Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Phi cơ vận tải C-123 và Chiến tranh Việt Nam - Trần Lý

Tác giả Nguyễn Hữu Thiện (NHT) đã viết một bài rất công phu và khá đầy đủ về "Ngành vận tải trong Không Lực VNCH". Bài viết đã liệt kê mọi loại phi cơ vận tải mà KQVNCH đã sử dụng trong có có C-123. Ông NHT đã viết về vai trò của C-123 trong KQVNCH, các phi đoàn cùng một số hoạt động của các phi đoàn này.
Chúng tôi xin ghi thêm một số hoạt động của C-123 trong Chiến tranh Việt Nam vì C-123 có thể được xem như một loại phi cơ đa dụng của Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, được sử dụng trong nhiều nhiệm vụ khác nhau .. Ngoài những phi vụ yểm trợ thông thường như chuyển vận binh sĩ, chuyển hàng tiếp liệu.. C-123 còn được dùng trong các phi vụ bí mật của Air Commando, SOG, Air America .. Ngoài ra C-123 cũng là loại phi cơ vận tải có con số thiệt hại cao nhất trong tất cả các loại phi cơ vận tải được dùng trong cuộc chiến Việt Nam.


Bài viết xin được chia thành những tiểu đoạn :
- C-123 trong giai đoạn đầu (Air Commando)
- C-123 trong các Công tác bí mật (SOG)
- C-123 chính thức trong KQ Hoa Kỳ
- C-123 và KQ VNCH
- C-123 và Air America
- Các chi tiết kỹ thuật và các dạng cải biến của C-123

C-123 và Air Commando

- Chiến dịch Ranch Hand :

Tháng 5 năm 1961 Tổng thống Mỹ John Kennedy đã gửi Phó TT Lyndon B. Johnson đến VN để thảo luận với TT VNCH Ngô Đình Diệm về việc nổi dậy càng ngày càng tăng của VC tại Nam VN. Kết của cuộc thảo luận này là Mỹ gia tăng quân viện cho VN. Hoa Kỳ cung cấp thêm phi cơ, Quân lực VNCH phát triển thêm, các Trung tâm Huấn luyện được thành lập.. Một Trung tâm quan trọng được tổ chức : đó là Trung Tâm Nghiên cứu hỗn hợp Việt-Mỹ về Phát triển Chiến đấu và Thử Nghiệm có nhiệm vụ nghiên cứu và cải thiện các kỹ thuật và
chiến thuật chống chiến tranh nổi dậy…
Một trong những ý kiến đầu tiên được đưa ra là dùng hóa chất diệt cỏ, khai quang rừng và bụi rậm dọc các trục lộ chính mà Cộng quân thường phục kích các đoàn xe vận chuyển của Quân đội VNCH. Sau vài tháng nghiên cứu, ý kiến được hình thành bằng Chiến dịch Ranch Hand. Chiếc C-123 B đầu tiên trang bị hệ thống phun thuốc khai quang MC-1 Hourglass ( hệ thống được chế tạo năm 1952 gồm một thùng chứa bằng nhôm 1000 gallon, một máy bơm ly tâm, các valve kiểm soát, ống dẫn đến hệ thống xịt có 6 đầu phun ) đến Tân Sơn Nhứt ngày 7 tháng Giêng 1962, cùng 2 chiếc khác và phi cơ tạm có ký hiệu UC-123 B (U=Utility). 3 phi cơ này tạm dùng bãi đậu chung với các phi cơ của Liên phi đoàn vận tải số 1 của KQVNCH . Chiến dịch khai quang được bắt đầu ngay sau đó một tuần .

Đơn vị phun thuốc khai quang hay Phi đội đặc biệt phun thuốc từ trên không tạm do Phi đoàn 309 Air Commando (ACS=Air Commando Squadron) điều hành.
Đến tháng 10-1966 , Chiến dịch Ranch Hand đã mở rộng hơn nên một Phi đoàn mới được thành lập, chuyên lo về khai quang, phun thuốc diệt muỗi : đó là Phi đoàn 12 ACS (lúc cao điểm của Chiến dịch Phi đoàn có đến 24-25 phi cơ .
Tháng 12-1966 Phi đoàn này di chuyển từ Tân Sơn Nhứt về Biên Hòa. (Đây là lý do các chuyên viên KQ Mỹ đã đến phi trường Biên Hòa năm 2019 để giúp thu hồi các thùng thuốc khai quang còn chôn tại một khu vực đầu phi trường).


Sau đó do nhu cầu khai quang, các đơn vị Ranch Hand cũng chuyển ra các căn cứ tạm tại Đà Nẵng (64-71), Phan Rang (70-72), Nha Trang (68-69), Phù Cát (68-70)..
Loại thuốc khai quang , được sử dụng trong giai đoạn đầu là 24D/25T , một loại thuốc diệt cỏ rất thông dụng (lúc đó) và dùng tại khắp nơi trên thế giới kể cả Hoa Kỳ. Các phi cơ trong Chiến dịch Ranch Hand phun loại thuốc khai quang có tên là Thuốc diệt cỏ màu Da cam ( Herbicide Orange ) ( Tên này do thuốc khai quang được đựng trong các thùng 55 gallons, bên ngoài thùng có những vạch sơn màu cam, với mục đích giúp phân biệt các loại hàng tiếp liệu khi chuyển vận). Herbicide Orange diệt được cỏ dại, cây hoang, cây mọc thành bụi rậm và cả cây có lá mọc thành tán rộng..Trong thành phần của những hỗn hợp diệt cỏ có chất Dioxin (chất sau này được cho là gây các hậu quả nguy hại về sinh học).


Trong suốt thời gian sử dụng (chấm dứt năm 1971), thuốc đã được phun trên 41% rừng ngập mặn (mangrove) tại Nam VN , và cũng phun trên 19% rừng rậm, 8 % khu vực đất trồng trọt. Trong tổng số 19 triệu gallon thuốc khai quang đã được phun tại Nam VN có 11 triệu gallon thuộc loại Agent Orange..
Phi vụ hành quân khai quang đầu tiên được thực hiện ngày 13 tháng Giêng 1962.
Ngày 2 tháng 2, 1962, một chiếc UC-123 B (S/N 56-4370) do phi hành đoàn 3 người (Đ úy Fergus C. Grove, Đ úy Robert Larson và Tr sĩ Milo Coghill) điều khiển bị rơi trên một khu rừng rậm gần Quốc lộ 15; khúc giữa Biên Hòa-Vũng Tàu, đây là một phi vụ huấn luyện; cả ba nhân viên thiệt mạng, không rõ lý do phi cơ gặp nạn. Đây là chiếc phi cơ đầu tiên của KQHK bị thiệt hại trên chiến trường Nam VN (theo ghi nhận.. chính thức ?).
Tuy nguyên nhân của vụ phi cơ bị rơi không rõ nhưng Không lực Số 13 (13th AF) đã quyết định các phi vụ khai quang phải được các phi cơ khu trục của Air Commando bay kèm để bảo vệ .
Tháng 4-1964, một phi vụ phun thuốc khai quang bằng 2 UC-123 trên một khu vực sông lạch phía Nam phi trường Tân Sơn Nhứt, phi vụ được hộ tống bởi hai phi tuần của KQVNCH gồm 4 A-1 và 4 T-28 . Phi vụ này bị CQ bắn lên bằng đại liên .50..chiếc số 2 trúng đạn phải bay về đáp tại Sóc Trăng và các phi cơ khu trục VNCH đã oanh kích trả đũa..
Số phi cơ UC-123 được tăng theo nhu cầu vào 1965 lên thành 7 chiếc : Tháng 5-1964, Ranch Hand bay 20 phi suất, nhưng tháng 5-1966 số phi suất tăng lên đến 244..Công tác khai quang không chỉ trong nội địa VN mà còn cả trên đường mòn HCM trên lãnh thổ Lào.
Qua 1968, các phi cơ UC-123 B của Ranch Hand được thay bằng các UC-123 K , trang bị thêm máy phản lực phụ.. tăng sức đẩy khi cất cánh, tăng trọng tải .. nên tăng được năng xuất hoạt động..
Chiếc UC-123 thứ nhì thiệt hại trong một tai nạn khi đáp, phi hành đoàn thoát nạn.
Các UC-123 trúng đạn khi hoạt động là việc rất bình thường, khi bay với vận tốc 150 mph ở cao độ 150ft trên các khu vực rừng rậm tại Nam VN.



