Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Thời điểm 1979 - Lâm Hoàng Mạnh

Posted by November 05, 2019 4209
Thời điểm 1979
 
Lâm Hoàng Mạnh
 
---oo0oo---
 


Lời nói đầu
Hàng năm, cứ đến ngày 17 tháng Hai Dương Lịch báo chí Việt ngữ trong và ngoài nước nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, nhưng hầu như người ta quên những nạn nhân của cuộc chiến bẩn thỉu ấy. Trong số những nạn nhân ấy có chúng tôi, trên dưới 1 triệu người Việt gốc Hoa, những người lao động bình thường, định cư nhiều đời, sống rải rác từ 6 tỉnh biên giới Trung-Việt đến các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh… Bắc Việt Nam, đã bị tập đoàn Lê Duẩn bài xích xua đuổi, triệt đường sống. Không còn con đường nào khác, chúng tôi phải ra đi, rời bỏ mảnh đất sinh ra, lớn lên, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi phần mộ ông bà cha mẹ đã yên nghỉ để làm người tỵ nạn.


Cuộc chiến chấm dứt đã 32 năm có lẻ, hai nước đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1992, chủ tịch Trung Hoa, Giang Trạch Dân, đã tặng chính phủ Việt nam 16 chữ vàng: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai". Hậu quả cuộc chiến tranh bẩn thỉu ấy vẫn còn, tuy nỗi đau thương, khốn khổ, tủi nhục, ê chề đã thành sẹo, trong từng con tim khối óc người Việt gốc Hoa, nạn nhân cuộc chiến, chúng tôi có thể tha thứ nhưng không bao giờ quên, đang định cư rải rác trên toàn thế giới.

Một số bà con tin lời mật ngọt đã về “Trung Hoa Vĩ đại” qua đường biên giới. Tất cả đều được đón tiếp “nồng hậu” bằng cách đưa tuốt về những vùng đồi núi hoang dại, được đối xử thật bình đẳng, cho vào chiếc rổ “Hoa kiều hồi hương”, vàng thau lẫn lộn, không phân biệt kĩ sư, bác sĩ hay giáo viên, họ giao cho mỗi người một chiếc cuốc và những bộ quần áo xanh đồng phục, sống trong một khu, gọi là trang trại, được phong chức “công nhân nông trường” với mức khoán làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, không làm… nghỉ ăn. Sau 32 năm, nhiều gia đình vẫn không được nhập quốc tịch.

Ở Việt nam, người ta gọi chúng tôi là “người Hoa, anh Ba Tầu, chú khách”, có người độc miệng còn gọi “quân Tầu ô.” Hồi hương về Trung quốc, dân bản xứ gọi, “Dzit-nàm nhằn”, thân phận người Việt gốc Hoa đau khổ, ê chề không tổ quốc, không quê hương dưới 16 chữ vàng của hai quốc gia cộng sản “núi liền núi, sông liền sông” như thế đó.

Đa số theo đường biển, số phận tùy thuộc vào may rủi, trong đó có gia đình tôi. Làn sóng người Việt gốc Hoa miền Bắc chạy trốn cộng sản Việt nam theo đường biển tìm chân trời tự do, tuy không bị hải quân cộng sản truy đuổi giết hại trong đó có ông Chu Tử, một nhà văn lẫy lừng của nền văn học Việt nam, không gặp hải tặc, gian nan như bà con miền Nam, nhưng những cơn giông bão cũng đã cướp đi sinh mạng nhiều người vô tội. Gia đình tôi may mắn đã đến được Hương Cảng, cửa ngõ chân trời tự do vào ngày 31-7-1979.

Cảm ơn Người, cảm ơn đời, cảm ơn sự giúp đỡ vô tư của nhân dân và chính phủ Vương quốc Anh, những người thày giáo Anh ngữ và những người bạn Ăng-lê đã cưu mang, giúp đỡ chúng tôi với tấm lòng nhân đạo, hào phóng, vô tư trong những tháng năm đầu tiên của đời tỵ nạn.

Nhân đây xin cảm ơn các bạn Tưởng Năng Tiến, Phùng Tường Vân -cố luật sư Lại Tình Xuyên-, nữ sĩ Phạm thị Hoài, hai bác Uyên Thao và Trần Phong Vũ đã động viên giúp đỡ tôi rất nhiều để hoàn thành cuốn sách.

Lâm Hoàng Mạnh
London, xuân Tân Mão.
17-2-2011 - Kỷ niệm 32 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung.



1. Thời điểm 1979
1a. Đang thiu thiu ngủ, vợ tôi lay lay vai, thì thào:
– Mình ơi, hình như có trộm.

Tôi tỉnh hẳn.

Có tiếng sột soạt rất nhẹ phía sát tường cửa sổ.

Lấy chiếc đèn pin ở đầu giường, ra khỏi màn, tôi bước thật nhẹ bằng đầu ngón chân, đến sát cửa sổ, lắng nghe. Ghé mắt qua khe cửa, cây nhãn sừng sững trong bóng đêm, thỉnh thoảng một làn gió nhẹ lướt qua, xào xạc. Đứng im khá lâu, không thấy tiếng động lạ, vào giường, tôi nói nhỏ:
– Không phải đâu, gió đấy.

Vợ tôi thì thầm:
– Mấy đêm nay rồi, cứ giờ này em nghe thấy tiếng gì lạ lắm.

Đồng hồ điểm 11 giờ đêm, tôi nói nhỏ:
– Thôi ngủ đi, mình có quái gì mà trộm mò vào.

Chuyện ấy xảy ra đã một phần ba thế kỷ, tháng 3-1979, mãi sau này về Việt nam thăm bạn cũ, tôi mới biết nhiều đêm có kẻ rình rập nhà tôi. Không phải trộm, chính các cô cậu y tá, dược tá, hộ lý, kế toán, nhà trẻ… đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong bệnh viện, theo chỉ thị của phó bí thư đảng ủy, kiêm phó giám đốc, Nguyễn Đình Mão, đêm đêm thay nhau rình mò chúng tôi xem có đào hầm chôn mìn, chất nổ hay moi vàng bạc của qúy dưới nền nhà hay không.

Năm 2004, chúng tôi về Việt nam sang cát cho bà ngoại các cháu, nhân tiện lên thăm anh em bệnh viện cũ. Đa số đã về hưu, một số đã trở về cát bụi, bác sĩ Đinh Tất Thắng, đồng nghiệp cũ mời chúng tôi bữa cơm mừng tái ngộ sau một phần tư thế kỷ xa cách.

Trong buổi hàn huyên, Thắng cười, kể:
– Anh chị còn nhớ y tá Tiêm không?
– Nhớ chứ. Cô Tiêm, phòng Đón tiếp khu Đa khoa, gần nhà mình chứ gì?

– Phải. Hè 1980, công đoàn tổ chức lợp nhà giúp Tiêm, trong lúc rỡ mái, em nhặt được túi vải buộc kỹ lắm, dấu ở xà ngang. Mọi người tán, “Chết nhá, phen này giàu to.” Ai cũng tưởng quỹ đen dấu chồng, ai ngờ, sổ tay của y tá Tiêm theo dõi gia đình anh chị năm 78, 79. Cuốn sổ ghi, ai đến chơi, ngày giờ, cả biển số xe đạp. Anh chị biết không, có cả biển số xe đạp của em và bác sĩ Đắc, thế có lạ không?

Thắng cười, bảo:
– Hồi anh chị đi Hong Kong, cả bệnh viện đồn ầm, anh là gián điệp nhị trùng của Mỹ-Trung quốc nằm vùng. Cô Tuyển bên nhà trẻ, cô Thoan bên kế toán, cô Lan bên dược kể, nhiều đêm nấp trong bụi chuối sau nhà, rình anh chị bị muỗi đốt quá chừng vẫn phải ngồi im không dám động đậy, sợ lộ.

Y tá Linh, vợ Thắng nhanh miệng:
– Lão Mão ra lệnh đấy. Hồi ấy tụi chúng nó đang đối tượng đảng. Nhờ chuyện này, sau khi anh chị đi, bọn chúng được kết nạp, đi học y sĩ và dược sĩ một loạt.

Vợ tôi hỏi:
– Con Tiêm và mấy đứa bây giờ ở đâu?

Cô Linh cười:
– Tiêm nghỉ mất sức lâu rồi, còn mấy đứa kia cũng nghỉ một cục (1), bỏ cả sinh hoạt đảng chạy chợ, có hai thằng con, đều nghiện.

Vợ tôi bồi thêm:
– Đáng đời quân tay sai. Làm điều bất nhân làm sao khá lên được.

Từ cuối năm 1978, nhiều gia đình người Hoa rục rịch chạy về “tổ quốc vĩ đại”. Bản tin thời sự đài truyền hình Việt nam thường xuyên đưa cảnh người Hoa vùng biên giới Lạng-sơn, Lào-cai, Móng Cái…. hồi hương qua các cửa khẩu. Người gồng kẻ gánh, xe đạp, xe bò chất đầy đồ, tay xách nách mang, nồi niêu xoong chảo, người già trẻ con dắt díu nhau từng đoàn, từng đoàn nhếch nhác, khổ sở chẳng khác cảnh chạy loạn năm 1946 khi toàn quốc kháng chiến. Gia đình tôi rất hoang mang, rối bời, không biết nên về hay nên ở.

