Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Hà Tây - Trong gọng kềm Công An - Phan Quân

Posted by December 03, 2019 3212

Hà Tây - Trong gọng kềm Công An

Phan Quân

---oo0oo---

 

Mấy ngày trước đó mưa Xuân cứ lất phất bay làm cho núi rừng quanh trại lờ mờ như một bức tranh thủy mạc. Đôi khi, trong một thoáng thời gian rảnh rỗi, tạm quên đi thân phận tù đày của bản thân, cảnh núi rừng hùng vĩ ở vùng đất một thời cách mạng đó của Nguyễn Thái Học cũng vang lên trong tâm tư người tù một vài ý thơ kiều diễm. Một vầng trăng tròn vương trên cành cây cổ thụ chết đứng trên đỉnh non cao, một giòng sương trắng đục màu sữa từ trên đỉnh cao chạy dài xuống thung lũng vào những ngày đông trời không muốn sáng, một tiếng gà gáy chơi vơi giữa trưa hè im ắng, một làn khói xanh lơ lửng vươn lên từng không khi cánh chim chiều thơ thẩn bay về đâu, một đêm đen ngập tràn đom đóm như hàng ngàn hột kim cương rơi rụng xuống trần gian,...không thơ là gì? Thế nhưng, khi bị gọi trở về với thực tế thì lại quá phũ phàng! Cho nên, dẫu tên gọi có mang một âm hưởng vô cùng thơ mộng, hai tiếng mưa Xuân không đáng được ca ngợi nữa khi mưa làm cho những con đường đất bùn nhão nhoét, trơn trợt, chân đi không làm sao bám được đất. Mưa với một lượng nước ít nhưng dai dẳng, mà thời tiết thì lạnh cóng nên lớp đất phía dưới rắn lại chỉ có một lớp đất trên mặt lầy lụa nên khi bàn chân đã trợt là cả người cứ thế chuồi đi, không sao gượng lại được.


Đã vậy mà thảm thương thay cho thân phận tù tội, cứ mỗi lần ra vào trại, đi không cũng như vác nặng, cũng phải dỡ nón đứng nghiêm, báo cáo bộ đội gác trên chòi canh rồi mới được đi qua. Lắm khi vừa mở miệng báo cáo thì chưn như trượt băng, cả người lẫn bó củi lăn quay ra, củi đi đàng củi, người đi đàng người! Gã bộ đội trên chòi canh lại được một phen cười thích chí trong khi người tù cao tuổi kia âm thầm nuốt lấy phần tủi nhục của mình cùng với những giọt mưa Xuân.

Qua một đêm gần như thức trắng để nai nịt hành trang thật gọn nhẹ thành hai khối cho tiện gánh đi, đoàn tù cải tạo được lịnh tập hợp vào khoảng bốn giờ sáng. Lần này chuyển trại toàn bộ, không còn một ai ở lại. Mỗi người một khúc cây làm đòn gánh, hai gói hai đầu, khởi sự di chuyển xuống con đường phía trước trại để tập hợp. Lối đi lầy lội, bóng đêm dày đặt, ánh sáng lập lòe của một vài cây đuốc cũng không giải quyết được gì hết. Ngay phút khởi hành đã có một anh bạn bị té gảy chân. Thế là bạn bè phải góp sức đưa anh và hành trang của anh đi. Một đoạn đường chưa đầy hai cây số dẫn đến hương lộ, thế nhưng đất bùn trơn trợt, sau những ngày mưa xuân, đã làm cho đoàn tù cải tạo Trại-3 phải vô cùng khốn khổ. Không biết bao nhiêu người té nằm dài, đầu cổ bùn đất lắm lem nhưng rồi cũng phải lồm cồm ngồi dậy, quờ quạng trong bóng tối gom hành trang lại để tiếp tục đi nữa. Có một vài anh lỡ chưn đi luôn xuống hố bên vệ đường, kiếng cận đi đâu, bạn bè phải dừng lại tìm hộ để cho anh có được ánh sáng trong bóng đêm mà vững bước lên phía trước. Dọc đường di chuyển, ngang qua Trại-2 Nhà Lá cũ lại gặp tù cải tạo của trại này cũng tập hợp để chuyển trại. Như vậy, lần chuyển trại này có vẻ quy mô, đưa đi hầu hết cấp Đại Tá.

Sáu giờ sáng có hơn, đoàn tù cải tạo đã ra hết đến Hương Lộ và được lịnh ngồi chờ. Như vậy, có thể đoán rằng chuyến này sẽ đi xa hơn những lần trước đây. Hơn nữa, lần này tù được lịnh phải mặc đồng phục bà ba xanh dương đậm của trại phát. Khi ánh sáng ban mai đã ló dạng, dung nhan đoàn tù trông thật thảm thương nên phải xuống con suối gần đó để sửa sang sắc đẹp trở lại. Một chuyến khởi hành cực khổ và buồn tênh, thân xác rã rời, tinh thần hoang vắng dưới những hạt mưa Xuân nhè nhẹ nghiêng nghiêng bay.

Đoàn tù cải tạo ngồi nghỉ mệt đợi phương tiện chuyên chở mãi gần một tiếng đồng hồ sau mới tới. Đoàn xe tải hiệu ZIL của Liên Xô chạy ngược hướng của lối vào ngày trước, theo tuyến đường ra thị xã Yên Báy, một con đường giờ đây đã quá quen thuộc với một số tù sau bao nhiêu chuyến đi lấy cát sông Hồng, đi gánh thực phẩm mua ở các hợp tác xã và đi bắt trâu, bắt bò về ngả thịt. Sau khoảng ba năm chung đụng, bộ đội có phần nào hiểu biết tù cải tạo nên thái độ của họ trong kỳ áp tải này bớt hằn học hơn khi mới đến. Đoàn xe di chuyển với một tốc độ khá nhanh, không phải tốc độ đưa đám tang như trước kia nữa. Đến khoảng đứng ngọ, đoàn xe ngừng lại dọc theo một con sông trong thị xã Phú Thọ để cho tù giải tỏa những gì ẩn ức của hệ thống bài tiết và ăn trưa, phần cơm đã được chuẩn bị từ đêm qua và gói ghém mang theo. Có vẻ như khu tạm dừng chân này đã bị cô lập nên không thấy một ai qua lại cả. Cơm trưa xong, lại lên xe tiếp tục hành trình di chuyển. Vào xế chiều, đoàn xe ngừng lại ở một góc phố ngoại ô Hà Nội. Trẻ con và người lớn hiếu kỳ bao quanh xe nhìn, tù cải tạo được lịnh ngồi yên trên xe. Trông thấy đoàn tù quần áo dính đầy bùn đất, mặt mũi tèm lem, người thì bảo là Fulro, kẻ cho là Cam Pu Chia nhưng chẳng được cán bộ đứng gần đó xác nhận là giống người gì, vì thật ra đoàn tù cải tạo hôm đó trông chẳng giống ai hết.

Vóc dáng tù chằng ra gì đã đành, thế nhưng cảnh trí của vùng ven biên thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật lại quá thảm thương. Chỉ là những căn nhà thấp lè tè, mái lợp tôn, bên trên là những vỏ xe đạp hết xài được ném lung tung, chẳng biết để làm gì. Không lẽ để dằn tôn, chống cơn lốc? Không thấy có dung nhan của một gian nhà nào vui tươi vì nước vôi và màu sơn đã dày dạn gió sương phong trần. Những ai từng mang một ấn tượng thơ mộng và đẹp đẽ của Hà Nội qua Tiểu Thuyết Thứ Bảy hay tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn ngày trước nay đành thất vọng não nề trước thực tế phũ phàng. Những người Hà Nội xưa kia, đã phải bỏ xứ ra đi chạy trốn cộng sản hồi 1954 giờ đây lại chán chường xót thương cho thành phố, nơi mình đã sinh ra và lớn lên, lại lọt vào tay của những con người không biết tu bổ giữ gìn. Như một người tình bất lực, mà người yêu bị bọn hải tặc bắt đi giờ gặp lại thì, than ôi, cố nhân đã tàn phai hương sắc. Hà Nội như gặp người chung chăn gối không ưng ý nên trâm biếng cài, lược biếng chải để cho nét kiều diễm xa xưa trở thành chứng tích của một thời kỳ vô liêm sỉ. Xe lăn bánh trở lại, đoàn tù cải tạo rời vùng ngoại ô Hà Nội, lòng chẳng chút luyến lưu lại nhiều căm tức.

*****

Khoảng ba hay bốn giờ chiều, đoàn xe chạy vào một khu nhà có bề ngoài của một doanh trại. Khi xe chui qua một cái cổng mang hai chữ "CA" (công an), tù cải tạo cảm thấy rã rời! Công an dưới chế độ nào cũng là người "bạn dân" khủng khiếp, nhưng công an cộng sản thì khủng khiếp đến độ hải hùng. Những chữ ghi trên cổng cũng cho biết đây là Trại Hà Tây. Nỗi niềm xao xuyến chưa kịp lắng dịu thì tù cải tạo lại ngỡ ngàng khi đoàn xe ngừng lại đổ tù xuống một gian nhà rộng lớn, bốn bề lộng gió, được bày biện bàn ghế như một quán giải khát. Xuống xe, nhưng không bị bắt buộc phải di chuyển hàng đôi như thường lệ, tù lại được hướng dẫn vào ngồi bàn. Càng lạ lùng hơn nữa là tù được mời uống trà, nước ngọt, hút thuốc lá và thậm chí còn được những công an gái bưng hầu nữa! Hành trang chẳng ra gì của tù được người đưa xe cải tiến đến chở đi giao tận buồng ngủ, một hiện tượng chưa từng thấy xuyên suốt thời gian học tập cải tạo đã qua. Tâm tư tù băn khoăn tự hỏi không biết người ta đang diễn màn kịch gì đây? Phải chăng một viên kẹo ngọt đi trước mở đường cho chén thuốc đắng theo sau? Trong khi đoàn tù mới đến đang giải khát thì trên đường bên ngoài hội trường, một toán chừng vài mươi người mặc thường phục, mặt mày hớn hở vui tươi được biết là đang làm thủ tục trở về với đời sống tự do. Một sự dàn cảnh khá tinh vi, muốn cho tù cải tạo từ Hoàng Liên Sơn đến hiểu rằng đã sắp đến hồi kết cục trên hành trình học tập cải tạo thì đừng mơ tưởng làm gì đến chuyện trốn trại hay chống đối làm rối loạn trật tự an ninh.

Sau vài lời "chào mừng", đoàn tù cải tạo được hướng dẫn đến buồng giam, nằm đàng sau bức tường cao khoảng hai thước bao bọc chung quanh sân tập hợp, mà cuối sân là ngôi nhà tiếp đón lúc nãy. Sau khi đã vào buồng giam, ban chỉ huy trại thông báo là nếu muốn, mỗi người sẽ được mua một gói thuốc lá và một hộp sữa đặc theo giá cung cấp. Còn sự ưu ái nào bằng? Bữa ăn chiều hôm đó, số lượng gần như gấp đôi tiêu chuẩn hàng ngày. Tù đang đói, như nắng hạn gặp mưa rào, nhưng cũng không sao ăn hết. Đang ríu rít lăng xăng thì bên kia tường có tiếng gọi để xin phần cơm dư thừa. Nhìn lại, thì ra những người bạn đã rời Hoàng Liên Sơn trước kia, những người mà cộng sản cho là "bọn ác ôn, côn đồ, có nhiều nợ máu với nhân dân". Trông bạn bè gẫm lại phận mình, thì ra màn bi hài kịch lúc chiều có lẽ sẽ giáo đầu cho một tấn tuồng đầy dẫy bất ngờ.

Trại Hà Tây nằm trên vùng châu thổ sông Hồng, thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, một đơn vị hành chánh tập trung ba tỉnh Hà Đông, Sơn Tây và Hòa Bình trước kia. Khuôn khổ trại gần như hình vuông, mỗi cạnh gần cây số ngàn, có lũy tre gai bao bọc chung quanh. Trại nằm chơi vơi giữa vùng ruộng lúa xung quanh, như vậy mọi sự xuất trại bất ngờ đều có thể bị các chòi canh phát hiện dễ dàng. Nhà cửa toàn trại đều được xây gạch và nóc lợp ngói vì trại có lò làm gạch và ngói. Theo ghi chú trên từng dãy nhà thì phần lớn được xây cất vào khoảng thời gian sau 1975. Nằm bên trong vòng rào trại, giữa khu công ốc ban chỉ huy và gia cư cán bộ, là khu giam tù được bao bọc bằng một bức tường cao hai thước, đầu tường có gắn mảnh vụn ve chai. Từ ngoài cổng khu nhìn vào, ở giữa là sân trống để tập hợp, hai bên hai hàng nhà giam, mỗi hàng ba gian dài, mỗi gian chia làm hai buồng. Bình thường, mỗi buồng chứa từ năm mươi đến sáu mươi người, nhưng khi cần có thể lên đến hàng trăm. Chỗ nằm xếp dọc theo chiều dài của tường, hai bên đâu chân vào nhau và mỗi dãy nằm hai từng, bên dưới nằm sàn xi-măng, bên trên, sàn lót ván. Trước khi tù Hoàng Liên Sơn đến, trại Hà Tây đã chứa một số tù cải tạo dân sự từ trong Nam đưa thẳng ra sau 1975.

Công an quản lý tù khắt khe hơn bộ đội nhiều. Ngoài cán bộ trại ra còn có một người tù cải tạo được trại chọn để làm gạch nối giữa trại và tù, dưới tên gọi "anh đại diện", thực ra chẳng đại diện cho ai hết mà chỉ là người sai vặt của trại. Trong quá khứ, "anh đại diện" này có vẻ khá "tiến bộ", trong chiều hướng có lợi cho trại nên tù rất "nể" anh ta. Nói chuyện với "anh đại diện", tù cải tạo cũng phải đứng xa sáu bước, mũ cầm tay, như khi nói chuyện với cán bộ. Thái độ của "anh đại diện" bị tù mới về cho là "cách mạng hơn cách mạng". Thỉnh thoảng, sau khi các tổ đội đã xuất trại đi lao động, anh xách búa đi gõ từng song sắt một của những cửa sổ, đề phòng âm mưu phá cửa trốn trại. Cung cách phục vụ trại kiểu đó không được tù mới về chấp nhận nên đã xảy ra những vụ đụng chạm, lần hồi "anh đại diện" cũng thấy ra thái độ không hợp lý và xét lại thái độ của anh. Vốn không được tù cũ ưa thích, giờ lại bị tù mới chống đối ra mặt, anh bắt đầu ý thức phận mình.

