Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Người Ấy - KQ Phạm Đắc Giáp

Posted by September 08, 2019 3859

Hàng đêm những lúc tay ấp đầu kề bên nhau, vợ tôi thường thủ thỉ: “anh kể chuyện người ấy cho em nghe đi”, tôi không nói gì cả, nàng không được vui, phụng phịu “chuyện nầy em biết hết rồi nhưng em muốn chính miệng anh kể, để em chia sẻ cùng anh chớ!”. Không biết nàng có chia sẻ cùng tôi hay không hay sau khi tôi nói ra, nàng sẽ buồn?. Tôi hẹn với nàng “trước khi nhắm mắt xuôi tay hoặc một ngày nào đó có thế bằng chính miệng hoặc anh mượn giấy thay lời nghe em”. Điệp khúc đó được nhắc mãi cho đến lúc….

L thua tôi một tuổi. Nhà chúng tôi ở kề bên nhau, hai đứa quen biết qua tình hàng xóm, tình bạn học, mặc dầu không cùng chung mái trường, không cùng lối về. Những năm cuối trung học, chúng tôi thường trao đổi cho nhau những bài toán khó những bài văn hay, những mẫu chuyện vui buồn của đời học sinh. Tình bạn của tôi và nàng chỉ có thế không gì hơn, không vượt qua giới hạn nào khác. Năm tôi đậu tú tài nàng là người đầu tiên chúc mừng tôi thành “ anh Tú”. Năm sau đến lượt nàng thi đậu, nàng cũng trỡ thành “cô Tú” giống tôi.

Thanh niên thời bây giờ ở độ tuổi ”quân dịch”, thi rớt không còn hoản dịch được là khăn gói lên đường tòng quân cứu nước, tôi học thêm vài năm chẳng ra gì đành “xếp bút nghiên theo việc đao cung “ để được trãi chí tang bồng của người trai thời chiến.

Chiều hôm ấy một buổi chiều mùa đông, trời ảm đạm mưa phùn dai dẳng, L. tiễn tôi lên đường với đôi mắt đậm buồn không nói lời nào, chỉ vẫy nhẹ tay chào, nhưng cũng đủ cho lòng tôi xao xuyến.

***


Những ngày học tập quân sự ở quân trường, mồ hôi thấm đổ, để đổi lấy và trao dồi cho mình một sức khỏe chắc chắn và một bản lĩnh vững vàng của người lính. Sau tám tuần lễ “huấn nhục”chịu đựng mọi gian khổ, chúng tôi trưởng thành và chai lì hơn nhiều so với lúc còn ở ngoài dân sự. Cuối tuần là thời gian dành cho các chàng lính trẻ về Sài Gòn dạo phố, thăm thân nhân, thăm người yêu nếu có, hoặc ở lại quân trường vui chơi với các bạn độc thân xa nhà. Buổi đi phép đầu tiên được dạo phố, trong bộ quân phục Sinh Viên Sĩ Quan với dáng dấp oai hùng của người lính sao thấy oai quá, bao ánh mắt nhìn vào với nhiều thiện cảm, làm cho mình tự tin và mạnh dạn hơn lên.

Lần đó và nhiều lần sau, tuần nào tôi cũng cố gắng về Sài Gòn hoặc dạo phố hoạc theo bạn bè vui chơi để tìm thêm những niềm vui mới, đồng thời trút bỏ mọi mệt nhọc sau một tuần học tập ở quân trường và cũng để quên đi nổi nhớ nhà, nhớ người thân trong bao tháng ngày dài xa cách.

Học ở quân trường đã sáu tháng, tôi (một trong 50 bạn ) đầy đủ sức khỏe được lựa chọn chuyển qua Quân chủng Không Quân học lái máy bay trở thành phi công sau nầy. Lại xa Sài Gòn trong bao luyến tiếc, nơi đây đã để lại bóng hình mà mình mới quen trong những lần đi phép, dầu sao đó cũng là ít nhiều kỷ niệm cho đời lính để gói trọn vào hành trang mang theo bên mình.

Tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân ở Nha Trang, chúng tôi làm lại từ đầu của một thanh niên mới vào quân ngủ, học nhiều và nhiều hơn những gì đã học ở quân trường củ. Chúng tôi đã và đang trở thành một người lính thực thụ, sau tám tuần lễ “tái huấn nhục” chúng tôi được gắn lại “alpha” và phục hồi cấp bậc Sinh viên Sĩ quan như củ. Những sáng chủ nhật đi phép với bộ quân phục kaki màu vàng thật rắn rỏi, thật đẹp, hòa nhập cùng quân trường Hải Quân bạn với màu trắng nhẹ nhàng. Trắng vàng hòa hợp vừa hùng mạnh vừa thanh nhả, lả lướt khắp đường phố, vẽ lên và tạo cho Nha Trang một vẽ đẹp hào hùng của người lính. Hai màu sắc quân phục rắn rỏi và trang nhả ấy vừa đắt khách lại vừa đắt giá nhất cũng vừa khoe sắc thắm, sự hùng dũng của mình để dể bề chinh phục mỹ nhân thành phố biễn.

