Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Người Goá Phụ Trẻ Của Phi Đoàn Thiên Phong 110 Tại Đà Nẵng - Trần Ngọc Nguyên Vũ

Posted by January 28, 2020 3224

Người Kể Chuyện Tình (2)
(Người kể chuyện tình xin kể những câu chuyện tình đứt đoạn của những Chinh Nhân, Chinh Phụ. Những câu chuyện nát lòng của các Cô Nhi Quả Phụ của một thời ly loạn)

(Trần Ngọc Nguyên Vũ)

*****

Người Goá Phụ Trẻ Của Phi Đoàn Thiên Phong 110 Tại Đà Nẵng
Phi Đoàn Thiên Phong 110 tại Đà Nẵng thuộc quyền chỉ huy của Đại uý Mạnh (L...) và Trung uý Nhơn (Trọc).... Phi Đoàn được nhiều đơn vị Bộ Binh biết đến qua những lần biệt phái cho các Tiểu Khu.... Hai sĩ quan Hoa Tiêu và Quan Sát mà tôi biết và chơi thân là Thiếu uý Hoa Tiêu Nguyễn văn Chót và Trung uý Quan Sát Viên Nguyễn Tuấn Dị.... qua những đường bay táo bạo....đẹp nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm. Tôi chơi thân với hai anh không phải chỉ qua tình bạn mà còn nợ hai anh một cái ơn cứu tử nữa. Số là khi bay phi vụ giải toả phi trường Quảng Ngãi thì bị phòng không của Việt Cộng bắn bể ống dầu phải làm "crashed" trên phi đạo của phi trường Quảng Ngãi....
Chót và Dị đã liều mạng đáp xuống vớt tôi lên và bay về an toàn. Sau cú đáp "vô tiền khoáng hậu" này chúng tôi trở thành những người bạn tâm giao. Dị có tật mê đánh bài, nhưng vợ anh, Chị Dị là một người đàn bà đảm đang, ngoan hiền và tế nhị, chị là người Hà Nội chính gốc 54, mỗi lần anh muốn đi ra ngoài thì chị chỉ dịu dàng khuyên chồng và lúc đó thì anh lại nghì chặt chị trong vòng tay rồi thì thầm bên tai chị những lời hứa tình cảm mặn mà:

"- Em đừng lo anh không đánh bài nữa đâu."

Chị nghe anh nói thì rúc đầu vào vai chồng mỉm cười sung sướng....

Hồi Tết Mậu Thân, tôi đang ở Phi Đoàn Phi Hổ 516 Phi Đoàn Trưởng là Đại uý Vượng, Phi Đoàn Phó là Đại uý Khuyến và Trưởng Phòng Hành Quân là Phạm Bình An (hỗn danh là Hung Thần Alpocone. Đại danh này anh em trong phi đoàn chỉ dám gọi sau lưng chứ trước mặt thì không dám phạm thượng). Phạm Đại Hiệp tuy rất khó và nghiêm trong việc bay bổng nhưng ngoài giờ bay thì người rất nghệ sĩ và phóng khoáng. Người có biệt tài chơi Guitar rất hay... Sau những phi vụ vật lộn với Tử Thần ngoài chiến trận, người thường hay tổ chức những buổi văn nghệ bỏ túi ở Phi Đoàn cho anh em giải trí trong những lần cấm trại. Ở Phi Đoàn tôi là người ngoại đạo vì không thuộc "Băng Chính Quyền" như Trịnh Đức Tự, Nguyễn Du, "Hoàng Điệu", nhưng mỗi lần tôi rải một khúc sáo rồi ngâm một đoạn trong bài thơ "Mầu Tím Hoa Sim" của Hữu Loan:

"Nàng có ba người anh đi bộ đội"
"Những đứa em nàng, có em chưa biết nói"
"Khi tóc nàng còn xanh"
"Tôi người Vệ quốc quân"
"xa gia đình"
"Yêu nàng như tình yêu em gái"
"Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới"
"Tôi mặc đồ quân nhân"
"đôi giày đinh bết bùn đất hành quân"
"Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo"
"Tôi ở đơn vị về"
"Cưới nhau xong là đi"
"Từ chiến khu xa"
"Nhớ về ái ngại"
"Lấy chồng đời chiến binh"
"Mấy người đi trở lại"
"Lỡ khi mình không về"
"Thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê"

......

Rồi nhìn sang bên cạnh, tôi thấy Hung Thần hiền như "Bụt", mười ngón tay thần vuốt nhẹ trên phím đàn, tạo ra những âm điệu tuyệt vời quấn lấy lời thơ.... thì ra Hung Thần cũng thích thơ và lãng mạn lắm.

