Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Một Lần Suýt Chết Vì Trực Thăng Bay Trong Mây - Song Chùy Th/hoang

Posted by April 02, 2020 3480

Một Lần Suýt Chết Vì Trực Thăng Bay Trong Mây

Song Chùy Th/hoang

---oo0oo---

 

Vào dịp Tết Canh Tý vừa qua, Chúa nhật ngày 26/1/20 ( Mùng 2 Tết), cầu thủ danh tiếng Kobe Bryant và cô con gái tên Gianna, 13 tuổi, đã tử nạn trong một phi vụ trực thăng ở vùng núi phía Đông Nam thành phố Los Angeles. Nguyên nhân chính là vì thời tiết xấu. Ngày hôm ấy tất cả các trực thăng của Los Angeles Police Department cũng không được lệnh cất cánh vì lý do thời tiết.

Phi công Ara Zobayan là một phi công với hơn 22 năm kinh nghiệm nghề nghiệp và trên 8,000 giờ bay; đã bị tử thương cùng với chiếc máy bay Sikorsky S-76B, một loại trực thăng VIP rất an toàn sang trọng, thường được các nhà đại gia xử dụng làm phương tiện giao thông. 

Thời kỳ chiến tranh VN, trực thăng là loại phi cơ có tốc độ chậm và trần bay lại thấp nên rất nguy hiểm trước tất cả các loại vũ khí mà địch [VC] đang xử dụng trên khắp chiến trường lúc bấy giờ. Đa số các phi công trực thăng chỉ còn đựa vào số mệnh mà tự an ủi mình trước mọi hiểm nguy. Coi sự sống chết là chuyện hên xui may rủi, tùy vào phước đức của mỗi người; nhờ vậy mới can đảm hơn, bất chấp mọi gian nguy, mỗi khi phải cắm mũi lao mình vào vùng trời lửa đạn. 

Mỗi ngày, khi bình minh còn chưa kịp sáng, sương đêm vẫn còn đẫm ướt trên các thân tàu; thì tại các phi đạo trực thăng đã náo nhiệt những tiếng cười vui của các phi hành đoàn, hòa lẫn trong những tiếng hú chát chúa từ các động cơ bán phản lực đang đua nhau gầm thét; xé nát vùng không gian êm đềm của buổi ban mai. Âm thanh dồn dập của những vòng cánh quạt mỗi lúc một nhanh hơn, như muốn hối thúc các phi hành đoàn mau mắn vẫy cánh tung bay!

Từng formations trực thăng sau đó âm thầm nối tiếp nhau rời xa phi trường thân yêu, bỏ lại sau lưng thành phố còn đang ngủ yên với những ánh đèn đường úa vàng, lờ mờ bên dưới màn sương mong manh như khói. Đó là những hình ảnh rất quen thuộc, mỗi ngày như mọi ngày, của tất cả các anh em PHĐ trực thăng KQVNCH trong những ngày còn chinh chiến!

Các phi đoàn trực thăng hầu như lúc nào cũng phải túc trực ứng chiến 100%; không có thời giờ rảnh rỗi để lả lướt bay bướm ngoài phố như các đồng nghiệp ở những phi đoàn bạn. Mỗi ngày các anh phải ra đi từ sáng sớm cho đến buổi chiều tàn mới trở về. Đêm đêm được quây quần bên bàn ăn, vui vẻ cùng gia đình vợ con rồi, mới yên tâm là hôm nay mình đã thực sự được bình an vô sự.

Riêng với những vùng có nhiều núi như Vùng I & II Chiến Thuật , ngoài những nguy hiểm trong lửa đạn , các phi hành đoàn trực thăng còn luôn phải đối diện mỗi ngày với những hiểm nguy của thời tiết éo le , có thể xẩy ra bất cứ lúc nào . Với khí hậu bất thường của vùng núi và biển quá gần nhau; Mây, Mưa và Gió đều trở thành những vũ khí thiên nhiên, âm thầm nhưng còn nguy hiểm hơn cả AK-47 hay phòng không SA-7. Ít ai một lần bị nhiễu loạn trong mây mưa mà còn may mắn sống sót để rút kinh nghiệm cho những lần sau!