Ngày 17-02-1979, Đặng Tiểu Bình “dạy cho Lê Duẩn bài học” bằng cách tổng tấn công chớp nhoáng trên 600 km đường biên giới. Cuộc chiến tranh chấm dứt sau hơn một tháng, hai bên thiệt hại nặng nề nhưng đều tuyên bố chiến thắng to lớn, vang dội! Cửa khẩu vùng biên đóng cửa, trong khi đó trên mọi phương diện truyền thông -báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình- toàn quốc công khai tuyên truyền bài xích, xua đuổi bằng cách đưa tin người Việt gốc Hoa làm gián điệp, làm chỉ điểm, làm tay sai giúp quân Trung-quốc tấn công những cơ sở bí mật của Việt nam, để kích động thù hận.


Vùng biên giới, từ cụ già tóc bạc phơ đến các cháu học sinh người Việt, hễ gặp người Hoa đều chửi thẳng vào mặt, “quân Tầu sao chưa cút về nước?” Có người còn bảo “ở lại làm gián điệp hả.”

Sức ép tâm lý vượt qua sức chịu đựng, vì thế nhiều nơi người Hoa ra đi trắng cả một vùng như đảo Trà Cổ, thị xã Móng Cái không một bóng người.






Từ tháng 4-1979 chính quyền Hà-nội, Hải-phòng và những tỉnh đông người Hoa họ trưng bày triển lãm: “Quân và Dân Ta Đánh Thắng Bọn Bành Trướng Bá Quyền Trung Quốc Xâm Lược”.

Triển lãm treo rất nhiều ảnh người Việt gốc Hoa làm gián điệp. Chuyện người Việt gốc Hoa làm gián điệp có hay không? Thật hư ra sao? Xin trả lời Có và cũng có thể Không (đúng) như những gì các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước đã đưa tin.

Trong những ngày tháng khốn khổ, khốn nạn tìm thuyền vượt biển, vô tình tôi đã gặp “hai tên gián điệp người Việt gốc Hoa” từng bị tập đoàn Lê Duẩn dán ảnh truy nã toàn quốc.

Sự thật về hai “tên gián điệp” này như sau:

Tên gián điệp thứ nhất:
Voòng Tắc Quay -Vương Đức Quý-, là một thanh niên khoảng 25 tuổi khi tôi gặp vào đầu tháng 5-1979. Nếu còn sống anh lúc này cũng gần 60 tuổi.

Anh ta và tôi đã đóng tiền thuyền cho lão Ké chủ thuyền. Tôi chẳng biết tên thật của lão ta, chỉ nhớ nhà lão ở trong một ngõ nhỏ, khu An Dương, Hải Phòng, đã từng sống ở Lạng Sơn theo như lão ta khoe.

Tôi và anh ta khá thân nhau vì cùng cảnh ngộ vả lại sắp cùng thuyền.

Vương Đức Quý it nói, vẻ mặt lúc nào cũng buồn, như tất cả chúng tôi, vui làm sao nổi khi sắp phải lênh đênh trên biển, sống chết cách nhau có sợi tóc. Một buổi tối, sau khi đi họp tại nhà lão Ké định ngày xuất phát, đi qua Nhà Triển lãm ngay gần bờ Sông Lấp – tôi quên tên phố-, tôi rủ anh ta vào xem triển lãm. Khi đến phòng trưng bày tội ác có rất nhiều ảnh người Việt gốc Hoa làm gián điệp trong đó có ảnh Vương Đức Quý khổ 24×30 đen trắng to tướng treo trên tường. May quá, tối hôm ấy vắng khách, tôi vội kéo anh ta ra ngoài, nói nhỏ:
– Đi mau, họ đang treo ảnh bắt cậu.

Mặt anh ta cắt không còn hột máu, lắp bắp:
– Anh cũng định bắt em?
– Cái thằng, tao bắt mày để lĩnh thưởng à? Sao nghĩ về anh xấu thế!

Ngồi xuống ghế đá trong bóng tối, anh ta kể cho tôi câu chuyện “làm gián điệp” mà tôi tin, đến cả hôm nay, là thật.

Gia đình Voòng Tắc Quay ở Lạng Sơn. Trong lúc cơm sôi lửa bỏng -quân Trung Quốc chuẩn bị tấn công- thì vợ Quay sắp đến ngày chuyển dạ. Vợ chồng anh và cha mẹ hai bên gồng gánh lôi thôi lếch thếch chạy về “ông nội” như hàng ngàn người Hoa vùng biên giới. Đang chạy loạn thì vợ Tắc Quay đẻ! Tắc Quay đưa vợ vào hang đá gần đó, hy vọng vài ngày nữa sẽ đi tiếp. Gia đình hai bên đành phải chia tay, hẹn nhau ở địa chỉ một nhà đã hồi hương mấy tháng trước.

Số phận thật khốn nạn, ngay tối hôm sau chiến sự xảy ra. Cơm nắm, muối vừng sau 3 ngày thì hết nhẵn, vợ đói, con khát sữa, Tắc Quay liều mạng quay về nhà cũ kiếm xem có gì để nuôi vợ đẻ.

Đang lục soát, mò mẫm bị dân quân tóm, trói giật cánh khuỷu như trói khỉ, điệu về bộ chỉ huy tiền phương của “Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.”

Khai gì thì khai, nói gì thì nói, họ không tin, không nghe, tống ngay Voòng Tắc Quay lên xe thùng bịt kín đưa về xuôi với quy kết “gián điệp người Việt gốc Hoa làm do thám!” Tội này nhẹ cũng mọt gông, nặng dựa cột! Nói láo, bom đạn khét mù, đẻ đái gì lúc này! Gián điệp nỏ mồm, nhất là thằng này, tiếng Tàu tiếng Việt nói ào ào! Thằng này nằm vùng lâu năm, nay mới bị bắt quả tang. Thế là Voòng Tắc Quay thành gián điệp Trung Quốc nằm vùng 100%!

Đáng đời “thằng Tàu phù”, nhiều người Việt chửi thẳng vào mặt Tắc Quay khi bị giải đi!

Chiến sự lan rộng, nơi giam Tắc Quay có nguy cơ bị tấn công. Trong lúc nhộn nhạo, Tắc Quay và hai, ba người cùng cảnh đã đào tẩu, chuồn một mạch, vừa đi bộ vừa chạy và ăn cắp áo quần dân địa phương để thay đổi hình dạng đến Thái Nguyên. Chả biết trời xui đất khiến thế nào anh ta gặp ông Mềnh –Minh- ở ngay giữa chợ, bạn cũ của gia đình ở Thái Nguyên, cũng đang chuẩn bị chuồn khỏi Việt Nam, đã giúp Quay xuống Hải Phòng tìm lão Ké. Lão Ké cho nợ tiền thuyền, nhưng với điều kiện ra nước ngoài phải trả lại cả lãi gấp đôi. Quay gật đầu lia lịa và cảm ơn rối rít, trở thành tên đầu sai cho lão, không công ngoài hai bữa cơm chính. Tôi hỏi:
– Sau đó có gặp lại vợ con không?
– Em chẳng biết tin gì.

Nói xong, Quay khóc nức nở như đứa con nít.

Tôi không biết Voòng Tắc Quay còn sống hay đã là người thiên cổ trong bụng cá ở biển Đông, bởi sau khi phát hiện lão Ké ma cô, mua 3 chiếc thuyền để đưa người đi như đi du lịch, tôi rút lại tiền đi tìm thuyền khác. Chúng tôi chia tay nhau. Từ đó không gặp lại. Những ngày ở Kho Đen, tôi ngóng tìm Tắc Quay mà không thấy. Tôi tự hứa với lương tâm, nếu có dịp tôi sẽ đưa chuyện này ra ánh sáng để thanh minh cho những nỗi oan trái của các người đồng hương thấp cổ bé họng, bị cả Việt Nam và Trung Quốc dùng làm con tốt đen trong cuộc chiến bẩn thỉu, khốn nạn, đê tiện.

Tên gián điệp thứ 2:
Người nay tên là Lý A Sáng -Lý A Sinh. Tôi gặp anh ngay tại bờ biển Bắc Hải khi thuyền chúng tôi hỏng phải ghé sửa. A Sáng có nước da khá sạm, đôi mắt sáng, nhanh nhẹn. Tôi đang ngồi trong chiếc lán bằng 3 mảnh áo mưa ghép lại thì anh ta mạnh dạn đến hỏi tôi có bán chiếc mũ cối không. Buồn ngủ lại gặp chiếu manh, tôi vội hỏi:
– Cậu không đùa đấy chứ?
– Em đâu dám đùa.

– Tớ hỏi thật, tại sao cậu lại định mua chiếc mũ cối cà tàng của tớ?

Kéo tôi ra bờ biển, cậu ta thì thầm:
– Em mới trốn từ nông trường ra đây, nay muốn sang Hong Kong, nhưng chẳng còn giấy tờ gì của Việt Nam.

Tôi cười:
– Tớ thì hơn gì cậu.

Khuôn mặt cậu ta đau khổ:
– Nhưng anh còn rất nhiều thứ mang từ Việt Nam. Nghe nhiều người bảo, a-sề (cảnh sát) Hong Kong sẽ đuổi về nếu biết ai đi từ Tài-loọc (Đại lục). Anh bán cho em đi, cả chiếc va-li cũ nữa.
– Nói thật, tớ cũng đang cần tiền mua đồ ăn cho các cháu. Cậu hỏi, tớ bán tất, kể cả chiếc áo len. Thế cậu trả bao nhiêu?

– Anh tính bao nhiêu?
– Tùy cậu, chỉ biết là gần hai tuần thuyền tớ sửa ở đây, chủ thuyền chỉ phát gạo còn thức ăn phải tự túc.

