Không Quân Việt Nam Cộng Hòa
...Đó là những ngày mà người dân Sài Gòn chộn rộn với việc đi và ở; cùng lúc đó, hàng trăm ngàn dân từ miền Trung và Tây nguyên cũng bám theo các đơn vị quân đội “di tản chiến thuật” kéo về. Sài Gòn trở nên chật chội, hổn độn. Tháng ba, khuôn mặt của Hòn Ngọc Viễn Đông đã mang dáng dấp của một người hấp hối.
Từ tháng giêng 1975, đã có lệnh cấm quân 100%, Quân cảnh ở các cổng Sư đoàn canh gác thật nghiêm nhặt; tuy vậy, với các anh lính KQ đi mây về gió luôn có đủ mọi cách để qua khỏi cổng vù về Sài Gòn, bởi Sài Gòn-Biên Hòa chỉ cách khoảng 30 cây số.
Nhóm chúng tôi có 4 HSQ phi hành được lệnh thuyên chuyển từ Sư đoàn 1KQ về miền Nam. Tôi và Văn xin về Biên Hòa, Giao và Thống, hai Thượng sỉ đều về Cần Thơ, cả bốn đều là những Cơ phi gạo cội của PĐ 239, bởi hết hạn đi xa được xin về gần theo nguyện vọng. Tôi, Thống và Văn cùng khóa nghiệp vụ ra trường đi Đà Nẳng năm 1971, Giao là nhóm Cơ phi đầu tiên được đào tạo từ KQ cơ hữu ra trường năm 1969 nên còn chút hơi hám H-34 của Phi đoàn kỳ cựu 219, trưởng thành từ 213 và sau cùng trụ lại tại 239 đến lúc đổi về SĐ4KQ.
Về PĐ 231 Biên Hòa, Cụ Văn và tôi đều là tân binh nên được trưởng toán ưu ái cắt bay các phi vụ lẻ tẻ(slick). Chắc ông Th/sỉ 1 trưởng toán cơ phi cũng không cần biết trong số 2 tân binh kia lại có một tay gunship cừ khôi của vùng 1. Tôi cũng chỉ biết mang máng rằng người cầm sự vụ lệnh ra thế chổ tôi ở PĐ 239 là Đăng Cò cũng cùng khóa, cùng trung đội, cùng phòng với tôi từ năm 1969.
Nhưng sau đó nghe lại Đăng cò cầm Sự Vụ Lệnh nằm nhà chơi, mãi cho đến lúc Đà Nẳng “ over run” mới vô Bộ Tư Lệnh trình diện và đi Vùng 4 tỉnh queo ! May mà Đăng Cò không bị dính chưởng “quá 24 giờ báo cáo đào ngủ”, nếu không chắc cũng nằm quân lao rồi ra tòa án quân sự và bị đưa ra Bộ binh như ông bạn đồng ngủ Tống Lý Guns của tôi - ông bạn nầy thì xui xẻo hơn, hai lần được chiến thương bội tinh, bị dính hai lần báo cáo đào ngủ, hai lần ra tòa án quân sự, nhưng trong cái xui còn có cái hên, tòa án quân sự tuyên giử nguyên cấp bậc, lột chỉ số Phi Hành cho xuống đất, nhưng mà đất là của “tia chớp miền Đông – SĐ25BB” !
Khóa 5/69HSQ Cơ Phi chúng tôi lúc tỉnh táo ngồi kiểm tra lại sao mà quái đản, gian truân...
Bởi đã từng nếm mùi Hạ Lào-Khe Sanh với Lam Sơn 719, Bastogne, Quế Sơn, Ba Tơ, mùa hè đỏ lửa 1972, trong đó có cả việc tái chiếm cổ thành Quảng Trị..nên khi đổi về Biên Hòa tôi và Văn đều cảm thấy khá nhàn nhả trong công việc. Ba tháng làm việc tại PĐ 231 chúng tôi như thui thủi, có tên thì bay, không là dù về Sài Gòn mặc dù hơn 2/3 quân số cơ phi của phi đoàn là cùng khóa, nhưng mãi đến sau nầy khi tan hàng mới biết những cái tên ấy ở cùng phi đoàn với mình. Hoa tiêu cũng vậy, do có khoảng cách hơn so với hoa tiêu vùng 1, lại thay đổi phi hành đoàn thường xuyên nên hầu như chưa quen thân được ai !
Người bạn cơ phi đầu tiên tôi gặp ở PĐ 231 là Thạnh bà ruồi. Thạnh cùng khóa 2 CPTT với tôi, ra trường đi Đà Nẳng một năm thì xin hoán chuyển về Biên Hòa, lúc rời PĐ 233 bà ruồi Thạnh cũng Tr/sĩ như tôi, nhưng khi gặp lại thì hắn đã mang lon Th/sĩ, tôi hỏi ở Biên Hòa sao mày lên lẹ vậy, Thạnh chỉ cười nói:
- Ai biết, nó cho lên thì lên...
