Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

‘Chim Sắt UH-1’ Đặng Quỳnh và những lần đổ quân tại Vùng 4 Chiến Thuật - Lâm Hoài Thạch

Posted by January 28, 2020 3654

WESTMINSTER, California (NV) - Đặng Quỳnh, quê Phú Nhuận, Sài Gòn, cựu học sinh Chu Văn An tình nguyện vào Quân Chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa vào Tháng Năm, 1968, là tân sinh viên sĩ quan Khóa 7/68 Không Quân. Ông tình nguyện vào quân đội theo lời kêu gọi của tất cả quân, binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) sau trận chiến Mậu Thân 1968 bùng nổ. Đáp lời sông núi, ông cũng như bao người trai thế hệ tòng quân giúp nước, xếp bút nghiên lên đường chinh chiến vì nhu cầu chiến trường.

Phi công Đặng Quỳnh. (Hình: Đặng Quỳnh cung cấp)



Tháng Sáu, 1968, Đặng Quỳnh trong số 255 tân khóa sinh Khóa 7/68 Không Quân được vào quân trường Quang Trung chín tuần, rồi sang quân trường Thủ Đức ba tháng rưỡi để học căn bản quân sự.

Sau đó, 255 tân khóa sinh về trình diện Bộ Tư Lệnh Không Quân tại Tân Sơn Nhất để chờ nhập khóa huấn luyện của Không Quân. Các khóa bay gồm có Khu Trục, C130, L19, Trực Thăng, còn khóa Không Phi Hành thì học về Kỹ Thuật. Trong số 255 khóa sinh có một nửa đi về ngành Không Phi Hành, và một nửa học về Phi Hành tác chiến.

Sau khóa học Anh Ngữ, Đặng Quỳnh chọn ngành Trực Thăng đổ quân và tác chiến. Tháng Mười, 1969 được sang Hoa Kỳ để học bay Trực Thăng UH-1 tại các quân trường Không Quân Hoa Kỳ qua nhiều giai đoạn ở các tiểu bang Texas và Georgia.


Phi công Đặng Quỳnh tại phi trường Sóc Trăng. (Hình: Đặng Quỳnh cung cấp)


Chiến trường thuộc Vùng 4 Chiến Thuật sôi động mạnh
Tháng Bảy, 1970, tân sĩ quan Không Quân Đặng Quỳnh ra trường. Về nước, bắt thăm đi phục vụ cho các phi đoàn. Ông về đơn vị Phi Đoàn 225 đóng tại Sóc Trăng. Phi đoàn này mới thành lập, gốc từ phi đoàn của Hoa Kỳ mới bàn giao lại cho Không Quân VNCH. Lúc đó, phi đoàn trưởng của Phi Đoàn 225 là Không Quân Thiếu Tá Lê Văn Châu.

Thiếu Úy Đặng Quỳnh vừa về trình diện phi đoàn trưởng, hôm sau thì được lệnh hành quân lập tức. Nhiệm vụ của Đặng Quỳnh là đưa quân chiến đấu của các Sư Đoàn 7, 9, 21 Bộ Binh và Biệt Động Quân vào những trận địa thuộc Vùng 4 Chiến Thuật, Bộ Tư Lệnh Quân Khu 4 đặt tại Cần Thơ. Lúc bấy giờ, Tư Lệnh Quân Khu 4 là Tướng Ngô Quang Trưởng.

Từ năm 1970, các chiến trường thuộc Vùng 4 Chiến Thuật bắt đầu sôi động mạnh, bởi vì các quân địa phương của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam với sự trợ giúp của quân Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập vào miền Tây Nam Phần từ biên giới Việt-Miên, và đường biển.

Ông Quỳnh kể: “Lúc đó tôi mới mang lon Thiếu úy, chỉ làm phi công phụ chớ chưa được làm phi công trưởng. Tôi vừa về trình diện phi đoàn trưởng thì đã có lệnh đưa quân của Sư Đoàn 21 vào trận địa tại Sóc Trăng, tàn trận, lại phải bốc quân ta về. Rồi cứ thế, mỗi ngày chúng tôi đều có chuyến đổ quân, bốc quân về và đưa các chiến sĩ bị thương về hậu cứ tại Sóc Trăng hay tại Quân Y Viện nào gần nhất. Sóc Trăng, bộ chỉ huy đặt tại Thị xã Khánh Hưng, gồm các Chi Khu: Hòa Trị, Kế Sách, Lịch Hội, Long Phú, Mỹ Xuyên, Ngã Năm, Thạnh Trị, Thuận Hòa và Yếu Khu thị xã Khánh Hưng. Chỉ trong vòng một tháng đầu về đơn vị, tôi đã đổ quân của các Sư Đoàn 21 và Biệt Động Quân vào những trận tại Ngã Năm, Long Phú, Kế Sách, Hòa Trị nhiều lần.”