Tổng kết sau 10 năm hoạt động, các phi cơ của Ranch Hand bị trúng đến 7000 vết đạn ! Chiếc UC-123 K (Số hiệu 56-4362) nổi tiếng nhất , hiện trưng bày tại Viện bảo tàng Air Force Museum tại Căn cứ KQ Wright-Patterson, Ohio, là chiếc có tục danh "Patches’ với 800 vết đạn , dán băng nhôm..có keo, trên toàn thân KQ HK đã mất 25 nhân viên phi hành trong các phi vụ khai quang tại VN. Các nhân viên của Ranch Hand được xem là những anh hùng ‘không tên tuổi' và trong Chiến dịch này còn có những nhân viên đúng hơn là quân nhân VNCH cũng không bao giờ được nhắc đến trong các công tác chất hàng, thả hàng..
Một cuộc hành quân khai quang đáng ghi nhận là ‘hành quân đốt rừng’ Bời lới tại Tây Ninh tháng 3-1965 (Bời Lời là khu rừng rậm cách Sài Gòn 25 miles về phía Tây-Bắc; cách biên giới Miên 10 miles; trong khu vực Chiến khu C của CQ).
Các cuộc hành quân của quân Việt-Mỹ không thể trục được CQ khỏi vùng !
Cuộc hành quân ‘đốt rừng' được đặt tên là ‘Sherwood Forest' : Khu rừng rộng 18,500 acres này là nơi trú ẩn của một Trung đoàn CQ cùng các đơn vị du kích địa phương..có khoảng 100 acres hoa mầu. Vùng này được xem là khu vực do CQ kiểm soát có khoảng 6000 dân. Kế hoạch của Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ tại VN (MAC-V) là tưới đẫm xăng vùng Đông-Nam khu rừng sau đó dùng các loại bom napalm, phosphorus và bom lửa đế gây cháy.. theo lý thuyết dự trù là đám cháy sẽ lan rộng nhờ.. gió để gây cháy càng nhiều càng tốt ?
Khu rừng được phun 83,000 gallon thuốc diệt cỏ, sau đó ngày 31 tháng 3-1965 24 phi suất UC-123 thả mỗi phi suất 1200 gallon xăng xuống góc Đông-Nam đã trụi lá.. Các Skyraiders sau đó bay 29 phi suất, thả mỗi phi suất 13 quả napalm vào đó, tiếp theo sau là 8 chiếc B-57 thả mỗi chiếc 8 quả bom gây cháy M-35 vào tụ điểm..
Nhưng sau khi đám cháy được khởi phát, một cơn mưa giông kéo đến gây đẫm nước và sau đó cơn giông thứ nhì .. dập tắt luôn đám cháy này ..



Hành quân thất bại .. do Trời ?

Chiến dịch khai quang bị chống đối về chính trị trong và ngoài Hoa Kỳ nên số phi vụ giảm dần : từ trung bình mỗi tháng 400 phi suất (năm 1969) xuống còn 40 phi suất trong quý đầu 1970.. Các phi vụ khai quang sau cùng được bay vào ngày 7 tháng Giêng 1971..

Một số thiệt hại được ghi lại :
- Ngày 20 tháng 6 năm 1966 , chiếc UC-123 S/N 56-4378 của 309 ACS bị rơi tại 5km Bắc Tam Kỳ do trúng đạn CQ khi đang phun thuốc khai quang. Phi cơ đáp khẩn cấp và bốc cháy. Phi hành đoàn 3 người được trực thăng TQLC cứu thoát và phi cơ sau đó được B-57 dội bom phá hủy.
- Ngày 31 tháng 10 năm 1966 , chiếc S/N 54-0597 của 12 ACS bị bắn rơi khi đang khai quang tại 13 km Tây Lai Khê. Phi công đáp khẩn cấp trên tàng cây, cách mặt đất 20-30 ft. Phi hành đoàn được cứu thoát..
- Ngày 31 tháng Giêng, 1967 , hai UC-123 cùng bay trong một phi vụ khai quang phía Tây Tchepone 24 km. Chiếc 54-0611 của 12 ACS bị bắn trúng đạn, rơi và bốc cháy, 5 nhân viên phi hành tử nạn; Chiếc thứ nhì cũng trúng đạn nhưng bay được về Khe Sanh.
- Ngày 20 tháng 7-1967, chiếc S/N 54-060 của 12 ACS , bị trúng đạn và bốc cháy trong phi vụ khai quang tại khu vực quanh Gia vực. Phi hành đoàn 5 người tử trận trong đó có Trung sĩ áp tải Lê tấn Bộ của KQVNCH.
- Ngày 4 tháng 9 năm 1967 : một tai nạn đã gây tổn thất cao nhất cho nhân sự của Ranch Hand. Phi cơ S/N 54-0621 do Trung tá Merle Turner chỉ huy Ranch Hand điều khiển bay từ Biên Hòa đi Nha Trang.. gặp nạn tại Bảo Lộc. Tất cả phi hành đoàn (3 người) và hành khách đều tử nạn, trong số hành khách có 8 quân nhân của Ranch Hand : 4 người theo chuyến bay ra Nha Trang để mang một chiếc UC-123 bị hư hại về lại Biên Hòa sau khi sửa chữa xong..
- Ngày 23 tháng 5 -1968, chiếc 54-588? của 12 ACS bị trúng đạn khi hoạt động gần Xóm Rạch Gốc..Phi cơ rơi xuống biển.. Phi hành đoàn 3 người tử nạn..
- Ngày 10 tháng 2-1971 chiếc S/N 56-4373 là chiếc cuối cùng của Ranch Hand bị rơi tại Phan Rang khi đang phun thuốc.. trừ muỗi..Phi cơ rơi khi bay xuống thật thấp để chụp ảnh. 5 nhân viên phi hành thiệt mạng..
- C-123 và Kế hoạch Mule Train Trong lúc ‘Farm Gate’ còn đang trong giai đoạn sơ khai, Bộ Chỉ huy KQ Mỹ tại Thái bình dương (Pacific Air Force=PACAF) đang lo tìm thêm các phi cơ vận tải để gửi sang VN. Bộ Chỉ huy KQ Chiến lược (TAC) đang còn có 5 phi Đoàn C-123 B, chờ giải thể, thuộc Không đoàn Không vận 464 (Troop Carrier Wing, tại Căn cứ KQ Pope, do đó một phi đoàn đã được gửi đến Tân
sơn Nhứt, phi đoàn này đến Saigon ngày 2 tháng Giêng 1962. Kế hoạch Mule Train bắt đầu…



