Không Quân Việt Nam Cộng Hòa
Heo (lợn) là một trong những loài động vật được con người thuần hóa sớm nhất, được “xơi” nhiều nhất, được nói tới nhiều nhất, vừa tượng trưng cho sự sung túc, nhàn hạ vừa gợi tưởng tới sự dơ bẩn, và những hình ảnh không được đẹp mắt - nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Riêng với hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa (có thể cả Triều Tiên), heo là con vật gần gũi nhất, không chỉ có tên trong Thập Nhị Địa Chi (12 con giáp), Lục Súc, mà còn được đưa vào Tây Du Ký, làm đệ tử thứ hai của Tam Tạng trên đường sang đất Phật thỉnh kinh.
Vì thế, muốn viết tương đối đầy đủ về heo ít nhất cũng mất... vài trăm trang, cho nên trong bài ngắn này người viết sẽ chỉ lướt qua những gì mọi người đã biết, để chú trọng tới những huyền thoại, giai thoại về heo.
* Heo Anh - heo Mỹ - heo Liên Xô
Heo (lợn), tiếng Anh gọi là “pig”, tiếng Pháp là “cochon”, tiếng Tàu là “trư” (trệ), là động vật bốn chân có móng guốc, có vú, sinh con, ăn tạp.
Theo sự phân định của các nhà khoa học, heo thuộc chủng loại Sus, họ Suidae. Heo nhà tiếng La-tinh gọi là Sus scrofa domesticus, được thuần hóa từ heo hoang dã (Sus scrofa).
Kết quả các cuộc khảo cổ cho thấy heo được con người thuần hóa sớm nhất ở thung lũng sông Tigris (Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq ngày nay) thuộc vùng Cận Đông vào khoảng thế kỷ 13 trước công nguyên.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất của các nhà di truyền học Mỹ và Thụy Điển, tổ tiên của các loài heo phổ biến trên thế giới hiện nay được xác định là heo rừng ở vùng Đông Nam Á, được thuần hóa cách đây khoảng 8.000 năm.
[Theo các di chỉ thời kỳ Đồ Đá Mới tại khu vực khảo cổ Đồng Nguyên (tỉnh Phú Thọ), thì nghề chăn nuôi heo ở Việt Nam đã khá phát triển từ thời Hùng Vương]
Sau khi được thuần hóa ở Đông Nam Á, heo mới theo con người tới các vùng đất khác ở lục địa Âu - Á (Eurasia) và các hải đảo ở Thái Bình Dương, lên tới tận quần đảo Phù Tang (Nhật Bản). Sau khi khám phá ra Tân Thế Giới, heo mới được đưa sang Bắc Mỹ, để rồi ngày nay đã trở thành nguồn xuất khẩu thịt lớn nhất của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ.
Tới đây, cũng xin được “lang thang” một chút để viết về liên quan giữa heo và Wall Street, trung tâm tài chính của nước Mỹ.
Nguyên vào thời lập quốc, heo còn được nuôi thả, một số chạy vào rừng và trở thành tổ tiên của giống heo rừng Bắc Mỹ. Về sau, heo rừng sinh sôi nẩy nở, đã trở thành một nguồn lợi đáng kể cho không ít nông dân, được họ chở tới những khu chợ “dã chiến” dọc con đường mòn về sau trở thành đường hỏa xa nối liền hai miền Đông - Tây nước Mỹ.
Nhưng đồng thời heo rừng cũng trở thành thủ phạm phá hoại hoa màu của các trang trại. Vì thế tại vùng Mã Nhật Tân (Manhattan) ở Nữu Ước (New York), các nông dân đã phải dựng lên một bức tường để bảo vệ hoa màu. Sau này, khi Nữu Ước trở thành phố thị, con đường dọc theo bức tường ấy được gọi là “Wall Street”.
Còn nickname “Uncle Sam” (Chú Sam) để chỉ người Mỹ là do việc nhà thầu cung cấp thịt heo cho các quân đoàn Mỹ ngày ấy có tên là “Uncle Sam”.
