Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Ra mắt Tuyển Tập Bắc Đẩu Võ Ý - THANH PHONG/Viễn Đông Daily News

ANAHEIM - Trưa Chủ Nhật, ngày 27 tháng 1, 2019 một buổi ra mắt sách hiếm thấy tại Quận Cam từ nhiều năm nay, hiếm thấy vì số người tham dự quá đông gồm đủ thành phần. “Từ người thân trong gia đình, đồng đội, bạn hữu, từ hội đoàn đến ban hợp ca, từ diễn giả đến người ủng hộ, từ ca sĩ đến nhạc sĩ, từ phóng viên đến chủ bút, từ bài nhận định đến lời giới thiệu tác phẩm, từ nhiếp ảnh đến quay phim, từ mô hình phi cơ 02 Sky Master đến biết bao lọ hoa thắm thiết.” Đó là lời cảm tạ chân thành của tác giả Bắc Đẩu Võ Ý sau buổi ra mắt tuyển tập Bắc Đẩu Võ Ý 2018 tại nhà hàng Golden Sea, thành phố Anaheim, Nam California.


Ban hợp ca Võ Bị trong nghi thức khai mạc buổi ra mắt tuyển tập Võ Ý Khóa 17 Võ Bị. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Bắc Đẩu là tên Phi Đoàn 118 Không Đoàn 72 Chiến Thuật thuộc Sư Đoàn VI Không Quân đồn trú tại Pleiku, mà tác giả, Trung Tá Không Quân Võ Ý là Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 118. Nếu gọi theo thời Pháp thuộc thì BĐ Võ Ý là ông Quan Năm. Dưới thời VNCH, Trung Tá là một sĩ quan cao cấp của QL/VNCH còn bọn Việt Cộng đã từng hứng chịu những trận mưa bom từ các phi công của VNCH, trong đó có phi công Võ Ý dội xuống đầu nên chúng cay cú gọi mấy ông phi công là “giặc lái,” và từ sự cay cú đó, Việt Cộng trả thù giặc lái Võ Ý 13 năm trong lao tù (từ 1975-1988). 



Bắc Đầu Võ Ý, tác giả tuyển tập BĐ Võ Ý 2018. (Thanh Phong/Viễn Đông)

BĐ Võ Ý sinh năm 1940 tại Phú Vang, Thừa Thiên, Huế, tính tới năm nay ông đã gần 80 tuổi nhưng vóc dáng vẫn còn trai trẻ lắm có lẽ nhờ tâm hồn ông lúc nào cũng ham vui, nói chuyện hay pha trò và có duyên kỳ lạ, bảo đảm bà nào, cô nào có dịp nói chuyện với ông một lần thôi là sẽ nhớ mãi, chả thế mà khi Viễn Đông phỏng vấn mấy cô gái Phố Núi Pleiku, hỏi hồi đó ở Pleiku, mấy cô có nghe biết về ông Võ Ý không?
Bốn cô gái mặc đồ dân tộc đều cười rất tươi trả lời, “Dạ, ở Pleiku ai mà không biết anh Võ Ý, hồi đó tụi em học trường nữ Trung Học Pleiku, sáng nào anh Võ Ý cũng tới cửa trường chúng em, anh đẹp trai lắm, bây giờ vẫn còn đẹp trai.” 



Ông bà Võ Ý (Thanh Phong/Viễn Đông)


Chúng tôi hỏi, vậy có cô nào lọt vào mắt xanh của ông Võ Ý “đi mây về gió” không? Mấy cô kia chỉ cười không dám trả lời, có lẽ vì thấy phu nhân BĐ Võ Ý đang nhìn.

Cũng như hàng trăm ngàn thanh niên khác, chàng sinh viên Võ Ý phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung” lên đường vào trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam theo học Khóa 17. Sau đó học khóa Chỉ Huy Tham Mưu Trung Cấp Không Quân, rồi khóa Tham Mưu Cao Cấp Không Quân trước khi trở thành Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu.

Để bước vào chương trình ra mắt tuyển tập, BĐ Võ Ý lên sân khấu nói, “Thưa quý vị và các bạn. Buổi sinh hoạt nào cũng có những khuyết điểm, nếu không có khuyết điểm thì buổi sinh hoạt sẽ rất hoàn hảo, vỗ tay.”
Ông hay có những câu dí dỏm “huề cả làng” như vậy tạo không khí vui tươi cho buổi họp mặt thân tình. Cho buổi ra mắt tuyển tập mà ông gọi là “đầy tháng của đứa con tinh thần,” BĐ Võ Ý đã rất chu đáo trong việc tuyển chọn những người giúp mình trong ban tổ chức, từ cô Nguyễn Diễm Nga, con của cố KQ Nguyễn Tiến Đức (Khóa 17) đã đánh máy và viết bài Thay Lời Tựa cho tuyển tập, cùng với ông Đỗ Mạnh Trường (Chủ bút Đặc San Đa Hiệu) là hai MC, rồi đến các diễn giả cũng được BĐ Võ Ý cân nhắc mời chọn như Luật Sư Đỗ Thái Nhiên (bình luận gia đài TV 57.3) và nhà văn nổi tiếng Phạm Tín An Ninh từ Na Uy qua để giới thiệu tác phẩm.