Các C-123 đầu tiên của 777 TCS đã thả Tiểu đoàn 5 ND VNCH ngày 5 tháng 3 năm 1962 đề giải cứu Tiền đồn Bổ túc (sát biên giới Miên)
Phi đoàn thứ nhì đến TSN vào tháng 5-1962 Tháng 10-1962 , trong cuộc hành quân vào Chiến khu D : 5 chiếc C-123 và 12 C-47 của KQVN đã thả 500 quân Dù vào trận.
Rồi Phi Đoàn thứ ba đã đến Đà Nẵng vào tháng 4-1963.
Ngày 2 tháng Giêng 1963, 6 chiếc C-123 đã thả dù 319 quân tiếp viện trong trận Ấp Bắc..
Các phi đoàn C-123 được đặt dưới quyền chỉ huy của 315th Troop Carrier Group (Không vận chiến đấu). TCG này chính thức hoạt động ngày 8 tháng 12 năm 1962.
Trong khi các phi đoàn C-123 tại Hoa Kỳ đang được thay thế bằng các C-130 Hercules KQ HK đề nghị chuyển hết các C-123 sang Lực lượng Không Quân trong Chiến tranh Đặc biệt (Special Air warfare Force = SAWC). SAWC đã thành nơi tồn trữ tất cả các C-123 sẽ được đưa sang Đông Nam Á kể cả các C-123 phun thuốc diệt cỏ, chiếu sáng chiến trường.. Các C-123 còn lại của 464 Tactical Airlift Wing (TAW) đang ở Căn cứ Pope được chuyển về Hulrburt cùng các nhân viên phi hành và không phi hành cốt cát.
Ngày 1 tháng 7, 1964 nhóm này trở thành Phi đoàn 317 Air Commando, Không vận.
Công việc huấn luyện về C-123 cũng chuyển về Hulrburt và các đơn vị C-123 trỏ thành các đơn vị trực thuộc Air Commando.
Trong khoảng thời gian này, đã có 3 Phi đoàn vận tải C-123 hoạt động tại VN. Do nhu cầu không vận gia tăng nên Phi đoàn thứ 4 đã được gửi thêm đến VN : 16 phi cơ đến Tân Sơn Nhứt ngày 1 tháng 10, 1964 và đây là Phi đoàn 19 ACQ, Phi đoàn đến đúng lúc đang có nhu cầu vận chuyển các phẩm vật cứu trợ lụt tại VN.
Trong 6 tháng đầu năm 1964 , các C-123 đã thả 1270 tấn tiếp liệu, chuyển vận 1252 binh sĩ và 115 tấn thiết bị, bay 239 phi vụ thả hỏa châu..
Tháng 3-1965 , 315 TCG (Troop Carrier Group) đổi tên thành 315 ACG và gồm 4 Phi đoàn 19, 309, 310 và 311 ACQ . Các phi đoàn 19 và 309 trú đóng tại Tân Sơn Nhứt ;
310 tại Nha Trang và 311 tại Đà Nẵng..
Mỗi Phi đoàn có 4 Phi đội và mỗi phi đội có 7 nhân viên phi hành 315 ACG còn chỉ huy luôn 12 ACQ là Phi đoàn Ranch Hand (xem phần trên)
Trong 315 ACG còn có một nhóm phi công Thái lan bay riêng 2 chiếc C-123..
Năm 1965 tại VN chỉ có 4 phi trường đủ khả năng tiếp nhận các phi cơ C-130 . Các phi trường khác trên toàn quốc chỉ có những phi đạo dùng cho C-7 Caribou và C-123 và lúc này C-123 dùng làm phi cơ vận chuyển nhân sự, hàng hóa đến các căn cứ tiền đồn, tiếp liệu cho các đơn vị LLĐB Việt-Mỹ, thả dù quân và thả hỏa châu yểm trợ tiền đồn khi được yêu cầu.
Các phi vụ thả hỏa châu, có ký hiệu Smokey Red : mỗi đêm mỗi phi đoàn có sẵn một phi cơ cùng phi hành đoàn trực sẵn sàng bay phi vụ..Phi cơ sẽ cất cánh lúc hoàng hôn và có khi bay suốt đêm, phía sau chất đầy hỏa châu (magnesium flares)..các phi vụ này thường có các AC-47 (vận tải võ trang) cùng bay..
Thời gian cuối 1965, CQ mở nhiều cuộc tấn công vào các Trại LLĐB dọc biên giới và C-123 đã trở thành lực lượng không trợ chính trong các cuộc cung cấp đạn và thực phẩm cho các Trại khi đường bộ bị cắt đứt. Rất nhiều phi vụ đã đáp đêm trên phi đạo đất nện dài 1500 ft, không đèn chiếu sáng, dùng đèn pin dẫn đường !
Trong những năm đầu tiên (1962) khi các C-123 được đưa đến VN , một số tổn thất đã được ghi nhận:
- Chiếc C-123 thứ nhì (chiếc thứ nhất bị tổn thất trong phi vụ khai quang, xem bên trên) hư hại ngày 20 tháng 4 năm 1962, SN/56-4368, chuyển tiếp liệu đến trại Hiệp Khánh, đáp nhầm địa điểm , phi đạo quá ngắn, đã rơi khi cất cánh lại !
- Ngày 15 tháng 7 năm 1962 , chiếc SN/56-4366, rơi tại Nam Ban mê Thuột 24 km, phi cơ đáp xuyên mây, bị rơi khi phải lấy lại cao độ khẩn cấp vì trần mây quá thấp. 4 nhân viên phi hành bị thương..
- Ngày 24 tháng 10, 1963 SN/56-4385 bị bắn rơi tại 104 km Nam Saigon trong phi vụ thả hỏa châu. 4 nhân viên phi hành Mỹ tử nạn cùng 4 quân nhân áp tải thả hỏa châu của KQ VNCH.
- Ngày 23 tháng 7, 1964 SN/56-4283 lạc ra ngoài phi đạo khi đáp xuống Trại Gia vực, đâm vào doanh trại và bốc cháy, tuy nhiên phi hành đoàn thoát nạn..
- Ngày 24 tháng 10, 1964 trong phi vụ tiếp tế đạn cho Căn cứ Bu Prang, SN/55-4549 cất cánh từ Nha Trang, trúng đạn phòng không của CQ khi đang trên không phận Trại, bắn từ bên kia biên giới Cambodia.. Động cơ bên phải bốc cháy và phi cơ rơi xuống bên phần đất VN gần Phum Dak Dam..
Trong những năm 1965-66, nhu cầu quá cao, phi cơ không được bảo trì đúng mức nên bị thiệt hại khá nhiều, phi đạo quà thô sơ cũng gây tổn thất :
- 4 chiếc C-123 bị mất khi đáp tại An Lộc, Tuy Hòa và Qui nhơn
- Phi đạo dốc tại An Lộc ..gây 6 tai nạn (1965-66) , đa số đụng phải trục thăng đang đậu..
- Một C-123 khi đáp xuống Dầu Tiếng đụng một Chinook bên phải phi đạo rồi va vào một Huey bên trái !
Động cơ thiếu bảo trì gây những tai nạn đáng tiếc ! 3 chiếc C-123 bị nạn do thiếu xót loại này (65-66)
- Chiếc thứ nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long : 75 quân nhân thoát nạn khi phi cơ phải đáp xuống ruộng !
- 2 tai nạn vào 1966 trong đó 46 quân Mỹ tử nạn khi chiếc C-123 chở họ rơi tại An Khê. Ngày 25 tháng Giêng 1966, chiếc C-123 S/N 54-0702 của 311 ACS bị rơi tại vị trí 9 km phía Đông An Khê trên một triền núi cạnh đèo An Khê bên QL 19, phi cơ chở 42 binh sĩ (CIDG) trang bị đầy đủ, chuyển từ An Khê đến Trại LLĐB Bổng Sơn, cách An Khê 65 km về phía Đông-Bắc. Phi cơ hư một động cơ khi đang bay trong mây và đang tìm cách bay về lại An Khê. Phi hành đoàn 4 người cùng tử nạn với 42 binh sĩ.
Bay trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tầm quan sát giới hạn khi bay thấp trong khu vực núi non cũng là lý do gây tai nạn. C-123 không được trang bị radar báo động thời tiết.. và tài của phi công là yếu tố quyết định !
- Giữa 1965, một C-123 của 310 ACS đã đâm vào núi khi bay thả dù tiếp liệu tại Nam Pleiku ; 9 quân nhân tử nạn. (Ngày 11 tháng 6 năm 1965, chiếc SN/56-4379 của 310 ACS rơi tại 13 km Nam phi trường Holloway-Pleiku)
- Tháng 12-65. trong chuyến bay từ Pleiku về Tuy Hòa.. C-123 rơi, 4 nhân viên phi hành đoàn cùng 81 quân Dù tử nạn (Vụ này được viết nhiều trên báo hải ngoại)
- Tháng Giêng 1966, một C-123 trong phi vụ thả hỏa châu tại Bắc An Khê đã đụng một Skyraider trên vùng yểm trợ và 6 nhân viên tử nạn. ( 13 tháng Giêng 1966 , chiếc S/N 55-4519 của ACS đã rơi sau khi đụng phải chiếc Skyraider đang yểm trợ chiến trường).

