Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Song Chùy 213 & Vùng Trời Hỏa Tuyến (Những Ngày Cuối - Tháng 3/75) - T.HG@SONGCHUY

Posted by January 16, 2019 4133

Một Thời Để Nhớ - (Những Ngày Cuối - Tháng 3/75)

Tháng 3/75, không ngờ đó là những ngày tháng cuối cùng của các chiến sĩ vùng I Chiến Thuật, miền Địa Đầu Giới Tuyến, còn được mệnh danh là Vùng Hỏa Tuyến, một danh xưng nẩy lửa xuất hiện từ thời tướng Nguyễn Chánh Thi làm Tư Lệnh Quân Đoàn I.

Trong giờ thứ 25 của cuộc triệt thoái lịch sử khỏi Vùng I Chiến Thuật, Sư Đoàn I KQ nắm giữ vai trò vô cùng quan trọng trước tình thế lúc bấy giờ " Còn SĐ I KQ, Còn phi trường Đà Nẵng thì Còn Vùng I Chiến Thuật "!

Đà Nẵng là thành trì cuối cùng dưới con mắt người dân Vùng I Chiến Thuật. Mất phi trường Đà Nẵng, thành phố cũng mất theo; tất cả dân quân thuộc Quân Khu I từ các nơi kéo về Đà Nẵng coi như không còn đường thoát... Phương tiện eo hẹp của Hải Quân Vùng I Duyên Hải được dành ưu tiên cho hai đơn vị Dù & TQLC. Quốc lộ I từ Đà Nẵng vô Nam đã bế tắc hoàn toàn sau khi các

tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và căn cứ Chu Lai bị overun trước Đà Nẵng một tuần. Cộng quân coi như trọn quyền làm chủ toàn thể lãnh thổ Vùng I Chiến Thuật ngay buổi chiều 29/3/75, sau khi tiếp thu xong Phi Trường và Thị Xã Đà Nẵng.

Hơn 5 giờ chiều 29/3/75, còn một chiếc trực thăng cuối cùng mang số -107- cất cánh rời kho dầu ở cuối đường Trưng Nữ Vương (Chợ Mới), chấm dứt hoàn toàn sự hiện hữu của SĐ I KQ trên Vùng Trời Hỏa Tuyến, bỏ lại sau lưng thành phố thân yêu đang âm thầm đi vào bóng đêm của hận thù, kinh hoàng và sợ hãi... Tội nghiệp cho những người còn kẹt lại ! Dọc theo con đường biển từ hướng Hội An về , dân chúng hân hoan (?) đón mừng " đám lính mới " có lẽ vừa chui ra từ những mật khu rậm rạp trong vùng Trường Sơn. Từng đoàn người, với cờ xí tung bay phất phới, dẫn đường cho mấy chiếc Motolova chầm chậm theo sau... đang tiến về Đà Năng; đánh dấu sự sụp đổ toàn bộ Quân Đoàn I / QLVNCH ! Bóng tối như đồng lõa cùng tội lỗi, màn đêm buông sớm hơn mọi ngày; bầu Trời u ám đầy khói mù từ phi trường thổi ra giăng đầy mặt biển xa mãi ngoài khơi vịnh Sơn Chà và Cù Lao Chàm.


Cộng quân đã khôn khéo phối hợp hai yếu tố tâm lý và chiến lược để dứt điểm Quân Đoàn I bằng trận Đại Pháo khốc liệt với hàng loạt hỏa tiễn 130 ly liên tục rót vào phi trường Đà Nẵng từ 8 giờ tối 28/3 cho đến gần sáng ngày 29/3/75. Phi trường trở nên tê liệt hoàn toàn ! Phi đạo, kho đạn, kho xăng... phá hủy rồi phi cơ cũng thành vô dụng. Không cấp chỉ huy thẩm quyền nào dám trực tiếp ban lệnh rút lui nên khi pháo kích tới mọi người tự động coi đó là hiệu lệnh cuối cùng, mạnh ai nấy cất cánh mà đi!

 
 

Không Đoàn 41CT với các phi đoàn khu trục và vận tải, đa số đã di tản trước ( Không biết do lệnh từ đâu?). Còn lại các Không Đoàn Yểm Cứ / Kỹ Thuật / Kiến Tạo và Không Đoàn 51 Chiến Thuật với 6 phi đoàn trực thăng (213, 233, 239, 253, 257, 247) cố thủ cho đến giờ pháo kích... Sau đợt pháo đầu tiên vừa tạm ngưng, anh em tự động phóng ra khu bãi đậu. Từ phòng HQ phi đoàn ra tới các ụ parking cách nhau không quá 200 m mà phải nằm xuống tránh mấy đợt pháo mới leo lên được phi cơ. Vội vàng quay máy xong cứ thế từ trong các ụ bốc thẳng lên như bươm bướm vỡ tổ ! Rất may không có tai nạn nào xảy ra đêm ấy; một lần cuối cùng chứng tỏ tài năng của các phi công Trực Thăng SĐ I KQ!

Suốt ngày 28/3/75 cầu không vận từ Sài Gòn đã chấm dứt nên không có chuyến C-130 nào ra đáp. Từ sáng đến chiều, HQ Chiến Cuộc không yêu cầu một phi vụ nào, lần đầu tiên phi trường Đà Nẵng vắng bóng phi cơ lên xuống.

Buổi chiều khi nằng vừa xuống dìu dịu, mặt Trời đang mất dần sau dãy Trường Sơn xa xa ở hướng Tây; anh Thái (Th/tá PĐP 213) lấy xe Jeep rủ tôi ra khu parking ngoài phi đạo phía trước Không Đoàn. Hai anh em rảnh rỗi ngồi tâm sự, ngắm dân chúng tấp nập rời phi trường vì có tin đêm nay sẽ bị pháo kích; chắc cũng như những lần pháo kích khác, chẳng có gì lạ nên chúng tôi không mấy quan tâm! Một đàn cò trắng nhịp nhàng bay qua trên đầu, cũng theo formations đều đặn, xà xuống một đường lả lướt trên hai phi đạo dài song song theo hướng Nam Bắc trước khi bay đi, gợi nhớ một hình ảnh thanh bình rất quen thuộc đã vắng bóng lâu lắm trên Quê Hương VN đầy khói lửa ...Tội nghiệp! những ngày còn chiến tranh chim cò cũng bị phi cơ dành mất phần không gian.

Nhân dịp Không Đoàn 51 sắp phải tăng phái cho chiến trường Pleiku, anh Thái nói nếu tôi lead biệt đội đi, anh sẽ đi với tôi. Rút kinh nghiệm chuyến biệt phái Chu Lai vừa qua làm tôi phải bỏ lại phi cơ mà chạy xuống bãi biển Kỳ Hà cho đến gần 3 giờ sáng mới được KĐ cho tàu 257 bốc về (đêm 24/03/75-HNT-). Tôi bàn với Anh nên cho anh em mang theo gia đình vợ con vì sợ rằng Đà Nẵng sẽ không còn khi mình trở về ( Nào ngờ chuyện ấy đã xẩy ra liền ngay đêm hôm ấy ). Chúng tôi còn đang vui vẻ trong câu chuyện thì bất chợt có chiếc Boeing vào đáp...Phi cơ chỉ taxi vô hậu trạm dân sự gần PĐ 257 rồi quay trở ra liền ,vừa taxi chầm chậm trên phi đạo vừa mở cửa...Có chiếc xe Jeep chạy theo đưa người lên ... Sau đó chúng tôi mới biết là chuyến bay riêng ra đón một mình gia đình Tr/sĩ Phát, Tàu lai, có quán cafe nho nhỏ trong khu cư xá Vũ Khắc Huề, có cô vợ xinh xinh như Giao Linh, một thời hấp dẫn bao chàng phi công, nhất là sau những phi vụ trực đêm buồn tẻ chẳng có chỗ nào vui hơn. Thấy phi cơ cất cánh đi rồi bỏ lại chiếc xe Jeep bên cạnh phi đạo, anh Thái chở tôi ra lấy chiếc xe. Trên xe còn lại một chai Napoleon và ít gói khô mực Đại Hàn, chúng tôi gọi đùa là "chiến lợi phẩm". Tôi mượn xe lái qua hậu trạm quân sự bên Phước Tường, đón mấy đứa em vợ về lại cư xá; còn anh Thái mang " chiến lợi phẩm " về PĐ nhậu với anh em thì cùng lúc còi hú báo động ...

Khi loạt pháo kích đầu tiên ồ ạt phóng tới phi trường, tôi ngừng xe dẫn đám em chạy xuống núp dưới những giao thông hào bao quanh vòng đai phòng thủ để tránh đạn; phải qua mấy đợt pháo kích mới về tới khu cư xá Trần Văn Thọ. Gởi được đám em ở nhà Th/sĩ Úc ( KĐ Yểm Cứ, bạn với Ba vợ tôi), xong tôi cấp tốc lên phi đoàn liền. Vừa tới ngã ba nằm giữa cư xá Butler và khu Vũ K. Huề thì bị chận lại. Tôi nhận ra viên Tr.úy QĐ I anh của Tr/sĩ Phát, muốn đòi lại xe Jeep. Tôi chở hắn lên tới PĐ rồi mới trả. Vào phi đoàn, điện coup tối om, tôi chui xuống hầm trú ẩn nằm ngay góc hông phải gần cửa vào. Trong bóng tối lờ mờ tôi nhận ra hai sĩ quan già của PĐ là Ch/úy Ng. Xuân Xinh và Ch/úy Đèo V. Đức...Hầm đã chật cứng chỉ còn vừa mình tôi chui vô.

Chờ cho tiếng đạn vừa nổ sau những tiếng hú rùng rợn của hỏa tiễn bay xé trong không gian, chúng tôi bắt đầu phóng ra ụ parking. Hễ nghe tiếng hú bay tới lại nằm xuông đất...Phải qua 2,3 đợt pháo kích mới bò tới được phi cơ. Tôi nhảy lên phi cơ thì nhận ra Tr/úy Huỳnh H. Nghị, một mình đã quay máy sãn; trên tàu chật cứng phần đông là anh em Kỹ Thuật.

Tất cả trực thăng được di tản qua phi trường Non Nước ở hướng Đông bên cạnh năm ngọn Ngũ Hoành Sơn , sát bờ biển Mỹ Khê (China Beach). Ngày còn quân đội Hoa Kỳ với tên gọi Marble Mountains Airfield là một trong những căn cứ quân sự rất quan trọng sau Đanang Air Base.

Thời kỳ HQ Hạ Lào, một số hoa tiêu 213 & 233 được gởi bay huấn luyện HTC với phi đoàn Black Cat của Mỹ tại Non Nước hầu kịp cung ứng cho nhu cầu chiến trường. Sau này không còn Mỹ căn cứ bỏ không, phi trường dùng cho các phi vụ huấn luyện. Hồi năm 1973, đã xảy ra một tai nạn thảm khốc trong lúc huấn luyện giữa hai phi hành đoàn của Đ/úy Phan N.Trước ( TP/HL/213) và Th/uy Phúc (Pđ 239) làm tử thương cả hai bên. Phi cơ đâm đầu vào nhau ngay trên phi đạo, may mắn còn hai người sống sót là Tr/úy Quách G. Tịnh (TP/HL/ 239) và Th/úy Ng.V. Hồng (213).

