Không Quân Việt Nam Cộng Hòa
Lời người viết: Nhận thấy 44 năm qua, các giới truyền thông, phim ảnh, sử gia, ký giả thổ tả nước ngoài, kể cả người Việt hùa nhau bẻ cong lịch sử, đầu độc mọi người, xuyên qua các câu chuyện về:
- Phi tuần 5 chiếc A-37 của Nguyễn Thành Trung.
- Cộng Quân pháo kích phi trường Tân Sơn Nhứt bằng đại bác 130 ly, phá hủy các phi đạo, kho bom, kho nhiên liệu, xác người rải rác khắp các đường bay...
- Tư Lệnh Không Quân ra lịnh: tất cả phi cơ khiển dụng bay đi Thái Lan, v v và v v…
Điển hình nhất là ký giả kiêm sử gia người Pháp, Olivier Todd đã xuyên tạc sự thật, cố tình bôi nhọ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung, Không Quân Việt Nam Cộng Hòa nói riêng.
Trong quyển “Tháng Tư Nghiệt Ngã” (dịch giả Dương Hiếu Nghĩa- 24. Chương 21 - Ngày 29/4: Hãy Tắt Hết Đèn), Olivier Todd đã viết:
"Ngày 29 tháng 4, 1975. Vào lúc 4 giờ chiều, pháo binh Bắc Việt càng bắn càng chính xác, tác xạ tập trung phần lớn vào các đường bay của phi trường Tân Sơn Nhất,... Bộ Tổng Tham Mưu Miền Nam Việt Nam và Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Ở phi trường thì các kho xăng kho đạn, xe vận tải, xe nhỏ quân sự hay dân sự bị trúng đạn đang bốc cháy khắp nơi. Bộ binh Bắc Việt không thể ở quá xa vì các quả đạn bách kích pháo và những hỏa tiễn phát nổ với ngọn lửa còn đỏ, và xanh lục.
Trời sáng dần... Các phi công của những phi cơ F-5 và A-37 cuối cùng cất cánh lên được và bay đi luôn không trở lại. Các phi công này giống như những phi công còn muốn chiến đấu đều không điều động được phi cơ vì vướng hằng trăm binh sĩ Miền Nam đang nằm rải rác khắp các đường bay. Nhân viên của trạm kiểm soát không lưu không thể làm việc được. Một phi công của chiếc AC-119 đặc biệt bướng bỉnh vì không đúng nhiệm vụ mà cứ cất cánh bay lên đánh vào các vị trí cộng sản mà anh thấy rõ chung quanh Sài Gòn, trở lại lấy thêm bom đạn, bay lên nữa, và đến 6 giờ 46 thì anh bị một hỏa tiễn SA.7 bắn rơi.
Tướng Nguyễn Cao Kỳ lái chiếc trực thăng của ông ta lên, bay chung quanh Sài Gòn, ông thấy một pháo đội Bắc Việt đang tác xạ, mỗi phút một phát. Ông bắt liên lạc được với một đội Skyriders đang bay từ Cần Thơ về:
- Đây Nguyễn cao Kỳ đây, phải tiêu diệt các pháo đội địch nầy.
- Nhận rõ, nhưng tôi chỉ còn có một quả bom, sĩ quan chỉ huy trả lời.
Đúng là giờ đã điểm, đối với những chiến trận danh dự không đáng kể!
5 giờ 45 giờ Sài Gòn:
Ông Martin đến tòa đại sứ .Lệnh cuối cùng của Tư Lệnh Không Quân Miền Nam Việt Nam: Tất cả các phi cơ còn trong tình trạng khiển dụng đều phải rời khỏi lãnh thổ Miền Nam Việt Nam." (Hết trích)
****
Với sự khuyến khích của nhiều bạn hữu, lợi dụng trí óc chưa bị mai một, dù rằng thiếu khả năng viết lách và dù biết rằng tiếng nói của người viết tựa như tiếng gào giữa đai dương, người viết cố gắng ghi lại từng chi tiết "Thật".
Xin những chứng nhân sống còn tại thế như Đại Tá Hoàng Thanh Nhã, Trung Tá Nguyễn Quốc Hưng, Trung Tá Nguyễn Quốc Thành, Trung Tá Nguyễn Quan Vĩnh, Thiếu Tá Nguyễn Văn Huynh, Thiếu Tá Trần Thanh Long, Thiếu Tá Trần Ngoc Hà, Thiếu Tá Bach Diễn Sơn, Thiếu Tá Hồ Ngọc Ấn, Đại Úy Nguyễn Tiến Thụy, Trung Úy NguyễnThành Bá, Thiếu Úy Nguyễn Văn Chuyên, nhân viên đài Kiểm Báo Paris, nhân viên đài Saigon Control Tower v...v ...bổ túc và cho phép người viết ghi tên trong bài viết nầy.
Phi trường Biên Hoà
Năm giờ chiều ngày 28/4/1975, tôi cùng Trung Uý Nguyễn Thành Bá (hiện cư ngụ ở Dayton, Ohio) được lệnh cất cánh một phi tuần 2 chiếc A-1 Skyraider, bay lên Biên Hòa rồi nhận lệnh từ Trung Tá Phan Văn Mạnh, danh hiệu Đồng Nai -10, trên tần số FM của Hành Quân Chiến Cuộc, Sư Đoàn 3 Không Quân.
Từ khi di tản về Tân Sơn Nhứt ngày 21/4/1975, các phi cơ A-1 thường đậu bên trong và xung quanh hangar Hậu Trạm Hàng Không Quân Sự cũ, chúng tôi không cần đi bộ xa. Nhưng hôm nay, xe đưa rước phi hành đoàn của SĐ5KQ đang chờ sẵn ngoài cửa để chở chúng tôi ra bãi đậu bên phía Tây khá xa, hơn cây số, gần trại Davis nơi chứa phái đoàn của Đại Tá Cộng Sản Bắc Việt Võ Đông Giang.
Hôm đó phi đạo sử dụng là phi đạo 25 R nên chúng tôi phải di chuyển (taxi) ngược về hướng Đông của phi trường.
Khi đến Hậu Trạm Hàng Không Quân Sự cũ, thấy Đại Tá Nguyễn Văn Lê, Tham Mưu Phó Hành Quân của SĐ3KQ nghiêm chỉnh đứng chào, tôi tự hỏi điềm gì? Đây là lần đầu tiên trong đời tôi có người đứng chào trước khi cất cánh. Có phải lả chào vĩnh biệt?
Tôi gọi anh Bá:
- Số 2 có thấy ông Lê đang đứng chào tôi? Không biết điềm gì đây?
Nhớ lại ngày hôm qua (27/4/1975) lúc 2 giờ 30 chiều, trong phi vụ tuần thám vũ trang, phi tuần của tôi đang bay trên Long Bình với cao độ 5.000 bộ, nhiều đạn đại bác phòng không, khói đen, khói trắng nổ như pháo cách cánh trái phi cơ chừng vài mươi thước, tôi liền báo động với Đại Úy Đào Công Quận bay chiếc số 2 và chúng tôi lên cao độ.
Khi lên 12 ngàn bộ trên không phận Long Khánh (nếu cao hơn có thể thiếu Oxy để thở), bay đến đâu, chúng tôi cũng thấy phía dưới bụng phi cơ khoảng chừng ngàn bộ có những cụm mây đen, mây trắng bay theo đến đó, y như cảnh trong phim Trân Châu Cảng. Nhìn xuống, những dàn phòng không rải rác ở Long Khánh đang bắn lên, nhiều đến đỗi tôi không thể đếm được. Đây là độ cao an toàn nên tôi đùa với Đại Úy Quận:
- Anh đếm dùm, xem có bao nhiêu dàn phòng không?"
Anh trả lời ngay:
- Anh có biết mình vừa chết hụt không? Vậy mà còn giỡn nữa!
Sau này tôi được biết lúc đó Cộng quân đang tấn công Khu Huấn Luyện Long Thành, gồm Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, Trường Thiết Giáp, Trường Truyền Tin ... Bọn chúng sợ chúng tôi yểm trợ cho mặt trận này nên bắn vói từ xa và vô tình "tha mạng" chúng tôi. Nếu như chúng chờ thêm 1 phút nữa, chắc chắn chúng tôi khó sống sót với các dàn đại bác phòng không 37 và 57 ly điều khiển bằng radar.
Thế mới nói đạn tránh mình chớ mình khó tránh đạn!
Trời chiều ngày 28/4/1975 thật đẹp và trong sáng, ngoại trừ một cụm mây đen nghịt, sấm sét liên hồi bao phủ trên Dinh Độc Lập (đó là lúc đang làm lễ bàn giao giữa Tổng Thống Trần Văn Hương và Đại Tướng Dương Văn Minh. Điềm Trời đang khóc cho chính thể VNCH?)
