Kể từ khi tiếp nhận và thả lỏng gần bốn chục ngàn dân tỵ nạn trong trại tù, tình hình an ninh trên đảo Phú Quốc coi như bất ổn. Tại vì bằng mọi giá họ tìm cách trốn ra, vọt về Sài Gòn. Và phòng Nhì của tôi bây giờ phải cáng đáng thêm một nhiệm vụ mới: theo dõi và bắt giữ những người đã dám cả gan vượt ngục. Cùng bọn đầu xỏ ăn hối lộ, thiết lập đường dây đưa người đi công khai.
Tôi giao trách nhiệm này cho sĩ quan phụ tá của tôi, Trung úy Nguyễn Kỹ Lăng. Đã có một thời làm sĩ quan phụ tá cho tôi, hồi còn ở bộ Tư lệnh Hành quân Sông. Lăng mới đổi về đây trước ngày tiếp cư đồng bào di tản độ vài tuần lễ. Chân ướt chân ráo, chưa nắm vững mọi thế ăn chịu, đấm đá ở vùng này . Thiệt ra chẳng phải tôi kéo Lăng về đây, hoàn toàn chỉ do cấp trên sắp xếp. Vì vậy giữa Lăng và tôi có cái vui không hẹn mà thầy trò tình cờ gặp lại nhau . Trong một hoàn cảnh đáng lý ra phải huy hoàng hơn cho Lăng nếu tháng tư đen chưa đến vội .
Lăng làm việc rất đắc lực. Sau một tuần bố trí đã bắt trọn ổ tổ chức đưa người xuống tàu đò lấy tiền. Tang vật và đồng bọn lập tức được giải về bộ Tư Lệnh. Thì ra chẳng phải ai khác hơn là đàn em của Đại úy Minh, Trung úy Liêm, Sĩ quan Phụ tá Trưởng ban 2 đặc khu Phú Quốc. Chỉ có hắn mới dám làm việc tày trời này thôi . Tất cả đưa vô trình diện Tư Lệnh Vùng 4 Duyên Hải kiêm Đặc khu Trưởng Đặc khu, Đại Tá Nguyễn Văn Thiện. Tư Lệnh dằn mặt:
- Tôi không ngờ người chống lệnh lại là anh, người mà tôi đang đặc nhiều tin tưởng nhất. Lệnh ban ra không thi hành nghiêm chỉnh đã là có tội, vậy mà anh còn tìm cách phá hoại nữa thì anh nghĩ sao đây ? Tôi phạt anh tám trọng cấm, anh hiểu chưa!
- Dạ ...
Phải nói đây là một hình phạt rất nhẹ trong hoàn cảnh loạn ly, kẻ sống người chết như thế này . Hơn bốn chục tên cướp của giết người trên tàu Mỹ, thiệt cũng có mà oan cũng có, đều bị ông xử bắn hết kia mà. Tên trung úy này ít ra cũng phải cách chức, lột lon. Tôi hết sức ngạc nhiên và Lăng càng thêm sững sờ:
- Thôi chết rồi đại ca ơi . Cái điệu này mình làm hay không ai khen mà làm dở thiên hạ chê rồi . Nhè đệ tử của ổng mà mình bắt thì rõ ràng chọc cứt không nên lỗ.
Tôi bình tĩnh đưa ý kiến:
- Mình biết vậy thì cũng đã hơi muộn rồi . Tình hình này trước sau gì cũng sụp đổ, cũng chạy . Tôi nghĩ mình phải lo lấy thân.
Lăng phụ họa:
- Mấy ngày nay theo sự điều tra của tôi, tôi biết thằng hạ sĩ nhứt cận vệ của ông tư lệnh, thằng Thạch Sến, cứ xách PCF đi Rạch Giá lia lịa . Bộ ổng sai nó qua bển mua vàng hay sao đây ? Số tiền giữ dùm của bốn chục ngàn dân đâu phải nhỏ đại ca ?
- Ối, ba cái của phi nghĩa đó để ý làm gì. Có chắc qua nổi con trăng này hay không mà mong ngồi yên đặng hưởng ? Sống chết tới nơi rồi, tôi chỉ lo cái mạng của mình thôi . Vài ngày qua tự nhiên mấy ông hạm trưởng nhà mình lên phòng xin bản đồ khí tượng dữ quá. Điệu này chắc tới phiên mình phải di tản chiến thuật rồi . Anh nên nhớ chỉ có bản đồ khí tượng mới phủ trùm từ vịnh Thái Lan qua tuốt bên Phi Luật Tân và xuống luôn quần đảo Nam Dương. Bản đồ hải hành cận duyên, viễn duyên của mình có ra xa lắm cũng không quá hai trăm hải lý. Vậy xin làm gì hả ? Mấy chả bảo phòng xa . Phòng xa cái gì ? Chạy ra ngoại quốc thì nói chạy ra ngoại quốc, phòng xa phòng xa ... chán quá!
- Như vậy rồi đại ca có tính chạy hôn ? Nếu chạy thì chạy bằng cách nào đây ? Chắc tôi phải vọt về nhà đem vợ con ra đây cho chắc ăn đại ca ơi!
- Tôi sợ không còn kịp nữa . Anh về nhà là anh kẹt ở trong đất liền luôn, không còn cơ hội đi . Nghe đâu tụi Việt Cộng đánh vô tới Bình Tuy, Long Khánh rồi, Quốc Lộ 4 cũng bị cắt đứt nhiều nơi . Vợ tôi về Mỹ Tho thăm gia đình có lẽ lần cuối, khó khăn lắm mới ra được đây . Phi trường Dương Đông đã đóng cửa, con nhỏ em bà xã theo bả đi ra thăm gia đình tôi cũng bị kẹt luôn. Nó đòi về quá chừng mà không biết phải làm sao đưa nó về. Tùy anh hà, anh tính sao thì tính. Nhưng phải cẩn thận, ông tư lệnh mà ổng biết được ổng cũng dám đưa mình ra pháp trường lắm chớ chẳng phải chuyện chơi .
- À, tôi có thằng bạn cùng khóa làm Thuyền trưởng PCF 11, đại ca . Có gì mình vọt xuống đó với nó.
Sẵn Lăng khơi mào về chuyện này, tôi nghĩ tôi cũng nên cho Lăng biết luôn kế hoạch di tản của mình. Hạ sĩ quan thâm niên nhứt trong phòng Nhì đúng ra là thượng sĩ nhứt Luân, Phan Văn Luân. Rồi mới đến thượng sĩ Nghĩa, Lê Quang Nghĩa, đàn em thân tín của tôi . Nghĩa làm lâu đời còn Luân mới đổi tới khoảng năm sáu tháng. Trên bốn mươi tuổi đầu mà Luân vẫn còn độc thân. Hồi mới về, để tránh đụng chạm nghề nghiệp giữa hai đứa và để giúp Luân thỏa mộng Sát Cộng như hai chữ đã xâm trên bả vai, tôi bèn cắt Luân lo chiếc ghe "tình báo" của phòng Nhì. Ghe cào của dân, một trăm phần trăm, khỏi cần ngụy trang. Chỉ cần dấu súng ống đạn dược dưới khoang là có thể đi kích Việt Cộng bất cứ lúc nào . Nói là đi kích Việt cộng cho dễ nghe, cho hợp với lỗ tai, chớ thiệt ra đi cào tôm cào cá. Ý là tiền dầu tiền nhớt khỏi tốn, bơm thẳng tay từ bồn dầu hải quân, vậy mà ông Luân của tôi đi đánh cá mút mùa không đem về cho tôi được một cắc bạc nào hết. Cào bao nhiêu nhậu bấy nhiêu, thỉnh thoảng còn về phòng hỏi tôi tiền thuốc lá nữa ...