“Chiến trường miền Tây càng ngày thêm ác liệt hơn. Gần như không có ngày nào mà chúng tôi không đổ quân và đưa quân về. Có lúc, vừa đổ quân xong, chúng tôi phải bay trong vòng chiến để tiếp ứng chiến đấu cùng với những anh em chiến sĩ tại mặt đất. Phi hành đoàn của mỗi chiếc trực thăng để chở quân gồm hai phi công và hai xạ thủ đại liên 60. Còn chiếc Gunship thì cũng hai phi công, hai xạ thủ đại liên 6 nòng (Minigun) và được trang bị 14 đạn pháo rocket. Phi đoàn của chúng tôi cũng bị bắn rớt nhiều, có những chiếc bị bắn cháy và nổ tung trên không, phi hành đoàn không ai được sóng sót,” ông nhớ lại.

“Khoảng Tháng Mười, 1970, Phi Đoàn 225 gồm sáu chiếc trực thăng chở quân Sư Đoàn 21 và một chiếc Gunship đổ quân xuống khu Hải Yến, Cà Mau. Địch quân khoảng hai đại đội đang chuyển quân đến đánh khu Hải Yến. Sau khi đổ quân xong, một chiếc Gunship nhào xuống bắn yểm trợ cho quân ta, bị Cộng Sản bắn rớt,” ông kể thêm.

Trong thời gian phục vụ tại Quân Khu 4, Phi Công Đặng Quỳnh đã đổ quân VNCH nhiều nhất ở những trận địa thuộc các Tiểu Khu An Xuyên (Cà Mau): Bộ chỉ huy đặt tại thị xã Quản Long, gồm các Chi Khu: Đầm Dơi, Hải Yến, Năm Căn, Sông Đốc, Thới Bình và Yếu Khu thị xã Quảng Long; và Kiên Giang: Bộ chỉ huy đặt tại thị xã Rạch Giá, gồm các Chi Khu: Hà Tiên, Hiếu Lễ, Kiên An, Kiên Bình, Kiên Lương, Kiên Tân, Kiên Thành và Yếu Khu thị xã Rạch Giá. Còn Tiểu Khu Chương Thiện thì Bộ Chỉ Huy đặt tại thị xã Vị Thanh, gồm các Chi Khu: Đức Long, Hưng Long, Kiên Long, Kiên Lương, Kiến Thiện, Long Mỹ và Yếu Khu thị xã Vị Thanh.

Cà Mau và Kiên Giang là hai tiểu khu cập theo bờ biển của Vịnh Thái Lan và những khu rừng tràm dày đặc thuộc vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ. Tại nơi này, Việt Cộng thành lập những căn cứ cấp tiểu đoàn trong rừng sâu để làm hậu cần cho quân du kích và quân Cộng Sản Bắc Việt. Tại Chi Khu Hà Tiên, Kiên Giang thì có biên giới Việt-Miên, nơi mà Cộng Quân chuyển quân từ biên giới Hạ Lào xuống tận miền Nam để xâm nhập vào Vùng 4 Chiến Thuật. Vì thế, có khi Phi Đoàn 225 phải đưa những quân tác chiến VNCH đổ quân sang Cambodia để ngăn chận Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập vào Hà Tiên hay Châu Đốc.

Thiếu Úy Quỳnh kể: “Ở Cambodia, đổ quân xong, các phi hành đoàn ít nhất là tám chiếc trực thăng phải đáp xuống các phi trường gần biên giới để ứng chiến. Vì không được rời khỏi tàu suốt cả ngày, hoặc lâu hơn nữa để chờ lệnh đưa quân về, nên phương tiện ăn uống được một chiếc trực thăng khác (gọi là tàu cơm) từ hậu cứ phi đoàn mang thực phẩm đến tiếp tế cho các phi hành đoàn ít nhất là 32 người đang tham chiến. Lý do là vì các chiến sĩ Không Quân của Phi Đoàn 225 đã đóng tiền cơm hằng tháng cho câu lạc bộ tại hậu cứ của phi đoàn. Vì bận công tác, các phi hành đoàn không được về dùng cơm tại câu lạc bộ, nên phi đoàn trưởng cho chiếc (tàu cơm) bay thẳng ra chiến trường. Đôi khi, những phi vụ này cũng để tiếp tế đạn dược cho các chiến sĩ bộ binh đang chiến đấu tại mặt đất.”

