Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

MỘT NGÀY TÔI ĐÃ GẶP - LÊ NAM PHƯƠNG

Chiếc xe chở khách cổ lổ sỉ chạy bằng than củi nặng nề ì ạch bò một cách khổ sở trên con đường 9 từ Khe Sanh về Đông Hà, con đường đã đi vào lịch sử đau thương của dân tộc, mang trên mình nó những vết hận thù từ hai phía. Hai bên là rừng núi và vực thẳm, bên nào cũng đầy chứng tích của máu xương, của tàn phá, của những đổ nát, của nước mắt và của kinh hoàng. Rừng cây sau hai mươi năm nhuộm trắng thuốc khai quang không còn đủ sức để hồi sinh. Hình như suối khe cũng khô cạn. Suốt dọc đường từ Khe Sanh về tới cầu Đầu Mầu tôi cố gắng chú ý lắng nghe thử có thứ âm thanh gì, màu sắc gì chứng tỏ đất trời quê hương đang hồi sinh. Một tiếng chim kêu, một mầm xanh mới nhú, chẳng hạn. Không. Không nghe gì. Không thấy gì.

Mặc dù đang đổ dốc xuống cầu, chiếc xe vẫn mệt mỏi lăn từ từ như sợ cái vực thẳm kinh hoàng dưới kia nuốt chửng lấy nó, giống đồng loại của nó đang nằm hoen rỉ ngổn ngang chen giữa những tàn cây khô rụi. Thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe nhà binh chạy ngược chiều. Trong xe lố nhố những người lính mặc sắc phục nhàu cũ, xộc xệch, khuất dưới những tàn lá ngụy trang. Xe của họ cũng chạy buồn tẻ và mỏi mệt như chiếc xe chở khách này. Nếu không có âm thanh rền rĩ của động cơ, ta sẽ có cảm tưởng như những bóng xe ma chở đầy oan hồn của bao nhiêu năm chiến tranh giờ trở về cái nơi mình ngã xuống, rồi tìm kiếm để nhìn mặt nhau hỏi rằng, tại sao lúc đó lại nhắm vào nhau mà bắn mà đắm trong mối hận thù không rõ. Một toán người Thượng áo quần tơi tả, lớn có, nhỏ có, không phân biệt nổi đàn ông và đàn bà, lưng mang gùi, tay chống gậy, chân đất, đầu cúi xuống, bước đi, im lặng.

Xe bỗng dưng xốc mạnh rồi dừng lại. Bên đường, một phụ nữ ước chừng hơn ba mươi lăm tuổi, vẻ mặt phờ phạc, tóc rối, nước da trắng tái, đôi mắt buồn bã, nơi hai khóe mắt áo não đó còn đọng hai giọt lệ chưa đủ sức chảy xuống, khiến gương mặt chị chìm trong một nỗi khổ đau vô bờ. Đứng bên chị là một cháu bé gái khoảng tám, chín tuổi, đôi mắt sáng, mỗi lần ngước nhìn lên đều toát ra sự hoài nghi và lo sợ.

- Bà con xích xích vô một tí cho khách lên bà con ơi.
Tiếng bác tài la lên ở đầu xe. Có vài người chửi thề, vài người khác chép miệng thở dài:
- Thời buổi thật là …

