Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Tháng Tư, Tre và Măng - Khôi An

Posted by May 07, 2019 2265

Tháng Tư, Tre và Măng


Khôi An

 

Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ.



Kỳ 1

Những nhánh cây thấm đẫm mưa từ mùa Đông năm trước đã đến lúc đẩy bung sức sống ra thành những chồi non. Nắng hây hây cho hoa đào hồng tươi, hoa mận hồng tím, hoa lê hồng phớt lung linh nhảy múa trên khắp nẻo đường.

Tháng Tư về, để khách đi bộ dừng chân, ngỡ ngàng nhìn con đường quen thuộc đã biến thành một bức tranh. Tháng Tư về, để tôi, một lần nữa, chiêm ngưỡng thiên nhiên diễm lệ ngay trong vườn nhà và bâng khuâng nhớ câu nói của một người bạn cũ, “Nếu tôi không phải là người gốc Việt thì hiện giờ tôi đang hoàn toàn hạnh phúc.”

Câu nói đó thường được đáp bằng “???” hoặc một cái nhướng mắt hàm ý “tại sao”. Tuy nhiên, với một số người, chỉ cần nói vậy là đủ. Là thấm thía.

Anh ạ! Tháng Tư mềm nắng lụa

hoa táo hoa lê nở trắng vườn

quê nhà hun hút sau trùng núi

em mở lòng xem lại vết thương

(Trần Mộng Tú)

Đó là những người, giống như nhà thơ Trần Mộng Tú, cưu mang trong lòng một vết thương chưa kín miệng dù họ đã trải qua mấy mươi năm học, làm, xây dựng, đóng góp, và thành đạt – ít nhiều - ở quê hương thứ hai. Nằm trong góc khuất của tâm hồn, vết thương đó đôi khi trở mình, nhức nhối, dù đang ở giữa cảnh vui.

Thường thì chúng tôi hay “xem lại vết thương” khi tháng Tư về. Nhắc những khổ sở, đau đớn, cay đắng, sững sờ, phẫn uất của thời đổi đời đen tối. Nhắc để tưởng niệm ngày quê hương thứ nhất, Việt Nam, bị đẩy vào một chuyến tàu lao xuống dốc mà đến giờ vẫn chưa thấy dấu hiệu ngừng lại.

Tháng Tư đến rồi đi đã mấy chục lần. Thế hệ tị nạn đã già đi, và thế hệ con cháu - mang quốc tịch của quê hương thứ hai từ lúc chào đời - đã lớn.

Họ đã lớn và rất thông minh, hiểu biết, với vóc dáng thanh xuân vững chãi và tay chân hết sức lẹ làng. Muốn biết điều gì, họ rút smart phone ra, bấm lia lịa và nhận tin tức từ “thầy Google” nhanh như chớp trong khi cha mẹ, chú bác, còn đang ngẩn mặt ra ngẫm nghĩ.

Trong gia đình tôi, lớp trẻ còn được nghe rất nhiều điều chúng tôi đã trải qua. Khi nào có dịp chúng tôi đều kể chuyện người Việt đổi mạng sống đi tìm tự do, chuyện tù chính trị, chuyện kiểm kê tài sản, chuyện chiến tranh, chuyện đấu tố… Tôi tin rằng con cháu tôi, cũng như lớp trẻ gốc Việt ngoài kia, rất giỏi giang, lỗi lạc nên hiểu rằng Cộng Sản quả thật “sinh ra từ đói nghèo và ngu dốt, lớn lên bằng dối trá và bạo lực” (Đức Dalai Lama). Tôi nghĩ rằng nếu tôi biết chống sự độc ác, dã man của phát xít dù chưa từng sống qua thời Thế Chiến Thứ Hai thì lớp con cháu cũng biết rằng chống Cộng chính là chống sự gian ác, vì thế chống Cộng là một điều tất nhiên đúng. Và tôi nghĩ họ cũng hiểu rằng nhờ có sự hy sinh xương máu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong hai mươi năm, thế hệ của tôi và các thế hệ sau mới có cuộc sống ngày hôm nay.

Nhưng, không hẳn là như vậy. Đó là điều tôi nhận ra trong hai năm 2017, 2018.

