Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Ướt Cánh - Song Chùy 213 ngày cuối cùng tại Đà Nẵng - Tiểu Chùy

Posted by October 17, 2018 4814

 

Trời vừa hừng sáng, tôi và anh Nguyễn Q. Minh cùng gia đình từ khu main compound vội vã lên Phi Đoàn. Vừa bước vào cửa, cả hai chợt bàng hoàng vì khung cảnh hỗn độn trước mặt. Trời đất. Đồ đạc trong phòng đổ ngổn ngang, vài chiếc áo bay ai đó cởi ra ném giữa hành lang Phi Đoàn. Không một bóng người. Tôi vội gõ cửa phòng Tr/t Phi Đoàn Trưởng theo thói quen trước khi trình diện, không nghe có tiếng trả lời, tôi đẩy cửa bước vào và không còn tin vào mắt mình: dưới đất là chiếc áo bay của ai đó, vật dụng văn phòng nằm vương vãi khắp nơi.

Tôi trở ra tìm anh Minh, anh và người vợ sắp cưới cùng mấy người em vợ đứng trước phòng trực Phi đoàn sững sờ.

- Mình lên trễ rồi anh Minh ơi...

Anh Minh nhìn quanh rồi bất chợt nói như ra lệnh:

- Thôi đi ra ngoài phi đạo tìm tàu đi.

Cả bọn vội vã băng qua sân trống trước cổng PĐ213 dẫn vào bãi đậu trực thăng. Cũng không một bóng người. Đây đó rải rác vài ba chiếc trực thăng nằm cô đơn. Tôi và anh Minh chia nhau xem xét tàu, toàn là những chiếc bất khả dụng bị bỏ lại đêm qua...

 

Đêm 28 rạng 29 tháng 3 năm1975.....

Một đêm kinh hoàng nhất và cũng là cuối cùng của SĐ1KQ. Tôi vừa qua ca SQ trực Phi Đoàn hôm trước nên hôm nay được nghỉ, anh Minh đem gia đình bên vợ vào khu cư xá SQ, định sáng mai sẽ đưa lên Phi Đoàn tìm phương tiện di tản về Nam theo như chỉ thị của Đ/u Tuấn, SQ Hành Quân. Phòng anh Minh thuộc dạng độc thân nên anh „gởi“ tôi 2 người em trai bên vợ để nghỉ nhờ, phòng nằm đối diện với phòng anh trong dãy nhà số 1, trước đây của Tr/u Hiến IP chuyển sang PD 233 nên để lại, sát cổng ra vào khu cư xá, nhìn ra ngoài là cổng gác của Quân Cảnh với người gác cổng đêm ngày thường trực. Trời vừa tối, Việt cộng bắt đầu pháo kích, càng lúc càng nhiều hơn so với mấy đêm trước. Tiếng nổ chát chúa từng hồi, bọn tôi chạy ra khỏi phòng ngồi núp dưới cầu thang xi măng dẫn lên tầng trên của nhà số 1. Bỗng dưng mấy tiếng rít kinh hồn xé tai rồi ngay sau đó, những tiếng nổ thật gần, âm thanh đổ nát rợn người gần sát bên tai. Bên kia đường là kho chứa nhiên liệu, bị trúng pháo bốc cháy dữ dội, cả khu main compound sáng rực. Một ít người tò mò ra đứng xem rồi bất chợt nằm xuống khi nghe tiếng rít tiếp theo của hỏa tiễn bay tới. Đêm trước một trái rơi vào phòng tài vụ của cư xá nầy phá huỷ mặt trước nhà, may mắn không ai hề hấn gì. Tôi còn đang băn khoăn không biết tháng nầy lãnh lương được không vì cũng đã gần cuối tháng. Chịu đựng qua một đêm không ngủ như thế, sáng sớm ai nấy đều bơ phờ vì mệt mỏi, đã vội vã đùm túm chạy lên Phi đoàn nhưng hỡi ơi đã trễ...

Đang lúc bị pháo kích, chúng tôi nghe tiếng máy bay cất cánh ào ạt nhưng không để ý, một phần vì đã quen với tiếng phi cơ bay trực đêm, một phần đó cũng là tiêu lệnh của đơn vị khi bị pháo, một số hoa tiêu trực có bổn phận cất cánh di tản tàu tạm thời để tránh bị thiệt hại. Đêm nay các pilot trực thăng, chiếc trước chiếc sau cất cánh rời phi đạo, có ai biết đó là lần cuối cùng và vĩnh viễn không trở lại....