Heo là gia súc nuôi có hiệu quả kinh tế cao nhất (một vốn bốn lời), cho nên quốc gia nào có điều kiện thích hợp cũng đều ưu tiên nuôi heo. Theo thống kê của Tổ Chức Lương Nông (FAO) của LHQ, vào năm 2007, “dân số” heo trên toàn thế giới là trên 918 triệu con; trong đó Trung Cộng đứng đầu với 425 triệu con, rồi tới Hoa Kỳ 61,7 triệu, Ba-tây 40 triệu, Việt Nam 27 triệu, Đức 17 triệu...
Hiện nay trên thế giới, tùy nhu cầu tại địa phương, người ta có thể nuôi nhiều giống heo khác nhau, nhưng tính chung thì giống heo Yorkshire (người Việt phát âm là “Doóc-sia”) là phổ biến nhất.
Heo Yorkshire là một giống heo trắng lớn, dài đòn ở miền bắc nước Anh được cho lai giống với giống heo trắng nhỏ con và nhiều mỡ của Trung Hoa, với mục đích tạo ra một giống heo chuyên cung cấp “bacon”.
Tới thế kỷ thứ 20, người Mỹ bằng cách nào đó đã tạo được một giống heo mới gọi là American Yorkshire, nhỏ con hơn, ít mỡ nhiều nạc hơn, được khắp nơi trên thế giới ưa chuộng; trước năm 1975 tại miền Nam VN, American Yorkshire thường được gọi ngắn gọn là “heo Mỹ”.
Dĩ nhiên, một khi đã gọi là “heo Mỹ” thì sẽ bị Liên Xô và các nước cộng sản chê. Và để chứng minh “tính cách ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa”, các nhà “heo học” (chứ không phải “heo nọc”) Liên Xô đã có sáng kiến cho heo Yorkshire của Anh “hủ hóa” với heo Nga-la-tư để tạo ra một giống heo khổng lồ vô địch gọi là heo “Yorkshire - Nga”, mà người miền Bắc (thời xã hội chủ nghĩa) gọi là lợn Đại Bạch. Đặc điểm của lợn Đại Bạch là so với heo Yorkshire thì to lớn hơn, nặng hơn (con đực trên 300 kg), trưởng thành sớm hơn, đẻ nhiều hơn (10-12 con/lứa), khả năng khắc phục cao (ăn độn)...
Trong hai thập niên 1970-1980, lợn Đại Bạch rất phổ biến tại các nước xã hội chủ nghĩa, nhưng rồi có lẽ vì chỉ có “lượng” chứ không có “phẩm”, cùng với ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản, lợn Đại Bạch cũng “bị bánh xe lịch sử nghiền nát”, và tại Việt Nam hiện nay, người ta chỉ còn nuôi lợn “đế quốc Mỹ”!
* Heo và dân tộc Việt Nam
Thịt heo là loại thịt chính trong ẩm thực của người Việt, chiếm tới 73,3%, tiếp theo là gà vịt 17,5%, chỉ còn lại 9,2% là các loại thịt trâu, bò, dê...
Thịt heo mang tính cách bắt buộc trong các dịp tết Nguyên Đán và cưới hỏi.
Tết thì phải có:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh
Còn trong việc cưới hỏi, từ đầu chí cuối đều phải có heo. Trước hết, những người làm công việc mai mối cho đôi trẻ nên duyên chồng vợ, sẽ được đôi tân hôn tạ ơn bằng một cái đầu heo. Thứ đến, đám hỏi, và lễ rước dâu cũng bắt buộc phải có một con heo quay.
Sau cùng là con heo “nhị hỉ”.
Đó là con heo mà sau đêm tân hôn, khi chàng rể đưa cô dâu mới về nhà cha mẹ vợ để vấn an nhạc gia, thường cho người đội theo một con heo quay để bên vợ đãi tiệc nhị hỉ.