Tháng 9, 2017 nhiều người gốc Việt ở Mỹ đã háo hức chờ xem phim Việtnam War của Ken Burns. Cuốn phim ra đời bốn mươi hai năm sau cuộc chiến Việt Nam, sau khi vô số tài liệu được giải mật đã vạch rõ âm mưu đánh cầm chừng ngay từ đầu và nhẫn tâm bỏ rơi Việt Nam trong giai đoạn cuối của đồng minh Mỹ. Cho tới lúc đó, những phim về cuộc chiến Việt Nam đều có luận điệu một chiều với tài liệu cũ rích, nhằm xóa hết công sức của quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) để kết luận rằng đồng minh Nam Việt hèn yếu là một trong những lý do chính đưa đến của sự thất bại của Mỹ. Lần này, mọi người chờ đợi những chi tiết mới, chính xác và công bằng. Gia đình tôi khuân cả cái Tivi đến cạnh bàn ăn để ngày nào ăn tối trễ cũng vẫn xem phim được.

Sau một, hai tập đầu tôi đã thấy Vietnam War cũng chỉ dùng những lập luận cũ như những phim trước nhưng tinh xảo hơn nhiều về cả kỹ thuật làm phim lẫn cách dàn dựng và xử dụng những đòn phép tâm lý. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục vì hy vọng phần sau của cuốn phim sẽ khá hơn và cũng vì muốn tìm hiểu thêm trước khi kết luận.

Tôi kiên nhẫn xem đến tập bảy, tập tám, cho đến khi cuốn phim nhắc đến vài tướng VNCH buôn lậu, tham nhũng, và đóng bằng lời nói của một nhân vật Mỹ rằng: quân đội VNCH “dột từ nóc dột xuống” (“leak from the roof”). Lúc đó, tôi biết là tôi đã cho cuốn phim Vietnam War nhiều hơn thì giờ cần cho.

Tôi phiền vì cuốn phim chọn lọc dữ kiện để bôi nhọ quân dân miền Nam. Tôi phiền vì có vẻ lớp trẻ đã nghe và nhớ nhiều điều về chính phủ và quân đội VNCH từ những tài liệu, sách báo, phim ảnh ngoài xã hội hơn là những chuyện họ nghe kể trong gia đình, vì thế, họ nhanh chóng bảo là Vietnam War nói lên sự thật. Tôi phiền nhiều hơn nữa vì có những người không còn trẻ cũng chẳng thấy được sự khập khiễng, một chiều của những điều được trình chiếu, cũng gật gù bảo rằng phim nêu lên sự thật qua tài liệu, nhân chứng.

Tôi đáp lại, “Một nửa cái bánh vẫn là bánh, nhưng một nửa sự thật thường là sự dối trá lợi hại” (dựa theo Benjamin Franklin).

Một nửa sự thật là nhắc đến những vị tướng VNCH tham nhũng nhưng không có một lời về năm vị tướng VNCH đã tuẫn tiết ngày miền Sài Gòn thất thủ, trong đó có một vị đã lấy quân đội làm gia đình, không giữ lại gì cho chính mình, kể cả mạng sống mà ông tự kết liễu.

Một nửa sự thật là nhiều lần mượn lời lính Mỹ nói rằng quân Cộng Sản thiện chiến nhưng gần như không nói về những người lính miền Nam đã từng chiến đấu và chiến thắng.

Một nửa sự thật là nhắc đi nhắc lại Điện Biên Phủ mà không nói gì đến những chiến thắng Quảng Trị, Kontum, An Lộc...

Một nửa sự thật là phỏng vấn nhiều chỉ huy của Bắc quân mà không thấy những vị tướng, tá miền Nam một thời sát cánh với đồng minh Mỹ, đã từng hy sinh sự an toàn của cả gia đình họ để ở lại đánh những trận cuối cùng năm 1975 cho Washington D.C. có thì giờ di tản người.

Một nửa sự thật là chọn dùng lời của nhiều nhân vật Mỹ nhắc tới những hành động xấu của vài cá nhân trong quân đội miền Nam nhưng không chọn những người Mỹ nào từng tham chiến và cảm phục các chiến hữu Việt Nam, chẳng hạn như ông tướng bốn sao Mỹ, người từng nói với một vị chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến VNCH “Bạn chiến đấu rất cừ và là một người lãnh đạo giỏi. Tôi không thể có một chiến hữu tốt hơn bạn.”