Đứng trên parking trực thăng một mình, chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn và trống vắng đến như thế. Cảm giác chim lạc đàn chắc cũng thê lương đến như thế là cùng, có điều tôi không thể cất tiếng kêu não nuột được như loài chim. Từ khi về trình diện Phi Đoàn, gần 1 năm sống với đơn vị, Phi Đoàn tôi giống như một gia đình thứ hai mà người gia trưởng là vị PĐT khả kính, đã cùng với đàn anh chia ngọt xẻ bùi, tung hoành khắp nẻo từ Sa Huỳnh Quảng Ngãi ra đến Quảng Trị, dọc ngang theo chân các đại đơn vị Dù, TQLC, cùng các SĐ Bộ Binh, cùng với các anh em HSQ Cơ Khí Viên, Xạ thủ phi hành kết gắn với nhau tình như thủ túc. Giờ tất cả đang ở đâu? Tôi như đang chết ngợp trong cảm giác bị bỏ rơi...

Có tiếng anh Minh gọi:

- Mình sang phi đạo 253 xem coi còn chiếc nào không?

Vội vã tôi cùng anh Minh lùng sục ngoài parking, vào trong các hangar tìm kiếm, một số chiếc nằm trong hangar có vẻ còn tốt nhưng khi check lại thì cũng bất khả dụng. Loay quay cho đến gần trưa mà vẫn chưa tìm ra một lối thoái, bỗng có tiếng máy bay Boeing lượn trên bầu trời, một chút hy vọng lóe lên trong ánh mắt cả bọn. Ô kìa quả thật chiếc phi cơ dân sự đang đáp xuống từ hướng Bắc sau khi đánh một vòng trong vịnh Nam Ô. Chúng tôi cả bọn vội chạy ra taxiway nhìn sang runway phía Tây nơi chiếc Boeing 727 của World Airway đang đáp xuống. Chiếc phi cơ dân sự cuối cùng từ Saigon ra, vừa chạm bánh thì bỗng dưng có tiếng pháo kích, hỏa tiễn địch rơi ngay trên phi đạo. Bên trong Taxiway phía Tây, một đoàn người, đa số là lính, có lẽ là các đơn vị SĐ3BB, từ cổng Phước Tường ùa ra phi đạo rượt theo chiếc phi cơ đang taxi chầm chậm, cửa sau đuôi từ từ hạ xuống, mặc cho pháo kích nổ om trời. Một số người nhanh nhẹn bám theo được phi cơ, một số cố đuổi theo tạo nên một chiếc đuôi dài bất bận trên phi đạo. Có lẽ Phi hành Đoàn cũng nhận thấy sư nguy hiểm do pháo kích và có thể bị tràn ngập bởi khối người nên không dám dừng lại, đoàn người cứ đuổi theo, đuổi theo... Phi cơ taxi đến cuối phi đạo thì quẹo vào taxiway phía đông (có lẽ vì runway đang bị pháo kích nên không thể cất cánh), tôi và anh Minh mừng quá định chạy ra chận đầu để leo lên thì từ đầu taxiway, phi cơ tăng tốc độ, tiếng máy phản lực gầm rú rền trời rồi lạnh lùng cất cánh trên taxiway về hướng Bắc khi cửa đuôi chưa kịp đóng lại, một vài người chưa kịp vào  trong đã bị rớt lại trên phi đạo.... Bánh đáp không cần xếp lại, chiếc phi cơ đảo một vòng ra hướng biển, lấy cao độ và nhỏ đần trên bầu trời sớm mai xanh ngát, giống như hy vọng tắt dần trong lòng mỗi người chúng tôi. Chắc hẳn trong lòng anh Minh còn nôn nóng hơn khi nhìn thấy dáng dấp tuyệt vọng của người thân, mấy đứa em đang đứng lặng yên chịu đựng.

Quay tới vòng lui ngoài parking phi đạo, nhìn sang phía Tây, phi trường giờ như đã bỏ ngõ, dòng người gồm lính tráng lẫn dân sự tràn vào mỗi lúc một đông và đang túa ra phi đạo, có lẽ không lâu nữa sẽ sang đến chỗ chúng tôi. Thôi hết rồi, sự sợ hãi bắt đầu nhen nhúm, nhất phi nhì pháo, nếu mà chúng nó „tóm“ được bọn tôi thì chỉ còn nước... chết. Anh Minh đi tới đi lui một cách mất kiên nhẫn.

Chợt có tiếng máy trực thăng đang start đâu đó, ôi tiếng hú thân quen của UH làm chúng tôi choàng tỉnh. Từ phi đạo 253 một chiếc trực thăng đang lê về hướng chúng tôi đang đứng, parking của 213. Trên tàu đã đầy người nhưng Pilot dường như muốn hốt luôn cả chúng tôi nên từ từ ngừng lại. Bỗng nhiên một đám người từ đâu cũng nhào tới leo lên tàu, bọn tôi cũng chạy lại, anh Minh đỡ chị cùng các em lên vào cửa bên trái, tàu chật cứng rồi, anh cố chui vào, tôi đứng bên cạnh ngần ngừ, chỗ đâu nữa mà leo lên, là dân pilot, tôi biết sức con tàu. Đang loay hoay định tìm chỗ leo lên thì chiếc trực thăng  nhúc nhích như muốn di chuyển mà không được, tiếng pilot la lớn phía trước:

- Xuống bớt, xuống bớt... không cất cánh được.