Tôi không dấu diếm gì Lăng:
- Tôi thấy PCF nhỏ quá, đi tàu lớn mới chắc ăn. Mình chỉ cần một chiếc taxi để đi từ bờ ra chiến hạm, thế là xong. Tôi sẽ xài chiếc ghe riêng của phòng Nhì mình. Tôi đã gọi thượng sĩ Luân đem ghe về bến, neo tại bãi phía bên ngoài vòng rào cư xá sĩ quan. Không cho đi đánh cá nữa . Dầu mỡ máy móc phải sẵn sàng. Tôi đã dặn Luân, nếu có gì động tĩnh, thì xách ghe vào cặp cầu bộ Tư Lệnh ngay. Anh nghĩ sao, có nên họp tất cả nhân viên trong phòng, cho họ biết kế hoạch này hôn? Để ai muốn đi thì đi .
Tình trạng ở Phú Quốc càng ngày càng tệ. Chỉ tội cho những người trên răng dưới bao tử, không một đồng teng dính túi thì mới chịu thủ phận ăn đậu ở nhờ. Chớ ai người ta cũng muốn đem hết của cải của mình ra để mua mạng sống. Thậm chí có người dám đem xe Honda đổi lấy vé tàu đò đi về đất liền. Và ân hận thay cho những kẻ ham làm giàu sớm, nhảy ra làm áp phe mua bán xe gắn máy ngay từ giờ phút đầu tiên. Vì chẳng bao lâu không ai thèm bán, chỉ cần cho không cho những ai có thể đưa mình ra khỏi cổng trại tù. Giữ xe như giữ cái của nợ. Chỉ có giá trị đối với người bản xứ biết rành rẽ đường đi nước bước mà thôi . Vậy mà dân trên đảo nào đã ưa . Bằng chứng là từ cổng trại tù chạy xuống chợ, xuống bến đò thỉnh thoảng cũng có một hai chiếc hết xăng nằm lăn lóc bên lề đường chẳng ai màng ngó ngàng tới . Chưa bao giờ tôi thấy Phú Quốc có nhiều xe gắn máy như vậy . Loại máy lớn 90, 125 phân khối cũng chạy lềnh khênh. Hạ sĩ Nhứt Thạch Sến, cận vệ của ông Tư Lệnh cũng kiếm được một chiếc láng coóng.
Tình hình Phú Quốc bắt đầu suy sụp kể từ khi có tin nhân viên đài Mẹ Việt Nam được đưa ra đảo bằng phi cơ . Mẹ Việt Nam còn phải chạy vắt giò lên cần cổ thì ai mà dám ở lại ? Rồi máy bay khu trục nữa, một vài chiếc vần vũ trên không trung. MiG của Bắc Việt vào bỏ bom ? Không phải đâu, chiến đấu cơ của Không Quân Việt Nam! Coi kỹ lại đi . Hừ, phi đạo của phi trường An Thới cụt ngẵn vậy mà đáp được thì cũng hay . Và trên phi cơ leo xuống, ngoài hoa tiêu chính, hoa tiêu phụ còn có đàn bà và trẻ em nữa . Tại sao không bay luôn qua Thái Lan ? Chắc không đủ xăng!
Nhờ coi kỹ mà mấy chiếc máy bay đó không rớt. Vì từ lâu nhiệm sở tác chiến, nhiệm sở phòng không trên các chiến hạm đã được ban hành. Các họng súng bô-pho (Bofors, Sweden) bốn mươi ly và o-e-li-cân (Oerlikon, Switzerland) hai mươi ly đều chĩa lên trời . Quay qua quay lại đều chi . Tất cả các chiến hạm đương nhiên trở thành chiến hạm trực. Bao nhiêu chiếc tại bến? Không ít đâu, những bốn chiếc. Trợ chiến hạm HQ 230 của Thiếu Tá Nguyễn Nguyên. Giang pháo Hạm HQ 330 của Thiếu Tá Nguyễn Văn Anh. Giang pháo Hạm HQ 331 của Thiếu Tá Phan Tấn Triệu. Tuần dương Đĩnh HQ 616 của Thiếu Tá Ngô Minh Dương. Với vũ lực của bốn chiếc này, Hải Quân ta có thừa khả năng bảo vệ cả không phận lẫn hải phận của đảo Phú Quốc.
Nhưng trước sau gì cũng chạy, nhứt là dân phòng Nhì như bọn tôi, sống làm sao được với lũ Cộng sản. Ưu tiên một đi mò tôm. Mà chẳng lẽ với bao nhiêu binh hùng tướng mạnh của mình lại chạy sớm như vầy sao ? Tôi tự hỏi như vậy! Chỉ vì tôi nghe phong phanh tư lệnh đã cho xe chở gạo, thực phẩm xuống chiếc 230 của Thiếu Tá Nguyên, ông Hạm trưởng thâm niên nhứt trong số các Hạm trưởng tại vùng. Tin tức tình hình bây giờ rất khó thu thập. Ai làm gì cũng giữ bí mật, không riêng gì Tư Lệnh.
Ngày 29 tháng Tư, tôi lại nghe phong phanh là nhân viên đài Mẹ Việt Nam đã được đưa xuống tàu Mỹ. Chiếc Challenger, một trong ba chiếc còn neo tại Phú Quốc. Chiếc Challenger nằm ở phía Tây mũi ông Đội, còn hai chiếc kia nằm ở phía Tây hòn Lớn, mũi Hanh. Đúng là tình thế càng ngày càng nguy ngập. Đó là theo đài BBC. Địch đã đánh gần tới thủ đô . Còn đài Sài Gòn thì lúc nào cũng quân dân ta đang chống trả mãnh liệt, bẻ gãy hầu hết các âm mưu tiến quân của địch. Chẳng có phổ biến một tin tức gì mới lạ.
\
Không ai ngờ đêm này lại là đêm rối loạn. Ngay giữa khuya . Vì có người phát giác ra tư lệnh đã vọt rồi . Bằng chứng là chiếc xe jeep của Tư Lệnh đang nằm trơ trọi một mình trên cầu tàu . Không tài xế, không người trông coi . Vậy thì còn chờ đợi gì nữa, hãy bồng bế nhau đi . Thay phiên nhau xách xe Tư Lệnh chạy ra cư xá chở vợ con vào cầu tàu . Để chuẩn bị đi ra tàu lớn. Tôi không dành được xe, lội bộ trở ra nhà mới biết hành trang và tài sản của gia đình vợ tôi và con nhỏ em còn đang lu bu thu dọn. Cho vào bị vào xắc. Lại lội bộ trở vô cầu tàu như gà mắc đẻ. Để xem chừng động tĩnh. Để mong ngóng coi thằng Luân đem ghe riêng của mình vào chưa . Một vài gia đình đã xuống ghe căn cứ tách bến chạy ra chiến hạm. Vẫn còn đủ thì giờ cho nên mọi người phần lớn đều giữ được bình tĩnh. Dân chúng chưa ai hay, đang còn say ngủ trong canh khuya.