Sáng hôm ấy tự nhiên như có điềm lạ khác với lệ thường nên không biết tai sao anh Trước lại giao cho tôi chiếc xe Yamaha màu đỏ và chìa khóa xe cũng như chìa khóa nhà của anh, rồi mới đi bay. Buổi tối hôm trước, tôi còn nhớ là một buổi chiều Thứ Tư trong tuần, Trời oi bức nóng nực . Anh và tôi đang ngồi lai rai ngoài hiên nhà trong khu cư xá Bắc Phạt thì vô tình có Th/úy Phúc ( PĐ 239) đi qua. Anh mở miệng phê bình " thằng gì mà cao ốm như cây tre ! " Nào ngờ buổi sáng hôm sau, hai người không hẹn mà gặp. Có lẽ là duyên nợ từ kiếp nào! Kết quả hai người cùng tử thương trong tai nạn ấy. Ngày tiễn quan tài anh lên C130 về Sài Gòn mai táng, tôi không giữ nổi cảm xúc, bật khóc tự nhiên như đứa trẻ! Ở thế giới bên kia không biết hai anh sẽ nói gì... với nhau?

Phi đoàn 213 được hãnh diện là một trong những phi đoàn trực thăng kỳ cựu nhất của KQVN, đồng thời với các phi đoàn 211, 215, 217, 219. Đặc biệt đối với KĐ51CT, trong vai trò " đàn anh " PĐ 213 bao giờ cũng tiên phong nhận lãnh bất cứ phi vụ nào được giao phó trên khắp lãnh thổ Vùng I Chiến Thuật từ Gio Linh Bến Hải cho đến Sa Huỳnh Đức Phổ, giáp ranh với Bồng Sơn ở Vùng II.

Bộ mặt phi đoàn thực sự thay dổi từ khi bắt đầu tiếp nhận thêm các toán hoa tiêu UH-I mới tốt nghiệp ở Mỹ về. Các đàn anh gốc H-34 thì nắm giữ những functions chỉ huy & tham mưu. Phi vụ được mở rộng tối đa cho phù hợp với nhu cầu chiến trường. Có cuộc HQ nào không có bóng dángTrực Thăng ! Từ tiếp tế tải thương, trực thăng vận, đến những phi vụ thám sát, đột kích, tác xạ...v.v. Ở đâu có quân bạn ở đó có trực thăng, gian nan cùng chia xẻ tức thời với các đơn vị Bộ Binh; bất kể ngày đêm, mưa bão, lụt lội gì cũng có trực thăng. Các phi đoàn Trực Thăng được coi như thành phần tác chiến nòng cốt của Không Lực VNCH. Sau này các cuộc HQ lớn nhỏ gì cũng chỉ thấy một mình trực thăng và Bộ Binh phối hợp với nhau là đủ. Trực thăng đã trở thành biểu tượng độc đáo của chiến tranh Việt Nam !

Riêng với PĐ 213, chỉ với 5 năm ngắn ngủi trong " Chương Trình Việt Nam Hóa " chiến tranh (70-75), gần 60 " cánh chim " Song Chùy ( 4X15 PHĐ ) đã anh dũng hy sinh trên khắp vùng Trời Hỏa Tuyến. Có lẽ không một đơn vị nào của KQVN đã hy sinh nhiều hơn ! Bao nhiêu sự hy sinh cao cả và hình ảnh oai hùng của bạn bè còn lưu lại. Không có cái chết nào được toàn thây, con tàu không bị nổ thành mảnh vụn giữa bầu Trời thì cũng gẫy làm hai ba khúc trước khi lao mình xuống núi hay đâm đầu giữa dòng suối.

Xin được một lần Kính Cẩn Vinh Danh các Phi Hành Đoàn Song Chùy: Trần lê Tiến & Khanh ** Lê văn Thìn & ** Phan ngọcTrước ** Tạ Hòa & Diêu ** Trịnh đình Dũng & ** Phan công Soạn & Trung ** Phạm văn Phi & Nhiễu ** Nguyễn đức Lưu & Lãm ** Đinh như Hoàng & Sỹ ** Lã Quang Đức & Bửu ** Nguyễn thanh Tròn & Phấn ** Nguyễn đức Hoan & Khương ** Đinh như Nguyện & Đường ** Hoàng Tất Đắc & Hoàng **Đặng hữu Hào & Phúc ** và các HSQ còn nhớ được tên như: Lộc, Ẩn, Để, Đoài , Cần, Thiện, Ngãi, Cảnh, Phương ( trong các PHĐ của Th/tá Trương V. Hoàn & Tâm ** và Đ/úy Phan V. Niên & Phúc).

Dù phải đương đầu với những hiểm nguy qua bao chiến trận nóng bỏng trên khắp chiến trường Vùng I, nhưng các hoa tiêu Song Chùy 213 vẫn luôn vui say trong nhiệm vụ " Lấy bầu Trời làm lẽ sống, đơn vị làm gia đình, bạn bè làm anh em! ". Không ai nghĩ rằng những phi vụ tầm thường nhất trong tháng Ba/75 lại là những phi vụ HQ cuối cùng của PĐ 213 trước khi... Tan Hàng!

Ngay đêm 28/3, sau khi đã di tản qua phi trường Non Nước, một số anh em nóng lòng cất cánh bay (đêm) vào Phù Cát để lánh nạn. Nhiều người bị trục trặc nửa đường vì thời tiết xấu ban đêm, phần vì thiếu xăng và tình hình an ninh đã thay đổi mà không biết. Đa số anh em 213 vẫn ở lại cho tới sáng hôm sau.

Phần tôi, qua một đêm bay lòng vòng nghe ngóng tin tức và chờ lệnh, hy vọng hôm sau Trời sáng tình hình sẽ khả quan hơn. Anh Phạm anh Tuấn (TPHQ) rủ đáp xuống BCH Quân Vận I bên An Hải định chở nhóm ô.bà B/S Giàu và các vị Đại Biểu Chính Phủ Vùng I ra Hạm Đội nhưng hủy bỏ...Cuối cùng mệt mỏi vì cả ngày chưa ăn uống gì, tôi đáp xuống Non Nước tắt máy, tìm giấc ngủ dưới bụng phi cơ trên bãi cỏ bên cạnh phi đạo đầy cát bụi. Anh Lễ (TPHL/KĐ) nằm cạnh, dặn tôi mai cho anh theo vì lâu không bay HQ không hiểu rõ tình hình an ninh ra sao...

Buổi sáng 29/3, sau giấc ngủ ngon lành qua một đêm mệt mỏi, tôi giật mình thức dậy khi Trời vừa sáng thì bạn bè đã bỏ đi hết... anh Lễ cũng đi rồi; sau này nghe nói tàu anh bị rớt gần vùng Cù Lao Ré. Trên phi đạo Non Nước còn mấy chục trực thăng xếp hàng dài như sắp cất cánh HQ mà không có pilot, cảm giác rờn rợn như đang đứng giữa một phi trường " ma ". Một lúc sau, có chiếc Chinook của Tr/tá Nguyễn Văn Mai (PĐT 247) đáp xuống. Anh hỏi tôi sao chưa đi? Sau đó tôi cất cánh trở lại phi trường để lấy thêm xăng. Vừa quẹo vào " short final " phi đạo 35 thì bị quân ta (?) ở dưới bắn lên không cho đáp, phải quẹo ra. Phi đạo quen thuộc ngày nào bây giờ trở nên lạnh lùng xa lạ chẳng còn âu yếm trông chờ chúng tôi trở về như sau những buổi chiều HQ năm xưa! Tôi bay đi trong ngậm ngùi thương tiếc mà vẫn không đành giã từ. Trở lại Non Nước, Tr/úy Nghị cởi bỏ áo bay, muốn tôi thả xuống bãi cát bên ngoài hàng rào phi trường, gần bờ biển Mỹ Khê để trà trộn với lính TQLC rồi bơi ra tàu HQ đang neo ngoài khơi. Sau đó một số anh em Kỹ Thuật cũng xin xuống trở về gia đình, tôi lại chiều lòng đáp xuống khu bãi cỏ gần BTL/QĐ I, thế là xăng đã cạn lại càng cạn thêm. Không ngờ lúc ấy còn một trực thăng nữa của Đại úy Vui &Tưa cũng chưa đi. Thấy tôi solo một mình, Vui đáp xuống, cùng với Tr/úy Lương Viết Cang, Tr/sĩ Mai V. Đương và Lê V.Xiêm (CP-XT) bỏ tàu của Tưa chạy qua theo tôi.

Cho Vui biết tàu tôi gần hết xăng mà phi trường không vào được, tôi đáp xuống kho Hải Quân gần cầu Trịnh Minh Thế để xuống thử mấy chiếc " xà lan " đã chật ních còn đang neo ở bến, rồi giao phi cơ cho Vui... Anh muốn trở lại phi trường thêm lần nữa xem sao. Hai HSQ Đương & Xiêm xuống theo tôi.

Chúng tôi còn đang dò hỏi tình trạng mấy chiếc xà lan của HQ ra sao thì thấy cảnh hỗn loạn trước mắt: Một HSQ Không Quân bị hai lính BB (?) dí súng M16 sau lưng, dẫn độ như sắp mang đi xử bắn, với hai tay bắt giơ cao lên Trời. Biết nguy hiểm, chờ họ đi qua, ba chúng tôi chạy lẹ vô một trong những kho chứa hàng gần đó thì súng nổ đuổi theo, đạn bắn vào tường và mái tôn ầm ầm...Không biết có phải muốn bắn theo chúng tôi hay không ? Trong lúc bí quá, cả ba người chui vào 1 thùng phi để tránh đạn rồi thay quần xà lỏong với áo sơ mi, bỏ cả giầy, chân đất chạy ra ngoài... Vừa lúc ấy Đ/úy Vui bay trở lui, anh đáp xuống kho dầu SHELL gần chợ Mới ở cuối đường Trưng Nữ Vương. Chúng tôi bắt liên lạc lại với anh, tất cả mọi người cởi bỏ quân phục rồi tìm cách dẫn ống dầu chuyền vào phi cơ nhưng thất bại...Màn Trời tối sớm có lẽ vì khói xăng và khói đạn từ phi trường bay ra. Tôi cố gắng liên lạc bằng kiếng survival, dẫn được một chiếc Air America màu silver từ ngoài Cù Lao Chàm bay vào. Hắn rà thấp một vòng quan sát chúng tôi nhưng có lẽ thấy như đám trẻ nít bu quanh phi cơ, lại mặc quần đùi với sơ mi nên nghi ngờ rồi vẫy tay chào bay đi... Biết không còn hy vọng rời khỏi Đà Nẵng đêm nay (29/3), chúng tôi bàn chuyện phải ra trình diện sẽ tính sao ? Lương V.Cang đề nghị tôi lên đáp trên đài kiểm báo Panama (Monkey Mountain) rồi lẩn trốn xuông rừng... Sau đó Vui rủ về nhà trọ của anh trong hẻm đường Phan Chu Trinh để kiếm chút gì ăn cho đỡ đói, may mắn chủ nhà đã di tản còn để lại mấy bao gạo xấy và thịt hộp. Ăn xong mọi người tỉnh táo hết mệt mỏi tinh thần hăng hái, chúng tôi nhất định trở lại phi cơ phải kiếm cho ra dầu để rời khỏi Đà Nẵng đêm nay. Dọc đường cố gắng lượm những ruột xe Honda bể, chúng tôi nối lại được một khúc. Trở lại kho dầu, anh em nối ống dẫn tới phi cơ, chỗ nào hở thì bóp lại bằng tay, dầu phun tung tóe lên đầy mặt mũi... Mọi người mừng rỡ dù chỉ có dầu lửa (kerozene) thay vì JP-4. Trời đã gần 5 giờ chiều mà đường phố vẫn tấp nập dân chúng ngược xuôi chẳng biết đi đâu. Đám thanh niên choai choai tay lái Honda tay ôm súng M16 chạy toán loạn. Nghe đồn dân chúng mới cướp phá kho gạo và kho quân nhu; tình trạng mỗi lúc thêm hỗn loạn... Chúng tôi ráng lấy thêm một thùng phi nữa cho đầy rồi mới cất cánh. Lòng hân hoan nhẹ nhõm, Tôi bốc con tàu lên khỏi tầm bồn SHELL rồi cắm mũi lạng sát trên mặt sông Hàn để tránh né những lằn đạn từ kho HQ còn bắn đuổi theo. Qua khỏi cầu Trịnh M.Thế vẫn giữ tầm bay thấp, lách mình giữa những vách đá trong vùng Ngũ Hoành Sơn cho tới bờ biển. Nhờ lớp khói là đà trên mặt biển, chúng tôi bình yên ra đến Cù Lao Chàm mới lấy cao độ, quẹo phải trực chỉ hướng Nam bay vào Phù Cát...Thấy đoàn biểu tình với xe Motolova hộ tống từ hướng Hội An về, tôi nói với Đ/úy Vui nếu bị chúng bắn theo, có bề gì tôi thà đâm xuống biển hơn để bị bắt, mọi người đồng ý ! Hai bàn chân không mang giầy đạp trên 2 pedals vừa lạnh vừa rung. Lòng nặng trĩu luyến tiếc, tôi bay đi mà không đành bỏ lại biết bao kỷ niệm còn vấn vương của một thời HQ ngang dọc trên Vùng Trời Hỏa Tuyên.