Một nửa sự thật là nói về số bom đạn và chất độc da cam Mỹ đã dùng để phá con đường mòn Hồ Chí Minh như là một hành động dã man nhưng cố tình không nói rằng hành động này là Mỹ bắt buộc phải làm để triệt phương tiện vận chuyển khí giới và quân lính để đánh phá miền Nam. Con đường này do Cộng Sản Bắc Việt lợi dụng địa thế hiểm trở dọc theo biên giới Lào, ngoài vùng kiểm soát của chính quyền VNCH, để ngoan cố chĩa vòi vào khắp nơi trong miền Nam, trắng trợn xâm lăng.

Một nửa sự thật là chiếu một gián điệp Cộng Sản kể chuyện bị chính quyền VNCH đánh đập mà không có một lời nào về những quân nhân Cộng Hòa bị bắt khi nhảy dù xuống miền Bắc, bị hành hạ dã man và chết lõa lồ trong hầm biệt giam.

Một nửa sự thật là giành thì giờ cho một nữ bộ đội kể về cuộc tình của cô ta trong chiến tranh, nhưng không có giờ cho những người vợ và những góa phụ của quân nhân miền Nam.

Một nửa sự thật là phỏng vấn những nữ thanh niên xung phong từ miền Bắc đi mở con đường xâm lược nhưng không có một lời về những hy sinh đẹp hơn cổ tích của vợ các quân, cán, chính miền Nam sau khi bị Mỹ bỏ rơi, những “cái cò lặn lội bờ ao, bán giọt máu đào nuôi dưỡng đàn con, thân em lội suối trèo non, vùng kinh tế mới nuôi con thay chồng, cái cò lặn lội bờ mương, vét cống đào đường giá rét lạnh căm, chồng em giặc bắt biệt tăm, tù Nam tù Bắc biết thăm đường nào ” (Nguyệt Ánh).

Một nửa sự thật là nói về cô gái miền Bắc đọc văn hào Hemingway trong hầm trú bom, rồi tả cảnh miền Nam bằng hình ảnh các cô gái bán bar. Thủ đoạn bôi nhọ ở đây quá rõ ràng, quá đểu cáng!

Trên hết, sau hơn bốn mươi năm, Ken Burns và những người cộng tác vẫn không dám nói lên một điều đơn giản rằng trong suốt thời gian từ 1954-1975, miền Bắc đã liên tục xâm lăng miền Nam. Bao trùm trên tất cả sự đau khổ, chịu đựng, mất mát của người miền Bắc là một sự lừa dối được thu gọn bằng khẩu hiệu “giải phóng miền Nam”. Những oan khiên người dân hai miền Nam Bắc phải chịu và cả những tang tóc của các gia đình Mỹ - điều được khai thác triệt để trong phim, đã không xảy ra nếu Bắc Việt không liên tục tấn công Nam Việt dưới sự thúc đẩy của Tàu và Liên Sô.

“Nhưng đã gần năm mươi năm rồi, và hận thù – dù là đối với những người hết sức tàn ác – cũng nên bỏ chứ không nên buộc. Các tôn giáo đều nói như thế, chẳng đúng hay sao?” Một người trẻ trong gia đình đã nhìn tôi và nói như thế.

Không, cháu đã hiểu lầm rồi. Những điều tôi nghĩ và làm bây giờ hoàn toàn không phải vì thù hận, cũng không bắt nguồn từ thời khổ cực của riêng tôi.

Thật ra, những gì tôi phải trải qua không thấm thía vào đâu so với rất nhiều hoàn cảnh khác. Cha tôi không là quân nhân nên ông không bị bắt đi tù, không bị hành hạ tới điên loạn hoặc chết trong đói khát. Tôi đi vượt biên không phải vì dựa lưng nỗi chết, nhưng vì nhà cầm quyền Cộng Sản tước đi quyền tự định đoạt tương lai và quyền làm người tử tế của tôi.

Hơn nữa, tôi thoát qua Mỹ đã hơn ba mươi năm. Đời sống ở đây đầy đủ, thanh bình nên sự nghèo khổ ngày xưa không còn làm tôi đau lòng. Đời tôi sẽ vui hơn nếu tôi quên đi hai chữ cuối trong cái thân thế “người Mỹ gốc Việt”. Lòng tôi sẽ nhẹ hơn nếu tôi nghĩ rằng Việt Nam chỉ là một quá khứ buồn, và tôi sẽ không khắc khoải dù nơi đó có bị Tàu chiếm như Tây Tạng.