Khi đến Biên Hòa, Trung Tá Mạnh cho biết nhiệm vụ của chúng tôi là hộ tống đoàn Vũ Khí & Đạn Dược về Tân Sơn Nhứt sau khi phá hủy căn cứ Biên Hòa bằng chất nổ ( plastic).
Nhìn xuống bên dưới thấy dân chúng đứng trên đường, chạy dài từ cổng số 1 đến cổng số 2, mặt hướng về phía phi trường.
Trong phi trường, từ khu Đông sang khu Tây hoàn toàn vắng vẻ không 1 bóng người Có lẽ mọi người đã di tản về Tân Sơn Nhứt.
Vào khoảng 5 giờ 45 phút, tôi nghe tiếng anh Bá bay chiếc số 2:
- Một! Anh có thể cho tôi xuống (bay thật thấp) coi căn nhà của tôi ở ngã ba Vườn Mít ra sao không?"
Theo Huấn Thị Khu Trục, chúng tôi phải bảo vệ cho nhau, không ai có thể tách rời ra khỏi hợp đoàn và tôi nghĩ có thể đây là phi vụ cuối cùng trên Biên Hòa nên tôi đồng ý với anh Bá. Chúng tôi sẽ cùng nhau bay xuống. Tôi ra dấu cho Bá, đổi sang đội hình chiến đấu và lao xuống thấp.
Đang quẹo trái ở cầu Mới, thình lình một phi tuần gồm 4 chiếc A-37 phía bên Cồn đâm thẳng ngay tôi. Tuy hoảng hốt nhưng với phản ứng tự nhiên, tôi kéo cần lái thật mạnh để phi cơ vọt lên cao, đồng thời tôi "hét" trên tần số:
- Số 2 coi chừng phi tuần 4 chiếc A-37 cùng cao độ (thấp)
Toát mồ hôi lạnh. Tạ ơn trên. Tôi vừa thoát hiểm trong gang tấc rồi nhìn theo 4 chiếc A-37 đang lướt về hướng Tây Nam với đội hình fingertip nhưng rất rời rạc. Thì ra bọn họ không thấy phi cơ của chúng tôi. Lúc đó tôi nghĩ họ thuộc các phi đoàn A-37 ở Miền Trung di tản về Tân Sơn Nhứt, nhưng lại có những 4 chiếc. Một phi vụ đặc biệt gì đây nên buột miệng gọi cho Bá:
- Giờ này mà mấy thằng ma gà nầy còn mang bom đạn bay lang thang đâu đây?"
Vì thiếu cảnh giác, tôi không theo dõi họ mà lại bay theo Quốc Lộ 1 với cao độ thấp khoảng 500 bộ hướng về Thủ Đức. Khi quẹo trái đi Long Bình, thấy trên xa lộ Biên Hòa xuất hiện nhiều xe thiết giáp, mỗi chiếc đậu cách nhau chừng trăm thước.
Để khích lệ tinh thần bạn, tôi bay thấp hơn, vừa trên ngọn cây.
Khi vừa đến Long Bình, chúng tôi được Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính, Sư Đoàn Trưởng SĐ3KQ, danh hiệu Đồng Nai - 01 báo cho biết phi trường Tân Sơn Nhứt đang bị 3 chiếc A-37 ném bom.
Theo linh tính, tôi vội đáp lời:
- Như vậy phải là 4 chiếc A-37 vì chúng tôi mới vừa gặp họ cách đây không lâu.
Tướng Tính giải thích:
- Chúng tôi đang ở Final (sắp đáp) thì bọn đó ném bom. Tôi thấy chỉ có 3 chiếc xuống thả bom mà thôi."
Tôi cảm thấy lạnh cả người và không ngớt cầu nguyện cho vợ con tôi được bình an. Họ đang tạm trú ở cư xá của phi đoàn C-7 cạnh Trung Tâm Giám Định Y Khoa cũ, sát bờ tường phía Nam của dinh Tướng Kỳ.
Tôi vội vàng lên cao độ 4.000 bộ và hướng về Tân Sơn Nhất.
Vài phút sau, Tướng Tính cho biết thêm:
- Bây giờ tình trạng Tân Sơn Nhứt rất hỗn loạn, nếu Phi Long 51 (danh hiệu của phi tuần tôi) có bay về thì nên thận trọng, coi chừng phòng không của mình. Chúng tôi không đáp được vì vậy chúng tôi bay đi Vũng Tàu.
Sau này tôi được biết Chuẩn Tướng Từ Văn Bê, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân-Biên Hòa cùng với Tướng Tính chỉ huy cuộc phá hủy Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân rồi cùng nhau về Tân Sơn Nhứt trên chiếc trưc thăng UH-1.
Lạ lùng nhất là sau này có một vị Tướng Hải Quân viết sách cho rằng Tướng Tính không biết gì về cuộc phá hủy này và khuyên Tướng Tính gọi Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân. (Cũng theo ông này, nhờ sự khuyên lơn và giúp đỡ của ông ta mà Tướng Tính mới liên lạc được với Trung Tướng Trần Văn Minh, nhưng cho đến nửa đêm (12 giờ khuya?) Tân Sơn Nhất bị pháo kích nên cuộc điện đàm bị gián đoạn?
Tướng Tính qua đời năm 1990 nên không thể đính chính chi tiết này.
Đến đây tôi xin phép thưa cùng vị tướng Hải Quân nói trên:
"Nhân danh là một nhân chứng, có cơ duyên dự phần trong cuộc chống pháo kích, tôi thưa với ngài rằng phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích lúc 04 giờ sáng ngày 29/4/1975 chứ hoàn toàn không phải là lúc nửa đêm như ngài đã viết trong sách".
Sau đó đài Kiểm Soát Không Lưu Tân Sơn Nhứt khẳng định với chúng tôi rằng Hậu Trạm Hàng Không Quân Sự cũ bị hủy, 1 chiếc C-47 ở phía Tây phi trường đang cháy
nằm ở giữa taxiway W #7 và hangar chứa máy bay hình vòng cung, cách trại Davis non 200 mét về hướng Bắc như tôi thấy khói đang bốc lên nghi ngút) vài chiếc phi cơ vận tải bị hư hại nhẹ vì mảnh bom nhưng 2 phi đạo và các taxiway hoàn toàn không trúng bom.
Xin nói thêm, phía Nam của chiếc C-47 đang cháy chừng 30 thước là bãi đậu phi cơ A-37 của các phi đoàn ở vùng I + II và A-1, tưởng tượng chỉ cần một quả bom rơi xuống đây thì phi trường Tân Sơn Nhất sẽ trở thành bình địa như chơi!
Và nếu như các phi cơ A-1 không dời ra ngoài bãi đậu phía Tây lúc 1 giờ trưa buổi nay thì các chiếc A-1 đậu trong Hậu Trạm Hàng Không Quân Sự cũ, mỗi chiếc mang 10 trái bom MK-81 trúng bom của bọn Nguyễn Thành Trung và phát nổ thì hậu quả sẽ khó lường đến chừng nào? (Bom MK-81 nặng 250 cân Anh, là loại nhỏ nhất và duy nhất còn lại. Sau đó có tin đồn thất thiệt Đại Tá Lê bị trúng bom ở đây)
Sau khi biết chắc phi trường Tân Sơn Nhứt vẫn khả dụng, hai phi đạo và các taxiway không hề bị trúng bom, chúng tôi không cần phải bay đi Cần Thơ nên tôi an tâm và bay trở lại Biên Hòa để tiếp tục phi vụ. Trong lòng tôi lúc nào cũng đè nặng ý nghĩ tự trách mình thiếu cảnh giác, không theo dõi phi tuần 4 chiếc A-37.
Vào khoảng 6 giờ 40 phút chiều, Trung Tá Mạnh chạy xe ra đến cổng số 2 và ra lệnh nổ bom.
Thế là toàn vùng phía Tây của phi trường Biên Hòa nơi đặt Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân biến thành biển lửa bốc cao hàng ngàn bộ.
Sau đó Trung Tá Mạnh mới cho chúng tôi biết thêm ông chỉ được lệnh phá hủy Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân mà thôi. Đây là phần sở duy nhất của Không Quân, chứa những máy móc điện tử tối tân và đắt tiền nhất bị phá hủy trước khi CSBV cưỡng chiếm Miền Nam.
Theo lộ trình, Trung Tá Mạnh di chuyển theo Quốc Lộ 1 về Thủ Đức - Xa Lộ Biên Hòa để tới Tân Sơn Nhứt trên 2 chiếc xe Jeep cải biến dài hơn chiếc Jeep bình thường. Hình như có Thiếu Tá Được của Kỹ Thuật Tiếp Vận tháp tùng và trong vô tuyến tôi được nghe lời Trung Úy Liêm, Đại Đội Trưởng Quân Cảnh SĐ3KQ từ chối theo đoàn về Tân Sơn Nhứt.
Rồi vài phút sau đồn Quân Cảnh ở cổng số 2 bốc cháy.