Tháng 3/75, trong khi mặt trận Pleiku ở Vùng II đang hồi khốc liệt thì tình hình quân sự tại Vùng I Chiến Thuật tương đối lắng dịu một cách nghi ngờ mà chẳng có " nhà nghiên cứu quân sự " nào (của ta) biết tiên đoán trước. Bắt đầu thời gian từ sau Tết qua đến tháng Ba, các phi vụ dường như mỗi ngày một cắt giảm thưa thớt. Có lúc tôi lo sợ sẽ bị " thất nghiệp " không được bay nữa ! Anh em bàn tán chắc là " tiết kiệm nhiên liệu và đạn dược ". Bảng phi vụ lệnh ở phi đoàn mỗi ngày càng trống trơn, phải nhờ Hồ N.Thanh ( Tr/úy ) vẽ thêm bông hoa cho bớt trống trải -Thanh có " khoa tay " viết và vẽ rất đẹp nên mỗi khi cắt bay xong tôi hay giao lại cho Thanh viết lên bảng phi vụ lệnh- Anh em rảnh không bay, buồn tình thì xúm nhau gõ Domino cho hết giờ ... Hoặc chơi bài "Dắt ". Trong phi đoàn có Đào V.Tưa, Nguyễn V.Sầm là những cao thủ Domino xuất sắc. Tôi chơi dở nên bị thua hoài, xong Sầm/Tưa cho mượn lại; đến tháng lãnh lương phải để dành trả nợ cho bọn Hắn hết... Đời lính nghèo mà sao vẫn vui! Tài sản cuối cùng tôi chỉ còn chiếc xe Mini của đứa em gái cho mượn đạp lên phi đoàn mỗi ngày đi bay, đã bỏ lại lúc di tản.

Được lệnh biệt phái, tôi vui vẻ dẫn biệt đội ra vùng phía Bắc Đèo Hải Vân (Huế) như thường lệ. Chúng tôi đáp và tạm trú ở Phú Bài, phi trường duy nhất còn lại cho cả 3 tỉnh Đông Hà, Quảng Trị và Huế; nằm ở hướng Nam cách thành phố Huế không xa lắm.

Phi trường dạo này vắng tanh, chẳng còn chút linh động của những năm nóng bỏng với các chiến trận từ Hạ Lào , đến Mùa Hè Đỏ Lửa, rồi Quảng Trị Kinh Hoàng... Chẳng còn cái không khí sôi động của những phi vụ chuyển quân hay tiếp tế phi cơ lên xuống nhộn nhịp mỗi ngày, hết C-130, C-123, L19, lại đến Trực Thăng mà vẫn không kịp đáp ứng các nhu cầu chiến trường!

Trạm Tiếp Liên Hàng Không bây giờ trống trơn, ánh nắng ban mai chiếu qua những cửa kiếng chỉ thấy bàn và ghế ngổn ngang càng tăng thêm vẻ thê lương buồn chán. Bên cạnh những hiểm nguy chết chóc, chiến tranh có lẽ vẫn có những niềm vui "không tên" nào đó nên lòng mình có chút gì vương vấn nhớ nhung... Còn đâu CLB nho nhỏ của cô bé tên Quy, nữ sinh, con gái ông Đại/úy trưởng trại Phú Bài, với khuôn mặt hồng hồng bụ bẫm và mái tóc búp bê tựa như Phg.H.Tâm. Kỷ niệm một lần biệt phái, Tôi và Dũng Mexico, có Ng.T.Đức nữa, nhậu say rồi bắn lộn với toán Trinh Sát SĐIBB. Từ sau đó, mỗi lần thấy chúng tôi, ông Đ/úy chủ quán hay gọi bằng " Các Đại Ca ! ". Bây giờ quán đã niêm phong kỹ càng, cửa gài song sắt, im lìm đìu hiu.

Buổi sáng, đi tìm mãi trong khu cư xá hoang tàn mới kiếm được một gánh bánh bèo duy nhất của bà cụ già nằm khuất sau mấy căn nhà vòm mái cong bằng nhôm của quân đội Mỹ để lại. Anh em điểm tâm vội vàng cho êm bụng rồi đi bay. Khu cư xá trống trơn rác rến bừa bãi khắp nơi, thì ra các đơn vị phòng thủ phi trường cũng đã dời đi hết.

Trạm xăng lưu động di chuyển qua góc phía Đông Bắc sát với hàng rào. Đổ xăng xong nhìn wind sock lấy hướng, cất cánh ngược về hướng Nam. Khu đồi thông xơ xác đìu hiu ở cuối đầu phi đạo gợi nhớ kỷ niệm những ngày HQ nhộn nhịp Mùa Hè Đỏ Lửa... Ng. tấn Đức hay lên cầu cơ khấn vái gì ở trên ấy rồi về bịa ra chuyện ma quái cho anh em sợ thêm. Mỗi lần có dịp cất cánh đêm, bay qua tôi vẫn hay ngó xuống xem có thấy bóng ma nào xuất hiện hay không?

Qua đáp bên sân VIP/Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp, sát cạnh phi trường, để đón tướng Ng.H.Hạnh( CHT? ) đi kinh lý thám sát tình hình trong vùng lúc bấy giờ. Ngoài đường phố Huế, ngạc nhiên thấy dân chúng tấp nập ồ ạt trên đường như những đoàn biểu tình thời còn "Biến Động Miền Trung" năm nào. Bay qua vùng Gia Hội, Mang Cá rồi bay ra Quảng Điền, Phong Điền ...Trên Đại Lộ Kinh Hoàng , hình ảnh của Mùa Hè Đỏ Lửa như được tái diễn nguyên vẹn. Người và xe cộ trâu bò đông như kiến vỡ tổ, kéo về từ La Vang, Đông Hà, Quảng Trị, dồn dập như làn sóng đang tràn vào thành phố Huế... Vòng ra cửa Thuận An, trên con đường quanh co dẫn ra biển, xe và người nối đuôi nhau như đoàn tàu dài không bao giờ dứt... Ở bến Thuận An, các xe câu hàng nhộn nhịp vận chuyển người xuông bằng những giỏ lưới khổng lồ. Từng " túi người " như nhưng kiện hàng được bốc lên đổ xuống nhịp nhàng... Bây giờ tôi mới nhận thức được phần nào sự khẩn trương của tình hình, nhưng vẫn không hiểu nổi những sự thay đổi đột ngột bất ngờ mà chẳng nghe súng nổ, chẳng có giao tranh đụng độ, tại sao dân cứ bỏ chạy ? Sau này mới hiểu tất cả đều nằm trong kế hoạch tuyên truyền của địch, còn chúng ta không có kế "phản tuyên truyền " để đối lại.

Hai ngày sau, Anh Tuấn (TP/HQ) gọi ra Phú Bài nói " Thấy mày vất vả tội nghiệp quá ! Chiều nay về vùng Trong (Chu Lai, Quảng Ngãi), để tao ra thế cho ". Thế là tôi bay về Đà Nẵng, lấy thêm áo quần , xong hôm sau lại dẫn toán khác vào Chu Lai biệt phái tiếp thì nghe tin Huế mất ! Dân chúng bỏ lại tất cả, di tản vào Đà Nẵng bằng mọi phương tiện: đường thủy, đường bộ và máy bay...Có lẽ lo sợ tái diễn cảnh tàn sát như Tết Mậu Thân 1968. Đà Nẵng bất chợt thành " Trung Tâm Tị Nạn " chứa thêm cả mấy chục ngàn dân di cư. Tôi vẫn không tin Quân ta có thể bỏ Huế dễ dàng đến như thế!

Giữa hai vùng biệt phái Chu Lai( vùng Trong,phía Nam) và Huế (vùng Ngoài,phía Bắc) tôi thích ra Huế nhiều hơn. Khác với vùng Trong gồm Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngãi , phần đông các tỉnh và quận từ Huế trở ra đều nằm xa núi , ở ngoài đồng bằng nên ruộng vườn phì nhiêu hơn và cảnh vật cũng tươi mát sáng sủa hơn. Dù biệt phái, những ngày không trực phi vụ anh em có thể ra phố chơi thoải mái.

Ngoài ra , ở vùng ngoài có đến ba bốn nơi khác nhau cho phi hành đoàn thay đổi chỗ ở tùy theo mỗi thời kỳ HQ nên vui hơn.

Hồi HQ Lam Sơn 719 / Hạ Lào , anh em nằm tại Đông Hà trong những doanh trại dã chiến của lính Mỹ để lại. Mùa Đông mưa phùn gió lạnh, mỗi tối hoàn tất phi vụ trở về vừa đáp xuống xong nhảy vô bàn rượu liền để tìm chút hơi ấm cho bớt lạnh. Anh em quây quần bên chai rượu với thịt hộp C-Rations mà cũng vui nhộn suốt đêm, quên cả hiểm nguy ban ngày! Phố chợ Đông Hà tuy nhỏ , bụi đất mù mịt suốt ngày đêm nhưng chứa đựng một sắc thái rất đặc biệt tiêu biểu cho một thành phố chiến tranh miền Giới Tuyến . Bất cứ người lính nào, bất kể binh chủng gì , đều có chút hãnh diện được đặt chân đến Đông Hà trong những ngày nóng bỏng của các mặt trận Hạ Lào và Quảng Trị.

