Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Đà Lạt Trong Ký Ức Tôi - Hồ Văn Châm

Posted by March 13, 2019 4426
Đà Lạt Trong Ký Ức Tôi

Hồ Văn Châm
 

 

Phi cơ của hãng Air VietNam chở khoảng bốn mươi sinh viên Quân Y từ Hà Nội vào Đà Lạt dự khóa huấn luỵện quân sự năm tuần lễ đáp xuống phi trường Liên Khang vào xế trưa một ngày tạnh ráo đầu tháng 7 năm 1954. Ra khỏi khoang máy bay, không khí mát dịu khác hẳn cái nóng bức dưới đồng bằng khiến mọi người cảm thấy khoan khoái. Đại úy Nguyễn Ngọc Khôi đón chúng tôi ở ngay chân cầu thang máy bay, hướng dẫn chúng tôi vào bên trong nhà ga chờ nhận lại hành lý. Đại úy Nguyễn Ngọc Khôi là người của Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt (EMIAD: Ecole Militaire Inter Armes de Dalat) cắt cử phụ trách liên đội Quân Y chúng tôi trong thời gian thụ huấn quân sự. Chúng tôi được đưa lên ba chiếc GMC chở về thị xã Đà Lạt ở cách phi trường non 40 kilômét.


Ra khỏi địa phận phi trường là gặp ngay Quốc Lộ 20. Xe chúng tôi rẽ trái, hướng về Đà Lạt. Xa xa phía bên phải và song hành với đường xe chạy là một giòng nước trắng xóa chảy giữa những cụm đá nhỏ. Chúng tôi được cho biết đó là thác Liên Khàng. Rừng cây hai bên đường tàn lá lưa thưa, thân cây thấp nhỏ và không có dây leo chằng chịt như cảnh cây cao bóng cả của rừng già nhiệt đới. Qua khỏi Liên Khang, đường đi tiếp tục bằng phẳng khi vào địa phận thung lũng Finom là vùng có nhiều trại trồng hoa hồng để chiết xuất tinh chất sử dụng trong kỹ nghệ nước hoa.

Finom và Liên Khang ở cao độ 1.000 mét so với mặt biển. Đi chừng khoảng 20 kilômét nữa, xe bắt đầu lên đèo Prenn, chạy quanh co ven những ngọn đồi thông, lúc đầu còn lác đác, về sau đường càng lên cao thì rừng thông càng dày dặc, bạt ngàn. Đoạn đường này rất đẹp, mặt đường phẳng lì, độ dốc vừa phải, cung uốn mềm mại, phía chân núi nhiều chổ được cẩn đá tránh sạt lở, phía bờ vực thì ven đường có cả dãy dài cọc gỗ sơn trắng dọc thân và sơn đỏ trên đầu, trông rất đẹp mắt. Xe chạy ngang một tấm biển lớn cắm bên đường đề chữ "Chute Prenn" nhưng chúng tôi không trông thấy thác. Đại úy Nguyễn Ngọc Khôi cho biết trong chương trình thụ huấn có mục đi thăm danh lam thắng cảnh vùng Đà Lạt, trong đó có thác Prenn. Đoàn xe chúng tôi tiếp tục lên cao, quanh co ven những đồi thông xanh mướt một màu từ đỉnh cao đến lũng thấp, ngoạn mục vô cùng. 

Hết đèo Prenn, bên đường lác đác xuất hiện một vài biệt thự lẻ loi giữa rừng thông, báo hiệu đã sắp sửa đến thị xã Đà Lạt. Thế rồi xe chúng tôi chạy vào một con đường tương đối thẳng và lài lài giảm độ cao, giữa những biệt thự đầy hoa, và cuối cùng đến một khúc quành men theo bờ một cái hồ nhân tạo xinh xắn có Nhà Thủy Tạ với mấy chiếc thuyền pedalo đang thả neo. Xe chúng tôi chạy ngang qua một khách sạn lớn có tên là Hôtel Palace de Dalat, một nhà hàng có tên là Riviera, vượt qua một cây cầu nhỏ, rồi rời bờ hồ tiến vào một vùng đất đồi thoai thoải có những ngôi nhà nho nhỏ tường gạch quét vôi trắng và mái lợp ngói đỏ. Đây là ngôi Trường Thiếu Sinh Quân Đà Lạt. 


Học sinh đã đi nghỉ Hè, trường bỏ trống nên nhà chức trách lấy làm nơi tạm trú cho liên đội Quân Y chúng tôi trong thời gian 5 tuần lễ thụ huấn quân sự ở Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Nơi đây, cái gì cũng nho nhỏ, xinh xinh. Từ những ngôi nhà, quãng sân, căn phòng, lối đi, cho tới giường tủ, bàn ghế, cái gì cũng có kích thước khiêm tốn, nhưng được cái là còn rất mới và rất mỹ quan. Tối hôm đó, chúng tôi được ăn bữa cơm quân trường đầu tiên tại Đà Lạt. Cơm ta, nhưng thức ăn nấu nướng và bày biện pha phách theo kiểu tây, mỗi người có phần riêng chứ không ăn chung, lấy thức ăn của phần mình vào dĩa bàn và ăn bằng dao nĩa, chứ không dùng chén đũa. Trời Đà Lạt về đêm mát lạnh. Chúng tôi ăn uống ngon lành và ngủ đẫy giấc.

Đà Lạt nằm trên Cao Nguyên Lang Biang, có độ cao trung bình từ 1.000 đến 1.500 mét. Điếm cao nhất là đỉnh Lang Biang cao 2.500 mét. Chợ Đà Lạt ở cao độ vừa đúng 1.500 mét. Cao nguyên Đà Lạt do Bác sĩ Alexandre Yersin phát hiện năm 1890. Khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình xê dịch từ 18 độ C đến 25 độ C, nên Toàn quyền Paul Doumer quyết định xây dựng Đà Lạt làm trung tâm nghỉ mát chung cho các xứ Đông Dương thuộc Pháp. Ban đầu, người Pháp tính chọn Dankia, nhưng sau nhiều cuộc khảo sát và bàn cãi, đa số ngã theo ý kiến của kiến trúc sư Éthienne Tardif chọn Đà Lạt làm trung tâm xây dựng thị xã. 

Việc quy hoạch bắt đầu tiến hành năm 1898, và chỉ một năm sau, năm 1899, thị xã Đà Lạt đã có những công trình xây cất quan trọng đầu tiên nổi bật giữa những rừng thông bạt ngàn. Chợ Đà Lạt và khu phố xá buôn bán nằm trên một ngọn đồi cao nhất vùng, giòng suối Cam Ly dưới chân đồi được một con đập ngăn lại thành một cái hồ nhân tạo gọi là hồ Đà Lạt, có chu vi khoảng trên dưới 5 kilômét (sau này được đổi tên là hồ Xuân Hương). Biệt thự, công ốc, khách sạn, nhà hàng, đường sá, vườn tược, thảy thảy đều mang đậm dấu ấn phương tây. Thời đó, sân vườn nhà nào cũng phải trồng hoa, và đỉnh Lang Biang, đứng trước thềm "Hôtel Palace de Dalat" nhìn ra, không được có bất kỳ công trình kiến trúc nào che lấp. 


Khách sạn nổi tiếng này đã được xây từ năm 1907 theo phong cách kiến trúc De Arco đặc thù Pháp và hoàn tất năm 1920. Qua các biến cố thời cuộc, khách sạn Palace sau một thời gian hoạt động trì trệ nay được chỉnh trang lại thành khách sạn 5 sao, là điểm hẹn chủ chốt của các chương trình du lịch Đà Lạt. Tôi có nghe chuyện một nhà doanh nghiệp Mỹ tên là Larry Hillblom trước đây có đến trú ngụ tại Hotel Palace đang đà xuống cấp, nhân cảm thương cho cái lẽ hưng phế ở đời nên đã bỏ tiền riêng sửa sang tầng hầm khách sạn thành một chỗ ngổi uống rượu vô cùng ấm cúng. Để tưởng nhớ công sức và thiện tâm người khách hào phóng, ban quản lý khách sạn đã đặt tên cho gian phòng uống rượu này là Larry's Bar. Từ ngày thiên di ra sinh sống ở nước ngoài đến nay, tôi chưa có dịp trở về Việt Nam nên không rõ số phận Larry's Bar về sau ra sao.

Cao Nguyên Lang Biang trước thời Pháp thuộc hầu như không có người Việt Nam cư trú. Nhà Khoa học Nhân Văn người Pháp Pierre Gourou, người đã mệnh danh văn minh Việt Nam là văn minh thảo mộc, nhận xét rằng người Việt Nam không xây nhà lập nghiệp trên những triền dốc cao hơn 15 mét so với mặt đất vùng trũng chung quanh. Trên đường nam tiến, sau khi vượt đèo Cù Mông, người Việt Nam men theo những cánh đồng duyên hải tiến thẳng vào Đồng Nai, để nguyên rừng núi Nam Trường Sơn cho các nhóm dân tộc Thiểu số Tây Nguyên cư ngụ. Triều Nguyễn chỉ thu phục trên danh nghĩa hai bộ tộc lớn Thủy Xá và Hỏa Xá, ủy thác cho tỉnh thần Phú Yên hằng năm thu cống phẩm và ban cho tù trưởng hai bộ tộc đó mũ áo quan Tam Phẩm. Vì vậy, Cao Nguyên Lang Biang cho tới ngày Alexandre Yersin phát hiện hoàn toàn là địa bàn sinh hoạt của các sắc dân thiểu số Mạ và Stieng. 

