Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Mờ Trong Khói Lửa - Quái Điểu Bồng Sơn.

Posted by September 03, 2018 4807

Mờ trong khói lửa
Quái Điểu Bồng Sơn.

Bát thập vấn vương đời quân ngũ
Bao năm Cọp Biển đó là danh
Ưỡn ngực nhìn quanh đời chẳng thẹn
Nước mắt chỉ rơi khóc bạn mình.
Thế giới bên kia ra sao nhỉ
Nơi đây vẫn nhớ những địa danh
Xác ta, xác địch phơi như núi
Đêm đêm vẫn thắp nén nhang tình.



Tôi mê say đời Cọp Biển, đó là lẽ sống của tôi và cũng như rất nhiều chiến binh Mũ Xanh khác của binh chủng. Kỷ niệm nhiều lắm, nhắc không hết, giờ đây vào tuổi gần 80 cũng có khi quên. Nhưng không làm sao quên được những chiến hữu, những cấp chỉ huy, những đồng đội đã hy sinh đền nợ nước. Đêm về, hay có những giấc mơ đẹp, chuyện mấy chục năm trước nó hiện ra như mới hôm qua. Rồi những giấc mơ tôi gặp lại đàn anh, đồng đội, đàn em trong cảnh máu đổ thịt rơi, tôi hét lên, bật người dậy làm người vợ hiền thức giấc trong cái giá lạnh buốt thấu xương nơi thành phố tôi ở. Tôi tiếc, tiếc vô tận, tôi muốn nói chuyện với các anh, tôi muốn nói rằng tôi rất nhớ các anh. Quê hương tôi ngày ấy lửa đạn ngút trời, những chiến sĩ, những anh hùng của tôi đã đi vào lịch sử. Rời quân trường, tôi có nhiều “ngả đi”, lắm “ngả về”, nhưng vốn mê Mũ Xanh từ những ngày còn bé, còn là Thiếu Sinh Quân nên tôi quyết về với Mũ Xanh. Cái mũ và màu áo đó tôi đã “chung thủy” cho đến ngày gẫy súng, ngục tù rồi theo bộ quân phục TQLC theo tôi trên đường tỵ nạn CS. Đến Hoa Kỳ, dù bận rộn công việc gì chăng nữa tôi cũng dẹp qua một bên để sắp xếp về tham dự những Đại Hội TQLC. Nơi đấy, tôi đã tìm lại tôi, tìm lại những đồng đội, tìm lại những anh em đã cùng tôi một thời khói lửa.

Ai nói rằng người già không còn “lửa”, nhưng với tôi thì chưa. Lửa Binh Chủng trong tôi còn đầy đủ, bừng bừng khí thế như tuổi “đôi mươi”. Khi có tí men cay, lửa trong tôi sôi sục như những ngày băng rừng, vượt núi Trường Sơn, những năm tháng ngập mình trong sình lầy của Vùng U Minh, Chương Thiện. Cái thuở bắt đầu làm Mũ Xanh tôi theo Kình Ngư băng rừng, lội suối. Bấy giờ, tôi mới học được một điều, mà ở quân trường không có, hay chỉ nói thoáng qua, đó là sự mất mát, cái tiễn biệt. Cái cảm giác này khó chịu lắm, và cũng đau khổ lắm!

Ngày ấy...TĐ4 Kình Ngư của TĐT Võ Kỉnh hành quân cùng đoàn tầu tuần giang của Mỹ Riverine Force. Đoàn tàu bị phục kích ở Rạch Nước Trong, Tỉnh Chương Thiện, ĐĐ1 của ĐĐT Cam Ranh và tôi, ĐĐP, hai chúng tôi đồng loạt phản phục kích từ hai cánh quân khác nhau, bằng cách xung phong thẳng vào mục tiêu, tìm sinh lộ trong tử lộ nhưng không hiểu như thế nào mà hai anh em ĐĐT&ĐĐP cùng hội tụ vào một mục tiêu là cái mương dừa, ở đó có hai tên VC đang trú ẩn. Khi chúng tôi nhào tới thì chúng nó bị tê cứng vì sợ hãi, chúng chưa kịp bóp cò thì Hạ Sĩ Đồng cận vệ của tôi nhanh như cắt lia một loạt M16, cứu hai chúng tôi khỏi lưỡi hái Tử Thần, tịch thu 2 AK47 ngon ơ.