Nha Trang với con đường Duy Tân thẳng tấp song song cùng bờ biễn. Biễn và đường thật thơ mộng chạy dài từ bắc xuống nam, nơi đâu cũng cát trắng với những hàng dương xanh cụt ngọn đổ bóng, cộng thêm ánh mát của bao hàng dừa bao phủ. Biễn Nha Trang đã đẹp lại mát mỗi khi trời chiều đổ bóng. Sinh viên Sĩ quan chúng tôi thường mượn nơi đây để hẹn hò, gặp gỡ với các cô bạn gái mà biết bao lần xuất trại mình mới được làm quen

Thời gian trôi qua, chúng tôi lần lượt ra trường. Bạn bè mỗi đứa một phương trời xa cách, mỗi lần nhắc lại Nha Trang với bao kỷ niệm tình cảm sống lại trong tôi, nơi đây là chốn “tình trường” nên phải xông pha chiền đấu cùng những chàng trai oai hùng khác, thắng cũng lắm mà thua cũng nhiều, gây sóng gió thì nhận sóng gió, đời trai lính chiến tình cảm thật chứa chan, thắng thua trong tình trường là chuyện bình thường, chẳng lấy gì làm buồn cả! Chuyện tình chỉ là kỷ niệm, làm đẹp cho đời lình làm dày thêm nhật ký tình yêu, hết mối tình nầy, chạy theo mối tình khác, không biết chán chường không biết mỏi mệt.

Sau khi tốt nghiệp khoa bay, tôi lên phục vụ đơn vị đóng ở Pleiku phố núi, đất bùn níu chặt chân người chiến sĩ, mây mù giăng khắp lối, làm khó khăn cho những chuyến bay vào mục tiêu. Nơi núi rừng trùng điệp heo hút, với những phi vụ hành quân liên tục, những gian nan cực khổ của một phi công trên vùng trời lửa đạn mà lưới đạn phòng không luôn chực chờ. Tôi bị phòng không địch bắn nhiều lần, số vẫn hên nên chưa lần nào người dính đạn.

Ở Pleiku hay những nơi biệt phái, từ Ban Mê Thuột, Kontum Phú Bổn xuống thành phố biễn Qui Nhơn Tuy Hòa, nơi đâu chúng tôi cũng có nơi hò hẹn với những em gái thân thương. Cuộc đời lính bay độc thân chúng tôi là thế và chỉ có thế mới lấp đi nổi cô đơn của người lính xa nhà.

***


Đã mấy năm xa nhà, lần nầy tôi về phép. Đà Nẵng khơi lại trong tôi với bao kỷ niệm của thời thơ ấu, của những năm cuối trung học, và nhất là đôi mắt đậm buồn của người con gái tiễn tôi đi. Tôi rất mừng khi gặp lại nàng, nàng không phải là L., tôi cũng không phải là G. của ngày ấy, chúng tôi đã trưởng thành, đã chửng chạc và đã...người lớn hơn xưa rất nhiều.

L kể cho tôi nghe sau một năm ngày tôi nhập ngủ, L mạnh dạn xếp bút nhiên theo chí hướng nam nhi, nàng đi vào quân ngủ. L được huấn luyện ở quân trường Sĩ Quan Nữ Quân Nhân, cũng cực khổ cũng dầm mưa dãi nắng chẳng thua gì các đấng nam nhi. Rồi nàng ra trường, cũng mang lon thiếu úy như ai lai được ở đơn vị gần nhà nữa chớ.

Gặp tôi, nàng bảo “chúng mình bây giờ là lính cả, thật là vui phải không anh?. L là thiếu úy trước anh đó nghe, lần sau gặp nhau anh phải chào L trước nhớ không, thưa ông “pilot “! Niềm vui của chúng tôi vừa là bằng hữu vừa là chiến hữu nên tự nhiên, và dể đồng cảm nhau hơn.