Chỉ từ khi người Pháp mở mang Đà Lạt thành trung tâm nghỉ mát chung cho các xứ Đông Dương thuộc Pháp thì người Việt Nam mới lục tục kéo nhau tới định cư, chủ yếu là viên chức chính quyền từ Huế, giới thương gia và những người buôn bán nhỏ từ Sài Gòn, đem theo gia đình, quần cư tập trung ở những lũng thấp chung quanh khu chợ. Về sau, vì muốn có rau tươi tại chỗ cung cấp cho thị trường Đà Lạt, người Pháp mới nhờ chính quyền Nam triều mộ dân ngoài Bắc vào để lập hai ấp Hà Đông và Nghệ Tĩnh ở vùng ngoại ô. Nhưng từ khi người Việt Nam bắt đầu quen với phong thổ Cao Nguyên, rủ rê nhau kéo lên lập nghiệp thì người Pháp lại hạn chế việc thiên di của dân Việt. 

Nói chung, người Pháp muốn tách biệt Đà Lạt và Tây nguyên ra khỏi xu thế phát triển về các mặt văn hóa xã hội của Việt Nam nên ra sức hạn chế ảnh hưởng của ngườì Việt Nam, thuyết phục Quốc Trưởng Bảo Đại ban hành chỉ dụ thành lập Hoàng Triều Cương Thổ bao gồm các đạo (tỉnh nhỏ) Kontum, Gia Lai, Darlac, Haut Donnai tách ra khỏi xứ bảo hộ Trung Kỳ, bắt buộc công dân Việt Nam ba kỳ trung, nam, bắc muốn lên Đà Lạt phải xin cấp "giấy chu lưu" (một hình thức chứng từ y như passeport, hộ chiếu xuất nhập cảnh). Sau năm 1955, người Pháp ra đi, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa được thành lập, vùng Tây nguyên mới trở lại với quy chế hành chánh chung cho cả nước và được chia thành các tỉnh Kontum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Tuyên Đức, Quảng Đức và thị xã Đà Lạt. Ngày nay, dưới chế độ xã nghĩa, Kontum và Pleiku hợp nhất thành tỉnh Gia Lai - Kontum, Buôn Ma Thuột là tỉnh Đắc Lắc, Tuyên Đức là tỉnh Lâm Đồng, Quảng Đức là tỉnh Đắc Nông, và Đà Lạt trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Từ ý định ban đầu mở mang Đà Lạt thành trung tâm nghỉ mát cho toàn xứ Đông Dương, người Pháp chú tâm tới vị thế đặc biệt của Đà Lạt về phương diện địa chính trị và dần dà nghĩ đến việc chuyển trung tâm hành chánh của Đông Dương thuộc Pháp về Đà Lạt. Trước hết, Đà Lạt có ưu thế vượt trội so với các trung tâm thị tứ lớn khác ở Đông Dương về mặt khí hậu. Nhờ vào độ cao, khí hậu Đà Lạt ôn hòa, quanh năm không nóng không lạnh, rất dễ chịu đối với người Pháp vốn sinh trưởng trong vùng khí hậu miền ôn đới. Sài Gòn, Nam Vang, Vạn Tượng nóng quanh năm, Huế thì ẩm ướt, Hà Nội dễ chịu về thu đông nhưng rất nóng bức về Hè. Nhưng quan trọng bậc nhất là về mặt địa lý nhân văn. 

Đà Lạt là một thành phố mới được chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng, mang đậm dấu ấn phương tây, lại ở vào vị trí không nam không bắc, trung độ giữa đông giữa tây, cho nên đối với cả năm xứ Đông Dương thuộc Pháp, việc lệ thuộc vào một trung tâm hành chánh đặt tại Đà Lạt không gợi lên một chút mặc cảm kỳ thị địa phương hay phân biệt đối xử nào trong tâm trí người bản xứ. Đối với người dân thuộc địa của năm xứ Đông Dương, Đà Lạt với phố xá, dinh thự xây cất theo kiến trúc Pháp, với lề lối sinh hoạt và giao tiếp theo phong cách Pháp, Đà Lạt là biểu trưng của nước Pháp. Thời đó, thanh niên nam nữ Việt Nam ba kỳ Trung Nam Bắc lên Đà Lạt theo học các trường Lycée Yersin hay Couvent des Oiseaux đều có cảm giác như là đặt chân lên chính đất Pháp vậy. 

Người Miên, người Lào đến Đà Lạt không có mặc cảm bị phụ thuộc vào Việt Nam, mà người Việt Nam dù từ miền nam hay từ miền bắc đến Đà Lạt cũng không hề còn có chút bận bịu vấn vương về các mâu thuẫn địa phương. Người Pháp đã thiết lập ở Đà Lạt sở Địa chính Đông Dương và xây dựng phủ Toàn quyền với quy mô to lớn. Trong thực tế, suốt Thế Chiến Thứ Hai, từ 1939 đến 1945, phủ Toàn Quyền và một số cơ sở liên bang đã được chuyển về Đà Lạt. Có thể nói, trong khoảng thời gian này, Đà Lạt là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. 

Sau ngày 9-3-1945, chính quyền thuộc địa Pháp bị quân đội Nhật lật đổ, Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố bãi bỏ Hòa ước Patenôtre, tướng De Gaulle đã phản ứng lại bằng dự án thiết lập Liên bang Đông Dương với giải pháp Duy Tân, dự tính đưa cựu hoàng Duy Tân về Huế thay thế Bảo Đại, tiếp tục chia cắt Việt Nam làm ba xứ Trung Nam Bắc kỳ, cùng với hai xứ Miên Lào kết hợp thành Liên bang Đông Dương, và đặt thủ đô liên bang tại Đà Lạt. Rất không may cho người Pháp, trên đường về thăm nhà ở đảo Réunion trước khi trở về Việt Nam, cựu hoàng Duy Tân đã tử nạn khi bay ngang qua Phi châu trong một vụ trục trặc máy móc khó hiểu. 

Ngày hôm sau, chúng tôi đồng loạt thức dậy sớm theo tiếng chuông báo thức. Sau bữa điểm tâm với bánh mì, pâté, jambon y hệt như ở trường Quân y Hà Nội, chúng tôi được Đại úy Nguyễn Ngọc Khôi đưa đến Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt trình diện nhập khóa. Chúng tôi được lệnh mặc quân phục làm việc mùa Hè, quần áo vải kaki, mũ béret đen, giày da đen. Hồi đó phục sức trong quân ngũ vẫn giữ nguyên theo chế độ thời thuộc địa, phân chia làm hai vùng: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Lào mùa Hè mặc đồ vải kaki, mùa Đông mặc đồ dạ, Nam Kỳ và Cao Mên, quanh năm chỉ mặc đồ vải kaki. 

Xe chở chúng tôi quành ra bờ hồ, qua cầu nhỏ, leo con dốc cuối hồ rồi chạy ngược lên theo một con đường rất đẹp có nhiều biệt thự, và cuối cùng đi vào giữa một khu rừng thông bạt ngàn. Doanh trại trường Võ Bị hiện ra, xe chúng tôi vượt qua cổng trường tiến vào bên trong. Toàn bộ nhà cửa khu doanh trại này đều bằng gỗ, từ kèo cột, rui mèn cho đến trần nhà, vách ngăn, tất cả đều bằng gỗ thông. Những thân cây thông thẳng tắp giữ nguyên võ được cắt bằng đầu, sắp theo chiều ngang, chồng sít sao lên nhau để làm tường nhà. Chúng tôi xuống xe và sắp hàng trước Bộ chỉ huy để trình diện Đại Tá Chỉ Huy Trưởng. 

Lúc bấy giờ, quân đội Việt Nam đang ở vào thời kỳ mới thành hình, và còn do người Pháp trực tiếp chỉ huy. Các đơn vị thuần túy do sĩ quan Việt Nam chỉ huy chỉ mới lên tới cấp tiểu đoàn, phần lớn là tiểu đoàn Khinh Binh. Tất nhiên lúc này vị Đại Tá Chỉ huy Trưởng Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt là người Pháp. Sau nghi thức trình diện, chúng tôi được hướng dẫn đi thăm doanh trại nhà trường, gặp gỡ các huấn luyện viên, phần đông là sĩ quan người Việt cấp bậc Trung úy. Trường Võ Bị này được thành lập để đào tạo sĩ quan cho quân đội Việt Nam, khởi nguyên được thiết lập ngày 6-6-1948 tại Huế trên cơ sở của Nha Thương Chính Trung Kỳ, gọi là Trường Sĩ quan Việt Nam Hiện dịch, nhưng vì tọa lạc bên bờ sông Hương ngay đầu Đập Đá nên dân chúng quen gọi là trường Sĩ quan Đập Đá. Khóa đầu tiên ra trường ngày 1-6-1949 gồm có 53 Thiếu úy hiện dịch. Hoạt động được hai khóa thì có quyết định của chính quyền di chuyển trường lên Đà Lạt. Tại đây, trường mở khóa 3, đổi tên là Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, và tiếp tục mở các khóa huấn luyện tiếp theo. Thời cộng hòa, trường lại đổi tên là Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, tiếp tục hoạt động cho đến năm 1975 khi miền Nam mất vào tay cộng sản miền Bắc. Điều kiện tuyển sinh và chương trình giảng dạy được cải tiến toàn diện. 

Thoạt đầu, ứng viên chỉ cần có học lực tương đương bậc trung học đệ nhất cấp, và thời gian thụ huấn chỉ kéo dài trong vòng một năm, chương trình học tập cũng thuần túy quân sự. Về sau, ứng viên phải có bằng tú tài toàn phần, thời gian thụ huấn là 4 năm, và chương trình học tập ngoài phần quân sự còn bao gồm phần văn hóa tương đương trình độ cử nhân, đào tạo người sinh viện tốt nghiệp từ trường Võ bị Quốc gia Việt Nam thành một sĩ quan cấp Thiếu úy văn võ kiêm toàn.