Cậu ta đưa tôi 5 Tệ để đổi lấy chiếc mũ cối cà tàng, chiếc va-li cũ rích và chiếc áo len đã thủng vài lỗ. Nhờ số tiền ấy các con tôi đã có những bữa cơm có thêm tôm, cá với gạo mọt mua chui từ Việt Nam mà chủ thuyền phát. Cuộc buôn bán chóng vánh đã đưa chúng tôi gần nhau. Cậu ta kể:
– Gia đình em làm nghề buôn thuốc Bắc từ Vân Nam về Việt Nam, khi “rục rịch”, gia đình “té” liền ngay cuối 78. Qua Trung Quốc chúng em được đối xử tốt lắm. Ăn nghỉ tại khách sạn. Anh nghĩ, tuy là dân buôn lậu nhưng có bao giờ được ăn ngủ ở khách sạn đâu. Hàng ngày có cán bộ của tỉnh đến hỏi chuyện, ông ấy biết tiếng Việt còn thạo hơn em, (A Sáng nói còn trọ trẹ, kiểu như “đồng bào” thành “tồng pào”, “tờ báo” thành “tờ páo.”) Em khai tất tần tật, có gì khai nấy kể cả chuyên theo a-pá (cha) và pằng-dẩu (bạn) đi buôn thuốc Bắc lậu. Cán bộ ấy vui lắm chứ không bắt bẻ và chẳng bao giờ hỏi tại sao. Sau 3 tuần, em được họ đưa đi bằng xe com-măng-ca đít tròn (2) đưa đến một cơ quan trong thành phố. Em được chiêu đãi cơm rất thịnh soạn.

Cậu ta nuốt nước miếng, nói tiếp:
– Có đến bẩy, tám món. Em được hút ba con 5, uống trà ô-long… Sau khi nghỉ ngơi, tắm rửa xong em được 3 cán bộ mặc quần áo kiểu Tôn Trung Sơn (thuộc loại cốp to) gặp gỡ thân mật và nói: “Đồng chí Đặng Tiểu Bình và các cán bộ cao cấp khác rất hoan nghênh những Hoa kiều yêu nước đã hồi hương và mong các đồng chí đóng góp sức nhỏ bé của mình cho quê hương đất nước.” Anh cán bộ ngồi giữa bảo, từ ngày mai em sẽ về ở trong khu mới, còn vợ con em vẫn ở khách sạn. Em được đưa về khách sạn, hôm sau từ biệt vợ con, em lên xe theo họ. Đến đấy, họ bắt em tập trườn, lăn, bò, toài, tập võ, đâm lê, đánh kiếm, tập bắn súng. Em biết thế là đời em tiêu rồi! Nhưng vợ và 2 đứa con em đang bị làm con tin ở khách sạn. Sau 4 tuần tập luyện, em gặp 10 đồng hương cùng tuổi ở các tỉnh biên giới và em được chỉ định làm đội trưởng. Trước khi chiến sự xảy ra, em đã phải đưa một tổ thám báo theo đường buôn lậu, con đường mà em thuộc như lòng bàn tay xâm nhập Việt Nam nhiều lần. Chiến sự bùng nổ, tất cả tiểu đội em giải tán, mỗi người về một đơn vị trong đoàn quân Trung Quốc.

Tôi hỏi:
– Cậu có tham chiến không?
– Có chứ, dẫn đường, đánh nhau, phiên dịch… làm đủ cả.

Im lặng, rút bao thuốc Đại Tiền Môn, cậu ta rít một hơi dài.
– Chán lắm anh ạ, em là gián điệp bất đắc dĩ. Em biết em đã ăn cơm gạo, uống nước của Việt Nam, nay lại đưa quân Trung Quốc về bắn giết bà con mình. Em đúng là con chó!

Rồi cậu ta chém bàn tay vào không khí, nói to:
– Không, không bằng con chó!

Tôi hỏi:
– Thế làm sao mà cậu chuồn được?
– Dài dòng lắm anh ơi! Chiến tranh kết thúc, gia đình em họ cho chuyển về nông trường chè. Cả họ mạc hai bên góp tiền để em trốn đi, lấy cớ mua nông cụ cho nông trường. Thôi, miễn là hôm nay em ra được Pắc-hổi (Bắc Hải) này và đã đóng tiền thuyền, mai thuyền em nhổ neo. Anh đừng có nói với ai. Zdit-nàm-nhằn mà biết, họ “trảm-cô-thầu” (chặt đầu) em đấy.

Tôi hứa và đã giữ kín chuyện này hơn 30 năm.

Lý A Sáng, anh ở đâu trên trái đất này?

Xin thông cảm cho tôi đã không giữ trọn lời hứa, vì cộng đồng Minh Hương chúng ta mà tôi đã thất hứa. Anh hãy coi đây là lời tạ lỗi!

Hôm nay vì lợi ích của tất cả cộng đồng người Việt gốc Hoa ở trong và ngoài nước, tôi buộc phải viết ra để mọi người hiểu: Tắc Quay, A Sáng và những người như anh đã bị dính giữa hai làn đạn của cuộc chiến tranh bẩn thỉu giữa hai đồng chí cộng sản, để bà con người Việt thông cảm và tha thứ lỗi lầm của những người đó.

Nguồn: Hồi ký và Hình ảnh

(1) Từ năm 1982, kinh tế Việt nam bên bờ vực sụp đổ, chính phủ giảm biên chế, người nghỉ việc được trợ cấp 1 lần, tính theo thâm niên, mỗi năm được lĩnh 1/ 2 tháng lương Lĩnh một lần, quen gọi “về một cục (tiền)”.

(2) Thời ấy Trung quốc có hai loại xe hơi dành cho cán bộ cấp tỉnh, đít tròn và đít vuông. Com-măng-ca đít tròn sang hơn, dành cho cán bộ cáo cấp hơn.

*******

1b. Thời điểm này, tập đoàn Lê Duẩn ra sắc lệnh cấm người Hoa làm việc trong 7 ngành nghề: Y tế, Giao thông, Lương thực & Thực phẩm, Giáo dục, Kinh tế (Ngân hàng, Tài chính), Ngoại giao và Văn hóa.

Ai đang làm bắt phải thôi việc, làm chúng tôi nháo nhào bán tống bán tháo đồ đạc chạy cho mau. Chú tôi, đảng viên cộng sản khóa 3-2-1960, Phó thư ký công đoàn Cảng đã buộc phải làm đơn xin ra khỏi đảng, buộc về hưu non. Thím tôi cũng bị nghỉ mất sức. Con gái ông, Y sĩ cũng bị thôi việc, tình cảnh khốn đốn, nhà 8 miệng ăn, không ai có việc làm, cứ đà này chắc chết đói.

Nước đến chân rồi! Chết đến đít!
Phen này chậm chân chắc tiêu đời!


Chợ Sắt đầy người bán các thứ đồ đạc của người Hoa chạy loạn, đủ loại thượng vàng hạ cám, nhưng toàn đàn bà Việt bán. Họ là vợ, con của người Hoa, trong đó có cả thím tôi, vợ tôi tham gia chợ cóc đó từ tháng 5-1979 cho đến trung tuần tháng 6-1979!

Tôi yêu văn chương từ thuở học primary Pháp thuộc, càng lớn càng nghiện mua sách, cho nên tôi có số sách thật khổng lồ, nay đem sách đi bán chắc chắn sẽ góp một phần không nhỏ cho chi phí chuyến đào tẩu. Đau đớn lắm, những tác phẩm quý của tất cả các tác giả Đông Tây in bằng tiếng Việt từ thời Pháp cho đến 1978, vài ngàn cuốn. Tôi phải cho vào bao tải chở bằng xe đạp nhiều lần, bày bán ngay trước cửa hiệu sách của thị xã. Anh cửa hàng trưởng -tôi là khách hàng mua đã 15 năm từ khi ra trường- nhìn tôi ứa nước mắt. Anh biết tôi yêu sách như yêu vợ, yêu con, như máu thịt của tôi mà những ngày này tôi phải cắt từng miếng thịt bán cho thiên hạ lấy tiền, đưa vợ dại con thơ chạy trốn!

Sao oan nghiệt thế! Các giáo viên cấp 3, giáo viên trường trung cấp sư phạm 10+2, bạn tôi, học sinh khoa Văn, học sinh cấp 2, 3 của tỉnh và thị xã nghe tin đến mua ào ào như tằm ăn rỗi. Họ rất ngạc nhiên, sao tôi kiếm đâu ra những cuốn sách quý và hiếm như vậy. Xin kể vài đầu sách: Tất cả tiểu thuyết, truyện ngắn của Tư lực Văn đoàn, Thơ Mới in từ thời Pháp thuộc mà giai đoạn ấy cấm đọc, cấm tàng trữ! Tôi có cả cuốn Cửa mở của bác Trần Việt Phương (cấm lưu hành), cuốn Bông hồng vàng của nhà văn Nga Konstantin Paustovsky do bác Vũ Thư Hiên dịch từ tiếng Nga, những cuốn này bói không ra. Nghĩa là tôi toàn sách “độc” nên bán chạy hơn tôm tươi. Giá bán không rẻ, thậm chí đắt và rất đắt, bởi tôi biết giá trị thật của nó. Chỉ trong 4 ngày tôi bán được hơn ngàn cuốn sách. Riêng những cuốn tự điển Trung Việt của Văn Tân, Trung Hoa đại từ điển và một số thơ Đường, Tống bằng chữ Hán tôi cho các cậu các dì làm giấy vệ sinh, vì ở Việt Nam lúc ấy loại này cũng hiếm lắm!

Đã bị quả đấm bằng trời giáng,-bài xích, xua đuổi-, của chính quyền, nay thêm cái đạp là đồ đạc bao nhiêu đời, bao nhiêu năm ki cóp bán đi như thể bán đổ bán tháo, gần như cho không, vì những tin đồn thất thiệt có phần do kỳ thị, bài Hoa nên không ai mua.

