Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 17) - NGUYỄN HỮU THIỆN

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 17)



Hồi ký
NGUYỄN HỮU THIỆN

PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA




CHƯƠNG 1 – “Người công dân mất quyền”

(tiếp theo kỳ 16)


Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, bố tôi xin nghỉ việc tại Ty Công Chánh Biên Hòa, không phải vì ông sợ quá khứ “thư ký hội đồng xã” (ở Trảng Bàng, Tây Ninh) bị phanh phui mà chỉ vì bực mình, chán ngán trước sự lộng hành của mấy tay nằm vùng và đám 30 tháng Tư đa số thất học và ngu xuẩn.

Ít lâu sau, bố tôi và các em tôi theo chân người dân trong giáo xứ vào “đồng ruộng”.

“Đồng ruộng” nói tới ở đây là một phần của vùng đất trũng nằm ở phía tay trái quốc lộ 1, hướng Sài Gòn đi ra miền Trung, mà mấy chục năm về trước, Phủ Tổng ủy Di cư của chính phủ Ngộ Đình Diệm đã dự trù biến thành một vùng nông nghiệp trù phú của tỉnh Biên Hòa.

Xin có đôi dòng về vùng Hố Nai. Về mặt địa lý, Hố Nai là vùng đất nằm dọc hai bên quốc lộ 1, khởi đầu từ cây số 6 - tính từ trung tâm thành phố Biên Hòa - tới cây số 18, tức là từ Suối Máu (trại tù Suối Máu tôi đã ở) tới Suối Đỉa (nay thuộc huyện Trảng Bom).

Địa danh “Hố Nai” từ đâu mà có, không một ai được biết. Giả thuyết duy nhất được một số người nhắc tới cũng không mang nhiều sức thuyết phục:

Xưa kia tại vùng đất ngày nay thuộc tỉnh Biên Hòa có nhiều nai nên được gọi là “Đồng Nai”(?). Tại khu vực rừng thưa dọc theo quốc lộ 1, các thợ săn thường đào những cái hố sâu để nai lọt xuống không leo lên được, vì vậy mà vùng này được gọi là “Hố Nai” (?).

Còn theo sách vở và những người dân địa phương thuộc thế hệ trước, xưa kia vùng rừng thưa hoang vắng này được dân Biên Hòa gọi là rừng Phước Cang, từ cây số 6 có rừng cao su của một chủ đất người Việt dài khoảng một cây số (tới cuối thập niên 1960 vẫn còn nhưng không khai thác). Đi thêm vài cây số nữa (nay là Hố Nai 2) là thung lũng Đồng Lách nằm sâu phía bên trái, từ thượng lưu sông Đồng Nai trải dài tới hồ Trị An.

Sau cuộc di cư năm 1954 của một triệu người miền bắc vào nam, chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã đưa đồng bào Công giáo di cư tới khai hoang các vùng đất như Rạch Dừa (Vũng Tàu), Phú Thọ (Sài Gòn), Xóm Mới (Gò Vấp), Cái Sắn (Rạch Giá), Hố Nai (Biên Hòa), Túc Trưng, Gia Kiệm (Định Quán), Phương Lâm, Bảo Lộc...

Riêng tại vùng Hố Nai, từ Suối Máu tới Suối Đỉa, đất dọc quốc lộ được chia đều cho các Giáo phận miền bắc di cư, theo thứ tự Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Bùi Chu, và sau cùng là Bắc Ninh.

Hố Nai là một vùng rừng thưa, tuy có mấy con suối nhưng đất đai đa phần khô cằn sỏi đá, lúc bấy giờ còn đầy thú rừng, cho nên chỉ có khúc giữa (Kẻ Sặt, Thái Bình, Ngọc Đồng...) phát triển nhờ buôn bán, sản xuất hàng thủ công nghệ và khai thác gỗ. Rừng Hố Nai có nhiều gỗ quý như cẩm lai, gõ..., còn những cây bằng lăng thì tới thập niên 1960, tôi về chơi thấy hầu hết vẫn còn nguyên.

Còn ở khúc cuối (Thanh Hóa, Bùi Chu, Bắc Ninh) đa số dân chúng chỉ biết sống nhờ nghề làm củi (vào rừng cưa củi), làm than, chăn nuôi, canh tác hoa màu ở những vùng đất ven suối.

Nhà thờ giáo xứ Bùi Chu, khánh thành năm 1967, lấy theo mẫu Nhà thờ Đức Bà ở Anjou, Montréal,
Canada; rất tiếc, sau năm 1975 đã bị phá bỏ để thay bằng một ngôi thánh đường “hiện đại” hơn


Nhưng, như đã viết ở trên, khi đưa dân di cư tới vùng Hố Nai, kế hoạch ban đầu của Thủ tướng (sau trở thành Tổng thống) Ngô Đình Diệm là biến thung lũng Đồng Lách thành một vùng nông nghiệp trù phú. Một con đường đất lớn đủ cho xe chạy hai chiều được đắp từ quốc lộ 1, khoảng giữa giáo xứ Thanh Hóa và giáo xứ Bùi Chu, đi vào đồng ruộng.

Lúc ban đầu, chính phủ đã dựng nhà cửa, đưa một vị linh mục tới trông nom cả phần hồn lẫn phần xác cho giáo dân tới khai hoang lập ấp, nhưng chỉ 2, 3 năm sau đã phải lần lượt bỏ đi!

Nguyên nhân: du kích Việt Cộng từ mật khu (thuộc chiến khu D) tiếp giáp với Đồng Lách kéo về quấy phá. Đám du kích ở đây bắt đầu hoạt động rất sớm, ngay từ những năm 1957, 1958 chứ không cần đợi khi Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (MTDTGPMN) được thành lập vào cuối năm 1960.

Chỉ còn lại một số dân Hố Nai vẫn tiếp tục vào đồng ruộng trồng lúa nhưng sáng đi chiều về chứ không dám ngủ đêm trong đó. Tuy nhiên sau khi xảy ra cuộc đảo chánh lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm của đám tướng lãnh vào cuối năm 1963, các ấp chiến lược bị phá bỏ thì hầu như không còn người dân Hố Nai nào dám vào đồng ruộng nữa, bởi khu vực này đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Việt Cộng, từng xảy ra những cuộc giao tranh với quân đội quốc gia.