Vào dịp Tết 72 ,trước Mùa Hè Đỏ Lửa, lần cuối cùng tôi dẫn biệt đội ra biệt phái ở phi trường Ái Tử (Quảng Trị) . Phi trường đã bỏ ngỏ không có canh gác , ban đêm VC bò vào gài chất nổ . Phi hành đoàn của Đinh Như Hoàng và Lê Tấn Sỹ bị tử nạn đúng ngày tất niên . Phi cơ nổ lúc cất cánh rời phi trường Cam Lộ gần Đông Hà sau phi vụ chở toán phát lương của TQLC . Trong số PHĐ có Tr/sĩ Ngãi ( cơ phi) đã linh tính trước sự xui xẻo về con số 13 người đi ăn chung bữa cơm trưa , mừng Giao Thừa hôm ấy, mà cũng không sao tránh được mạng số . Hôm sau Không Đoàn cho lệnh tôi rút Biệt Đội về Dạ Lê (Camp Eagle-BTL /SĐIBB) , phía Tây Nam thành phố Huế . Tiếp theo đó chiến sự thay đổi với những ngày nóng bỏng của Mùa Hè Đỏ Lửa , Sư Đoàn 3 BB và thành phố Quảng Trị thất thủ ...Đ/úy Trần T.Vinh, Th/tá Nguyễn Du bên khu trục rồi một PHĐ 233 và nhiều PHĐ 213 đã hy sinh trên chiến trường ấy.

Thời kỳ mặt trận Quảng Trị đang sôi động, cả Dạ Lê và Phú Bài có lúc không còn chỗ tạm trú cho các PHĐ , chúng tôi phải đáp ngủ đêm ở khách sạn Hương Giang bên bờ sông Hương gần khu Đập Đá . Toàn bộ Không Đoàn 51CT và một Biệt Đội L-19 nằm chung ở phi trường Phú Bài, không khí vui nhộn như đoàn quân viễn chinh chết chóc kề bên mà chẳng ai sợ hãi !

Trong Thành Nội Huế có một phi trương nhỏ nhưng không có cư xá, thậm chí không có chỗ đổ xăng nên chỉ dành training hoặc đáp chờ phi vụ mà thôi. Một hôm chúng tôi đang standby chờ phi vụ bên bãi cỏ cạnh phi đạo ở phi trường thì có chiếc L19 của Đ/uy Bôi (PĐ 110 ) bị chết máy sau phi vụ thả truyền đơn trong vùng núi về. Chong chóng đã ngừng thẳng đứng mà Anh vẫn dẫn phi cơ về tới phi trường bình an. Anh quẹo vào short final rất đẹp( Nghe nói Anh là một HLV xuất sắc của PĐ 110 ). Bỗng dưng không hiểu tại sao lúc phi cơ gần chạm đất thì anh lại bốc lên go-around thêm một vòng nữa. Khi anh quẹo lại có lẽ vì gắt quá nên phi cơ bị "stalled" cắm thẳng mũi xuống thửa ruộng bên cạnh phi trường . Phải chờ xe câu bên Quân Vận qua mới kéo được phi cơ và PHĐ lên. Cái chết kinh hoàng lẹ làng mấy tíc tắc giúp tôi học được chút kinh nghiệm đau thương trong nghề nghiệp để phòng thân sau này.

Dịp ký kết Hiệp Định Paris năm 73, đêm 26/1/73 trước giờ Hiệp Định có hiệu lực, sau phi vụ HQ thường lệ cho TQLC ở Hương Điền chúng tôi mấy phi hành đoàn 213 và 233 bị giữ lại ở BCH-Dù tại căn cứ Charlie /Cây Số 17. Suốt đêm hôm ấy , dưới ánh trăng rằm lung linh ,chúng tôi phải di tản hết một Tiểu Đoàn Dù từ vùng núi gần Thánh Địa Lavang về bảo vệ cho BCH Dù và Cố Đô Huế , đề phòng địch phản phé giành đất theo kiểu ngưng bắn "Da Beo" vào giờ thứ 25 của lịch sử.

Những năm sau Hiệp Định Paris, phi vụ mỗi ngày bắt đầu ít đi, đường bay cũng ngắn bớt lại với sự lùi dần của các đơn vị bạn , hình như chỉ lo bảo vệ Cố Đô Huế mà thôi . Bộ Chỉ Huy Dù nắm sát trong mặt núi còn TQLC trấn giữ mặt biển, từ vùng Cửa Việt vào Hải Lăng , Hương Điền . Cả hai đơn vị lúc này bận rộn với việc trồng khoai sắn hơn là thao dợt ! Do " Chỉ Tiêu Số 5 " của BTTM và Cục CTCT ban ra, các căn cứ quân sự trở nên xanh tươi như những nông trại phì nhiêu ở Blao/Lâm Đồng trên vùng Cao Nguyên . Phi trường Đà Nẵng cũng vậy, hai đầu phi đạo khoai sắn tốt quá phủ cả những hàng đèn xanh đỏ dẫn vào "cận tiến". Toàn quân không có một kế hoạch nào vĩ đại hơn để đương đầu với việc " cắt giảm viện trợ " của Mỹ ! Hậu quả dẫn đến ngày 30/4...



Trong các nơi biệt phái, thành Mang Cá bên cạnh BTL/Tiền Phương QĐoàn I đã ghi dấu nhiều kỷ niệm khó quên đối với tôi:

1- Nằm trong khuôn viên thành Mang Cá, ngoài BTL/Tiền Phương/QĐ I còn có Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương cách nhau một cái hồ lớn đầy lục bình và bèo. Hồ có rất nhiều cá rô và ốc bưu, con nào cũng béo mập. Mỗi lần có dịp túc trực ở Mang Cá, Trương N. Quý (pilot 213) thường mang theo cần câu, có khi Hắn câu được cả thùng cá rô hoặc bắt được đầy thùng ốc thế nào mang về cũng tặng tôi một mớ vì biết tôi thích nhậu .

Một hôm tình cờ tôi có người bà con từ trong Nam ra tìm xác thân nhân thuộc binh chủng TQLC mới tử trận. Tôi chở qua bệnh viện NguyễnTri Phương và theo họ tới khu nhà xác mới mang về. Xác chết bày la liệt trên sàn cement chờ tắm rửa rồi mới liệm vô hòm. Nước ấy lại chảy xuống hồ lênh láng; có lẽ vì thế mà những con ốc và cá mà Quý mang về nó béo mập là phải. Từ đó cả Quý và tôi đều " chừa " không bao giờ dám ăn cá ốc ở hồ ấy nữa.

2- Bên cạnh ụ chi huy BTL tiền phương Quân Đoàn I có nhiều dây lầu dài song song từ thời Pháp để lại, được xây cất vuông vức như những dãy hotel. Mỗi lần biệt phái chúng tôi ở chung một phòng lớn và biệt đội Tải Thương (PĐ 257/ Cứu Tinh) ở một phòng. Một hôm có Biệt Đoàn Văn Nghệ Tâm Lý Chiến/Trung Ương ra giúp vui tiền tuyến, với đầy đủ nam nữ ca sĩ. Họ tạm trú bên dãy lầu đối diện nhưng khá xa, cách gần vài chục thước, nói chuyện không nghe rõ chỉ nhìn nhau mà thôi. Vậy mà, trong toán chúng tôi có một cơ phi tên Ng. Bare (Hắn lai Pháp, nhưng nhỏ con) không biết làm cách nào Hắn đã móc nối được một nàng ca sĩ trong nhóm TLC bên kia. Tối hôm ấy Bare không có tiền nên xin tôi 500$ ra phố chơi... Số tiền tôi cho chỉ vừa đủ tiền dẫn em đi ăn. Sáng hôm sau về Bare bá cáo đêm qua không còn tiền thuê phòng nên đã liều đưa nàng vô " nhà thủy tạ ", (Trong Thành Nội Huế có rất nhiều hồ sen, giữa hồ có dựng những nhà thủy tạ nho nhỏ, màu sắc rực rỡ như những cái miếu con), ở đó hai đứa tận hưởng một đêm khoái lạc trên nền cement lạnh ngắt!

3- Một lần biệt phái khác ở Mang Cá, trong toán có Tr/úy Phạm Cúc ( Pilot- Gốc PĐ 221 đổi ra - ) Sáng sớm Hắn xin đi đổ xăng (?) lúc trở về bay qua vùng Gia Hội thì nguyên một thùng đạn đại liên bị rớt xuống một ngôi chùa. Mái chùa bị lủng một góc lớn nhưng may mắn không trúng tượng Phật. Vì là loại mái ngói cổ xưa , nếu tháo ra sửa lại sẽ làm sụp giây chuyền(như Domino) thêm những chỗ khác. Các vị Đại đức trong chùa cứ nhất định đòi bồi thường toàn bộ mái mới. Với vai trò leader tôi phải gánh trách nhiệm. Rất may hai đàn anh cũ trong phi đoàn là T/tá Tạ Thái(PĐP) và Tr/tá Trần D.Kỳ (KĐP) cấp tốc bay ra can thiệp không muốn Đại Tá KĐT và Tướng Tư Lệnh SĐ biết. Hai anh dẫn tôi lên chùa Tỉnh Hội ( Chùa Từ Đàm ) gặp Hòa Thượng Thích T.Khiết(?) năn nỉ, ca bài ca " Hành Quân Bảo Vệ Cố Đô "; Ngài mới chỉ thị các đại đức thông cảm bỏ qua.. Sau đó chúng tôi xuống tòa Tỉnh xin cố vấn Mỹ được một xe gỗ và tôn chở đến đền bù nhờ vậy mới yên chuyện. Ân tình của hai Niên Trưởng làm tôi ghi nhớ mãi! 

4- Hai lần khác đang túc trực HQ ở Mang Cá, tôi lỡ cho PHĐ đi chơi. Một lần bất ngờ có phi vụ chở Tr/tướng Hoàng V.Lạc (TLP/QĐI) ra Hương Điền họp HQ với Tư lệnh TQLC. Tàu hành quân không ghế VIP mà cũng chẳng có seatbelt. Phi hành đoàn lại thiếu chỉ có tôi và xạ thủ (Tr/sĩ Hết). Bí quá, tôi cho Hết lên ngồi ghế Co-pilot. Hắn thấy ông Tướng dòm ngó thì sợ bị lộ; tôi phải móc lấy nón Ca lô có gắn hai bông mai sáng chói, từ từ đẩy qua cho Hết nhét vào túi cố để lộ cặp lon cho Ông thấy là SQ thứ thiệt. Lên Trời, tôi giao cần lái cho Hết giữ bình-phi tới gần Hương Điền mới đổi tay lái. Cái số may mắn, Tướng Lạc đã bỏ qua chuyện này không báo cáo về Sư Đoàn. Sau này T/s Hết trở thành xạ thủ riêng của Đ/tá Phước (KĐT), anh là một trong những xạ thủ gan lì và già nhất của PĐ 213. Không biết vì tư thù sao đó, anh bị chúng bạn giết chết trong khu Gunfighter (cư xá HSQ) khoảng năm 74, trước khi mất Nước.