Về lại Pleiku tôi mang theo một niềm vui mới đó là L, chúng tôi liên lạc bằng thư từ thường xuyên, những chuyện vui buồn của đời lính, những ước mơ tươi đẹp ngày mai gỡi cho nhau, nhũng lần về phép kế tiếp hai tôi hiểu nhau nhiều, tình cảm gắn bó nhau hơn, rồi đến lúc tình cảm cũng nhường chỗ…Tại căn phòng nầy khi xưa là phòng học của nàng, chúng tôi từng trao cho nhau những bài toán, bài văn hay những mẩu chuyện của đời học sinh, và cũng căn phòng nầy giờ đây… lại chứa đựng bao ước mơ bao hạnh phúc của hai con tim đồng nhịp và cũng tại đây...nàng đồng ý nhận lời cầu hôn chân tình của tôi. Vâng, chúng mình đã lớn cả rồi phải không L phài không G?

Được sự đồng ý của má của chị và cũng là là sự mong mỏi nhất của hai người, vì tôi là con trai duy nhất đã 28 tuổi rồi, bao lần má hối thúc tôi lấy vợ cho có cháu nội má ẳm má bồng ở tuổi già lẻ bóng, có lần má vào tận Nha Trang nơi tôi đóng quân lúc mới ra trường, má biết nơi đây tôi cũng có dăm ba mối tình chi đó, tôi chưa chịu nên má lại về không. Lần nầy má rất vui vì biết được L là người như thế nào, L đã để lại nhiều cái đẹp cho gia đình tôi theo năm tháng ở gần kề nhau. L cùng tôi hướng về tương lai với nhiều mộng đẹp, lễ đính hôn sẽ ra sao? rồi thành hôn phải như thế nào cho tươm tất…đó là những câu hỏi thật hạnh phúc và thích thú quá phải không L? phải không G?.

“Con ngồi đây má nói chuyện nầy một tí”, giọng má nhỏ hơn mọi lúc, sắc mặt đăm chiêu và buồn tôi không biết má nói chuyện gì đây? sao mặt má căng thẳng và buồn thế?

Tôi ngồi xuống bên má tâm tư cũng lo lắng theo sự không bình thường và buồn bả của má, hồi hợp tôi chờ đợi…má nói trong sự xúc động, trong sự tiếc thương.

“Má chỉ có mình con, bao nhiêu hy sinh bao nhiêu mất mác má từng kể, con biết đó, cũng vì con chỉ có con má mới sống nổi đến ngày hôm nay, má rất thương L, má và chị con rât mừng khi hai con đến với nhau, nghỉ một lác cho cơn xúc động bớt đi má tiếp, “con với L chỉ có duyên mà không có nợ, má cùng chị Hai con vừa đi coi thầy về, tuổi hai con khắc nhau đến chết, mạng con yểu lắm nếu hai đứa lấy nhau thì con chết thôi, con mà chết má cũng chết theo mất, con thương má nghe con, nghe con, không vợ nầy thì vợ khác, đâu phải chỉ có một mình L đâu, đàn ông mà con”. Nghe đến đây, hai tai tôi ù lên, đầu như có ai cầm búa bổ vào, lúc nầy tôi cứ tưởng ai đang nói chớ không phải má. Mặt cúi xuống, tôi cố dằng cơn sốc đến thật bất ngờ với mình, cố kiềm sự xúc động và vội bước ra sau rữa mặt cho tỉnh người, cố đè nén những xúc động, những mất mác mình đang và sẽ gặp phải.

Phải, cuộc đời của má tôi từ đau khổ nầy đến đau khổ khác, từ mất mác nầy sang mất mác khác, từ bà chủ nay thành kẻ trắng tay, bao nhiêu lần hoạn nạn là bấy nhiêu lần má đều cố gượng dậy vượt qua bao khó khăn gian khổ dầu đi làm thuê, ở mướn hay một người “culi” chăng nữa má vẫn vui má không thấy buồn, chỉ để nuôi nấng, để chị em tôi có nơi nương tựa, được nên người. Càng nghĩ về má tôi càng yêu quí má vô cùng, vẫn biết những điều má vừa nói là hoàn toàn vô lý chỉ là mê tín không hợp với khoa hoc chút nào, tôi không cãi không dám nghịch lại ý má sợ má buồn, tôi chỉ buồn cho tình duyên của mình thôi.

Gặp lại nhau cũng trong căn phòng nầy, ngày xưa ấy hai tôi cùng ngồi học bên nhau và cũng nơi nầy chỉ cách mấy ngày thôi chúng tôi đã thêu dệt bao ước mơ bao hạnh phúc, bao lời ngọt ngào cho nhau và cứ tưởng sự thật sẽ đến trong tầm tay mình. Và giờ đây cũng nơi nầy chốn nầy, nước mắt tràn đầy cho nhau để khóc cho mối tình chưa hợp mà đã tan mau. “Hảy khóc đi em cho vơi tình sầu, hảy khóc đi em cho quên mộng ước ban đầu, hãy khóc đi em cho tình tan vỡ, khóc đi em…nghẹn ngào mình xa nhau”.