- Xe ngựa gì cái thời này mà khiếp! Nóng quá bác tài ơi!
Bác tài mở giọng nhân đạo:
- Thông cảm tí bà con ơi. Người ta đàn bà con gái lỡ đường lỡ sá mà.
Người phụ nữ khệ nệ tay xách túi hành lý, tay dắt con, khó khăn lắm mới lên được xe. Tôi nhìn chị ái ngại:
- Chị và cháu ngồi vào chỗ tôi đây.
Chị ngước mắt nhìn tôi như thầm cảm ơn nhưng vẫn chưa dám ngồi xuống. Tôi động viên chị:
- Tôi ngồi lâu rồi cũng mỏi, chị ngồi xuống đi, đừng ngại.
Chị lí nhí trong miệng lời cảm ơn. Tôi nhìn chị, đôi mắt buồn u uất một nỗi đau tưởng không bao giờ vơi được.
- Chị đưa cháu đi đâu mà đón xe giữa chỗ rừng núi hoang vắng này?
Chị bỗng sụt sùi, chị quay về phía khác, lấy tay áo lau dòng nước mắt vừa trào ra nghẹn ngào. Cháu bé thấy mẹ khóc cũng rung rung. Tôi thấy bàng hoàng và chẳng biết làm gì để an ủi chị. Nhưng hình như chị đã trấn tỉnh quay lại, nhưng không nhìn tôi, chị kể:
- Em đưa cháu ra thăm ba cháu.
Chị lại khóc.
- …nhưng không gặp anh ấy…Gần hai năm tôi không có điều kiện để ra thăm anh ấy. Không hiểu vì sao suốt mấy tuần nay cháu cứ đòi đi thăm, tôi càng chần chừ cháu càng la khóc và thúc giục. Lòng tôi cũng cảm thấy có cái gì bất an. Tôi mượn tạm của chị bạn ít tiền mua chút quà và cùng cháu ra từ hôm qua, mới hay anh ấy đã chết gần hai năm rồi. Tôi chưa hề nhận được tin. Hai năm nay tôi vẫn tưởng ảnh còn ở trong trại.
Tôi nhìn vào đôi mắt chị, đôi mắt đã ráo khô, lạnh ngắt.
Lòng tôi cũng lạnh băng. Nỗi đau như đã đông cứng lại. Tôi mong cho nó tan chảy ra. Tan chảy ra chắc lòng ta dễ chịu hơn.
Chị xuống xe ở Đông Hà. Tôi phải đón xe đi tiếp. Chị nhìn tôi tuy không nói gì nhưng tôi đọc được trong mắt chị sự biết ơn, còn tôi, thật vô tình, không hỏi chị tên gì, cả chồng chị nữa, biết đâu là người quen hay bạn bè cũ không chừng. Tôi đã lên xe khác, xe chạy đã lâu mà lòng tôi vẫn nao nao, và đôi mắt nỗi buồn hun hút đó cứ ám ảnh tôi.

Xe đã thực sự lăn bánh trên đại lộ kinh hoàng, nơi bạn bè tôi, đồng bào tôi đã nằm xuống trong thảm thương. Máu. Xương. Thịt. Răng. Tóc. Khói bụi. Xăng nhớt. Mãnh pháo. Xác xe tăng. Tất cả trộn lẫn vào nhau tạo thành một quang cảnh rùng rợn như thế giới của quỉ ma. Nếu có một nơi gọi là địa ngục thì chắc không có cái địa ngục nào bằng cái địa ngục này. Ôi một thứ địa ngục do bàn tay của con người trần gian tạo ra. Và cũng vì cái địa ngục do con người tạo ra nên nó càng kinh khủng hơn nữa.

Bây giờ, hơn mười năm rồi, quang cảnh của cái địa ngục đó không còn nữa, nhưng hình ảnh của nười năm về trước vẫn còn ám ảnh mọi người. Và khi đi ngang qua đây, tôi vẫn, hình như còn thấy rõ như in xác của một bé thơ đã chết miệng vẫn còn ngậm bầu vú mẹ mà xác mẹ đã chương sình thẫm đen đầy ruồi bọ.

Xe vẫn ì ạch lăn bánh về hướng thành phố Huế. Không biết sau gần mười năm Huế đã thoát ra khỏi cơn mơ hãi hùng của cuộc chiến tranh tàn khốc, hay di chứng của mùa hè đỏ lửa, của Mậu Thân vẫn còn mưng mủ linh hồn của Huế.