Lao động ở trại Hà Tây gồm có nông nghiệp, canh tác, làm mộc, làm rèn, cưa xẻ, xây cất và làm gạch, ngói. Chuyện cơ động đi rừng lấy cây, lấy củi không còn nữa vì trại nằm ở đồng bằng, bếp xài than đá và nhà cửa xây cất bằn gạch, lợp ngói. Trại có một số diện tích ruộng được địa phương phân chia để làm lấy lúa nuôi tù, phụ vào tiêu chuẩn của nhà nước cấp. Lao động chính của Hà Tây là làm gạch và ngói, trong đó việc lấy đất sét, nhồi, xén và ép thành viên gạch miếng ngói là mệt nhọc hơn hết. Xong rồi phải gánh đưa vào lò nung, sau khi nung xong lại gánh trở ra sắp xếp. Công việc khá nặng nề so với mức ăn, lại đơn điệu nhàm chán làm cho tù lúc nào cũng uể oải, lờ đờ.

*****

Thế nhưng, chủ tâm của bộ nội vụ Hà Nội - bộ chủ quản của ngành công an - khi đưa tù cải tạo Hoàng Liên Sơn về Hà Tây không phải để lấy thêm công lao động mà để khai thác ở mặt khác. Trước khi mở đợt công tác khai thác tù, trại phát phiếu gởi quà để tù gởi về yêu cầu gia đình tiếp tế, theo tiêu chuẩn trại quy định. Nhờ đó tù được gia đình bồi dưỡng và nhận được tin tức một cách nhanh chóng, đúng theo âm mưu ý đồ của trại. Mượn tay gia đình, trại đã làm cho tù lên tinh thần trở lại, chưa biết toan tính thâm độc của cộng sản sẽ như thế nào. Giữa lúc tinh thần của tù đang phấn khởi như vậy, cán bộ của trung ương về trại để mở đợt học tập viết bản "Tự Thuật Cuộc Đời", riêng cho thành phần mới về, nghĩa là sĩ quan cấp tướng và cấp tá trước kia của Việt Nam Cộng Hòa. Đợt học tập được tổ chức khá rầm rộ. Trước đó một thời gian, trại đã chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, trong bối cảnh nghèo nàn của trại, bằng cách cho tù xây cất trước buồng 12 một gian nhà cột tre, mái tranh thật rộng, chiếm hết khoảng sân trống, có thể chứa được hàng mấy trăm người. Gian nhà này được dùng làm hội trường cho đợt học tập viết bản tự thuật. Ngày khởi sự đợt học tập, những cái bàn ngang năm tấc, dài hai thước và băng ngồi, do xưởng mộc của trại cung cấp, được bày biện trông ra vẻ một lớp học nghiêm chỉnh. Sĩ quan cấp tướng được cho ra khỏi khu F - khu "biệt thự"[39] - để sang tập hợp cùng với sĩ quan cấp đại tá của buồng 11 và 12, một việc làm chưa từng thấy bao giờ từ khi chia tay nhau ở Đại Học Xá Minh Mạng. Đợt học tập này bắt đầu bằng những "bài nói" của cán bộ cấp cao bộ nội vụ, xoay quanh ý chính là "nên thật thà khai báo và học tập tốt để sớm về sum họp với gia đình. Đảng và nhà nước không muốn giam giữ mấy anh lâu, gia đình các anh mong các anh về sớm và có về sớm hay không là tùy các anh". Luận điệu chung của các buổi nói chuyện muốn đánh tan thành kiến "nhứt nhựt tại tù, thiên thu tại ngoại" bằng cách giải thích rằng ý niệm thời gian có tính cách chủ quan vì còn có ý "ba thu hợp lại một ngày dài ghê" kia mà. Chủ đích của luận điệu là nhằm làm cho tù đừng chán nản mà trốn trại.

Sau loạt nói chuyện của cán bộ bộ nội vụ, kéo dài cả tuần lễ, đợt viết "Tự Thuật Cuộc Đời" bắt đầu. Phương tiện vật chất cần thiết cho việc viết lách, như giấy, bút, mực,... đều hoàn toàn do trại cung cấp. Trong khi ngoài đời thường người dân và học sinh còn phải xài giấy thứ tồi, ngã màu cháo lòng thì giấy phát cho tù lại là loại giấy tốt, cỡ lớn, trắng đẹp và có kẻ hàng màu xanh dương. Tù thấy ngay ý đồ của cộng sản coi trọng chuyện viết tự truyện nên có thái độ thận trọng. Do đó, bầu không khí trầm hẳn xuống, nét mặt người nào cũng đăm chiêu. Theo đòi hỏi của bộ nội vụ, nội dung bắt buộc phải kể rành rọt, từng chi tiết một, kể cả những cái vặt vãnh tầm thường trong đời sống, phải viết tỉ mỉ và trung thực về những gì liên hệ đến cuộc đời mình từ lúc bé đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Một loại tiểu sử tự tay chủ thể viết ra. Đúng với nghi vấn, cộng sản muốn tù tự ý lột trần thân xác và tư tưởng để họ phán xét mức độ "ác ôn, côn đồ" của những người mà họ cho là "có nhiều nợ máu với nhân dân". Với số tù đông đảo ngần ấy mà lại thiếu tài liệu buộc tội, cộng sản chỉ còn có mỗi một cách là bắt tù tự viết bản án cho chính bản thân. Dĩ nhiên, cộng sản cũng thừa biết rằng tù cải tạo sẽ không hoàn toàn mắc bẫy của họ. Để cho bài viết đạt được mục đích yêu cầu của cộng sản, trại mở ra một chiến dịch lấy lòng tù qua việc dành khá nhiều dễ dãi. Có thể nói rằng số tù từ Hoàng Liên Sơn về được chiều chuộng hơn những tù cũ ở trại Hà Tây rất nhiều. Thơ từ hàng tháng trao đổi với gia đình đi về nhanh chóng hơn trước, đôi khi còn có những chuyến thơ đặc biệt bất thường, không cần phải đúng hạn kỳ. Phiếu gởi quà được tăng thêm, chiếu nhu cầu viết bài, không bắt buộc phải mỗi tháng một phiếu nữa. Toàn thể tù cải tạo liên hệ đến công tác viết bản tự thuật đều được miễn lao động chân tay, hoàn toàn tập trung vào chuyện viết. Theo yêu cầu của một vài cá nhơn, số bóng đèn điện trong buồng ngũ, trước kia chỉ có hai nay được tăng lên ba hoặc bốn để có đủ ánh sáng cho những ai muốn viết ban đêm. Cái hại là vào những đêm hè nóng bức mà bóng đèn điện lại quá nhiều nên sức nóng tăng lên khủng khiếp! Lợi bất cập hại, có nhiều đêm phải gỡ bớt bóng đèn.

Dựa trên nguyên tắc quản lý tù qua bao tử, trại tìm cách mua chuộc những người viết bài bằng cách cố gắng giải tỏa cái đói. Trong lúc tù đang ở trong thời kỳ tiêu chuẩn ăn sút kém thường xuyên, vì mức lương thực nhà nước quy định có hạn, và quà cáp hạn chế của gia đình cũng không giải quyết nổi, trại tạo điều kiện để tù có thể tự nuôi mình bằng phương tiện cá nhân. Kể từ các đợt nhận quà ở trại Hoàng Liên Sơn, tù cải tạo đã bắt đầu nhận tiền của gia đình tặng qua cách gởi chui, lẫn lộn trong quần áo hoặc giấu trong những gói thức ăn, vì có lịnh cấm gởi tiền. Tiền đó, trại Hoàng Liên Sơn không tịch thu và cho phép tù đăng ký để chi tiêu lần hồi, những khi trại tổ chức mua hộ tù những nhu yếu phẩm cần thiết. Khi chuyển trại, số tiền đăng ký cũng được chuyển theo tù về trại Hà Tây. Không để cho khối tiền đăng ký nằm yên, trại Hà Tây bèn nghỉ cách làm cho số tiền đó sanh lợi, dĩ nhiên là cho trại. Thỉnh thoảng về đêm, trại tổ chức bán bánh nướng cho tù, một thứ bánh ngọt hình thức trông giống như bánh trung thu, làm bằng bột khoai mì, đường nâu và nhưn khoai lang. Đêm đêm, sau kẻng "vô chuồng"[40] độ một tiếng đồng hồ, có tiếng xe cải tiến di chuyển vang dội trong sân hoang vắng của trại. Một thứ tiếng động được tù đói ăn rất ưa thích. Xe cải tiến mang bánh nướng đến bán ưu tiên cho những người viết tự thuật ở các "biệt thự" khu F của các ông tướng và hai phòng 11 và 12 của cấp đại tá. Việc mua bán được thực hiện qua song cửa sổ và do những anh tù của đội nhà bếp phụ trách. Ở miền Nam trước 1975, đem loại bánh này tặng trẻ con có thể bị từ chối. Thế nhưng, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ của tù cải tạo, những chiếc bánh đó được trân trọng vô cùng vì nó làm vơi đi những khó khăn của cơn đói ăn. Tuy nhiên, việc cho bán bánh ngoại lệ này lại gây ra một điều mâu thuẫn giữa tù có tiền và không có tiền. Nhưng, với tinh thần tương trợ trong nội bộ tù cải tạo sự khác biệt kia cũng không gay gắt lắm. Trong chương trình mơn trớn bao tử của những người viết tự thuật, để có được những bản tự thú có chất lượng cao, thỉnh thoảng vào ngày chủ nhựt trại tổ chức bán thêm cháo thịt. Một thứ cháo lỏng bỏng, nước nhiều hơn gạo, nấu với thịt heo băm nát ra, nhưng cũng là một thức ăn để gạt bao tử trong cơn đói. Dẫu cho mặt hàng không hấp dẫn lắm nhưng cái đói của tù cũng tạo điều kiện để cho trại bán được nhanh chóng, không sợ ế. Khi cần đạt mục tiêu, cộng sản sẵn sàng dành cho đối tượng mọi sự dễ dãi cần thiết, dĩ nhiên là trong mức độ và khả năng của họ, trong tinh thần "cứu cánh biện minh cho phương tiện".

Tạo điều kiện vật chất như vậy, cộng sản nhứt định phải đòi hỏi kết quả tương xứng. Ban đầu, trại để cho tù viết thoải mái, thỉnh thoảng cán bộ trại lởn vởn qua xem thái độ làm việc. Lâu lâu, cán bộ trung ương về trại, tập trung một số bài viết để xem nội dung. Nếu có bài nào không đáp ứng đòi hỏi của họ thì người viết sẽ bị gọi lên "làm việc", hạch hỏi điều này, điều nọ và đe dọa. Một vài đối tượng bị chú ý đặc biệt, mà hồ sơ đã được nghiên cứu trước, lại viết lanh quanh, tránh né bị cán bộ trung ương chỉnh ngay để làm gương, ngầm cho tù hiểu rằng họ thông suốt mọi trường hợp, đừng hòng giấu giếm che đậy. Biết rằng bản tự thuật cuộc đời sẽ là bản án buộc tội bản thân nên bầu không khí của hai buồng 11 và 12 thật nặng nề mặc dầu áp lực vật chất đã vơi đi. Cá nhân nào cũng trầm tư mặc tưởng, lúc nào cũng băn khoăn về cách viết và lách. Viết làm sao để không bị cán bộ bắt bẻ và lách để khỏi tự tay mình thắt thòng lọng cho bản thân.

Sau một thời gian tiến hành và sau khi rút tỉa kinh nghiệm qua duyệt xét một số trang đã viết ra của nhiều người, cán bộ trung ương lại đến trại mở đợt nói chuyện khác, nêu lên khuyết điểm trong công tác, đòi hỏi tù phải mạnh dạn nói lên tội ác của mình đối với cách mạng trong thời kỳ phục vụ "ngụy quyền" và phải tố cáo bạn bè triệt để hơn. Qua những bài rao giảng, cán bộ Hà Nội tự hào cho rằng họ biết được hết tội lỗi của "ngụy quân" đối với cách mạng:"... Các anh có muốn giấu cũng không được vì bạn bè các anh cũng sẽ nói về hành tung của các anh". Vì vậy cho nên cán bộ đòi hỏi những người viết vừa tự nói lên tội ác của chính mình, vừa vạch mặt chỉ trán bạn bè. Những người yếu bóng vía, nhát gan và cả tin dễ lọt vào cạm bẫy của cộng sản, nhưng không vì vậy mà cộng sản, lúc nào cũng đòi hỏi tối đa, bằng lòng với những gì tù đã viết ra. Khoảng vài ba tháng sau, đa số các bài viết đã được hoàn thành, trung bình mỗi tập vào khoảng vài trăm trang viết tay. Mỗi "tác phẩm" phải có một bản mục lục để cho những người khai thác dễ tìm điều họ muốn biết. Sau đó, trại cấp phương tiện để đóng những trang viết lại thành một tập, như một quyển sách, có bìa hẳn hòi để "lưu trử vào văn khố của bộ nội vụ". Khá đặc biệt là trong khi ai ai cũng nộp bản viết cho trại thì có một anh duy nhứt chưa hoàn tất cùng với tập thể. Anh nại cớ:"Câu chuyện của mấy mươi năm làm sao viết hết trong mấy tháng được?" Thế nhưng, trại cũng tôn trọng ý kiến của đương sự và kiên nhẫn cấp phát giấy mực để anh ấy viết. Về sau, được biết là anh ấy tường thuật tỉ mỉ, kể lể con cà con kê những chuyện làm tầm thường nhứt của anh như ăn món này, uống thức kia... Trại miễn lao động chân tay để cho anh ngồi nhà viết tuần này qua tháng nọ, đến ngày chuyển trại vẫn chưa xong. Không biết cộng sản có khai thác được gì qua bài viết của anh ấy hay không nhưng cái lợi trước mắt cho cá nhơn là anh khỏi phải đi lao động tay lắm chưn bùn như những người đã viết xong. Thậm chí có những người thấy hối tiếc, phải chi cứ kéo nhì nhằn viết lách kiểu đó cũng đỡ được những ngày lao động vất vả.

