Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Một Lá Số Hai Cuộc Đời - MX Lê Văn Nguyên

Tôi sinh ra vào những ngày giáp tết, nếu cầm tinh chú Rồng hay gã Heo thì đời tôi đâu có khổ. Đằng này nguyên si một chú Cọp, từ đầu đến đít, từ trong ra ngoài. Đã là Dần, tôi được tặng thêm chữ Canh đàng trước, can chi đủ bộ là Canh Dần. Chính vì sự ác liệt ấy mà bà má thân yêu vội đi tìm mấy ông bói toán xem dùm vận mạng cho chú cọp con này.
- Chả ra làm sao cả! Má tôi thở dài... Vớ vẩn hết sức. Họ nói số con sẽ là: Nhất mộc lạc lâm... Sinh bất phùng thời... Thạch trung ẩn ngọc...


Hình minh hoạ internet




Nhưng có một ông đã nói đúng cuộc đời của tôi sau này. Xin mời bạn theo dõi cuộc đời của chú Cọp ấy ra sao?
Năm 1972, tôi vào lính, không tình nguyện hay tình cầu gì ráo mà bị động viên vào quân đội. Ra trường khi chọn đơn vị để phục vụ, tôi tình nguyện về binh chủng làm người sĩ quan mén, một thứ tiền quân hiệu lực và tham gia chiến dịch tái chiếm Thành cổ Đinh Công Tráng.
Ôi! Cái thân thân tôi lúc ấy không khác một con chó. Ngày rúc vào hố hầm chịu những cơn mưa pháo, đêm thì sợ đặc công mò qua. Nhiều hôm rờ xuống đũng quần xem nó còn hay mất, khô hay ướt, đã vậy còn bị ông chỉ huy cho ăn lạp xưởng, nếm củ cải lia chia:
_Đ. Mẹ… chỉ huy như con c... Có việc đó mà làm không xong. Đ. Mẹ..., sĩ quan mà nhát như con thỏ, mới có vài phát súng mà khóc la như cha mẹ chết. Đ. Mẹ...và... Đ. Mẹ...
Ấy vậy tôi cũng qua truông, rồi từ chuẩn lên thiếu uý sau 18 tháng phục vụ. Binh nghiệp có tí le lói, chiếc xe hoạn lộ đang ngon trớn thì bất thình lình đứt thắng. Trời ơi! Xe mà đứt phanh thì còn gì thằng tôi, gã thiếu uý mén té chỏng gọng. Ngã bò lê, bò càng trên mặt đất. Người ta mang tôi đi chữa trị. Cái bệnh viện này cũng ngộ thiệt, chỉ chuyên trị những thằng bị té vì bị đứt thắng xe và nằm ở chỗ hóc bà tó, nơi mà ai cũng sợ và hãi hùng khi nhắc đến nó: Bù gia Mập, Cà tum, Long giao v.v. cùng một đội ngũ lành nghề với những “y tá, bác sĩ dày dạn kinh nghiệm” (!). Họ trị bệnh bằng phương pháp “tẩy não dược liệu phối hợp với lao động trị pháp”. Một lối trị bệnh chả tốn bao nhiêu tiền, nhưng cực kỳ hiệu quả: đói ăn rau, đau khắc phục. Con bệnh cứ ngày càng xanh lè như tàu lá, đi đứng khật khừ như thằng người gỗ.
Tôi trị bệnh phải đúng 6 năm mới được mời ra về cùng với lời phê của hội đồng y khoa:
Thiếu uý, trung đội trưởng TQLC!
***
Thuỷ Quân Lục Chiến
Tôi lăm le xin việc làm nhưng hỡi ơi, tờ giấy ác nghiệt đó đã ngăn cản mọi mơ ước của tôi, đi đâu ai cũng sợ, cũng né như bị cùi hủi, chẳng nơi nào nhận cho tôi vào làm dù là cái chức gác dan nhỏ xíu.
Đã không có việc làm tôi lại ngu ngốc đến nỗi muốn tìm ai đó để về nâng khăn sửa túi cho mình. Hồi đó phần lớn mấy cô nhạy bén lắm nhá, họ đang săn lùng mấy con voi để cưỡi, mấy con voi béo tốt, mập mạp và trắng đỏ dù nó có ngu ngốc, đần độn và quê mùa. Cưỡi nó để còn có xe hơi nhà lầu, chứ cưỡi mấy con ngựa què như tôi thì chỉ có nước mà húp cháo. Thế là thằng tôi biết thân biết phận lùi qua một bên, nhường cho con người mới, xã hội mới “xã hội ưu việt” với phương châm “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” (nhưng thực chất chỉ là một cái thùng rỗng kêu to! Trong cái thùng ấy, tình con người có lẽ chỉ bự bằng cái lá mít).