Xe về đến bến xe Nguyễn Hoàng khoảng hai ba giờ gì đó. Qua một chặng đường dài trên một chiếc xe cà khố đầy bụi bặm, người tôi mệt rã rời. Tôi đưa tay lần trong túi nhẩm tính có bao nhiêu đồng. Cuối cùng tôi quyết định đi bộ từ từ về An Cựu để mua vé xe vào Đà Nẵng. Vừa đi vừa nhìn cảnh vật chung quanh, tôi không còn nhận ra Huế nữa. Huế của ngày xưa thơ mộng thế nào thì giờ đây trông già cỗi thế đó. Những người ngược xuôi trên đường phố trông người nào cũng có vẽ hớt hãi lo âu, người thì vai mang ba lô nhà binh, đầu đội những loại nón mũ kỳ lạ, hình như chiếc nón của Huế đã biến đi đâu. Tôi nhìn qua bên kia sông mong tìm thấy được tà áo dài tha thướt của Đồng Khánh ngày nào. Nhưng … Ôi Tràng Tiền, Thương Bạc! Những bóng người phờ phạc. Tôi đứng tựa trên thành cầu nhìn mông về phía Vỹ Dạ lòng nao nao nhớ đến “Rặng liễu buồn thiu hoa bắp lay”, nhớ đến H và nhớ vĩa hè Văn Khoa.
Bỗng một giọng phụ nữ nhỏ nhẹ sau lưng tôi:
- Anh có mua chi không ạ? Thuốc lá, kẹo cao su nghe?
Tôi không quay lại:
- Chị cho tôi vài điếu thuốc.

- Lấy cả bao luôn đi.
Tôi vẫn nhìn dòng sông.
- Không, tôi không đủ tiền.
Chị vòng tay chìa ra trước mặt tôi mấy điếu thuốc:
- Đây, thuốc của anh đây, cho em năm hào.
Tôi cầm thuốc quay lại định mượn cái hộp quẹt, nhưng tôi bỗng bàng hoàng:
- Trời ơi! Diễm.
Diễm cũng sững sờ nhìn tôi rồi nhìn xuống cái hộp đựng nào là thuốc là kẹo cao su, mấy lon nước ngọt.
- Thụy về hồi mô?
Tôi chưa trả lời, nắm tay Diễm kéo đi về phía An Cựu:
- Ta tìm một cái quán cốc nào rồi nói chuyện.

- Làm gì có quán cốc như ngày xưa nữa. Bây giờ đều là cửa hàng quốc doanh cả thôi. Thụy lạc hậu rồi.

Diễm nhìn tôi, đôi mắt ánh lên một nét tinh nghịch nhưng không giấu nỗi chua chát. Ngày trước tôi và Diễm học cùng trường, nhưng khác lớp. Diễm không đẹp nhưng là mẫu người dễ gây ấn tượng và rất quyến rũ. Khi ra trường chúng tôi mỗi người một nơi, ít có dịp gặp lại nhau, nhưng những thông tin về nhau thì hình như không đến nỗi. Ai lấy chồng, ai lấy vợ khi nào, chồng vợ là ai, có phải là những bạn bè cũ không, làm gì ở đâu…Chúng tôi đều biết rất rõ. Nhưng sau 75 phải nói là biệt vô âm tín, chẳng ai còn thì giờ, điều kiện để cố hỏi han nhau. Họa hoằn lắm mới tình cờ gặp được nhau, như tôi và Diễm hôm nay. Chúng tôi ngồi tạm xuống bậc cấp bên vệ đường, nhìn qua chợ Đông Ba.
- Tân đã về chưa? Tôi hỏi Diễm.

- Về hơn năm nay rồi. Suýt chết. Chú yếu lắm. Nhưng phải đi làm thủy lợi. Không đi không được. Ai cũng rứa mà. Còn Thụy răng? Về hồi mô? Chừ làm chi? Ngọc chừ răng?

Ngọc là vợ tôi. Diễm hỏi một hơi dài. Tôi chậm rãi châm thuốc, nàng lấy một gói thuốc nguyên nhét vào túi tôi.
- Thụy cất mà hút.
Tôi lấy gói thuốc để vào trong hộp hàng của Diễm.