Tôi không biết ở miền Nam thời ấy ra sao, còn miền Bắc nghèo lắm, mọi thứ đều thiếu, thiếu từ cái nồi, cái bát, cái xe đạp đến manh quần tấm áo, bởi vì mọi thứ đều bán theo phân phối của chế độ mậu dịch. Mua chiếc xe đạp cũng phải lên công an xin giấy đăng kí xe, mua chiếc đài thu thanh đều phải lên ty bưu điện xin giấy sử dụng, ai không có sẽ bị phạt, nhẹ bằng tiền, nặng tịch thu. Ngày nay báo chí gọi “thời kỳ bao cấp”, có người bảo,“ thời kỳ ngăn sông cấm chợ”. Nhưng cấm như thế nào, ngăn ra làm sao, chắc nhiều người đã quên, lớp trẻ hẳn khó biết.

Tết năm 1972, tôi phải trực bệnh viện vào ngày mồng Một, mồng Hai nghỉ sẽ đạp xe về, nên để vợ con về quê ngoại trước. Đêm giao thừa buồn thiu, may gần khu tập thể có anh Đại úy, cùng quê Hải Phòng là chỗ thân tình, phụ trách ban Tuyển Quân (bắt lính) biết cảnh lẻ loi, hẹn sang đón Giao Thừa cho vui.

Tết đó tôi đã viết câu đối dán trước cửa nhà tập thể:

Đêm Ba Mươi, vợ bỏ về quê,
không thịt không hành mà cũng Tết

Sáng Mồng Một, khách quý đến nhà,
có trà Tắm Ngựa thế là Xuân.


Thực ra vế thứ hai tôi viết: “Có thơ có rượu thế là Xuân”. Nhưng tiêu chuẩn Tết mỗi gia đình chỉ được một chai rượu mùi, một gói mứt thập cẩm 500 gr cùng một vài thứ lặt vặt như 20 gr bột ngọt, 10 gram hồ tiêu, 100 gr miến dong giềng, 2 bao thuốc Tam Đảo, 1 gói chè Ba Đình…, vợ tôi đem về biếu ngoại làm gì còn rượu mà đãi khách. Còn tôi trực, báo cơm tập thể. Gọn nhẹ và có hương vị Tết, ké vào tiêu chuẩn của bệnh nhân!

Xin được mở và đóng ngoặc: thời ấy cả nước, - đúng ra là miền Bắc -, chỉ có một nhà máy chè Phú Thọ sản xuất 3 loại chè gói bán ra thị trường: Chè Hồng Đào (loại I) giá 8 hào/gói, chè Ba Đình (loại II) giá 5 hào/gói (hai loại chè này theo tiêu chuẩn phân phối) và chè Thơm giá 3 hào/gói bán tự do. Đây là loại chè hạ đẳng, toàn cọng và chè vụn, đắng chát, nước đen ngòm, chả có mùi vị gì, cơ quan mua phát cho các khoa phòng mỗi tháng 4 gói. Anh bác sĩ Long, khoa Truyền nhiễm, đặt tên, chè Tắm Ngựa, có nghĩa là chỉ xứng đáng để tắm cho ngựa đỡ hôi, người không thể uống nổi. Chúng tôi phải mua chui chè Tân Cương (Thái Nguyên), chè Tân Lạc (Hoà Bình) để uống.

Theo hẹn, gần mười hai giờ đêm, tôi đến nhà anh. Thời bấy giờ còn liêm khiết lắm, chứ chức vụ như anh ngày nay có mà giàu to, không nứt đố đổ vách cũng vài cái nhà lầu 5 tầng, vài ô-sin phục vụ là ít. Thằng nào muốn trốn lính, dăm cây, nhà con một chục cây cũng phải ưng, nhất là cả nước đang mịt mùng khói lửa, lính chết như rạ, thiếu lính đến mức độ phải “vay” trước tuổi. Có nghĩa là theo luật 18 mới phải nhập ngũ, nhưng 17 tuổi cũng phải lên đường, gọi là vay. Tiền tuyến đang cần thanh niên sẵn sàng (chết)! Nhiều cậu tân binh mặt non choẹt, gày nhom, cao chưa tới 1 mét rưỡi, vác khẩu súng trường quét đất! Vì thế ở miền Nam một thời bêu riễu: “7 thằng VC đánh đu 1 cành đu đủ cũng không gẫy”!

Nhà anh, một nếp nhà tranh một gian hai chái. Tuy thế còn hơn tôi, vẫn phải sống tập thể, vợ tôi cũng là y tá đâu có ăn bám chồng. Anh chị đang chuẩn bị đón giao thừa. Nồi bánh chưng đã vớt, hai đứa con anh ngủ say. Vợ anh, chị Hương, đang chuẩn bị lễ cúng, còn anh đứng vơ vẩn ngoài sân chờ tôi. Anh là lính từ những ngày toàn quốc kháng chiến (12-1946), rời Hải Phòng yêu dấu làm nhiệm vụ của thanh niên đánh đuổi ngoại xâm như hàng vạn thanh niên yêu nước khác. Hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, từ binh nhì leo dần lên sĩ quan, vài lần đi bồi dưỡng, tập huấn, thương tật đầy mình, đảng viên cộng sản lâu năm bò dần lên sĩ quan trung cấp, -từ chuẩn uý đến Thượng uý là sĩ quan sơ cấp, từ đại uý đến thượng tá là sĩ quan trung cấp, từ đại tá trở lên là sĩ quan cao cấp- tham gia chiến dịch Tây Bắc nên anh được trụ lại và đóng ở tỉnh Hòa bình, lấy vợ. Chị là con gái nhà lành, bố mẹ buôn bán ở thị xã. Duyên bén, nhưng cơ quan không đồng ý vì xét lí lịch gia đình chị không (chưa) cách mạng, đảng viên, sĩ quan “quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng” lấy dân tiểu tư sản thành thị là mất lập trường! Ba mươi nhăm chưa có vợ, ế đến đít, anh em nói mãi, lãnh đạo mới gật. Nhờ thế anh mới có gia đình, nếu không có thể lên chức Thiếu tướng Phòng Không (vợ) chưa chừng!

Mâm cúng ngoài trời thật đơn giản. Trầu cau, hoa quả và đĩa bánh chưng đã bóc sẵn. Mâm cúng tổ tiên có đĩa xôi gấc, con gà luộc bốc hơi nghi ngút, chiếc bánh chưng, khoanh giò lụa, đĩa nem rán, bát măng ninh chân giò, món rau xào thịt lợn. Chai rượu cam màu vàng óng và bao chè Hồng Đào để cạnh mâm. So với mọi người, nhà anh thuộc loại tươm tất nhất trong cái Tết nghèo khó của đời công chức chúng tôi.

Ai đã từng sống dưới thời bao cấp mới thấy mấy tấm bánh chưng, khoanh giò lụa, đĩa nem rán, bát măng ninh chân giò, đĩa xôi gấc… đặt lên ban thờ cúng tổ tiên ngày Tết là hàng cao cấp, nếu như không nói là hàng xa xỉ. Bởi vì chế độ tem phiếu khắc nghiệt lắm. Tôi biết rõ vì tôi là người trực tiếp làm tem phiếu, xin ghi lại để tham khảo.

Nếu tôi nhớ không nhầm, chế độ tem phiếu bắt đầu từ 1959 (hay 1960?). Hè năm ấy, bọn học sinh Hải-phòng chúng tôi được thành phố trưng dụng đi làm sổ gạo vì “văn hay chữ tốt”. Mỗi ngày đi làm, ủy ban hành chính tiểu khu (phường) trả công 6 hào/ngày, ăn bữa cơm trưa (tập thể) mất 5 hào, còn dư 1 hào chỉ đủ mua 1 que kem hay 2 bát nước chè xanh. Lương mạt hạng mặt mũi vẫn phải vui và tươi roi rói.

Không đi có mà ăn đất! Đừng có mơ vào đại học hay trung cấp chuyên nghiệp. Lí lịch sẽ ghi: có tư tưởng và hành động chống đối chủ nghĩa xã hội! Đời mờ! Đời tàn liền! Xin đi làm bốc vếch -công nhân bốc vác cảng- cũng không xong!

Chế độ tem phiếu chia làm ba loại:

1. Cán bộ công nhân viên chức
2. Nhân dân thị xã và thành phố
3. Nông dân, kể cả nhân dân ở thị trấn

Ngoài ra còn loại tem phiếu dành cho cán bộ cao cấp từ chuyên viên đến lãnh đạo ty sở, từ tỉnh ủy viên đến bộ trưởng. Tiêu chuẩn này cũng có nhiều loại, tôi chỉ biết sơ sơ, nghe hơi nồi chõ, thực tế ra sao xin nhường cho bạn nào biết, viết tiếp cho hoàn chỉnh.

1. Cán bộ công nhân viên chức
Người làm trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước, bao gồm bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, nhà văn… (những người lao động trí óc nói chung), lao động chân tay, cán sự từ bậc 1 đến bậc 4; từ bậc 5 trở lên là chuyên viên hưởng tiêu chuẩn khác. Tất cả hưởng tiêu chuẩn giống nhau:

– Vải 5 mét/năm
– Gạo từ 13 kg 5 đến 25 kg/tháng (tùy thuộc lao động nhẹ hay nặng)
– Thịt từ 500 gr đến 2,5 kg/tháng (tuỳ thuộc tính chất nghề nghiệp)
– Đường từ 500 gr đến 2 kg 500/tháng (tuỳ thuộc tính chất nghề nghiệp)
– Đậu phụ 1 kg/ tháng
– Nước mắm 500 ml/tháng
– Cá tươi hoặc cá khô 500 gr/tháng.