Sau 30/4/1975, trước viễn ảnh đói khổ dưới chế độ mới, nhiều người dân Hố Nai và cả từ những nơi khác đã trở lại đồng ruộng để khai thác vùng đất bị bỏ hoang từ nhiều năm qua. Bố tôi vốn yếu đuối, từ ngày di cư vào nam không quen chân lấm tay bùn, lại vào sau người ta cho nên chỉ còn những khu đất tương đối cao, nửa ruộng nửa rẫy. Cuối cùng chỉ khai thác được hơn một héc-ta để trồng lúa, nhưng thu hoạch cũng chẳng bõ công.

Trước tình cảnh này, ba người bác, tức hai bà chị và một ông anh của bố tôi, đề nghị gia đình tôi xuống Cái Sắn để làm ruộng của các bác chia cho.

Gia đình các bác ở Kênh 5, một trong những “kênh” (kinh) trù phú nhất của vùng Cái Sắn. Tuy nhiên việc về Cái Sắn đã bị mẹ tôi phản đối vì, như đã viết trong kỳ trước, sau khi trường học của giáo xứ Tân Thành bị cộng sản tịch thu, mẹ tôi đã “chiếm” trường của giáo xứ Bùi Chu làm nhà dưỡng lão cho người già đơn chiếc, đặt tên là Nhà Tình Thương, bà cụ mà bỏ đi chắc chắn sẽ bị chính quyền địa phương tịch thu!

Cuối cùng, gia đình tôi chia đôi, bố tôi và hai trong số các con trai về Cái Sắn, mẹ tôi ở lại Hố Nai với bốn người con còn lại.

* * *

Năm 1981, khi tôi ra tù và từ Sài Gòn về Hố Nai thì người em trai kế tôi đã có vợ con và ra riêng, người em trai giữa được cho đi tu làm linh mục thì đã bị tử nạn vì đạn nổ vào năm 1977 (thời gian tôi đang bị cải tạo ở Phước Long), nên người em trai út được mẹ tôi “dâng cho Chúa” để thế chỗ, ở nhà chỉ còn mẹ tôi và cô em gái độc nhất.

Ấp Bùi Chu – cũng là giáo xứ Bùi Chu, tuy ở gần cuối vùng Hố Nai nhưng có lẽ vì đông dân nhất nên được chính phủ ưu ái xây cho một trường tiểu học khang trang nhất vùng, mái tôn tường gạch tô quét vôi màu vàng, thềm xi-măng sạnh sẽ cao ráo; trong số giáo viên có những thầy cô về từ Sài Gòn.

Đó là trường tiểu học công lập Minh Đức, nơi tôi học một nửa năm lớp Ba, năm lớp Nhì và mấy tháng lớp Nhất (Grade 6 ngày nay) trước khi lên Sài Gòn ở với bà ngoại vào năm 1958. Đây là lớp Nhất đầu tiên của trường với các học sinh cùng lứa tuổi, khác với những niên khóa trước có cả học sinh đã sắp tới tuổi đi lính hoặc... lấy chồng!

Trường tiểu học công lập Minh Đức, sau hơn 60 năm trông vẫn như xưa


Vì thế, lớp Nhất của tôi được xem là những “tinh hoa” đầu tiên của trường; trong đám nam sinh sau này một tay làm luật sư, mấy tay đại úy, trung úy Hải Quân, Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến...

Nhưng khi tôi trở lại chốn xưa vào năm 1981 thì không gặp lại một ai; tay trung úy TQLC - bạn thân nhất của tôi - và tay trung úy pilot trực thăng đã đền nợ nước trước 1975, tay đại úy Hải Quân thì đi tù chưa về, còn lại thì tất cả đã hoặc đang tìm đường vượt biên, trong đó tay luật sư nghe nói đã mất tích trên biển Đông!

Ngoài đám bạn học chung lớp Nhất năm xưa, tôi cũng quen biết một số bạn khác, trước kia không có “nợ máu với nhân dân” cho nên giờ này được thoải mái dưới chế độ mới, có người còn xung phong giữ chức vụ này chức vụ nọ cho nên tôi không qua lại với bất cứ người nào.

Vì thế, mặc dù thửa lúa của nhà tôi trong đồng ruộng chẳng hứa hẹn gì nhiều, tôi cũng thường vào chăm sóc - thực chất là để giải khuây, có khi đi với mẹ tôi, có khi đi một mình...

Tôi thường ngồi dưới gốc cây thả hồn theo mây trời để tạm quên đi thực tại không lối thoát của mình. Cũng có lúc tôi mơ mộng viển vông một toán “lính quốc gia” xuất hiện đưa tôi vào chiến khu.

Viết là “viển vông” vì cả vùng Hố Nai đều biết các toán “lính quốc gia”, tức các cựu quân nhân QLVNCH không chịu buông súng đầu hàng, sau ngày 30/4/1975 rút vào rừng tiếp tục chiến đấu, sau mấy năm đã bị quân cộng sản đánh dẹp, lớp hy sinh, lớp bị bắt, còn lại thì băng qua chiến khu C tìm đường sang Căm-bốt, hoặc tự động tan hàng...

Nhưng mẹ tôi thì thực tế; bà cụ nhận định một sĩ quan đi tù cải tạo về như tôi, không có “thân nhân cách mạng”, không có vốn liếng, cơ sở làm ăn để móc nối, đút lót cho đám cán bộ địa phương thì không có đất sống. Vì thế, phải lo cho tôi đi vượt biên.

* * *

Quả thật tôi không có đất sống, nghĩa đen cũng như nghĩa bóng!

Khoảng hai tuần sau khi về Bùi Chu, hôm đó tôi đang ở trong đồng ruộng thì một tay cán bộ tìm gặp mẹ tôi hỏi về tình trạng cư trú của tôi. Sau khi mẹ tôi cho biết tôi về đây sống luôn, hắn nói hắn có trách nhiệm quản lý các sĩ quan của chế độ cũ đi học tập về mà Giấy Ra Trại ghi địa chỉ là ấp Bùi Chu, tôi không thuộc thành phần này thì phải lên Ủy ban Nhân dân xã Hố Nai xin phép cư trú.

Thế nhưng tới khi tôi lên UBND xã làm đơn xin phép về sống ở Bùi Chu thì bị một tay cán bộ gốc Nam Kỳ lớn tiếng “lên lớp”:

- Anh là sĩ quan ngụy chưa được phục hồi quyền công dân, không phải muốn sống ở đâu thì sống. Giấy Ra Trại ghi địa chỉ của anh ở TP.HCM, muốn về sống ở Hố Nai thì phải có giấy giới thiệu của TP.HCM người ta mới cứu xét cho anh chớ!

Có nghĩa là tôi phải trở lại Sài Gòn làm đơn xin về Hố Nai. Dĩ nhiên tôi không dại dột tới mức đó, tôi phải bám lấy Sài Gòn, ít nhất cũng tới hết kỳ hạn 6 tháng ghi trong Giấy Ra Trại rồi tính sau.