- Cảm ơn, tôi bỏ thuốc lâu rồi. Khi đứng trên cầu bỗng dưng buồn nên định mua vài điếu thuốc. Tôi về cũng được vài năm nay. Bà xã và mấy cháu đã chuyển vào Ninh Thuận. Diễm sao? Có ổn không? Bán như thế này làm sao đủ sống. Mấy cháu có đi học không? Bỏ dạy rồi à?
Diễm không trả lời, tay mân mê mấy thỏi kẹo, đôi bàn tay hình như đã không còn trắng và mềm mại như xưa. Chúng tôi đều im lặng. Một vài người đi xe đạp vội vã đạp lên dốc cầu, vài ba người đi bộ chậm rãi mệt mõi bước đi, chẳng ai nhìn về chúng tôi.
- Diễm đi dạy được nửa năm thì có quyết định cho nghỉ, không nói lý do gì. Tân không có nhà. Một mình Diễm phải bươn chảy, thôi thì làm đủ việc, không kể ngày mưa ngày nắng, rạng sáng ra đi, tối mịt mới về tới nhà. Đỡ cái là mấy cháu gởi cho bà ngoại. Có lệnh phải đi vùng kinh tế, nhưng Diễm liều, cứ ở nhà, bây giờ thì yên rồi.
Diễm nhìn tôi cười buồn:
- Chỉ mong cho mấy cháu khỏe mạnh và không thất học. Từ ngày có Tân về, Diễm cũng đỡ vất vả hơn, nhưng hai đứa chạy cái ăn cho cả nhà cũng ê ẩm lắm.
Diễm lại nhìn tôi. Trên gương mặt của nàng vẫn còn phảng phất chút hương sắc của một thời con gái tuy đã nhợt nhạt rất nhiều. Tôi nắm bàn tay Diễm, nói như nói với chính mình:
- Thế nào cũng cố mà sống và lo cho mấy cháu, đừng nản. Không thể như thế này mãi đâu. Trong hoàn cảnh khó khăn chung như thế này, bạn bè chẳng giúp gì được cho nhau, tôi chỉ mong chúng ta hãy nhìn về quá khứ mà sống, mà bước đi. Nếu gặp bạn bè cũ tôi gởi lời thăm. Thế nào chúng ta cũng gặp lại.
Diễm bóp nhẹ tay tôi, mắt rưng rưng:
- Diễm gởi lời thăm Ngọc. Bây giờ Thụy vào Đà Nẵng hả?

- Ừ, vào Đà Nẵng.

- Có dịp nào ra lại Huế không?

- Chưa biết. Chắc khó lắm.
Tôi muốn hôn vào đôi mắt Diễm như một lời từ biệt. Như đọc được ý nghĩ thầm kín trong tôi, Diễm buột miệng gọi:
- Thụy!
Tôi nhìn Diễm nhưng Diễm đã quay mặt đi nơi khác.
- Thôi Thụy vào đi. Diễm đi bán đây.
Nàng bước đi về hướng cầu Tràng Tiền, dáng nàng nhỏ nhắn dưới bóng nắng về trưa mang theo nỗi buồn của tôi trên từng bước chân rã rời.
Tôi lầm lũi bước về bến xe An Cựu. Con đường bỗng rộng ra và lạnh lẽo vô cùng.


Buổi chiều Đà Nẵng chuẩn bị lên đèn. Tôi đi về hướng chợ Cồn. Vài người đi xe đạp ôm theo mời mọc. Tôi lắc đầu dù mệt vô cùng. Đói lã người. Hình ảnh người phụ nữ và em bé trên đường 9 lại hiện về trong tôi. Hai giọt lệ đọng lại trên đôi mắt buồn hun hút chứa cả nỗi bi thương vô hạn. Và đôi mắt của cháu bé, sợ sệt, nghi ngờ.
Tôi mua một ổ bánh mì, một bọc trà đá đến ngồi trên bậc thềm trước rạp Trưng Vương. Đói cồn cào nhưng không nuốt nổi mẫu bánh mì khô cứng. Tôi uống hết bọc nước, chỉ muốn nằm xuống trên bậc thềm. Hình như phố xá đã lên đèn. Những bóng người qua lại chập chờn, những tiếng gọi nhau í ới và cả những tiếng xô đẩy. Tôi đang nằm trên bậc thềm của nhà hát trong cái thành phố nơi tôi đã sinh ra cách đây gần bốn mươi năm, và cũng gần bốn mươi năm tôi không sống trọn vẹn với quê hương. Định mệnh khắc nghiệt của lịch sử đã đưa đẩy chúng tôi lưu lạc khắp nơi, để đến khi có thể trở về thì hình như mình chỉ là người xa lạ trên chính ngôi nhà của mình. Tôi ngậm ngùi nhẫm đọc mấy câu thơ của Bạch Cư Dị:
Sinh trưởng tại Huỳnh Dương,
Thiếu tiểu từ hương khúc,
Thiều thiều tứ thập tải,
Phục đáo Huỳnh Dương túc.
Bài thơ còn dài, tôi chỉ mang máng nhớ mấy câu. Không biết cái thuở sáng tác bài thơ tác giả phải lưu lạc là do điều kiện gia cảnh phải xa xứ mưu sinh hay cũng như chúng tôi: bom đạn của hận thù từ bốn phía đã nổ tung chúng tôi ra muôn hướng.