Ở phi đoàn tôi, 213, vào một dịp gần cuối năm 1970, phi hành đoàn của Th/úy Phạm v. Phi & Nhiễu, trong một phi vụ liên lạc chở phu nhân của Tr/tướng Tư lệnh QĐI ( Hoàng Xuân Lãm ) ra phi trường Phú Bài. Trên đường bay trở về, vì thời tiết thay đổi bất ngờ, mây mù đã bao trùm hết cả vùng núi và biển từ Huế về Đà Nẵng, các anh đành phải chui qua mây để qua đèo Phú Lộc gần Lăng Cô, để bay về Đà Nãng. Không ngờ vì mây mù, phi cơ đụng vào thành núi vỡ tan tành thành những mảnh vụn. Phi hành đoàn 4 người đều chết hết, thân xác không ai còn nguyên vẹn, chỉ sau vài tích tắc, không kịp kêu cứu.

Th/úy Nhiễu ở đối diện phòng tôi trong khu cư xá Butler /SĐIKQ, anh ra trường sau tôi một vài khóa. Ngày còn độc thân, có bữa bạn gái tôi [D/H] ghé tới thăm… Vì ngủ mê nên tôi không nghe tiếng gõ cửa. Nhiễu ở phòng đối diện, bực mình quá phải dậy đập cửa ầm ầm làm cả dãy các anh em khác cùng thức dậy. Tôi bị bạn bè xúm vào xà xể một trận! Sau này tôi phải cột cái đồng hồ báo thức lủng lẳng vào giây mùng, căn vừa đúng với tầm lỗ tai cho chắc ăn mà vẫn không thể dậy đúng giờ được. Nhiều bữa sĩ quan PHQ phải cho người xuống đánh thức tôi dậy để đi bay. Cái tính ngủ mê cho đến bây giờ đã hơn 70 rồi mà tôi vẫn còn mê ngủ!

Một hôm , có lẽ cũng không lâu sau tai nạn của Phi & Nhiễu , tôi và Th/úy Nguyễn tân Tài , bạn cùng khóa , cùng về phi đoàn 213 một lượt năm 70. Với hai chiếc trực thăng, chúng tôi cất cánh rời Đà Nẵng, phi vụ bay ra Huế. Hôm đó Trời không mưa nhưng bầu Trời sớm kết đầy mây trắng xóa. Mới sáng sớm mà mây đã phủ kín hết vùng biển Nam Ô, gần che kín đỉnh Đèo Hải Vân cũng như vùng núi Sơn Trà ở hướng Đông Bắc. Cả khu vực Đài Kiểm Báo Panama với các trụ antennas và sattelites cũng bị cuốn vào trong tầng mây. Từ trên cao nhìn xuống không còn phân biệt được ranh giới giữa biển và đất liền .

Rời phi trường Đà Nẵng , chúng tôi lấy cao độ để qua đèo Hải Vân mới phát giác cả vùng trời phía Bắc Hải Vân ra nữa cũng chỉ toàn là mây trắng dầy đặc . Không tìm được lối xuống phi trường Phú Bài , chúng tôi phải quay trở về Đà Nẵng nhưng cũng không còn đường xuống nữa. Cả vùng không gian mênh mông từ trong Trường Sơn ra tới biển Đông , xuống tới các tỉnh phía Nam như Hội An , Quảng Tín , Chu Lai , Quảng Ngãi … Xa hết tầm nhìn của mắt mà cũng chỉ thấy một màu trắng long lanh , chói sáng như màu tuyết dưới ánh mặt trời . Ngoài các hải đảo nho nhỏ quanh Cù lao Chàm cũng đã bị mây nuốt mất hết . Bón bề Đông Tây , Nam Bắc , không thấy có lối nào trống để xuống . Tôi và Tài bắt đầu cảm thấy hoang mang lo sợ nhưng khi kiểm soát kỹ đồng hồ xăng phi cơ vẫn còn hơn nửa bình, nên tạm trấn an nhau một chút. Hai chiếc phi cơ cứ bay lòng vòng gần gần phi trường để chờ đợi may ra gió tới mạnh hơn sẽ thổi mây đi , vừa để lấy lại bình tĩnh . Sau cùng Tôi liên lạc với Tài theo tôi thử bay vào gần bờ núi phía Tây / Phước Tường ; bây giờ là khu du lịch nổi tiếng Bà Ná của thành phố Đà Nẵng .

