Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Phi Vụ 6G Trên Chiếc A37 - Đông Chiều Hổ Cáp 45 VMP

Posted by April 23, 2019 4664

Phi Vụ 6G Trên Chiếc A37
Đông Chiều Hổ Cáp 45 VMP


 

Chắc chắn trong số những người đọc có nhiều người nằm trong giới chuyên môn, những người không chuyên môn và nhiều người không liên hệ gì đến Không Quân kể cả ngành “bay”.

Người viết không nói đến những người đến từ các Trung Tâm Huấn Luyện khác hoặc những người được chuyển về từ các Binh Chủng...Ở đoạn đầu bài này người viết xin dành một ít thời gian để lược sơ qua cách đào tạo “chánh quy” phi công A37 tại đất Mỹ. Còn tất cả những phi công A37 phục vụ tại các Phi Đoàn Chiến Đấu trên toàn cõi miền Nam Việt Nam gồm nhiều diện khác nhau-- chuyện khá dài dòng sẽ phải đi vào chi tiết. Ngoài sự khác nhau đó, thời trước 75 giữa Nam Việt Nam và Mỹ có những chương trình đào tạo phi công khác nhau, tùy thuộc vào giai đoạn và nhu cầu. Ngay cả trên đất Mỹ lúc đang đào tạo ở giai đoạn cuối của một chương trình đã được “vạch sẵn” cũng vẫn được “uyển chuyển” để chuyển sang một chương trình khác.... ( mà ngay cả các khóa sinh đang thực tập trong khóa nào đó cũng không biết được! ).


Các bạn đã thấy sự tương đối khá phức tạp chưa ?. Còn các “ ngoài ra” khác nữa như chương trình UPT và MAP. khác nhau từ đầu vẫn “chuyển được”. Các LÒ đào tạo phi công F5, Trực Thăng, phi công Vận Tãi.
Nhiêu khê!!! Chừng này cũng tạm đủ ?
Vũ Tương Phùng được đào tạo qua chương trình MAP.

Sau hơn hai tháng dừng chân tại Lackland để ôn lại Anh văn trước khi được chuyển qua Randolph AFB-- Air Force Base -- để vào trường bay. Randolph không cách xa Lackland bao nhiêu. Cả hai căn cứ này đều nằm sát nách Thủ phủ San Antonio có Alamo để dạo chơi xả hơi cuối tuần.

Tất cả những khóa sinh đã miệt mài “đèn sách” tại quê nhà để lên đường “du học”. Một đoạn đường khá nhiêu khê đã phải trải qua kể từ ngày đầu tiên bước chân vào Tân Sơn Nhất hay Nha Trang nộp đơn vào ngành Phi Công Quân Sự!. Gọi nôm na là đăng vào Không Quân!. Mộng ước của những con én non còn nằm trong tổ, ló đầu ra nhìn lên bầu trời trong xanh… chứ đâu bao giờ liên tưởng đến những cơn giông tố…….!!!!!!

Bắt đầu từ đây trở đi tất cả những huấn luyện viên đều là người bản xứ. - Kể cả những giảng viên Anh ngữ. ---- Kể từ Lackland trở đi.
Các giảng viên tại trường Sinh Ngữ Quân Đội tại Sài Gòn và tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang gồm cả người Việt và người Mỹ và tất cả đều là Quân nhân.

***

Đặt bước chân đầu tiên lên chiếc T41 cùng với vị IP---Instructor Pilot---một phi công Dân Sự, một cảm giác là lạ nôn nao khó tả. Nửa phấn khởi vui mừng nửa âu lo hồi hộp bồn chồn như được khơi dậy từ một sự thôi thúc thầm kín giữa đam mê, ước vọng - trai thời chiến - tiềm ẩn tận đáy sâu với ý chí phấn đấu và sự tự tin vào khả năng của chính mình trước công việc đầy thử thách gai gốc sắp đến!

T41 là một loại phi cơ cánh quạt cỡ nhỏ và rất nhẹ. Cánh quạt nằm ở mũi tàu quay vù vù. Cánh quạt xé gió làm con tàu rung lên. Tàu lăn bánh từ từ ra phi đạo.
Vị IP kéo cần lái--Yoke-- về phía sau tàu hỏng bánh tức thời.

Ui!. Một cảm giác lạ xoáy xoay trong bụng.
Ride --chuyến bay-- đầu tiên huấn luyện viên bay lòng vòng trên những cánh đồng bắp quanh quẩn quanh phi trường để vị phi công tương lai làm quen với “ hương vị” của cái nghề mới!

Những rides kế tiếp là do khóa sinh thực tập.
Tôi xin mở một cái ngoạt khá giản dị ở đây là cái “nguyên lý” được ứng dụng” để làm cho một chiếc phi cơ cất cánh và bay được không khác gì khi ta còn bé bỏng chơi thả diều --- ý riêng của người viết. Nó liên hệ đến khí động học mà ta chẳng bao giờ nghĩ đến. Một vật --kể cả máy bay-- lúc đứng yên là lúc “ bốn “ -- chiều-- lực xung quanh được cân bằng. Khi có một lực nào mạnh hơn thì vật đó sẽ di chuyển về hướng của lực mạnh do sức đẩy hoặc hút tới. Bốn “lực” đó theo từng cặp đối xứng đó là :

1- Sức đẩy tới - do máy - ( đối nghịch là )
2- Sức kéo lui - ( tự nhiên hoặc do gió đẩy lùi )
3- Sức nâng - ( đẩy lên cao, do sức máy -số 1- và do sức gió ứng dụng cho diều…) và góc nâng,-- Con diều bay lên được nằm ở đây.-- Khi gió thổi mạnh sẽ đẩy con diều về phía sau nhưng vì ta NGHIÊNG con diều tạo nên một GÓC NGHIÊNG vừa phải, con diều bay lên nhờ sợi dây kéo lại…….sức nâng đối nghịch với trọng lực )
4- Trọng lực--- Sức kéo ngược trở về mặt đất tạo ra trọng lượng. ---- Con bướm, con chim… khi bay lúc nào cũng tự tạo cho mình một góc nâng. Tạm ổn?