Ban hợp ca Phố Núi trong nhạc phẩm “Thị Trấn Mù Sương.” (Thanh Phong/Viễn Đông)



Thành phần tham dự có bà quả phụ Trung Tướng Nguyễn Xuân Thịnh, gia đình bà quả phụ Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang (cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 6 KQ), ông bà giáo sư Nguyễn Xuân Vinh (cựu Tư Lệnh Không Quân), các cựu Đại Tá Nguyễn Khoa Điềm (Tiếp Vận KQ), Lê Bá Khiếu (Tỉnh Trưởng Quảng Ngãi), niên trưởng Võ Văn Tùng, GS Nguyễn Phú, các giáo sư Văn Hóa Vụ trường Võ Bị QGVN: Trần Huy Bích,Vĩnh Đương, Nguyễn Ngọc Bội), Giáo sư Trần Văn Ân (Quân Sự Vụ Trưởng), các giáo sư từng là thầy của BĐ Võ Ý thời học Trung Học: GS Trần Tuệ, Lữ Bá Diệp; cựu Trung Tá KQ. Trần Dật, Trung Tá Vũ Trọng Mục, Trung Tá Nguyễn Đức Gia (Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 116 Cần Thơ), các giáo sư , nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Văn Sâm, Thái Doãn Ngà, Nguyễn Mạnh Trinh, Lê Anh Dũng, Phan Diên, Huy Phương, Trần Duy Đức, Hoàng Khai Nhan, Đinh Sinh Long, Vũ Hoàng Thư, Huỳnh Xuân Sơn, các bác sĩ Phạm Gia Cổn, Phạm Đức Vượng, Khương Đại Lượng, Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Hoàng Quân; các niên trưởng và chiến hữu, thân hữu: Tô Văn Cấp, Dương Văn Chiến, Hoàng Đình Ngoạn, Đặng Trần San, Nguyễn Hữu Phúc, Phạm Trọng Hiệp, Hưng Phạm, Huỳnh Hữu Đảnh, Nguyễn Xuân Hùng, Vũ Đình Huân, Lê Văn Thẩm, Phan Ứng Thời, Nguyễn Đức Bạn,Võ Hải, Cao Xuân Lê, Phạm Minh Đức, Lê Quang Trang, Nguyễn Văn Thiệt, Đoàn Thế Cường, Nguyễn Trọng Hiếu, Lê Văn Sùng, Trần Phước Huynh, Huỳnh Mười, Trần Diễn, Nguyễn Đức, Đinh Đức Bản, Vũ Đức Định, Bùi Huy Sơn, Lương Đức Thành, Trần Bạch Thu, Phạm Đức Thạnh, Trần Ngọc Thiệu, Ngô Ngọc Vĩnh, Phạm Văn Thuận, Trần Tiễn San, Nguyễn Hồng Miên, Nguyễn Hữu Mạnh, Quách Thưởng, Nguyễn Hàm, Diệp Quốc Vinh, Tsu A Cầu, Phòng Tít Chắng, Phan Văn Lộc, Lê Khắc Phước, Dương Đức Sơ, Nguyễn Tiến Dũng, Võ Vinh, Quý Thảo, Nguyễn Hữu Hùng, Tôn Thất Minh Tân, Tôn Thất Minh Tuân... và các phu nhân, các cô Christina Cao, Mộng Hiền, Lệ Dung, Bùi Hồng Vân, Thu Đào, Giang Thanh, Minh Hương, Ngọc Nga, Thu Nguyệt, cô Hiền, cô Mai, nghệ sĩ Thúy Uyển, bà Châu Sử, bà QP Sử Ngọc Cả, bà QP Tôn Thất Tùng, chị Thưởng, cô Loan Nguyễn, Phượng Trần, Thủy Tiên, Kim Anh, Đỗ Khánh Hòa và các cháu Ý Nhi, Võ Hải, Thảo Vy….

Chương trình được bắt đầu với nghi thức chào cờ và mặc niệm. Sau đó ban hậu duệ Khóa 5 Vì Dân hợp ca nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng,” các cô gái Phố Núi Pleiku trình bày bản”Thị Trấn Sương Mù.”
MC Nguyễn Diễm Nga giới thiệu đôi nét về “Cậu Võ Ý.” Cậu Võ Ý của cô làm thơ rất hay, viết văn rất giỏi nhưng ông không nhận ông là nhà thơ, nhà văn, ông chỉ nhận ông là “Nhà Binh.” Tác giả BĐ Võ Ý lên cám ơn toàn thể quý niên trưởng, quý vị giáo sư, quý chiến hữu, thân hữu có mặt trong ngày đầy tháng đứa con tinh thần của ông.