Đợt viết "Tự Thuật Cuộc Đời" vừa kết thúc thì cán bộ trung ương lại mở một đợt viết khác, đòi hỏi tù cải tạo viết về những tướng lãnh, một thời đã trực tiếp chỉ huy họ. Những người cùng làm việc dưới trướng một ông tướng nào đó hợp thành một nhóm hội thảo. Các thành viên của nhóm luân phiên nhau trình bày những gì mình biết, cái tốt, cái hay cũng như điều xấu và sằn bậy, về ông tướng đối tượng. Những ý kiến phát biểu được một thư ký của nhóm ghi chép để làm tài liệu cho một sinh hoạt kế tiếp. Một sĩ quan cấp đại tá trước kia nhứt định phải làm việc với nhiều ông tướng. Do đó, xong với nhóm bàn về ông tướng này lại phải sang làm việc với nhóm nói về một ông tướng khác, và như vậy cho đến khi nào đủ hết các ông tướng mà đương sự đã từng phục vụ dưới trướng. Sau vài tuần lễ thu thập dữ kiện, biên bản các nhóm hội thảo được lịnh tập trung lại giao cho một anh tù, mà cộng sản gọi là "người chấp bút", để viết về những ông tướng liên hệ[41]. Cũng như trong đợt viết tự thuật cuộc đời trước kia, những gì liên hệ đến các tướng lãnh miền Nam mà cộng sản cho là chưa đúng mức, theo cách đánh giá của họ, đều bị phê bình và những người liên hệ bị gọi lên "làm việc". Không những thái độ của các tướng lãnh trong công vụ và quân nghiệp được yêu cầu trình bày mà nếp sống riêng tư của họ cũng được cán bộ phụ trách quan tâm.

*****

Khai thác tình hình "chiều chuộng" tù cải tạo của bộ nội vụ Hà Nội, đương nhiên cũng là của trại Hà Tây, nhóm tù từ Hoàng Liên Sơn về chủ trương, một cách đương nhiên chớ không có kế hoạch hay rủ rê, đả phá một thói quen khó thương, "cấm liên hệ linh tinh", và một cơ chế đáng ghét, "anh đại diện". Sợ tù liên lạc nhau sẽ có âm mưu xách động phá rối an ninh trật tự của trại hoặc rủ rê đào thoát nên quy định chung là "cấm liên hệ linh tinh". Trong bất cứ tập thể nào cũng có những quy định cấm kỵ nhưng không phải vì thế mà không có những trường hợp vi phạm. Từ ngày bắt đầu đi "học tập cải tạo" là đã bị quy định cấm liên lạc nhau cưỡng chế rồi. Thế nhưng, lúc có nhu cầu là tù đều liên lạc được với nhau. Khi mất tự do, liên lạc với nhau gần như là một nhu cầu thiết yếu vì đó là một hình thức làm cho cá nhân đỡ thấy cô đơn. Điều cấm kỵ này không triệt để lắm, nghĩa là chỉ cấm tổ này liên lạc với tổ kia, chớ không cấm liên lạc nội bộ. Thế nhưng, với điều kiện sinh sống vật chất ở trại không thế nào thực hiện điều đó được. Khi ở Hoàng Liên Sơn, trong những chuyến đi rừng đốn cây, lấy củi, không những tổ này liên lạc được tổ kia mà các trại gần nhau cũng có thể trao đổi tin tức với nhau vì bộ đội đâu có đủ để theo dõi từng người. Lúc về trại Hà Tây, với nguyên tắc nhốt tù của công an, mỗi tổ đội một phòng riêng biệt, việc cấm đoán "liên hệ linh tinh" mới có cơ được áp dụng triệt để.

Ngày mới về trại Hà Tây, một người tù Hoàng Liên Sơn thấy mặt người bạn thân thiết của mình, trong đội ngũ tù của trại, đương nhiên kêu gọi mừng rỡ. Thế nhưng, người bạn kia cứ bình thản như không, mặt mũi ngơ ngơ dù trong ánh mắt có để lộ chút ít niềm vui. Thái độ đó bỗng nhiên làm cho người tù Hoàng Liên Sơn nhớ lại quy định của trại tù, một quy định đã bị quên lãng trong thời gian ở các trại miền núi, dưới sự quản chế của bộ đội. Đã từng được liên lạc gần như tự do, nay bị cấm đoán trở lại, người tù Hoàng Liên Sơn cảm thấy bị gò bó, nghẹt thở nên lần hồi tìm cách phá bỏ bức tường giao dịch kia. Ban đầu nại cớ liên lạc để hỏi chi tiết viết bản tự thuật thì được cán bộ quản giáo thông cảm, nhưng ngày một, ngày hai, sự liên lạc "vì công vụ" kia trở thành thói quen nên cán bộ cũng lơ là và tù thì leo thang. Từ liên lạc để đàm đạo bước sang liên lạc để vui chơi trong ngày nghỉ cuối tuần, từ buồng này "nhảy dù" sang buồng nọ. Bức tường cao một thước rưỡi ngăn khu buồng nhốt tù không còn nghĩa lý gì nữa đối với ý muốn leo tường để gặp gỡ nhau. Theo đà thời gian thấy không có vấn đề gì trầm trọng xảy ra, cán bộ trại cũng mắt ngơ tai lấp và bầu không khí giao du trong trại trở nên thoải mái.

Để quản lý tù một cách hữu hiệu, trại cần phải thấy hết sinh hoạt của tù và nghe được tất cả mọi dư luận của tập thể tù. Thế nhưng, trại làm sao có được ba đầu sáu tai và một tá mắt để quán xuyến được tất cả? Cứ ngây thơ nghĩ rằng tù cải tạo cũng ngây thơ và đần độn như những người dân ngu, khu đen bị chế độ nhồi sọ trong xã hội xã hội chủ nghĩa, cán bộ trại thường tuyên bố rằng:"Nhờ vệ tinh số 4 của Liên Xô giúp đỡ, những gì các anh nghĩ và làm, trại đều biết được hết". Chưa bao giờ buồn cười đến như vậy, đau khổ và tủi thân nhưng cũng phải cười thầm. Vệ tinh đó chẳng có gì khác hơn là những người tù phản bội bạn bè, bị trại chiêu hồi, làm tay sai cho cộng sản, rình rập anh em để báo cáo lập công. Chế độ điềm chỉ viên này đã manh nha từ trại miền núi nhưng chưa thực sự hoạt động hữu hiệu thì đã chuyển trại. Giờ đây, với lề thói làm việc của công an, chế độ đó lại hoạt động năng nổ và ráo riết hơn, thậm chí còn được tăng cường thêm hệ thống của "anh đại diện" nữa. Tuy nhiên, không vì thế mà cơ chế đó trở nên hữu hiệu. Đường dây "mật vụ" của trại tù chỉ hoạt động được trong thời kỳ thiếu ăn trầm trọng, khi trại lợi dụng một vài chén cơm hay vài ba lạng đường để làm cho một vài con người đành đoạn bán rẻ lương tâm của mình cho ác quỹ.

Thế nhưng, điểu đó cho thấy sự kiện phản ảnh bản chất vì nó thuộc bản tính của một con người. Quan sát kỹ sự kiện thì những người chỉ điểm trong trại cũng là những con người tham danh cầu lợi của xã hội ngày trước. Bất cứ ở môi trường nào cái lợi cho bản thân họ cũng lấn át số phận tập thể, bất chấp những phản đối của lương tri. Chung cuộc, đó là những phần tử đáng thương hơn đáng giận vì về lâu về dài họ cũng sáng mắt ra. Để thể hiện quá trình hoạt động của hệ thống, việc gì trong tổ, trong đội, trong buồng giam đều được báo cáo cho cán bộ, cho "anh đại diện", dù là những chuyện chẳng đáng gì hết. Như một mái tóc đầy chí, quanh năm suốt tháng các tổ đội và buồng giam có người báo cáo cứ bị cán bộ lên lớp, hết chuyện này đến chuyện kia, toàn những chuyện không đâu mãi rồi cán bộ cũng chán. Cuộc sống trong tù đã đau thương mà những người chỉ điểm lại vô tình làm cho nó trở nên khốn nạn hơn nữa chỉ vì chút lợi lộc nhỏ nhen và riêng tư. Vì phải giữ ý giữ tứ nên mỗi cá nhân là một ốc đảo, lầm lì với cảm nghĩ riêng tư, không dám chuyện trò với ai cả. Sống tập thể mà như lạc lõng chơi vơi giữa trùng dương hay sa mạc. Như những con thú, thậm chí còn tệ hơn vì chúng còn gầm gừ và trững giỡn nhau.

Cán bộ khắt khe một, nhưng con người gọi là "anh đại diện" kia lại hẹp hòi và cố chấp gấp mười lần hơn. Nhìn từ ngoài, cung cách xử sự của anh ta với cán bộ trại cho thấy một thái độ sợ sệt, trong tinh thần "trên đội, dưới đạp". Ngược lại, tương quan giữa anh ta và tù được nâng cao lên đến đổi có một khoảng cách trầm trọng, như chừng để anh ta bù lại những gì anh ta đã phải thi hành trước cán bộ. Là thành viên của một tập thể mà cộng sản gọi là "ngụy quân ngụy quyền", anh ta lại đứng về phía trại để vẽ đường cho hưu chạy, hành hạ lại tập thể cũ của anh ta. Trại đã gieo vào đầu óc quá "thật thà" của anh ta một ảo tưởng theo đó anh ta sẽ được tha sớm hơn khi hợp tác với trại. Nhưng anh ta quên rằng nếu anh ta được tha về sớm thì còn ai để chỉ điểm cho trại đây. Lẽ ra, đúng theo tên gọi của nó, anh phải đại diện cho tù để nói lên nguyện vọng của tù, thế nhưng ngược lại, anh ta đã đại diện trại để tấn công tập thể tù. Làm một người có chức có quyền trong tù mà không bị trại khiển trách và được tập thể tù yêu mến là điều hy hữu.

Nhưng, đôi khi chính tập thể đã phát sinh ra con người. Cộng đồng tù cải tạo Hà Tây trước kia khá phức tạp, gồm có nhiều thành phần như chánh trị, hành chánh, cảnh sát,... chớ không thuần túy quân đội như tù từ Hoàng Liên Sơn về. Từ chỗ không đồng nhứt như vậy, các phần tử không có được một mẫu số chung, khó kết hợp được với nhau. Do đó thiếu một động lực đồng hướng nên dễ bị "anh đại diện" chi phối. Vì vậy cho nên có một vài khuynh hướng thích tiếp cận với trại, với "anh đại diện" để hy vọng có nơi nương tựa trong quãng đời tù tội cô đơn. Thế nhưng, mâu thuẫn thay, càng tiếp cận đối phương lại càng bị tập thể gốc cô lập để rồi lại càng thấy mình bơ vơ. Dựa vào sức mạnh của một tập thể thuần nhứt và dựa vào tình hình được trại "nuông chiều" để "tự lên án mình một cách triệt để" qua bản tự thuật cuộc đời, đoàn tù cải tạo quân đội lần hồi tìm cách cởi trói cơ chế khắc nghiệt của trại Hà Tây. Hành động này càng được đẩy mạnh hơn nữa khi một số lớn các trại tù cải tạo miền Thượng Du Bắc Việt phải di tản về vùng châu thổ sông Hồng để tránh né cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Lúng túng và bị động do chỗ phải di tản bất ngờ, vì sợ Trung Quốc giải thoát tù cải tạo, nên sức chứa của các trại đồng bằng không chịu nổi. Tù cải tạo của các trại di tản thuộc thành phần sĩ quan cấp nhỏ, trẻ tuổi, từng thử lửa với chế độ lao tù cộng sản nên càng năng nổ hơn trong việc đối kháng lại kỷ luật hà khắc và nhứt là chống cự với "anh đại diện" và hệ thống "ăng-ten" của trại công an. Một hôm, "anh đại diện" được gia đình thăm nuôi, mang vào buồng rất nhiều thức ăn khô. Lợi dụng đêm tối tắt đèn, một ai đó đã đưa một số thực phẩm vừa mang vào xuống hố phân. Sáng ngày, "anh đại diện" chỉ còn biết hối tiếc và hối hận mà thôi. Một lần khác, vì quá căm tức một ông cựu đại tá biệt phái cảnh sát làm "ăng-ten" cho trại, một tù cải tạo công khai trừng trị đương sự. Nhưng sau đó không thấy trại có biện pháp gì và ông cựu đại tá kia cũng thay đổi thái độ. Thêm vào đó, bối cảnh sinh sống đông đúc chật chội[42] đã làm cho ban chỉ huy trại bị tràn ngập, không thể đòi hỏi nhiều về mặt kỷ luật. Lần hồi, bầu không khí sinh hoạt của trại Hà Tây cũng chuyển biến theo một chiều hướng dễ thở hơn, mặc dù "anh đại diện" và hệ thống "mật vụ" vẫn còn. Nhưng, một khi đã bị lật tẩy thì họ phải sống một cách trơ trẽn, chẳng làm gì ai được nữa. Phương thức cải tạo của cộng sản lăm le dẫn dắc họ đến tình huống chẳng còn là con người nữa, thế nhưng cộng đồng "ngụy quân, ngụy quyền", nguồn gốc xuất xứ của họ, đã đánh thức được lương tri của họ. Lá rụng về cội, cây đa cũ thế nào cũng là bến đậu đầy tình nghĩa yêu thương cho con đò xưa.

*****

Trong tình hình như vậy không biết ngành quản lý tù cải tạo ở Hà Nội có âm mưu ý đồ gì lại mở màn chánh sách cho gia đình thăm gặp tù tại trại vào khoảng giữa năm 1979. Theo tin tức, được mã hóa qua thơ từ, tù được biết một cách mơ hồ rằng bên ngoài, dư luận thế giới đang đặt vấn đề về những người của chế độ Sài Gòn bị giam giữ khá lâu mà không được xét xử. Phải chăng đó là một trong những áp lực đối với Hà Nội khiến họ phải xét lại thái độ và cung cách xử sự với tù cải tạo?