Lạ nhỉ, khi máy bay nghiêng cánh, phi công phải kéo cần lái --Yoke--như hình chữ U rộng đáy -- về phía sau, cánh càng nghiêng-- độ bank-- phải kéo càng lẹ và càng lùi xa về phía sau. Sở dĩ việc này xảy ra vì khi nghiêng cánh, tàu bị giảm sức nâng. Để giữ cao độ không bị tuột xuống -- mất cao độ -- thì phải “ điều chỉnh” lập tức để giữ cân bằng lực nâng. Vì thế cái mặt của minh có cảm giác bị kéo xệ xuống nặng trình trịch. Tại sao?

Đó là do tăng G ---G viết tắt của chữ Gravity có ngĩa là sức hút của trái đất hay là trọng lực.

Trong trạng thái bình thường mọi vật trên trái đất chịu tác dụng của sức hút để có một sức nặng nào đó như: 1 gram, 2 kí, 10 tạ. Vật đó đang “ chịu” 1G --- G được dùng làm đơn vị đo trọng lực. Khi tăng G thì trọng lượng của vật đó tăng theo tỷ lệ thuận.

G tăng như vậy có G giảm không? Có chứ! Như khi mình ngồi trên xe đò, đang chạy phăng phăng trên đường bỗng dưng xe đột ngột “ nhảy “ qua một cái “ mô” nhỏ --- Không phải mô đất có mìn gài bên trong --- rồi rớt xuống liền, cảm giác “thót ruột” đó là mất G-- giảm G - negative G. Vậy khi một vật nhận negative G có bị giảm trọng lượng không? Có, cúng theo tỷ lệ thuận! Các bạn thấy trong các chuyến bay vào Không gian trên các phi thuyền, mọi vật đều lửng lơ con cá vàng trong tình trạng KHÔNG trọng lực. Như vậy khi nào phi cơ bị mất trọng lực? Từ từ đã, câu chuyện còn dài!

Để thay đổi chút “hương vị cuộc đời” tôi mời các bạn nge một bản tình ca nha! Bản nhạc mang tên “KHI NÀO ANH VỀ” do nhạc sĩ (?) nào sáng tác? Có thiệt không cha nội?! Không nhớ!!! Nhạc được viết theo thể La thứ (!) đến cuối bài, nhạc sĩ vuốt một cái rột ba nốt sát rạt từ ” Fa qua Sol thăng về La cho ba chữ: em….đợi……. anh !!! Ôi tái tê não nùng… Lùng bùng lúng búng cái lỗ tai!!! Nếu bạn chơi đàn guitar, mời bạn vuốt và hát thử xem sao!!! À, không biết ông nhạc sĩ hay bà nhạc sĩ đây? Rõ khỉ, dù là ông hay bà có can chi?! Có chứ sao không!!! Nếu là bà viết thì còn có thể tin được. Vì dù sao thì bà cũng nói lên dùm cái nỗi niềm tâm sự “não nề u ẩn” nào đó của các bà….Chứ ông nói thì lấy gì mà tin? Ôi khi anh về... có ...còn…... E...... m ….. không…..? Hay em đã cầm thuyền đổi bến sang sông!!!!!! Đời thường quá lâm ly mà cũng vô cùng bi đát !!!!!

Qua mấy “ rides” tập luyện sơ khởi, chỉ tăng một chút xíu G thôi mà cái mặt Phùng trông đã eo xèo. Đêm về kê đầu trên gối lần mò về bên kia bờ đại dương đi tìm em. Mới hôm nào đây còn nắm tay em qua dặm đường thiên lý, quanh quẩn phố phường Nha Trang, hay chiều cuối tuần đợi em bên hông Giáo đường.

Giai đoạn tập huấn đầu đời trên T41 tối đa 30 giờ. Nếu không “passed” các ký sát hạch thì chờ ngày xách gói về nước! Đặc biệt thời điểm giữa 20 - 23 giờ bắt buộc phải “solo”. Nếu không solo được thì cuốn gói sớm. Bạn cũng có thể ngồi chờ để được chuyển đến một chương trình khác nếu có!. Xin nói rõ cho các bạn biết, điều này hoàn toàn nằm “trong lòng bàn tay” của các bạn. Bạn có tin về Mệnh Số theo một nghĩa rất rộng và cũng rất hẹp???!!!! Bạn hãy ngửa bàn tay lên xem thử đường công danh dài ngắn rõ mờ...ra sao!

Sau khi đạt được thành quả giai đoạn này các khóa sinh được chọn lựa tùy theo sở thích và cuộc “phân ly” bắt đầu từ đây!