Nhưng "Thần Chết" bỗng dưng ở đâu lại hiện về. Chết, Tư Lệnh chưa đi ? PCF từ ngoài khơi rẽ sóng tiến vào, cặp cầu. Tư Lệnh đứng trên boong quát lớn:
- Các anh làm gì ở đây, hả ? Làm loạn hả ? Tôi còn đây mà chưa chi mấy anh đã lo chạy, hả ? Các anh muốn tôi xử bắn các anh sao ? Có đi về hết không?
Tất cả số người chưa đi được im lặng lót tót quay trở lên bờ. Tôi vọt trước, không để tư lệnh thấy mặt. Trở về nhà thấy vợ tôi vẫn còn tiếp tục gom góp đồ đạc quần áo, giấy tờ, vật dụng cần thiết dồn vào mấy cái xắc cá nhân và xắc marin. Cả cư xá nhốn nháo, tụm năm tụm ba bàn tán. Vợ chồng Đại úy Kha, Chỉ huy Phó căn cứ ở cạnh nhà tôi, chắc đã đi được ra tàu lớn nên chưa thấy về. Nghe phong phanh ông Tư Lệnh đã đưa hết gia đình ra tàu Mỹ. Vậy mà không cho mình đi mới kẹt. Hại bạn ? Chơi như vậy thì chơi với ai ? Ồn ào rồi cũng lắng xuống, kết thúc bằng một giấc ngủ muộn màng. Trong hồi hộp, phập phồng.
Ngày hôm sau, ngày 30 tháng Tư, chín mười giờ sáng tôi mới thức dậy . Quên cả vấn đề đi làm. Thấy vợ chồng Đại úy Kha từ mé biển trước cư xá sĩ quan lội cát đi lên. Coi vậy mà cũng sợ. Lỡ ông Tư Lệnh biết được thì tội đâu phải nhỏ. Tội đào ngũ, rã ngũ. Có thể bị xử bắn. Rất dễ dàng trong thời buổi loạn ly và tình thế bất ổn này.
Nhưng chẳng bao lâu, định mệnh của đất nước và dân tộc, định mệnh chung của tất cả mọi người, đã đến. Tôi bàng hoàng nghe Tướng Dương Văn Minh đọc thông điệp "đầu hàng" trên đài phát thanh. Đài Sài Gòn còn bắt được ở Phú Quốc. Hãi hùng cho số phận của mình, lính quýnh không biết phải làm gì. Tôi bảo vợ tôi:
- Anh vào bộ Tư Lệnh coi ông Tư Lệnh quyết định như thế nào . Em và Bé Sáu lo con và chuẩn bị đồ đạc. Anh sẽ trở về liền.
Vừa đến cổng tôi được anh thủy thủ đứng gác cho biết Tư Lệnh đang họp tất cả sĩ quan ở hội trường. Tôi tạt qua câu lạc bộ của căn cứ băng vào phòng họp. Sĩ quan đã có mặt đầy đủ, tôi đứng phía sau nhón chân dòm vô . Đúng vào giai đoạn có người hỏi:
- Xin Tư Lệnh cho biết Tư Lệnh đi hay ở?
Tư Lệnh chậm rãi trả lời:
- Riêng phần tôi, nếu các anh cần tôi ở lại để duy trì trật tự cho kẻ đi người ở trong thứ tự đàng hoàng, tôi sẽ ở lại . Nhưng, tới giờ phút cuối cùng tôi sẽ ra đi . Dầu một chiếc thuyền con giữa biển khơi tôi cũng phải đi . Tôi không thể sống chung với Cộng sản được...
Thế thì còn đợi gì nữa ? Tôi quay người vọt đi . Buổi họp hình như cũng được chấm dứt ngay lúc đó vì tôi thấy nhiều người túa ra chạy theo tôi . Gần đến cổng tôi thấy vợ con tôi và con nhỏ em đã khệ nệ đem hết mấy cái va li, mấy cái xắc marin vào bên trong vòng rào bộ tư lệnh. Vợ tôi cằn nhằn:
- Anh đi đâu mất tiêu đi ? Chờ anh lâu thấy mồ. Anh biết hôn, có một con mẹ bới đầu tóc tới trước cửa nhà mình hỏi thăm nhà anh chị Kha và nhà ông Trung úy Tư . Không biết có phải là Việt cộng nằm vùng hay không, thấy sợ quá. Con mẻ cứ ngó lom lom mấy cây súng hư của anh treo trên vách tường...
- Rồi sao nữa ?
- Em nói ai cũng chạy hết rồi, tôi phải chạy theo . Con mẻ còn nói "hòa bình rồi, thái bình rồi phải ở lại mừng vui chứ chạy làm chi" ... Ghê quá.
Chẳng nói chẳng rằng tôi đỡ túi đồ có vẻ nặng nhứt lên vai, tiện tay xách thêm một cái túi quân trang dài thòng hướng dẫn cả gia đình xuống mé biển cạnh cầu tàu . Mấy đứa nhỏ ngơ ngác không biết chuyện gì, nhìn thiên hạ qua lại như đi chợ Tết. Tất cả nhân viên phòng Nhì và gia đình đều có mặt đông đủ ở điểm hẹn. Gia đình sĩ quan cũng như đoàn viên thuộc căn cứ hải quân Phú Quốc cũng đứng chật trên cầu tàu . Ghe chủ lực và ghe yabuta từng chuyến từng chuyến tách bến đưa người ra tàu chiến. Không thấy chiếc ghe "tình báo" của phòng Nhì đâu hết. Cái thằng Luân say này, giờ này nó ở đâu ? Có tin tưởng nó nổi hay không ? Đã dặn kỹ rồi mà!
Chờ một hồi chẳng thấy tăm hơi, tôi quyết định:
- Bây giờ tất cả cứ đợi ở đây . Nếu thằng Luân tới thì cho mọi người lên ghe và chờ tôi trở lại .
Tôi phải chạy ra chỗ đậu ghe coi thằng Luân nó làm ăn như thế nào .
Tôi chạy ra cổng. Lúc đó không còn ai canh gác và dân chúng bắt đầu tràn tới vòng đai lai rai . Tôi băng qua dãy cư xá đã vắng tanh không một bóng người . Tôi chạy như điên qua bãi cát cạnh cái giếng cạn. Ra đến bờ biển cạnh hàng rào phòng thủ, tôi thấy chiếc ghe phòng Nhì vẫn còn bỏ neo tại chỗ. Nửa mừng nửa giận. Mừng là mừng mình tìm được mục tiêu, giận là giận thằng Luân bê bối không làm tròn việc lớn. Tôi để nguyên quần áo giày vớ, bì bõm lội ra ghe . Nước cao đến ống quyển rồi đến thắt lưng. Chụp được thành ghe . Trời đất quỷ thần ơi, thằng Luân còn đang ngủ. Điệu này nó mới say hồi tối đêm qua . Tôi hét:
- Luân, Luân, Luân... thức dậy Luân. Chạy, Luân...