Hiện nay, nếu có người vẫn còn giữ tục lệ nói trên thì đa số cũng chỉ vì muốn duy trì truyền thống dân tộc, chứ chẳng mấy người biết tới chi tiết tối quan trọng sau đây: nếu con heo “nhị hỉ” ấy còn đủ hai tai, và vểnh lên thì có nghĩa chàng trai cưới được cô gái còn “gin”, trái lại nếu đôi tai heo bị cắt cụt, thì có nghĩa cô dâu đã biết mùi đời từ khuya rồi; dĩ nhiên là với người khác chứ không phải với chàng rể!
* Các loại heo
Không hiểu trong ngôn ngữ Trung Hoa thì sao, riêng trong tiếng Việt dứt khoát không một loài vật nào được nhắc tới nhiều cho bằng heo (lợn). Chỉ nội tên gọi các loại heo thôi đã hơn một đô-dần:
- Lợn bột: lợn đực thiến nuôi để lấy thịt
- Lợn cà: lợn đực không thiến để gây giống (heo nọc)
- Lợn cấn: Lợn bột
- Lợn cỏ: một giống lợn nhỏ ở miền Trung, “hiệu quả kinh tế” kém nhưng lại có “khả năng khắc phục” cao
- Lợn dái: lợn cà
- Lợn gạo: lợn bị sán
- Lợn hạch: lợn cà
- Lợn ỉ: một giống lợn nhỏ ở miền núi Việt Nam, chân ngắn, lưng võng, bụng ỏng, hiện được nhiều người Mỹ nuôi làm bạn (pet), gọi là “Vietnamese pot-bellied pig” (khi được nuôi bằng thực phẩm của “đế quốc Mỹ”, đã trở nên to con hơn nhiều!)
Daisy Mae, a Vietnamese potbellied pig, lives as a pet with her owner Sarah Davis in St. Paul, Minnesota. (National Geographic)
- Lợn lòi: lợn rừng (heo nọc chiếc)
- Lợn nái: lợn cái nuôi để đẻ con
- Lợn mạ: lợn nái
- Lợn rừng: lợn lòi
- Lợn sề: lợn cái đã đẻ nhiều lứa
- Lợn sữa: heo sữa
- Lợn vòi (heo vòi): một giống lợn rừng lớn, hiếm quý
- Lợn lòng: sẽ nhắc tới ở cuối bài
- Lợn mán: giống heo nuôi thả của người Mán ở thượng du Bắc Việt.
- Heo mọi: giống heo nhỏ, nuôi thả, của người Thượng ở Tây Nguyên.
* Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về heo
- Mượn đầu heo nấu cháo
- Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng
- Lợn chuồng chái, gái cửa buồng: con lợn trong chuồng chái (chuồng nhỏ ở chái nhà) thì trông to béo hơn, gái thấp thoáng sau cửa buồng trông thu hút hơn.
- Lợn giò bò bắp: hai loại thịt ngon nhất
- Lợn lành chữa thành lợn què
- Đầu gà, má lợn
- Trâu teo heo nở: thịt trâu nấu chín thì teo lại còn thịt heo thì nở ra; cho nên làm dâu chớ dại nhận lãnh nấu thịt trâu, sẽ bị mẹ chồng nghi là ăn vụng!
- Giàu nuôi chó, khó nuôi heo
- Bí phân trâu, bầu phân lợn
- Nói toạc móng heo
- Trông mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo thì lòng mới ngon
- Nguyên tắc nấu ăn:
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ụt ịt mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mợ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.
- Tả cảnh buôn bán ế ẩm:
Ba bà đi bán lợn con
Bán đi chẳng được lon ton chạy về
Ba bà đi bán lợn sề
Bán đi chẳng được chạy về lon ton.
(thơ non-stop tương tự câu “Vân Tiên cõng mẹ chạy ra...” của miền Nam)
- Đảm đang:
Gái không biết nuôi heo là gái nhác
Trai không biết buộc lạt là trai hư.