Nhưng tôi cảm thấy mình có một bổn phận đạo đức với nơi mình sinh ra và tim tôi cũng không cho phép tôi vô cảm trước những sự kiện quan trọng có thể có ảnh hưởng đến sự sống còn của miền đất đó.

Lần đó, tôi và đám trẻ nói chuyện khá lâu. Cuối cùng, họ cũng công nhận rằng Vietnam War là tác phẩm của những tay phù thủy truyền thông dùng sự -thật-được-chọn-lọc để xóa bỏ mọi đóng góp của VNCH và giải thích một phần cho sự thất bại của Mỹ.

Tôi thấy được an ủi phần nào. Dù sao, những người trẻ này vẫn có lòng với Việt Nam nên mới bỏ thì giờ xem phim và thảo luận với tôi.

Chỉ vài tháng sau đó, tôi lại có dịp nói chuyện với một nhóm người trẻ khác. Lần này là những sinh viên gốc Việt tại Đại học Stanford trong một chương trình có tên là “Nghỉ Xuân Cách Khác” (Alternative Spring Break).

Được tính như một lớp học ngắn, mười mấy sinh viên gốc Việt dùng tuần lễ nghỉ Xuân để gặp gỡ và tìm hiểu về cộng đồng Việt ở vùng Vịnh San Francisco. Nhà tôi là trạm dừng chân của các em trong ngày đầu tiên.

Tôi hì hục dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị chỗ ngủ cho mười mấy em, nấu bữa tối với những món “homemade” sở trường, và mời thêm khách để các em thấy được những cái nhìn khác nhau trong cuộc nói chuyện.

Tối hôm đó, chúng tôi nói về nhiều lãnh vực, nhưng các em có vẻ quan tâm nhất tới đề tài sức khỏe tâm thần của người Việt tị nạn.

Các em hỏi về quan niệm của cộng đồng Việt đối với bệnh tâm thần và hội chứng rối loạn sau ác biến (post traumatic stress disorders). Tôi trả lời rằng cộng đồng Việt Nam rất đa dạng nên quan niệm về sức khỏe tâm thần thay đổi tùy theo người. Có những người rất hiểu biết về lãnh vực này và coi đây là một khía cạnh bình thường của con người, nhưng cũng có người nghĩ bệnh tâm thần là điều ghê gớm hay đáng xấu hổ. Một số người có ít nhiều vấn đề về tâm thần sau những biến cố khốc liệt như chiến tranh, tù tội, hay tai nạn trên đường vượt biên. Tuy vậy, khi nhìn chung, tôi nghĩ rằng cộng đồng người Việt không có gì quá khác biệt so với các cộng đồng khác trên phương diện sức khỏe tâm thần.

Riêng với tôi, bệnh tâm thần cũng là bệnh chung của con người giống như những bệnh khác, chúng cần được chẩn đoán và chữa trị xác đáng. Tôi chia sẻ thêm là tôi rất thích nói chuyện với những chuyên gia về tâm lý vì đó là dịp để nhìn kỹ lại mình, để ôn lại những điều đã biết nhưng chưa thực hành được và học hỏi những điều mới để làm cho tâm hồn mình cân bằng, lạc quan, và rộng lượng hơn.

Người khách mời hôm đó cũng nêu lên những suy nghĩ đúng đắn, vững vàng, và phóng khoáng về sức khỏe tâm thần. Không biết tôi có tưởng tượng hay không, nhưng tôi cảm thấy các em hơi ngạc nhiên khi nghe chúng tôi bày tỏ, có vẻ như các em đã dự đoán chúng tôi sẽ phản ứng khác và nói đến những cảm xúc khác.

Ngày hôm sau, các em ăn bữa sáng rồi lên đường đi viện Bảo Tàng Thuyền Nhân ở San Jose theo lời tôi giới thiệu.

Trước khi đi, chúng tôi chụp hình lưu niệm và tôi nói rằng cửa nhà tôi luôn mở để chào đón các em.

Kỳ 2

Từ năm 2015, năm nào chúng tôi cũng đến sinh hoạt với Hội Sinh Viên Gốc Việt ở Đại Học Stanford (Stanford Vietnamese Student Association - SVSA) trong ngày nhớ về 30 tháng 4, 1975. Dù bận rộn, dù đường xa, dù kẹt xe, chúng tôi luôn có mặt để các em biết rằng có những người lớn trong cộng đồng luôn quan tâm nâng đỡ, hướng dẫn các em.