Tôi bắt đầu bay mở đường để hộ tống đoàn xe. Trên xa lộ Biên Hòa thấy thật vắng vẻ. Xa lộ Đại Hàn còn có những dòng xe chạy về hướng Sài Gòn.
Từ cư xá Thanh Đa (nhà tôi ở lô X) tôi bay qua Tân Cảng. Từ trên cao nhìn xuống thấy ánh đạn lửa đan nhau như lưới, đầu cầu phía Bắc vài ba đám cháy trên mặt đường, khói đen bốc lên nghi ngút, chiến xa trên cầu không ngớt nhả đạn vế phía Bắc. Có lẽ Cộng quân đã tiến sát Thủ Đô?
Tôi sang tần số đài Kiểm Báo Paris nhưng họ cũng không biết chuyện gì xảy ra.
Lúc nầy đoàn xe Vũ Khí & Đạn Dược của Trung Tá Mạnh vừa vượt khỏi ngã tư Thủ Đức, tôi báo tình trạng tại cầu xa lộ nhưng Trung Tá Mạnh không muốn thay đổi lộ trình. Tôi phải làm gì đây? Nếu như đoàn xe lọt vào bãi giao tranh, chắc chắn không ai sống sót. Cố gắng thuyết phục, tôi báo cho Trung Tá Mạnh biết chúng tôi sẽ lên cao độ 4.000 bộ và sẵn sàng thả bom nếu như đoàn xe của ông bị tấn công.
Cuối cùng nhờ hồng phúc của 12 người trong đoàn, Trung Tá Mạnh quay đầu xe và hướng về xa lộ Đại Hàn. Trên xa lộ Đại Hàn gần ngã tư Bình Triệu, một chiếc xe cứu hỏa của SĐ3KQ không tài xế ngừng giữa đường với đèn hiệu chớp tắt liên hồi.
Thành phố bắt đầu lên đèn. Đoàn xe bị quân cảnh cầu Bình Triệu chận lại, Trung Tá Mạnh than:
- Làm sao chúng tôi có Sự Vụ Lệnh mà trình đây?
Chừng mấy mươi giây sau, tôi gọi xuống Trung Tá Mạnh với hy vọng các anh Quân Cảnh đang đứng gần đó nghe được:
- Đây là Phi Long 51, chúng tôi có nhiệm vụ hộ tống đoàn xe 2 chiếc của Trung Tá Mạnh về Tân Sơn Nhứt. Chúng tôi đã bay hơn 3 giờ và cũng gần hết xăng. Xin Quân Cảnh các anh cho họ qua cầu.
Vừa nói xong, từ cao độ 2.000 bộ tôi nhắm ngay đoàn xe và tiếp theo chiếc số 2 của anh Bá cũng làm cho mọi người dưới đất ù tai.
Vài ba phút sau Tr/Tá Mạnh mời chúng tôi đúng 10 giờ đêm đến câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc để tạ ơn. Thì ra ông không hay biết gì về chuyện Tân Sơn Nhứt bị ném bom, nên tưởng câu lạc bộ còn mở cửa? Dĩ nhiên tôi từ chối, đây là bổn phận của chúng tôi và chỉ là chuyện nhỏ.
Thành thật cảm ơn các anh Quân Cảnh đồn Bình Triệu đã thông cảm, bằng không tôi không biết phải làm sao để giúp toán Vũ Khí & Đạn Dược của Trung Tá Mạnh?
Sau khi hội ý và tin tưởng khả năng của anh Bá, tôi quyết định đáp xuống Tân Sơn Nhứt với bom đạn lúc 8 giờ tối ngày 28/4/1975. Việc mang bom đạn về đáp cũng khá nguy hiểm nếu thiếu khả năng gây tai nạn thì hậu quả sẽ khó lường, nhất là đáp ban đêm. Đây là lần thứ nhì tôi đáp đêm với bom đạn.
Lần thứ nhất 4 giờ sáng ngày 20/4/1975.
Tôi trở lại Biên Hòa lúc 11 giờ ngày 19/4/1975 sau chuyến biệt phái Cần Thơ 2 tuần lễ. Đến trưa hôm đó Sư Đoàn Trưởng SĐ3KQ ra lịnh tôi và Đại Úy Đào Công Quận mang 2 phi tuần về đáp Tân Sơn Nhứt sau phi vụ ban chiều (phi vụ thứ 2 của tôi) tạm thời ngủ ở Biệt Đội F-5.
Điều ngạc nhiên là cả 2 phi vụ sáng và chiều cách phối hợp hành quân giữa Không Quân và lực lượng diện địa có vẻ bất thường, họ không cần sự yểm trợ của chúng tôi ? Chúng tôi phải bay vòng vòng trên Long Khánh rất nhiều giờ. Phi cơ quan sát L-19 không tìm mục tiêu và cuối cùng chỉ điểm chúng tôi thả bom những vị trí tình nghi chổ đóng quân của Cộng quân.
Tôi trở vô Biệt Đội F-5 lúc 9 giờ đêm, Trung Tá N.H.H mặc phi bào màu cam, cựu sếp của tôi hồi 1970 thấy bản mặt của tôi quá dễ ghét (?) không cho tôi ngủ trong biệt đội. trước sự ngơ ngác của Đại Úy Quận. Tôi đành nhờ Thiếu Úy Sĩ Quan Trực của Biệt Đội F-5 bước ra bãi đậu bên ngoài gọi tôi nếu có điều động đi bay. Thấy vậy, Thiếu Úy Nguyễn Văn Chuyên (?) đi theo tôi. Sau 2 phi vụ trong ngày, hơn 6 tiếng đồng hồ bay trên trời, chúng tôi ngủ say sưa dưới cánh máy bay trong cảnh gió mát trăng thanh. Đến 1 giờ 30 phút đêm Thiếu Tá Nguyễn Văn Huynh, Phi Đoàn Phó PĐ 518 từ Biên Hòa lịnh cho chúng tôi cất cánh khẩn cấp vì phi trường Biên Hòa đang bị pháo kích. Chúng tôi vội vã bay lên và nhìn thấy Cộng quân đặt pháo ở phía Bắc Tân Uyên đang pháo vào phi trường Biên Hòa. Tôi xin lịnh thả bom nhưng nửa giờ sau, đài Kiểm Báo Paris cho biết Tư Lịnh Quân Đoàn III không cho chúng tôi thả bom với lý do quân bạn đang đóng quân ở tọa độ nầy và lịnh cho tôi mang bom đi giải tỏa, muốn thả xuống bất cứ nơi nào tùy ý? Tôi ngạc nhiên tọa độ nầy là đâu ? Ai chấm tọa độ nầy ?
Xin lỗi Thiếu Tá Huynh và mọi người trong căn cứ Biên Hòa chúng tôi không giúp gì được như Thiếu Tá Huynh và mọi người mong muốn vì "Quân Lịnh Khó Chống".
Than ơi thời mạt vận. Việt Nam Cộng Hòa sẽ mất trong nay mai.
Vì tình trạng khan hiếm bom đạn, tôi thảo luận với Thiếu Úy Chuyên, chúng tôi đồng ý mang bom về đáp Tân Sơn Nhứt lúc 4 giờ sáng ngày 20/4/1975. Sáng hôm đó tôi nghe tin 1 kho bom ở phi trường Biên Hòa bị hủy vì trúng pháo kích.
Vì vậy tất cả phi cơ A-1 ở Biên Hòa phải di tản về Tân Sơn Nhứt sáng ngày 21/4/1975.
Trước khi vào Biệt Đội, các anh bên F-5 nhốn nháo cho tôi biết các anh chuẩn bị cất cánh đi Phan Rang để trả đũa vụ ném bom Tân Sơn Nhứt hồi chiều. Thực hự việc trả đũa này ra sao, tôi không nhận được bất cứ nguồn tin khả tín nào.
Trên bảng Phi Lệnh của Biệt Đội, PĐ 518 và PĐ 514 thay phiên nhau bay bao vùng trên không phận Thủ Đô Sài Gòn suốt đêm. Tôi được cắt bay bao vùng từ 05 giờ sáng đến 07 giờ sáng ngày 29/4/1975.
Tôi thầm nghĩ cấp chỉ huy rất sáng suốt, hẳn họ phải biết đêm nay chắc chắn sẽ "có chuyện"
Phi trường Tân Sơn Nhứt năm 1966
Tôi trở lại Biệt Đội Khu Trục A-1 vào khoảng nửa đêm. Gần 30 người nằm sắp lớp trên sàn nhà và tôi lủi vào chổ trống gần cái bàn nhỏ, bên trên có cái điện thoại dã chiến khá mới nhưng là loại quay bằng tay được sử dụng hồi thời Đệ Nhị Thế Chiến. Thì ra sau khi phi trường bị ném bom lúc 6 giờ chiều ngày 28/4/1975, đường giây điện thoại bị hư hại nên một đường dây mới được thiết lập để liên lạc giữa Phòng Hành Quân Chiến Cuộc của Sư Đoàn 5 Không Quân với Biệt Đội Khu Trục A-1.
