Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Tại Sao Chúng Ta Già? - Phan Thanh Lưu

Posted by October 29, 2019 2950
Tại Sao Chúng Ta Già?
 
Phan Thanh Lưu
~~~



Sinh lão bệnh tử là một chân lý bất biến, gắn chặt với kiếp người, không ai thoát được. Trẻ mãi không già là môt ước mơ muôn thuở và thuốc trường sinh là một phương thuốc chỉ có trong các truyện thần tiên. Mặc dầu ngày nay khoa học và y học đã đem đến cho đời sống của chúng ta những tiến bộ to lớn, và tuổi thọ của con người đã được đẩy lùi khá nhiều so với những thế kỷ trước, thế nhưng chống lại sự già vẫn là một cuộc chiến đấu cam go hầu như vô vọng của con người đối đầu với thời gian và thiên nhiên. Và định nghĩa thế nào là già không phải là điều đơn giản. Lẽ dĩ nhiên tuổi già kéo theo sự yếu đuối, suy nhược, bệnh tật. Nhưng già không nhất thiết đồng nghĩa với bênh tật. Và thế nào là già? Tại sao chúng ta già? Sự già hay lão hóa được xem như một sự suy giảm dần dần các chức năng trong cơ thể theo với thời gian. Nơi người, mặc dầu một số chức năng như thính giác và sự dẻo dai bắt đầu giảm đi rất sớm, các chức năng chính của cơ thể chỉ bắt đầu suy yếu sau thời điểm đỉnh của tính dục, nghĩa là sau tuổi 19. Sự lão hóa được thể hiện bởi các thay đổi của dáng vẻ bên ngoài như giảm chiều cao, giảm cân (bắp thịt và khối xương giảm), vận tốc biến dưỡng chậm lại, thời gian phản ứng tăng lên, giảm trí nhớ, giảm hoạt động tính dục, mãn kinh nơi phụ nữ, giảm khả năng thính giác, khứu giác, thị giác, giảm chức năng miễn dịch, giảm chức năng nội tiết. Loại hình tượng tiêu biểu của sự lão hóa nơi con người là bất cứ bộ phận nào, mô nào, hệ nào, cũng có thể ngưng vận hành, kết quả là dẫn đến cái chết. Các nghiên cứu nơi các vị «bách niên» (người sống trên 110 tuổi) cho thấy họ già một cách đồng bộ, nghĩa là không có một bộ phận hay hệ nào là đặc biệt suy yếu nhất, tất cả mọi bộ phận yếu đồng đều và dễ nhiễm bệnh. Giải phẩu hậu tử cho thấy tất cả các vị này đều chết vì một bộ phận nào đấy đã ngưng vận hành. Vì thế không có chuyện chết già, mà chết vì một chứng bệnh nào đó. Lẽ dĩ nhiên bệnh tật tăng lên với tuổi già, nhất là các bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư, thận suy, thấp khớp, v.v… Trên 85 tuổi, nguyên do tử vong chính là các bệnh tim mạch, kế đến là bệnh ung thư, các bệnh tuần hoàn não, bệnh Parkinson và Alzheimer, bệnh sưng phổi và các bệnh hô hấp mãn tính. Mặc dầu những bệnh như ung thư và bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân tử vong chính của nhiều lứa tuổi, những bệnh khác như Parkinson và Alzheimer xảy ra thường hơn với người cao tuổi.


Về già con người có những thay đổi về sinh lý và bệnh lý, nhưng vẫn chưa có cách gì chính xác để lượng hóa thế nào là già. Con người tùy cá nhân mà già theo những tốc độ khác nhau. Thông thường ta vẫn phải dùng tuổi đời cao để chỉ tuổi già. Nhưng 50 tuổi, 60 tuổi, 70 tuổi, khi nào là già?

 

 


Theo thời gian có rất nhiều lý thuyết khoa học đã được đưa ra để giải thích tiến trình lão hóa. Tìm ra một cơ chế thống nhất đứng đằng sau sự lão hóa là một điều hết sức khó. Cái khó khăn chính trong việc nghiên cứu sự lão hóa nơi con người là thiếu một mô hình thỏa đáng, vì thế việc kiểm chứng các lý thuyết phải được thực hiện năm này qua năm khác trên nhiều đối tượng khác nhau, quá tốn kém, quá khó khăn. Sự giải thích các kết quả kiểm chứng thường gây tranh cãi, hơn nữa trong sự lão hóa lại thường rất khó phân biệt giữa nguyên nhân và hâu quả. Không biết vì già mà thành ra suy yếu hay vì suy yếu liên miên mà trở nên chóng già.