- Đầu tắt mặt tối:
Đương khi lửa tắt cơm sôi
Lợn kêu con khóc, chồng đòi tòm tem
Bây giờ lửa đã nhóm lên,
Lợn no con ngủ tòm tem thì tòm.
- Cách chọn lợn:
Con lợn mắt trắng thì nuôi
Những người mắt trắng đánh rồi đuổi đi.
Hoặc (lợn nái):
Tai lá mít
Đít lồng bàn
Lồn ba ba
Để như phá (câu “Để như phá” người viết đã tra cứu, tìm hiểu bao năm mà vẫn chưa hiểu ý nghĩa).
* Thịt lợn ở địa phương nào ngon nhất?
(Phần dưới đây có một số chi tiết được lập lại từ các bài viết trên HQPD)
Như những vị độc giả Bắc Kỳ cao niên có thể còn nhớ, thuở đất Thăng Long chưa được Bác và Đảng “giải phóng”, miền Bắc có hai câu ca dao nổi tiếng về đặc sản của các địa phương như sau:
(1) Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét
(2) Gà Tò, lợn Tó, vó Vân Ðồn, l... Cổ Am, cu Hành Thiện
Câu số 1 xin miễn giải thích sợ tốn “đất”, chỉ cần biết “nước mắm Vạn Vân” chính là hãng nước mắm nổi tiếng của gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ở Hải Phòng, cho nên ông mới có biệt hiệu “công tử thành phố Cảng”.
Còn trong câu số 2, “gà Tò” là giống gà đặc biệt nuôi ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, đặc điểm của giống gà này là lông mọc xuống tận móng, thịt rất thơm, ngọt, ngày xưa được nuôi độc quyền để tiến vua.
Còn “lợn Tó” là lợn nuôi ở làng Tó, tên chữ là Tả Thanh Oai, vào thời nhà Lê là một trong 12 tổng thuộc huyện Thanh Oai, sau này là xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thịt lợn làng Tó nạc mềm mỡ thơm, được sử dụng làm nhân “bánh cuốn Thanh Trì” nổi tiếng của đất ngàn năm văn vật.
“Vó Vân Đồn”: Vân Ðồn là cửa biển nơi danh tướng Trần Khánh Dư đại thắng quân Mông Cổ dưới thời nhà Trần, cũng là nơi làm vó đánh cá nổi tiếng bền chắc.
“L... Cổ Am”: các thị hĩm xuất thân làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, nổi tiếng vượng phu ích tử, vừa khéo chiều chồng, vừa giỏi nuôi con.
“Cu Hành Thiện”: đàn ông con trai làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, nổi tiếng văn hay chữ tốt, nhiều người thành đạt. Từ thời nhà Trần, Hành Thiện luôn luôn đứng đầu tỉnh Nam Định về số người thi đỗ trong các kỳ thi.
[Gia tộc họ ngoại của người viết vốn xuất thân làng Hành Thiện, lẽ ra cũng có quyền hãnh diện, nhưng nhớ tới việc “Trường Chinh” Đặng Xuân Khu - tác giả chính sách Cải Cách Ruộng Đất, kẻ đã ra lệnh đấu tố cha mẹ của mình – cũng là người Hành Thiện, cho nên chỉ cảm thấy nhục nhã, xấu hổ lây]
* Huyền thoại & giai thoại về heo
Trên cõi đời này có lẽ không một loài vật nào vừa được khen nhiều vừa bị chê lắm như loài heo.
Trước hết nói về khen. Với người Việt, người Tàu, con heo tượng trưng cho sự dư giả, thịnh vượng (con heo đất để dành tiền), nhàn nhã (ăn no lại nằm).
Người Việt ai lớn lên từ thưở đất nước còn thanh bình hẳn vẫn nhớ hình ảnh con lợn được thể hiện qua các bức tranh dân gian của họa sĩ Đông Hồ, nói lên sự sung mãn, vui vẻ, hạnh phúc.