Không ngờ, nhờ sự hòa hợp nào đó giữa gió cùng khí hậu và thảo mộc ở vùng sát bờ núi mà tầng mây lại có chỗ mỏng manh hơn, đủ cho chúng tôi còn thấy được những thửa ruộng vuông vuông như những ô cờ lờ mờ ở bên dưới. Tôi liền cắm mũi chui xuống an toàn rồi báo cho Tài xuống theo. Hai đứa vui mừng bình yên bay trở về lại phi trường Đà Nẵng với một chút kinh nghiệm nho nhỏ của một lần thoát chết vì mây cho cuộc đời bay bổng sau này. Thời gian đó Tôi và Tài cũng đều vừa mới được check out ra Hoa tiêu Chánh, vốn liếng kinh nghiệm chưa có bao nhiêu.

Ng. tấn Tài lúc còn ở PĐ 213, một hôm chúng tôi đang vui vẻ binh xập xám với nhau ở phòng của tôi; bất chợt bị An Ninh và Quân Cảnh tới bao vây. Tôi tưởng chúng tôi sẽ bị bắt vì tội cờ bạc trong khu cư xá? Tuy nhiên, An Ninh chỉ bắt dẫn một mình Tài đi như một tội phạm và anh bị biệt tích thêm mấy ngày nhưng phi đoàn chẳng ai để ý. Ít lâu sau, anh tiết lộ cho tôi hay anh được An Ninh KQ gài cho nhiêm vụ theo dõi về an ninh phi đoàn. Sau này sống ở Mỹ tôi mới có dịp xác nhận lại chuyên này với Đ/úy Phong [Atlanta], một niên trưởng trong ngành ANKQ/ SĐIKQ ngày xưa. Đó cũng là một cách ngụy trang mà ANKQ hay xử dụng đề gài Anten vào các phi đoàn? Sau này,

Tài xin đi học Chinook và đổi về phi đoàn 237 / Biên Hòa. Anh bị bắn rớt ở mặt trận An Lộc không lâu sau đó. Âu cũng là số mạng của mỗi đứa mà thôi.

Phi Đoàn 233, năm 71, cũng có phi hành đoàn của Th/úy Thanh & Sửu (?) bị vertigo đâm xuống vùng biển Thuận An / Huế trong một ngày trời mưa mù gió lớn. Hôm ấy biển động mạnh , mưa mù bao trùm hết từ vùng núi ra tới mặt biển. Đường bay từ Huế ra và về Đà Nẵng vào những ngày mưa gió , nếu bay lên cao để qua núi không được thì hay chọn đường bay thấp men mén theo ven biển và núi; nhưng lỡ gặp trở ngại nửa đường phải trở lui thì rất khó xoay sở, vô cùng nguy hiểm. Với địa thế và không gian hiểm trở; trên mây, dưới nước, bên phải là núi trùng điệp nối tiếp nhau; chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng vertigo. Khi quay lại cũng là lúc tự chọn cho mình con đường chết mà thôi. Lúc nhận thức được thì cũng đã quá trễ!

Hôm ấy , Th/úy Phan văn Niên và tôi bay phi vụ gần đó nên được điều động ra biển tìm nhưng chỉ còn thấy những mảnh vụn của phần taiboom và cánh quạt trôi lềnh bềnh trên sóng nước mênh mông . Phần thân phi cơ cùng với phi hành đoàn đã chìm sâu xuống lòng biển.