Tiếng máy trực thăng hú to, cánh quạt quay vùn vụt nhưng tàu vẫn nằm yên, trên tàu không một ai nhích nhích. Thấy cảnh tượng như thế thì không còn muốn leo lên nữa, tôi với tay đưa túi xách với một ít đồ dùng cá nhân (chiếc túi đựng helmet) cho anh Minh nhờ anh đem về trước giùm và từ biệt:

- Thôi anh Minh cùng chị đi trước đi, tôi tìm cách khác..

Đột nhiên một người từ trên tàu nhảy xuống, tay cầm khẩu M16 chĩa vào những người ngồi trên tàu la lớn bằng giọng Huế:

- Đ.M. có chịu xuống không? Không xuống tao bắn chết hết bây giờ...

Giọng nghe quen quá, tôi xoay qua nhìn và thảng thốt. Trời ơi, thượng sĩ C, con chim đầu đàn của anh em Cơ Phi Xạ Thủ 213 đây mà. Có lẽ kinh nghiệm chiến trường đã dạy anh cách xử sự trong những tình huống như thế. Tuy nhiên tôi hơi bị xốc khi chứng kiến tận mắt cảnh chĩa súng vào đồng đội để tìm đường mưu sinh như vậy. Gia đình anh đang ngồi trên tàu, có lẽ anh không còn cách nào khác nếu muốn cứu họ cũng như cứu cả đám người ngồi trên đó. Một phút căng thẳng trôi qua, th/s C la hét thêm đôi ba lần nữa. Tôi thấy trên tàu lao nhao rồi 3 anh lính trẻ mặc đồ bay nhảy xuống hai bên tàu. Đó là mấy anh em Cơ Phi Xạ Thủ thuộc 253. Tàu nhúc nhích, anh C vội vàng quăng khẩu M16 xuống đất và phóng lên tàu. Chiếc trực thăng bắt đầu lết từng chút tới trước rồi từ từ trượt trên sân đáp 213 một đoạn khá xa trước khi rời khỏi mặt đất...

Thế là hết. Thôi, cầu mong cho tàu vượt thoát được bình an, thà bỏ lại năm ba người còn hơn là ở lại tất cả, nhất là khi nhóm người bên phía Tây phi trường đang tràn qua gần tới. Nhìn theo chiếc tàu thân yêu cuối cùng đang cuối đầu xuôi về phương Nam, lòng tôi đau thắt, các anh em kia ngồi bệt xuông đất, khuôn mặt thật ê chề, tuyệt vọng.

Thẫn thờ như những kẻ mất hồn, trời đã trưa, nhìn ra phi đạo, bên phía Tây người đổ vào phi trường ngày càng nhiều, tôi nghĩ chắc không bao lâu nữa vc cũng sẽ vào từ cổng này. Nghĩ đến đây, tôi như chợt tỉnh, phải tìm cách thoát ra khỏi phi trường trước khi quá trễ. Nhìn những anh em còn ở lại, tôi tự giới thiệu:

- Tôi là bạn cùng khóa bay với anh Hạo, anh Phồi, anh Đại... thuộc Phi đoàn của mấy anh. Bây giờ thì chẳng còn tìm đâu ra tàu để bay nữa, thôi anh em mình tìm cách khác đi...

Chúng tôi bàn tính một hồi rồi quyết định chạy sang bãi biển Mỹ Khê tìm chút hy vọng bằng đường biển. Một người cúi xuống lượm khẩu súng của th/s C quăng lại rồi uể oải kéo vào PĐ213. Chúng tôi lục lọi tìm mấy bộ đồ dân sự trong các túi xách còn bỏ lại nằm vương vãi khắp trong nhà và thay vội.

Cả bọn bốn người đi bộ ra cổng chính của phi trường. Cổng bít kín, chỉ còn một lối nhỏ bên phía trạm kiểm soát nhưng không còn ai canh gác, phía ngoài nằm ngổn ngang đủ các loại xe vô chủ của những người vào phi trường bỏ lại. Chúng tôi chọn một chiếc xe jeep mui trần, một anh nhảy lên nổ máy, may mắn quá, chiếc xe vẫn còn tốt, cả bọn vui mừng leo lên chạy về hướng cầu Trịnh Minh Thế và tiến về phía bờ biển Mỹ Khê.