Biệt đội hôm nay gồm có tất cả phi công khả dụng của Phi Đoàn Phi Long 518 và một phần phi công khiển dụng của Phi Đoàn Phượng Hoàng 514 (một số đã biệt phái Cần Thơ từ ngày 19/4/1975 để thay thế biệt đội của Phi Đoàn 518 trở về Biên Hòa).
Trên bảng Phi Lịnh có 5 phi vụ thay phiên bao vùng trên không phận Sài Gòn suốt đêm.
Phi vụ bay bao vùng từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, tên tôi bị xóa, thay vào đó là tên Vĩnh, Trung Tá Nguyễn Quan Vĩnh, Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 518. Tôi thầm nghĩ Tr/Tá Vĩnh thấy tôi về đáp trễ tối qua nên không nỡ "đì" cho tôi phải thức sớm.
Mươi lăm phút sau, Thiếu Tá Nguyễn Văn Huynh, Phi Đoàn Phó PĐ 518 nói với tôi, ông nghi ngờ Trung Tá Vĩnh sẽ bay đi Thái Lan nên để ông bay kèm; và ông xóa tên Trung Úy Nguyễn Văn Luộm bay chiếc số 2 thay vào tên ông.
Nhớ đến phi vụ vừa qua đã để cho phi tuần 4 chiếc A-37 của Nguyễn Thành Trung lén ném bom Tân Sơn Nhứt nên tôi cứ trằn trọc, mãi tự trách mình thiếu cảnh giác.
Chuyện gặp nhau trên trời rất hy hữu. Trời cho tôi gặp bọn chúng ở gần cầu Mới Biên Hòa, tôi có ý nghi ngờ mà lại không theo dõi để bọn chúng lén ném bom phi trường Tân Sơn Nhất. May mà sự thiệt hại vật chất, nhân mạng ở Tân Sơn Nhất không đáng kể nhưng tinh thần mọi người có phần chao đảo, lo ngại những cuộc dội bom khác có thể xảy ra.
Rồi tôi thiếp đi cho đến khi chuông điện thoại reo lúc 3 giờ 35 phút, tôi chuyển lệnh cất cánh một phi tuần đến Thiếu Tá Lê Văn Sang, Trưởng Phòng Hành Quân của PĐ 518 từ Phòng Hành Quân Chiến Cuộc của SĐ5KQ.
Không biết vì lý do gì trước đây không một phi tuần nào được điều động đi bay, đây là phi vụ đầu tiên được gọi. Nếu theo thứ tự PĐ 518 phải đi bay, nếu theo TOT ( Time On Target: giờ trên muc tiêu) thì PĐ 514 phải đi bay, vì vậy có sự lấn cấn giữa 2 phi đoàn. Chưa dàn xếp xong thì lúc 4 giờ Cộng Quân bắt đầu pháo tới tấp, những tiếng rít xé gió nghe thật rùng rợn, kèm theo là những tiếng nổ long trời, rung chuyển mặt đất.
Mươi phút trôi qua, phi trường vẫn bị pháo dồn dập, nếu tiếp tục bị như thế thì phi trường Tân Sơn Nhất sẽ thành bình địa, khó có người sống sót sau trận đia pháo nầy
Hôm nay có lẽ là ngày cuối cùng của tôi?
Tôi hối tiếc rằng nếu biết trước phi trường bị pháo, tôi đã tình nguyện đi bay. Bây giờ thì đã quá trễ nên định chạy về cư xá phi đoàn C-7 để ở cạnh vợ con.
Tôi vừa đứng lên thì cùng lúc chuông điện thoại reo. Tôi chuyển đến Thiếu Tá Sang, lệnh cất cánh khẩn cấp.
Sẵn đó ông hỏi tôi:
- Phúc đi bay được không?
Trước đó tôi đã có ý nghĩ liều mạng “thà đi bay còn hơn là nằm đây chờ chết”, nên trả lời ngay:
- Đương nhiên là được. Nhưng wingman là ai?
(Một phi vụ hành quân thường thường có 2 chiếc để bảo vệ cho nhau, wingman là phi tuần viên bay chiếc số 2).
Từ cuối phòng, tiếng Thiếu Tá Trương Phùng vang lên:
- Tôi đi bay với bạn. Trâu đạp cũng chết. Chó đạp cũng chết. Tôi đi bay với bạn, coi có chết thằng tây nào không?
Tôi ngạc nhiên có người đồng tình và lại là người đàn anh già dặn, đầy đởm lược, trong hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã như đêm nay. Thật vinh hạnh cho tôi được cùng anh sánh vai tác chiến.
Thiếu Tá Trương Phùng từng là người hùng diệt 15 chiếc xe tăng trong 2 tuần lễ đầu tháng 4/1972 Phi Đoàn 518 tăng phái cho mặt trận Quảng Trị.
Tôi trở lại Biên hòa hồi tháng 4/1974 sau 3 năm 4 tháng trấn thủ vùng biên trấn, Pleiku, sau đó thường biệt phái về Biệt Đội Khu Trục A-1 ở Tân Sơn Nhất, rồi bị đình động từ tháng 9/1974 nên tôi hiếm khi bay cùng anh.
Lần đầu tiên bay chung với anh là vào tháng 7/1974, thừa lệnh Đại Tá Hoàng Thanh Nhã, Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 23 Chiến Thuật oanh tạc Tổng Hành Dinh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ở Lộc Ninh để trả đũa bọn VC vi phạm Hiệp Định Ba Lê vừa pháo kích vào Biên Hòa và cảnh cáo rằng không có nơi nào của họ là bất xâm phạm.
Để tạo yếu tố bất ngờ và giảm thiểu nguy hiểm, chúng tôi sáp nhập hai phi tuần 2 chiếc thành một phi tuần 4 chiếc do Th/Tá Phùng lead (dẫn dắt) dùng chiến thuật truy kích, bay sát ngọn cây để ném bom CBU-25. (Bom CBU-25 cân nặng 500 cân Anh, gồm 6 ống dài 1 mét 50, kết với nhau thành khối tam giác, mỗi ống chứa 19 quả bom tròn nhỏ, đường kính 10 cm)
Nhờ đảm lược sáng suốt của Th/Tá Phùng, chúng tôi đã hoàn thành sứ mạng và về đáp an toàn, mặc dù chúng tôi đã lướt trên nhiều nhóm Cộng quân đang quay nòng súng của các dàn đại bác phòng không có radar điều khiển đang bảo vệ Lộc Ninh. (Số 1: Th/Tá Phùng, số 2: Th/Úy Đinh Văn Đức, tôi bay số 3 và số 4: Tr/Úy Nguyễn Tứ Đức).
Khi bước ra ngoài nhưng không thấy xe đưa rước phi hành đoàn, tôi bước trở vô, định than phiền với Phòng Hành Quân Chiến Cuộc của SĐ5KQ thì anh Phùng bảo:
- Đi xe của tôi cho lẹ.
Rồi anh tiếp lời sau những tiếng rít xé gió và tiếng nổ long trời của hỏa tiễn 122 ly gần đó:
- Bạn sẽ không bao giờ quên phi vụ ngày hôm nay. Đây là phi vụ nhớ đời. Mấy ai được "dàn chào" trước khi đi bay như tụi mình?
Ngồi trên xe Jeep dân sự màu trắng của anh, tôi nhường anh bay lead thì anh bảo:
- Ai lead chả được. Quan trọng nhất là phải lên (cất cánh) bằng mọi giá. Đứa nào lên được thì lên, đừng chờ. Nếu lên được mình mới có cơ hội bảo vệ mọi người ở đây, nên nhớ rằng trong đó có vợ con mình. Nếu như tụi mình có mệnh hệ nào thì đây là cơ hội để mình đền ơn cho tổ quốc.
Những lời kiên định của anh làm tôi cảm phục anh hơn và tinh thần tôi tự nhiên dâng cao.
Cho tới bây giờ tôi vẫn ấp ủ trong tâm câu nói nhớ đời của anh cùng với sự đảm lược, bình tĩnh, đôi khi pha chút khôi hài, ví dụ như khi sắp đến chỗ hai anh Quân Cảnh đứng gác (cạnh Hậu Trạm Hàng Không cũ vừa bị bom đánh sập lúc 6 giờ chiều ngày hôm qua) anh cố tình bẻ tay lái qua lại làm cho hai anh Quân Cảnh phải nhảy vọt sang hai bên để nhường đường.
Anh Phùng đùa với tôi:
- Tôi bắt gặp hai thằng ma gà này hồi chiều dzê con bồ nhí của bạn ở ngoài cổng Phi Long. Tôi trả thù dùm bạn rồi đó nha!
Hôm nay ngoại lệ, chúng tôi không hề bị chận hay xét hỏi, có lẽ vì hai anh Quân Cảnh này biết chúng tôi đang đội pháo để đi bay ? Tội nghiệp họ, đứng chơi vơi giữa trời không gì che chắn, có vẻ thi gan cùng đạn pháo ?