Nó sực tỉnh, lồm cồm bò ra kéo tôi lên ghe . Tôi tiếp tục hét như muốn khạc ra lửa:
- Quay máy chạy chớ còn chần chờ gì nữa ông cố tổ. Dặn anh có bao nhiêu đó việc mà làm cũng không xong. Thiệt tình.
Thằng Luân nhào xuống hầm máy, quay ba tua liên tiếp không nhúc nhích. Tôi bực mình, hỏi:
- Hồi đó giờ nó có hay kẹt cò như vầy hôn ?
- Không. Nhạy lắm, chỉ quay một tua là nó nổ liền. Sao nhè lúc này mà nó dở chứng vậy cà ?
Chưa quay máy tàu lần nào nhưng thấy thằng Luân làm coi bộ dễ chớ không khó. Mở sút-báp, quay cho có trớn rồi đóng lại . Tôi vọt miệng:
- Anh để nó cho tôi .
Rồi nhảy xuống làm thử. Y chang như một người sành điệu sành nghề. Nhưng chạy hay không còn phải hỏi lại ông trời . Cái đầu máy Yanmar 10 mã lực một block khục khặc vài cái rồi ngưng. Nhưng còn đỡ hơn thằng Luân, già ngắt hết xí quách. Tôi làm lại lần nữa, quay lấy trớn thiệt nhanh, nhanh nữa rồi mới đóng chốt. Trời bất dung nhơn đảng, bạch bạch bạch... Tôi mừng quá sức, thiếu điều muốn quỵ xuống bái tạ cùng ơn trên.
Lúc đem ghe vào đến điểm hẹn thì tôi biết tất cả đã quá trễ. Dân chúng đã tràn ngập bộ tư lệnh. Băng phòng Nhì của tôi bây giờ chỉ còn có Lăng, Nghĩa, Khương, Nhiều . Thái và Un không có mặt. Tôi cho ghe đậu cách bờ một khoảng, sẵn quần áo đang ướt nên tôi nhảy luôn xuống nước đứng chỉ huy . Không quên móc khẩu colt 45 trong ngực ra, lên đạn, cầm chặt trên tay . Người từng người đưa ra . Lẽ dĩ nhiên đám quần thần của tôi trước, rồi mới đến đám quân nhân và gia đình hải quân. Chỉ trong nháy mắt là đầy ghe . Một ông lão không sợ chết vác thằng nhỏ trên vai lội ra đến sát bên tôi nài nỉ:
- Đại úy, Đại úy cho ông cháu tôi đi tôi sẽ đưa đại úy hai lượng vàng.
- Giờ này mà vàng với bạc gì ông ơi . Ghe đầy quá rồi, chở thêm nữa ra ngoài kia sóng dập chết chìm cả lũ. Ông ở lại chờ chuyến khác đi .
Nói xong, tôi liền đẩy mũi ghe ra ngoài vừa phóng theo leo lên sàn, ra hiệu tách bến. Bạch bạch bạch..., tiếng nổ mỗi lúc một dòn, một nhanh. Ai nấy lộ vẻ vui mừng, hân hoan. Như đã hoàn toàn thoát nạn. Nhìn vào bờ thấy thiên hạ lố nhố chật bãi, chật cầu mà sợ. Và càng sợ hơn nữa khi súng đã bắt đầu nổ lai rai bên ngoài vòng đai .
Mấy chiếc tàu Mỹ đã xả máy ra khơi, những cuộn khói đen chưa tan hết trong bầu không khí tạo thành những làn mây thấp. Chiến hạm đã vào đội hình di chuyển từ từ. Trợ chiến hạm HQ 230, chiếc cuối cùng còn lại cũng vừa kéo neo xong. Chúng tôi chạy ra vừa kịp lúc. Cho ghe rà lại bên hông, định cặp, thì than ôi ... tạch tạch tạch... Tụi tôi bị bắn ? Tôi nhìn lên đài chỉ huy thấy ông Hạm trưởng đội kết-bi có rong rêu hoa lá cành, Thiếu Tá Nguyễn Nguyên. Một Nguyễn Nguyên của ngày nào làm Chỉ huy Trưởng căn cứ Tân Châu tôi đã từng gặp, từng ăn cơm chung. Với Đe Đốc Đinh Mạnh Hùng, Tư Lệnh Hành quân Sông, và Đe Đốc Nghiêm Văn Phú, Tư Lệnh Lực Lượng Tuần Thám. Và một Nguyễn Nguyên mới vài ngày qua đã đích thân lên xin tôi bản đồ vùng Thái Bình Dương. Tôi tin tưởng ở mình, đưa tay vẫy rồi che miệng kêu to:
- Commandant, commandant cho tụi tôi lên với . Toàn Hải Quân mình không mà.
Một loạt M 16 trả lời tôi lũm chũm ngay trước mặt. Một thủy thủ trên tàu bắt ống loa lập đi lập lại lời xua đuổi:
- Tất cả các ghe nhỏ không được đến gần chiến hạm. Tất cả các ghe nhỏ... không được đến gần chiến hạm.
Xui cho mình rồi, tôi bỗng nghĩ ra . Chiếc này chắc là chiếc dành riêng cho Tư Lệnh. Thân phận tép riu của tôi không được quyền bén mảng tới . Đi chỗ khác chơi . Tôi bèn ra hiệu cho ghe chạy theo chiếc khác, chiếc 330. Nhưng không còn kịp nữa, chiến hạm đã có trớn lướt đi vùn vụt, nhanh như gió. Ghe xả hết máy mà khoảng cách cứ xa dần xa dần. Biết không thể nào tiếp tục đi xa hơn, tôi đau đớn ra lệnh cho Nghĩa, đang giữ bánh xe tài công:
- Anh đổi hướng chạy ra mũi Hanh cho tôi . May ra còn chiếc tàu Mỹ nào chưa chạy, neo núp sóng bên kia hòn.
Nghĩa làm theo lệnh. Được một đỗi, trời bỗng nhiên bừng bừng nổi cơn giông. Mây đen vần vũ và cơn mưa rào bất thình lình đổ chụp xuống. Ào ào ào, rất là nặng hột. Ai nấy ướt ngoi ngóp như chuột lột. Gió ngược, sóng ngược ùn ùn nổi dậy tư bề, muốn nhận chìm xuống biển chiếc ghe chở khẳm. Bề dài bảy tám thước bề ngang một hai thước, với hơn hai mươi mạng lớn nhỏ, lúc nhúc trên ghe . Tôi bỗng nghĩ đến vợ con tôi . Tôi không muốn mình bị rơi vào tình trạng ""Anh Phải Sống."" Tôi ra lệnh cho Nghĩa một lần nữa:
- Anh tốp ga, quay lại cặp cầu Bộ Tư Lệnh cho tôi . Lấy đầy dầu rồi sẽ tính sau . Không thể ra cửa ngay bây giờ được, sẽ bị chết chìm.