Bay phi vụ ban ngày trúng mây còn đáng sợ như thế ! Sau này tôi rất thán phục tài năng và sự can trường của các anh em phi đoàn Cứu Tinh 257 ( Tải thương đêm ) . Suốt mấy năm hoạt động cho đến ngày rời khỏi Đà Nẵng (29/3/75) , các anh không để lại một tai nạn nào vì thời tiết . Hãnh diện nhất là đa số các pilots lão luyện của PĐ 257 đều xuất thân từ PĐ 213 mà ra .

Cũng trong khoảng thời gian năm 70, một buổi chiều sau phi vụ hành quân trở về, tôi ghé qua câu lạc bộ phi đoàn để mua lon nước trước khi về cư xá. CLB là một nhà kho bằng tôn của quân đội Mỹ để lại nhưng khá rộng; do gia đình bố mẹ vợ của thượng sĩ Thứ (CP) làm chủ từ những ngày phi đoàn còn bay H-34. Tôi thấy Th/úy Hoàng tất Đắc và Nguyễn văn Hoàng đang nhâm nhi chút chút(?) với NT Nguyễn A. Toàn ở một bàn nhỏ trong góc; có lẽ cho đỡ buồn trong lúc các anh phải túc trực phi vụ gunship đêm: “ Phòng thủ phi trường ”. Không ngờ, chỉ vài giờ sau đã nghe tin các anh bị tử thương!!! Do khí hậu bất thường của ngày hôm ấy, ban ngày nóng , đêm lạnh mà núi và biển lại kề cận nên ground fogs cũng mau chóng kết đầy mặt đất và mặt biển. Sau phi vụ trở về, khi sương đêm đã xuống, với lớp ground fogs dầy đặc bao trùm cả năm ngọn núi trong vùng Ngũ Hoành Sơn và bãi biển Mỹ Khê; hai anh đã vô tình bị lọt vào đám mây oan nghiệt ấy. Vị trí xẩy ra tai nạn chỉ cách phi trường Đà Nẵng không tới 5 phút bay. Bên dưới vừa mây, vừa núi, vừa biển làm sao tránh nổi trong lúc hốt hoảng rối loạn vì vertigo? Các anh đã đâm đầu xuống lòng biển cùng với hai cơ phi xạ thủ Tr/s Lộc & Th/s Thứ là những HSQ kỳ cựu của PĐ 213. Gần một tuần lễ sau phi đoàn mới tìm được xác các anh trong niềm đau thương vô cùng!!

Năm 72, vì tình hình chiến sự thay đổi đột ngột, các phi đoàn trực thăng của KĐ 51/CT phải biệt phái ra túc trực sẵn tại phi trường Phú Bài; sửa soạn cho trận chiến “ Tái chiếm lại cổ thành Quảng Trị “. Vì đông quá nên tất cả anh em đều ngủ chung trong một hangar vòm cong, rộng lớn trống trải, trông giống như một bệnh viện Dã Chiến. Tuy rất ồn ào náo nhiệt nhưng cũng vui vui, vui với kiếp sống biệt phái. Hậu cứ phi đoàn những ngày ấy rất vắng vẻ buồn thiu, chỉ còn PĐT và HSQ Văn Thư.

Toán của tôi được nằm túc trực bên căn cứ Dạ Lê [ Camp Eagle , BTL /SĐIBB ]. Hôm ấy, tôi nhận phi vụ vô tải thương cho một đơn vị ở trong vùng núi phía Tây Nam cách căn cứ không xa lắm; độ 15-20 phút bay.