Có năm chúng tôi giúp các em mời diễn giả và tôi luôn chú tâm tìm những người có uy tín, có kiến thức để giúp các em hiểu biết thêm. Có năm chúng tôi chỉ tặng thức ăn và góp vài lời chia sẻ, khuyến khích. Buổi tưởng nhớ thường diễn ra gọn gàng và đầy ý nghĩa. Sự quý mến, nối kết giữa hai thế hệ năm nào cũng đem lại cho tôi niềm an ủi trong ngày buồn cuối tháng Tư.

Năm 2018, lời mời của SVSA trên Facebook như sau:

Hãy đến với ngày Tưởng Nhớ Tháng Tư Đen của SVSA để nhớ đến ngày Sài Gòn thất thủ, 30 tháng Tư, 1975. Bằng diễn thuyết và thảo luận, mong rằng chúng ta sẽ xem xét các khía cạnh của cuộc chiến tranh Việt Nam và biết cách bước tới với những chấn thương tâm lý xuyên thế hệ (intergenerational trauma) - để trân trọng quá khứ, làm sáng tỏ hiện tại, và hướng tới tương lai. 

Cụm từ “chấn thương tâm lý xuyên thế hệ” nghe quá nghiêm trọng và nặng nề, gợi nhớ lại những thắc mắc thoáng qua đầu tôi trong tuần lễ nghỉ Xuân. Có lẽ gần đây các em bàn luận khá nhiều về sức khỏe tinh thần của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, và các em đã học ở đâu đó ý kiến rằng thế hệ tị nạn có nhiều người bị chấn thương tâm lý nhưng họ không cố gắng chữa trị, và những thương tích đó đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến thế hệ của các em.

Tuy nhiên, tôi nhanh chóng quên đi ý nghĩ đó khi nghe tin rằng năm nay các sinh viên sẽ là diễn giả chính. Tôi hào hứng chờ dịp nghe chia sẻ của các em.

Thứ Hai, ngày 30 tháng Tư, 2018, buổi họp bắt đầu lúc bảy giờ chiều, gần với giờ tan sở. Len lỏi trên freeway hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đến nơi hơi trễ nên lỡ mất vài phần đầu. Rón rén đi vào, nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, tôi nhìn quanh và thấy một số em trong nhóm Alernative Spring Break. Điều hơi lạ là nhiều em không chạm mắt với tôi, như thể chưa từng quen biết hoặc không nhận ra tôi. Ngay lúc đó, màn ảnh bật lên đề tài của phần kế tiếp: 30 Tháng Tư Từ Góc Nhìn của Một Sinh Viên Từ Bắc Việt Nam.

Diễn giả là một sinh viên cao ráo, trắng trẻo, gốc Hà Nội, và sang Mỹ từ thời trung học. Bằng tiếng Anh lưu loát và phát âm chuẩn, cậu ta mở đầu rằng những điều về chiến tranh Việt Nam cậu từng nghe thời đi học ở Hà Nội rất khác với những gì người Việt hải ngoại trình bày. Cậu ta chiếu hình ảnh những khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước”, “Giải Phóng Miền Nam”, và những bức tranh vẽ cô gái cầm chông đâm “giặc Mỹ” trên đường phố Hà Nội trước năm 1975, và nhắc lại những lời mà cậu thường nghe trong buổi lễ “mừng ngày thống nhất đất nước” tại Việt Nam. Cậu nhắc đến số người đã chết trong chiến tranh và nhận định rằng Việt Nam chỉ là mặt trận nơi người Việt đổ máu để các thế lực quốc tế tranh chấp. Cậu cũng nhắc đến sự “thù hằn”, chia rẽ Bắc, Nam của người Việt hải ngoại.

Tôi im lặng lắng nghe vì tôi nghĩ giới trẻ cũng nên biết suy nghĩ của những người xuất thân từ cả hai bên chiến tuyến, và tinh thần dân chủ ở Mỹ cổ võ việc mọi người đều được nói lên ý kiến của mình. Tôi kiên nhẫn chờ đợi dịp mình được nói. Sau phần thuyết trình là vài phút đặt câu hỏi, có một vị khách lên tiếng phản bác một cách khá sôi nổi nhưng anh mới nói khoảng một, hai phút thì cô sinh viên điều khiển chương trình thông báo đã tới giờ bàn luận theo nhóm.

