Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Chuyện Tình Của Một Phi Công - Nguyễn Trà

Posted by January 06, 2020 4235

Biến cố Ba mươi tháng Tư năm một ngàn chín trăm Bảy mươi lăm, sau khi nghe Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, giống như trời sập, mất nước nhà tan, người lính đang chiến đấu hăng say ngoài tiền tuyến lại rã ngũ, mang súng đạn đầu hàng địch. Khi đất nước lâm vào cảnh màn trời chiếu đất vận nước đã đến mạnh ai nấy làm, nghe nói Cộng sản thì ai cũng khiếp sợ không muốn thấy mặt thật gian ác dã man của chúng, ai cũng hoảng hốt lật đật, không có thì giờ để từ giã vợ con, người thân, rời Việt Nam trong khoảnh khắc đầy hiểm nguy.

Sau khi đã ra khỏi nước và được Chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ hầu hết các Hoa tiêu trực thăng trở về mái trường xưa, gặp Thầy cũ từng quen biết của thời Huấn luyện bay bổng tại Hoa Kỳ, một Căn cứ Bộ binh của Hoa Kỳ Hunter Air Field ở trong Thành phố cổ kính thuộc Tiểu bang Geogia ở Đông bắc Hoa Kỳ.

Hơn năm trăm Phi công trực thăng của Việt Nam Cộng Hòa, người có vợ có con, kẻ độc thân, ai cũng xơ xác, thơ thẩn lang thang giống như người điên người khùng mất hồn, mất trí cố sống bám víu quây quần bên nhau, nhờ những người Sponsors cũ lui tới an ủi và giúp đỡ trong những ngày chân ướt, chân ráo mới đến Hoa Kỳ. Nước nhà đã rơi vào tay Cộng sản, không biết bao nhiêu chuyện nghiệt ngã ập đến dần dần ai cũng phải tìm công ăn việc làm để kiếm cơm manh áo cho qua ngày tháng, kẻ đi người ở phân tán khắp năm mươi Tiểu bang, cũng có một số đã gắn bó và mang nhiều kỷ niệm với căn cứ ở lại chọn nơi đây làm quê hương thứ hai cho đến ngày hôm nay.

Anh bạn cùng khóa bay học tại Hoa Kỳ vào những năm cuối thập niên sáu mươi tên là Ánh, giống như nhiều người khác để vợ và một con lại Việt Nam, anh là người mà ở Việt Nam người ta thường đặt cho cái tên đào hoa phong nhã, người đã điều khiển con chim sắt trên không trung bay lượn ngang dọc một thời chinh chiến để bảo vệ không phận miền Nam nay bị sa cơ thất thế nên phải chịu nhục nhã, nhưng anh cố sống một cách gượng ép cho cuộc đời còn lại. Sau vài năm làm quen với thực tại và ngán ngẩm cuộc sống cô đơn, không còn hy vọng liên lạc với gia đình vợ con từ Việt Nam, nên anh tiếp tục tạo dựng hạnh phúc gia đình nơi xứ lạ quê người. Anh bạn vốn là người mang danh tài sắc đào hoa với chí trai khí phất khi sa cơ vấp phải nên phải khoanh tay mang đầy kinh nghiệm tuổi đời nên làm quen với con gái xứ người rất dễ dàng.

Một cô gái thuộc dòng dõi qúy tộc Anh Quốc mang tên Linda thùy mị, nết na đôi mắt xanh, mũi cao nước da trắng toát tuyệt vời hình như thắm đượm hạnh phúc mà tạo hóa đã an bày cho đôi uyên ương xứng đôi vừa lứa, nàng đá lông nheo với chàng Phi công Việt Nam đã trải nghiệm trên chiến trường và đời sống gia đình. Đôi uyên ương cơ duyên lại đến, với lứa tuổi nữa đời người không còn yêu cuồng sống vội, tình yêu như một cơn gió thoảng, tựa một áng mây bay không khác một ánh hoa rơi, ngây ngất say sưa nồng nàn trao tặng cho nhau với nỗi niềm khao khát, giống như một vườn hoa thơm ngát rập rờn ông bướm trên cõi thiên đàng, tình yêu đến với nhau trong khoảnh khắc nhưng đã trở thành bổn phận trách nhiệm vợ chồng cùng nhau xây dựng tổ ấm, hai con tim xa lạ người từ phương Đông kẻ từ phương Tây không hẹn hò, giống như duyên nợ trùng phùng nơi xứ lạ quê người chứa chan tràn đầy hạnh phúc.