Còn tôi, nếu không nhờ cái phi vụ đặc cách tại mặt trận và cái Quân Công Bội Tinh với Nhành Dương Liểu Ngôi Sao Bạc chắc lúc đổi về Biên Hòa vẫn còn trinh nguyên hai cánh gà chiên bơ như lúc ra trường. Phân nữa Cơ phi K5/69 ra Đà Nẳng sau 4 năm vẫn dậm chân tại chổ bởi ông Phòng nhân viên Sư Đoàn làm việc rất tận tình, cứ trể phép là quất 8 củ ghi quân bạ; lon còn không cho lên nói gì chấp nhận đơn xin đi Sĩ Quan!
Hình như cả nhóm thuộc K5.69CP ra Đà Nẳng chỉ có một tên duy nhất được gọi đi Sĩ Quan sau khi đậu Tú tài 1 là Võ ngọc Trác PĐ 233, trong khi đó ở các vùng 3 và 4 số Cơ phi khóa 5/69 lần lượt được gọi đi Sĩ Quan khóa 72, 73 khá đông. Nhưng một ngày sau khi biết tin đi học Sĩ Quan trong phi vụ tiếp tế cuối cùng cho chi khu Ba Tơ - Quảng Ngãi trước khi chia tay Vùng 1, chiếc Slick của Trác bị nổ tung vì SA-7. Hôm đó tôi là cơ phi dằn thùng ở chiếc Guns.1, hốt hoảng khi nghe tiếng kêu may day..may day ..vang vọng của chiếc lead slick cùng một quả cầu lửa bùng nổ trước mặt. Trong intercom lúc nầy không biết là thông báo của lead guns. hay của ai :“ Slick bị SA7 .. hợp đoàn break phải ..” Quả cầu lửa ấy rơi rất nhanh và còn nổ bùng thêm lần nữa lúc chạm đất rồi tắt ngấm giửa rừng sâu ! Ánh sáng của thung lủng Ba Tơ xuống rất nhanh, khi hai chiếc Guns. 239 vòng lại xuống thấp tìm kiếm thì rừng già đã xám xịt, không còn nhìn được điều gì !
Tuần lể sau đó, chi khu Ba Tơ mất. LZ rescue quá hot, chuyện chiếc slick 233 bị SA7 và người bạn Võ Ngọc Trác của tôi cũng được xếp lại vào hồ sơ mất tích ! Nhưng hình ảnh chiếc slick bùng cháy và tiếng kêu “may day” lạc giọng của viên Phi công 233 vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí tôi mãi cho đến bây giờ.
Nhắc về chuyến bay định mệnh nầy, tôi cũng phải xin lổi cháu Tuấn - con của Hạ sỉ Khanh - xạ thủ chuyến bay này, cháu đã thất công tìm kiếm tung tích của cha mình suốt bao nhiêu năm qua, kể cả việc tìm được địa chỉ điện thoại của Tr/tá Chính Phi đoàn trưởng 233 lúc đó, nhưng tiếc thay ông Chính năm nay tuổi đã cao, không còn nhớ được gì để trả lời, còn tôi chỉ biết được khoảng không gian và thời gian cuối cùng của phi vụ ấy mà thôi, cho nên tuy cháu có gọi nhiều lần để hỏi thăm nhưng thật tình tôi cũng bó tay vì 45 năm qua chưa một lần trở lại.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nam bộ, nơi có tín ngưõng Phật giáo mạnh nên tôi cũng rất âm lịch, cảm thấy lo lắng khi biết mình đã có Sự Vụ Lệnh về Bộ Tư Lệnh Không Quân trình diện nhận quyết định đi học khóa 31 Sĩ Quan Đà Lạt, mà thật ra Sự Vụ Lệnh trình diện là từ tháng 2/1975, tôi thì thuyên chuyển đơn vị từ Đà Nẳng về Biên Hòa từ tháng giêng, có lẻ vì vậy mà cái Sự Vụ Lệnh nó lẻo đẻo theo sau mãi đến tháng 3/1975 tôi mới được tin, sau nầy tôi được biết Khóa 31 Đà Lạt đã làm lể gắn alpha từ giửa tháng ba, và lúc tôi nhận được Sự Vụ Lệnh cũng là lúc Trường Võ Bị bắt đầu di tản, thế nên cái sự nghiệp bay bổng của tôi vẫn còn kéo dài đến ngày 29 tháng ba với phi vụ bảo vệ không phận Sài Gòn; đây là chuyến bay đêm đầu tiên của tôi ở đơn vị mới 231 này nhưng cũng là phi vụ cuối cùng của đời binh ngủ.