Tại Tiểu Khu Kiến Phong, Bộ Chỉ Huy đặt tại Thị xã Cao Lãnh. Phi Đoàn 225 đã có nhiều phi vụ đưa quân Sư Đoàn 9 và Biệt Động Quân tại những địa danh Cao Lãnh, Đồng Tiến, Hồng Ngự, Kiến Văn, Mỹ An. Tại Kiến Tường, Bộ Chỉ Huy đặt tại thị xã Mộc Hóa. Tàu của Đặng Quỳnh từng bị trúng đạn của địch quân tại các mặt trận ở Tuyên Bình, Tuyên Nhơn khi đưa quân của Sư Đoàn 7 ra chiến trường. Hai Tiểu Khu Kiến Phong và Kiến Tường nằm cập theo biên giới của Việt-Miên, nên Cộng Sản cũng thường dùng biên giới này để đưa quân xâm nhập vào miền Tây Nam.


Phi công Đặng Quỳnh tại phi trường Rạch Giá. (Hình: Đặng Quỳnh cung cấp)


Còn Định Tường là tiểu khu giáp ranh với Kiến Phong, Phi Đoàn 225 cũng đã đổ quân của Sư Đoàn 7 vào những nơi đóng quân của Việt Cộng tại Cai Lậy, Cái Bè, Hậu Mỹ, Sầm Giang.

Hết sang Cambodia diệt Cộng sản, lại về Việt Nam diệt Cộng quân
Cũng trong Tháng Mười, 1970, đơn vị của Đặng Quỳnh gồm hai chiến Gunship và tám chiếc chở quân Sư Đoàn 9 sang Cambodia đổ quân xuống Neak Luong để diệt quân Cộng Sản đang đóng quân để chuẩn bị xâm nhập vào các chi khu Cao Lãnh và Hồng Ngự của Tiểu Khu Kiến Phong.

“Quân Cộng Sản bị các chiến sĩ của Sư Đoàn 9 Bộ Binh tấn công bất ngờ, lớp chết, lớp chạy tán loạn vào đoàn dân cư đang chạy giặc. Đoàn trực thăng của chúng tôi rượt theo chúng nó. Chúng hoảng sợ tách rời ra khỏi đám dân, tìm nơi an toàn để trốn lằn đạn của trực thăng. Chúng tôi rượt theo bắn chết chúng nó rất nhiều, và cũng có một số trốn thoát được vào khu rừng. Chỉ còn một tên Cộng Sản còn sống sót vì sợ chết nên hắn mới nằm sấp xuống. Tàu của tôi đáp xuống, và chính tôi nhảy xuống bắt tên Việt Cộng này lên tàu đưa về để khai thác,” ông kể.

Tại Bạc Liêu, Biệt Động Quân và Sư Đoàn 21 cũng đã đụng độ rất nhiều lần với Việt Cộng tại những khu rừng ở Giá Rai, Phước Long, Vĩnh Châu. Phi Đoàn 225 đã đưa quân của VNCH vào những trận chiến khốc liệt. Tàu của Đặng Quỳnh cũng nhiều lần bị trúng đạn của địch quân tại những địa điểm này.

Ngoài ra, Phi Đoàn 225 còn có những chuyến đưa quân lẻ tẻ tại Chợ Mới, Huệ Đức, Thốt Nốt thuộc Tiểu Khu An Giang; Hòa Đồng, Hòa Lạc, Hòa Tân thuộc Tiểu Khu Gò Công; Ba Tri, Bình Đại, Đôn Nhơn, Hàm Luông, Hương Mỹ, Giồng Trôm thuộc Tiểu Khu Kiến Hòa; Đức Thành, Đức Thịnh, Đức Tôn thuộc Tiểu Khu Sa Đéc; và Long Toàn, Tiểu Cần, Trà Cú, Trà Ôn, Vũng Liêm thuộc Tiểu Khu Vĩnh Bình.

