Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Người Lữ Khách - Cửu Long

Posted by January 06, 2020 3557
Hình minh họa internet Hình minh họa internet

Sau một vài câu hỏi, người chủ nhà cho anh biết gia đình cô đã dọn đi hai mươi mấy năm rồi, không biết đi đâu. Sư kiện đó giải thích lý do những lá thư anh gửi cho cô bị trả lại, và đó cũng là lý do thúc đẩy anh trở về thành phố nầy. Anh bây giờ đã thành người lữ khách tạm trú trên thành phố anh đã từng sinh ra và lớn lên. Hơn ba mươi năm xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn, thành phố ngày xưa anh đã từng chạy tung tăng trên đường phố, vui chơi với bạn bè.

Ngày anh ra đi cứ ngỡ sẽ xa lìa quê hương mãi mãi. Bỏ lại sau lưng một khung trời kỷ niệm. Và cũng vì yêu thương vò xé con tim nên anh lần tìm về chốn xưa. Cảnh cũ còn đó nhưng người xưa đã vĩnh viễn ra đi. Người bạn học cùng trường, người đã từng chia sẻ vui buồn, người đã làm anh thao thức nhiều đêm, viết hàng chục lá thư tình nhưng không dám gửi. Người con gái hay nũng nịu, hay giận hờn nhưng cũng đã từng trao lời ước nguyện với anh.

Bao năm tháng chờ đợi bỗng tan biến như phù du. Gió lay hai hàng cây dọc bên đường như chọc ghẹo, những cái nhìn của người qua đường như tò mò, xoi bói. Anh ghé vào quán cà phê đầu ngõ, gọi một ly cà phê ít sữa. Bà Cụ già tay run run mang tách cà phê đặt lên bàn, hỏi nhỏ:
-Tôi thấy cậu hình như ở bển mới về. Cậu từ đâu tới?

Anh hỏi ngược lại:
-Bác Tư không nhớ con sao?

Bà Cụ trả lời nhỏ nhẹ:
-Hơn bốn mươi năm bán cà phê ở đây, tôi có nhiều khách đến uống cà phê quá nên không nhớ. Nhưng tôi nhớ từ lâu lắm rồi, chỉ có một cậu học sinh xóm trong hay ra đây uống cà phê ít sữa, trong khi ai cũng đòi thêm sữa thêm đường. Mấy chục năm rồi, không biết cậu ấy đi đâu. Như vây... cậu có phải là cậu học sinh ngày xưa hay không?

Anh vừa trả lời mà cũng hỏi lại:
-Dạ con đây Bác Tư, Ông Tư đâu rồi Bác?

Bà Cụ nói:
-Ôi! Ông ấy mất lâu rồi, cũng hơn mười năm rồi đó cậu, ái chà, cậu đi đâu biền biệt, Ổng cứ hỏi cái thằng nhỏ uống cà phê ít sữa đi đâu mất, lâu quá không thấy nó, chắc là vượt biên rồi. Cậu về chơi chừng nào mới về bển lại?

Nghe Bà Cụ hỏi, anh trả lời trong ngập ngừng:
-Dạ con cũng chưa biết nữa bác Tư à.

Anh bâng khuâng không biết khi nào sẽ trở lại đây uống một ly cà phê ít sữa. Về chi nữa khi không còn người mình yêu thương. Thành phố quá quen thuộc nhưng sao cũng quá xa xôi, cảnh cũ còn đây, hàng cây xanh còn đây, nhưng người em gái năm xưa đã ra đi biền biệt.

Rời quán cà phê, anh bước đi chậm rãi trên con đường quen thuộc ngày xưa, lá me bay bay theo chiều gió, vài chiếc lá rơi lên tóc. Mái tóc điểm sương bàn bạc vì trãi dài bao nhiêu năm tháng nhọc nhằn trên xứ người. Tìm về quê hương yêu dấu nhưng dấu yêu không còn nữa, đã theo cánh vạc bay đi cuối trời phiêu lãng.

Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay
(Thơ Tô Thùy Yên)


Suy nghĩ để còn ai nữa cho mình thăm viếng, anh nhìn hai bên đường, ráng lục lạo trong tiềm thức, còn ai ở lại, ai ra đi. Những thằng bạn ngày xưa không biết bây giờ ra sao? Thôi thử thăm hỏi rồi sẽ biết, tìm về lối cũ, con dường ngày xưa đã dẫn anh đến người bạn từng chia nhau củ khoai, củ sắn những lúc cơ hàn. Từng chén mầy chén tao cho đến lúc say mèm, không biết đất trời cái nào trên cái nào dưới.

Dù áo thư sinh đã bạc màu
Cuối đời phiêu bạc vẫn tìm nhau
(Thơ Ngọc Hoài Phương)


Từ khoảng cách không xa lắm, lum khum người đàn ông ráng đẩy chiếc Honda lên ngạch cửa hơi cao, anh vội vàng phụ đẩy chiếc xe vào nhà.

-Cảm ơn anh rất nhiều
Người đàn ông nói xong, nhìn anh một chặp, rồi thắc mắc:
-Anh nhìn quen quá

Anh trả lời:
-Tao đây Hậu, mầy nhìn không khác xưa bao nhiêu.
-Mầy về hồi nào? Mấy chục năm vắng bặt, tao tưởng mầy chết trên đường vượt biên rồi.

Hai thằng bạn cố tri ôm nhau mừng rỡ. Đêm ấy, anh cùng người bạn hiền năm xưa làm lại một đêm chén mầy chén tao, say mèm quên cả không gian chung quanh mình. Hai người bạn đời năm xưa cùng lùi về quá khứ, lững lờ tìm về thời xưa cũ, tìm về những ngày xưa thân ái, cái ngày còn cỡi truồng tắm sông, ôi sao vui quá. Hai người kiểm điểm cho nhau nghe thằng nào còn, thằng nào đã ra đi về cõi vĩnh hằng, cùng nâng ly chia buồn người quá cố. Say đi cho quên hết nỗi nhọc nhằn chồng chất lên đôi vai gầy. Anh tự nhủ lấy mình, mỗi con người như một quyển sách, hãy ráng chấm dứt chương cũ để bắt đầu chương mới.

Anh chìm vào giấc ngủ với những giọt mưa tí tách rớt lên mái tôn tạo âm thanh mà anh đã đánh mất từ lúc xa quê hương.

Ngoài hiên mưa rơi rơi,
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi
Đừng khóc trong đêm mưa,
Đừng than trong câu ca...

Buồn ơi trong đêm thâu,
Ôm ấp giùm ta nhé
Người em thương mưa ngâu
Hay khóc sầu nhân thế
Tình ta đêm về,
Có ấm từng cơn mưa em chưa...

Mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về
Nghe não nề...
Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya
Lạnh ướt mi
Ai còn nhìn mưa mải rớt đêm sầu, thêm lạnh lùng
Ai còn buồn khi lá rớt rơi trong một cuối đông....