Tôi đang mơ mơ màng màng thì một em bé trai trạc tuổi con đầu tôi đến bên cạnh cất tiếng mời:
- Chú ơi chú, mua giùm cho cháu cái gì đi chú. Ngày hôm nay bán chẳng được chi cả.
Em chỉ trước mặt tôi cái thùng giấy đựng nào là thuốc lá, kẹo, nước ngọt. Tôi bỗng nhớ tới Diễm. Hình như rất nhiều người nhất là phụ nữ và trẻ con, chỉ bán duy nhất những loại này. Có lẽ đây là loại dễ mua dễ bán, vì ít vốn và cũng ít bị cấm hơn, bởi vì trong thời buổi cái gì cũng quốc doanh, không ai có quyền làm ăn cá thể được.

- Cho chú một cái kẹo.
Tôi nói với cháu và cũng chỉ mua giúp cho cháu thôi.
- Cháu có còn đi học không?

- Dạ cháu học một buổi, buổi chiều cháu đi bán tới tối, có khi tới chín mười giờ khuya mới về.

- Thế ba mẹ cháu đâu?
Thằng bé trả lời hồn nhiên:
- Cháu ở với ba. Mẹ cháu đi lâu rồi. Chừ không biết ở mô nữa.
Tôi tò mò hỏi cho có chuyện để nói, và tôi cũng chưa biết về đâu trong đêm nay.
- Rứa nhà chú mô?
Thằng bé nhìn tôi từ đầu đến chân, nó đoán ra tôi là kẻ xa lạ vừa mới đặt chân tới đây.
- Chú ở xa đến phải không?

- Ừ.

- Ở mô lận?

- Xa lắm.

- Thôi chú không nói cháu cũng biết rồi. Chú ở trên núi xuống phải không?
Tôi đưa tay vuốt vuốt đầu tóc bờm xờm ngồi bật dậy. Thằng bé giật mình ngồi lùi ra một tí.
- Nè, mà ba cháu tên gì vậy?
Thằng bé không trả lời, đứng lên, hai tay bưng thùng hàng.
- Thôi cháu về đây. Hôm nay ba cháu bịnh.
Đường phố đã thưa người…Ánh đèn điện hiu hắt vàng vọt loang trên mặt lộ, chập chờn theo bóng người di động, mập mờ trên những tàn cây, có tiếng rao hàng của ai đó yếu ớt mỏi mệt như tiếng vọng từ cõi âm ty.
Thằng bé bỗng nhìn tôi ái ngại.
- Nè chú, tối nay chú ngủ mô?

- Chú có người quen ở Nại Hiên, chắc chú sẽ về đó.

- Cháu cũng ở gần đó.
Tôi xoa đầu thằng bé.
- Vậy là chúng ta cùng đường rồi.
Tôi đứng lên theo sau thằng bé, cái bóng gầy tong của nó đổ xuống mặt đường trông tội nghiệp. Tôi nói với nó:
- Đưa chú bưng hộ cái thùng cho.

- Cháu bưng được.
Thằng bé tự tin.
Tôi bỗng thấy nhớ mấy đứa con vô cùng. Không biết sau gần mười năm xa cách, bây giờ chúng ra sao, có phải lam lũ như cháu bé này không. Nhưng mà tôi nghĩ: cũng vậy thôi. Hoàn cảnh chung mà.

Con đường Ông Ích Khiêm ngày xưa tôi thấy chật hẹp thế mà giờ đây nó như rộng ra mặc dù chẳng thay đổi gì, nó vắng ngắt và lạnh lẽo như những con đường Thành Nội mùa đông. Thằng bé bước đi thoăn thoắt như một chú sóc con, tôi gắng lắm mới theo kịp nó. Đến cuối đường nó dừng lại hỏi tôi:
- Đây là đường Hoàng Diệu, chú nhớ không?
Tôi gật đầu.
- Hồi nhỏ chú đạp xe trên con đường này hằng ngày.
Thằng bé vừa đi giật lùi vừa trò chuyện với tôi.
- Rứa chú người ở đây hả?