Thế rồi tôi nghĩ ra một cái “mánh”, mặc dù không hy vọng lắm nhưng cứ thử, biết đâu!

Một tuần sau, tôi trở lại UBND xã Hố Nai với cái đơn cũ và bộ mặt đưa đám, phịa với tay cán bộ “khó khăn, trở ngại” của tôi như sau: khi tôi về Sài Gon, tới UBND quận Phú Nhuận làm đơn xin phép về Hố Nai cư trú, nơi đây cũng không chấp thuận vì họ nói không có gì bảo đảm sau khi rời Sài Gòn tôi sẽ về Hố Nai, mà biết đâu sẽ đi một nơi khác, với ý đồ nào đó. Vì thế, họ nói tôi phải trở lại UBND xã Hố Nai với cái đơn cũ, xin nơi đây phê cho mấy chữ “phải có giấy giới thiệu của TP.HCM” thì UBND quận Phú Nhuận mới có “cơ sở” để cứu xét!

Không ngờ tay cán bộ gốc Nam Kỳ ở xã Hố Nai tin ngay, phê vào đơn và ký tên, đóng mộc!

Tôi chỉ có thể giải thích có lẽ tay cán bộ này xuất thân du kích thất học nay được ngồi bàn giấy nên rất hãnh diện với việc được ký tên đóng mộc!

Từ đó, tờ đơn xin về Hố Nai cư trú có lời phê, con dấu của “cách mạng”, tuy chưa được chấp thuận, kèm theo cái Giấy Ra Trại, đã trở thành một cái “bùa” cho tôi mỗi khi đi đường bị xét hỏi, và hợp thức hóa tình trạng đi đi về về Sài Gòn - Hố Nai của tôi. Khi gặp phải một tay công an... chậm hiểu, tôi giải thích đại khái: tôi phải về Hố Nai làm ruộng cho kịp vụ mùa và đã trình báo UBND xã Hố Nai, khi nào hết kỳ hạn 6 tháng cư trú ở Sài Gòn, UBND quận Phú Nhuận sẽ ký giấy cho tôi về Hố Nai!

Ngoài ra, với tờ đơn dở dang này, tôi còn thuyết phục được tay công an ở Phường 13 cho tôi trình diện hai tuần một lần thay vì mỗi tuần như trước kia.

* * *

Tới đây viết về chuyện vượt biên.

Thực ra từ sau ngày chiến dịch di tản Frequent Wind Operation của Hoa Kỳ kết thúc, Lực lượng Đặc nhiệm 76 (Task Force 76) của họ rời biển Đông khoảng giữa tháng 5/1975, cho tới đầu năm 1978 đã có những người trốn khỏi miền Nam VN bằng tàu thuyền, nhưng con số ấy không nhiều, không gây tiếng vang quốc tế. Phải đợi tới giữa năm 1978, khi bắt đầu có những chuyến ra đi “chính thức” và “bán chính thức” của người Việt gốc Hoa, phong trào vượt biên mới nở rộ, phần lớn là những chuyến đi bất hợp pháp của người Việt.

Trước khi kể về những chuyến đi bất hợp pháp (trong đó có chuyến của tôi) cũng xin có đôi dòng về việc ra đi “chính thức” và “bán chính thức” của người Việt gốc Hoa.

Tại sao người Việt gốc Hoa phải ra đi?

Muốn có câu trả lời phải trở lại thời gian miền Nam mới giành được độc lập từ tay người Pháp (1955), khi hầu như toàn bộ nền kinh tế của VNCH đều nằm trong tay Hoa kiều ở Chợ Lớn, khu vực được ghi nhận là “ phố Tàu” (Chinatown) lớn nhất trên thế giới nếu tính theo diện tích.

* * *

Nguyên vào thời Pháp thuộc, được sự đỡ đầu của người Pháp, người Hoa đã mặc tình thao túng nền kinh tế của miền nam VN. Đây là một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi: lợi của người Hoa là tiền bạc, lợi của người Pháp là mượn bàn tay của Hoa kiều để khống chế người bản xứ.

Giữa thế kỷ 19, vùng Chợ Lớn được chính quyền thuộc địa công nhận là một thành phố riêng biệt: Ville de Cholon (City of Cholon), có chính quyền và hệ thống hành chánh riêng.

Hơn một thế kỷ sau, năm 1951, sau khi chính thể Quốc Gia Việt Nam được thành lập vào năm 1948, do cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng, lấy Sài Gòn làm thủ đô, thì Chợ Lớn mới được sát nhập, gọi là Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn; để rồi tới năm 1956, khi nền Đệ nhất Cộng hòa được thành lập, tên gọi chỉ còn bốn chữ Đô thành Sài Gòn.

Cùng năm, trước sự độc quyền kinh tế, thao túng thị trường của Hoa kiều Chợ Lớn, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã ban hành Dụ số 52 ngày 29/8/1956 và Dụ số 53 ngày 6/9/1956.

Dụ số 52 quy định Hoa kiều sinh sống tại miền Nam VN phải mang quốc tịch Việt Nam. Khi có quốc tịch, họ mới được tự do giao dịch, đi lại và buôn bán. Khi lấy quốc tịch, người Hoa phải Việt hóa tên họ như Trịnh, Quách, Mạch, Lâm, Giang, Diệp, Lưu, Vương, Hà, Hứa, Mã, Lý, Trần, Trương, v.v… Tên hiệu các cơ sở thương mại, văn hóa phải viết bằng Việt ngữ.

Dụ số 53 thì cấm người ngoại quốc (đại đa số là Hoa kiều) không được hành 11 nghề:

- buôn bán thịt cá
- buôn bán chạp phô
- buôn bán than củi
- buôn bán xăng dầu
- buôn bán đồ cũ (lạc-xoong)
- buôn bán vải vóc (lượng dưới 10.000 mét)
- buôn bán sắt vụn
- buôn bán thóc gạo
- chuyển vận hàng hóa và hành khách
- xay lúa
- môi giới ăn huê hồng.