Sự già hay lão hóa là một tiến trình sinh hóa thật bí ẩn. Tiến trình lão hóa có thể là do những thay đối xảy ra đồng thời trong các mô, do những cơ chế nội tại trong tế bào, hoặc chỉ là do những thay đổi xảy ra trong môt mô có ưu thế (như bộ não). Có người cho rằng các tế bào gốc (1) của tủy sống là có tính quyết định. Có người lại cho rằng hệ nội tiết có thể điều khiển sự lão hóa. Tựu trung, các lý thuyết về lão hóa chia làm hai loại. Một loại cho rằng con người già đi là do những hao mòn hư hại chồng chất trong cơ thể ngày này qua ngày khác. Những hao mòn hư hại này là sản phẩm của tiến trình bình thường của tế bào, nhưng cũng là do cơ chế sửa chữa những hư hại này không hiệu quả mà ra. Thêm vào đó, môi trường có tác động lên sự lão hóa. Một loại lý thuyết khác thì lại cho rằng sự lão hóa đã được lên chương trình sẵn trong gien, tức là có tính tiền định. Môi trường có ảnh hưởng phần nào, nhưng không phải là quyết định. Chẳng hạn, rụng răng thường là một chỉ dấu của sự già, đặc biệt nơi động vật có vú. Con người chỉ thay răng một lần trong đời, nhưng cá mập có thể thay răng nhiều lần, và voi thì có nhiều hơn 2 bộ răng. Rùa có giống sống rất lâu (đến 200 năm) và thay răng nhiều lần khi cần. Như vậy gien có thể điều tiết sự lão hóa, nhưng bao nhiêu gien tham gia và gien nào là thiết yếu trong nhiệm vụ ấy chúng ta đều chưa biết. Thí nghiệm trên chuột cho thấy một vài gien khi được thay đổi có thể tăng tuổi thọ lên đến 50%. Sự lão hóa của tế bào cũng được điều tiết bởi vài gien thôi, như gien telomeraz chẳng hạn. Nhưng từ chuột hay động vật khác mà suy diễn sang người cần phải nhiều dè dặt. Hơn nữa, những biểu hiện của sự lão hóa nơi người cũng khác nhau tùy cá nhân, nghĩa là nó có tính di truyền và chịu sự chi phối của môi trường.


Sơ lược một số lý thuyết chính về lão hóa:

1) Sự biến dưỡng năng lượng (métabolisme énergétique) và sự lão hóa: Lý thuyết này cho rằng động vật sinh ra mang sẵn một năng lượng nhất định có hạn chế. Vận tốc biến dưỡng càng nhanh thì hoạt động sinh hóa càng mạnh và sinh vật càng chóng già. Nghĩa là sống mạnh thì già sớm. Do đó, theo lý thuyết này, sự tiêu thụ ít chất giàu calo (ăn ít) làm giảm vận tốc biến dưỡng và làm chậm sự lão hóa. Thế nhưng không thiếu những thí nghiệm đã chứng tỏ điều ngược lại.

2) Các gốc tự do và sự lão hóa: Các chất oxyt hóa (2) và các «gốc tự do» (free radicals) là những thực thể hóa học rất dễ phản ứng (gọi tắt là ROS, reactive oxygen species), chúng dễ làm hư hỏng các thành phần của tế bào, vì thế mà chúng rất độc hại. Chúng có thể phát sinh do các nguyên nhân từ bên ngoài (tia cực tím trong ánh mặt trời, các bức xạ) hay từ bên trong tế bào do sự biến dưỡng mà ra. Để chống lại sự oxyt hóa, tế bào có hàng loạt các chất kháng-oxyt như vitamin C, vitamin E, Co-enzim Q10, các men (enzim) như superoxid dismutaz, catalaz, glutathion peroxidaz. Ngoài ra còn có những men giúp sửa chữa các hư hại do các chất oxyt hóa gây ra, như men MSRA (methionin sulfoxid reductaz A). Chẳng hạn sự đột biến gien p66shc trong chuột tăng tuổi thọ của chuột 30% (gien này có liên quan đến các chất oxyt hóa trong tế bào). Tuy nhiên không có bằng chứng là các chất chống oxyt hóa có khả năng làm chậm sự lão hóa. Cũng có nghiên cứu cho thấy khi cơ thể giảm tiêu thụ calo thì các chất ROS giảm, do đó các hư hại trong tế bào cũng giảm, và sự lão hóa chậm lại.