Tôi mở một lớp kèm trẻ tại nhà. Một ông thày không có bằng cấp, cũng chẳng có một ngày kinh nghiệm, chỉ vỏn vẹn cái bằng tú tài 2 ban toán và hai năm đại học. Không những thế lớp học chỉ là cái bàn pingpong kê giữa nhà cùng với mấy cái ghế thô sơ tự đóng. Một lũ học trò nghèo nhưng hiếu học và một ông giáo cà tàng lúc nào cũng có cái điếu cày bên cạnh. Chương trình giảng dạy chủ yếu là chương trình của thời xa xưa với bộ sách toán của ban giáo sư Trường Thi, và hai tác giả Đào văn Dương, Nguyển đức Kim. Một học phí thật rẻ, “chất lượng cao”, kết hợp với kỷ luật sắt đã được phụ huynh chấp nhận dễ dàng (thậm chí có nhiều cớm gộc cũng dẫn con đến xin học nhưng dĩ nhiên tôi từ chối ngay lập tức bởi dây dưa với họ có ngày lãnh cái búa tạ vào đầu). Thế nhưng tôi cũng đành phá lệ vì thứ nhất trái tim tôi không bằng sắt, thứ hai là vì những lời năn nỉ cùng với sự thật lòng. Một lớp học không có chữ Thày, em mà thay bằng Chú, con. Tôi sống với lũ nhỏ gần 10 năm để rồi ra đi khi chương trình nhân đạo bắt đầu. Ra đi với bao nỗi xúc động và bùi ngùi vì tôi đã có những ngày êm đềm, thanh thản bên lũ học trò nhỏ.
Ra đi mình ên, không rờ mọt, rờ gông gì hết, ra đi với đúng nghĩa trọc đầu và đầu trọc: thứ nhất là không có ai hay hội đoàn nào bảo trợ và thứ hai ông nhà nước đã cạo sạch sẽ với cái 4 không trước khi đi. Chính vì đầu trọc mà tôi lưu lạc về Michigan, thành phố sương mù và tuyết trắng. Quãng đời của tôi từ khi bị cú ngã đau điếng cho đến ngày sang Mỹ đã có đủ hương vị đời: chua chát, cay đắng và ngọt ngào. Ở cái tuổi trên băm, tôi nghiệm thấy cuộc đời mình đã đúng với câu: Tiến vi Quan, Thoái vi Sư của ông thày bói toán dạo nào. Một thời làm quan và một thời làm thày.
***
Metric Fasteners Corporation là một đại công ty với 40 chi nhánh trên toàn thế giới. Đại bản doanh được đặt ở Borslap, Hoà Lan và tôi bắt đầu cuộc đời cu li ở xứ người. Cu li cho nhà kho với gần 10.000 mặt hàng. Mỗi mặt hàng được mang mã số đi cùng với Din theo tiêu chuẩn quốc tế và lưu trữ vào computer. Tôi đã qua một đợt thử lửa sau 6 tháng làm việc và chính lão Leon de Jong, giám đốc chi nhánh tự tay làm chuyện này.
- Mày cho tao biết mã số cùng Din của các mặt hàng này? Lão hất hàm.
Tôi xăm xoi thật lâu, rồi dùng thước kẹp đo chính xác đường kính, và chiều dài từng loại, lúc đó gã Supervisor lò dò đi đến. Tôi lễ phép trả lời:
- Thưa ông, đây là bù loong lục giác, độ cứng 10.9, răng thường và đầy răng, đường kính 8mm, chiều dài 70mm. Mã số sẽ là 04110080070, Din912. Con loon đền bằng thép loại cứng với đường kính 5mm thì mã số là 38100050001, Din 125A. Cuối cùng là con ốc làm bằng Inox, răng thường, đường kính 10mm, mã số là 51100100001, Din 934.
Lão Leon chỉ gật đầu rồi trở lên trên văn phòng, chỉ còn gã supervisor cười toe toét nói với vẻ khâm phục:
- Giỏi thật, tao không ngờ mày có bộ nhớ khủng khiếp như vậy. Leon bằng lòng mày rồi đó.