Những lời nghẹn ngào trong nước mắt của nàng: “chuyện nầy em nghe má anh nói rồi, thôi mình xa nhau anh nhé, em đã dứt khoát rồi!”.

Và đó là những giọt nước mắt sau cùng chúng tôi gỡi cho nhau.

Về lại Pleiku, nghĩ về L bao nhiêu tôi lại càng nhớ má càng nhiều bấy nhiêu. Má hy sinh một đời cho con mà phận làm con tôi chưa một lần tôi báo đáp cho má, chưa một lần tôi làm cho má vui lòng. Vẫn biết tình yêu là do con tim mình mách bảo nhưng tôi không dám làm theo con tim, không dám cãi lại trí óc mình trong lúc nầy, và chỉ có má, má là tất cả má ơi má ơi…

Mấy kỳ phép liền không về Đà Nẵng, ở lại trên nầy cho tình cảm trong tôi lắng dịu lại, mặc dầu nhớ má lắm. Không thấy tôi về thăm, má lặn lội đi xe đò lên thăm, cho dù đường bộ lúc nầy nguy hiểm, má kể: “từ khi tôi đi L cũng không trở về nhà, má cứ tưởng L bỏ nhà lên với tôi”.

Không không má đừng nghi cho L tôi nghiệp cho nàng má ơi. Và từ đó chúng tôi xa nhau.

***


Nhìn qua một lượt trên sạp áo quần, mợ chỉ tay hỏi cô bé bán hàng: - Quần đùi nầy cháu bán bao nhiêu? Dụi đôi mắt cho tỉnh hẵn giấc ngủ chập chờn buổi trưa nóng nực, cô bé ngước nhìn mợ cháu tôi, nở nụ cười chào khách:

- Dạ thưa bác mua một cái?”

- Bác mua đủ cặp. Bé báo giá mợ mua ngay không mặc cả và tặng tôi. Thắc mắc, tôi hỏi nhỏ sao đắt thế, mợ cười pha chút khôi hài:

- Giá rẽ đó con, nụ cười của cô bán hàng đây mới đáng ngàn vàng, phải không cháu gái?. Cô bé mắc cở tủm tỉm cười cám ơn, mợ hỏi thêm bé được bao nhiêu tuổi?

- Dạ mười tám ạ .

***


- Ngồi đây má nói chuyện nầy nghe con. Lại ngồi đây ngồi đây mãi để cho con yên đi má! tôi càu nhàu trong miệng không dám nói ra.

Không biết lần nầy má lại nói chuyện gì đây. Ngồi sát bên, nhìn sắc mặt má lần nầy tôi thấy già đi hẵn nhưng không thấy sự đăm chiêu và căng thẳng như lần trước, những nếp nhăn hiện rõ trên khuôn mặt, ừ má già rồi còn gì nữa đã gần 70 chớ ít đâu.

Con à, con nhỏ bán áo quần con gặp hôm qua con thấy có được không? vừa dễ thương, vừa đẹp, hiền lành lại biết buôn bán, quan trọng hơn cả tuổi hai con rất hợp nhau từ cung mạng đến số mạng, hai tuổi nầy đều hổ trợ cho nhau trong việc xây dựng vợ chồng.

Má nói một hơi dài như ông thầy bói đang mở chiêu dụ khách xem số mạng, tình duyên cho đôi tình nhân vậy, nghe má nói cô ấy biết bán buôn tôi cười thầm: “ biết buôn bán nên hai cái quần xà lỏn giá gần ngày lương của tôi mà mợ cho rẻ, mua được nụ cười mới quan trọng, mợ còn nhấn mạnh bác mua đủ cặp, mợ nói đúng lắm”.

Phải, nụ cười ấy ánh mắt ẩy đã để lại cho tôi những rung động của giây phút ban đầu mới gặp, cô bé ấy vừa đẹp vừa dể thương và duyên dáng đấy chớ, má nhắc lại: - sao con?, nghe lời má bằng lòng đi con, lớn tuổi rồi kén chọn gì nữa. Tôi nói cô ấy còn nhỏ thua con cả chuc tuổi khó coi quá má ơi – biết bao người lớn tuổi lấy vợ trẻ đó sao? đàn bà đẻ vài đứa là già liền con khéo lo, sợ con bé chê con không chịu đó thôi. Má nói cả hơi dài để khen cô bé và cũng thuyết phục tôi. Tôi mỉm cười gật đầu đồng ý.