Kết quả tới năm 1961, theo báo cáo của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa, trong hơn 1 triệu người Hoa sống ở miền Nam chỉ còn chừng 2.000 người là không chịu đổi quốc tịch, phần lớn là những người đã quá già. (1)

Tuy nhiên, vì sự phản đối - công khai cũng như ngấm ngầm - cùng với các thủ đoạn đối phó của người Hoa, sự tiếp tay của người Pháp, cộng thêm áp lực quốc tế (Tân-gia-ba, Đài Loan), các chính sách của Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ đạt hiệu quả phần nào. Trong suốt hơn 15 năm tiếp theo đó, các khu buôn bán và sinh sống của người Hoa ở Chợ Lớn vẫn chẳng khác nào một vùng tự trị ngay trên đất nước Việt Nam. Nhất là sau cuộc đảo chính năm 1963, người Việt gốc Hoa đã góp phần không nhỏ vào các tệ nạn tham nhũng, hối lộ, trốn thuế, trốn quân dịch, gây xáo trộn xã hội, bất ổn chính trị tại miền Nam VN.

Chưa hết, trước việc Hoa kiều phải lấy quốc tịch VN, Việt Cộng, dưới danh nghĩa MTDTGPMN, đã chiêu dụ họ bằng cách gửi thư khẳng định một mai khi “cách mạng thành công”, toàn thể người Việt gốc Hoa sẽ được tự do trả quốc tịch VN để trở lại với tư cách Hoa kiều như trước kia.

[Vì thế trước đây đã có những nguồn tin (mà tôi không thể phối kiểm) nói rằng trong cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân 1968, nhiều người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn đã tiếp tay với Việt Cộng trong việc đưa người và vũ khí vào thành phố, thậm chí chứa chấp bọn chúng]

Thế nhưng sau khi “cách mạng thành công” vào tháng 4 năm 1975, MTDTGPMN bị quăng vào “thùng rác lịch sử” thì nhà cầm quyền CSVN cũng lơ luôn việc cho người Việt gốc Hoa từ bỏ quốc tịch Việt Nam, bởi vì:

- Sau khi CSVN chiếm miền Nam, quan hệ giữa đại bá quyền phương Bắc và tiểu bá quyền phương Nam ngày càng xấu đi, nếu cho người Việt gốc Hoa lấy lại quốc tịch cũ thì Trung Cộng sẽ có “đạo quân thứ năm” một triệu người ngay trong lòng địch. Việc một số khu vực trong Chợ Lớn treo cờ Trung Cộng và hình Mao Trạch Đông đã cho Hà Nội thấy được nguy cơ đó.

- Có tới 80% đối tượng của các chiến dịch đánh tư sản tại miền Nam là người Việt gốc Hoa, nếu cho họ lấy lại quốc tịch cũ thì Trung Cộng sẽ có cớ can thiệp để bảo vệ “Hoa kiều”!

Chợ Lớn trước 1975


Đầu năm 1978, trong chiến dịch đánh tư sản đợt 3, toàn bộ doanh nghiệp lớn của người Việt gốc Hoa (ước lượng 30.000) bị quốc hữu hóa – thực chất là bị tịch thu, vì chỉ bồi hoàn chiếu lệ!

Biết mình không còn đất sống, càng có thêm nhiều người Việt gốc Hoa tìm cách thoát khỏi Việt Nam. Thời gian này cũng là lúc Trung Cộng ra sức lên án CSVN đàn áp người Việt gốc Hoa mà họ gọi là “nạn kiều”, vì thế CSVN đã nhân cơ hội này mà một công đôi ba việc: cho người Việt gốc Hoa đăng ký ra đi chính thức, vừa dẹp bỏ được mầm mống rối loạn, vừa ăn chia “lộ phí” vừa chiếm đoạt hãng xưởng, cơ sở sản xuất và nhà cửa của họ một cách hợp pháp.

Ở đây tôi không nói tới khoảng 250.000 người Việt gốc Hoa ở miền Bắc ra đi bằng đường bộ qua ngả biên giới Hoa-Việt hoặc bằng đường thủy tới Hương Cảng, mà chỉ đề cập tới hơn nửa triệu người Việt gốc Hoa ra đi trong Nam.

Theo thông cáo của nhà cầm quyền CSVN, người Việt gốc Hoa nào ở miền Nam muốn ra đi một cách chính thức thì phải ghi danh tại văn phòng đăng ký của chính phủ tại Sài Gòn.

Theo Wikipedia và một số thông tin trên mạng, người xuất cảnh phải nộp sổ gia đình và đóng 12 lượng vàng mỗi đầu người để mua vé, trẻ em nửa giá. Phương tiện chuyên chở là tàu chở hàng cỡ lớn, chứa được hàng ngàn người, rời bến Bạch Đằng ở Sài Gòn và được tàu của hải quân (CSVN) hộ tống ra đến hải phận quốc tế.

Theo trang mạng library.ubc.ca, chủ tàu phải trả tới 70% tiền “vé” cho cán bộ cộng sản Việt Nam.

2700 người Việt gốc Hoa trên chiếc tàu chở hàng Skyluck (Panama) tại Hương Cảng, 08/02/1979 - nguồn: library.ubc.ca


Vì số người Việt gốc Hoa muốn ra đi chính thức quá đông, văn phòng đăng ký trung ương tại Sài Gòn lo không xuể, nhà cầm quyền CSVN đã bật đèn xanh cho các tỉnh được tổ chức những chuyến “ra đi bán chính thức”: các viên chức địa phương tìm người đứng ra mua tàu, xăng dầu... rồi bán vé, cũng 12 lượng vàng mỗi đầu người.

Tương tự ra đi chính thức, những người ra đi bán chính thức cũng phải giao lại giấy tờ nhà cửa cho nhà cầm quyền cộng sản địa phương.

Tuy nhiên không phải tất cả mọi người ra đi chính thức và bán chính thức đều người Việt gốc Hoa (mà Trung Cộng gọi là “nạn kiều”) mà còn có cả người Việt.

Những người Việt muốn ra đi chính thức phải là người rất giàu có, bởi vì trước hết họ phải mua lại giấy tờ tùy thân của người Việt gốc Hoa, rồi đút lót văn phòng đăng ký ở Sài Gòn, chưa kể tiền mua vé 12 lượng vàng cho mỗi đầu người.

Ra đi bán chính thức từ các tỉnh thì không nhất thiết phải mua giấy tờ tùy thân của người Việt gốc Hoa mà chỉ cần móc nối được với người tổ chức, đóng vàng cho họ, và lẽ dĩ nhiên, cũng phải giao lại nhà cửa cho nhà cầm quyền địa phương.

Thế rồi từ việc nhà cầm quyền cộng sản ở trung ương ngầm cho phép các tỉnh được tổ chức ra đi bán chính thức, đã nảy sinh việc ra đi bất hợp pháp có bến bãi. Người đứng tổ chức sẽ mua tàu thuyền rồi “mua bến bãi”, tức là hối lộ đám công an tại địa phương nơi sẽ đón khách để bọn này làm ngơ.