Liên đội Quân y chúng tôi ăn ở tại trường Thiếu Sinh Quân, ngày ngày hai buổi sáng chiều xe GMC chở vào Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt thụ huấn quân sự. Chúng tôi bắt đầu làm quen với một số môn học mới với những danh từ thuần túy chuyên môn chỉ áp dụng trong thuật ngữ của quân đội. Học về địa hình, chúng tôi biết thêm các danh từ talweg, vallée đối kháng với ligne de crête, sommet và hauteur. Về Pháo Binh và tác xạ, chúng tôi học phân biệt ligne de hausse với ligne de mire và point de mire, cũng như biết thế nào là charge, là pétard, là mìn định hướng, nhất là sự khác biệt về cấu trúc cũng như về công dụng giữa mìn phòng thủ với mìn tấn công. Chương trình huấn luyện vẫn là chương trình của quân đội Pháp, nhưng vì huấn luyện viên phần đông là sĩ quan Việt Nam nên được giảng dạy bằng tiếng Việt, chỉ có các thuật ngữ quân sự là giữ nguyên tiếng Pháp kèm lời giải thích bằng tiếng Việt. Gặp môn học nào do huấn luyện viên người Pháp phụ trách thì chuyển ngữ sử dụng là tiếng Pháp. 

Thời đó, thanh niên có trình độ Trung Học đều ít nhiều hiểu tiếng Pháp, nên lề lối học tập như vậy không gặp trở ngại nào. Đến phần chương trình học thực hành thì đơn giản và hào hứng hơn. Chúng tôi được dịp học tháo ráp vũ khí, từ thứ thông thường như súng colt, súng mousqueton, đến các thứ phức tạp hơn như mitraillette Thompson, đại liên F.M., và được thực tập bắn đạn thật với các thứ vũ khí đó. Chúng tôi lại còn được đốt trái pháo (petard), và bắn súng cối 81 ly.

Thực tập đốt "petard" thì mỗi học viên được phát một trái pháo, đem trái pháo cắm vào nơi đã chỉ định rồi châm lửa đốt và chạy nhanh trở lại nơi ẩn nấp. 

Thực tập bắn súng cối 81 ly thì học viên được chia thành tổ 4 người, mỗi tỏ chỉ được cấp một quả đạn. Học viên trong mỗi tổ lần lượt thao tác việc lắp ráp các bộ phận rời vào nòng súng, như giá kê, bàn thối hậu, xong định hướng súng, chấm tọa độ, điếu chỉnh "ligne de hausse" v.v. Sau khi huấn luyện viên duyệt xét xong, học viên lại tháo rời các cơ phận ra đặt vào chỗ cũ để cho học viên tiếp theo làm lại các thao tác vừa kể. Sau khi cả 4 thành viên trong tổ được khảo hạch xong, bấy giờ súng để nguyên không phải tháo rời các cơ phận và một học viên trong tổ được chọn để thả quả đạn vào trong nòng súng. Quả đạn bay phụt ra, đến mục tiêu thì nổ tung gây nên tiếng ầm vang lan tỏa ra cùng với lửa và khói. Hôm đó, Võ Tam Anh trong tổ của tôi được cắt cử việc thả quả đạn vào nòng súng, không hiểu sao quả đạn chỉ phụt ra khỏi nòng chừng 5 mét là rơi xuống đất ngay trước mặt chúng tôi, may mà không nổ! Huấn luyện viên lớn tiếng hô nằm xuống, chúng tôi nhoài người nằm rạp sát mặt đất. Quả tình mọi người phải một phen hú vía!

Những buổi học lý thuyết hay tập thực hành trong nhà thì chúng tôi được mặc quân phục làm việc, nhưng những lúc tham dự các buổi học tập ngoài trời thì chúng tôi phải mặc quân phục tác chiến. Áo quần giày mũ tác chiến này chúng tôi đã được cấp phát ngay từ lúc mới vào trường quân y nhưng thực sự chưa được chính thức dùng đến. Ngay cả lúc ra bãi sông Hồng tập đi đều bước dưới sự chỉ dẫn của ông Chuẩn úy già trong tuần đầu tiên nhập trường, chúng tôi cũng không phải mặc đồ trận. Nay được lệnh mặc quân phục tác chiến, nhiều người trong chúng tôi lúng túng thấy rõ. 

Áo quần may từ bên Pháp, theo vóc vạc người Châu Âu, nên lúc được cấp phát, người nào không chú tâm lựa chọn áo quần kích thước phù hợp thì nay như bơi trong đống áo xống thùng thình, trông rất ngộ nghĩnh, thật chẳng giống ai. Đến như đôi giày trận thời đó thì thật kinh khủng đối với những người thư sinh mặt trắng chúng tôi! Đây là đôi giày "săng đá" (brodequin) bằng da cứng không thấm nước, rất nặng, mặt dưới đế đóng dày dặc đinh sắt, đi trên mặt đất nghe rạo rạo, lộp cộp, rất khó buộc dây cũng như rất khó mang vào tháo ra. Giày "brodequin" thấp cổ, mang vào chân xong, chúng tôi túm ống quần lại và quấn ghệt (guêtre) quanh cổ chân. Ngang lưng quần mang "ceinturon" có cài các túi đạn và bi đông đựng nước. 

Áo "treillis" vạt bỏ vào bên trong quần, cánh tay áo và cầu vai tháo hết phù hiệu và cấp bậc. Đầu đội mũ đi rừng (chapeau de brousse), vai khoác súng mousqueton hoặc mitraillette Thompson. Chúng tôi được lệnh tập họp thành hai hàng ngang trước sân hội trường để sĩ quan huấn luyện viên kiểm tra từ đầu đến chân mọi chi tiết trên quân phục tác chiến, và được chỉ bảo điều chỉnh lại các điểm khiếm khuyết chưa thật đúng với quân cách. Rồi thôi. 

Chúng tôi không phải tập huấn các thao tác lưng đeo "sac marin", vai khoác súng trường, đầu đội nón sắt, leo thang, vượt tường, chạy vòng quanh doanh trại, hay trườn người tiến lên bên dưới hàng rào kẻm gai. Những giờ học tập tác chiến dã ngoại, chúng tôi không phải tham gia hành quân mà đi theo Đại Tá Chỉ Huy Trưởng leo lên một ngọn đồi cỏ, ngồi nhìn xuống các lũng thấp quanh vùng, theo dõi các toán sinh viên sĩ quan Đà Lạt tập huấn, để nghe giảng giải về các nguyên tắc căn bản điều quân chiến thuật. Chúng tôi đã được nhà trường dành cho một sự đối xử đặc biệt, quả nhiên là theo đúng lề lối và truyền thống trong quân đội Pháp về sự ưu ái và đãi ngộ dành riêng cho ngành quân y. 

Chúng tôi đến Đà Lạt chừng hai tuần lễ thì hòa đàm Genève đi đến thỏa hiệp đình chiến và chia cắt Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Các sinh viên sĩ quan Quân Y cũng như sinh viên sĩ quan Đà Lạt gốc Thừa Thiên Quảng Trị thở phào nhẹ nhõm vì bấy lâu cứ hồi hộp nghe các tin đồn về chia cắt có thể ở Tuy Hòa hoặc Đà Nẵng. Các sinh viên miền Bắc thì đón nhận tin tức bình thản hơn vì lẽ tất cả đều đã dự đoán nơi chôn nhau cắt rốn của mình đương nhiên là ở phía bắc đường phân cát. Hơn nữa, hầu hết đều đã được người thân liên lạc cập nhật tin tức về việc gia đình đang chuẩn bị di cư vào Nam. 

Mấy hôm sau, một vị Y sĩ Trung Tá từ bộ Tư lệnh Đệ Tam Quân Khu vào Đà Lạt thăm liên đội Quân Y chúng tôi, trình bày sơ lược về nội dung Hiệp nghị Genève, và thông báo cho chúng tôi biết Trường Quân Y sẽ cùng các cơ quan quân sự khác ở Hà Nội di chuyển vào Sài Gòn. Vị Y sĩ Trung Tá từ Hà Nội vào lại là người Hà Nội nên các sinh viên quê quán bên phần đất Tổ quốc bị chia cắt được dịp tíu tít hỏi thăm tình hình ngoài Bắc. Tất cả sinh viên Quân y chúng tôi được cho biết là sau khóa huấn luyện quân sự 5 tuần lễ này, chúng tôi sẽ có giấy phép đi nghỉ Hè 2 tháng như quy định, nhưng không được trở về phía bên kia Vĩ tuyến 17, rồi sau đó về trình diện Trường Quân Y tại cơ sở mới ở Sài Gòn, địa chỉ sẽ thông báo sau. Cũng vào dịp này, phòng Tâm Lý Chiến Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt tổ chức một tối văn nghệ trong khuôn khổ chương trình "tác động tinh thần" tại rạp hát thị xã có bán vé cho công chúng vào xem để gây quỹ xã hội cho nhà trường. 

Vị Thiếu tá Trưởng phòng ngõ ý với Đại úy Nguyễn Ngọc Khôi mời sinh viên Quân Y chúng tôi tham gia chương trình biễu diễn. Chúng tôi đồng ý đóng góp một màn kịch nói, và nhanh chóng thành lập ban kịch để cấp tốc soạn kịch bản, cử anh Nguyễn Thế Minh làm đạo diễn, tuyển chọn kịch sĩ "cây nhà lá vườn", và mời chị Đặng Thị Trinh, sinh viên Dược Hà Nội đang nghỉ Hè ở Đà Lạt, đóng một vai nữ để cho buổi trình diễn thêm phần sống động. Kịch bản được xây dựng theo chủ đề toàn dân "quyết tâm vào Nam tìm Tự do". 