Tiếng rít xé gió cùng tiếng nổ của các hỏa tiễn 122 ly vẫn dồn dập, anh Phùng phóng như bay về phía bãi đậu hướng Tây gần trại Davis (nơi trú ẩn của phái đoàn Việt Cộng).
Thấy ánh đèn xe lao tới, 6 anh phi đạo chạy xông ra.
Anh Phùng muốn lái chiếc AD-5. Chiếc nầy đang nằm trong hangar kiên cố hình vòng cung, giữa taxiway và phi đạo. Còn chiếc AD-6 của tôi nằm ngoài bãi đậu, cách phi cơ anh Phùng cả trăm thước về hướng Nam.
Để tránh điều bất trắc, tôi căn dặn các anh cơ trưởng là sau khi máy nổ, choke out rồi tìm chỗ núp ngay. (Choke out là lấy những khúc gỗ dùng để chận bánh xe của phi cơ).
Máy vừa nổ, tôi gọi đài Saigon Ground Control (đài Kiểm Soát Diện Địa) để xin phép taxi (di chuyển). Đài cho biết, phi đạo sử dụng 25 Left (trái), gió nhẹ hướng Nam. Gió ngang nhẹ gần như 90 độ, tôi có thể cất cánh bất cứ chiều nào.
Khi taxi đến trước phi cơ anh Phùng, anh đứng dưới cánh máy bay và ra dấu bình điện bị hư, tôi liền ra dấu cho anh biết tôi cất cánh trước.
Lúc đó tôi nhận định nếu như cất cánh từ phi đạo 25 Left có nghĩa là tôi phải bay về hướng hỏa tiễn 122 ly đang pháo vào, hơn nữa tôi phải taxi từ phía Tây của phi trường sang tận đầu phi đạo hướng Đông, khá xa và mất nhiều thời gian. Nếu Cộng quân có người điều chỉnh, pháo theo tôi thì tôi sẽ gặp muôn vàn nguy hiểm, bị tan xác là cái chắc. Và rồi phi trường sẽ ra sao? Vì vậy tôi xin với đài cho phép tôi di chuyển ra taxiway W # 3 để cất cánh ngược chiều từ phi đạo 07 Right (Phải).
Sau khi thử máy xong (dù máy chưa đủ nóng) tôi gọi đài Kiểm Soát Không Lưu (Saigon Control Tower) xin phép cất cánh khẩn cấp (Hot scramble).
Như vậy tôi chỉ còn hơn phân nửa chiều dài phi đạo để cất cánh vì vậy phải dùng phương pháp ép tay ga “Maxium Performing Take off” để cất cánh.
Sau khi nhả chân thắng, đẩy hết cần ga, động cơ với 18 máy (cylinder) 2.700 mã lực gầm thét và lướt trên phi đạo.
Nhờ ơn trên, tôi cất cánh an toàn lúc 04 giờ 25 phút. Vinh hạnh nhất là tôi có cơ hội bảo vệ mọi người trong phi trường Tân Sơn Nhứt và cho cả vợ con tôi.
Chuyển qua tần số của đài Kiểm Báo Paris tôi báo:
- Paris! Phi Long 51 vừa cất cánh, một chiếc A-1 với 10 trái bom MK 81, xin nhận chỉ thị.
Danh hiệu Phi Long 51 là do tôi vô tình lấy đại một cái tên mà lại trùng danh hiệu của phi tuần tôi bay chiều hôm trước. MK-81 nặng 250 cân Anh, loại bom nhỏ nhất và duy nhất mà các kho bom Long Bình, Thành Tuy Hạ, Biên Hòa và Gò Vấp còn lại.
Đài Kiểm Báo Paris chưa kịp trả lời, tôi đã nghe tiếng của Trung Úy Trần Văn Bảo, người bạn cùng khóa 70-08 T-28 ở Keesler, Mississippi, Trưởng Phi cơ của chiếc AC-119K, danh hiệu Tinh-Long-06:
- Phi Long 51 biết Phú Lâm không? Tinh Long-06 đang thả trái sáng. Bạn bay về hướng Nam sẽ thấy ngay"
Nhìn về hướng Phú Lâm, ánh hỏa châu soi sáng cả vùng trời nhưng không thấy chiếc phi cơ xạ kích, có lẽ chiếc AC-119K nầy đã cạn hỏa lực?
Tôi trả lời anh:
- Phi Long 51 sẽ có mặt trong vài phút và request Random Attack"
Anh Bảo đồng ý:
- OK Phi Long 51. Random Attack. Tinh Long giữ cao độ 5.000 bộ và tiếp tục soi sáng để yểm trợ cho bạn".
(Tôi chọn random attack vì tôi bay một mình, khi nào phi cơ bay lên đủ cao độ 4.000 bộ là tôi nhào xuống thả bom mà không cần giữ hướng của trục tấn công, như vậy nhanh hơn.)
Nhờ lặng gió nên hai làn khói trắng vẫn còn la đà bên dưới và theo sự hướng dẫn của anh Bảo, lần lượt từ trái bom một rơi xuống 2 mục tiêu rồi tôi ngưng lại.
Rút kinh nghiệm lần diệt pháo ở Cần Thơ lúc 2 giờ sáng ngày 11/4/1975 chúng tôi đã giúp Sư Đoàn 21 Bộ Binh thu hồi 2 khẩu đại bác 105 ly mà Cộng Quân đã lấy được ở quận Bình Minh rồi kéo xuống bờ sông Hậu để pháo vào bến Ninh Kiều, Cần Thơ.
(Theo lời Tuyên Dương Công Trạng trước Quân Đoàn cho 5 Sĩ Quan: Thiếu Tá Lê Văn Sang, Thiếu Tá Nguyễn Văn Hai, Trung Úy Nguyễn Thành Bá, Thiếu úy Nguyễn Văn Chuyên (?) và tôi của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn IV mà tôi nghe được qua điện thoại lúc 05 giờ sáng ngày 11/4/1975).
Nhờ hàng chục hỏa châu soi sáng, tôi nhận ra Cộng quân đặt các dàn pháo trong 1 vườn cây ăn trái, cách đài Radar Phú Lâm hơn 500 thước về hướng Tây Bắc (sau 1975 một con đường mới xây xuyên qua vườn xoài nầy mang tên Đường Tên Lửa) và năm ba chiếc trực thăng đang quây quần ở hướng Đông và hướng Bắc của Phú Lâm với cao độ chừng vài ngàn bộ.
Thình lình trong vô tuyến tôi nghe:
- Phi Long 51 cứ trút hết bom xuống đó rồi tối nay ghé nhà tôi nhậu.
Sau khi xác định giới chức vừa ra lệnh cho tôi là cựu Phó Tổng Thống, cựu Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, tôi trả lời:
- Tôi có chút ít kinh nghiệm diệt pháo kích. Hôm nay tôi bay lên đây một mình với 10 trái bom MK-81. Tôi nên thả khi nào tôi thấy rõ mục tiêu. Xin Thần Phong 01 an tâm. Tôi có thể ở đây ít nhất 3 giờ nữa,
Lời đối thoại của tôi với Tướng Kỳ bị ký giả kiêm sử gia người Pháp tên Olivier Todd (trong quyển "Tháng Tư Nghiệt Ngã" mà mọi người xem như là của quý, là quyển sách để đầu giường, (Dương Hiếu Nghĩa dịch): Chương 16…23 xuyên tạc và bôi nhọ:
“Tướng Nguyễn Cao Kỳ lái chiếc trực thăng của ông ta lên, bay chung quanh Sài Gòn, ông thấy một pháo đội Bắc Việt đang tác xạ, mỗi phút một phát. Ông bắt liên lạc được với một đội Skyriders đang bay từ Cần Thơ về:
- Đây Nguyễn Cao Kỳ đây, phải tiêu diệt các pháo đội địch nầy.
- Nhận rõ, nhưng tôi chỉ còn có một quả bom, sĩ quan chỉ huy trả lời. Đúng là giờ đã điểm, đối với những chiến trận danh dự không đáng kể! (Hết trích).
Các đối thoại của Tướng Kỳ và tôi được thu âm trên tần số của Đài Kiểm Báo Paris, nhân viên đài và Phi Hành Đoàn của chiếc Tinh Long-06 và những chiếc trực thăng bay trên không phận Phú Lâm nghe được. Tôi tin tưởng họ là những nhân chứng hùng hồn, với một sự thật như ánh mặt trời mà không bóng đen nào có thể che lấp hay làm lệch lạc được.
Chừng mươi lăm phút sau, hàng loạt hỏa tiễn 122 ly phóng lên tới tấp hướng về Tân Sơn Nhứt và vùng Sài Gòn khiến tôi choáng cả mắt, nghĩ thầm “ước chi tôi có được hàng trăm quả bom!” mới dẹp hết những dàn hỏa tiễn nầy.