Khi có gia đình đến thăm, một cán bộ phụ trách thăm nuôi vào khu giam giữ gọi người tù liên hệ cho biết và căn dặn phải ăn mặc chỉnh tề. Sau khi tập trung đủ những người có gia đình đến thăm, cán bộ thăm nuôi đưa tất cả ra nhà tiếp, một khu nhà dành riêng ở ngay cổng ra vào trại, có vườn hoa, cây cảnh rất đẹp mắt. Kỳ thăm gặp đầu tiên, gia đình chỉ được phép tiếp xúc với tù dưới sự hiện diện của một cán bộ. Thân nhân và tù ngồi đối diện nhau cách một mặt bàn, cán bộ ngồi chứng kiến ở đầu bàn. Mỗi đợt tiếp xúc như vậy có nhiều gia đình nên cuộc thăm hỏi và đàm đạo như buổi chợ vào giờ cao điểm. Cán bộ ngồi đó nhưng chưa chắc đã kiểm soát được gì. Thời gian tiếp xúc bị giới hạn từ mười lăm phút đến nửa giờ. Sau đó, tù bị dẫn trở vào khu giam giữ, lòng thêm lưu luyến khi tình cảm được khơi dậy sau gần bốn năm dài xa cách. Tình cảm của tù, sau bao năm bị hành hạ qua lao động cực nhọc, bằng những lá thơ khô khan, giống như lớp lá chết vào thu bỗng dưng gặp cơn gió lốc nên bùng lên bay bổng trời cao. Gặp lại nhau, mặt nhìn mặt buồn vui lẫn lộn, chẳng nói nên lời, rồi khi trở vào cõi nhà giam lòng lại buồn thêm và trống rỗng hơn những ngày chỉ được tưởng nhớ mông lung. Dẫu vậy, có cũng còn hơn không, tâm tư tù cảm thấy được gần gũi với gia đình trở lại phần nào, không còn biền biệt như bao năm qua, chẳng hy vọng gì trông thấy nhau, coi như đành đi vào cửa tử. Nhờ sự tiếp tế của gia đình, đầy đủ hơn bằng những bưu kiện năm ba kí, tình cảnh thiếu đói cũng nhẹ đi. Năm ba tháng sau, việc thăm gặp được nới rộng ra, cho phép những cặp vợ chồng được gặp mặt qua đêm.

Chuyến thăm gặp qua đêm đầu tiên ở trại Hà Tây, dĩ nhiên, được dành cho "anh đại diện", như một "chiếu cố đặc biệt", một "đặc quyền, đặc lợi" cho "người có công với cách mạng". Một hành động ưu tiên làm cho người được hưởng vui mừng nhưng cũng không khỏi thấy ái ngại. Được thăm gặp qua đêm, tù không được biết trước, chỉ được gọi thăm nuôi như trước kia. Đến khi gặp gia đình xong và mãi đến khi kẻng tan lao động mà chưa bị gọi vào mới biết là mình được ở lại qua đêm với gia đình. Tùy theo khả năng về phương tiện vật chất của trại ở thời điểm thăm gặp, mỗi gia đình được dành cho một buồng riêng[43], với một giường đôi. Vợ chồng và bao nhiêu con cái không cần biết đều dồn chung một giường. Nếu đông con thì người chồng, người cha đành phải nằm ngoài, tha hồ làm mồi cho muỗi. Với tinh thần hoài nghi lòng ưu ái của cộng sản và với mọi sự dè dặt cần thiết, việc làm trước tiên của người tù được cho gặp gia đình là lục lọi gian phòng xem có bị đặt máy nghe lén hay không. Thế nhưng, trước khi cho phép gia đình gặp tù qua đêm, cán bộ phụ trách khu thăm nuôi cũng đã "lên lớp" cẩn thận rồi. Nào là việc cho gia đình thăm gặp qua đêm nằm trong chánh sách khoan hồng, nhân đạo của đảng và nhà nước, nào là gia đình cần phải động viên cho tù học tập tốt để sớm trở về với gia đình,...

Thế nhưng, trong thăm gặp có nhiều cảnh éo le, lỡ khóc, lỡ cười. Trên nguyên tắc, người phụ nữ thăm gặp qua đêm phải là người vợ chánh thức của người tù. Tư cách hợp pháp đó của người phụ nữ phải được giấy phép cho đi thăm nuôi của phường khóm xác nhận, trại không đủ tư cách và tài liệu phán định. Vì vậy bất cứ ai chạy được một giấy phép thăm nuôi chồng là có thể thăm gặp đương sự qua đêm. Hệ thống hành chánh nào cũng có kẽ hở để cho hai bên cùng có lợi, trong cái gọi là "hai lợi ích". Cho nên có hai nữ nghệ sĩ có tên tuổi trong làng cải lương đã khai thác được khuyết điểm hành chánh của nhà cầm quyền cách mạng địa phương. Hai "cô", làm cách nào không biết, có được giấy thăm gặp hai "quan cựu đại tá" đi tù, dĩ nhiên là hai ông này đã có vợ con hẳn hòi. Điểm đáng nói trong vụ này là đại tá đi học tập cải tạo thì còn gì nữa để hai "cô" phải dành cho tình cảm đến như vậy. Phải chăng trước kia, trong thuở hưng thời, hai quan Đại Tá đã chiều chuộng hai "cô" ít ra cũng đáng đồng tiền bát gạo, đúng bực trượng phu quân tử? Nắm được phương tiện trong tay lại được quyền tiêu xài miễn phí thì bậc dân chi phụ mẫu dại gì mà không sử dụng, không những cho riêng mình mà còn cho những người mình quý trọng, yêu thương, dẫu không hợp với luân thường đạo lý. Mượn phương tiện công để làm cho ra mặt hào hoa phong nhã một cách phổ biến là chuyện gần như thường tình trong một chế độ chuẩn bị đi đến chỗ tiêu ma. Do đó nên dễ có những trường hợp một ông hai ba bà, vợ chánh, vợ thứ, hầu thiếp lung tung. Thế nhưng, thân phận lẽ mọn lại hay tình cảm dạt dào, bồng bột nên một bà nọ cũng biết đem đồng bạc đâm toạc tờ giấy để mua được phép "thăm nuôi chồng". Ở đời lắm khi xảy ra những sự trùng phùng hy hữu, ngoài ý muốn của các bên đương sự. Không biết bà đã thăm gặp được ông chồng bé mấy lần, nhưng có một lần lại chẳng may. Ngày hôm trước, quan cựu đại tá được trại cho thăm gặp bà vợ chánh thức qua đêm, một lần hội ngộ vui vẻ, trong yêu thương quý mến. Đến xế chiều hôm sau, quan lại được gọi thăm nuôi làm cho phần đầu của câu tục ngữ "phước bất trùng lai" không còn giá trị nữa. Ít có ai tốt phúc như ông, được thăm nuôi một cách dồn dập như vậy. Trên đường ra khu thăm nuôi, ông thắc mắc cho chuyện thăm nuôi hai ngày liên tiếp, không biết ai lại đến. Đến nơi thì ra bà bé của ông. Đang tay bắt, mặt mừng thì bà chánh, chưa ra về vì không có phương tiện chuyển vận ra Hà Nội, lại xuất hiện. Thế là một phen cho bà lớn nổi trận tam bành, đưa giấy tờ địa phương ra để chứng minh tình cảnh hợp pháp của bà và có lời yêu cầu trại từ đó về sau nên cấm cửa bà bé. Nhưng, trại chỉ căn cứ trên giấy phép địa phương mà cho thăm gặp còn chuyện tranh chấp nhau, trại không cần biết. Trại có lời bàn rằng "cứ cho anh ấy về địa phương, cách mạng không phải mất công quản chế vì đã có hai bà lo liệu rồi"!

Khi tù đã được gia đình tiếp tế tương đối đầy đủ, bằng bưu phẩm và qua thăm nuôi, chánh sách quản lý tù bằng bao tử mất đi tính hiệu quả của nó. Trại chuyển sang đường lối cai trị bằng thơ từ và thăm nuôi. Đối với những vi phạm nhẹ, không cần phải thi hành kỷ luật, cán bộ quản giáo có thể quyết định "cắt thơ" hay "cắt thăm nuôi" của tù trong ba tháng hoặc sáu tháng. Có những trường hợp khá thương tâm là một vài gia đình gặp khó khăn kinh tế, gom góp mãi mới được một số tiền để mua sắm và trả phí tổn chuyển vận lặn lội ra đến trại hy vọng gặp mặt chồng, cha hay con. Nhưng, rủi thay, nhằm lúc đương sự đang bị cắt thăm nuôi nên đành phải gởi tiếp tế vào trại và lặng lẽ ra về, chưa biết bao giờ mới đi được chuyến nữa. Cho nên, tù cải tạo phải "học tập tốt", không phải vì cán bộ mà vì lo ngại gia đình phải buồn phiền khi chịu gian khổ ngược đường Trường Sơn mà không gặp mặt nhau.

Theo kể lại, chuyện thăm nuôi chồng, cha, hoặc con trong gia đình đi tù cải tạo ở miền Bắc là một quá trình hết sức gian nan dù đã có tuyến đường sắt Thống Nhất xuyên suốt Bắc-Nam, một đường sắt được cộng sản coi như là niềm tự hào to lớn của họ. Ngay ở khâu đầu tiên, khi dự định đi thăm nuôi, đã gặp khó khăn với việc xin phép di chuyển ở phường khóm. Gia đình nào bị coi là có vấn đề, như có thái độ không tốt tại địa phương, có thân nhân vượt biển, vượt biên,... dĩ nhiên khó xin được giấy phép để đi thăm nuôi. Gặp khó khăn thì phải cố gắng giải quyết và đương nhiên trong cố gắng như vậy thế nào chánh quyền địa phương cũng có lợi. Cách nói khôi hài, châm biếm của quần chúng lúc bấy giờ là muốn tiếp xúc với chánh quyền cơ sở được tốt đẹp thì phải biết thủ tục "đầu tiên", một cách nói lái của câu hỏi "tiền đâu"?

Giai đoạn kế tiếp là vấn đề mua giấy xe lửa đi ra Bắc. Trong thời gian mới thông tàu tuyến xe lửa Bắc-Nam, nhà nước dành ưu tiên cho công nhân viên và cán bộ nên gia đình "ngụy" gặp khá nhiều khó khăn mới mua được giấy đi. Lúc ban đầu vừa mới "kháng chiến thành công", các viên chức đều ngoan ngoãn tuân hành lời Bác dạy cần, kiệm, liêm, chính giữ đúng bổn phận "đầy tớ nhân dân" nên gặp nhiều trở ngại. Thế nhưng, đã là con người thì có được bao nhiêu kẻ không bị đồng tiền mê hoặc, kể cả con người gọi là cách mạng? Đối với người cộng sản lý tưởng thì may ra không thể có chuyện đó nhưng người cộng sản Việt Nam thì làm sao chối từ "Bác" của họ được nên đã "có Bác"[44] thì chuyện gì lại không xong?

Kế đó là những nỗi gian nan, vất vả và truân chuyên của chuyến đi. Ở những nước nghèo phương tiện vận chuyển eo hẹp, đi lại đường xa bằng phương tiện chuyên chở công cộng phải chấp nhận nhiều nỗi nhọc nhằn, nhưng dưới chế độ cộng sản Việt Nam là cả một cực hình. Phương tiện chuyên chở công cộng ít so với nhu cầu của quần chúng nên hành khách thường bị dồn ép như cá mòi vào hộp. Dựa vào câu "khó khăn là khó khăn chung", nhà nước bắt buộc nhân dân phải chấp nhận những khó khăn mà nhà nước không giải quyết nổi. Bực bội thì than phiền cho đỡ khổ, nhưng khi nhớ đến việc chánh phủ thường đòi hỏi "nhà nước và nhân dân cùng làm" thì thà chấp nhận cho xong, chớ khiếu nại cũng chẳng đi đến đâu. Toa xe cũ kỹ như được thu lượm ở một khu phế thảy nào đó, lượng người đi nhiều hơn số chỗ ngồi nên phải đứng, ngồi tùy tiện. Quãng đường dài trên một ngàn bảy trăm cây số mà hành khách phải ngồi trên những chiếc băng cây ê ẩm cả người. Đêm đến là vỏng dài, vỏng ngắn mắc dọc, treo xuôi, chẳng cần quan tâm đến chỗ ngồi của người khác miễn sao người có vỏng tìm được sự thoải mái qua đêm. Ngần ấy cây số đường, tàu Thống Nhất chạy tối thiểu cũng phải mất bốn ngày, ba đêm, chưa kể những đoạn đường sắt hư hỏng phải "tăng-bo"[45], đổi xe lửa. Việc chuyển tàu, nhứt là ban đêm, là một việc hải hùng đối với những bà mẹ, bà vợ và con cái đi thăm nuôi tù. Đoạn đường sắt hư hỏng có thể dài đến hàng bao nhiêu cây số, đôi khi trên vùng núi đá chơi vơi. Tay xách, tay mang lần mò theo đường sắt với đôi chưn mệt mỏi, dọ dẫm trong bóng đêm đen để đi đến con tàu thay thế nằm chờ ở đầu kia. Chuyện đường sắt hư hỏng, phiền thay, lại là một điều thường xảy ra vì người ta đã thi đua nối lại đường sắt Thống Nhất trong một thời gian kỷ lục để lập công dâng Bác, dâng Đảng. Những bà đi thăm nuôi đến được Hà Nội bằng xe lửa cũng khó khăn gần như Mỹ lên cung trăng!

Nhưng đâu đã hết vì còn đoạn đường từ Hà Nội vào các trại học tập. Từ Hà Nội vào, phương tiện chuyển vận đa dạng hơn, tùy theo vị trí của các trại và tùy theo tình trạng của những con đường dẫn vào. Người thì thuê xe xích-lô đạp, tương tợ như xích-lô Sài Gòn nhưng bề ngang rộng hơn, chỗ ngồi lót ván. Khi gặp những đoạn đường xấu, gay go thì khách đi xe nên vui lòng bước xuống đi bộ theo xe. Gia đình khác thì mướn xe trâu hoặc thuê người gồng gánh hay đẩy xe cải tiến chở hàng tiếp tế đi tiếp khoảng cách từ đường cái quan vào trại nằm sâu trong rừng. May mắn lắm thì mướn được xe hơi của những cơ quan mà tài xế được phép - kể cả không được phép - thực hiện công tác "ba lợi ích"[46]. Do đó, thời bấy giờ những tài xế lái xe cho cơ quan và xí nghiệp là những người thường có thu nhập thoải mái, thậm chí còn được thiên hạ coi như là phi công dân sự đường dài.