Trong tế bào, các chất ROS chủ yếu đến từ ty thể là nơi xảy ra sự biến dưỡng năng lượng của tế bào, vì thế sự lão hóa có liên quan đến sự biến dưỡng năng lượng. Có người cho rằng sự tạo các chất ROS trong ty thể có tính quyết định cho tuổi thọ.

3) Lão hóa là do hư hại ADN: Vì ADN đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự sống nên người ta nghĩ rằng lão hóa là do các hư hại của ADN chồng chất lâu ngày mà thành. Các thí nghiệm trên chuột đã cho thấy rằng những sự biến đổi ADN gây ra các bất thường trong nhiễm sắc thể tăng dần với tuổi già. Tuy nhiên không thể khẳng định các sự biến đổi kia là hậu quả hay là nguyên nhân của sự lão hóa. Nếu lý thuyêt trên là đúng, thì ta có thể đẩy lùi sự lão hóa bằng cách tăng cường các cơ chế sửa chữa ADN bị hư hại trong tế bào. Thế nhưng, bao nhiêu nỗ lực trong lĩnh vực này đều chưa đem lại kết quả chờ đợi.

4) Hệ nội tiết và sự lão hóa: Cái ý nghĩ rằng các hoc-môn điều khiển sự lão hóa đã có từ lâu. Từ khi người ta quan sát thấy một số hoc-môn trong cơ thể giảm xuống khi tuổi đời cao lên (ví dụ hoc-môn tăng trưởng GH và nhân tố tăng trưởng IGF-1) nhiều sản phẩm chống lão hóa trên thị trường mỹ phẩm và dược phẩm đã được thiết kế dựa trên sự bù đắp các hoc-môn trên. Thí dụ hoc-môn tăng trưởng đã có thời được xem như là một khám phá quan trọng của y học vì nó chứng tỏ có vài tác dụng thuận lợi nơi người cao tuổi như có thể làm tăng khối lượng bắp thịt, tăng cường hệ miễn nhiễm, tăng tính dục, v.v... Một hoc-môn khác là DHEA cũng có một thời được vinh danh là phương thuốc «cải lão hoàn đồng». Thế nhưng, các thứ «thần dược» kia đã chắng làm ngưng hay chậm lại được sự lão hóa, hơn nữa các phản ứng phụ độc hại dần dần được khám phá (nguy hiểm nhất là có thể gây ung thư) và chúng đã bị loại bỏ không được dùng tới nữa. Trong giới phụ nữ hoc-môn estrogen thường được dùng như một phương pháp trị liệu chống lão hóa sau khi mãn kinh. Estrogen có công hiệu chống lại bệnh tim mạch và chứng loãng xương, nhưng dùng lâu dài cũng không ổn vì các hiệu ứng phụ như làm tăng trọng và làm nghẽn mạch.

Nói chung, trong một chừng mực nào đó, ta có thể làm giảm hậu quả của sự lão hóa. Ví dụ tránh phơi trần ra nắng có thể làm da chậm nhăn. Hoặc ăn uống cân bằng thì có thể giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nhưng, vì tính cách phức tạp của hiện tượng lão hóa, giảm nguy cơ mắc một bệnh liên quan tới tuổi già, về mặt khoa học, không có nghĩa là đã đẩy lùi tiến trình lão hóa. Có những phương pháp dưỡng sinh giúp ta tăng tuổi thọ. Tập thể thao đều đặn và ăn uống cân bằng điều độ cũng giúp ta sống khỏe mạnh tránh được nhiều thứ bệnh. Thế nhưng, tăng tuối thọ không nhất thiết đồng nghĩa với làm chậm sự lão hóa. So với thế kỷ trước tuổi thọ của con người hiện nay tăng 50%, tuy nhiên không có gì chứng tỏ con người đã già chậm hơn trước kia. Ngày nay chúng ta sống lâu hơn bởi vì chúng ta đã khắc phục được nhiều bệnh truyền nhiễm và chữa được những bệnh mà trước kia chúng ta bó tay. Vì vậy chúng ta cần cẩn thận khi nói đến đẩy lùi tuổi già. Một biện pháp hay một phương pháp, muốn được gọi là chống lão hóa, phải chứng tỏ có khả năng trì hoãn các thay đổi do tuổi già gây nên, kể cả bệnh tật. Biện pháp nào mà không đáp ứng các tiêu chí trên thì không thể xem như là biện pháp thật sự chống già. Điều này thường dẫn đến nhầm lẫn trong y học chống lão hóa, nhất là trong công nghiệp dược phẩm và mỹ phẩm, có khi chủ ý là để đánh lừa quần chúng. Chắng hạn, một thứ kem chống nhăn có thể làm dịu bớt một hậu quả của sự lão hóa (da nhăn), nhưng nó chẳng có tác dụng gì lên các dấu hiệu khác của tuổi già; hơn nữa kem chống nhăn chẳng đẩy lùi tuổi thọ hay ngăn ngừa bệnh tật, nên không thể gọi nó là kem chống già, hay chống lão hóa như ta thường nghe thấy trong quảng cáo.