Đây là câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ (chồng Hoàng Ngọc Khôi, vợ Đặng thị Trinh) bị dày vò, ray rức, phân vân giữa quyết định ra đi hay ở lại vì ý kiến khác biệt giữa hai đàng thông gia. Bên chồng, cụ Đồ (Nguyễn Thế Minh) khư khư ôm chặt đạo lý Thánh Hiền không muốn mọi người ra đi, rồi đây bàn thờ gia tiên ai hương khói? mồ mã ông bà ai trông nom? Bên vợ, ông Xã (Nguyễn Phú Duyệt) ý kiến ba phải, ra đi cũng được, ở lại cũng tốt, nhưng bà Xã (Hồ Văn Châm) thì dứt khoát quyết định ra đi, quê quán bà trên Phùng, trước đây bà đã chết khiếp chứng kiến cảnh đấu tố man rợ của các đội cải cách ruộng đất khắp các làng mạc vùng quê xứ Đoài. Sau màn đối thoại cân nhắc hơn thiệt với đầy đủ lời lẽ vừa có lý vừa có tình giữa hai đàng thông gia, trước một bối cảnh hậu trường đèn đuốc bập bùng, tiếng gọi ơi ới của đoàn người đông đảo quyết tâm vào Nam tìm Tự do, chàng trai nông dân lực lưỡng dìu ông Đồ già áo the vắt vai, khăn xếp đội đầu, nhập vào đoàn người tất tả xuôi nam, theo sau là bà Xã, và cô con gái, cả hai chân quê áo tứ thân khăn mỏ quạ, kéo tay ông Xã quần xắn móng lợn, thúc dục ông đi nhanh cho kịp mọi người.

Buổi trình diễn văn nghệ của Trường Võ Bị rất thành công. Khán giả thị xã Đà Lạt vốn chỉ có các rạp chiếu phim ciné và rạp Ngọc Hiệp chuyên hát cải lương để mua vui, nay có dịp thưởng thức một chương trình văn nghệ ca nhạc kịch nên như người lâu ngày ăn cơm được thay đổi món ăn lạ miệng. Điều thú vị là màn kịch nghiệp dư của sinh viên sĩ quan Quân Y được hoan nghênh nhiệt liệt, nhất là từ phía khán giả phái nữ. Phải chăng vì biết các diễn viên đều là bác sĩ tương lai nên cảm quan của họ khi thưởng thức nghệ thuật phần nào bị thiên lệch bởi cảm tình riêng tư chi phối? Dù sao thì nội dung vở kịch của chúng tôi cũng lành mạnh, lại rất phù hợp với không khí chính trị lúc bấy giờ. 

Các diễn viên đều làm tròn nhiệm vụ, thực hiện trọn vẹn vai tuồng của mình. Bản thân tôi thủ vai một bà nhà quê gốc gác xứ Đoài đất Bắc, nhờ vào vóc dáng nhỏ nhắn gói gọn trong tấm áo tứ thân và khuôn mặt trắng trẻo trùm kín dưới vòm khăn mỏ quạ, lại thêm giọng nói con trai xứ Huế cố ý nhại giọng Bắc kỳ, nên ai ai cũng tưởng tôi đúng là người đàn bà từ trên Phùng xuống. Ông Xã Nguyễn Phú Duyệt thường ngày nét mặt vốn lầm lì, râu ria lại rậm rạp, nay được căn dặn là sáng hôm đó không được cạo râu nên lúc lên sân khấu không cần hóa trang cũng ra dáng là một nông dân chất phác, ba phải. 

Đặc biệt là cụ Đồ Nguyễn Thế Minh, áo the khăn xếp, mặt trắng lưng dài, khi cao giọng ngâm thơ Lý Bạch "Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai, Bôn lưu đáo hải bất phục hồi", rồi quay sang hỏi ông thông gia: "Làm chi cho mệt một đời, phải không a cụ?" đã được khán giả rào rào vỗ tay tán thưởng. Đôi vợ chồng Hoàng Ngọc Khôi, Đặng Thị Trinh trẻ trung, khoẻ mạnh, tuy làm dáng chân quê nâu sồng, nhưng vẫn không che dấu được cốt cách trai tuấn tú, gái diễm kiều, rất được lòng khán giả mọi lứa tuổi. Sáng ngày hôm sau, Đại úy Nguyễn Ngọc Khôi thay mặt bộ Chỉ huy Trường Võ Bị cám ơn liên đội sinh viên Quân Y chúng tôi, và ngõ ý muốn trích một phần tiền bán vé để chiêu đãi anh em, nhưng chúng tôi từ chối, xin để hoàn toàn dành cho quỹ xã hội nhà trường. Ngoài chị Trinh là người bên ngoài được mời tham gia ban kịch, tất cả các diễn viên đều là "cây nhà lá vườn".

Trong khuôn khổ chương trình thụ huấn quân sự tại Trường Võ Bị Đà Lạt, chúng tôi thường được đưa đi thăm các danh lam thắng cảnh trong vùng, nơi gần ở ngay tại thị xã, đi về trong một buổi, nơi xa ở mãi tít tắp trên đỉnh Lang Biang, thời gian du ngoạn kéo dài hai ngày, cả đoàn phải cắm lều ngủ qua đêm giữa chừng lộ trình. Chúng tôi mặc quân phục tác chiến, mang theo trên mình súng ống đạn dược cá nhân. Các điểm tham quan gồm đủ mọi hạng mục, từ phong cảnh thiên nhiên sông suối, núi rừng đến các công trình nhân tạo dinh thự, đập nước. Rừng thông, đồi cỏ thì giáp mặt hằng ngày. 

Nơi cư ngụ là Trường Thiếu Sinh Quân Đà Lạt nằm bên cạnh sân cù, giữa vùng đồi cỏ xanh mướt kéo dài mãi tới mút tầm mắt, chúng tôi sáng sáng thức dậy mở cửa bước ra là được thưởng thức cái bao la mát mẻ trong xanh của đất trời vô cùng vô tận. Mỗi ngày trên xe đến lớp học tại Trường Võ Bị Liên Quân, qua khỏi hồ Đà Lạt và khu biệt thự đường Trần Hưng Đạo là chúng tôi cảm thấy tâm hồn lâng lâng khi thân xác nương theo đà xe băng qua những rừng thông bạt ngàn, xúc giác và khứu giác đắm chìm trong bầu không khí nức mùi tùng hương dìu dịu hăng hắc. Vậy mà đến những buổi du ngoạn ngoài trời, chúng tôi vẫn cảm thấy như lạc vào một thế giới khác, thế giới của tĩnh lặng, của mộng mơ, của không gian tinh khiết, của hoa cỏ xanh tươi, của thác nước cheo leo, của rừng cây hùng vĩ. Ngày ấy, dân số Đà Lạt còn rất khiêm tốn, việc thiên di từ dưới đồng bằng lên bị hạn chế và việc cư trú xây nhà lập vườn bị kiểm soát gắt gao nên phong cảnh Đà Lạt còn bảo lưu được cái vẻ hoang sơ rất thơ mộng không tì vết vì bàn tay vô ý thức của con người. Ngay như con suối nhỏ róc rách quanh co qua những bậc đá gập ghềnh tạo thành thác Cam Ly khiêm tốn giữa lòng thị xã cũng không có một cọng rác hay một mẩu giấy vụn ven bờ. 

Hồ Than thở mé sau Trường Võ bị, trên con đường mòn dành cho khách săn thú (piste de chasse) cũng đủ rộng để được gọi là hồ, và cũng đủ tịch mịch để có thể thoảng nghe tiếng gió thổi qua tàn cây mà đặt tên hồ là Hồ Than Thở (Lac des Soupirs). Mé bên kia hồ, mấy cái nhà gỗ kiểu chalet Thụy Sĩ làm tăng vẻ thơ mộng cho cảnh quan chung quanh hồ. Ra xa chút nữa là mấy trang trại nho nhỏ của người Pháp, có con chó berger chạy ngược lên đồi vừa chạy vừa sủa, có lũ trẻ con Tây trắng trẻo xinh xắn đùa giỡn bên trong vòng rào, và có mấy cô đầm con thập thò sau cánh cửa, nửa như khép hờ, nửa như bỏ ngõ, thực thực hư hư, vô cùng thơ mộng. Thác Prenn thì cũng chỉ là dòng suối nhỏ có đoạn thác nước chảy tràn qua một khối đá rộng, cũng như thác Liên Khàng, tuy gọi là thác nhưng mực nước chênh lệch không đáng kể, nên thực chất chỉ là một đoạn sông nhỏ chảy qua một vùng đất đá gập ghềnh, lô nhô trồi đầu ngổn ngang trên mặt nước. Đến như thác Gougah, và nhất là thác Pongour thì thực sự là những thác nước hùng vĩ, tuy không vĩ đại như các thác nước nổi tiếng của nước ngoài, nhưng cũng tạm gây ấn tượng đáng kể trong lòng khách đến tham quan. 

Chúng tôi còn đến thăm ấp Đa Thiện trong thung lũng Dran (Đơn Dương), xuôi đèo Bellevue (Ngoạn mục), và leo lên đỉnh Lang Biang. Đèo Bellevue dài xấp xỉ đèo Hải vân, cũng có nhiều cung đường ngoằn nghèo nguy hiểm, chênh vênh giữa một bên là sườn núi cao, một bên là bờ vực thẳm. Du ngoạn lên đỉnh Lang Biang thì chúng tôi cắm trại thổi cơm ăn tối và ngủ qua đêm ở dưới chân núi, sáng sớm hôm sau mới leo lên đỉnh. Sinh viên Quân y chúng tôi được chia thành từng nhóm 3 người, cùng nhau dựng chung một căn lều để ngủ, cùng nhau thổi cơm chung một bếp lửa để ăn. Tôi chung nhóm với hai anh Chu Tất Đắc và Nguyễn Khái, cả hai anh đều học trên tôi một lớp, và cùng vào trường Quân y trước tôi một năm. Chóp núi Lang Biang có 3 đỉnh, nhìn từ xa tưởng như đều có cao độ sàn sàn với nhau. 