Vì đã tham chiến rất nhiều trận ở Vùng 4 Chiến Thuật mỗi ngày, nên Đặng Quỳnh chỉ kể vài trận mà ông đã thoát chết dưới lằn đạn của địch. Trận cuối cùng tại Vùng 4 Chiến Thuật của Đặng Quỳnh là ông đã thoát chết tại Tiểu Khu Phong Dinh, Bộ Chỉ Huy đặt tại thị xã Cần Thơ, gồm các Chi Khu: Châu Thành, Phong Điền, Phong Phú, Phong Thuận, Phụng Hiệp, Thuận Nhơn.

Đầu năm 1971, ngay Mùng Hai Tết, Cộng Quân tấn công quận Phụng Hiệp. Theo tin tình báo cho biết, quân Cộng Sản Bắc Việt phối hợp quân địa phương của miền Nam hơn một tiểu đoàn. Ý đồ của Cộng Sản là muốn mở trận lớn để tấn công vào Quân Khu 4. Trong lúc Cộng Quân đang đụng trận với hai đại đội Địa Phương Quân VNCH, thì sáng sớm, Phi Đoàn 225 được lệnh bốc các chiến sĩ Biệt Động Quân xuống tiếp viện cho các chiến sĩ Địa Phương Quân đang đụng lớn với quân cộng sản tại Phụng Hiệp.

Ông Đặng Quỳnh kể: “Từ phi trường Sóc Trăng, toán của chúng tôi chở Biệt Động Quân gồm năm chiếc trực thăng chở quân, hai chiếc Gunship và một chiếc CNC của cấp chỉ huy chiến trường. Hai chiếc Gunship vừa bắn yểm trợ cho Địa Phương Quân vừa bắn dọn bãi đáp cho năm chiếc đổ Biệt Động Quân (nhảy trực thăng) xuống ngay chiến trường. Sau đó, bảy chiếc trực thăng chiến đấu của chúng tôi bay lên cao để quan sát và chờ lệnh để tham chiến. Được tin là quân ta đã làm chủ tình hình, Cộng Sản bỏ thây tại mặt trận rất nhiều, và Biệt Động Quân đang lục soát trong khu dân cư để tìm đám tàn quân địch đang lẩn trốn. Chúng tôi được lệnh rời khỏi chiến trường, về hậu cứ để chờ lệnh.”

“Chúng tôi sẵn sàng ứng chiến tại phi trường Sóc Trăng và không được rời khỏi trực thăng cách 100 mét để chờ lệnh đưa quân ta về. Khoảng 6 giờ chiều hôm đó, bảy chiếc trực thăng được lệnh đến điểm bốc các chiến sĩ Biệt Động Quân triệt thoái (rời khỏi),” ông cho biết thêm.

Thiếu Úy Đặng Quỳnh làm phi công phụ cho Phi Công Trưởng Trung Úy Nguyễn Phương Đức đáp bãi chở Biệt Động Quân về.

“Tôi ngồi ghế tay mặt của phòng lái, Trung Úy Đức, phi công chánh ngồi bên trái. Trực thăng của chúng tôi là chiếc cuối cùng bốc các chiến sĩ Biệt Động Quân lên tàu. Tàu vừa rời khỏi mặt đất khoảng 50 thước thì tôi thấy phía dưới có một cái nấp hầm trú ẩn của Cộng Quân hé ra, liền sau đó, một loạt đạn AK từ hầm đó bắn lên chiếc trực thăng của tôi đang đưa quân ta về. Loạt đạn này trúng vào kiếng phía trước nơi tôi ngồi, nhưng lúc đó vì tôi đang ló đầu ra ngoài để quan sát, nên tôi may mắn được thoát chết, trên tàu không có ai bị thương cả. Sau đó, hầm ngụy trang của vài tên tàn quân Cộng Sản cũng lãnh đủ hàng ngàn viên đạn đại liên của trực thăng Phi Đoàn 225. Trận chiến này đã mang lại chiến công lớn cho Biệt Động Quân và Địa Phương Quân tại chi khu Phụng Hiệp,” ông kể.

Chỉ trong vòng tám tháng hành quân tại Vùng 4 Chiến Thuật, Không Quân Đặng Quỳnh đã trên bay trên 160 phi vụ để đổ quân và chiến đấu. Hơn 60 lần tàu bị trúng đạn của địch, nhưng may mắn nhờ đạn không trúng vào máy và cánh quạt, nên trực thăng vẫn còn hoạt động và đưa quân về được an toàn.

Tại Vùng 4, trong vòng sáu tháng thì Đặng Quỳnh đã bay được 800 giờ công tác, theo luật của Không Quân thì phi công phụ chỉ bay đủ 800 giờ thì đạt tiêu chuẩn để trở thành phi công chánh.