Đến trại, vừa trút được gánh nặng phương tiện chuyên chở thì gia đình lại phải đối đầu với mối lo âu khác. Bước vào khu thăm nuôi của trại là phải "biết điều" với cán bộ phụ trách qua thủ tục "đầu tiên", để công chuyện được êm xuôi, tốt đẹp. Nếu không thì sẽ bị phiền hà, hạch hỏi lôi thôi, có ảnh hưởng xấu đến thời gian thăm gặp thân nhân. Khi thì gói thuốc lá "có cán, có nhẫn"[47], không phải của ngoại quốc thì ít ra cũng phải của miền Nam, lúc thì mấy lạng cà-phê ngon. Lần hồi về sau, quen với thái độ biết điều của những gia đình đến thăm thân nhân, cán bộ phụ trách sẵn sàng và vui lòng thu nhận "bác" nên gia đình thăm nuôi cứ chung tiền mặt là tiện việc cho đôi bên. Cán bộ nhận quà nhanh gọn, không ai thấy lại sử dụng theo ý muốn và người trao quà khỏi phải thắc mắc về tính chất của món quà. Nhờ vậy nên người Sài Gòn được các trại "đánh giá cao", nhưng cũng bị bốc lột không ít. Cán bộ có trách nhiệm khâu thăm nuôi - cán bộ trưởng khu và cán bộ đưa tù ra vào để gặp gia đình - thậm chí có một bà vợ ông trại trưởng nữa, lợi dụng bối cảnh giao dịch để buôn bán với gia đình đến trại bằng giá biểu "đặc biệt", theo kiểu tiền mãi lộ. Vì muốn cho người thân, kẻ thương của mình được thoải mái trong khi đi tù nên gia đình, dẫu có thiếu thốn cũng cố gắng rộng rãi, coi những chi tiêu trong trường hợp đó như là một loại tiền lót đường. Do đó những cán bộ bán hàng cho gia đình thăm nuôi tha hồ mà chém đẹp. Thăm gặp thân nhân xong, nỗi khó khăn, nhọc nhằn trong chuyến trở về cũng không khác gì trong chuyến đi, tuy có nhẹ đi về mặt số lượng hàng tiếp tế nhưng lại nặng lòng hơn vì nỗi tình tự, nhớ thương.

Khu thăm nuôi trại Hà Tây, nằm ngay bên trong cổng vào, được trại rất quan tâm vì đó là dung nhan của trại đối với gia đình đến gặp tù. Với công sức của tù, càng ngày trại càng mở rộng khu này và làm cho nó trở nên khang trang hơn, với ba dãy nhà xếp thành hình chữ U bao quanh một vườn hoa nhỏ mà trung tâm là một hồ nước có hòn non bộ xinh xinh. Rải rác trong vườn hoa, một vài chiếc ghế đá nằm giữa các luống hoa nhiều màu sắc, được chăm nom hàng ngày. Những gian nhà vừa mới cất được sơn phết và quét vôi sạch sẽ và vui mắt. Khi chuyện thăm nuôi trở nên phổ biến, hầu như ngày nào cũng có một vài gia đình đến trại, khu nhà khách này là điểm thu hút sự chú ý của tù. Tổ đội nào, đi và về trong lao động, cũng ghé mắt nhìn sinh hoạt của khu vì hình ảnh các bà, các cô cậu, dẫu không phải thân nhân của chính mình, cũng làm vơi đi phần nào nỗi buồn cô đơn của thân phận tù đày. Bộ phận hành chánh phụ trách khu thăm nuôi chiếm phòng đầu trong dãy nhà nhìn ra cổng trại, phần còn lại dành làm phòng tiếp xúc tập thể. Hai dãy còn lại được ngăn ra làm nhiều phòng nhỏ - "phòng hạnh phúc" dành cho những gia đình được phép thăm tù qua đêm - và một gian bếp để gia đình nấu ăn. Ngoài ra còn có một gian khá rộng làm chỗ nghỉ đêm cho những gia đình chưa trở ra Hà Nội được hoặc đến trại quá muộn, hôm sau mới gặp được thân nhân.

Bộ phận hành chánh khu thăm nuôi gồm có một cán bộ chịu trách nhiệm tổng quát, một nữ cán bộ hướng dẫn tù ra khu thăm nuôi và đưa trở vào khu giam giữ và một người tù hình sự trong thời kỳ tự giác[48], lo về trật tự vật chất và vệ sinh của khu thăm nuôi. Nhơn sự làm việc khu thăm nuôi được chọn lựa cẩn thận, phải có phẩm chất bên Đảng cũng như bên đời vì có tiếp xúc với người ngoài. Thời gian đầu họ đã chứng tỏ là những thành phần toàn mỹ, xử sự đúng nguyên tắc nhưng lần hồi về sau, nhu cầu chủ quan đã kết hợp với mời mọc khách quan nên họ đã biến chất, trở thành những kẻ đối lập với con người cộng sản chân chánh. Riêng những gia đình Việt kiều, nhân chuyến về nước công tác hay thăm nhà, ghé trại thăm thân nhân thì không phải qua khu thăm nuôi mà lại được ban chỉ huy trại tổ chức cho gặp ở khu văn phòng, nhiều khi được cả trại trưởng chào hỏi nữa. Cuộc tiếp rước rất chu đáo, thậm chí tù còn được chụp hình chung với gia đình nữa. Một hoạt cảnh để trình diễn.

*****

Không phải chỉ riêng những cán bộ công an có liên hệ với quần chúng mới biến chất mà cán bộ tài sản lưu giữ của tù cải tạo, mà họ gọi là tang vật, cũng không cưỡng lại nổi tham vọng bất chánh. Những gì quý giá của tù cải tạo, như đồng hồ, nhẫn cưới và máy thâu thanh bỏ túi,... bị bắt buộc phải nộp cho trại ở Hoàng Liên Sơn, đều được bàn giao cho trại Hà Tây và đã được trại tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu xong xác nhận bằng một biên nhận khác. Cán bộ phụ trách việc đăng ký, quản lý cả tang vật lẫn tiền của tù gởi để chi tiêu lần hồi, là một cô công an trẻ đẹp, có thể nói là đẹp nhứt trại. Tổng giá trị tài sản của tù thuộc trách nhiệm người cán bộ này không phải là ít. Với một nhan sắc như vậy dĩ nhiên là cô được những cán bộ trai trẽ độc thân cũng như đã có vợ con quan tâm và săn sóc kỹ lưỡng. Cả tù nhơn của trại cũng không thể hững hờ với một nét thanh tú như vậy giữa những bóng dáng cằn cỗi tầm thường khá phổ biến trong môi trường xã hội chủ nghĩa. Nhưng cũng chỉ với một thái độ của kẻ ngắm hoa trên cõi đồng hoang cỏ dại mà thôi.

Trong số những người để ý đến cô, cán bộ nhà bếp là kẻ bám sát cô khăng khít hơn hết. Quản lý một bếp ăn cho khoảng một ngàn người mà cắt xén ở mỗi miệng ăn một ít trong một ngày thôi cũng bỏ túi được khá nhiều tiền. Lại là một bếp nấu cho tù nữa thì sợ gì bị khiếu nại. Sẵn phương tiện có được mà không đổ mồ hôi, chàng cán bộ nhà bếp đã chinh phục được cô cán bộ trẻ đẹp, thường tiếp cận với tiền tài và của cải nhưng không có phương tiện để chi tiêu. Nhưng sự chinh phục đó nhằm vào một chủ đích khác, ngoài mức hiểu biết của người con gái thường quan niệm một cách đơn giản là giữa trai gái chỉ có tình yêu. Thế là một thời gian sau, một số lớn các đồng hồ có hiệu nổi tiếng và có giá trị cao của tù cải tạo bị trại lưu giữ đã biến mất. Một vụ mất cắp độc đáo xảy ra bên trong vòng rào của một trại tù do công an quản lý. Tù không được biết nhiều chi tiết về vụ mất cắp dẫu cho biến cố đó liên hệ đến tài sản của mình. Cụ thể và thực tế là một thời gian sau, hai cán bộ liên hệ đến vấn đề không còn thấy ở trại nữa và hai cán bộ khác đã thay thế họ ở những vị trí đó.

Trại phải làm sáng tỏ vấn đề đối với tù cải tạo và qua một cuộc kiểm kê mới biết đồng hồ nào bị mất và những ai là nạn nhơn. Để giải quyết vấn đề bồi thường cho khổ chủ, trại bắt tù làm giấy kê khai giá trị quy ra tiền của những tang vật đã mất. Một thời gian khá lâu sau khi nộp bản kê khai, những đương sự được một cán bộ tập hợp lại giải thích dài dòng, ngầm cho thấy rằng những đòi hỏi quá đáng có thể tác động đến quá trình học tập cải tạo. Thế rồi vấn đề được để ngủ yên, với hy vọng là theo đà thời gian trị giá của những gì trại đã đánh mất, qua cung cách lãnh đạo nhơn sự vụng về, sẽ co rút lại. Trăm dâu đổ đầu tằm, sai quấy của một số cai tù mà những người tù phải gánh chịu kể cũng phi lý. Thế nhưng, đã là thân tù tội thì phải biết chấp nhận và chịu đựng. Việc bồi thường cứ kéo dài, gần như bị lãng quên và tù cũng chẳng than phiền được với ai hết. Vả lại, trong biến cố lịch sử của đất nước, họ đã mất mát quá nhiều, nay thêm một mất mát nhỏ nhen nữa cũng chỉ là hột muối bỏ biển. Trái lại, vấn đề được trại Hà Tây quan tâm không ít vì tổng số tiền phải bồi thường tính ra cũng nhiều. Nghe đâu số lượng đồng hồ bị mất cắp lên đến con số ba bốn mươi, toàn là những đồng hồ có giá và nổi tiếng, như Seiko, Rolex, Oméga, Bulova,... Áp lực của trại đối với tù nhằm giảm bớt số tiền bồi thường cứ kéo dài, mua thời gian. Lâu lâu, từng nạn nhơn một lại được mời lên thuyết phục cộng với đe dọa để hạ mức bồi thường. Thuyết phục và đe dọa đều dựa trên yếu tố thời gian học tập. Thời hạn bồi thường không được ấn định trước nên cứ lùi mãi, cho đến ba năm sau khi sắp có chuyển trại toàn diện mới được nhắc lại vì khi bàn giao tù, trại Hà Tây phải nộp số tiền bồi thường cho trại mới. Về trại mới một năm sau những nạn nhơn mới được bồi thường. Nhưng, lúc bấy giờ trị giá của một chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Oméga, tự động và mạ vàng chỉ bằng một ký thịt heo!

Theo dư luận thì hai cán bộ liên quan vụ án đồng hồ của trại Hà Tây đã bị tống giam trong một thời gian, nhưng số đồng hồ đã mất không thu hồi lại được. Dĩ nhiên, những cán bộ thủ phạm đó bị "lột áo" công an để về làm dân thường, nhưng có được một số vốn để sinh sống. Cô cán bộ chịu trách nhiệm trực tiếp nghe đâu mở một quán giải khát tại một thị xã trên đường vào Hà Nội, còn anh chàng quy hoạch chuyện hóa phép đồng hồ thì về quê đuổi gà cho vợ. Tuy nhiên đó chỉ là mặt nổi của vấn đề. Biết đâu hai cán bộ kia chỉ là những kẻ chịu đấm trong khi người khác được ăn xôi, vì điều khó hiểu trong vụ tai tiếng này là những cán bộ cấp trên của họ vẫn được bình yên.

*****

Ông trưởng trại Hà Tây lúc bấy giờ là một sĩ quan cấp tá công an cao niên, có thể là đảng viên từ thuở hàn vi ba đời bần cố, một loại đảng viên rất hồng và chuyên. Trong công vụ cũng như trong cuộc sống đời thường, ông xử sự theo nề nếp của một huynh trưởng hay một người cha già trong gia đình. Có thể ông là thành viên của diện đảng viên cộng sản chân chính, triệt để tuân thủ giáo điều và ngoan ngoãn nghe theo lời Bác dạy để cho giòng đời và đà tiến của công vụ đưa đẩy theo kiểu lục bình trôi sông, lên xuống theo mức độ thủy triều. Có lần ông nói thẳng với tù cải tạo, giữa chốn ba quân, là cả cuộc đời ông chưa biết lạp xưởng là gì, một thức ăn khô mà gia đình thường tiếp tế cho tù và cán bộ trại gọi là "con sâu mỡ" hoặc "cây dùi đỏ". Cái Tết đầu tiên ở trại Hà Tây, vào giờ giao thừa, trại trưởng cùng với một số cán bộ cao cấp của trại, sắc phục chỉnh tề, vào từng buồng giam chúc năm mới. Theo sau là những anh tù của đội nhà bếp đưa vào buồng thùng nước trà bốc khói, bánh chưng xanh và thuốc lá, coi như là quà đầu năm của trại. Là đảng viên trung kiên và thừa mứa lý tưởng nên sau bao nhiêu năm làm việc ông vẫn nghèo, một cái nghèo rõ nét, với một bà vợ tần tảo mua đi bán lại cho những gia đình đến trại thăm nuôi thân nhân, với một căn nhà nhỏ bé xây cất bằng phương tiện của trại và công lao của tù, nằm ngay bên ngoài lũy tre xanh bao quanh trại. Lẽ ra ông phải bị phê bình vì những vụ việc như vậy, thế nhưng rất có thể người ta đã nể ông là bậc công thần cho nên ông được để yên. Đến tuổi về hưu ông vẫn sinh sống trong ngôi nhà đó cho đến ngày từ trần vì một vết thương do chính con chó nhà ông gây ra.