Tôi mong sự tiếp tay của anh Phùng hơn bao giờ, chứ một mình tôi thì không thể nào dập tắt được hết những dàn pháo này. Tôi chọn một trong những làn khói đang bốc lên làm mục tiêu. Mỗi khi bay lên được 4.000 bộ là tôi nhào xuống thả bom ngay.
Nhưng trước khi xuống thả bom trái thứ 5 hay thứ 6, tôi thấy có vật gì vừa nổ dưới đất và nghi ngờ có chiếc trực thăng võ trang nào đó bay vào bắn rocket nên tôi cự nự anh Bảo:
- Tinh Long-06 ! Bạn đồng ý cho tôi đánh random attack mà bạn lại cho chiếc trực thăng võ trang nào đó nhào vô ăn có. Nó bay ở cao độ thấp, nhỡ bom của tôi nện trên đầu nó thì phiền lắm."
Anh Bảo liền phủ nhận:
- Không có đâu bạn. Tôi đã đuổi mấy thằng trực thăng qua bên kia Quốc Lộ 4 hết rồi."
Vòng ném bom kế tiếp, tiếng anh Bảo reo lên:
- Dường như có một chiếc A-1 khác ném bom tiếp tay với bạn đó Phi Long 51. Tôi không liên lạc được với chiếc đó."
Linh tính báo cho tôi biết người tiếp tay với tôi không ai khác ngoài anh Phùng.
- Chắc là Thiếu Tá Phùng bay chiếc số 2 của tôi lên tiếp sức với mình đó. Có thể anh ấy bị trở ngại vô tuyến. Bạn đừng lo. Monkeys see monkeys do (thấy tôi thả bom chổ nào, anh ấy sẽ thả xuống chổ đó)
Chuyện hư vô tuyến đối với phi cơ A-1 cũ kỹ của chúng tôi thường xảy ra. Đó chỉ là chuyện nhỏ thôi.
Nhờ nhiều hỏa châu soi sáng giúp chúng tôi dễ dàng diệt những dàn pháo nầy. Tình hình ở đây hoàn toàn yên tĩnh, những dàn pháo đã bị dẹp. Tôi báo với anh Bảo tôi đã hết bom, chỉ còn 800 viên đạn đại bác 20 ly và trở về bảo vệ phi trường Tân Sơn Nhứt, đồng thời xin Paris điều động một phi tuần khác lên thay.
Sang tần số của Saigon Control Tower hỏi xem sau tôi còn có chiếc A-1 nào cất cánh không?
Tôi được trả lời:
- Tụi nó pháo quá chúng tôi phải chui xuống hầm và vừa mới leo lên trên đài, nên chúng tôi không biết có chiếc nào cất cánh sau bạn hay không.
Về đến Tân Sơn Nhứt lúc 5 giờ 25 phút, phi trường chìm trong bóng tối, ngoại trừ ánh đèn của 2 phi đạo, các taxiway còn có một đám đang cháy bập bùng.
Khi bay đến gần đám cháy nầy, tim tôi như ngừng đập, tay tôi run rẩy, miệng không ngớt cầu nguyện ơn trên gia hộ cho vợ con tôi.
Trời còn tối tôi không thể xác định vị trí, chỉ biết đám cháy nầy cách dinh Tướng Kỳ không xa. Tôi chỉ biết cầu nguyện và bay đảo vòng vòng khu nầy, tinh thần tôi bắt đầu căng thẳng và mong cho chóng sáng.
Nếu như vợ con tôi có mệnh hệ nào, tôi không muốn sống lẻ loi và đương nhiên tôi không thể tha tên Võ Đông Giang cùng đồng bọn đang vui mừng trong trại Davis.
Mặc dù không còn pháo kích nữa nhưng mọi hoạt động của phi trường đều ngưng lại, chì có một chiếc phi cơ C-119K danh hiệu Tinh Long-07 bay lên thay chiếc Tinh Long-06 về đáp, ngoài ra không có chiếc phi cơ nào cất cánh hoặc đáp.
Mặt trời sắp ló dạng, vừa đủ sáng để tôi nhận ra đám cháy nầy là cư xá Nữ Quân Nhân. Như trút được gánh nặng ngàn cân khi thấy cư xá của phi đoàn C-7 nơi vợ con tôi tạm trú còn nguyên vẹn.
Cư xá này thuộc Phi Đoàn C-7 Caribou 431, nằm song song với Trung Tâm Giám Định Y Khoa cũ, giữa cư xá Nữ Quân Nhân Không Quân và bức tường phía Nam của dinh Tướng Kỳ.
Tôi hít một hơi thở thật dài và cảm thấy nhẹ hẳn người, cùng lúc đó một chiếc AD-5 với hai quả bom xuất hiện bên cánh phải. Tôi quẹo trái thật gắt nhưng chiếc AD-5 nầy vẫn bám phía sau. Bây giờ tôi khẳng định người cùng với tôi diệt các dàn 122 ly ở Phú Lâm là anh Phùng.
Năm mười phút sau, trên tần số Paris tôi nghe Thiếu Tá Hồ Ngọc Ấn Phi Đoàn 514, danh hiệu Phượng Hoàng 11 cho biết phi tuần của anh cất cánh từ Cần Thơ và đang trên đường tiến về Tân Sơn Nhứt.
Vào khoàng 6 giờ 15 phút, không biết Trung Úy Trang Văn Thành, người bạn thân cùng khóa 68A, Khóa 70-08 T-28 ở Keesler, Trưởng Phi Cơ của chiếc Tinh Long-07 thấy những gì mà gọi Thiếu Tá Ấn:
- Tôi nghi ngờ có một toán năm ba tên VC dự định cắt hàng rào phòng thủ phía bắc của phi trường, cạnh khu đất trống hình tam giác ở An Nhơn. Tôi yêu cầu Phượng Hoàng 11 cho một trái bom bên ngoài vòng rào. Trục đánh từ Đông sang Tây. Tôi hold phía Bắc, cao độ 5.000 bộ.
Biết chắc phi tuần của Thiếu Tá Ấn chưa lên tới, tôi bay đến khu đó nếu cần tôi sẽ sử dụng 800 viên đại bác 20 ly còn lại, nhưng trời chưa sáng hẳn, với độ cao 4.000 bộ tôi không thấy gì cả và bắt đầu xuống cao độ để quan sát. Thình lình một trái bom nổ ngay mục tiêu, anh Thành lên tiếng:
- Số 1 thả bom như để. Số 2 đánh dài hơn 50 thước.
Trái thứ nhì nổ dọc theo vòng rào nhưng dài hơn 1 chút.
Anh Thành la lên:
- Phượng Hoàng 11 hold high and dry (Ngưng thả bom) Số 2 thả bom gần nhà dân quá.
Thiếu tá Ấn lên tiếng phủ nhận:
- Không phải Phượng Hoàng 11 thả bom. Chúng tôi mới đến Bến Lức làm sao thả bom ở đó được?
Từ lúc trở về Tân Sơn Nhứt tôi giữ im lặng vô tuyến và anh Thành tưởng lầm phi tuần của tôi là Phượng Hoàng 11 nên tôi lên tiếng;
- Tinh Long-07! Không phải Phượng Hoàng thả bom đâu. Đó là chiếc số 2 của Phi Long 51 vừa thả hai trái bom cuối cùng. Vô tuyến của số 2 bị hư. Bây giờ Phi Long 51 hết bom rồi, chỉ còn canon mà thôi.
Nghe tiếng của tôi, Đại Úy Nguyễn Tiến Thụy, người bạn cùng khóa A-1 và cùng sinh tử với tôi khi ở Phi Đoàn 530 - Pleiku, bay chiếc số 2 của phi tuần Phượng Hoàng 11 lên tiếng:
- Ê Phúc! Mày nên bay về Cần Thơ đi. Ở đó nguy hiểm lắm.
Nhìn đồng xăng chỉ hơn 800 lbs, dư để bay đi Cần Thơ nhưng tôi trả lời:
- Tao chỉ còn 600 pounds xăng, hơn nữa vợ con tao còn kẹt lại. Sống chết gì tao cũng đáp xuống đây. Vả lại hiện giờ yên tĩnh lắm.
Chừng mấy mươi giây sau, tôi nghe tiếng anh Phùng than phiền với tôi:
- Ê một! Tôi bay với bạn gần 3 tiếng, nghe được mà không nói được. Bực mình và chán chết luôn. Mình bay xuống Cần Thơ đi.
Cũng như câu trả lời cho Thụy, tôi không thể đi Cần Thơ.
Chừng một phút sau, anh Thành báo cho chúng tôi biết:
- Báo cho Phi Long và Phượng Hoàng biết, tôi xuống cao độ để dễ quan sát hơn. Tôi không muốn đánh lầm vào nhà dân. Tội cho họ lắm.
Khi chúng tôi bay trên Lăng Cha Cả, anh Phùng gọi cho tôi:
- Thôi mình đáp xuống đây đi Phúc.