Đầu Tháng Tư, 1971, phi công Đặng Quỳnh được lệnh thuyên chuyển ra Đà Nẵng trình diện Phi Đoàn Kingbee 219 để đưa những toán Lôi Hổ của Nha Kỹ Thuật xâm nhập vào vùng đất địch đang đóng quan tại biên giới Hạ Lào. (Lâm Hoài Thạch)


________________________________________________

 

‘Chim Sắt Kingbee 219’ Đặng Quỳnh sống chết cùng Biệt Kích Lôi Hổ


Đặng Quỳnh và vợ Xuân Thúy tại Westminster. (Hình: Đặng Quỳnh cung cấp)


WESTMINSTER, California (NV) - Đầu năm 1966, Phi Đoàn 219 được thành lập tại Ðà Nẵng do sự sáp nhập của hai biệt đội trực thăng H-34 chuyên thả các toán Lôi Hổ. Phi Ðoàn 219, mang danh hiệu Long Mã, do Đại Úy Hồ Bảo Định làm chỉ huy trưởng.

Cuối năm 1971, cũng như các Phi Ðoàn 213 và 215, Phi Ðoàn 219 chuyển sang sử dụng trực thăng UH-1. Các phi đoàn này chuyên phụ trách những phi vụ thả và bốc các toán Biệt Kích Lô Hổ của Nha Kỹ Thuật trong vùng địch, dọc đường mòn Hồ Chí Minh, có khi sâu vào biên giới Lào và Cao Miên.

Với phương châm “không bỏ anh em, không bỏ bạn bè,” các hoa tiêu của Phi Đoàn 219 đã chu toàn những phi vụ hiểm nghèo cho các đơn vị Biệt Kích, cho dù có hy sinh, mất mát một phần thân thể. Các hoa tiêu này chính là niềm hy vọng cuối cùng đối với các toán Biệt Kích Lôi Hổ trong lúc bị địch phát hiện và săn đuổi.

Tìm mọi cách để đưa quân ta về
Những “Chim Sắt UH-1” của Phi Đoàn 219 với công tác hằng ngày như liên lạc, tiếp tế, tải thương, đổ quân, bốc quân. Các Gunship với nhiệm vụ hộ tống và yểm trợ tác xạ cho tất cả các đơn vị bạn của Quân Lực VNCH, đôi khi họ còn phải bắt sống địch quân mang về cho những đơn vị đặc biệt khai thác. Với lòng gan dạ và dũng cảm đó nên phi đoàn này còn có danh xưng “Kingbee 219.”

Đặng Quỳnh kể: “Sau trận Hạ Lào vào năm 1971, Phi Đoàn 219 bị mất nhiều phi hành đoàn, nên Bộ Tư Lệnh Không Quân ra lệnh mỗi phi đoàn ở Vùng 4 Chiến Thuật phải tăng phái một hoa tiêu chánh và một cơ khí viên cho Phi Đoàn 219. Tôi là một trong những hoa tiêu từ Vùng 4 tình nguyện về Phi Đoàn 219. Lúc đó, Phi Đoàn Trưởng 219 là Thiếu Tá Nguyễn Văn Nghĩa. Khi tôi mới về trình diện phi đoàn trưởng, thì phi đoàn này vẫn còn bay trực thăng H-34 (có ba bánh xe), còn UH-1 thì tối tân hơn, vì không có bánh xe nên tàu rất nhẹ, máy của tàu là bán phản lực. Còn H-34 thì trưng dụng loại máy nổ. Sau đó, 219 đã được sử dụng toàn trực thăng UH-1.”


Đặng Quỳnh tại phi trường Pleiku. (Hình: Đặng Quỳnh cung cấp)


“Tôi về trình diện Bộ Tư Lệnh của Phi Đoàn 219 tại Đà Nẵng. Sau đó được lệnh biệt phái đi rất nhiều nơi để đưa những toán Biệt Kích Lôi Hổ của Nha Kỹ Thuật vào những nơi ngoài biên giới của những vùng chiến thuật 1, 2 và 3. Mỗi chuyến công tác biệt phái là hai tuần,” ông cho biết thêm.

Tháng Sáu, 1971, Đặng Quỳnh nhận lệnh biệt phái về Ban Mê Thuột cho đơn vị Biệt Kích Lôi Hổ tại Bản Đôn là một buôn thượng có một phi đạo nhỏ sát bên đường mòn Hồ Chí Minh gần biên giới.