Lần sau tôi cũng gặp một phi vụ VIP tương tự, cả cơ phi xạ thủ và co-pilot Th/uy Trương H. Vân (Ngố) đều vắng thì có phi vụ chở một Tr/Tướng KQ Mỹ từ BTL/QĐI ở Mang Cá về Đà Nẵng. Tôi đành một mình solo,không copilot, không cơ phi xạ thủ. Nhìn ba sao bạc sáng chói trên nón ca lô của Ông làm tôi hết hồn vía không dám ngó kỹ thêm coi Ông bay loại gì và tên gì? Sau đó lấy lại vẻ bình tĩnh tự nhiên, tôi đưa ông về Đà Nẵng, đáp trước sân VIP nhẹ nhàng êm ái. Ông cười vui vẫy chào cám ơn làm tôi mới yên tâm. Khi bay trở ra Mang Cá lại, bất ngờ một thùng đạn đại liên bị rớt xuống giữa những thửa ruộng ngoài vòng đai phi trường Phú Bài. Có lẽ không ai bị thương nên sau này không nghe khiếu nại. Tôi rất tiếc không nhớ tên vị Tr/tg KQ Mỹ để sau này xem chắc thế nào Ông cũng ghi lại trong hồi ký kỷ niệm một lần bay với Vietnamese Helicopter Pilot?

Các phi vụ HQ vùng ngoài đa số thực hiện trong vùng núi nên sự nguy hiểm càng gia tăng gấp bội, nhất là những ngày gió lớn hay mây mù...vừa đề phòng địch vừa phải cẩn thận với thời tiết. Có một lần biệt phái ở Dạ Lê (BTL/SDIBB) hôm ấy Trời mưa phùn từ sáng sớm, được lệnh vô tải thương trong vùng núi phía Tây. Mới cất cánh lên đang lo tìm hướng vô thì gặp ngay tượng Phật Bà xừng xững đứng trên khu đồi phía Tây Nam. Tôi múc đầu lên để né tránh thì lọt vào tầng mây... Tiếng mây rào rạc như cát đập vào bubles càng làm cho hoảng sợ thêm. Với tầm nhìn (visibility) zero nên phản ứng tự nhiên là kéo cần lái cho chậm lại. Tàu mất dần tốc độ đến khi rung rung mới bình tĩnh từ từ cắm mũi lấy lại speed vừa phải rồi theo phi cụ mà bay nhưng chẳng biết bay đi đâu! Chung quanh tứ bề đều là mây và núi bao bọc. Co-pilot ( Th/úy Phước ) mới về còn hoảng hơn nên không giúp được gì. Cơ phi xạ thủ phía sau cũng chịu trận. Chung quanh chỉ toàn là mây trắng xóa, không biết lúc nào sẽ đụng phải núi, mọi người đang chờ đợi cái chết bất thình lình! Trong giờ phút ấy chỉ còn biết thầm cầu nguyện ơn Trên. Tôi liên tưởng đến tai nạn của PHĐ Phi/Nhiễu đụng phải Đèo Phú Lộc, sau phi vụ chở phu nhân tướng Hoàng X.Lãm ra Phú Bài trở về. Nghĩ rồi mình cũng sẽ chết tương tự, thất vọng chẳng thèm gọi " May Day! ". Đâu có ai có thể cứu được mình trong tình huống này! Cả vùng không gian rộng lớn mà không có lối thoát, càng lên cao mây càng dày đặc, dưới bụng cũng mây, bên trái cũng mây , bên phải cũng mây làm sao mà thoát ra?. Mưa phùn mây không gom thành cụm mà lan rộng như khói bao trùm khắp mọi nơi, chiều cao cũng bất tận. Bay tiếp một lát, không biết làm gì hơn tôi thử nghiêng mình cho cơ phi xạ thủ ngó xuống đất xem sao? Vừa nghe xạ thủ báo cáo " thấy bóng xanh xanh chạy ngoằn ngoèo phía dưới " lập tức tôi cắm mũi lao mình xuống ngay... Bắt gặp dòng suối trong vùng thung lũng Birmingham ( khu đồi Trần Lê Tiến ) tôi men theo trở ra. Cám ơn Thượng Đế chưa bắt tôi chết nên mới cho thoát nạn này mà thôi! Tôi thầm nghĩ như vậy. Về nhà cả tháng trời vẫn còn giật mình ác mộng đêm ngủ không yên, sợ đến nỗi không dám kể lại cho ai nghe, cứ để nó tự tan biến dần trong tâm trí mà thôi.

Ngày PHĐ Phan C.Soạn/Trung bị rớt trong phi vụ tiếp tế cho tiền đồn Bastogne, tôi bay sau và anh Tuấn (khi ấy còn SQHQ/ PĐ 233) bay chiếc C&C. Ngày hôm ấy tôi được nghỉ bay vì Soạn và tôi mỗi người lead một flight cùng biệt phái cho SĐ IBB ở Dạ Lê; chúng tôi chia nhau mỗi flight bay một ngày. Soạn thuộc lớp đàn anh xuất thân từ trường bay Ft.Rucker. Buổi trưa về câu lạc bộ SQ/SĐIBB ăn trưa, gặp tôi Soạn nhăn nhó than " chắc tao chết mất, nó bắn quá vô không được! " Tôi nói với anh " nếu cần, xin thêm hỏa lực hộ tống " và hỏi anh "có muốn tôi cất cánh thay anh lead vô thử xem sao". Anh đồng ý nhưng đến khi qua đáp sân tiếp tế sư đoàn họp chung với đám pilot Cobra của Mỹ (gunship hộ tống) thì anh nghĩ sao đó lại đổi ý. Lúc sắp cất cánh tôi còn nhét thêm hai người lính bộ binh theo tàu anh để giúp đẩy đồ xuông cho lẹ sợ vào bãi đáp bị pháo. Từ Birmingham, Anh giữ low level theo con đường mòn đất đỏ lởm chởm hố mìn và bom, bay vào ... Hai bên đường , rừng khô thưa thớt vì thuốc khai quang. Khi tới gần hàng rào phòng thủ tiền đồn Bastogne ,có lẽ lúc đang chậm lại sửa soạn đáp thì tàu bị trúng đạn nổ tung trên Trời, xác rơi lả tả! Hai chiếc Cobra bay cover mà ở tuốt trên mây xanh đã lẹ làng dọt ra, còn báo cho nhau trên tần số " F..., S..., He's blown up over sky! ". Cùng lúc ấy chúng tôi formation đang quẹo phải trở lại để sửa soạn vô khi anh cất cánh ra ...Nhưng phi vụ được lệnh hủy bỏ. Đó là phi vụ trực thăng cuối cùng trong nỗ lực tiếp viện cho Bastogne. Cả tháng sau tình hình thay đổi xác các anh mới mang về được. Sự hy sinh cao cả của một leader! Ngoài Vùng I, các phi vụ trong vùng núi thương đáp từng chiếc một nên leader phải hy sinh vô trước, an toàn bay ra rồi mới đến lượt các chiếc trail vô.

Sau này quân bạn lùi vào ngọn đồi cao hơn ở bên trong, phía Tây Bắc chỉ cách Bastogne và căn cứ hỏa lực Kings một thung lũng ngắn. Địch quân không buông tha cứ bám theo, đơn vị lại cần tiếp tế và viện quân để thay thế cho hơn 70 thương binh mới bị thương. Hơn cả tuần lễ trực thăng của mình ( VN ) vô bị thất bại, mới nửa đường đã gặp hỏa lực chống cự mạnh phải quay ra, quân bạn báo cáo như vậy. Lý do có lẽ vì tránh Bastogne anh em đã chọn đường bay quá xa từ hướng Bắc bay xuống ( theo lối Barbara tức C/cứ Rạng Đông, cách 9,10 dặm ), đường dài càng nguy hiểm thêm! Sư đoàn I BB phải yêu cầu trực thăng Mỹ giúp nhưng các pilot Mỹ tới họp trên BCH/HQ rồi từ chối. Tôi vừa dẫn biệt đội 213 đáp xuống C/c Dạ Lê thì được mời lên họp liền. Ngang qua tư dinh tướng Tư Lệnh Phạm Văn Phú, gặp ông đang tư lự, hai tay bắt sau lưng đi lại ngoài hành lang, khuôn mặt khắc khổ gầy gò lo âu... Ông ưu ái hỏi thăm! Chào ông! Xong tôi lên thẳng Phòng HQ sư đoàn để họp. Vị Tr/ tá Sĩ Quan HQ cho biết các pilot Mỹ đã từ chối viện lý do không được phép trực tiếp thi hành các phi vụ HQ nữa, họ chỉ giúp trong trường hợp rescues mà thôi. Sau khi nghe thuyết trình tình hình bãi đáp, xác định rõ tọa độ, nắm vững vị trí bạn và địch cũng như nghiên cứu đường bay cũ của các PHĐ trước bị thất bại, tôi can đảm trả lời " Được, tôi sẽ vô một mình, nếu an toàn sẽ cho anh em vô sau ". Trả lời xong tôi cảm thấy chút hãnh diện trước đám phi công Mỹ và can đảm hơn lên. Tôi yêu cầu hai chiếc Cobra theo hộ tống và dặn họ quan trọng là phải kè sát hai bên cùng một cao độ với tôi khi vào vùng; đường bay và chiến thuật tôi làm sao hắn theo vậy. Lúc đầu các pilot Mỹ không chịu, lấy lý do bay sát và thấp quá sẽ không thể cover được. Đó là lý do thất bại trong phi vụ hộ tống cho Soạn trước đây, dù hỏa lực Cobra có mạnh mấy mà bay tận trên mây 4,5 ngàn feet thì địch cũng chẳng còn thấy sợ nữa. Nhờ kinh nghiệm sau cái chết của Soạn tôi nói chỉ cần bay thấp theo tôi cho địch thấy hỏa lực mà sợ thôi. Sau đó, từ BTL/SĐiBB ở Dạ Lê chúng tôi cất cánh vô vùng Birmingham rồi bám sát mấy sườn núi bên phải ,phía Đông căn cứ hỏa lực Kings. Gần đến nơi, hai chiếc Cobra theo tôi break ra khỏi formations. Mấy chiếc rescue của Mỹ và hợp đoàn còn lại vẫn ở ngoài vùng, quan sát tôi vô cách nào sẽ theo vậy mà vô sau. Tôi liên lạc quân bạn xác định lại tọa độ (LZ) lần chót bằng kiếng (mirror) thay vì thả khói màu (smoke) để tránh khỏi bị pháo kích và giữ yếu tố bất ngờ. Khi tới trên đầu C/c Kings, ba chiếc "bingo" một lượt cắm mũi, xoáy tròn như trôn ốc trong thế " spiral approach " để giảm cao độ cho lẹ, vừa thu hẹp vòng bay (circle) bám sát lấy Kings giả như đáp mà lấy điểm tựa rồi lẹ làng vượt qua thung lũng thẳng vô bãi đáp (LZ). Bất chấp cả chiều gió và địa thế, gọn gàng lọt vào giữa những hàng cây cao vời vợi. Trong lúc tôi đáp, hai chiếc Cobra thay phiên nhau liên tục nhả đạn vào những điểm khả nghi ở ba mặt đồi còn lại để bảo vệ. Đường vô trắc trở bao nhiêu thì khi ra cũng nguy hiểm bây nhiêu. Gặp "hot LZ", trước khi vô đã phải dự trù sẵn lối ra sao cho an toàn .Vừa lùi lại(backward) đủ thế quẹo , cắm mũi lẹ làng lao mình xuống thung lũng sâu thẳm để " gain speeds " cho mau mới có thể uyển chuyển lạng qua lại ( zig zag ) tránh đạn, bay ra ... Phi vụ đầu tiên hoàn tất tốt đẹp, từ đó hợp đoàn từng chiếc một cứ theo đường bay ây mà vô. Hôm ấy, chúng tôi vận chuyển hết thương binh ra và đổi 70 lính mới vào. Tội nghiệp, nhiều binh sĩ sợ quá trước khi nhảy xuông mục tiêu đã tu hết bìdong rượu để lấy can đảm!