Ngoài hiên mưa rơi rơi,
Buồn dâng lên đôi môi
Buồn đau hoen ướt mi ai rồi
Buồn đi trong đêm khuya
Buồn rơi theo đêm mưa

Còn mưa trong đêm nay
Lòng em buồn biết mấy
Trời sao chưa thôi mưa
Để mắt người em ấy
Từ đây thôi mờ
Nước mắt buồn mi em thơ ngây
(Ướt Mi - TCS)


***

Giật mình thức dậy trong tiếng nhạc nho nhỏ từ tầng dưới len lỏi vào tai:

Mưa có rơi và nắng có phai
trên cuộc tình yêu em ngày nào
Ta đã yêu và ta đã mơ,
mơ trăng sao đưa đến bên người.
Một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào
một lần gặp gỡ nhưng tình đã xa xưa.

Mây có bay và em có hay
ta ngại ngùng yêu em lần đầu.
Ta đã say hồn ta ngất ngây
men yêu thương đã thấm cuộc đời.
Một lần nào đó bước bên em âm thầm
một lần nào đó ta vẫn không nói yêu người.

Yêu em ta yêu em như yêu tuổi ngây thơ.
Bên em bên em ta hát khúc mong chờ.
Ngày nào người cho ta biết tình yêu đắm say
Ngày nào đời cho ta biết tình là đắng cay

Mưa đã rơi và nắng đã phai
trên cuộc tình yêu em ngày nào
Ta vẫn yêu hồn ta vẫn say
qua bao nhiêu năm tháng ơ thờ
Một ngày nào đó tóc xanh xưa bạc màu.
Một ngày nào đó ta có thôi hết yêu người

(Bản Tình Cuối – Ngô Thụy Miên)


Đêm qua anh ngủ lại nhà thằng Hậu, cũng như ngày nào năm xưa, say mèm ngủ lại nhà nó. Cái thắng gàn bướng không thể tả được, làm nghề giáo mà không muốn mở lớp dạy kèm cho nên nghèo thì vẫn cứ nghèo. Đêm qua đang ngồi nhậu, hai thằng cứ cãi nhau, nhưng cùng một đề tài cho mọi người:
“Trách nhiệm nhà giáo, chưa chấm dứt, sau giờ chót, buổi học chiều”.

Theo nó thì nhà giáo phải tận tụy nắn nót học trò mình cho nên người. Nó bảo:
-Nếu tao không dạy được trong trường hoc thì tao không xứng đáng làm thầy. Những người đem học trò về nhà dạy thêm là những người không làm tròn nhiệm vụ. Mỗi người thầy đều có mỗi ngày tám tiếng dạy học trò, tám tiếng đồng hồ là quá dư cho tao dạy học trò tao, nếu tao đem tụi nó về nhà dạy thêm thì chẳng qua tao chỉ là thằng thầy dấu nghề vì tư lợi sao?

Nóc cạn thêm một ly đế nếp, gắp một miếng gỏi tôm, anh cảm thấy như mình vừa tìm được tia hi vong:
-Hậu á, tao mới về đây có mấy ngày, nhưng đọc báo trên mạng từ hải ngoại, tao thấy học sinh Việt Nam hoc bán sống bán chết. Ngày xưa ngày hai buổi tụi mình cắp sách đến trường tưởng là nhiều, bây giớ thấy tụi nhỏ đi học mà tội nghiệp cho tụi nó quá. Sáng sớm lật đật chạy đến trường có khi quên ăn trưa, hoc cho đến chín mười giò đêm mới về tới nhà.

Đến đây thì mặt nó đỏ bung lên:
-Học như vậy mà hể Lễ, Tết không quà cáp cho Thầy Cô là rớt cái bịt như trái mít rụng. Đứa nào không đi học thêm ban đêm của những nhà giáo vô tâm đó thì khi đến ngày thi là mù tịt, không biết mô tê gì cả. Tụi nó dấu nghề trong trường rồi đem học trò về nhà dạy để kiếm thêm tiền.

Anh phân trần:
-Nhưng mầy phải hiểu đồng lương nhà giáo không bao nhiêu, không đủ nuôi vợ con. Như gia đình mầy, vợ mầy phải đi bán trái cây ngoài chợ An Đông từ sáng sớm, đến chiều tối mới có đủ chi phí trong nhà, đủ lo cho mấy đứa con mầy đi học đại học.”

Nó gàn gàn trả lời lại:
-Ừ, như vậy mà lương tâm tao thảnh thơi, ban đêm tao ngủ ngon giấc vì tao làm tròn bổn phận mình, bổn phận của một nhà giáo có lương tâm.

Anh chỉ nói một câu để chấm dứt cuộc bàn cãi:
-Tao chỉ ước gì đất nước Việt Nam mình có đươc thêm những nhà giáo có lương tâm như mầy. Có được những người nhìn nhận bổn phận và trách nhiệm là trên hết. Những người luôn nghĩ đến TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN.

Anh dẫn đề tài sang hướng khác:
-Tao định ngày mai đi thăm Thầy Năm, nghe nói ổng bây giờ làm ruộng cực khổ lắm.

Hậu trả lời:
-Mầy có đi thì cho tao kính lời thăm Thầy, tội nghiệp ổng, vì có lý lich gia đình mà bị đuổi về quê làm ruông. Tất cả những gì tao bàn cải với mầy là do tao học từ Thầy Năm ra.

Thì ra là vậy, cái thằng ngày xưa hay phá, hay bị Thầy phạt mà lại cưu mang tâm quyết của người Thầy đáng kính ngày xưa. Hai thằng bạn tri kỷ năm xưa cùng nâng ly chúc mừng cho tương lai đất nước.


Tấm Bảng thời gian bụi phấn nhòa
Vẫn nghe tha thiết mái trường xa
Ðến thăm thày cũ – ôi ! Nhân dáng
Trò cũng xiêu xiêu cặp kính già.

Năm mươi năm lẻ bao hưng phế
Gặp lại thầy xưa tựa giấc mơ
Thày đưa tay bắt trò cung kính
Những mái đầu đều đã bạc phơ

Chuyện cũ nhắc hoài ngôi trường ấy
Ai còn ai mất với biển dâu
Thầy trò xích lại như bằng hữu
Lễ nghĩa tôn ti vẫn đượm mầu

Từ trong sâu thẳm không ai nói
Có chút gì lắng đọng trong tim
Thầy thì quên nhớ lời sau trước
Trò cứ say sưa mắt dõi tìm…

Giây phút chia tay hoàng hôn tới
Thày tiễn trò về nụ cười theo
Niềm vui lặng lẽ sau khung cửa
Trò cũng hân hoan một buỗi chiều.