Ông kể: “Tại Ban Mê Thuột, ngày nào tôi cũng có chuyến công tác để thả những toán Lôi Hổ vào những địa điểm dọc theo vùng Tam Biên (biên giới của Việt-Miên-Lào). Toán Lôi Hổ mỗi chuyến công tác đi tối đa là bảy quân nhân và ít hơn. Tại Vùng Tam Biên, gần như ngày nào các chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hổ cũng đều chạm địch, nhiệm vụ của tôi phải tìm mọi cách để đưa quân ta về.”

“Cũng tại Ban Mê Thuột, đôi khi chúng tôi còn hành quân chung với Không Quân Hoa Kỳ, lực lượng không lực của họ thì mạnh hơn của Không Quân mình, cứ mỗi chuyến hành quân của Mỹ đều có những chiếc Gunship Cobra đi theo bắn yểm trợ. Khi đụng trận lớn có phi cơ phản lực F4 hoặc F5 hay B52 yểm trợ,” ông Quỳnh kể thêm.

Khoảng cuối Tháng Tư, 1972, Đặng Quỳnh được biệt phái về yểm trợ đưa quân cho Sư Đoàn 23 Bộ Binh ở Kon Tum để vào chiếm lại Tân Cảnh, đây là căn cứ quân sự của Quân Lực VNCH ở Bắc Tây Nguyên. Trước đó, Cộng Quân đã chiếm Tân Cảnh, và lực lượng của Quân Lực VNCH đã xông vào tái chiếm lại Tân Cảnh.

Không Lực Hoa Kỳ cũng đã trưng dụng Pháo Đài Bay B52 vào dội bom để tiêu diệt địch tại mặt trận này. Sau khi B52 đã thả bom xong, nhiều phi đoàn đã phối hợp được trưng dụng đến 50 trực thăng. Phi Đoàn 219 đi đầu và đi cuối không có Gunship chỉ đưa quân Sư Đoàn 23 Bộ Binh đổ quân xuống Tân Cảnh để kiểm tra và tái chiếm căn cứ này.

Đặng Quỳnh kể: “Tại mặt trận đó tàu của tôi là chiếc cuối cùng để thả quân xuống. Vì qua nhiều trực thăng đổ bãi, nên không còn bãi đáp trống, tôi phải tìm chỗ bằng phẳng để đáp. Trong lúc tàu của tôi hạ xuống cách mặt đất chừng một mét để cho lính nhảy xuống, thì hai người lính đầu tiên nhảy xuống ngay một hầm trú của địch để tránh bom B52, nên hai anh này bị bắn chết ngay. Sau đó lính của Sư Đoàn 23 Bộ Binh tung nhiều lựu đạn xuống để tiêu diệt vài tên địch còn sóng sót sau khi bị B52 dội bom. Ngay tức khắc, tôi liền đáp xuống để bốc hai tủ lạnh (hai thi thể) của chiến sĩ đã hy sinh mang lên tàu. Các chiến sĩ của Sư Đoàn 23 tiếp tục vào vòng chiến để lục soát.”

Kingbee 219 không bỏ anh em khi đụng trận cũng như bị thương
Theo Đặng Quỳnh kể thì ông đã tham dự nhiều chiến trường tại Quân Khu 1 và biên giới Hạ Lào. Riêng tại Quảng Trị thì Phi Đoàn 219 cũng có chở quân Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến để đánh tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Trong thời gian này, Đặng Quỳnh được thăng cấp trung úy.

“Nhiệm vụ của Kingbee 219 là thả toán và không bỏ anh em khi đụng trận cũng như bị thương. Khi đổ quân xong, lúc bay lên để quan sát thì phi hành đoàn vẫn còn nghe trên máy truyền tin rất rõ ở dưới các anh Lôi Hổ vừa chạy vừa nói chuyện, kể cả tiếng súng nổ lúc bị địch đuổi theo. Vì thế, chúng tôi không bỏ anh em được, mà mỗi lần đáp xuống để bốc anh em thì tàu của Phi Đoàn 219 rất dễ bị Cộng Quân bắn rớt hoặc bị cháy trên không, nhưng khi máy còn chạy thì chúng tôi vẫn cố đưa quân về đến điểm nào của phe ta gần nhất,” Đặng Quỳnh tâm tình.