Đi vào lối rẽ!
Số khóa sinh vừa passed này sẽ đi về hai căn cứ huấn luyện khác nhau.
Những ai chọn chữ “thọ” ( chưa chắc ) - tức chọn Propeller - cánh quạt - hướng về ngành Vận tải sẽ đi về căn cứ Keesler AFB ở tiểu bang Mississippi và sẽ được học phi cơ cánh quạt T28--- một điểm nhấn ở đây vẫn chưa chắc đó nha các bạn. Trên đoạn đầu tôi có nói: mọi việc rất uyển chuyển. Vì sau khi “tốt nghiệp” T28 vẫn còn 2 lối rẽ!!!

Những ai chọn chữ “hùng” thì về căn cứ Sheppard AFB Bắc Texas thuộc phố Wichita Falls kế cận tiểu bang Colorado để học phản lực cơ T37. Nền tảng huấn luyện ở hai nơi này giống nhau.

Kể từ đây tôi chỉ đề cập đến sự huấn luyện tại Sheppard mà thôi.

Từ Randolph đến Sheppard các khóa sinh sẽ được xếp vào một lớp học gọi là FLight mang số kế tục của lớp trước và thuộc về năm nào. Một lớp như vậy thường gồm 15 khóa sinh, trong số khóa sinh này người mang cấp bậc thấp nhất là “con cá” tức Sinh Viên Sĩ Quan, chiếm đa số, phần còn lại có thể là Chuẩn Úy, Thiếu, Úy và cao nhất là Trung Úy. Bên phần Huấn luyện viên người mang cấp bậc thấp nhất là Trung Úy và cao nhất là Trung Tá.

Những vị mang cấp bậc Thiếu Tá và Trung Tá thường không phải là người của Flight, mà là người của Wing. Vị Commander của Wing mang cấp bậc Đại tá. Trưởng Flight là một Đại Úy. Vị Flight Trưởng không chọn học viên “cố định”. Mỗi Huấn luyện viên thường có hai học viên - một bay buổi sáng và một bay buổi chiều, nhưng cả hai đều phải có mặt tại Flight suốt ngày. Thỉnh thoảng những vị sĩ quan của Wing xuống Flight “bốc” một vài học viên nào đó. Lý do không biết. Chính Vũ Tương Phùng được một vị Trung Tá -- Vị Trung tá này đã bay tại Việt Nam, đóng tại Biên Hoà -- bốc đi bay từ những buổi học ban đầu cho đến khi được ông thả solo. Ông về hưu sau đó. Phùng trở về với vị Huấn luyện viên đã được sắp xếp.

Chương trình học gồm hai Phần:
1 -- Phi huấn. - Tập bay trên trời.
2 -- Địa huấn, - Academic - Học lý thuyết dưới đất.

Phần phi huấn tức là bay như hằng ngày. Học cách điều khiển phi cơ, kế đến là học các dạng AEROBATIC MANEUVER (S). Đây là các thế NHÀO LỘN TRÊN KHÔNG. Lúc này học viên mới thực sự biết thế nào là TĂNG và GIẢM G. Nếu đi vào từng loại maneuver một thì thật dài dòng và phức tạp không cần thiết! Ngoài các aerobatic maneuvers ra, chương trình còn có thêm học bay phi cụ - instrument flights- chỉ nhìn lên các phi cụ - instrument indicators - mà bay, không được nhìn ra ngoài.
Đồng thời học bay Đội hình - Information flights và bay Navigation.

Để phân loại rõ ràng, có hai loại :
1. Vision flight - nhìn ra ngoài mà bay
2. Instrument flight - nhìn lên phi cụ mà bay

Phần địa huấn thì học về lí thuyết. Bài học luôn đi trước các bài sẽ tập cho phi huấn. Bên cạnh đó còn học xa hơn về Khí Động học.

Song song còn có các bài học trong Link --- Link là một dạng thực tập các maneuvers -- vision flights. Khi bay trong link dù bạn đang làm maneuver bạn cũng phải nhìn trên phi cụ vì phòng link nằm trong phòng có bốn bức tường và nóc cao, làm gì có đường chân trời! -- và thực tập bay phi cụ -- instrument flights -- Phòng link giống hệt phòng lái của phi cơ và hệ thống áp suất cũng như vậy. Có nghĩa là khi mình ngồi bay trong phòng link giống hệt như mình đang bay trên trời. Cách học bay này giúp khóa sinh phát triển thêm khả năng mà không phải tập với vị IP trên không. Nếu cần cứ gọi IP dưới đất - dành cho phòng link. Không cần, cứ bay một mình.

Môn học kế tiếp khá đặc biệt đó là nhảy dù...
Ngoài hai phần học chính yếu này các khóa sinh đều phải tập thể dục với một huấn luyện viên trong biên chế. Chiều dài thời gian đã được tính toán kỹ lưỡng trong chương trình huấn luyện chung.

Tất cả các môn học đều phải vượt qua các kỳ sát hạch. Trước khi hoàn tất chương trình, khóa sinh còn một flight với IP : bay cross country , thường đi hai chiếc gọi là bay Không hành - chuyến bay xa. Vũ Tương Phùng bay về thành phố El Paso - sát biên giới Mexico. Sau khi vào khách sạn nhận phòng - mỗi người một phòng, chính phủ thanh toán. Hai vị IP - có “chịu chơi” không? Khuyến khích hai thằng học trò “ tụi mày vượt biên đi!. Đêm ấy Phùng vượt biên giới qua Mễ với thằng bạn, vào mấy cái “ Club” dọc biên giới tú tù ti con gà ri ướp muối sợ chi... mãi đến tờ mờ sáng mới mò về để chuẩn bị lên đường vào chặn kế tiếp !!!!!...... Vượt biên! Sẽ ngủ gục trên tàu, IP takes care!!!