Dọc dường, từng đoàn người nhốn nháo ngược xuôi, cảnh hỗn loạn chưa từng thấy trong thành phố Đà Nẵng êm đềm thân yêu ngày nào. Tôi yêu Đà Nẵng vì như một Sài gòn thu nhỏ, Đà Nẵng hiện đại mà trang nhã trong kiến trúc, kèm theo phong cảnh đẹp nên thơ của phố biển với những thắng cảnh nổi tiếng...Những ngày tháng học bay rồi được phục vụ tại đây, chúng tôi như thuộc lòng từng con đường góc phố, lang thang cuối tuần khắp lối với bao nhiêu kỷ niệm chất chồng... Đà Nẵng giờ đang trăn trở với nỗi đau của dòng người tị nạn từ mọi nơi đổ về để tìm sự che chở cuối cùng.

 

Qua khỏi cầu quẹo trái, chúng tôi đổ về hướng Mỹ Khê, chạy thêm một đỗi thì không thể tiếp tục được vì xe cộ nằm ngổn ngang trên đường, kể cả các xe thiết vận xa. Quăng xe một bên đường, bọn tôi đi bộ ra hướng biển, trời đã xế chiều... Trời đất, người đâu mà đông nghẹt, đa số là quân nhân, có người còn cả vũ khí, trải dài suốt theo chiều dài vòng cung của bãi biển. Nhìn ra biển xa xa là những chiếc tàu Hải Quân đang đậu ngoài khơi, xa tầm pháo kích, một vài chiếc ghe nhỏ đang chạy tới lui từ phía núi Sơn Chà, có lẽ đang chuyên chở khách ra tàu. Với số người trên bãi biển dù hàng ngàn chiếc ghe như thế chưa chắc đã bốc hết huống chi chỉ một vài chiếc và ở tận góc núi cách chúng tôi hàng mấy cây số... Sự tuyệt vọng hằn lên gương mặt của mỗi con người. Làm sao để lên được các chiếc tàu HQ đang đậu ngoài kia, đó là lối thoát duy nhất của mọi người trong lúc này....

Xa xa, cách bờ biển khoảng trăm mét là một số tàu đánh cá đang bỏ neo, lắc lư theo cơn sóng và vô chủ. Tôi chợt nghĩ nếu chúng tôi lên được một trong những chiếc ấy thì chắc có cơ hội chạy ra tàu Hải Quân được, nhưng với một khoảng cách xa như thế thì người thường làm sao có thể bơi tới. Trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng, chúng tôi lê lết đôi chân không còn sức lực sau gần một ngày không ăn uống, trước mặt là một xóm nhà chài lưới, bên cạnh có một chiếc xuồng nhỏ đang úp phơi trên cát. Tôi bỗng nghĩ ra cách, và như thế là cả bọn xúm lại lật xuồng lên, kéo xuống biển chẳng cần biết chủ nhân là ai, một anh xạ thủ ôm súng theo canh chừng, vài ba người đứng gần thấy vậy cũng nhào vô giúp một tay. Hì hục một hồi, chiếc xuồng nhỏ cũng xuống được tới nước, chúng tôi leo lên chiếc xuồng mỏng manh rồi cố dùng đôi tay bơi ra hướng chiếc ghe đánh cá đang bỏ neo vì không có dụng cụ chèo chống... Xuồng nhỏ chở nhiều người nên di chuyển nặng nề, cứ vừa nhếch ra được vài thước thì một làn sóng lớn đẩy xuồng trở lại vào bờ. Bao nhiêu lần đều như thế, nước biển lại tràn vào xuồng xấp xỉ gần chìm, chúng tôi phải leo xuống tát nước ra rồi tiếp tục bơi. Một số người thấy khó ăn đã bỏ cuộc lên bờ. Tôi cố thuyết phục anh em ráng sức bơi nhân lúc yên sóng, chỉ cần thoát ra được khỏi đường ranh sóng đập vào bờ thì tới vùng nước sâu và không còn bị sóng giật trở lại nữa. Có lẽ nhờ một số người bỏ cuộc nên xuồng nhẹ hơn trước, chúng tôi chậm chạp thoát ra được làn sóng giật và bắt đầu hướng ra biển. Với tất cả sức lực còn lại sau gần một ngày mệt nhoài, chúng tôi đã đến được chiếc ghe đánh cá đang bỏ neo gần nhất. Kiểm điểm lại nhân số trên nghe, ngoài bọn tôi bốn người còn có thêm một phụ nữ và vài ba người nữa. Tôi đi một vòng ghe xem xét, ghe đánh cá trên biển nên trang bị khá đầy đủ, máy ghe 1 block của Ấn Độ mà tôi đã có dịp sử dụng lúc còn trẻ theo người thân lênh đênh trên sông rạch miền Nam, cũng không tệ, lại có cả tay quay máy trong khoang nên tự tin mình có thể thoát được. Các anh em nhìn nhau nghi ngờ vì không biết làm sao có thể điều khiển chiếc ghe chạy được. Tôi trấn an :