Vì thế người nào sinh năm Hợi thì được xem là có số sướng, cuộc sống thảnh thơi, sung túc (tuổi Hợi nằm đợi mà ăn); nhưng nên nhớ đàn ông con trai tuổi Hợi thì tối kỵ lấy vợ tuổi Dần - Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung - sẽ bị vợ “vồ” quanh năm!
Thế nhưng bên cạnh đó lợn cũng là biểu tượng của thói phàm ăn, sự bẩn thỉu, dơ dáy, lười biếng, ham mê sắc dục...
Huyền thoại nổi tiếng nhất về những xấu xa của lợn trong văn hóa Đông Phương phải là nhân vật Trư Bát Giới trong truyện Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân.
Trư Bát Giới nguyên là Thiên Bồng Nguyên Soái trên Thiên Đình, chỉ huy hơn 8 vạn thủy binh. Trong một đại yến trên thiên đình, có sự hiện diện đầy đủ của chư tiên thần thánh, Trư Bát Giới lần đầu tiên nhìn thấy Hằng Nga đã mê mẩn, liền mượn men rượu để dở trò bốc hốt. Hằng Nga tâu với Ngọc Hoàng, kết quả họ Trư bị đày xuống hạ giới dưới lốt một quái vật nửa người nửa thú, với tất cả mọi thói hư tật xấu trên cõi đời: ganh tỵ, hiềm thù, tham ăn uống, mê sắc dục...
Đó là truyện Tàu ngày xưa, còn truyện ta ngày nay thì phổ biến nhất phải là truyện cực ngắn (nhưng cực hay) sau đây, của một tác giả khuyết danh ở trong nước.
Kiếp lợn
Một con lợn sề bị đem ra thọc tiết, nó đau đớn kêu gào thảm thiết. Bụt hiện ra hỏi: vì sao con khóc?.
Con lợn sề rưng rưng nước mắt: thưa Bụt, cuộc đời này thật bất công! Con sinh ra đã mang thân hình xấu xí, cả đời phải ăn cơm thừa canh cặn, thế mà cuối cùng lại bị giết thịt để làm thức ăn cho kẻ khác, vậy công bằng ở đâu?
Bụt cười: Con không hiểu rồi! Để ta giải thích cho con. Cuộc đời này có luật nhân quả, có kiếp luân hồi...
Kiếp trước con bỏ ngoài tai những lời dạy bảo của ông bà cha mẹ, nên kiếp này trời phạt cho con mang đôi tai to.
Kiếp trước con nhắm mắt làm ngơ trước những cảnh cơ cực của người khác, nên kiếp này trời phạt cho con mang đôi mắt híp.
Kiếp trước con ngồi ì một chỗ nhiều, nên kiếp này trời bắt con mang chân ngắn, bụng to.
Kiếp trước con nói nhiều làm ít, lừa phỉnh chúng sinh, nên kiếp này trời bắt giọng con " khịt khịt ".
Kiếp trước con sa đọa trụy lạc, nên kiếp này trời phạt con mang nhiều vú.
Kiếp trước con ăn chơi phè phỡn bằng tiền mồ hôi nước mắt của người khác, nên kiếp này trời bắt con ăn cơm thừa canh cặn.
Kiếp trước con hãm hại nhiều người vô tội, nên kiếp này trời phạt con bị giết thịt. Con đã giác ngộ ra chưa?
Con lợn sề gạt nước mắt, bán tín bán nghi, băn khoăn tự hỏi: Chả lẽ kiếp trước mình là... CÁN BỘ?!
* “Con lợn lòng” – “Phim con heo”
Theo sự tìm hiểu của người viết, hiện nay không có bất cứ tài liệu, tự điển hoặc bài khảo cứu đứng đắn nào giải thích mấy chữ “con lợn lòng”, tuy nhiên không biết từ bao giờ, hầu như tất cả mọi người đều đồng ý với nhau rằng mấy chữ này được sử dụng để chỉ ham muốn tình dục thấp hèn, thậm chí phi đạo đức, bất hợp pháp, của đàn ông con trai.