Chuyện tình của kẻ thất thế bại trận đựơc chắp nối trong một hoàn cảnh éo le khắc nghiệt nghèo khó dù đã trải qua một thời anh dũng vinh hiển ngoài biên thùy suốt thời chinh chiến kéo dài hàng chục năm trên đất mẹ. Những chiến thắng vẻ vang vinh quang lẫy lừng một thời, đã mờ phai và quên lãng theo thời gian và cuối cùng trở thành kẻ chiến bại thua trận.

Cặp vợ chồng Mỹ Việt sống hạnh phúc với công việc làm ăn nhàn nhã, chàng làm việc ở một Bệnh viện tại địa phương, nàng ở nhà nội trợ săn sóc con cái, hơn mười năm chung sống cơm lành canh ngọt hạnh phúc đầm ấm gia đình sum vầy, sinh được hai cháu một trai và một gái kháu khỉnh. Thời thế đổi thay, chuyển biến chính trị, thế cờ được xóa đi và sắp lại, chính phủ Hoa Kỳ lại gở bỏ cấm vận và chuẩn bị bang giao với Việt Nam từ những kẻ cựu thù chém giết nhau không gớm tay những thập niên trước, nay lại trở thành những người bạn.

Vì thế vợ chồng anh Ánh liên lạc được với gia đình ở Việt nam và làm bảo lãnh cho chị Kim Hoa cùng cháu qua Hoa Kỳ đoàn tụ, đầu Thập niên chín mươi chị Kim Hoa cùng cháu trai qua Mỹ theo diện ODP.

Trong thời chinh chiến chị Kim Hoa đi dạy học taị một trường Tiểu học ở Thị xã Cần Thơ, sau khi Việt cộng chiếm miền Nam không cho chị tiếp tục đi dạy học vì chị thuộc chế độ “Mỹ ngụy” trong những năm không biết tin tức về chồng chết hay sống lại bị đuổi việc thất nghiệp, đời sống kềm kẹp vô phương cứu chữa cho đời sống, chị quyết định bồng con về sống với gia đình quê ngoại, ở một vùng quê cách Thị xã Cần Thơ hàng chục dặm, cuộc sống vất vả hàng ngày chị ra chợ buôn thúng bán bưng chân lấm tay bùn để nuôi con qua ngày tháng, chị không phải đi nuôi chồng vất vả các trại tù cải tạo mà bao nhiêu người vợ lính phải làm, nhưng cũng bị chế độ xã hội chủ nghĩa trả thù đày đọa chui dũi cuộc sống hơn mười lăm năm giống như bị đọa đày, nô lệ.

Rồi gặp ngày đoàn tụ chị hân hoan sung sướng đón nhận những ngày tươi đẹp, ngày đến Hoa kỳ được sửa soạn và trang điểm lại, gái một con sồn sồn trông mòn con mắt và quyến rũ như cô gái đương Xuân, khuôn mặt thanh tâm và mái tóc uốn lượn mượt mà, óng ả mềm mại như nhung phủ với đôi mắt long lanh ngời sáng xỏa xuống vai uốn éo thật duyên dáng. Khi bước xuống phi trường chị dang hai tay ôm chặt lấy người chồng vào than mình trong cảnh sung sướng nhẹ nhõm vô cùng như vừa trút xong một gánh nặng vô hình với nước mắt rơi ràn rụa trên đôi mắt quen thuộc đã xa cách hơn mười lăm năm.

Chuyện tình nghiệt ngã và oái ăm vào một mùa xuân vùng Đông Nam Hoa Kỳ khi cảnh vật đang chen nhau đâm chồi trổ lá, khí hậu dịu mát mọi người đang hưởng thanh bình cuộc sống giàu sang phú qúy của dân bản xứ, chị Kim Hoa cùng cháu được hân hoan chào đón ngày hội ngộ và sum họp gia đình. Cuộc vui hội ngộ chưa tàn thì án mạng xảy ra khi biết chị kim Hoa cùng cháu đến Savannah để gặp lại người chồng, người cha, chị Linda muốn trả chồng lại cho chị Kim Hoa, chị Linda viết một bức thư định mệnh tuyệt mạng nhắn nhủ và khuyên răn chồng săn sóc các con và hưởng hạnh phúc gia đình. Chị thanh thản tự tại đến cầu Savannah thuộc Tiểu bang Geogia cầu cao gần 400 Ft vào một buổi sáng định mệnh khi sương mù đang bao phủ của màn đêm, trên cầu xe cộ qua lại lưa thưa, đèn điện vẫn còn sáng bên dưới dòng nước phẳng lặng lấp lánh phản chiếu bởi ánh đèn điện, chị an nhiên tự tại can đảm nhảy xuống cầu tự vẫn, chị đã chọn cái chết để kết liễu cuộc đời, để giải quyết vấn nạn gia đình, để lại hai con, một trai và một gái.