Phi cơ đụng nhau khi đáp cũng gây thêm tổn thất !
- Một C-123 đang đậu tại Phi trường Đà Nẵng, cũng bị hủy khi bị một phi cơ của KQVNCH đáp .. trúng ! (28 tháng 5 năm 1965, SN/57-6292 của 311 ACS bị hủy khi một Skyraider của KQVNCH đáp trúng). (Phi trường Đà Nẵng, 1965, là nơi đậu của 43 chiếc F-100, 25 chiếc AH-1 của KQVN, 24 trực thăng TQLC Mỹ, 18 chiếc O-1, 16 chiếc C-123 , 14 chiếc F-104 , 4 chiếc C-130, 3 trực thăng của KQVN, 3 chiếc HU-16 cứu nạn.. nhiều F-105 .. ngoài ra còn các phi cơ của HQ, KQ bay đáp tạm rồi bay đi ..Các phi cơ của TQLC Mỹ .. không có chỗ đậu !)
(Trong khoảng 65-66, con số tổn thất về C-123 của Air Commando lên đến 11 chiếc)
- 3 tháng 2, 1966 chiếc SN/55-4537 mất tích cách Khe Sanh 15 km, có lẽ trúng đạn phòng không của CQ, Phi hành đoàn Mỹ 4 người cùng tử nạn với 4 quân nhân áp tải của KQVNCH
- 30 tháng 6 , 1966 chiếc SN/54-0644 , hỏng một động cơ, đáp khẩn cấp xuống phi trường Qui Nhơn, một nhân viên tử nạn và 3 thoát nạn
- 26 tháng 11, 1966 chiếc 56-4367 gặp nạn tại Dầu Tiếng. Ngay sau khi cất cánh phi cơ trúng đạn CQ, bể hệ thống thủy áp gây hoảng loạn cho các quân nhân Dù đang trên phi cơ.. Phi cơ đáp bụng ..35 binh sĩ và phi hành đoàn thoát nạn.
Từ 1967 đến 1971 (khi KQHK chuyển giao các C-123 cho KQVNCH) một số phi cơ đã bị tổn thất trong nhiều trường hợp khác nhau .



C-123 trong các Công tác của SOG
(SOG = Studies and Observation Group)

Các phi cơ C-123 được SOG sử dụng trong một số phi vụ đặc biệt của SOG . Chương trình này của KQ được đặt tên là Kế hoạch Duck Hook . Về phía SOG, kế hoạch phá hoại xâm nhập miền Bắc được gọi là Project Alpha và phần thả dù các biệt kích thuộc Oplan 34.
Kế hoạch này nhằm huấn luyện, tại Hurlburt, về điều khiển C-123 cho 38 nhân viên Trung Hoa Taiwan và 22 quân nhân KQVNCH (10 trong số 60 người này là các nhân viên thông dịch). KQ VNCH tổ chức được 3 phi hành đoàn để bay các C-123 đặc biệt này. Các nhân viên phi hành được học về cách bay đêm, bay thấp, bay trong các điều kiện thời tiết xấu tại các vùng núi trên 3 chiếc C-123 được trang bị đặc biệt. Các nhân viên phi hành này sẽ bay các phi vụ đặc biệt trên không phận Bắc VN ..
Để đáp ứng cho nhu cầu đặc biệt của SOG , 6 chiếc C-123 B đã được lắp đặt thêm một số thiết bị như ATIR (Reverse repeater) BSTR (Transmitter Receiver), thiết bị điện tử phá sóng radar, hệ thống phi hàng Doppler APN-153 /ASN-25..
Tháng 7 năm 1964, toán 1 của 775 TCS cùng 6 chiếc C-123 trang bị đặc biệt, rời Hurlburt bay đi Nha Trang. Các phi cơ này tuy hữu hiệu cho các phi vụ xâm nhập BV và thả dù tái tiếp tế cho các toán đang hoạt động nhưng sau đó một số nhược điểm đã được ghi nhận : tuy BV không có radar để tìm ra phi cơ khi bay đêm,nhưng hệ thống súng phòng không BV cũng gây trở ngại cho các chuyến bay thấp trên không phận BV; địa hình núi non khiến phi cơ chỉ bay được khi đủ sáng do ánh trăng. Cho đến tháng 11, 1964 , chỉ một phi vụ tái tiếp tế được thực hiện. Phi vụ kế tiếp bay ngày 25-12-1966 và trong 3 tháng đầu 1967, có 7 chuyến bay thả đồ tiếp tế, Trong tháng 9, 3 trong 6 toán được thả dù xâm nhập..Tuy nhiên cho đến cuối 1968, có thêm 7 phi vụ SOG được thực hiện. Ngoài các phi vụ xâm nhập, các C-123 cũng được dùng trong các phi vụ chiến tranh tâm lý như thả truyền đơn, thả các radio để dân nhặt được nghe đài ..tuyên truyền của miền Nam như "Gươm thiêng ái quốc"..
- Phi vụ đặc biệt nhất là Phi vụ thả toán Centaur, do phi hành đoàn KQ VNCH thực hiện ngày 10 tháng 12 năm 1964. SN/55-4522 đụng núi Sơn Chà , cách Đà Nẵng 10 km. Tất cả tử nạn. (Phi cơ chở 33 quân nhân biệt kích, 6 nhân viên phi hành KQVNCH, 2 quân nhân Mỹ và 1 huấn luyện viên nhảy dù VN)
Xin đọc bài "Chiếc C-123 ngộ nạn tại Sơn Chà " của Trần Lý còn lưu trữ trong ‘hqphidung' Số ‘đăng bạ’ của phi cơ, do nhu cầu bảo mật, thay đổi nhiều lần..từ AD(64) rồi TA (65) dù phi cơ đã bị hủy hoàn toàn sau tai nạn ! Ngày gặp nạn cũng ghi ‘tượng trưng' trong một số tài liệu là 22 tháng 12, 1964 ? (chiếc 55-4549 bị bắn rơi tại Cambodia ghi ngày 24-10-64 cũng không phải là ngày có phi vụ)
- Phi vụ ‘không ghi chép’ ngày 27 tháng 6, 1965, chiếc C-123 không số rơi tại Xóm Long Định .. trên phi cơ ngoài 2 phi công còn có 14 nhân viên Taiwan.. Phi vụ được xếp vào loại ‘tối mật'. Phi vụ này KQ Taiwan có ghi thiệt hại trong báo cáo của Republic of China Air Force 34th Squadron cho là của họ, nhưng chiếc C-123 này lại của KQHK trong SOG, có lẽ là SN/56-4356 .