Viết là “thấp hèn, phi đạo đức, bất hợp pháp” bởi vì trong những trường hợp hưởng lạc thú chính đáng với người tình hay người bạn đời, chẳng ai nói là “thỏa mãn con lợn lòng” cả!
Chỉ có điều lạ là trong ngôn ngữ của cả hai miền Nam Bắc, mọi người đều nói: để “thỏa mãn con lợn lòng” thì người ta “diễn trò con heo”!
Tại sao không phải là “diễn trò con lợn”?
Nếu cho rằng gọi là “diễn trò con heo” bởi vì hành động đó giống như trong “phim con heo”, xin được phép hỏi lại: tại sao lại gọi là “phim con heo”?!
Không biết từ bao giờ, ba chữ “phim con heo” đã trở thành tiếng lóng của người Việt để chỉ thể loại phim tình dục (đóng thật) lộ liễu, trắng trợn (tiếng Anh: porn movies, sex movies), hiện nay ở trong nước gọi là “phim sex cấp 3”.
Trên một số trang mạng trong nước, có người còn cẩn thận phân biệt “phim con heo” là phim sex do các diễn viên chuyên nghiệp đóng, còn phim sex tự quay của các diễn viên, ca sĩ, hoa hậu, người mẫu (Paris Hilton, Kim Kardashian, Nguyễn Hồng Nhung, Hoàng Thùy Linh, Yến Xuân...) thì gọi là “phim sex tự biên tự diễn” (home-made sex video).
Ngày mới di cư vào Nam, người viết được một số người Sè-goòng giải thích rằng người Việt gọi “phim con heo” là theo cách người Pháp gọi đó là “phim cu-soong” (cochon: con heo). Nhưng khi người viết hỏi mấy vị giáo sư người Pháp chính gốc Gô-loa thì được trả lời rằng: người Pháp có sử dụng chữ “cochon” để chửi thật đấy, nhưng mang ý nghĩa dơ bẩn, thô tục, xấu xa một cách chung chung, chứ không chỉ có nghĩa là dâm ô đồi trụy.
Nói cách khác, người Pháp sử dụng chữ “cochon” để chửi cũng giống như người Anh, người Mỹ sử dụng chữ “pig”, chữ “swine” vậy thôi.
Một số người (Việt) khác lại giải thích: người Á đông chúng ta dùng ý niệm “trò con heo” để chỉ hành động quan hệ tình dục của con người là vì con heo thân hình trần trụi, không có lớp lông che đậy mà “ấy” nhau tỉnh bơ giữa thanh thiên bạch nhật, trông rất thô bỉ, chẳng khác nào nam nữ mần tình ở nơi công cộng để cho người khác thấy!
Cuối cùng, một số người ra vẻ có đầu óc khoa học đã giải thích rằng vì khi giao cấu và đạt tới khoái lạc, tình trạng “cực khoái” (orgasm) của con heo đực kéo dài hơn bất cứ loài động vật nào khác (có thể lâu tới 20 phút), cho nên hành động giao cấu của chúng đã được vay mượn để nói về sinh hoạt tình dục buông tuồng lộ liễu của con người.
Dĩ nhiên, trên đây cũng chỉ là một lối giải thích, đồng ý hay không là tùy từng độc giả. Riêng người viết rất mong được các vị cao nhân chỉ giáo.
Thiên Lôi Miệt Dưới
(trích Đặc san Lý Tưởng – Úc Châu, Xuân Kỷ Hợi 2019)
(posted by Nguyen Huu Thien : https://hoiquanphidung.com/showthread.php?27873-N%C4%83m-H%E1%BB%A2I-n%C3%B3i-chuy%E1%BB%87n-con-HEO )