2. Nhân dân thành thị
A. Người lớn

– Vải 4 mét/năm
– Gạo 13,5 kg/ tháng
– Thịt 100 gr/tháng
– Đường 100 gr/ tháng
– Đậu phụ 500 gr/tháng.
– Nước mắm 500 ml/tháng
– Cá tươi hoặc cá khô 500 gr/tháng.

B. Trẻ em từ sơ sinh đến 15 tuổi

– Vải 4 mét/năm
– Gạo tùy thuộc vào tuổi từ 5 kg đến 12 kg/tháng
– Thịt 300 gr/tháng cho trẻ dưới 5 tuổi. Từ 6 tuổi như người lớn
– Đậu phụ và nước mắm như tiêu chuẩn người lớn
– Cá tươi hoặc cá khô 300 gr/tháng.

3. Nông dân và dân thị trấn
Không có một thứ tiêu chuẩn tem phiếu nào, kể cả trẻ em. Họ cũng không được cấp giấy chứng minh thư. Tất cả là con số không tròn trĩnh. Họ bị coi như công dân hạng 2 trong xã hội. Theo cương lĩnh của Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân và nông dân là thành phần nòng cốt của chính quyền vô sản, nhưng người nông dân một nắng hai sương, người làm ra thóc gạo, làm ra mọi của cải vật chất (chính) để nuôi quân, nuôi dân và cán bộ nhân viên nhà nước như chúng tôi thì bị bỏ rơi, loại khỏi cuộc chơi của xã hội. Nhiệm vụ và quyền hạn của họ cũng như toàn dân Việt Nam, có thể tóm tắt 7 chữ vàng: Đóng thuế- Đi lính- Câm cái mồm!

Không tem phiếu, kể cả phiếu vải, động vật nên không cần quần áo? Mỗi xã có một cửa hàng Hợp tác xã Nông nghiệp, gọi thế cho oai chứ trong cửa hàng chẳng có mặt hàng gì quý giá, chỉ có: cày, cuốc, mai, thuổng… (dụng cụ lao động dành cho nông dân), bát đĩa loại phế phẩm, vài phong thuốc lào hạng bét, thuốc lào Tiên Lãng, Hải Phòng không đến luợt, dầu hỏa, muối, đôi khi cũng có nước mắm (khắm và mặn chát), thỉnh thoảng có cá khô (cá mòi, cá chuồn, cá trích… chứ làm gì có cá thu, cá nục) mua về muối nhiều hơn cá do nhân viên bán hàng trộn thêm muối để ăn cắp cá.

Tiêu chuẩn phân phối xem ra đối với chúng tôi cũng sống nổi nếu như mua được hết số tem phiếu. Tuy có tem phiếu nhưng đâu có hàng hoá, may lắm chỉ mua được 50%. Tem phiếu in tháng, hết tháng hết giá trị. Từ năm 1962, tiêu chuẩn gạo bắt đầu phải độn ngô hay bột mỳ từ 30% lên dần 50%, có kỳ 70%, ở miền núi còn độn sắn (củ mỳ) khô, đến năm 1982 cửa hàng lương thực chỉ có 100% hạt bo bo bán cho dân. Năm 1967, sang giảng cho lớp y sĩ xã, thấy các em ăn 1 phần cơm 3 phần sắn khô, có hôm ăn ngô răng ngựa (loại ngô dành cho gia súc, bung lên nở to gần bằng ngón tay cái) với canh rau muống nấu muối, cà muối. Vì thế cô hàng gạo, chị hàng thịt, bà bán cửa hàng bách hóa thời bấy giờ có giá lắm, oai hơn cả kỹ sư, bác sĩ, thày giáo, nhà văn…!

*****

1c. Nhân đây tôi xin kể một số chuyện thật ở tỉnh tôi mà tưởng như chuyện tiếu lâm trong thời kỳ tem phiếu (thời bao cấp).

Chuyện thứ nhất
Tháng 5 năm 1970, trong một cuộc đại hội công đoàn thường niên của tỉnh họp tại trụ sở Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Hoà Bình. Gần 100 đại biểu thuộc các cơ quan ty ngành trong tỉnh đến dự. Trong lúc nghỉ giải lao, một bác bảo vệ cơ quan từ phòng thường trực cầm cái bát to đi đến bàn uống nước của đại biểu ở hội trường, rót nước trà vào bát. Bác đến gần đám đông đứng quanh ông Quách Hy, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh, đặt bát nước xuống bàn, móc túi áo lấy ra một gói giấy nhỏ, chậm rãi mở ra như cố tình để mọi người xem. Người ta tưởng bác lấy viên thuốc, nhưng không, đấy là các ô tem phiếu thịt, cá, đậu phụ… đã cắt sẵn từng tháng theo tiêu chuẩn. Bác thong thả bỏ vào bát nước, thò ngón tay trỏ vào lòng bát, ngoáy đều tem phiếu đang nổi lều bều như thể cho tan trong nước, rồi bưng lên miệng, uống một hơi. Tất cả mọi người trố mắt ngạc nhiên, tưởng ông già này mắc bệnh tâm thần. Bác tỉnh bơ, khà một tiếng sau khi uống hết nước, nói bâng quơ:

– Các loại tem phiếu không mua được thì hoà vào nước uống cũng có đủ chất có phải không bác lãnh đạo?

Mặt Quách Hy tím lại, không ngờ lão bị chính nhân viên mình chơi sỏ. Cơ quan công đoàn và Mặt Trận Tổ Quốc là cơ quan bảo vệ quyền lợi và chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên chức, nhưng đã không làm tròn nhiệm vụ. Tem phiếu nhà nước phát cho cán bộ công nhân viên chức cũng chỉ là những mảnh giấy lộn, vì mấy ai mua hết tiêu chuẩn tem phiếu.

Sáu tháng sau, người ta thải hồi ông.

Chuyện thứ hai
Hôm ấy, khoảng 10 giờ sáng tháng 7 năm 1972 tôi có việc đi qua thị xã. Một người đàn bà Mường có tuổi, đứng trước cửa cửa hàng lương thực thực phẩm Phương Lâm thị xã Hoà bình, miệng gào to:
– L. ơi là l.! L. người ta đẻ ra cán bộ thì được mua đường mua sữa, l. của tôi chỉ đẻ ra nông dân nên ốm đau muốn mua lạng đường cũng không được. Bất công quá! Giời ơi là giời! L. ơi là l.!

Bà ta một tay kéo váy lên ngang gối, tay kia vỗ bành bạch vào bẹn, gào lên điệp khúc “không mua được đường vì l. bà đẻ ra nông dân”. Chỉ một thoáng, hàng trăm người hiếu kỳ xúm lại, đứng vòng trong vòng ngoài xem vở bi kịch thời kỳ bao cấp.

Cái thời bao cấp khốn khổ như thế đấy.

Cha mẹ đến thăm con cháu làm việc ở thị xã, thành phố, bao giờ trước khi đi cũng chuẩn bị dăm bơ gạo, chục trứng gà. Ai giàu hơn thì đôi gà nhốt trong lồng, rồi cơm đùm cơm nắm, tay xách nách mang lên đường thăm. Sau khi trình giấy thông hành kèm theo đơn xin và giãi bầy lí do vì sao có gạo, có trứng, có gà với trạm kiểm soát thuế vụ, các cụ mới được vào (khu cách ly) thị xã hay thành phố thăm con cháu.

Con cháu mừng mừng tủi tủi khi được gặp ông bà cha mẹ và trách khéo, sao đường đã xa, tầu xe khó khăn bố mẹ tuổi cao, lại còn đem cả gạo cả gà ra thế này, vất vả khổ sở lắm. Các cụ gạt phắt, nói dối rằng, quà nhà quê chả có gì ngoài mấy bơ gạo mới và dăm quả trứng, gà nhà nuôi đem làm quà. Nhưng thật ra đó là tiêu chuẩn ăn của các cụ trong những ngày thăm con thăm cháu. Các cụ hiểu lắm chứ, tiêu chuẩn gạo thịt chưa đủ cho chúng, nay tự nhiên có khách chúng lấy đâu ra mà đãi, đong chui có mà chết tiền, lương chúng 3 cọc chỉ có 2 đồng, xoay ngang xoay dọc vẫn thiếu. Sống ở thành thị cái gì cũng phải mua, từ nắm lá chè tươi đến rau thơm quả ớt đều là tiền, tiền không à!

Muốn chơi dăm bữa nửa tháng với thằng cháu đích tôn cũng không dám vì thấy chúng tốn kém quá, muốn đem về quê, cháu còn quá nhỏ cần sự chăm sóc của bố mẹ nó. Vì thế, chả cụ nào có thể ở lại thăm con cháu một hai tháng được, chỉ dăm bữa nửa tháng lấy cớ phải về, vì đến vụ cày, bừa, làm cỏ bỏ phân… -hợp tác xã đang chờ.

Chế độ tem phiếu đã hình thành một bức tường vô hình nhưng cực kỳ hiệu quả để giám sát và ngăn cách tình cảm cha con, vợ chồng và họ mạc giữa nông thôn và thành thị, ngăn chặn được nguy cơ biểu tình chống đối của người dân.