Tài liệu tổng kết của Quân sử KQHK ( US AF in Southeast Asia 1965-68) ghi lại :
‘ Hai đơn vị đóng tại Nha Trang để yểm trợ cho MACV-SOG.. Một trong hai đơn vị này, Toán Số 1, sử dụng 6 phi cơ trang bị Heavy Hook C-123 đê thả người xâm nhập, bốc người và thả dù tiếp liệu cho các nhân viên đang hoạt động tại Bắc VN, thả các tài liệu chiến tranh tâm lý, đồng thời chuyển vận tiếp liệu cho các hoạt động của SOG. Từ 1964 USAF huấn luyện 7 phi hành đoàn Taiwan (và 3 của KQVNCH) để bay các phi cơ này.
Từ 1965 các phi cơ này đã bay 22 phi vụ ra Bắc, 30 phi vụ tâm lý chiến và chuyển vận 656 ngàn lbs hàng hóa..Năm 1966 thả 16 toán, bay 42 phi vụ tâm lý chiến, chuyển vận 5 triệu lbs tiếp liệu .. Qua 1967 các phi vụ đều do phi công HK bay ..’

Tháng 3 năm 1964, KQ Hoàng Gia Thái yêu cầu HK cung cấp cho họ 2 chiếc C-123, sơn cờ hiệu KQ Thái để chứng minh cho sự tham chiến của Thái bên cạnh HK tại VN Tuy nhiên vì HK không có sẵn các C-123 tồn kho nên các phi công Thái được gửi đến VN và bay chung với các phi hành đoàn của 315 ACW.. Trong số 21 nhân viên phi hành Thái sau đó có 5 người bay chung với các Phi công VN trên các C-47.. (xem C-123 Provider trên www.globalsecurity.org/military/systems/aircraft/c-123)

Một số phi vụ ‘đặc biệt' của C-123 của KQ HK

Từ 1965, khi quân đội HK trực tiếp tham chiến tại VN, Bộ Chỉ huy Không vận của KQHK đã tổ chức lại nhiệm vụ của các phi đoàn vận tải để đáp ứng cho nhu cầu chiến trường : Hệ thống vận tải bao gồm các C-130 mới đưa vào VN, các C-123 đang sử dụng và cả các C-7 Caribou (do Lục quân chuyển sang)..Nhiệm vụ các loại phi cơ được phân chia theo khả năng đáp tùy chiều dài của phi đạo, trọng tải.. C-130 cần phi đạo dài 2500 ft , C-123 có thể đáp ở 1800 ft và C-7 chỉ cần 1200 ft. C-123 thích hợp cho các phi vụ chuyển quân đến các nơi mà C-130 không đáp được. C-123 được dùng trong hầu hết các phi vụ thả dù quân và hàng tiếp liệu..

Con số phi vụ của C-123 tại VN của KQHK lên đến mức kỷ lục là 9707 chuyến/ tháng trong năm 1969.
Quân sử của KQHK ghi nhận một số ‘chiến tích' đặc biệt của các C-123 trong các phi vụ hành quân tại Việt Nam :
- Trận A Shau : 10 tháng 3 năm 1966 .
Trung đoàn 95 BVCQ tấn công Trại LLĐB A-shau nơi lực lượng phòng vệ gồm 17 SF và 375 quân CIDG. Phi đoàn 311 ACQ đã gửi 2 C-123 giúp chuyển đạn dược và đồ tiếp liệu cho quân trú phòng đang bị bao vây và tấn công liên tục. Hai phi cơ được giao nhiệm vụ thả dù tiếp liệu khẩn cấp ở cao độ thật thấp. Trại A-shau ở một vị trí hiểm trở, nằm cuối một thung lũng dài 3000 f, hẹp bề ngang có chỗ chỉ 1/2 mile.. Hai chiếc C-123 chất 6 kiện hàng nặng 1800 lb đạn và thuốc men.. cất cánh từ Đà Nẵng, bay vào thung lũng theo hướng dẫn của một C-130 bay trên cao làm nhiệm vụ điều không. Điều kiện thời tiết rất xấu, mây phủ cao độ 8000 ft xuống đến 300 ft trên mặt đất.. phi công không thấy nổi vách núi.. Các C-123 bay quanh khu vực ở cao độ 8000 ft chờ các phi tuần A-1 và B-57 đang oanh kích.. một AC-47 đã bị rơi trong thung lũng. Một Skyraider (do Th tá Bernard Fisher tìm được một ‘lỗ trong mây' nhào xuống và 2 C-123 cũng liều lĩnh ..chui theo bay theo linh tính, trần mây lúc này chỉ ở 150-200 ft trên ngọn cây.. CQ bắn vào phi cơ với đủ loại súng ! Các phi cơ oanh kích đang hoạt động trong một không phận quá hẹp.. Hai C-123 bay và thả các kiện hàng trong các điều kiện ‘khó tưởng tượng' nổi.. Sau khi hoàn thành công tác .. mỗi phi cơ bay về Đà Nẵng với hàng trăm vết đạn..

- Di tản Khâm Đức : 12 tháng 5, 1968
Cuộc di tản này được Quân sử của KQ HK cho là hỗn loạn và thiếu tổ chức. KQ dùng các C-130 làm lực lượng chính cho cuộc rút quân. Tuy nhiên các C-123 cũng tham dự và giúp di tản.. Nhóm đầu tiên được C-123 bốc lúc 11 giờ trưa gồm 70 người trong đó 44 quân công binh..Sau đó các C-130 lo việc di tản ..bỏ quên 3 quân nhân điều hành không lưu lại tại phi trường, một C-123 được gửi tới đơn độc .. liều tự đáp để đón các nhân viên này ! Đại tá phi công Jackson năm 1969 đã được ân thưởng huy chương Medal of Honor trong phi vụ này..
Trước đây ngày 15 tháng 4, 1967, SN/55-4575 (chiếc C-123 K đầu tiên gặp nạn) bị gẫy bánh đáp tại Khâm đức, trong một phi vụ tiếp tế. 5 nhân viên phi hành thoát nạn.