Cậu tôi và bố nàng là chổ quen biết ở cùng đường phố, thường gặp nhau nên tôi cũng bớt ngỡ ngàng khi tiếp chuyện, cậu giới thiệu tôi là cháu ở xa mới về thăm nhà. Tôi ngồi nghe hai người nói chuyện và chỉ trả lời những gì họ hỏi, trong lúc chuyện trò bố nàng cũng có ít nhiều cảm tình dành cho tôi. Trước khi ra về bố siết chặt tay và mời tôi có dịp lại thăm bố.

Trước khi lên Pleiku những chiều kế tiếp tôi “lì đòn” trở lại gian hàng nàng để mua thêm ít đồ không cần thiết chủ yếu để nhìn, để ngắm cái đẹp và nụ cười “đáng giá ngàn vàng”. Hình như linh tính báo cho nàng biết trước điều gì, nên nàng rụt rè e thẹn khi tiếp chuyện cùng tôi, càng e thẹn càng rụt rè bao nhiêu thì cái đẹp cái duyên dáng của nàng lại nổi bật bấy nhiêu, tôi năn nỉ và cuối cùng xin được địa chỉ để viết thư cho nàng.

Những lần về phép sau, tôi mạnh dạn tới thăm ba mẹ nàng hay đúng hơn gặp nàng để nhìn tận mắt hình bóng mà mình đã mang theo trong suốt thời gian về phép. Ban đầu, nàng còn e thẹn không mạnh dạn, dần dần nàng cũng thích thú nghe tôi kể những chuyện của đời phi công trên bầu trời tây nguyên, ngang dọc bay qua với biết bao hiểm nguy nơi chiến trường, tàu dính bao nhiêu vết đạn mà vẫn lao vào vòng chiến, những lúc trời xấu mây bao phủ cả vùng trời vẫn cố gắng bay qua không hề sợ hiểm nguy nào cả, nàng càng nghe từ chổ lo lắng sợ sệt đến chổ càng thích thú say mê, cái nhút nhác thẹn thùng ban đầu của nàng cũng bớt, dạn dỉ dần và có ….cảm tình với tôi nhiều hơn.

Sự thúc đẩy của má, má nói cưới vợ phải cưới liền tay, chớ để lâu ngày thiên hạ dèm pha , tôi trì hoản mãi cũng không được má còn bảo hôn nhân đi trước hạnh phúc theo sau là chuyện thường, nếu con yêu thương thật thì tình yêu sẽ đến ngay, đừng chần chờ gì nữa nghe con.

Tại nhà nàng chúng tôi có một không gian riêng để gặp nhau, để tìm hiểu nhau thêm, và nơi đây lời cầu hôn cùa tôi được nàng chấp thuận với một yêu cầu:- thong thả tiến tới hôn nhân nghe anh, em mới mười tám còn nhỏ quá anh ơi, rồi nàng hỏi anh được bao nhiêu tuổi, tôi không dám trả lời thật, bớt lại năm tuổi nàng vẫn hồ nghi nhưng không sao, yêu nhau tuổi tác đâu có thành vấn đề phải không anh? đừng gọi anh bằng chú nghe em? chúng tôi cùng cười và ….nụ hôn đầu đời nàng đón nhận cho một tình yêu mới nở vâng, tình yêu của một người con gái mới lớn mới chập chửng vào đời, nụ hôn còn vụng về còn sợ sệt trong vòng tay siết chặt, thì làm sao tôi không cảm nhận được tình yêu, không ngất ngây theo nhịp đập của tim nàng.

Chọn được ngày lành tháng tốt hai bên gia đình quyết định tổ chức lễ đính hôn, buồn thay những ngày trước và sau lễ, chiến trường ở tây nguyên trở nên sôi động hơn bao giờ hết, tất cả nhân viên phi hành chúng tôi bay liên tục từ sáng đến chiều để yểm trơ chiến trường cho sự sống còn của quân bạn, cho sự cư an tư nguy. Vì tình đồng đội vì tình chiến hữu, tôi phải vắng mặt đám hỏi quan trọng của đời mình, để phục vụ cho đại sự cho bình an tổ quốc, nên ngày lễ hứa hôn chỉ có cô dâu còn chú rễ chẳng thấy đâu. Em có buồn không em? không có anh bên để dìu em từng bước trong bộ đồ cưới đẹp nhất, cho em mạnh dạn bước ra trình diện hai họ không em? Chắc em không buồn đâu nhỉ, dầu không có anh, em vẫn mạnh dạn vẫn vui vì em biết anh hy sinh tình riêng để lo cho đại sự là cuộc chiến hôm nay phải không em? phải không em?