Tùy theo quy mô (ghe lớn, ghe nhỏ), uy tín của người tổ chức, giá vé cho mỗi đầu người ra đi bất hợp pháp có bến bãi có thể lên tới 6 “cây” (lượng vàng) vào thời điểm 1979-1980.

Sau cùng là những cuộc ra đi bất hợp pháp không mua bến bãi, chỉ cần nhét người dưới khoang thuyền, giả dạng dân chài chạy thẳng ra hải phận quốc tế. Những chuyến đi lậu thường xuất phát từ những vùng ven biển hoặc gần cửa sông.

* * *

Khi tôi được thả vào đầu năm 1981 thì việc ra đi chính thức và bán chính thức đã chấm dứt vì số người Việt gốc Hoa muốn ra đi bằng mọi giá và có khả năng chi 12 cây vàng cho mỗi đầu người đã đi hết rồi, chỉ còn lại người Việt và người Việt gốc Hoa nghèo.

Vào thời điểm này, giá vé ra đi bất hợp pháp có bến bãi là từ 3 cây cho tới 5, 6 cây vàng. Sở dĩ có sự quá chênh lệch về giá vé là vì mức độ an toàn và tỷ lệ thành công của mỗi chuyến đi khác nhau.

Thông thường, một chiếc ghe vượt biên “coi được” phải là ghe đi biển (khác với ghe đi sông), dài từ 12m trở lên, được trang bị động cơ 2, 3 lốc (“lốc”: block, cylinder), thường là hiệu Yanmar của Nhật Ghe càng lớn, máy càng mạnh, giá vé càng cao.

Về bến bãi, chủ ghe hoặc người đứng ra tổ chức chuyến đi (nhưhg không đi theo) phải mua “trọn gói” từ một tay chuyên lo bến bãi tại địa phương, gồm việc tìm nhà chứa khách ở gần bãi mà ghe sẽ cập vào để đón, vận chuyển dầu nhớt và lương thực lên ghe, và đút lót đám công an địa phương để bọn này làm ngơ trước những gì đang diễn ra.

Nhưng cũng không thiếu những tay đứng ra tổ chức không chịu mua “trọn gói”, hoặc những tay nhận tiền lo bến bãi (từ chủ ghe) nhưng lại muốn ăn một mình, không chịu chi cho công an địa phương; hậu quả là nhiều chuyến bị bể, người nào may mắn thì chạy thoát, không thì bị công an bắt về đồn, trấn lột hết vàng bạc rồi giải giao lên công an huyện, tỉnh.

Tại đây, tất cả sẽ bị đưa về các nơi tạm giam để thanh lọc, sau đó tùy nơi mà đa số phụ nữ và trẻ em sẽ được thả hoặc chờ người nhà lên “chuộc”, riêng đám thanh niên trong tuổi “đi nghĩa vụ” (vào bộ đội) thì dứt khoát phải “chuộc”. Còn lại đàn ông con trai không chứng minh được lý lịch và nơi cư trú, bị nghi ngờ là sĩ quan chế độ cũ hoặc thành phần chống phá cách mạng, sẽ bị đưa vào các trại cải tạo, và không ít người đã bỏ mạng trong các trại này.

Bên cạnh đó, còn có những tay chuyên tổ chức vượt biên “cuội” để bịp. Họ cũng sắm ghe ngon lành, máy 2, 3 lốc để khách có thể tới tham quan trước; tới “ngày đi”, khách cũng được đưa tới nơi chứa khách, được dặn dò, trao mật khẩu, v.v... Nhưng trên đường đi ra bãi thì bất thần bị công an chặn bắt, ai nấy bỏ chạy thoát thân. Dĩ nhiên đây chỉ là một màn dàn cảnh. Thế là mất toi mấy cây vàng!

Sau khi tôi được thả về vào đầu năm 1981, thỉnh thoảng cũng tới tụ tập với anh em cựu tù cải tạo ở một cái quán cà phê không tên khá tươm tất, là sân trước của một ngôi biệt thự sau lưng phở Quỳnh Tín cũ (đường Trương Minh Ký, khoảng giữa Nhà thờ ba chuông và Lăng Cha Cả).

Chỉ thỉnh thoảng mới tới bởi vì đây là nơi tụ tập của các anh em có gia đình khá giả, đủ khả năng uống cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” và (chia nhau) thưởng thức mấy điếu thuốc thơm Samit của Thái Lan, trong khi tôi thuộc thành phần “vô sản”, ngồi ké anh em hoài cũng ngại.

Trong những lần gặp gỡ ấy, anh em thường nhắc tới Tài, một tay trung úy Không Quân bạn khá thân của tôi từ ngày còn ở phi trường Pleiku và sau đó cùng thuyên chuyển về cùng một đơn vị ở Biên Hòa. Lần đầu tôi tới quán thì Tài không có mặt, lần kế tiếp cũng không thấy, anh em nói hắn đi vượt biên và còn kể thêm hắn đã đi tổng cộng 12 lần, lần nào cũng bị bể, may mà không bị bắt!

Dù biết Tài là con nhà giàu, ngay lúc đó tôi cũng không tin. Sau này được biết có những người còn bị thất bại nhiều lần hơn tôi mới tin. Tôi không bao giờ gặp lại Tài cho nên cứ nhớ tới hắn, tôi lại liên tưởng tới những chuyện chẳng lành có thể đã xảy ra cho bạn mình. Vì thế lúc mới được thả tôi cũng không thiết tha cho lắm với chuyện vượt biên!

[Hơn 10 năm sau khi định cư ở Úc, tôi mới được tin Tài đã thành công trong chuyến vượt biên thứ 13, và hiện đã “yên bề gia thất” tại xứ Cờ Huê. Cũng mừng cho hắn]

* * *

Sau cùng viết về những chuyến ra đi bất hợp pháp không mua bến bãi, thường gọi là đi lậu. Những chuyến đi lậu thường có quy mô nhỏ, mang tính cách gia đình hoặc nội bộ một nhóm quen biết, tin tưởng lẫn nhau.

Người đứng ra tổ chức nếu có khả năng tài chánh sẽ ứng vốn trước, không thì gom vàng của những người muốn đi để có tiền mua ghe, trang bị máy móc, tìm hoa tiêu, tài công...