Trong khi ĐĐ1 bị phục kích thiì Anh Lộc, ĐĐT/ĐĐ3 đem quân tiếp cứu chúng tôi. Nhưng... tiếc thương thay, Anh Lộc đã nằm xuống để cho chúng tôi và các chiến hữu đồng minh được sống. Huy chương Đồng (Bronze Star with V) tôi mang cũng do anh mà tôi có.

Khi anh Lộc hy sinh, tôi đang là DĐP/ĐĐ1 thì được TĐT Võ Kỉnh cho trực thăng đón tôi sang tạm nắm Quyền ĐĐT/ ĐĐ3 trước khi tôi về Trường Sinh Ngữ Quân Đội để chuẩn bị đi du học ở Hoa Kỳ.

Cái chết đến với những người chiến binh chúng tôi như một cơn gió thoảng, nhanh và gọn lắm. Cười đó, vui đó, gương mặt đầy nhiệt huyết, sáng rực như một vì sao, đâu ai biết rằng, mất và còn chỉ trong phút chốc, nó như là một giấc mơ làm mọi người ngơ ngác hỏi nhau: “Anh Lộc mất rồi sao? Mất rồi hả?” Để rồi cuối cùng phải ngậm ngùi rằng Anh đã mất thật rồi!

Chúng tôi kính cẩn đứng nghiêm chào tiễn biệt anh, người đàn anh của tôi. Anh Lộc ơi! Nếu có kiếp sau, chúng ta vẫn là Mũ Xanh anh nhé.

Ngoài Kình Ngư, đời Cọp Biển của tôi dính chặt với Quái Điểu. Đã có lúc Lạng Sơn điều tôi về làm “xếp” Biệt Đội Sóng Thần, nhưng cuối cùng, tôi vẫn phải về “xóm cũ”, sống hùng, sống mạnh, sống tả tơi với Quái Điểu. Qua nhiều trận, nhất là trận Triệu Phong, tưởng chừng như tôi “đã được Chúa gọi về”. Nhắc đến Quái Điểu, với tôi, thì phải nhắc đến Tây Sơn-Tr/Tá Nguyễn Đằng Tống. Tôi trình diện Ông năm 1970 khi Quái Điểu đang hành quân bên Cam Bốt. Ông là một sĩ quan tài ba, cam đảm, trầm tĩnh, một cấp chỉ huy thương lính, thương đàn em. Cả đời Ông lúc nào lăn mình vào chiến trận.

Tuy nghiêm nghị để chỉ huy, nhưng Tây Sơn cũng có khi vui tính, khôi hài, nói những câu buồn cười cho vui đời rừng núi. Tiếc thay, “anh hùng luôn bạc mệnh”, vì vết thương cũ trong ruột ở trận Bồng Sơn khiến Ông qua đời trong nhà tù giá lạnh ở Yên Bái. Phu nhân Tây Sơn có đủ điều kiện để đi năm 1975. Nhưng .... Bà cũng đã ở lại với ông cho trọn chữ phu thê, giữ trọn lời thề.

Ngày 30/4/1975, tại doanh trại Phạm Khắc Dật, trước khi buông súng theo lệnh của “Tổng Tư Lệnh” Dương Văn Minh, Tiểu Đoàn Trưởng cuối cùng của Quái Điểu là Hưng Yên và tôi, Bồng Sơn, đã tập họp đơn vị xong, xin nghiêm chỉnh đứng nghiêm, chào tay: “Vĩnh Biệt Tây Sơn Nguyễn Đằng Tống”.

Tây Sơn Nguyễn Đằng Tống một thời Cam Bốt, rồi Lam Sơn 719 Hạ Lào, cho đến một ngày của mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Tây Sơn bị thương. Hương Giang Nguyễn Đăng Hòa nhận lệnh, nhận chức TĐT/TĐ1/TQLC thay Tây Sơn

Kỷ niệm với Hương Giang thì nhiều, nhưng đáng nhớ nhất là trận Triệu Phong. Quái Điểu vào vùng bằng trực thăng vận. Một cuộc chuyển quân đầy gay go và thử thách. Mặc dù đã có hải pháo từ Hạm Đội, máy bay B-52 trải thảm, oanh tạc cơ đủ loại dọn bãi. Nhưng Quái Điều ngày hôm đó thê thảm chưa từng thấy. Địch rụng như sung, mà ta cũng rụng như sao!