(Đến Thăm Thầy Cũ - Thơ Bùi Vĩnh Hưng)


***

-Hậu ơi, sáng nay có rảnh không? Đi ăn sáng với tao nhé.
-Ừ, cũng được, tao cũng định rủ mầy đi. Mầy muốn đi ở đâu, hay muốn đi ăn cái gì?
-Tao định rủ mầy đi lại quán Hào Huê, góc đường Lê Lợi và Pastuer ăn mì bò kho.
-Quán đó đóng cửa từ hồi mầy vuợt biên rồi, thôi để tao dẩn mầy đi Gừng Xanh, tạm dịch là Green Ginger. Mấy ngừoi Việt kiều về hay ăn ở đây lắm.
-Tao đâu có cần ăn quán nào sang trọng, hay Việt kiều thích ăn đâu, mầy chở tao tới quán bà Hai chuyên bán bánh cuốn ở gần chợ Vườn Chuối đi, tao thèm ăn bánh cuốn rồi đó mầy. Đêm qua uống rượu nếp, đã thiệt mà nó làm tao đói quá cỡ từ nãy giờ.
-Chà chà, có thiệt là muốn ăn bánh cuốn hay là còn nhớ Cô Lan con Bà Hai đó ông bạn? Ngày xưa có một cây si tổ bố trồng ngay trước cửa quán Bà Hai.
-Thôi đi ông bạn già, mấy chục năm rồi, người ta đã có chồng con rồi, không chừng có luôn cháu chắt đùm đề rồi nữa.
-Mấy năm trước tao có ghé ăn bánh cuốn một lần, Bà Hai già rồi nên không còn ngồi đổ bánh cuốn nữa. Cô Lan có chồng, nhưng chồng chết vì bị xe đụng. Hiện giờ Cô phải ngồi thay mẹ đổ bánh cuốn. Thôi mình đi, mà mầy có ngồi Honda được không?
-Mầy làm như tao bỏ xứ đi rồi quên luôn mọi thứ hay sao vậy?

Hai người bạn tri kỷ đèo nhau trên chiếc Honda cũ kỹ của Hậu. Đến nơi, tìm chổ gửi xe xong, hai người sóng đôi đi về quán bánh cuốn ngày xưa. Hai người ngồi ngay cái bàn mà anh đã từng ngồi hàng giờ, ngay cửa ra vào. Tuy không chính xác là chiếc bàn cũ năm xưa, nhưng cũng cùng một vị trí là ai ngồi đây cũng có điều kiện nhìn rõ người đổ bánh. Sau khi gọi thức ăn, anh đảo mắt nhìn quanh, cố lục lọi trong trí nhớ mình. Mọi vật đều thay đổi, từ cái bàn cho đến màu nước sơn trên tường, có vẻ sáng sủa hơn, trang trọng hơn.

Vì đến hơi muộn nên quán đã thưa khách, thức ăn được đem ra rất nhanh. Trong lúc hai người đang ăn thì Cô đổ bánh cuốn chợt hỏi:
-Anh Hậu lâu quá không thấy tới ăn bánh cuốn của tụi nầy, bộ chê dỡ hả?
Nuốt vội miếng bánh trong miệng, Hậu lững lờ trả lời:
-Đâu ai dám chê bánh cuốn của Cô Lan, tại nghề giáo của tui nghèo rớt mồng tơi làm gì có tiền đi ăn ngoài như mọi người, cũng may là hôm nay có thằng bạn từ xa về bao nên mới dám tới đó.
Anh góp lời vào:
-Cô Lan dạo này vẫn bình an chứ?
-Dạ cám ơn anh, anh nhìn quen quá… ối mèn ơi, anh về hồi nào vậy? Mấy chục năm nay vắng bặt tăm bặt tiếng, nghe người ta đồn anh chết trên đường vượt biên rồi.
Hậu bật cười:
-Cái thằng trời đánh nầy ai mà giết nó được, Cô hỏng nhớ nó tuổi Nhâm Thìn hả?
Anh vừa bâng khuâng, vừa ngập ngừng hõi:
-Gia đình Cô Lan dạo này ra sao?
-Dạ nhà em bị tai nạn mất khoảng ba năm nay, hai đứa nhỏ thì một đứa còn đi học, một đứa đã đi làm cho hãng của Đại Hàn rồi anh. Anh thì sao? Vợ con mấy đứa rồi?
-Tôi và Bà Xã có ba cháu, đứa lớn còn học đại hoc, đứa giữa thì sắp hết trung học, còn thằng út thì lớp tám. Thế Cô Lan buôn bán ra sao?
-Thưa anh cũng khá, nhờ Trời Phật phù hộ nên tụi em làm ăn cũng đỡ lắm anh ạ.
-Thế Bác Hai dạo này vẫn bình an hả Cô Lan?
-Mẹ em dạo nầy yếu lắm anh ạ, mới đi lại đằng Chùa tụng kinh, chắc mẹ mừng lắm nếu thấy anh về. Mấy năm đầu anh bỏ đi vượt biên. Mẹ em cứ thỉnh thoảng hay nhắc đến anh.

Anh chợt hỏi:
-Cô Lan có biết tin tức gì về Phượng không? Tôi có ghé nhà mà người ta bảo gia đình Phượng đã bán nhà đi khoảng hai mươi mấy năm nay rồi. Vì Cô Lan và Phượng thân nhau như hai chị em ngày xưa nên tôi mới dám hỏi Cô.

Hậu nãy giờ ngồi yên, chợt lên tiếng:
-Thì ra mầy dụ tao tới đây để hỏi thăm tin tức về Phượng. Đêm qua tao đã bảo mầy quên đi, nó qua rồi thì cho qua luôn đi, nắm kéo lại làm gì.

Anh lườm mắt nhìn Hậu làm anh chàng cụt hứng, ngồi làm thinh.

Đôi mắt cô hàng bánh cuốn chợt như có chút gì ươn ướt, cố dấu vẻ buồn trên mặt:
-Ba năm sau khi anh vượt biên, rồi có tin đồn anh đã chết, Phượng cũng vừa trở về từ đoàn thanh niên xung phong. Phượng đến nhà em khóc nhiều lắm, em phải dỗ dành dữ lắm Phượng mới nguôi. Phượng có tâm sự với em là anh đã chết thì cũng như Phượng chết một nửa tâm hồn. Phượng có lần muốn tự kết liễu đời mình. Em bảo Phượng đấy chỉ là tin đồn, làm sao mà tin được nhưng Phượng vẫn buồn. Khoảng sáu tháng sau, Phượng ngã bịnh nặng phải chở vô nhà thương.

Bồn chồn, anh hỏi:
-Phượng bịnh gì cô Lan có biết không? Rồi Phượng có khẻo lại không? Xin Cô Lan cho biết đi.
-Để từ từ em kể cho anh nghe. Nhưng cho em hỏi anh một câu thôi được không?
-Lan muốn hỏi tôi cái gì thì cứ hỏi, nhưng phải cho tôi biết Phượng ra sao?
-Sao anh lo cho Phượng dữ vậy? Còn những ngày anh ngồi cũng cái bàn đó mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày là sao?