Nét sinh hoạt hiền hòa của ông trại trưởng đã bị các cán bộ đàn em khai thác lợi dụng nên việc điều hành trại không vuông tròn mà hậu quả đương nhiên tù phải gánh chịu. Ảnh hưởng rõ nét nhứt nằm ở khâu ăn uống của tù. Đành rằng tiêu chuẩn lương thực và thực phẩm của tù do trung ương ấn định và mức cải thiện tùy thuộc vào khả năng lao động của trại về mặt nông nghiệp và canh tác. Thế nhưng, vì bị cắt đầu, xén đuôi nên tiêu chuẩn cụ thể đến người sử dụng chẳng còn bao nhiêu. Những năm ở các trại miền núi, tiêu chuẩn ăn cũng kém, nhưng nhờ có đất núi và rừng hoang quanh trại tăng thêm phần diện tích khai thác nên có được nhiều lượng sắn tươi bổ túc cho tiêu chuẩn gạo. Phần sắn độn gạo đó đánh lừa bao tử trong những ngày thiếu đói nhưng tác hại đến thể xác khá nhiều. Khi đoàn tù cải tạo đến trại Hà Tây, bạn bè ngạc nhiên, tự hỏi không biết tại sao tù của các trại bộ đội ai cũng mập hết? Thì ra chỉ vì ăn nhiều khoai mì, các hạch nước miếng bị ảnh hưởng sao đó nên khuông mặt ai cũng to ra ở hai bên hàm. Trại Hà Tây nằm trong vùng đồng bằng châu thổ, diện tích canh tác bị giới hạn nên số lượng chất độn kém đi, chưa nói đến phần bị cắt xén. Khi nào trại được tiếp tế bột mì thay gạo thì bữa ăn của một người tù là hai cục bột luộc nắm gọn trong bàn tay và bữa ăn sáng là một phần tư cục bột. Có những lúc lương thực chính không phải là gạo độn mà chỉ thuần túy khoai tây hoặc bo bo[49]. Một phần ăn khoai tây, đếm cho kỹ, được khoảng mười hai đến mười lăm củ, to nhứt bằng ngón chưn cái, một loại khoai còn thừa lại sau khi đã sàng lọc lấy củ to bán cho dân chúng. Khoai được rửa sơ, luộc cả vỏ đem phân phối cho các buồng. Trong tình hình thiếu đói, tù ăn luôn cả vỏ, không cần lột thế nhưng vẫn không thấy no sau khi ăn xong. Vã lại, khoai luộc có hàm lượng nước cao nên tiêu hóa nhanh do đó càng thấy đói sớm trước khi có bữa ăn kế tiếp. Gay go nhứt là những khi trại dùng bo bo làm lương thực chánh và tai hại hơn hết là loại bo bo chưa lột vỏ. Theo định nghĩa của từ điển, bo bo là loại cây thuộc họ cỏ, thân và lá gần giống cây bắp, hột tròn và to, dùng để ăn hoặc làm thuốc. Tên gọi tiếng Pháp của cây này là "Larme-de-Job" (nước mắt của Job) hoặc "Larme-du-Christ" (nước mắt của Chúa Ky-Tô) và tiếng Anh là "Job's-tears" (nước mắt của Job). Theo Kinh Thánh, Job là hiện thân của con người thật thà lại gặp cảnh khốn khổ nhưng vẫn một lòng tin tưởng ở Thượng Đế. Căn cứ theo tên gọi của nó, người ta có thể hình dung được nỗi khổ tâm của kẻ phải ăn loại hột đó thế cơm. Xay tróc vỏ rồi, hột bo-bo nấu chín có thể ăn được dẫu cứng hơn hột cơm. Chưa xay thì vỏ bo-bo, tương tự như vỏ hột đậu xanh, sẽ phá đường ruột một cách trầm trọng vì bao tử không nghiền được cho nên khi ra khỏi hệ thống tiêu hóa, hột bo-bo vẫn giữ nguyên hình dáng như lúc vào. Cho nên, có người khi lãnh phần ăn xong phải cho vào cối giã cho tróc vỏ mới dám ăn.

Mức ăn sa sút ảnh hưởng đến sức khỏe của tù một cách rõ rệt mải cho đến lúc chánh sách thăm nuôi xuất hiện mới cứu vãn được tình hình. Thế nhưng, một điều kiện vật chất khác lại khiếm khuyết nên tình hình vệ sinh trong trại đâm ra yếu kém. Không sử dụng hệ thống nước suối như các trại miền núi, Hà Tây cung cấp nước giếng cho từng buồng qua hệ thống máy bơm điện. Lúc đầu, hệ thống điện, một hệ thống thiết yếu cho một trại giam, hoạt động rất tốt và đều đặn. Lần hồi về sau, máy điện thường gặp nhiều trục trặc, có khi mất điện cả tuần lễ. Không điện tức không thể sử dụng máy bơm nước, thế là nhà bếp kéo xe ra ruộng quanh trại để lấy nước vào nấu phát cho tù uống. Nước có đất bùn nên trắng đục như nước cơm pha loãng, hơn nữa đồng ruộng quanh trại chất chứa đủ mọi chất dơ bẩn. Những ngày mưa nhiều, nước dâng cao có khi ngập cả trại, thế là bao nhiêu rác ruởi, bao nhiêu đồ dơ chất bẩn đều bị nước lôi đi, kể cả sản phẩm của những nhà vệ sinh nổi trong trại. Thậm chí băng vệ sinh phụ nữ cũng trôi nổi lềnh bềnh. Nước đó, khát mấy cũng không đủ can đảm nuốt vào. Đó là chưa kể nước dơ cũng được dùng vào việc nấu ăn. Và khi lấy nước khó khăn phải mất nhiều công lao động, khâu rửa rau trước khi luộc cũng giảm đi, thậm chí phần rau phát cho tù nhiều khi có những thứ đáng ghê tởm trong đó. Những ngày không có nước máy như vậy, các tổ đội lao động ngoài vòng rào trại thường được cho tắm ở ruộng hay ở sông trước khi nhập trại. Những bộ phận lao động bên trong trại thì một đôi ngày được cán bộ phụ trách dẫn ra ruộng ra sông tắm giặt.

Trong chiều hướng vổ béo tù cải tạo cho một tấn tuồng nào đó, ngoài chuyện cho gia đình thăm gặp và tiếp tế để góp sức với trại nuôi tù một cách gián tiếp, trại còn cho phép tù nhận tiền của gia đình để gởi vào "trương mục" của tù ở trại nữa. Để khai thác số tiền đăng ký đó, một số tiền không nhỏ, trại tổ chức những chuyện mua bán to lớn hơn những chuyện lặt vặt như bán bánh nướng và bán cháo thịt. Lúc đầu, cán bộ nhà bếp được giao phụ trách khâu kinh doanh với tù, mua thực phẩm về bán lại, kể cả thực phẩm tươi như cá và thịt, trong khi tù không được phép nổi lửa nấu nướng. Vì lãnh đạo cấp trên không dứt khoát phân minh nên có sự tranh chấp giữa cán bộ an ninh trại và cán bộ nhà bếp mà nạn nhân lúc nào cũng là tù. Tù ra khỏi khu buồng giam đến bếp mua hàng thì bị cán bộ an ninh chận bắt. Tù nổi lửa nấu nướng thức ăn mua ở cán bộ nhà bếp thì bị cán bộ an ninh tịch thu. Mãi về sau mới có chỉ thị, sinh hoạt loại này mới được điều hòa và nhờ đó nên tù lần hồi được dễ dãi trong nếp sống. Từng bước một, việc mua bán được mở rộng sang lối giao dịch thẳng với cán bộ cư ngụ trong trại, mỗi khi họ có hàng để bán ra, nhứt là heo nguyên con. Nhiều người chung nhau một số tiền lớn, mua cả con heo đem về nhờ nhà bếp ngả rồi chia ra. Dĩ nhiên là việc mua bán như vậy phải có sự đồng ý của cán bộ tài chánh trại vì sau đó việc thanh toán sẽ do cán bộ này giải quyết do chỗ tù không được phép giữ tiền mặt. Không được giữ trên bình diện ngôn chánh danh thuận, chớ trong lén lút thì làm sao mà khỏi vì lúc nào tù cũng có những nhu cầu lặt vặt đặc biệt cần có hiện kim mới giải quyết được.

Có buôn bán là có tính toán lợi nhuận cho nên dẫu là con người xã hội chủ nghĩa, cán bộ cũng muốn thu số lợi bất chánh. Trước khi tù đến bắt heo về mổ thịt, con heo đó được cho ăn uống thật nhiều để bán cho nặng cân. Khi làm đến bộ lòng mới thấy bao tử heo chứa đầy cám pha mạt cưa. Có những khi trại tiếp khách quan trọng, cần có thịt để làm cơm đãi nhưng lấy đâu ra một vài ký thịt trong tình cảnh xa chợ đó nên phải giết heo. Số thịt còn lại đem bán cho tù để quân bình thu chi, nhiều khi có lợi nữa là khác. Thậm chí có lúc tù còn mua được cả thịt chó và rượu nữa, khi một số cán bộ cao hứng "hạ cờ tây"[50] để liên hoan, trong chiều hướng có cái để ăn nhậu mà khỏi mất tiền vì người chi trả là tù. Những hôm có thịt chó muốn bán cho tù thì người cán bộ trực ban, thường đi kiểm tra tù trước khi đóng cửa qua đêm, ra hiệu cho anh buồng trưởng biết. Khi đã vào buồng xong xuôi, anh buồng trưởng loan báo tin đó cho những người ái mộ. Những ai thích mua thì đóng tiền ở anh buồng trưởng. Khi đóng cửa xong hết tất cả những buồng trong toàn trại, cán bộ trực ban ghé qua đứng bên ngoài cửa sổ nhận đơn đặt hàng và tiền. Một lúc sau, hàng sẽ tới cũng qua cán bộ trực ban và qua cửa sổ.

*****

Trong tình huống thoải mái cho cả đôi bên như vậy, kỷ luật không thể nào khắt khe như trước được nữa, miễn là không có điều gì quá lố xảy ra. Sau một thời gian dài bị giam giữ và sau khi nhận thấy mọi giải pháp đào thoát đều tắc tị, người tù cải tạo đã biết được thân phận của mình nên tìm một lối sống nhẹ nhàng để quên thời gian và cho vơi đi nổi thống khổ. Qua kinh nghiệm giam giữ, trại cũng biết được suy nghĩ của tù cải tạo nên nhẹ phần khắc nghiệt, hằn thù. Tuy chưa phải là hòa hợp nhưng hai thực thể tù và cai tù đang song hành trên một hành trình nhứt định. Như hai lực sĩ điền kinh đang tranh tài, ai cũng nhìn về cái đích của mình chớ không tìm cách triệt hạ lẫn nhau. Đàng sau tấm bình phong "khoan hồng nhơn đạo của Đảng và Nhà Nước", che đậy tù cải tạo bằng việc cho gia đình thăm gặp, là sự tính toán của bộ nội vụ Hà Nội nhằm sửa sang sắc đẹp của tù trong chiến dịch tiếp đón các phái đoàn người nước ngoài đến trại quan sát. Qua tin tức thì thầm giữa gia đình và tù, quả thật Hà Nội đã phải chấp nhận áp lực của dư luận thế giới để cho những tổ chức nhân đạo, không thuộc chánh phủ nào hết, đến thăm tù, dĩ nhiên là để đổi lấy những dễ dãi khác trong bang giao đối ngoại, sau khi đã bị cô lập, xuất phát từ chỗ họ khinh thường sinh hoạt quốc tế.

Tuy nhiên, dẫu miễn cưỡng chấp nhận nhưng chẳng phải vì vậy mà cộng sản chịu trình bày sự thật. Như một cô gái giang hồ, tuy ý thức được nghề nghiệp mình là xấu xa đối với xã hội nhưng phải cố làm ra vẻ con nhà lành với thiên hạ. Mỗi khi sắp có phái đoàn không thân thiện đến thăm, trại phải chuẩn bị mấy ngày trước, bắt tù phải làm "trật tự nội vụ", làm vệ sinh, quét dọn trại, chọn tù biết nói tiếng nước ngoài có thể trình bày ước muốn của trại,... Ngày phái đoàn đến, tù được đánh thức sớm hơn thường lệ, lãnh trước phần ăn trưa mang theo và bị đưa đến một vùng hẻo lánh nào đó, ngoài tầm nhìn của khách để lẩn trốn. Ở lại trại, chỉ còn khoảng một nửa nhân số tù toàn trại, hoạt động trong những công tác thường lệ. Chủ yếu để cho khách thấy rằng số tù bị giam giữ không đông như tin đồn và do đó điều kiện sinh hoạt và ăn ở rất thoải mái. Mỗi buồng có một trực buồng thường lệ, hôm đó có nhiệm vụ sắp xếp mền, mùng, chiếu, gối tươm tất, ngay hàng thẳng lối và dĩ nhiên với một số lượng giảm đi nhiều. Số mền, mùng, chiếu, gối dư ra được cho vào một cái kho nào đó không có nguy cơ bị phái đoàn để mắt đến. Ngoài ra, buồng trưởng còn được tăng cường thêm một người có khả năng đối thoại bằng ngoại ngữ để trả lời phái đoàn, đúng ý muốn của trại. Nhà bếp được lịnh giết một vài con heo, cạo sạch treo lên trình bày và gạo cho bữa ăn của tù hôm đó phải là thứ gạo trắng hơn ngày thường. Gian nhà trống giữa sân tập hợp được trang trí và bày biện thành một thư viện, có tủ sách, bàn để tạp chí và băng ngồi cho người đọc. Những người tù cải tạo của tổ phiên dịch được "bố trí" thành những người đọc sách báo để, nếu cần, sẽ tiếp phái đoàn luôn. Trại tập hợp các tù nhân được sắp xếp vào những vị trí có khả năng nói chuyện với phái đoàn lại để nhận chỉ thị của cán bộ giáo dục về cách nói chuyện với khách, khi được hỏi đến. Đương nhiên là trong cách dặn dò của cán bộ, những tiêu lịnh về nhân số tù, về sinh hoạt chung như chế độ ăn ở, lao động, thơ từ, thăm nuôi,... lúc nào cũng có kèm theo những lời dọa dẫm hăm he, nếu nói năng với ẩn ý thì sẽ bị kỷ luật và quá trình học tập cải tạo cũng sẽ bị ảnh hưởng. Với một vài phái đoàn đầu tiên, tù không được phép trả lời thẳng bằng ngoại ngữ mà phải qua một thông dịch viên của bộ nội vụ tháp tùng. Nhưng trong đối đáp, có một số từ chuyên biệt của Việt Nam Cộng Hòa làm cho người thông dịch phải ngập ngừng, ấp úng, sử dụng từ một cách quanh co, khó hiểu. Thế là người tù liên hệ bắt buộc phải mớm chữ chính xác và khách hiểu ngay. Về sau, tù được phép trả lời thẳng với phái đoàn, dĩ nhiên với lời cảnh giác:"Bộ có người hiểu được tiếng nước ngoài và trại có thu âm, các anh liệu mà ăn nói". Thông thường, sau khi phái đoàn ra về, những người tù có đối thoại với khách đều được trại gọi lên làm việc và bắt viết bản tự khai về những gì đã đối đáp. Tuy vậy, với kinh nghiệm, những phái đoàn quan sát đều thấy rõ lối dàn cảnh nên họ đã có cách nhìn riêng. Vả lại phần đông các phái đoàn đều có ít nhứt một người nói được tiếng Việt. Một lần có phái đoàn Mỹ đến thăm trại. Trong thành phần thấy có một mục sư người da trắng. Mục sư này lúc nào cũng di chuyển riêng lẻ, không đi cùng với đám đông. Đến lúc cuối cùng, mục sư nói một câu bằng tiếng Việt Nam để chúc Tết tù vì chuyến thăm đó vào lúc cuối năm âm lịch. Sau chuyến viếng thăm đó, cán bộ giáo dục nói rằng trong thành phần phái đoàn liên hệ có một "cha cố CIA"[51]. Ngay đối với phái đoàn khách thuộc các nước cộng sản anh em, trại cũng giới thiệu tù cải tạo qua những lớp lang nặng phần trình diễn như vậy. Tuy thế, thỉnh thoảng cũng có một vài biến cố bất ngờ khiến cho trại càng thận trọng hơn nữa trong việc lựa chọn những người tù được bố trí để đón khách. Lần đó, phái đoàn được đưa đến thăm ban mộc, vốn là niềm hãnh diện của trại vì đã đóng được nhiều bàn, ghế, tủ cho trại. Nhơn cơ hội khách đi ngang qua, một anh tù đưa ra một miếng ván nhỏ trên đó đã viết sẵn ba chữ "S.O.S" bằng than. Khách đã trông thấy và toán cán bộ tháp tùng cũng trông thấy, thế là anh tù liên hệ phải viết bản kiểm điểm và bị kỷ luật. Ngoài ra, trong đối đáp tù cũng có cách kín đáo để cho khách hiểu được ẩn ý của mình mà không sợ bị trừng phạt. Có những thắc mắc của khách mà người tù đối thoại lưỡng lự, từ chối trả lời một cách khéo léo với câu mở đầu "Theo trại thì..." tức nhiên khách sẽ hiểu.