Lão chủ đưa tôi qua phụ trách quày bán lẻ, một vị trí mà ai cũng sợ, cũng né tránh vì đó là nơi dễ ăn búa tạ và mất việc như bỡn. Một khách hàng mang đến con bù loong sét rỉ hay gãy ngang vì vặn quá mức. Người bán phải nhanh chóng đo đạc, mở computer để xem vật liệu còn tồn hay không và ở vị trí nào. Nếu không nhớ hay không biết cứ lò dò mở catologue thì bao giờ mới xong! Khách hàng nổi đoá là cái chắc và thế là một màn phàn nàn với những lời lẽ không văn minh lắm, chưa kể họ lên văn phòng to tiếng với lão chủ về cung cách làm ăn của nhà kho. Tiếp xúc hàng ngày với khách hàng, tôi đã học nhiều kinh nghiệm quý giá trong cuộc sống, nhất là cung cách làm ăn ở xứ sở văn minh. Chiều chuộng là hàng đầu dù bực đến nỗi chỉ muốn đá một phát cho bõ ghét nhưng vẫn phải cố rặn ra một nụ cười dù là méo xệch...!
Một người da vàng còm cõi, yếu đuối và chữ nghĩa chỉ bằng lá mít thế nhưng gã đã làm các anh da trắng nể sợ lẫn thán phục vì sự cần cù, thông minh và lanh lẹ... Dù vất vả trong công việc nhưng hàng đêm tôi cố gắng đến lớp học. Học không phải để làm ông, làm cha thiên hạ mà học để hiểu người ta đang nói gì và sẳn sàng trả lễ nếu cần. Chính nhờ siêng năng như vậy mà vốn liếng sinh ngữ cũng tàm tạm, tôi có thể viết một bài luận văn ngắn mà không sợ sai văn phạm. Hôm đó bà giáo Jane ra đề tài “Viết về một kỷ niệm đáng nhớ trong đời”, bài luận văn sẽ mang đi tranh tài với các lớp khác, và có một ban giám khảo chấm điểm. Ban đầu tôi tính viết về thời chinh chiến hoặc khoảng thời gian tù đày, nhưng cuối cùng không hiểu sao tôi lại viết về cô bạn nhỏ Thùy An. Với tôi, nó là một kỷ niệm thân thương không bao giờ quên nổi, dù đã 30 năm qua nhưng khuôn mặt cô bạn vẫn cứ hiện rõ mồn một với cái răng khểnh duyên dáng, và con mắt thật to và long lanh như sao trời.
Hồi nhỏ tôi là thằng mít ướt, bất cứ chuyện gì cũng có thể đổ lệ. Đọc một truyện dài có chút bi thương, lâm ly bi đát thế là khóc. Nghe một đoạn cải lương sầu thảm, nước mắt cứ tha hồ mà rơi. Đã mau nước mắt, tôi lại nhát gan, nhát còn hơn con thỏ. Sợ ma, sợ quỉ, sợ ăn trộm và sợ đủ thứ. Ban đêm nghe rục rịch ngoài ngõ thế là tôi trùm mền kín mít. Chính cái uỷ mị, yếu đuối ấy mà mấy tên đầu têu tha hồ bắt nạt, ăn hiếp đến nỗi nhiều hôm phải trốn học ở nhà. Nhưng cuộc đời thằng tôi đã bắt đầu lên hương khi có sự can thiệp của Thùy An.
Số là hôm đó, sau khi trống tan trường tôi lọ mọ xách cặp ra về thì mấy thằng trời ơi đất hỡi đã chặn ngay cửa lớp. Chúng giằng lấy cái cặp, lục lọi tìm kiếm. Có đứa táo gan hơn thò tay vào túi quần, túi áo để hòng tìm đồng xu lẻ.
- Này... Này... các bạn làm gì thế? Ăn cướp phải không?
- Ừ đó... Tên đầu têu hất mặt với dáng khinh khi
Chẳng nói, chẳng rằng cô rút cây thước gỗ bằng cẩm lai trong cặp xông vào đánh tới tấp, cô không chút e dè hay sợ sệt. Nhìn cảnh Thùy An rượt đuổi mấy thằng trời ơi đất hỡi chạy chí chết, tôi ngẩn người đến nỗi quên cả khóc, quên cả việc lau nước mắt.
- Nín đi. Đừng khóc nữa. Con trai gì lá gan nhỏ như con chí mén... Cô nghiêm mặt trách móc.