Thấy có cơ hội, Hậu xía vào:
-Thì nó trồng cây si với Cô Lan đó. Thằng nầy nó tham lam lắm, cứ thấy gái đẹp là lò mò tới trồng cây si.
-Như vậy anh Hậu nói em cũng đẹp lắm hả?
-Dĩ nhiên là cô Lan phải đẹp thì cái ông trời đánh ba búa không chết nầy mới trồng cây si nhà cô.
Anh trả lời sau một hồi lâu ngập ngừng suy nghĩ:
-Cô Lan nầy, ngày xưa tôi cũng có để ý đến cô, nhưng tôi thấy ông Đậm cũng theo đuổi Cô, cho tài xế lái xe Jeep đưa đón Cô nên tôi chấp nhận mình không thể nào so sánh bằng ông ấy. Tôi tự biết mình nên rút lui trước là hơn. Thôi Cô Lan làm ơn cho tôi biết tình hình của Phượng đi.
-Thôi em cũng sắm đổi qua bán cơm trưa nên lu bu lắm, mười giờ rồi, không còn ai ăn sáng nữa. Tối nay em mời hai anh đến ăn cơm với em và mẹ cho anh thăm mẹ rồi em sẽ kể cho anh nghe về Phượng. Mà anh muốn ăn món gì? Chắc ở bển thèm ăn món thuần túy Việt Nam lắm?
-Món nào cũng được cô Lan ạ, đừng quá cầu kỳ, từ dạo đi cải tạo về tôi ăn uống dễ lắm. Tôi cũng phải đi thăm Thầy Năm một chút. Tối nay tôi sẽ gặp lại cô Lan nhé. Mà cô Lan có cần tôi mang gì tới không?
-Hai anh chỉ cần đem cái bụng đói mèm tới đây, ăn cho thiệt nhiều là đủ rồi. Nếu anh gặp Thầy Năm cho em gửi lời thăm Thầy. À cho em gửi một ít bánh cuốn cho Thầy Cô, cã chục năm rồi không thấy thầy đến ăn bánh cuốn. Thôi chào anh, mình gặp lại tối nay nhé.

***

Về đến nhà Hậu khoảng 5:30 chiều, sau khi đi thăm Thầy Năm, anh cảm thấy tâm hồn thanh thản. Rất mừng vì biết Thầy mình còn rất khỏe và còn rất phong độ. Tuy Thầy tuổi đã cao nhưng tinh thần rất minh mẫn. Cái mừng khác to lớn hơn là sắp biết tin người mình yêu năm xưa. Những giọt nước mát lạnh chảy dài khắp thân thể làm tan biết cơn mệt sau nhiều giờ ngồi xe ôm về vùng quê.

Vừa thay quần áo xong xuôi thì Hậu cũng đã về tới, anh hối:
-Tao xong rồi, mầy tắm rửa thay đồ sạch sẽ xong mình đi.
-Làm gì nóng quá vậy ông bạn già?
-Tao sợ Bác Hai chờ lâu.
-Chứ không phải mầy muốn biết tin tức về Phượng hã?
-Thì trước sau gì tao cũng sẽ biết thôi.

Hậu lui cui mở tủ lạnh lấy hai chia bia Sài Gòn ra, mở nắp đưa cho anh một chai.
-Tại sao lại uống bia bây giờ vậy Hậu? Không để bụng lát nữa ăn cơm nhà Bác Hai?
-Ừ, tại tao khát nước quá, mà tao cũng muốn nói chuyện với mầy trước khi đến nhà Lan ăn cơm.
-OK, vậy cũng được, có chuyện gì vậy Hậu?
-Từ đêm qua chắc mầy cũng thấy tao không muốn cho mầy biết chuyện gì xảy ra với Phượng. Cũng từ sáng đến giờ, tao suy nghĩ trước sao gì Cô Lan cũng cho mầy biết, thôi để tao chuẫn bị tinh thần mầy trước khi những gì Cô Lan sắp nói.
-Mầy nói cái gì vậy Hậu? Chuyện gì đã xảy ra với Phượng? Mầy cho tao biết ngay đi.

Uống một hớp bia Sài Gòn, Hậu chậm rãi:
-Cái ngày tao đưa mầy đi trình diện đơn vị ở Lai Khê, tao nghĩ thôi thế cũng đựơc, Bình Dương gần Sài Gòn, tao mừng là mầy sẽ có dịp về thăm Phượng nhiều. Nhưng rồi chiến tranh càng ngày càng lớn, mầy vắng bặt nhiều khi cả năm mới về một lần. Có rất nhiều lần tao thấy một ông Thiếu Tá không quân đến nhà Phượng, và cũng nhiều lần tao thấy Phượng lên xe đi với ông không quân đó. Tao không chắc hai người có quan hệ gì với nhau không, nhưng có vẻ thân thiện lắm.
-Ôi, chắc là bà con thân quen trong nhà vậy thôi chứ có gì mà mầy quan trọng vậy?
-Để tao nói hết, theo tao biết thì thằng không quân nầy có quen biết chồng Cô Lan, ông Đậm, người hay cho tài xế tới đưa rước Cô Lan đi về ngày xưa. Tao không rõ, nhưng hình như qua Cô Lan giới thiệu, nên Phượng mới biết thằng không quân nầy.

Ngay từ trong sâu thẳm lòng mình, có một cái gì rất khó tả dâng lên, một cái gì bén nhọn đâm vào tim mình, anh thầm an ủi “Không phải vậy đâu !”

-Chắc không phãi đâu Hậu à, chính Lan sáng nay đã bảo Phượng muốn tự tử khi nghe tin tao chết trên đường vượt biên mà. Làm gì có chuyện đó.
-Bỗn phận của tao là cho mầy biết để chuẩn bị tinh thần trước khi đến nhà Cô Lan. Thôi uống hết chai bia đi rồi mình đi.

Như người máy, anh đưa chai bia lên tu một hơi cạn, xong mở tủ lạnh lấy chai thứ hai, mở nắp tu thêm một hơi nữa, dằn mạnh chai xuống bàn:
-Thôi mình đi đi Hậu.

Cả khoảng đường từ nhà Hậu đến Chợ Vườn Chuối, không ai nói một lời. Buổi tối vắng vẽ, không cần phải gửi xe, Hậu cho xe vô thẵng nhà Lan.

-Hai anh vô nhà đi, mẹ đang chờ anh đấy.
-Cám ơn Cô Lan.