Nhưng cho dù mang tiếng đi lậu, đa số ghe cũng phải đăng ký để có thể đi lại một cách hợp pháp trong lúc chờ ngày vượt thoát. Vì đi lậu, không có tiền lo bến bãi nên những chuyến đi này thường xuất phát từ những vùng ven biển hoặc gần cửa sông như Phan Thiết, Phước Tỉnh, Chu Hải, Láng Cát, Cần Giờ, Gò Công, Rạch Giá, v.v...; mọi người hẹn nhau ở một địa điểm kín đáo nào đó, trong đêm ghe sẽ tới bốc khách rồi... dông!

Đi lậu có hai cái lợi là giá rẻ và không sợ bị gạt; nhưng đồng thời cũng có những cái đáng lo mà trước hết là ghe nhỏ, không an toàn khi ra biển khơi.

Sở dĩ phải đi ghe nhỏ là vì vừa không có tiền sắm ghe lớn, máy mạnh vừa để tránh sự chú ý, nghi ngờ của công an biên phòng (thấy ghe nhỏ quá họ sẽ không nghĩ là ghe vượt biên).

Cái đáng lo thứ hai là không có hoa tiêu “xịn”, tức là sĩ quan hải quân của VNCH ngày trước, hoặc các hoa tiêu hàng hải (dân sự) trước 1975, sẽ có nguy cơ đi lạc ngoài biển khơi vì không xác định được vị trí, phương hướng.

Ngày ấy, các chuyến đi bán chính thức và đi bất hợp pháp có bến bãi đều nhắm vào hai thành phần trên để mướn, hoặc mời làm hoa tiêu (đi không phải đóng tiền). Còn các chuyến đi lậu thì không có khả năng, trừ trường hợp trong gia đình, thân tộc hoặc trong nhóm bạn bè quen biết có những người thuộc thành phần này.

* * *

Trở lại với quyết định của mẹ tôi là lo cho thằng trưởng nam đi vượt biên. Vào khoảng thời gian này, giữa năm 1981, trong gia tộc nội ngoại của tôi chỉ có những người tìm đường vượt biên chứ chưa có ai đứng ra tổ chức vượt biên.

Đúng ra cũng có một người, nhưng phải chờ không biết tới bao giờ! Đó là dì S ở Vũng Tàu, một người em họ của mẹ tôi. Trước năm 1975, tôi chỉ được nghe kể dì S là một người góa chồng, rất giàu có nhờ tài kinh doanh chứ chưa bao giờ gặp mặt. Tới khi có phong trào ra đi bất hợp pháp có mua bãi bến, dì S trở thành một trong những người tổ chức có uy tín nhất, chưa bị bể chuyến nào.

Điều kiện của dì đưa ra với mẹ tôi là cứ kiếm cho dì ba người khách thì dì cho một chỗ, sau khi tới miền đất hứa mới phải trả vàng cho các con của dì ở bên Mỹ. Nhưng với một người chỉ quanh quẩn ở xứ đạo như mẹ tôi, kiếm được ba người khách không phải việc dễ dàng. Sau đó, có lẽ thông cảm với hoàn cảnh của tôi, dì hứa khi nào có chuyến còn chỗ trống sẽ cho tôi đi, và sau cùng nếu vẫn không có chỗ trống, tới khi dì “đánh cú chót” - tức là chuyến có dì trên đó - sẽ cho tôi đi theo.

Tóm lại, tôi phải chờ, và không biết chờ tới bao giờ.

* * *

Tính tới lúc đó, trong thân tộc của vợ chồng tôi mới chỉ có hai đám vượt biên thành công, một đám đã được đi định cư tại Úc, một đám còn đang ở trại tỵ nạn Galang, Nam Dương (Indonesia). Cả hai đám đều đi ghe nhà, không mua bến bãi, tức là đi lậu.

Đám thứ nhất là họ hàng bên tôi, gồm gia đình một người cậu họ và mấy người em, bạn bè và người quen biết, đi vào cuối năm 1979. Tôi chỉ được nghe người nhà kể đại khái là đi từ Rạch Giá tới Thái Lan, rồi được Úc nhận cho đi định cư cả ghe.

Đám thứ hai là mấy đứa cháu vợ (con của bà chị vợ) cùng với một nhóm bạn. Sau này được đọc các bài viết về những chuyến vượt biên liều lĩnh nhất, tôi thấy cũng chỉ bằng chuyến đi của đám cháu vợ tôi là cùng!

Nguyên bà chị vợ của tôi có tới 12 đứa con, con số mà tôi tin rằng nếu chỉ tính những bà mẹ cùng lứa tuổi 30-40 ở Sài Gòn lúc bấy giờ, là một kỷ lục!

Còn nhớ vào cuối thập niên 1950, tin ông Ngô Đình Luyện, em trai út của Tổng thống Ngô Đình Diệm, người giữ chức Đại sứ VNCH tại Luân-đôn, thủ đô Anh Quốc, sau khi có liên tiếp 10 cô con gái mới sinh được một cậu con trai đã trở thành tin tức... quốc tế. (2)

Nhưng đó là chuyện xảy ra một phần tư thế kỷ trước dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, còn nay là thời gạo châu củi quế sau ngày cộng sản chiếm Sài Gòn, cả miền Nam phải ăn độn, nuôi 12 đứa con là một kỳ công!

Trước năm 1975, ông anh cột chèo của tôi, một quân giải ngũ vì thương tật, là nhân viên kỹ thuật quang tuyến tại Bệnh viện Nguyễn Văn Học, lương công chức ba cọc ba đồng, nhờ bà chị vợ tôi là y tá hành nghề tại gia trong một khu lao động ở cầu Kinh, Bình Thạnh (gần cư xá Thanh Đa) nên mới đủ khả năng nuôi bầy con ăn học.

Khi phong trào vượt biên nở rộ vào năm 1978, 1979 cũng là lúc CSVN mở cuộc xâm lược Căm-bốt, bắt thanh niên trong Nam đi “nghĩa vụ quân sự” đưa sang xứ chùa Tháp đánh nhau với Khmer Đỏ. Trong số ba đứa con trai lớn của bà chị vợ tôi nằm trong tuổi nghĩa vụ, hai đứa lớn trốn tránh ở vùng Láng Cát gần Vũng Tàu, một đứa đang đi học, bị bắt gia nhập Thành Đoàn (Thanh Niên Cộng Sản), sớm muộn cũng phải “tình nguyện” để làm gương, cho nên ông anh cột chèo của tôi phải tìm cách cho chúng vượt biên.

Với hoàn cảnh gia đình tạm đủ ăn, ông anh cột chèo chỉ có thể cho các con đi lậu. Thoạt tiên, ông đóng góp với một người anh họ của vợ tôi trước kia là dân buôn bán nay cũng còn chút ít vốn, và ra vẻ rất “khôn ngoan” dưới chế độ mới.