Từ c/c Dạ Lê, Tôi cất cánh lên thì trời cũng đang mưa lâm râm và lạnh. Mây mù như khói bao trùm từ trong miền núi ra tới ngoài biển Thuận An. Mây kín đầy một bầu trời không thấy chút ánh sáng nào, nhưng ở dưới tầng thấp khoảng dưới 100 bộ thì vẫn còn có thể thấy đường bay. Phi vụ không có gì trở ngại nếu thời tiết đừng xấu hơn. Nào ngờ khi vào gần tới dãy đồi dài như lưng ngựa ở phía Nam của vùng xã Nam Hòa / Thừa Thiên; lúc tôi bất chợt nhìn thấy cái tượng Phật Bà màu trắng sừng sững ở trên đỉnh đồi làm tôi giật mình, vừa quẹo vừa lấy cao độ để tránh né thì bị lọt vô tầng mây. Càng lên cao mây càng dầy đặc hơn vì là loại mây mù như khói do khí hậu và mưa tạo ra.

Cảm giác rùng rợn lần đầu nghe thấy tiếng mây đập ầm ầm vào windshield và thân phi cơ; giống như âm thanh xào xạc của cát hay đá trong vùng sa mạc bão tố. Mây không phải nhẹ nhàng mềm mỏng như khói mà ta thường thấy từ dưới đất nữa! Phản ứng tự nhiên như khi đang lái xe bất thình lình gặp phải chướng ngại vật, trước hết là thắng lại bằng cách giảm airspeed với cần cyclic đang sẵn trong tay mà chẵng để ý tới tốc độ bao nhiêu? Phi cơ bay lẹ bao nhiêu cũng không cảm giác được trong lúc tâm thần vừa rối loạn vừa hốt hoảng trong mây. May mắn, chỉ vài giây sau Tôi đã kịp lấy lại được bình tĩnh… khi nghỉ tới phi cơ có thể bị stalled hoặc bị lộn ngược nếu flare lại nhiều quá. Vừa liếc nhanh vào các đồng hồ phi cụ, tôi vừa từ từ trả lại tốc độ ở mức chầm chậm, khoảng 40-50 knots, và giữ cho thân phi cơ được thăng bằng để không bị rơi vào tình trạng vertigo. Tiếng cọ sát của mây cứ ầm ầm đập mạnh vào windshield và thân tàu. Khi tốc độ càng lẹ thì âm thanh càng ghê rợn hơn! Cả phi hành đoàn như chết lặng yên! Th/úy Phước, co-pilot, một hoa tiêu mới về phi đoàn, cũng là phi vụ đầu tiên đối với anh, ngồi cứng đơ không nói gì, không nhúc nhích và cũng không thể giúp được gì cho tôi.

Muốn gọi Đài Kiểm Báo Panama nhưng cũng vô ích vì không đủ thời gian . Tôi biết núi đang bao bọc chung quanh rất gần , chỉ chừng vài phút bay nữa thôi là tôi sẽ tan nát hết nếu không thoát ra kịp. Chỉ còn biết tin vào số mạng , với đức tin tôn giáo và tùy thuộc vào khả năng của chính mình mà thôi để tự trấn an và giữ vững tay lái .

Như người mù đi trong đêm tối , chúng tôi đành chịu trận tiếp tục bay tới trong nỗi sợ hãi tràn dâng, chắc chắn sẽ phải chết. Trong đầu óc tôi liên tưởng ngay đến cái chết như phi hành đoàn của Th/úy Phi/Nhiễu… Thân xác sẽ vỡ vụn thành từng mảnh. Có lẽ chỉ cần thêm 5-6 phút bay nửa là sẽ không còn biết gì !!!

Chung quanh tôi, tứ bề đều là núi cao cận kề… Tôi đã bay rất nhiều phi vụ hành quân trong vùng này, thường ngày không cần coi bản đồ. Trước nỗi sợ hãi tuyệt vọng với cái chết sắp tới, tôi chỉ còn biết thầm cầu xin vào sự phù hộ của Đấng Thiêng Liêng theo niềm tin của mình. Tôi cầu xin Chúa và Đức Mẹ phù hộ, rồi cứ tiếp tục bay tới chầm chậm nhưng không biết mình đang bay hướng nào mà mây thì cứ mù mịt; dồn dập đập ầm ỹ vào thành tàu, càng làm cho tôi bối rối thêm. Cả phi hành đoàn ai cũng ráng nhìn ra ngoài trong niềm sợ hãi tuyệt vọng, nhưng tứ phía không còn thấy được gì mặc dù hai cửa sau phi cơ đều trống. Đa số các tàu hành quân của phi đoàn đều không gắn cửa. Mọi người chỉ còn hồi hộp chờ đợi không biết khi nào thân xác sẽ vỡ vụn như các bạn bè đã ra đi trước???