- Khe Sanh : Tháng 3-1968
5 chiếc C-123 đã bị tổn thất trong các phi vụ tiếp tế cho Căn cứ Khe Sanh : Tại đây do mưa pháo của CQ, các C-123 đã áp dụng cách bay đặc biệt :
‘ ..Khoảng 75 giây trước khi đến khu vực thả hàng, phi cơ hạ cao độ 3000 ft /phút, bình phi ở cao độ 800 ft.. bay tiếp trong 15 giây, thả hàng và bay ngay lên cao..tránh tầm đạn CQ.’
Cũng tại Khe Sanh, C-123 vẫn đáp xuống phi đạo dù KQHK đã ngưng cho phép C-130 đáp . C-123 chở vào căn cứ các loại hàng không thể thả dù, di tản thương binh, đổi quân.. C-123 đáp 179 chuyến và thả dù 105 chuyến cho Khe sanh..
- 1 tháng 3, 1968 : SN/54-0694 rơi khi cất cánh vì trúng đạn cối pháo kích cả 10 nhân viên chạy được khỏi phi cơ thoát nạn.
- 6 tháng 3, 1968 : SN/ 54-0590 rơi tại 1.6 km Nam Khe Sanh , khi bay quanh trên Căn cứ chờ đáp sau một phi cơ nhỏ đang trên phi đạo. Phi cơ trúng đạn và bốc cháy .Phi hành đoàn 4 người tử nạn cùng 44 quân TQLC Mỹ của toán tiếp viện , và 1 nhiếp ảnh viên chiến trường..
- 7 tháng 3, 1968 : SN/ 54-0594 trùng đạn cối khi đang ra phi đạo , không bay lên được và bị hủy khi trúng thêm đạn cối pháo kích ngày hôm sau..
- Trong các năm 1968-1971 ( khi KQ HK chuyển sang sử dụng C-130 thay cho các C-123 giao cho KQ VNCH) , các C-123 vẫn là phương tiện chuyển vận chính của KQHK trong các phi vụ chuyển quân cho cả Quân đội Mỹ và Việt trên các chiến trường.
Một số phi vụ đáng chú ý như :
- 18 tháng 5, 1969 : tại Biên Hòa, SN/54-0639 trúng đạn 12.7 phòng không của CQ tại Tánh Linh. Phi cơ cố gắng bay về đáp tại Biên Hòa nhưng rơi cách phi trường khoảng 6 cây số về phía Bắc. Toàn bộ nhân viên phi hành tử nạn kể cả áp tải viên của KQ VNCH.
- 10 tháng 10, 1969 : tại Kiên Giang, SN/54-0642 rơi khi tái cất cánh, có thể do trục trặc của hệ thống bơm xăng, phi cơ lạng sang bên trái..bay lên không nổi khi cất cánh quá thẳng..
- 17 tháng 12, 1969 : tại Gia nghĩa, SN/55-4562 chở xăng tiếp liệu, đáp ‘ngắn' (?) phi cơ gãy đôi , bốc cháy..
- 3 tháng 1, 1970 : tại Bình Thủy (Cần Thơ) SN/54-0688 khi đáp, đụng các thiết bị chữa cháy còn trên phi đạo, bể bánh đáp, phi cơ lạc xuống ruộng..Phi hành đoàn thoát nạn..Phi cơ bị hủy hoại sau vài ngày.. ngập dưới nước ruộng.
- 10 tháng 8, 1970 : tại phi trường Cam Ranh SN/55-4527 khi đang tập bay hành quân, hạ cánh nhưng cánh phụ bị hư, mất điều khiển, đâm xuống biển, chỉ điều hành viên sống sót.
- 27 tháng 11, 1970 : 25 km Tây- Nam Nha Trang , trong phi vụ chuyển quân cho QL VNCH, SN/554574 bay trong điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn giới hạn .. đụng sườn núi khoảng 4600 ft, phi cơ rơi xuống rừng cây cao độ 500 ft bên dưới . Xác phi cơ lâm nạn tỉm được sau đó 9 ngày. Phi hành đoàn 6 người cùng tử nạn với 73 quân nhân VNCH.
- 29 tháng 11, 1970 : 20 km Nam Vịnh Cam Ranh, SN/54-0649 bay từ Phan Rang đi Nha Trang, rơi do thời tiết xấu, từ 2700 ft xuống đất . 30 quân nhân Mỹ, 11 nhân viên KQHK và 10 quân nhân VNCH tử nạn . Hai quân nhân VNCH sống sót băng rừng tìm ra lộ và được cứu sau 5 ngày ; 2 quân nhân Mỹ được cứu sau 7 ngày sống quanh xác phi cơ.
- 19 tháng 3, 1971 : SN/54-0650 bốc cháy khi đáp xuống Căn cứ Thiện Ngôn vì gãy bánh đáp. Phi hành đoàn an toàn.
Phi vụ cuối cùng của C-123 do KQHK bay vào ngày 30 tháng 4 năm 1971 tại Phan Rang.. và chính thức đình động các C-123 của họ ngày 25 tháng 6, 1972. Các C-123 K sau đó được chuyển cho KQVNCH

C-123 và Không Quân VNCH

Việc sử dụng C-123 của KQ VNCH có thể chia thành 2 giai đoạn : bán chính thức và chính thức.

● Giai đoạn ‘bán chính thức ‘ KQ VNCH dùng các C-123 ‘mượn' của HK Robert Mikesh trong ‘ Flying Dragons: The South VietNamese Air Force' ghi :
Năm 1964, 5 phi hành đoàn của KQVN thuộc Biệt đoàn 83 được gửi sang Hoa Kỳ để học lái các máy bay vận tải yểm trợ chiến trường C-123 B. Khi trở về VN họ sẽ điều khiển 3 chiếc C-123 do KQHK tạm cho mượn. Các phi cơ sơn màu xám nhạt này, tuy mang phù hiệu của KQVN nhưng giữ nguyên số đăng bạ (SN) của KQHK. Các phi cơ có danh hiệu truyền tin ‘White crane=Cò trắng'.
KQVN dùng các phi cơ này trong các phi vụ ‘đặc biệt' rất bí mật (xem SOG). Các phi cơ này được trả lại cho KQHK vào năm 1966.

 Giai đoạn chính thức (khi HK chuyển giao các C-123 cho KQ VNCH) Theo tác giả Nguyễn Hữu Thiện (NHT) trong ‘Ngành vận tải trong Không lực VNCH' thì Hoa Kỳ đã chuyển giao cho KQVN 48 chiếc C-123K để thành lập 3 Phi đoàn Vận tải. Ông NHT ghi lại : (những chữ in nghiêng)

Phi đoàn (PĐ) C-123 đầu tiên được thành lập là PĐ 421 .
Khoảng giữa năm 1970, 48 hoa tiêu vận tải C-47 được đưa sang Căn cứ KQ Lockbourne , Ohio để xuyên huấn trên C-123. Các hoa tiêu phụ thì được tuyển thẳng từ các khóa huấn luyện phi hành.Đầu năm 1971, những Phi hành đoàn tốt nghiệp đầu tiên, sau khi trở về VN được gửi tới bay chung với các nhân viên của 315 TCW tại Phan Rang để rút kinh nghiệm thực tế.
Các chuyên viên kỹ thuật bảo trì cũng được đưa đến đây để huấn luyện. Theo Gene Gurney (VietNam, The War in the Air) : Năm 1970, một Chương trình ‘vừa học vừa làm=on-the-job training’ của KQHK dành huấn luyện cho các nhân viên phi hành VN chuyển sang sử dụng C-123, đã được thực hiện. Các phi công VN sẽ học lái C-123 tại Hoa Kỳ trong khoảng 9 tháng, trước khi Phi đoàn đầu tiên của VN được khởi hoạt, sau đó các phi công VN sẽ được cho bay chung với các phi công Mỹ đang bay C-123 tại VN..

Về chương trình huấn luyện (TL ghi thêm)
Phi công HungPhan .. ghi lại khi đi học TPC/C 123-K tại Ohio :
.. rời cần lái C-47 để qua C-123, chúng tôi có cảm tường như đụng phải một con voi điên, nặng nề và thô bạo, những cú tập đáp sân ngắn, những cú giọng như trời giáng.. tập thả dù..
- Tháng 4-1971 PĐ 421 được chính thức thành lập tại TSN vớii 16 chiếc C-123K. Phi đoàn trưởng là Thiếu tá Nguyễn Quế Sơn ;4 Huấn luyện viên HK vẩn bay chung, ngồi ghế trưởng phi cơ để tiếp tục huấn luyện cho các hoa tiêu VN trong thời gian 2 tháng.
- Với tiến trình tương tự, PĐ C-123 thứ 2, là PĐ 423 , được thành lập cũng tại TSN vào tháng 7-1971 . PĐ trưởng là Thiếu tá Mạc Hữu Lộc.
- Tháng 12-1971 , PĐ thứ 3 : PĐ 425 cũng được thành lập tại TSN do Th tá Nguyễn Thế Thân làm PĐ trưởng.
Trong thời gian hơn 2 năm hoạt động đã có 10 trong số 48 chiếc C-123 K của KQVN bị rơi trong đó có 4 chiếc bị hạ do hoả lực của CQ.
Tháng 1/1973 , cả 3 PĐ bị giải thể và 37 chiếc C-123 K còn lại của KQVN được giao lại cho KQ HK, đổi lại với 32 chiếc C-130 A.
Trong hai năm sử dụng C-123 các PĐ 421, 423 và 425 đã tham dự nhiều cuộc hành quân quan trọng của QLVNCH trên khắp các chiến trưởng đặc biệt nhất là An Lộc.