Câu chuyện náo động gây xôn xao dư luận trong dân chúng các đài Truyền hình và báo chí địa phương đăng tải mấy ngày liền, dân bản xứ cả vùng Đông nam Hoa Kỳ bàng hoàng bàn tán xôn xao băn khoăn và tiếc nuối, rồi lại truyền khẩu nhau thương tiếc chị Linda, một người phụ nữ Hoa Kỳ có tinh thần cao thượng tự trọng và can đảm hy sinh cuộc đời mình để lại hạnh phúc cho chồng, cho con.

Chị Linda đã tiêu diêu nơi miền cực lạc, kết thúc cuộc đời bởi chuyện tình cao thượng, bởi tình yêu chân thật chị đủ can đảm tự vẫn để nhường chồng cho người khác, cuộc đời mỏng manh vô thường cái sống, cái chết thay đổi từng sát na trong xã hội từ Đông sang Tây có ít người phụ nữ làm được. Chị đã mang thiện cảm nghĩa hiệp bao la vô bờ vô bến cho khối người tỵ nan Việt Nam lúc đó, vì ái tình mà phải hy sinh tính mạng để nhường chỗ cho một người khác, chị là người để lại cho chúng ta mến phục để lại một tiếng thơm vô giá, một tấm gương trong sáng cho người đời vì người chồng, người yêu, người thương mà phải hy sinh tính mạng làm cho người tỵ nạn băn khoan và quý mến, người bản xứ động lòng xót thương, từ dạo đó tên tuổi chị Linda được người đời nhắc nhở và thương tiếc chị đã ngang nhiên tự tại thanh thản bình yên về một thế giới vĩnh hằng vô hình.

Chúng ta ít thấy một người phụ nữ Tây phương biểu lộ tình yêu và hạnh phúc vì quá yêu say sưa mê mệt và cuồng loạn, trái tim rỉ máu thắm đượm men ái tình nên đã hy sinh. Khi còn ở Việt Nam chúng ta thường nghe những vụ tự tử như lao mình vào xe hơi, treo cổ tuyệt mạng trong những căn nhà nơi xóm vắng, bởi tình yêu ngang trái, đôi khi trở thành khờ dại, điên cuồng thất vọng không có cách nào để tìm đời sống và hạnh phúc chính mình.

Đấy là những chuyện bồng bột của tuổi trẻ, của những người thiếu tự tin và cảm thấy mất mát về tình yêu không thể tìm kiếm một hình ảnh, một bóng dáng giống như người mình yêu. Ở xã hội Việt Nam xưa cũng như nay cứ nghĩ rằng yêu đương của người Á Đông chúng ta thường xảy ra trong dân gian hay nhắc nhở trong tiểu thuyết là tình yêu sâu sắc, đậm tình đắm đuối hơn là người Tây phương.
Nhưng khi chúng ta đã lăn lộn đi sâu vào xã hội Tây Phương mới thấy được sự thật và sức mạnh tình yêu của người Tây Phương.

Chị Kim Hoa cùng cháu từ Việt Nam khi xuống phi phi trường được anh Ánh đón tiếp trong tinh thần chồng cha hơn mươi lăm năm xa cách ngày hội ngộ thật là ngậm ngùi thương mến anh ôm lấy vợ con vào lòng. Cuộc gặp gỡ tái ngộ tràn đầy nước mắt bởi những mong mỏi và ao ước chất chứa lâu ngày đến ngày đoàn viên xúc động để lộ ra không thể giấu giếm, che đậy được tình cảm và nước mắt của mình.

Khi còn ở Việt Nam chúng ta thường nghĩ tình yêu lứa đôi, tình cảm có chiều sâu vô tận đặt nặng tình yêu về tình cảm bất chấp ngang trái, tuổi tác, nghề nghiệp, cần nhiều thời gian lui tới tìm hiểu nhau phải mất nhiều thời giờ, mất cả vài ba năm có khi vẫn chưa đủ, cho nên dân gian thường có câu tục ngữ “Một túp lều tranh hai quả tim vàng” chỉ cần thương yêu trăm năm hạnh phúc không quản ngại giàu nghèo sang hèn, chỉ biết thương nhau là đủ để xây dựng tổ ấm. Khi ra hải ngoại mới thấy tình yêu của người Tây Phương, chỉ quen nhau vài tháng có thể ăn ở chung đụng với nhau, mặc dù chưa chính thức hôn nhân nhưng sống với nhau xây dựng gia đình tình cảm còn sâu đậm gắn bó chẳng thua kém so với người Á Đông chúng ta.