Sau cùng , bất chợt một ý nghĩ thoáng qua rất nhanh trong đầu là tại sao tôi không nói cơ phi xạ thủ nhìn xuống đất xem thử? [ Sau này tôi nghĩ có thể đó là một phép lạ đối với tôi ??? ]. Tôi lập tức vừa nghiêng cánh và thân phi cơ về phía trái, vừa nói với hai người CP/XT ở đằng sau, sẵn sàng nhìn xuống phía dưới, may ra có nhìn thấy gì không ?

 Vừa nghe tiếng đáp lại: “ Hình như thấy cái gì (?)ngoằn ngoèo ở bên dưới như con suối !“. Tôi mừng rỡ lập tức vừa cắm mũi lao xuống, vừa quẹo lại theo cái nhìn của Cơ phi/Xạ thủ ở đằng sau mà không chút do dự với phản ứng tự nhiên. Thế là chúng tôi cứ bám theo dòng suối rồi định hướng mà trở ra, mừng rỡ bay về lại hậu cứ an toàn. Tôi không dám tin là chúng tôi đã được sống sót qua tai nạn ấy!

Vui mừng vì thoát nạn nhưng nỗi kinh hoàng vẫn cứ bám lấy tôi suốt một tháng sau. Đêm nào ngủ tôi cũng giật mình bất chợt thức giấc, sợ toát mồ hôi. Yên lặng và ít nói hơn nhưng tôi vẫn âm thầm đi bay như mọi ngày để tâm trí đừng nghĩ tới nó nữa… Cũng không dám kể lại cho “ Nhà tôi “, hay bất cứ người thân nào về tai nạn ấy, chỉ biết khép kín ở trong lòng cho riêng mình. Có lẽ càng kể ra sẽ càng làm cho mình sợ hãi hơn mà thôi!!!

Nay thấy tai nạn chiếc phi cơ Sikorsky S-76B của Kobe Bryant làm tôi liên tưởng đến phi vụ của mình năm xưa, dù đã gần 50 năm nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ cùng với những cảm giác sợ hãi của mình. Tôi nghĩ có lẽ nó cũng bị rơi vào một trường hợp tương tự như tôi năm 1972 .

Biết đâu, nếu pilot Ara Zobayan , có thể nghiêng cánh và nếu có một người nào đó (?) ở đằng sau giúp anh nhìn xuống mặt đất ở bên dưới, ngay trong giây phút nguy hiểm ấy… Rất có thể Anh đã tránh được tai nạn thảm khốc cho mình!!!

Lớp mây dưới bụng phi cơ nhờ có phần background tức là mặt đất, nên có những điểm tối điểm sáng khác nhau, sẽ giúp mắt ta nhận ra được dễ dàng hơn là nhìn vào trong tầng mây mù mịt ở trên Trời! Ngày xưa mọi hoạt động của trực thăng hoàn toàn tùy thuộc vào đôi tay và đôi mắt của pilots, không có technology tối tân như bây giờ. Tất cả những may mắn có lẽ cũng chỉ là số mạng riêng của mỗi người!

Dù sao đây cũng là một chút kinh nghiệm quý giá còn cô đọng trong đời bay trực thăng của tôi; nếu có thể giúp ích cho một phi công trực thăng nào đó trong trường hợp tương tự sau này, tôi sẽ vui mừng vô cùng với chút đóng góp khiêm nhường của mình.

Song Chùy Th/hoang ( Savannah , 3/2020…Mùa Coronavirus ! ).

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Một Lần Suýt Chết Vì Trực Thăng Bay Trong Mây)

Rate this item
(0 votes)