Trong một xã hội, sự giao lưu của cộng đồng không thể không có, người nông dân không sản xuất ra vải, quần áo, giày dép… thì họ có thóc gạo, có con lợn, con gà, mớ rau… đem ra để đổi chác (bán và mua) lấy những thứ họ cần. Nhưng ở chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời bấy giờ điều đó không được phép, bị coi là mầm mống của chủ nghĩa tư bản cần phải tiêu diệt, ngày nay người ta thường nhắc lại với cụm từ “Thời kỳ bao cấp”, có nhà báo nói toạc móng heo, “Thời kỳ ngăn sông cấm chợ.” Ngăn sông như thế nào, cấm chợ ra làm sao, nhiều bạn trẻ chưa hình dung ra những biện pháp quái đản của những người thực hiện chính sách độc nhất vô nhị ấy.

Muốn ngăn sông cấm chợ, người ta phải đặt rất nhiều trạm kiểm soát kiêm thuế vụ ở ngay những trục đường chính sát ranh giới giữa thành thị với nông thôn. Trạm này có hai chức năng:

1. Kiểm tra giấy tờ người đi lại.

2. Kiểm tra hàng hóa và thu thuế.

Một điều rất đáng ngạc nhiên, thời bấy giờ, cán bộ nhân viên ngành thuế vụ, hầu như 90% người Nghệ An, quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh!

Quyền hành quá lớn biến cán bộ công chức ngành thuế trở thành những ông vua con, tác oai tác quái khiến dân địa phương rất căm ghét, vì thế có rất nhiều bi hài kịch diễn ra trong suốt thời kỳ ngăn sông cấm chợ. Dân chúng ghét đến mức không cô gái nào muốn kết hôn với dân xứ Nghệ, dù không làm phòng thuế, gia đình ngăn cấm nếu cô gái nào chót yêu. Họ thường phải về quê lấy vợ. Để chỉ người Nghệ An, người miền Bắc gọi họ là dân Trọ Trẹ, phân biệt với người Lục Tỉnh miền Nam. Đó là sự thật, một sự thật đau lòng. Nếu bạn đọc là người Nghệ An, xin lượng thứ khi tôi viết những dòng này. Đây là một thời kỳ lịch sử cũng như người Hoa bị kỳ thị. Nhân đây tôi cũng xin kể vài câu chuyện có thực trong đời thường.

Văn Điển, vùng nấu rượu có tiếng, tuy không ngon bằng rượu làng Vân, nhưng nơi đây là trung tâm cung cấp rượu lậu cho Hà NộI và thị xã Hà Đông. Ai cũng biết rượu Văn Điển bán chui tất nhiên trạm thuế cũng biết để tịch thu, phạt tiền. Sau nhiều lần mất hàng, các bà các chị nghĩ ra một chiêu khá độc đáo.

Ngày nào cũng như ngày nào, trạm thuế đều thấy các bà chị quang gánh đi chợ mà chỉ lèo tèo vài cân khoai lang, dăm quả bí, quả bầu, ít rau đay, rau mồng tơi… nhưng bà nào cũng bụng to vượt mặt như người sắp đến kỳ ở cữ. Chiều chiều tầm bốn năm giờ lại thấy các bà các chị này về, quang gánh đầy những hàng trên phố, nhưng đặc biệt bụng hết to, cứ như ra tỉnh sinh đẻ không bằng.

Cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng ra, vì thế chiêu đựng rượu vào dạ dầy bò, bong bóng lợn đã thuộc sạch phơi khô rửa kỹ đút vào áo, giả trang bà chửa, bị bại lộ. Bị tịch thu nhiều lần, ức lắm, các bà các chị nghĩ kế phải cho bọn trạm thuế mất mặt và tẩn cho chúng một trận để bù những thiệt hại.

Hôm ấy, lại những bà những chị bụng to lũ lượt kéo đi thành đoàn, nhưng lần này cách không xa lại có một đoàn nam giới đi sau, có người còn mang cả đòn gánh. Qua trạm kiểm soát, ba tay thu thuế đứng chặn ngay cạnh cây tre chắn ngang, hỏi bằng giọng xứ Nghệ:
– Cạc bả cạc chỉ đẩu dzậy?
– Thưa cán bộ, chúng tôi đi chợ.

– Cọ rưởu lẩu khổng dzậy?
– Cán bộ cứ đùa, chúng em làm gì có.

– Không cọ đủa. Cạc bả cạc chỉ ghê lẳm, giẩu rưởu vảo bủng giả lảm bả bầu. Thổi biệt điểu, bỏ ra khổng chụng tổi khạm được đửng cỏ trạch.

Các bà các chị biết bọn này trúng bẫy cò ke, lớn tiếng:
– Chúng tôi làm gì có rượu giấu trong bụng mà các ông bắt bỏ ra. Không tin các ông cứ khám đi.
– Khổng cọ nhiệu lởi, cọ bõ ra khổng?

– Không có sao mà bỏ ra được.

Ba tên đưa mắt cho nhau ra dấu hiệu khám một người có vẻ khả nghi nhất. Chưa kịp sờ vào vạt áo, tất cả các bà các chị đồng loạt vén tất cả vạt áo lên và kéo trễ cạp quần xuống, đồng thanh kêu:
– Đây khám đi, khám đi!

Ba tên mặt đỏ như vừa bị cái tát trời giáng khi nhìn thấy tất cả những cái bụng chửa căng cứng của các bà các cô. Ngay lập tức nhóm đàn ông cũng vừa ập đến vừa chửi vừa giơ nắm đấm đe dọa.

Cứ tưởng như mấy lần trước các bà chứa rượu và dạ dày bò, bong bóng lợn (sau khi đã thuộc kỹ) rồi giấu vào bụng giả làm bà chửa. Ai ngờ hôm nay tất cả bà chửa thật, làm cho bọn phòng thuế một bữa bẽ mặt.

Chuyện vỡ lở. Một đồn 10, muời đồn 100, chả mấy lúc tin xấu này lan nhanh toàn tỉnh. Trạm kiểm soát này phải đóng cửa. Gần năm sau, một trạm mới ra đời cách trạm cũ hơn cây số.

Sau Cải cách Ruộng đất và Cải tạo Tư bản và Công Thương Nghiệp làm mất lòng dân, nhiều nơi có nhưng cuộc nổi dậy lẻ tẻ. Muốn đàn áp, chính quyền đưa ra hai chính sách: Quản lí hộ khẩu và quản lí lương thực thực phẩm một cách thật chặt chẽ. Bởi vì, muốn nổi loạn thì phải tụ tập đông người và phải có lương thực thực phẩm. Có thực mới vực được đạo. Quản chặt hai điều này là giảm được 90% mối họa.

Quản lý lương thực như đã kể, bây giờ tôi xin kể về quản lý nhân khẩu. Thuộc tính của chuyên chính vô sản.

Bắt đầu từ năm 1956, một tổ 3 người của công an khu phố (phường) đến từng gia đình đưa mẫu khai, hướng dẫn thật tỉ mỉ cách khai lí lịch từ 3, 4, 5… đời, rồi trả lời các câu hỏi trong mẫu khai: có ai di cư vào Nam, có ai làm việc cho chế độ cũ, có ai đang ở nước ngoài. Họ làm thật từ từ, không vội vã, từng bước chắc chắn cho đến khi không còn điều gì nghi ngờ nữa, rồi cấp cho một sổ bìa màu vàng ghi rõ “Sổ hộ tịch” (bây giờ là “Sổ hộ khẩu” mầu đỏ). Tất cả thông tin ấy được lưu trữ trong hồ sơ tối mật.

Nông thôn khác, bởi vì người trong làng, trong xã sống chung mấy đời nên biết rõ hoàn cảnh của nhau, thuộc lòng như trong làng có mấy cây đa, bao nhiêu đình, chùa, miếu mạo, vì thế việc làm hộ khẩu nhanh và rất gọn. Nông dân không được cấp sổ hộ tịch, danh sách từng gia đình được ghi đầy đủ trong “Sổ nhân khẩu” để ở UBND xã. Không như dân thị thành là dân tứ chiếng, khắp nơi đổ về, nguồn gốc chẳng rõ, phải bới lông tìm vết cho rõ ngọn ngành để còn quản lí.

Có đầy đủ tài liệu trong tay (tốt, xấu) nhưng vẫn chưa an tâm, chính quyền đặt ra một điều luật nữa: Đi qua đêm phải báo ủy ban xã bằng cách phải xin giấy thông hành. Đến nơi thăm chủ nhà cầm giấy thông hành ra phường xã, khai tạm trú cho khách. Luật khai báo này ra đời từ 1958 kéo dài cho đến hôm nay chưa có dấu hiệu xóa bỏ. Có nghĩa là mỗi một làng xã, một khu phố, người dân được “chăm sóc” một cách chu đáo bởi cơ quan chính quyền địa phương (phường, xã). Nếu so sánh mỗi xã, phường như một trang trại chăn nuôi gia súc thì mỗi UBND phường xã chính là ông chủ trang trại. Chủ phải biết chính xác số gia súc đi đâu, ở đâu và không được để xổng chuồng chạy rông. Xổng chuồng, có tội với Đảng và chính phủ!

Nhìn bề ngoài, ít ai nhận ra đây là một nhà tù khổng lồ không dây thép, không vách tường bao quanh và cũng chẳng có song sắt. Chính quyền Cộng sản đã biến từng xã, từng phường thành một ấp chiến luợc vô hình, kín đáo để quản lí sự hoạt động hàng ngày của từng người dân. Ấp chiến lược này hoạt động hiệu quả và ít tai tiếng hơn Ấp Chiến Lược của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Ai cũng biết chuyên chính vô sản là ghê gớm lắm, độc địa lắm, nhưng hỏi độc địa, tàn bạo ở chỗ nào, ra sao và bắt đầu từ khi nào, tôi tin ít người trả lời một cách thỏa đáng. Nhân đây tôi xin dẫn chứng một chuyện thật 100%.