Đường mòn lên núi dẫn đến đỉnh thấp nhất rồi băng qua đỉnh giữa và sau đó mới dẫn lên đỉnh cao nhất. Trên đỉnh nầy không có công trình xây cất gì, chỉ có một cây thập tự bằng gỗ dựng trên một đống đá. Các chuyến đi chơi qua núi qua đèo tuy vất vả nhưng thật là vui. Quanh năm sống gò bó trong lòng các đô thị chật chội và nắng nóng, bây giờ thung dung giữa núi đồi bát ngát, không khí trong lành, chúng tôi thả lõng tâm hồn, hầu như quên cả thời gian. Có lần đi du ngoạn thác Gougah, tôi và Võ Tam Anh mãi mê đi sâu vào cánh rừng thưa ven bờ thác, say sưa với hương vị quyến rũ của gió núi cây ngàn mà quên giờ giấc trở về, đến khi nghe tiếng máy xe GMC nổ ngoài xa mới sực tỉnh vội vàng chạy về điểm tập họp. Biết chắc là dù chạy nhanh đến đâu chăng nữa thì cũng không thể về kịp điểm hẹn trước khi xe chạy, tôi nhanh trí tháo súng carbine khỏi vai đưa lên trời bắn một tràng đạn. Quả nhiên ngoài kia tiếng máy xe ngưng nổ. Chạy về đến nơi, tuy bị anh em xỉ vả một trận nên thân, nhưng chúng tôi mừng không bị lỡ xe phải ngủ lại giữa rừng nên vui vẻ cười trừ. 

Xen kẻ giữa những lần du ngoạn thắng cảnh thiên nhiên là những buổi tham quan các công trình nhân tạo đặc thù của vùng Đà Lạt như sở Địa chính Đông Dương, dinh Toàn quyền, biệt điện Quốc trưởng, dinh Thống đốc Nam kỳ, lăng Long mỹ quận công Nguyễn Hữu Hào, đập nước Dankia, nhà ga xe lửa Đà Lạt v.v. Lúc bấy giờ Quân đội Quốc Gia Việt Nam đang ở vào thời kỳ phôi thai, nằm gọn trong vòng tay chỉ đạo của người Pháp, trường Võ bị Liên quân Đà Lạt do sĩ quan Pháp chỉ huy, nên việc tham quan các cơ sở trọng yếu trong vùng Đà Lạt nhà trường tổ chức cho chúng tôi không phải đơn thuần nhằm mục đích giúp chúng tôi thư giản tinh thần mà hậu ý chủ yếu là để chúng tôi có dịp biết đến trình độ kỷ thuật và thiện chí "khai hóa" của nhà chức trách Pháp đối với thuộc địa Đông Dương. 

Lấy thí dụ buổi du ngoạn thác nước Dankia. Vùng này tương đối cao và bằng phẳng, hồi mới dự tính thiết lập trung tâm nghỉ mát trên Cao Nguyên Lang Biang chung cho 5 xứ Đông Dương, nhà chức trách đương thời đã có ý định chọn nơi này làm nơi xây dựng. Cảnh quan không có gì kỳ tú để được xếp vào hạng mục thắng cảnh, chẳng qua chỉ là một dòng suối đầu nguồn có con đập chắn ngang giữ nước lại thành hồ Dankia để một phần cho chạy tourbine một nhà máy phát điện nhỏ, phần còn lại dùng vào việc tưới vườn tưới ruộng quanh vùng. Quy mô tưới nước và năng xuất phát điện của đập nước Dankia đem so sánh với đập nước Danhim xây dựng sau này dưới thời cộng hòa thì muôn phần chưa được một. 

Tuy vậy, đập nước Dankia đã nói lên thiện tâm thiện chí của nhà cầm quyền thuộc địa trong kế hoạch mở mang diện tích trồng trọt, đem nước đến các nơi khô cằn để tăng năng suất canh tác, cải tiến dân sinh, khai hóa dân trí. Đập nước Dankia là đập nhỏ nhất trong số một loạt các đập nước dẫn thủy nhập điền ở Trung kỳ thời thuộc địa: đập Bái Thượng trên sông Mã ở Thanh Hóa, đập Đô Lương trên sông Lam ở Nghệ An, đập Đồng Bò trên sông Đà Rằng ở Phú Yên. Về mặt số lượng thì các đập nước này so với các công trình thủy lợi hiện nay quả tình là rất khiêm tốn, nhưng về mặt hiệu quả tác dụng, nhờ vào sự thiết kế chính xác, rừng cây đầu nguồn được bảo vệ nghiêm túc, và mục tiêu sử dụng chủ yếu hướng về việc dẫn thủy nhập điền, nên không hề gây ra tai họa lũ lụt cho dân chúng, trái lại đã biến cải hàng vạn mẩu đất xấu tam đẳng điền thành ruộng tốt nhất đẳng điền.

Nói đến công trình tiêu biểu cho trình độ kỷ thuật của người Pháp thời thuộc địa thì phải kể đến đoạn đường xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt. Đoạn đường xe lửa này có hai điểm đặc biệt là nhà ga Đà Lạt và các đoạn đường rầy "crémaillère" dành cho các đầu máy kéo có bánh răng cưa. Nhà ga Đà Lạt là một công trình kiến trúc độc đáo, về mặt mỹ thuật có thể xếp hạng nhất không những tại Việt Nam mà có thể nói cho toàn vùng Đông Nam Á. Nhà ga Đà Lạt được thiết kế theo phong cách Art Deco đặc thù của Pháp rất thời thượng lúc bấy giờ, do hai kiến trúc sư Moncet và Réveron đảm trách việc đồ họa và do chính Moncet trông nom đôn đốc việc xây cất. Bản thiết kế được phác họa từ năm 1932, nhưng việc xây dựng nhà ga phải đến năm 1935 mới bắt đầu và đến năm 1938 mới hoàn tất. 

Mặt tiền nhà ga có ba chóp mái nhọn tượng trưng cho ba đỉnh chóp núi Lang Biang, mái cao và dốc thẳng đứng như mái nhà rông của đồng bào Tây nguyên, nhưng cũng phần nào làm cho khách tham quan liên tưởng tới nhà ga Trouville - Deauville ở Normandie. Bên dưới mỗi chóp mái là một khung cửa sổ lớn lắp kính màu rất đẹp. Riêng bên dưới chóp mái ở giữa có một cái đồng hồ lớn, vào thời điểm chúng tôi đến tham quan vẫn còn chạy tốt. Từ nhà ga Đà Lạt, đường xe lửa hướng về đông, chạy khoảng 7 kilômét thì đến trạm đầu tiên là Trại Mát. Xe lửa tiếp tục chạy đến Trạm Hành (Arbre Broyé) thì bắt đầu rời Cao Nguyên Đà Lạt để xuôi đèo xuống thung lũng Dran (sau này gọi là Đơn Dương). Từ Dran xe lửa qua trạm Eo Gió, xuôi đèo Bellevue để xuống Krongpha (Sông Pha). Đoạn đường từ Đà Lạt đến Krongpha dài 43 kilômét, qua 5 hầm xuyên sơn và 3 đoạn đường rầy "crémaillère". Từ Krongpha hướng về Đông, xe lửa chạy trên đồng bằng 41 kilômét nữa thì đến ga Tháp Chàm, và được kết nối vào mạng đường sắt Nam Bắc. Như vậy, tổng số chiều dài của đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là 84 kilômét, và từ Krongpha lên tới Đà Lạt xe lửa đã phải leo cao 1.400 mét. Tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi có quyết định thành lập trung tâm nghỉ mát Đà Lạt, 

Toàn quyền Paul Doumer đã chỉ thị cho ngành Công chánh xây đường xe lửa nối Đà Lạt với Qui Nhơn. Nhưng sau nhiều đợt khảo sát, các kỹ sư Pháp nhận xét đường sắt nối với Qui Nhơn đã dài lại chỉ phục vụ cho khách nghỉ mát đến từ Hà Nội và Huế, khách nghỉ mát từ Sài Gòn muốn lên Đà Lạt vẫn phải sử dụng quốc lộ 20. Do đó mà có quyết định xây đường xe lửa nối Đà Lạt với Tháp Chàm, mặc dù phải vận dụng kỷ thuật khó khăn và phức tạp lắp đặt đường rầy "crémaillère" và mua đầu máy kéo có bánh răng cưa của Thụy Sĩ và của Đức. Người Pháp đã mất 30 năm để xây dựng đoạn đường Tháp Chàm - Đà Lạt, khởi công từ năm 1903 đến năm 1932 mới hoàn tất để đưa vào sử dụng. Đoạn đường xe lửa này không những chỉ phục vục vụ nhu cầu nghỉ mát và du lịch mà còn rất có ích cho các hoạt động kinh tế, chuyên chở rau trái từ Đà Lạt về đồng bằng, và hải sản từ Nha Trang, Phan Thiết ngược trở lại Đà Lạt, Lâm Đồng. Điều đáng tiếc là các chuyến xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt đã vì chiến tranh phải ngưng chạy từ năm 1968, và đường rầy "crémaillère" bằng thép tốt đã vì giới chức lãnh đạo ngành công chánh xã hội chủ nghĩa thiếu điều nghiên và kiến thức kỷ thuật nên bị tháo gỡ sau năm 1975 để lấy vật liệu tu bổ đường sắt Thống nhất. Vì tính chất không đồng bộ về cấu tạo giữa hai hệ thống đường sắt nên chỉ một phần rất nhỏ vật liệu tháo gỡ từ đường rầy Tháp Chàm - Đà Lạt được sử dụng để tu bổ đường Thống nhất, còn phần lớn bị thất thoát để đem cưa thành sắt thép phế liệu dùng cho các công việc riêng tư, thật là phí phạm. 