Tuy nhiên, khi tổ chức chuyến đi thứ nhất, với một chiếc ghe khá lớn, chuẩn bị chu đáo, có hoa tiêu tài công đầy đủ, người anh họ đã không cho ba con trai của bà chị vợ tôi đi, viện lý do người chứa khách không nhận thanh niên trong tuổi nghĩa vụ vì sợ công an địa phương chú ý, rốt cuộc bà chị vợ của tôi đành phải cho hai đứa con gái lớn đi thế chỗ. (Sau này được biết chiếc ghe ấy không bao giờ tới bến).

Vừa vì lo buồn trước việc không nhận được tin tức của hai con gái, vừa vì những xung khắc, bất đồng, ông anh cột chèo không hợp tác với người anh họ vợ nữa, và đích thân tổ chức cho các con còn lại đi lậu.

Trước hết ông ra vùng Lam Sơn, Láng Cát, Chu Hải, Long Hương..., là khu vực có các xứ đạo của người Công giáo di cư nằm trên đường đi Vũng Tàu trước khi tới ngã ba Bà Rịa - Vũng Tàu, để tìm hiểu.

Từ Phước Lễ (Bà Rịa) nếu tiếp tục đi thẳng sẽ tới vùng bờ biển Long Hải, nơi trước năm 1975 có làng đánh cá Phước Tỉnh nổi tiếng của dân Công giáo di cư, sau đó trở thành nơi xuất phát nhiều cuộc vượt biên nhất. Tuy nhiên, tới thời điểm 1978, 1979, sau khi dân Phước Tỉnh đã ra đi hơn phân nửa, nhà cửa, cơ sở kinh doanh bị cán bộ tới chiếm ngụ, vùng này chỉ còn những cuộc vượt biên quy mô phải mua bến bãi, chi tiền từ trên xuống dưới, còn những chuyến đi lậu, hoặc không đủ tiền mua bến bãi thì thường ra đi từ Lam Sơn, Láng Cát, Chu Hải, Long Hương...

Những vùng này ở xa biển hơn nhưng nơi nào cũng có sông lạch, chỉ cách đường lộ 1, 2 km; tất cả các sông lạch này đều đổ ra cửa Cần Giờ.

Thuận lợi thứ nhất khi ra đi từ những vùng này là vắng bóng công an. Bởi vì tuy ở đây cũng có các xứ đạo của người Công giáo di cư nhưng không sầm uất, phồn thịnh như vùng Hố Nai, dân chúng đa số sống nhờ trồng hoa màu và đánh bắt cá ven sông, không phải nơi kiếm chác của đám công an địa phương.

Thuận lợi thứ hai là nhà cửa ở đây rất thưa thớt, càng đi sâu vào phía trong càng vắng bóng người, hai bên bờ sông lạch cỏ lau cao quá đầu người, rất kín đáo cho việc bốc khách.

* * *

Vì không dư giả tiền bạc, ông anh cột chèo sắm cho các con một cái ghe cũ dài 7 mét, còn động cơ tôi không biết cỡ nào (nhưng có lẽ cũng chỉ một “lốc” là cùng), rồi... phó mặc cho trời!

Viết là “phó mặc cho trời” bởi vì, thứ nhất, ghe cỡ 7 mét thường chỉ để đánh cá gần bờ chứ không ai ra khơi, nói gì tới vượt đại dương; thứ hai, ngoài ba anh em trai con bà chị vợ tôi đều chưa tới 30 tuổi, không một chút kinh nghiệm đi biển, chỉ có một thanh niên duy nhất ra vẻ có trình độ, kiến thức, đảm trách nhiệm vụ hoa tiêu!

Sau này, trong những lá thư viết từ trại tỵ nạn Galang về cho gia đình, cháu Th, con trai lớn của chị vợ tôi, chỉ kể lại diễn tiến chuyến đi một cách rất sơ lược vì vào thời gian này, toàn bộ thư từ ngoại quốc gửi về đều bị kiểm duyệt, viết không khéo có thể gây phiền hà rắc rối cho người nhận, đồng thời có thể gây thêm khó khăn cho những người đi sau.

Theo các lá thư của Th, sau ba ngày ba đêm đi về hướng nam, ghe bị chết máy giữa đại dương. Cũng may thời tiết tốt, biển lặng sóng êm, gió thuận, chiếc ghe cứ thế lênh đênh theo chiều gió trôi về hướng nam.

Tới ngày thứ sáu thì thấy một ngọn núi nhô lên ở cuối chân trời càng lúc càng gần. Qua ngày thứ bảy thì được một ghe đánh cá của ngư dân Nam Dương nhìn thấy và kéo vào hòn đảo có ngọn núi.

Một tuần sau, 15 người trên ghe cùng với những người tới trước đó được tàu lớn đưa tới đảo Kuku, rồi từ Kuku được đưa tới trại tỵ nạn Galang để chờ đi định cư.

* * *

Trở lại với chuyện vượt biên của tôi, hy vọng được dì S cho điền vào chỗ trống một khi không lấy đủ khách ra vẻ khá mong manh, vì từ trước tới nay, chưa bao giờ dì thiếu khách. Cho nên có lẽ phải đợi tới khi dì đánh cú chót, sẽ đi theo dì.

Đùng một cái, có tin dữ báo về: dì S đã đánh cú chót, bị tàu công an rượt theo bắn chìm ghe, không một ai sống sót.

Vì không có ai sống sót, mọi người chỉ biết suy đoán dựa theo những tin đồn phối hợp với lời kể lại của một số người quen biết.

Theo đó, vì dì S làm ăn ngày càng quy mô, việc dì mua đứt đám công an và nhà cầm quyền địa phương cuối cùng đã tới tai Đặc khu.

“Đặc khu” nhắc tới ở đây là Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, một đơn vị hành chánh trực thuộc trung ương, được nhà cầm quyền cộng sản thiết lập vào năm 1979.

Trang mạng Wikipedia viết:

“Nhằm phục vụ ngành công nghiệp khai thác dầu khí non trẻ, năm 1979, Hội đồng chính phủ quyết định thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo trên cơ sở sáp nhập thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai và huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang. Đặc khu này được chia thành quận (Côn Đảo), 5 phường: Châu Thành, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Phước Thắng và xã Long Sơn. Một khu hậu cần dịch vụ cảng biển phục vụ xuất nhập khẩu vật tư kỹ thuật và sản phẩm dầu khí được thiết lập ở khu đầm lầy dọc theo bờ vịnh Gành Rái.” (ngưng trích)

Riêng với ngành công an biên phòng, việc thành lập đặc khu này đã thống nhất hoạt động kiểm soát các cuộc ra đi bán chính thức và đối phó với phong trào vượt biên bất hợp pháp mà Vũng Tàu là điểm xuất phát chính.