Hè 1963, tôi đến thăm anh bạn chí cốt từ nhỏ, giáo viên dạy Trung Văn cấp II, cũng đang nghỉ hè, sống ở Dư Hàng. Nhà anh đang có thợ cắt tóc rong đến theo thường lệ. Người thợ cắt tóc rong này rất trẻ, khoảng trên dưới 30, tay kéo bấm tanh tách có vẻ rất chuyên nghiệp, vừa cắt vừa kể chuyện tào lao, tuy không bổ ích nhưng lý thú làm mọi người thấy thú vị.

Thằng bạn tôi bảo “Anh ấy kiến thức rộng lắm, tiếng Pháp làu làu, chả có xí xố xì xộ vài câu mách qué như tao với mày đâu.” Anh ta cắt tóc rong làm kế sinh nhai, độ nhật qua ngày. “Đừng có coi thường!” - “Cái thằng, tao là cái đinh gì mà dám coi thường ai.”

Thấy tay nghề anh rất khá vả lại giá rất bình dân, 3 hào, tôi cũng ngồi vào chiếc ghế xếp bằng vải để anh húi.

Từ đó tôi làm quen với anh và thằng bạn cố tri đưa tôi đến nhà anh ở ngõ Chợ Cột Đèn, đường Trại Cau.

Câu chuyện đời anh thật đau thương, day dứt trong tôi mãi đến hôm nay.

Anh tham gia kháng chiến chống Pháp khi anh đang học tú tài. Anh làm liên lạc cho cấp tiểu đoàn. Hòa bình lập lại, về Hải Phòng, gia đình anh đã di cư vào Nam, để lại cho anh một căn nhà hai tầng ở Đình Đông. Khi anh xuất ngũ thì căn nhà đã có người chiếm -thuê-. Anh đem đầy đủ giấy tờ để xác định quyền chủ nhân. Công an và chính quyền khu phố xác nhận anh là chủ nhân của ngôi nhà.

Nhưng vì có người đang ở -thân nhân của trưởng đồn công an khu phố-vả lại nhà nhiều phòng, họ đề nghị hãy tạm sử dụng một phòng vì anh chưa có vợ. Các buồng còn lại cho thuê và trả tiền hàng tháng là 3 đồng. Khi nào họ tìm được chỗ ở mới sẽ dọn đi, trả lại nhà cho anh.

Anh đành chấp nhận vì không thể làm gì hơn.

Năm 1958, xin vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh tính bán căn nhà lấy tiền chi tiêu cho 5 năm đèn sách. Nhưng người thuê nhà không mua. Sao lại mua, khi chỉ phải trả có 3 đồng 1 tháng! Anh đuổi họ để lấy lại nhà bán cho người khác. Họ cũng không đi vì trong bản ký kết có ghi “khi nào tìm được chỗ ở mới”, hiện nay chưa tìm được.

Cãi nhau, đưa nhau ra khu phố nhiều lần. Thất bại về phần anh.

Uất quá, anh đi tìm người mua gạch, mua ngói, mua cánh cửa v…v.., anh gọi đoàn thợ đến phá ngay căn nhà khi vợ chồng thuê nhà về quê ăn giỗ.

Anh bị bắt, tống giam.

May thủ trưởng cũ biết, can thiệp nên anh được tha. Nhưng hồ sơ lý lịch của anh được chính tay trưởng đồn công an phê: Có tư tưởng và hành động chống phá chủ nghĩa xã hội!

Đời anh tiêu rồi! Sống lay lắt trên chính quê hương mình!

Thời bấy giờ tốt nghiệp cấp III là của quý. Tỉ lệ mù chữ ở miền Bắc 80%. Năm 1956 cụ Tôn Đức Thắng -phó chủ tịch- nước làm Trưởng ban Bình dân Học vụ Trung ương. Tất cả học sinh cấp II và III phải gia nhập đoàn quân diệt dốt. Tốt nghiệp cấp II (lớp 7) vào trường Trung cấp Sư phạm học 2 năm đã thành thày cô giáo cấp II -dạy từ lớp 5 đến lớp 7. Tốt nghiệp phổ thông vào Đại học Sư phạm, học 2 năm ra trường là thày cô giáo cấp III -dạy tư lớp 8 đến lớp 10).

Thế mà anh có bằng cấp III xin làm chân loong toong cũng không xong.

Anh đành học nghề cắt tóc. Có nghề trong tay, xin mở quán cóc đầu ngõ để độ nhật cũng bị từ chối. Anh đành vai đeo chiếc ghế vải, tay xách hòm đồ bằng gỗ có hàng chữ: “Cắt tóc” thật bay bướm, đầu đội mũ tầu phở đi vào các làng phụ cận như Chùa Chiếu, Dư Hàng, Quán Nải… để kiếm ăn.

Nếu chỉ có thế cuộc đời anh vẫn chưa thật bi đát.

Chả biết duyên trời xe thế nào, hôm ấy anh vào khu Chùa Chiếu, đến nhà bác Thông như thường lệ để cắt tóc. Vô tình nhà có giỗ cụ cố, cả họ mời anh ngồi xuống dự bữa cơm với con cháu và họ mạc.

Nể quá, anh ngồi. Không ngờ anh lọt vào cặp mắt xanh của chị Vường.

Sau khi xưởng cưa của bố bị công hữu hóa, chị Vường được làm nhân viên kế toán của xưởng. Một thời gian tìm hiểu, chị chẳng nghĩ đến cái lý lịch bất hảo của anh và gia đình chị cũng không phản đối. Chị lên cơ quan xin giấy chứng nhận chưa có chồng để đi đăng ký kết hôn.

Cơ quan không cấp giấy. Chị và trưởng phòng tổ chức, thủ trưởng cơ quan đấu lý nhau.

Cuối cùng chị tuyên bố:
– Các ông có cấp giấy không thì bảo. Tôi gái chưa chồng, anh ta trai chưa vợ. Chúng tôi yêu nhau, không ai có quyền ngăn cấm. Bố tôi cấm cũng không được, huống chi các ông. Tôi sẽ kiện các ông vi phạm Luật Hôn Nhân và Gia đình 1958.

Được lắm con! Cho chúng mày đói rã họng ra xem có yêu nhau mãi không! Một túp lều tranh với hai trái tim vàng mà không có cuộn giấy bạc thì xem vuông tròn được mấy hôm!

Chị được cấp giấy và bị thải hồi sau khi anh chị làm bữa cơm thân mật ra mắt gia đình.

Con trai tay giám đốc yêu thầm nhớ vụng chị nhưng chị từ chối.

Anh vẫn theo nghề cắt tóc rong, chị đi bán rau ở chợ Cột Đèn. Nghèo nhưng anh chị rất hạnh phúc. Tôi rất quý trọng anh chị.

Một lần, sau bữa cơm rau đậu với gia đình, chị cười:
– Chú cẩn thận đấy, nhà trường mà biết chú quan hệ với anh chị thì chỉ còn cái nuớc bán sấu giầm, thuốc ê thôi.

Anh chị cấm tôi không được viết thư và anh chị cũng không viết thư cho tôi. Tôi biết anh chị cố gắng giữ gìn“trong sạch lý lịch” và “sinh mạng chính trị của tôi.”

Sau khi ra trường. Tôi công tác xa, ít khi có dịp gặp lại.

Năm 1968, tôi đưa bạn gái - vợ tôi sau này - đến thăm anh chị, nhưng anh chị đã dọn đi nơi khác.

Tên anh là Nguyễn Gia Hoàng và chị là chị Vường (tôi không biết họ). Nếu còn, anh chị đang bước sang ngoài tuổi 80.

Chuyên chính vô sản như thế đấy!

Ngoài ra Đảng và nhà nước tuyên truyền tuyệt đối đề cao cảnh giác, gây sự nghi ngờ, đố kỵ lẫn nhau trong cộng đồng, theo kế sách chia để trị.

Xin kể một chuyện có thật về tính đề cao cảnh giác, nhân vật chính là tôi.

Ra trường cầm quyết định của Bộ lên công tác tại tỉnh Hòa Bình, tôi được ty phân công về bệnh viện tỉnh, nhưng chiến tranh leo thang, máy bay Mỹ hàng ngày bắn phá ác liệt thị xã, bệnh viện phải sơ tán vào rừng. Đang sống ở Hà Nội, nay chui ngay vào rừng sâu, đèn dầu nước suối, mở mắt núi cao trước mặt, xung quanh rừng xanh vắt muỗi, rắn rết, thú dữ. Chiều thứ Bảy của tuần thứ 2, buồn quá tôi theo xe bệnh viện ra thị xã cho khuây khỏa. Trên đường, tôi hỏi anh lái xe được biết ở thị xã chiều nào cũng có đổi tem gạo lấy bánh mỳ theo tỉ lệ 1 kg tem gạo đổi được 4 chiếc bánh mỳ 250 gr và phải trả 4 hào tiền công. Xuống xe ở trung tâm thị xã, trời xâm xẩm tối, tôi đi dọc theo đường Quốc Lộ 6 xuống ty lương thực, gặp một người đàn ông khoảng 45 tuổi, tôi lễ phép hỏi:
– Bác làm ơn cho tôi hỏi, chỗ đổi bánh mỳ ở đâu?

Người đàn ông này không trả lời, nhìn tôi từ đầu đến chân rồi lại từ chân lên đầu một cách rất chăm chú, buông ra một câu hỏi đầy nghi vấn:
– Anh ở đâu?