Hơi thất vọng vì không có dịp nói lên ý kiến trước mọi người, tôi đến bên cậu sinh viên gốc Hà Nội và bắt chuyện. Câu ta ăn nói khá lễ phép và tỏ vẻ chịu lắng nghe.

Tôi chia sẻ, “Tôi hoàn toàn đồng ý với cháu rằng Việt Nam bị biến thành chiến trường, và đau thương, mất mát của người dân cả hai miền đều rất lớn. Tuy nhiên, điều cháu chưa nhận thấy là: chỉ có miền Bắc tấn công miền Nam trong suốt cuộc chiến. Đa số người miền Nam chỉ muốn sống yên thân nhưng Tàu và Liên Sô không chấp nhận chia sẻ quyền lực với Mỹ ở Đông Dương, chúng ép buộc Bắc Việt phải đánh và Hà Nội không bao giờ dám cãi lệnh. Đó là nguyên nhân sâu xa cho mọi đau khổ của tất cả mọi người trong cuộc chiến. Cháu hãy nghĩ xem, một nhà cầm quyền lừa dối dân, dùng khẩu hiệu ‘giải phóng’ và ‘cứu nước’ để vét hết thanh niên - kể cả những người mới mười lăm, mười sáu tuổi, để ném vào cuộc chiến theo lệnh của đàn anh thì có thể là chính quyền tốt cho đất nước hay không?”

Cậu sinh viên Hà Nội gật gù, thoáng một chút suy tư trong mắt nhưng ngay lúc đó ban tổ chức buổi lễ tuyên bố chấm dứt. Lúc đó mới có tám giờ rưỡi mà theo thông báo từ trước thì buổi lễ kết thúc lúc chín giờ.

Tôi giơ tay xin hai phút, nhưng một cậu sinh viên cao lớn – sau này tôi mới biết tên là B. – lắc đầu, bảo đã hết giờ. Tôi chỉ tay lên đồng hồ, nhắc là còn nửa tiếng, nhưng B. và ban tổ chức một mực từ chối với lý do nửa tiếng sau cùng giành cho buổi họp hàng tháng của hội SVSA.

Những người lớn ra về trong sững sờ, trong đó có hai người Mỹ đến chia sẻ với tôi rằng họ rất ngạc nhiên trước thái độ của B. và của SVSA năm nay. Có hai em sinh viên cũng chạy theo tôi, nói rằng họ không đồng ý với hành động của B., và ngỏ ý muốn nghe điều tôi định nói. Hai em sinh viên này, những vị khách Mỹ, và tôi đã nán lại ngoài cửa phòng họp để bàn luận, chia sẻ ý kiến về chiến tranh Việt Nam cũng như ưu tư về tình hình Việt Nam cho đến tận chín giờ.

Tôi suy tư suốt quãng đường về và cả ngày sau đó. Ban tổ chức của buổi lễ năm nay có vẻ rất khác so với các lần trước. Những hành động lạ lùng, phản dân chủ xảy ra trong buổi lễ là điều chưa từng thấy trong lớp người trẻ từ trước tới nay.

Sau đó, tôi gởi một email cho trưởng nhóm SVSA hỏi về lý do của sự thay đổi về đường lối và thái độ của nhóm trong buổi lễ.

B. thay mặt cho trưởng nhóm trả lời thư. Sau nhiều lý luận và lý do, cậu ta kết thư,

“Mục đích của buổi tưởng niệm năm nay là ôn lại lịch sử chiến tranh phức tạp của chúng ta, để hiểu tâm tư và quan điểm của thế hệ hiện nay và bàn luận cách đi tới. Nhưng những điều đó sẽ không thực hiện được nếu những thành viên của hội cảm thấy bất an và bị cô lập trong chính buổi lễ của hội; ngay cả một vài thành viên quốc tế (international members) đã lo lắng một cách chính đáng khi đến buổi lễ vì họ biết đó là một ngày có ý nghĩa chính trị mạnh mẽ và quan trọng với nhiều người; họ không muốn ở trong một hoàn cảnh có thể đầy thù ghét. Tôi ngưng buổi lễ đột ngột vì tôi phải làm điều mà tôi nghĩ là tốt nhất cho hội của chúng tôi: bảo vệ danh dự và an toàn của hội và của các hội viên.”