“Có nhiều lúc anh em bị địch phát giác thì họ liền báo cho chúng tôi. Khi thấy một khoảng đất trống nào để đủ cho tàu đáp xuống thì chúng tôi liên lạc với anh em cố gắng chạy ra khoảng trống đó để chúng tôi bốc anh em về. Trong lúc đó, anh em cũng đang bị địch đuổi theo, nên chúng tôi phải bắn địch để yểm trợ cho anh em có lối thoát để chạy đến điểm được chúng tôi bốc về,” Đặng Quỳnh kể thêm.

Cuối năm 1974, Phi Đoàn 219 đổ quân qua vùng Hạ Lào gồm hai chiếc chở quân và hai chiếc Gunship. Đổ quân xong về đậu tàu tại phi trưởng nhỏ ở Bản Đôn để chờ lệnh bốc quân về. Lúc đó Đặng Quỳnh lái Gunship. Có một chiếc L19 đáp xuống báo cho biết là thấy một đoàn công voa của Cộng Sản đang di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh rất gần.


Đặng Quỳnh (thứ hai, trái) và ba Trung Tá Không Quân tại phi trường Phú Bài, Huế.
(Hình: Đặng Quỳnh cung cấp)


Ông Quỳnh kể: “Nghe tin, chúng tôi xin lệnh cấp trên lên đường đánh đoàn công voa của địch chỉ cần hai chiếc Gunship, vì nơi này cũng gần điểm mình vừa thả quân hồi sáng. Thế là chiếc L19 bay trước hướng dẫn hai chiếc Gunship. Lúc đó ngay buổi trưa trời trong sáng, nên từ xa chúng tôi thấy bụi đang bay mờ cả một vùng rất dài, đó là đoàn công voa của địch đang di chuyển ban ngày, gần nơi vùng Tam Biên, cách Bản Đôn trên 10 cây số về phía Tây.”

Cũng theo ông Quỳnh kể, hai chiếc Gunship chia ra hai bên để tác xạ xuống đoàn công voa của địch đang di chuyển. Chiếc của ông bên cánh trái, hai chiếc Gunship bắn rocket và đại liên Minigun ồ ạt xuống đoàn công voa của địch thì đoàn xe của chúng ngừng lại, địch quân lao xuống đường có một số băng vào rừng để ẩn trốn.

Hai chiếc Gunship bay một vòng rồi trở lại đánh địch lần thứ hai. Đến lúc này, địch quân đã chuẩn bị nhiều súng phòng không. Hai chiếc Gunship phải hạ thấp xuống để bắn địch thì địch đã bắn đạn phòng không lên như mưa. Xung quanh vùng tàu của ông đang bay có rất nhiều đạn phòng không của địch nổ gần bên tàu của ông. Đặng Quỳnh liền gọi trong máy cho chiếc bên kia là phải tách ra khỏi vùng đạn của địch.

Trong lúc chiếc của Quỳnh đang đâm xuống để tránh lằn đạn của địch và tránh sự nhận diện tàu của mình, thì ông nghe một tiếng nổ lớn bên tai. Tàu của ông đã trúng đạn của địch! Đạn trúng ngay đế của cây Minigun và nhiều nơi khác, đế này rất dày nên không phá được tàu, hai xạ thủ thì đã tử trận vì trúng đạn của địch, còn hai cây Minigun cũng bị văng mất, kiếng trước mặt của phi công cũng không còn.


Đặng Quỳnh (giữa) và ban nhạc AVT tại Little Saigon. (Hình: Đặng Quỳnh cung cấp)


Đặng Quỳnh tâm tình: “Hai xạ thủ đại liên đã hy sinh và thân của họ đã che đạn cho hai phi công. Nhưng chân phải của tôi thì cũng bị trúng đạn máu ra đầm đìa. Nhưng may, tàu vẫn còn nổ máy và tôi cố đưa tàu ra khỏi vòng chiến. Tôi thấy một cầu vòng màu đỏ trước mắt tôi thì phi công phụ của tôi là Nguyễn Hùng Lực mới nói với tôi là máu từ trên trán của tôi bắn ra một tia nhỏ mà tôi cứ ngỡ đó là cầu vồng, và thân tôi đã bị thương rất nhiều chỗ.”

Ông cho biết thêm: “Sau đó, phi công Lực cố gắng đưa tàu về đến Trung Đoàn 45, Sư Đoàn 23 của Đại Tá Quang. Anh em mới chở thẳng tôi về bệnh viện Ban Mê Thuột. Bác sĩ cho biết tôi bị mất máu rất nhiều, cũng may trong phi đoàn có anh Dương Ngọc Như máu O+ nên anh cho máu nào cũng được. Và, chính máu của chiến hữu Nhu đã cứu sống tôi. Sau đó, tôi được đưa về bệnh viện Nguyễn Huệ, Nha Trang. Cuối cùng tôi được đưa về Quân Y Viện Cộng Hòa Sài Gòn, và được thăng cấp Đại úy.”