Từ cái chết của Soạn, tôi đã học hỏi cho mình được những kinh nghiệm bay chung với Mỹ. Trước đây một lần tại vùng Quế Sơn, tỉnh Quảng Tín, trong một phi vụ tương tư tôi cũng đã gặp trường hợp pilot Mỹ từ chối. Khi ấy tướng Phan Hòa Hiệp ( Một nhân chứng lịch sử trong toán Thiết Giáp đón T.T Ngô Đ. Diệm vụ đảo chánh 1/11/63 ) còn giữ chức Tư Lệnh SĐ 2BB và BCH Trung Đoàn 6 nằm trong vùng núi giữa hai quận Quế Sơn và Hiệp Đức. Từ BCH Trung Đoàn 6 nhìn lên hướng Tây Nam là Căn Cứ Hỏa Lực West của quân đội Mỹ bỏ lại, được xây cất bằng bê-tông cốt sắt, chìm sâu xuống lòng núi rất kiên cố. Không hiểu tại sao lúc đầu quân đội Mỹ giao lại thì quân ta bỏ không giữ. Sau này VC dùng làm cứ điểm pháo xuông các tiền đồn của ta ở chung quanh. Trước đó, PĐ 213 đã đổ một đơn vị của Tr/Đoàn 6BB vào để chiếm lại nhưng thất bại. Th/tá Trương Văn Hoàn và Tâm( ruồi) bay chiếc lead lần ấy bị lãnh nguyên trái B-40 trên bãi đáp chính (Helipad), tàu đứt làm đôi, Th/úy Đoàn H. Tâm bị thương nặng, cơ phi Tr/sĩ Cảnh tử thương tại chỗ. Phi hành đoàn lết ra nơi an toàn mới cứu được.

Ít lâu sau có lệnh PĐ 213 vào lại, tới phiên tôi bay lead. Tướng Hiệp mời tôi lên BCH trên đồi đã có sẵn đám pilot Mỹ ở đó. Sau khi cho biết chi tiết phi vụ, Ông hỏi: " mấy phi công Mỹ từ chối, anh có dám vô không? ". Biết từ chối không được sẽ mất mặt với đám pilot Mỹ, nên tôi chỉ xin được briefing cho kỹ tình hình bãi đáp. Ông đưa tôi nhìn qua telescope đã điều chỉnh sẵn vào bãi đáp, thấy rõ lá cờ MTGP màu săc rực rỡ phủ trên nắp bunker như thách đố khiêu khích! Dưới giao thông hào bọn chúng cũng đang thủ thế chờ quân ta tiến vô. Cả hai bên dàn trận như film cine, tướng Hiệp từ ngọn đồi BCH Trung Đoàn 6 có thể quan sát theo dõi chúng tôi qua telescope...Ông ra lệnh cho tôi phải đột kích ngay trên lá cờ MTGP để Trinh Sát ném hơi ngạt vào các giao thông hào...Ông dặn PHĐ và binh sĩ phải mang sẵn mặt nạ chống hơi ngạt để phòng ngừa ngất xỉu nhưng tôi từ chối vì vương víu không dùng vô tuyến được. Ông chỉ thêm cho tôi đường thoát thân trong trường hợp phải bỏ tàu lại mà chạy...Từ chân núi hướng Đông, một cánh quân ta sẽ tiến lên bằng đường bộ vừa để cứu PHĐ vừa hỗ trợ cho toán Trinh Sát nếu đột kích vào được. Tôi sửa đổi phi vụ lại theo ý mình cho dễ bề xoay sở. Tôi chia toán Trinh Sát (12) ra hai nhóm, giao cho Dương Tấn Long một nửa, bay chiếc số 2 theo tôi. Dự trù chiếc Số 1 đáp lẹ trên mặt hầm xong bốc lên cắm mũi xuống thung lũng liền để chúng không bắn theo được, còn chiếc số 2 đáp bất cứ chỗ nào trống phía sau, quan trọng là gần miệng hầm. Tôi yêu cầu hai Cobra của Mỹ cover, sợ 2 guns của mình nặng nề quá xoay sở không kịp. Anh Phan V. Niên bay C&C hướng dẫn hợp đoàn còn lại với 2 gunships của Nguyễn T. Tài (méo) và Vũ V. Hiền (mối) đề phòng rescues tôi hoặc Long nếu cần...Ông Tướng nói quan trọng là mang được tiểu đội Trinh Sát vào trước sau đó quân bạn có thể thanh toán mục tiêu dễ dàng. Nhận lệnh xong, tôi xuống khu parking để briefing lại cho anh em.
 
Hôm ấy vô tình có ông bố vợ tôi bay chung (Y Tá Phi Hành- Th/sĩ Ph. V. Đúng). Tôi để ông ở lại parking không dẫn theo, phòng lỡ bị bắn rớt hai cha con sẽ không phải chết chung một lượt! Tôi còn nhớ mãi giọng Sài Gòn lè nhè của Tài Méo trấn an tôi trên tần số " Cứ yên trí, tụi tao không bao giờ bỏ mày đâu! ". Tôi và Tài cùng lớp lại rất thân nên tôi yên lòng. Chiếc số 2 tôi chọn Dương tấn Long bay theo vì biết hắn rất gan lỳ. Ngòai tình bạn chung phi đoàn, tuy lớp đàn em nhưng tôi rât khâm phục sư lì lợm của Long. Sau này Long đổi qua PĐ 257 (Cứu Tinh) tải thương đêm & rescues, đã nhiều lần bay cứu các PHĐ Khu Trục trong chiến trận Mùa Hè Đỏ Lửa. Giờ khởi hành, hai chiếc Cobra vô trước dọn bãi đáp, rockets tới tấp phủ đầu trên mặt hầm xong thì tôi và Long vô liền ... Hai chiếc đang circle rất thấp trên xóm làng dưới chân núi không cho địch thấy , bất chợt từ chân núi móc lên vừa đủ cao độ flare lại vô đáp ngay trong lúc hai đại liên trên tàu xối xả bắn tiếp nối sau hai chiếc Cobra vừa break away không cho chúng chui đầu lên...Không ngờ lúc hai thùng đạn vừa cạn không còn bắn được nữa ( chỉ còn cách mục tiêu vài mét ) thì bọn chúng bắt đầu phản công lại... Không còn đạn chống trả đành chịu trận đưa cái bụng ngon lành ra đỡ...Tàu trúng đạn lộp bộp ! lộp bộp!...May hồi đó chỉ có AK, nếu chúng biết xử dụng loại PG như bây giờ chưa chắc mình chạy thoát. Th/úy Ng.V. Thành (copilot) bị thương ở bàn tay, tôi liên lạc Long cùng quẹo phải break ra một lượt. Mục tiêu quá kiên cố, những trái rockets chẳng phá hủy được gì, lá cờ MTGPMN vẫn còn nguyên vẹn nằm khiêu khích trên nắp bunker... Sau mỗi lần thất bại tôi đều suy nghĩ để tìm thêm kinh nghiệm cho những lần sau. Th/úy Thành bị thương ở tay, anh yên lặng chịu đựng nên tôi cũng giữ được bình tĩnh. Con tàu bị nhiều lỗ đạn bên phải và dưới tail boom nhưng còn bay về được an toàn. Cuộc HQ hủy bỏ; sau đó quân ta bỏ luôn mục tiêu ấy không bao giờ chiếm lại nữa.

PĐ 213 đã thi hành rất nhiều phi vụ trong các vùng Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn thuộc tỉnh Quảng Tín (Tam Kỳ). Khu rừng quế trong vùng Tiên Phước là một trong những mật khu quan trọng sau này chúng dùng làm địa điểm họp với " Ban Liên Hợp QS Hai Bên ".

Trở lại những ngày cuối tháng 3/75. Anh Tuấn ra Huế thay thế, tôi trở về Đà Nẵng cho anh em lấy thêm tiếp tế rồi bay vào Chu Lai ( Một căn cứ lớn của Mỹ để lại, nằm giữa hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi ). Tình hình chiến sự không có gì trầm trọng, cũng lặng yên như vùng ngoài, phi vụ rất ít. Từ Chu Lai nhìn xa xa về hướng Bắc, các quận Thăng Bình( Baldy ) Quế Sơn và tỉnh Quảng Tín, rải rác có những cụm khói đen bốc cao như những trụ antenas sừng sững giữa bầu trời. Những vùng ấy có thể có giao tranh lẻ tẻ đâu đó mà sao không thấy xin tải thương hay tiếp tế? Mấy ngày anh em rảnh rang chỉ xúm nhau đánh bài hoặc xuống CLB nhậu lai rai. Mãi tới ngày chót mới có một phi vụ vô tiền đồn Núi Tròn / Quảng Ngãi. Núi không cao lắm, lại trọc như cái đầu bằng đá nhẵn nhụi nên gọi là Núi Tròn, nằm lẻ loi bên con đường từ Quận Sơn Tịnh vào Quận Hà Thanh, cạnh sông Trà Khúc. Căn cứ trong cơn hấp hối, đang bị bao vây pháo kích nên xin vừa tiếp tế vừa tải thương ...Theo báo cáo của quân bạn bãi đáp chính không đáp được vì pháo kích . Tôi ( Lê T. Đại -Copilot ) dẫn theo hai gunships (Đặng H. Hào và Đào V. Tưa ) escort. Cất cánh từ Chu Lai theo QL1, qua quận Bình Sơn thì tới quận Sơn Tịnh. Từ Sơn Tịnh ba chiếc low level sát với mặt đường trong thế tấn công, cơ phi xạ thủ đại liên sẵn sàng... ầm ầm tiến vào mục tiêu. Âm thanh vang động cả xóm làng. Đặng Cường tay súng lên đạn sẵn mà khi thấy bọn du kích hốt hoảng ôm súng chạy trốn vô nhà thì lại tha không bắn! Từ chân núi chúng tôi móc lên bất ngờ... Rôì " thả lỗ " vào ngay LZ mới nằm giữa những túp lều xiêu vẹo để tránh pháo kích trong lúc hai Guns của Hào và Tưa lẹ làng áp đảo những vị trí khả nghi chung quanh ngọn đồi kế bên để bảo vệ chờ tôi cất cánh ra...Hoàn tất phi vụ trở về biệt đội, thu xếp hành trang vì buổi chiều có toán mới của Đ/úy Phạm V. Vui vào thế. Trước khi về Đà Nẵng, anh em còn tiếc nuối ghé lại CLB uống thêm ly Cafe, đùa giỡn vui vẻ như thường lệ rồi mới cất cánh trở về Đà Nẵng. Mọi sinh hoạt vẫn bình thường lúc chúng tôi rời Chu Lai.