- Đừng lo, tôi biết lái. Trên ghe lại có sẵn hai thùng phi dầu đầy, nếu mình không thể lên tàu HQ thì chúng ta vẫn có thể chạy về tới Vũng Tàu dư sức. Chuyện bây giờ là làm sao cho máy nổ và một người phải ôm súng canh chừng các người lạ trên tàu.

Thế rồi tôi thử vào phòng máy và bắt đầu quay máy. Một lần, hai lần, ba lần... máy vẫn nằm yên không nổ. Tôi kiệt sức, một người khác vào quay tiếp... Lần lượt xoay hết bao nhiêu vòng, ai nấy đều mệt nhoài mà máy vẫn không nổ. Cả bọn bắt đầu sốt ruột. Bỗng nhiên từ phía bờ, dáng một người đang bơi về phía chúng tôi. Quả thật là dân biển, anh ta bơi tới ghe và leo lên một cách dễ dàng:

- Các anh để em quay cho, đây là ghe của em.

Tôi hơi ngượng:

- Xin lỗi, chúng tôi chỉ muốn ra tàu HQ ngoài kia. Nhờ anh giúp chúng tôi, sau đó anh có thể lái ghe trở vào.

- Dạ được...

Anh lòn tay vào bên dưới động cơ mở khóa gì đó, sau đó nhẹ quay vài vòng, động cơ giật giật vài cái rồi phát nổ. Thì ra máy còn có một khóa điện phụ được chủ ghe dấu kín bên dưới máy.  Cả bọn reo lên mừng rỡ như vừa chết đi sống lại. Tôi vội chạy ra phía sau chụp tay lái và cho ghe hướng ra khơi. Một người kéo neo lên, anh chủ ghe thì ngồi trong phòng máy canh tới canh lui. Tôi nghĩ có lẽ từ trong bờ nhìn ra thấy bọn tôi leo lên ghe, anh vội vã bơi ra để giữ ghe, khi thấy những khuôn mặt „cô hồn“ chúng tôi thì cũng hơi ngại. Cả bọn vui mừng chưa được bao lâu, chiếc ghe vừa lấy được hướng ra khơi thì bỗng dưng phía trước ghe chúng tôi có tiếng nổ bụp bụp cùng với các cột nước văng tung tóe xung quanh. Có tiếng la lên:

- M79, mình bị bắn...

Ai nấy đều hoảng. Thì ra các bạn ta từ trên bờ thấy ghe chạy được nên muốn buộc chúng tôi quay đầu lại bốc họ. Nếu quay lại thì chỉ có con đường chết vì ghe sẽ bị tràn ngập. Tôi đánh liều tiếp tục, vừa lái ghe vừa mọp xuống như để „né“ lằn đạn trong khi mọi người đã nằm sát xuống lòng ghe. Thêm một loạt tiếng nổ chận đầu ghe, cũng may, đầu đạn nổ dưới nước nên chúng tôi không bị miểng phang trúng, tôi vội bẻ tay lái đưa ghe chạy theo đường chữ „Z“ để „tránh né“ và nhắm hướng các chiếc tàu HQ đang đậu ngoài khơi trực chỉ. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ các bạn ta trên bờ chỉ muốn dọa chúng tôi nên bắn chận đầu ghe thôi, chứ nếu muốn bắn chết thì làm sao chúng tôi thoát được. Chốc sau thì thoát ra khỏi tầm bắn, hú hồn hú vía cả bọn... mọi người thở phào và mặc dù mệt mỏi, vẫn nghe tiếng reo hò vui vẻ xôn xao om trời...

Trước mặt chúng tôi có it nhất là 3 chiếc tàu lớn của Hải Quân Việt Nam đang đậu, tôi chưa biết chạy đến chiếc nào thì chợt thấy trên boong một chiếc tàu có một phi cơ trực thăng đang đậu. Tôi quyết định lái về chiếc đó, ít nhất cũng có người của phe ta.

Chúng tôi tiến gần đến đến tàu và quăng tất cả vũ khí xuống biển trước khi cập vào tàu lớn. Ban đầu họ chĩa súng ra dấu không cho chúng tôi sáp gần lại và sau một hồi quan sát, thủy thủ trên tàu làm dấu cho chúng tôi cập vào bên hông. Với sự giúp đỡ của các thủy thủ tất cả chúng tôi lần lượt leo lên tàu, anh chủ ghe còn lại vội vã lái chiếc ghe nhỏ tách ra và chạy trở vào đất liền.