Sau khi hoàn tất các môn học, khóa sinh chuẩn bị tinh thần cho cuộc chuyển tiếp vào hai lối rẽ mới.

Tùy thuộc vào thời điểm có khóa chuyển một vài người qua F5 hay không. Nếu không tất cả vào một ngày dù đẹp trời hay không, không quan trọng sẽ phải sẵn sàng đóng gói nồi niêu xoong chảo để lên xe vẫy tay chào Sheppard!
Hoàn tất chương trình. Lễ mãn khóa và GẮN CÁNH Khá long trọng. Nhiều quan khách được mời tham dự.

Kể từ đây những cánh chim non đã trưởng thành, đủ sức chuyền ra đầu cành trên đôi chân của chính mình với một chút lòng tự hào và niềm kiêu hãnh!

Hôm rời Randolph để lên Sheppard Phùng đã gởi lại ở miền xa này một em gái xinh xinh có đôi mắt xanh xanh màu ngọc thạch ( turquoise ) cho một nỗi buồn râm ran dài lâu !!!! Rồi bây giờ lại đi tiếp….. Đôi mắt màu ngọc bích ( blue ) lặng yên nhưng thăm thẳm sẽ ra sao đây!!! Một kiếp giang hồ qua mấy chặng sơn khê !!!!!

Trước khi bước lên xe -- Hoa ? -- mọi người bùi ngùi hát khúc “ Biệt ly”!. Một bản nhạc thật thiết tha ướt át nồng nàn mà tiểu thuyết gia Nữ rất trẻ Francoise Sagan - Pháp- viết trong quyển tiểu thuyết “ Buồn Ơi Xin Chào” - Bonjour Tristesse - Xạo cha nội! Bản nhạc ở trang mấy? Nỗi buồn vời vợi với nỗi cô đơn lạc lõng giữa cõi đời mông lung mờ ảo bềnh bồng đã gắn với trào lưu Triết học Hiện Sinh - Existentialism - do triết gia Jean Paul Sartre khởi xướng tại Pháp với tác phẩm: Hữu Thể và Hư Vô, Buồn nôn…. có cả Albert Camus viết: Người xa lạ , Ngộ nhận… F. Sagan.

Một trào lưu triết học đã tác động không nhỏ lên giới trẻ miền Nam nước Việt trước - sau thập niên 70!!! Trong cục diện Chiến Tranh Đệ Nhị Thế Chiến + Chiến tranh Việt Nam. Ôi ! Đời Phi Lý, Phi Lý! Trong văn học Pháp còn một người có ảnh hưởng cũng nặng lên giới trẻ đó là Saint Exupéry, thường gọi là Saint Ex. với những tác phẩm : Chuyến bay đêm, Thư từ miền Nam, Ông hoàng con… Còn thêm một chiều ảnh hưởng của con chim đầu đàn của Không Quân miền Nam từ rất sớm. Đó là tập tiểu thuyết mong mỏng “ Đời Phi Công” với những trang thư tình lả lướt ẩm ướt lâm ly…. của nhà văn Toàn Phong --- Nguyễn Xuân Vinh, Tư Lệnh Không Quân thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

Thôi xin quay lại với bản tình ca của riêng mình… Ô.. Anh xa.. em rồi…. em buồn... có. nhớ...gọi. tên.. anh….. về .nguồn…” Phần nhạc hãy do các bạn chế và chêm vào chứ tôi làm việc đó sợ các bạn não lòng! .
Bài tình ca nào không mùi không ướt át không đẫm bờ môi cùng mồ hôi để một ngày thấy mình mồ côi !!? ... Nhưng vì “ sợ “ các bạn mủi lòng mà nước mắt rưng rưng… nên tôi không thể tiếp…

Ngày hôm sau xe cập “ bến cảng miền duyên hải “ nằm trên bờ vịnh Mexico giữa Texas và Mississippi đó là căn cứ England AFB cạnh phố Alexandria của tiểu bang Louisiana.

***

Tất cả các khóa sinh đều mang cánh rồi nhé. Bắt đầu vào phi cơ Chiến Thuật A37. Chú trọng vào chiến thuật đánh đấm! A37 đang được sử dụng tại chiến trường Nam Việt Nam
Vì A37 mạnh hơn và đang thực dụng nên phải học kỹ lưỡng hơn. Chương trình học cũng gồm hai phần:
1 . Phi huấn
2 . Địa huấn.
Không khác gì T37 nhưng sâu hơn. Phần phi huấn, những rides đầu làm quen với phi cơ , về sau đi nặng về chiến thuật. Bay các dạng maneuvers ít chú trọng hơn. Có thêm: bay “ Chase “, Chase - - là bay hai chiếc rượt đuổi nhau như đang “không chiến “.

Thường ngày tập đánh bom và bắn minigun. Bắn minigun chỉ cần siết cò là hàng trăm viên đạn lao ra khỏi nòng. . Khả năng nhả đạn: 3000 viên / phút.
Phần địa huấn học thêm vế thời tiết.

