Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Thơ Cung Trầm Tưởng Qua Từng Giai Đoạn Cuộc Đời - Bắc Đẩu Võ Ý

Posted by September 17, 2019 2506
Lời mở đầu của người viết:

Được biết, vào trưa Chủ Nhật, ngày 17 tháng 11 năm 2019 tới đây, Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng sẽ ra mắt tập thơ "CUNG TRẦM TƯỞNG - MỘT HÀNH TRÌNH THƠ 1948-2018" tại Little Saigon. Tập thơ bề thế do Tủ Sách Tiếng Quê Hương tái bản hoàn chỉnh lần thứ 1, gần 700 trang in trên giấy vàng bìa cứng, rất đẹp và trang nhã.

Để hổ trợ cho một công trình văn học ròng rã 70 năm của Lão Thi Nhân, cựu Không Quân, cũng là "Con Của Thượng Đế," tôi mạo muội viết vài dòng để tỏ lòng ngưỡng mộ một nhân tài rất nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa.

Trân trọng,
Không Quân Võ Ý
 




Từ một thanh niên du học Pháp đến một “quan văn” tại Bộ Tư Lệnh KQ, từ một tù nhân chính trị sau 30/04/75, đến một người Việt lưu vong, tính chất thơ của Cung Trầm Tưởng (CTT) cũng biến thiên theo năm tháng.

Trước 1975 và ngày nay hầu như ai ai cũng thuộc mấy câu “lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế,” qua đó, nét tiêu biểu của thơ CTT trước 1975 là tính lãng mạn trữ tình và tính cách tân, hòa quyện với nhau:

Mùa thu Paris/ Trời buốt ra đi/ Hẹn em quán nhỏ/ Rưng rưng rượu đỏ tràn ly. Hoặc:
Thôi em xanh mắt bồ câu/ Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau.


Nét “cách tân” được CTT mang về sau khi ông tốt nghiệp kỹ sư trường KQ từ Pháp. Dù vậy, CTT vẫn không quên những thành ngữ chữ Hán của người xưa như: “tam thập nhi lập, thất thập cổ lai hy”, v.v…

Thử điểm nét tiêu biểu thơ của CTT qua từng giai đoạn cuộc đời, từ cậu học trò mười tám đôi mươi của núi Nùng sông Nhị, về Nam tâm sự, đến lão ông tuổi 80 ly hương xứ Vạn Hồ nước Mỹ.

Tuổi Thiếu Niên

Chàng trai Hà Nội, mới 16 tuổi, vậy mà, hồn thơ “như cái đĩa thâu thanh” đã phát tiết ra ngoài sứ mạng của thi nhân:

Tuổi lợ trai tân còn hoi sách/Tối ngày bập bẹ nhớ và thương.
Rượu người mận ngọt hay mơ đắng?/ Dò dẫm chân đi chữa biết đường.


Tuổi 30, tam thập nhi lâp

Là sĩ quan không quân, đẹp trai, tây học lại là thi sĩ, nếu mỹ nữ không liếc mắt đưa tình thì cũng được chàng thi sĩ mê đắm tôn vinh:

Từ ấy tôn vinh thần Vệ nữ/ Tóc vàng màu rạ, dáng mình dây.
Xin quỳ bốn vái và ba lạy/ Trả trọn mây mưa xuống vẹn đầy.

Cứ thế ngày đi và tháng tới/ Yêu người yêu đến cả tình yêu.
Sông sâu, nước rộng, dài nhung nhớ/ Em choán hồn anh đủ bốn chiều.


Tuổi 40, tứ thập nhi bất hoặc

Nghĩa là đã đầy đủ phù phép nên làm gì cũng chín chắn, kể cả khi mời “cháu gái” vào vũ trường:

Tuổi dắt mây đi, dìu nắng tới/ Cái nhi bất hoặc quấn lên đầu,
Tôi đi thu nghiệm thêm màu phép/ Níu giữ mặt trờ đứng ngọ lâu.

Hãy giữ tình đi cho đúng bước/ Như hồng má phớt chút mưa qua
Như môi pha thoáng màu sầu lự/ Phảng phất hương ngâu trước thềm nhà.


Tuổi 50, ngũ thập di nhĩ thuận

Mọi việc bỏ ngoài tai, nhẫn nhịn cho yên chuyện. Nhưng với nhà thơ thì ở tuổi nầy, ông đâm nghiện, nghiện đắm đuối men tình yêu:

50 tuổi dấy lên tàn lửa/ Nhắp chút men tình, chuốc lấy say,
Cái tuổi ba giờ trưa vẫn nắng/ Có lời tâm sự gửi thời gian.

Em có nghe rơi thầm dạ khúc/ Vui giờ mà rớm lệ ngày sau
Yêu nay nhớ để dành lưu luyến/ Chờ hứng cho hay cái kết sầu.

Đến nắm tay nhau truyền ấm áp/ Tôi làm chiếc ghế lót trăng đêm
Mời cô ngồi xuống nồng hơi lụa/ Để đá như da cũng biết mềm.


Tháng 4 đen

Nhà thơ và phần lớn đồng đội của ông bị đẩy vào nhà tù cộng sản. CTT bị tù khổ sai 10 năm, ra tù năm 53 tuổi.