Đây là một Dương Vận Hạm HQ...tôi không nhớ số, trên tàu là Lữ Đoàn TQLC Tân Lập 468 vừa được bốc ra từ Hải Vân và đang chờ khởi hành. Các binh sĩ TQLC nằm chật cả boong tàu, chính giữa là chiếc trực thăng của Hoàng Ưng 239. Chúng tôi lòn lách qua khối người nằm ngang dọc khắp nơi, khá vất vả mới đến được chiếc trực thăng đang nằm. Gặp Ngụy Hùng, copilot, là bạn cùng khóa với tôi. Mừng quá, cả bọn nhập chung với phi hành đoàn thành một nhóm KQ trên tàu, Hùng giới thiệu tôi với anh trưởng phi cơ, một Trung Úy pilot của  PĐ 239 gốc người Huế. Nghe kể vị Lữ Đoàn Trưởng muốn trưng dụng chiếc trực thăng nầy cho nhu cầu công vụ nên phi hành đoàn rất được biệt đãi.

Hoàng hôn đã xuống. Mặt trời đang từ từ chìm xuống phía sau dãy núi phía Tây Đà Nẵng... Đứng trên boong tàu nhìn vào Đà Nẵng mờ khuất dưới làn sương chiều lòng tôi quặn thắt. Chỉ gần hai năm sống ở đây nhưng Đà Nẵng trong tôi với biết bao kỷ niệm. Nhìn lên vòm trời bao la, xa xa là viền núi xanh chập chùng, nơi chúng tôi hàng ngày bay lượn, cùng các đàn anh chia mồ hôi và lửa đạn. Tôi chợt nhớ tới anh Minh và gia đình không biết bây giờ đang ở đâu, hành trình có suôn sẻ không, hay phải hạ cánh ở một nơi nào đó trên đường xuôi Nam vì tàu quá tải, trục trặc hay vướng phải đạn thù. Quảng Ngãi nằm trên lộ trình về Nam đã bị mất, đường đã bị cắt, mấy hôm trước chúng tôi còn lãnh nhiệm vụ đi bốc các viên chức hành chánh ở Chu Lai nhưng không thành công vì sự hỗn loạn của đoàn người di tản đổ về đây. Tôi nhớ anh Minh với những chuyến bay di tản thương binh Dù từ dãy núi Sơn Gà phía Tây về bệnh viện Đà Nẵng vừa mới hôm nào. Sau khi quận Thường Đức thất thủ, một cửa ngõ từ vùng núi Trường Sơn xuống đồng bằng, Việt cộng lần lượt chiếm các cao điểm Tây Đà Nẵng và pháo kích hằng đêm vào thành phố. BTL Dù chuyển về phi trường Non Nước, các tiểu đoàn Dù trải thành một cánh cung từ đèo Hải Vân về tới mỏm núi Sơn Gà và vòng đai ngày càng bung rộng ra, những người lính dù can trường đã anh dũng chiến đấu trên những mỏm núi, giành giật từng thước núi, từng hang hốc trên dãy núi cao. Tôi và anh Minh đã bay nhiều phi vụ tản thương và tiếp tế cho các đơn vị nầy, sáng sớm bay qua phi trường Non Nước, vào BTL dã chiến Dù đặt trong một hangar cũ, tấm bản đồ hành quân trải rộng trên bàn. Nhận lệnh xong, chúng tôi cùng một anh SQ Dù đi theo, nhận tiếp tế và bay vào vùng núi Sơn Gà theo sự hướng dẫn và liên lạc của anh, bỏ hàng xuống, bốc thương binh trở ra, người bị thương nhẹ thì đưa vào bệnh xá dã chiến của Dù cũng tại Non Nước, nặng thì về bệnh viện Đà Nẵng. Các cao điểm bị địch chiếm để pháo kích vào Đà Nẵng lần lượt được các chiến sĩ Dù tái chiếm, mang lại bình yên cho dân thành phố một thời gian dài cho đến khi các lực lượng Dù và TQLC rút đi. Giờ thì thành phố xem như đã bỏ ngỏ chờ địch. Tôi biết rằng sẽ không bao giờ còn có dịp nhìn lại Đà Nẵng thân yêu nữa....

