Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Không Quân VNCH Giai Đoạn Sau Hiệp Định Paris - Vương Hồng Anh

Posted by December 18, 2019 4082

Không Quân VNCH Giai Đoạn Sau Hiệp Định Paris


Vương Hồng Anh

---oo0oo---



Như đã trình bày trong loạt bài viết “Chiến trường Việt Nam, 30 năm nhìn lại”, ngày 27 tháng 1/1973 Hiệp định Paris được ký kết và có hiệu lực từ 8 giờ sáng ngày 28 tháng 1/1973, thế nhưng CSBV đã vi phạm các điều khoản về đình chiến ngay từ giờ đầu của lệnh ngưng bắn. Trong khi đó, thi hành các điều khoản về rút quân, lực lượng Hoa Kỳ đã ngưng mọi hoạt động yểm trợ Quân lực VNCH và các đơn vị cuối cùng của Hoa Kỳ đã lần lượt triệt thoái khỏi Việt trong vòng 60 ngày kể từ khi Hiệp định được ký kết. Cũng từ ngày 28 tháng 1/1973, Không quân Việt Nam Cộng Hòa đảm trách tất cả các hoạt động không yểm cho các đơn vị bộ chiến QL.VNCH trên khắp 4 quân khu.


Vào thời gian này, công tác chính của bộ Tổng Tham mưu QL.VNCH là tiếp tục thực hiện cải tiến và canh tân vốn đã được tiến hành từ 1970 và hình thành nhờ vào các đợt chuyển giao quân dụng ồ ạt của Quân đội Hoa Kỳ cho QL.VNCH trong năm 1972, nhất là vào những tháng cuối của năm này, vì theo quy định trong Hiệp định Paris, Quân lực VNCH chỉ có thể hoạt động với số quân cụ, vũ khí và trang bị có sẵn trong tay nhờ được chuyển giao trước ngày lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Tuy nhiên, các kế hoạch cải tiến đặt trọng tâm vào các binh chủng Nhảy Dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân, Thiết giáp và Pháo binh thuộc Lục quân để có đủ lực lượng tiếp ứng khi chiến trường sôi động, riêng với Không lực VNCH, các đơn vị Không quân đã phải hoạt động trong những điều kiện khó khăn do sự giảm quân viện của Hoa Kỳ.

Trong hai năm 1973 và 1974, các không đoàn chiến thuật của 6 sư đoàn Không quân đã bị cắt giảm số giờ bay cho các phi vụ yểm trợ, trong khi đó CQ lại gia tăng các cuộc tấn công từ cấp tiểu đoàn đến cấp sư đoàn trên nhiều mặt trận. Dù găp khó khăn về điều kiện tác chiến, nhưng các không đoàn của Không lực VNCH đã yểm trợ rất hữu hiệu cho các đơn vị bộ chiến chận đứng và vô hiệu hóa các cuộc tấn công cường tập của địch quân, nhất là trong 6 tháng đầu năm 1973 khi CQ đã mở ra hàng loạt cuộc tấn công cấp trung đoàn, và bốn cuộc tấn công cấp sư đoàn vào Cửa Việt (28-1), Sa Huỳnh (26/1 đến 16/2), Hồng Ngự (tháng 3), Trung Nghĩa thuộc tỉnh Kontum (tháng 6).

Theo tài liệu của của cựu đại tướng Cao Văn Viên-nguyên Tổng tham mưu trưởng QL.VNCH-viết cho Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, vì tình hình ngân quỹ eo hẹp nên lực lượng Không quân VNCH buộc phải thực hiện một số giải pháp cấp thời sau đây:


- Ngưng hoạt động hơn 200 phi cơ, trong đó có các phi cơ ném bom A-1, phi cơ thám thính 0 1 và các loại phi cơ vận tải loại C-7, C-119, và C-47.
- Chấm dút việc thay thế F 5A bằng F-5E. 36 chiếc được đặt mua nay phải giao lại cho Không quân Hoa Kỳ, và số tiền hoàn trả chỉ dùng vào công việc bảo trì và hoạt động của các phi cơ hiện hữu.
- 400 sinh viên sĩ quan phi công đang thụ huấn tại Hoa Kỳ phải bỏ ngang khóa học trở về nước. Hơn 1,000 khóa sinh Không quân vừa phi hành vừa không phi hành đang theo học đang theo học các khóa Anh ngữ để chuẩn bị đi học chuyên môn phải chuyển sang học Bộ binh tác chiến. Điều này tạo một ảnh hưởng tâm lý bất lợi cho Không quân VNCH.
- Cắt bớt số giờ bay cho các phi vụ huấn luyện và yểm trợ mà trong đó các phi vụ yểm trợ bị cắt xuống còn một nửa so với mức độ chiến trận của hai năm 1973-1974, các phi vụ thám thính bị cắt 58% Như vậy vấn đề phát giác và theo dõi các cuộc chuyển quân của địch bị trở ngại và công tác bảo vệ đoàn tiếp tế cũng bị hạn chế rất nhiều.