Các loại mây và tầng mây. Đặc biệt loại mây dễ gây sét đánh, nên tránh. Thêm một việc mà phi công phải làm là vào một cái máy quay ly tâm rồi cho máy quay quanh trục. Thỉnh thoảng các bạn có thể thấy được trong các chương trình đào tạo Phi Hành Gia. Khi bước vào cái “máy” này đèn phòng tắt tối thui -- nếu tả kỹ thì dài dòng -- khi bước ra khỏi máy quay người huấn luyện bật đèn sáng lên và yêu cầu người phi công chỉ cây đèn ở đâu. Đèn ở đàng Đông phi công sẽ chỉ đàng Tây! Đó là bình thường!!!

Sự kiện quay này dẫn đến một tình trạng “rối loạn” trên não ( tiền đình? )! Cho nên không xác định đúng như sự bình thường khác. Sự bất thường này gọi là “vertigo” - xây xẩm, chóng mặt, xoay bồ bồ .…( nên không xác định được phương hướng ). Do đó khi người phi công đang bay trên trời mà gặp phải tình trạng này thì phải tin và dựa hoàn toàn vào phi cụ -- instrument indicators -- đặc biệt cái : Attitude indicator và cái Altimeter indicator. Không được nhìn ra ngoài để bay bằng mắt thường (vision flight).

Nếu phi công không nhận ra tình trạng của chính mình và tiếp tục bay vision flight thì máy bay sẽ lâm nạn! Một đời người và một vài phút giây mà thôi. Cho nên một hôm trong lớp học, một vị IP đã nói với lớp học rằng công việc của một Phi Công khó hơn công việc của một Tổng Thống. Mọi người trong lớp liếc nhau miệng mỉm mỉm. Vị IP đảo mắt một vòng như check phi cụ trước lúc cất cánh. Ông tiếp, đó là điều tôi nói thật. Các anh biết một vị Tổng Thống lúc nào cũng có nguyên một ê kíp để làm việc chung, Nếu có điều gì sai sót, họ còn dư thời gian để sửa đổi, còn các anh chỉ một mình trong một con tàu, mà các anh quyết định sai chỉ trong vòng tích tắc thôi thì điều gì sẽ xảy ra? Các anh hãy tự nghĩ. Những nụ cười mỉm chi đáng yêu ấy nên để dành cho các em. Bây giờ nó đã lịm dần theo điều tự nghĩ riêng mình!!!!

Những ngày cuối tuần.

Từ chiều thứ Sáu đến sáng thứ Hai Trường bay và vị Sĩ Quan Liên Lạc - Một Thiếu Tá Không Quân Việt Nam - không cần biết khóa sinh đi đâu và làm gì… Vô cùng thoải mái… mà chẳng có ai HƯ HỎNG cả!!!!

Một bóng hồng xinh như mộng nay đã muôn trùng xa cách tại quê nhà… Lòng em ra sao? Bặt vô âm tín, biền biệt sơn khê. Một em đôi mắt pha màu ngọc thạch sâu lắng ngậm ngùi đã gởi lại Randolph khá lâu và một em với màu mắt xanh biêng biếc như bầu trời thăm thẳm ngút ngàn… đã ở lại Sheppard. Tất cả nay ra sao? Làm gì? Ta nhìn lên bầu trời mây vẫn giăng lắm khi xám xịt bùi ngùi. Từng bước chân đi... âm thầm đơn côi !!!!!

Quanh phố Alexandria có nhiều “Hợp Đêm” hoạt động xuyên đêm suốt sáng. Cứ sau giờ bay chiều thứ Sáu, mấy thằng bạn trẻ người Mỹ ngoài phố vào bốc Phùng đi khắp phố phường!!!...

Dạo ấy phong trào Hippy đang nở rộ… Áo sơ mi ve cổ “xê” đến gần nửa ngực, quần ống 30, 32, giày con trai cao 5-6...phân từ trước ra sau , mũi tròn rộng... là thường! Lại “rê” lá!!!!!.

” Buồn ơi ta lại chào mi”. Đời ta sao lắm nỗi ưu phiền?! Và rồi lại thêm một đôi mắt biêng biếc lạc loài, từ miền “sơn cước” đến sẻ chia, “ share” chung nỗi buồn man mác... trên cùng cõi đời không mấy hoang vắng mênh mang và thênh thang dành cho những bước chân không mấy êm đềm lang thang!!!!!

Chiều ta đi.. lòng ta say…. đến với em.. dìu.. em vào vòng tay... cả hai lãng du... trên cung trời... ngất ngây………….. Rồi từ đây…anh trên cao ..tầng mây…nhìn.. nhân gian..đong đầy…..----- Ngạt ngào mùi Sơn Cước qua mấy dặm Sơn…... khê!!!!!
“ Đường bay” đi đã qua hơn nửa khóa….Một sáng sớm thứ Hai, vừa ở phố về, bất chợt gặp Thiếu Tá T. Sĩ Quan Liên Lạc, Phùng đưa tay chào dù đang mặc dân phục và “sẵn miệng” Phùng nói: Chào Thiếu Tá. Thiếu Tá T. nhoẻn miệng cười đưa tay chào lại và cũng “sẵn miệng” ông nói: Ông phi công Hippy này………( Phùng thấy cái tay của ổng chỉ đưa lên tới cái chóp lỗ mũi rồi thả xuống liền…)

Ngày qua ngày, cũng đến ngày mãn khóa. Lễ Mãn Khóa cũng rôm rả. Và sau lễ mãn khóa mọi người cuốn gói.
Hôm lên đường chỉ có hai thằng bạn Mỹ vào tiễn biệt, còn đôi mắt biêng biếc xa xăm đành nhìn theo bóng mây buồn Lặng Căm!!!