Nói đến chuyện đi học Sĩ Quan, các bạn cùng khóa của tôi đến tuổi nầy vẫn còn ấm ức. Vào lính, cái ranh giới Sỉ quan và Hạ sỉ quan chỉ có một khoảng cách nhỏ là cái bằng Tú Tài 1. Năm 69 rớt Tú tài 396 thằng thư sinh đăng ký đi Hạ Sĩ Quan Cơ Phi, hai năm sau - 1971, hơn phân nữa thi đậu nhưng khi nộp đơn đi học Sĩ Quan thì bị từ chối theo hai lý do: - bị nhiều ngày trọng cấm trong quân bạ, thứ hai lại đúng vào lúc mùa hè đỏ lửa diễn ra, Vùng 1, Vùng 2 dân phi hành rụng như sung, Không Đoàn Tác Chiến có lệnh giử cơ phi lại chờ bổ sung và cứu xét sau.
Có lẽ do tự ái hơi cao nên tôi quyết tâm học và thi cho bằng được Tú tài 2, sau đó tôi và một số ít bạn cùng khóa đã thành công vào năm 1973; việc nầy đã làm tăng uy tín của Khóa 5/69CP chúng tôi rất nhiều. Hơn nữa, vì hàng ngày trực diện với thần chết nên phần lớn Phi công trực thăng Vùng 1 cùng với anh em phi hành đoàn rất có tình, rất cởi mở và chan hòa. Mãi đến hôm nay sau hơn bốn mươi năm, khi gặp lại anh em vẫn ôm nhau mà rưng rưng nước mắt.
Cuối năm 1973, tôi tiếp tục nộp đơn trở lại học khóa Sĩ Quan, nhưng là Sĩ Quan Đà lạt. Lần trước, đơn của tôi bị từ chối vì dính 12 ngày trọng cấm trong quân bạ, về Sư Đoàn 3 KQ được ba tháng bất ngờ lại có lệnh gọi, có lẻ cũng nhờ cái vụ đặc cách mặt trận và huy chương Quân Công Bội Tinh nên được xét lại. Nói là tình nguyện đăng ký đi Sĩ Quan chứ thật ra sau năm 72 dân đi bay dằn thùng như chúng tôi đã lạnh cẳng lắm rồi. Có Tú tài 2 đăng ký đi Phi công sợ không đủ thước tấc, thôi chui vô trường Võ Bị bốn năm cho yên thân, có khi ra trường thời cuộc đã yên, khỏe hơn.
Và đêm 29 tháng ba, là phi vụ cuối của tôi với PĐ 231 để sáng hôm sau vác sắc-ma-ranh hiên ngang ra cổng về Sài Gòn.
Thường cuối tuần, trưởng toán cắt bay trước 2 ngày nên tôi đã biết trước công tác của mình. Xuống ca ngày thứ sáu, về Sài gòn thứ bảy, sáng sớm Chúa nhật tôi đã trở lên phi đoàn chuẩn bị cho chuyến bay lúc 5 giờ chiều.
Theo thông lệ, Phi hành đoàn thường ra máy bay trước 30 phút để check tàu. Check tàu là nghề của chàng nên sau 2 phút leo lên leo xuống rờ rẩm "bia ring", phủi cát ống "ét zốt" tôi báo cáo với Trưởng phi cơ Tr.úy K là tàu đã clear. Nhưng còn 5 phút đến giờ cất cánh vẫn không thấy anh xạ thủ đâu, Trưởng phi cơ nhắc tôi vào lại phòng nghỉ tìm, 15 phút sau vẫn bặt tin, thấy vậy Th/tá Phi đoàn phó ra lệnh :
- Anh vào phòng nghỉ xem có anh Cơ phi nào ở không kêu đi thế ..Xạ thủ vắng mặt để kỷ luật sau.
Đúng lúc đó Cụ Văn của tôi lù lù xuất hiện, anh mới nhảy tàu lửa từ Sài Gòn lên, cái túi helmet trong tay chắc có đồ ăn nên thấy hơi nằng nặng.
- Ê, Văn đi bay tối nay, mai khỏi đi hành quân !
Có lẽ cũng tại cái bệnh lạnh cẳng như tôi nên mặc dù có chống chế vài tiếng.
- Văn mới lên..chưa ăn cơm..
Nhưng sau đó do tôi níu kéo quá nên Văn cũng nhận lời và cùng tôi ra tàu ngồi vào ghế xạ thủ bay về Sài Gòn. Tôi còn hứa ngọt:
- Về Tân sơn Nhất mình mua bánh mì cho ăn trừ cơm.