Trực thăng vận bị cắt giảm 70%. Theo đại tướng Cao Văn Viên thì sự cắt giảm này làm ảnh hưởng nặng nề trong công tác tải thương hay đổ quân tăng cường và tiếp tế, nhất là trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống kênh đào chằng chịt như bát quái trận đồ. Nơi đây nhờ chiến thuật trực thăng vận mà rất nhiều binh sĩ bị thương được kịp thời cứu sống và nhiều đồn bị vây hãm được giải tỏa kịp thời. Nay thiếu vắng các trực thăng này, buộc các đơn vị tại Quân khu 4 phải dùng đến thuyền tam bản và ghe để tải thương, việc tiếp tế đạn dược trở nên vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, vấn đề tâm lý rất khó nguôi.

Các chuyến chuyên chở bằng đường hàng không cũng bị cắt một nửa. Sự kiện này có ảnh hưởng nặng đến khả năng di quân của các đơn vị Tổng trừ bị, vì Sư đoàn Nhảy Dù và Thủy quân Lục chiến là hai lực lượng tổng trừ bị nên cần phải có mặt tại bất cứ nơi nào cần đến trên toàn lãnh thổ, do đó khả năng cơ động của hai lực lượng này vô cùng quan trọng. Phân tích về thực trạng này, đại tướng Cao Văn Viên ghi lại như sau: Suốt trong năm 1972, khi Cộng quân tấn công, Sư đoàn Nhảy Dù phải di chuyển từ Sài Gòn lên Pleiku rồi từ Pleiku ra Vùng 1 chỉ trong vòng 48 giờ. Việc di chuyển này vẫn do phi cơ của Không lực VNCH hay của Hoa Kỳ nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến các hoạt động không vận khác. Thế nhưng qua năm 1975 cũng với hoạt động như vậy thì phải mất 7 ngày và phải cắt bớt các chuyến bay khác để lấy phi cơ chuyển quân.

Các loại phi cơ C 130A là phương tiện không vận chính, đã phải thi hành một số phi vụ ném bom vào các tháng đầu năm 1975. Nhưng vì yếu tố kỹ thuật cũng như cánh phi cơ nứt, bình xăng rỉ cộng với sự cắt giảm các chuyến bay nên mỗi ngày chỉ có 8 trong 32 chiếc C-130 A được sử dụng.

* Không lực VNCH trong ba tháng cuối của cuộc chiến:


Trong phần trình bày về cuộc tổng tấn công của CSBV vào các tháng 3 và 4/1975, đại tướng Cao Văn Viên đã nêu lên những khó khăn về tình hình sử dụng các phi vụ chiến thuật mà với tư cách Tổng tham mưu trưởng ông đã phải linh hoạt trong điều động. Ông kể lại:


Suốt trong vài tháng cuối của cuộc chiến, vì lâm vào tình trạng khó khăn, nên bộ Tổng Tham Mưu đã dùng phi cơ C 130 A vận tải để thi hành các phi vụ yểm trợ chiến thuật, tăng cường hỏa lực và để giảm thiểu thiệt hại về số phản lực cơ chiến thuật gây ra bởi hỏa lực phòng không hùng hậu của địch. Mỗi chiếc C 130 mang theo 8 bành thùng đựng JP-4 chứa đầy dầu phế thải. Phi cơ bay trên cao độ từ 15 đến 20 ngàn bộ (1 bộ= 0.3048 mét). Mỗi lần phi cơ bay qua và bom nổ, binh sĩ dưới đất lấy làm vui mừng. Được hướng dẫn bằng vô tuyến từ dưới đất lên nên rất chính xác nên mỗi đợt thả chỉ cách nhau từ 150 đến 450 mét.

Mỗi phi cơ C 130 có thể chở 8 bành bom loại thùng GP 81-82 (tương đương với 250-500 cân Anh) hay ba bành loại GP-117 tương đương với 750 cân Anh. Binh sĩ đặt tên cho các phi vụ này là tiểu B-52, hay B 52 Việt Nam. Lần đầu tiên khi loại bom này được thả tại Tây Ninh, dân chúng tưởng B 52 của Mỹ. Vậy là tin đồn rằng Không quân Hoa Kỳ can thiệp được loan đi rất nhanh.