Anh chỉ hé răng trả lời rất gọn.
-Con kính chào Bác Hai, thưa Bác dạo nầy vẫn khỏe?
-Ờ, Bác dạo nầy cũng yếu lắm con à, đi đứng gì cũng phải có mấy đứa nhỏ nó dẩn chứ không thì té, lớn tuổi rồi con ơi.
-Dạ, Bác có dùng thuốc bổ thêm cho trợ lực không Bác Hai? Con thấy mấy người lớn tuổi bên Mỹ họ dùng nhiều lắm, nếu Bác thích, con gửi về cho Bác dùng.
-Thôi tốn kém lắm cháu à, Bác hay dùng thuốc nam, có ông Thầy thuốc nam ỡ Cái Bè, quê của Bác đó, lâu lâu tụi nó hay về đó hốt mấy chục thang đem về cho Bác uống. Không tốn kém bao nhiêu, vậy mà hay lắm đó cháu, chứ uống thuốc Tây nóng lắm, mà hay bị bón nữa chứ.
-Dạ, thuốc Á Đông mình lúc nào cũng hay hơn.
-Thôi mời hai anh lên lầu thượng - Lan vồn vã - bữa nay em đãi mấy anh trên đó cho có gió mát. Mấy người bên đó về không chịu nỗi không khí nóng ở Sài Gòn đâu.
-Thôi hai Cậu đi ăn đi- Bác Hai từ từ khoát tay nói – bữa nay Bác ăn chay cho nên Bác ăn hồi nãy rồi, vã lại tuốt trên lầu thượng lận, Bác đi không nỗi đâu.
-Dạ, tụi con xin phép Bác Hai.

Cả ba cùng trước sau theo nhau lên lầu thượng. Gió thổi nhè nhẹ làm giảm nỗi buồn của anh đã chất chứa nãy giờ từ khi Hậu khai báo. Nó cũng đã dịu bớt rất nhiều khi hầu chuyện với Bác Hai.
-Mấy anh uống rượu gì? Em có bia và rượu mạnh thôi.
-Cô Lan cho tôi bia đi, Hậu mỡ màn.
-Bia cũng được, Lan cho tôi một chai luôn nhe, cám ơn Lan.

Lan đem ba chai Heineken từ tủ lạnh ra đặt lên bàn.
-Bữa nay em phá lệ, uống một chai bia với mấy anh cho vui. Nhất là mừng ông anh việt kiều mới về sau mấy chục năm nay im hơi lặng tiếng. Mình cụng ly cái đi.
-Cám ơn Lan, mình mải mê bon chen tìm cách sinh sống xứ người nên quên cả quê hương, cho mình xin lỗi nhé.
-Mời mấy anh cầm đũa, món cá lóc nướng trui gói bánh tráng, rau sống, chấm nước mắm me, đây là món đồng quê, bảo đảm là không có bên Mỹ.
-Ui cha, đây là món ruột của mình, Lan đoán được ý mình hay quá.
-Đâu phải Lan đoán đâu, em nhớ ngày xưa anh đi phép về có dẫn em và Phượng đi ăn cá lóc nướng trui ở Ngã Bảy đó.
-Sao tui hổng được mời đi ăn hôm đó vậy cà?
-Mầy lo cặm cụi mài đũng quần trên ghế trường sư phạm Sài Gòn, mỗi lần tìm mầy muốn rát cả mắt. Tao chỉ có vài ngày phép mà biểu tao tìm mầy đi ăn cá lóc nướng trui à?

Hậu cười hì hì nhưng vẫn gắp một miếng cá bỏ vào chén:
-Tao ráng học để khỏi đi quân dịch, khỏi phải chết cho những đám sâu bọ làm người, sống phè phỡn trên xương máu người khác, đó là lý do của tao. Mỗi người có một hoàn cảnh.
-Tao không trách mầy đâu Hậu, tao hiểu hoàn cảnh của mầy.

Nhìn sang Cô Lan, anh bắt đầu gạ hỏi:
-Lan nầy, cho mình hỏi Lan nhe, thành thực cho mình biết, đừng nghĩ nó sẽ làm mình buồn, chuyện đã hơn ba mươi năm rồi, mình muốn đóng trang sách cũ lại, nhưng mình chỉ muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho Phượng.

Do dự một vài giây, Lan từ từ kể:
-Những năm anh ở Lai Khê, Phượng có quen một người Thiếu Tá không quân, ít ra bề ngoài ông ấy là Thiếu Tá không quân. Hai người có đi chơi nhiều lần, rồi bất ngờ ông ấy ngỏ lời cầu hôn Phượng. Đêm đó Phượng có hỏi ý kiến em, nhưng em bảo Phượng nên liên lạc với anh vì hai người đã có hưa hẹn với nhau từ trước ngày anh nhập ngũ.

-Có, Phượng có mớm lời hỏi khi nào mình sẽ cưới Phượng, mình chỉ giải thích là đời lính của mình sống nay chết mai, rất sợ Phượng trở thành góa phụ khi tuổi chỉ mới đôi mươi. Mình vì quá yêu thương Phượng nên không muốn Phượng một ngày nào đó phải đi nhặt xác chồng khi tuổi xuân vừa mới nở. Mình quá sợ hãi khi nghĩ đến cảnh Phượng góa phụ nuôi con. Yêu Phượng nhiều nhưng mình có nói với Phượng nếu chờ được thì tốt, nếu không thì mình sẽ ráng về uống với Phượng một ly rượu mừng.

-Em cũng có nghe Phượng nói, nhưng rồi hình như đây là định mệnh của Phượng, khi vỡ lẽ ra thì anh chàng thiếu tá không quân chỉ là người tài xế, lái xe cho một ông thiếu tá không quân thật. Mỗi sáng, sau khi chở xếp đến sở, anh chàng thiếu tá giả này tự gắn lon cho mình lên làm thiếu tá để đi cua gái.

Nãy giờ ngối yên, đến đây Hậu không dằn được nữa:
-Như theo tôi biết, chính chồng của Lan, anh Đậm là người giới thiệu anh chàng thiếu tá dỡm nầy cho Phượng phải không?
-Anh nói đúng, chính hai vợ chồng Lan còn bị lầm thì nói chi Phượng. Ngày xưa, chồng em chuyên mua bán xăng dầu chợ đen do anh thiếu tá dỡm nầy cung cấp, từ chỗ làm ăn quen biết, anh ta muốn em giới thiệu Phượng cho nó, ai có ngờ câu chuyện nó xảy ra bất ngờ như vậy.