Có lẽ cùng có một cái nhìn giống như tôi, Nghĩa làm theo tức thì. Và không ai có một phản kháng hay ý kiến gì hết. Lúc đó tôi biết, tôi vẫn còn đủ uy quyền với đám nhân viên của tôi . Và luôn cả những người quá giang.
Chạy cho đã rồi cũng về bến cũ. Trên cầu tàu, Bộ Tư Lệnh đã thưa người qua lại . Chỉ còn đám đoàn viên và binh sĩ hải quân. Dân chúng đã tản lạc đi các nơi khác, không còn chiếm đóng bộ Tư Lệnh nữa vì phương tiện ra đi đã không còn. Ngay chính gia đình tôi cũng vậy, phương tiện đi ngoại quốc, đi Mỹ đã mất. Nhưng nhìn kia, chiếc PCF 11 vẫn còn nằm tại cầu . Một hi vọng cỏn con vụt lóe lên. Rồi lại tắt lịm ngay . Tưởng là số mình còn hên, ai dè xui lại gặp rủi . Vì viên Trung úy Thuyền trưởng, bạn của Lăng, lại trung thành với trung tá Hản, chỉ huy trưởng Hải đội 4 Duyên phòng. Nhứt định không chịu đi, quyết một lòng chờ đợi .
Biết số phận mình trời đất đã an bày! Bởi vậy sau khi lấy dầu xong tôi quyết định trở về đất liền, trở về quê hương. Không đi đâu hết. Một lần nữa, không ai phản kháng, không ai có ý kiến. Tôi kiểm điểm lại người trên ghe . Ngoài đám nhân viên và gia đình phòng Nhì, còn có gia đình Đại úy Nguyễn Ngọc, là bạn cùng khóa với tôi đang giữ chức vụ Chánh văn Phòng Tư Lệnh. Gia đình Đại úy Phạm Vũ Kim, khóa đàn anh đang giữ chức vụ Trưởng phòng 6. Gia đình Trung sĩ Nhứt Lễ, Lê Quang Lễ, em ruột Nghĩa . Thượng sĩ Nhứt Võ Thành Liêm bên phòng Truyền Tin chạy một mình. Và nhiều người trước đó tôi chưa quen như anh Hải, anh Lộc... Thêm một bạn đồng hành nữa vừa mới nhảy xuống ghe, Thiếu Tá Trần Hữu Tân, cũng thuộc khóa đàn anh.
Lúc đó vào khoảng một hai giờ trưa . Lòng tôi bâng khuâng trống vắng. Không biết nên trách trời hay trách ai . Mưu sự tại nhơn mà thành sự tại thiên đúng là như vầy ? Kế hoạch của tôi không xong mà kế hoạch của Trung úy Lăng, người sĩ quan hai lần phụ tá cho tôi, cũng bị thất bại . Bất ngờ. Không ai đoán được chữ ngờ.
Để bảo vệ lấy thân, Luân cho mấy thằng em chui xuống hầm bê súng ống chất đầy trên sàn ghe . Ngoài vũ khí cá nhân, năm bảy khẩu M16, còn có một đại liên M30, một phóng lựu M79, và một máy truyền tin PRC25. Đạn dược thì vì chưa có dịp để xài nên hiển nhiên đầy đủ cấp số. Nhưng tình trạng lau chùi dầu mỡ thì không biết có được kỹ lưỡng, thường xuyên hay không ? Hay là rỉ sét bám dầy bên trong, bắn một viên bể nòng ? Gió mặn và nước mặn của biển dễ gây ra cớ sự này lắm.
Nhưng, hình như còn thiếu một món rất quan trọng, tôi hỏi:
- La bàn đâu Luân, sao chưa đem lên ?
Luân chớp chớp mắt nhìn tôi, thều thào:
- Nói ông đừng giận, tôi cất nó trong hộc tủ hồ sơ của phòng mình. Tôi chưa kịp lấy xuống, Đại úy .
- Cái gì ? Hải Quân mà không có la bàn thì làm sao mà hải hành đây ? Như vầy là anh hại tôi rồi!
- Thì Đại úy nghĩ coi, tôi đâu có cần la bàn la biếc gì để đi vòng vòng cái đảo Phú quốc ? Hơn nữa dân đánh cá mà thấy được là tụi nó biết ngay . Đồ của Hải Quân, của PCF, không thể ngụy trang được.
- Ngụy trang, ngụy trang, tối ngày cứ mãi ngụy trang! Dân đi biển mua la bàn PCF xài thiếu cha gì ở đây mà ngụy trang với không ngụy trang. Anh sao khéo nói . Rồi bây giờ tính sao đây ? Hừ..., từ đây về Rạch Giá phải nhắm hướng đông mà đi, vậy thì chỉ còn có cách là để mặt trời sau lái . Nghĩa, anh có nghe tôi nói gì hôn ?
- Được rồi, Đại úy . Ông để tôi lo . Tôi đi đường này thường xuyên mà!
- Chắc ăn hôn đó ? Hết ông Luân rồi bây giờ tới anh nữa thì tôi cũng chịu thua luôn.
Giữa biển khơi mới thấy chiếc ghe cào này quá nhỏ. Hèn chi thằng Luân đi cào suốt ngày này sang tháng khác mà không dư được đồng nào cũng phải . Mọi người chen chúc nhau trên sàn ghe, trong mui . Vợ tôi sợ mấy đứa nhỏ đói, lấy đồ ăn ra cho tụi nó ăn. May hồn có mấy ổ bánh mì thịt vợ tôi đã nhờ thằng Minh, em Đại úy Kha, mới mua hồi ban sáng trước khi chạy . Rồi mọi người bắt chước làm theo, hình như ai cũng có dự trữ lương thực, thức ăn khô . Nhưng không có nước. Giờ này mới thấy nước là quí giá, quan trọng. Với nửa lu nhỏ còn lại để phía sau lái thì phải hạn chế tối đa....
Trời đã về chiều . Mặt trời như lúc nào cũng từ sau lưng chiếu tới đã xuống thật thấp, gần đụng đường chân trời phía Tây. "Trên là trời, dưới là nước, giữa là ta ?" Đó, câu nói đầu môi của những người lính biển. Đã không còn một chút gì oai hùng hãnh diện cả, mà sao chỉ thấy lẻ loi, nhỏ bé quá trong cảnh mênh mông ? Biển cả thật mênh mông. Bốn bề vắng ngắt. Tiếng máy chạy hơn nửa ga nghe đều đều theo tiếng gió. Vận tốc không hơn vận tốc sóng bao nhiêu . Cà rịch cà tang. Ai nấy đều im lặng trong mệt mỏi rã rời, dù chỉ mới bốn năm giờ bó gối trên ghe . Nhưng đã lâu lắm rồi tại sao tôi không thấy bóng dáng hòn Nghệ đâu hết ? Hay là bọn tôi đã đi lạc ? Điều này mới là điều đáng cho tôi lo sợ. Cái khổ tâm hàng đầu của người hải hành vẫn luôn luôn là vị trí của mình. Ta đang ở đâu ? Sao chung quanh chỉ thấy trùng trùng sóng nước?
