó chung thủy và chưa từng làm tôi thất vọng.

Sau này có dịp làm bạn với các em khác như Lan 19 trẻ trung thon thả, em C47 lực lưỡng đô con, hoặc các chàng dũng sĩ lực điền AD6 hay nho nhã thư sinh A37, chàng nào cũng võ công bí kíp cùng mình nhưng rồi càng không thể nào quên được những đêm cùng em “bà già” của tôi tình tự dưới trăng trên đèo Mang Yang, những buổi vật lộn với gió dập mưa vùi ngang đèo M Drak, hoặc những buổi đẹp trời thảnh thơi lướt sóng rửa chân trên biển Nha Trang thần tiên thơ mộng.”


KQ Nguyễn Hữu Thiện
17/12/2020 - Melbourne, Úc-đại-lợi

Reader response => (ĐẶNG ĐÌNH LINH – Một vì sao vừa tắt)

Rate this item
(1 Vote)