Lời lẽ của B. đầy ý buộc tội nhưng quan trọng hơn cả là cậu ta đã tự nhận rằng cậu ta cố ý ngưng buổi lễ sớm để ngăn cản các ý kiến của khách vì sợ đụng chạm đến các thành viên du học sinh.

Lúc đó tôi mới có thể ghép các mảnh sự kiện lại với nhau. Có lẽ B. và vài người trong ban tổ chức đã bàn bạc trước buổi lễ và sắp đặt cách chặn không cho khách nói. Có lẽ các thành viên biết rằng ban tổ chức không thật tình muốn các bậc phụ huynh đến, và đó là lý do các em sinh viên từ Alternative Spring Break đã tránh mắt tôi. Nghĩ xa hơn, có vẻ gần đây các sinh viên đã tham dự các khóa học hay bàn luận về sức khỏe tâm thần của cộng đồng người Việt, và có thể vì một toan tính nào đó mà một số tài liệu đã bị dùng để vẽ nên một hình ảnh kém chính xác về tình trạng sức khỏe tâm thần của cả cộng đồng người Việt tị nạn.

Tôi viết thư trả lời SVSA rằng một phút mặc niệm nạn nhân Mậu Thân và thái độ của tôi đối với nhà cầm quyền Việt Nam hèn với giặc ác với dân không thể làm tổn thương thành viên của SVSA. Tôi nói rằng ban chấp hành và các thành viên của SVSA đến rồi đi nhưng lịch sử sẽ tồn tại và sự quan tâm, thương mến của tôi với giới trẻ Việt Nam sẽ không thay đổi.

*

Năm nay, 2019, từ đầu tháng Tư tôi đã lên Facebook của SVSA tìm tin tức về lễ tưởng niệm tháng Tư đen. Dù đang rất bận nhưng tôi sẽ cố gắng sắp xếp. Tôi muốn đến vì tôi luôn quý mến SVSA, vì các bậc phụ huynh không quay lưng với con cháu dù trước đây họ có làm điều không đúng. Tôi muốn đến để tìm cơ hội đóng góp chút kiến thức về chiến tranh Việt Nam mà tôi đã đúc kết trong suốt mấy chục năm qua bằng khối óc và trái tim của chính tôi, và bằng sự chỉ bảo cùng kinh nghiệm sống của các bác, các chú, các cô mà tôi quen biết. Và tôi muốn đến để luyện cho chính tôi lòng kiên trì nhưng rộng lượng khi làm việc với lớp trẻ.

Nhưng tôi chờ đợi mãi mà không thấy thông báo gì. Cuối cùng, tôi hỏi một người quen và được biết rằng năm nay SVSA có tổ chức tưởng niệm vào chiều thứ Hai, ngày 29 tháng 4, 2019 nhưng không công bố. Thật đáng tiếc vì ngày hôm đó tôi có giờ dạy ở Alameda College nên tôi không thể bỏ lớp.

Thế là năm nay tôi tưởng niệm ngày 30 tháng 4 với sinh viên ở Alameda College. Tôi cho học viên nghe Quốc Ca VNCH, cho họ biết rằng ngày 30 tháng 4 ngày là ngày buồn của người Việt Nam tị nạn Cộng Sản ở khắp thế giới, trình bày ngắn gọn về cuộc chiến Việt Nam, và giải thích tại sao tôi ở đây. Tôi chiếu hình năm vị tướng VNCH tuẫn tiết và nói rằng dù bốn mươi bốn năm đã qua, chúng tôi vẫn tưởng nhớ những anh hùng đã chết theo tự do ngày miền Nam bị chiếm.

Tuy không đến được với SVSA nhưng tôi vẫn nghĩ mãi về các em trong nhóm đó. Những sinh hoạt với SVSA đã giúp tôi học hỏi thêm về thế hệ trẻ gốc Việt ở hải ngoại. Họ rất thông minh, nhanh nhẹn - đúng chúng ta mong ước, nhưng có vẻ họ đang bị rối trong tiến trình “trân trọng quá khứ, làm sáng tỏ hiện tại, và hướng tới tương lai”. Có vẻ họ đang lưỡng lự không biết nên theo gương của thế hệ cha mẹ chống đối nhà cầm quyền Cộng Sản ở Việt Nam, hay sáng chế ra một cách khác để cùng các người bạn du học sinh giúp Việt Nam, hoặc quên hẳn miền đất với lịch sử chiến tranh quá phức tạp đó đi. Có vẻ họ đang phân vân ngay trong việc đánh giá những điều mà cha mẹ họ tin tưởng, những người mà cha mẹ họ kính phục, và ngay cả sự chính đáng của hai mươi năm hy sinh xương máu của cha ông họ.