Bổng nhiên... "bụp," một tiếng kêu hơi khác lạ dưới hầm máy . Hình như chân vịt chém một vật gì thật cứng. Một khúc cây hay một con cá mập nào đó. Cá mập ? Tốt hơn hết đừng nghĩ tới chuyện đó. Nhưng, chắc chắn không phải lên cạn, leo cồn. Vì ghe vẫn tiếp tục chạy ngon trớn. Mà trời ơi, nước. Từ đâu không biết, nước. Đã tràn vào, ngập cả chưn máy. Tôi hoảng hốt:
- Khương, nhảy xuống hầm tát bớt nước ra coi . Bộ bể chỗ nào hay sao mà nước chảy vô lẹ dữ vầy nè?
Khương tức tốc làm theo lời tôi nói . Thêm một thằng trai trẻ nữa, tuổi độ mười bảy mười tám, lạ quắc tôi chưa hề gặp mặt bao giờ, cũng chịu khó nhảy xuống tiếp tay . Một cái thùng thiếc có sẵn trong khoang, lấy thêm cái xoong nhôm lớn của Luân thường dùng để nấu cơm hàng ngày là đủ bộ. Luân tốc ván tìm chỗ lủng. Mới hay cái niềng sắt chịu cây láp phía sau lái đã lỏng một bên, bù loong đinh vít bắt vào ván thuyền lâu ngày đã rỉ sét, mục gãy . Lấy nùi giẽ nhét vào kẽ hở và cho máy chạy chậm lại . Chạy cầm hơi . Đường về quê sao còn dài hun hút. Và có lẽ còn nhiều hiễm nghèo gian nan. Đầu này có người lâm râm khấn vái, đằng kia có kẻ làm dấu thánh giá nguyện cầu.
Đột nhiên bên tay trái có bóng dáng một chiếc tàu Thái Lan mờ ảo xuất hiện trên nền trời . Tàu đánh cá của hãng Đông Phương Ngư Nghiệp Công Ty? Một công ty của Mékong Ngân Hàng được đỡ đầu bởi phó tổng thống Trần Văn Hương ? Những chiếc tàu đánh cá lậu mà tôi đã được chỉ thị hợp thức hóa ? Ôi, nếu mà đúng như vậy thì rõ ràng bọn tôi đã đi lạc. Xa lắc xa lơ . Vì tàu Thái Lan không bao giờ hoạt động trong những vùng biển cạn.
Tôi không mơ mộng chuyện đuổi theo tàu Thái Lan. Chiến hạm của mình kia, chỉ cách nhau có mấy sãi mà còn để vuột mất thì chuyện rượt bắt tàu Thái Lan chẳng khác nào chuyện mò kim dưới đáy biển. Vả lại, dưới nước khác xa với trên đất liền ở một điểm: cách nhau một thước trên mặt biển là cách nhau hàng hải lý. Nếu không có phương tiện di chuyển hoặc không biết lội . Cho nên kinh nghiệm cho tôi biết, nhiều lúc tưởng là đã quá gần nhưng thực sự lại quá xa . Quá xa không những vì ba tấc nước mà còn quá xa vì ba tấc lòng người.
Rồi không bao lâu, bên tay phải lại xuất hiện thêm một chiếc tàu Thái Lan nữa, nhỏ hơn. Hai chiếc mũi đối mũi, có lẽ muốn gặp nhau để trau đổi tin tức. Hình hai chiếc tàu càng lúc càng rõ, càng lớn trên nền trời . Và dường như điểm hẹn lại nằm ngay trên hướng đi của bọn tôi ? Lạ thiệt.
Tôi ngoái lại, nhắc chừng:
- Nghĩa à, anh ráng canh chạy ngay giữa hai chiếc tàu Thái Lan đó cho tôi . Tụi này ủi mình một cái là bảo đảm: đứt tiện làm hai khúc.
Nghĩa làm theo lời tôi, đổi hướng chếch sang một bên. Nhưng quả là trời xui đất khiến, vợ tôi lại chắc lưỡi phàn nàn:
- Anh không cặp vô tàu Thái Lan sao ?
Tôi bâng quơ, vô tình hỏi lại:
- Bộ em muốn đi ngoại quốc hả ?
Vợ tôi cằn nhằn ra mặt:
- Thì cứ cặp vô đi, coi mình có xin được gì thì xin. Cơm nước, lương thực, dầu mỡ... Anh sao không biết tính gì hết vậy.
Cũng như các vị sĩ quan chỉ huy khác, tôi không thể thay đổi quyết định của mình như chong chóng. Quân tử nhứt ngôn, dám nói thì cũng dám làm. Vì mỗi lần quyết định là mỗi lần đắn đo phải trái, suy tính thiệt hơn. Cho nên, phải triệt để thi hành. Quyết định của tôi là trở về đất liền kia mà. Đâu có thể thay đổi dễ dàng như vậy được? Nhưng, đột nhiên tôi thấy vợ tôi nói hết sức có lý. Tôi tự hỏi nếu cặp vô tàu Thái Lan thì có lợi gì, có hại gì? Có lợi là mình còn một cơ hội cuối cùng để ra đi . Và có thể nhờ đó mình sẽ thoát chết giữa biển khơi . Với chiếc ghe tàn tạ này . Hai thằng em vẫn tiếp tục đều đều bơm nước. Có hại là chỉ sợ mình lại vị bắn như tàu hải quân. Rồi vì bất đồng ngôn ngữ, tụi nó sẽ ra tay thanh toán mình trước nếu tưởng lầm mình cướp tàu của nó. Tuy nhiên, bề gì cũng phải thử, phải làm liều mới biết được. Tôi nhảy ra khoang ra lệnh:
- Nghĩa, anh chuẩn bị cặp tàu Thái Lan cho tôi . Chạy nhanh lên một chút mới kịp. Còn Luân, mau cho mấy thằng em đem súng đạn dấu hết dưới hầm. Mau lên, mau lên đi ...
- Dấu làm gì Đại úy ? Ông hãy để tôi thanh toán tụi này .
- Anh có điên hôn ? Cứ đem ba cái vũ khí này xuống hầm cho tôi . Phải bình tĩnh, từ từ mà hành động.
Luân có vẻ không bằng lòng, vùng vằng làm theo lệnh của tôi . Mặc kệ nó. Tôi cởi bỏ áo ngoài . Rồi cởi lấy áo thung để làm cờ hiệu . Màu trắng là màu dễ thấy, dễ nhận dạng SOS. Xong, mặc lại áo ngoài . Ở trần trùi trụi thấy ra cũng không ổn chút nào hết. Phải có lon lá cho nó nể mặt mình một chút, tôi nghĩ vậy.
Hai chiếc tàu Thái Lan đã gặp nhau, ngừng máy nằm một chỗ. Và ghe bọn tôi cũng không còn cách xa bao nhiêu.