***

Một buổi trưa nắng gắt, chiếc C130 đáp xuống phi trường Đà Nẵng. Phùng vào ngồi trong phòng đợi, chờ người bên Phi Đoàn 528 qua đón. Nguyễn Công Thành --- nickname Thành Sport, vì Thành có thân hình vạm vỡ phốp pháp mà lại còn thêm cái đai đen Taekwondo nữa chứ -- lái chiếc Pick up qua, lâu anh em gặp lại vui vui mừng mừng!

Một điểm buồn Phùng đề cập ở đây là sau này trong một phi vụ đánh bom Thành ngồi ghế phải thay Phùng sau khi xong phi vụ về đáp. Trời hôm ấy mây rất thấp, thấp đến độ chỉ cách mặt phi đạo ít thước thôi . Cả hai chiếc đều đáp PHI CỤ ( vào straight in ) Chiếc số một đáp được ngay vòng đầu. Chiếc số hai không chạm bánh được ở vòng một, phải “go around” và đó là vòng trở về cuối cùng!!! Theo luật bay để giữ an toàn khi đáp bằng phi cụ, lúc máy bay đã “nằm” trên phi đạo rồi, với một độ cao tối thiểu BẮT BUỘC Phi công PHẢI NHÌN THẤY PHI ĐẠO mới cho tàu chạm bánh. Phi Đoàn 528 mất hai PHI CÔNG anh tài trên cùng một con tàu. Qua bao nỗ lực vẫn không tìm được vết tích ngay cả một vết dầu loang!!! Vì vùng Đà Nẵng đang bị ảnh hưởng của bão gần cả tháng!. Vĩnh biệt TUẦN và THÀNH!!! Có phải cả hai đều cùng bị VERTIGO --- hoàn toàn chìm trong biển mây không!?

Vùng Đà Nẵng thuộc khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng gió mùa Hạ Lào. Ôi nắng nóng oi bức quá đỗi! Vừa bước xuống xe đã muốn leo lên lại và xách ba lô trở về Sài Gòn. Vậy mà Phùng đã lưu lại đây mấy năm liền. Rồi yêu thương Đà Nẵng chẳng khác nào yêu thương Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn…. thậm chí cũng chẳng khác tình yêu thương dành cho làng quê nơi chôn nhau cắt rún của minh.

***

Những kỷ niệm buồn vui ngày càng chất đầy theo tuổi đời, làm nặng thêm miền ký ức. Nhưng nỗi buồn nào rồi cũng phải qua đi, cuộc vui nào cũng phải cạn. Chừa một lối mòn để con người còn đặt được bước chân hướng về phía trước. Những nỗi buồn phải qua, cùng theo nhau trên những bước lang thang qua phố phường Đà Nẵng…

Một mái tóc buông dài, một khuôn mặt thanh tú, một bờ môi mọng đỏ, một đôi mắt ưu tư xa xăm, một dáng dấp yêu kiều….. thoáng qua cửa sổ…

Thiếu những hàng cây râm mát như Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn….. Đà Nẵng Không có con đường Duy Tân với hàng me trút lá. Không có Đại học Văn Khoa với những tà áo trắng tung bay làm chất xúc tác tạo nên những thiên tình ca bất tử. Nhưng Đà Nẵng có bãi biển Mỹ Khê có biển Nam Ô có chùa Non Nước, có Ngũ Hành Sơn có phố Cổ Hội An. Cũng hữu tình ra phết!

Một sáng tinh mơ từ phương Đông muôn tia nắng hồng lan tỏa, lướt trên muôn ngàn hoa lá, cà cọ trên muôn triệu hạt sương long lanh lấp lánh, làn gió nhẹ lùa hương sắc về. Một nụ hồng hàm tiếu đậu trên vai Tương Phùng. Đó là Thục Vân. Thục Vân đẫm thấm trong nỗi buồn mênh mang. Thục Vân bên cạnh Tương Phùng cùng dắt dìu nhau đưa mộng vào đời qua mấy ngõ thênh thang !!!!.......

***

Những rides đầu tiên ở Phi Đoàn 528 là thực tập thả bom trở lại trên đảo đá Hòn Ông đứng lẻ loi giữa biển phía Nam Đà Nẵng. “ Sổ ” cho cứng cáp đôi chân con gà nòi.-- Sổ là động từ cũng là danh từ được dùng trong giới CHUYÊN NGIỆP đá gà !!! Đến khi hội đủ ” thành công lực”, Bất cứ người nào trong ban STAFFS của Phi Đoàn clears cho ra hành quân thì lúc đó mới chính thức là Phi Công Chiến Trận.