Em phụng phịu với giọng trách yêu“hổng chịu đâu, hổng chịu đâu” anh gạt em, mới đám hỏi đó chưa được mấy ngày đã lo tính chuyện đám cưới, em mới mười tám để cho em lớn chút nữa đi, em mắc cở lắm nghe anh. Càng phụng phịu bao nhiêu cái duyên dáng nét dể thương càng hiện rõ trên khuôn mặt nàng. Hơn bao giờ hết tôi mới cảm nhận được người vợ thật sự của mình là đây sẽ cho mình và gia đình những gì mình mong ước nhất.

Nhờ sự giúp đở của hai bên gia đình, những ngày cận tết của năm ấy đám cưới chúng tôi được tổ chức thật tươm tất thật trang trọng, một đám cưới mọi người nhìn vào ai ai cũng không tiếc lời khen ngợi.

Để bù lai sự vắng mặt của chú rễ trong ngày đính hôn, thì hôm nay từ Pleiku chỉ huy trưởng lái máy bay chở sáu vị chức sắc trong phi đòn về dự tiệc cưới của chúng tôi, thật hạnh phúc quá phải không em, người vợ yêu quí của anh. Và từ đây cô dâu đã biết mặt người anh cả cùng những đồng đội của chú rễ trong phi đoàn.

Cưới nhau xong là đi, vâng là trai thời chiến chúng tôi chỉ gần nhau được bốn ngày, bốn ngày ấy thật hạnh phúc và quí giá quá, mình đã đưa nhau đến đỉnh tuyệt vời của tình yêu, của bến bờ hạnh phúc, mặc dầu chưa có một tuần trăng mật cho nhau sau ngày cưới nhưng nàng không buồn nàng vẫn vui bởi chồng mình là lính.

Mới cưới nhau đã vắng chồng ở nhà một mình, thật buồn, bao nhớ nhung bao lo toan biết nói cùng ai, may cũng còn mẹ và chị chồng thương yêu, đùm bọc chỉ vẽ cho những gì chưa biết, sự yêu thương đùm bọc ấy làm cho cả ba gần gủi lại nhiều hơn xem nhau như ba mẹ con ruột rà thật sự, một hoặc hai tháng tôi cũng có năm bảy ngày phép về thăm em để lấp đi bao nhớ nhung trống vắng của những ngày xa cách, tôi xin phép má đưa em lên đơn vị sống cùng tôi vài tháng.

Dãy phòng chúng tôi ở trên đồi tận cuối đường bay nên lúc nào cũng thấy rõ máy bay phi đoàn mình lên xuống, phòng độc thân dành cho một người vừa kê đủ một giường một tủ cá nhân và một bàn nhỏ đọc sách hoặc viết thư, xung quanh phòng được che chắn nhiều lớp bao cát để chống pháo kích. Từ ngày có vợ, phòng ốc trở nên ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẻ nền nhà luôn luôn sạch bóng không còn lộn xộn như trước. Cũng chừng đó vật dụng nhưng khi qua tay vợ sắp xếp sao thấy rộng rãi, mát mẻ hơn nhiều.

Bữa cơm nào cũng ngon cả tôi khen tài nghệ làm bếp của nàng đáo để. Nàng không nhận lời khen, đổ thừa má dạy em nấu cho anh ăn đó, câu trả lời khôn khéo và dể thương quá hở em?

Chiều chiều sau giờ rảnh em đứng nhìn từ đồi xuống cuối đường bay, những con chim sắt sau một ngày uốn lượn mệt mỏi với những phi vụ hành quân trở về tổ ấm, từng chiếc rồi từng chiếc đáp nhẹ xuống đường băng chạy dài đến khuất tầm mắt, chắc trong số đó cũng có chồng mình đang ngồi lái, mình hảnh diện chồng biết lái máy bay, mình cũng biết lái phi công như chồng đấy chứ.

Ở trong cư xá không quân Pleiku thời gian, em biết được gần hết chiến hữu cùng các chị vợ yêu thương của bạn chồng, nơi đây em đã chứng kiến bao nhiêu đòng đội bạn ra đi không trở lại, cái vui cái buồn đời lính em cũng chia sẻ ít nhiều, đôi lúc suy tư có chồng pilot sao mà hồi hợp quá mỗi lần chồng hành quân là mỗi lần lo lắng, em luôn cầu nguyện cho chồng và tất cả đồng đội của chồng được bình an trong mọi phi vụ hành quân.

Tình hình chiến sự trở nên khốc liệt hơn, hàng đêm không biết bao đợt pháo kích phóng vào phi trường, những tiếng rít kéo dài của tầm đạn, tiếng nổ kinh hồn làm nàng sợ sệt nằm co ro bên chồng thầm cầu nguyện. Nàng lúc nầy đang mang thai đứa con đầu lòng, chạy vội theo chồng xuống hầm trú ẩn bị té nhào, may mà không sao.