Mùa hè năm đầu tiên dự khóa huấn luyện quân sự, tôi chỉ được đến tham quan nhà ga Đà Lạt. Phải đợi đến mùa Hè năm sau, cũng trong khuôn khổ chương trình huấn luyện quân sự 5 tuần lễ tại Trường Võ Bị Đà Lạt, tôi mới có dịp cùng với các bạn sinh viên Quân Y đồng khóa đáp chuyến xe lửa "crémaillère" từ Tháp Chàm lên Đà Lạt. Lúc này, trường Quân y đã dời vào Sài Gòn. Chúng tôi đáp xe lửa Bắc - Nam, lên tầu tại Sài Gòn từ sáng sớm, khoảng 2 giờ chiều thì đến ga Tháp Chàm. Chúng tôi được chuyển qua chuyến xe Tháp Chàm - Đà Lạt. Các toa tàu trông gọn nhẹ hơn toa tàu bình thường. Đoàn tàu cũng ít toa hơn nên rất ngắn. Tàu chạy bình thường từ ga Tháp Chàm đến ga Tân Mỹ. 

Tại đây, đoàn tàu đổi đầu máy, thay vì đầu máy thường thì đổi sang đầu máy có bánh răng cưa, thay vì chỉ một đầu máy kéo thì sử dụng đến 3 đầu máy, 2 đầu máy kéo đi đầu và một đầu máy đẩy chạy phía cuối. Đoàn tàu chạy về hướng Krongpha và bắt đầu lên cao, từ độ cao 32 mét trên mực nước biển tại Tháp Chàm đã lên tới 186 mét tại Krongpha. Từ đây, xe lửa bắt đầu chạy trên đường rầy "crémaillère" là một thanh rầy bắng thép rất cứng có đục những lỗ nhỏ cách khoảng đều đặn. Thanh rầy này được bắt chặt vào tà vẹt và chạy song song chính giữa hai thanh rầy đường sắt bình thường. Đầu máy kéo có bánh răng cưa ở chính giữa dưới bụng. Khi chuyển động trên đường rầy "crémaillère", các răng cưa của đầu máy sẽ ăn khớp với các lỗ của đường rầy, ngăn không cho đầu máy tàu tụt trở lại khi leo đèo cũng như ngăn không cho tuột quá trớn khi đỗ đèo. Đoàn tàu chạy chầm chậm men theo sườn núi, theo những cung đường quanh co, ngoằn ngoèo, chênh vênh, một bên là dốc núi cao, một bên là bờ vực sâu thẳm. 

Đoàn tàu ì à i ạch lên cao dần, chạy rất chậm, có lúc vận tốc chỉ bằng thân thủ di động của một người đi bộ. Tôi và Võ Tam Anh ra đứng ở đầu toa xe, ngắm những lỗ nhỏ khoét trên thanh đường rầy "crémaillère" chạy thụt lùi chậm rãi và trông rõ mồn một giữa khoảng cách móc nối hai toa xe. Gặp những đoạn bờ đường tỏa rộng, hai chúng tôi bước xuống đi bộ theo tàu. Đi bộ chán lại leo lên tàu đứng ngắm phong cảnh núi rừng hùng vĩ chất ngất theo sườn núi cao bên trái đoàn tàu, hay quay qua bên phải phóng tầm mắt nhìn xuống đồng bằng xanh thẳm trải dài ngun ngút tiếp với đại dương để ngất ngây thả hồn hòa mình vào cái vô cùng của trời đất. Đoàn tàu vượt qua một khúc quành, dưới ánh sáng chiều tà, trong khoảng không mênh mang một màu tím ngát bên phải chúng tôi xuất hiện một trái núi hình tháp bốn cạnh mà cư dân miền nam Trung Việt quen gọi là núi "chóp chài", đơn côi đột khởi từ tấm thảm bình nguyên bên dưới, chóp núi vươn cao ngang tầm với đoàn tàu chênh vênh lưng chừng sườn núi bên này, trông thật là kỳ tú. Qua một khúc quành khác, núi chóp chài khuất dạng, và đoàn tàu ngừng lại ở ga K'Beu (Cờ Bơ), có độ cao 663 mét. 

Ga này ở chính giữa cung đường đèo Bellevue, chung quanh toàn là rừng rậm núi cao, không có bản làng, nên không phải là trạm lấy khách mà chỉ là nơi đoàn tàu dừng lại để nhân viên Hỏa xa kiểm tra tình trạng kỷ thuật của đoàn tàu trước khi tiếp tục leo đèo. Đoàn tàu lại ì ạch chạy trên đường rầy "crémaillère" đến ga Eo Gió (Bellevue) có độ cao 991 mét. Đoạn đường Krongpha - Eo Gió chỉ dài có 10 kilômét nhưng phải xuyên qua 2 đường hầm và leo lên cao theo sườn dốc 120%. Ga Eo Gió là điểm bắt đầu phía đông thung lũng Dran, đoàn tàu chạy trên đường sắt bình thường giữa rừng thưa đồi thấp, không khí mát dịu, cuối cùng vượt qua một cây cầu sắt bắc qua sông Đa Nhim để đến ga Dran có độ cao 1.016 mét. Rời Dran, đoàn tàu lại bắt đầu leo cao, chạy trên đường "crémaillère" theo sườn dốc 115% để đến Trạm Hành (Arbre Broyé) có độ cao 1.514 mét. Từ Trạm Hành qua Cầu Đất (Entrerays) có độ cao 1.466 mét đến Đa Thọ (Bosquet) có độ cao 1.402 mét, tàu chạy trên đường sắt bình thường nhưng phải qua 3 đoạn hầm xuyên sơn. Ra khỏi Đa Thọ, tàu lại chạy trên đường rầy "crémaillère" với sườn dốc 60% đến Trại Mát ở độ cao 1.550 mét. Trại Mát là điểm bắt đầu từ phía Đông của địa phận Đà Lạt. Nhà ga chính của thị xã có độ cao 1.488 mét. Từ Trạm Hành đến Đà Lạt, hai bên đường xe lửa toàn là rừng thông ngút ngàn, không khí mát lạnh, thoang thoảng mùi tùng hương, thật là dễ chịu.

Chúng tôi đến ga Đà Lạt vào khoảng 8 giờ tối và gặp lại Đại úy Nguyễn Ngọc Khôi đến đón rước. Xe vận tải nhà binh chở thẳng chúng tôi vào trú ngụ trong trường Võ Bị. Chúng tôi được phân phối vào ở một căn nhà gỗ thông trong khu dành cho sinh viên sĩ quan. Vì chúng tôi đã ăn tối trên xe lửa nên những ai trong chúng tôi có nhu cầu ăn uống thêm thì được nhà trường cho người hướng dẫn đến câu lạc bộ. Bắt đầu từ ngày mai nhà trường mới chính thức nuôi ăn. Nhà ăn tập thể dành cho sinh viên sĩ quan cũng là một căn nhà gỗ thông có xếp những chiếc bàn dài, cứ bốn người họp thành một carré. Lại vẫn lối nấu nướng và bày biện pha phách nửa đông nửa tây, nghĩa là cơm ta dọn riêng từng phần cá nhân lấy vào dĩa bàn và dùng dao nĩa để ăn chứ không dùng đũa. 

Lúc này trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt đã được giao cho Quân đội Việt Nam. Vị Đại Tá người Pháp đã rời nhiệm sở, các huấn luyện viên cũng không còn một ai là sĩ quan Pháp. Chỉ huy Trưởng trường Võ Bị bây giờ là Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu. Trong ban Giám hiệu nhà trường có một Đại úy người Mỹ làm nhiệm vụ cố vấn. Chúng tôi không được đưa đến trình diện Chỉ huy Trưởng, cũng như không hề có cơ hội giáp mặt Chỉ huy trưởng và sĩ quan Cố vấn Mỹ trong suốt thời gian thụ huấn. Chương trình huấn luyện quân sự 5 tuần lễ dành cho sĩ quan Quân Y Hè năm nay cũng na ná như chương trình năm ngoái, bởi vậy ngoại trừ các sinh viên tân tuyển, trong việc học tập, chúng tôi không còn cảm thấy hào hứng như năm trước. 

Để đỡ nhàm chán, Đại úy Nguyễn Ngọc Khôi đã linh động dàn xếp với phòng học vụ để cho các sinh viên Quân y đã lên đây năm ngoái được học lớp lái quân xa hạng nhẹ (xe Jeep), theo một chương trình đặc biệt cấp tốc. Mỗi tuần học 5 ngày, mỗi ngày một tiếng đồng hồ, từ 5 giờ đến 6 giờ chiều, nghĩa là toàn bộ thời gian khóa học chỉ vẽn vẹn có 20 tiếng. Chỉ học thực hành phần điều khiển xe, phần bảo trì và luật lệ giao thông học viên phải tự học theo tài liệu hướng dẫn do nhà trường cung cấp. Khóa học gồm chừng 20 học viên, nhà trường có độc một xe jeep cho việc tập lái. Chúng tôi được chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm 5 người. Trong giờ học, cả nhóm 5 người cùng leo lên xe, một người cầm lái, huấn luyện viên ngồi kế bên chỉ dẫn. Học viên tập lái cho xe chạy theo con đường vòng đai chạy sóng đôi với hàng rào bao quanh doanh trại trường Võ Bị, được chừng mười phút thì được lệnh ngừng lại để đổi người lái khác. Cũng có một hai trường hợp xe leo lề đường húc vào gốc cây hoặc rơi xuống đường hào tháo nước bên vệ đường nhưng rất may mắn không gây nên tổn thương trầm trọng nào. Cứ như thế, chúng tôi học hành gấp rút "chụp dựt" nhưng vô cùng hào hứng. 

Suốt ngày cứ ngong ngóng, náo nức chờ đến giờ đi tập lái xe. Rồi cũng tới ngày khảo hạch. Không có hỏi han căn vặn gì về luật lệ đi đường. Mỗi học viên dự thi chỉ phải lái xe đủ một vòng quanh doanh trại, nếu suông sẻ, không để xẩy ra trục trặc gì thì là trúng cách. Toàn nhóm chúng tôi đều thi đỗ, ngoại trừ hai anh Nguyễn Quang Đình và Phạm Viết Tú lóng ngóng thế nào mà cho xe lao xuống rảnh thoát nước bên vệ đường nên bị đánh hỏng. Chúng tôi được cấp ngay bằng lái xe quân sự hạng nhẹ do Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu ký. Về lại Sài Gòn, chúng tôi ra sở Trường Tiền trình bằng lái xe quân sự này để được cấp bằng lái xe dân sự mà không cần phải thi cử gì cả. 