Các kết quả mà khoa học đã đạt được trong nỗ lực chống lão hóa:

1) Telomer là những đoạn ADN nằm ở đầu mút các nhiễm sắc thể, che chở cho nhiễm sắc thể khỏi bị hư hỏng và ngăn ngừa các nhiễm sắc thể nằm kề nhau kết hợp lại với nhau. Sau mỗi lần phân bào, telomer lại ngắn đi một ít. Telomer ngắn lại thì kích hoạt một cơ chế không cho tế bào phân lập, nghĩa là với ngày tháng các tế bào sẽ bị hư hại và chết đi mà không được thay thế. Telomeraz là một men kích hoạt sự phân lập những tế bào mới nơi chuột. Do đó có người nghĩ rằng có lẽ telomeraz cũng có thể đẩy lùi sự lão hóa nơi người. Hiện nay đang có nhiều nỗ lực để phát triển các phương pháp trị liệu chống lão hóa dựa trên telomeraz. Ít nhất là một sản phẩm telomeraz, gọi là TA-65, đã được đề cử trong nghiên cứu chống lão hóa. Kết quả thí nghiệm còn đang dang dở. Vả lại có những bằng chứng cho thấy telomeraz có thể gây ung thư.

2) Một gien khác, gien klotho, dường như có ảnh hưởng đến sự lão hóa nơi chuột. Khi gien klotho có mức hiển thị cao thì tuổi thọ nơi chuột tăng 30%, tuy nhiên người ta chưa thấy dấu hiệu gì chứng tỏ sự lão hóa chậm lại. Tuổi thọ nơi người cũng có liên quan tới một biến thể của gien này. Nhưng chức năng thật sự của gien này chưa được biết. Người ta chỉ biết gien này tạo ra một chất có tác dụng như một hoc-môn, chất này có thể tổng hợp được và đã được đề nghị như là một phép trị liệu chống già.

3) Một chất chống già khác đang được giới nghiên cứu chống lão hóa thế giới chú ý là ALT-711. Chất này xúc tác sự bẻ gảy các liên kết AGE (Advanced Glycosylation End-product crosslinks), các liên kết này gắn đường glucoz vào protein, như trong các động mạch. Như vậy ALT-711 có thể hữu ích trong việc chống các bệnh tim mạch bằng cách làm giảm huyết áp và tăng độ dẽo dai của mạch máu. Các phản ứng phụ của ALT-711 chưa được biết.

Nói tóm lại, vì chưa hiểu biết tường tận cơ chế lão hóa nên người ta chưa có thể phát triển một phương pháp đích thực chống lão hóa được. Những mô hình nghiên cứu nơi sinh vật khác khi đưa sang người không phải dễ dàng thích hợp. Về mặt kỹ thuật khó khăn cũng không ít, ví dụ kỹ thuật thay những tế bào cũ hay đã hư hỏng bằng những tế bào mới, kể cả việc dùng các tế bào gốc cũng đang ở giai đoạn phôi thai. Thực tế còn cho thấy trong mấy chục năm nay bao nhiêu công sức và tiền bạc của cả thế giới đã dồn vào việc nghiên cứu hai bệnh ung thư và SIDA nhưng kết quả, như chúng ta thấy, là hai bệnh này vẫn chưa được khắc phục, mặc dầu cơ chế bệnh lý của hai bệnh này đã được hiểu biết khá nhiều. Trong những năm qua các chương trình vi tính đã giúp sinh học giải mã cấu trúc hệ gien của nhiều sinh vật. So sánh hệ gien của những sinh vật «không già» (loài giun tròn, rùa) với hệ gien của người sẽ giúp hiểu rõ thêm cơ chế lão hóa. Cũng nhờ việc giải mã gien mà cơ chế của nhiều bệnh lý đã và đang được xác định. Trong bối cảnh đó, tin học đóng một vai trò hết sức quan trọng để hỗ trợ cho sinh học và y học.