Sợ nguy hiểm sẽ đến vợ con nên hôm sau tôi đưa vợ về lại Đà Nẵng. và từ đó căn phòng không còn tiếng cười tiếng nói chào đón rồn rả mỗi khi chồng về. Vắng em căn phòng lai buồn bả, đâu còn ngăn nắp nữa, đâu còn những bữa cơm ngon em nấu cho chồng, chỉ còn chăng là gạo sấy cùng thịt hộp cho qua bữa thế thôi.

Từ ngày mới bước chân lên Pleiku thấm thoát gần hai năm rưởi rồi, nơi đây phi trường còn vắng vẻ lưa thưa, hôm nay đã nhộn nhịp hẵn, bao nhiêu dãy nhà mọc lên bao nhiêu máy bay đậu kín chổ. Tôi được lệnh chuyển đơn vị. Cầm lệnh thuyên chuyển trên tay, với biết bao kỷ niệm vui buồn trổi dậy, nơi đây tôi cùng đồng đội sát cánh bên nhau, những địa danh như Pleime Dakto BenHet Charly Tân Cảnh rồi qua tận đất Lào, nhà thủy tạ Biển Hồ Cam Pu Chia..., nơi đâu cũng để lại dấu ấn của cánh bay mình, những phi công như Huỳnh Mười người bạn cùng khóa cùng chịu đựng số phận “vịt đẹt” như tôi, nào Đoàn Phan, Khải lửa Mr Di ( Ổi ) Việt bị đạn dịch bắn vào bụng cũng ráng đáp an toàn để nhập viện rồi đi đâu cái bị nylon cũng ở bên mình …. Quan sát viên như Đức (người cày cỏ ruộng) Đoàn Lương, Xuân, Nu, Minh Nguyệt, Đôn (lò) và biết bao nhiêu bạn nữa là những người thân thương nhất cùng tôi sống chết trên bầu trời đầy lữa đạn, giờ đây tôi chia tay các bạn, giã từ phi trường, các địa danh quen thuộc, thành phố Pleiku và các biệt đội là nơi đã để lại cho tôi biết bao vui buồn của đời lính.

Về lại Đà Nẵng của đất Quảng mến yêu, tôi cũng tiếp tục chiến đấu như các bạn đang chiến đấu ở đây vậy. Chiến trường miền trung sôi động hơn nhiều, tôi lao mình vào nơi khói lửa ngay từ chiến trường nầy đến nơi biệt phái khác, vẫn nhớ Pleiku thân yêu, vẫn nhớ những nơi biệt phái mình đã qua, để lại nơi đây biết bao kỷ niệm, biết bao tình cảm của người lính độc thân xa nhà mà khó ai tránh khỏi.

Lấy vợ thấm thoát được ba năm, đã có hai con một trai một gái thật hạnh phúc quá. Nhớ lại lời má “ hôn nhân tới trước hạnh phúc theo sau” thật không sai chút nào, có vợ biết yêu thương lo lắng cho vợ, cũng biết chìu chuộng khi em làm nủng, có cho nhau tình yêu thì mới nhận được hạnh phúc phải thế không em? Vợ tôi lúc nầy vừa buôn bán vừa lo con dại bận rộn tối ngày mà chẳng đòi hỏi nơi tôi một sự giúp đở nào cả, ngày qua ngày cuộc sống vẫn hạnh phúc êm đềm trôi qua, một hôm vợ nói nhỏ vào tai em có bầu đứa nữa anh, độ sáu bảy tháng thôi anh có con bồng, như vậy là ba năm ba đứa đó, chừa và tha bớt cho em đi nghe ông chồng yêu của em, rồi em cười ôi hạnh phúc quá.

Một hôm tôi ghé qua nhà L gặp em nàng cho biết, chị L có chồng sau anh một năm bây giờ chị có được hai con. Vợ chồng chị thuê nhà ở xa đây lắm, em hỏi anh còn nhớ chị không? “Nhắc lchi chuyện đau lòng ấy em ơi” tôi ngậm ngùi không trả lời được gì cả. Tôi cũng xót xa cũng đau lòng cho một mối tình đẹp đã qua trong đời mình.

***


Tình hình chiến sự lúc nầy trở nên bi đát, tin xấu từ mọi nơi dồn dập đến, Ban Mê Thuột, Pleiku mất rồi đến Đà Nẵng, và cuối cùng lịch sử cũng sang trang. Chiến tranh chấm dứt, đồng đội tan rã mạnh ai nấy chạy, tôi không thể bỏ vợ bầu con thơ trong lúc nầy mà chạy tìm đường thoát thân được, đành ở lại chịu chung số phận cùng những người bại trận. Một điều thật cay đắng bây giờ mới thấy được chúng ta là những con ong thợ hút nhụy về xây tổ hì hục từ sáng đến chiều tạo những chiến công về dâng cho thượng cấp, khi tan hàng thượng cấp âm thầm bỏ chạy không một lời từ biệt đồng đội anh em.