Mỗi lần khách nước ngoài đến thăm trại, ngoại trừ các phái đoàn cộng sản, là một dịp để cho tù cải tạo có được chút ít phấn khởi. Sau mỗi chuyến thăm trại của các phái đoàn ngoại quốc, tù cải tạo thường tìm cách trao đổi tin tức liên quan đến cuộc nói chuyện giữa tù và khách. Những thông tin này rất hữu ích để cho tù bàn rộng tán dài về mục đích và tầm quan trọng của chuyến đến thăm. Có những suy luận đúng mà cũng có những diễn dịch sai vì quá chủ quan, lúc nào cũng quan tâm đến sự ra về của cá nhân. Tuy nhiên, cũng nhờ kết hợp những thông tin lượm lặt như vậy với tin tức qua thăm nuôi của gia đình mà tù biết được dư luận thế giới đang chỉ trích cộng sản Hà Nội trong việc giam giữ những người của chế độ Sài Gòn khá lâu mà không xét xử. Do đó, tù cải tạo càng ngày càng thêm tin tưởng là cộng sản Việt Nam sẽ không hủy diệt được mình qua lao động cải tạo. Những ánh sáng ở cuối đường hầm như vậy tuy yếu ớt, mong manh nhưng cũng là một tia hy vọng lớn lao để cho tù cải tạo sống lây lất qua ngày, đoạn tháng. Thế nhưng, những tin đồn qua rỉ tai như vậy giữa tù cải tạo cũng đến tai được cán bộ trại nên thỉnh thoảng cũng có những phiên tập hợp tù lại để lên lớp, cho biết rằng chỉ có "học tập tốt, các anh mới được Đảng và Nhà Nước khoan hồng".

Qua rút kinh nghiệm trong việc tiếp phái đoàn, lần hồi trại bắt đầu cởi mở có giới hạn nhằm tạo cơ sở cụ thể cho những cuộc trao đổi giữa khách và tù sau này. Trại cho đặt một máy thu hình lưu động, luân phiên qua các buồng giam tù cải tạo, mỗi buồng một đêm. Ăng-ten được gắn trên đầu một cây tre cao độ bốn mét, di chuyển theo máy thu hình. Lúc ban đầu, có được một phương tiện tiêu khiển trong đêm tù buồn chán thì cũng có một số người theo dõi. Lần hồi, với phương thức loan tin của Hà Nội sức hấp dẫn của truyền hình không còn nữa. Chương trình văn nghệ thì tù rất dị ứng. Hơn nữa, qua đọc báo hàng đêm những tin tức tù đã được nghe qua rồi. Vì cứ bị di chuyển hàng ngày nên máy thu hình hoạt động chẳng được bao lâu, bị hư lên, hư xuống hoài. Anh tù chuyên viên, vốn là Đại Tá Truyền Tin có biết qua các mạch thu hình, bị quấy rầy không thôi cho đến một lúc anh cũng đành bó tay, vì thiếu phương tiện đo đạt. Thế là chương trình đặt máy thu hình bị tắc tị, rơi vào quên lãng, chỉ còn lại cây tre cùng với chiếc ăng-ten đứng trơ trẽn, làm cảnh với thời gian và không gian.

Trong buổi đầu, các trại cũng có tạo điều kiện cho tù giải trí bằng cách phát những bộ bài năm mươi hai lá, mà cộng sản gọi là bài "tú-lơ-khơ", và cờ tướng. Trò chơi mạt-chược, nổi lên ở trại Tam Hiệp, bị bỏ rơi vì ở các trại Hoàng Liên Sơn mức độ lao động quá nhọc nhằn và bận rộn đã chiếm mất tâm trí và thời gian của tù. Với đà nới lỏng của trại Hà Tây, với sinh hoạt tương đối thoải mái và với mức lao động cầm chừng, tù cải tạo bắt đầu thấy rảnh rỗi để nghĩ đến chuyện vui chơi. Với quan niệm cờ bạc mà không ăn thua thì mất vui, những bộ bài "tú-lơ-khơ" kia thay vì được sử dụng vào những trò chơi lanh trí, khéo tay, những bộ cờ tướng nọ thay vì được vận dụng trong việc đấu trí thì lại được làm phương tiện để sát phạt nhau. Rồi những cỗ bài mạt chược thứ thiệt, bằng nhựa hay bằng ngà, trước kia mua tận Hồng Kông hoặc Đài Loan, đã được yêu cầu gởi vào trại cho những người sành điệu "trổ tài thao lược". Đêm đến, những con bài mạt chược thỉnh thoảng cứ rào rào qua những bận xoa bài cho đến khi kẻng ngủ. Ai có tiền mặt thì chung ngay, ai không tiển mặt, nhưng có tiền trong trương mục, thì trả bằng hàng hóa mua ở căn tin.

Sinh hoạt ăn uống, từng bước một, cũng được nới rộng khi mà trại làm lơ một thì tù leo thang mười. Một khi đã đồng ý bán chất tươi cho tù thì trại phải gián tiếp chấp nhận chuyện cho tù nấu nướng vì trại chủ trương "ăn chín, uống sôi". Ngày một, ngày hai chuyện nấu nướng cá biệt gần như trở thành đương nhiên, mặc dầu không có phép chánh thức của trại và mặc dầu có chỉ thị là phải vén khéo, sạch sẻ và đề phòng lửa củi. Bước đầu nhen nhúm bếp thô sơ, ba hòn gạch với chất đốt bạ đâu làm đó, bằng giấy, bằng bao ny-lông, bằng cây vụn, củi cành. Ở giai đoạn này, những anh tù thuộc tổ mộc là nơi cung cấp chất đốt được giá nhất, dĩ nhiên là cây, củi phải được đem vào trại một cách lén lút, giấu giếm, miễn sao không bị trực trại bắt gặp mỗi khi nhập trại, sau giờ lao động. Cán bộ trực trại biết rõ chuyện nhập trại bất chánh những thứ cấm kỵ nhưng bị bắt hay không là tùy tính khí của đương sự vào thời điểm nhứt định. Nhưng những người bị bắt quả tang không bị hình phạt gì mà chỉ có tang vật bị giữ thành thử việc nhập trại lén lút cũng giống như mua giấy số kiến thiết, năm may mười rủi thế thôi. Qua lọt thì tốt, bị bắt thì chỉ cười trừ, lần này không được thì lần sau. Thành thử ra, trong tù, không phải chuyện gì cấm đoán là không thể thực hiện được. Theo đà thời gian, bếp thô sơ đã chuyển sang "bếp hiện đại", bếp dầu lửa do chính tù sáng chế. Y như rằng có khó mới ló khôn, trong hoàn cảnh khó khăn lao lý nhiều sáng kiến xuất hiện một cách bất ngờ. Từ những lon thiếc đựng thức ăn đóng hộp vứt đi, một vài anh tù khéo tay, hay chế biến, đã làm thành những cái bếp dầu lửa con con. Ban đầu làm lấy để sử dụng riêng tư, về sau, vì nhu cầu của bạn bè, những chiếc bếp con con cũng biến thành sản phẩm thương mại trong trại. Thế là dầu lửa lại trở thành một loại chất đốt nữa và cũng được đem lén lút vào bên trong khu giam tù. Ngoài ra, với việc sử dụng chất đốt "cao cấp" này, một vài cán bộ cũng có thêm thu nhập và cũng giúp đỡ những người tù không được gia đình thăm nuôi hay tiếp tế, nhưng biết kinh doanh.

Cứ như vậy, những bước dễ dãi càng ngày càng lấn lướt. Bị kềm kẹp lâu ngày, nay được buông lỏng một tù muốn được buôn lỏng nhiều hơn và cán bộ tiếp tục làm ngơ vì chưa đến mức báo động. Hơn nữa, trong bầu không khí thoải mái đó bên cán bộ lẫn bên tù đều được lợi. Lần hồi, sự giao dịch giữa cán bộ và tù bớt đi tính cách thù nghịch thuở ban đầu vì hai bên đều dựa vào nhau để sống thực tế và thực tiễn trong môi trường nhỏ hẹp của trại giam. Được gặp gỡ gia đình, được tiếp tế tương đối đầy đủ, có phương tiện tài chánh để mua những gì cần thiết, được đối xử nới tay, tù cải tạo bắt đầu một nếp sống gần như "tự do" trong bốn bức tường nhà giam, một thứ "tự do trong tất yếu" như cán bộ cộng sản thường nói. Như một con chim đẹp mã, hót hay, được nâng niu chăm sóc nhưng vẫn ở trong lồng. Với ý niệm này, cộng sản định nhồi nhét vào đầu óc tù cải tạo một quan niệm đáng ngại, như chừng để chuẩn bị đối tượng cho một cuộc sống sau này, khi được tha về. Chuyện về lâu về dài tạm thời gác qua một bên, trong hiện tại cứ sống đi đã. Thế là tù cải tạo giống như những đứa bé thơ vô tư, lao động cầm chừng, ngày ngày chờ thăm nuôi và tiếp tế của gia đình, trực tiếp và qua bưu điện, kể cả những bưu kiện từ ngoại quốc gởi thẳng vào trại. Thậm chí còn có những cá nhân đòi hỏi gia đình quá nhiều, mỗi bức thơ về nhà là cả một danh sách dài về nhu cầu cần được thỏa mãn. Đến đổi cán bộ kiểm soát thơ còn thắc mắc:"Anh đòi hỏi gì mà quá lắm vậy, cứ như đơn đặt hàng?", nhưng thơ vẫn được cho đi. Người ở ngoài nghĩ thương người trong cảnh tù tội nên bao giờ cũng cố gắng. Hơn nữa, những gia đình có thân nhân đã định cư ở ngoại quốc thường có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu của người mất tự do. Trong tình thương lúc nào cũng phải có sự hy sinh của một bên.

"No cơm, ấm cật, dâm dật mọi nơi....", nay không còn phải bận tâm với nạn thiếu đói hàng ngày nữa, tù bắt đầu nhìn xa hơn miếng ăn, cái uống và quan tâm đến đời sống tinh thần của chính mình. Qua thăm nuôi, một số sách báo bên ngoài lần hồi được đưa vào trại. Ban đầu là sách báo của cách mạng xuất bản, kế đó là những sách tiền chiến, kể cả sách báo tiếng Pháp và tiếng Anh, được ngụy trang dưới hình thức sản phẩm văn hóa Liên Xô. Lúc bấy giờ, cán bộ trực trại đã quá dễ dãi với tù vì bị nhu cầu vật chất mê hoặc, nên quà thăm nuôi vào trại không bị kiểm soát một cách triệt để nữa. Kiểm soát không phải để tìm những gì cấm kỵ cần loại trừ như trước kia mà để tìm những thứ gì có thể xin được. Mỗi tối, sau kẻng "vô chuồng" và cửa buồng được khóa lại, buồng giam như một tụ điểm vui chơi, một câu lạc bộ đa dạng. Một buồng vào khoảng từ sáu mươi đến bảy mươi người nhưng đủ mọi loại sinh hoạt. Đầu này một sòng mạt chược, có khi hai bàn, đó đây dăm ba bàn cờ tướng, người chơi nhạc, kẻ học đàn "chắc, chắc, bùm, chắc, chắc, bum,...", nhóm ngâm thơ, người đọc sách, một vài anh nằm suy nghĩ vẩn vơ, một vài "thầy" ngồi thiền, thách thức với những tiếng ồn xung quanh. Ồn ào như một chợ chồm hổm, những ai khó tánh mấy cũng đành ngậm miệng chấp nhận thôi. Những đêm mất điện, đèn chong nổi lên như hội hoa đăng, mỗi nhóm quanh một ngọn đèn leo lét, một ấm trà thơm, dăm ba cục kẹo, kể cho nhau nghe những chuyện ngày xưa, thuật chuyện tiểu thuyết nổi tiếng đã đọc qua, chuyện chưởng, chuyện phim hay, chuyện chánh trị, chuyện hành quân, chuyện tình ái của người khác,... Một vài anh, buồn chuyện riêng tư, buông mùng nằm đó nhìn lên nóc đau khổ một mình. Phải mệt và buồn ngủ ghê lắm mới ngủ trước kẻng tắt đèn (21 giờ) được.

Những đêm lạnh mùa đông, với sự đồng ý của toàn buồng, người ta tổ chức một sinh hoạt tập thể như một người kể chuyện cho cả buồng nghe. Gặp anh kể có duyên thì câu chuyện cũng lôi cuốn được đông đảo người nghe, nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài điệu ngáy điểm xuyết vào. Trời se lạnh, điện tắt, đèn đóm âm u, nằm quấn người trong mền ấm trong khi giọng trầm trầm của người kể chuyện cứ như ru ngủ thì khó mà cưỡng lại được. Nghe kể chuyện hoài cũng chán, đêm khác có người đưa ra sáng kiến diễn một màn kịch lịch sử nào đó. Thùng đựng cơm làm trống, nấp soon làm phèng la và hàng dài những túi lương thực thực phẩm của tù xếp theo đường đi tượng trưng cho dãy non sông gấm vóc, dãy Trường Sơn. Mua vui cũng qua được một đêm tù buồn. Từ đó, phong trào thi, ca, nhạc, kịch trong tù được nổi lên. Bài hát, bài thơ từ ngục thất đã đặt từ lâu lại được dịp xuất hiện. Ngay từ lúc đi học tập cải tạo, trong tập thể đại tá chỉ có mỗi một cây đàn ghi-ta duy nhứt. Lúc hưng thời của phong trào ca hát trong tù vào đầu thập niên tám mươi, mỗi buồng trung bình cũng bốn năm cây. Nhiều bài thơ, khúc nhạc sáng tác trong tù gây được khá nhiều xúc động vì chính người trong cuộc nói lên nỗi đau thương của tập thể. Nhưng đặc tính bình dân và ăn khách của thơ ca đó làm cho những tác giả liên hệ phải điêu đứng khá nhiều với cán bộ an ninh trại. Dễ dãi và thông cảm thì có chỉ thị phải "rút kinh nghiệm" rồi bỏ qua, hoặc vài ba tháng cắt thơ, cắt thăm gặp gia đình. Gay gắt hơn thì các đương sự phải nằm nhà kỷ luật, ăn cơm muối. Những người đánh đàn, ca hát bản nhạc hay ngâm bài thơ đó cũng bị vạ lây, đàn bị tịch thu. Càng bị đàn áp, càng gặp khó khăn, thơ nhạc liên hệ càng được quan tâm và người ngâm kẻ hát được ái mộ. Cứ như vậy mà thơ nhạc lao tù được gieo cấy hết trại này đến trại khác, thậm chí còn vượt biên, vượt biển ra ngoại quốc nữa.