Tôi nghỉ phi tuần của Thiếu Tá Ấn sắp sữa đến nơi, tôi gọi anh Phùng sang tần số Saigon Control Tower và vì lo ngại tình trạng vô tuyến bất ổn của anh nên tôi gọi lại:
- Anh đáp trước đi. Tôi kéo dài Downwind và sẽ đáp sau.
Nhưng trước khi chạm bánh (touch down) anh Phùng gọi lại tôi:
- Số 2 go around (bay lên). Một đáp trước đi và chờ tôi 5 hay 10 phút, tôi chở bạn vô biệt đội.
Nếu không nóng lòng về sự an nguy của vợ con, tôi nên bay theo anh.
Khi vào Final (cận tiến) đài Saigon Control Tower báo cho tôi biết có SA-7 bắn lên.
Tôi không tin nên hỏi lại thì anh này cho biết:
- Tôi thấy mấy cục lửa bằng cườm tay bay lên.
Hồi đầu tháng 12 năm 1973 ở Kiến Đức, tôi cùng phóng viên chiến trường Huỳnh Công Phúc (ngồi ghế phải) may mắn chứng kiến SA-7 bắn như thế nào nên tôi trả lời:
- Anh bạn quan sát lại đi. SA-7 bắn lên không phải là mấy cục lửa bằng cườm tay đâu mà là một vùng khói màu cam, sau đó chuyển sang màu trắng xanh và bay rất nhanh.
Anh bạn này bất bình:
- Tôi báo cho bạn biết mà bạn không tin. Lát nữa bạn bị bắn thì bạn ráng chịu nha.
Bổng nhiên tôi nhớ tới cố Trung Tá Phạm Văn Thặng (tự Thặng Fulro) mỗi lần say xỉn ông thường ngân nga nên tôi buột miệng:
- Làm sao... giết được... người... trong mộng 1..2...3 touch down.
Theo taxiway #7 tôi vào bãi đậu gần đó, mấy anh cơ trưởng đón mừng. Tôi leo xuống và cùng với các anh đứng gần chiếc C-47 bị trúng bom hồi chiều hôm qua và theo dõi chiếc Tinh Long - 07 ở độ cao chừng vài ngàn bộ đang nghiêng cánh trái và xạ kích dọc theo vòng rào phía Bắc. Tiếng súng đại bác 20 ly, 6 nòng gầm như bò rống. Thấy các anh cơ trưởng có vẻ hoang mang, tôi trấn an:
- Ông Trung Úy Thành muốn biểu diễn cho mọi người xem uy lực của đại bác 20 ly, 6 nòng ra sao? Chớ target đó chỉ là tình nghi mà thôi.
Vừa dứt lời, chiếc Tinh Long-07 cũng vừa ngưng bắn nhưng chưa kịp trả cánh, một hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 bay tới từ phía sau, chiếc đuôi bên phải cùng với vài vật màu đen rơi xuống, động cơ phải phát hỏa, cánh phải gãy lìa, phòng lái bùng cháy, phi cơ xoáy tròn rồi cắm xuống đất trong tít tắc.
Tôi chết điếng cả người và nhìn theo cột khói đen cuồn cuộn bốc lên cao hàng trăm thước. Đột nhiên nhiên bủn rủn tay chân rồi tôi quỵ xuống bãi cỏ, nhìn theo cột khói lửa bốc lên tưởng là anh linh của người bạn thân, Trang Văn Thành và Phi Hành Đoàn Tinh Long-07 vừa hy sinh cho Tổ Quốc cùng nhau bay lên Thiên Đàng.
Tình hình thay đổi quá nhanh vì sự xuất hiện của hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7, khắc tinh của các loại phi cơ bay dưới 10 ngàn bộ, nhất là lúc cất cánh hoặc đáp. Phi trường Tân Sơn Nhất bị uy hiếp trầm trọng.
Nếu như không vì nóng lòng về sự an nguy của vợ con, tôi bay thêm mươi phút nữa, người bị bắn rớt có thể là anh Phùng, cũng có thể là tôi?
Các anh cơ trưởng lẵng lặng bỏ đi chỉ còn 1 mình tôi thẫn thờ ngồi trên bãi cỏ.
Cột khói của chiếc Tinh Long-07 bốc cháy lên cao trong nhiều giờ nhưng giới truyền thông, giới ký giả đều cho rằng kho bom, kho nhiên liệu...bị trúng pháo kích. Sau nầy tôi được biết ngoài chiếc Tinh Long-07 bị trúng SA-7 còn 2 chiếc C-119K khác bị bắn, 1 chiếc rơi xuống số 33 đường Ngô Quyền, Chợ Lớn và 1 chiếc khác rơi xuống Kinh Số 4 ở Tân Tạo, trên phi cơ nầy chỉ có 6 người đàn ông và 1 phụ nữ.(2 người được gia đình xác nhận là Đại Úy Trần Đình Chiến và Thượng Sĩ Trần Văn Tiềm Em PĐ 821)
Sau khi đổ đầy xăng cho chiếc phi cơ của tôi, anh tài xế xe bồn chạy đến hỏi tôi:
- Liệu chiếc số 2 của Đại Úy có về đáp không? Tôi có nên chờ đổ xăng?
Tôi trả lời anh:
- Có lẽ Thiếu Tá Phùng thấy chiếc Tinh Long bị trúng SA-7 nên ông bay đi Cần Thơ rồi. Anh không cần chờ ông ấy nữa.
Vào khoảng 7 giờ 25 phút, trên đường quá giang xe xăng vô biệt đội, nhiều loại phi cơ F-5, C-130, C-119, C-47 v.v.. tranh nhau cất cánh. Phi trường bắt đầu hỗn loạn như đàn ong vỡ tổ, không lệnh lạc, mạnh ai nấy chạy và tôi nghĩ không một ai có thể ngăn cản.
Định Mệnh
Tôi vội vã chạy về cư xá C7, trước mặt tôi là cư xá Nữ Quân nhân chỉ còn những đống tro tàn, bên trái hơn mươi bước là 2 dãy cư xá C-7.
Bước vào trong, tôi chỉ thấy những mảnh vụn của bóng đèn néon vương vãi trên sàn nhà. Tim tôi lại đánh lô tô thêm lần nữa. Vòng qua theo lối đi giữa 2 dãy cư xá, 1 trái hỏa tiễn 122 ly không nổ cắm xuống nền nhà, lòi phần trên dài hơn 1 thước, cách vách của phòng vợ con tôi tạm trú với gia đình người em gái (chồng là Thiếu Úy Phạm Trung Vân, PĐ 431) chừng 3 thước, đi thêm vài mươi bước nữa là một cái hầm chống pháo kích. Người đầu tiên tôi gặp là bé Hạnh Thương vừa tròn 7 tháng đang được bồng trên vai mẹ, miệng cười toe toét, tay vẫy mừng ba, đầu cổ, mình mẫy đầy cát bụi.
Cái hầm nầy đã bỏ hoang từ nhiều năm chỉ còn một hay hai lớp bao cát và chỉ cần một trái 122 ly rớt trúng thì không ai sống sót. Vân cho biết trên PĐ 431 có một hầm chống pháo kích rất kiên cố, tôi bảo Vân đưa mọi người lên đó trước, còn tôi gom góp sữa cho các cháu sẽ đến đó sau. Nhưng khi đến trước cổng Bộ Tư Lệnh Không Quân tôi gặp xe của Vân chạy ngược lại và Vân cho biết vị PĐT, Trung Tá N.V.X khả kính không cho vô hầm và nói rằng:
- Giờ này mà ông còn mang mấy bà nội này vô đây làm gì?"
Quý hóa thay tình huynh đệ chi binh hay không bỏ anh em, không bỏ bạn bè?
Một cấp chỉ huy tuyệt vời!
Túng thế tôi bảo Vân chạy theo tôi vào dinh Tướng Kỳ ở phía bên kia đường, dù sao dinh nầy được xây kiên cố, an toàn hơn. Ở đây tôi gặp Thiếu Tá Trần Ngọc Hà, tức nhà văn KQ Trần Ngọc Nguyên Vũ cùng gia đình. Anh Hà là phi công khu trục A-1 lão luyện của PĐ 530. Chưa đầy nửa năm phi cơ của anh bị bắn và phải nhảy dù 2 lẩn, lần đầu vào tháng 11 năm 1971 ở Ben Het, gần ngã ba biên giới Việt-Miên-Lào (tôi bay chiếc số 2) trong phi vụ ném bom ở đường mòn hồ chí minh, lần thứ nhì ở đồi Charlie, Tây Bắc Kontum ngày 12/4/1972. Sau đó nếu có ai hỏi tại sao anh phải nhảy dù nhiều lần. Anh đùa rằng anh rất thích nhảy dù vì nhảy dù là môn thể thao thời thượng.
Nhớ lại những kỷ niệm tuyệt vời trong những năm tháng ở Pleiku, anh Hà và tôi gắn bó bên nhau, thân hơn anh em ruột, nhưng gần 44 năm qua chúng tôi chưa có duyên gặp nhau.