Tôi lên núi cùng anh em bại trận, để trãi dài những ngày tù tội, sáu tháng sau như lời vợ nói, thằng cu thứ ba ra đời. Vừa sung sướng lại vừa lo lắng cho hoàn cảnh khó khăn của vợ chưa đầy hai mốt đã ba đứa, đứa dắt đứa bồng đứa khóc o oe trong nôi đòi sữa mẹ mà phải bôn ba chịu khó xoay xở cho qua ngày khi không có chồng bên cạnh. Với thân gầy lặn lội hai vai gánh nặng tìm kế mưu sinh cùng mẹ chồng già yếu để lo cho con dại, cho chồng ở tù trên núi xa. Cái tuổi của em đáng lẽ em còn bay còn nhảy còn hồn nhiên như bao người con gái khác vẫn còn vui chơi với bạn bè thỏa thích, nhưng em không buồn em không trách phận, em vẫn vui chịu đựng mọi khó khăn để nuôi con thăm chồng khi được phép. Mình cứ tưởng đàn ông mới là cực khổ gian nan cận kề cái chết qua từng đường tơ kẻ tóc lúc ra mặt trận hoặc gian nan lội suối trèo non lao động vất vả tay xướt chân trầy bởi gai rừng của những ngày tù tội, đâu có thể so bằng cái khó khăn cái thiếu thốn lo toan từng bửa cho con trẻ, khi con ốm đau một mình chữa trị cho con, cái cần thiết cho bản thân cũng chẳng cần, bên tai luôn nghe những lời xỉ mắng nào vợ sĩ quan ngụy nào giặc lái ác ôn, em cũng cúi mặt làm ngơ chỉ lo chắt chiu từng đồng từng cắt để bới xách cho chồng, thật vĩ đại quá phải không em?

Sự chịu đựng khó nhọc và cố gắng làm ăn cũng đươc đền đáp công lao, cố xoay xở em mua được căn nhà nhỏ ngay đường phố có chỗ buôn bán, có chỗ cho mẹ già cùng bốn mẹ con trú ngụ.

Sau hai năm tù “cải tạo”, tôi được trở về sum hợp với gia đình, ngạc nhiên cùng mừng rỡ em ôm chồng mừng mừng tủi tủi, nghẹn ngào không nói được lời nào cả.

Mọi quá khứ đã đi qua bây giờ chúng tôi bắt đầu cuộc sống mới, cuộc sống của tù binh trở về với nhiều nghề bị hạn chế nên tôi chỉ biết phụ giúp vợ buôn bán, chăm lo các con, dần dần cuộc sống cũng thay đổi, sự hạn chế nghề nghiệp của chúng tôi cũng bớt đi đáng kể. Tôi cùng vợ ra sức làm, trời không phụ lòng chúng tôi mua được nhà khác khang trang rộng rãi hơn, con cái cũng lớn dần theo thời gian cũng có được trình độ để vào đời có công ăn việc làm có vợ có chồng, tất cả có cháu cho chúng tôi ẳm bồng để đợi tuổi già ghé đến.

Tình cờ tôi gặp lại L ở nhà người thân, mặt giáp mặt mà lòng xót xa cho một mối tình đỗ vỡ, tôi cố tình thờ ơ lạnh lung như không biết những gì nàng nhắc lai, lý trí vẫn còn sáng suốt, tôi cố tình làm vậy cốt để nàng quên tôi, xem tôi như người tình phụ bạc để nàng được hạnh bên người chồng thân yêu của mình, để tôi được hoàn toàn là lá chắn là chỗ dựa vững chắc nhất của vợ con trong lúc nầy và mãi mãi.

Nghĩ lại tình cảm trải qua trong cuộc đời dù chai lì cho mấy rồi cũng có một phút nào đó để tâm tư lắng đọng để cho mình ngẫm nghĩ…..

Chuyên đã qua đi tình cảm hạnh phúc bên nhau trên bốn chục năm rồi, mình chưa một lời nói nặng cho nhau chưa một lần làm buồn cho nhau phải không em? hạnh phúc luôn bao quanh bên ta phài không em?.

Anh đã trãi hết lòng mình trên giấy để em hiểu tận đáy lòng anh như anh đã hứa là sẽ kể cho em nghe về “Người Ấy” rồi đó, vợ yêu dấu của anh.


Không Quân Phạm Đắc Giáp

https://www.facebook.com/photo.php?f...type=3&theater

Rate this item
(3 votes)