● C-123 tại An Lộc :
Vai trò của KQVNCH trong Chiến thắng An Lộc (Hè 1972) bị ‘quên' trong chiến sử ! Bài của Trần Lý ‘KQ VNCH và Chiến trường An Lộc' chỉ ghi nhận được vài nét chính về sự đóng góp của KQVNCH. Trong phần hy sinh của C-123, Trần Lý ghi lại :
‘ ..KQVNCH đã phải dùng các C-123..tìm cách thả các kiện hàng ở cao độ thấp từ 700 đến 5000 ft dưới hỏa lực dày đặc của CQ. Các phi vụ thả hàng được thực hiện vào ban ngày, đường bay vào An Lộc đều từ hướng Nam dọc theo QL 13. Khi thả ở cao độ 5000 ft, đa số các kiện hàng bị lạc vào vùng kiểm soát của CQ. Trong hai ngày các C-123 của KQVN thả được 27 chuyến với 135 tấn tiếp liệu phẩm nhưng chỉ 35 tấn đến được tay lực lượng trú phòng.
Ngày 15 tháng 4 : một C-123 K bị hạ , toàn bộ phi hành đoàn hy sinh.
Ngày 19 tháng 4 , một C-123 K khác trúng đạn phòng không, nổ tung..
Trường hợp hy sinh của 2 Phi hành đoàn C-123 tại An Lộc được KQ HungPhan ghi lại (trong email gửi cho TL) :
- PĐ 425, C-123 K, Tail code xH, ngày 15 tháng 6, 1972
Trưởng phi cơ : Tr úy Phạm văn Công
Hoa tiêu phó : Tr úy Hồng
Điều hành viên : Th sĩ Sét
- PĐ 425, C-123 K, Tail code xL, ngày 19 tháng 4, 1972
Trưởng phi cơ : Thiếu tá Nguyễn Thế Thân , PĐ trưởng PĐ 425
Hoa tiêu phó : Th úy Quách Thanh Hải
Cơ phi : Th sĩ Mã Hoàng
Điều hành viên : 2 Đại úy Ngân và Trọng
Áp tải : Th sĩ Thượng..
Phi công HungPhan ghi thêm :
‘ Khi đụng đến An Lộc, không có chuyện bay thấp bay cao gì nữa, bay cỡ nào cũng đụng phòng không mà phòng không hạng nặng, vừa nặng vừa nhiều..
Ngày 15 tháng 4, phi vụ của Phạm văn Công không bị hủy bỏ. Đem tàu sang Hot Cargo (đầu phi đạo 25RH) từ 5 giờ sáng.. 5 chiếc C-123 K của KĐ 53/CT chất đầy hàng và chờ cất cánh..
Các C-123 cất cánh lúc 3 giờ chiều, sau khi tạm hoãn,chờ B-52 trải thảm. Các phi vụ dùng danh hiệu vô tuyến Bookie..Phi công Châu Đúc
Tánh bay Bookie 03, xuống tiếp, sau khi Bookie 02 thả xong, qua màn lưới đạn phòng không CQ.. và khi Bookie 04 của Phạm văn Công vào khu vực thả hàng .. thì trúng đạn, nổ tung.. ‘
Tại An Lộc, ngày 14 tháng 4 năm 1972, các C-123 của KQVN đã thực hiện một phi vụ ‘tối mật' : thả dù các kiện hàng toàn nước đá ! Khi chạm đất chỉ còn.. Dù.. CQ cho là Biệt cách dù nhảy xuống truy tìm Bộ Chỉ huy của họ nên tạm rút .. bỏ trống một khu vực trong vùng Đông-Nam An Lộc và QL VNCH đã dùng vùng này để đổ quân tiếp viện cho An Lộc..

● Các tổn thất khác của C-123 thuộc KQVNCH :
- Trong ‘Phi vụ Kontum' (Tìm Cánh Bay Xưa) Phi công Nguyễn Mai (PĐ 423) có ghi lại tên các phi công của 423 đã hy sinh. PĐ 423 đã mất 4 chiếc C-123 K :
- - Tr úy Tuấn + Th úy Lãng Du
- - Tr úy Trung + Th úy Sơn
- - Tr úy Công + Th úy Hoàng đình Chung
- - Tr úy Kiệm + Th úy Hồng

* Tại Kontum , mùa Hè 1972 các C-123 của KQVN đã bị tổn thất khá nhiều khi bay các phi vụ tiếp tế :
- Ngày 23 tháng 4 , một C-123 bị trúng đạn pháo kích..Đêm 30 tháng 4 các nhân viên kỹ thuật đã từ Saigon bay ra sửa chữa dưới pháo kích
Trong 8 ngày liên tục C-123 của KQVNCH đã bay 15 chuyến vào Kon Tum. 15 tháng 5 thêm 2 C-123 trúng đạn và lại trúng thêm đạn ngày
hôm sau và bốc cháy..Xe ủi đã phải đẩy cả 3 chiếc C-123 hư hại sang bên để khai thông phi đạo. Ngày 20 một C-123 trúng rocket, các phi cơ khác đã không thể đáp..
- Trong ‘Kỷ niệm Sông Bé ‘ Phi công herky482 ghi lại một tổn thất như sau:
Năm 1972, một chiếc C-123 K của PĐ 425 đã mất tại Phi trường Sông Bé vì lý do kỹ thuật..Chiếc XM mới đi làm kiểm kỳ bên Đài loan về do TrU CĐT bay.. sau khi đáp , lúc vô xoải ngược (reverse= cánh quạt xoay chiều để đổi sức đẩy ra phía trước), máy trái không vô reverse nên bị văng ra cỏ, vì tại phi trường nhỏ sự việc xảy ra quá nhanh nên pilot khó chống đỡ, dù phi cơ hư hại nhưng phi hành đoàn vô sự..

C-123 và Air America

Các tài liệu ‘chính thức' của KQHK đều ghi là các C-123 K (37 chiếc) khi KQVNCH giao lại cho HK để đổi lấy các C-130 A , đều được đưa về Mỹ hoặc giao cho KQ các nước khác như Thái, Lào.. nhưng trên thực tế các C-123 vẫn bay trên không phận VNCH như những phi cơ vận tải ‘dân sự’ của hãng Air America.
Air America, theo đăng bộ chính thức, là một hãng hàng không tư nhân, thành lập năm 1959, do Công ty Pacific Corporation làm chủ , trụ sở đặt tại Delaware, USA. (Pacific Corporation là tên ‘vỏ bọc’' của Trung ương Tình báo Mỹ. Tiền thân của Air America là China Air Transport (CAT), một công ty hàng không có quốc tịch Taiwan.
Công ty CAT khởi sự hoạt động vào năm 1946 với 15 chiếc C-46 và 4 chiếc C-47 từ kho ‘dư dùng' của Lục quân HK. CAT nhận bay thuê cho nhiều Chính phủ trong nhiều phi vụ kể cả những phi vụ bí mật như thả dù cho quân Pháp tại Điện Biên Phủ (1954), chuyên chở người di cư VN từ Bắc vào Nam (1954) ..
Air America đã hoạt động tại Nam VN từ 1965 , sử dụng nhiều loại phi cơ vận tải, liên lạc và trực thăng khác nhau, và trong số các phi cơ vận tải có các C-123. (Air America tại Lào từ 1962 trong các kế hoạch của CIA yểm trợ cho lực lượng H'mong của Vang Pao ; chiếc C-123 đầu tiên của Air America bị bắn hạ tại Xieng Khuong ngày 27 tháng 11 năm 1962).

Một số C-123 của Air America đã bị thiệt hại tại VN trong những năm 1974-75 (C-123 chính thức.. rút hết khỏi VN từ 1973 ?)
- Ngày 13 tháng 5, 1974, chiếc SN/55-4531 bị SA-7 bắn trúng tại 6.5 km Nam Tây Ninh, phi cơ buộc đáp khẩn cấp, và bị phá hủy. 4 nhân viên phi hành bị thương
- Ngày 27 tháng 7, 1974, chiếc SN/57-6294 trong phi vụ chở gạo tiếp tế cho Nam Vang, khi bay về lại Saigon trúng SA-7 tại 9 km Nam Mộc Hỏa. Phi cơ phát nổ, phi hành đoàn 4 người Taiwan và 1 nhân viên Phi tử nạn.
- Ngày 3 tháng 1, 1975 , chiếc SN/54-0625 bay từ phi trường Cam Ly (Đà Lạt) về Nha Trang bị trúng SA-7 tại 9km Nam Nha Trang.. Xác phi cơ được tìm thấy sau 4 ngày mất tích..3 nhân viên phi hành cùng 6 hành khách tử nạn. Chiếc phi cơ này trước đó đã trúng đạn súng nhỏ trong các tháng 11 và 12, 1974, có lần phải đáp xuống Nha Trang bằng một động cơ..