Tiếp theo, ca sĩ Tấn Đạt đơn ca nhạc phẩm “Mưa Trên Đó” lời Võ Ý, nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ nhạc, và tiếp theo bản “Sư Đoàn 6 Không Quân” cũng do nhạc sĩ Trần Duy Đức sáng tác và dành tặng bà quả phụ Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang.

Hai diễn giả, Luật Sư Đỗ Thái Nhiên và nhà văn Phạm Tín An Ninh lần lượt lên trình bày về tác phẩm, tác giả. LS Đỗ Thái Nhiên chú trọng đến văn phẩm “Thầy Cùi” trong “Không Quân Ngoại Truyện” của tuyển tập BĐ Võ Ý. LS Đỗ Thái Nhiên giải thích “Thầy Cùi” là biệt danh của Đại Tá Trần Ngọc Huyến, Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, vị giáo sư đã xây dựng và phát triển môn học Lãnh Đạo Chỉ Huy trong chương trình giáo dục và đào tạo sĩ quan của trường VBQGVN. Là người lãnh đạo phải có can đảm tả xung hữu đột trên chiến trường, người chiến binh phải nếm vô số cay đắng, nhọc nhằn trên thao trường huấn nhục. Muốn có can đảm sống đúng theo tâm lý “Thà bị người ghét, không để người khinh,” người lính phải được tôi luyện trong môi trường thị phi. Những huấn nhục chốn thao trường, những cay đắng từ chợ thị phi đã được Đại Tá Trần Ngọc Huyến chọn căn bệnh “phong cùi” làm biểu tượng. Một khi đã bị phong cùi, con người không còn sợ lở.

Trước khi nhà văn Phạm Tín An Ninh phát biểu, ca sĩ tý hon Nguyễn Ngọc Ý Nhi trình bày nhạc phẩm “Nhớ Mẹ” thật cảm động, sáng tác của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, người hùng Xuân Lộc 1975 để vinh danh các bà mẹ VN, nhất là các bà mẹ đã hy sinh, lao nhọc vất vả nuôi chồng trong các trại cải tạo dưới chế độ cộng sản. Chị Thu Đào trình bày việc thành lập Hội Phố Núi Pleiku.

Sau đó, Nhà văn Phạm Tín An Ninh, một sĩ quan QL/VNCH thuộc Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 23 BB đã từng vào sinh ra tử đương đầu với Cộng Quân trong cuộc chiến khốc liệt, đặc biệt là Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Nhà văn Phạm Tín An Ninh cho biết, “Tôi quen biết BĐ Võ Ý khá lâu, và kể từ khi biết anh Võ Ý là bạn cùng khóa 17 Võ Bị với anh Ngô Văn Xuân cũng là bạn thân của tôi, tôi càng cảm thấy rất gần gũi với anh Võ Ý.

“Tôi và anh Ngô Văn Xuân ở cư xá sát cạnh nhà nhau, lúc anh Xuân về đơn vị tôi anh mới mang cấp bậc Đại Úy nhưng trên đường quan lộ, anh Ngô Văn Xuân tiến rất nhanh, trở thành Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Quân Đoàn II tức là Đơn Vị Trưởng của tôi, nhưng Trung Tá Ngô Văn Xuân vẫn đối xử với tôi như anh em không phân biệt giai cấp, chức vụ. Khi biết tôi quen với BĐ Võ Ý, anh Ngô Văn Xuân tâm tình, Võ Ý là bạn thân của moa, Võ Ý rất tài hoa và chí tình với anh em, về cấp bậc thì tụi moa ngang nhau nhưng về tình trường thì moa phải tôn Võ Ý là “Sư Phụ.”

Nhà văn Phạm Tín An Ninh cũng chia sẻ nhiều điều thú vị về cuộc đời bể dâu của BĐ Võ Ý.
Sau cùng là phần tặng hoa vinh danh các bà mẹ trong đó có quý phu nhân của các vị cố niên trưởng KQ và một số phu nhân Không Quân trong đó có bà Võ Ý, và tác giả đã có lời cảm tạ mọi người trước khi chia tay với lời hẹn, “Chúng tôi hình thành trong tâm tưởng, sẽ hướng ân tình của quý vị về thế hệ mai sau một khi thuận duyên. Xin chân thành biết ơn và thân chúc quý vị Một Mùa Xuân Mới Trên Quê Hương Mới, Vang Vọng Tiếng Trống Đống Đa Ngọc Hồi Mùa Xuân Kỷ Dậu Năm Nào.”

Source:http://www.viendongdaily.com/ra-mat-...-O9REZDMn.html

Rate this item
(0 votes)