Mùa hè năm nay chúng tôi vào trú ngụ trong trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt nên mới hiểu vì sao các sinh viên sĩ quan thường gọi đùa trường này là trường "Võ bị liên miên hành phạt". Sáng sớm thức dậy, bước chân xuống giường là phải lập tức chỉnh đốn chổ nằm ngủ: tháo màn, gấp chăn, đặt tất cả ngay ngắn trên chiếc gối kê đầu, rồi dùng bàn tay vuốt tấm trải giường cho phẳng lỳ và kéo lên phủ trùm đống chăn gối trên đầu giường sao cho cả bốn phía trông vào đều thấy rõ góc cạnh. Mọi việc phải được thực hiện gọn gàng nhanh chóng đúng thời gian quy định. Sinh viên Quân Y chúng tôi cũng được lệnh phải làm như vậy. Dù đã cố gắng dốc hết công sức, chúng tôi không sao thu vén chăn màn gối đệm gọn ghẽ như các bạn sinh viên sĩ quan. 

Nhưng nói đến khó khăn thì công việc này chẳng thấm vào đâu so với việc xếp đồ đạc cá nhân vào "sac marin" để sẵn sàng di chuyển. Mà đồ đạc cá nhân thì đâu phải đã thu gom sẵn sàng một chỗ. Từ áo quần, giày vớ, khăn tắm, gà mèn, bi đông đến những thứ nhỏ nhặt như bàn chải răng, cuốn sổ tay, khăn rửa mặt, trong sinh hoạt bình nhật, mỗi thứ để một nơi, nay bất chợt không kể ngày hay đêm, sáng sớm hay chiều tối, có tiếng kèn báo động là phải sẵn sàng mặc quân phục tác chiến, giày " brodequin" mang vào chân và nón sắt đội lên đầu, thu xếp toàn bộ vật dụng cá nhân vào "sac marin", khoác lên vai cùng với vũ khí và đạn dược, ra điểm tập họp sắp hàng đợi lệnh. 

Ấy thế mà các sinh viên sĩ quan họ tập tành làm sao mà chỉ ít phút sau khi tiếng kèn báo động trổi lên là người nào quân phục cũng chỉnh tề, "sac marin" nào cũng thẳng góc cạnh, tất cả tề tựu nhanh chóng và đông đủ ở điểm tập họp để lập tức theo lệnh lên đường. Cũng may mà sinh viên quân y chúng tôi suốt 5 tuần lễ của khóa học chỉ có một buổi tập huấn thu xếp vật dụng cá nhân vào "sac marin", ngoài ra không phải thực tập việc báo động tác chiến. Mỗi khi tiếng kèn trỗi lên giữa đêm khuya, chúng tôi vẫn được an nhiên tiếp tục nằm trong giường, hé qua khe cửa gỗ thông nhìn các bạn sinh viên sĩ quan chạy rầm rập bên ngoài đến điểm tập họp, quân phục tề chỉnh, vũ khí đầy người, bất giác không một ai trong chúng tôi không nghĩ đến cuộc đời con người có trăm nghìn ngõ ngách, mỗi cá nhân một số phận, mà đời lính Quân Y chúng tôi quả tình đã được hưởng nhiều biệt đãi. Phải chăng đó là truyền thống của quân đội Pháp mà quân đội quốc gia Việt Nam chịu ảnh hưởng? Tuy lúc bấy giờ người Pháp đã ra đi, trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt đã có Chỉ huy Trưởng mới người Việt Nam, nhưng Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu ít nhiều vẫn còn vấn vương với nếp suy nghĩ cũ, mặt khác, cố vấn Mỹ tuy đã bắt đầu xuất hiện nhưng toàn trường chỉ mới có một người với cấp bậc tương đối thấp. 

Khác với kỳ thụ huấn quân sự Hè năm ngoái trú ngụ trong trường Thiếu Sinh Quân chúng tôi sống rất trật tự ngăn nắp, kỳ thụ huấn quân sự Hè năm nay, với cung cách xử sự dễ dãi nể nang của cán bộ huấn luyện, cùng với sự quản lý lỏng lẽo của ban giám hiệu, một số không ít sinh viên quân y chúng tôi đã đi chệch quá đà giới hạn cho phép, khai bệnh để khỏi lên lớp, chăn màn không thu dọn ngay ngắn, đến nhà tắm nhà ăn sớm trước giờ quy định, khiến anh em sinh viên sĩ quan suy bì, ảnh hưởng đến kỷ luật chung toàn trường. Hiện tượng này cũng dễ truy cứu nguyên nhân. Suốt một năm nay, từ ngày rời Hà Nội theo lệnh trường Quân Y vào Nam, tất cả sinh viên Quân Y chỉ mỗi tháng một lần đến văn phòng nhà trường lãnh lương, phải tự túc lo liệu việc ăn ở bên ngoài, hàng ngày đi học không phải mặc quân phục. Văn phòng nhà trường thì tạm bợ, phòng ốc xập xệ lếch thếch, nổi trôi từ bến kênh Tàu Hủ đến khu chợ cá Trần Quốc Toản, còn đâu cái phong thái oai nghiêm đường bệ của những ngày tháng cũ. Phải đợi đến mấy năm sau, khi chế độ Cộng Hòa được củng cố, Quân đội Quốc gia được cải tổ, trường Quân y có cơ sở đàng hoàng để tổ chức nội trú, người sinh viên Quân Y mới thực sự đi vào khuôn phép, được trang bị ý chí chiến đấu kiên cường và tinh thần tôn trọng kỷ luật, cũng như am tường kỷ thuật tác chiến vì được huấn luyện kỹ càng những căn bản quân sự chính quy nên bác sĩ Quân Y các khóa về sau thực sự đã trở thành những chiến sĩ can trường và thiện chiến hiên ngang sánh vai cùng sĩ quan các ngành khác.

Trường Võ bị Liên quân cho phép sinh viên ra ngoài tối thứ tư, chiều thứ Bảy và trọn ngày Chủ Nhật. Ngay cổng trường có nhiều xe hơi đủ hạng và xe thổ mộ chờ đón khách đưa xuống chợ Đà Lạt. Một vài người trong nhóm sinh viên Quân Y chúng tôi có máu giang hồ muốn ra phố chơi ngoài giờ quy định, không thể qua cổng chính ngày đêm có người canh gác, nên tìm cách vòng ra phía sau doanh trại vượt rào để đi xuyên qua nông trại của các gia đình người Pháp. Thuở bấy giờ Đà Lạt không có du kích Việt Minh, đất nước lại đang ở thời hậu Genève, xã hội thanh bình, nên vòng rào phía sau doanh trại nhà trường không ai tuần tiễu, các chủ nông trại người Pháp lại đang rục rịch ra đi nên không ai hoài hơi ngăn cản những kẻ chui rào. 

Phố xá Đà Lạt không to rộng, sầm uất, nhưng xinh xắn, dàn trải dọc mấy con đường bao quanh khu chợ. Cái đinh của phồn hoa phố núi là gian hàng bánh kẹo và vật lưu niệm của hai chị em Cẩm Nhung, Cẩm Châu, con gái ông Hội đồng Chúc. Bánh kẹo đều là loại cao cấp nhập từ Pháp, hai cô hàng lại xinh đẹp vừa tuần cập kê nên thứ Bảy Chủ Nhật nào sinh viên sĩ quan Đà Lạt cũng kéo nhau nườm nượp đến mua hàng, không vài trăm gam kẹo Tây thì chí ít cũng cái cầu vai hay cái giải mũ. Về mục ăn uống thì Đà Lạt lúc bấy giờ không thấy có bún bò, không thấy có mì và hủ tiếu bán rong, nhưng có phở bán trong quán. Hai quán phở nổi tiếng của Đà Lạt nằm trong khu chợ và xế ga xe lửa. Đặc điểm của phở Đà Lạt là có nhiều hành tây thái lát mỏng để nguyên ăn sống hay ngâm dấm chua. Trời se se lạnh, phở lại nóng sốt, ăn xong bát phở, đáy bát vẫn còn nghi ngút bốc hơi, thú vị vô cùng. 


Một đặc sản khác của các tiệm ăn Đà Lạt là món lẫu thập cẩm, gồm nhiều thứ hải sản đem từ Duyên Hải lên, và phủ tạng gia súc chăn nuôi trong vùng. Rau cải thì có nhiều, lại tươi tốt, nhất là xà lách. Miếng thịt bò bít tết no tròn nằm bên cạnh mớ xà lách trộn dầu dấm trông thật là bắt mắt. Nhiều người cho rằng xà lách Đà Lạt không đủ chất bổ dưỡng, trông đầy đặn tốt tươi nhưng chứa nhiều nước mà thiếu muối khoáng, nhưng dù sao miếng xà lách Đà Lạt cho vào miệng vẫn tạo nên khoái cảm "mát miệng" tuyệt vời. Cơm Tàu ở Đà Lạt không có gì đặc sắc, cửa tiệm nhỏ, thực đơn không có nhiều món, thức ăn nấu đã không ngon, mà phổ ky hầu bàn lại vụng về, tắc trách và bàn ghế bày biện có phần kệch cỡm, luộm thuộm.