- Ừ. Chú sinh ra ở đây, nhưng lớn lên thì ở chỗ khác. Mười năm rồi chú mới trở lại đây.

- Rứa chú còn bà con ở đây không?

- Không.

Nhanh chân theo thằng bé, đến gần chợ Mới rồi. Cảnh phố xá vẫn có cái gì đó hoang vắng tiêu sơ, tôi phân vân không biết Tạo còn ở đó không. Đến đầu một con hẽm, thằng bé đứng lại:
- Cháu tới nhà rồi. Vào hết con hẽm này thì tới. Chào chú.

- Ừ, cháu về.
Bóng thằng bé đã khuất trong hẽm, tôi vẫn còn đứng lưỡng lự chưa biết đi đâu. Cố hình dung ra cảnh cũ. Tôi cố hình dung ra những hình ảnh của khu phố trong quá khứ, và tôi mường tượng nhà Tạo chắc gần đâu đây. Tôi hỏi một bà cụ đang ngồi trước hiên nhà kế con hẽm:
- Thưa bà, bà có biết nhà của anh Tạo trước kia ở gần đây không?
Bà cụ nheo mắt nhìn tôi:
- Tạo mô hè. Ở đây có hai ông Tạo lận. Một ông thì nhà ở kia kìa, chết lâu rồi. Còn một chú ở xế xế đây thì cái nhà bị lấy rồi. Chừ nghe nói ở sâu trong hẽm. Chú vô hết con hẽm hỏi nhà Tạo Liên đâu thì ai cũng biết.

Liên là vợ Tạo. Như vậy thì chắc rồi. Tôi hối hả đi vào trong hẽm. Con hẽm quanh co lầy lội, tối tăm. Mới giờ này mà nhà nào cũng đóng cửa im lìm, chỉ còn chút ánh sáng hiu hắt lọt qua khe cửa là tín hiệu của sự sống.

Tôi tới trước một căn nhà nhỏ ọp ẹp, mấy tấm tôn trước hiên rỉ sét che thấp xuống, nếu không chú ý có thể va vào đầu. Tôi định cất tiếng gọi cửa để hỏi thì thằng bé khi chiều hiện ra ở hiên cười:
- Ủa! Chú hả? Chú không tìm ra nhà hả?

- Ai rứa con?

Có tiếng đàn ông trong nhà hỏi vọng ra. Tôi nói với thằng bé:
- Chú muốn tìm nhà của ông Tạo, Tạo Liên ấy.
Thằng bé quay vào thầm thì gì với bố nó rồi chạy ra.
- Ba nói mời chú vào nhà đã.
Tôi bước vào nhà. Đúng là Tạo rồi. Tôi nhận ra Tạo ngay mặc dù con người đang nằm đó chỉ là một cơ thể gầy guộc da bọc xương bất động trên tấm ván kê không rộng quá thướt hai. Tôi bồi hồi gọi:
- Tạo.
Tạo nghiêng người qua phía tôi giọng thều thào:
- Ai rứa hè?

- Thụy đây, nhớ không?

- Thụy Ngọc phải không?

- Ừ. Sao mà ra nông nổi này?

- Tôi bị sốt mãn tính ông à, từ khi còn ở trong … Tưởng bỏ xác trong đó rồi. Lấy nước bác uống con.
Tạo bảo con, rồi tiếp:
- Ông về hồi mô? Ngọc và mấy cháu ổn chứ?

Tôi nhìn quanh căn nhà rộng chừng mười mấy mét vuông, chẳng có đồ đạc gì. Thằng bé đem tới một cái ghế nhựa đặt bên tôi, không nói gì.
- Chúng tôi cũng ổn cả. Ông về mấy năm rồi?

- Hơn ba năm rồi, yếu quá chẳng làm gì được, ngày nào khỏe thì đi xe đạp thồ, thằng bé học một buổi một buổi đi bán dạo bậy bạ chi đó, nói chung không chết đói.