Tôi cầm cái áo thung quơ qua quơ lại, trong khi Nghĩa ngang nhiên đâm thẳng vô hông chiếc lớn. Nhìn lên đài chỉ huy tôi mừng quá, vì thằng thuyền trưởng này hình như trông quen quen. Lần nào làm giấy tờ nhập cảnh, xuất cảnh cũng đều thấy mặt nó. Thằng Nghĩa nữa, nếu tôi không lầm, đã có lần dẫn nó đi động Kim Thai trên đảo Phú Quốc. Tôi mong là như vậy . Vì có nặng ân oán giang hồ thì họa may nó mới chịu ra tay cứu vớt mình trong cảnh sa cơ, thất thế như thế này.
Nhưng còn một khoảng độ vài chục thước, bỗng dưng máy ghe nổ bạch bạch bạch... thiệt nhanh, xịt một luồn khói đen rồi im bặt. Chết, tai nạn gì nữa đây ? Ôi thôi rồi, cây láp đã quậy một lỗ lớn đàng sau lái . Nước ào ào tràn vào ghe, cuồn cuộn. Sợi dây ga bằng dây câu, dây ny-lông trong suốt cũng đứt cùng một lúc. Hai thằng em phải bơm nhanh hơn, nhanh hơn nữa . Không kịp nữa rồi . May quá, có một người nhào xuống bịnh lại lỗ cống. Lẹ lên. Đưa áo quần, vải vụn nhét lại . Tất cả mọi người trên ghe nhốn nháo, chộp bất cứ vật gì có thể cầm được trên tay đưa lên vẫy . Tôi cũng vậy, máng cái áo thung lên đầu súng M 16 quơ vùn vụt, quơ bất kể quơ . Tiếng khóc la trong kinh hoàng của nhiều người đã đồng nhịp trổi dậy . Tôi không còn lâm râm khấn vái nữa mà run run nguyện cầu thành tiếng: trời ơi, lạy trời cứu con, lạy trời cứu con...
Và trong những cái tíc-tắc lâu bằng thế kỷ đó, tôi thấy rõ ràng người thuyền phó đã dành lấy tay lái từ tên thuyền trưởng, rồ máy cho tàu quay ngang, từ từ tiến tới . Ôi, còn nỗi mừng vui nào lớn lao hơn nỗi mừng vui của những người đã chết đi đang sống lại . Trời đã cứu.
Tàu Thái Lan cặp sát bên hông. Biển êm cũng thành động khi hai chiếc xáp lại gần. Chiếc ghe cào trồi lên hụp xuống như một khúc củi giữa dòng. Không chần chờ gì nữa, mọi người như một tự động tìm cách leo lên tàu vì mạng sống. Tôi cũng vậy . Đỡ vợ con lên trước, đồ đạc tính sau . Vài thủy thủ Thái phóng xuống ghe tát nước, trét chai, lấp lỗ bể, cố tình sửa chữa chiếc ghe . Số còn lại vui vẻ kéo người lên tàu.
Rồi trong khi những người khác lo dựng lều ở sân trước, Thiếu Tá Tân hợp sức với tôi ra dấu, nói quàng nói xiêng với hai thằng thuyền trưởng và thuyền phó . Hiển nhiên có phụ đề Anh ngữ bằng giấy mực hẳn hòi . Cũng nhờ sự giúp đỡ tận tình của một thông ngôn trình độ tiếng Anh dưới mẫu giáo: anh đầu bếp. Người Tàu duy nhất trên tàu . Vậy mà cũng hiểu được nhau . Đại khái thằng thuyền trưởng chỉ đồng ý cho chúng tôi tạm trú để mọi người bớt say sóng, lấy lại sức trong khi nhân viên của nó sẽ giúp chúng tôi qua sửa chiếc ghe . Sửa xong, nó buộc lòng phải đuổi tụi tôi trở xuống đó. Tôi ngẫm nghĩ, vậy thì cũng như không. Trước sau gì chiếc ghe bể cũng trở về chiếc ghe nát. Ai dại gì xuống đó, bộ muốn tự sát hay sao ? Đâu có được!
Đám ngư phủ Thái tài thiệt. Mới đó mà đã bít được lỗ bể, tác sạch hết nước làm cho chiếc ghe nổi hổng lên cao . Tài hơn nữa là tụi nó đã tìm được bịnh, nối lại sợi dây ga và giựt máy chạy rầm trời trở lại . Tôi chỉ sợ tụi nó đuổi mình xuống ghe ngay lập tức thì nguy, nhưng quái lạ, có người tìm đến tôi: xin. Bằng cách đưa ngón tay chỉ chỉ vô ngực. Tôi gật đầu liền. Trong vui sướng, bằng lòng. Hắn hân hoan cột dây mũi của ghe vào lái tàu . Xong, tàu bắt đầu chạy . Mặc dầu trời đã chạng vạng tối, nhưng tôi để ý tôi biết tàu đang chạy về hướng nam. Tại sao không chạy về hướng tây ? Bộ tụi này còn muốn ở đây tiếp tục đánh cá hay sao ? Bộ tụi này chưa biết tình hình Việt Nam đang thay ngôi đổi chủ ? Thây kệ, nó cứ đi đâu thì đi . Miễn là nó cho mình ở trên tàu của nó giờ nào là hay giờ đó.
Không bao lâu thì đến giờ ăn chiều . Tất cả dồn ra phía sau nhà bếp. Dân tị nạn bây giờ được làm khách, ăn trước. Khác với hải quân ta hay ăn cơm tay cầm bằng dĩa lớn trong những lúc biển động, đằng này tụi Thái không cần biết biển động hay biển êm, cứ phát cho mỗi người một thau . Và một cái muỗng. Cơm canh, thịt cá trộn lộn hết. Ớt đổ vô cố đống cay muốn xé họng và món dưa tỏi, dưa kiệu hình như lúc nào cũng thừa thãi, dư giã. Mà hễ đói bụng thì cái gì lại không ngon.
Chiếc ghe "tình báo" mang tiếng tặng cho một thủy thủ Thái bây giờ đã chìm hơn phân nửa . Biết không thể xài của đồ bỏ được và cũng không thể kéo theo cái của nợ này lâu hơn nữa, một tên hầm hừ chạy lại dùng dao chặt đứt sợi dây dòng. Chiếc ghe sựng lại, rồi từ từ trôi xa, trôi xa như chiếc lá. Âm thầm trong biển tối mông mênh. Tôi cảm thấy đau lòng, xót xa cho số phần của nó trước giờ phút lâm chung. Như mất một người thân. Một người đã tự nguyện phục vụ hết sức mình và bằng lòng ở lại . Xuôi tay về với đại dương. Ôi, hai chữ vĩnh biệt sao mà có thật. Bất giác tôi đưa tay lên chào . Đứng lặng người cho đến khi không còn trông thấy gì hết.