Thời gian tiếp theo, đằng đẳng hơn mười năm trời, tôi sống xa Đà Lạt. Chỉ từ cuối năm 1966 tôi mới có ít nhiều cơ hội trở lại Đà Lạt. Tuy vậy, trong những dịp trở lại ngắn ngủi ấy, Đà Lạt cũng đã để lại một vài dấu ấn đậm nét trong khung trời kỷ niệm của đời tôi. Thời gian làm việc ở Cục Quân Y, thỉnh thoảng tôi được phái lên các quân trường ở Đà Lạt thuyết giảng về chương trình Y Khoa Phòng Ngừa trong quân đội. Thường thường, tôi đáp máy bay lên Đà Lạt ngày hôm trước, xong công vụ là tôi trở về Sài Gòn ngay ngày hôm sau. Tôi không ngủ qua đêm trong doanh trại, cũng không ở lại nhà bà con, mà thường thuê phòng khách sạn ngoài phố để tận hưởng cái phong vị đặc biệt thích thú của lạnh lẽo, cô đơn và tĩnh lặng, nửa đêm thức giấc, một mình nhìn xuyên qua ánh đèn đêm bên ngoài cửa sổ, theo dõi những giọt sương lăn tăn tụ tán trên mặt kính. Về sau Hàng Không Việt Nam có máy bay đi Đà Lạt mỗi ngày hai chuyến nên lên công tác Đà Lạt, tôi trở về Sài Gòn trong ngày. 

Chỉ có một lần tôi đi cùng Thiếu Tá Nguyễn Tiến Lộc lên thuyết trình tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và ngủ qua đêm tại Hotel Palace. Trưởng Ty Cảnh Sát Đà Lạt là bạn thân của anh Lộc mời chúng tôi đi ăn nhậu suốt buổi tối, đến khuya còn theo chúng tôi về hotel mang theo mấy xâu chim sẻ rô ti, mở Martell pha với Perrier uống tiếp, khề khà đến gần sáng mới tàn cuộc rượu. Thật không hợp với lối sống của tôi một chút nào. Thêm một mẩu chuyện khác dây dưa đến xứ đồi thông lúc tôi còn mang áo lính. 

Vào một buổi sáng sớm giữa năm 1968*, tôi đang ở sân bay Tân Sơn Nhất, đợi giờ đi Đà Lạt. Tại đây, tôi gặp anh Hà Thúc Ký, anh Hoàng Xuân Tửu và kỹ sư Hùng đang chờ đi Huế. Tôi mời mọi người vào quán trong phi trường uống cà phê. Đến giờ, tất cả chúng tôi, ai theo việc nấy, người đi Huế, kẻ đi Đà Lạt. Đến Phú Bài, kỹ sư Hùng bị cảnh sát bắt ngay tại chân cầu thang máy bay, vì đang bị nghi ngờ là hoạt động cho Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ âm mưu lật đổ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Việc làm của cảnh sát nhanh và gọn đến độ cả anh Ký lẫn anh Tửu không ai hay biết gì cả. Hai anh về Huế làm việc với một số anh em đồng chí, xong ra Quảng Trị, rồi ghé Quy Nhơn trước khi về lại Sài Gòn. Phần tôi, tôi lên Đà Lạt thuyết giảng về chương trình Y Khoa Phòng Ngừa trong Quân Lực VNCH cho khóa sinh trường Chiến Tranh Chính Trị. 

Tôi trở về Sài Gòn trong ngày. Hôm sau, tôi ghé nhà người em họ là Hồ Văn Diệp ở đường Ngô Tùng Châu Gia Định để chia buồn cùng gia đình người em của Diệp mới mất sau khi mổ tim không thành công tại bệnh viện Bình Dân. Vì việc khâm liệm và đưa đi chôn cất đều tiến hành và hoàn tất nhiều ngày trước đó, nên buổi họp mặt bà con hôm nay chỉ là buổi lễ cúng sơ thất cho người quá cố, vì vậy, người của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình Báo theo dõi tôi đã tưởng lầm mà báo cáo về nhiệm sở là tôi họp đảng. Kết hợp với việc sáng hôm trước chúng tôi bốn người cùng ngồi uống cà phê ở Tân Sơn Nhất đợi giờ lên máy bay, và việc kỹ sư Hùng bị bắt ở Phú Bài, cơ quan an ninh sau đó đã lập báo cáo lên phủ Tổng Thống là Đại Việt Cách Mạng Đảng cấu kết với Phó Tổng Thống âm mưu lật đổ Tổng Thống. Ông Thiệu đã phê vào hồ sơ: "Ông Ký, ông Tửu theo dõi. Ông Châm bắt giữ nếu cần." 

Không hiểu sao nội dung hồ sơ mật này lọt đến tai Nguyễn Đức Xích, người của đảng Nhân Xã. Nguyễn Đức Xích bèn nói với Nguyễn Kim Khánh báo cho tôi biết để trốn đi. Tôi đã không bỏ trốn, cười nói với Nguyễn Kim Khánh: "Có lẽ chỉ là sự hiểu lầm. Mà cho dù bị bắt giữ ít hôm thì tôi được có thêm cái bằng ở tù, mỗi lần ứng cử thì truyền đơn tranh cử có quyền ghi thêm mấy chữ đã từng vào tù ra khámnhư anh Ký anh Tửu." Sau khi nghe tôi thuật lại mọi chuyện, anh Hà Thúc Ký bèn ủy nhiệm anh Hoàng Xuân Tửu, lúc bấy giờ là Nghị sĩ Phó Chủ tịch Thượng Viện, vào dinh Độc Lập giải thích tự sự với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, và mây mù hiểu lầm đã được xóa tan.

Tôi chính thức cởi áo lính ngày 1 tháng 9 năm 1969, nhưng duyên nợ với đồi thông nội cỏ của thành phố sương mù vẫn còn nhiều vương vấn. Tôi vẫn có nhiều dịp trở lại Đà Lạt vì công vụ hoặc vì chuyện riêng tư. Lần cuối cùng tôi lên Đà Lạt là vào đầu năm 1988, vài tháng sau khi từ trại cải tạo trở về. Biết bao nhiêu hình ảnh nhạt nhòa đã hiện về từ quá khứ xa xăm, biết bao nhiêu cảm xúc bồi hồi đã thi nhau tuôn trào từ tận đáy tâm tư ngày tháng cũ! Trong khoảng thời gian này, Đà Lạt đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của các biến động thời cuộc. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, nhiều vụ chỉnh lý, bạo loạn, xuống đường liên tiếp xẩy ra, kéo theo những xáo trộn chính trị, kinh tế và xã hội tại miền Nam Việt Nam. Tiếp đến là các biến cố Mậu Thân, thương phế binh xuống đường cắm dùi, miền Bắc đưa bộ đội và cán bộ vô sản vào cưỡng chiếm miền Nam. 

Cảnh quan Đà Lạt không còn tươi đẹp và thơ mộng như dạo Hè năm 1954 lần đầu tiên tôi đặt chân đến nơi nầy. Dân số Đà Lạt từ mức chưa tới mười nghìn người đã tăng lên đến hai trăm mấy mươi nghìn. Khí hậu Đà Lạt ấm lên nhiều, ban đêm nhiệt độ ngoài trời không còn xuống hai ba độ C như trước, khó mà tìm lại hình ảnh "lộ trích hàn giai". Nhiều chóp núi, chân đồi chi chit thông xanh đã không còn được giữ lại để tô bồi phong cảnh mà phải nhường chổ xây cất biệt thự, nhà hàng, công sở theo nhu cầu phát triển của thành phố. Bờ suối Cam Ly, thung lũng Tình Yêu nham nhở quán xá tạm bợ, bàn ghế thô thiển, bán nước uống rẻ tiền và xã rác đủ loại. Lòng hồ Than Thở cạn kiệt, diện tích hồ mỗi ngày một thu hẹp để cải biến bờ hồ thành ruộng rau, quanh hồ không còn cây rừng để gió núi luồn lách vào mà than thở. Sau vụ thương phế binh cắm dùi, những căn lều quái gỡ mọc ven những con đường đẹp như mơ được chính quyền tháo bỏ, để lại những dấu sẹo trên bộ mặt vốn xinh xắn của thị trấn, kiên trì chờ đợi thời gian xóa sạch dấu vết, tuy có làm cho tôi đau lòng, nhưng dù sao cũng lưu lại chút hy vọng lạc quan vết thương tàn phá cũng còn có ngày liền da liền thịt. Đến như sự chiếm hữu đất đai và xây cất nhà cửa bất hợp pháp và vô tổ chức của những phần tử cơ hội chủ nghĩa có chức có quyền đã phá vỡ sự hài hòa và hợp lý của quy hoạch ban đầu thì quả tình không còn phương cách cứu chữa, ngoại trừ giải pháp cào bằng hết để xây dựng mới trở lại, một phương thức mang tính chất giả thiết và không phù hợp với thực tế. 

Trên lối vào một biệt thự cổ kính bên hông nhà Quận công Nguyễn Hữu Hào, tôi buồn buồn nhìn mấy cây trắc bá đại thụ gốc lớn tày ôm, có lẽ đã sống gần trăm tuổi, bị khô héo chết dần chết mòn vì vỏ cây gần gốc đã bị bóc làm củi đốt. Thử hỏi mớ vỏ cây đó đun nóng được mấy ấm chè, nấu chin được mấy nồi cơm? Em bé cầm dao phang vào thân cây để lột vỏ, em đang lên mấy? Em có trí khôn chưa? Cha mẹ nào đã thúc giục, đã đồng lõa với hành vi dại khờ và vị kỷ của em bé? Làm sao lòng tôi không chĩu nặng u buồn, vì đây là cả một vấn đề to lớn của đất nước, liên quan đến sự sống còn và phát triển của dân tộc: trình độ dân trí thấp kém và tinh thần công ích thiếu vắng.

Tháng mười, năm 2011
Minh Vũ Hồ Văn Châm

Ghi chú
Vụ này ông Hà Thúc Ký có nhắc đến trong hồi ký "Sống Còn Với Dân Tộc" do Phương Nghi ấn hành năm 2009, nhưng ghi nhầm là xẩy ra vào đầu năm 1969.

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Đà Lạt Trong Ký Ức Tôi)

Rate this item
(0 votes)