Về mặt lý thuyết, bộ phận độc nhất trong cơ thể không thay thế được là bộ não. Trong thực tế, tuổi của bộ não là tuổi đời của con người. Các nhân tố gây lão hóa có xuất phát từ những nơi ngoài bộ não không? Phải chăng bộ não già đi là vì các bộ phận khác trong cơ thể không còn có thể hỗ trợ cho bộ não nữa? Ngày nay, với các tiến bộ không ngừng, khoa học vi tính đang tiến dần đến hy vọng chế ra được trí khôn nhân tạo, điều mà trước đây hoàn toàn thuộc lĩnh vực của khoa học giả tưởng. Kỹ thuật tạo dòng vô tính (3) cũng đang được phát triển với hy vọng một ngày gần đây sẽ sản xuất được các bộ phận dùng để thay thế các bộ phận cũ bị hư hỏng trong cơ thể. Cho đến gần đây người ta cho rằng tế bào thần kinh không phân lập được, nhưng nay có người đã chứng minh trên khỉ tế bào thần kinh cũng có thể sinh sản, nơi một vùng não dành cho ký ức dài hạn. Sự trẻ hóa của não cũng đã được nhận thấy nơi loài chim. Như vậy, trong tương lai, «cải lão hoàn đồng» sẽ là thay thế các bộ phận hao mòn, hư hỏng trong cơ thể, kể cả bộ não, như là ta thay các đồ phụ tùng của một cỗ xe vậy.


Phan Thanh Lưu
Cựu Giám Đốc Nghiên Cứu, CNRS, Pháp

---------------------------------------------------

Chú thích:

1) Tế bào gốc (stem cell): là những tế bào tìm thấy trong tất cả các sinh vật đa bào, với đặc tính có thể phân lập thành những tế bào chuyên biệt, và có thể tự tái tạo để cho ra nhiều tế bào gốc khác. Hiện nay người ta có thể nuôi cấy tế bào gốc để biến thành những tế bào chuyên biệt thích hợp cho các loại mô khác nhau như bắp thịt, máu, da, mô ruột, giây thần kinh, v.v. Việc nghiên cứu tế bào gốc đã đem lại những áp dụng đầy hứa hẹn trong y học, như chữa trị ung thư máu, ung thư xương, và thay thế các mô bị hư hỏng.

2) Thuật ngữ oxit-hóa nhiều người quen gọi là oxy-hóa, nhất là trong giới khoa học VN hiện nay. Không đúng. Thực ra, khi oxy tác dụng lên một chất khác thì cho ra một oxit (có thể viết oxid, oxyt, hay oxyd, giới khoa học VN chưa thống nhất). Phản ứng đó gọi là sự oxit-hóa, tức là biến chất kia thành oxit, chứ không phải thành oxy (tiếng Anh là oxidation). Thuật ngữ oxy-hóa phải được dành để gọi sự tạo ra oxy, nghĩa là một tiến trình mà trong đó khí oxy được sản xuất ra (tiếng Anh là oxygenation).

3) Tạo dòng vô tính (cloning): Trong sinh học, đó là tiến trình tạo những quần thể (dòng) gồm những cá thể giống hệt nhau về mặt di truyền, như trong thiên nhiên khi vi khuẩn, côn trùng, hay thực vật sinh sản một cách vô tính, nghĩa là sinh sản mà không có giao hợp giữa giống đực và giống cái. Trong kỹ thuật sinh học, từ này dùng để chỉ kỹ thuật tạo ra những phiên bản của các đoạn ADN, của tế bào hay của sinh vật.


Nguồn

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Tại Sao Chúng Ta Già?)

Rate this item
(1 Vote)