Trên đời này chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chẳng qua là một cảm xúc nhất thời, cảm giác này tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh và biến thiên thay đổi. Nếu người yêu bất diệt rời bỏ ta rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư từ từ lắng động, cái đau khổ từ từ nhạt nhòa đi, không nên cứ ôm ấp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi lụy vì thất tình (Tôn Vận Tuyền thủ tướng Đài Loan thư để lại cho các con).

Anh Ánh mất người vợ Linda còn lại hai cháu một trai và một gái, vợ chồng anh Ánh đã nuôi nấng săn sóc hai cháu, mãi đến năm 2012 cô con gái đầu đã tốt nghiệp Bác Sĩ còn người con trai tốt nghiệp ngành Kỹ sư Điện tử, công ăn việc làm bảo đảm, hai cháu vẫn còn độc thân.

Anh Ánh cùng vợ là chị Kim Hoa chỉ có một cháu mang từ Việt Nam qua và gia đình hạnh phúc công việc làm ăn cũng khá giả.

Chiến tranh Việt Nam giữa Nam và Bắc tang thương và đẫm máu đến hồi kết thúc, cuộc chinh chiến kéo dài hai mươi năm bom đạn đã tàn phá và dày xéo đất mẹ, hàng triệu chiến sĩ đã bỏ mình bảo vệ lý tưởng, hàng triệu người dân vô tội đã chết ngoài biển khơi tìm tự do, hàng chục ngàn Quân Cán Chính VNCH bị trả thù giam cầm tù tội, đất biển bị lấn chiếm, gia đình phân tán vợ chồng phân ly đồng bào đói khổ, thiếu cơm thiếu áo, nhà nước vẫn ngang nhiên độc tài cai trị ác nghiệt.

Phe thắng cuộc phải có bổn phận với Tổ quốc phải chịu trách nhiệm với Lịch sử, bất hạnh thay chiến tranh vẫn không buông tha đất nước, quê hương vẫn tiếp tục chiến tranh không phải bằng súng đạn mà vẫn chiến tranh bắt bớ giam cầm, nhà nước cai trị độc tài Đảng trị bán đất, bán biển cho ngoại bang làm cho đời sống người dân lúc nào cũng hồi hộp, thấp thỏi, phập phồng, lo sợ.

Tình yêu đối với Dân tộc, tình yêu đối với gia đình, con người cũng có lúc khi lên voi khi xuống chó là chuyện buồn vui khổ đau trong cõi ta bà, con người cố tạo dựng và mong ước cuộc sống hạnh phúc an lạc, tình yêu coi như duyên nợ, thuận duyên gặp diễm phúc, hạnh phúc, nghịch duyên sẽ mang đến khổ đau, dù có than van trách móc số phận vẫn an bài, thôi đành lấy cái nghiệp mà trời đất đã gắn cho mình.

Đã mang lấy nghiệp vào thân.
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Truyện Kiều, Nguyễn Du.

Chuyện tình của một Phi công được viết lại, câu chuyện thật đã xảy ra hơn ba mươi năm theo ký ức của người viết, chuyện đầy thương đau và bất hạnh không chỉ trong giới Không Quân mà ngay cả khối đồng bào tỵ nạn Cộng sản tại Hải ngoại khi nghe đến đều bàng hoàng xúc động thương xót và cảm mến một người phụ nữ Tây Phương đầy dũng cảm có sức mạnh tinh thần vô thường, tự chọn cái chết tự tử để nhường lại hạnh phúc cho người khác thật là câu chuyện hiếm hoi đã xảy ra.

Câu chuyện oái ăm sau cuộc chiến Nam Bắc của Việt Nam đau thương chưa nguôi ngoai, chưa hàn gắn lại vết thương tất cả đều quy tội bởi chiến tranh. Nếu con người khi đạt được sự hòa bình tuyệt vời và chia sẻ lòng tự do với một tâm hồn quãng đại vị tha nhất, thì Xã hội này không còn ganh tỵ mà lại Hỷ Xả cho nhau bằng tâm hồn vị tha và thương yêu.

Con người sẽ được tồn tại và phụ thuộc theo định luật vô thường của tạo hóa. Theo thuyết của đạo Phật tự tử cũng là phạm giới một trong năm giới cấm của đạo Phật là sát sanh. Chị Linda kiếp trước đã mắc nợ chị Kim Hoa nên kiếp này chị Linda đã phải trả. Mong rằng thế giới ngày nay mang lại hoà bình và an lạc cho tất cả nhân loại.


Nguyễn Trà

https://www.facebook.com/photo.php?f...type=3&theater

Forumpost: Chuyện Tình Của Một Phi Công

Rate this item
(1 Vote)