Hôm ấy tôi mặc bộ quần áo lính do thằng bạn cho, mũ cối mất chóp, chân di dép lê, trông thật khả nghi, trí thức chẳng ra trí thức, dân chẳng ra dân, lính chẳng ra lính. Thôi, thằng cha này nghi mình gián điệp nhẩy dù rồi. Được, cho tay này một bài học để chừa cái thói ai cũng là gián điệp. Tôi thủng thẳng:
– Tôi ở đây.
– Ở đây sao không biết chỗ?

– Ông này hay thật, không biết tôi mới hỏi, chứ biết tôi hỏi ông làm gì?

Nói xong tôi đi thẳng, đi được vài bước quay đầu lại, thấy ông ta đi theo. Được, đã thế cho mày chạy thi một mẻ. Tôi rảo bước như thể muốn lẩn trốn. Y lẵng nhẵng theo cách tôi khoảng 10 mét, rồi đột nhiên y rẽ vào một nhà ngay sát bên đường. Chỉ thoáng một lát có hai người đàn ông trong nhà theo ra đi rất nhanh về phía tôi. Thấy nhà ông trưởng ty y tế cách khoảng 30 mét, tôi quay đầu lại nhìn ba người như thể thách thức rồi cắm đầu chạy thục mạng. Họ chạy đuổi theo. Đến trước cửa nhà ông trưởng ty, tôi đứng lại lấy tư thế, rồi nói to:
– Cháu chào bác trưởng ty.

Ông đang ngồi uống nước và đang ghé sát tai vào chiếc đài Xionmao Trung Quốc ngay gian giữa, thấy tôi, ông ngửng lên, vẫy tay bảo:
– Cậu vào đây uống nước.

Tôi vừa ngồi xuống ghế, cả ba người kia cũng vừa chạy đến trước cửa. Vừa thở hổn hển vừa giương 6 cặp mắt đầy ngạc nhiên, vì không hiểu sao cái thằng giời đánh thánh vật kia lại chạy vào nhà ông trưởng ty y tế được! Trưởng ty tôi là người khá nổi tiếng, vì trước khi theo kháng chiến, ông mở trường tư thục nên cả thị xã ai cũng biết mặt biết tên. Thấy ba người vừa thở vừa chỉ chỉ chỏ chỏ, trưởng ty đi ra cửa hỏi:
– Có chuyện gì đấy các bác?

Người mà tôi gặp đầu tiên, lấy tay chỉ vào tôi ra ý hỏi.

Ông cười:
– Anh này chứ gì? Bác sĩ mới về nhận công tác đấy!

Ba người kia quay ra mắng nhau:
– Chỉ tại lão Minh khỉ gió này mới nên chuyện.
– Thì ai ngờ tay này nghịch thật.

Cả ba lủi thủi đi về. Là cựu hiệu trưởng, ông hiểu sự việc, đến gần rồi vỗ vào vai tôi, cười nhân hậu, bảo:
– Là cán bộ rồi đấy. Thôi trò quỷ sứ đi, anh bạn trẻ.”

Quản lí hộ khẩu đã củng cố địa vị độc tôn của chính quyền vô sản một cách có hiệu quả, chính vì thế dù ngày nay đã cởi mở, xóa bỏ thời kỳ ngăn sông cấm chợ, kinh tế tư bản đang phát triển, con người đã phần nào được cởi trói, nhưng nhà nước không bao giờ bỏ quản lí hộ khẩu cũng như không bao giờ bỏ điều 4 trong Hiến pháp.

Thời kỳ bao cấp thiếu thốn đủ thứ, kể cả giấy đi vệ sinh cũng tìm không ra, mua không có, chứ đừng nói những thứ cao siêu như sữa tắm, sữa gội đầu, các loại lotion dành cho phái đẹp bán đầy các cửa hàng, tung bao chiêu để dụ khách như bây giờ vẫn ế. Có nghĩa là có bất cứ cái gì dù second hand, third hand hay fourth hand… đều bán được hết. Cái thời có chiếc xe đạp cà tàng cũng phải lên đồn công an xin đăng kí, có chiếc đài thu thanh cũng phải lên ty sở bưu điện xin giấy mới được quyền sử dụng. Khi mở đài phải mở thật to để mọi người biết đang nghe gì, không phải vì khoe của, chớ có vì pin yếu, ghé sát tai vào đài mà nghe, chắc chắn được công an hỏi thăm liền. Nhẹ cảnh cáo, nặng tạm giam vài ngày và chiếc đài kia bị tịch thu. Nghe đài địch hả? Đài BBC phát thanh tiếng Việt tối phản động, nhất là tay Đỗ Văn giọng ngọt ngào, truyền cảm, ấm lắm, nhưng toàn phát những lời lẽ độc hại. Tôi có nghe trộm đài BBC từ năm 1960, đã lắm.

Hồi xưa, Cộng sản Việt Nam ghét cay ghét đắng Đỗ Văn, thề tóm được sẽ trị cho ra bã! Không biết người ta đã tóm được bác chưa hay bây giờ đang trải thảm đỏ nồng nhiệt mời bác về mở vài” “cua” tiếng Anh cho con các cốp trước khi du học?

Thiếu thốn như thế đấy, ấy thế mà đồ đạc người Hoa bán ra bị chê ỉ chê eo, rất khó bán. Tìm hiểu, do kẻ xấu đồn thổi. Ai đồn thổi? Kế sách của Lê Duẩn? Chính quyền khu phố? Công an? Hay những người quá khích? Thực hư đến nay chưa có câu trả lời, nhưng những lời đồn ác độc này đã gây khốn đốn cho người Hoa rất nhiều trong thời kỳ ấy.

Lời đồn thổi nhanh như cơn lốc bay vào tai tất cả những người dân lao động Việt Nam từ thành phố đến tận các bản làng hẻo lánh, với nhiều lời ác ý và rất vô lý mà họ vẫn tin, như tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và chính phủ. Đồ đạc của của người Hoa rao bán được những kẻ xấu đồn thổi như sau:
– Chớ có mua, bọn Tàu thâm lắm, chúng bôi a-xít vào trước khi bán, mang về dùng chỉ có hỏng thôi, không những thế còn độc hại nữa! A-xít độc lắm đấy!
– Chớ có mua nhà của chúng, chúng chôn mìn ở dưới lòng nhà, mua vào có ngày nổ tung, chết cả nhà. Rẻ chả bõ, mạng người quý hơn chứ!

Căn nhà 2 tầng của gia đình bạn thân của ông chú tôi ở mặt đường rất tiện việc buôn bán ở Hàng Kênh, giá bét nhất cũng phải vài chục nghìn đồng. Tiền lương hồi ấy thấp lắm, bác sĩ, kỹ sư lương khởi điểm có 60 đ/tháng, ra trường làm việc 14-15 năm lương trong khoảng 70 đến 85 đ/tháng, thịt lợn mua chợ đen 20 đ/kg, gạo lên xuống bất thường nhưng cũng từ 22 đến 25 đ/10 kg. Ngôi nhà ấy có từ thời Pháp, ấy thế khi rao bán, bao nhiêu người đến xem ưng lắm, đồng ý mua với giá 10 ngàn (thuộc loại giá bèo), chả biết thế nào, hẹn đến chồng tiền nhưng 10 người hẹn thì đến 11 người đi mất hút.

Cuối cùng, sắp đến ngày thuyền nhổ neo, gia đình ông bạn chú tôi phải bán cho tay trưởng đồn công an khu phố ở sát vách với giá 1 ngàn 700 đồng! Thì ra tay cảnh sát này đe dọa tất cả, hễ ai đến mua nhà của ông Cảnh là đồng lõa, tiếp tay cho bọn phản động sẽ bị xử lí.

Đấy, chúng cướp không như thế đó!

Ngôi nhà này bây giờ có giá bèo nhất cũng phải 2000 đến 5000 Mỹ kim/ mét vuông chứ chẳng thấp hơn, trong khi đó diện tích không dưới 150 mét! Thảm chưa!

Như đã kể, sách tôi bán đắt hơn tôm tươi, hơn cả thịt bê mới thui, ấy thế mà mấy thứ đồ đạc như xe đạp, máy khâu, giường tủ bàn ghế, quạt điện, nồi niêu xoong chảo… rất khó bán.

Không biết sao, nhiều y bác sĩ trong bệnh viện biết chuyện tôi bán đồ bị ế, nên đã thì thầm với các cô y tá, hộ lí đang thiếu đồ đến nhà tôi để mua những thứ cần dùng. Thật may! Các anh chị đồng nghiệp đã ngầm cứu giúp tôi, mãi sau này tôi mới biết.

Thời buổi ấy, người ta không nhân tiện dậu đổ bìm leo, chó iả trèo là tốt lắm rồi, không những thế mà anh chị ấy còn giúp ngầm!

Nhân đây tôi xin thành thật cảm tạ tấm lòng nhân ái các anh chị đã dành cho gia đình tôi. Lãnh đạo Đảng và chính quyền bệnh viện mà biết cũng phiền! Vì thế so với nhiều người, tôi là diện may mắn lắm, tuy đồ đạc bán gần như cho làm kỉ niệm. Nghe tin về giá cả tiền đóng cho chủ thuyền, số tiền tôi có trong tay cũng hòm hòm để trả tiền thuyền cho cả nhà. Thế là chúng tôi đóng gói những gì có thể mang đi, số còn lại không bán được chuyển về quê vợ, gia đình tôi về Hải Phòng tìm thuyền đi Hong Kong như hàng ngàn người Hoa các tỉnh trên miền Bắc để đào tẩu!

Lâm Hoàng Mạnh
(trích trong "Buồn vui đời thuyền nhân")

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Thời điểm 1979)

Rate this item
(0 votes)