Số phần sống chết của bọn tôi coi như đã gắn chặt vào chiếc tàu Thái Lan này . Chiếc "Manechai Sakhorn 10". Vậy mà nào đã xong đâu . Vì tiếp theo đó chẳng bao lâu, trước mặt tôi lại mờ mờ hiện ra một hòn đảo lớn. Thấp thoáng có ánh đèn dân. Thôi rồi, đúng là hòn Nam Du . Poulo Dama . Vậy thì phe ta vẫn còn nằm sâu trong hải phận Việt Nam. Thằng thuyền trưởng cho tàu chạy về đây với mục đích gì ? Câu trả lời được hiểu ngay tức khắc, phần lớn phải nhờ vào tính phản xạ, trực giác:
- Tao không thể chở tụi mày về Thái Lan được, tao phải thả tụi mầy xuống đây . Tao sẽ bị mất chức thuyền trưởng nếu tao không làm như vậy . Vợ con tao sẽ đói, nhà cửa tao sẽ tiêu tan. Tụi mày phải hiểu cho tao .
Bây giờ tôi mới giựt mình. May là chiếc ghe "tình báo" đã chìm sâu trong lòng biển lạnh sớm hơn dự tính của thằng lõi này . Vậy thì mình phải biết tương kế tựu kế, tìm mọi cách để tiếp tục ở lại trên tàu . Và bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt của một người nửa câm điếc nửa mù chữ, tôi cũng diễn tả cho nó hiểu được ý định của tôi:
- Trong đám tụi tao có nhiều người không biết lội . Đàn bà con nít không bộ mày không thấy sao ? Bộ mày muốn giết tụi tao sao ? Từ đây vô bờ cả cây số làm gì lội nổi . Ghe dân thì không có, ai người ta cũng chạy ra ngoại quốc hết rồi.
Tôi biết chắc trong hoàn cảnh này nó cũng không làm gì khác hơn được. Nhưng tôi phải tiếp tục đưa đề nghị:
- Tại sao mày không gọi máy liên lạc về Bangkok, hỏi thằng chủ mày coi nó có đồng ý cho mày đem tụi tao về xứ hay không ? Nếu nó chấp thuận thì mày khỏe re, vô tội vạ. Biết đâu mày còn được thưởng nữa là đằng khác. Mày phải biết, cứu người lâm nạn giữa biển khơi là bổn phận chung của những người đi biển mà!
- Phải đợi tới mười hai giờ đêm tụi tao mới liên lạc được. Mỗi ngày liên lạc chỉ có hai lần thôi, giữa trưa và nửa khuya.
À thì ra vậy . Tôi đánh liều, chỉ vào hải đồ:
- Hay là như thế này . Tụi tao cứ theo mày ra khơi đi về hướng hòn Thổ Châu, Poulo Panjang. Chờ tới mười hai giờ cho mày gọi về hãng. Nếu chủ hãng không bằng lòng, mày bỏ tụi tao ở lại đảo đó cũng được.
- Ô-kê.
Bây giờ tôi thấy thằng Luân cũng có lý. Trong đầu nó lúc nào cũng chờn vờn một đường lối bạo động: cướp tàu . Cướp tàu ? Vì mạng sống của gia đình vợ con và tất cả mọi người trong nhóm, tôi cũng bắt đầu manh nha chủ nghĩa xét lại . Tôi sẽ có kế hoạch, nhưng tôi hi vọng biện pháp cuối cùng này đừng xảy ra . Kiểm điểm lại vũ khí nắm trong tay tôi thấy hỏa lực của phe ta quá mạnh. Có thể chiếm luôn cả hạm đội đánh cá Thái chớ đừng nói một chiếc. Chẳng lẽ tụi trên tàu này không sợ đám mình làm càng ? Tức nước vỡ bờ. Đụng chân tường phải cắn. Hãy khoan, chờ cho đến nửa đêm cái đã.
Và bây giờ có người tự động khai thiệt. Thiết tha bày tỏ nỗi lòng của mình. Sung sướng phơi trần cái cảnh cháy nhà ra mặt chuột. Thằng Hiếu, Hà Thanh Hiếu . Thằng trai trẻ lạ quắc tôi chưa hề gặp mặt lần nào đã giúp Khương tát nước ghe . Đâu có ngờ nó là đứa đơn thân độc mã không họ hàng quyến thuộc với bất cứ ai trong đoàn của tôi . Chỉ vì một chút khôn lanh ranh mãnh, ngay từ buổi ban đầu đã dám tự động nhảy vô làm đầy tớ giả mạo cho tất cả mọi người, đem đồ đạc từ bờ ra ghe . Thế mới là vỡ lẽ. Thế mới là phòng Nhì ba búa của tôi . Mà tại sao đến giờ này nó mới dám hở môi ? Chắc có lẽ nó sợ tôi nổi khùng quăng nó xuống biển ? Tôi nghĩ tôi đâu có ác đến đỗi như vậy!
Nhưng cũng tại thằng Hiếu và thằng Khương không làm tròn bổn phận mà vợ tôi cứ cằn nhằn tôi hoài:
- Ông già và thằng nhỏ năn nỉ đưa vàng thì không cho đi, đem theo chi cái thứ vô ơn bạc nghĩa . Tối ngày hễ chuyện của thiên hạ thì anh giỏi, còn chuyện trong nhà thì không. Thuở đời nay đồ của ai tụi nó cũng đem lên hết mà đồ của mình thì nó bỏ lại để chìm theo ghe . Anh có thấy anh càng làm ơn lại càng mắc oán hôn?
Cũng có lý. Vì kể từ lúc lên được tàu Thái Lan, nhiệm vụ của tôi đối với bạn bè, đối với nhân viên và những người vô tình đã đi quá giang coi như đã chấm dứt. Mặc dầu có vất vả gian nan buổi ban đầu, nhưng đối với riêng tôi, tôi vẫn coi đây là một thành công mỹ mãn, một công trình vĩ đại . Giờ, trả lại uy quyền của người sĩ quan cho quân đội đang trong tình trạng biến dạng, tan rã. Trả lại uy quyền của người chủ ghe tạm bợ về với biển cả đại dương. Vì hiện thời ai cũng như ai . Làm lại từ đầu . Nhưng có điều làm cho tôi chua xót nhứt là không một ai buồn nói với tôi một tiếng nói biết ơn. Họ chỉ nghĩ tất cả đều từ trên trời rơi xuống. Chính vì vậy tôi đã hoài nghi: hình như mọi giá trị vật chất lẫn tinh thần đều bị đảo lộn hoặc giả không còn nữa ... trong cảnh sống còn.
Thời gian chầm chậm trôi qua và tất cả mọi người sốt ruột chờ đợi cái nửa đêm. Cái nửa đêm về sáng lênh đênh trên mặt biển có một không hai trong đời mình. Và cái nửa đêm đó rồi cũng đã đến. Kết quả là một lần nữa thiệt không còn nỗi vui mừng nào hơn. Thằng chủ hãng không những chấp thuận cho phép thằng thuyền trưởng đem những kẻ lâm nạn, sống sót trở về xứ Thái mà còn tuyên dương hắn làm một người hùng. Thôi, kể từ đây phe ta chỉ còn ăn no ngủ kỹ, thảnh thơi thơ túi rượu bầu.
Tôi âm thầm tặng thằng thuyền phó một món quà rất quí giá đối với nó, khẩu colt 45 còn sót lại bên mình, để tỏ lòng biết ơn người cứu mạng.
Nguyễn Tấn Hưng