Tàu đáp Tân Sơn Nhất trời vẫn còn sáng, phía sau chúng tôi là chiếc Gunship bệ vệ hai giàn minigun 6 nòng và hai pod rocket 17, Cơ phi chiếc gunship cũng là bạn cùng khóa tôi - Tăng Lê mặc bộ nomex oai vệ bước xuống :
- Ê Lùn mầy đổi về hồi nào tao không biết ! Ở đây covers cho slick chỉ có một chiếc gunship thôi, tối nay tụi tao bay với tụi mày. Ủa mà sao có thằng Văn Ông Cụ nữa ?
- Thì vắng Xạ thủ, Phi đoàn phó lệnh cụ Văn lên ngồi dằn thùng cho đủ bộ ! Ê mày có ăn bánh mì không để tao mua luôn ?
- Ừa, tao cũng đang đói bụng.
Vừa trả lời Tăng Lê, tôi vừa tiến tới ụ gác phi đạo hỏi muợn chiếc Honda 67 của một bạn phòng thủ phóng nhanh ra cổng Phi Long tìm mua bánh mì vì cái bụng tôi lúc nầy cũng đã có dấu hiệu biểu tình dữ lắm
Hoàng hôn ở sân bay Tân Sơn Nhất khá buồn, quanh hai chiếc UH chúng tôi đậu chờ phi lệnh là các ụ nổi chống đạn hình chử L dành cho F-5 và A-37, thỉnh thoảng lại có một chiếc AC-119 và AC-47 taxi ngang để ra phi đạo cất cánh, có những cánh tay đưa lên chào khi máy bay đi ngang, tôi đoán chắc đó là những con ma cơ phi 5/69 của của chúng tôi. - Ừ thì giờ tụi mày bay sớm ra tiền đồn thả hỏa châu đi. Đêm nay tụi tao ít nhất cũng phải 3 “rai” quanh Sài Gòn chớ chẳng chơi.
Không hẹn mà gặp, tự lúc nào, ba chúng tôi lại cùng gối đầu trên chiếc càng đáp vừa nhai bánh mì, vừa kể chuyện mưa nắng, gió sương. Còn Cụ Văn, cứ lẩm nhẩm về quán cà phê Thạch Thảo-Đà Nẳng, bởi Cụ đã si tình nàng Nguyệt Duyên ngồi “két’ từ lúc nào. Hèn gì, hôm nào xuống ca ,nếu có ai muốn tìm Văn thì cứ đến cà phê Thạch Thảo.
Đêm đó chúng tôi lên vùng ba lần như phi lệnh. Sài Gòn giới nghiêm nên không khí như hoang vắng lạnh lùng. Đêm Sài Gòn ít đèn nên không gian như nhỏ lại. Hai chiếc UH cứ lầm lủi dọc theo sông Sài Gòn, cây xăng Nhà Bè, rồi lên Hóc Môn, Củ Chi.. Tay tôi điều khiển chiếc đèn chùm như cái máy. Trời chớm hè nhưng sao lành lạnh. Tôi bấm intercom hỏi cụ Văn :
- Lạnh không Văn !
Văn trả lời giọng như con gái 16:
- Hơi hơi lạnh.
Và đó cũng là lời nói cuối cùng mà tôi nghe được từ người bạn cùng khóa của đồng đội nầy.
….. Chiếc đồng hồ đeo tay của tôi dừng chạy lúc 4 giờ 59 phút sáng, là thời điểm chiếc slick của tôi rớt. Khi tôi tỉnh lại ở Tổng Y Viện Cộng Hòa, thấy Tăng Lê vào thăm, hắn nói :
- Mày bị văng ra khỏi tàu hơn trăm thước.
Mọi việc xẫy ra rất nhanh, hình như lúc đó bụi cát mù mịt, hai tai tôi vang lên những tiếng.o.o.o một cách lạ lùng.Trong mơ màng tôi nhớ hình như có Tăng Lê kêu..L. ơi !... L. ơi ! mầy ở đâu !
Chiếc slick của tôi khi rớt đã lật nhào sang trái, nơi có ông Cụ Văn ngồi dằn thùng . Bác sỉ nói tụ máu não không giải phẩu kịp! Tôi lặng đi rất lâu vì cái chết của Văn..Tôi cứ dằng dặt mãi về sau nầy:
- Phải chi mình đừng kêu Văn đi ! Ổ bánh mì tôi mua cho Văn buổi hoàng hôn ngày 29 tháng 3 năm ấy cũng lởn vởn theo tôi suốt nhiều năm liền.
Ông cụ Văn chết, tôi tiếp tục nằm bệnh viện thêm hai tuần, lúc cầm giấy chuyển viện về Trung Tâm Y Khoa KQ TSN thì đã 28 tháng 4…
Cao Nguyên 569
Reader Response: (Ổ Bánh Mì Cuối Cùng)