Lúc ấy, tôi vẫn còn là ĐĐT/ ĐĐ1. Chúng tôi được quân chính quy BV đón tiếp rất “nồng hậu”. Tiếng đạn bay không còn kịp nhận định được phương hướng. Đạn pháo nổ inh ỏi, ù cả hai tai. Tôi cầm bản đồ ra lệnh cả ĐĐ xung vào vào mép làng. Cả trăm mạng chạy về phía trước bất cần “thân thể”. Nếu không chiếm được mấy vị trí ven làng, thì chỉ làm bia cho thượng liên của địch. Tôi chạy thế nào mà ngay họng súng thượng liên, Thượng Sĩ Phước, thường vụ ĐĐ, từ phía sau nhìn thấy, xô tôi ngã lăn quay, người cận vệ chạy phía sau tôi lãnh đủ loạt đạn đó!

Lại môt người thân thiết như ruột thịt của tôi ra đi thay cho tôi!

Thương tiếc em, nhớ ơn em, đồng đội củng tôi, “hận thù đằng đằng”, vùng lên quyết tiến và đã tiễn được một đám bộ đội chính quy BV “về quê với Baác”.

Tôi có một căn hầm, làm BCH/ĐĐ ngon lành, nhưng khi nhận được tin không vui, Hương Giang đã bị thương, tôi vội vàng di chuyển nhanh đến một vị trí khác để dành căn hầm tốt đẹp đó cho Hương Giang dùng làm BCH/TĐ. Giờ đây, 2018, mấy chục năm rồi, không biết thời gian có còn làm cho Hương Giang nhớ không? Hôm trước Đại Hội, gặp lại anh, tôi không kềm được nước mắt khi thấy Anh không được khỏe. Hương Giang nói:

-Anh yếu lắm rồi!

Quả thật, anh đứng ngồi không vững. Thời gian là liều thuốc chữa lành những vết thương lòng (thất tình), nhưng thời gian không thể xóa những vết thương đã thành sẹo trên thân thể lính chiến chúng tôi. Thời gian và vết đạn thù cùng những ngày trong n gục tù gian khổ khiến chúng tôi già trước tuổi, chúng tôi, tuy vẫn còn mong “tiến bước”, nhưng sức không còn để “yêu” mà yếu quá rồi, quá nhanh! Tuy vậy, tôi vẫn cầu chúc cho anh, mong anh: “Chân cứng, đá mềm”.

Hương Giang và tôi còn có tình nghĩa sâu đậm của thời Thiếu Sinh Quân, nợ tình theo đuổi ngay cả khi cuộc chiến sắp tàn. Khi Hương Giang về nắm TĐT/TĐ8 vào những ngày cuối cùng ở Vùng I, quân ta rút lui khỏi Quảng Trị rồi Thừa Thiên - Huế. TĐ1 rút về đến đèo Phước Tường, đóng quân được vài ngày, tôi nhận lệnh quay lại dưới chân rặng Núi Bạch Mã để đón TĐ8, tôi lại một lần nữa đón Hương Giang. Khi gặp anh, tôi hỏi ý anh ra sao, anh bảo: “ Chúng ta cùng đi”. Thế là, tôi và cánh B/TĐ1 lại cùng anh và BCH/TĐ8 về đến đèo Hải Vân.

Có một chuyện xảy ra cùng lúc đó là trong lúc điều quân “lui binh”. Tôi vẫn còn suy nghĩ “hung hăng con bọ..” chờ đón quân địch, chờ giờ quật khởi, thì Đại Bàng Chương Thiện, Tr/ Tá Nguyễn Văn Cảnh TĐT/TĐ14 vào máy nội bộ của chúng tôi nói rằng “Cocacola”. Tôi chẳng hiểu gì cà, hỏi ngược lại thì Chương Thiện hét to trong máy cho tôi hiểu, như ra lệnh cho tôi “tiến chiếm mục tiêu”

Cảm ơn ĐB Chương Thiện, không có anh, tôi và cánh B không biết sẽ sao!

Ngoại trừ những lúc trên chiến trường. Tôi có những kỷ niệm thật vui với Phu Nhơn Nguyễn Văn Phán. Có lần TĐ8 đấu bóng tròn giao hữu với Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa ở Huế. Anh gọi tôi về đá cho TĐ của anh. Rồi sau đó, có lúc, Phu Nhơn làm Trưởng phái đoàn Thể Thao của TQLC, tôi làm Phó kiêm Thủ Quân của đội Bóng Tròn Sư Đoàn TQLC. Bóng tròn là “nghề” của tôi từ khi còn là Thiếu Sinh Quân, cho đến khi vào Võ Bị, tôi ham mê đá banh vô cùng.