Anh nhếch mép cười một cách đau đớn:
-Nhưng sau khi mình đi cải tạo, chuyện gì xảy ra nữa?
-Vì chuyện lầm người làm Phượng mắc cỡ với anh, đến ngày anh đi cải tạo, em có khuyên Phượng đi thăm anh, Nhưng Phượng bảo chính vì lương tâm đã tự không cho phép gặp anh, cũng chỉ vì chạy theo hư ảo. Chính vì vậy mà Phượng tình nguyện đi thanh niên xung phong để quên đi quá khứ.
-Mình không trách Phượng được Lan ạ. Chính mình là người đẩy Phượng vào con đường đó.
-Em không nghĩ vậy, Phượng có sự lựa chọn riêng của Phượng, dù anh có ép cách mấy đi nữa, nếu Phượng không muốn thì cũng không có chuyện gì xảy ra. Nếu anh muốn trách thì chính em là người đáng trách, vì chính em đã đem Phượng đến cái hư ảo đó.
-Nhưng ngày nghe tin mình chết trên đường vượt biên, Phượng đến khóc vói Lan là sao?
-Phượng vẫn còn yêu anh tha thiết, chỉ vì môt lầm lỡ mà Phượng xấu hổ muốn xa lánh anh thôi.
-Sáng nầy nghe Lan nói Phượng bịnh phải đi nhà thương, thế Phượng có sao không Lan?
-Mấy tháng buồn đời, tự trách mình nên đã làm cho Phượng mất ăn, mất ngủ sinh ra kiệt sức. Khi vào bệnh viện, bác sĩ cho vô nước biển và cho ăn uống tẩm bổ chừng một tuần thì Phượng bình phục hẳn.

Đôi mắt anh hoàn toàn dịu lại, như vừa được giải thoát lấy mình, bao nhiêu lo lắng cả ngày tan biến hẳn.
-Thế rồi Phượng đi đâu? Lan có biết không?
-Theo em biết thì Phượng có người Cậu ở Nha Trang, gia đình Phượng bán nhà ra đó để chuẩn bị vượt biên với người Cậu.
-Lan có biết Nha Trang mà ở đâu? Người Cậu tên gì không ?
-Theo em biết thì người Cậu đó ngày xưa có quán nem nướng gần chợ Đầm, hình như tên Thông. Thôi mấy anh ăn đi, cá nguội hết rồi kìa.

Sáng hôm sau, anh nói với bạn mình:
-Hậu ơi, tao đi Nha Trang vài ngày. Tao sẽ trở lại thăm mầy trước khi về Mỹ, mầy có muốn gì ngoài Nha Trang không?

***

Chiếc xe đò từ từ rời bến, chậm rải như không có chuyện gì quan trọng xảy ra, lười biếng lăn bánh rời xa thành phố. Cơn nắng chiều hắt vào mặt làm anh hơi nhíu mắt lại. Cơn nóng tháng sáu sau những cơn mưa đầu mùa làm không khí hơi trĩu nặng, hăng hắc như ngày nào ngồi nhìn trời chiều sau cơn mưa từ hố bom trong những cuộc hành quân. Mặt trời sắp đi ngủ khi xe đi ngang Xuân Lộc, thành phố nầy đã cho anh những kỷ niệm cùng bàng hoàng cuối tháng tư ba mươi năm xưa. Cũng chính thành phố này là nơi anh có mặt trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh, cuộc chiến đã đập tan cuộc đời anh ra từng mảnh. Nó cướp đi tuổi học trò, tình yêu, và những mơ mộng cho tương lai anh. Đã từ lâu, anh đã có một nhận định cho mình là trong bất cứ cuộc chiến nào cũng có sự tàn bạo của nó, không phân biệt thắng hay bại, đều có nạn nhân sau cuộc chiến.

Xe dừng nửa đường, Cà Ná, vùng địa danh quen thuộc, cũng chính nơi này ngày xưa anh làm quen với Sang, người bạn thân ba mươi lăm năm rồi. Nhớ ngày xưa, trên đường ra Nha Trang học khóa tu nghiệp không trợ, cũng nơi đây, hai thằng từ hai góc trời của quê hương, Huế và Tiền Giang, gặp nhau rồi thân nhau như anh em ruột. Anh nhớ rõ như ngày hôm qua, dừng chân quán nhỏ ven biển, gọi một lon bia Hamm thì người ngồi bàn kế bên, giọng Huế nặng trĩu, ngỏ lời muốn mời anh ngồi chung. Anh dời sang ngồi cùng bàn, sau vài câu xã giao, hai thằng lính đã thân nhau như ruột thịt. Rồi chiến tranh chấm dứt, hai thằng đi cải tạo hai nơi, không tin tức gì nhau, mãi cho đến khi anh đến Virginia, năm thứ hai, trong khi đang ăn trưa trong câu lạc bộ trường, thấp thoáng một người Á Đông bước vào, nhìn quen quen. Anh theo dõi mãi người này đến khi người ấy lấy thức ăn xong, đang lo tìm bàn thì anh chực nhớ ra cái khuôn mặt quen thuộc đó. Sang, người bạn năm xưa bỗng xuất hiện trở lại như ngày xưa nó xuất hiện trong cuộc đời lính trận. Hai thằng bạn ngồi chung bàn, om xòm tiếng Việt làm mấy thằng Mỹ ngồi cạnh phải nhíu mày. Mặc kệ họ, anh nói, tao cóc cần biết tụi nó, gặp được mầy là tao mừng rồi. Thế là từ đó, Sang dời vào khu cư xá của anh ở chung, hai thằng bạn ngày xưa dìu dắt nhau sinh tồn trên đất Mỹ. Nhưng từ ngày hai đứa lập gia đình, lại hai phương trời chia xa, anh dời về Oklahoma nhận sở mới, Sang về bên vợ thành phố Boston. Hai thằng vẫn liên lạc nhau, vẫn gọi nhau hàng tuần. Ngày anh dọn về New York, chính nó lái xe cùng gia đình nó từ Boston đón gia đình anh tại phi trường New York. Thế là hai thằng bạn cũ lại có dịp gặp nhau thường xuyên, tuy lái xe vài tiếng nhưng rất vui, rất mong gặp nhau nếu vắng nhau vài tháng.

Xe đến Nha Trang lúc trời đã khuya, anh gọi taxi về khách sạn Lodge, đường Trần Phú, nằm ngay bờ biển. Lấy phòng xong, anh thả bộ dọc theo bờ biển, chậm rải nhai lại những kỷ niệm xưa. Cũng trên bờ biển này năm xưa, mấy thằng trời đánh nhậu mãi đến 12 giờ đêm, quân cảnh phải năn nỉ đưa về trại. Cũng thằng trời đánh ngày xưa, nay trở lại thành phố biển, tìm lại dĩ vãng. Gió biển mát lạnh làm tan biến cái mệt nhọc sau tám, chín tiếng ngồi xe. Dừng lại kiosh bán đêm, mua một lon 33 ướp lạnh, vừa đi vừa uống. Ôi hương vị đậm đà của quê hương mát rượi lòng lữ khách. Biết tìm đâu nhà Cậu Thông, chắc lần nầy phải ăn nem nướng cả tuần để tìm Cậu ấy. Cả Nha Trang mênh mông, hàng trăm quán nem nướng, biết đâu mà tìm. Sau một hồi đi bộ mỏi chân, anh trở về phòng, đánh một giấc lấy sức cho hôm sau, một ngày dài đang chờ đón anh.

Sau ba ngày ăn nem nướng phát ngán mà không được gì, anh chán nản, lững thững ra bờ biển. Mướn ghế và dù, anh mệt mỏi nhắm mắt cố tìm thanh thản, một giọng trẻ em nhỏ nhẹ mời anh mua đậu phọng rang
-Bác ơi mua giùm con một lon đậu phọng nhe, đậu mới rang còn nóng ngon lắm Bác ơi.