Tuổi trẻ Việt ở hải ngoại chịu ảnh hưởng của sách báo, phim ảnh, lớp học, bạn bè hơn những câu chuyện được lập đi lập lại trong gia đình. Điều nguy hiểm là rất nhiều tài liệu ngoài xã hội thuộc loại tác phẩm của Ken Burns. Những người không có phương tiện gì đáng kể như tôi làm được gì trước các đội ngũ chuyên viên có mấy chục triệu đô la để chọn lọc một nửa sự thật và nhào nặn ra một tác phẩm có sức dẫn người xem tin vào “sự dối trá lợi hại” do họ dàn dựng?

Tuy vậy, chúng ta có hai thứ mạnh nhất: đó là sự thật và tấm lòng.

Sự thật hiển hiện ở những gì nhà cầm quyền Cộng Sản đã và đang gây ra trên đất nước Việt Nam. Từ việc cho Tàu thuê đất dài hạn mà người dân không hề biết tiền thuê đi về đâu, từ sự độc tài, xa xỉ hơn vua chúa của những người cầm quyền, từ những tin tức về trẻ em ở nông thôn Việt Nam bị xâm hại nhan nhản mỗi ngày trên báo chí, từ việc người Việt Nam ăn uống, thở hít chất độc nên bị ung thư nằm la liệt khắp các nhà thương, từ các công trình do nước ngoài chung vốn với nhóm chóp bu đang giết dần môi trường sống ở Việt Nam… Chỉ cần theo dõi tin tức Việt Nam một thời gian ngắn là ai cũng có thể thấy những sự thật này.

Tấm lòng là tình cảm sắt son của chúng ta với Việt Nam. Khi nào tình cảm đó còn đủ lớn chúng ta sẽ còn quan tâm, học hỏi, và chọn những việc làm hợp lý, hợp thời để giúp Việt Nam và để hướng dẫn, nâng đỡ lớp trẻ gốc Việt.

Ngay bây giờ, những việc đó có thể là quan tâm tới vận mạng của Việt Nam mặc dù chúng ta đang sống an toàn ở những nơi rất xa. Là kiên nhẫn hướng dẫn lớp trẻ bằng những kiến thức rõ ràng, chính xác, và tình thương không đòi hồi đáp. Là đối xử với nhau bằng sự tương kính, bằng thái độ văn minh, dân chủ. Là hết sức cư xử đúng mức để không ai có thể vu khống rằng mình hành động vì thù hận riêng hay vì bị chấn thương tâm lý. Là dùng sự hiểu biết, quan điểm vững vàng để giải thích, chỉ dẫn cho du học sinh thay vì dùng giận dữ, hằn học để đẩy họ đi. Là sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ lớp trẻ, và sửa đổi nếu mình sai. Là đùm bọc, đoàn kết trong cộng đồng, và bỏ qua cho nhau. Là không bỏ cuộc dù có khi cố gắng của mình chẳng đem lại được gì.

Tôi hiểu những điều đó viết ra thì dễ nhưng làm thì hết sức khó. Nhưng, hiểu như vậy cũng là được một bước rồi.

Tôi đã từng nói rằng tôi yêu Việt Nam đã sinh thành ra tôi và Hoa Kỳ đã dưỡng dục tôi. Sau gần năm mươi năm dưới chế độ tham tàn, Mẹ Việt Nam đã quá hao mòn, gầy guộc. Gần đây, tôi nhận thức thêm rằng tình cảm của tôi sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều nếu tôi giúp nuôi dưỡng cảm xúc đó trong thế hệ tiếp nối. Được như vậy, nhiều thế hệ gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới sẽ góp sức với những người con chân chính đang sống trong lòng Mẹ Việt Nam để đem ấm no, hạnh phúc, và tin yêu trở lại bên Mẹ.

Khôi An

Source:
https://vvnm.vietbao.com/a247175/thang-tu-tre-va-mang
https://vvnm.vietbao.com/a247176/tha...e-va-mang-ky-2

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Tháng Tư, Tre và Măng)

Rate this item
(0 votes)