Thành công khi đến Mỹ
Ông Đặng Quỳnh có ngôi nhà trên đường Trương Minh Giảng, ngôi nhà này thường bỏ trống, trong lúc các anh em Không Quân về phép thường dùng căn nhà này để làm chỗ nghĩ ngơi. Chìa khóa thì được Đặng Quỳnh cất giấu một nơi nào đó và cũng thông báo cho các anh em Không Quân biết để vào nhà.

Ngày 28 Tháng Tư, 1975, phi công Nguyễn Hữu Phước, bạn cùng khóa bay vào Quân Y Viện Cộng Hòa thăm Đặng Quỳnh, và cho biết là anh phải đi ngay, nhưng còn để vợ con của anh trong nhà của Quỳnh. Và, anh còn nhắn lại rằng, anh sẽ về rước vợ con của mình.

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, Cộng Sản Bắc Việt chiếm Sài Gòn
Ngày 1 Tháng Năm, 1975, thương binh Đặng Quỳnh cùng bao người thương binh khác bị chánh quyền Cộng Sản đuổi ra khỏi Quân Y Viện Cộng Hòa. Lúc 12 giờ 30 phút trưa, Đặng Quỳnh bao xe ôm về nhà của mình.

Đặng Quỳnh kể: “Về đến nhà thì tôi thấy vợ và con của anh Phước đang trong nhà của tôi, và vợ của anh cho tôi biết là anh Phước sẽ về rước vợ con và bảo tôi cùng đi chung nữa. Tôi ngạc nhiên giờ này Việt Cộng đã đi đầy đường, phi trường thì chúng đã chiếm, biết phải đi đâu bây giờ. Chừng 20 phút sau, thì có anh Hưng (xạ thủ đại liên) mặc đồ thường phục vào thông báo là Hưng và Phước đã bay ra hạm đội của Mỹ, và bây giờ xin thêm xăng trở vào để rước vợ con. Anh Phước đang bay lòng vòng, khoảng một tiếng nữa đến đón mọi người tại sân vận động Hoa Lư.”

“Tôi, anh Hưng và vợ con của anh Phước không còn ngần ngại gì cả, gọi xe ôm đi đến sân Hoa Lư liền. Đến nơi chưa thấy trực thăng tới, thì khoảng 10 phút sau, tôi nghe tiếng trực thăng lù lù tới. Phước đã đưa mọi người ra đến hạm đội một cách an toàn,” Đặng Quỳnh kể thêm.

Tháng Bảy, 1975, Đặng Quỳnh được định cư tại Hilton Head, South Carolina, và sau đó có hơn 25 năm thành công trong ngành xây dựng tại Hoa Kỳ. Hiện giờ đang sống bên vợ Xuân Thúy và con tại Little Saigon. Đặng Quỳnh đã hưu trí và cũng là trưởng ban nhạc AVT chuyên hát giúp vui miễn phí cho cộng đồng người Việt tại Little Saigon.

Lâm Hoài Thạch

 

Forumpost: ‘Chim Sắt UH-1’ Đặng Quỳnh và những lần đổ quân tại Vùng 4 Chiến Thuật

 

*Ghi chú:  Hình "Đặng Quỳnh (thứ hai, trái) và ba Trung Tá Không Quân tại phi trường Phú Bài, Huế." (hình thứ hai từ dưới)

Theo KQ Nguyễn Hữu Thiện như sau:
"... Đây là CCKQ Nha Trang năm 1973. Từ trái: Trung tá Phạm Văn Phạm (PĐT Phi Đoàn 524), Trung úy Đặng Quỳnh (Phi Đoàn 219), kế đến là Trung tá (sau lên Đại tá) Đặng Duy Lạc đang bắt tay tân Trung tá Nguyễn Văn Nghĩa (PĐT Phi Đoàn 219) trong ngày vinh thăng."

KQ Phạm Minh Mẫn (Phi Đoàn 219) còn cho biết thêm chi tiết: chiếc UH-1 phía sau là chiếc tàu vừa đón Trung tá Nguyễn Văn Nghĩa sau khi được gắn lon tại Tân Sơn Nhất trở về Nha Trang.

Rate this item
(0 votes)