Kể từ đó Thùy An là gạc đờ co, là người bảo vệ đắc lực cho tôi. Một thằng con trai vai hùm lưng gấu lại được cô gái bé tí xíu che chở, thế
Thuỷ Quân Lục Chiến
Nhưng tôi chẳng lấy đó làm điều mắc cở mà trái lại. Cũng vì chuyện đó mà cả trường gọi cô là “Con chằng lửa, Con nưa 12 lỗ mũi”. Gia đình cô sống trong cư xá dành cho công chức sát nhà tôi, má cô lại cùng quê với bà má của tôi, hai bà rất thân và xem như chị em ruột. Cái ngộ nghĩnh là sát kế bên nhưng tôi không bao giờ biết tên cô là gì và học lớp mấy! Có lẽ vì bản tính mắc cở cho nên tôi cứ ru rú trong nhà ít khi bước ra ngoài nên không biết tí ti gì về cô.
Từ đó tôi có những ngày tháng vui vẻ, ngọt ngào bên cô, dù hung dữ, nhưng với tôi Thùy An lại nhu mì và chiều chuộng hết mực. Tôi mê cái răng khểnh của cô đến nỗi không cho An cười với ai cả. Nụ cười ấy chỉ dành duy nhất cho một mình tôi thôi!
- Trời đất ơi! Bộ Lam bắt An ngậm miệng suốt đời sao?
- Ừ…Cái răng xinh xắn ấy không được cho ai nhìn thấy. Nó là độc quyền của Lam mà.
- Vô duyên hết sức... Cô cự nự... Răng của người ta mà Lam xí phần.
- Lam dành phần trước đó. An không được lộn xộn
Một hôm lúc ra chơi tôi thấy An đang trò chuyện với mấy thằng bạn cùng lớp, đã vậy còn cười với vẻ thích thú với lũ chó chết này. Tôi tức đến nỗi không thèm dòm mặt và cũng không nói với cô một câu, dù cho An cố phân trần, giải thích lẫn năn nỉ xin lỗi. Chính hành động trẻ con này mà tôi đã đánh mất tình bạn cao quí, mất luôn cô bạn dễ thương. Nhiều lần má tôi cũng thắc mắc:
- Sao không thấy con bé An qua rủ con đi học? Con có làm gì cho nó buồn lòng không?
Gia đình cô dọn đi khi không có tôi ở nhà, bởi vì lúc ấy tôi còn đang mải mê với lũ bạn mới ở quê ngoại. Cô đi mà không một lời từ giã chỉ có mảnh giấy gấp tư nhờ má tôi trao lại.
An hằn học viết:
- An thù Lam suốt đời. Ghét người ta cho đến ngày nhắm mắt.
An là người bạn đúng nghiã mà cuộc đời tôi không bao giờ quên được. Tôi vẫn mai ao ước có cô bên cạnh để an ủi, chia sẻ những nỗi vui buồn với mình nơi xứ lạ quê người. Tôi xin lỗi và ngàn lần xin lỗi cùng cô vì thái độ của mình ngày ấy: ích kỷ, nhỏ mọn lẫn hẹp hòi. Nhưng Thùy An phải hiểu cho tôi, thằng mít ướt từ lâu không có ai là bạn và cuộc đời đã trở nên vui vẻ từ khi cô xuất hiện bên cạnh. Chính vì vậy tôi không muốn cô chia sẻ cho bất kỳ ai một chút tình cảm nào. Cái răng khểnh là của tôi, nụ cười duyên dáng nhất định là phải dành cho tôi.
Tôi viết với tất cả tấm lòng của mình, viết mà hình dung An đang đứng đó để nghe những lời trần tình tha thiết ấy. Bài SA không phải là bài văn, mà thật sự là những nỗi niềm được tôi bộc lộ với bao nỗi nhớ nhung, lời trần tình sau 30 năm xa cách.
Tôi quên đi bài luận văn ấy và nghĩ rằng nó thật bình thường mà bất cứ ai cũng đều có thể ghi lại những cảm xúc của mình khi nhớ về nó. Không ngờ bài SA của tôi lại được chấm giải nhất. Những lời trầm trồ của bạn bè trong lớp, những lời khen của bà giáo Jane không làm tôi quan tâm. Cái quan tâm là lá thư và cái tên lạ hoắc Jenny. Tôi đọc nó trong ánh sáng mờ tối của buổi chiều đông. Tuồng chữ mềm mại và có chút quen quen làm tôi sững người trong giây lát nhất lại viết bằng tiếng Việt quen thuộc:
“.. Không biết xưng hô bằng cách nào khi viết cho người ta. Là Lam của ngày xưa hay anh Lam sau 30 năm xa cách. Thôi thì gọi bằng tên cho thân mật đi, ít ra nó gợi cho mình kỷ niệm thân thương.