Có của ăn, của để, lòng người dễ quảng đại và tình huynh đệ trong tù là một tình nghĩa vô cùng thiêng liêng. Không phải tất cả tù cải tạo đều được gia đình thăm gặp và tiếp tế như nhau nên tập thể đã cố gắng tìm cách xoa dịu sự cách biệt đó. Những ngày chủ nhựt không lao động, từng nhóm từng nhóm cùng chung sở thích, cùng chung tình cảm, quây quần họp lại, người ra của, kẻ bỏ công tổ chức nấu nướng rồi cùng ăn uống với nhau, cùng nhau trao đổi những câu chuyện ngày xưa. Những năm này, kỷ luật trại giam đã được nới rộng rất nhiều, cửa khu không bị khóa nữa nên đi lại dễ dàng. Do đó, sinh hoạt trong tù cũng thoải mái hơn, cho phép tù quên đi những bước đi trì trệ của thời gian. Tù bắt đầu tổ chức tiệc sinh nhựt, quy tụ gần hai mươi thực khách. Có anh, nhân lễ cưới của con ngoài đời thường, cũng làm một tiệc trà nhỏ mời thân hữu trong tù đến chia vui. Chuyện tụ tập năm ba người ăn uống cho vui đã trở thành chuyện bình thường. Lúc bấy giờ, không cần cán bộ giải thích nữa tù cũng thấy được thời gian lao đi "như bóng câu qua cửa sổ". Đó là một điều may để cho tù khỏi bị quẫn trí, nhưng dĩ nhiên là không có lợi cho cộng sản vì hiệu quả cải tạo dễ bị xói mòn. Trong tình hình như vậy, những đêm Giáng Sinh, những tối Giao Thừa, giọng ca tiếng hát cứ vang dội buồng này sang buồng khác, nhưng cứ đến Thánh Ca là bị ngăn chận mà anh em tù coi như là "bị Việt cộng liệng lựu đạn". Một vài lá sớ Táo Quân, châm chọc trại, chỉ trích cán bộ, bị nghe lén làm cho người đọc phải bị kêu lên "làm việc", lãnh giấy về viết kiểm điểm, bị cắt thơ, cắt thăm nuôi. Nhưng đã là tù thì chẳng khác gì những người điếc, làm gì còn sợ súng nữa. Châm biếm thường được những kẻ yếu thế sử dụng như là một thứ vũ khí.

Những cuộc liên hoan bên trong tường đá nhà tù không những là niềm vui của tù mà còn là dịp may cho những chàng cảnh vệ công an tuần hành ban đêm. Khi mới về trại Hà Tây, cảnh vệ rất khó với tù. Sau kẻng ngủ rồi mà anh tù nào còn ngồi cửa sổ nhìn ra hoặc đốt đèn chong là bị rầy la ngay. Hay là đêm đêm lén hát nhạc vàng nho nhỏ đủ bạn bè nghe mà bị bắt gặp cũng bị báo cáo lên trại để trừng trị. Với đà cởi mở của trại, cảnh vệ cũng bớt khắt khe với tù mà còn tìm cách gây cảm tình. Trong hành trình tuần tra, nhứt là những đêm gió mùa đông bắc tràn về, trời rét ngọt, cảnh vệ đi từ cửa sổ buồng này đến cửa sổ buồng nọ, lúc được điếu thuốc thơm, khi viên kẹo, lúc chung trà móc câu đậm đặc cũng tạm ấm lòng qua đêm giá rét. Có một vài cảnh vệ còn yêu cầu tù ca hát nhạc vàng hay kể chuyện chưởng hoặc chuyện đi Tây đi Mỹ cho nghe. Bên trong hay bên ngoài song sắt, ai cũng có nỗi khổ của riêng mình, nhưng nếp sống vật chất của ai sung sướng hơn ai là điều mà người công an cảnh vệ kia nhiều đêm nằm gác tay lên trán chắc phải trầm ngâm suy nghĩ.

Cán bộ công an mà còn như vậy thì thử hỏi đời sống người dân thường sẽ ra sao? Dân chúng, mà tù thường gặp quanh trại, ngày đêm lam lũ, đầu tắt, mặt tối, trời rét căm căm vẫn phải lấy thân che vải, ăn không đủ mà mặt thì thiếu đầu hở đuôi. Bài giảng để cải tạo ngụy quân, ngụy quyền lúc nào cũng cho biết rằng trong vài kế hoạch năm năm nữa Việt Nam sẽ không còn cảnh con trâu đi trước cái cày. Thế nhưng, đó đây trên đồng ruộng quanh trại phổ biến vẫn còn cảnh chồng cày, vợ kéo, người lại thay trâu! Vào thời điểm gần cuối thế kỷ hai mươi, ba mươi năm dân chủ cộng hòa và gần mười năm xã hội chủ nghĩa để đến giai đoạn này hay sao? Tìm hiểu nguyên nhân thầm kín thì được biết rằng vì "trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ[52] ăn gà", nên con người phải làm hết vì chỉ tốn một bữa ăn. Người lớn như vậy, trẻ em còn thảm thương hơn. Ngày gió lạnh trời đông mà các em đi học chỉ mặc mỗi bộ đồ vải cũn cỡn, tay cầm con cúi để giữ lửa cho ấm. Lớp học thì cửa sổ cửa cái đã bị đưa vào làm chất đốt chỉ còn lổ cửa trống không để cho ngọn gió lùa thổi qua lạnh buốt, lại ngồi trên bàn ghế bằng xi-măng. Thầy cô cũng hom hem không khác gì trò, mặt mày xanh xao gầy guộc, lương chỉ đủ tiền mua gạo, không mua được chất đốt. Tâm trí chưa lo được vuông tròn điều ấm chuyện no thì làm sao giữ đúng chức năng người kỹ sư tâm hồn trước đám trẻ thơ? Trên đất nước xã hội chủ nghĩa như vậy, làm "đầy tớ nhân dân" ngồi ở Hà Nội hay ở tỉnh hoặc thị xã đâm ra lại lý tưởng hơn "làm chủ đất nước". Trước những cảnh đau lòng như vậy, trong tinh thần "lá rách đùm lá nát", anh em tù cải tạo tom góp quần áo phế thảy của tù đem đặt vào một địa điểm "thùng thơ chết" - để cho công an không phát hiện được - rồi đi thoáng ngang nói khẻ với người dân đến đó lấy về dùng tạm. Khi thì hộp sữa cho người già yếu, lúc vài viên thuốc chống cảm, ấy thế mà lần hồi thái độ hằn học ngày nào đã xoay chiều đổi hướng, con cháu Bác lại mến "lũ ác ôn côn đồ ngụy quân, ngụy quyền" hơn cả "bọn nó" công an miền Bắc. Người ta có cảm tưởng rằng dường như thành ngữ "ngụy quân, ngụy quyền" lại mang một âm hưởng nào đó hay hay. Danh từ thường nói lên một ý niệm và khi ý niệm đã biến chuyển thì danh từ chỉ là danh từ. Thà làm một ngụy quân, ngụy quyền được thương yêu quý mến còn hơn làm một gã công an bạn dân lại khó thương. Nét dễ thương của ngụy quân, ngụy quyền cũng đã được người dân cùng nằm bịnh viện Hà Đông[53] nhiều lần nói lên. Theo những người này thì từ lâu lắm rồi, người dân miền Bắc chờ đợi ngụy quân, ngụy quyền trong Nam ra giải phóng. "Nào ngờ các anh lại để bọn chúng vào chiếm!" Câu tâm tình dễ thương, đầy tiếc rẻ! Thế nhưng, lịch sử đâu đã kết thúc, rồi đây ước muốn đó của người dân miền Bắc biết đâu sẽ thành sự thực?

Đang khi đà sống của tù được thoải mái và gặp gỡ nhiều cảm tình như vậy thì có tin đồn sắp chuyển trại. Lúc thì Nam Hà về Hà Tây, khi thì ngược lại. Cán bộ cấp tốc đua nhau bán heo cho tù và dặn dò "nếu đi, có gì bỏ lại nhớ cho tôi". Thế rồi việc chuyển trại gần như chắc chắn vì ban tài chánh rục rịch kiểm kê tang vật và duyệt xét lại phiếu tiền đăng ký. Đúng là những dấu hiệu cho thấy rằng sắp có chuyển trại. Cuối cùng, dứt khoát là Hà Tây chuyển về Nam Hà trong chương trình giải tỏa tất cả các trại tù giam giữ ngụy quân, ngụy quyền ở miền Bắc, ngoại trừ Nam Hà. Tù được lịnh phải giới hạn tối đa trọng lượng và số lượng hành trang đem theo cho nên phải thanh lọc thật kỹ càng. Sau gần năm năm sinh sống cố định tại Hà Tây, lại được gia đình thăm gặp và tiếp tế nhiều lần nên tài sản vật chất của tù cũng khá nhiều, như lon nhôm Guigoz, bình nhựa, soon nồi, bếp dầu và cả rương sắt nữa để chứa thức ăn khỏi bị chuột phá. Tuy rằng những vật dụng đó không mấy giá trị nhưng nếu phải bỏ lại thì khi đến trại mới sẽ bị thiếu hụt. Một cuộc tuyển chọn quan trọng làm vui lòng những cán bộ thu nhặt những gì tù vứt đi. Trong những ngày chuẩn bị, cán bộ liên lạc với tù rất nhiều cho nên, để giữ thể diện, trại trưởng phải ra lịnh cấm cán bộ liên hệ với tù. Trực trại có thêm nhiệm vụ theo dõi hành động của các cán bộ thu nhặt tài sản của tù vứt đi và đương nhiên được lợi thế là những gì tù để lại trực trại sẽ trọn quyền thụ hưởng. Tài sản vật chất mà tù phải bỏ lại, tự nó không có bao nhiêu giá trị đáng kể nhưng chính những cán bộ cộng sản đáng thương hại kia đã nâng cao giá trị của nó với câu nói "cái gì của các anh cũng quý". Những lời nói chân tình, mộc mạc đó làm cho ngụy quân, ngụy quyền càng thấy cái giá của chế độ tự do trong chủ nghĩa tư bản và hoàn cảnh đáng tội nghiệp của người dân phải chịu nép mình bao lâu nay vào khuôn khổ của dân chủ cộng hòa trước kia và xã hội chủ nghĩa hôm nay.

Ngày chuyển trại, một đoàn xe tải nằm chờ trong vòng thành của trại, một số chở hành trang, một số chở người. Đông đảo cán bộ nam nữ đổ ra đứng ở hành lang phòng sở để chứng kiến cảnh chuyển trại. Đoàn xe chuyển bánh, nhiều cánh tay đưa lên, bàn tay vẫy qua vẫy lại tiễn đưa. Xuyên suốt quá trình học tập cải tạo từ Nam ra Bắc, đây là lần đầu tiên mới thấy tù có được một buổi tiễn đưa đượm nét luyến lưu. Như một toán quân thay đổi nhiệm sở. Khi đoàn xe ra khỏi trại, một vài người dân, những cô cậu học sinh từng có liên hệ tình nghĩa với tù cũng đứng bên vệ đường vẫy tay tiễn đưa. Bỗng dưng, một câu trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư thời thơ ấu như chừng xuất hiện đâu đây trong bầu không khí mờ mờ hơi sương sáng tháng ba hôm đó :"Cảnh chia ly sao mà buồn vậy!" Những tâm hồn cán bộ công an tưởng đâu chai đá sau bao nhiêu năm trao trọn đời mình cho Bác và Đảng và những tâm tư quần chúng từng bị đầu độc bằng lý thuyết tuyên truyền, xuất phát từ một chủ nghĩa ăn gian, nói dối ngờ đâu hôm nay lại luyến tiếc sự ra đi của bọn "ác ôn rằn rì, ăn thịt người kia"! Tình cảm chân thật nhiều khi còn mạnh hơn bom đạn trong cách thuyết phục lòng người. Tiếc thay những người làm chánh trị cấp cao ít khi chịu nhận thấy thực tế này.

Phan Quân
(Trích Nỗi Buồn Côi Cút)


*****
Ghi chú

[39] Khi bị đưa về trại Hà Tây, tù cấp tướng bị nhốt riêng trong những gian nhà nhỏ, mỗi nhà chỉ chứa năm ba người.

[40] Công an giữ tù kỹ hơn bộ đội. Mỗi ngày, sau cơm chiều, tù cải tạo bị lùa vào phòng, có điểm số cẩn thận, và khóa cửa phòng lại. Đến sáng hôm sau, cán bộ trực trại đi mở cửa và điểm số từng phòng.

[41] Về sau, thị trường sách báo có một vài tác phẩm nói về tướng lãnh Sài Gòn, trong đó một số dữ kiện đã được rút ra từ những bài viết của tù cải tạo.

[42] Một buồn giam bình thường dự trù cho từ năm mươi đến sáu mươi người mà lại chứa hàng trăm.

[43] Khu thăm nuôi trại Hà Tây có hai buồng riêng.

[44] Tiền Việt Nam có hình Hồ Chí Minh.

[45] Do chữ "transbordement" của Pháp.

[46] Có lợi cho cơ quan, cho tài xế và cho người sử dụng xe.

[47] Thuốc điếu đầu lọc có chạy chỉ.

[48] Sắp được tha.

[49] Tên gọi khoa học là ý dĩ.

[50] Hạ cầy tơ

[51] Trung Ương Tình Báo Mỹ.

[52] Máy kéo cày thường sơn màu đỏ. Muốn có máy kéo phải lo lót.

[53] Tù bị bịnh nặng được đưa đến bịnh viện thị xã Hà Đông chữa trị vì bịnh xá trại không đủ khả năng.

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Hà Tây - Trong gọng kềm Công An)

Rate this item
(0 votes)