.... Vào những ngày Tết Đà Nẵng trời mưa sụt sùi, rả rích cả tuần lễ cũng không dứt. Anh em lên Phi Đoàn chỉ để cho có mặt, đợi bên Hành Quân Chiến Cuộc gọi sang huỷ bỏ phi vụ là phóng về Cư Xá hoặc ra phố gặp gỡ bạn bè "giang hồ tứ chiếng" Đà Nẵng là nơi tập chung đủ các loại Lính, toàn thứ dữ như Nhảy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến, Biệt Kích, Biệt Hải, Bộ Binh, Thiết Giáp, Cảnh Sát Dã Chiến, Không Quân.... Để rồi sau một đêm dừng chân nơi phố thị những người Lính chiến lại quay lưng cất bước ra đi, bỏ lại sau lưng cả một bầu trời ngút ngàn mây xám dăng....

.... Và cuộc sống của những người Lính chiến cứ thế nổi trôi theo với dòng đời vô định.... Nhưng cuộc sống của con người vẫn có những quy luật riêng của nó.... Nếu có sinh thì phải có tử, có hợp thì phải có tan như những đám mây trời tán tụ. Sau Tết Mậu Thân tôi rời vùng Hoả Tuyến về Biên Hoà, bỏ lại cả một khung trời mây tím dăng, bỏ cả những người thân quen và con đường nằm nghe đêm buồn kể lể, chuyện những lần bay bay mãi không về....

.... Có một lần tôi tình cờ gặp Chị Dị ở Nha Trang, gặp tôi chị mừng lắm, chị chạy lại nắm tay tôi hỏi thăm rối rít, bên cạnh chị một bé trai khoảng độ 4, 5 tuổi, rụt rè nhìn tôi, trông nó giống anh Dị như đúc. Tôi chưa kịp hỏi thì chị đã nói:

"- Di, con lại chào bác đi con".

Thằng bé khoanh tay cuối đầu chào tôi. Tôi bồng nó lên rồi xoa đầu nó hỏi:

"- Cháu ngoan lắm, năm nay cháu đi học chưa?".

Thằng bé cười rụt rè nói:

"- Chưa, nhưng ở nhà Mẹ dậy"
"- Vậy hả, vậy cháu phải ráng học giỏi và ngoan cho Mẹ vui nghe".

Thằng bé vuột khỏi tay tôi chạy lại ôm chân mẹ, ngước cặp mắt buồn u uẩn nhìn tôi như muốn nói một điều gì. Nhìn cháu tôi chợt nghe tim mình quặn thắt. Hình như những đứa trẻ mồ côi nào cũng có cùng một tia nhìn như vậy.... Chị nói:

"- Cháu thông minh lắm, giống Ba nó hồi còn trẻ vậy".

Nghe chị nói nhắc đến Ba cháu tim tôi bỗng dưng thóp lại, và nhận thấy dấu vết của cuộc sống nhọc nhằn đang in hằn lên khuôn mặt chị với những nếp nhăn trên trán, cặp mắt mệt mỏi qua nhiều đêm thức khuya dậy sớm tần tảo nuôi con. Hình ảnh người đàn bà trẻ đẹp với giọng nói sang cả của người Hà Nội 54 không còn nữa mà trước mặt tôi chỉ còn là một goá phụ già đi trước tuổi. Huyền thoại "Hòn Vọng Phu" chỉ xuất hiện và đẹp trong thơ văn, còn bây giờ "Người Goá Phụ" cuối thế kỷ 20 đã phải tất bật ngược xuôi để thay chồng nuôi dưỡng đàn con thơ dại.... Vâng chị đang đứng giữa cuộc đời, đứng sừng sững giữa hai vầng Nhật Nguyệt, nhỏ xuống dòng lệ máu bốc thành thơ. Nếu ngày xưa trong thơ văn có Thiếu Phụ Nam Xương, thì ngày nay cũng có hàng trăm, hàng ngàn Goá Phụ trẻ nêu tấm gương sáng chói cho ngàn sau chiêm ngưỡng....

.... Tôi nói với chị là tôi sẽ về thu xếp công việc rồi sẽ trở lại thăm chị và cháu lâu hơn.... Tôi sẽ đưa mẹ con chị về Quảng Ngãi thăm lại những chiến tích bi hùng của người trai thời ly loạn, để khi cháu lớn lên cháu sẽ hãnh diện là mình đã có một người cha anh hùng.....

Trần Ngọc Nguyên Vũ
(Người Kể Chuyện Tình)
 
Rate this item
(0 votes)