Cùng mê Mũ Xanh, cùng mê đá banh nên Phu Nhơn với tôi như cùng tần số, dù chưa một lần được hân hạnh “bóp cò” dưới lệnh của anh. Nhưng mỗi khi gặp nhau, chưa kịp hỏi thăm anh, anh chưa biết đi đâu thì câu “đầu tiên” Phu Nhơn hỏi tôi: “Tiền đâu? Có tiền đi phép không?”. Ôi sao mà có những câu hỏi dễ thương và dễ trả lời chi lạ. Tôi chẳng dại gì trả lời là “có”. Phu Nhơn lại lần mò các túi, vơ vét được bao nhiêu, dúi cho tôi, rồi xúi dại:

-Cho mày uống rượu.

“Nam vô tửu như cờ vô phong”, Phu Nhơn muốn tôi có lửa để xung phong nên sẵn sàng móc túi cho tôi tí tiền lẻ, mà dù tiền lẻ hay “lẽ” của anh cũng giúp tôi thêm gió. Dù cho chuyện này làm tôi hay bị mấy đàn em chọc quê:

-Như vậy là Bồng Sơn đi đá banh mướn.

Mấy chú em này không hiểu chuyện nên mới choọc quê tôi, chứ nếu như ngày trước Phu Nhơn là phò mã của “Tổng Thống Nguyễn Đình Quát mà Phu Nhơn thuê tôi đá banh thì nay tôi cũng rủnh rỉnh đồng ra đồng vào, không bằng Messi cũng đâu có thua Ronaldo.

Sau này, mỗi khi gặp lại Phu Nhơn, tôi hay nhắc chuyện cũ, chúng tôi cùng cười thật là vui với những kỷ niệm đó. Cười vang to cho thỏa mãn với kỷ niệm khó quên.

Bộ quân phục TQLC do Phu Nhơn tặng khi vừa tái ngộ ở Mỹ, tôi vẫn giữ, vẫn trân quý cho đến ngày hôm nay, dù đã 28 năm rồi. Tôi biết anh có tài chỉ huy, gan dạ cũng như các cấp chỉ huy TQLC khác, nhưng....anh không chống lại được với thời gian, chống lại cái lão hóa của con người. Kính mong Phu Nhân giữ gìn sức khỏe, để đàn em còn có dịp nhắc lại chuyện xưa. Xin hứa: “Không xin tiền anh nữa”.

Nơi tôi ở thành phố Urbana, IL, trên quê hương thứ hai này, nó lạnh, lạnh hơn những ai chưa từng đến đây nghĩ nhiều. Mùa Đông năm nay có lúc xuống còn 0 độ F (- 18 độ C). Băng giá nó tàn phá thiên nhiên thì chớ, nó cũng tàn phá “sắc đẹp” của con người. Nhất là vào cái tuổi “đôi mươi” nhân bốn của tôi hiện tại.

Nhìn ra bên ngoài sân, ngoài vườn cái gì cũng trắng xóa. Màu trắng nó xóa nhòa tất cả mọi cảnh vật, che đi sự sống của mọi thứ chung quanh. Dù ai cũng biết rằng, sau mùa Đông sẽ là mùa Xuân đẹp đẽ, cây cỏ nẩy mầm, “hoa lá đơm Bông”. Rồi sẽ là Mùa Hè rực rỡ. Nhưng con người sẽ không được như vậy. Tất cả sẽ “xuống đồi” theo năm tháng. Bắp thịt sẽ mềm, xương cốt sẽ rỗng, và sắc đẹp sẽ tàn phai.

Tôi chấp nhận hết, vì chúng ta là con người, con đường trước mặt sẽ ngắn đi, và “Mục tiêu cuối cùng trước sau gì cũng chiếm được”. Chỉ nhớ anh em, nhớ đồng đội, những người đã cùng tôi một thời Cọp Biển.

Yêu ai, yêu cả cuộc đời

Tôi yêu Cọp Biển hết đời của tôi.

TĐT Quái Điểu cuối cùng là Hưng Yên Dương Văn Hưng. Anh đã cùng tôi chịu đắng cay của ngày oan nghiệt 30-4 -1975. Anh cũng là một vị chỉ huy tận lòng với Cọp Biển, với Quái Điều, với mọi anh em binh sĩ của Tiểu Đoàn. Dù thời gian anh chỉ huy Quái Điểu không nhiều, nhưng cho đến chiều ngày 30/4 anh cùng tôi vẫn đứng đó, đứng chết trân nhìn đàn em từ từ lau nước mắt vĩnh biệt doanh trại Trần Khắc Dật.

Quái Điểu Bồng Sơn.

Source:http://www.tqlcvn.org/dsst2018/163-1...khoi%20lua.pdf

Rate this item
(0 votes)