Chúng tôi cùng phi hành đoàn chiếc trực thăng trên tàu HQ chia nhau chút đồ ăn của tàu phân phối rồi tìm chỗ nghỉ lưng bên trong và phía dưới bụng phi cơ. Tối đến, các chiếc tàu cùng nhổ neo và trực chỉ Cam Ranh. Các binh sĩ TQLC có lẽ cũng đã quá mệt mỏi sau những ngày gian khổ, hầu hết đã ngủ yên nên dù đông người, trên tàu chỉ còn nghe rì rào của gió và sóng biển. Dù mệt mỏi, tôi vẫn không thể chợp mắt được. Bao nhiêu biến cố xảy ra trong ngày như một cơn mơ, nhanh quá, bất ngờ quá, tàn nhẫn quá... Tôi đã thoát nạn nhưng số phận của bao nhiêu người thân còn ở lại sẽ ra sao? Tôi không dám nghĩ tiếp...

Gần trưa hôm sau thì tàu cập bến Cam Ranh. Tất cả binh lính trên tàu được lệnh xuống tàu nghỉ ngơi trong khi chờ tàu làm vệ sinh và nhận tiếp liệu. Chiếc trực thăng cũng được lệnh phải bay ra đáp xuống sân quân cảng bên cạnh. Anh TPC (PĐ 239, tôi không nhớ tên) bảo bọn chúng tôi xuống tàu trước đến bãi bên cạnh chờ, phi cơ sẽ bay xuống sau. Ngụy Hùng trước đó đưa cho tôi một ít tiền để „phòng thân“, tôi không ngờ đó là một cách từ biệt kín đáo. Chúng tôi đến một bãi trống nơi trực thăng „dự định“ sẽ đáp. Chiếc trực thăng nổ máy, từ từ cất cao khỏi boong tàu, mũi chúi xuống vào hướng đất liền rồi... bay vút. Ôi... cánh chim sổ lồng thì làm sao để giữ. Mấy anh TQLC ngó theo chửi mấy câu nhưng khi thấy bọn chúng tôi đang lớ ngớ dở khóc dở cười chắc cũng động lòng... thương hại bèn an ủi một câu nghe „trớt quớt“:

- Chắc mấy ổng bay về căn cứ Phan Rang, thôi mấy anh chịu khó đến đó rồi gặp nhau chứ gì...

Đúng là một cách đuổi khéo, chắc là trách cả nhóm chúng tôi vô tình vô nghĩa. Trời ạ, biết Phan Rang ở đâu mà tìm, hơn nữa cả bọn không còn một miếng giấy lộn tùy thân, đến đó ai cho vô căn cứ. Thôi, đã lỡ „ướt cánh“ rồi thì phải dùng đôi chân vậy. Chúng tôi lặng lẽ kéo nhau ra khỏi cảng, tìm đường ra quốc lộ 1. Có được chút ít tiền của Hùng, chúng tôi chia nhau lót dạ một ít, còn một ít dành trả tiền xe. Tôi đề nghị với mọi người:

- Phi đoàn tôi (213) có một phi đội đang biệt phái ngoài Nha Trang, mình trở ra đó tìm và tháp tùng về Sài Gòn, nếu bất đắc dĩ không gặp thì tôi còn một số người quen ngoài đó sẽ nhờ giúp phương tiện về.

Một người góp ý:

- Bây giờ mọi người đều chạy vào, mình lại trở ra coi chừng nguy hiểm.

Tôi quyết định:

- Thôi bây giờ đã tạm yên rồi, anh em muốn đi hướng nào thì cứ đi. Riêng tôi sẽ ngược ra Nha Trang tìm đường về.

Có 2 người theo tôi, một người nhất định xuôi nam. Tôi chia đều tiền cho mỗi người rồi ra quốc lộ đón xe ngược về Nha Trang. Một chiếc ngừng lại, tiền không đủ cho 3 đứa, chúng tôi thương lượng với chủ xe và ca bài con cá. Xe chạy vào thì chiếc nào cũng đầy người nhưng xe trở ra thì trống trơn nên chủ xe sau một chốc suy nghĩ bèn đồng ý. Có chút ít còn hơn chạy xe không…