Lam mến! Nếu không có những đồng nghiệp bên cạnh có lẽ An đã khóc, khóc ngon lành khi đọc bài viết của ai đó. Không ngờ sau bao năm xa cách chúng ta gặp lại nhau, gặp lại ở xứ lạ quê người. Cuộc đời Thùy An chỉ có ba lần khóc. Lần thứ nhất, giọt nước mắt cho những lời năn nỉ và giã biệt người ta khi không gặp mặt. Lần thứ hai cho người thân mình vừa mất và lần thứ ba khi viết cho người bạn của mình. An khóc vì sung sướng khi ai đó vẫn còn nhớ đến mình, cảm động với những lời tạ tội chân thành và hạnh phúc khi người ta ở vậy một mình để chờ đợi cái gì đó sẽ đến với mình dù là vô vọng. An cũng thế, tức giận thù ghét của ngày xưa đã không khuây khỏa mà trái lại càng dằn vặt mình hơn bao giờ hết, nhưng càng ghét, càng giận lại càng nhớ người ta nhiều hơn nữa và ước mong gặp Lam để trút bao nỗi oán hờn của mình. Nhưng bây giờ Thùy An đã hiểu mọi chuyện, những gì người ta muốn xí phần cho riêng mình thì... An không giữ lại làm gì và nhất định chỉ dành cho một mình người đó và chỉ duy nhất với anh ta.”
... Ngày xưa ông bạn già, người tù cải tạo nằm cạnh tôi đã tuyên bố một câu xanh dờn:
- Lam này, đại hạn 10 năm từ 23-33 tuổi tôi bảo đảm không có ai nâng khăn sửa túi cho cậu đâu, duyên nợ sẽ đến ở phương xa và gặp nhau trong cái bất ngờ mà cả hai không lường trước. Sao Không, Kiếp toạ thủ ở Thê cung tại Tỵ miếu địa, cho nên duyên nợ đến nhanh như sấm sét. Chả cần tán tỉnh mà người ta ưng ngay. Cậu lập gia đình trong nửa chu kỳ đầu của đại hạn 33-43 tuổi. Nếu cậu còn nhớ câu chuyện Aladin và cây đèn thần thì cuộc đời của cậu na ná như vậy. Một ông thần đầy quyền phép nhưng trở nên vô dụng khi bị nhốt trong cái đèn cũ kỹ, bẩn thỉu. Mệnh, Thân đồng cung là ông thần đèn. Sao Tuần, Triệt án ngữ là cái đèn. Cậu chỉ thoát ra được nơi tối tăm ấy khi có ai mở cái nắp đậy bên trên, lúc đó không phải là ông thần đèn với đôi chân bằng đất sét mà thật sự là một ông thần đầy quyền năng.
Ai là người sẽ làm được chuyện đó? Một nàng công chúa xinh đẹp, hay một cuộc đổi đời lần thứ hai?
Thùy An mở to mắt nhìn tôi với vẻ thích thú:
- Ai đã làm chuyện đó cho anh?
- Một cuộc đổi đời lần thứ hai khi có chương trình nhân đạo lập ra bởi người Mỹ, anh đã thoát ra cái đèn cũ kỹ hôi hám ấy với bàn tay nhiệm màu của đấng Thiêng liêng và anh đã trở thành một ông thần đèn đầy quyền lực. Nơi xứ người, dù là anh cu li tầm thường nhưng nhất định đã làm đồng nghiệp bái phục với bộ nhớ thần sầu quỉ khốc và tính nhẩm không thua máy tính và cũng nơi đây một nàng công chúa xinh đẹp đã bị ông thần đèn thu hết hồn phách. Cô đã dâng hiến nụ cười duyên dáng với cái răng khểnh cho ông ta mà không một chút hối hận.
- Bậy bạ...Thùy An nhăn nhó... Không bao giờ có chuyện đó.
- Vậy ai đã nói câu: Người ta muốn xí phần cho riêng mình thì Thùy An cho hết không giữ lại làm gì và nếu cho thì chỉ duy nhất

với người ta thôi...
- Cho người ta chứ không phải cho anh Lam đâu. Đừng tưởng bở! Cô nói với vẻ tức tối.
- Vậy ai hồi đó cứ một hai đòi làm gạc đờ co cho anh và hứa sẽ không cho ai nụ cười của mình chỉ duy nhất cho gã mít ướt?
An chỉ cười, một nụ cười với cái răng khểnh dạo nào. Nó là của tôi và chắc chắn cô chỉ dành cho tôi thôi, có lẽ mỗi khi cười chắc chắn An luôn nhớ đến người bạn cũ của mình.

Hắc Long Lê Văn Nguyên

(Forumpost: Một Lá Số Hai Cuộc Đời - MX Lê Văn Nguyên )

Rate this item
(0 votes)