Tôi nhìn sâu vô trong bếp những mong tìm thấy Liên, dù trước đó thằng bé đã nói về mẹ nó rồi.
- Vì sao mà Liên bỏ đi? Ông có biết giờ cô ấy sống ra sao không?
Tạo cười mếu xệch:
- Vì sao bò đi hả? Chuyện thường thôi. Đầy rẩy. Thời buổi này chuyện đó đầy. Ông có phúc đó. Ngọc nhan sắc thế kia mà còn trụ vững đến bây giờ. Ông có phúc đó.

Tạo im lặng giây phút rồi chua chát:
- Ông biết răng không? Liên bỏ tôi đi. Không sao. Tuổi thanh xuân của nàng không thể để uổng phí chờ đợi vô vọng, rồi những ức chế sinh lý, những thèm muốn, những nhu cầu…Không sao. Cho dù ngụy biện hay phân trần thế nào, việc đó cũng chưa đến nổi oán hận gì. Nhưng! Ông biết sao không? Một người mẹ bỏ con là điều không thể chấp nhận. Thua cả cầm thú.

Tạo dừng lại để thở. Tôi chỉ biết im lặng để nghe nỗi đau gặm nhắm trong từng sợi máu. Ngồi xuống bên Tạo, lòng nhớ về một cô Liên hiền thục, sáng chủ nhật nào cũng thướt tha trong tà áo dài trắng đến nhà thờ, làm con chiên ngoan đạo. Ở nhà là người vợ nhu mì, thương con chìu chồng. Tôi không biết con người tự nó thay đổi hay thời gian và cuộc sống làm nó thay đổi. Nhưng mà gì thì gì, những đổi thay mang lại bao bất hạnh cho con người thì đau thương quá.
Tạo đưa tay về phía tôi:
- Ông đỡ tôi dậy tí.
Tôi vòng tay qua cổ Tạo đỡ ngồi dậy.
- Đêm ni ông ở đây với cha con tôi. Bạn cũ lâu ngày gặp nhau, ăn một bữa cơm, mắm muối thôi, ông đừng từ chối. Con nấu cơm bác Thụy ăn với nghe. Chạy ra đầu hẽm chỗ bà Tư mua ít khô, nhớ mua xị rượu. Tạo nói với con, nhưng tôi can:

- Thôi, cháu nấu cơm đi. Bác đi mua cho.

Tôi ra đầu hẽm. Cái quán nghèo nàn chẳng có gì nhiều. Tôi mua ít đồng rượu và ít khô cá hồ. Cơm nóng bốc hơi, mùi khô cá nướng thơm lựng, cả ngày nhịn đói, bây giờ tôi ăn ngon lành. Bạn bè gặp nhua cũng vui nên Tạo ăn được chén cơm và cũng uống vài cốc nhỏ. Ngồi bệt trên nền nhà ấm, chúng tôi tiếp tục trò chuyện, nhắc tới mọi người. Bốn mươi năm trên đời, qua bao dâu bể, niềm vui thì mỏng manh mà khổ đau thì triền miên. Bao nhiêu đổ nát kinh hoàng đã ụp xuống thế hệ chúng tôi. Trách nhiệm thuộc về ai? Ai có quyền phán xét những lỗi lầm. Dầu trách nhiệm thuộc về ai. Dầu quyền lực thuộc về ai. Chúng tôi cũng chỉ là vật hy sinh cho tham vọng bi thương của con người.

Thằng bé hình như mệt quá, ngồi ngủ gật bên cạnh bố. Tôi đốt một điếu thuốc, Tạo không nhìn tôi, nói:
- Liên bỏ tôi, bỏ con chạy theo một thằng nào ông biết không? Thằng Huy đó.

- Huy nào?

- Thì thằng Huy cận chứ Huy nào. Sau 75 hắn phất lên như diều. Bạn bè ai cũng sợ nó.
Tôi nhớ ra rồi. Thằng Huy cận. Gia đình hắn có công mà.
- Thôi cái số ông nó vậy. Biết đâu mai sau ông gặp may thì sao. Tôi an ủi Tạo.

- Ối trời! Còn sống đến cái ngày vận may nó tới không. Thôi thì còn sống ngày nào hay ngày ấy. Tôi chỉ lo cho thằng nhóc thôi. Ông còn ở lại đây bao lâu?