Từ đó, những chiếc tàu của công an biên phòng chuyên bắt người vượt biên bất hợp pháp có thể “săn mồi” dọc duyên hải từ Vũng Tàu xuống tận đảo Côn Sơn mà không sợ dẵm chân các đồng nghiệp.

Trở lại với chuyến đi định mệnh của dì S, sau khi ghe rời Bến Đá (trên đảo Long Sơn) trong đêm tối, ra tới vịnh Gành Rái (nằm giữa Cần Giờ và Vũng Tàu) thì bị tàu của công an biên phòng từ bờ chạy ra chặn. Biết bị lộ, chiếc ghe vượt biên phóng hết tốc lực ra khơi. Chiếc tàu công an vừa rượt theo vừa bắn cảnh cáo, nhưng ghe vẫn không chịu ngừng; cuối cùng, khi ra khỏi cửa Cần Giờ mà vẫn không qua mặt được chiếc ghe vượt biên, tàu công an đã cho nổ súng bắn chìm.

Theo lời đồn, qua ngày hôm sau công an biên phòng đã cho thợ lặn lặn xuống chỗ ghe bị chìm để tìm vàng, vì họ tin rằng khi “đánh cú chót” chắc hẳn dì S phải đem nhiều vàng lắm, chưa kể vàng của đám khách sộp...

Công an có mò được vàng hay không, không ai được biết. Cũng không ai được biết dì S bất ngờ đánh cú chót vì biết mình đã bị Đặc khu “chiếu cố” hay đây là chuyến đi dì đã dự trù từ trước nhưng không cho ai hay biết.

Chỉ có một điều chắc chắn: phải có người biết dì S đi trên chuyến này và mật báo cho nên đám bò vàng của Đặc khu mới cho tàu rượt theo với mục đích trấn lột...

* * *

Cái chết của dì S không chỉ là chuyện đau buồn mà còn khiến nhiều người trong họ ngoại của tôi có dự tính vượt biên phải tìm một lối thoát khác. Vì vừa không có nhiều vàng vừa không tin tưởng các chủ ghe, một vài người đã quyết định tổ chức vượt biên lậu. Trong số này có một người em họ của mẹ tôi mà bà cụ rất tin tưởng.

(Còn tiếp)


CHÚ THÍCH:

(1) Qua hai đạo dụ này, Thủ tướng Ngô Đình Diệm muốn rằng người Hoa sinh sống tại Việt Nam phải hội nhập hoàn toàn vào đời sống xã hội bản xứ như mọi công dân khác. Ông cho rằng người Hoa không có lý do gì sống bên lề một xã hội mà trong đó họ vui hưởng đầy đủ quyền lợi của một công dân như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, tự do cư trú, tự do đi lại.

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa rất cần sự tham gia của tất cả công dân để góp phần xây dựng lại một đất nước vừa mới được độc lập lại vừa chống cộng. Đây là một công tác lớn lao đòi hỏi sự góp sức của toàn dân, trong đó có cộng đồng người Hoa. Chính quyền miền Nam không muốn bị cộng đồng người Hoa và Đài Loan làm áp lực, và nhất quyết không nhượng bộ. Thủ tướng Ngô Đình Diệm chỉ đơn thuần muốn áp đặt uy quyền và luật pháp của quốc gia trên toàn thể những cộng đồng dân tộc đang sống trên lãnh thổ miền Nam, trong đó có người Hoa. (Trích: website Nghiên Cứu Lịch Sử - Người Hoa trong thời đệ nhất Cộng Hòa)

Độc giả có thể tìm hiểu thêm về các chính sách và nỗ lực của chính phủ Đệ nhất Cộng hòa trong việc đối phó, giải quyết vấn đề người Hoa qua tập nghiên cứu “Người Hoa tại Việt Nam” của Giáo sư Nguyễn Văn Huy, hiện đang được phổ biến trên Internet.

Chợ Lớn - Chinatown có diện tích lớn nhất thế giới


(2) Ngày ấy, ông Ngô Đình Luyện (1914-1990), em trai út của Tổng thống Ngô Đình Diệm, một luật sư kiêm kỹ sư tốt nghiệp tại Pháp, tương đối ít được truyền thông trong nước nhắc tới tên tuổi vì từ năm 1958, ông đã rời Sài Gòn đi làm Đại sứ VNCH tại Anh Quốc, kiêm Đại sứ VNCH tại Bỉ và Hòa-lan; và tới năm 1959 làm Đại sứ VNCH tại Tunisia (Bắc Phi).

Cuối năm 1959, qua báo chí ngoại quốc, người ta mới biết ông vừa có được một cậu con trai để nối dõi tông đường sau khi có một loạt 10 cô con gái.

Trong số 10 cô con gái này thì năm cô là của đời vợ trước, năm cô của đời vợ sau. Một số nguồn tin còn nói rằng hai người là hai chị em ruột, sau khi người chị mất sớm, người em đã “thế chỗ” chị.

Điều đáng tiếc là từ ngày ấy tới nay, các báo Việt ngữ không hề đề cập tới chi tiết ông Ngô Đình Luyện có tới hai đời vợ, cho nên độc giả ai nấy đều thán phục vị Đại sứ phu nhân dám sanh tới 11 người con, đồng thời còn có nhiều người ca tụng dung mạo trẻ trung và thân hình thon gọn của bà mẹ 11 con này!

Kể cả trong những bài viết gần đây của một số tác giả từng được gặp gỡ, phỏng vấn ông Ngô Đình Luyện sau năm 1975, cũng chỉ viết “ông bà được 11 người con”.

Chỉ có những ai ngày ấy từng đọc báo Anh ngữ có loan tin này, mới biết chi tiết 11 người con là của hai đời vợ cộng lại. Hiện nay, vào các website hình ảnh như Alamy, Shutterstock, Flickr, người ta sẽ đọc được những dòng chú thích bằng tiếng Anh như sau:

Nov. 11, 1958 - Vietnam Ambassador - Father of Ten Daughters - Now Has a Son.
Mr. Ngo Dinh Luyen, the Vietnam Ambassador to London, has been presented with a boy by his wife, Hanh. Mr. Luyen has ten daughters - five by his first wife. The baby, baptised and known as Jean Michel until he is given a Vietnamese family name, was born last week.

 

Bà Ngô Đình Luyện và 11 người con
 
Rate this item
(0 votes)