Đang buồn ngủ sau nhiều đêm thức trắng, anh định bảo nó đi tìm người khác bán, nhưng anh cũng mở mắt ra nhìn. Gương mặt em bé gái tuổi độ lên 6, rất kháu khỉnh, tươi mát, với cặp mắt đen tròn. Cặp mắt tròn xoe, trong vắt, nhìn sao quá quen thuộc, anh hơi nhần nhừ, không nhớ cặp mắt giống ai. Anh hỏi em bé:
-Con năm nay bao nhiêu tuổi?
-Dạ con 6 tuổi. Rất lễ phép, em bé trả lời:
-Con có đi học không? Lớp mấy rồi? Anh tiếp tục hỏi.
-Dạ thưa có, con học lớp một, buổi chiều.
-Con tên gì?
-Dạ con tên Thủy.

Anh nhớ lại mấy hôm trước, khi còn ở Sài Gòn, nằm ngủ trưa nhà Hậu nghe mấy đứa trẻ văng tục, chưởi thề làm anh muốn cho mỗi đứa một cái bàn chải đánh răng về nhà súc miệng cho sạch. Trong khi em bé gái bán đậu phọng lại ăn nói rất lễ phép.
-Con đi bán một ngày được bao nhiêu?
-Dạ nếu bán hết rổ đậu này thì con lời được khoảng 50 ngàn. Còn nếu không hết thì sau giờ học, con sẽ trở ra bán tiếp cho hết.
-Thôi con vô bọc hết cho Bác đi, Bác mua hết cho con để con về nhà học bài hay đi chơi với bạn bè cũng được. Cho Bác biết tất cả là bao nhiêu nhé.
-Dạ con cám ơn Bác, tổng cộng mỗi ngày nếu con bán hết là 200 ngàn, nhưng thôi con bớt Bác 10 ngàn đó, 190 ngàn thôi.

Lòng anh trĩu nặng, em bé có lòng muốn bớt giá, sao nó dễ thương quá. Anh bảo bé:
-Đây là 200 ngàn, Bác không muốn con phải mất lời 10 ngàn đâu, còn đây là 20 đô la Bác cho con. Con nhớ mua một món gì cho mẹ trên đường về nha.
-Dạ con cám ơn Bác nhiều lắm, chắc mẹ con mừng lắm, vì mẹ muốn mua bộ đồ mới cho ba con đi làm.
-Ba con làm gì vậy?
-Dạ ba con làm dưới bến tàu, nhưng mấy hôm nay bị rách áo nên lưng ba con bị trầy trụa hết.
-Thôi con cầm thêm 20 chục đô la nữa đi, cái nầy của Bác tặng cho ba con mua bộ mới đi làm.
-Dạ con cám ơn Bác nhiều lắm, nếu Bác còn ở lại đây chiều nay, con sẽ đưa ba mẹ con ra gặp Bác để cám ơn.
-Ừ, Bác còn ở đây thêm vài ngày.
-Bác ở khách sạn đó phải không? Con sẽ chờ Bác ngoài cửa.
-Thôi con đừng chờ ngoài cửa, khi con tới, cho người báo Bác ở phòng 555, Bác sẽ xuống gặp con.
-Dạ con không dám đâu, mấy người đó không cho con vô khách sạn, họ sợ con ăn cắp đồ.
-Hừ, vậy thôi Bác sẽ ngồi dưới lầu chờ con vậy.
-Dạ, con chào Bác.

Đôi mắt bé Thủy sáng rực lên, dường như em nhìn thấy được ba mình trong bộ quần áo mới đi làm. Riêng anh thì buồn man mác, anh đến đây tìm lại quá khứ, quá khứ chưa tìm được thì thay vào đó một gương mặt ngây thơ, vô tội bỗng xuất hiện trên khung cửa sổ nhỏ bé nầy giữa cuộc hành trình của anh. Những đứa bé vô tội, chỉ vì sinh ra không đúng thời nên phải chịu cực khổ với cha mẹ, nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận số phận mình. Nghĩ mà thương cho dân Việt, mấy ngàn năm nô lệ ngoại bang, mấy trăm năm chiến tranh tàn phá, nay phải trả giá cho một chế độ đi lầm đường, những người lãnh đạo chỉ biết lo làm giàu cho bản thân và giòng họ.

Gió biển mơn trớn làn da sậm nắng từ mấy ngày lội bộ làm anh bắt đầu buồn ngủ trở lại. Nhắm mắt, cố tìm về dĩ vãng, hình dung lại đôi mắt bé Thủy, như sét đánh, phải rồi sao nó giống mắt Phượng quá vậy. Bao nhiêu cơn buồn ngủ tan biến, tim anh đập mạnh, có thể nào quá tình cờ như vậy, chắc không phải đâu, anh cố phủ nhận. Gọi một ly cà phê sữa đá ít sữa, nhâm nhi chờ đợi cho mau tối, chờ đợi bé Thủy và ba mẹ của bé. Anh cố tình muốn tìm hiểu câu chuyện ra sao, đâu thể nào có sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy được. Bao nhiêu công sức tìm tòi nay chỉ dựa vào một em bé bán đậu phọng rang, nhưng có chắc em có trở lại không? Anh lo sợ bé Thủy không trở lại, anh lo sợ ba mẹ bé Thủy không chịu đến gặp anh.

Mới 5 giờ chiều mà anh đã chuẩn bị sạch sẽ, ngồi dưới phòng khách của khách sạn Lodge, gọi một lon bia lạnh nhâm nhi trong khi chờ đợi. Mấy cô tiếp viên mặc quần áo thiếu vải lượn quanh như muốn chào hàng, anh phớt lờ, trong đầu anh bây giờ chỉ tập trung đến đôi mắt của bé Thủy. Mãi đến 6:30 thập thò ngoài cửa một bé gái, tươm tất trong bộ đầm mới, chắc mẹ mới mua, bé Thủy vẫy tay. Anh bước ra ngoài, một cặp thanh niên khoảng độ dưới ba mươi gật đầu chào. Nhất là người thiếu nữ, có rất nhiều nét giống Phượng, tuy da hơi ngăm đen, anh nghĩ chắc đúng rồi. Vội vã, anh mời cả ba vào phòng khách của khách sạn. Anh gác cửa coi bộ không đồng ý, nhưng 20 chục ngàn dúi nhẹ vào tay làm anh im lặng, mĩm cười rồi đi chỗ khác.
-Bé Thủy muốn dùng gì con? Bác đãi con tối nay đó. Luôn cả Anh Chị, cứ tự nhiên gọi, tôi bao cả nhà đêm nay. Anh mở đầu câu chuyện trong khi đôi vợ chồng hơi lúng túng trước sự ngạc nhiên.