- Mai tôi đi. Hy vọng thế nào chúng ta cũng gặp nhau, tất cả.

Tôi vừa dứt câu thì bóng một người phụ nữ xuất hiện ở bậc cửa. Tạo ngồi quay vào trong nên không thấy. Thoáng một chút bỡ ngỡ tôi nhận ra ngay mặc dù trông Liên đã khác xưa nhiều lắm. Tôi kêu lên:
- Ôi! Liên! Tạo giật mình quay ra. Liên đứng sững nơi bậc cửa. Thằng bé giật mình tỉnh dậy. Chưa nhận ra ai, chỉ riêng tôi.

Sau giây phút lưỡng lự, Liên chạy đến ôm chầm lấy con và tôi thấy nước mắt nàng ràng rụa. Thằng bé vẫn chưa hết bàng hoàng. Tạo thì im lặng đông cứng, ngồi như một tảng đá. Không khí chùng xuống nặng nề. Tôi loay hoay không biết xoay sở ra sao, hết nhìn Tạo rồi nhìn Liên, nhìn thằng bé. Liên nước mắt ràn rụa, ôm ghì con vào lòng tức tửi gọi:
- Con!
Thằng bé như choàng tỉnh lại, vùng đứng lên, hét to:
- Không!
Rồi vụt chạy ra trước con hẽm, khuất trong bóng tối. Liên đứng lên định chạy theo con, nhưng Tạo lạnh lùng:
- Để cho thằng bé yên.
Giọng Tạo khô khốc, đanh cứng như một nhát bổ của cái búa cùn hoen rỉ vào một tảng đá, khiến người nghe thấy ghê ghê, gai ốc từ sau cột sống lan đi nóng hổi. Liên đứng lại, nhìn tôi:
- Chào anh Thụy, xin lỗi, em không cố ý.
Nhìn gương mặt Tạo lạnh băng, nhưng tôi cũng phải hỏi vài câu xã giao:
- Liên đang ở đâu?

- Em đang ở Hải Phòng, nhiều lần muốn về thăm cháu, thăm ảnh. Liên đưa mắt nhìn Tạo – nhưng vừa sợ, vừa xấu hổ, không dám về anh à. Em mới vào chuyến tàu tối nay, vội tới đây, không ngờ được gặp lại anh. Em xin lỗi. Trăm vạn lần tội lỗi em xin gánh chịu. Em chỉ xin thỉnh thoảng cho em được gặp con em.

- Ngày nào cô ra?

- Em cũng chưa định.

Tiếng chuông đồng hồ nhà hàng xóm gõ mười một tiếng, trời đã về khuya, hơi nước sông Hàn theo gió thổi vào lành lạnh. Tôi nói với Tạo:
- Tạo ơi, chắc tôi phải ra bến xe ông ạ.
Tạo vẫn lạnh lùng:
- Ừ, ông đi.
Tôi buồn bã đứng lên, thấy mình thật vô tích sự, trước hoàn cảnh như thế mà chẳng giúp được gì. Nói gì với Tạo đây? An ủi chăng? Thừa. Chúng tôi sinh cùng thời gian nan vất vả giống nhau, khổ đau tủi nhục giống nhau, đứa nào cùng từng trải bể dâu. Nói gì cũng thừa. Tôi bắt tay Tạo, nhìn Liên:
- Những gì xảy ra, hãy xem như một thứ định mệnh, thứ định mệnh khắc nghiệt như định mệnh của lịch sử này thôi.

Tôi bước ra đi trong bóng tối nhập nhòe của thành phố đang trong cơn ngủ chập chờn mộng mị, bỏ lại sau lưng căn nhà của một người bạn, một căn nhà chứ không phải là một gia đình. Liệu tôi có bỏ lại sau lưng được cuộc dâu biển tang thương mà bạn tôi đang gánh chịu trên đôi vai cằn khô như một cành cây mục?

Tôi vẫn bước đi trong đêm vắng, cố hỏi trong lòng: Mình sẽ về đâu?


Lê Nam Phương (Lê Văn Trung)

Forumpost: Default Một ngày tôi đã gặp - Lê Nam Phương (Lê văn Trung)

Rate this item
(0 votes)