Miền Trung là một vùng đất hẹp gồm những dải đồng bằng nho nhỏ chạy dọc ven biển đến chân núi, theo hướng Bắc Nam. Phần còn lại là vùng đồi núi chập chùng.
Ba Phi Đoàn Khu Trục A37: ôm trọn gói Vùng Một từ Quảng Trị đến Nam Quảng Ngãi kể cả vùng Tây nguyên. Trên Tây nguyên yêu dấu với những chiến trường nổi tiếng vang dội: Charlie, Đức Cơ, Tân Cảnh, Vùng Tam biên thuộc Kontum, Hạ Lào, Campuchia, Pleiku Hàm Rồng và nhiều chiến trường Ban Mê Thuột…

Phùng đã được biệt phái lên Sư Đoàn Sáu Không Quân đóng ở Phi trường Cù Hanh Pleiku mấy bận. Hoàng hôn ngắm màu Ráng Chiều hướng Hạ Lào để lòng bồi hồi xao xuyến mãi nhớ về em!!!.

Phùng đã “thử lửa” trên nhiều chiến trường hầu hết là vùng rừng núi: Đại Lộc. Quế Sơn, Duy Xuyên. Đức Dục, Thường Đức, Ba Lòng, Đức Phổ, Bạch Mã….. Và các chiến trường Tây nguyên. Đánh những khu lòng chảo thì phải cẩn thận kẻo đâm đầu vào vách núi! Đơn giản thế thôi!

Ngày mai trên sổ phi lệnh Vũ Tương Phùng : Hổ Cáp 45. Lead: Đại Úy Trương Tấn Lộc.

Sáng sớm Phùng ghé qua rủ Thục Vân đi ăn điểm tâm.
Trước khi lên xe Phùng nghiêng người qua hôn nhẹ lên tóc Thục Vân và hỏi: Đêm qua em ngủ ngon không? Thục Vân: Ư, ư, ư….mấy ngày nay anh đi đâu mà không qua thăm em? Phùng: Ư, a, a …..Thục Vân: véo nhẹ lên cánh tay Phùng và nói, em giận đó nha!

Thục Vân lên ngồi phía sau, Phùng đưa Thục Vân đến quán ăn quen thuộc. Cả hai bước vào cái bàn khá khuất trong góc. Phùng nhấc ghế cho Thục Vân rối kéo ghế cho mình. Phùng nói: Mình uống cà phê trước nha em? Thục Vân dịu dàng: tùy anh, gì cũng được!

Phùng gọi cà phê đen cho mình và cà phê sữa cho Thục Vân. Và thêm hai tô mì Quảng.

Vừa uống cà phê vừa nói chuyện ….... Phùng nhắc: bữa trước mình đi tắm biển bên Mỹ khê vui quá hở em. Mùa này biển êm sóng lặng nắng cũng nhẹ, vài bữa nữa anh rảnh mình đi tắm nữa nha, lần này mình lên Nam Ô! Thục Vân nhỏng nhẻo: Nắng cháy da, em mắc đền anh đó , mà anh tập cho em bơi nữa nha! Phùng: Em muốn anh đền em bằng cái gì, anh cũng sẵn sàng. Em yên chí anh tập cho em vài lần là em biết bơi liền, Phùng tiếp: Màu da bánh mật hôm trước em mặc bộ Bikini vàng nhạt, anh thấy mát hơn nước biển.

Phùng đưa Thục Vân về rồi vào thẳng Phi Đoàn.
Mặt trời đã đứng bóng nhưng nắng không gắt mấy. Hổ Cáp 45 lăn bánh.
Hổ Cáp 45 cất cánh Phi đạo: 35 R quẹo phải ra Nam Ô qua biển Thanh Bình vòng xuống Mỹ Khê và lấy heading hướng Tây, hướng về Duy Xuyên. Mỗi tàu mang theo sáu trái bom, gồm MK 81 và MK 82. Bình phi 10.000 bộ.

Vùng trời quanh Duy Xuyên nắng trong, không có mây, không có gì gây trở ngại.
Hổ Cáp #1 bấm máy;
#2 Pattern 7000.
Hổ Cáp #2:
Roger.

Cùng lúc Phùng liếc mắt nhanh quan sát vùng mục tiêu. Đây là một vùng thung lũng hẹp, những ngọn núi hai bên khá cao chạy từ hướng Đông Đông Nam lên Tây Tây Bắc. Như vậy trục cũng phải song song với hướng núi. Left break, phải cẩn thận nhóm núi bên trái… Phùng giữ những yếu tố quan trọng này trong đầu.

Hổ Cáp 45 rời tần số Panama chuyển sang Thiên Phong 10
Hổ Cáp 45 gọi Thiên Phong 10, Hổ Cáp 45 đang trên mục tiêu Over.
Thiên Phong 10 :
Roger, Hổ Cáp 45 có thấy bên mạn Bắc kề chân núi có khóm rừng nhô ra phía ngoài cạnh khoảng đất trống có mấy cái nhà dài đó không?
Hổ Cáp 45 : thấy rõ, Over.
Thiên Phong 10:
Trục Đông Đông Nam, Tây Tây Bắc, Left break, đánh cặp, Over.
#1 in hot.
Số 1 kéo lên, hai cụm lửa và khói bốc lên, bên cạnh một đám lửa màu vàng khói đen kịt.
#2 in hot.

Sau khi gọi in hot, lúc nào cũng vậy left steep bank, control stick đẩy về phía trước nhận mũi máy bay chúi xuống, quan sát mục tiêu, điều chỉnh độ bank và cần lái uyển chuyển để mục tiêu lọt vào hồng tâm -collimator- cùng lúc phải quan sát tốc độ, máy nhắm. Những yếu tố này phải được phối hợp chặt chẽ thì bom mới rơi đúng mục tiêu. Còn thêm một yếu tố nữa đó là gió. Nếu gặp gió mạnh, phi công còn phải cộng hoặc trừ sức gió để trái bom ít bị lệch.