Chi tiết kỹ thuật và Các cải biến về C-123

Các chi tiết kỹ thuật và các dạng cải biến của C-123 được viết khá nhiều trên các website và các sách viết về máy bay tiếng Anh..Các chi tiết ghi nhận dưới đây được trích trong C-123 Provider in Action của Al Adcock (Squadron/Signal publications Aircraft Number 124)
Sau các chuyến bay thử nghiệm thành công của chiếc phi cơ mẫu XC-123 A vào năm 1951, KQHK đã đặt mua 5 chiếc C-123 A mẫu do Công ty Chase Aircraft sản xuất và sau đó đặt mua 300 chiếc C-123 B vào tháng 5, 1953.. Các C-123 B này được Chase nhượng quyền sản xuất cho Công ty Fairchild..
Chiếc Fairchild C-123 B đầu tiên xuất xưởng ngày 1 tháng 9 năm 1954.

● Đặc điểm của C-123 B :
- Sải cánh 110 ft
- Chiều dài 75 ft 9 inches
- Chiều cao 34 ft 1 inch
- Trọng lượng trống 29, 900 lbs
- Trọng lượng tối đa 60,000 lbs
- Động cơ 2 P&W 2300 mã lực
- Vận tốc tối đa 245 mmph
- Cao độ tối đa 29,000 ft
- Tầm hoạt động 1470 miles
- Phi hành đoàn 3
- Phi cơ chở được 60 binh sĩ trang bị vũ khí đầy đủ hay 50 cáng khi tải thương

Năm 1958, US Coast Guard (Phòng vệ Duyên hải) nhận 6 chiếc C-123 B (con số phi cơ lên đến 11 vào 1965) , gắn thêm radar vào một khối phình thêm nơi mũi phi cơ, và được gọi là HC-123 B . Các phi cơ này bị phế thải vào 1971 , chỉ có 1 chiếc được HK tặng cho KQ Thái (SN/56-4357) trong thời chiến tranh VN và chiếc này sau đó cũng được gắn động cơ turboprop vào 1980.

● Những cải biến trên C-123 B :
Trong thời Chiến tranh VN, do nhu cầu chiến trường một số C-123 đã được cải biến : các C-123 B này được tạm có ký hiệu NC-123 B (N =Permanent Special Test).
- Các NC-123 B được gắn ‘hệ thống khám phá hồng ngoại’ (infrared detector), bay trên đường mòn HCM để tìm các xe vận tải BV chở hàng xâm nhập chiến trường Nam VN. Các NC-123 B này được điều khiển bởi các phi đoàn hỗn hợp Mỹ, Việt và Taiwan .. Các phi vụ này khởi đầu cho Kế hoạch Duck Hook.
- Một NC-123 B được gắn một giàn đèn cực mạnh đặt trong khoang chở hàng, giàn đèn này chiếu sáng được một khu vực rộng đến 2 miles rưỡi nhưng phi cơ lại dễ trở thành mục tiêu cho phòng không dưới đất; nên chương trình bị bãi bỏ - Một C-123 B được chuyển thành phi cơ riêng dành cho Tướng Westmoreland đặt ký hiệu VC-123 B , gắn ghế riêng, có máy điều hòa không khí, có phòng bếp.. trang bị thêm các hệ thống vô tuyến đặc biệt ..

● Phi cơ thử nghiệm YC-123 H
Đây là chiếc C-123 thử nghiệm đáng chú ý vì là tiền thân của C-123 K mà KQVN đã sử dụng. hiếc YC-123 H này đã được thử và đánh giá hoạt động chiến trường thực tế tại VN từ tháng Giêng đến tháng 4, 1973).
YC-123 H được gắn thêm mỗi bên cánh một động cơ bán phản lực General Electric J-85-15 tăng sức đẩy, tăng trọng tải cho phi cơ lên 26 ngàn lbs, thu ngắn chiều dài phi đạo cần để cất cánh còn 750 ft (thay vì 940 ft). Trong thời gian thử nghiệm tại VN, chiếc YC-123 H này bay 180 phi vụ, trọng tải trung bình 65 ngàn lbs, dùng được cả phi đạo ngắn cỡ 880 ft..

● C-123 K :
Sau khi thử nghiệm thành công với chiếc YC-123 H tại VN, KQHK đã đặt hãng Fairchild chuyển 183 chiếc C-123 B , gắn thêm động cơ phản lực phụ, và phi cơ ‘mới' này trở thành C-123 K .
Các phi cơ C-123 B được gắn thêm mỗi bên cánh một trụ (pylon) để đeo động cơ bán phản lực (turbojet) J-85 có sức đẩy 2,850 lb/t. Chiếc C-123 K đầu tiên được giao cho KQHK vào tháng 9/1969 và các C-123 K sau đó đã thay thế hầu hết các C-123 B đang hoạt động tại VN ( 34 chiếc UC-123 B của Ranch Hand cũng chuyển hết thành UC-123 K, Chiếc VC-123 B cũng thành VC-123 K)

● Đặc tính kỹ thuật của C-123 K :
- Sải cánh 110 ft
- Chiều dài 75 ft 9 inches
- Chiều cao 34 ft 1 inch
- Trọng lượng trống 36, 116 lbs
- Trọng lượng tối đa 72,500 lbs
- Động cơ 2 P&W R2800-99W; 2300 mã lực
2 GE J-85 turbojet
- Vận tốc tối đa 228 mph
- Cao độ 32,000 ft
- Tầm hoạt động 1,470 miles

● NC/AC-123 K :
Tháng 12 năm 1965, KQHK bắt đầu thực hiện Kế hoạch Black Spot, tìm và diệt các xe tải CQ di chuyển trên đường mòn HCM. 2 phi cơ C-123 K (54-0691 và 54-0698) đã được cải biến, mũi phi cơ được nhô thêm một khối bên trong đặt một radar có thiết bị cảm ứng hồng ngoại (Forward Looking Infrared sensor =FLIR), một màn hình LLT và một hệ thống laser dò tầm xa .. Trên phi cơ còn lắp đặt các hệ thống võ khí thả các bom CBU loại nhỏ..
Trước khi được đưa sang VN, 2 phi cơ này đã thử dùng tại Nam Hàn đề tấn công các tàu cao tốc của Bắc Hàn xâm nhập miền Nam..
Black Spot bắt đầu ngày 15 tháng 11, 1968, bay từ Phan Rang và hoạt động trong hai khu vực Bình Thủy và Pleiku. Hai phi cơ đã bay 69 phi vụ trong thời gian 11-1968 đến 1-1969. Mục tiêu oanh kích là các tàu thuyền CQ hoạt động trong vùng Châu thổ sông Cửu Long và các xe di chuyển trên đường mòn HCM.
Hai phi cơ đã hủy diệt 150 thuyền/xe, gây hư hại cho 108 chiếc khác và gây các vụ nổ phụ cho 261 mục tiêu..
Sau cuộc thử nghiệm, hai phi cơ được trả về HK, các thiết bị được tháo gỡ và phế tha3i tại Bãi thải ở Căn cứ KQ Davis-Monthan, Arizona.
(Các chi tiết của Kế hoạch Black Spot được ghi rõ trong ‘Air Commando’ của Philip D. Chinnery)



Trần Lý (10-2019)

 

Forumpost: Phi cơ vận tải C-123 và Chiến tranh Việt Nam - Trần Lý

Rate this item
(0 votes)