Vào khoảng 9 giờ hơn, một chiếc trực thăng đáp xuống sân cỏ, Tướng Kỳ bước xuống, theo sau là Trung Tá Nguyễn Quốc Hưng cùng người em, Trung Tá Nguyễn Quốc Thành, mỗi người cầm trên tay 1 khẩu súng M-16.
Trong thời gian bị đình động, tôi được đưa sang Liên Đoàn 23 Tác Chiến làm việc dưới quyền Trung Tá Thành, vì vậy tôi đến chào ông và được biết Trưởng Phi Cơ của chiếc trực thăng là Thiếu Tá Qui.
Vài ba phút sau, tôi trở lại cùng nhóm 2 gia đình anh Hà và gia đình tôi.
Tướng Kỳ đi ra rồi đi vô phòng làm việc của ông nhiều lần.
Tôi chợt nhớ đêm 25/4/1975 Tướng Kỳ gọi tất cả phi công F-5 và A-1 có mặt trong Tân Sơn Nhứt vào dinh, ông kêu gọi mọi người nên đưa gia đình sang Guam lánh nạn để mọi người không vướng bận gia đình mà chiến đấu tới cùng. Ông cho biết ông vừa đi thăm Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Bộ Binh ...hồi sáng nầy, tinh thần chiến đấu của các đơn vị tham chiến nầy rất cao. Ngày mai ông sẽ vào dinh Độc Lập để xin Tổng Thống Trần Văn Hương cho phép ông trở về với quân đội để cùng nhau tử chiến. Sau đó mọi người cùng nâng ly chúc chiến thắng.
Vì vậy khi ông bước qua chỗ chúng tôi đứng, tôi mạo muội hỏi ông:
- Bây giờ Tướng định như thế nào?
Có thể hiểu ý của tôi muốn nhắc tới lời kêu gọi tử chiến đêm 25/4, ông buồn bã trả lời:
- Anh em đã chạy hết rồi. Còn ai nữa mà đánh.
Tôi đồng ý với ông, rất nhiều phi cơ đã bay đi từ lâu. Rồi tôi theo chân ông bước vào phòng làm việc, trang trí bên trong vẫn như lần đầu tiên tôi vào đây hồi tháng 9/1971. Khi đó ông thành lập 1 phi đội cảm tử gồm Đại Úy Phạm Văn Thặng (Thặng Fulro) Đại Úy Trần Ngọc Hà, Trung Úy T.K.L và tôi định đảo chánh nhưng bất thành.
Chừng một phút sau tôi trở ra ngoài trò chuyện cùng anh Hà. Khoảng gần 10 giờ sáng, Tướng Kỳ bước ra và nói với tôi:
- Nhờ cậu báo cho tất cả thân hữu của tôi biết Mỹ đã hủy bỏ chuyến C-141 dành cho tôi. Bây giờ mọi người nên sang DAO hay xuống Bến Bạch Đằng. Các tàu Hải Quân đang chờ. Tôi qua rước Tướng Trưởng bên Bộ Tổng Tham Mưu.
Nói xong ông lên phi cơ. Tôi chuyển lời Tướng Kỳ với mọi người. Không biết từ đâu hàng trăm người trong dinh đổ xô ra và sửa soạn rời khỏi dinh.
Thoạt đầu Vân đồng ý với tôi là chạy ra bãi đậu tìm phi cơ nhưng khi ra đến cổng, cô em vợ tôi đổi ý, giẫy nẫy đòi một hai phải trở về nhà. Cả Vân lẫn tôi không dám làm trái ý vì e ảnh hưởng tới sức khỏe của cô (vừa sanh cháu gái thứ 2 hồì tuần trước) nhưng Quân Cảnh ở cổng Phi Long chận tôi lại với lý do là lịnh Trung Tá Ngưu không cho phi công tác chiến rời khỏi Tân Sơn Nhứt.
Vì ngồi băng sau của chiếc Jeep nên tôi bước xuống hơi chậm, người Quân Cảnh này bắn liên tiếp 3 tràng M-16 để thị uy?
Sau đó Đại Úy Đào Công Quận chở tôi trở lại dinh Tướng Kỳ để lấy xe gắn máy.
Tại đây tôi xin Dân Biểu Nguyễn Văn Cử cho tôi nằm trong cốp xe phía sau để ra cổng nhưng ông e ngại tôi bị chết ngộp.
Khoảng 10 giờ 30 phút, Cộng quân bắt đầu pháo nhỏ giọt vào phi trường bằng đại bác 130 ly từ Nhơn Trạch.
Trong lúc bối rối chưa biết phải làm gì, tôi gặp Thiếu Tá Bạch Diễn Sơn, Phi Đoàn Trưởng PĐ 530. Ông gọi tôi di tản xuống Cần Thơ.
Như người mất hồn, tôi chạy theo ông, trên xe ông còn có ThiếuTá Nguyễn Huy Bản, Đại Úy Lê Xuân Châu và tôi là người sau cùng lên chiếc AD-5 do Thiếu Tá Hồ Văn Hiển, PĐ 514 vừa đáp xuống. (Thiếu Tá Trần Thanh Long ngồi ghế phải, Trung Úy Trương Vĩnh Tân bay chiếc số 2)
Phi trường lúc bấy giờ thật vắng vẻ, trời chuyển mưa, cột khói của chiếc Tinh Long-07 bay xà xuống gần mặt đất hơn làm cho bầu trời đen xẩm thêm, ảm đạm hơn. Tôi có cảm tưởng phi trường Tân Sơn Nhứt bấy giờ biến thành bãi tha ma? (Dường như lúc nầy phi trường Tân Sơn Nhứt sắp bỏ ngỏ?)
Đến phi trường Trà Nốc, Cần Thơ tôi tìm nhưng không gặp Thiếu Tá Phùng và coi như anh đã mất tích.
Kế đó tôi vào Phòng Quân Báo SĐ4KQ của Trung Tá Bích để gọi điện thoại về nhà, nhưng tất cả tổng đài ở Sài Gòn như Tiger, MACV, USAID, Khải Hoàn, Thống Nhứt... đều không có người trả lời.
Quá tuyệt vọng, tôi vừa bước ra cửa, đúng lúc Thiếu Tá Huynh taxi ngang qua, ông thấy tôi nên ngừng lại và kêu tôi leo lên chiếc AD-5 phía sau do Thiếu Tá Sang lái để về Tân Sơn Nhứt.
Trên phi cơ đã chứa hơn 15 người, tôi lên sau cùng, không còn chỗ trống, nên phải ngồi chồm hổm giữa 2 sợi dây cáp điều khiển elevator và rudder ở tận phần đuôi của máy bay.
Nhưng mươi phút sau phi tuần nầy lấy hướng đi Thái Lan, mọi người đều reo mừng ngoại trừ tôi nước mắt dầm dề và chúng tôi đến Utapao khoảng 1 giờ trưa (giờ địa phương).
Theo lời Thiếu Tá Huynh, ở Cần Thơ ông được lịnh cất cánh một phi tuần 4 chiếc A-1 trở về bao vùng trên không phận Tân Sơn Nhất để cho các phi cơ F-5 còn lại ở Tân Sơn Nhứt cất cánh đi Thái Lan, nhưng lúc đó phi trường đã bỏ ngỏ nếu bay về đó chỉ làm mồi cho hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 mà thôi.
Lịnh kỳ quái nầy bắt nguồn từ đâu? Có phải vì con số phi cơ F-5 bay qua Thái Lan quá ít chăng ?
Chiều hôm đó 29/4/1975 ở Utapao, một nhân viên của Đài Kiểm Soát Không Lưu Tân Sơn Nhứt cho tôi biết sau chiếc Tinh Long-07 trúng SA-7 không lâu, anh thấy một chiếc A-1 bị rớt ở hướng Tây Nam.
Có phải là chiếc A-1 của anh Phùng?
Tóm lại anh Phùng đã hoàn thành sứ mạng bảo vệ mọi người trong Tân Sơn Nhứt, tôi tin rằng anh linh của anh đang mỉm cười nơi chín suối.
Xin thắp nén hương lòng để tưởng niệm bậc đàn anh đáng kính và người bạn thân Trang Văn Thành cùng Phi Hành Đoàn Tinh Long-07 đã hiến dâng đời mình cho Tổ Quốc.
Cựu Phi Long Trần Văn Phúc.
April, 2019
Xin vào link dưới đây để xem 1 đoạn video ngắn cảnh chiếc Tinh Long-07 trúng hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 do ký giả Don Harris thu hình. Đoạn video nầy được trình chiếu lần đầu tiên trên đài NNBC nhân dịp 30 tháng Tư năm 2007 nhưng ký giả nầy ghi nhầm là đại pháo 130 ly thay vì hỏa tiễn 122 ly pháo kích vào Tân Sơn Nhứt và Thủ Đô Sài Gòn.