Về đáp phi trường Đà Nẵng, trả phi cơ vô ụ xong ghé lại phi đoàn mấy phút rồi mới về nhà ở cư xá Sĩ Quan Bắc Phạt ăn cơm tối . Khu cư xá cũ kỹ, nhà thấp lè tè nhưng tất cả các cấp chỉ huy quan trọng của SĐ IKQ đều ngụ tại đó. Cái villas đẹp nhất ở đầu xóm thì nhưòng cho Ch./Tg Ng.Đ. Khánh (Tư Lệnh). Các Đ/tá Thái B. Đệ, Đ/tá Vượng bên khu trục và Đ/tá Đặng V. Phước(KDT 51CT), Tr/tá Cao Q. Khôi(PDT 213), Tr/tá Lê T. Định (KD/Yểm Cứ), Tr/tá Ng.V. Hòa (PT)... tất cả đều ở quanh đó. Đám sĩ quan nho nhỏ chúng tôi về sau nên chỉ còn mấy dãy tân lập mới xây được vài năm , nằm gần hàng rào phòng thủ . Căn nhà tôi ở tuy đơn sơ nghèo nàn nhưng bạn bè vui chơi thường xuyên , ghi dấu biết bao kỷ niệm thân thương . Để tránh pháo kích và tránh đạn lỡ bị tấn công, tôi kê luôn giường ngủ trong hầm cho tiện. Điện cư xá yếu quá không đủ sáng nhất là những nhà nằm cuối xóm. Tháng tháng nhiều lúc tôi đánh bài trừ tiền điện với Th/sĩ Mẫn(Kiến Tạo/Yểm Cứ?). Nước cũng vậy, chảy yếu ớt đến dãy chót không còn sức rỉ ra nữa. May nhờ trong xóm có người bạn thân là Tr/úy Quách G.Tịnh(PĐ 239) rất khéo tay, đóng một cái giếng cho anh em xài chung. Nước đục như nước Sông Hồng nhưng bỏ phèn vô cũng thành trong vắt! Anh em chấp nhận số phận chẳng ai phàn nàn. Đời sống trong cư xá thật vui nhộn sau mỗi ngày bay bổng gian nguy, hết nhậu lại đánh bài. Tư dinh tướng Tư Lệnh thì có Mạt Chược với các SQ bên Quân Đoàn I. Tư thất Đ.tá Vượng & Đ/tá Đệ cũng vậy. Còn đám SQ cấp Úy chúng tôi thì xập xám, sì phé v.v. Dãy này đối diện dãy kia, nhà nào cũng đèn sáng chưng thấu đêm.

Vừa cởi bỏ áo bay đang ăn cơm tối dở dang thì phi đoàn cho gọi lên...muốn tôi phải trở lại Chu Lai để tiếp sức cho Đ/úy Vui vì " Chu Lai vừa bị Overun! " làm tôi thực sửng sốt. Một tuần lễ tôi lead biệt đội Chu Lai, hai giờ trước tôi còn ở đó tình hình bình thường không có dấu hiệu gì khác lạ... Ra phi đạo, anh Tuấn (TPHQ) lái chiếc gun theo hộ tống còn tôi bay chung với Vui. Vào đến Chu Lai khoảng 9,10 giờ tối, toàn bộ căn cứ đang rực lửa , cháy bừng bừng sáng cả một góc Trời ... Khu kho đạn, kho xăng, phi đạo, các doanh trại, tất cả đều cháy nổ ầm ầm... Khu biệt đội khi chiều còn nguyên vẹn, giờ đã cháy xụp thành đống tro tàn... Tôi không tài nào ngờ nổi, mọi sự xẩy đến quá đột ngột! Tiếng súng dòn dã nổ vang khắp nơi, từ hướng núi cũng như mặt biển...Các doanh trại, từng dãy thi nhau xập dần dần, chỉ còn vài căn ở khu BTL trên đỉnh đồi chưa cháy tới mà thôi. Bao nhiêu SQ và binh sĩ còn lại dồn cả về gần sân VIP, núp trong các đường giao thông hào kế bên. Thấy phi cơ đến họ bu lên bãi đáp như ổ kiến. Tình trạng lộn xộn không thể xuống được, tôi ngăn cản Vui nhưng anh còn tiếc mấy chiếc Honda mới lượm buổi chiều...Nhiệm vụ chúng tôi trở lại để bốc Đại táTư lệnh Phó (SĐ 2BB) và một số Sĩ Quan Tham Mưu còn kẹt lại. Tướng Tư Lệnh Trần V. Nhựt có tàu riêng đã dọt ra Cù Lao Ré, một hòn đảo lớn ở ngoài khơi phía Đông Nam Chu Lai cách hơn 10 miles .

Tàu chưa kịp đặt xuống, lính đã tràn ngập trên sàn và bám hai bên hông như xe đò, lúc cất cánh lại đu theo skids. Quá nặng! Cứ nhấc lên hover lại rớt xuống! Sau ba bốn đợt thử vẫn không lên được, tôi yêu cầu các SQ giúp vãn hồi trật tự, hứa nếu trật tự tốt đẹp chúng tôi sẽ trở lại di tản hết...Các SQ giúp chúng tôi giữ trật tự nhưng chỉ tốt đẹp được một lát... Hễ tàu vừa quay máy xong, các SQ đứng đầu hàng bỏ chạy lên trước thế là đám binh sĩ lại ùa theo, cứ thế mà tái diễn hoài không làm sao cất cánh nổi...Cuối cùng chúng tôi đành đầu hàng bỏ tàu lại, xách theo chiếc máy truyền tin PRC 25 và hai khẩu đại liên...Tôi ra dấu cho Đ/tá TLP và các SQ Tham Mưu theo tôi chạy xuống bãi biển Kỳ Hà ( Ở hướng Đông Bắc ). Chúng tôi vào núp trong một hầm đá lớn dưới bãi biển rồi bắt liên lạc với chiếc Gun của anh Tuấn đang lòng vòng trên trời tìm kiếm... Gần 3 giờ sáng, Không Đoàn mới cho chiếc rescue (PĐ 257 Cứu Tinh-Bình Batơ lái) ra bốc về. Tội nghiệp Đ/úy Vui về phi đoàn bị Th/tá Tạ Thái (PĐP) xà xể một trận tưng bừng . 

Sau Huế và Chu Lai thất thủ cả vùng I chỉ còn Đà Nẵng lẻ loi chờ đợi số phận. Tôi bay thêm phi vụ HQ cuối cùng vào tiền đồn Nông Sơn trong vùng Đại Lộc/ Thượng Đức, nơi BCH/BĐQ của Tr/tá Phất, một người rất quen thuộc với phi đoàn và là bạn thân với Tr/tá Khôi (PĐT). Anh xuất thân từ trường Võ Bị Đàlạt, dáng oai hùng, mảnh khảnh cao ráo. Trên đường vào khu mỏ than Nông Sơn, tôi đã thấy dân chúng từ các làng mạc dưới chân núi quang gánh đi ra đông đúc mà không nghi ngờ tưởng là cảnh bình thương của miền quê. Hôm ấy Trời gió lớn, sau khi đáp tắt máy chờ standby mà cánh quạt không chịu ngừng , tàu dập dình như muốn lăn xuống núi.. Tôi phải quay máy lại, để idles chờ đợi thêm mấy phút, nóng ruột! Tr/tá Phất cho tùy viên ra nói tôi trở về Đà Nẵng khi cần ông sẽ kêu vô lại. Sau khi về Đà Nẵng đổ xăng xong, báo cáo Hành Quân Chiến Cuộc.. thì nghe tin Nông Sơn đã bị overun! Tôi tin vào mạng số của mình...Hết Huế đến Chu Lai, bây giờ đến Nông Sơn, nếu hôm ấy Trời yên gió lặng tôi tắt máy ở lại trên đỉnh bãi đáp thêm nửa giờ nữa chắc chắn không bị pháo kích thì cũng bị bắt chung số phận với Tr/tá Phất và anh em BĐQ như trường hợp của các anh Bửu & Khánh (PĐ 219) trên đồi 31 trong trận Hạ Lào... Ngày ấy ( HQ Lam Sơn 719, Hạ Lào ) tôi bay (co-pilot) cho anh Phạm V.Thục trong phi vụ gunship hộ tống hai chiếc H-34 của PĐ 219 vào BCH/Lữ Đoàn 3 Dù trên đồi 31. Vì có sự chênh lệch tốc độ giữa H-34 và UH-1 nên chúng tôi cứ phải vòng lại chờ nhau rất khó chịu. Đến vòng thứ hai trở lại thì thấy chiếc lead ( Đ/úy Yên? ) đã bị bắn rớt nằm nghiêng lưng chừng đồi nhưng PHĐ vô sự chạy lên hầm BCH Dù. Anh Thục đáp xuống vào BCH coi tình trạng thấy yên tâm vì ở căn cứ lớn an toàn không có gì đáng lo! Rồi chúng tôi cất cánh để nhường chỗ cho chiếc thứ hai của A. Bửu / Bùi tá Khánh vào đáp. Bay quanh đồi thêm một vòng bay nữa thì nghe tiếng nổ lớn ngay dưới bụng làm phi cơ tôi dội lên hụp xuống như bị sức hút vô hình kéo xuống thật mạnh! Anh Thục hốt hoảng không rõ chuyện gì vừa xẩy ra . Trao cần lái cho tôi để anh lấy lại bình tĩnh , lúc đó mới hay chiếc của anh Bửu/Khánh vừa bị pháo kích...nhưng tình trạng không khẩn trương lắm, các anh vào hầm BCH Dù để ẩn núp. Trong khu vực ấy, ngoài BCH Lữ Đoàn 3 Dù trên Đồi 31 còn có các tiền đồn nho nhỏ bao bọc chung quanh. Một trong những ngọn đồi phía Tây Nam 31 vẫn còn dấu vết cháy đen của kho nhiên liệu bị trúng mấy trái rocket tôi may mắn released bậy mà trúng thiệt trong một phi vụ thao dợt " điều chỉnh tác xạ ". Hôm ấy tôi bay co-pilot với anh Hoàng Ngọc Châu (Đại/úy TPC). Chúng tôi bay về phi trường Khe Sanh đổ xăng và báo cáo xin phi vụ rescue vô bốc hai phi hành đoàn (H-34) ra. Nào ngờ chừng một giờ sau đã nghe tin BCH Dù (C/cứ 31) bị overun rồi. Hai phi hành đoàn 219 bị bắt chung với Đại tá Bảo và BCH Dù trên đồi 31...Đó cũng là cái may đầu tiên trong đời pilot của tôi, từ đó tôi vẫn tin mình hợp với con số " 13 " nên sau này bạn bè xin đổi đi các phi đoàn khác an toàn hơn hoặc để tiến thân, còn tôi cứ ôm lấy 213 như người Mẹ Hiền làm nơi nương tựa.