Từ một Trung Tá KQ, Trưởng Phòng Kế Hoạch Hành Quân thuộc BTL/KQ, nay nếm mùi tù đày và chính sách trả thù của cộng sản, CTT thấy rõ sự bạo tàn của chế độ đối với người dân miền Nam như bóc lột, đổi tiền, phân biệt lý lịch, hà hiếp vợ con của Quân Cán Chính VNCH, thơ ông bắt đầu nhả đạn vào bè lũ vô đạo nầy:

Có sông nhưng mà người không nước/ Nước bán son rồi, bán lấy chi?
Một núi hư vô lầm chủ thuyết/ Bốn bên mây phủ kín màu chì.

Nó cõng vua Lê và chúa Mác/ Về quê cha giết mẹ hiền lành
Tang sô bạc xóa đầu con trẻ/ Cỏ ngút sân trường, chợ vắng tanh.

Một bầy táng tận lương tâm/ Ăn hồ, ăn giẻ, ăn vần ngày công
Ăn tranh trẻ đói lọt lòng/ Ăn lường tiếng khóc khép vòng tử sinh

Ngón đòn lý lịch ly kỳ/ Cha là “ngụy”, phạm trường quy con rồi.


Nộ Thi (43 – 53 tuổi, trong tù)

Với 10 năm tôi luyện trong ngục tù của quỷ đã biến CTT thành một lão tướng trên trận địa quan điểm và chữ nghĩa. Giai đoạn nầy, thơ ông biểu hiện nỗi uất hận chế độ bạo ngược (Lời Viết Hai Tay, được đồng đội gọi là Nộ Thi), bằng cách vạch mặt sự tuyên truyền bịp bợm của cộng sản và Nộ Thi quyết một mất một còn với cái ác qua lập trường quốc gia dân tộc:

Bài học rút ra thật dứt khoát/ Nó, tôi chẳng thể đội chung trời.
Nó còn tôi mất, đơn sơ vậy/ Nó mất tôi còn, chỉ thế thôi.

Hãy chặt chặt sâu, tông phắt phắt/ Hãy phang phang gắt, quắm ào ào.
Mai về đạn nhảy ngay nòng súng/ Trực chỉ đầu thù nổ thật mau!

Mai sau thịt thắm da liền/ Cái yêu khác trước, cái nhìn khác xưa,
Cái tin vô cớ xin chừa/ Sống sao cho xứng lũy thừa thương đau.


Giai Đoạn Lưu Vong (1993 -) (61 – 80 tuổi)

CTT và gia đình định cư ở Mỹ năm 1993, năm ông 61 tuổi. Khi bước vào tuổi thất thậpbát tuần, lòng ông vẫn nồng nàn yêu thương và mong muốn trải rộng yêu thương khắp nhân loại khắp địa cầu, núi non sông nước, cây cỏ chim muông:

Nghe châu Mỹ, ngóng châu Âu/ Dưỡng nuôi nhân bản, đỡ đầu hành tinh.
…Khẳng khiu một nhánh xương rồng/ Giữa sa mạc cát vẫn nồng nhựa say.


Tuổi 87+

Đã ngoài 80, ông vẫn trân trọng một “luyến ái quan không tuổi”:

Mỗi lần nói thương nhau/ Là cách tân ngôn ngữ.
Anh trẻ ra trăm tuổi/ Khi em nói yêu anh”.


Cũng ở tuổi này, thi nhân trau chuốc “Một Tiếng Hát Ưu Lương” vì ông khẳng định, “thi nhân là con cách riêng của Thượng Đế”, mang sứ mạng xuống trần gian để tô điểm cuộc đời. Đã là con thì mỗi người có mỗi cách báo hiếu cho cha mình. Lễ vật báo hiếu độc đáo của thi nhân là những vần linh thi ưu lương diễm lệ uyên áo và hùng vĩ do mình sáng tác để dâng lên Ngài.

Đời sau này có tiếng hát ưu lương/ Cất từ miệng chàng thi nhân hiếu tử
Kể từ đó, trên phong nhiêu Trái Đất/ Những mùa vàng ủ đợi cuối đường hoa.
Không gian xanh gió lộng, nắng chan hòa/ Giục giã bước người đi làm lịch sử.


Kết Luận:

Người đi làm lịch sử phải là một chính nhân quân tử. Người quân tử như cây trúc, tiết trực tâm hư. Ở rừng núi Hoàng Liên Sơn có cây “Vầu”, cùng họ với tre, nứa và trúc, nhưng cao và to lớn uy nghi hơn tre nứa trúc cả chục lần. Hàng ngàn năm qua, Vầu sống âm thầm trong rừng già Việt Bắc, bỗng sau ngày 30/04/1975, Vầu đi vào thơ của CTT qua bài Biểu Tượng mà tôi vẫn thuộc lòng sau hơn 40 năm:

Cực hình thú ác gây nên/ May bằng nứa tép đứng bên Vầu già
Mỗi ngày Vầu mỗi cứng ra/ Đổi thay lá mới, đậm đà lóng tươi
Vầu đanh như thép sáng ngời/ Nắng mưa thì cũng chọn đời đứng ngay.


Và đó là bóng dáng và nhân cách qua thơ của một thi nhân, con của Thượng Đế, cũng là chiến sĩ của Quân Lực VNCH, nhà thơ Cung Trầm Tưởng!

Westminster 08/28/2019
Bắc Đẩu Võ Ý

(Forumpost: https://hoiquanphidung.com/showthread.php?28835-Th%C6%A1-Cung-Tr%E1%BA%A7m-T%C6%B0%E1%BB%9Fng-Qua-T%E1%BB%ABng-Giai-%C4%90o%E1%BA%A1n )

Rate this item
(0 votes)