Mang sáu trái bom nặng 2500lbs cộng với xăng và trọng lượng chính nó suýt soát khoảng sáu tấn rưỡi - Max. 15.000lbs - tương đương 6.8 tấn.
Cộng với gia tốc, con tàu lao xuống như một cục chì!
Phùng đã bấm nút bom mà bom không rơi !!!
Liếc nhìn bên ngoài mặt đất ngày càng gần, lia mắt lẹ lên speed indicator tốc độ vọt lên lẹ quá.

Phùng nín thở - vừa do sự tập tành vừa do rút lấy từ kinh nghiệm vừa do phản ứng tự nhiên, hít vội hơi thở thật sâu rồi ép hơi xuống đan điền, nghĩa là đẩy hơi thở vào bụng cho cứng. Giữ cho máu không bị tụt. Nếu không làm những động tác này, máu sẽ không lên đến não và bị BLACKOUT tức thì! Hiện tượng blackout khi đang xảy ra dù mắt có mở to đi nữa cũng chỉ thấy một màu đen thui!

Phùng gồng tay phải kéo control stick thật mạnh về phía sau, mạnh thêm, mạnh thêm...Feeling từ cánh tay giữ cần lái, con tàu đang “rên rỉ và dãy dụa”.... Càng lúc Phùng càng ghì mạnh cần lái thêm về phía sau… G tăng lên vùn vụt… Thân tàu rung lên cùng tiếng rên “ khực khực, khực khực…..” Tay trái kéo lùi cần ga để giảm bớt tốc độ.

Áp lực trên cơ thể nặng trình trịch!!!
Số 1 Trương Tấn Lộc vang lên trên radio:
#2 nếu không kéo lên được BAIL OUT!
PHÙNG QUYẾT CHÍ ! Nếu tàu không lên!!!???
Áp lực trên cần lái nhẹ dần…. Mũi con tàu đã GƯỢNG DẬY được....Tay trái tống ga 100%.

Trước khi in hot Phùng đã QUÊN turn on Master Arm Switch.
Phi vụ hoàn tất tốt đẹp. Mục tiêu bị phá hủy 100%.
Sau khi đáp, lúc xuống tàu Phùng đi quanh con tàu để làm kiểm nghiệm và viết report, một thanh sắt bằng ngón tay dài độ hai gang “ cạnh” flap bên cánh trái bị gãy còn dính tòn ten. Đồng hồ G bên trong chỉ 6G!!!!

Phi công không mặc G suit thường chỉ chịu đến 4 G.
Sau chuyến bay và sự sai lầm này, Phùng ôn lại những bài học DĨ VÃNG.
Đời phi công của mình Phùng đã làm Sai đến 2 lần.

Lần thứ nhất, lúc đang học T37, trong một ride solo Phùng quên mở cái nút Air Inlet nên khi máy hoạt động 100%, lúc airborne trong phòng lái nóng lên đột ngột và dữ dội. Phùng nghĩ có lẽ do máy có thể đang cháy! Nhưng không thể giảm power vì trong lúc ở vị thế phải dùng 100% sức đẩy. Phùng gọi Sheppard Tower và xin đáp khẩn cấp - emergency landing - khi vào ramp, tàu đã đậu xong, từng bước một theo CHECKLIST Phùng mới tìm ra nguyên nhân!

Trong lớp học đánh đấm A37, một hôm một vị IP nói với lớp học rằng là Phi Công Chiến Trận các anh phải nhớ: MỘT PHI CÔNG CHIẾN TRẬN GIỎI LÀ MỘT PHI CÔNG LUÔN ĐÁNH CHÍNH XÁC VÀ PHẢI AN TOÀN TRỞ VỀ!

Qua những bài học và kinh nghiệm bản thân Phùng mới nhận ra KHI TA CHƯA ĐI ĐẾN ĐIỂM “ TUYỆT ĐỐI “ THÌ TA VẪN CÒN CÓ THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC CỤC DIỆN.!
Sai lầm nhỏ nhoi, ta còn có dịp trở về và sai lầm lớn lao. Sẽ khó gấp bội công việc của một vị Tổng Thống!
Tùy các bạn.

Đông Chiều thành thật cảm ơn những vị:
Cựu Hổ Cáp 528 Nguyễn Quang Hiển.
Cựu Hổ Cáp 528 Trương Tấn Lộc.
Cựu Hổ Cáp 528 Trịnh văn Khiêm.
Cựu Hổ Cáp 528 Bùi Thiện Giáo.
Cựu Hổ Cáp 528 Phan Hồng Thái.
Và nhớ lại Cựu Hổ Cáp 528 Lê Tuấn Thích. Cùng chung một “ Chiếc Tàu Đêm” 28-29.3.1975.
Cùng các Cựu Phi Công từ các Phi Đoàn A37 và F5 khác.

Apr 14 2019

Qua cuộc “ Biển Dâu “ - 43 năm sau “ nhớ “ lại chuyện xưa không phải là điều dễ dàng, Đông Chiều đã nhờ các bạn “ gợi lại “ và giúp Đông Chiều những điều cần thiết.

 

Source:http://www.canhthep.com/modules.php?...key=1555298062

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Phi Vụ 6G Trên Chiếc A37)

Rate this item
(1 Vote)