Sau Huế rồi Chu Lai, Quảng Tín, Quảng Ngãi mất, bây giờ đến BCH/BĐQ trên Nông Sơn thất thủ, toàn Vùng I cứ như thế cờ Domino mà đổ dần! Đà Nẵng ngày càng cô lập thêm. Ba bốn ngày cuối cùng ( 26, 27, 28 tháng 3/75) phi trường xáo trộn như ngoài phố. Anh em KQ mang bà con thân nhân vô sẵn trong phi trường để tìm phương tiện gởi đi. Khu HậuTrạm bên phía West(Phước Tường) dân chúng nằm la liệt ra sát lề phi đạo, nôn nóng chờ đợi " cầu không vận " từ Sài Gòn ra ... Các chuyến C-130 liên tục đáp ngày đêm mà không vơi được bao nhiêu. Tôi lo cho vợ lên được chuyến C-130 vào đêm 26/3 chẳng biết đi đâu nhưng lòng cũng thấy nhẹ nhàng một chút. Còn lại gia đình vợ và đám em thì tôi dán sẵn cho mỗi đứa em một bảng tên với lý lịch sơ khởi phòng khi vô được Sài Gòn lỡ có thất lạc may ra hy vọng có người giúp liên lạc với người nhà hộ. Cuối cùng cả gia đình bị kẹt lại hết chẳng ai vô được.

Trở về cư xá Bắc Phạt, nhà cửa trống trải hoang vắng... một số đã di tản, một số bỏ nhà ra ngủ gần phi đạo cho chắc ăn. Chó mèo, gà vịt chạy lung tung vì mất chủ...Đàn gà của anh chị Tịnh bên cạnh nhà tôi và mấy con vịt vợ tôi nuôi chưa kịp làm tiết canh, cắn mổ nhau inh ỏi cả xóm cho lòng dạ càng bồn chồn thêm. Tôi nhét vội các giấy tờ quan trọng và hình ảnh kỷ niệm vào 4 túi áo bay chật cứng rồi nhìn quanh nhà lần chót trước khi đi lên phi đoàn, lòng quặn đau buồn se sắt!

Lên phi đoàn, ngoài phi đạo chuyến bay nào cũng vậy, hễ mỗi chiếc C-130 vừa chạm đất mọi người đã ùa ra đuổi theo, vấp ngã bầm dập tội nghiệp. Phi cơ không dám parking mà chỉ taxi chầm chậm... cửa sau vừa mở là bà con đã lẹ làng phóng lên đầy ắp...Quang cảnh hỗn loạn vô trật tự! Anh em 213 ai có gia đình cũng mang vô phi đoàn ở cho chắc ăn. Tuy nhiên tất cả mọi diễn biến giờ phút này chỉ làm theo linh tính riêng của mỗi người chứ không ai dám ban lệnh rõ ràng. Ai cũng dựa vào " tin đồn " mà suy diễn! Có tin đồn là thân nhân SĐ IKQ sẽ được di tản về tạm trú ở phi trường Phan Rang(?)

Đến ngày 28/3 các chuyến C-130 từ Sài Gòn đều ngưng hẳn. Bà con ngập ngừng người bỏ về, người khác cứ chờ đến tối vẫn không thấy chuyến nào ra...

Lần đầu tiên phi trường Đà Nẵng vắng bóng phi cơ lên xuống, mất hẳn màu sắc quen thuộc của chiến tranh. Có chút gì buồn nhiều hơn vui... Rồi pháo kích tới là khởi điểm cho cuộc rút lui vô trật tự. Không có trận đánh nào khốc liệt mà tại sao phải chạy. Những chiến tích lẫy lừng hào hùng của quân ta qua bao chiến trận.... Bình Long Anh Dũng, Qủang Trị Kiêu Hùng! Bây giờ chẳng còn ý nghĩa gì sao?.

Khoảng 6.00 giờ chiều 29/3/75:

Vào gần đến Phù Cát tôi gọi Đài xin đáp thì nghe tiếng Th/tá Hiền ( PĐP 253 ) trên tần số. Tôi nhờ anh báo cho Phù Cát biết chúng tôi phải ghé đổ xăng nhưng tất cả PHĐ trên tàu không có quân phục! Anh quay lại chờ chúng tôi đi chung cho an toàn. Tình hình thay đổi bất ngờ không biết vùng nào còn hay mất! Lúc từ biển quẹo vào Phù Cát, nhìn xuống tôi thấy rải rác mấy trực thăng bị rớt bên bờ ruộng hoặc ven bờ làng. Hình như có mấy PHĐ đang bị dẫn độ vào làng...Dù biết là anh em KĐ 51 mà chẳng giúp được gì, tàu không có súng đạn, pilots thì mặc xà lỏong áo sơ mi, chân không giầy...Chỉ cầu mong nó làm ngơ cho mình được yên.

Trước khi đáp , Phù Cát Đài ra lệnh cho tôi hover chờ cuối phi đạo cho xe Quân Cảnh và chiếc T48 bọc thép của Phòng Thủ tới hộ tống. Xe Jeep QC dẫn đầu, súng chĩa ngược vào phi cơ sẵn sàng nhả đạn nếu tôi có phản ứng gì khác thương. Phi cơ taxi chầm chậm ở giữa rồi đến chiếc T48 thủ súng nhắm sau đuôi, tất cả như một Hợp Đoàn Bất Đắc Dĩ từ từ vào ụ đổ xăng sau khi Th/tá Hiền đã xác nhận và Quân Cảnh khám xét giấy tờ mỗi người.

Refill xong, chúng tôi bay tiếp vào tới Nha Trang . Đã định ở lại một đêm bữa sau đi Phan Rang tìm gia đình vì có tin đồn SĐIKQ được di tản vào Phan Rang.

Lát sau nghe tin ngoài phố Nha Trang rất lộn xộn, lính mình bắn nhau. Tôi biết tình trạng sẽ như Đà Nẵng phải rút lui gấp. Chúng tôi theo chuyến C130 về Saigon. Quân Cảnh không cho vào phi đạo, tưởng chúng tôi là lính giả mạo; thấy vậy, nhờ Xiêm ( XT) nổi nóng dương khẩu M60 ( gỡ từ phi cơ ra , no bullets ) đòi bắn QC nên anh em mới vô cổng được. Tôi còn nhớ ôm theo bộ đồ bay của Nghị để trao lại cho gia đình. Chào vĩnh biệt con tàu mang số 107. Tôi nhớ mãi con tàu này ở Phi Đạo 213. Ngày xưa mỗi lần HQ đáp núi mà gặp nó thì khổ sở. Thủy điều lúc nào cũng lỉ rỉ như thằng bé bị " són ", hai rotors thì rung như xe thổ mã; Kỹ Thuật dán không biết bao nhiêu duct tapes mà vẫn cứ rung. Nào ngờ hôm nay nó là ân nhân đưa tôi đến bến Bình An!

Chúng tôi vào tới Tân Sơn Nhất gần 11 giờ đêm, có lẽ là chuyến tàu chót. Tất cả hành khách đã bỏ về, hậu trạm trống trơn, chỉ còn hai thiếu nữ bé bỏng ngồi ủ rũ chờ chồng. Chị Nghị ngã lăn ra xỉu khi tôi vừa trao vào tay cái áo bay của Nghị, chưa kịp lời giải thích. Bà xã tôi ( Duyên ) cũng vậy , tôi chưa nói hết câu " mấy đứa em..." thì đã ngất xỉu bên cạnh chị Nghị như hai xác chết. Chúng tôi lo cứu hai bà xong mới xuống khu gia binh tìm chút gì ăn lấy lại sức 2 ngày không ăn uống ruột gan cồn cào dữ dội... Vợ chồng tôi tạm trú ở cư xá độc thân PĐ 718 trong phòng của một người em họ lái C47. Hôm sau gặp Nguyễn Tấn Phát (ANKQ), bạn rất thân gốc từ 213 /Song Chùy . Phát cho tôi bộ đồ Nomex để mặc tạm lấy lại chút dung mạo pilot đã mất và còn ưu ái cho thêm năm ngàn đồng. Sau tôi cũng nhờ Phát kiếm cho căn phòng ở cư xá SQ trong phi trường Tân Sơn Nhất cho chị Thái và các cháu tạm trú. Anh Thái (PĐP) bị rớt cùng với Chiến gần Phù Cát và bị bắt làm tù binh không vô được tới Sai Gòn. Hai vợ chồng tôi tìm cách lãnh lương thêm của " ông già vợ " mới đủ sống cho đến ngày 22/4/75 khi TT. Thiệu từ chức, tôi giắt vợ xuống Cần Thơ. Phạm V. Vui và Đặng Cường chung sống với chúng tôi trong căn phòng chật hẹp ở cư xá SQ / Phi đoàn 211 bên cạnh phòng Tr.tá Lâm ( PĐT). Ngày chót Vui bỏ đi đâu lúc nào tôi không hay biết.

Những ngày cuối cùng, Sư Đoàn IKQ/ KĐ 51 dồn lại chỉ còn đủ quân số giữ được PĐ 213 di tản xuống Cần Thơ sát nhập vào SĐ4KQ với hai vị chỉ huy mới là T/tá Huỳnh V.Phố (PĐT) và Th/tá Hiền (PĐP). Anh em đều chán nản chẳng muốn lãnh tàu HQ thì lệnh đầu hàng đến... Mai Côn (xạ thủ 213) đến hỏi tôi có đi không cho hắn theo? Tôi hoàn toàn không muốn đi tí nào. Vợ chồng Nguyễn Trà (Tr/úy 239/213) rủ tôi không đi, hai vợ chồng trèo rào vào phi đạo lấy phi cơ, bà xã Trà đang có bầu mà trèo qua hàng rào lẹ làng... Tôi chờ Th/tá Hiền về để mượn chìa khóa xe pick up chở mấy anh em ra bến xe đò đón xe về Sài Gòn để trở về nguyên quán ( Miền Trung ) nhưng chờ mãi không thấy. Bất chợt Tr/tá Lâm (PĐT 211) đáp ngay bên cạnh cư xá để bốc chị Lâm lên thế là Duyên kéo Đặng Cường và tôi lên theo; lòng vẫn đinh ninh sẽ tìm một nơi nào khác để tử thủ ! ! ! Trên chuyến tàu của tôi có Đại Tá Thiện, Cựu Tư Lệnh Phó SĐIKQ, Cựu SQ Liên Lạc ở Lackland-69, Cựu Trưởng Khối Trưc Thăng BTLKQ. Ông mất rất sớm khi mới đặt chân lên đất Mỹ!

Chúng tôi bay ra Côn Đảo rồi đáp xuống Đệ Thất Hạm Đội ngoài hải phận bắt đầu cuộc đời tỵ nạn...Đúng một tháng sau khi mất Đà Nẵng , toàn thể Miền Nam Việt Nam cũng không còn nữa!

Miền Trung với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của Trường Sơn cao vút, núi đồi trùng điệp và biển xanh lai láng đã in sâu vào tâm trí tôi như tấm bản đồ HQ muôn màu. Mỗi LZ là một dấu vết kỷ niệm vẫn sống mãi trong tôi cho đến những ngày tận cùng của cuộc đời. Song chùy 213 như người Mẹ hiền ưu ái đã cho tôi tất cả niềm hãnh diện của một " phi công trực thăng " một đời tận hiến cho Tổ Quốc và Không Gian.


Kỷ Niệm 34 năm - Một Thời Để Nhớ- Tháng Tư 2009.

T.HG@SONGCHUY

 
Ý kiến bạn đọc xin nhấn vào đây => (Song Chùy 213 & Vùng Trời Hỏa Tuyến)
Rate this item
(0 votes)