Trở ra Nha Trang, không một tờ giấy lộn tùy thân, không nơi cư ngụ, tôi tìm về ngôi nhà trọ trước đây khi đi thụ huấn khóa 1 Sĩ Quan Bổ Túc QS lúc trước, có mấy thằng bạn cùng khóa bay đang theo học khóa 2 ở đây. Lúc nầy Nha Trang đã hỗn loạn, khóa học bổ túc QS đã ngừng và các khóa sinh tự động tìm đường thoát. Tôi và thằng bạn cùng khóa, Quang Volley (PĐ 239) đi sang hậu trạm SĐ2KQ tìm đường về SG. Vì không giấy tờ tùy thân, tôi nhờ Quang đứng ra bảo chứng khi qua cổng gác và được cho vào hậu trạm chờ phương tiện. Mặc dù thành phố đang hỗn loạn, tình hình tại Phi Trường Nha Trang vẫn còn trật tự, chúng tôi được chia thành từng nhóm ngồi tại ụ phi cơ chờ C130 lần lượt bốc đi. Đến phiên nhóm chúng tôi lên tàu, như con chim bị thương một lần, tôi vẫn không tin mình có thể lên được phi cơ. Tôi nhớ trước đây ở Đà Nẵng cũng có chương trình di tản bằng phi cơ C130 nhưng phút cuối đành phải „bơi“, giờ cảnh cũ lại tái diễn. Cho đến khi được ngồi yên ổn trong lòng phi cơ thì bao nhiêu lo lắng mới từ từ tan biến. Về đến Sài Gòn, vừa bước xuống phi cơ thì chợt choáng ngợp trước cảnh an bình tự tại của thủ đô. Trên đường vào hậu trạm, hai hàng nữ sinh áo dài trắng đang đứng „dàn chào“ dòng người di tản, mỗi người được mời một ly nước mát lạnh tẩy trần như để quên đi những cơ cực trùng trùng trên đường vượt thoát. Sài Gòn còn thật yên bình vào những ngày đầu tháng Tư, ít ra là so với các tỉnh miền Trung.

Đầu tháng Tư 1975, trình diện tại phòng Quản Trị BTLKQ, quân số Phi Đoàn chẳng còn bao nhiêu, anh em gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, anh Minh cùng gia đình bạn gái cũng đã về đến Sài Gòn bình an. Còn bao nhiêu người kẹt lại hay rơi rớt trên đường bay về Nam? Một số người gốc miền Trung thì lo âu cho số phận của người thân trong gia đình còn kẹt lại, trong đó có vị PĐT khả kính của chúng tôi, ông cũng phải vất vả và nhiều may mắn mới thoát, rơm rớm nước mắt khi gặp lại anh em và kể về gia đình đang còn kẹt lại không biết giờ ra sao. Dù là dân bay nhưng không ít người đã phải vượt thoát khỏi Đà Nẵng bằng đường biển như những cánh chim trời ướt cánh (trong đó có Đ/u Phi Đội Trưởng của tôi, bơi được ra đến tàu Hải Quân thì ngất xỉu luôn).

Giữa tháng Tư tôi theo Phi Đoàn về „tái phối trí“ tại Cần Thơ, như những đứa con ghẻ èo uột, co cụm một góc để rồi đến ngày 30 tháng 4, không phương tiện, không thế lực, lại thêm một lần „ướt cánh“. Khi TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi như con chim bị tên đã kiệt lực sau hai lần vượt thoát khỏi Đà Nẵng, Nha Trang và lần nầy thì đành buông xuôi cho số phận trong các trại tù mang danh „cải tạo“ tại vùng 4.

Sau hơn 30 năm xa rời tổ ấm Phi Đoàn, bao nhọc nhằn đè nặng lên cuộc sống của từng cá nhân, kẻ còn người mất. Giờ nhớ lại chuyến di tản đinh mệnh từ Đà Nẵng, hai lần bên cạnh phương tiện vượt thoát khỏi lằn lửa đạn, một ở Đà Nẵng và một ở Cam Ranh, tôi đều để vuột mất nhưng chẳng chút hối tiếc, tôi tin có ơn trên phò hộ nên đã về đến bến bờ bình an. Tôi thuộc dạng người vụng về, chơn chất, an phận nhưng có lẽ như người xưa nói „lù khù có ông Gù độ mạng“ nên qua bao nhiêu gian truân bầm dập, tôi đều vượt qua được, lại còn được cơ hội quen biết và học hỏi từ biết bao đàn anh, những anh hùng hảo hán QLVNCH trong ngục tù cs mà chỉ qua lúc sa cơ thất thế mới biết được.

Viết lên những dòng chữ nầy không phải để trách cứ điều gì vì theo thời gian mọi sân si đều tan biến, còn lại chăng là khối tình chiến hữu keo sơn, là chút hy vọng có thể gặp lại bạn bè chiến hữu ngày xưa, nhất là những người anh em 253 cùng chia “nước” với tôi trong chuyến “vượt biên” lần thứ nhất nầy, nếu tình cờ có đọc được các dòng nầy và còn có dịp gặp lại, chắc không còn gì vui hơn. Kế tiếp là để thật lòng cám ơn những chiến hữu Hải Quân đã cưu mang chúng tôi trong đoạn đường về Nam gian khổ. Cũng còn thiếu sót nếu không cám ơn người bạn cùng khóa Ngụy Hùng PĐ239 đã cho mượn một ít tiền mà nhờ có nó chúng tôi mới có thể ấm bụng và có phương tiện trở về đơn vị. Món nợ ấy vẫn còn đeo đuổi tôi cho đến hôm nay •

Tiểu Chùy

Rate this item
(0 votes)