Người đàn ông lên tiếng trước:
-Dạ tụi cháu chỉ muốn đến đây cảm ơn Chú đã thương cháu Thủy, cho nó tiền mua sắm cho ba nó đi làm. Cháu rầy nó từ chiều giờ về tội nhận tiền của người lạ, vì không biết người ta là ai, và muốn gì ngược lại.
-Anh Chị khỏi phải lo chuyện đó, tôi thấy bé lễ phép, vâng dạ đàng hoàng, không như những đứa ranh con khác nên tôi thương nó. Anh Chị đừng rầy bé tội nghiệp, Anh Chị dạy con rất giỏi, chỉ nhìn bé Thủy tôi cũng biết bé xuất thân từ cha mẹ tốt.

Câu chuyện bắt đầu tiến hành trong thân mật, anh được biết ba bé tên Thanh, mẹ tên Cúc, cả nhà sinh sống tại Nha Trang từ lâu lắm. Thức ăn được dọn ra cho mọi người, bé Thủy rất vui cho biết đây là lần đầu em được ăn nhà hàng, bé ngồi ăn rất ngon lành Anh bắt đầu hỏi chuyện:
-Thanh nầy, tôi muốn hỏi một chuyện. Gia đình Thanh có ai vượt biên không?
-Dạ không Chú, cháu từ Sài Gòn ra đây lập nghiệp, tình cờ gặp được Cúc rồi hai đứa có cảm tình, xong cưới nhau đã được bảy năm nay.
-Thế cuộc sống tụi em ra sao?
-Cuộc sống lúc đầu cũng khá khá, thình lình mẹ cháu trở bịnh nặng mấy năm, bao nhiêu tiền đổ ra hết lo cho mẹ, nhưng rồi mẹ mất đã được một năm rồi. Sau đó cháu bị thương cột sống, phải nghĩ mấy tháng, khi trở lại thì không còn việc làm. Hiện cháu đang làm tạm ở bến tàu. Chỉ khuân vác bậy bạ chứ không dám làm nặng.
-Thế còn Cúc thì sao?
-Dạ Ông Bà Ngoại cháu bị mất tích khi vượt biên với gia đình người dì từ trong Sài Gòn ra. Lúc đó Ba mẹ cháu ở lại với Nội. Bây giờ Nội và Ba Mẹ cũng mất rồi, chỉ còn cháu thôi. Cháu có người Dì bà con, đang ở bên Mỹ nhưng mấy năm rồi không nghe tin tức của Dì nữa.
-Dì em tên gì vậy Cúc?
-Dạ Dì cháu tên Phượng, xưa ở Sài Gòn.

Tim anh đập mạnh, tay anh run, lặp bặp hỏi lại:
-Dì Phượng cháu năm nay khoảng trên 50 tuổi, trước học Sài Gòn, nhà đường Tự Đức khu Dakao, ông ngoại cháu tên Thông phải không?
-Dạ đúng rồi, nhưng sao chú biết?
-Mấy đứa gọi tôi là Cậu đi, suốt cả tuần nay Cậu đi tìm Cậu Thông, ba cháu, khắp mấy quán nem nướng khu chợ Đầm mà không ra. Hôm nay tình cờ nhờ bé Thủy mà được biết tin Dì Phượng của cháu. Chú ngày xưa học chung trường với Dì Phượng . Cũng nhờ đôi mắt bé Thủy mà Cậu nghĩ chắc mấy đứa có liên hệ với Dì Phượng, cặp mắt sao giống quá, mà ngay chính Cúc cũng có nét của Dì Phượng cháu.
-Dạ mẹ cháu hay nói cháu giống Dì Phượng nhiều lắm. Thế Cậu tìm Dì Phượng cháu có việc gì không vậy?

Anh bắt đầu kể chuyện ngày xưa lại cho Thanh và Cúc nghe, từ lúc còn nhỏ, học chung trường cho đến khi hai người chia tay. Từ những ngày tù đày cải tạo cho đến vượt biên, tị nạn, tuy xa nhưng lúc nào cũng nhớ Phượng. Hôm nay anh đến Nha Trang cũng vì mục đích muốn biết tin tức của Phượng. Cúc kể cho anh biết khi cả nhà Cậu Thông và gia đình Phượng vượt biên thì bị hải tặc Thái cướp tàu, Phượng bị bọn hải tặc bắt mãi ba tháng sau mới được thả, và cũng được biết cả tàu của Cậu Thông cùng gia đình mất tích từ đó. Trong ba tháng bị bắt, Phượng đã chịu không biết bao nhiêu cay đắng cuộc đời con gái dưới tay bọn cướp Thái dã man. Anh không biết nên khóc hay cười cho số phận người con gái Việt Nam. Cuộc tiệc tàn trong nước mắt, khóc cho người xấu số, gửi thây trong lòng biển lạnh Thái Bình Dương, cũng vì hai chữ Tự Do. Anh xin Cúc địa chỉ Phượng, hứa sẽ tìm cho được Dì Phượng của Cúc.

Sáng hôm sau, anh gọi xe đến nhà Thanh và Cúc, căn nhà lá đơn sơ nằm sâu hút tận cuối xóm, nơi mà bọn đầu cơ không thể khai phá làm kinh doanh bán đất cho nước ngoài, hay ít ra cũng chưa đến khu này. Anh trở lại đó suốt cả thời gian còn lại Nha Trang, tuy đơn sơ nhưng anh có nhiều thời gian với bé Thủy, suốt cả ngày ngoài giờ đi học, bé Thủy dẫn anh đi dạo dọc bờ biển, Anh xin ba mẹ Thủy cho bé nghỉ bán, đi chơi với anh. Thanh và Cúc sống rất đạm bạc, mức thu trung bình mỗi ngày khoảng 100 ngàn, nếu Thủy bán đậu thì được thêm chút đỉnh dư ra. Thanh đi làm khuân vác nhẹ, Cúc bán hàng tạp hóa cho du khách, mức lợi của bé Thủy thì để dành.

Khi rời Nha Trang, Anh có để lại ít tiền cho Thanh và Cúc, cả hai không cầm được nước mắt khi nhận tiền. Anh giải thích chỉ muốn Thủy ở nhà có thời giờ học và chơi với bạn, để bé Thủy có một tuổi thơ hồn nhiên như những bạn bè cùng tuổi. Anh cũng hứa sẽ tìm Dì Phượng cho Cúc, và cũng hứa sẽ chu cấp cho Thủy đi học. Anh dặn bé Thủy ráng học, viết thư cho anh, và sẽ trở lại đây thăm bé Thủy thường xuyên.

Đôi mắt bé Thủy khi khóc tiễn anh về Mỹ giống như đôi mắt Phượng khóc tiễn anh ngày trình diện nhập ngũ.

Cửu Long
Viết lại tại New York.
Mùa Thu - 2017

Forumpost: Người Lữ Khách

Rate this item
(0 votes)