Gần đến cuối cuộc chiến, địch tập trung quân với một số lượng lớn và các căn cứ của địch để hơ hớ giữa ban ngày, thật là những mục tiêu ngon lành cho phi cơ. Kết quả trong các lần viếng thăm của ông Eric Von Marbol, phụ tá bộ trưởng Quốc phòng vào cuối tháng 2/1975 và tướng Weyand-tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, bộ Tổng tham mưu đã làm một yêu cầu đặc biệt xin cung cấp vũ khí nào mà Không quân Việt Nam có thể sử dụng được. Đó là loại bom 15 ngàn cân Anh có tên là bom “bạch cúc” mà Không quân Hoa Kỳ thường dùng thả bằng phi cơ C-130 để làm bãi đáp trong các khu vực rừng già.

27 quả bom thuộc loại này được dự trù đưa đến Việt Nam cùng với chuyên viên Hoa Kỳ trong vòng một tuần. Vào giữa tháng 4, ba trái đến trước và tiếp theo sau đó ba chiếc nữa đến chỉ hai ngày trước khi kết thúc cuộc chiến. Một chuyên viên Mỹ đi theo chuyến này để hướng dẫn các chuyên viên Việt Nam cách gắn ngòi nổ và cách gắn bom lên phi cơ. Thế nhưng viên phi công Hoa Kỳ lái máy bay này không đến kịp. Trước tình thế khẩn cấp và vì mức độ nguy hiểm nếu tồn trữ loại bom này tại Tân Sơn Nhất hay tại Long Bình nên bộ Tổng Tham mưu và bộ Tư lệnh Không quân đành phải chọn một phi công kinh nghiệm để bay thả thử trái đầu tiên.


Theo dự trù, chuyến bay khởi hành vào giữa khuya. Chiếc C 130 được gắn bom “cắt bạch cúc” cất cánh nhưng sau đó bay trở về sau 20 phút. Mọi người nín tbở, bám tay vào thành ghế hồi hộp nhìn phi cơ hạ cánh. Rất may phi cơ đáp xuống an toàn, chỉ vì một sơ sót kỹ thuật nhỏ cần sửa chữa. Nửa giờ sau, phi cơ cất cánh lần thứ hai. Đến 1 giờ sáng, trái bom đại đầu tiên được thả ngay xuống trên đất địch cách thị trấn Xuân Lộc khoảng 6 cây số về hướng Đông Bắc. Toàn thị trấn này rung chuyển như một trận động đất lớn: đèn phụt tắt, làn sóng vô tuyến của địch tức khắc im tiếng. Bộ tư lệnh Sư đoàn 341 CSBV bị dội bom và bị xóa tên hoàn toàn. Quân đội reo hò mừng vui. Tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ binh, liền gọi về hỏi: Bộ Tổng Tham mưu có nhiều loại bom này không" Tin tức lan truyền trong dân chúng rằng quân đội được trang bị bằng bom nguyên tử. Như vậy chiến trường có thể đảo ngược dễ dàng. Nếu không có gì trở ngại thì tinh thần và lòng tin của dân chúng sẽ được phục hồi nhanh chóng. Nhưng vì thiếu nhiên liệu và đạn dược nên phi cơ C 130 chỉ có thể bay được hai đến 4 phi vụ mỗi ngày.

Trong năm 1972, các hậu cứ có những loại C 5, C 141 và C 130 của Không quân Hoa Kỳ giúp chuyên chở quân dụng vũ khí bất kể ngày đêm nên việc tái thành lập các đơn vị VNCH rất dể dàng và nhanh chóng. Vào lúc đó, hầu như không thiếu thứ gì, từ tiền bạc cho đến quân trang quân dụng. Quân đội VNCH không lo đến chuyện thiếu hụt mà chỉ lo làm sao hoạt động cho ứng hợp với mức độ vũ khí và quân cụ được cung cấp. Tình hình lúc này thì ngược lại, thay cho B 52, quân đội được cung cấp loại bom 15 ngàn cân Anh nhưng các thứ khác đều phải tự chế. (Biên soạn dựa theo các tài liệu: hồi ký của cựu đại tướng Cao Văn Viên viết cho Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ xuất bản 1982, Duy Nguyên Trần Ngọc Dũng chuyển ngữ; Văn kiện Hiệp định Paris, bản tin chiến sự do Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL.VNCH phổ biến cho báo chí...)

Source:https://vietbao.com/a60781/khong-qua...iep-dinh-paris

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Không Quân VNCH Giai Đoạn Sau Hiệp Định Paris)

Rate this item
(2 votes)